Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Sắp xếp lại lớp học trong vụ ưu tiên con, cháu GV vào lớp chọn

Posted: 29 Oct 2012 02:29 AM PDT

 

Theo đó, lãnh đạo Trường THPT số 1 Quảng Trạch đã thừa nhận việc ưu tiên con, cháu GV trong trường vào các lớp chọn là hoàn toàn sai với điều lệ quy định của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó, lãnh đạo trường này còn thẳng thắn nhận khuyết điểm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm, quyết không để xảy ra sai sót trong việc sắp xếp học sinh các lớp chọn trong những năm học tiếp theo.

Sắp xếp lại lớp học trong vụ ưu tiên con, cháu GV vào lớp chọn

Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường cũng đã gặp mặt và xin lỗi gia đình phụ huynh Trần Thị Hồng; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để em C (con chị Hồng) được học tập tại trường như bao học sinh khác. Tuy nhiên cũng theo bà Liên, trong quá trình theo học tại trường, nếu em C vi phạm những điều lệ quy định của nhà trường cũng như Bộ GD-ĐT đưa ra thì cũng sẽ bị xử lý theo quy định như các học sinh khác.

Đặng Tài – Đăng Đức

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-656539/sap-xep-lai-lop-hoc-trong-vu-uu-tien-con-chau-gv-vao-lop-chon.htm

Vẫn còn căn bệnh hình thức

Posted: 29 Oct 2012 02:28 AM PDT

(GDTĐ)-Theo TS.Đào Minh Hồng – Trường ĐHKHXHNV (ĐHQGHN), trong giai đoạn chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ, sự lúng túng giữa cũ và mới đã làm bộc lộ những bất cập trong công tác NCKH của sinh viên.

Sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội đang làm nghiên cứu khoa học. Nguồn: Vietsciedirx
Sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội đang làm nghiên cứu khoa học (Vietsciedirx)

Nhiều lãng phí

Theo TS.Đào Minh Hồng, thường chỉ có khoảng 30% sinh viên là thực sự nghiêm túc với suy nghĩ tập làm khoa học hay đam mê với ý tưởng của một đề tài, còn lại đa số sinh viên đăng ký vì sẽ được tính điểm rèn luyện hay do hưởng ứng theo phong trào của khoa phát động.

Không chỉ ở phía sinh viên, ngay các giảng viên cũng có tư tưởng dễ dãi, nhằm "tạo điều kiện" cho sinh viên được tập làm khoa học. Từ đó, các đề tài được thông qua một cách dễ dãi. Đến cấp khoa, Ban chủ nhiệm thường tôn trọng ý kiến của các tổ bộ môn. Khi được xét duyệt lên cấp trường thì cấp này cũng thường thống nhất với những đề xuất từ khoa…

Chính suy nghĩ xuê xoa, động viên khuyến khích không đúng lúc, đúng chỗ dẫn đến sự lãng phí. Kinh phí dành cho các đề tài sẽ bị dàn trải, những đề tài thực sự có ý nghĩa không đủ "lực" để thực hiện đến đầu đến đũa vì tiền ít, sinh viên sẽ làm qua loa đại khái. Các đề tài sau khi trình ở hội nghị khoa học sinh viên đa số bị xếp lại.

Việc tổ chức hội nghị khoa học sinh viên cũng có vấn đề cần suy nghĩ. Với mong muốn khích lệ tinh thần say mê NCKH của sinh viên nên nhiều trường thường tổ chức hội nghị này một cách bài bản, công phu. Số tiền được chi cho các phản biện cũng như công tác tổ chức, các nghi thức không nhỏ. Nhưng TS.Đào Minh Hồng cho ra rằng, do tâm lý nể nang giáo viên hướng dẫn, "thương" sinh viên, nên các phản biện thường phần lớn cho qua.

Do vậy, điểm cho các đề tài thấp lắm cũng đạt 70/100, còn đa số là trên 80. Không chỉ có vậy, trong hội nghị khoa học sinh viên, thường chỉ có sinh viên làm đề tài lên báo cáo cho nhau nghe, trả lời các câu hỏi của thầy cô, những tranh luận khoa học thực sự không có.

Tính hình thức này dẫn lại đến đến sự lãng phí không nhỏ. Rồi số phận các đề tài sau đó lại thêm một lần lãng phí vì ngoài những đề tài xuất sắc được chuyển lên dự giải thưởng cấp cao hơn, còn lại sẽ được cất kỹ, không công bố, cũng không bổ sung cho nguồn tư liệu.

Lỗi ở tư duy và trách nhiệm quản lý

TS.Đào Minh Hồng cho rằng, những bất cập trên đây, lỗi không phải do quy trình mà là ở tư duy và trách nhiệm quản lý ở từng cấp, từ mỗi giảng viên đến bộ môn, cấp khoa rồi cấp trường.

Nhà trường với tư cách người quản lý cao nhất nên tư vấn, hướng dẫn và kiểm soát các khoa về việc gắn đề tài NCKH của sinh viên với đề tài cấp Nhà nước, cấp ĐHQG, cấp trường hay của các giảng viên trong khoa đang thực hiện hoặc chuẩn bị đăng ký. Điều này không chỉ giúp chọn được đề tài có tính thực tiễn, tập trung thêm nhiều nguồn kinh phí mà còn giúp thầy trò gắn kết hơn do lợi ích và uy tín được chia sẻ. Việc thầy, trò cùng làm việc, khám phá, hưởng thụ thành quả khoa học cũng giúp tạo ra môi trường hoạt động khoa học đích thực.

Ngoài ra, theo TS. Đào Minh Hồng, cần đòi hỏi năng lực của sinh viên khi đăng ký tham gia NCKH như điểm học lực tối thiểu, điểm trung bình môn học có liên quan đến đề tài, thư giới thiệu của giảng viên uy tín. Đồng thời, nên có quy định cho các câu lạc bộ học thuật của sinh viên đấu thầu hay nhận đề tài nghiên cứu. Việc tổ chức hội nghị khoa học của sinh viên nên hướng tới thực chất,  là một buổi trao đổi khoa học thực sự.

"Khi chuyển đổi đào tạo sang hệ thống tín chỉ, hệ thống các câu lạc bộ của sinh viên ở các trường ĐH ra đời, trong đó có các câu lạc bộ học thuật. Kinh phí hoạt động của các câu lạc bộ này thường rất ít. Nếu hướng các câu lạc bộ này nhận đề tài nghiên cứu sẽ vừa giải quyết được nội dung sinh hoạt chuyên môn của câu lạc bộ, vừa tập cho hội viên làm khoa học, góp phần tạo nguồn tài chính.

Việc tổ chức hội nghị khoa học, khi gửi công trình phản biện nên xóa tên cả người thực hiện và người hướng dẫn. Đề tài cũng nên công bố công khai trên website của trường, khoa để những người thực sự quan tâm tiện theo dõi. Nên tư vấn một số câu hỏi phản đề để sinh viên quan tâm và trao đổi" – TS.Đào Minh Hồng nhấn mạnh.

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201210/Van-con-can-benh-hinh-thuc-1964478/

Tìm lối thoát cho giáo dục bằng… du học

Posted: 29 Oct 2012 02:28 AM PDT

- Ám ảnh trước những trận đòn roi và áp lực học hành thâu đêm – nhiều gia đình
Việt đã nung nấu ý định cho con đi du học từ thuở lọt lòng. Dù đã có

một số cái giá phải trả
, nhưng
ước mơ được “thoát khỏi” môi trường giáo dục trong nước là sự thật hiện hữu?



LTS: Từ nhiều năm nay, không phải chỉ những người có tiền mới
mong cho con đi du học. Nhiều gia đình tuy kinh tế không được khá giả, cũng xoay
sở mọi cách để con đi du học để phát triển và có sự đảm bảo vững chắc hơn về
nghề nghiệp trong tương lai. GS Hoàng Xuân Sính đã từng ví von: “Một bức tranh
trải ra trước mắt: hệ phổ thông với thầy và trò suốt ngày dạy thêm học thêm; hệ
ĐH với những sinh viên chỉ muốn xả hơi sau 12 năm gò lưng trên bàn học, đến mùa
thi thì đi thầy để có bảng điểm tốt; và một danh sách dài những gia đình chán
ngán giáo dục nước nhà, tìm cách cho con ra nước ngoài học….”


Giáo dục trong nước kém hấp dẫn?

Là học sinh của một trường THCS có uy tín ở Hà Nội – Hoàng Thị Yến Ngọc luôn
thể hiện năng lực học tập xuất sắc. Tuy vậy, chương trình học nặng, những
"chuyện nhỏ" liên quan đến điểm số, thi cử, thầy cô… khiến Ngọc nhiều lúc thấy
ngột ngạt với sách vở, trường lớp. Những giải thưởng, bằng khen cấp trường, cấp
thành phố không đủ sức an ủi cô học trò sớm biết suy nghĩ.

Lắng nghe những tâm sự của con, chị Thu Hà, mẹ Yến Ngọc hết sức băn khoăn:
"Nếu học mà cảm thấy chán nản, làm sao con phát triển tốt được?"


 

Nhiều phụ huynh kỳ vọng du học sẽ giúp con em họ được hưởng một nền giáo dục tốt đẹp hơn (Ảnh: PHHS cung cấp)


Từ nỗi băn khoăn ấy, chị tìm hiểu và tham khảo từ nhiều nguồn để tìm ra
phương cách giúp con học tập tốt nhất. Cuối cùng, chị hướng con đi du học. Nơi
ước đến chị chọn Singapore “vì đây là nước có nhiều suất học bổng không ràng
buộc, phù hợp với lứa tuổi, khả năng của cháu cũng như điều kiện của gia đình".

Được mẹ cho tiếp xúc với những thông tin du học, Yến Ngọc tỏ ra đặc biệt hào
hứng và hăng hái học tập. "Con bé rất thích thú với ý nghĩ được đi du học.
Khi thấy tôi lăn tăn chuyện trường tốt, trường xấu ở bên đấy con bé nói chắc
nịch "không sao, trường nào cũng được mẹ ạ, miễn là "thoát" được nền giáo dục
Việt Nam"
– chị Hà kể.

Có con đang học tại trường St Joseph’s Insitution International – Singapore,
chị Lâm Vũ Hằng (Hoàng Mai, Hà Nôi) cho biết, chị có ý định cho con đi du học từ
lâu. "Thực sự tôi chưa hài lòng lắm với cách giáo dục ở Việt Nam. Cha mẹ nào
cũng muốn điều tốt nhất cho con, muốn trợ giúp cho con hết mức có thể để con có
được điều kiện phát triển nên ý định cho con đi du học cũng rất tự nhiên"
-
chị nhận xét.

Bằng kinh nghiệm bản thân khi được cử đi học ở Liên Xô từ năm 18 tuổi, chị
Hằng cho rằng môi trường học tập ở nước ngoài rất tốt cho sự phát triển của trẻ.

"So với thế hệ chúng tôi ngày xưa ra nước ngoài khi 18 tuổi, thì ở tuổi 15,
16 của con tôi bây giờ, cho đi du học cũng không phải là sớm" – chị nói.

Mong con được phát triển toàn diện

Những ngày này, chị Lại Thị Kim Cúc hết sức tự hào khi cô con gái lớn của chị
vừa cùng một lúc dành được 2 suất học bổng ASEAN và học bổng A*STAR (hai học bổng
dành cho học sinh lớp đang học lớp 9 và lớp 10 có kết quả học tập xuất sắc). Vô
cùng mãn nguyện, chị chia sẻ, lý do chị ủng hộ con đi du học không gì khác ngoài
việc "hướng tới phát triển toàn diện cho con".

Về việc học hành của con, chị nêu quan điểm: "Không quan trọng phải trường
điểm, lớp chọn, thầy nổi tiếng – tôi chỉ mong con được học trong môi trường tốt,
học tập nhàn nhã, cháu có điều kiện phát triển bản thân…".

Vì vậy chị không ép uổng con học theo kiểu nhồi nhét, học thêm kiểu chạy theo
thành tích mà muốn giúp con hứng thú với việc học.

Hiểu rất rõ con gái, chị Cúc không khó khăn để nhận ra cô bé đôi khi vẫn chán
nản, thất vọng với việc học. "Trẻ con bây giờ chúng thông minh, nhạy cảm lắm.
Nhất là với những đứa say mê học tập thật sự, chúng nhận ra vấn đề ngay"
-
chị Cúc bộc bạch.

Mong tìm kiếm cho con một môi trường học tập lý tưởng, phù hợp hơn, chị bắt
đầu quan tâm tới du học và khuyến khích con ứng tuyển học bổng đi Singapore –
đất nước duy nhất cấp học bổng 100% cho học sinh trung học cơ sở.

Sau hơn 1 năm trời tìm kiếm, nỗ lực, cuối cùng mẹ con chị cũng được mãn
nguyện: Con chị dành được cả 2 học bổng uy tín.

Cầm trên tay cả hai thông báo trúng tuyển của con, chị Cúc nhẹ nhõm thú thực:
"Phải đến khi có kết quả con nhận được học bổng tôi mới cảm thấy con bắt đầu
được hưởng sự công bằng. Nếu học bổng này là của Việt Nam thì có lẽ cũng không
đến lượt con mình… "

Kế hoạch dài hơi

Trong những ngày chuẩn bị cho con lên đường du học, chị Lại Thị Kim Cúc tự
hào, vì cuối cùng hành trình mà chị phả lao tâm khổ tứ chuẩn bị cho con cũng
không vô ích. Hành trình ấy kéo dài, bắt đầu từ những ôm ấp, kỳ vọng chị dành
cho cô con gái, mới 6 tuổi đã thể hiện rõ những tố chất thông minh nổi trội.

Chị Cúc muốn con đi du học để được phát triển toàn diện (Ảnh: Quỳnh Anh)

Riêng việc học tiếng Anh, chị sớm giúp con có một lộ trình "dài hơi": "Từ
khi con 6 tuổi tôi đã cho cháu đi học thêm ở Cung thiếu nhi Hà Nội. Ở nhà, tôi
dạy , học cùng cháu cho đến hết lớp 6 thì bắt đầu cho con luyện dịch xuôi, dịch
ngược và luyện thi IELTS, TOEFL.. Hết lớp 8, cháu đã có thể tự tin giao tiếp
thành thạo, được các GV của một trung tâm Tiếng Anh uy tín ở Hà Nội nhận xét là
"nói tiếng Anh như người bản ngữ."

Muốn dạy con học tiếng Anh "chuẩn" ngay từ đầu, chị Cúc còn kỳ công đi đăng
ký khóa tiếng Anh phát âm. Khi tìm được lớp cho con luyện thi, chị kỳ công đi
học, dự giờ, trò chuyện với thầy cô giảng dạy để đánh giá hiệu quả của việc học.

Thêm nữa, giúp con tự tin nơi xứ người – từ nhỏ chị đã cho con học đàn, vẽ và
tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường lớp nên luôn tự tin trong giao
tiếp… Không chỉ lo bồi đắp kiến thức, chị còn chăm con rất kỹ từ miếng ăn,
giấc ngủ, bởi "tinh thần, sức khỏe ảnh hưởng rất nhiều đến trí lực".  Quan
trọng hơn là con được học trong môi trường được phát huy hết khả năng bản
thân…

Một phụ huynh có con đang học trung học ở Sing cũng đồng tình với quan điểm
này khi cho rằng, bố mẹ chỉ nên tạo điều kiện và chia sẻ nguyện vọng với con.
Anh nói: "Mình không có thói quen nghĩ thay con trẻ. Cho con biết nguyện vọng
của mình, lắng nghe nguyện vọng và cân nhắc khả năng của con mình để khuyến
khích cháu phát triển. Du học là lựa chọn của cháu, và được đi du học cũng là
thành quả do cháu phấn đấu học tập mà có được"

Bài 2: Hành trình chinh phục ‘giấc mơ’ du học

  • Quỳnh Anh

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/93900/tim-loi-thoat-cho-giao-duc-bang----du-hoc.html

Giáo viên phải là người gieo hứng thú, khơi gợi sáng tạo

Posted: 29 Oct 2012 02:28 AM PDT

(GDTĐ) – Năm 2012, em Ngô Phi Long, học sinh Trường THPT Chuyên tỉnh Sơn La, tỉnh Sơn La đã đoạt Huy chương ở cả hai kì thi Olympic vật lý châu Á và Olympic vật lý Quốc tế. Thành công trên có được là nhờ sự đóng góp không nhỏ của cô Trần La Giang, giáo viên trực tiếp dạy môn Vật lý, cũng là mẹ của Long.


Gia đình cô Trần La Giang cùng thầy Cầm Duy Thịnh (hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Sơn La)

Trường THPT Chuyên Sơn La được thành lập cách đây 17 năm, là một trường có tuổi đời còn khá trẻ so với các trường THPT chuyên khu vực miền núi phía Bắc cũng như trong cả nước. Vì thế, kinh nghiệm giảng dạy của các GV trong trường còn hạn chế, cơ sở vật chất còn thiếu, có rất ít thiết bị thí nghiệm đạt tiêu chuẩn. Mặt bằng nhận thức của học sinh không đồng đều, sự đầu tư của phụ huynh cho học sinh cũng rất khác nhau đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chọn đội tuyển học sinh giỏi.

Vượt lên trên những khó khăn ấy, cô Giang và toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã thường xuyên trau dồi đạo đức nghề nghiệp, mẫu mực, tận tụy với nghề, thương yêu và gần gũi với học sinh, tạo niềm tin, lòng say mê học tập, tích cực tự học tập để chiếm lĩnh tri thức khoa học hiện đại.

Nhờ đó, chất lượng giáo dục của Trường THPT Chuyên Sơn La đã không ngừng được nâng cao, chiếm một vị thế trong hệ thống các trường THPT chuyên trên cả nước, trở thành một địa điểm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho Sơn La.

Năm học 2011-2012, học sinh Trường THPT chuyên Sơn La đã đạt 88 giải cấp tỉnh, 11 giải Quốc gia, 1 Huy chương Bạc Olympic Vật lí Châu Á, 1 Huy chương vàng Olympic Vật lí Quốc tế. Nhiều học sinh giỏi trưởng thành từ Trường THPT Chuyên Sơn La đã thành đạt, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của tỉnh cũng như cả nước.


Trường THPT Chuyên Sơn La

Theo cô giáo Trần La Giang, việc tuyển chọn đúng học sinh có năng khiếu, năng lực đặc biệt, là khâu quan trọng, là điều kiện tiên quyết trong việc có được đội tuyển học sinh giỏi chất lượng. Để làm được điều này ngoài việc theo dõi quá trình học tập của các em trên lớp, cần cho các em thử sức mình qua nhiều vòng thi.

Bên cạnh yếu tố năng lực, trình độ của học sinh, vai trò của giáo viên là rất quan trọng. Giáo viên phải là người gieo hứng thú, khơi gợi sáng tạo và dẫn dắt học sinh bằng trí tuệ, tài năng và niềm đam mê của mình. Việc mời các em học sinh đã đạt giải cao về trao đổi, hướng dẫn các em học sinh khóa sau cũng là một giải pháp quan trọng không chỉ có tác dụng về mặt kiến thức mà còn có tác dụng cổ vũ, động viên các em noi gương, phấn đấu.

Giáo viên phải thực sự tâm huyết, yêu nghề, say mê khoa học, ham học hỏi, không ngại khó, không bằng lòng với những thành tích sẵn có, không bằng lòng với chính mình. Cần trao đổi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp ở các trường chuyên, xây dựng được mối liên hệ với các giáo sư đầu ngành, các chuyên gia khoa học để có thể tiếp cận nhanh, linh hoạt, hiệu quả các thông tin cập nhật về nội dung chương trình cũng như tiếp cận với phương pháp dạy học mới, có nhiều hình thức hữu hiệu để khuyến khích học sinh, phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu đối với học sinh giỏi.

Bằng những nỗ lực của mình, cô Giang đã đạt được một số kết quả trong công tác giảng dạy và ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi, được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ GDĐT, của UBND tỉnh Sơn La… Trong thời gian tới, Trường THPT Chuyên Sơn La sẽ thực sự trở thành một địa chỉ tin cậy của ngành GD-ĐT cả nước và hứa hẹn có những bước đột phá mới.

Tuệ Văn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201210/Giao-vien-phai-la-nguoi-gieo-hung-thu-khoi-goi-sang-tao-1964479/

Dạy kỹ năng thế kỷ 21 cho học sinh – Thách thức mới

Posted: 28 Oct 2012 03:47 PM PDT

(GDTĐ) – "Dạy kỹ năng thế kỷ 21 cho học sinh – Thách thức mới" là vấn đề được bàn luận sôi nổi tại Hội thảo "Kỹ năng học tập thế kỷ 21 tại khu vực Đông Nam Á", diễn ra chiều 27/10, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển; đại diện một số Cục, Vụ chức năng của Bộ; nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế, tâm huyết với vấn đề GD kỹ năng sống cho giới trẻ đã cùng tham dự Hội thảo.


Quang cảnh hội thảo (Ảnh: gdtd.vn)

Các tham luận tập trung lý giải cho câu hỏi Tại sao việc Dạy Kỹ năng sống thế kỷ 21 lại là một thách thức? và vấn đề cấp bách của việc trang bị kỹ năng sống trong thế kỷ 21 cho học sinh.

Thực tế cho thấy, đã bước vào thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, song nhà trường của chúng ta vẫn đang gặp nhiều rào cản khi thực hiện mô hình GD mới. Nhận thức và thói quen cũ là một trong những nguyên nhân, song một phần cũng là do mô hình GD truyền thống cũng đã từng mang lại những thành công nhất định.

Với sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, cuộc sống của chúng ta thực sự đã thay đổi về chất. Thế kỷ này, chúng ta đang sống trong thế giới số hóa với sự hỗ trợ của công cụ số… Tất cả những công cụ này làm thay đổi lối sống của thế hệ chúng ta, thay đổi cách chúng ta ăn, ở, làm việc, thay đổi cách thức sản xuất và tiêu dùng, thay đổi hành vi ứng xử, thay đổi cả thói quen và nền tảng văn hóa.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 9/2012, cả nước ta có 128,1 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có tới 116 triệu thuê bao di động. Giới trẻ hiện nay gần như ai cũng có điện thoại di động; có 4 triệu thuê bao Internet và có tới 31.1 triệu người dung Internet thường xuyên. Việt Nam đã trở thành nước có số dân dung Internet đứng thứ 8 Châu Á và là một trong 20 nước có số người dùng Internet nhiều nhất thế giới…

Cách con người giao tiếp, trao đổi thông tin với nhau đã thay đổi rất nhiều; cách vui chơi giải trí cũng khác; thậm chí cách thức làm ruộng của người nông dân cũng khác trước rất nhiều.

Như vậy, tất cả chúng ta đều đứng trước thách thức của sự thay đổi và thực sự chúng ta cũng đã thay đổi.

Tiến sĩ Phạm Phương Luyện, chuyên gia GD cao cấp cho rằng, chúng ta cần phải thay đổi cách thức GD theo hướng dạy kỹ năng thế kỷ 21 là vì, chương trình GD hiện hành vẫn là kiểu chương trình của thế kỷ 20, nặng về kiến thức, trong khi đó đòi hỏi của thị trường đã hoàn toàn khác,… Cần tăng cường kỹ năng tư duy, tương tác và phân tích trong chương trình giảng dạy. Cốt lõi nhất vẫn là khả năng nắm bắt kiến thức một cách nhanh nhất để rồi vận dụng ngay kiến thức đó trong công việc, và kỹ năng xử lý vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng sử dụng công nghệ và kỹ năng sáng tạo. Đây chính là tập hợp kỹ năng thế kỷ 21.

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Phương Luyện, để định hướng đầu ra cho ngành GD, Việt Nam cũng cần thiết ra một Bộ Kỹ năng mục tiêu cho các trường, gồm 10 kỹ năng cơ bản: Kỹ năng Tự học; Kỹ năng Lãnh đạo và tạo dựng uy tín cá nhân; Kỹ năng Chủ động và dám nghĩ dám làm; Kỹ năng Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện; Kỹ năng Lắng nghe; Kỹ năng Thuyết trình; Kỹ năng Giao tiếp; Kỹ năng Giải quyết vấn đề; Kỹ năng Làm việc theo nhóm; Kỹ năng Đàm phán. Các bộ kỹ năng ở mỗi nước có thể ít nhiều khác nhau đôi chút nhưng đều phán ánh tính cấp thiết của một công việc trọng đại: Giáo dục học sinh thành người lao động có kỹ năng và một công dân tốt.

Dạy kỹ năng thế kỷ 21 cho học sinh là vấn đề cấp bách và cần bắt đầu càng sớm càng tốt, để góp phần đảm bảo rằng, thế hệ học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ có đầy đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động mang tính toàn cầu, có khả năng tư duy những vấn đề trừu tượng, hợp tác tốt trong công việc và phân biệt tường minh các nguồn thông tin tốt, xấu… Tất cả sẽ góp phần quan trọng xây dựng và phát triển một xã hội ổn định, bền vững.

Bảo Minh

 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201210/Day-ky-nang-the-ky-21-cho-hoc-sinh-–-Thach-thuc-moi-1964456/

Giáo viên nghề “chạy bữa”

Posted: 28 Oct 2012 03:46 PM PDT

Cô Đoàn Hồng Hải Vân, giáo viên dạy nghề may tại Trường trung cấp nghề Đông Sài Gòn, cho biết lương giáo viên dạy nghề của cô chỉ chiếm 3/10 tổng thu nhập hằng tháng. Ngoài công việc tại trường, cô Vân phải thuê nhân công may đồ tại nhà. Đây mới là phần chính trang trải cho cuộc sống.


Đồng lương nghề giáo không đủ trang trải, cô Đoàn Hồng Hải Vân

Cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh, giáo viên dạy nghề bánh và bếp tại Trường Nghiệp vụ nhà hàng TP.HCM, cho biết đang dạy thỉnh giảng ở một số trường khác ngoài công việc chính. "Mình đi giảng còn làm đúng chuyên môn chứ một số đồng nghiệp khác phải làm thêm cho công ty này, công ty nọ. Phải làm thêm chứ đồng lương không đủ sống" – cô nói.

Thầy Đỗ Văn Bắc, phó hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề và xây dựng FICO, than: "Trường tuyển về năm kỹ sư silicat, được một thời gian đã đi hết ba người". Thường các công ty thích tuyển giáo viên xây dựng làm chuyên viên công trình hoặc giám sát. Thầy cô dạy nghề ngoài bị các công ty "rước đi", còn tự đầu quân lên cấp cao hơn: một số học lên thạc sĩ rồi đầu quân vào các trường đại học. "Cứ 3-4 năm trường lại có một đợt thay đổi về nhân sự do sự ra đi này" – thầy Bắc nói.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – phó trưởng phòng đào tạo Trường Nghiệp vụ nhà hàng TP.HCM, chia sẻ: "Trường lúc nào cũng treo bảng tuyển vì thiếu giáo viên. Cứ hễ tuyển được giáo viên mới lại có giáo viên cũ rời trường. Vấn đề chủ yếu vẫn là lương".

Lương thấp do đủ nguyên nhân nhưng quan trọng vẫn do đầu vào. Thầy Trương Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo Trung tâm Dạy nghề Q.11, cười khổ: "Trung tâm mỗi năm chỉ thu hút hơn 1.000 học viên. Học phí từ số lượng học viên này không đảm bảo thu nhập cho đội ngũ giáo viên. Vậy nên đôi khi giáo viên bận rộn với các vị trí thỉnh giảng mà chưa chuyên tâm vào công việc của trường thì trường phải thông cảm".

"Tôi từng nhận được nhiều lời mời về đứng bếp ở các khách sạn với mức lương gấp ba lần công việc hiện tại. Tôi biết nhiều giáo viên trong nghề khác cũng có những lời mời như vậy. Cho nên, chỉ những ai còn yêu nghề mới cố trụ lại" – cô Hoàng Oanh chia sẻ.

Để ứng phó với tình trạng biến động trên, nhiều trường nghề đã có những nỗ lực để giữ và bổ sung giáo viên, ổn định tình hình đào tạo của trường.

Nhiều trường chủ động gia tăng loại hình dịch vụ, chất lượng đào tạo để thu hút học viên và thu hút các gói đào tạo liên kết. Trung tâm Dạy nghề Q.2 song song với công tác đào tạo trực tiếp các nghề sơ cấp, đã mở thêm các dịch vụ đào tạo liên kết với các trường đại học, đào tạo nghề ngắn hạn cho các công ty, tận dụng điều kiện sân bãi để đào tạo lái ôtô… tăng nguồn thu.

Nhưng tất cả chỉ là giật gấu vá vai. Để ngành dạy nghề mạnh, thầy cô dạy nghề phải sống được. Như vậy cần có chính sách hợp lý bền vững chứ không thể để họ "chạy bữa" như thế này.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-656201/giao-vien-nghe-chay-bua.htm

Học trực tuyến tiếp tay cho viết luận thuê?

Posted: 28 Oct 2012 03:46 PM PDT

Ngày nay, sinh viên có thể thuê các công ty trực tuyến làm giúp tất cả bài
tập của họ, từ bài luận tới các kỳ thi cuối kỳ. Tình trạng này liệu có liên quan
đến vấn đề đạo đức hay thậm chí là pháp lý?

Một đồng nghiệp kể cho tôi câu chuyên như sau. Một sinh viên năm cuối gần đây
đã gửi cho cô một bài luận thực sự xuất sắc. Về hình thức, nó được trình bày rất
đẹp, vượt xa so với một sinh viên năm cuối bình thường. Về nội dung, nó đạt mức
độ tuyệt vời trong việc phân tích văn bản và đưa ra nhiều hiểu biết sắc bén. Rõ
ràng bài luận này thừa đạt điểm A. Chỉ duy nhất có một vấn đề: Rõ ràng là bài
luận này vượt xa về chất lượng so với những bài luận khác mà sinh viên này đã
nộp trong những học kỳ trước.

Người chấm đã nghi ngờ có uẩn khúc gì đó ở đây. Cô đã sử dụng một số chương
trình phát hiện đạo văn để xác định xem liệu có phải sinh viên này đã cắt dán
văn bản từ một nguồn khác hay không, tuy nhiên các công cụ tìm kiếm đều không
tìm được gì. Vì thế, cô quyết định nói chuyện trực tiếp với sinh viên. Cô hỏi
thẳng: "Em viết bài luận này hay nhờ người khác giúp?" Sinh viên này ngay lập
tức thú nhận. Cậu ta đã mua bài luận từ một dịch vụ viết luận thuê trực tuyến.

Người giáo viên tin rằng hành vi này phản ánh sự vi phạm nghiệm trọng về đạo
đức học thuật. Cậu sinh viên đã nộp một bài luận được người khác viết hộ. Giáo
viên đã nghiêm khắc phê bình và cho cậu một điểm F.

Thế nhưng, nguồn gốc của vấn đề này không ở một trường hợp cá biệt như thế
này. Viết luận trở thành một ngành công nghiệp đang nổi với tiền đề là sự phô
trương mang tính hệ thống trong những mục tiêu cơ bản nhất của giáo dục đại học.
Thực tế, việc những dịch vụ như thế này tồn tại phản ánh một sự hiểu nhầm sâu
sắc và phổ biến về lý do tại sao các trường đại học, cao đẳng yêu cầu sinh viên
viết luận ngay từ đầu.

Những dịch vụ này có tên là WriteMyEssay.com, College-paper.org, và
Essayontime.com. Bestessays.com khẳng định rằng "70% sinh viên sử dụng dịch vụ
viết luận thuê ít nhất một lần". Trang này còn tự hào nói rằng tất cả những
người viết luận của họ đều có bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ. Một số trang web còn cung
cấp giấy tờ chứng minh sự hài lòng của khách hàng. Một sinh viên mừng rỡ khi
được nhận điểm B+ cho bài luận lịch sử mà cậu đã nộp ở một trường danh tiếng
thuộc khối Ivy. Một sinh viên khác thì lấy làm ngạc nhiên về tiêu chuẩn học
thuật và sự cống hiến của những người viết luận. Một khách hàng khác thì cam
kết: "Tôi sẽ sử dụng lại dịch vụ viết luận này".

Những lời khẳng định đặt ra một vài câu hỏi.

Đầu tiên là việc sử dụng những dịch vụ này có phải là một hình thức đạo văn
hay không? Không hoàn toàn đúng, bởi vì đạo văn là ăn cắp sản phẩm của người
khác và coi nó là của riêng mình. Trong trường hợp này, giả sử các dịch vụ viết
luận thuê thực sự cung cấp những bài luận mới hoàn toàn, thì tác phẩm của một ai
đó đang bị đánh cắp mà không được sự đồng ý. Nó đang được mua bán. Tuy nhiên,
tác phẩm này lại đang được sử dụng mà không được giao quyền và các sinh viên
đang khẳng định công sức của mình cho cái mà họ chưa bao giờ làm. Tóm lại, sinh
viên đang gian lận.

Hầu hết các dịch vụ viết luận thuê đều không có hoặc rất ít cam kết giúp
khách hàng hiểu chủ đề bài luận hoặc rèn luyện các kĩ năng tư duy và viết. Họ
không yêu cầu sinh viên ghi lại những ý sơ lược hay gửi dàn ý để họ chỉnh sửa và
phê bình. Thậm chí, họ cũng không khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi về chủ đề
của bài luận. Thay vào đó, họ làm giúp sinh viên tất cả mọi việc và chỉ yêu cầu
3 thứ: chủ đề, hạn cuối và thanh toán.

Câu hỏi thứ hai được đặt ra là làm thế nào để những bài luận này không bị
người hướng dẫn phát hiện ra? Nếu như hầu hết các trường đều biết sinh viên của
họ đang sử dụng dịch vụ viết luận thì họ phải đưa ra những biện pháp kỷ luật.
Nhưng việc sử dụng những dịch vụ này có thể rất khó bị phát hiện, trừ khi người
hướng dẫn cố gắng so sánh nội dung và chất lượng mỗi bài luận với những bài viết
khác mà sinh viên đã nộp trước đó. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả bài luận
của học kỳ đều được thuê viết?

Còn một câu hỏi đầy trăn trở khác về những người viết luận thuê. Tại sao
những người đã có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ vẫn thực hiện những hành vi thiếu minh
bạch như vậy? Có lẽ câu trả lời là nhiều học giả thấy bản thân đang đi vào ngõ
cụt, những vị trí giảng dạy bán thời gian của họ mang lại thu nhập quá ít ỏi, họ
không thể nuôi sống bản thân và viết luận thuê trở thành một vụ làm ăn béo bở.
Với những sinh viên có thể chờ đợi lên tới 5 ngày, họ sẽ mất khoảng 20USD/
trang, nhưng với những người cần ngay trong vòng 16 giờ, mức giá cao gấp 4 lần –
80 USD/ trang. Dịch vụ này cung cấp một nguồn tham khảo trong một trang, nhưng
nếu sinh viên yêu cầu trích dẫn nhiều hơn thì họ phải trả thêm 1USD/ nguồn trích
dẫn. Một số học giả khó khăn có thể sẽ coi viết luận thuê là một hình thức trả
thù hệ thống giáo dục đã khiến họ phải gánh một khoản nợ khổng lồ và mang lại
rất ít triển vọng cho sự nghiệp học thuật của họ.

Một câu hỏi sâu xa hơn là: Tại sao những sinh viên sử dụng dịch vụ viết luận
thuê lại không tự mình làm? Một số bài luận chỉ mất rất ít thời gian. Trong khi
chi phí cho việc học đại học đang ngày càng leo thang thì ngày càng nhiều sinh
viên đang cố gắng duy trì những công việc bán thời gian và toàn thời gian. Một
số đang phải cân bằng giữa việc học, hôn nhân, gia đình và những trách nhiệm
khác. Các dịch vụ viết thuê cam kết với sinh viên rằng họ đang học thứ mà họ cần
biết và đơn thuần chỉ là "thiếu thời gian viết nó ra giấy".

Nhưng phức tạp hơn khi một số sinh viên có thể đặt câu hỏi về giá trị của
những bài luận viết tay. Họ sẽ đặt câu hỏi liệu có bao nhiêu công việc trong xã
hội hiện đại này đòi hỏi những hình thức viết tay cổ xưa? Và việc nghiên cứu,
đưa ra những cuộc tranh luận để làm gì trong khi hàng tệp thông tin về bất cứ
chủ đề nào đều sẵn có trên Internet chỉ bằng một cú click chuột? Một số thậm chí
còn có thể nghi ngờ sự xác đáng của toàn bộ những trải nghiệm trong trường đại
học.

Vấn đề thực sự nằm ở đây. Ý tưởng về việc trả tiền cho ai đó làm bài tập giúp
bạn đang ngày càng phổ biến trong nền văn hóa cởi mở của chúng ta, thậm chí là
ngay cả trong lĩnh vực viết lách. Việc nhiều diễn viên, vận động viên, chính trị
gia và doanh nhân ký hợp đồng với những người viết thuê để hoàn thành những cuốn
hồi ký của họ là chuyện rất phổ biến. Và không có điều luật nào ngăn cấm điều
này.

Cùng lúc, giáo dục đại học đang được chuyển đổi thành một ngành công nghiệp –
một lĩnh vực khác của hoạt động kinh tế – nơi mà hàng hóa và các dịch vụ được
mua bán. Theo logic này, một sinh viên trả đúng giá thị trường cho nó sẽ giành
được bất cứ mức điểm nào mà nó mang lại. Trên thực tế, nhiều trường đang tỏ ra
"dễ tính" với những sinh viên bận rộn – những người phải hoàn thành bài vở giữa
một loạt những trách nhiệm hàng ngày khác. Có vẻ như những người mua sắm khôn
ngoan đang đầu tư ít nhất thời gian và nỗ lực cần thiết để có được hàng hóa.

Nhưng khi sinh viên thuê một bên thứ ba làm bài luận cho mình nghĩa là họ
đang làm giảm giá trị của chương trình mà họ đang theo học. Họ đang lừa đảo
chính những giáo viên hướng dẫn – những người chấm điểm cho bài luận mà họ nghĩ
là tác phẩm thực sự của sinh viên. Họ cũng đang lừa dối chính những bạn học của
mình – những người đang đầu tư thời gian và công sức của chính mình để nhận được
điểm tốt.

Nhưng rốt cục, những sinh viên sử dung dịch vụ viết luận thuê đang lừa gạt
không ai khác ngoài chính mình. Họ đang tự lấy đi của mình cơ hội đặt câu hỏi:
"Tôi có thể thu được những hiểu biết và quan điểm mới gì trong quá trình viết
bài luận này?".

Một số người có thể lập luận rằng dù ít hay nhiều những sinh viên sử dụng
dịch vụ viết thuê cũng phải học được gì đó thì mới có thể tốt nghiệp. Nếu như
những sinh viên này tham dự các kỳ thi trên lớp, họ sẽ bị vạch trần nếu không hề
có chút kiến thức nào. Điều này có thể đúng trong những lớp học truyền thống,
nhưng ngày nay, ngày càng nhiều chương trình trực tuyến xuất hiện, và kết quả là
ngày càng nhiều bài kiểm tra trên Internet ra đời. Một phiên bản của
"Take-my-exam.com" có tên là AllHomework.net tự hào rằng "Hãy cho chúng tôi biết
kỳ thi của bạn là gì, chúng tôi sẽ tìm đúng chuyên gia đăng nhập bằng tài khoản
của bạn, hoàn thành bài thi đúng thời gian quy định và đảm bảo đạt được điểm số
bạn muốn".

Nếu như toàn bộ khóa học là trực tuyến, chẳng có lý do gì khiến các sinh viên
không thuê ai đó đăng ký và hoàn thành tất cả những yêu cầu của khóa học. Trên
thực tế, các trang “Take-my-course.com” đã bắt đầu xuất hiện. Một trang được gọi
là My Math Genius hứa hẹn sẽ mang về cho khách hàng "một điểm số đảm bảo", trong
đó các chuyên gia sẽ là người hoàn thành tất cả bài luận và "đạt kết quả xuất
sắc trong các kỳ thi giữa kỳ và cuối kỳ". Và tại sao xu hướng làm thay người
khác này lại nên dừng lại? Chúng ta phải chờ bao lâu cho tới khi một vài doanh
nghiệp dũng cảm nào đó phát hiện ra "Do-my-job.com” hay “Live-my-life.com?”

Trong khi đó, sự phát triển của các dịch vụ viết luận và kiểm tra thuê chỉ là
một triệu chứng của sự rối loạn sâu sắc và phổ biến hơn. Vì lý do này, nên giải
pháp không đơn thuần chỉ là những điều luật nghiêm ngặt và những hình phạt nặng
tay hơn. Chúng ta cần một loạt những cuộc thảo luận trong các lớp học trên khắp
nước Mỹ, khuyến khích sinh viên suy nghĩ về mục đích thực sự của giáo dục: sinh
viên sẽ hiểu ra khi một yêu cầu của giáo viên thực sự thách thức trái tim và
khối óc của sinh viên. Có lẽ bài luận là một yêu cầu như thế?

Bài viết của tác giả Richard Gunderman – giáo sư phóng xạ học, nhi khoa,
giáo dục y khoa, triết học… kiêm phó khoa Phóng xạ học, ĐH Indiana, Mỹ.

  • Nguyễn Thảo (Theo The Atlantic)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/94436/hoc-truc-tuyen-tiep-tay-cho-viet-luan-thue-.html

Cô giáo đi làm công nhân

Posted: 28 Oct 2012 03:45 PM PDT

Họ từng là cô giáo, thầy giáo, nhưng vì nhiều nguyên nhân, trở thành những
người làm việc tay chân 12 tiếng/ngày tại các khu công nghiệp.

 

 

Dang dở nghề giáo lao vào công nhân

Sau 3 năm làm giáo viên hợp đồng tại một trường cấp 3 ở huyện Thanh Sơn, tỉnh
Phú Thọ, cô giáo Nguyễn Thanh Hương đành bỏ dở giấc mơ. Trường cách nhà 70km,
lương chỉ đủ mua xăng, nhưng Hương cố gắng bám trụ do hy vọng được vào biên chế.
Song, cánh cửa biên chế vẫn không đến lượt Hương. Thương con, mẹ Hương gọi về ở

Nhiều giáo viên không trụ nổi nghề đến các KCN tìm việc

Hương kể, gần một năm ở nhà, cô được bà con trong xóm gọi đùa là "cô giáo làm
ruộng". Mặc dù vẫn mang hồ sơ đi xin việc khắp nơi nhưng Hương chỉ nhận được câu
trả lời "Ở đây đã thừa giáo viên". Mệt mỏi, tinh thần khủng hoảng, Hương tìm đến
khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), gần 2 năm nay cô giáo Hương đã là
một cô công nhân.

Hương nhớ lại, ngày đi phỏng vấn xin việc công nhân, trong hồ sơ có tấm bằng
đại học nên bị loại ngay từ vòng… hồ sơ. Hóa ra, làm công nhân không được có
bằng đại học, doanh nghiệp sợ những người có bằng đại học hay "đứng núi này
trông núi kia". Hương bèn nộp lại hồ sơ từ đầu, chỉ trình bằng cấp 3, vậy là
trúng tuyển.

"Thời buổi này, muốn xin việc gì cũng phải mất tiền, chỉ có xin làm công nhân
là không mất gì", Hương nói. Chuyện giáo viên bỏ nghề đi làm công nhân ở khu
công nghiệp Thăng Long không phải là hiếm. Chỉ tính trong 50 người cùng dây
chuyền sản xuất linh kiện điện tử với Hương, đã có 4 người là giáo viên lỡ nghề.

Nguyễn Thị Trang (26 tuổi, quê Hòa Bình) trước đây là giáo viên dạy nhạc. Gần
3 năm không được vào biên chế, Trang bỏ nghề xuống khu công nghiệp Quang Minh
(huyện Mê Linh, Hà Nội). Trang cho biết, trong lúc chờ đợi cơ hội, Trang làm tạm
nghề công nhân để có tiền tự lo cuộc sống, đỡ phải xin bố mẹ hàng ngày. Gọi là
"tạm" nhưng Trang cũng gắn bó với việc đứng máy sản xuất thực phẩm ở khu công
nghiệp Quang Minh hơn 1 năm qua. Trang nhớ lại những ngày làm giáo viên hợp
đồng, lương 1,1 triệu đồng/tháng, tiền ăn hàng ngày trông cả vào máy quay nước
mía của mẹ.

Ra trường 2 năm, Lê Thị Hà (24 tuổi, quê Mê Linh, Hà Nội) "tự hào" mình không
thất nghiệp. Nhưng, công việc Hà đang làm khác hẳn với ngành được đào tạo. Hà
hóm hỉnh giới thiệu về mình: "Cử nhân sư phạm văn ra trường làm công nhân in
ấn".

Hà nhớ lại ngày mới tốt nghiệp đại học: "Khu công nghiệp là nơi duy nhất mở
cánh cửa để tôi có thể bước vào. Bởi không cần đợi suất, không cần tới tiền trăm
triệu vẫn có thể xin vào làm. Mặc dù công việc lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán
nhưng dù sao cũng hơn thất nghiệp". Hiện tại, Hà đang làm ở bộ phận in ấn cho
một công ty in trong khu công nghiệp Quang Minh, lương tháng 3,8 triệu
đồng/tháng, tăng ca 5,2 triệu đồng/tháng.

Hơn một năm nay, Hương chỉ biết có con đường từ KCN về nhà trọ

Không dám về quê

Sau hơn một năm làm công nhân, cô giáo Hương trở nên trầm tư hơn trước. Hương
cho rằng, người ta thường mơ ước làm cô giáo dạy học, làm bác sỹ chữa bệnh…
chứ ai ước mơ làm công nhân bao giờ. Tuy nhiên, nếu so mức lương giáo viên hợp
đồng trước đây, cuộc sống hiện tại của Hương tốt hơn. "Chỉ khổ tâm nhất một điều
là các cụ ở quê hay lo, luôn coi mình là đứa chưa có việc làm. Mỗi lần về quê
chơi, người này hỏi, người kia hỏi "Chưa xin được việc à? Vẫn phải làm công nhân
à?". Những câu hỏi như xoáy sâu vào nỗi đau khó nói trong lòng. Buồn nhất là
phải nghe những lời bàn tán như: Học đại học làm gì, rồi cũng như cô Hương đi
làm công nhân…

Lần về quê gần nhất của Hương cách đây chừng 6 tháng, mặc dù từ Hà Nội về Phú
Thọ chưa đến 100 km. "Về thăm nhà, tôi có chút tiền tiết kiệm biếu bố mẹ, nhưng
không ai chịu nhận. Đã vậy, lại còn gói bao nhiêu gạo, đồ khô, mỳ, nước mắm, đồ
ăn… cho tôi mang xuống Hà Nội. Trước đây, khi còn là giáo viên, được bố mẹ
quan tâm, tôi vui lắm, nhưng bây giờ thì ngược lại, cảm thấy như người có lỗi".

Hương tâm sự: "Biết thế này, ngày xưa đừng đi học, đi làm công nhân ngay khi
18 tuổi có khi cuộc sống bây giờ ổn rồi". Hương mong muốn tiết kiệm được nhiều
tiền, về quê xin làm giáo viên để bố mẹ vui mà khoe với bà con láng giềng. Hương
cũng muốn có nhiều thời gian rảnh hơn "chứ ngày làm 12 tiếng như này, có khi ế
chồng".

Trường hợp của Nguyễn Thị Trang còn "hoàn cảnh" hơn. Trang có nước da trắng
trẻo, giọng nói nhẹ nhàng nên có nhiều người theo đuổi. Người yêu của Trang là
Cường, người cùng xã. Trang kể, hai người đã dự định làm đám cưới, nhưng qua 3
năm Trang chưa có biên chế thì Cường vẫn chỉ dừng lại ở mức người yêu. Khi Trang
không thể vào nổi biên chế, cũng là lúc Cường nói lời chia tay. "Nghe đâu anh ấy
đã lấy một cô giáo khác cũng trong trường em, cô ấy nhà có "cơ to", vừa ra
trường đã được biên chế ngay", Trang nói.

Theo lời Trang, một năm sau khi rời Hòa Bình xuống Hà Nội, bố mẹ cô vẫn chưa
biết cô đang làm công nhân, họ vẫn nghĩ Trang đang đi dạy kèm ở một trung tâm sư
phạm. Một năm nay Trang không dám về quê, sợ bị phát hiện nói dối bố mẹ. Hiện
tại, Trang đang tham gia lớp học kế toán của trường Trung cấp kinh tế gần khu
công nghiệp với mong muốn: Đổi nghề gì cũng được, miễn không có chữ công nhân
cho bố mẹ khỏi ái ngại với làng.

(Theo Khám phá)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/94435/co-giao-di-lam-cong-nhan.html

‘Đơn kiện thầy’ ngộ nghĩnh của HS 11 tuổi

Posted: 28 Oct 2012 03:45 PM PDT

Chuyện xảy ra vào đầu tuần tại trường Tiểu học Trí Tuệ Việt, quận Tân Bình,
TP.HCM. Để động viên học trò tham gia tập văn nghệ, thầy giáo dạy nhạc Phạm Chí
Dũng đã mua 30 chiếc bút tặng các em.

Tuy nhiên, do ghen tỵ vì bút của bạn Linh Chi đẹp hơn của mình, 3 bé khác đã
đồng loạt viết đơn kiện.

Trong đơn, bé Trà My viết: "Con kiện thầy vì thầy thương bạn Linh Chi, thầy
không thương con. Thầy rất quá đáng. Thầy không công bằng. Con ghét thầy. Ngày
mai con không hát đâu. Thầy mà không thương con nữa. Trên đời này con ghét thầy
nhất".

Trong khi đó bé Mẫn viết: "Con kiện thầy vì thầy thương bạn Linh Chi hơn tụi
con. Thầy không thương con. Thầy rất quá đáng. Thầy không công bằng, con ghét
thầy”.

Trước làn sóng phản đối của bạn bè, bé Linh Chi đã phải viết thư cho thầy cầu
cứu: "Thầy ơi, mấy bạn thấy con có bút kim cương cái mấy bạn lại thấy mấy bạn có
bút thường liền lấy đơn kiện thầy đó thầy. Thầy kêu mấy bạn đó thôi kiện ngay,
con không muốn bị cướp bút mới”.

Thầy Dũng phân trần: “Thực tình thì số bút đó tôi mua cùng loại, chỉ là khác
nhau chút thôi chứ không có cái nào đắt hơn cái nào. Nhưng các em học sinh ở đây
là vậy đó, 11 tuổi nhưng mà điệu lắm, cứ thấy thầy đến là quây. Chúng nó làm
nũng dữ lắm nhưng xa chúng nó một ngày thì lại nhớ”.

“Sau khi nhận được đơn kiện, cả đêm tôi về nghĩ lại mà cười. Chúng nó làm
nũng vậy thôi nhưng sau đó thì có lẽ vì quý thầy nên vẫn đều đặn đi tập văn
nghệ” – thầy cho biết thêm.

Theo Tiin

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/94442/-don-kien-thay--ngo-nghinh-cua-hs-11-tuoi.html

Đề án đổi mới giáo dục: Thiếu nội dung xứng tầm

Posted: 28 Oct 2012 03:43 PM PDT

Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng vừa qua đã quyết định chưa ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo.

Nghị quyết không ra được có nghĩa là những vấn đề cốt lõi nhất chúng ta chưa giải quyết được

Lý giải nguyên nhân, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH), cho rằng: "Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục mang tính chất chiến lược nhưng đồng thời cũng hết sức cấp bách, đã được đưa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng. Thế nhưng, Hội nghị T.Ư 6 vừa qua sau khi xem xét, thấy rằng sự chuẩn bị chưa đáp ứng được yêu cầu của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Chính vì vậy, Trung ương quyết định tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 2 khóa 8, đồng thời bước đầu tiến hành một số giải pháp cụ thể trước mắt nhưng phải tiếp tục chuẩn bị kỹ hơn để đến khi đáp ứng được các yêu cầu thì sẽ ra nghị quyết".

Chưa giải quyết những vấn đề cốt lõi

Tiếp cận với dự thảo Đề án trình hội nghị T.Ư vừa qua, cá nhân ông thấy những yêu cầu chưa đáp ứng được là gì?

Đề án đổi mới giáo dục: Thiếu nội dung xứng tầm
Ông Đào Trọng Thi

Theo cá nhân tôi, thực ra việc chuẩn bị cũng rất công phu, đầu tư nhiều công sức. Tuy nhiên, cái mà tôi cho là thiếu, đó là nó chưa có những điểm mới xứng tầm được gọi là "căn bản", "toàn diện" của GD-ĐT. Tất cả những gì được nêu trong đề án đó đều là những cái mà Nghị quyết T.Ư 2, khóa 8 cách đây 16 năm đã đề cập và nhiều cái chúng ta cũng đang làm.

Vậy theo ông, việc chưa ban hành nghị quyết có ảnh hưởng gì đến tiến độ đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT hay không?

Việc đổi mới căn bản toàn diện là một quá trình lâu dài; không phải là một việc làm trong một thời gian ngắn, trong một thời điểm là xong. Bởi vậy, những gì chúng ta đã làm, đang làm và sẽ làm cũng nhằm để chuẩn bị cho việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đó.

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục không phải là một "phép thuật" nào đó mà khi chúng ta ban hành nghị quyết là xong. Nghị quyết chưa ra được thì ngành GD-ĐT lại càng phải chuẩn bị tốt hơn, quá trình chuẩn bị đó cũng là để thực hiện quá trình đổi mới. Nếu cứ ngồi chờ đến khi có nghị quyết mới chuẩn bị đổi mới là một sai lầm rất lớn.

Tôi lấy ví dụ, luật Giáo dục đại học được QH thông qua mới đây cũng là một bước chuẩn bị cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở bậc đại học. Khi chuẩn bị ban hành luật này, cũng có ý kiến cho rằng nên chờ nghị quyết thông qua mới làm, nhưng tôi đã bảo lưu quan điểm rằng chúng ta cứ nên chuẩn bị làm để ban hành trước, bởi khi làm như vậy là chúng ta đã chủ động một phần trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Còn một loạt vấn đề khác phải làm như giáo dục phổ thông, mầm non, dạy nghề, những vấn đề khác thì sao? Tất cả đều phải chuẩn bị, phải làm dần chứ không thể có chuyện chỉ khi nghị quyết ra thì tất cả mới cùng khởi động.

Đương nhiên, rõ ràng không thể nói nghị quyết chậm được ban hành thì không ảnh hưởng gì. Nghị quyết không ra được có nghĩa là những vấn đề cốt lõi nhất chúng ta chưa giải quyết được.

 

Đề án đổi mới giáo dục: Thiếu nội dung xứng tầm
Giáo dục phổ thông, mầm non, dạy nghề là những vấn đề cần phải được bàn rốt ráo sau khi đã đưa ra được luật Giáo dục đại học – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Luẩn quẩn vì không xác định được phương hướng

 

Một số ý kiến cho rằng, GD-ĐT của chúng ta đang"lạc lối", nếu không nhìn nhận đúng vấn đề này thì không thể đưa ra giải pháp đổi mới đúng hướng. Ông có suy nghĩ gì về nhận định này?

Tôi cũng không bình luận về việc này vì chưa xác định được nhận xét ấy xác thực với thực tiễn như thế nào. Chỉ có điều, đúng là đề án vừa qua chưa xác định được những vấn đề cần phải đổi mới căn bản toàn diện là gì.

Có thể chúng ta không lạc lối nhưng chúng ta cứ luẩn quẩn ở một chỗ vì không xác định được phải đi theo hướng nào. Việc quyết định chưa ban hành nghị quyết để chuẩn bị lại tốt hơn đã thể hiện thái độ của Hội nghị T.Ư Đảng trong vấn đề này. Tuy nhiên, Hội nghị T.Ư cũng đã tạo tiền đề cho việc chuẩn bị đổi mới bằng một kết luận về đổi mới căn bản toàn diện, chứ  không bỏ qua vấn đề này. Kết luận đã bước đầu định hướng và giao nhiệm vụ cho cơ quan có trách nhiệm tiến hành một cách khẩn trương và có trách nhiệm hơn.

Tuệ Nguyễn
(thực hiện)

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20121029/De-an-doi-moi-giao-duc-Thieu-noi-dung-xung-tam.aspx

Comments