Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Đột phá từ đội ngũ giáo viên

Posted: 21 Oct 2012 08:13 PM PDT

Đột phá từ đội ngũ giáo viên

TT – Các chuyên gia giáo dục hầu như có chung một đề xuất phải xem công tác xây dựng đội ngũ giáo viên là giải pháp cốt lõi, quan trọng nhất.

Vì chính đội ngũ này quyết định sự thành bại của việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.

Ứng viên Nguyễn Thị Diễm Phước được phỏng vấn tuyển dụng giáo viên mới môn CNTT do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức năm 2012 – Ảnh: Như Hùng


Mời bạn vào tải ứng dụng chính thức của Tuổi Trẻ dành cho smartphone và tablet sử dụng hệ điều hành Android đã có trên Google Play. Ứng dụng Tuổi Trẻ cũng đã có mặt trên Samsung Apps của smartphone

Thế nhưng đến nay, vấn đề giáo viên chưa một lần được giải quyết căn cơ, thấu đáo khiến tất cả mong muốn đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục ở nhà trường đều không thực hiện được đến nơi đến chốn.

Sẽ còn yếu hơn

Theo các kết quả điều tra mới nhất, một tỉ lệ khá lớn giáo viên phổ thông đang không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục hiện hành. Sắp tới đây, chất lượng giáo viên mới vào nghề còn thấp hơn nữa vì phần lớn học sinh/sinh viên đang học tại các trường sư phạm và cơ sở đào tạo giáo viên của các trường đa ngành (sau đây gọi chung là trường sư phạm) vốn chỉ là những học sinh phổ thông trung bình, mà nội dung và phương pháp đào tạo thì quá lạc hậu, còn công tác bồi dưỡng được tổ chức hằng năm cho giáo viên phổ thông lại mang nặng tính hình thức, kém hiệu quả. Tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên tồn tại dai dẳng hàng chục năm qua không giải quyết được cũng khiến công tác đào tạo và sử dụng giáo viên gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh đó, trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông là thầy/cô giáo ở các trường phổ thông công lập gần như không còn động lực hoạt động nghề nghiệp vì thu nhập từ lương và phụ cấp Nhà nước trả không đủ bảo đảm cho họ có một cuộc sống tươm tất. Để tự cứu, nhiều giáo viên trường công ở các đô thị phải dạy thêm dẫn đến dạy thêm tràn lan. Trong khi đó, tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa trong xã hội gây nhiều tác động tiêu cực đến trường học mà ngay cả giáo viên cũng bị lây nhiễm. Do vậy, vị thế xã hội của nghề thầy và người thầy bị hạ thấp trong thang giá trị xã hội. Trong cuộc điều tra gần đây, 40-60% giáo viên phổ thông đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến nếu được chọn lại nghề sẽ không làm nghề dạy học. Còn học sinh khá, giỏi không thi vào trường sư phạm.

Năm nhóm giải pháp

Trước thực trạng rất đáng lo ngại như vậy, rõ ràng cần phải tập trung sửa đổi chính sách đối với nhà giáo và cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, làm cho các thầy/cô giáo đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực và có thu nhập từ lương và phụ cấp cao hơn mức thu nhập trung bình trong xã hội, đồng thời làm cho nghề dạy học trở thành một trong những lĩnh vực nghề nghiệp được xã hội thật sự coi trọng và có sức thu hút đối với học sinh khá/ giỏi sau khi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông. Nhằm mục đích đó, tập thể các nhà giáo, nhà khoa học tham gia đề tài nghiên cứu về giáo dục do Quỹ hòa bình và phát triển VN tổ chức đã đề xuất năm nhóm giải pháp.

1. Đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực của ngành giáo dục theo hướng đại học hóa giáo viên phổ thông và nâng cao chất lượng tuyển sinh vào ngành sư phạm. Từ năm học 2013-2014 chấm dứt tuyển sinh đào tạo giáo viên phổ thông ở trình độ trung cấp và cao đẳng; thiết lập cơ chế bảo đảm cân bằng giữa đào tạo và tuyển dụng giáo viên phổ thông, đồng thời tính toán để việc đào tạo chẳng những đáp ứng yêu cầu về chất lượng mà cả về cơ cấu loại hình giáo viên do chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 đặt ra.

2. Sắp xếp lại các trường đại học sư phạm thành một hệ thống có chung chiến lược phát triển. Xây dựng cơ chế tạo ra quan hệ gắn bó giữa hệ thống các trường sư phạm với hệ thống giáo dục phổ thông trên cả ba mặt: cộng tác xác định mục tiêu đào tạo (về chất lượng, số lượng, cơ cấu môn học), cộng tác thực hiện quá trình đào tạo và bồi dưỡng, cộng tác trong nghiên cứu khoa học giáo dục. Nhà nước cần ưu tiên đầu tư xây dựng/nâng cấp cơ sở vật chất và chính sách thu hút các nhà giáo/nhà khoa học có năng lực cho các đại học sư phạm.

3. Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông theo hướng chuyển từ đào tạo một lần sang đào tạo căn bản/ban đầu kết hợp với đào tạo bổ sung/thường xuyên theo chu kỳ (hiện gọi là bồi dưỡng), trọng tâm là phát triển liên tục khả năng đáp ứng của giáo viên trước yêu cầu chuyên nghiệp hóa.

4. Sửa đổi chính sách về tiền lương và phụ cấp, bảo đảm để giáo viên dạy ở trường công và gia đình họ có mức sống cao hơn mức sống trung bình trong xã hội cũng như tạo điều kiện về tài chính để giáo viên nâng cao trình độ nghề nghiệp thông qua học tập tiếp tục và tham gia các hoạt động văn hóa. Chính sách về tiền lương và phụ cấp đối với giáo viên cũng phải thể hiện sự ưu đãi so với các công chức/viên chức tương đương về trình độ đào tạo. Cần bổ sung các chế độ về phúc lợi đối với nhà giáo và cải thiện điều kiện làm việc để nhà giáo có thể thực hiện các hoạt động giáo dục một cách chuyên nghiệp.

5. Xây dựng và ban hành Luật nhà giáo và nghề dạy học, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp đã nêu, đặc biệt là xác lập chuẩn mực pháp lý về phẩm chất, năng lực của nhà giáo và những người tham gia quản lý nhà trường; xác định các quy định về quyền và trách nhiệm của nhà giáo trong việc tổ chức quá trình dạy học, lựa chọn sách giáo khoa/tài liệu giảng dạy và áp dụng phương pháp giảng dạy.

NGUYỄN THỊ BÌNH (nguyên phó chủ tịch nước)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/516817/Dot-pha-tu-doi-ngu-giao-vien.html

Thủ tướng: ‘Chú trọng giáo dục nhân cách, lý tưởng cho HSSV’

Posted: 21 Oct 2012 08:13 PM PDT

– Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý như vậy khi tới dự và phát biểu tại lễ khai khóa 2012 của ĐH Quốc gia TP.HCM sáng nay, 21/10. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh trống khai giảng.

"Thanh niên là trụ cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, một trong những nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Học sinh, sinh viên là bộ phận ưu tú của thanh niên, luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Trung tâm của giáo dục là đào tạo sinh viên, vì vậy phải tạo điều kiện và tạo ra cách tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên, nghiên cứu tiếp cận các chương trình đào tạo đại học của các nước tiên tiến và chọn lựa chương trình và phương pháp giảng dạy cho phù hợp với Việt Nam. Ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn, cần quan tâm đến giáo dục chính trị và phẩm chất đạo đức cho học sinh, sinh viên; cần phải chú trọng giáo dục nhân cách, lý tưởng, hoài bão cho học sinh, sinh viên" – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đánh giá cao những tiến bộ mà ĐHQG TP.HCM đã đạt được khi trở thành một trung tâm đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó, có những lĩnh vực đạt chất lượng cao của đất nước.

Hoạt động đào tạo của nhà trường ngày càng được chuẩn hóa; chương trình, phương pháp đào tạo đã từng bước được đổi mới, triển khai nhiều chương trình tiên tiến. Công tác nghiên cứu khoa học có bước phát triển, tập trung vào các lĩnh vực khoa học mũi nhọn, hiện đại, thiết thực gắn liền với nhu cầu xã hội…Nhà trường đã quan tâm xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ đào tạo và nghiên cứu trên cơ sở thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa.

Tới dự lễ khánh thành KTX sinh viên ĐHQG TP.HCM, dự án có tổng
mức đầu tư 3.529 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 59 hecta, đáp ứng
chỗ ở và sinh hoạt cho khoảng 60.000 sinh viên học tập tại ĐHQG và các
trường thuộc khu vực Đông-Bắc TP.HCM, Thủ tướng đã đề nghị Bộ trưởng Bộ
Xây dựng và Bộ trưởng Bộ GDĐT phối hợp với nhau không chỉ hợp tác
xây dựng KTX cho ĐHQG TP.HCM mà cần xây dựng các khu KTX trên cả nước
theo đề án đã được Chính phủ phê chuẩn.

Chia vui cùng thầy trò trường ĐHQG TP.HCM trong lễ khai khóa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chỉ ra nhiệm vụ mà ĐHQG.TP.HCM cần phải thực hiện với tư cách là một đại học lớn có truyền thống giáo dục đại học cả nước.

Cụ thể, ĐHQG TP.HCM phải đi đầu trong việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục quốc dân, tập trung cao nhất cho nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học….Nhà trường cần đẩy mạnh việc hoàn thiện đào tạo theo tín chỉ, tăng cường kiểm định chất lượng và ứng dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, giáo trình mở… Toàn bộ các chương trình đào tạo của ĐHQG TP.HCM phải đạt mức cao so với tiêu chuẩn quốc gia, một số chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực quốc tế.

Thủ tướng cho rằng, là cơ sở đại học đầu tiên đề nghị xin nhận làm đơn vị thí điểm trong việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục hiện nay, ĐHQG TP.HCM cần phải triển khai các dự án mang tính chất đa ngành quy mô lớn trên cơ sở thế mạnh của trường và các ngành mũi nhọn như Công nghệ thông tin và vi mạch, Công nghệ vật liệu, Công nghệ cơ điện tử và tự động hóa, Công nghệ sinh học, Công nghệ nano….xây dựng những mũi nhọn đạt trình độ quốc tế đồng thời triển khai mạnh mẽ công tác chuyển giao công nghệ, xây dựng khu công nghệ phần mềm thành hạt nhân của hoạt động gắn kết quả giữa đại học và công nghiệp. Nhà trường cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, phải thực sự tạo ra được cuộc cách mạng về chất lượng giáo dục…Tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, nâng cao đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu, chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho họ.

• Lê Huyền

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/93494/thu-tuong---chu-trong-giao-duc-nhan-cach--ly-tuong-cho-hssv-.html

Con muốn thấy nụ cười trên môi của mẹ

Posted: 21 Oct 2012 08:13 PM PDT

Gia cảnh éo le


Con muốn thấy nụ cười trên môi của mẹ

Nhà Nhi đông anh em nhưng ai cũng khó khăn, phải bươn chải vào Sài Gòn làm công nhân để kiếm tiền nuôi bố mẹ đau ốm. Chị ba, chị tư, anh năm đều làm công nhân cho nhà máy dệt. Mỗi tháng mỗi anh chị tích góp mỗi người vài trăm ngàn đồng gửi về cho bố mẹ. Mẹ đau ốm nhưng mấy anh chị em vẫn phải bám trụ Sài Gòn làm để nuôi mẹ vì chi phí đi lại rất đắt đỏ. Chỉ có chị Hai ở nhà chăm sóc mẹ và đứa em bị nhiễm chất độc da cam, đi chăm mẹ thì không chăm được em nên phải thường xuyên nhờ bà con làng xóm giúp đỡ.

Khi nhắc đến bố, Nhi không kìm được nước mắt chia sẻ: "Bố mà người em yêu quý nhất, khi bố mất em suy sụp hoàn toàn. Bố là nguồn động viên tinh thần lớn của gia đình em, bố rất thương mấy chị em. Lúc còn sống, bố luôn căn dặn mấy chị em luôn biết cố gắng, phải cố gắng để vượt qua mọi thứ. Bố đau ốm mà cứ chắt chiu tiền mua thuốc để cho em mua cuốn vở, cuốn sách đi học cho tốt hơn…". Bố mất, mẹ đau nặng, Nhi tưởng như không còn động lực để đến lớp.

Mẹ là nguồn động lực lớn nhất của chúng con

Từ ngày bố Nhi mất, bệnh tình của mẹ nặng hơn, mẹ chuyển xuống phòng bệnh nặng để điều trị. Bác sĩ bảo cuộc sống của mẹ chỉ tính bằng ngày. Một tháng 30 ngày thì mẹ nằm ở viện tới 27 ngày. Nhi đã tính nghỉ học để ở nhà chăm mẹ nhưng mỗi khi nhìn Nhi là mẹ lại buồn hơn. Mẹ Nhi luôn nói: "Con đến trường đi học đi vì mẹ mà con thất học sao mẹ nhắm mắt nổi. Con thương mẹ thì con đi học đi rồi nghỉ học về chơi với mẹ, thế là mẹ vui rồi. Con hãy gắng học mà kiếm lấy cái chữ sau này cho đỡ khổ con à".


Nhi vui mừng khi nhận được chiếc xe đạp dành cho sinh viên nghèo vượt khó vào ngày khai giảng.

Vừa đi học, vừa chăm mẹ, thế nhưng Nhi cò dành thời gian đi làm gia sư để lấy tiền đi xe đi xe về bệnh viện vì mỗi lần đi về riêng tiền xe đã hết gần trăm ngàn đồng rồi. "Mình chỉ mong mẹ khỏe hơn để mình đi dạy thêm một suất nữa. Mình mong mẹ khỏe lại để thấy nụ cười trên môi của mẹ" – Nhi tâm sự.

"Mình đang cố gắng vừa chăm sóc mẹ thật tốt vừa cố gắng học thật giỏi để đạt kết quả học bổng đồng hành để trang trải học phí. Mình vừa mất đi người bố đáng kính và đang kế cận nỗi lo mất mẹ… Mình chỉ mong mẹ chống chịu và vượt qua bệnh tật để sống với chị em bọn mình", Nhi vừa khóc vừa nói.

Bạn Nguyễn Phú – bí thư Liên chi khoa Địa lý chia sẻ: "Khoa, lớp và liên chi luôn tạo điều kiện tốt nhất để bạn học tập tốt nhất. Vừa rồi đám tang bố Nhi liên chi cũng đã thăm hỏi, động viên và hỗ trợ để Nhi vượt qua khó khăn. Liên chi đang làm đơn xin hỗ trợ cho bạn. Nhi cũng là một thành viên nằm trong ban chấp hành liên chi, Nhi là một sinh viên năng nổ, hăng hái trong mọi hoạt động. Liên chi sẽ tạo điều kiện cho bạn Nhi học tập và hoạt động trong thời gian tới".

Nguyễn Hường – Ngọc Duyên

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-653678/con-muon-thay-nu-cuoi-tren-moi-cua-me.htm

Thu tiền học sinh… xây sân tennis

Posted: 21 Oct 2012 08:13 PM PDT

Mặc dù từ đầu năm, Bộ GD-ĐT đã có công văn chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng lạm thu ở các trường học trong cả nước, nhưng nhiều trường học ở Đắk Lắk vẫn ngoảnh mặt làm ngơ và buộc học sinh đóng góp tự nguyện đủ thứ tiền.

 

 

 

Lắp camera trong lớp học

 

Núp bóng hình thức thu tự nguyện, Trường THPT Hồng Đức (TP Buôn Ma Thuột) đã cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) thu những khoản trái quy định như: Lắp đặt hệ thống camera, đồng phục thể dục, đồng phục áo ấm, mua máy photocopy đề kiểm tra trong năm học, kinh phí hoạt động của ban đại diện CMHS… Camera được trường lắp đặt ngay cửa ra vào lớp để giám sát mọi hoạt động của HS và giáo viên.

 

Theo báo cáo về tình hình thu nộp các khoản tiền đầu năm của Trường THPT Hồng Đức, đến nay, trường đã vận động CMHS khối 11, 12 ủng hộ được 23 triệu đồng và khối 10 được 67 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, trường sẽ tiếp tục vận động thêm 70 triệu đồng nữa để lắp camera đủ 30 phòng học và phòng giáo viên, 4 phòng giám hiệu và bảo vệ. Theo quy định, những khoản đóng góp này dựa trên tinh thần tự nguyện nhưng trường lại đề ra mức ủng hộ phải trên dưới 100.000 đồng/HS.


Trường THPT Hồng Đức (TP Buôn Ma Thuột).

 

Riêng khoản thu phí hoạt động của Ban đại diện CMHS 170.000 đồng/HS phải trả lại phụ huynh HS, còn quyết định thu bao nhiêu thì ban đại diện CMHS cần bàn bạc lại với CMHS và nhà trường để xem xét lại khoản thu này cho hợp lý. Tránh tình trạng Ban đại diện CMHS thu hộ nhà trường các khoản về đầu tư cơ sở vật chất".

 

Xây sân tennis cho… thầy cô chơi

 

 

Trường THPT Cư M'gar (huyện Cư M'gar), vào năm học 2009 – 2010, bắt HS đóng tiền để xây sân tennis cho các thầy cô tập luyện thể dục.

 

Cô Phạm Thị Thơ (Thủ quỹ Ban đại diện CMHS của trường) cho biết: "Giữa năm học 2009 – 2010, trường cho HS nghỉ hai ngày học và bảo HS phải tìm cách kiếm tiền để nộp 60.000 đồng cho trường xây sân tennis. Khi nghe con tôi bảo đem tiền nộp cho trường, tôi hơi bất ngờ vì khoản đóng góp này chưa được thông qua CMHS. Nhưng tôi buộc phải đưa tiền cho con đóng vì sợ không đóng thì các thầy cô gây khó dễ cho con mình. Bước sang năm học 2011 – 2012, khi có đơn thư phản ánh việc này thì trường đã lên danh sách bắt HS ký đã nhận đủ tiền, nhưng chỉ trả lại cho HS 30.000 đồng. Số tiền còn lại trường bảo đã nộp vào quỹ Đoàn trường nhưng không có chứng từ gì cả, nên không biết số tiền đã đi về đâu".

 

Không những thế, trong 3 năm học trở lại đây trường đã thu nhiều khoản bất hợp lý. Theo phản ánh của Ban đại diện CMHS, trong năm học 2011 – 2012, trường đã thu tiền trồng cỏ sân trường tổng cộng hơn 46 triệu đồng, tiền cắt cỏ hơn 24 triệu đồng, tiền ôn thi tốt nghiệp hơn 264 triệu đồng, tiền thi thử đại học 30 triệu đồng, quỹ hội CMHS, quỹ vệ sinh và quỹ photocopy hơn 274 triệu đồng… Tổng các khoản thu CMHS phải đóng góp trong năm học lên tới hơn 1,3 tỷ đồng.

 

Nhà trường thu rất nhiều tiền của CMHS và chi không đúng mục đích. "Sân trường toàn xi măng nhưng không hiểu sao lại thu tiền trồng cỏ, thu tiền mua cây lưu niệm nhưng chẳng thấy cây đâu và thu tiền ôn thi tốt nghiệp nhưng HS chỉ được học vài ba buổi rồi cho nghỉ. Trường còn bắt mỗi HS phải học 3 giáo viên khác nhau cho một môn học, gồm giáo viên bộ môn, giáo viên dạy dễ hiểu và giáo viên do trường chỉ định. Chỉ có giáo viên bộ môn không phải đóng tiền, còn hai giáo viên kia HS phải đóng nhiều tiền" – cô Phạm Thị Thơ phản ánh.

 

Ngoài ra, Trường THPT Cư M'gar còn bắt ban đại diện chi những khoản bất hợp lý như: Tiền phục vụ hội đồng coi thi tốt nghiệp, tiền xây dựng trường, tiền thi thử đại học, tiền photocopy…

 

Không riêng gì hai trường nói trên, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng bị phụ huynh tố lạm thu. Bà Trần Thị Trung Ngôn (ở xã Ea Đinh, huyện Cư M'gar) tố cáo hiệu trưởng và trưởng ban đại diện CMHS đã thu trái quy định gần 1 tỷ đồng.

 

Còn tại trường THPT Buôn Ma Thuột (TP Buôn Ma Thuột), đoàn khảo sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã phát hiện nhiều khoản thu vượt quy định như: Tiền nước uống tinh khiết phục vụ HS, đồ dùng vệ sinh lớp học 90.000 đồng/HS/năm, tiền phụ phí HS như mua xà phòng, giấy vệ sinh, khăn, nước tẩy, công dọn vệ sinh… với tổng số tiền 108.000 đồng/HS/năm, tiền giữ xe máy 162.000 đồng/HS/năm, xe đạp 90.000đồng/HS/năm…

 

 

Theo Công Hoan

 

SGGP

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-653573/thu-tien-hoc-sinh-xay-san-tennis.htm

Comments