Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Ký sự tân sinh viên, nụ cười và nước mắt

Posted: 06 Oct 2012 04:55 AM PDT

– Với nhiều bạn trẻ, thử thách đầu đời của cuộc sống sinh viên không phải
là sách vở, nhà trường mà chính là những xô bồ trên đất Hà Thành với cả nụ cười và nước mắt.

Sống trong sợ hãi 

Khác xa với sự hứng khởi, hào hứng ban đầu, không ít tân sinh viên thú nhận, những va chạm đầu tiên ở Hà Nội khiến họ chỉ biết âm thầm lau nước mắt.


Xóm trọ ngột ngạt nơi Hằng đang sống (Ảnh: Quỳnh Anh)

Mới lên Hà Nội học được vài tuần, nhưng Nguyễn Thị Hằng (quê Hậu  Lộc – Thanh Hóa) luôn phải sống trong cảm giác thấp thỏm, bất an. Tất cả chỉ vì Hằng trót "sa chân" vào một xóm trọ với chủ nhà quái ác.

Căn phòng rộng chừng 10 mét vuông, như một cái hộp bí bức và ẩm thấp. Hai chiếc giường sắt cũ kỹ, kiểu giường ký túc xá trước đây là toàn bộ không gian tự do của Hằng. Khi vào ở đây, Hằng chỉ nghĩ, chấp nhận điều kiện tồi tàn vì giá rẻ, chứ không ngờ sẽ phải chấp nhận cả những điều khoản quái gở như: Không được nói chuyện, gây ồn sau 10h, giặt quần áo không được để nước chảy tràn khỏi chậu, về quê hoặc vắng nhà đều phải báo cáo chủ trọ…

"Hễ vi phạm là ông chủ phạt, phạt tiền từ 50 – 100 nghìn/ lần, hoặc phạt cọ rửa nhà vệ sinh, có khi chúng em còn bị mắng chửi té tát. Có hôm 10h đêm chúng em ngủ cả rồi vẫn bị đập cửa gọi dậy bằng hết để họp, thậm chí bắt chúng em đi tìm giấy tờ để đi photo nộp cho ông ấy ngay giữa đêm. Gọi là họp, nhưng buổi này chủ yếu để ông chủ nhà bắt lỗi phạt sinh viên, quát mắng, đe dọa, chửi bới. Ai muốn chuyển đi thì bị "ép" bồi thường hợp đồng số tiền rất lớn, lên tới vài triệu đồng. SV nghèo, không có tiền nên đành chịu" – Hằng ấm ức tâm sự.

Vì sợ, Hằng và cư dân xóm trọ không ai dám đi ra ngoài khuya vì sợ về muộn phải đứng ngoài hoặc bị phạt. Không ai dám nói to, để chuông điện thoại vào buổi tối… Thèm đi chơi, thèm được tiếp đón bạn bè nhưng không thể, Hằng buồn bã bảo: "Nhiều lúc em thấy như mình sống trong ốc đảo. Nghe các bạn kể chuyện đi chơi, chuyện xóm trọ của các bạn vui thế nào mà thèm".

Sốc, xấu hổ…

Tìm nơi "an cư" đã khó, tân sinh viên còn gặp phải vô số những sự cố trong đời thường. Mỗi lần va vấp là một bài học đau đớn mà các em tự nghiệm ra cho bản thân.

Sau một tháng đi học, tân sinh viên Nguyễn Trần Nam – Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đã trang bị cho mình sự cảnh giác cao độ, và một gương mặt lạnh, thái độ có phần gai góc, khác hẳn lúc vừa từ quê ra phố.

"Nguồn cơ từ vụ "xe buýt" – Nam thổ lộ.

Theo đó, Nam đã "nếm mùi" xe buýt ngay trong lần đầu say xe. Vì không có kinh nghiệm, vì bị động, Nam nôn ngay trên xe mà không kịp xin túi nilon. Mệt mỏi, sợ hãi, Nam lại còn chết khiếp vì thái độ hung hăng của lái xe và phụ xe.

"Họ quát tháo em ngay trước mắt bao nhiêu hành khách, bắt em phải về cuối bến lau chùi. Em đã xin lỗi, gần như phát khóc nhưng họ không tha…" – Nam tủi thân nhớ lại.

Rời xa gia đình, các tân sinh viên bước vào đời với những bài học nhiều cay đắng (Ảnh minh họa – Quỳnh Anh)


…và cảm động

Nhiều kỷ niệm buồn, song vẫn có những tân sinh viên bộc bạch, điều các bạn lạc quan là giữa Hà Nội xô bồ, vẫn có những khoảnh khắc tình người xúc động.

Nguyễn Thị Thùy Trang, SV Trường ĐH Dược Hà Nội kể, em cũng nhận được sự giúp đỡ bất ngờ từ một người lạ trên đường.

"Hôm ấy đã khá muộn nhưng em bị lạc vì lên nhầm xe buýt. Điện thoại thì hết pin, người vừa mệt vừa sợ. Đang nước mắt lưng tròng, không biết làm thế nào thì gặp một cô – dáng vẻ là người đi làm về. Cô ấy nhìn thấy em khóc, dừng lại hỏi thăm, an ủi em như người thân vậy. Sau đó cô ấy cho em mượn điện thoại gọi cho bạn ra đón, và còn đứng chờ hơn 1 tiếng đồng hồ cho đến lúc bạn em ra đến nơi mới yên tâm ra về" – Thùy Trang kể.

  • Quỳnh Anh

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/90686/ky-su-tan-sinh-vien--nu-cuoi-va-nuoc-mat.html

Người học y

Posted: 06 Oct 2012 04:55 AM PDT

Người học y – dược nhiều hơn 80 lần người học sư phạm

TT – Thống kê tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới giáo dục chuyên nghiệp do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 5-10 cho thấy tại các trường ở TP.HCM (năm học 2011-2012) có 23.440 người học trung cấp nhóm ngành y – dược (chiếm gần 36% tổng số người học), gần 19.000 người học nhóm ngành kinh tế.

Chỉ có 277 người đang theo học trung cấp sư phạm mầm non và tiểu học (chiếm chưa đến 0,5% tổng số học sinh bậc học này), trong khi TP đang thiếu hàng ngàn giáo viên mầm non, tiểu học. Ở nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, tuy tỉ lệ cao hơn cả nước nhưng quy mô đào tạo còn thấp so với nhu cầu.

PHÚC ĐIỀN

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/514645/Nguoi-hoc-y---duoc-nhieu-hon-80-lan-nguoi-hoc-su-pham.html

Phải chăng ngành giáo dục luôn có lỗi?

Posted: 06 Oct 2012 12:27 AM PDT

(GDTĐ) – Trong mấy ngày qua, trên diễn đàn báo in và báo điện tử có đăng ý kiến của nhiều chuyên gia, những người được xem là có tâm huyết với nền giáo dục nước nhà. Đây là một chỉ báo tích cực cho thấy sự quan tâm của các nhà khoa học – trong và ngoài ngành giáo dục- đối với sự phát triển của nước nhà. Người viết bài này, đọc những ý kiến đăng tải của các chuyên gia và nhận thấy nhiều ý kiến hữu ích và đầy tâm huyết. Nhưng cũng có một số ý kiến thiếu khách quan và hình như có xu hướng đổ lỗi cho giáo dục khi thấy sự phát triển xã hội không được như mong đợi? Với băn khoăn đó,  mong muốn được trao đổi đôi điều.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước hết, cần khẳng định giáo dục Việt Nam có nhiều vấn đề bức xúc: giáo dục nước nhà hiện nay bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận thì đang có những vấn đề cần khắc phục, thay đổi và hoàn thiện. Đây là chuyện không có gì lạ trong một xã hội đang phát triển như Việt Nam. Ở nước ta, không chỉ ngành giáo dục, mà bất cứ lĩnh vực nào cũng có "vấn đề bức xúc", nếu không đề cập đến thì thôi, còn đã xem xét đến thì đều cần được "giải phẫu" ở mức độ khác nhau. Ngay cả với những nước phát triển thì nền giáo dục của họ cũng có vấn đề, không có nền giáo dục nào hoàn hảo.

Thứ hai, phải chăng giáo dục đang đi lạc hướng?

Nhận xét giáo dục đang đi lạc hướng là một nhận xét có tính phê phán mạnh. Chỉ có điều không hiểu dựa trên cơ sở nào để khẳng định nền giáo dục nước nhà "đang đi lạc hướng" (có báo đưa là "giáo dục đang đi lạc đường")?

Chúng tôi thấy lời khẳng định đó thiếu có cơ sở và luận chứng khoa học. Giáo dục nước nhà có thể lạc hậu so với các nước khác trong khu vực, nhưng không thể phủ nhận những thành tựu của nền giáo dục trong quá trình đổi mới đất nước, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Cách đây 16 năm, Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đến năm 2010.

Ngày 1/10, phát biểu tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 Khoá XI, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định "những quan điểm lớn, quan trọng đã được đề ra tại Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII đến nay còn đúng, cần tiếp tục thực hiện".

Chúng ta ai cũng biết tình trạng lâu nay đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách thì đúng hoặc về cơ bản là đúng, nhưng khó hoặc không thực sự đi vào cuộc sống, không thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Giữa văn bản luật pháp, chính sách và cuộc sống luôn có khoảng cách. Do vậy, rất cần có sự "đánh giá toàn diện, khách quan tình hình triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng cũng như tình hình phát triển giáo dục – đào tạo" để  "khẳng định những thành tựu, kết quả đã đạt được, chỉ ra những bất cập, hạn chế, yếu kém còn tồn tại; làm rõ vì sao giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đến nay vẫn chưa thực sự trở thành nền tảng và động lực cho phát triển? Vướng mắc chính ở chỗ nào?" như phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng, nhằm "bổ sung, phát triển các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mới, nhất là những nội dung đổi mới có tính đột phá, căn bản, toàn diện". Trên cơ sở đó, "khẳng định những quan điểm lớn, quan trọng đã được đề ra tại Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII đến nay còn đúng, cần tiếp tục thực hiện; đồng thời bổ sung, phát triển các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mới, nhất là những nội dung đổi mới có tính đột phá, căn bản, toàn diện". Đây là quan điểm hết sức đúng đắn về đổi mới giáo dục nước nhà.

Thứ ba, "xã hội có vấn đề": lỗi do ngành giáo dục?

Một giáo sư cho rằng "hiện đất nước đang đứng trước một thực trạng bi đát, xã hội nhiễu nhương, văn hóa suy đồi… Cuộc sống bức bách như bây giờ đòi hỏi phải cải cách giáo dục, coi đó là điều kiện sống còn của dân tộc". Khoan hãy bàn đến xã hội ta đang đứng trước một thực trạng "bi đát, xã hội nhiễu nhương, văn hoá suy đồi" ở mức nào. Nhưng khi cuộc sống  có vấn đề "bức bách" thường người ta đi tìm căn nguyên của nó, và sẽ rất dễ quy lỗi cho giáo dục "can tội" không làm tốt chức năng "trồng người". Những ý kiến góp ý cho giáo dục đều hướng đến ngành giáo dục, hệ thống giáo dục ở nước ta hiện nay, mà thường bỏ qua hoặc quên rằng GIÁO DỤC cần được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm giáo dục chính thức/chính quy và không chính thức/không chính quy.

Con người là sản phẩm của toàn xã hội, chứ không chỉ là sản phẩm của nhà trường. Mỗi cá nhân đều được học hỏi từ gia đình (từ khi còn ấu thơ) lớn lên học ở trong nhà trường (với những ai có điều kiện) và học ngoài xã hội.  Nếu sản phẩm giáo dục không được như mong đợi, trách nhiệm không chỉ của riêng ngành giáo dục. Vì giáo dục thế hệ trẻ là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả ba thể chế gia đình, nhà trường và xã hội. Không có một quốc gia nào có thể tách rời vai trò của ba thể chế này trong quá trình xã hội hoá cá nhân. Nói cách khác, không có "ốc đảo" trong giáo dục con người.

Khi dư luận lên tiếng về bạo lực học đường, người ta chỉ quy trách nhiệm cho nhà trường mà không thấy hành vi bạo lực của các em học sinh bắt nguồn từ gia đình và xã hội. Khi mà bạo lực gia đình đang là vấn đề bức xúc, khi mà phim ảnh, quảng cáo bạo lực cùng với các bài viết khai thác các vụ án tình, tiền và bạo lực như nấm mọc sau mưa trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Khi mà xã hội  có các băng đảng xã hội đen hoành hành, trấn áp người lương thiện, hỏi làm sao không ảnh hưởng xấu đến con em chúng ta?

Cũng tương tự, nếu một bộ phận học sinh có hành vi, lối sống sai lệch chuẩn mực xã hội (trấn lột bạn, bia rượu, cờ bạc..) thì người lớn cần nhìn lại mình vì hiện tượng tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, chạy tội..v..v.. đang trở thành "vấn nạn quốc gia". Với những "tấm gương mờ" lừng lững như thế, đòi hỏi tất cả các em đều ngoan là điều không tưởng.

Nhận định về yếu tố cơ bản gây nên "lạc hướng" cho giáo dục, có ý kiến cho rằng  "Chúng ta thường ưa thích những mẫu người chỉ biết ngoan ngoãn chấp hành, quen được dẫn dắt, bao cấp cả về tư duy và hành động, làm gì, nghĩ gì cũng chỉ dựa dẫm vào trên, không dám nghĩ khác, làm khác… Niềm tin mù quáng đó là “chân lý” bất di bất dịch bấy lâu nay, khiến cho cả hệ thống giáo dục dẫm chân tại chỗ".
Đây là một nhận định đầy chủ quan và định kiến. Những người đang giảng dạy trong hệ thống giáo dục hiện nay, nhất là ở bậc cao đẳng, đại học đều nhận thức được tầm quan trọng của đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội trong kinh tế thị trường, hiệu quả công việc là tiêu chí đầu tiên. Giáo dục, đào tạo gắn với thực tiễn, chú trọng kỹ năng thực hành là những yêu cầu cơ bản mà người làm giáo dục hiện nay đều hướng đến.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi bàn về yếu kém của giáo dục, có GS phê phán việc "học để thi, để có bằng cấp đang là động lực phổ biến". Lạ thật, nếu việc học lấy bằng cấp không phải là động lực, thì không biết có mấy phần trăm người đi học vì động lực khác đây? Thử hỏi trên thế giới này có mấy ai đi học mà không muốn lấy bằng cấp hay không? Và thưa các nhà khoa học khả kính, các vị có khuyến khích con cháu mình đi học không cần lấy bằng cấp hay không? Nếu có, liệu con, cháu các vị có làm theo lời khuyên "học không cần bằng cấp" hay chăng?

Ai cũng hiểu bằng cấp là tiêu chí đầu tiên để các đơn vị tuyển chọn nhân lực. Làm sao có thể tin được người không có bằng cấp lại nói họ đã được đào tạo từ trường này, viện kia?  Với bất kỳ quốc gia nào, bằng cấp là "giấy thông hành" của cá nhân bước vào thị trường lao động, là điều kiện tối thiểu khi tham gia lực lượng lao động xã hội. Nhưng việc lạm dụng bằng cấp thì lại là chuyện khác. Tôi tán đồng với nhận định của một GS, rằng "Đó chính là do tệ đánh giá con người chủ yếu qua bằng cấp. Đây không chỉ là tâm lý mà còn trở thành một số quy định chính thức trong một số tiêu chuẩn đề bạt cán bộ, trong quy định tuyển dụng của cơ quan này, địa phương kia". Nhưng "tệ" này không phải lỗi của ngành giáo dục. Vì giáo dục chỉ đáp ứng nhu cầu học và cấp bằng cho người học mà thôi. Vấn đề là tiêu chuẩn tuyển chọn, đề bạt do Bộ Nội vụ và các ban, ngành quy định.

Đổi mới giáo dục là một sự nghiệp quan trọng, điều quan trọng là cách thực hiện như thế nào và thực hiện tới đâu. Trong chuyện này riêng ngành giáo dục không thể gánh vác được. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã có nhận định rất đúng rằng "Tôi cho rằng đây là vấn đề mấu chốt, sự nghiệp giáo dục mỗi lúc một lớn, một rộng không thể để cho một ngành làm được".

Cuối cùng, chỉ xin có lời rằng: góp ý/phản biện cho nền giáo dục nước nhà (hoặc các lĩnh vực khác) bên cạnh trái tim nóng (nhiệt huyết, có tâm), thì rất cần cái đầu lạnh (tỉnh táo, sáng suốt). Nếu cả trái tim và cái đầu đều nóng, thì như tục ngữ Việt Nam đã dạy "Cả giận mất khôn". Thêm nữa, phê phán và chỉ ra cái hạn chế, sai sót không khó. Điều rất khó và quan trọng hơn là đưa ra giải pháp khắc phục khoa học và có tính khả thi, chứ không phải là những mơ ước, những khát vọng chưa phù hợp với điều kiện phát triển của nước nhà hiện nay.

PGS. TS  Hoàng Bá Thịnh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3161/201210/Phai-chang-nganh-giao-duc-luon-co-loi-1963937/

Nhà giáo nghỉ hưu được hưởng trợ cấp thâm niên một lần

Posted: 06 Oct 2012 12:27 AM PDT

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu.

Nghề tay trái thu nhập cao của nhà giáo
Phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo
Nhà giáo được… giảm giá
Bảo đảm thu nhập nhà giáo

Theo đó, nhà giáo thuộc đối tượng và đủ điều kiện tính hưởng quy định được trợ cấp một lần bằng tiền. Mức trợ cấp tùy thuộc vào việc có quyết định nghỉ hưu vào thời điểm nào. Cụ thể, quyết định nghỉ hưu có hiệu lực trong khoảng thời gian từ 1.1.1994 đến 31.12.1998, mức trợ cấp là 2 triệu đồng; từ ngày 1.1.1999 đến 31.12.2003, mức trợ cấp 3 triệu đồng; từ 1.1.2004 đến 1.5.2011, mức trợ cấp 3,5 triệu đồng. Theo Bộ, dự kiến ngân sách chi cho chế độ này khoảng 565 tỉ đồng.

T.Nguyễn

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20121006/Nha-giao-nghi-huu-duoc-huong-tro-cap-tham-nien-mot-lan.aspx

Comments