Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Bàn thêm về giáo dục với bà Nguyễn Thị Bình

Posted: 05 Oct 2012 06:41 AM PDT

- Báo VietNamNet ngày 04/10 giới thiệu bài phỏng vấn với Nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình về giáo dục. Rất nhiều ý của bà Bình tôi nhất trí, nhưng có một số ý tôi không đồng tình, xin được thẳng thắn trao đổi.



Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

1. Tôi hoàn toàn không đồng ý khi bà Bình cho rằng "Trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông là thầy, cô giáo ở các trường phổ thông công lập gần như không còn động lực hoạt động nghề nghiệp vì thu nhập từ lương và phụ cấp do Nhà nước trả không đủ bảo đảm cho họ có cuộc sống tươm tất."

Là giáo viên nên tôi hiểu rõ vấn đề này. Cái làm cho giáo viên không còn động lực hoạt động nghề nghiệp không phải vì lương thấp mà do cơ chế hay cách thức trả lương . Một giáo sinh học nghề sư phạm, ra trường hễ được vào biên chế nhà nước là yên tâm. Dạy giỏi, dạy dốt ư? Chẳng sao. Ai đuổi được mà sợ. Cứ "tà tà". Lương tháng cứ "đến hẹn lại lên " mà. Một cơ chế trả lương hoàn toàn không đúng với nguyên lý "làm theo năng lực hưởng theo lao động", không gắn tiền công với sản phẩm do người lao động tạo ra (với nghề giáo là chất lượng giáo dục học sinh ) thì làm sao đồng lương có thể trở thành động lực phấn đấu nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như năng lực công tác của người lao động được.

2. " Để tự cứu mình, nhiều giáo viên trường công ở các đô thị phải dạy thêm, dẫn đến dạy thêm tràn lan." “Vấn đề dạy thêm học thêm hiện nay khó chống, nguyên nhân là người giáo viên phải làm thêm để có thu nhập đảm bảo đời sống. Vì vậy, dạy thêm rất khó cấm, và thực tế hiện nay là vẫn không thể chống được. Nếu giải quyết thỏa đáng đãi ngộ, lương bổng để giáo viên và gia đình có cuộc sống tươm tất, đàng hoàng thì theo tôi, không cần cấm đoán, giáo viên cũng sẽ không dạy thêm nữa". Hoàn toàn sai.

Xin thưa, có phải giáo viên nào cũng thích mà được dạy thêm đâu? Chỉ có giáo viên một vài môn chính thôi. Nhiều giáo viên không phải "dạy để có thu nhập đảm bảo đời sông" mà họ đã rất giàu rồi. Giàu rồi nhưng vẫn không bỏ dạy thêm vì trong thời buổi kinh tế này có ai không thích giàu thêm nữa? Nguyên nhân dạy thêm, học thêm ở chỗ khác chứ không phải chỗ thu nhập của giáo viên thấp đâu.

3.Tôi cũng không đồng ý "thâm niên là đặc thù của nghề giáo, càng làm lâu trong nghề càng phải khuyến khích".

Theo tôi, gần đây nhà nước khôi phục lại thâm niên cho nghề giáo là không hay. Bởi lối trả phụ cấp theo kiểu "sống lâu lên lão làng" này chỉ tổ triệt tiêu "động lực hoạt động nghề nghiệp" mà thôi. Nghề nào cũng vậy, có người cả đời làm nghề nhưng cũng không có tay nghề giỏi song cũng có người chỉ trong một thời gian ngắn "tuổi trẻ tài cao", có thể đạt đỉnh cao trong nghê nghiệp.

Thiết nghĩ, phụ cấp thâm niên chỉ nên dành cho những nghề mà không ai muốn làm lâu vì môi trường làm việc độc hại hoặc nguy hiểm (như thợ mỏ chẳng hạn), hoặc những khu vực khó khăn (vùng sâu vùng xa, hải đảo…) mà không ai muốn ở lâu thì mới đúng.

4. Tôi cũng đồng ý, nghề dạy học nhưng chỉ là ở phổ thông phải là nghề được trả lương cao vào bậc nhất trong xã hội. Vì đây là nghề "cao quí nhất trong các nghề cao quí", nghề dạy người (chứ không phải dạy nghề). Phải trả lương, phải đãi ngộ làm sao để ngành sư phạm thu hút được những người tài giỏi nhất của xã hội vào học tập, rèn luyện để rồi họ trở thành những người thầy, những con người mẫu mực là "mô phạm" cho các thế hệ người Việt Nam.

  • Nhà giáo Xuân Quảng

*******************

Ý kiến của các bạn về vấn đề này, trao đổi theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Cảm ơn các bạn

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/91362/ban-them-ve-giao-duc-voi-ba-nguyen-thi-binh.html

Nâng các tiêu chí đánh giá trường trung học đạt chuẩn quốc gia

Posted: 05 Oct 2012 04:48 AM PDT

Cụ thể, tại tiêu chuẩn đánh giá về chất lượng giáo dục yêu cầu tỷ lệ bỏ học và lưu ban hàng năm không quá 5% so với quy định hiện hành là 6%. Về các hoạt động giáo dục bổ sung thêm tiêu chí về tiêu chuẩn “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Theo đó, trường được công nhận chuẩn phải được đánh giá xếp loại tốt về tiêu chuẩn “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong năm học liền trước khi công nhận.

Ngoài các bổ sung này nhưng quy định khác dự thảo vẫn giữ nguyên so với quy định trước đây như mỗi trường nhiều nhất là 45 lớp, mỗi lớp không quá 45 học sinh. Có đủ giáo viên các bộ môn đạt trình độ chuẩn đào tạo theo quy định, trong đó ít nhất có 30% giáo viên đạt tiêu chuẩn dạy giỏi từ cấp cơ sở trở lên; có 100% giáo viên đạt chuẩn loại khá trở lên theo quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học.

Có đủ số phòng học cho mỗi lớp học (không quá 2 ca mỗi ngày); diện tích phòng học, bàn ghế học sinh, bàn ghế giáo viên, bảng đúng quy cách hiện hành; phòng học thoáng mát, đủ ánh sáng, an toàn…

Trong quá trình theo dõi việc duy trì, giữ vững và phát huy các kết quả đã đạt được sau khi được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, phòng GD-ĐT (đối với trường trung học cơ sở), Sở GD-ĐT (đối với trường trung học phổ thông) thực hiện việc kiểm tra định kỳ (1 lần/2,5 năm) đối với các trường trung học đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Nếu xét thấy trường trung học đã được công nhận đạt chuẩn nhưng không giữ vững và phát huy được kết quả thì tham mưu với cấp có thẩm quyền đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi quyết định và Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Hết thời hạn 5 năm kể từ khi quyết định và trao Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia, các trường trung học làm các thủ tục đề nghị các cấp quản lý kiểm tra công nhận lại trường trung học đạt chuẩn quốc gia cho nhà trường.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-647994/nang-cac-tieu-chi-danh-gia-truong-trung-hoc-dat-chuan-quoc-gia.htm

Trường học sáng tạo toàn cầu của Microsoft

Posted: 05 Oct 2012 04:48 AM PDT

(GDTĐ) – Hưởng ứng ngày Nhà giáo thế giới, tập đoàn Microsoft công bố Trường học Pathfinder sáng tạo và Trường học tư vấn sáng tạo Microsoft sẽ là một phần của chương trình Trường học sáng tạo. 


Ảnh: MH

Con số 99 trường học Pathfinder và tư vấn sáng tạo, tới từ 51 quốc gia đã chứng minh được sự mạnh mẽ của lãnh đạo nhà trường, thể hiện kết quả triển khai thành công về thay đổi và sáng tạo. Là kết quả tất yếu khi sinh viên được hỗ trợ bởi cam kết và đầu tư của trường ở mức độ sâu sắc, chương trình Trường học sáng tạo của Microsoft khuyến khích các lãnh đạo trường tư duy ở mức cao, khám phá và thực hiện các thực hành tốt nhất nhằm gia tăng đổi mới tại các trường học.

Chương trình trường học sáng tạo của Microsoft là một chương trình giáo dục 10 năm, thuộc chương trình Đối tác học tập của Microsoft (Partners in Learning), kèm cam kết đưa khoảng 500 triệu đô la Mỹ, giúp chuyển đổi hệ thống giáo dục trên khắp thế giới thông qua kết nối giáo viên và lãnh đạo trường học vào một cộng đồng phát triển chuyên môn. Là một phần cam kết, cung cấp các tác động thực sự để cải tiến giáo dục và hỗ trợ biến đổi toàn diện trong học tập, chương trình trường học sáng tạo của Microsoft đang giúp lãnh đạo trường chuyển đổi cộng đồng trường học của họ thành môi trường chắp cánh cho các thực hành giảng dạy sáng tạo và học tập của thế kỷ 21, nhờ cung cấp các công cụ và tài nguyên cần thiết để đưa ra tác động lớn hơn trong chuyển đổi giáo dục và chuẩn bị đào tạo sinh viên. Thông qua chương trình, lãnh đạo nhà trường trở thành một phần của cộng đồng học tập toàn cầu và có quyền truy cập để nhận tư vấn từ các chuyên gia và đồng nghiệp.

Các trường học Pathfinder và tư vấn sáng tạo Microsoft đang tạo ra những lợi ích để chuvển lại cho chính hệ thống này và được lựa chọn thông qua một quy trình ứng dụng nghiêm ngặt bao gồm các tài liệu dạng viết và video.

Các trường học tư vấn sáng tạo Microsoft (Microsoft Innovative Mentor Schools) đi một bước xa hơn về chia sẻ thực tiễn tốt nhất so với hệ thống Trường học sáng tạo Pathfinder của Microsoft (Microsoft Innovative Pathfinder Schools), khi đang giúp họ phát triển một tầm nhìn và giúp họ thực hiện kế hoạch để biến đổi phương thức hoạt động của trường học.

Các đại diện Trường học sáng tạo Pathfinder và Trường học tư vấn sáng tạo năm 2012 – 2013 sẽ tham dự diễn đàn đối tác học tập toàn cầu, tổ chức từ ngày 28/11/2012 tới 1/12/2012 tại Praha, Cộng hoà Séc.

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201210/Truong-hoc-sang-tao-toan-cau-cua-Microsoft-1963923/

Cần thay đổi quan điểm đầu tư vào giáo dục

Posted: 05 Oct 2012 04:46 AM PDT

Để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, TS Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội ĐH-CĐ ngoài công lập cho rằng cần phải đổi mới quan điểm về tài chính giáo dục, trong đó bao gồm cả vấn đề xã hội hóa và thu hút đầu tư. TS Lê Trường Tùng cho biết:

Thực tiễn hiện nay so với các nước khác, phần trăm ngân sách chi cho giáo dục Việt Nam đang ở dạng cao nhất; tỷ lệ sinh viên tư/sinh viên công lại thấp nhất. Việt Nam đã chi tối đa ngân sách cho giáo dục (20% ngân sách), và ôm đồm quá nhiều sinh viên trường công (86 sinh viên trường công/14 sinh viên trường tư).

Bức tranh này ngược hẳn mô hình phát triển bình thường của các nước trong khu vực. Vì đầu tư như vậy, suất đầu tư ngân sách/sinh viên thấp, dẫn đến chất lượng thấp là điều không tránh khỏi.

Về tiêu chí tỷ lệ học sinh công/tư, lẽ ra cấp học càng cao, mức độ xã hội hóa càng nhiều, nhưng bức tranh giáo dục Việt Nam đang hoàn toàn ngược lại: tỷ lệ xã hội hóa giáo dục mầm non mẫu giáo là cao nhất, sau đó đến trung học và thấp nhất là xã hội hóa giáo dục sau phổ thông.

Đó là chưa kể, hiện có hiệu ứng xã hội tập trung "ném đá" phê phán xã hội hóa ĐH-CĐ, xem các nhà đầu tư ĐH-CĐ như tội đồ chạy theo lợi nhuận. Nếu trong giai đoạn phát triển cần thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội hóa giáo dục hiện nay mà lại luôn nhấn mạnh yếu tố phi vụ lợi thì sẽ không đạt được mục tiêu thu hút đầu tư giáo dục đa thành phần.

- Vậy đâu là mô hình đầu tư giáo dục lý tưởng nhất?

- TS LÊ TRƯỜNG TÙNG: Giáo dục là lĩnh vực mang tính xã hội – nhân văn.
Mô hình đầu tư giáo dục lý tưởng nhất, nhà nước dùng ngân sách đầu tư
toàn bộ để xây dựng một nền giáo dục chất lượng cao, học tập miễn phí ở
tất cả các cấp học. Đây là mong muốn của mọi nhà nước do dân, vì dân.
Vì việc gắn giáo dục với yếu tố thị trường bao giờ cũng có những mặt
trái không ai mong muốn.

Mong muốn nhiều nhưng thực lực có hạn, vì vậy,
đầu tư vào giáo dục ở Việt Nam phải có sự tính toán.

Trong đề án đổi
mới giáo dục lần này, chúng ta cần đặt mục tiêu phổ cập giáo dục phổ
thông bắt buộc và phải là giáo dục phổ thông có chất lượng (hệ 9 năm -
cùng các năm nhà trẻ mẫu giáo), học sinh đi học không phải đóng bất cứ
khoản phí nào. Đây cũng là ưu việt XHCN cần hướng tới và thực hiện sớm.

Hy vọng rằng có thể tính toán để có ngân sách đủ chi việc này. Cần nói
thẳng, dù rất muốn nhà nước cũng không đủ tiền chi cho giáo dục sau phổ
thông miễn phí, kể cả chấp nhận chất lượng thấp.

- Tức là Nhà nước chỉ nên đầu tư đến hệ phổ thông, thậm chí học sinh đi học không mất tiền. Còn sau phổ thông hoàn toàn xã hội hóa?

- 50 năm trở lại đây, bức tranh giáo dục đã có sự thay đổi lớn ở quy mô toàn cầu, trong đó một trào lưu không quốc gia nào cưỡng nổi, hiện tượng đại chúng hóa giáo dục sau phổ thông. Số liệu thống kê của hầu hết các quốc gia cho thấy rõ điều này. Số lượng sinh viên ngày càng đông. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Nếu 50 năm trước đây, ai đó ở Việt Nam có học vấn tiểu học, trung học đã là tinh hoa xã hội, giờ đây có bằng đại học, thậm chí trên đại học cũng chưa chứng tỏ điều gì.

Cần thấy rằng, có đủ kinh phí cho hệ thống giáo dục sau phổ thông trở thành nhiệm vụ không thể kham nổi của ngân sách quốc gia. Các nước giàu có ở Tây Âu cũng phải chấp nhận thu và tăng học phí đại học công.

Việt Nam không nằm ngoài quy luật này: số sinh viên bùng nổ, tăng nhanh chóng, từ lâu ngân sách nhà nước, dù co kéo để dành tối đa cho giáo dục, dù cố tăng hàng năm (hiện 20% chi ngân sách và đến ngưỡng không tăng thêm được nữa vì còn chi cho y tế, quốc phòng an ninh, phúc lợi xã hội khác…), đã không đáp ứng được nhu cầu khi số lượng sinh viên tăng và đòi hỏi về chất lượng đào tạo cao của xã hội cũng như của người học.

Chúng ta muốn chất lượng đào tạo tốt, thậm chí xem đây là mục tiêu số một, mục tiêu không được phép thỏa hiệp; cả xã hội đồng thanh nói không với chất lượng giáo dục thấp, nhưng nhà nước không đủ nguồn tài chính cần thiết thực hiện việc này. Đây là thực tế không được phép né tránh, phải đối mặt và nhìn nhận rõ ràng trong đề án đổi mới giáo dục Việt Nam lần này.

Việc giải quyết mối quan hệ giữa 3 yếu tố: chất lượng đào tạo (sau phổ thông) yêu cầu ngày càng cao; nguồn lực đầu tư giáo dục (từ nhà nước) hạn chế; số lượng sinh viên bùng nổ là một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt. Nếu không làm rõ vấn đề này thì những gì nêu trong đề án đổi mới giáo dục chỉ là khẩu hiệu và duy ý chí.

- Vậy trong điều kiện hiện nay, khi quy mô ĐH-CĐ ngày càng lớn, Nhà nước không nên kham mà nên thả để xã hội đầu tư?

- Tôi chỉ lấy ví dụ thế này thôi, nếu đặt chất lượng giáo dục lên hàng đầu, về mặt nguyên tắc, chỉ cần giảm số sinh viên đi 10 lần (hạn chế chỉ tiêu), lúc đó suất đầu tư vào mỗi sinh viên cũng tăng lên 10 lần, tức là đủ tiền đề để nâng cao chất lượng đào tạo. Lời giải ở đây là: Với giáo dục phổ thông, nhà nước đầu tư tối đa để phổ cập với chất lượng tốt, tạo điều kiện để ai cũng có cơ hội hưởng thụ nền giáo dục chất lượng cao.

Với giáo dục sau phổ thông ngân sách Nhà nước chỉ nên tập trung vào đào tạo các ngành thiết yếu (xã hội, khoa học, văn hóa…); đào tạo nhân tài; hỗ trợ sinh viên nghèo, cùng với đó thu hẹp số lượng sinh viên trường công để duy trì suất đầu tư/sinh viên cao đủ để đảm bảo chất lượng. Còn lại, nên tăng cường xã hội hóa giáo dục, có chính sách để thu hút mạnh mẽ đầu tư đa thành phần vào lĩnh vực đào tạo ĐH-CĐ như một dạng dịch vụ. Dĩ nhiên, khi đã mở rộng cho đầu tư vào ĐH-CĐ thì phải tăng cường kiểm soát chất lượng.

* Lo ngại của xã hội về các trường ĐH-CĐ ngoài công lập không phải là vô
cớ. Vậy theo ông, làm thế nào để xã hội hóa giáo dục thành công mà vẫn
bảo đảm chất lượng, không rơi vào trình trạng nhiều nơi từ chối tại
chức, ngoài công lập như hiện nay?

* Tôi cho mô hình các ĐH ngoài
công lập cần thay đổi. Cần phát triển một mô hình đầu tư giáo dục mới
là các khu đào tạo tập trung, mô hình thế hệ tiếp theo của khu công
nghiệp, khu công nghệ cao. Điều này nhằm thu hút đầu tư giáo dục chất
lượng cao, cho phép triển khai một dự án giáo dục nhanh chóng, tiết kiệm
nhờ sử dụng hạ tầng và các tiện ích giáo dục dùng chung. Một số quốc
gia trong khu vực đã và đang triển khai thành công mô hình này. Việt
Nam, nếu cần thiết hãy khuyến khích chuyển đổi một số khu công nghiệp
thành khu đào tạo tập trung và hình thành các khu đào tạo trong khu công
nghệ cao.

(Theo Sài gòn giải phóng)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/91164/can-thay-doi-quan-diem-dau-tu-vao-giao-duc.html

Nước mắt con trẻ

Posted: 05 Oct 2012 04:46 AM PDT

– Hôm đó tôi về quê, xuống nhà cậu mợ chơi. Vừa đến đầu ngõ đã nghe thấy tiếng khóc của cô em gái. Rồi sau đó là tiếng mắng chửi của mợ tôi: "Tao bảo mày viết chữ O thì phải vòng sang bên trái cơ mà. Sao mày viết thế này hả?"

1.Khi tôi vào nhà thì thấy cô em gái năm nay mới học lớp một đang vừa mếu khóc vừa cặm cụi viết bài.

Ảnh minh họa
Mợ tôi ngồi bên cạnh, cứ mỗi chữ viết sai, mợ tôi lại tiện tay tát vào má hay cốc vào đầu cô con gái mấy cái. Cứ mỗi câu "sai rồi, sai rồi" của mợ tôi luôn kèm theo một cái tát hoặc cốc đầu cô con gái bé bỏng. Vì thế, cô bé vừa viết, vừa khóc, vừa lấy áo quệt nước mắt, nước mũi. Vì nếu để nước mắt chảy xuống vở thì sẽ bị mẹ đánh đau hơn.

Tâm sự với tôi, mợ tôi cứ phàn nàn: "Đấy cháu xem, nó mới học lớp một mà ngu lắm cơ. Mợ đã bảo bao nhiêu lần rồi, là chữ O thì phải viết từ trái sang phải, chữ Ô thì phải có cái dấu ở trên đầu, chữ Ơ thì phải có cái râu…Thế mà cứ nói trước nó quên sau, không phân biệt được đâu là chữ Ô, đâu là chữ Ơ nữa…Chán lắm cơ cháu ạ. Mà hơi đánh một tí là khóc nhè đấy."

Vừa nói chuyện, mợ vừa kèm cô con gái học: "Đấy, đấy, không viết bài đi, còn thích hóng hớt hả, có thích ăn mấy cái tát nữa không hả?"

Nghe đến đây, cô bé lại sợ hãi nhìn mẹ, rồi lại tiếp tục cặm cụi viết, nước mắt vẫn chảy dài trên khuôn mặt còn non nớt.

2.Tôi đi gia sư cho một em bé học lớp 6. Cậu bé này có một em trai học lớp mẫu giáo lớn. Hôm nào cũng vậy, cứ đến buổi tối, khi tôi đến thì gặp cậu bé ấy đang ngồi khóc nhè một mình bên mâm cơm. Hỏi sao em không ăn cơm thì em nói: "Có ai bón cho em đâu mà em ăn". Cả nhà đã ăn cơm hết rồi…

Mẹ em thì bận rộn với công việc, tính toán sổ sách nên chẳng mấy khi có thời gian chăm sóc em. Mỗi lần em đòi mẹ bón cơm, hay vào chỗ mẹ làm việc thì mẹ em lại gắt lên: "Mày biến ra kia cho mẹ làm việc. Không thấy mẹ đang bận à?"

Lần nào cậu bé quấn quýt quá thì cô lại đưa cho cậu ít tiền, bảo ra ngoài mua mấy món đồ ăn hay đồ chơi về nghịch. Đã thành quen nên cậu bé hầu như rất ít khi dám gần mẹ. Những bữa cơm của gia đình em cũng diễn ra vội vã, cứ như để cho qua bữa vậy. Lần nào em cũng ngồi lại sau cùng với bát cơm của mình. Vì thế, lần nào tôi đến, cậu bé cũng quấn lấy, đòi: "Anh bón cơm cho em".

Có lần, cậu đã hỏi: "Anh ơi, không hiểu sao cái đầu em nó rất ngu ấy. Em học mãi mà nó chẳng vào gì. Bây giờ làm sao cho nó đỡ ngu hả anh?" Câu hỏi của em làm tôi chết lặng. Tôi biết trả lời em thế nào đây. Khi mà ngoài giờ học ở trên lớp, về đến nhà em như một đứa trẻ bị bỏ rơi. Dù em cũng có gia đình, có anh, có mẹ. Nhưng mẹ em vì quá bận rộn với công việc kiếm tiền mưu sinh mà dường như đã quên mình còn có hai cậu con trai.

Người mẹ ấy luôn nghĩ rằng sẽ làm ra thật nhiều tiền, để cho các con mình có được một cuộc sống đủ đầy về vật chất. Nhưng cô đâu biết rằng những đứa con của cô còn thiếu một thứ rất lớn, mà sự đủ đầy về vật chất không thể nào bù đắp được: Đó là sự quan tâm của người mẹ với những đứa con.

* * *

Tâm hồn con trẻ non nớt như tờ giấy trắng, người lớn chúng ta là những người giúp con trẻ nắn nót viết những nét chữ đầu tiên lên đó. Rồi tương lai của những đứa trẻ kia sẽ đi về đâu nếu ngay từ nhỏ, các em đã lớn lên cùng những giọt nước mắt, những thiếu thốn về tình cảm, về sự quan tâm như vậy?

Thay vì những đòn roi, những lời quát mắng, người lớn hay chắp cánh những ước mơ cho trẻ bằng những nụ cười thật hồn nhiên, trong sáng. Đó có lẽ là điều các em mong đợi nhất ở những bậc làm cha, làm mẹ.

  • Vũ Viết Tuân

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/91202/nuoc-mat-con-tre.html

Bảng xếp hạng đại học toàn cầu: châu Á vươn lên

Posted: 05 Oct 2012 04:46 AM PDT

Bảng xếp hạng đại học toàn cầu: châu Á vươn lên

TTO – Mặc dù vẫn thống trị các thứ hạng đầu trong bảng xếp hạng những trường đại học chất lượng thế giới, nhưng nhiều trường của Anh và Mỹ tụt hạng dần trong khi các trường châu Á đang vươn lên khẳng định uy tín.

Các trường đại học ở châu Á như “ngôi sao đang lên” do nhận được ngân sách đầu tư ngày càng tăng từ chính phủ – Ảnh: GM

Viện Công nghệ California tiếp tục giữ ngôi đầu trong bảng xếp hạng của tạp chí Times Higer Education (THE) 2012-2013. Theo sau đó là Đại học Oxford (Anh), Đại học Stanford và Đại học Harvard (Mỹ). Mỹ có 7 trường đại học trong top 10.

Trong top 200 trường hàng đầu, nước Mỹ có 76 trường và sau đó là Anh, Pháp. Ngoài tam giác vàng là các đại học London, Oxford và Cambridge thì bảng xếp hạng cảnh báo các trường đẳng cấp của Anh có nguy cơ rơi vào nhóm bậc trung do tình trạng cắt giảm ngân sách đầu tư, học phí tăng cao và tính cạnh tranh toàn cầu gay gắt.

Nhiều trường đại học của Anh và Mỹ tụt hạng so với một số trường từ châu Á và Úc. Các đại học ở Trung Quốc, Singapore, đặc biệt là Hàn Quốc có sự tăng hạng mạnh trong bảng xếp hạng năm nay. Nguyên nhân là do những trường này ngày càng nhận được hỗ trợ ngân sách từ chính phủ sở tại.

Biên tập viên của THE, ông Phil Baty nhận định: "Có sự thay đổi trong cán cân quyền lực và cụ thể là nghiêng về phía Đông và Đông Á. Nguồn đầu tư lớn cho các trường đại học hàng đầu ở châu Á đã bắt đầu gặt hái kết quả. Trong khi mặt trời mọc ở hướng đông thì nước Anh đang đối diện với bão tố".

Chẳng hạn, Đại học kỹ thuật Nanyang (Singapore) tăng tới 83 hạng và hiện đứng vị trí 86 nhờ gia tăng đáng kể trong đầu tư nghiên cứu. Hoặc Đại học Quốc gia Seoul tăng từ hạng 124 năm ngoái lên đến hạng 59 trong năm nay. Châu Á có 11 đại học trong top 100 thế giới. Đại học Tokyo có thứ hạng cao nhất (hạng 27/100) so với các trường trong khu vực.

Ông Yang Wei, chủ tịch Đại học Chiết Giang kiêm chủ tịch nhóm C9 (gồm các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc), đánh giá xu hướng chuyển đổi này là kết quả của một thập kỷ phát triển tiến bộ tại châu Á. Ông cho biết chiến lược của Trung Quốc là quốc tế hóa đào tạo cao học, chính phủ cam kết chi 4% GDP cho giáo dục, còn các trường đại học trong nước thì ngày càng tự cải thiện mình. "Tôi cho rằng tiến trình này sẽ kéo dài ít nhất 5-10 năm nữa".

Tạp chí THE xếp hạng các trường đại học dựa trên hơn 13 tiêu chí, như nghiên cứu, giảng dạy, chuyển giao kiến thức và triển vọng quốc tế.

TẤN KHOA (Theo THE, AFP, Forbes)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/514387/Bang-xep-hang-dai-hoc-toan-cau-chau-A-vuon-len.html

Chuyện thầy giáo già bán nhà ở phố, lên núi xây trường

Posted: 05 Oct 2012 04:46 AM PDT

Lớp học tách riêng nam và nữ.

Sinh ra ở và lớn lên ở huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh), từ nhỏ cậu học trò nghèo Nguyễn Lê Đắc đã tỏ rõ sự thông minh vượt trội, ham học hỏi. Lớn lên với mong muốn có thêm cái chữ, mở mang hiểu biết cậu đã lăn lội ngược xuôi khắp trong Nam ngoài Bắc để tìm tòi học hỏi, trau dồi kiến thức.

Trong những năm khói lửa của hai cuộc trường kỳ kháng chiến, là một người lính tiên phong cần mẫn diệt "giặc dốt", ông đã tình nguyện đi dạy học ở các lớp thời kỳ kháng chiến. Đã không biết bao nhiêu thế hệ học sinh (HS) được người thầy ấy cần mẫn “đưa đò” để biết đến mặt con chữ, để hiều được điều những trang sách nói trong những căn hầm chật chội, trong những mái nhà tranh lợp vội làm lớp học dã chiến…

Nhận thấy ông là một người tâm huyết với sự nghiệp trồng người, ngành giáo dục tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ đã quyết định cử ông ra học tập nâng cao chuyên môn tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ). Ngay sau khi tốt nghiệp, với kiến thức chuyên môn sâu rộng, ông được giữ lại làm giảng viên chuyên ngành Tâm lý học của trường.

Đến năm 1974, do một số lý do đặc biệt ông xin chuyển về công tác tại trường ĐH Sư phạm Vinh (nay là ĐH Vinh). Với kiến thức chuyên môn  sâu rộng, khả năng truyền đạt tốt, lại có kinh nghiệm giảng dạy, ông nhanh chóng khẳng định được vị trí của mình ở ngôi trường mới và trở thành một giảng viên có tiếng thời bấy giờ.

Sau 10 năm công tác, phấn đấu tại Trường ĐH Sư phạm Vinh, ông Đắc đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ chuyên ngành Tâm lý học và trở thành một cán bộ cốt cán của ngành giáo dục Nghệ Tĩnh. Nhưng ông vẫn luôn trăn trở, không ngừng tìm tòi nghiên cứu hoàn thiện phương pháp giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo ở từng giờ lên lớp.

Trong một lần về thăm quê, ông Đắc băn khoăn với thực trạng giáo dục của quê nhà. Còn rất nhiều HS mong muốn được đến lớp, được đến trường nhưng do điều kiện cơ sở vật chất của địa phương lúc bấy giờ còn có hạn nên không thể đáp ứng được. Chính vì vậy còn rất nhiều HS sau khi học xong cấp 2 phải nghỉ học ở nhà.

Đúng lúc này lãnh đạo địa phương lại bất ngờ gợi ý, đề nghị ông thành lập một trường THPT dân lập trên địa bàn. Như được "gãi đúng chỗ ngứa", ông Đắc bừng tỉnh. Với tâm huyết, mong mỏi được đóng góp xây dựng cho quê hương, tròn một năm sau ngày nhận được lời gợi ý bất ngờ đó, ông Đắc khiến lãnh đạo địa phương phải "tròn xoe mắt" với bản đề án thành lập ngôi trường THPT dân lập mang tên vị bác sĩ nổi tiếng Nguyễn Khắc Viện. Và ông đã chuẩn bị mọi thứ cần và đủ để công cuộc xây dựng trường.

Bán nhà thành phố để… lên núi lập trường

Trong một thời gian ngắn, ông Đắc đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để khai sinh ngôi trường. Nhưng do kinh phí hỗ trợ của Nhà nước ít, nên việc lo đủ số tiền khổng lồ để xây dựng sở vật chất mua sắm trang thiết bị là hết sức khó khăn.

Trăn trở, trằn trọc lo lắng nghĩ tới thực trạng giáo dục của huyện nhà lúc bấy giờ, ông càng quyết tâm hiện thực hóa ngôi trường trong mơ của mình cho kỳ được. "Khi đó tôi về bàn với vợ con, hay nó cách khác là "xui" vợ bán căn nhà ở thành phố rồi chuyển cả gia đình lên đây ở trong trường, lấy số tiền đó để đầu tư vào cơ sở vật chất của trường… Phải mất nhiều thời gian lắm, tôi mới "xúi" được bà ấy bán nhà lấy tiền xây trường đó", ở cái tuổi xế chiều, thầy Đắc móm mém cười tâm sự.

Thầy Đắc vui vẻ giải thích về phương pháp

Tất cả cơ ngơi của mình ở thành phố, ông đã bán sạch, dồn hết tiền vào thêm kinh phí xây dựng trường. Vậy là vấn đề kinh phí tạm thời được giải quyết.

Không ít người lúc bấy giờ gọi ông là lão "gàn" dở, vì chẳng ai lại bán nhà mình đang ở để đi xây trường học bao giờ, rồi họ tự khẳng định với nhau rằng ông sẽ thất bại, cái "ngông cuồng" của ông sẽ phải trả giá.

Thầy Đắc vui vẻ giải thích về phương pháp

Trường học tách riêng nam – nữ, tiết học kéo dài 90 phút

Vượt qua những khó khăn ban đầu với sự hỗ trợ quan tâm của ngành giáo dục địa phương, hiệu trưởng Nguyễn Lê Đắc đã mạnh dạn áp dụng những phương pháp và nguyên tắc giáo dục chưa từng có tiền lệ để đưa vào ngôi trường của mình.

Giải thích cho những phương pháp đặc biệt mà ông đưa vào ứng dụng, là một tiến sĩ chuyên ngành Tâm lý học và từ kinh nghiệm giảng dạy của mình, thầy Đắc nói: "Mỗi tiết học chỉ có 45 phút thì thời gian ổn định lớp, kiểm tra bài cũ, dặn dò HS chuẩn bị bài ở nhà đã mất 10 -15 phút. Như vậy, thời gian giảng bài mới của giáo viên sẽ còn rất ít, HS không thể tiếp thu hết kiến thức quy định trong tiết học đó. Vì vậy tiết học 90 phút đối với học sinh cấp 3 là để rèn luyện "độ bền", tính kiên trì và sự tập trung cao độ".

Đối với mỗi tiết học, thầy Đắc yêu cầu giáo viên chỉ giảng bài mới trong vòng 40 – 45 phút. Thời gian còn lại là học trò hỏi giáo viên trả lời. Sau mỗi tiết học thì các em sẽ được nghỉ 20 phút.

Thầy Đắc cho rằng: “Sự chú ý là một trạng thái tâm lý đặc biệt quan trọng để mang lại hiệu quả làm việc không những chỉ trong ngành giáo dục nói riêng mà tất cả các ngành nghề khác trong xã hội. Vậy nên để nâng cao chất lượng học trên mỗi giờ lên lớp của HS, tôi đề ra các phương pháp dạy học như vậy để giảm thiểu tối đa sự chú ý của HS vào những việc khác và dành sự chú ý đó vào việc nhận thức và tiếp thu bài vở trên lớp”.

Nhưng còn một thực trạng làm ông đau đầu bây giờ là HS trong trường hay xảy ra gây gổ đánh nhau. Là một tiến sĩ tâm lý, ông cho rằng HS cấp ba là lứa tuổi mới lớn, bắt đầu phát triển tình cảm giới tính, các em thường thích chứng tỏ mình. Vì vậy đó là nguyên nhân xảy ra các vụ HS đánh nhau. Chính vì vậy ông quyết định tách riêng nam, nữ. Theo ông Đắc, việc tách riêng nam nữ như vậy là để các em có thể thoái mái trao đổi kiến thức mà không còn ngại ngùng bạn khác giới. Còn các bạn nam, khi không trêu chọc các bạn nữ thì các em sẽ tập trung vào việc học hơn.

Lớp học tách riêng nam và nữ.

Những phương pháp "lạ" được thầy Đắc áp dụng trong cách giáo dục của mình nhận được nhiều phản ứng trái chiều khác nhau. Nhưng theo ghi nhận thì luồng ý kiến tán thành vẫn chiếm tỉ lệ đa số.

Khi chúng tôi hỏi một số HS đang theo học tại trường thì tỉ lệ HS đồng ý với phương pháp tách riêng HS nam và nữ của thầy Đắc là khoảng 65%, 25% không đồng ý, số còn lại không có ý kiến gì. Phần HS đồng ý chủ yếu là các HS nữ.

Và thực tế cũng đã chứng minh cho những phương pháp đó đã mang lại một số hiệu quả nhất định. Khi nhìn nhận chất lượng đầu vào của đại đa số các em HS khi vào học tại các trường dân lập phần đa đều là những em có học lực kém, hoặc không tốt lắm… nhưng tỉ lệ HS đỗ tốt nghiệp ở trường luôn chiếm tỉ lệ cao so với các trường công lập đóng trên địa bàn có chất lượng HS đầu vào cao hơn.

Dù bất kỳ lúc nào nếu có tiết học nào trống giáo viên thầy vẫn có mặt để

Ngọc Huê – Lany Nguyễn

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-647821/chuyen-thay-giao-gia-ban-nha-o-pho-len-nui-xay-truong.htm

Cần làm gì để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam

Posted: 05 Oct 2012 04:45 AM PDT

(GDTĐ)-Vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam đang thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội. Hội nghị Trung ương 6, khóa XI đang diễn ra cũng sẽ đưa vấn đề này ra bàn thảo. Liên quan đến vấn đề này, nhiều nhà khoa học, chuyên gia giáo dục đã đóng góp những ý kiến tâm huyết.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Xây dựng đội ngũ giáo viên là giải pháp cốt lõi

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

Theo Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, việc sửa đổi chính sách đối với nhà giáo và cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là giải pháp cốt lõi để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.

Cụ thể, cần đổi mới công tác công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực của ngành giáo dục theo hướng đại học hóa giáo viên phổ thông và nâng cao chất lượng tuyển sinh của ngành sư phạm. Từ năm 2013-2014 chấm dứt tuyển sinh đào tạo giáo viên phổ thông ở trình độ trung cấp và cao đẳng; thiết lập cơ chế bảo đảm cân bằng giữa đào tạo và tuyển dụng giáo viên phổ thông, đồng thời tính toán để việc đào tạo chẳng những đáp ứng yêu cầu về chất lượng mà cả về cơ cấu loại hình giáo viên do chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 đặt ra.

Sắp xếp lại các trường đại học sư phạm thành một hệ thống chung chiến lược phát triển. Xây dựng cơ chế tạo ra quan hệ gắn bó giữa hệ thống các trường sư phạm với hệ thống giáo dục phổ thông trên cả 3 mặt: cộng tác xác định mục tiêu đào tạo (về chất lượng, số lượng, cơ cấu môn học); cộng tác thực hiện quá trình đào tạo và bồi dưỡng, cộng tác trong nghiên cứu khoa học giáo dục. Nhà nước cần ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và có chính sách thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có năng lực cho các đại học sư phạm.

Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông theo hướng chuyển từ đào tạo một lần sang đào tạo căn bản với đào tạo bổ sung, thường xuyên theo chu kỳ, trọng tâm là phát triển liên tục khả năng đáp ứng của giáo viên trước yêu cầu chuyên nghiệp hóa… Chương trình đào tạo căn bản cho sinh viên sư phạm và chương trình đào tạo bổ sung/thường xuyên theo chu kỳ cho giáo viên phổ thông đều cần tập trung phát triển ở người học phẩm chất nhà giáo, kiến thức tổng quát, chuyên môn và sư phạm, năng lực giảng dạy và giáo dục cùng các năng lực mới mà nhà giáo chuyên nghiệp phải có. Trong chương trình đào tạo căn bản ưu tiên gia tăng về thời lượng và điều kiện bảo đảm cho các hoạt động kiến tập, thực tập giáo dục tại nhà trường phổ thông.

Sửa đổi chính sách về tiền lương và phụ cấp, bảo đảm để giáo viên dạy ở trường công và gia đình họ có mức sống cao hơn mức sống trung bình trong xã hội cũng như tạo điều kiện về tài chính để giáo viên nâng cao trình độ nghề nghiệp thông qua học tập, tiếp tục và tham gia các hoạt động văn hóa. Chính sách về tiền lương và phụ cấp đối với giáo viên cũng phải thể hiện sự ưu đãi so với các công chức, viên chức tương đương về trình độ đào tạo. Cần bổ sung các chế độ về phúc lợi đối với nhà giáo và cải thiện điều kiện làm việc để nhà giáo có thể thực hiện các hoạt động giáo dục một cách chuyên nghiệp.

Xây dựng và ban hành Luật nhà giáo và nghề dạy học, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp nêu trên, đặc biệt xác lập chuẩn mực pháp lý về phẩm chất, năng lực của nhà giáo và những người tham gia quản lý nhà trường; xác định các quy định về quyền và trách nhiệm của nhà giáo trong việc tổ chức quá trình dạy học, lựa chọn sách giáo khoa/tài liệu giảng dạy và áp dụng phương pháp giảng dạy; quy định về việc thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, tổ chức đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng nhà giáo và hệ thống các trường đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; trách nhiệm của các cơ quan/tổ chức và cá nhân quản lý/sử dụng lao động cuả nhà giáo trong việc cải thiện điều kiện hành nghề dạy học, bảo đảm an ninh nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến và địa vị xã hội của nhà giáo; quy định về tổ chức độc lập thực hiện chức năng đánh giá và cấp chứng chỉ hành nghề dạy học

vcvcv
GS.NGND. Phạm Minh Hạc

GS.NGND. Phạm Minh Hạc – Nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT đề xuất xây dựng nền giáo dục nhân văn, thực học, thực nghiệp, hình thành và phát triển, phát huy giá trị bản thân ở người học, nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển con người. Theo GS.NGND. Phạm Minh Hạc, mục tiêu số một của giáo dục phổ thông là dạy và học được một số tri thức phổ thông để thành người và cơ sở ban đầu để làm người, chuẩn bị vào học nghề. Tư tưởng cốt lõi của triết lý giáo dục nhân văn là hình thành được ở người học tình yêu con người, đánh giá đúng cả mình lẫn người, coi trọng năng lực thực của mình, nhà nước và xã hội trọng dụng con người, nhất là người tài; nền giáo dục công nghệ là đào tạo người học có lương tâm nghề và tay nghề thành thạo. Cụ thể, cần củng cố và tăng cường xây dựng trường phổ thông dạy tri thức phổ thông, lao động, hướng nghiệp, làm quen với nghề: thực học để thành người lao động có tay nghề, có năng lực sống thực – có giá trị và kỹ năng sống, lao động thực.

GS.NGND. Phạm Minh Hạc đề xuất: Từ nay đến 2015-2020, mọi miền đủ trường lớp kiên cố với thiết bị dạy học tối thiểu, các cấp học đều học 2 buổi/ngày; mau chóng có sách giáo khoa mới cho phổ thông, theo đó, các sách khoa học tự nhiên như ở các nước tiên tiến, sách khoa học xã hội đảm bảo tính khoa học, chính xác, đơn giản, thiết thực với phần thực hành tương thích, dạy và học giá trị sống, kỹ năng sống; chấn chỉnh, củng cố đội ngũ nhà giáo có phẩm chất và tay nghề.

GS.TSKH Nguyễn Minh Đường: Cần thống nhất một đầu mối quản lý Nhà nước hệ thống giáo dục quốc dân

Theo GS.TSKH Nguyễn Minh Đường, cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được coi là một trong những yếu tố căn bản nhất về giáo dục của mỗi nước. Bộ máy quản lý giáo dục là đầu não của giáo dục, đề xuất các chủ trương, chính sách, cơ chế quản lý và chỉ đạo việc thực hiện mọi hoạt động giáo dục của mỗi quốc gia, sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của giáo dục, cũng là yếu tố căn bản về giáo dục của mỗi nước.

vcvcvc
GS.TSKH Nguyễn Minh Đường

Ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại hai cơ quan quản lý Nhà nước cấp trung ương về GDĐT là Bộ GDĐT và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Ở cấp địa phương cũng có hai cơ quan quản lý Nhà nước cấp địa phương tương ứng là sở GDĐT và sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Việc quản lý hệ thống giáo dục quốc dân của chúng ta vừa chồng chéo, vừa bị chia cắt, phân tán nên quản lý kém hiệu lực và vậy khó lòng thực hiện được các chính sách quốc gia thống nhất.

GS.TSKH Nguyễn Minh Đường cho rằng, việc hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và đổi mới bộ máy quản lý hệ thống giáo dục quốc dân nước ta là vấn đề bức thiết và căn bản nhất để thực hiện chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo nước nhà. Theo đó, kiến nghị thống nhất một đầu mối quản lý Nhà nước hệ thống giáo dục quốc dân và thực hiện triệt để phân cấp quản lý trong hệ thống.

PGS.TS.Đặng Quốc Bảo: Quán triệt sâu rộng hơn luận điểm "Giáo dục là quốc sách hàng đầu"

Nối tiếp những thành quả đã đạt được trong các thập niên vừa qua, lần này, Đảng xác định cuộc đổi mới theo hai cụm từ "căn bản" và "toàn diện". Có thể coi về bản chất là thực hiện một cuộc cải cách giáo dục mới trên các lĩnh vực quan điểm, chương trình sách giáo khoa, thể chế, cách dạy, cách học và cách quản lý…

Để cuộc đổi mới lần này tiếp tục gặt hái được thành công mới, theo PGS.TS.Đặng Quốc Bảo, trước hết, luận điểm "Giáo dục là quốc sách hàng đầu" sẽ được quán triệt sâu rộng hơn, không chỉ là ngành giáo dục mà cho mọi cơ quan Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội. Hai là, vị thế và đời sống của người thầy trong xã hội phải thực sự được nâng cao trong lần đổi mới này. PGS.TS.Đặng Quốc Bảo mong rằng, giải pháp đột phá của cuộc đổi mới căn bản, toàn diện lần này sẽ lấy khâu "giáo viên", khâu "cải cách sư phạm" là khâu ưu tiên…

"Giáo dục nói chung, quản lý giáo dục nói riêng không phải là lĩnh vực dễ dàng, đặc biệt trong hoàn cảnh nước ta hiện nay khi giáo dục đang phải chịu giao thoa của 3 làn sóng: kinh tế thị trường, cơ chế kinh tế XHCN, xu thế kinh tế tri thức. Tuy vậy, chúng ta vẫn có niềm tin khi 5 lực lượng: Nhà chính trị, nhà quản lý giáo dục vĩ mô, hiệu trưởng và các giáo viên, gia đình học sinh và nhân dân cộng đồng, người học của các bậc học biết "đồng sàng, đồng mộng", hội tụ "tư duy – hành động" thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Phải làm cho dân tộc Việt Nam thành dân tộc thông thái" thì cuộc đổi mới lần này chắc chắn thành công" – PGS.TS.Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.

Hiếu Nguyễn (ghi)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201210/Can-lam-gi-de-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-Viet-Nam-1963913/

Bé gái 12 tuổi thông minh hơn Einstein, Stephen Hawking

Posted: 05 Oct 2012 04:42 AM PDT

Một nữ sinh 12 tuổi, người Anh vừa được nhận vào Hội những người có chỉ số thông minh cao Mensa sau khi Hội này phát hiện ra cô bé thông minh hơn cả hai nhà vật lý vĩ đại Albert Einstein và Stephen Hawking.

Với chỉ số IQ 162, Olivia Manning thuộc nhóm 1% những người thông minh nhất thế giới

Olivia Manning tới từ Liverpool đã đạt được chỉ số IQ hiếm có 162 điểm trong khi mức trung bình chỉ là 100.

Chỉ số IQ của cô bé không chỉ cao hơn thiên tài vật lý người Đức Einstein và giáo sư Stephen Hawking 2 điểm mà còn nằm trong nhóm 1% những người thông minh nhất thế giới.

Hiện tại, Olivia đang được chào đón nhiệt tình tới hội Mensa – đồng nghĩa với việc cô bé sẽ tham gia vào một mạng lưới những người thông minh nhất thế giới.

Là một thần đồng, Olivia đang trở thành ngôi sao ở trường North Liverpool Academy, Everton.

Cô bé chia sẻ: "Ngày càng nhiều người nhờ cháu làm giúp bài tập về nhà. Cháu chỉ thích những thách thức và khiến trí não luôn phải hoạt động".

Olivia cũng thừa nhận có khả năng tiếp thu và nhớ những thông tin mới rất nhanh, nhưng cô bé cũng thú nhận rằng "không thể nói lên lời" khi biết chỉ số IQ của mình.

Chỉ học lời thoại vở bi kịch về Macbeth của Shakespeare trong vòng 1 ngày, Olivia gần như không cần kịch bản khi diễn.

Người tổ chức câu lạc bộ giải quyết các vấn đề sau giờ học của trường North Liverpool Academy – cô Stacey Meighen nói đùa: "Chúng tôi có thêm việc để làm và hiện đang muốn biết tại sao cô bé không đạt điểm A ở tất cả các môn".

Một cô bé 12 tuổi khác cũng được nhận vào Mensa với chỉ số IQ 151 là Lauren Gannon – cũng là cư dân Liverpool. Laura thuộc nhóm 2% những người thông minh nhất thế giới.

Hiệu trưởng Kay Askew nói: "Thành công của câu lạc bộ Mensa của trường cho thấy nếu được hỗ trợ đúng cách, học sinh có thể nổi trội và trở thành những người xuất sắc nhất thế giới".

  • Nguyễn Thảo (Theo Dailymail)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/91203/be-gai-12-tuoi-thong-minh-hon-einstein--stephen-hawking.html

Khi phụ huynh không dám đối mặt với “lạm thu”

Posted: 05 Oct 2012 04:41 AM PDT

Phụ huynh "tiếp tay" cho lạm thu

Qua đường dây nóng của báo điện tử Dân trí, một bậc phụ huynh tên T. ở huyện Thường Tín (Hà Nội) bức xúc chia sẻ: "Theo dõi thông tin báo đài thấy Sở GD-ĐT quy định không thu tiền bảo vệ, trông xe, quét dọn nhưng trường tiểu học T.T vẫn "xé rào" thực hiện". Khi PV hỏi khoản này có biên lai thu hay không thì phụ huynh này chỉ ngậm ngùi nói: "Nhà trường chỉ nói bằng miệng không có văn bản hay phiếu thu".

Đó là một trong hàng trăm tình huống liên quan đến công tác thu chi đầu năm ở Hà Nội mà chúng tôi tiếp nhận được. Qua đây mới thấy, không khó để các trường "lách luật" lạm thu nhưng vấn đề đặt ra: Phụ huynh biết khoản thu là không đúng quy định nhưng vẫn "nhắm mắt" nộp cho xong!

Lo sợ nên nhiều phụ huynh không dám lên tiếng dù biết trường thu sai (ảnh minh họa)
Lo sợ nên nhiều phụ huynh không dám lên tiếng dù biết trường thu sai (ảnh minh họa)

Khi PV đem những chia sẻ của bậc phụ huynh tâm sự với cô L.T.Y – hiệu trưởng một trường tiểu học thuộc Quận Ba Đình, cô lắc đầu chia sẻ: "Tôi không biết phụ huynh lo ngại gì khi phản ánh những cái không đúng để qua đó nhà trường rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời. Là một nhà giáo, tôi thiết nghĩ chẳng có một ai lại dại dột đi "trù dập" học sinh, bởi không chỉ nhà trường mà còn có cả xã hội giám sát".

Cũng theo cô Y, thì tâm lý lo ngại sợ thầy cô "đì" con em mình đã ngấm vào tư tưởng của không ít phụ huynh. Chính vì thế biết trường làm sai nhưng lại không dám góp ý, lên tiêng. Tư duy này cần phải được sớm thay đổi.

"Cá nhân tôi luôn công khai số điện thoại cá nhân cho phụ huynh biết. Bất kì điều gì mà phụ huynh thắc mắc hoặc chưa hiểu rõ, tôi sẵn sàng gặp để giải thích kỹ càng. Thiết nghĩ, ngày nay không khó để phụ huynh có thể gặp gỡ nhà trường để trao đổi, góp ý nhưng không ít người lại từ chối làm điều đó." - cô Y. bộc bạch.

Và những điều khó hiểu

Phụ huynh ngại lên tiếng với nhà trường thì còn có thể đưa ra những lời biện minh nhưng nhiều khi, ngay bản thân phụ huynh với nhau cũng "sợ". Để chấn chỉnh công tác thu chi cũng như định hướng Ban đại diện cha mẹ phụ huynh hoạt động đúng mục đích, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 55 trong đó nếu rõ quyền của cha mẹ HS. Theo đó, cha mẹ HS có thể từ chối ủng hộ khi được Ban đại diện cha mẹ HS lớp, Ban đại diện cha mẹ HS trường đề xuất các khoản ủng hộ, nếu bản thân không tự nguyện; Thực hiện hoặc không thực hiện những nội dung chưa được thống nhất ý kiến trong cuộc họp toàn thể cha mẹ HS hoặc cuộc họp Ban đại diện cha mẹ HS…

Rõ ràng, rành mạnh là thế nhưng dường như nhiều bậc phụ huynh lại quên đi cái quyền đáng có của mình. "Thấy Ban đại diện cha mẹ HS bảo đóng bao nhiêu thì mình nộp như vậy. Với lại ai cũng đóng mà mình từ chối thì cũng không hay" – phụ huynh tên L. ở quận Đống Đa chia sẻ.

Theo tìm hiểu, thì phần lớn các cuộc họp Hội cha mẹ phụ huynh HS đều có sự xuất hiện của giáo viên chủ nhiệm các lớp. Do đó tâm lý ai cũng ngại "va chạm". Thậm chí có người còn tiết lộ: "Mình phản đối có khi lại bị chính Ban đại điện cha mẹ phụ huynh HS trao đổi lại với thầy cô. Im lặng là vàng!".

Tuy nhiên, vẫn còn đó một số ít người dám lên tiếng phản đối khi thấy Ban đại diện cha mẹ HS đưa ra các khoản thu chi không minh bạch. Chị H., một trong những phụ huynh "hiếm hoi" của một trường mầm non ở quận Cầu Giấy (Hà Nôi) từ chối đóng góp các khoản không hợp lệ, chia sẻ: "Chẳng có kế hoạch gì nhưng lại yêu cầu đóng góp các khoản quỹ hội phụ huynh, quỹ lớp, tiền làm sàn gỗ… lên đến tiền triệu. Tôi cương quyết không nộp vì thấy bất hợp lý". Cũng theo lời chị H. thì ngay khi Ban đại diện cha mẹ phụ huynh HS phát động thì phần lớn phụ huynh đã đóng góp cho dù ấm ức trong lòng.

Khi được hỏi chị có lo ngại điều gì không, chị H. thành thật chia sẻ: "Tất nhiên là cũng có. Nhưng cũng may mắn là cháu mới học ở bậc mẫu giáo. Nếu không phù hợp thì mình có thể xin chuyển ra học ở trường tư".

Với việc phụ huynh "lo sợ" nên dẫn đến "vô cảm" trước các khoản thu không đúng quy định thì dù có ban hành văn bản hay giám sát chặt chẽ bao nhiêu đi nữa thì bài toán lạm thu không bao giờ có lời giải cuối cùng. Chỉ khi nào chính bản thân các phụ huynh phải là người tiên phong trong việc chống lạm thu và dẹp đi được mối "lo sợ" không đáng có, lúc đó bài toán này có lẽ mới có lời giải đáp.

S.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-647755/khi-phu-huynh-khong-dam-doi-mat-voi-lam-thu.htm

Comments