Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Trồng người phải… trăm năm

Posted: 03 Oct 2012 02:26 AM PDT

(GDĐT) – Khi bàn về sự phát triển của nền giáo dục nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng: "Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người". Vậy đối với sự nghiệp "trồng người", chúng ta đã thực hiện nó như thế nào trong những bước đi đầu tiên?


Phương án 0 tuổi"

Từ "trồng" có nghĩa là ươm mầm, gieo giống các loại cây cối và tạo điều kiện thuận lợi cho chúng phát triển, sinh sôi nảy nở. Đây là hình thức sản xuất/tái sản xuất thức ăn đầu tiên của con người thay vì nền kinh tế chiếm đoạt (săn bắt/ săn bắn/ hái lượm) bấp bênh trước đó. Như vậy từ "trồng" mang một ý nghĩa nhân bản rõ ràng, chỉ có con người mới có và chỉ có con người mới thực hiện được nó.

Do đó, khi bàn về sự phát triển của nền giáo dục nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng: "Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người". Vậy đối với sự nghiệp "trồng người", chúng ta đã thực hiện nó như thế nào trong những bước đi đầu tiên?

Đầu tiên, chúng ta phải xét về sự giáo dục thiếu niên nhi đồng. Trẻ em như một trang giấy trắng nên chúng ta có thể "viết" vào đó những hiểu biết cần thiết để các em có thể nhận thức được những điều thường nhật trong cuộc sống.

Tuy nhiên, việc chăm sóc trẻ từ 0 – 6 tuổi vẫn còn đang là một nỗi ưu tư của nền giáo dục Việt Nam. Nhiều gia đình vì điều kiện kinh tế khó khăn, địa hình cách trở, cha mẹ nuông chiều sợ con cái không được chăm sóc tốt như ỏ nhà nên nhiều em bé ở lứa tuổi này không được đến các nhà trẻ, mẫu giáo để thụ hưởng nền giáo dục từ sớm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý và nhận thức của các em cũng như tạo ra sự mất cân đối trong tập thể lớp khi các bạn đồng trang lứa đã có đủ "hành trang" để chuyển tiếp vào bậc tiểu học.

Mặc dù vậy, hiện tượng "bé lên ba bé đi mẫu giáo" ở Việt Nam vẫn còn là… muộn so với thế giới. Ở nhiều nước tiên tiến, việc giáo dục từ trong bụng mẹ đã được đặt ra từ lâu. Các công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới chỉ ra rằng 95% tiềm năng phát triển của con người tập trung trong giai đoạn từ 0 – 6 tuổi, chỉ có 5% tiềm năng của con người sẽ được phát triển trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời.

Từ kết quả nghiên cứu này, các nhà khoa học đã đề ra "Phương án 0 tuổi". Phương án này chỉ ra rằng: Chỉ trong 9 tháng ngắn ngủi, thai nhi đã đi hết chặng đường tiến hóa 3,86 tỷ năm của thế giới tự nhiên. Cho nên, một ngày của thai nhi bằng cả 10 triệu năm tiến hóa của loài người. Nếu chúng ta mang lại cho thai nhi những kích thích nhỏ trong quá trình phát triển với tốc độ thần tốc của nó thì sẽ tạo ra những ảnh hưởng vô cùng to lớn tới thai nhi.

Theo thông tin báo chí công bố vào tháng 5/2012, hiện nay chỉ có Viện nghiên cứu giáo dục trẻ thông minh sớm VSK (VICER) là đơn vị duy nhất được chuyển giao đầy đủ bản quyền "Phương án 0 tuổi" và là đơn vị đầu tiên đưa mô hình thai giáo này vào Việt Nam. Như vậy, rõ ràng Việt Nam chúng ta đã đi chậm hơn so với thế giới về khoa học "trồng người" rất nhiều. Đây là một thiệt thòi lớn mà giới trẻ Việt Nam đang phải gánh chịu.

Ảnh minh họa (gdtd.vn)
Ảnh minh họa (gdtd.vn)

Cần cù có bù "khả năng"?

Như đã nói ở trên, vì điều kiện đặc thù Việt Nam vẫn chưa áp dụng nền "giáo dục sớm" trong dạng phổ quát. Điều này nghĩa là chúng ta chỉ có thể khai thác 5% tiềm năng của con người trong độ tuổi từ 6 trở lên. Trên thực tế việc khai thác tiềm năng nhỏ nhoi này dường như vẫn còn nhiều điều bất cập.

Đức trẻ khi sinh ra chỉ biết đến nhu cầu sinh học nên chỉ đói ăn, khát uống. Sau được mẹ ầu ơ, bà kể chuyện cổ tích, bố kèm ê a câu chữ mới biết nhận thức cảm tính. Khi đến trường, đứa trẻ mới biết thêm đến nhiều cách ứng xử và nhiều kiến thức cần thiết khác.

Trên thực tế, do không phân loại khả năng của các em sớm nên nhiều học sinh (kể cả bậc tiểu học) mặc dù tỏ ra rất cần cù vẫn bị học tủ, học lệch và mất căn bản. Bởi mục đích của các em được đôn thúc từ tâm thế học lấy thành tích, học để lấy bằng chứ không chú trọng vào việc học để lập nghiệp, học để sáng tạo và học vì sự phát triển quốc gia dân tộc.

Chính người lớn và những nhà quản lý giáo dục đôi khi đã ảnh hưởng không tốt đến khả năng của giới trẻ thay vì để các em hành động theo khả năng và sở thích của riêng mình.

Do đó, có thể nói rằng những gì đã không hợp lý trong giáo dục thì nên bỏ. Đó là điều kiện để chúng ta tiếp thu những cái mới tốt hợp, nhằm rút ngắn được khoảng cách khác biệt đối với thế giới. Tất nhiên, muốn trở thành chủ nhân thực thụ của Đất nước thì con đường học tập của bất kỳ ai cũng phải là con đường học tập suốt đời.

Nguyễn Văn Toàn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3161/201210/Trong-nguoi-phai-tram-nam-1963876/

Mưa. Nghỉ học vì "thầy bận họp"

Posted: 03 Oct 2012 02:26 AM PDT

Câu chuyện giáo dục

Mưa. Nghỉ học vì “thầy bận họp”

TT – Buổi chiều cuối tuần. Trời mưa nặng hạt. Tôi dự định đưa đứa con gái đến lớp học thêm tại nhà thầy giáo. Trước lúc đi, con gái tỏ ra ngần ngừ và cho biết thường khi trời mưa, thầy sẽ không dạy vì các bạn đến học rất ít.

Thử liên lạc với một bạn cùng học, cháu nghe phong thanh rằng chiều nay không học vì thầy bận tham gia một cuộc họp trong trường.

Để chắc ăn, hai mẹ con vẫn mặc áo mưa vượt một quãng đường khá xa để đến nhà thầy. Đến nơi đã trễ vài ba phút so với quy định 13g30. Một bạn khác đến trước cũng lóng ngóng trước cánh cổng đang khóa kín. Cửa nhà bên trong cách đó vài mét cánh mở cánh khép.

Ít phút sau, một bạn khác lại đến trong áo che mưa nhưng người cũng ướt sũng. Cả bốn đứng tạm dưới mái hiên nhà trước một cơn mưa nặng hạt. Tất cả đều đã bắt đầu thấm lạnh nhưng bên trong căn nhà vẫn lặng như tờ.

Một tiếng, hai tiếng, rồi ba tiếng đồng thanh: "Thầy ơi, có học không? Mở cửa cho tụi con vào. Ngoài này mọi người ướt hết rồi, lạnh lắm!". Mặc cho những tiếng gọi vô vọng bị tiếng mưa rơi át lấy, không hề có một bóng người, cũng chẳng có lời hồi âm. Đồng hồ treo tường trong nhà thầy giáo, kim đã chỉ sang 13g40.

Cuối cùng, tôi nói với con mình mà như cho tất cả: "Thôi, đành về vậy. Để khi khác, con ạ!". Chiếc xe máy chở hai mẹ con vừa vút đi, hai bạn còn lại cũng lục tục leo lên xe đạp lao vào màn mưa trắng xóa trở về. Phía sau họ, trong nhà vẫn im ỉm.

Có lẽ thầy giáo đã đi họp thật. Hoặc giả do trời mưa quá to, che lấp tiếng gọi của những con người đáng thương ấy. Thế nhưng, dẫu đã trở về nhà, cả tôi lẫn con gái mình vẫn cứ thắc mắc tại sao khi đến gần giờ học, thầy giáo không mở sẵn cổng nhà mình để nhỡ trời có mưa, các em cũng vào được để trú tạm chờ đến giờ học. Và giả như hôm đó thầy bận việc đột xuất, tại sao thầy không treo trước cửa nhà một tấm bảng nho nhỏ: "Hôm nay thầy bận, không đạy được" để học trò biết? Việc đó nào có khó gì nhưng nó đã không được thực hiện để thể hiện không khí ấm áp tình người không chỉ giữa thầy – trò và không chỉ có trên các bục giảng trong nhà trường.

Nhiều người vẫn thường đề cập, nhắc nhở đếm cụm từ "đạo đức nghề nghiệp" nhưng trong cuộc sống thường nhật, nó còn ở đâu xa.

HỒNG ÁNH (TP Bến Tre)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/514149/Mua-Nghi-hoc-vi-thay-ban-hop.html

Công bố điểm trúng tuyển trung cấp CAND năm 2012

Posted: 03 Oct 2012 02:25 AM PDT

(GDTĐ)-Tổng cục XDLL CAND vừa công bố điểm trúng tuyển vào các trường trung cấp CAND

Trường Trung cấp ANND I: Đào tạo cho Công an địa phương: Nam – 19 điểm khối A, 19 điểm khối C và 18 điểm khối D1; Nữ – 19 điểm khối A, 20,5 điểm khối C và 21,5 điểm khối D1. Đào tạo cho K10: phía Bắc khối A 15,5 điểm, khối C 12,5 điểm; phía Nam khối C 10,5 điểm.

Trường Trung cấp ANND II: Đào tạo cho Công an địa phương: Nam – 15,5 điểm khối A, 17 điểm khối C và 17 điểm khối D1; Nữ – 20 điểm khối A, 22 điểm khối C và 21 điểm khối D1.

Trường Trung cấp CSND I: Đào tạo cho Công an địa phương: Nam – 19,5 điểm khối A, 20,5 điểm khối C và 19,5 điểm khối D1; Nữ – 19,5 điểm khối A, 22,5 điểm khối C và 22 điểm khối D1.

Trường Trung cấp CSND II: Đào tạo cho CA địa phương: Nam – 15 điểm khối A, 14 điểm khối C và 17,5 điểm khối D1; Nữ – 17,5 điểm khối A, 18,5 điểm khối C và 20 điểm khối D1.

Trường Trung cấp CSND III: Đào tạo cho Công an địa phương: Nam – 15,5 điểm khối A, 15 điểm khối C và 16,5 điểm khối D1; Nữ – 17 điểm khối A, 18,5 điểm khối C và 20,5 điểm khối D1.

Trường Đại học PCCC (hệ trung cấp): Phía Bắc: Nam 14,5 điểm, nữ 14 điểm; phía Nam : Nam 12,5 điểm, nữ 13 điểm.

Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần (hệ trung cấp): Đào tạo cho Công an phía Bắc: Nam – 16,5 điểm khối A và 21 điểm khối D1; Nữ – 14 điểm khối A và 20 điểm khối D1. Đào tạo cho CA phía Nam: Nam – 12 điểm khối A và 16 điểm khối D1; Nữ – 12,5 điểm khối A và 17,5 điểm khối D1. Đào tạo cho Tổng cục VIII, phía Bắc 15,5 điểm khối A và phía Nam 11,5 điểm khối A. Đào tạo cho K20: phía Nam 10 điểm khối A. Đào tạo cho C65, phía Bắc 15 điểm khối A.

Trường Trung cấp CSGT: Đào tạo CSGT đường thủy: Phía Bắc: Nam – 14,5 điểm khối A, 19 điểm khối C và 18 điểm khối D1. Nữ – 22 điểm khối A, 17,5 điểm khối C. Phía Nam: Nam – 13 điểm khối A, 13,5 điểm khối C và 15 điểm khối D1; Nữ – 13 điểm khối A, 14,5 điểm khối C và 17 điểm khối D1. Đào tạo CSGT đường bộ: Nam – 15 điểm khối A, 13,5 điểm khối C và 15 điểm khối D1; Nữ – 20 điểm khối A, 20 điểm khối C và 20,5 điểm khối D1.

Trường Trung cấp CSND VI: Đào tạo cho Công an địa phương: Phía Bắc: Nam – 17,5 điểm khối A, 20,5 điểm khối C và 20,5 điểm khối D1; Nữ – 22,5 điểm khối C và 18,5 điểm khối D1. Phía Nam: Nam – 14 điểm khối A, 15 điểm khối C và 18,5 điểm khối D1; Nữ – 16 điểm khối A, 16,5 điểm khối C và 18 điểm khối D1. Đào tạo cho Tổng cục VIII: Thí sinh nam: phía Bắc 19 điểm khối C; phía Nam 14 điểm khối A, 15 điểm khối C và 18 điểm khối D1; Nữ: Phía Bắc – 18,5 điểm khối A, 20,5 điểm khối C và 17 điểm khối D1; phía Nam – 12 điểm khối A, 13 điểm khối C và 11,5 điểm khối D1.

Trường Trung cấp CS vũ trang: Đào tạo cho Công an địa phương: phía Bắc: Nam – 17,5 điểm khối A, 20,5 điểm khối C và 19,5 điểm khối D1; Nữ – 18 điểm khối A, 18,5 điểm khối C và 15,5 điểm khối D1. Phía Nam: Nam – 13,5 điểm khối A, 13 điểm khối C và 14 điểm khối D1; nữ – 10,5 điểm khối C và 10 điểm khối D1. Đào tạo cho K20: phía Bắc, thí sinh nam 17 điểm khối C, phía Nam – 10,5 điểm khối A và 10 điểm khối C. Đào tạo cho C65: phía Bắc, thí sinh nam 18,5 điểm khối C; phía Nam 13,5 điểm khối A và 14,5 điểm khối C. Đào tạo cho K10, thí sinh nam 12 điểm khối C. Đào tạo cho Tổng cục VIII, phía Bắc 20 điểm khối C với thí sinh nam; phía Nam, thí sinh nam 15 điểm cho cả khối A và C.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201210/Cong-bo-diem-trung-tuyen-trung-cap-CAND-nam-2012-1963879/

Điểm yếu lớn nhất của SV hiện nay là thiếu đam mê học tập

Posted: 03 Oct 2012 02:25 AM PDT

(GDTĐ)-Thiếu niềm đam mê học tập và nghiên cứu có thể coi là một trong những điểm yếu lớn nhất ở sinh viên hiện nay – đó là chia sẻ của Nguyễn Thị Thùy Dung – thủ khoa "kép" của ĐH Ngoại thương với thành tích học tập cũng như công tác xã hội ấn tượng.

Thủ khoa kép ĐH Ngoại thương
Thủ khoa kép ĐH Ngoại thương Nguyễn Thị Thùy Dung. Ảnh: gdtd.vn

Theo Dung, đâu là điểm thiếu nhất, yếu nhất của sinh viên hiện nay? Làm thế nào để có thể hạn chế những cái thiếu và yếu này?

Nguyễn Thị Thùy Dung: Bốn năm trên giảng đường đại học, là một sinh viên, cũng như được lắng nghe chia sẻ của các bạn sinh viên khác, em nhận thấy sinh viên ta hiện nay vẫn thiếu và yếu một số yếu tố rất quan trọng cần thiết trong học tập cũng như trong công việc sau này. Ví dụ như hầu hết sinh viên đều thiếu sự định hướng cần thiết (về chọn ngành học phù hợp, phương pháp học tập khoa học,giữ cân bằng trong cuộc sống, hướng nghiệp) trước khi bắt đầu khóa học cũng như trong suốt quá trình. Những khóa học chính trị đầu khóa chưa thể đóng vai trò định hướng cho sinh viên trong 4 năm ở bậc đại học. Ngoài ra, sinh viên vẫn thiếu cơ hội liên hệ và áp dụng kiến thức học được vào thực tiễn do chương trình giảng dạy ở bậc đại học tuy đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn quá chú trọng lý thuyết mà chưa đi liền với thực hành. Còn về những điểm yếu, mỗi cá nhân có một điểm yếu khác nhau. Song thiếu đi niềm đam mê học tập và nghiên cứu có thể coi là một trong những điểm yếu lớn nhất ở sinh viên hiện nay. Vẫn có những cá nhân say mê tìm tòi, nhưng rất nhiều bạn vẫn còn hời hợt, học vì thành tích, hoặc không coi học tập là mối quan tâm số một. Chính vì vậy sinh viên vẫn còn lãng phí thời gian vào giải trí hoặc các hoạt động khác mà không đầu tư nhiều vào học tập, nghiên cứu. Để hạn chế những điểm thiếu và yếu này, cần thay đổi từ từ trong dài hạn, và cần sự chung tay của các Bộ, Ban ngành, các nhà trường và toàn thể sinh viên. Ví dụ để cung cấp cho sinh viên cơ hội thực hành, chương trình học cần thay đổi nhấn mạnh vào liên hệ thực tiễn của các kiến thức học được, các nhà trường cần liên kết với các doanh nghiệp hoặc tổ chức đưa sinh viên đến quan sát, thực hành, thực tập ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học.

Rất nhiều sinh viên ra trường bị lỡ cơ hội do trình độ ngoại ngữ cũng như hạn chế kỹ năng sống kể cả những sinh viên giỏi. Từ kinh nghiệm của em, một sinh viên đạt IELTS 8.0 và tham gia rất nhiều vào công tác xã hội, giúp đỡ cộng đồng có thể chia sẻ bí quyết để “lấp” hai khoảng trống này?

Nguyễn Thị Thùy Dung: Thực tế đúng là nhiều bạn sinh viên khi ra trường do trình độ ngoại ngữ còn hạn chế mà mất khá nhiều thời gian và bỏ lỡ nhiều cơ hội. Theo quan điểm của em, các bạn thiếu trình độ ngoại ngữ cũng như hạn chế kỹ năng sống không phải do các bạn kém hay không có năng lực. Nguyên nhân thực sự là khi học ở bậc đại học, do thiếu định hướng cũng như cá nhân các bạn chưa chú trọng đến phát triển trình độ ngoại ngữ và kỹ năng sống, vì vậy các bạn không dành nhiều thời gian để phát triển những kỹ năng này. Vì vậy để lấp hai khoảng trống này, ngay khi bắt đầu học đại học, các bạn sinh viên cần thiết phải nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ và kỹ năng sống, bên cạnh vai trò của kiến thức chuyên môn; đặt ưu tiên vào việc phát triển những kỹ năng này; từ đó dành nhiều thời gian và công sức. Nhưng các bạn cần thiết phải cân đối, sắp xếp thời gian sao cho hợp lý, khoa học.

Vừa là thủ khoa đầu vào, vừa là thủ khoa đầu ra, Dung làm thế nào để giữ cho mình phong độ học tập tuyệt vời như vậy?

Nguyễn Thị Thùy Dung: Thực ra em cũng không có nhiều bí quyết đặc biệt cho việc giữ phong độ học tập để trở thành thủ khoa kép như hôm nay. Sự quyết tâm và phương pháp học tập phù hợp là hai yếu tố theo em đóng góp rất lớn vào thành tích ngày hôm nay của em. Quyết tâm thể hiện ở việc em đặt mục tiêu cần đạt đến trong cả ngắn hạn và dài hạn trong học tập; coi việc học là ưu tiên số một. Ngoài ra em còn tìm tòi để tự tìm ra một phương pháp học tập phù hợp nhất với bản thân. Khi có phương pháp học tập khoa học, em không cần dành quá nhiều thời gian mà vẫn có thể học hiệu quả. Ngoài ra không thể không kể đến sự khuyến khích, động viên của gia đình và các thầy cô, đó là những nguồn động lực lớn đối với em.

Hoàn thành 4 năm học ĐH, Dung còn băn khoăn gì, từ chương trình học, giảng viên, môi trường học tập…?

Nguyễn Thị Thùy Dung: Khi học tập tại trường Đại học Ngoại Thương, em tham gia chương trình đào tạo Chất lượng cao, chương trình học bằng tiếng Anh. Dù vẫn tồn tại một số hạn chế, nhưng sau khi hoàn thành 4 năm học, chúng em đều hài lòng với chương trình học, nhất là tác dụng nâng cao kiến thức tiếng Anh chuyên ngành kinh tế và kinh doanh quốc tế. Em luôn khâm phục và ngưỡng mộ các thầy cô giảng dạy ở trường,  về tinh thần học tập nghiên cứu, kiến thức chuyên sâu, thái độ làm việc nghiêm túc, sự nhiệt tình, gần gũi của các thầy cô. Mỗi thầy cô đều là tấm gương để chúng em noi theo khi phát triển sự nghiệp trong tương lai. Môi trường học tập cạnh tranh lành mạnh cũng như môi trường hoạt động năng động, thân thiện và ở Ngoại Thương sau 4 năm là điều em hài lòng nhất.

Dung có lời gì cần chia sẻ với những tân sinh viên vừa bước vào trường ĐH cũng như các bạn vừa tốt nghiệp ĐH?

Nguyễn Thị Thùy Dung: Bằng kinh nghiệm học tập và hoạt động ở 4 năm đại học của mình, em mong các em tân sinh viên sẽ vững bước để bắt đầu một chặng đường mới, đánh dấu sự trưởng thành lớn nhất trong cuộc đời các em sau này. Các em hãy luôn đặt mục tiêu để hướng tới, đặt ưu tiên cho việc học tập. Tuy nhiên cũng đừng dành 4 năm ở đại học chỉ để 'học đại học'. Hãy phát triển các kỹ năng sống, tham gia vào các hoạt động đóng góp cho cộng đồng ngay từ khi còn là sinh viên. Đối với các bạn vừa tốt nghiệp đại học như em, chúc các bạn lập nghiệp thành công!
Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201210/Diem-yeu-lon-nhat-cua-SV-hien-nay-la-thieu-dam-me-hoc-tap-1963871/

Phong trào khuyến học, khuyến tài nở rộ khắp nơi

Posted: 03 Oct 2012 02:25 AM PDT

Theo báo cáo của các Cụm, tính đến cuối tháng 6/2012, số dư trong Quỹ Khuyến học Việt Nam đang ở con số hơn 516 tỷ đồng. Trong đó có những địa phương có số dư trong quỹ khuyến học lên đến gần 50 tỷ đồng như Nam Định, Hà Nội. Đặc biệt nhất là Thanh Hóa lên đến gần 100 tỷ đồng.

 

Học bổng khuyến học cho 10 thủ khoa đỗ đại học
Lễ trao học bổng khuyến học “VNPT – Chắp cánh tài năng Việt”. Trong ảnh: 10 thủ khoa cùng ông Nguyễn Mạnh Cầm – Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, ông Tô Mạnh Cường – Phó tổng giám đốc tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và ông Phạm Huy Hoàn – Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam, Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí. (Ảnh: Thế Nam)

Bằng những nỗ lực hoạt động và vận động của lãnh đạo, Qũy khuyến học Việt Nam đã tạo được sự quan tâm của các doanh nghiệp và đã nhận được sự ủng hộ về tài chính.

Từ quỹ khuyến học này, 6 tháng đầu năm 2012, Hội đã chi học bổng cho học sinh (HS), hỗ trợ sinh viên (SV) và giáo viên; hỗ trợ vở tới HS các tỉnh vùng sâu, vùng xa do Công ty TNHH Kokuyo Việt Nam tài trợ 205.000 cuốn.

Các tỉnh, thành Hội luôn quan tâm đến việc cấp học bổng cho HS, SV nghèo và phần thưởng cho HS, SV có thành tích học tập tốt. Tổng số tiền chi ra để làm học bổng và phần thưởng là trên 200 tỷ đồng. Số suất học bổng và phần thưởng là trên 1 triệu.

Các em học sinh cùng đại biểu đi trên cây cầu mới hoàn thành

Gần đây, những nhà tài trợ lớn thường có xu hướng chọn trực tiếp những địa phương, những trường học, những đối tượng HS để chuyển thẳng khoản tài trợ, không qua quỹ khuyến học. Rất nhiều khoản tài trợ hàng chục tỷ đồng, hàng trăm triệu đồng được cấu tạo thành những thẻ bảo hiểm, những sổ tiết kiệm, những phiếu mổ tim, mổ hàm ếch… Đó là những khoản hỗ trợ rất có ý nghĩa đối với cuộc sống.

Ngoài công tác khuyến học đang ngày được "đơm hoa hết trái" thì công tác khuyến tài vẫn được tiến hành mạnh mẽ và phát triển sang một trang mới. Chẳng hạn như, tổ chức giải thưởng "Nhân tài đất Việt" hàng năm vào ngày 20/11. Hình thức khuyến tài này đã có tác dụng tốt đối với việc động viên, khích lệ những tài năng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Tuyên dương và trao phần thưởng cho HS, SV có thành tích học tập tốt, đặc biệt là những HS, SV đỗ thủ khoa, hoặc đoạt huy chương trong các kì thi quốc gia và quốc tế; trao học bổng đặc biệt cho HS, SV khuyết tật, nỗ lực vượt khó trong học tập. Những học bổng này thường có giá trị cao, ngắn hạn và dài hạn, để giúp các em có hoàn cảnh đặc biệt đó có thêm điều kiện theo học.

Vận động các nhà tài trợ cấp học bổng dài hạn cho HS, SV có thành tích học tập tốt. Hàng nghìn HS, SV đã nhận được học bổng cho toàn khoá học; Các gia đình, dòng họ tuyên dương và khen thưởng con cháu học tập tốt vào những dịp lễ, tết, giỗ tổ…

Giới thiệu các gương mặt hiếu học trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Các báo và tạp chí của Trung ương Hội, các tờ thông tin của các Hội địa phương đã đăng tải nhiều gương sáng học tập. Nhiều tờ báo của các ngành cũng đã phối hợp với Hội để đưa tin về những HS, SV học giỏi, những lao động có thành tích cao nhờ học tập thường xuyên. Vô tuyến truyền hình của Trung ương và địa phương đã có nhiều phóng sự về những cá nhân điển hình trong học tập

Hầu hết các lĩnh vực thi đua như phát triển quỹ khuyến học, xây dựng trung tâm học tập cộng đồng, phát triển gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học… đều có những kết quả khả quan, tập hợp và lôi cuốn được đông đảo nhân dân, nhiều lực lượng kinh tế, xã hội và doanh nghiệp tham gia vào các cuộc vận động khuyến học khuyến tài.

Được biết, hiện nay Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã giao cho Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu (Phó Chủ tịch Hội) xây dựng đề án phát huy tài năng trẻ, hướng các em HS theo học những trường đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước. Mặt khác, Trung ương Hội cũng đang tìm kiến giải pháp khuyến khích những lao động giỏi, có nhiều sáng tạo trong sản xuất nhờ thường xuyên học tập.

S.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-646815/phong-trao-khuyen-hoc-khuyen-tai-no-ro-khap-noi.htm

Tiếng Anh riêng cho người đi làm, tại sao?

Posted: 03 Oct 2012 02:24 AM PDT

Tiếng Anh riêng cho người đi làm, tại sao?

 

 

Khác với những đối tượng khác, như học sinh – sinh viên, người đi làm dành phần lớn thời gian của mình cho công việc, nhu cầu học tiếng Anh của người đi làm cũng phục vụ cho công việc. Bởi vậy, việc học tiếng Anh của người đi làm có những đặc trưng rất riêng.

 

 

Tâm lý chung của người đi làm khi tham gia lớp học là sợ lâu không đụng đến tiếng Anh thì sẽ khó tiếp thu và theo kịp mọi người, đặc biệt là việc tham gia các lớp học đại trà có lẫn nhiều đối tượng người học, anh Sơn (ngân hàng Maritime bank) hài hước: "Có lần theo học một trung tâm, lớp có mỗi mình già nhất, còn lại toàn các bạn đang đi học còn rất ít tuổi, các bạn vẫn hay gọi đùa mình là chú, thực sự rất khó hòa đồng". Lứa tuổi khác nhau thì tâm lý tham gia lớp học cũng sẽ khác, dẫn đến sự tương tác và chia sẻ kiến thức sẽ khó khăn.

 

 


Học viên thảo luận trong lớp học tiếng Anh cho người đi làm.

Học viên thảo luận trong lớp học tiếng Anh cho người đi làm.

 

 

Chưa kể người đi làm sẽ có lúc công việc quá bận hoặc đi công tác, nên cần có một chính sách học bù bài nghỉ, bảo lưu khóa học tiện lợi để đảm bảo theo hết được các bài học.

 

 

Sau một ngày làm việc căng và mệt, thì người đi làm cần một lớp học tiếng Anh có không khí học tập thoải mái, sinh động để có thể có hiệu quả học tập cao, để vừa có thể học vừa có thể giúp người đi làm xả stress.

 

 

Người đi làm cần học những gì?

 

 

Trong công việc hằng ngày, người đi làm có thể tiếp xúc các tài liệu tiếng Anh, giao tiếp với khách nước ngoài, viết email, báo cáo bằng tiếng Anh, đi công tác…Kĩ năng quan trọng nhất đối với người đi làm là giao tiếp và kĩ năng viết. Tuy nhiên để có thể nghe nói và viết tốt được thì bắt buộc phải có một vốn từ và ngữ pháp nhất định.

 

 

Có một thực tế hiện nay của những người học tiếng Anh, không chỉ riêng người đi làm, đó là khả năng phát âm. Một ví dụ rất điển hình là một câu tiếng Anh được viết ra để đọc thì rất nhiều người hiểu, nhưng cùng câu đó được người nước ngoài nói thì lại rất khó khăn trong việc nghe – hiểu. Vậy vấn đề khó khăn ở đây không phải là từ vựng, mà là khả năng phát âm chuẩn – nền tảng của nghe và nói tiếng Anh.

 

 

Người đi làm khá bận với công việc nên không có nhiều thời gian, hơn nữa người đi làm học tiếng Anh để sử dụng trong công việc, nên nội dung học cần được tập trung vào các vấn đề hữu dụng, ứng dụng trong công việc hàng ngày. Ví dụ như tiếp khách thì nói tiếng Anh như thế nào, giới thiệu sản phẩm dịch vụ công ty thì nói ra sao, viết email báo cáo hoặc tham gia một cuộc họp thì sử dụng tiếng Anh như thế nào.

 

 

Địa chỉ học tiếng Anh cho người đi làm

 

 

Là đơn vị đầu tiên và duy nhất chuyên sâu đào tạo tiếng Anh cho người đi làm, xây dựng chương trình học phục vụ cho công việc, Aroma có cơ hội nghiên cứu và tìm hiểu rất kĩ tâm lý cũng như yêu cầu sử dụng tiếng Anh trong công việc của người đi làm.

 

 


Aroma trao chứng chỉ sau khóa học tiếng Anh cho người đi làm.

Aroma trao chứng chỉ sau khóa học tiếng Anh cho người đi làm.

 

 

Chương trình học được Aroma xây dựng phục vụ công việc, học tiếng Anh thông qua các tình huống làm việc điển hình hằng ngày. Do vậy sẽ tạo được tính ứng dụng rất cao cũng như hứng thú cho người học, học trên lớp như nào có thể áp dụng ngay ngày hôm sau cho công việc.

 

 

Người đi làm có nhiều lựa chọn về hình thức học: học các lớp mở hàng tuần tại Aroma, học riêng theo yêu cầu (dành cho những người khó sắp xếp thời gian theo học một lịch cố định) hay học ở các lớp doanh nghiệp.

 

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-646585/tieng-anh-rieng-cho-nguoi-di-lam-tai-sao.htm

Hội thảo về dạy học các môn KHTN bằng tiếng Anh

Posted: 03 Oct 2012 02:24 AM PDT

(GDTĐ) – Ngày 2- 10 – 2012, Sở GDĐT TP.HCM tổ chức Hội thảo về dạy học môn Toán và các môn khoa học tự nhiên (KHTN) bằng tiếng Anh. Hơn 100 đại biểu đến từ các trường THPT tại Tp.HCM đã tham dự. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển; Vụ Trưởng Vụ GD Trung học Vũ Đình Chuẩn và Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo.

Từ năm học 2008-2009, Sở GDĐT TP.HCM đã cho 5 trường THPT: chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa; Lê Quý Đôn; Nguyễn Thị Minh Khai và Lương Thế Vinh dạy học thí điểm môn Toán; Vật lý; Hoá học bằng tiếng Anh. Đến nay, TP.HCM đã có 10 trường THPT thí điểm dạy học chuơng trình này ở 4 môn: Toán; Lý; Hoá; Kinh tế.


Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Qua hơn 4 năm thực hiện, chương trình nói trên đáp ứng được nhu cầu học các môn KHTN bằng tiếng Anh cho học sinh (HS), giúp các em làm quen với thuật ngữ chuyên ngành tiếng Anh, nâng cao khả năng tư duy và cập nhật kiến thức khoa học bằng ngoại ngữ, tạo điều kiện cho các e dễ dàng hội nhập du học quốc tế.

Căn cứ vào thực tế, các trường quy định thời lượng tối đa cho mỗi môn học 2 tiết/tuần. Chương trình được cập nhật chọn lọc từ các nước: Anh; Mỹ; Úc và Singapore.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu – Trưởng phòng GD trung học (Sở GDĐT TP.HCM): Tài liệu dạy học ở 10 trường thí điểm nói trên có khác nhau, nhưng không dịch sách giáo khoa (SGK) Việt Nam để dạy. Các trường chủ động lựa chọn tài liệu tham khảo từ nước ngoài để biên soạn chương trình dạy học bằng tiếng Anh. Giáo viên (GV) trực tiếp dạy Toán và các môn KHTN bằng tiếng Anh, hầu hết là GV cơ hữu của 10 trường THPT đang thí điểm dạy chương trình này. Đa số GV có năng lực tiếng Anh tốt. Một số GV được thỉnh giảng từ ĐHSP TP.HCM, hoặc từ trung tâm bồi dưỡng văn hoá Song Ngữ NSETC tại TP.HCM. Các GV tự biên soạn giáo án trên cơ sở tự nghiên cứu chương trình và SGK nước ngoài. Nhìn chung HS ham thích học chương trình này, nhờ đó khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh phát triển tốt. Các em ngày càng tự tin, năng động, biết tự nghiên cứu và làm việc theo nhóm. Kết quả học tập đạt khá cao. Cha mẹ HS đồng tình, ủng hộ chương trình này và đăng ký cho con em theo học khá đông, nhưng các trường chỉ đáp ứng được 50- 60% nhu cầu.

Theo hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh: Có 3 cách chọn chương trình. Cách 1: Dạy toán theo chương trình Việt Nam thể hiện bằng tiếng Anh. Cách 2: Chọn một bộ tài liệu toán có uy tín của một số nước tiên tiến có nội dung gần nhất với chương trình VN để dạy học. Cách 3: GV tự chọn một số chuyên đề quan trọng trong chương trình toán của VN, sau đó bồi dưỡng thuật ngữ và dạy toán bằng tiếng Anh cho HS.

T.S Trần Đức Huyên- Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết: "Trường chúng tôi còn liên kết với 5 trường THPT chuyên trong nước để biên soạn chương trình. Cái khó là dạy học các môn KHTN bằng tiếng Anh, chưa xác định rõ mục tiêu cụ thể cần đạt được sau mỗi cấp lớp, để nhà trường và GV có cơ sở biên soạn tài liệu giảng dạy".


Nữ sinh trường THPT Lê Quý Đôn TP.HCM

Ông Nguyễn Tấn Lộc – hiệu trưởng trường THPT Hùng Vương băn khoăn: "Sau 2 -3 năm thí điểm dạy các môn KHTN bằng tiếng Anh, HS có được cấp chứng chỉ văn bằng hay không? Đề nghị sớm thống nhất chương trình dạy học thí điểm ngay, tránh mạnh ai nấy làm…".

Tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đánh giá tốt sự năng động sáng tạo trong việc dạy học môn Toán và các môn KHTN bằng tiếng Anh của TP.HCM. Cần chú ý đây không phải là chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, muốn dạy sao cũng được. Khi dạy các môn KHTN bằng tiếng Anh, cần bám sát chương trình và SGK bằng tiếng Việt hiện hành. Việc bổ sung nâng cao chương trình – SGK này dựa vào nước ngoài phải được Bộ GDĐT phê duyệt. Có thể dạy song ngữ (Việt – Anh) theo nhiều mức độ khác nhau, tuỳ điều kiện của từng trường, năng lực của GV và HS.Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết: "Bộ đang nghiên cứu cách thức tổ chức kiểm tra, thi cử cấp chứng chỉ văn bằng cho chương trình dạy học các môn KHTN bằng tiếng Anh. Chế độ chính sách đối với GV dạy chương trình này cũng đang được nghiên cứu. Lưu ý, đây là chương trình thí điểm, nên phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện tham gia".

Đinh Lê Yên

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201210/Hoi-thao-ve-day-hoc-cac-mon-KHTN-bang-tieng-Anh-1963859/

Cách tự học môn ngữ văn hiệu quả

Posted: 03 Oct 2012 02:24 AM PDT

Ngữ văn là một trong những môn thi bắt buộc trong chương trình học phổ thông. Để học hiệu quả, rất nhiều cách tiếp cận nhưng tốt nhất vẫn là biết tự học.

Thứ nhất, khai thác triệt để sách giáo khoa. Phải đọc, gạch chân, đánh dấu những luận điểm hoặc chi tiết quan trọng trong văn bản (tác phẩm) để học kỹ và dễ nhớ. Ghi lại những cảm nhận ban đầu của riêng mình về tác phẩm. Thứ hai, tìm hiểu tư liệu có liên quan đến bài học. Làm tất cả các câu hỏi sách giáo khoa đưa ra. Soạn bài, nắm kiến thức về bài trước khi đến lớp. Thứ ba, thường xuyên trao đổi với bạn bè, hỏi thầy cô về những điều mình băn khoăn hoặc chưa hiểu. Thứ tư, tự rèn luyện cách đọc, viết thường xuyên để nâng cao cách hành văn.

Khi tiếp cận một tác phẩm văn học, cần nắm chắc và hiểu đúng 4 vấn đề cơ bản: xuất xứ, nội dung, nghệ thuật và chủ đề.

Có 2 cách hiểu để nhớ về xuất xứ của một tác phẩm. Về góc độ lịch sử, xuất xứ hiểu như một sự kiện, tác phẩm này do ai viết, viết vào thời gian nào, hoàn cảnh xã hội ra sao, tác giả đang làm gì ở đâu? Về phương diện văn chương, xuất xứ chứa đựng ý nghĩa sâu sắc hơn – hoàn cảnh khai sinh tác phẩm, nó biểu đạt được hoàn cảnh xã hội của tác giả, liên quan đến nguồn cảm xúc, cảm hứng mà tác giả xây dựng nên tác phẩm của mình.

Về nội dung, đây là cái riêng của từng tác phẩm, những gì mà tác giả đã cố gắng xây dựng lên nên chúng ta không cần phải thêm bớt dễ dẫn đến lệch lạc. Do vậy, học sinh chỉ gạch ý ra và cố gắng lập luận hành văn sao cho bài đủ ý là trọn vẹn.

Nghệ thuật là phần trừu tượng hơn nhưng phần lớn tập trung ở khía cạnh câu từ, miêu tả, nhân hóa, vật hóa, so sánh, đối lập, tu từ, ẩn dụ… Thường thầy cô sẽ lưu ý cho các học sinh những nét nghệ thuật qua từng bài, từng tác phẩm cụ thể. Chủ đề là vấn đề cô đọng, đầy đủ và có thể ngắn gọn nhất nhưng rất nổi bật khi đọc hiểu tác phẩm.

Tự học đóng vai trò quan trọng. Nếu biết tự học môn ngữ văn chắc chắn sẽ đem lại cho người học một nhân cách sống tốt, viết lách diễn đạt trôi chảy và giao tiếp cũng tinh tường hơn.

Nguyễn Văn Phiên
(Trường THPT Lê Thành Phương, Tuy An, Phú Yên)

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20121001/Cach-tu-hoc-mon-ngu-van-hieu-qua.aspx

Siết chặt liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam

Posted: 03 Oct 2012 02:24 AM PDT

Theo quy định này, các hình thức liên kết đào tạo được phép triển khai gồm: Đào tạo trực tiếp theo chương trình của nước ngoài hoặc chương trình do hai bên xây dựng; thực hiện toàn bộ chương trình tại Việt Nam hoặc một phần chương trình tại Việt Nam, một phần chương trình tại nước ngoài; cấp văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam, của nước ngoài hoặc hai bên cấp riêng theo quy định của từng bên.

Thời hạn hoạt động của chương trình liên kết đào tạo không quá 5 năm, kể từ ngày được phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 5 năm. Để được liên kết đào tạo phải đáp ứng những yêu cầu về đội ngũ nhà giáo; cơ sở vật chất thiết bị; chương trình, quy mô đào tạo, ngôn ngữ giảng dạy. Đáng chú ý có quy định nêu rõ: "Ngôn ngữ sử dụng để giảng dạy các môn chuyên ngành trong liên kết đào tạo để cấp văn bằng nước ngoài là ngoại ngữ, không giảng dạy bằng tiếng Việt hoặc thông qua phiên dịch; có thể giảng dạy thông qua phiên dịch đối với các chương trình đào tạo liên kết đào tạo để cấp văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam".

Nghị định cũng nhấn mạnh: Chương trình đào tạo nước ngoài thực hiện tại Việt Nam phải là chương trình đã được kiểm định chất lượng ở nước ngoài hoặc chương trình của cơ sở giáo dục đã được tổ chức kiểm định chất lượng hoặc cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài công nhận về chất lượng; Cơ sở giáo dục thực hiện liên kết đào tạo phải cung cấp đầy đủ giáo trình, tài liệu học tập phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của HS, SV, học viên cao học và nghiên cứu sinh.

Về đối tượng tuyển sinh vào các chương trình liên kết đào tạo cấp văn bằng phải đáp ứng đủ các điều kiện. Cụ thể như sau, đối với trường hợp cấp văn bằng của cơ sở giáo dục Việt Nam thì phải tuân thủ theo quy định pháp luật Việt Nam về điều kiện tiếp nhận vào học các trình độ trung cấp, CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ.

Đối với trường hợp cấp văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài thì phải tuân thủ quy định về theo điều kiện tiếp nhận vào học các trình độ trung cấp, CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ của cơ sở giáo dục nước ngoài. Các điều kiện này phải tương ứng với điều kiện tiếp nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài quy định tại nước sở tại được Bộ GD-ĐT hoặc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chấp nhận.

Nếu đào tạo liên kết mà cả hai phía đều cấp bằng thì phải thỏa mãn đồng thời cả hai quy định trên.

Cũng để tránh việc thiếu năng lực ngoại ngữ nhưng vẫn được tiếp nhận học chương trình liên kết cấp bằng nước ngoài, quy định này cũng đưa ra yêu cầu về trình độ ngoại ngữ. Theo đó, với liên kết trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ thì đối tượng tuyển sinh ít nhất phải có trình độ B2 theo khung tham chiếu chung châu Âu về năng lực ngoại ngữ hoặc tương đương. Đối với liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng thì đối tượng tuyển sinh ít nhất phải có trình độ B1 theo khung tham chiếu chung châu Âu về năng lực ngoại ngữ hoặc tương đương.

Căn cứ nhu cầu của người học, các cơ sở giáo dục liên kết có thể tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng giúp thí sinh đạt trình độ theo quy định trước khi tổ chức giảng dạy chính khóa.

5 loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài

 

Theo Nghị định này thì nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư trực tiếp thành lập cơ sở giáo dục theo 2 hình thức: Cơ sở giáo dục 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài; cơ sở giáo dục liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

 

Nghị định cũng nêu rõ 5 loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được phép thành lập gồm: 1. Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; 2. Cơ sở giáo dục mầm non (trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ) thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, dành cho trẻ em là người nước ngoài; 3. Cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học) thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, cấp văn bằng của nước ngoài, dành cho học sinh là người nước ngoài và một bộ phận học sinh Việt Nam có nhu cầu; 4. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 5. Cơ sở giáo dục đại học.

 

Trong đó, cơ sở giáo dục phổ thông được phép tiếp nhận học sinh Việt Nam, nhưng số học sinh Việt Nam ở trường tiểu học và trung học cơ sở không quá 10% tổng số học sinh của trường, ở trường trung học phổ thông không quá 20% tổng số học sinh của trường. Học sinh Việt Nam không đủ 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài.

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-647024/siet-chat-lien-ket-dao-tao-co-yeu-to-nuoc-ngoai-tai-viet-nam.htm

Ban hành quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực GD

Posted: 03 Oct 2012 02:23 AM PDT

(GDTĐ)-Chính phủ vừa ban hành Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trong đó quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, bao gồm liên kết đào tạo, thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, thành lập văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.

Các hình thức liên kết đào tạo được phép triển khai

Theo quy định này, các hình thức liên kết đào tạo được phép triển khai gồm: Đào tạo trực tiếp theo chương trình của nước ngoài hoặc chương trình do hai bên xây dựng; thực hiện toàn bộ chương trình tại Việt Nam hoặc một phần chương trình tại Việt Nam, một phần chương trình tại nước ngoài; cấp văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam, của nước ngoài hoặc hai bên cấp riêng theo quy định của từng bên.

Thời hạn hoạt động của chương trình liên kết đào tạo không quá 5 năm, kể từ ngày được phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 5 năm.

Để được liên kết đào tạo phải đáp ứng những yêu cầu về đội ngũ nhà giáo; cơ sở vật chất thiết bị; chương trình, quy mô đào tạo, ngôn ngữ giảng dạy…

Về đối tượng tuyển sinh, đáng lưu ý, với liên kết trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ thì đối tượng tuyển sinh ít nhất phải có trình độ B2 theo khung tham chiếu chung châu Âu về năng lực ngoại ngữ hoặc tương đương. Đối với liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng thì đối tượng tuyển sinh ít nhất phải có trình độ B1 theo khung tham chiếu chung châu Âu về năng lực ngoại ngữ hoặc tương đương…

Thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm, tính từ ngày cho phép thành lập. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn, nhưng không quá 70 năm.

5 loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài

Nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư trực tiếp thành lập cơ sở giáo dục theo 2 hình thức: Cơ sở giáo dục 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài; cơ sở giáo dục liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Nghị định cũng nêu rõ 5 loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được phép thành lập gồm: 1- Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; 2- Cơ sở giáo dục mầm non (trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ) thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, dành cho trẻ em là người nước ngoài; 3- Cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học) thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, cấp văn bằng của nước ngoài, dành cho học sinh là người nước ngoài và một bộ phận học sinh Việt Nam có nhu cầu; 4- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 5- Cơ sở giáo dục đại học.

Trong đó, cơ sở giáo dục phổ thông được phép tiếp nhận học sinh Việt Nam, nhưng số học sinh Việt Nam ở trường tiểu học và trung học cơ sở không quá 10% tổng số học sinh của trường, ở trường trung học phổ thông không quá 20% tổng số học sinh của trường. Học sinh Việt Nam không đủ 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2012.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201210/Ban-hanh-quy-dinh-ve-hop-tac-dau-tu-cua-nuoc-ngoai-trong-linh-vuc-GD-1963861/

Comments