Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Tiếp tục tìm giải pháp hiệu quả trong phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi

Posted: 31 Oct 2012 06:38 AM PDT

(GDTĐ) – Sáng ngày 31/10, Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND, Sở GDĐT, cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Quảng Ngãi về tình hình thực hiện phổ cập giáo dục mần non (PCGDMN) trẻ 5 tuổi.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi có tổng số 206 trường MN (189 trường MN công lập và 17 trường MN tư thục). Tổng số trẻ từ 0-5 tuổi là 121.141, trong đó có 19.951 trẻ MG 5 tuổi đến trường (đạt 99%) với quy mô là 1.611 lớp. Tỉ lệ trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số đạt 99% (3707/3814 trẻ). Công tác tổ chức bán trú cho trẻ MN ngày càng phát triển, hiện 100% số trẻ đến nhà trẻ, 31,9% số trẻ MG được tổ chức ăn bán trú.

Với mục tiêu hoàn thành PCGDMN 5 tuổi vào năm 2015. Theo đó, lộ trình thực hiện PCGDMN 5 tuổi được xây dựng chi tiết, trong đó đảm bảo giữa năm 2013 sẽ có 2/14 huyện, thành phố được công nhận; đến năm 2014 có 5 huyện và năm 2015 là 7 huyện đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

Đoàn công tác Bộ GDĐTlàm việc với tỉnh Quảng Ngãi về PCGDMN cho trẻ 5 tuổi
Đoàn công tác Bộ GDĐT làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về PCGDMN cho trẻ 5 tuổi

Cho nên, trong hơn 2 năm qua, Ban chỉ đạo phổ cập tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Sở GDĐT cùng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chủ động thực hiện công tác phổ cập; đồng thời, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc tại địa phương và từng cơ sở trường học để kịp thời tham mưu với UBND tỉnh đề ra những giải pháp hiệu quả.

Sau hai năm thực hiện đề án chuyển đổi các trường MN bán công sang loại hình công lập, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) được tăng cường theo hướng chuẩn hóa chuyên môn.

Hiện bậc học MN có tổng số 3.237 CBGNV, trong đó, có 2.838 thuộc biên chế (đạt 88%), số lượng GV đạt chuẩn nghề nghiệp trên 99%, đạt 1,06GV/lớp.

Năm 2012, tỉnh Quảng Ngãi triển khai thực hiện đề án PCGDMN 5 tuổi, kết quả tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,25% (19.555/19.703 trẻ); số trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày theo chương trình MN mới đạt gần 91%.

Việc bố trí ngân sách, chương trình Mục tiêu quốc gia và lồng ghép các ngồn vốn khác để thực hiện phổ cập hằng năm được tăng cường. Năm 2011, UBND tỉnh đã bố trí 2,6 tỷ đồng ngân sách chương trình mục tiêu quốc gia cho công tác phổ cập; cấp 5,2 tỷ đồng từ nguồn vốn phối hợp lòng ghép chương trình mục tiêu xây dựng phòng học, nhà chức năng, nhà bếp; triển khai 57,6 tỷ đồng từ nguồn vốn kiên cố hóa trường học, nhà công vụ để xây mới 156 phòng học; hỗ trợ 800 triệu đồng mua sắm thiết bị MN từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ và ngân sách tỉnh.

Theo đó, trong năm 2012, UBND tỉnh tiếp tục bố trí 1,720 tỷ đồng ngân sách chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng hệ thống CSVC; lồng ghép hỗ trợ các huyện nghèo được hưởng chương trình 30a với hơn 26,3 tỷ đồng đầu tư cho giáo dục.

Tuy nhiên, trước nhu cầu phòng học dành cho MN hiện nay thì tỉnh Quảng Ngãi còn thiếu đến 520 phòng học. Trước khó khăn về kinh phí đầu tư xây dựng phòng học còn ít nên tình trạng học nhờ, học ở phòng tạm đã làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ.

Hiện còn 103 phòng học MN 5 tuổi dùng chung với trường tiểu học. Một vướng mắc khác gây cản trở trong việc đầu tư xây dựng trường lớp là các trường chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (337 điểm trường/132 trường).

Bên cạnh đó, đồ dùng, thiết bị phục vụ dạy học ở trường MN còn thiếu. Công tác vệ sinh trường học chưa đảm bảo. Tỉ lệ học sinh suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi còn cao. Số lượng các trường MN, MG có số lượng điểm trường lẻ còn rất nhiều đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc, giáo dục và nuôi dạy trẻ.

Để nắm bắt tình hình thực tế triển khai thực hiện công tác PCGDMN 5 tuổi, vào ngày 30 trước đó, Đoàn công tác của Bộ GDĐT đã đến kiểm tra tại các Trường MN 17 tháng 3, Trường MN Họa Mi, Trường MG Sơn Tịnh, Trường MN thị trấn Sơn Tịnh thuộc địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, thị trấn của huyện miền núi Sơn Hà và huyện Sơn Tịnh.

Hầu hết, các trường có tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100% và tích cực tổ chức bán trú cho trẻ
Hầu hết, các trường có tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100% và tích cực tổ chức bán trú cho trẻ

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ những khó khăn, vất vả và những vướng mắc trong thực hiện PCGDMN 5 tuổi, đồng thời ghi nhận những kết quả bước đầu triển khai thực hiện PCGDMN 5 tuổi của các địa phương và các trường MG, MN trong toàn tỉnh.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị trong thời gian tới, địa phương cần tích cực và quan tâm hơn nữa đến việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng CSVC cho hệ thống các trường học.

Sở GDĐT chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền kiến thức về chăm sóc và giáo dục trẻ cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển và nhân rộng mô hình nuôi dạy bán trú bằng nhiều hình thức khác nhau, trên cơ sở phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương nhằm đảm bảo thực hiện PCGDMN cho trẻ 5 tuổi từng bước vững chắc.

Trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản, ngành GD đại phương cần tham gia góp ý kiến trong quá trình thiết kế, xây dựng hệ thống trường lớp; đặc biệt là việc xây dựng các khu nhà vệ sinh nhằm đảm bảo an toàn, phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Quang Thích, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận và tiếp thu những ý kiến góp ý của Đoàn công tác Bộ GDĐT.

Trong thời gian đến sẽ tổ chức họp giao ban, tổng kết để đánh giá từng giai đoạn để đề ra những giải pháp có hiệu quả. Trong thời gian tới sẽ quan tâm nhiều hơn đến đời sống giáo viên, thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với học sinh.

Tổ chức huy động các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, đặc biệt trong tăng cường đầu tư xây dựng CSVC trường lớp học. Hướng tới mục tiêu đến năm 2015 tỉnh Quảng Ngãi sẽ hoàn thành và đạt chuẩn về PCGDMN cho trẻ 5 tuổi.

Đại Thắng

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201210/Tiep-tuc-tim-giai-phap-hieu-qua-trong-pho-cap-giao-duc-mam-non-5-tuoi-1964531/

Cần giáo dục thói quen tự vấn

Posted: 31 Oct 2012 06:38 AM PDT

Là tác giả nhiều bản dịch tác phẩm cổ điển lẫn hiện đại của văn học phương Tây, là chiếc cầu nối bộ môn văn học Pháp của hai trường đại học Paris 7 và đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ), ở tuổi 82 nhà giáo nhân dân Lê Hồng Sâm vẫn thật sắc sảo và khúc chiết mỗi khi tranh luận.

Nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn đã nói về bà: "Bây giờ, làm sao có thể tìm thấy một phụ nữ quý tộc thực sự như thế nữa. Phải có người như bà mới có thể có những bản dịch tuyệt vời như Emile…"

Chân dung hội họa: Hoàng Tường

Cha bà, cụ Lê Đình Lục, được dân huyện Quốc Oai (nay thuộc Hà Nội) tặng câu đối "Lập ấp, đắp đê, mong làng xóm qua vòng đói khổ. Xây trường, mở lớp, dạy cháu con biết đạo làm người". Truyền thống giáo dục nào từ gia đình mà bà cho là quý giá nhất, để hình thành nên cốt cách của riêng mình?

Nhà tôi có sáu chị em. Cha mẹ tôi coi trọng tính trung thực, lòng nhân hậu, sự hiếu học, và giáo dục các con chủ yếu qua cách hành xử của bản thân. Hình ảnh sâu đậm nhất trong tôi là người cha râu dài tóc bạc suốt ngày ngồi đọc sách. Đôi khi có điều cần dạy bảo, cha viết cho tôi những bài thơ rất hài hước. Từng làm quan, ông nổi tiếng thanh liêm. Về làng sinh sống, ông đã mở một trường học ngay trong nhà và vận động để xây được một ngôi trường khang trang, đẹp đẽ cho quê hương. Giản dị, thanh bạch, mỗi lần gặp các cụ già trong làng, ông đều chào hỏi, trò chuyện thân tình và kính trọng. Hiện nay huyện và xã đều có quỹ khuyến học mang tên ông. Mẹ tôi rất dịu dàng, nhân hậu. Tôi cho rằng chị em tôi đều tiếp thụ được sự trung thực, lòng nhân hậu, từ cách sống của cha mẹ.

12 tuổi bước khỏi làng vào trường Đồng Khánh, 17 tuổi rời thủ đô lên chiến khu, những bước ngoặt ấy đã mang lại cho bà sự đổi thay như thế nào?

Trường học thời đó như một môi trường khép kín, tách khỏi xã hội, quả là xa rời thực tế, nhưng cũng có điều hay là ít bị những cái xấu bên ngoài xâm nhập. Ngoài xã hội, có sự phân biệt đối xử giữa trai gái, giàu nghèo, sang hèn… còn trong trường, bậc thang giá trị căn cứ vào khả năng học tập và tư cách đạo đức. Ai học giỏi, hạnh kiểm mẫu mực, là được biểu dương, được thầy yêu bạn quý. Tất nhiên, đám nữ sinh chúng tôi còn ngưỡng mộ những nhan sắc trời cho. Mới vào trường, lại thuộc loại bé nhất lớp, mỗi khi tan học tôi thường lẽo đẽo đi theo ngắm nhìn mấy chị lớp trên, đẹp nổi tiếng… Rồi Cách mạng tháng 8, và kháng chiến, có thể nói thế hệ học sinh chúng tôi chuyển thẳng từ không khí lãng mạn trong thơ văn Pháp thế kỷ 19 sang không khí lãng mạn của cách mạng thời kỳ đầu, trong veo, đầy chất lý tưởng, khi tất cả đều trẻ trung, chân thực, kể cả đôi lúc, đôi người hơi "lên gân" cũng hết sức thành thực. Có lần, gặp một vài bạn cũ đang chuẩn bị học tiếp, tôi ngỏ ý với anh phụ trách, và nhận được lời khuyên: "Hãy yên tâm công tác, trường học tốt nhất bây giờ là trường học cách mạng". Anh ấy thật lòng tin như vậy, và tôi tin theo. Sau này, khi nghĩ khác đi, anh ấy đã cho tôi biết. Bây giờ, hình như thanh niên không còn, hoặc không thể tin ở người lớn, tôi thấy một tuổi trẻ như vậy thật đáng ái ngại (và đáng ngại).

 

Thấy được cái đẹp toàn thể của nền văn minh Pháp có giúp bà thấu hiểu hơn cái đẹp toàn thể của văn hoá Việt?

Có thể câu chuyện nhỏ, rút từ bài Fantine, Cosette và chiếc đòn gánh Việt Nam mà tôi viết cách đây đã lâu, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Victor Hugo, giúp trả lời phần nào câu hỏi này. Khi còn bé, tôi thường được nghe cha kể truyện Những người khốn khổ mà ông đọc qua bản dịch chữ Hán, và ông còn "Việt hoá" tên nhân vật: Jean Valjean thành Giăng Văn Giăng, Cosette thành Cô Rét (tội nghiệp, đã cô lại còn rét). Lớn lên, đi học, vào kỳ nghỉ hè đến lượt tôi đọc để cha nghe bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh. Rồi, như nhiều bạn bè, tôi rời gia đình tham gia kháng chiến. Năm 1950, trong đoàn dân công vận chuyển lương thực chuẩn bị cho một chiến dịch, tôi được phân công phụ trách một đội hầu hết là chị em thành phố tản cư. Quy định rất nghiêm: sẩm tối mới lên đường, còn ban ngày ẩn náu và nghỉ trong rừng hay làng bản để tránh máy bay địch. Sau vài ngày, tôi bắt đầu gặp khó khăn: chiều nào đội của tôi cũng tập hợp chậm nhất, vì vậy phải đi cuối đoàn, mà ban đêm trong rừng, ngay các chị có vẻ gan góc cũng thú nhận sợ hổ, sợ ma. Nhưng hôm sau, các chị vẫn không tập trung đúng giờ. Quan sát kỹ, tôi thấy ra nguyên nhân: trẻ trung, đầy sức sống, sau khi đã ngủ hết buổi sáng, thêm một phần buổi trưa, các chị chẳng thể ngồi không cả chiều đợi giờ tập hợp, nên tản mác tìm hái quả bứa quả vả để ăn, nhặt lá quế nhành quế để đun nước gội đầu, chẳng nhớ giờ tập trung, thời ấy cũng ít ai có đồng hồ. Vậy phải làm sao cho các buổi chiều, chị em cùng bận rộn, và vui. Tôi rủ các chị học hát, đọc thơ, rồi kể chuyện. Không ngờ các chị hưởng ứng rất nhiệt tình: Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Thạch Sanh… lần lượt được kể, cho đến cả Truyện Kiều, người thuộc đoạn này, người thuộc đoạn kia, đoạn nào không ai nhớ nổi thì tạm kể bằng văn xuôi! Đến lượt mình, thấy khó khai thác tiếp kho tàng văn học dân gian, tôi thử kể Những người khốn khổ, và ngạc nhiên thấy Fantine, Cosette, Éponine thu hút các chị không kém Cúc Hoa, Ngọc Hoa. Và công việc trôi chảy, đội chúng tôi còn được tuyên dương!

Rất lâu sau này, đi học tiếp, đọc lại Những người khốn khổ, tôi hiểu được mối thiện cảm hồn nhiên, tự phát mà các chị dân công của tôi dành cho nhân vật tiểu thuyết Hugo. Các chị đã yêu mến, xót thương ở Fantine, Cosette, Éponine, cũng như ở Cúc Hoa, Ngọc Hoa, Nghi Xuân… những thân phận em bé mồ côi, người thiếu nữ đang yêu, người phụ nữ bị vùi dập, người mẹ hy sinh cho con, những người nghèo khổ, nhỏ bé, yếu đuối, mà Hugo cũng như các tác giả khuyết danh cảm thông, bênh vực. Tôi đã nói đùa với Guy Rosa, nhà Hugo học nổi tiếng rằng V. Hugo đại văn hào lãng mạn, đặc biệt ưa thích những sự tương phản, hẳn rất vui khi biết rằng Fantine, Éponine với nỗi đau nặng trĩu, Cosette xách thùng nước đầy quá nặng, "khiến cánh tay gầy gò thẳng căng và cứng đơ", đã giúp cho chiếc đòn gánh của người nữ dân công Việt Nam giàu lòng cảm thông trở nên nhẹ nhõm!

 

Là thành viên Việt Nam của tổ chức quốc tế nghiên cứu Balzac ở Pháp, theo bà thì giá trị lớn nhất của tác phẩm Balzac là gì?

Nếu thơ và tiểu thuyết Hugo tràn đầy cảm hứng lãng mạn, thì Tấn trò đời của Balzac phơi bày sự thực tàn nhẫn của một xã hội bị chi phối bởi đồng tiền và tham vọng. Đồng tiền quyết định hết thảy, chân lý ảm đạm này vang vọng trong tác phẩm Balzac, mỗi nhân vật của ông đều rút ra kết luận ấy, từ góc độ của họ, theo cách riêng của họ. Goriot, người cha bị bỏ rơi, thấy "đồng tiền ban cho mọi thứ, kể cả những đứa con". Với Grandet, con người thực tế, "có tiền mới có hạnh phúc, không thì bánh vẽ". Gobseck, gã Do Thái quan tâm đến quyền lực, nhận định "đồng tiền mua được lương tâm những kẻ giật dây các bộ trưởng". Trong tiểu thuyết Chị họ Bette, Balzac nói: "Chính Louis Philippe cũng biết là bên trên bản hiến chương của ông còn có đồng tiền thần thánh, tôn kính, kiên cố, khả ái, duyên dáng, xinh đẹp, cao quý, trẻ trung, đồng trăm xu vạn năng". Trong Louis Lambert, tác phẩm mang ít nhiều nét tự thuật, nhà văn nói rằng "Phải có tiền, dù chỉ để không cần đến nó". Năm 1950, kỷ niệm lần thứ 100 ngày Balzac qua đời, Pierre Abraham cảm ơn Balzac vì ông "đã xác định được với sự minh mẫn cực kỳ sắc sảo (…) căn bệnh hiện chúng ta vẫn đang đau". Hai phần ba thế kỷ đã trôi qua, hình như chúng ta vẫn nên nhắc lại lời cảm ơn trên.

Với cuốn Emile hay là về giáo dục, những tư tưởng canh tân giáo dục của J. J. Rousseau có phải là vấn đề cốt lõi cần được khai thị trong mỗi người làm giáo dục hôm nay? Bà có tìm thấy sự đồng cảm nào với Rousseau trong những bất hạnh của đời ông qua tác phẩm Những lời bộc bạch, như lời trần tình của bản thân với công chúng và hậu thế?

Goethe coi Emile là "kinh Phúc âm của các nhà giáo". Theo Rousseau, tiêu chuẩn để phân biệt con người với động vật là khả năng tự hoàn thiện của con người trong suốt cuộc đời. Con vật được dẫn dắt bởi một bản năng không lầm lẫn, chung cho giống loài của nó, nói theo ngôn ngữ thời nay thì như một thứ phần mềm được cài đặt, một thứ chương trình tự nhiên mà nó bị cầm tù, trong khi chẳng một chương trình nào giam hãm được con người một cách tuyệt đối. Trong Luận về nguồn gốc sự bất bình đẳng giữa những con người, Rousseau viết: "Một đằng lựa chọn hay cự tuyệt do bản năng, còn đằng kia thì do một hành vi tự do: điều này khiến con vật không thể đi chệch khỏi quy tắc đã được chỉ định cho nó, ngay cả khi làm vậy sẽ có lợi cho nó, còn con người lại thường hay đi chệch quy tắc để thiệt hại cho mình". Chính vì tự do, vì không là tù nhân của một bộ mã tự nhiên hay lịch sử có tính quyết định nào mà con người là một sinh thể mang tính đạo lý, có thể tiến triển vô cùng tận, tàn nhẫn cực độ hay hào hiệp kỳ lạ, có thể thực hiện những điều tệ hại nhất hay những điều tốt đẹp nhất. Và sứ mệnh của giáo dục, theo Rousseau, chính là làm cho những tiềm năng tốt đẹp trong con người có thể được phát huy tối đa: "Làm người là nghề mà tôi muốn dạy Emile".

Sinh thời Rousseau từng được hâm mộ nhiệt liệt, rồi bị đả kích, trục xuất, tác phẩm Julie tái bản đến đâu hết đến đó, còn Emile và Khế ước xã hội bị lên án, bị thiêu huỷ. Từ bấy đến nay, những tư tưởng mới mẻ và sâu sắc kỳ lạ của Rousseau không ngừng gây tranh cãi. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cuộc triển lãm năm 2012, kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Rousseau tại Genève, lại mang tiêu đề "Sống hay chết, ông sẽ luôn khiến người ta lo ngại bất an".

Cách đây vài tháng, cùng trò chuyện về Rousseau và Những lời bộc bạch, nữ chiến sĩ, nhà báo và nhà văn Madeleine Riffaud bảo tôi: "Rousseau hiện đại vô cùng, tư tưởng của ông về quan hệ giữa con người với tự nhiên, về sự cần thiết của con người phải tìm lại sự hài hoà với thiên nhiên, rất có ý nghĩa, hiện nay đang nóng bỏng tính thời sự".

Và tình trạng cô đơn của ông, sự xa cách dần của bạn bè trong nhóm Bách khoa toàn thư (thoạt tiên hồ hởi đón nhận ông), chủ yếu là vì những suy nghĩ độc đáo, những điểm khác biệt, có thể nói là đi trước các nhà Khai sáng, như niềm hoài nghi ở bước tiến của khoa học kỹ thuật, hoài nghi niềm tin ở lý tính trừu tượng và đơn thuần…

Những tác phẩm ấy cùng triết lý Phật giáo có vai trò thế nào trong đời sống tinh thần của bà?

Giống như trẻ thơ trong hầu hết các gia đình Việt Nam, thuở nhỏ tôi thường theo mẹ đi lễ chùa. Triết lý Phật giáo, theo tôi, giàu tính nhân văn và khoa học, với quan niệm vạn vật vô thường, với tinh thần khoan dung và đức từ bi, với niềm tôn trọng con người, coi con người là chủ nhân mọi hành vi của bản thân: "Phật tại tâm". Triết lý ấy giúp con người vượt được nhiều khó khăn, tìm lại sự an tĩnh tâm hồn.

Như nhiều người, với tôi cuộc đời không luôn mang sắc hồng. Nỗi đau lớn nhất là mất người thân yêu. Bên cạnh tai hoạ ấy, những thiệt thòi khác, thí dụ như về công danh, quyền lợi… trở nên nhỏ nhoi, ít ý nghĩa.

Làm việc cũng là một cách giúp nguôi khuây những ý nghĩ u ám. Vả chăng, mọi người thường tranh giành nhau quyền lợi, địa vị, còn công việc thì nhiều lắm, tha hồ làm mãi không hết, chẳng mấy ai thích tranh giành. Mọi thứ đều có thể tìm ra lời giải. Nỗi đau cũng có thể giải hoà với nó. Làm việc cũng là một cách để cả tâm hồn và trí não đều bận rộn.

Cũng phải tập nuôi dưỡng những ý nghĩ và cảm xúc lành mạnh, trong trẻo, đồng thời gạt bỏ những gì tiêu cực. Tôi thường khuyên con cháu, mỗi khi bị những cảm nghĩ u tối ám ảnh, hãy mau mau bấm phím delete trong tâm tưởng!

Bà có một tình bạn rất đẹp với GS Đặng Thị Hạnh, điều gì đã khiến hai con người khác biệt về tính cách lại gần nhau?

Chúng tôi là một "bộ tứ" chơi rất thân với nhau ở trường đại học Tổng hợp, gồm Sâm, Châu, Huyền, Hạnh. Hạnh học với tôi từ năm 12 tuổi ở Đồng Khánh, sau này cùng dạy văn học Pháp ở khoa Văn. Châu là giáo sư ngôn ngữ học, Huyền dạy Anh văn… Huyền ra đi ngày 11.11.2011, bộ tứ giờ khập khiễng rồi, chỉ còn lại ba chúng tôi. Sự khác biệt về tính cách đôi khi khiến tình bạn thêm phong phú, và dường như làm cho mỗi người giàu có hơn về tâm hồn.

Trong khoa học, nghiên cứu, bà luôn quyết liệt, tranh luận tới cùng, nhưng ngoài đời bà lại rất dịu dàng. Điều gì ở người phụ nữ mà bà coi trọng nhất?

Với phụ nữ, với tất cả mọi người, tôi coi trọng sự trung thực, lòng nhân hậu. Đó cũng là những đức tính mà tôi được dạy dỗ từ nhỏ và cho đến giờ vẫn không ngừng tự rèn luyện.

Tôi cũng coi trọng lòng tự tôn, thói quen tự vấn, là điều mà tôi thấy hình như chưa được quan tâm đúng mức trong giáo dục ngày nay.

(Theo Kim Yến/ Sài Gòn Tiếp thị)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/94659/can-giao-duc-thoi-quen-tu-van.html

Tiến sĩ, sự khởi đầu hay kết thúc?

Posted: 30 Oct 2012 08:44 PM PDT

– Trong lịch sử khoa bảng nho học Việt Nam, số lượng học vị tiến sĩ khá hiếm hoi và được trao cho những người đã đỗ qua kỳ thi hương, thi hội và thi đình. Những người đỗ học vị tiến sĩ thời đó vì thế mà thường được nhà vua trao giữ những vị trí trọng trách quan trọng trong xã hội phong kiến.

Ảnh mang tính minh họa

Hình ảnh trạng nguyên (người đỗ đầu tiến sĩ) vinh quy bái tổ đã tạo nên trong tiềm thức của người Việt Nam xưa hình ảnh một con người thành công mỹ mãn, đạt đến đỉnh cao và cái đích trên con đường học vấn.

Học vị tiến sĩ như là một sự "kết thúc'' trong quan niệm của người xưa. Tuy nhiên, liệu ngày nay quan niệm này có còn phù hợp. Tiến sĩ được xem như một nghề, nghề nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chính trong lĩnh vực mình theo đuổi, như vô số nghề khác trong xã hội.

Người nhận bằng tiến sĩ như là được thừa nhận bắt đầu đủ năng lực hành nghề trong lĩnh vực khoa học, giống như một người nông dân được giao cho một cái cày để bắt đầu cày cấy trên cánh đồng của mình. Như thế, sự thành công và hiệu quả mang lại thực sự cho người có học vị tiến sĩ là những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị của họ sau này, đóng góp đích thực vào sự phát triển của xã hội, cũng giống như là những mùa gặt bội thu của người nông dân, chứ không phải là chính cái bằng tiến sĩ, cái học vị tiến sĩ đó.

Tuy nhiên, quan niệm lệch lạc về học vị tiến sĩ như là một thành công mỹ mãn, cái đích của hành trình học vấn vẫn còn tồn tại trong nhận thức cho đến ngày hôm nay trong xã hội, ngay từ trong các cơ sở đào tạo tiến sĩ, cơ sở tuyển dụng, nhà hoạch định chính sách và đặc biệt trong chính bản thân người học.

Các trường ĐH Việt Nam thường xem số lượng tiến sĩ được đào tạo ra từ cơ sở của mình như là sản phẩm thực sự của họ và là một tiêu chuẩn quan trọng trong bảng thành tích và nấc thang uy tín của trường. Trong khi đó sản phẩm thật sự của các trường đại học chính là những công trình khoa học có giá trị sau khi tốt nghiệp của những tiến sĩ mà họ đã đào tạo. Nếu giả dụ các trường ĐH hàng đầu trên thế giới như Havard, Yale, công bố hằng năm đào tạo ra hằng ngàn tiến sĩ, trong khi đó những tiến sĩ này về sau không thấy xuất hiện bóng dáng trong cộng đồng khoa học thế giới thì liệu các trường đại học đó có được đánh giá cao như vậy không.

Các nhà hoạch định chính sách thì lại lên kế hoạch đào tạo hàng chục ngàn tiến sĩ trong một giai đoạn thời gian nhất định cho địa phương của mình nhằm hy vọng để "tiến sĩ hóa'' công việc. Nhưng họ quên một điều rằng song song với việc đào tạo ra hàng chục ngàn tiến sĩ thì cũng phải tạo ra chừng đó vị trí công việc khoa học thật sự.

Một tiến sĩ mà không có một vị trí công việc nghiên cứu khoa học thì cũng giống như một người nông dân mang cày mà không có ruộng cày. Đặc biệt quan ngại hơn khi chính bản thân người nhận học vị tiến sĩ cho rằng đó là đỉnh điểm và kết thúc của một hành trình. Học vị tiến sĩ của mình sẽ được xã hội tôn trọng và thừa nhận vĩnh viễn dù làm việc ở đâu, trong hay ngoài môi trường khoa học. Nó là thương hiệu trên hành trình còn lại của cuộc đời, là bảng hiệu quảng cáo cho bản thân…, và tự cho mình một cái thở phào nhẹ nhõm.

Người cầm cày không thể gọi là nông dân nếu họ không xuống ruộng.

Tiến sĩ, không phải là sự "kết thúc'' mà là sự "khởi đầu'' của một hành trình.

  • Tô Viết Thuấn

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/94585/tien-si--su-khoi-dau-hay-ket-thuc-.html

Phải phân luồng học sinh phổ thông

Posted: 30 Oct 2012 08:44 PM PDT

Để đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm nhất là cơ cấu của giáo dục phổ thông. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có một chiến lược cụ thể nhằm thay đổi bậc học này.

Phải phân luồng học sinh phổ thông
Học sinh học ngành quản trị bếp tại trường trung cấp nghề là một trong những hướng đi cho học sinh sau THCS nếu không đủ điều kiện học lên cao - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học bao nhiêu năm là đủ ?

Hiện nay có 2 luồng ý kiến khác nhau về cơ cấu bậc học phổ thông: Một bên cho rằng vẫn duy trì 12 năm như hiện nay, ý kiến ngược lại đề nghị chỉ nên kéo dài 9 – 10 năm.

GS Nguyễn Minh Thuyết nêu rõ, nước ta còn nghèo, lại là nước đi sau và muốn nhanh chóng bắt kịp các nước đi trước nên không thể phát triển dàn trải. Trong vòng 50 năm tới, cần tập trung đào tạo nhân lực cho những ngành trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, có khả năng tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đối với các ngành khoa học cơ bản, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, chỉ cần đào tạo số lượng ít những người thực sự có năng khiếu, sở trường để bồi dưỡng nhân tài.

Với tư tưởng thực học như vậy, GS Thuyết cho rằng, hệ thống giáo dục phổ thông cũng cần được xem xét lại. Việc kéo dài thời gian học phổ thông tới 12 năm như hiện nay tỏ ra không phù hợp với hoàn cảnh của đa phần người học và điều kiện kinh tế của đất nước nói chung. Vì vậy, ông đề nghị nên thiết kế hệ thống này theo công thức 9+2, tức là đại bộ phận học sinh chỉ học chương trình giáo dục cơ bản 9 năm; sau đó, tùy sở nguyện, sở trường và kết quả học tập mà vào trường trung học nghề hoặc THPT 2 năm với chương trình tự chọn gồm các môn phục vụ chuyên ngành tương lai do người học xác định.

Trong khi đó, GS Nguyễn Lộc, Viện phó Viện Khoa học giáo dục, lại cho rằng giáo dục Việt Nam từng trải qua các thời kỳ 9, 10, 11 năm và hiện tại đang ổn định ở 12 năm. Ông Lộc cho rằng theo số liệu của hơn 200 nước mà ông có được, chỉ có khoảng 6 nước chọn hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm, gần 120 nước (hơn 60%) theo hệ 12 năm. Còn các tỷ trọng khác rơi vào các hệ thống 11, 13, 14… năm. Vì vậy ông Lộc khẳng định 10 hay 12 năm xét ở một góc độ nào đó cũng không quan trọng bằng nội dung chương trình, sắp xếp thế nào cho phù hợp.

Những hướng đi hợp lý

GS Nguyễn Minh Đường, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, một trong những xu thế quan trọng về cải tổ hệ thống giáo dục của nhiều nước hiện nay là phân luồng học sinh sau cấp học phổ thông.

Ông Đường đề xuất, cần hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng sau THCS, học sinh học THPT được phân thành 2 nhánh: phân hóa và nghề. Phân hóa chỉ học 3 – 4 môn chung bắt buộc còn lại là các môn tự chọn theo hướng nghề nghiệp tương lai mà các em đã chọn. Nghề vừa dạy văn hóa phổ thông vừa dạy nghề với 50% thời lượng các môn văn hóa chung bắt buộc, thời gian còn lại học nghề, trong đó chú trọng đến học thực hành.

Sau THPT, học sinh được chia thành 2 nhánh: hàn lâm và công nghệ. Nhánh hàn lâm tuyển sinh chủ yếu học sinh tốt nghiệp THPT để đào tạo nhân lực trình độ ĐH và sau ĐH cho các ngành khoa học. Ngược lại nhánh công nghệ tập trung tuyển học sinh tốt nghiệp các trường THPT nghề để tạo nhân lực có trình độ CĐ và ĐH cho các ngành công nghệ. Thực hành chiếm một thời lượng lớn trong chương trình của nhánh công nghệ để đào tạo ra công nhân kỹ thuật trình độ cao, kỹ thuật viên hoặc kỹ sư có kỹ năng thực hành thành thạo, đồng thời có kiến thức chuyên môn vững vàng đáp ứng cho yêu cầu của nền sản xuất hiện đại.

Cùng quan điểm này, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), đề nghị: "Cấu trúc mới của bậc phổ thông nên theo hướng cấp tiểu học và THCS chỉ có một chương trình; cấp THPT được phân thành 2 nhánh: một nhánh tạm gọi là THPT, nhánh kia có thể gọi là trung học nghề. Nhánh THPT đào tạo những học sinh sau khi tốt nghiệp có thể thi vào các trường ĐH. Chương trình bao gồm 5 môn học bắt buộc và các môn tự chọn. Nhánh trung học nghề dạy học sinh sau khi tốt nghiệp có trình độ THPT và có một nghề. Học sinh học hết 12 năm có thể ra làm nghề hoặc học liên thông lên CĐ nghề hoặc TCCN".

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu cấu trúc của bậc phổ thông thay đổi theo hướng này thì vấn đề thi cử sẽ rất nhẹ nhàng. Không cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chỉ tổ chức thi cuối năm và xét học bạ rồi cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp. Các trường CĐ dạy nghề, trường TCCN… có thể tuyển sinh căn cứ vào học bạ và chứng chỉ tốt nghiệp. Các trường ĐH có thể xét tuyển hoặc thi tuyển tùy theo uy tín của từng trường.

 

Đường cùng mới theo nghề

"Dù đã cố gắng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhưng chắc chắn tỷ lệ học sinh hoàn thành bậc THCS vào hệ TCCN chưa đạt tới 10% (quy định là 30%). Đa số học sinh đều thi tuyển vào lớp 10 công lập, khi không trúng tuyển, không còn sự lựa chọn nào khác mới đi theo con đường học nghề".

PHẠM NGỌC THANH – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

Trường THCN chưa tạo được uy tín

"Chủ trương đúng đắn nhưng cách làm hoàn toàn không tới, không giúp phụ huynh học sinh thay đổi quan niệm nghề nghiệp của con em. Nguyên nhân chính ở đây là do các trường TCCN chưa tạo được uy tín với xã hội và phụ huynh chưa nhìn thấy tương lai nghề nghiệp của bậc học này".

CAO HUY THẢO – Hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Úc

B.Thanh (ghi)

 

Tuệ Nguyễn

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20121031/Phai-phan-luong-hoc-sinh-pho-thong.aspx

‘Thành người’ nơi trời xa

Posted: 30 Oct 2012 08:43 PM PDT

– "Mỗi người sẽ có những trải nghiệm riêng khi đi du học. Nhưng tin rằng bạn
nào vượt lên được thì sẽ nhận về rất nhiều, hơn cả tấm bằng đại học uy tín, có
giá trị toàn cầu" – chia sẻ của một du học sinh Singapore.

 

 

Tự khẳng định bản thân

Nguyễn Tiến Cương – cựu HS Trường Hà Nội Amsterdam, hiện đang học tại trường
Catholic Junior College Singapore theo chương trình học bổng A*STAR. Cương cho
hay, quyết định đi du học của em khá rất chóng vánh bởi chỉ vài tháng trước khi
thi du học, em mới bắt đầu biết đến học bổng du học dạng này.


Em Nguyễn Tiến Cương (ngoài cùng từ trái vào) (Ảnh: NV cung cấp)

 

"Dù trước đấy em và gia đình chưa nghiên cứu nhiều về chương
trình học ở Sing, nhưng sau mấy tuần gia đình và em cùng cân nhắc và
nghiên cứu kĩ thêm thì đã đi đến quyết định là đi du học ở Sing vì
nhiều lợi thế mà du học ở Sing mang lại"
– Cương nói.

Năm nay là năm thứ 3 học ở Singapore, dù không tránh khỏi những xung đột, rắc
rối khi mới đi học, nhưng nhìn chung Cương không gặp phải sự cố gì lớn trong
việc ăn ở hay học hành.

"Do cộng đồng Việt Nam ở trường em đang học khá nhiều, em luôn nhận
được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhiều học sinh Việt Nam khóa trên cũng
như các thầy cô phụ trách trong kí túc xá và trong trường về nhiều
mặt như sinh hoạt, giáo trình học, chương trình ngoại khóa" – Cương cho
biết.

Không chủ động với quyết định du học ngay từ đầu, song với Trần Thùy Linh
(tốt nghiệp Học viện Quản lý Singapore SIM) thì đó là một quyết định thật sự
đúng đắn.

"Mỗi người sẽ có những trải nghiệm riêng khi đi du học. Cũng không tránh được
những khó khăn, thử thách, thậm chí có người phải bỏ cuộc, nhưng tin rằng bạn
nào vượt lên được thì sẽ nhận về rất nhiều, hơn cả tấm bằng đại học uy tín toàn
cầu" – Linh tâm sự.

Đến nay, sau 2 năm ra trường, trở về Việt Nam làm việc, Thùy Linh vẫn nhớ mãi
những ấn tượng đẹp về thời sinh viên ở đảo quốc sư tử: "Điều dễ chịu nhất là
mình luôn được tôn trọng, và môi trường sống nặng động khiến mình cảm thấy luôn
tràn đầy năng lượng".

Với Linh, việc đi du học là do tác động của gia đình nhiều hơn là định hướng
rõ rệt của bản thân. Sau này, Linh mới thấy quyết định ấy là hoàn toàn đúng đắn.
Từ một cô bé được gia đình bao bọc, lơ mơ khi hoạch định tương lai, Linh được
đẩy vào môi trường hoàn toàn mới, tự lập, tự lo cho mình trong mọi mặt.

"Nguồn tài chính có hạn khiến tôi phải nỗ lực để giữ được kết quả học tập
thật tốt nếu không sẽ buộc phải về nước. Vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, sốc
văn hóa, nỗi cô đơn nơi xứ người, tôi đã dần thích nghi để tận hưởng môi trường
học tập thật sự khác biệt"
– Linh chia sẻ.

Bước ra từ vỏ kén




Em Lê Nguyễn Vương linh (TH
Anglo-Chinese School (Independent) và mẹ

Từng trằn trọc mất ngủ vì cân nhắc nên hay không nên cho con đi du
học, chị Nguyễn Hương Giang (Hai Bà Trưng, hà Nội) cho biết, đến giờ
chị đã có thể hoàn toàn yên tâm.

Cháu Lê Nguyễn Vương Linh- con trai chị hiện là học sinh trường Trung học
Anglo-Chinese School (Independent) theo chương trình học bổng A*STAR
của chính phủ Singapore.

"Ngày đưa con sang Sing nhập học, hai mẹ con còn líu ríu chia tay nhau ở sân
bay, con ngơ ngác, mẹ hoang mang. Vậy mà chỉ gần 2 tháng sau gặp lại, con tôi đã
thay đổi tích cực rõ rệt".

"Từ khi đi du học, cháu chững chạc và trưởng thành hẳn lên. Ngoài học trên
lớp, cháu kể được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và giao lưu với bạn bè
quốc tế. Những lần về thăm nhà, cháu lại tặng cho tôi những món quà – là các tấm
kỷ niệm chương, phần thưởng của cháu khi tham gia các cuộc thi tài năng do nhà
trường tổ chức".

Nhận xét về các du học sinh Việt tại Singapore, ông Phạm Văn Thuận – trung
tâm Toán và khoa học Hexagon nói: "Đa số những em nhận học bổng ASEAN, A*STAR
đều thích nghi tốt ở môi trường mới dù các em xa nhà từ lúc 13, 14 tuổi. Một số
rắc rối các em có thể gặp phải thì đều xuất phát từ các vấn đề: yêu sớm, ham
điện tử, máy tính, không trung thực…

Mỗi năm thường có 1, 2 trường hợp phải về nước. Các trường Singapore sang
Việt Nam tuyển nhân tài cũng ý thức rất rõ việc này, nên họ sẽ thử thách khả
năng độc lập và trưởng thành của các em qua bài phỏng vấn. Tuy nhiên, với những
em có lực học tốt, có ý chí, được định hướng tốt thì du học thực sự là cơ hội
phát triển bản thân đáng mơ ước. Môi trường giáo dục Singapore trọng nhân tài,
nhiều ưu việt, là điểm đến lý tưởng của du học sinh nhiều nước, trong đó có Việt
Nam" – ông Phạm Văn Thuận nhận xét.

Ông Phạm Văn Thuận cho biết, nhiều học
trò của trung tâm sau khi học tập tại Singapore đều tìm được những hướng đi
riêng, có em tiếp tục học vào đại học, rồi đi làm trong những công ty lớn, có em
tìm đường sang các đại học danh tiếng ở Anh, Mỹ…

"Các em có tố chất, giàu nghị lực, nhờ tận dụng được môi trường học tập thuận
lợi nên họ phát triển rất tốt. Chắc chắn các em sẽ còn tiến xa trong tương lai"
- lời ông Thuận.

  • Quỳnh Anh

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/93914/-thanh-nguoi--noi-troi-xa.html

Kinh nghiệm từ những người trong cuộc

Posted: 30 Oct 2012 08:43 PM PDT

(GDTĐ)-Kinh nghiệm về NCKH được chia sẻ từ chính các sinh viên từng có đề NCKH đoạt giải thưởng cao.

 

Nguyễn Thị Phương Thúy – Giải nhất giải thưởng sinh viên NCKH năm 2008: Làm việc nhóm hiệu quả là một trong những yếu tố tạo nên thành công của NCKH sinh viên:

Một trong những yếu tố quan trọng giúp đề tài của nhóm chúng tôi có thể đến được thành công là tôi đã có một nhóm làm việc rất hiệu quả. Câu hỏi đầu tiên tôi nghĩ đến khi thành lập nhóm nghiên cứu là: đề tài có cần thực hiện theo nhóm hay không? Để xác định tính cần thiết của việc lập nhóm cũng như quy mô nhóm, người thực hiện cần cân nhắc 3 yếu tố: bản thân đề tài, thời gian thực hiện và quy định thành viên của từng cuộc thi cụ thể. Đối với việc tìm thành viên, ưu tiên đầu tiên phải là những người có cùng mối quan tâm khoa học; thứ 2 là người từng có kinh nghiệm NCKH; thứ 3 là sinh viên giỏi.

Khi đã có một nhóm làm việc, việc quan trọng nhất là chọn trưởng nhóm. Thông thường, sinh viên nào đề xuất đề tài sẽ làm trưởng nhóm, tuy nhiên, tốt nhất đó chưa chắc đã phải lựa chọn tối ưu. Tuyệt đối không được chọn trưởng nhóm dựa trên bốc thăm may rủi. Trưởng nhóm không nhất thiết phải là người có kiến thức chuyên môn tốt nhất nhưng nhất thiết phải là người quyết đoán và không cả nể.

Trước khi bắt tay vào thực hiện đề tài, cả nhóm cần thống nhất với  nhau một số quy ước chung, đặc biệt về thời gian làm việc. Căn cứ vào khoảng thời gian cho phép của cuộc thi, nhóm cần lập một thời gian biểu càng cụ thể càng tốt và quán triệt tới từng thành viên. Sau đó là phân công lao động. Có nhiều cách phân công tùy theo tính chất của đề tài và năng lực, sở trường của từng thành viên, tuy nhiên, nên tránh phân công mất cân đối, theo kiểu giao hết cho một vài người tìm tài liệu, hoặc phỏng vấn, phát phiếu khảo sát, thống kê số liệu, còn những người còn lại nghiên cứu và viết. Cho dù phân công theo cách nào thì quá trình phác thảo, xây dựng dàn ý cho đề tài cũng cần sự đóng góp của cả nhóm.

Với những bất đồng gặp phải trong quá trình làm việc nhóm, điều cần thiết là phải xem lại tiêu chí đánh giá của cuộc thi và hỏi giáo viên hướng dẫn cũng như những người có kinh nghiệm. Khi đã có một ý kiến trong nhiều ý kiến được lựa chọn, điều cần thiết nhất là tác giả của những ý kiến không được lựa chọn không nên nghĩ mình đã thất bại mà ngược lại đã thành công vì đề tài đã tiến thêm một bước, thay vì mắc kẹt trong những tranh luận rối bời.

Võ Thị Thu Anh – Giải nhì VIFOTEC năm 2009; giải A sinh viên NCKH năm 2009 do Trường ĐH Kinh tế – ĐHQGHCM tổ chức; khuyến khích NCKH cấp Bộ năm 2010: Sinh viên cần được trang bị một nền tảng NCKH.

Niềm đam mê NCKH của sinh viên thiết nghĩ cần được vun đúc ngay từ năm đầu tiên ĐH. Thông qua các hoạt động học thuật, tuyên truyền, hỗ trợ đặc biệt là của hệ thống đoàn, hội sẽ giúp sinh viên khơi dậy sự tò mò, ham học hỏi, từ đó bắt đầu làm quen với NCKH.

Bên cạnh đó, sinh viên cần được trang bị một nền tảng NCKH đúng phương pháp và đúng cách, như phương pháp nghiên cứu nhằm hình thành những kỹ năng xác định đề tài, giới hạn phạm vi, lựa chọn phương pháp nghiên cứu. Có thể nói, hiện nay các sinh viên còn khá lúng túng trong NCKH, phương pháp NCKH không có trong chương trình học tập chính thức nên sinh viên nghiên cứu một cách tự phát dẫn đến sự thụ động, bài nghiên cứu thiếu tính lo-gic và hàm lượng khoa học thấp. Điều đó dẫn đến sinh viên chưa có sự mạnh dạn, đột phá trong việc đưa ra các giải pháp cũng như chưa lựa chọn được những đề tài mang ý nghĩa thực tiễn và hiệu quả kinh tế xã hội cao. Chất lượng đề tài chưa cao còn một phần vì kinh phí hỗ trợ sinh viên NCKH còn rất thấp, sinh viên khó khăn trong việc thử nghiệm các mô hình hay tiếp cận những nguồn số liệu của nước ngoài mà đa phần để có số liệu đó phải tốn nguồn kinh phí lớn.

Đinh Thị Thanh Huyền – Giải nhì sinh viên NCKH năm 2007: Chọn đề tài là khâu quyết định thành công

Tôi thấy chọn đề tài là khâu quyết định thành công trong NCKH. Tuy nhiên, đây là khâu sinh viên hay vướng mắc, lúng túng. Cần có những định hướng, chỉ bảo của giảng viên đề từ đó sinh viên có thể hình thành ý tưởng với đề tài. Ngoài ra, tôi thấy hiện tượng một số sinh viên hay thích nghiên cứu những đề tài mốt lạ lẫm, sang trọng, mang tầm vĩ mô song lại chưa có một khái niệm sơ đẳng nào hoặc hiểu rất mơ hồ về đối tượng nghiên cứu. Những sinh viên thuộc nhóm này thường bỏ cuộc giữa chừng khi nhận ra mình không thể tiếp cận đối tượng nghiên cứu.

Mặc dù một trong những yếu tố thành công trong nghiên cứu là đề tài phải mới, mang tính cấp thiết, có khả năng ứng dụng cao. Song nếu tuyệt đối hóa tính mới của đề tài là không chính xác. Đề tài NCKH mới không có nghĩa là vấn đề đó chưa từng được nghiên cứu bởi một vấn đề có nhiều cách tiếp cận, giải quyết khác nhau.

Một yếu tố nữa, khi chọn đề tài nên phù hợp với sở thích, chuyên môn và định hướng nghề nghiệp của mình. Như thế, đề tài lựa chọn sẽ có cơ hội được mở rộng và sâu hơn trong quá trình làm việc sau này.

Ngoài ra, một số khó khăn khác sinh viên cần chú ý như dữ liệu cho quá trình nghiên cứu; phương pháp và công cụ cho NCKH.

Nguyễn Văn Hạnh Giải nhì giải thưởng sinh viên NCKH năm 2003 – hiện là giảng viên trường ĐHSP – ĐH Huế: NCKH tốt bắt nguồn từ những việc rất nhỏ

Sinh viên cần chọn những đề tài thật cụ thể để nghiên cứu; giới hạn, khoanh vùng phạm vu, lĩnh vực nghiên cứu. Điều này giúp sinh viên tập trung và định hình được vấn đề nghiên cứu, đồng thời việc tìm kiếm tài liệu sẽ dễ dàng hơn.

Bố cục, nội dung đề tài nghiên cứu phải thống nhất. Đặc biệt, đối với phần lý thuyết hay cơ sở lý luận thường có nhiều tài liệu liên quan, sinh viên cần phải biết chọn lựa ra phần lý thuyết nào sát với đề tài, từ đó đề xuất cách giải quyết cho vấn đề đặt ra.

Xây dựng kế hoạch nghiên cứu phù hợp, phải đặt ra cách tiếp cận đề tài dựa vào sự ràng buộc về thời gian, kinh phí, kỹ năng của từng sinh viên. Chúng ta phải thấy được đề tài liên quan đến vấn đề nào và trả lời cho câu hỏi gì.

Việc báo cáo phải rõ ràng, logic, cần nêu rõ vấn đề nào người khác đã làm và những đóng góp của sinh viên trong đề tài. Phải trung thực tuyệt đối trong quá trình báo cáo và thực hiện nghiên cứu đề tài, tránh sao chép và không trích dẫn rõ ràng nguồn tài liệu tham khảo.

Bên cạnh những vấn đề lý luận được đưa ra, sinh viên cần kiên trì theo đuổi vấn đề đang nghiên cứu, sự thành công của các bạn phụ thuộc vào sự nỗ lực rất lớn trong việc dành nhiều thời gian giải quyết vấn đề đang đặt ra.

Một kinh nghiệm nữa, đó là các bạn sinh viên cần tiếp cận với những thầy cô đang có nhiều vấn đề nghiên cứu vì họ sẽ giúp tìm ra một đề tài khả thi, phù hợp với khả năng của các bạn.

Tóm lại, việc nghiên cứu không có gì xa vời. Nó bắt nguồn từ những việc rất nhỏ như sinh viên tự tìm đọc tài liệu, các công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học, trao đổi với nhau và với các thầy cô trên lớp, thực hiện các bài tiểu luận môn học, khóa luận tốt nghiệp hay cao hơn là các đề tài nghiên cứu độc lập. Sinh viên cần tích lũy kiến thức ngay từ lớp học và từng môn học để chuẩn bị hành lang tốt nhất trước khi bước vào nghiên cứu.

Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201210/Kinh-nghiem-tu-nhung-nguoi-trong-cuoc-1964519/

Comments