Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Nhiều trường ĐH, CĐ vẫn tiếp tục xét tuyển

Posted: 10 Oct 2012 01:02 AM PDT

ĐBSCL: Các trường ĐH vẫn còn nhiều chỉ tiêu (CT) xét tuyển với điểm xét tuyển bằng mức sàn trở lên ứng với từng khối thi và bậc đào tạo.

Theo đó, Trường ĐH Tây Đô xét tuyển 3.400 CT cho 21 ngành ĐH, CĐ. Trường ĐH Tiền Giang xét tuyển 3 ngành học mới (bậc CĐ) gồm: khoa học cây trồng (A, B), công nghệ sau thu hoạch (A, B), quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (A, A1, C, D1). Trong đợt xét tuyển này trường có 1.380 CT dành cho 22 ngành ĐH, CĐ.

Trường ĐH Võ Trường Toản còn 750 CT xét tuyển vào 10 ngành.

TP.HCM: Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường xét tuyển 400 CT cho 3 ngành mới: kỹ thuật trắc địa – bản đồ, chuyên ngành trắc địa – địa chính (A, A1, B); khí tượng học (A, A1, B, D1); thủy văn, chuyên ngành thủy văn và quản lý tài nguyên nước (A, A1, B, D1). Điểm xét tuyển bằng điểm sàn ĐH.

 Đà Nẵng: Trường CĐ Công nghệ thông tin tuyển 330 CT với điểm xét tuyển khối A, A1 – 10, D1 – 10,5 cho những thí sinh dự thi ĐH theo đề chung của Bộ.

ĐH Tây Nguyên: Xét tuyển 405 CT ĐH và CĐ.

Q.M.N – M.Q – D.H – T.N.Q

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20121010/Nhieu-truong-DH-CD-van-tiep-tuc-xet-tuyen.aspx

Bài học làm thầy

Posted: 10 Oct 2012 01:02 AM PDT

(GDTĐ) – Khi bước vào lớp, tôi đã cảm nhận cái không khí khang khác. Nghĩ rằng bình thường nên tôi bắt đầu tiết hội giảng với cái hồi hộp, lo lắng xen lẫn chút tự tin trước đồng nghiệp và học trò. Nhưng không ngờ, chính cái không khí khang khác ấy có thể là nguyên nhân thất bại thảm hại của tôi?

Thường ngày khi tôi đặt câu hỏi, thì dưới lớp không dưới 10 cánh tay hăng hái giơ lên, xung phong trả lời. Nhưng hôm nay, tuyệt nhiên không, tôi cố gợi mở đến lần thứ ba, một em, hai em, rồi ba em cũng không trả lời được, thậm chí lớp trưởng cũng ậm ờ, lơ đễnh, mơ màng nhìn ra sân bóng.

Tiến độ bài học không như ý, giáo viên bực bội, không khí lớp học căng thẳng, nặng trịch. Giọng tôi mỗi lúc một to, một gay gắt hơn, nói mà như quát:

- So sánh cái gì?

- Thầy đã dạy chưa?

- …Tại sao không nhớ???

- Tôi không thể dạy lớp này được nữa, xin mời các thầy cô giáo và các em nghỉ.

… Giờ dạy của tôi kết thúc trong sự tức tối, bực dọc của thầy, sự im lặng của trò và sự ngỡ ngàng của những đồng nghiệp dự giờ.

Ảnh minh họa/Internet
Ảnh minh họa/Internet

Đêm đến trong căn phòng nhỏ tôi đặt cho mình không biết bao nhiêu câu hỏi: Tại sao lại thế? Tôi không hiểu thất bại đến từ đâu? Từ sự thiếu chuẩn bị của tôi? Không, tôi đã mất bốn ngày để chuẩn bị từ thiết kế, nội dung ghi bảng, câu hỏi phát vấn, thời gian của từng phần mục… hay thất bại từ cái tính nghiêm nghị mỗi khi lên lớp không mấy khi cuời của tôi? Hay học sinh cố tình gây khó dễ.?.? Tôi không thể hiểu nổi được nguyên nhân thất bại do đâu.

Hôm sau lên lớp, học sinh sợ sệt, xét nét nhìn, gặng hỏi mãi…một cánh tay dụt dè giơ lên.

- Thưa thầy, thay mặt lớp em xin lỗi thầy về thái độ học tập ngày hôm qua.

- Vậy, tại sao các em lại có thái độ đó? Tôi nhẹ nhàng hỏi.

- Thưa thầy, hôm qua lớp em có 2 bạn nghỉ ốm, 4 bạn nghỉ đi ăn cuới bạn Mai ngoài Đồng Khê.

- Vậy thì sao?

- Thưa thầy, hôm qua có đông thầy cô giáo dự giờ nên chúng em…sợ…chúng em….

- … !..!…

À, thì ra vậy, bây giờ thầy đã hiểu tại sao hôm đó các em còn lại không tập trung vào tiết học mà lơ đễnh, miên man: Bạn ốm bệnh gì? Có nặng hay không? Tại sao bạn nghỉ học lấy chồng? Tại sao có đông thầy cố giáo dự giờ thế?

Chừng đó thôi cũng đủ tạo áp lực ảnh hưởng đến tâm lý của các em trong một tiết học, thậm chí cả buổi học. Bởi tuổi 17, các em vô tư lắm nhưng đã biết ưu tư. Bạo dạn đấy nhưng dụt dè ngay đấy, hoạt láo đấy nhưng lúng túng ngay thôi. Tâm lý chưa phát triển đầy đủ, các em thường suy nghĩ và hành động theo cảm tính, thường đỏ mặt và luống cuống trước đám đông và trong tiết học ngày hôm qua …cũng vậy.

Ôi, giá như thầy biết sớm điều đấy, biết vỗ về, an ủi để lấy lại tinh thần, cân bằng tâm lý cho các em bằng một nụ cười, một câu chuyện hay một lời động viên, để xua đi cái không khí khang khác, nặng nề, im lặng đến chết người ấy thì chắc tiết học đã không kết thức dở dang…

Cảm ơn tập thể 12c1, năm học 2008 – 2009 đã cho thầy những bài học về sự kiềm chế cái nóng nảy của bản thân và thay vào đó bằng sự kiên nhẫn, các em đã cho thầy bài học về sự sẻ chia, sự quan tâm yêu thương con người, bài học về sự lắng nghe và thấu hiểu, các em đã cho thầy bài học về nụ cuời và những giọt nước mắt để thấy sự ấm áp và khổ đau trong cuộc đời, bài học về tính nghiêm nghị nhưng khoan dung độ lượng, biết cách chấp nhận thất bại và tận hưởng niềm vui …

Thầy nợ tập thể 12c1 một lời cảm ơn về " bài học làm thầy"

Lê Trung Dũng

(Gửi tặng lớp 12c1 – năm học 2008 – 2009 Trường THPT Sơn Thịnh)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201210/Bai-hoc-lam-thay-1964037/

Kỳ cuối: Không thể đổ đồng

Posted: 10 Oct 2012 01:02 AM PDT

Tiền trường: bao nhiêu mới đủ?

Kỳ cuối: Không thể đổ đồng

TT – Nhiều người đề nghị nâng học phí để đảm bảo hoạt động giảng dạy, ngăn chặn lạm thu. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng chưa hẳn đổ đồng một mức học phí, bắt phụ huynh đóng là phương án hay.

Trường tiểu học Bàu Sen, quận 5, TP.HCM được phụ huynh hỗ trợ xây dựng thư viện với số tiền 120 triệu đồng – Ảnh: Như Hùng

"Không thể kể tên hết những thứ phải cần đến tiền trong nhà trường. Theo đúng quy trình, trường phải lập báo cáo lên trên, rồi làm rất nhiều thủ tục, đi lại nhiều lần mới có thể xin được cấp kinh phí bổ sung. Trong khi nhiều việc cần phải giải quyết ngay" – bà Đinh Thùy Dương, hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Xuân Trung, Hà Nội, trần tình như thế về những khó khăn, chật vật trong việc tiếp cận tiền ngân sách.

110.000 hay 200.000 đồng/tháng?

Những khó khăn, chật vật về "thủ tục xin tiền" ngân sách khiến nhiều nhà trường chọn con đường dễ hơn là "xin phụ huynh". Muốn không phải đi "xin phụ huynh", nhiều hiệu trưởng lại đề nghị việc tăng học phí. Một số hiệu trưởng tại Hà Nội khẳng định: "Nếu học phí thu 200.000 đồng/học sinh/tháng sẽ chấm dứt lạm thu. Vì mọi chi phí diễn ra trong nhà trường sẽ được gói gọn trong khoản học phí này." Nếu so với tổng mức tiền phụ huynh đang phải đóng hiện nay, mức học phí trên không phải là nhiều.

Trong khi đó, tại TP.HCM có một trường chỉ thu một khoản học phí 110.000 đồng/tháng/học sinh. Từ năm 2007, Trường THPT Nguyễn Thái Bình thí điểm mô hình thu một khoản cho đủ. Theo đó, mỗi tháng học sinh chỉ đóng học phí 110.000 đồng và tiền cơ sở vật chất 45.000 đồng/học sinh/năm. Ngoài ra, trường không được thu thêm bất cứ khoản nào. Ông Nguyễn Văn Hòa – hiệu trưởng nhà trường – cho biết: "Trường tôi nằm trong khu dân cư lao động, phụ huynh thuộc diện khá giả không nhiều. Vậy mà khi thu học phí 110.000 đồng, gấp gần bốn lần so với học phí các trường khác nhưng chỉ có vài phụ huynh thắc mắc, còn lại đều đồng thuận vì họ không phải đóng góp gì thêm mà học sinh vẫn được học phụ đạo ba buổi/tuần (ở các trường khác, phụ huynh phải đóng thêm tiền phụ đạo – PV)".

Năm học 2012-2013, theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, học sinh không phải đóng khoản tiền cơ sở vật chất nữa nên học sinh Trường Nguyễn Thái Bình chỉ đóng một khoản học phí, 60.000 đồng/năm học cho khoản thu hộ – chi hộ (phù hiệu, học bạ, giấy thi, đề thi…) và 5.000 đồng/tháng tiền nước uống. Cũng theo ông Hòa: "Từ năm 2010 trở về trước thì mức học phí 110.000 đồng/tháng/học sinh là quá lý tưởng, thu nhập của giáo viên được cải thiện nhiều. Từ năm 2010 đến nay khó khăn hơn do mức lương tối thiểu đã tăng nhiều lần. Tuy nhiên, gói ghém thì vẫn đủ, bảo đảm được hoạt động dạy và học. Thực hiện mô hình này, nhà trường khỏe nhất ở chỗ không bị phụ huynh kiện cáo vì các khoản thu, trường cũng chủ động được kế hoạch mua sắm trang thiết bị, sửa chữa nhỏ".

Nguồn lực chính vẫn là Nhà nước

Ông Trần Mậu Minh – hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM – cho rằng cần phải xác định đối với các trường công lập, nguồn lực chính vẫn là ngân sách nhà nước. Trong tình hình như hiện nay, khi mức học phí quá lạc hậu, ngân sách thì đã dùng khoảng 80% để chi lương cho giáo viên, đương nhiên các trường phải xã hội hóa để thực hiện các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, dạy năng khiếu, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng giáo viên… đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Nếu không xã hội hóa thì nguồn ngân sách và học phí chỉ đủ cho nhà trường thực hiện giảng dạy các môn chính khóa ở mức độ nhất định.

Theo ông Lưu Hồng Uyên – quyền trưởng Phòng GD-ĐT Q.6, TP.HCM: "Tôi đã đọc kế hoạch xã hội hóa giáo dục của một số trường và nói ngay nhà trường đã làm sai. Đã vận động thì không được đổ đồng mỗi phụ huynh bao nhiêu tiền, xã hội hóa tức là khơi gợi được nguồn lực ở những người khá giả chứ không tận thu của tất cả phụ huynh. Có trường còn ghi trong kế hoạch xã hội hóa là miễn giảm cho những phụ huynh nghèo lại càng sai. Ai có điều kiện thì đóng, không thì thôi, ở đây mình đang vận động mà".

Nhiều cán bộ quản lý cũng đồng tình rằng xã hội hóa giáo dục là vận động những phụ huynh có điều kiện như thế chứ không phải ép tất cả phụ huynh phải đóng một khoản như nhau. Đầu năm học này, Trường tiểu học Bàu Sen, Q.5, TP.HCM là một trong những trường đã thực hiện được nguyên tắc này. Theo bà Võ Ngọc Thu – trưởng Phòng GD-ĐT Q.5, TP.HCM, năm học này trường đã vận động phụ huynh để xây dựng thư viện với tổng kinh phí 120 triệu đồng. Trong đó, có một phụ huynh đã đóng góp 100 triệu đồng, có phụ huynh đóng 1 triệu, 2 triệu đồng…

Ông Trần Mậu Minh khẳng định xã hội hóa giáo dục là cần thiết, chỉ đáng nói là một số trường vận động tràn lan, vô căn cứ… làm mất niềm tin của xã hội. Theo ông, nếu những kế hoạch hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh được một cấp nào đó duyệt xem có phù hợp với khả năng đóng góp của phụ huynh không, công trình mà phụ huynh thực hiện có thật sự cần thiết cho học sinh không… thì có lẽ sẽ giảm được tình trạng thu tràn lan như hiện nay.

H.HƯƠNG – V.HÀ – L.TRANG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/515064/Ky-cuoi-Khong-the-do-dong.html

Chuyện hiếm: Trường học chỉ thu một khoản

Posted: 10 Oct 2012 01:01 AM PDT

- Trong khi nhiều trường xảy ra tình trạng lạm thu, thu quá nhiều khoản, có
trường còn vận động phụ huynh đóng góp mua ti vi, điều hòa khiến phụ huynh "kêu
trời" thì việc thu đúng, thậm chí thu ít hơn đang được một số trường học trên
địa bàn TP.HCM thực hiện.

Tại TP.HCM, một số trường thực hiện đúng cơ chế tự chủ như THPT Lê Quý Đôn,

THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Nguyễn Thái Bình việc thu chi rất được phụ huynh
ủng hộ.

Từ năm 2007 đến nay, Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q. Tân Bình) chỉ thu của
học sinh một mức thu duy nhất 110.000 đồng/học sinh/tháng. Ngoài các khoản thu
hộ như bảo hiểm, hội phụ huynh (phụ huynh tự thu) trường này không thu thêm
khoản nào…

Ông Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình

Ông Nguyễn Văn Hòa – Hiệu trưởng cho biết, trường giữ nguyên mức thu này từ
khi chuyển từ mô hình bán công sang công lập và thực hiện một phần cơ chế tự chủ
theo Nghị định 43 của Chính phủ (Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm
2006).

Với khoản thu 110.000 đồng/hoc sinh/tháng, Trường THPT Nguyễn Thái Bình chia
cho các khoản: học phí, cơ sở vật chất, tài liệu, tài liệu thi cử, thuê vệ
sinh… Số tiền này cũng được trường dùng tổ chức dạy tăng tiết cho học sinh khi
không tổ chức dạy thêm, đồng thời chủ động tiến hành việc cải tạo, sửa chữa cơ
sở vật chất, nâng cấp, bổ sung thêm trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhằm phục
vụ hoạt động giảng dạy và học tập. 43 lớp học với hơn 2.000 học sinh của trường
được chia học hai ca, các phòng học đều được trang bị bàn ghế mới, bảng chống
lóa…

Ngoài ra, với khoản thu này trường mua được 21 hệ thống máy chiếu (30 triệu
đồng /máy), các phòng bộ môn được trang bị hiện đại có hệ thống nghe nhìn, phòng
học vi tính kết nối mạng theo quy định của Bộ; xây dựng đầy đủ các phòng chức
năng, phòng nghe nhìn, các phòng thí nghiệm Lý, Hoá, Sinh đầy đủ trang thiết bị.

Tình trạng dạy thêm học thêm trái quy định của ngành; các khoản chi cho hoạt
động bồi dưỡng học sinh giỏi, dạy nâng cao và phụ đạo cho học sinh yếu kém…được
nhà trường tổ chức chặt chẽ nên đã giải quyết được những tiêu cực mà giáo viên
nhà trường từng mắc phải như bắt ép học sinh học thêm để thu tiền.

"Tuy nhiên, đó là mức chi của 5 năm trước, xét trong tình hình hiện nay,
việc thu 110.000 đồng/ học sinh không thể "thu bù đủ chi". Để duy trì ở mức thu
này, nhà trường phải gói ghém từ các khoản khác"
– ông Hòa cho biết.

Trung bình mỗi năm trường thu được của học sinh gần 2 tỉ, nhưng kinh phí để
chi cho hoạt động của một trường phổ thông vào khoảng 7-8 tỉ/ năm nên kinh phí
nhà nước chi cho trường vẫn rất nặng.

Tuy nhiên, ông cho rằng, nguồn kinh phí phụ huynh đầu tư cho
con cái học hành rất lớn, ngoài các khoản thu học chính khóa, các khoản chi cho
học sinh học thêm, phụ đạo, năng khiếu, hoạt động ngoại khóa, trại hè….cũng là
chi cho giáo dục.

"Quan trọng nhất là vấn đề minh bạch trong thu chi trước toàn thể cán bộ giáo
viên, không có tình trạng đặt ra các khoản thu tuỳ tiện, mập mờ, xã hội đồng
tình chấp nhận, thu hợp, chi đúng vào công tác chuyên môn, phục vụ giảng dạy và
các hoạt động giáo dục học sinh.

Vì vậy những khoản của phụ huynh hãy để phụ huynh tự thu, nhà trường thu
khoản nào nên có hệ thống thu ngân tránh trường hợp thu hộ dễ gây hiểu nhầm.

Việc làm của ông xuất phát từ mong muốn “xã hội nên có cái nhìn thông cảm với
giáo dục. Giáo dục không phải là hoạt động kinh doanh, thu tiền nhưng nếu giáo
dục nhếch nhác, chất lượng không đảm cũng không ổn”. Thực tế, một số nơi, điều
kiện hoạt động rất tạm bợ…nhưng nếu chỉ thu tiền lo cơ sở vật chất không chú ý
đến chất lượng giáo dục là hoàn toàn không đúng.

  • Lê Huyền

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/91935/chuyen-hiem--truong-hoc-chi-thu-mot-khoan.html

Hiệu quả của phương pháp “Bản đồ tư duy” trong dạy học môn ngữ văn

Posted: 10 Oct 2012 01:01 AM PDT

Thực hiện chủ trương đổi mới phương pháp dạy học, thời gian qua nhiều trường THCS đã áp dụng phần mềm iMindMap (còn gọi với các tên thông dụng là "Bản đồ tư duy" (BĐTD)) trong việc dạy học các môn văn hóa, trong đó có môn ngữ văn. Bước đầu phương pháp mới đã phát huy hiệu quả tích cực giúp giáo viên có nhiều ý tưởng sáng tạo trong việc thiết kế bài giảng, giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và cảm thấy hứng thú hơn trong quá trình học tập môn văn.

Thực tế cho thấy một thời gian dài vừa qua, hầu hết các trường đều áp dụng phương pháp dạy học truyền thống thụ động, một chiều, vừa quá tải về kiến thức, vừa gây nhàm chán cho người học. Môn Ngữ văn cũng không phải là ngoại lệ. Chất lượng cũng đang ngày càng đi xuống. Số lượng học sinh chọn học các môn xã hội, trong đó có môn văn có chiều hướng giảm; nhiều người học theo kiểu đối phó, thuộc vẹt, học tủ; sự hứng khởi và đam mê của học sinh với môn văn có biểu hiện mất dần. Gần đây nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải không ít những "bài văn lạ" tại các kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học khiến cả xã hội không khỏi giật mình, kiểu như nàng Kiều nhảy xuống sông Tiền Giang để tự tử, hay như Thánh Gióng sau khi đánh thắng giặc Ân đã bay lên giời chứ không ở lại nhận huy chương anh hùng, để một loạt các fan và người hâm mộ ngơ ngác…

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do xu hướng phát triển hiện đại đòi hỏi số lượng lớn lao động chất lượng cao liên quan đến các ngành kinh tế và kỹ thuật khiến học sinh chuyển hướng sang học các môn tự nhiên để vừa dễ xin việc, vừa có thu nhập cao; nội dung sách giáo khoa về các môn xã hội chậm đổi mới, không bắt kịp với thời đại. Đồng thời cũng có một nguyên nhân cơ bản khác đó là phương pháp dạy học thụ động, lạc hậu khiến học sinh không cảm thấy hứng thú với việc học văn. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ rất nguy hiểm bởi thế hệ tương lai của đất nước sẽ không phát triển toàn diện, thiếu hẳn đi phần nhân văn rất quan trọng – vốn là giá trị nền tảng của xã hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII khẳng định "Phải đổi mới phương pháp giáo dục đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học. Từng bước áp dụng các phương tiện tiên tiến và phương tiện hiện đại vào quá trình dạy học, đảm bảo điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho học sinh…". Đáp ứng yêu cầu này, từ năm học 2010 – 2011, nhiều trường THCS trong và ngoài tỉnh đã áp dụng thí điểm phần mềm chuyên dụng iMindMap kết hợp với phần mềm Power Point trong việc dạy học môn ngữ văn mà nhiều người vẫn quen gọi là bản đồ tư duy (BĐTD).

Phương pháp mới này giúp giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, có nhiều ý tưởng sáng tạo hơn trong việc thiết kế bài giảng, đồng thời giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong quá trình học. BĐTD là công cụ hữu ích trong giảng dạy và học tập ở các trường THCS và bậc học cao hơn vì chúng giúp giáo viên và học sinh trình bày các ý tưởng, tóm tắt, hệ thống hóa kiến thức của một bài học, một chủ đề, một chương hay một cuốn sách một cách rõ ràng, mạch lạc, lôgíc và đặc biệt là dễ dàng phát triển thêm các ý tưởng mới vào bài giảng cũng như bài học.

Với điều kiện hiện tại, các giáo viên có thể dễ dàng sử dụng máy vi tính để thiết kế BĐTD thông qua phần mềm iMindMap 5, Power point. Sau khi thiết kế xong, BĐTD có thể hiện thị nhờ phần mềm Power Point để các nhánh xuất hiện theo thứ tự mà người thiết kế định sẵn. Nội dung chính của bài học được thể hiện bằng BĐTD, thiết kế qua phần mềm iMindMap và phần mềm trình diễn Power Point có tác dụng tạo sự hấp dẫn và lôi cuốn cao độ đối với người học. BĐTD sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết với sự tư duy tích cực. Đặc biệt đây là một sơ đồ mở, không yêu cầu tỷ lệ, chi tiết khắt khe và định khuôn sẵn như các loại bản đồ thông dụng khác (ví như bản đồ địa lý). Như vậy cùng một chủ đề, bài học nhưng mỗi người có thể vẽ theo một cách khác nhau và hoàn toàn có thể thêm hoặc bớt các nhánh dễ dàng. Nếu muốn ghi chép bằng BĐTD cũng có nhiều ưu điểm hơn như: Lôgíc, mạch lạc; trực quan, sinh động, dễ nhìn, dễ hiểu; vừa nhìn được tổng thể, vừa biết được chi tiết; giúp hệ thống hóa kiến thức dễ dàng; và giúp việc ôn tập khoa học, nhớ kiến thức lâu hơn…

Ngoài tự học trên lớp, BĐTD rất phù hợp với việc học nhóm của học sinh vì nó giúp các em phát huy tốt hơn khả năng sáng tạo và khả năng hợp tác trong quá trình tiếp thu kiến thức trên giảng đường. Có thể vận dụng BĐTD vào việc hỗ trợ dạy học kiến thức mới, củng cố kiến thức cũ, ôn tập hệ thống hóa kiến thức, phát triển một ý tưởng…

Theo Báo Thái Bình

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201210/Hieu-qua-cua-phuong-phap-Ban-do-tu-duy-trong-day-hoc-mon-ngu-van-1964040/

Trường có chất lượng cao được thu học phí cao

Posted: 10 Oct 2012 01:00 AM PDT

Trường có chất lượng cao được thu học phí cao

TT – Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo về quy định học phí chất lượng giáo dục cao trong các trường mầm non, phổ thông công lập.

Theo đó, những trường học được cấp có thẩm quyền xác nhận là trường chất lượng cao được thu mức học phí cao trên nguyên tắc thu đảm bảo chi phí thực hiện chất lượng giáo dục cao không vì mục đích lợi nhuận, phù hợp với khả năng đóng góp của gia đình học sinh, trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện của gia đình học sinh, thực hiện công khai, minh bạch.

Học phí chất lượng giáo dục cao được tính riêng cho từng hoạt động dạy học – giáo dục chất lượng cao và dịch vụ chất lượng giáo dục cao. Người học hưởng dịch vụ nào thì đóng góp theo mức thu áp dụng cho chất lượng dịch vụ đó. Việc điều chỉnh mức thu phải dựa trên kết quả đánh giá chất lượng giáo dục và trách nhiệm thực hiện cam kết của nhà trường, của học sinh và gia đình học sinh.

Nguồn học phí này được chi thù lao giáo viên hoặc chuyên gia tham gia giảng dạy, tổ chức hoạt động giáo dục, chi bổ sung cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học – giáo dục, chi mua sách, tài liệu, chi thù lao công tác quản lý, chi cho hoạt động của dịch vụ giáo dục…

Các trường muốn áp dụng thu học phí cao phải lập kế hoạch thực hiện giáo dục chất lượng cao, trong đó dự trù mức kinh phí, hình thức huy động, nguồn đóng góp, nội dung và định mức chi học phí. Kế hoạch cũng phải nêu rõ điều kiện thực hiện, những đổi mới được áp dụng và kết quả thực hiện chất lượng giáo dục cao.

VĨNH HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/515196/Truong-co-chat-luong-cao-duoc-thu-hoc-phi-cao.html

Cấp bách đổi mới giáo dục

Posted: 10 Oct 2012 01:00 AM PDT

Cấp bách đổi mới giáo dục

TT – Sáng 9-10, tạp chí Tia Sáng và Trường ĐH FPT tổ chức một buổi tọa đàm về đổi mới giáo dục. Tại đây, GS Hoàng Tụy đã công bố bản đề cương mới nhất của ông kêu gọi cải cách giáo dục.

GS Văn Như Cương, Ông Mai Liêm Trực,
GS Hoàng Tụy – Ảnh: Việt Dũng

GS Hoàng Tụy cho biết bản đề cương này đã được ông gửi lên trung ương. Bản đề cương không trình bày dài dòng nhiều vấn đề khác nhau theo kiểu "đụng vào đâu cũng thấy bất cập" nữa, mà tập trung vào những "vấn đề lớn cần cấp bách giải quyết".

Bốn vấn đề cấp bách

Trong bốn vấn đề cấp bách mà GS Hoàng Tụy đề xuất phải giải quyết, việc cải thiện chính sách đối với người thầy được ông đặt lên hàng đầu. "Đây là vấn đề quan trọng nhất trong những vấn đề quan trọng. Nếu không làm trước điều này, việc cải thiện tình hình giáo dục sẽ khó có thể thành công" – GS Hoàng Tụy nhấn mạnh.

GS Hoàng Tụy nêu: "Một chế độ lương biểu thị không khác gì hơn là sự khinh miệt đối với lao động giáo dục và khoa học, trái hẳn với chủ trương tôn vinh nhà giáo. Thật đau xót khi các chức vụ quản lý lớn nhỏ trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn kém hiệu quả, nếu không phải bị thua lỗ triền miên thì các chức vụ đó vẫn được trả lương cao gấp mấy chục lần các giáo sư ĐH. Nhiều tiêu cực giáo dục nảy sinh, gia tăng chóng mặt cũng xuất phát từ việc nhà giáo không được đối xử xứng đáng và công bằng".

Theo GS Hoàng Tụy, trước mắt tuy chưa thể chữa trị nhanh chóng ung nhọt này nhưng vẫn có thể rà soát cơ chế tài chính, kiên quyết cắt bỏ hay giảm bớt mọi khoản chi tiêu không hiệu quả, trên cơ sở đó tăng lương, đảm bảo cho giáo viên có lương đủ sống, dần dần đó trở thành thu nhập chính của mỗi người.

Vấn đề thứ hai mà GS Hoàng Tụy nói đến là cải cách hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề. Theo đó, sau THCS sẽ có hai nhánh rẽ. Khoảng 2/3 số học sinh sẽ vào học trung học hướng nghiệp, 1/3 vào học THPT. Học xong trung học hướng nghiệp có thể tham gia thị trường lao động hoặc có thể học cao lên. Học THPT chủ yếu chuẩn bị cho đầu vào ĐH.

Với việc cấu trúc lại này, GS Hoàng Tụy kiến nghị bãi bỏ chương trình phân ban ở THPT hiện nay để tổ chức việc học như các nước tiên tiến. Đó là mỗi môn học đều có chương trình bình thường và nâng cao, tùy theo mức độ khác nhau. Học sinh có thể tùy chọn cho mình chương trình vừa sức. "Đây mới là cách thực tế và hiệu quả giảm tải ở cấp phổ thông" – GS Hoàng Tụy nhấn mạnh.

Kiến nghị thứ ba của GS Hoàng Tụy là "đổi mới căn bản tư duy thi tốt nghiệp và tuyển sinh". Theo đó, mỗi môn học, học phần được xem là một môđun, học xong phần nào kiểm tra ngay phần đó. Cuối cấp, học sinh chỉ phải làm tiểu luận hoặc tham gia một kỳ thi nhẹ nhàng, không bắt buộc tất cả đều phải thi. Đó cũng có thể xem là kỳ sơ tuyển ĐH-CĐ. Còn việc tuyển sinh ĐH-CĐ nên trả cho các trường. Chấm dứt cách giáo dục đồng loạt và quá nặng với tất cả học sinh, chấm dứt việc tổ chức thi cử căng thẳng, không cần thiết, tốn kém, theo GS Hoàng Tụy, là giải pháp hữu hiệu để loại bỏ sự gian trá trong thi cử.

Cuối cùng, GS Hoàng Tụy kiến nghị đổi mới giáo dục ĐH theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. GS Hoàng Tụy ví việc lao theo chiến lược phát triển, cổ xúy giáo dục là hàng hóa, phát triển mạnh trường tư vị lợi, cổ phần hóa ĐH công trong khi tiền lương, chính sách sử dụng tài năng, đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm GS, PGS, vấn đề tự chủ ĐH, môi trường nghiên cứu khoa học… đều cổ hủ lạc hậu thảm hại giống như cảnh "đường sá lầy lội, gồ ghề, đầy ổ trâu, ổ gà nhưng lại chủ trương nhập xe hơi xịn, phóng nhanh cho oai".

Không nên đổi mới nửa vời

Theo GS Hồ Ngọc Đại, "phần quan trọng phải làm trước là kiến trúc lại hệ thống giáo dục". Trong đó, bậc phổ thông chỉ nên có chín năm bắt buộc, đặc biệt là đầu tư giáo dục bắt buộc ở sáu năm (tiểu học). Sau đó chỉ nên thêm hai năm để giúp học sinh bổ sung kiến thức cần thiết ra nghề hoặc học tiếp ĐH-CĐ.

"18 tuổi vẫn xin tiền bố mẹ, vẫn ngồi trên ghế trường phổ thông và không đủ kỹ năng để bước ra cuộc sống. Đó chính là sự bất ổn trong cách sắp xếp hệ thống giáo dục phổ thông" – GS Đại nhận xét.

Còn GS Văn Như Cương nêu quan điểm: "Nếu chỉ dạy lấy kiến thức cơ bản thì chỉ cần chín năm là đủ. Với chín năm đó, hãy lược bỏ dần những môn học, lượng kiến thức thừa thãi không cần thiết". GS Cương cho rằng chỉ nói riêng môn toán ở bậc phổ thông đã có rất nhiều kiến thức "thừa", những kiến thức mà chỉ những người muốn học chuyên ngành toán ở ĐH mới cần. Nếu làm được vậy, chín năm có thể giải quyết tốt việc cung cấp kiến thức cơ bản cho học sinh.

Tuy nhiên GS Cương cũng cho rằng học sinh phổ thông hiện nay tuy bị dạy thừa nhưng vẫn thiếu một phần quan trọng là "dạy làm người". Bởi vậy để bổ sung phần thiếu này cần thêm thời gian.

GS Cương đồng ý với GS Hoàng Tụy trong việc "phân nhánh" sau THCS, để chỉ khoảng 30% học THPT vào ĐH. GS Cương băn khoăn: "Việc cấu trúc lại hệ thống giáo dục là vấn đề rất cần làm. Khi chưa ngã ngũ việc này mà đi viết sách, dự thảo đề án đổi mới giáo dục để trình thông qua là sao?".

Ông Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông, cho rằng giáo dục phổ thông chỉ nên chín năm, thời gian này ngoài việc dạy kiến thức cơ bản nhất và cần thiết thì tập trung dạy học sinh phương pháp tư duy và giáo dục nhân cách. Còn cứ đi theo con đường cũ thì giáo dục phổ thông có tăng lên 14 năm cũng vẫn quá tải, bất ổn và yếu kém. Ông Mai Liêm Trực và GS Hoàng Tụy đều cho rằng "không thể đổi mới nửa vời, vụn vặt nữa mà cần một cuộc cải cách thật sự".

TRỊNH VĨNH HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/515199/Cap-bach-doi-moi-giao-duc.html

Lương giáo viên đâu chỉ là chuyện thu nhập

Posted: 10 Oct 2012 12:59 AM PDT

Gần đây, khi ngành giáo dục có những động thái mới trong việc nâng cao
thu nhập cho giáo viên như chế  độ phụ cấp thâm niên và tiến tới giúp
người giáo viên sống được bằng lương, tôi có một vài ý
kiến.

Lương thầy – niềm tin của trò

Chọn nghề giáo, đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận một vị trí khiêm tốn trong bảng giá trị về thu nhập và tầm  ảnh hưởng với cộng đồng.

Trong ảnh: một tiết học của cô trò Trường Tiểu học Vĩnh Ngọc (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Văn Chung

Chẳng cần phải tham khảo lí luận cao siêu hay tham quan các nước bạn thị nhiều người cũng hiểu giáo dục chính là nghề "mẹ"sinh nở ra nguồn cán bộ cho các lĩnh vực khác nhau. Bởi căn nguyên ấy mà người ta hay nói đến chữ "luỵ" với giáo dục như thể lối đi độc đạo mà ai cũng phải qua, ông thầy là nhân vật tất yếu mà ai cũng phải gặp.

Thế nhưng, có điều không mấy ai nghĩ đến là khi còn ngồi ghế nhà trường – thời điểm tích luỹ kiến thức và lựa chọn quan niệm sống – người học trò đã nhìn vào cuộc sống của người thầy như một tấm gương phản ánh cả điều hay, điều dở.

Đâu phải học sinh, sinh viên chỉ nghe điều thầy giảng, các em sẽ còn nghĩ xem thầy kiếm được bao nhiêu tiền để trang trải cuộc sống, tiếng nói và tầm ảnh hưởng của thầy trong xã hội là như thế nào.

Vào những năm cuối của thời kì bao cấp, khi đó rất nhiều học sinh hết phổ thông đã chọn con đường làm ăn kinh tế tự do thay vì thi vào trường  chuyên nghiệp.

Một phần vì ngày đó đồng lương giáo viên vừa ít, vừa chậm, ngay bản thân nhiều thày cô cũng phải tạm gác giáo án để lăn lộn mưu sinh hoặc không còn mặn mà với công việc giảng dạy.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó quan niệm về lập nghiệp và hình tượng người thày còn gắn liền với biểu tượng trường ốc chứ chưa thật sự được đặt vào bảng giá trị, người giáo viên chưa bị đặt trước những thách thức mưu sinh và cám dỗ của đồng tiền như ngày nay.

Một khoản thu nhập đảm bảo cuộc sống sẽ giúp các thầy cô toàn tâm và trọn tình với chuyên môn. Nhưng không chỉ có vậy, nó còn giúp các cô bé, cậu bé  cũng như toàn xã hội có một cái nhìn khác về giáo dục. Những học trò giỏi sẽ sẵn sàng nối gót thày làm nghề giáo cho thoả sở nguyện của mình mà không phải cấn cá chuyện lương bổng.

Trách nhiệm từ đồng lương

Nếu có một khoản thu nhập xứng đáng với tài năng và  đóng góp của mình người giáo viên sẽ có trách nhiệm hơn.

Khi nghe điều này, hẳn nhiều người sẽ cho rằng họ làm việc theo thước đo của đồng tiền chăng?

Xin thưa rằng: trước khi được gọi là một nghề cao quý, trước tiên giảng dạy phải là một lao động (như mọi lao động khác) cần được trả lương xứng đáng theo chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm mà họ tạo ra tuy không gắn tem bảo hành nhưng lại là nhân tố quan trọng nhất trong xã hội- nhân tố con người.

Thật đáng buồn khi nhiều người vẫn mang một quan niệm cũ về người thày là cứ phải thanh đạm. Như thế, vô hình dung chúng ta đã mắc nợ quá nhiều ở sự tâm huyết của những người thày còn nghèo khó.

Thiết nghĩ khi nhà nước và ngành giáo dục đã và đang có những chính sách mới quan tâm đến người giáo viên thì mọi thành viên trong xã hội cũng cần góp một bàn tay lo toan cho cuộc sống của những người thày.

Học mười dạy một, con đường để trở thành nhà giáo chưa bao giờ là dễ dàng cả. Đến khi đi dạy, muốn truyền ngọn lửa tri thức cho thế hệ sau các thầy cô lại gặp phải những rào cản cơm áo.

Có lẽ, chỉ khi nào các thầy cô có được một thu nhập đủ để trang trải cuộc sống và đầu tư cho chuyên môn thì bản thân họ sẽ có trách nhiệm với đồng lương đó. Ấy cũng là trách nhiệm đưa đò chở những ước mơ cập bến bờ tri thức để làm người từ những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của toàn xã hội. Một trách nhiệm cao quý.

Nhà giáo Lương Việt (Hòa Bình)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/91883/luong-giao-vien-dau-chi-la-chuyen-thu-nhap.html

Học hoài không vô

Posted: 10 Oct 2012 12:59 AM PDT

Học hoài không vô

TT – Trắc nghiệm trí tuệ thì hoàn toàn bình thường, cũng không có rối loạn cảm xúc, song có những học sinh không thể tiếp thu được một môn học nào đó khiến phụ huynh và cả thầy cô lo lắng.

Dù phép tính đơn giản nhưng trẻ vẫn không làm được – Ảnh: Như Hùng

Bé H.M., 7 tuổi, học sinh lớp 2 tại một trường tiểu học tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), được nhà trường gửi đến trung tâm tham vấn tâm lý với nghi ngờ bị chậm phát triển trí tuệ.

Khuyết tật học tập

Các biểu hiện của em M. tập trung ở việc không thể tiếp thu bài giảng môn toán của cô giáo, việc thực hành làm bài tập lại cực kỳ chậm và rất yếu. Thậm chí em không thể làm phép tính hai con số, mặc dù bài toán đưa ra rất đơn giản. Tư duy và kỹ năng tính toán của em kém hơn rất nhiều so với bạn cùng lớp, điều này làm em chán nản, không muốn đi học, giáo viên dạy em cũng rất khó khăn, còn cha mẹ thì lo lắng.

Em được các nhà tâm lý đánh giá bằng trắc nghiệm trí tuệ nhưng kết quả cho thấy hoàn toàn bình thường. Kiểm tra các khiếm khuyết cơ thể cũng không thấy. Khám lâm sàng cũng không thấy em có dấu hiệu của một rối loạn cảm xúc hay hành vi nào. Điều này cho thấy H.M. mắc chứng khuyết tật học tập, cụ thể là vụng làm tính toán.

Khuyết tật học tập, hay khó khăn về học, hay rối loạn học tập, tùy theo cách tiếp cận diễn đạt khác nhau của các nhà chuyên môn trong các lĩnh vực khác nhau, như tâm lý, giáo dục và sức khỏe tâm thần. Đây là một dạng rối loạn phát triển gây ra do sự khiếm khuyết của cơ chế hoạt động thần kinh. Nghiên cứu dịch tễ tại các trường học ở Việt Nam cho thấy có gần 9% học sinh tiểu học mắc chứng này, còn tỉ lệ ở học sinh trung học cơ sở là trên dưới 1%. Khuyết tật này có những điểm nổi bật:

- Đây là dạng khuyết tật liên quan đến những khó khăn đặc thù trong việc lĩnh hội và vận dụng các chức năng nghe, nói, đọc, viết, tính toán và suy luận.

- Khuyết tật học tập về cơ bản phân biệt với khuyết tật trí tuệ. Các khuyết tật về trí tuệ, thính giác, thị giác, những ảnh hưởng của yếu tố môi trường, các vấn đề về hành vi, cảm xúc… có thể xảy ra cùng với khuyết tật trí tuệ nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra khuyết tật học tập.

Căn cứ vào những khó khăn đặc thù của học sinh, người ta chia khuyết tật học tập thành sáu nhóm nhỏ: khó khăn về nghe, khó khăn về nói, khó khăn về đọc, khó khăn về viết, khó khăn về tính toán, khó khăn về suy luận.

Giúp trẻ học thế nào?

Việc phát hiện khuyết tật học tập ở trẻ tại môi trường học đường còn khó khăn bởi ít có cán bộ trường học chuyên trách, sự không chấp nhận ở cha mẹ về tình trạng con cái họ, vì thành tích của nhà trường, lớp học… Tuy nhiên, nếu trẻ khuyết tật học tập không được đánh giá và can thiệp sớm sẽ có rất nhiều nguy cơ và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ. Chẩn đoán khuyết tật học tập không phải dễ mà phải là một quá trình. Trước tiên, trẻ phải được kiểm tra bởi các bác sĩ chuyên khoa nhi để loại trừ nguyên nhân thực thể, sau đó các chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, tâm lý học lâm sàng, tâm lý học phát triển… mới có thể đánh giá và kết luận tình trạng.

Việc để trẻ có khuyết tật học tập học trong các trường lớp bình thường mà không có hỗ trợ đặc biệt sẽ rất khó khăn cho trẻ và cả các bạn cùng lớp, thầy cô. Chính vì vậy, ngoài việc hòa nhập tại trường, trẻ còn cần được can thiệp đặc biệt bởi các chuyên viên can thiệp đặc biệt, các nhà tâm lý lâm sàng. Đồng thời cha mẹ cũng cần dành nhiều thời gian giúp trẻ phục hồi các chức năng khiếm khuyết học tập trên cơ sở các bài tập mà chuyên viên giáo dục đặc biệt xây dựng. Một chương trình tổng thể sẽ giúp trẻ tiến bộ và hòa nhập nhanh hơn.

Do đó cha mẹ cần giúp con qua những việc cụ thể như:

- Dành thời gian lắng nghe trẻ nhiều hơn.

- Hãy yêu thương trẻ bằng cách giao tiếp trực tiếp với trẻ như ôm hôn, chạm vào trẻ…

- Tin và khuyến khích các thế mạnh khác của trẻ.

- Khen ngợi và khen thưởng thường xuyên khi trẻ hoàn thành tốt các bài tập.

- Chấp nhận những khả năng, tiềm năng sẵn có của trẻ.

- Thiết lập các quy tắc, quy định và lịch trình sinh hoạt.

- Cùng thảo luận với trẻ những hành vi chưa đạt trong học tập.

- Phân công cho trẻ những công việc hợp lý trong gia đình.

- Cung cấp trò chơi, đồ chơi, hoạt động động cơ và cơ hội sẽ kích thích trẻ phát triển.

- Đọc và thảo luận những câu chuyện thú vị với trẻ.

- Giúp trẻ có một môi trường học thật tập trung và yên tĩnh.

- Giúp trẻ phát triển lòng tự tin của bản thân ở nhà trường.

- Nhấn mạnh sự hợp tác xã hội bằng cách chơi và giúp đỡ, phục vụ người khác.

- Tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn để có các bài tập phù hợp dành cho con bạn.

ThS LÊ MINH CÔNG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Song-khoe/515175/Hoc-hoai-khong-vo.html

Nhiều trường ĐH ở ĐBSCL vẫn còn chỉ tiêu xét tuyển bổ sung

Posted: 10 Oct 2012 12:59 AM PDT

(TNO) Đến ngày 9.10, nhiều trường ĐH tại ĐBSCL vẫn còn nhiều chỉ tiêu (CT) xét tuyển bổ sung các ngành ĐH, CĐ dành cho thí sinh (TS) nhiều tỉnh thành có điểm thi (đã cộng điểm ưu tiên) từ mức sàn trở lên, ứng với từng khối thi và bậc đào tạo.

Theo tiến sĩ Phan Văn Thơm, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh ĐH Tây Đô (www.tdu.edu.vn), nhà trường vừa có thông báo xét tuyển bổ sung đợt 3 với 3.400 CT dành cho 21 ngành ĐH, CĐ, trong đó có các ngành liên quan chăm sóc sức khỏe như Dược học (khối A, B), Điều dưỡng (B).

Trường ĐH Tây Đô (TP.Cần Thơ) nhận hồ sơ đợt 3 đến hết ngày 28.10.

Tiến sĩ Ngô Tấn Lực, Hiệu trưởng ĐH Tiền Giang (www.tgu.edu.vn) cho hay Bộ GD-ĐT vừa cho phép ĐH Tiền Giang xét tuyển nguyện vọng 3 (đợt 4) ba ngành học mới (bậc CĐ) gồm: Khoa học cây trồng (A, B); Công nghệ sau thu hoạch (A, B); Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (A, A1, C, D1).

Như vậy trong đợt 4 này, ĐH Tiền Giang còn 1.380 CT dành cho 22 ngành ĐH, CĐ.

ĐBSCL: Các trường vẫn còn nhiều chỉ tiêu xét tuyển bổ sung
TS khu vực ĐBSCL tham vấn chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2012

Hồ sơ gửi về Trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Tiền Giang (tỉnh Tiền Giang) đến hết ngày 18.10.

Theo tiến sĩ Dương Đăng Khoa, Hiệu trưởng ĐH Võ Trường Toản (www.vttu.edu.vn), trường còn 750 CT xét tuyển vào 10 ngành ĐH, CĐ trong đó có các ngành Y đa khoa (B), Dược học (A, B).

TS tại nhiều tỉnh thành nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi bưu điện chuyển phát nhanh về Phòng Đào tạo Trường ĐH Võ Trường Toản (tỉnh Hậu Giang) đến hết ngày 15.10

Tin, ảnh: Quang Minh Nhật

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20121009/nhieu-truong-dh-o-dbscl-van-con-chi-tieu-xet-tuyen-bo-sung.aspx

Comments