Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Hướng tới việc đổi mới nền giáo dục Việt Nam

Posted: 27 Oct 2012 03:03 AM PDT

(GDTĐ) – Sáng 26/10 tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: Hướng tới việc đổi mới nền giáo dục Việt Nam. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cùng các đại biểu đến từ cơ quan Bộ GDĐT, các trường đại học, viện nghiên cứu về giáo dục của Việt Nam. Hội thảo còn có sự tham gia của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức phi Chính phủ của nhiều nước trên thế giới.


Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại Hội thảo

Giáo dục Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ở thế kỷ 21. Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết hiện nay và cũng là nhiệm vụ đặt ra cho các nhà khoa học, nghiên cứu giáo dục và quản lý giáo dục của cả nước trong việc xây dựng kế hoạch và tiến hành lộ trình thực hiện.

Việc tìm hiểu các thông tin về đổi mới giáo dục của các nước có nền giáo dục phát triển và các nước tương đồng với Việt Nam là rất cần thiết nhằm tạo diễn đàn chia sẻ những bài học, kinh nghiệm về đổi mới giáo dục của các nước để Việt Nam học tập, đặc biệt là những bài học của quốc tế về đổi mới chính sách, cơ chế quản lý trong giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục. Từ đó có thể đề xuất và đưa ra những quyết sách phù hợp nhằm đáp ứng việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam trong thời kỳ mới.

Hội thảo sẽ tập trung vào việc trình bày báo cáo tham luận, thảo luận và chia sẻ các ý kiến, kinh nghiệm quốc tế về những nội dung: Những xu hướng quốc tế về phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, mô hình nhà trường hiện đại, chất lượng và công bằng giáo dục…

Thay mặt Bộ GDĐT, Thứ trưởng Bùi Văn Ga gửi lời cám ơn, đánh giá cao nỗ lực của Viện KHGD Việt Nam đã kết hợp với UNESCO tổ chức hội thảo, cảm ơn các nhà nghiên cứu, các nhà QLGD, Các viện nghiên cứu, các trường đại học đã quan tâm viết bài gửi bài tham dự hội thảo.

Qua hội thảo này, hi vọng sẽ nhận được những kinh nghiệm quý báu của bạn bè quốc tế, qua đó áp dụng vào thực tiễn của GDVN, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Việt Cường

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201210/Huong-toi-viec-doi-moi-nen-giao-duc-Viet-Nam-1964415/

Mông lung con đường du học bằng ngân sách

Posted: 27 Oct 2012 03:03 AM PDT

Trong khi đó, theo quy chế, thành viên đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực được ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.

Thích Toán nhưng phải học Kinh tế Đối ngoại 

Nguyễn Hùng Tâm, huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế 2012, cựu học sinh lớp 12 chuyên Toán trường THPT Hà Nội – Amsterdam, hiện đang là sinh viên năm nhất khoa Kinh tế Đối ngoại trường ĐH Ngoại thương, Hà Nội.

Cũng như hầu hết sinh viên từng có thành tích cao trong học tập khác, Tâm mong mỏi có cơ hội du học ở các trường ĐH tiên tiến của thế giới.

Tuy nhiên, cơ hội du học bằng nguồn ngân sách nhà nước đối với Tâm đến thời điểm này rất mờ mịt vì đề án 322 đã ngừng tuyển sinh bắt đầu từ năm nay, còn đề án mới thì chưa biết bao giờ sẽ được phê duyệt.

Tự biết không thể trông chờ vào nguồn nhà nước nên Tâm đang nỗ lực nộp hồ sơ xin học bổng một số trường ĐH ở Mỹ và Singapore.

"Em học chuyên toán khá lâu nên muốn gắn bó sự nghiệp của mình với toán hoặc các ngành liên quan tới logic như tin học, công nghệ máy tính. Nhưng trong trường hợp xấu nhất là phải học trong nước thì em phải theo ngành kinh tế. Nếu chỉ học rồi làm việc ở Việt Nam, em không thể vừa làm toán cả đời vừa mưu cầu một cuộc sống đầy đủ, Tâm cho biết.

Tự xoay xở

Không chỉ Tâm mà tất cả các tân sinh viên vừa đạt giải Olympic khu vực, quốc tế năm 2012 đều phải tự "liệu cơm gắp mắm" khi hoạch định tương lai của mình.

Nguyễn Việt Hoàng, cựu học sinh lớp 12 chuyên Hoá trường Hà Nội – Amsterdam, huy chương bạc Olympic Hoá học quốc tế, cũng đang vừa học chương trình chính khoá ở trường ĐH Dược Hà Nội vừa gấp rút học tiếng Anh để hoàn thành các chứng chỉ cần thiết cho việc xin học bổng.

Hoàng hy vọng sẽ kịp để được chấp nhận thành sinh viên ngành Hóa – Dược ở một trường ĐH tốt ở Mỹ vào mùa thu năm 2013.

Một nhân vật được nhiều báo chí viết chân dung trong đợt hè vừa qua – Đậu Hải Đăng, huy chương vàng Olympic Toán quốc tế, cựu học sinh lớp 12 toán trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội thì lập một kế hoạch chậm rãi hơn: Du học vào mùa thu năm 2014.


Đậu Hải Đăng

Hải Đăng giải thích: "Bây giờ em mới bắt đầu học tiếng Anh vì thời gian vừa rồi em lo học đội tuyển nên không có thời gian học. Nếu việc học trôi chảy thì sang năm em mới upline xin học bổng được. Em đang học ngành toán ở ĐH Quốc gia, xin học bổng cũng ngành toán nên em hy vọng khi được du học mình không phải học lại từ đầu mà chuyển tiếp luôn lên năm thứ ba".

Trao đổi với Tiền Phong, không chỉ các phụ huynh có con đoạt giải các kỳ thi Olympic quốc tế năm nay mà giáo viên dạy các em đều tỏ ra băn khoăn khi nói về chính sách ưu đãi hiện nay dành cho các học sinh đạt giải quốc tế.

Thầy Kim Ngọc Chính, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa nhận xét chính sách đãi ngộ của địa phương đối với học sinh chuyên nói chung và học sinh đạt các giải quốc gia, quốc tế rất tốt trong khi chính sách chung của nhà nước thì chưa có gì nổi bật ngoài việc các em đoạt giải quốc tế được du học bằng ngân sách.

"Vậy mà đến bây giờ việc du học bằng ngân sách năm nay của các em ra sao Bộ GDĐT cũng chưa có bất kỳ một thông báo nào", thầy Chính nói. Trường Lam Sơn năm nay có 2 học sinh đạt giải quốc tế là Lê Huy Quang huy chương bạc Olympic Vật lý quốc tế và em Lê Quang Lâm huy chương Đồng Olympic toán quốc tế. Hiện Quang đang học trường ĐH Ngoại thương (dù rất muốn tiếp tục học vật lý), còn Lâm học ĐH Xây dựng.

Ưu đãi "cà giật"

Trao đổi với Tiền Phong, Bộ trưởng GDĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: "Bộ sẽ không để cho các em tự thân vận động mà Bộ sẽ lo về việc này, tuy nhiên hiện nay chưa có kết quả cụ thể. Bộ sẽ phấn đấu để vào năm học tới các em kịp du học. Cái này khó vì không chỉ phụ thuộc vào Bộ GDĐT".

Nhiều nhà khoa học và là giáo viên được giao phụ trách việc dẫn các đội tuyển Olympic quốc tế đi thi hàng năm cũng cho rằng không có gì để nghi ngờ về chủ trương ưu đãi học sinh giỏi quốc tế du học nước ngoài, việc gián đoạn như hiện nay chỉ là tạm thời.

Tuy nhiên, cũng có nhà khoa học nhận xét, chính sự gián đoạn này thể hiện chính sách đãi ngộ kiểu "cà giật", thiếu đồng bộ trong vấn đề trọng dụng nhân tài nói chung, khích lệ các cá nhân đạt kết quả xuất sắc trong giáo dục – đào tạo nói riêng.

Theo Tiền Phong

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-655651/mong-lung-con-duong-du-hoc-bang-ngan-sach.htm

Bài học đạo đức còn thiếu thực tế

Posted: 27 Oct 2012 03:03 AM PDT

Nội dung chương trình đạo đức lớp 3 năm học 2012 – 2013 (Vở bài tập đạo đức, tác giả Lưu Thu Thủy [chủ biên], Nguyễn Thị Việt Hà, Nguyễn Hữu Hợp và Trần Thị Tố Oanh biên soạn, NXB Giáo dục, năm 2012) chưa thực sự hợp lý và phù hợp.

Chương trình có 14 chủ đề tuy hay và cần thiết nhưng có lẽ không thực sự phù hợp với lứa tuổi của học sinh lớp 3 (8 – 9 tuổi) bởi có nhiều yếu tố chưa sát thực tế. Trừ các bài Giữ lời hứa, Tự làm lấy việc của mình, Quan tâm, chăm sóc ông bà, cha mẹ, anh chị em, Chia sẻ vui buồn cùng bạn…, nhiều bài còn lại e quá sức với các em. Chẳng hạn, bài Tôn trọng khách nước ngoài hơi quá xa với các em, đặc biệt ở nông thôn. Các em nhỏ ở nông thôn hiếm có dịp gặp gỡ người nước ngoài nên những gợi ý như mua giúp hàng hóa, chỉ đường về khách sạn… khó xảy ra trong thực tế.


Một bài học về đạo đức cho học sinh lớp 3 - Ảnh: N.M.H

Ngay cả các bài khá hợp đối với học sinh lớp 3 thì các yêu cầu, ví dụ cũng có chỗ chưa thật thuyết phục. Chẳng hạn, bài Tôn trọng thư từ, tài sản của người khác có gợi ý "mỗi lần sang nhà hàng xóm xem ti vi, Bình đều chào hỏi mọi người và xin phép bác chủ nhà rồi mới ngồi xem". Trên thực tế, bây giờ gần như không còn việc sang nhà hàng xóm để "xem nhờ" ti vi nữa…

Lẽ ra, những bài học trong chương trình nên tập trung đến những điều cụ thể, thực tế, gần gũi với cuộc sống của các em hơn. Đó là các điều liên quan trực tiếp đến bản thân, gia đình, lớp học, xóm giềng… Đó là cách giao tiếp, ứng xử cũng như các thói quen của bản thân. Chẳng hạn, cần rèn cho trẻ biết giữ lời hứa, biết kiên nhẫn, biết lễ phép, biết tôn trọng người lớn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết nhường nhịn, biết giúp đỡ người khác trong khả năng của mình, biết quý trọng tình bạn, biết giữ gìn tài sản của bản thân và của người khác, biết trả lại của rơi mình nhặt được, biết giữ gìn vệ sinh chung… Còn các chủ đề rộng hơn nên để cho các lớp lớn.

Nguyễn Minh Hải

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20121026/Bai-hoc-dao-duc-con-thieu-thuc-te.aspx

Có tự chủ thì mới… tự chịu trách nhiệm

Posted: 27 Oct 2012 03:01 AM PDT

(GDTĐ) – Việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục là một yêu cầu cần thiết và khách quan trước đòi hỏi của nền giáo dục nước nhà hiện nay và cũng là một chủ trương lớn, làm thay đổi căn bản cơ chế quản lý giáo dục theo cơ chế bao cấp vốn đã tồn tạị ở nước ta hơn nửa thế kỷ nay. Trong Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nêu rõ: “Thực hiện hợp lý cơ chế tự chủ đối với cơ sở giáo dục, đào tạo gắn với đổi mới cơ chế tài chính” cho thấy vấn đề tăng quyền tự chủ và đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục, đào tạo là vấn đề bức thiết.

Sự ban hành Nghị định 115/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định 166/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2011 với những điểm mới hướng đến việc tăng cường trách nhiệm và quyền hạn bảo đảm về chất lượng giáo dục đã nhận sự đồng thuận cao của các cơ quan quản lý giáo dục.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, đã gần 2 năm trôi qua, hầu hết các CBQL giáo dục ở địa phương đều cho biết, vấn đề giao quyền tự chủ cho giáo dục chưa được UBND các cấp thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Nhiều bất cập đã xảy ra trong việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, trong đó, nổi cộm là việc quyết định tổ chức, biên chế, tuyển chọn nguồn giáo viên… và vấn đề tự chủ về tài chính, tái đầu tư cho cơ sở vật chất…

Sở Giáo dục thì chỉ đạo, quản lý về các hoạt động chuyên môn, còn UBND huyện thì quản lý về con người và ngân sách dẫn đến hiện tượng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"; điều chuyển GV Sở không có quyền vì huyện không cho đi, dẫn đến nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu; tuyển dụng công chức giao cho huyện đa phần chỉ tuyển ở huyện, không nhận con em huyện khác, tạo khe hở cho nể nang, quen biết; có những trường hợp bổ nhiệm không có sự đồng ý của Sở, Phòng Nội vụ; Sở bổ nhiệm, điều chuyển giáo viên có khi bị " ách tắc" từ phía Sở, Phòng Nội vụ; Ngân sách Sở chuyển về cho huyện chi nhưng có huyện không chi hết theo quy định mà để làm việc khác.

Các lãnh đạo Phòng GDĐT ở các huyện, thị đều cho rằng vì một khi không được giao quyền tự chủ thì cũng đồng nghĩa với việc "bó tay" ngay cả việc… tự chịu trách nhiệm. Ông Lê Đăng Thái, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phong Điền-Thừa Thiên Huế tỏ rõ nỗi bức xúc: Thông tư liên tịch 47 ( Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở GDĐT, Phòng GDĐT) đã có quy định thống nhất trên địa bàn tỉnh về giao trách nhiệm, quyền hạn cho phòng GD nhưng tất cả vẫn còn nằm trên văn bản, chưa được thực hiện theo đúng tinh thần của thông tư cũng như NĐ 115.

Vì sao Thủ tướng đã ký mà UBND tỉnh lại không thực hiện? Các Phòng còn rất thiếu quyền chủ động. Công tác đề bạt cán bộ cũng còn dùng dằng, chưa có sự thống nhất, còn mắc qua mắc lại giữa các địa phương. Nghị định 43 về tự chủ tài chính cũng còn chung quá, mới khoán được phần chi thường xuyên cho từng đơn vị. Lãnh đạo Phòng, Trường không có chức năng, quyền hạn gì trong xây dựng cơ bản. Kết quả là các công trình xây dựng ngay trong trường nhưng không ai kiểm tra, giám sát; dẫn tới quy cách, thiết kế thiếu hài hòa, không phù hợp với yêu cầu thực tế của nhà trường.

Cũng trùng khớp với những ý kiến nêu trên, ông Trần Đới, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hải Lăng – Quảng Trị còn thẳng thắn chỉ ra mâu thuẫn: Quyết định của UBND cũng nói căn cứ vào thông tư 47 thế này, thế khác nhưng hướng dẫn lại không giống Thông tư 47. Còn có những biểu hiện kiểu như thích thì phân cấp, mà không thích thì không phân. Trước đây, khi Phòng còn trực thuộc Sở thì Phòng được giao quyền chủ động vì thế mà tính tự chịu trách nhiệm cũng được thể hiện, sự điều hành công việc rất trôi chảy và có hiệu quả…

Từ vấn đề đặt ra cùng những ý kiến nêu trên, đã tới lúc UBND các cấp cần thực hiện nghiêm túc Nghị định 115 của Chính phủ cũng như Thông tư liên tịch 47; rà soát lại việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn để tăng quyền chủ động cho giáo dục nhằm mục đích đảm bảo các hoạt động chuyên môn, tạo lực bẩy cho phát triển.

Hồng Thúy

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3006/201210/Co-tu-chu-thi-moi-tu-chiu-trach-nhiem-1964433/

Ồ ạt xét tuyển bổ sung dưới điểm sàn

Posted: 27 Oct 2012 03:00 AM PDT

* Danh sách cụ thể 20 huyện, thị được hưởng chính sách tuyển sinh đặc thù ở Tây Nam bộ

(TNO) Nhiều trường thông báo tuyển sinh dưới điểm sàn hoặc chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT vẫn được vào đại học bằng cách học dự bị một năm.

Cho trúng tuyển dưới điểm sàn

Căn cứ vào Chính sách đặc thù trong tuyển sinh đại học, cao đẳng cho các tỉnh/thành phố thuộc khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ của Bộ GD-ĐT (công văn số 6977 ký ngày 19.10.2012), nhiều trường thông báo tuyển sinh dưới điểm sàn và ưu tiên cho thí sinh ở 20 huyện, thị xã (khu vực Tây Nam bộ) chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT vẫn có thể vào đại học.

Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) xét tuyển bổ sung dưới điểm sàn 1 điểm đối với các thí sinh có hộ khẩu thường trú 3 năm trở lên tại các tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL, Tây Bắc và Tây nguyên. Những thí sinh này khi nhập học phải học bổ sung kiến thức các môn học theo từng khối thi với thời lượng 300 tiết.

Trường ĐH Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long) cũng thông báo xét tuyển NV2, đợt 2 với 1.500 chỉ tiêu. Ở trường này, riêng đối với thí sinh ở khu vực ĐBSCL có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên có tổng số điểm thi (kể cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) dưới điểm sàn ĐH (hoặc CĐ) không quá 1 điểm, được ưu tiên trúng tuyển.


Thí sinh dự thi kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012 tại TP.HCM – Ảnh: Hoàng Quyên

Trường ĐH Tiền Giang (tỉnh Tiền Giang) thông báo tuyển bổ sung 6 ngành học bậc ĐH, 16 ngành học bậc CĐ, áp dụng chính sách đặc thù trong tuyển sinh dành cho khu vực Tây Nam bộ.

Tương tự, Trường ĐH Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) thông báo tuyển 280 chỉ tiêu NV bổ sung đợt 3, áp dụng chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ dành cho khu vực Tây Nam bộ. Điểm xét tuyển cho các khối và các ngành ĐH, CĐ đều thấp hơn điểm sàn ĐH, CĐ năm 2012 là 1 điểm.

Trường ĐH Yersin Đà Lạt, CĐ Kinh tế kỹ thuật Kiên Giang, CĐ Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long… cũng áp dụng chính sách này để xét tuyển NV bổ sung với mức điểm cho các khối, ngành thấp hơn điểm sàn 1 điểm.

ĐH Cửu Long thông báo những thí sinh không đủ điểm sàn thuộc 20 huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo khu vực Tây Nam bộ có nguyện vọng vào học ĐH hoặc CĐ được ưu tiên tuyển vào học dự bị một năm trước khi học chính thức.

Trường ĐH Tây Đô cũng thông báo ưu tiên xét tuyển vào ĐH đối với học sinh là dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại một số huyện, thị xã thuộc 6 tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu, đã tốt nghiệp THPT.

Khi nhập học, những học sinh này học bổ sung kiến thức với thời lượng 600 tiết, tương đương 2 học kỳ. Đến năm học 2013 – 2014, các học sinh này đã có thể vào học năm thứ nhất. Hồ sơ đăng ký xét tuyển và nhập học thuộc diện ưu tiên trên chỉ cần bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời.

Trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An (tỉnh Long An) thông báo xét tuyển NV bổ sung đặc cách cộng thêm 1 điểm ưu tiên vùng cho thí sinh có hộ khẩu thuộc các tỉnh ĐBSCL.

Ngoài ra, trường này cũng xét tuyển học sinh thuộc 20 huyện khó khăn thuộc Tây Nam bộ đã tốt nghiệp THPT được đăng ký học hệ ĐH chính quy 5 năm, tức học bổ sung kiến thức 2 học kỳ và được xét tuyển trực tiếp vào học 4 năm ĐH chính quy, không phải dự thi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

 

Một số chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2012 cho các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ:

- Các trường ĐH, CĐ có trụ sở chính đặt tại các tỉnh, thành phố trong khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ được xét tuyển bổ sung đối với các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực và có kết quả điểm thi ĐH hoặc CĐ hệ chính quy năm 2012 (đã cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực) dưới điểm sàn ĐH hoặc CĐ không quá 1 điểm.

Các thí sinh được xét tuyển thuộc diện này phải học bổ sung kiến thức 1 học kỳ. Chương trình, nội dung và cách thức tổ chức học bổ sung kiến thức cho sinh viên thuộc diện này do hiệu trưởng trường ĐH, CĐ quyết định.

- Áp dụng ưu tiên trong tuyển sinh quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 33 Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy (ban hành kèm theo Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT ngày 5.3.2012 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) cho thí sinh thuộc 20 huyện (thị xã) thuộc diện đặc biệt khó khăn, huyện biên giới và hải đảo của khu vực Tây Nam Bộ có nguyện vọng xét tuyển vào học các trường ĐH, CĐ trong khu vực Tây Nam Bộ theo đề nghị tại Công văn số 1460-CV/BCĐTNB ngày 9.10.2012 của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ.

Danh sách các huyện (thị xã) vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn khu vực Tây Nam Bộ hưởng chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2012 gồm:

1. Long An: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Huệ, Thạch Hóa, Tân Thạnh

2. Đồng Tháp: Hồng Ngự, Tân Hồng, TX Hồng Ngự

3. An Giang: TX Tân Châu, An Phú, TX Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn

4. Kiên Giang: Giang Thành, TX Hà Tiên, Kiên Hải, Phú Quốc

5. Hậu Giang: Long Mỹ

6. Bạc Liêu: Phước Long

(Trích công văn số 6977/BGDĐT-GDĐH của Bộ GD-ĐT ký ngày 19.10.2012)

 

 Hoàng Quyên

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20121026/o-at-xet-tuyen-bo-sung-duoi-diem-san.aspx

Tìm cách giảm bạo lực học đường

Posted: 27 Oct 2012 02:56 AM PDT

Trước tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng ở hầu khắp các trường học từ thành thị đến nông thôn, ngành giáo dục 4 tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp và Vĩnh Long đã tìm nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn.

Theo ông Nguyễn Thanh Tiệp, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An, bạo lực học đường tồn tại ở hầu hết các trường học: "Tại Long An, xuất hiện ngày càng nhiều với hình thức đa dạng và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nếu như trước đây chỉ là chuyện học sinh (HS) đánh nhau hoặc "xin đểu" thì nay xảy ra hiện tượng HS quay cảnh đánh nhau, quan hệ tình dục rồi tung lên mạng, sử dụng hung khí đánh nhau trong trường học… Thống kê năm học 2011-2012, tại Long An xảy ra 417 vụ HS đánh nhau với 876 em tham gia, trong đó có 292 vụ đánh ngay tại trường học".

Ông Trần Thanh Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang, thừa nhận bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng. Mức độ, hình thức cũng ngày một nghiêm trọng, phức tạp hơn. Thống kê trên 2/3 trường THPT và phòng GD-ĐT các huyện, từ tháng 8.2010 đến nay có 425 vụ, trong đó có những vụ dẫn đến chết người.

Bạo lực học đường hiện nay diễn ra ở tất cả các cấp, bậc học, nhưng thường tập trung ở giai đoạn cuối cấp THCS và đầu cấp của THPT.

Phần lớn các đại biểu cho rằng có 4 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này: Gia đình không hạnh phúc, tác động của mặt trái kinh tế thị trường, chương trình học tập ở trường không hợp lý và bản thân vị thành niên chưa làm chủ được cảm xúc. Trong đó, các đại biểu đều cho rằng trường học hiện nay chỉ chú ý việc trang bị kiến thức chứ chưa quan tâm việc giáo dục đạo đức cho HS.

Để ngăn chặn bạo lực học đường gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng không nên tập trung vào việc trừng trị HS. Hiện nay, hình thức xử lý đối với HS vi phạm thường là khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi học có thời hạn và xử lý hình sự. Bà Phan Thị Thu Hà, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho rằng "trừng trị là hạ sách". Bà Hà đặt vấn đề: "Không ít giáo viên thường chỉ quan tâm đến HS khá, khiến những HS cá biệt thêm mặc cảm, tự ti dẫn đến chỗ sử dụng bạo lực để khẳng định bản thân". Đồng quan điểm, ông Tăng Thành Nghiệp, phụ huynh HS Trường THPT Cái Bè  (Tiền Giang), chia sẻ: "Việc đưa HS vi phạm lỗi nhỏ ra buổi sinh hoạt dưới cờ để phê bình là không phù hợp, sẽ tăng thêm bức xúc và mặc cảm cho HS cá biệt, khiến các em "quậy" hơn mà thôi".

Phương Hà

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20121026/Tim-cach-giam-bao-luc-hoc-duong.aspx

Comments