Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Triển khai cuộc thi học sinh với công tác nghiên cứu KHKT

Posted: 02 Oct 2012 04:53 AM PDT

(GDTĐ) – Chiều nay (2/10), Sở GDĐT TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết các hội thi chuyên môn bậc phổ thông năm 2011-2012 và triển khai cuộc thi học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật năm 2012-2013. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển, ông Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng vụ giáo dục phổ thông cùng hàng trăm đại biểu là hiệu trưởng, lãnh đạo phòng giáo dục các quận, huyện.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị

Trong ba hội thi mà ngành giáo dục TP.HCM đã triển khai ở bậc phổ thông trong năm học qua, thì Hội thi "dạy học theo dự án" nhận được nhiều đề tài tham dự nhất với 173 đề tài, Hội thi "dạy học tích cực môn Vật lý" cấp THCS có 90 đề tài, sản phẩm tham dự, hội thi "học sinh nghiên cứu khoa học" có 47 đề tài…

Đặc biệt, công tác nghiên cứu khoa học trong học sinh là điểm đáng chú ý nhất với rất nhiều công trình có ý nghĩa và ứng dụng cao của học sinh TP như: đề tài "Bộ xử lý khí thải cho ống xả xe máy", để tài "sách từ điển sinh học", "giày phát điện", "máy hòa tan oxy vào nước" (trường Lê Hồng Phong); "Văn hóa Việt-phần mềm nét đẹp quê hương tôi", "Robot thu nhặt rác thải" (trường Trần Đại Nghĩa)…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng; TP.HCM là địa phương có điều kiện vì vậy cần phải tích hợp, hướng học sinh (nâng cao chất lượng học tập) thông qua các hình thức học tập mới, các cuộc thi trí tuệ…Công tác nghiên cứu khoa học nơi học sinh của TP.HCM thời gian qua là rất đáng ghi nhận nhưng hiệu quả chưa cao và vẫn nặng tính phong trào, các đề tài nghiên cứu vẫn còn thiếu một chất gì đó theo đúng nghĩa làm khoa học.

Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu, Sở GDĐT TP.HCM cần đẩy mạnh công tác tập huấn cho đội ngũ GV về phương pháp nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, Sở nên thay hình thức viết sáng kiến kinh nghiệm bằng hình thức nghiên cứu khoa học ứng dụng nơi giáo viên, như thế hiệu quả sẽ cao hơn.

Thứ hai, để học sinh chủ động, sáng tạo nhiều hơn trong công tác nghiên cứu khoa học, các trường phổ thông cần gắn kết với các trường ĐH, cơ sở nghiên cứu khoa học để tạo điều kiện cũng như có được một đội ngũ các nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu hoàn chỉnh, nhằm giúp học sinh thực hiện các đề tài một cách hiệu quả hơn. Theo Thứ trưởng, cái cần hướng đến là tạo điều kiện và môi trường học tập, nhằm giúp cho học sinh phát huy năng lực từng cá thể học sinh khác nhau, có chất lượng. Mà muốn làm được điều đó cần phải tạo ra nhiều sân chơi trí tuệ (nghiên cứu khoa học chẳng hạn) để các em có thể phát huy tốt nhất năng lực học tập, nghiên cứu của mình.

Anh Tú

Cục trưởng Hàng hải không có học vị tiến sĩ

Posted: 02 Oct 2012 04:49 AM PDT

Những nghi hoặc về trình độ học vấn của một số quan chức cấp cao như Tổng GĐ Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Việt Nam (Vigecam) hay Tân Cục trưởng Cục Hàng hải lại xôn xao. Cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ.

Trụ sở Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: Dân trí
Báo Dân tríphản ánh, sau khi nhận được đơn khiếu nại của hàng trăm cán bộ công nhân viên tại Vigecam phản ánh việc ông Nguyễn Đức Phong – Tổng GĐ công ty này không học THPT nhưng vẫn có bằng tốt nghiệp hệ tại chức Trường ĐH Ngoại thương, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT đề nghị báo cáo kết luận về bằng cấp của ông Nguyễn Đức Phong.

Ngày 29/8, Bộ GD-ĐT đã có văn bản kết luận về vấn đề này. Theo đó, ông Nguyễn Đức Phong không có bằng tốt nghiệp THPT nhưng có giấy xác nhận đã học xong chương trình bổ túc văn hóa hết chương trình cấp 3 tại Trường Quân chính, Quân đoàn 3. Tổng GĐ Vigecam cũng đã có thời gian tại ngũ (3 năm) đóng quân tại miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Theo Thông tư số 256/TT- ĐTTC ngày 17/4/1990 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn tuyển sinh vào hệ đào tạo tại chức ĐH, CĐ, THCN: Thí sinh là người Kinh đã công tác tại vùng núi, rẻo cao và hải đảo từ 3 năm trở lên thì được hưởng tiêu chuẩn như người dân tộc thiểu số, chỉ cần có giấy chứng nhận học hết chương trình bổ túc văn hóa trung học là được phép đăng kí dự thi và theo học hệ tại chức ĐH, CĐ, THCN.

Vì thế, việc Trường ĐH Ngoại thương cho học, cấp bằng tốt nghiệp ĐH hệ tại chức cho ông Nguyễn Đức Phong là đúng với quy định của Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, Bộ này cũng báo cáo thêm rằng hiện nay, hồ sơ lưu trữ liên quan đến việc học tập chương trình bổ túc văn hóa hết cấp 3 và dự thi tuyển sinh của ông Nguyễn Đức Phong bị thất lạc, các xác minh và báo cáo của các đơn vị liên quan được xác nhận ở thời điểm hiện nay.

Trước đó, vị tân Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Nhật – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – cũng gây lùm xùm về chuyện bằng cấp sau khi các báo đưa tin khác nhau về trình độ học vấn của ông.


Tân Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật. Ảnh: Lao động
Trả lời báo Lao động mới đây ông Nguyễn Nhật đã khẳng định, thông tin nói rằng ông có học vị tiến sĩ Kinh tế là không chính xác. Hiện trong hồ sơ cán bộ lưu tại Bộ Giao thông Vận tải, ông chỉ khai có trình độ thạc sĩ Quản trị kinh doanh do ĐHQG Hà Nội cấp bằng.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, ông Nhật là kỹ sư, tốt nghiệp chính quy Trường ĐH Hàng Hải. Ông Công nói rằng "chỉ riêng việc tốt nghiệp Trường ĐH Hàng Hải và có trình độ kỹ sư, ông Nhật đã đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam".

  • Nguyễn Thảo (Tổng hợp)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/90923/cuc-truong-hang-hai-khong-co-hoc-vi-tien-si.html

Trường Quốc Tế Mỹ bị kiện hơn 700 triệu đồng bản quyền sách

Posted: 02 Oct 2012 04:49 AM PDT

Sau hai vụ thắng kiện bản quyền tại TPHCM, công ty Văn hóa sáng tạo First News Trí Việt tiếp tục khởi kiện trường Quốc Tế Mỹ (trụ sở chính ở 115 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội), thành lập từ năm 2000, chuyên đào tạo các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế như TOEFL, IELTS và đặc biệt là TOEIC. Là đơn vị giữ bản quyền các bộ sách học ngoại ngữ này tại Việt Nam nhiều năm nay, First News Trí Việt đã phát hiện ra hành vi vi phạm bản quyền các bộ sách này tại khu vực Hà Nội của trường Quốc Tế Mỹ, kéo dài với mức độ nghiêm trọng.

 

 

First News đã thu thập đầy đủ chứng cứ (biên lai hóa đơn bán sách photo có đóng dấu chính thức của trường, hình chụp và các băng video cận cảnh các hành vi kinh doanh và tiêu thụ sách photo và CD in lậu) các tựa sách mà trường Quốc Tế Mỹ vi phạm TOEIC Analyst, Target Toeic, Developing TOEFL iBT.

 

 


Những đầu sách ngoại ngữ bị copy nhiều nhất.

Những đầu sách ngoại ngữ bị copy nhiều nhất.

 

 

Ngày 20/9 vừa qua, First News đã cùng công ty Luật sư Quốc Tế Thiên Việt hoàn tất hồ sơ, gửiđơn kiện Trường quốc tế Mỹ tới Tòa án Nhân dân TP Hà Nội,với mức yêu cầu Trường Quốc Tế Mỹ bồi thường thiệt hại 729.400.000 đồng. 

 

Ông Nguyễn Văn Phước – Giám đốc Công ty Văn hóa sáng tạo First News - TríViệt khẳng định sẽ cương quyết tiếp tục điều tra và đưa ra tòa án khởi kiện những cá nhân, tổ chức, trường học, trung tâm ngoại ngữ vi phạm bản quyền: "Việc chúng tôi đang làm giống như một con đường chưa có dấu chân người. Ban đầu, nó rất hoang vắng và chúng tôi cô đơn. Thậm chí, chẳng ai tin được kết quả của nó sẽ đi đến đâu. Nhưng kết quả đạt được từ trường hợp sai phạm của Trung tâm Ngoại ngữ Úc Châu và Hội Việt Úc vừa rồi đã cho thấy cái gì thuộc về lẽ phải ắt sẽ được nhìn nhận, sáng tỏ. Không những chúng tôi bớt được "thù" mà còn có thêm những người bạn tốt. Hai trung tâm ngoại ngữ này đã cam kết không bao giờ tái phạm".

 

 


Ông Nguyễn Văn Phước (

 

Ông Lê Thanh Hảo – giám đốc mới của Trung tâm Anh ngữ Hội Việt Úc cho biết dù chỉ là người mới nhận chuyển giao quyền sở hữu trung tâm này nhưng Ban giám đốc mới sẵn sàng đứng ra nhận lỗi, và giải quyết những sai phạm của người quản lý cũ, đó là thiện chí rất lớn giữa những người kinh doanh văn hóa, tri thức với nhau.

 

 

Tương tự với ý trên, ông Hồ Đăng Duy – giám đốc Trung tâm Anh ngữ Úc Châu cũng thẳng thắn khẳng định những giải pháp sai lầm về giáo trình của trung tâm trong giai đoạn trước, công khai xin lỗi First News và cam kết đồng hành cùng vấn đề thực thi Luật bản quyền quốc tế và tôn trọng sở hữu trí tuệ.

 

 

 

 

Đại diện văn phòng Luật sư quốc tế Thiên Việt (thuộc đoàn Luật sư Hà Nội) – luật sư Nguyễn Quang Ngọc cho biết rất ủng hộ First News Trí Việt thúc đẩy các biện pháp chống sách lậu, để công ước Berne và Luật Qản quyền quốc tế được thực thi thực sự ở Việt Nam.

 

 

 

Tuệ Minh

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-646941/truong-quoc-te-my-bi-kien-hon-700-trieu-dong-ban-quyen-sach.htm

“Già rồi đi học không thấy kỳ sao?”

Posted: 02 Oct 2012 04:48 AM PDT

"Đức ơi, kỳ quá!"

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có đến 12 người con ở xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TPHCM – lại là chị cả nên cô Đức phải nghỉ học từ sớm lo cho các em và bươn chải với cuộc sống mưu sinh cùng bố mẹ. Ngày đó, cô chỉ buồn vì phải xa bạn bè, thầy cô chứ chưa cảm nhận được hết những thiệt thòi của mình. Hạn chế chữ nghĩa nên khi bước vào đời, cô gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như tính toán tiền bạc, chợ búa hay khi trò chuyện với mọi người.

Nhất là sau này, khi tham gia vào công tác hội phụ nữ, cô Đức càng thấy rõ việc mình chỉ biết chữ bập bẹ, không đủ trình độ để thuyết phục người khác. Năm 2002, Trường THCS Hưng Long (Bình Chánh) mở lớp học phổ cập, mọi người bất ngờ thấy cô Đức khi đó đã chuẩn bị bước sang tuổi 50 xách cặp đến trường sau hơn 35 năm nghỉ học.

Cô Nguyễn Thụy Đức (

Nhiều người tò mò hỏi những câu: "Chị Đức học chung với con nít mà hổng mắc cỡ à?", "chị Đức qua bên trường không thấy ngại, thấy kỳ với thầy cô bên đó hả" vì giáo viên đứng lớp có người chỉ đáng tuổi con cô.

Lúc đầu, cô Đức cũng mắc cỡ. Nghỉ quá lâu, nên cô bị chậm về các môn tính toán toàn phải nhờ thầy cô giảng lại bài. "Học là để vượt qua khó khăn, vượt qua số phận mà, nếu chỉ vì chút khó khăn mà không dám đi học thì quá đáng tiếc. Người ngoài nhìn vào thấy kỳ nhưng tôi được sự ủng hộ của chồng con nên càng phải cố học giỏi", cô Đức nói.

Lớn tuổi càng phải học nghiêm túc

Đến trường, cô Đức xác định cho mình mục tiêu và thái độ học tập cực kỳ nghiêm túc vì cô muốn người dạy hiểu rằng mình học không phải vì bằng cấp hay thành tích. Vì lớn tuổi nhất lớp, cô tự nhắc nhở mình phải làm gương cho các em nhỏ, để các em không bỏ học. Cô không nghỉ học buổi nào, luôn xin ngồi đầu bàn, trong lớp hết sức chăm chú nghe bài giảng.

Cô Đức nhớ nhất về kỷ niệm đến trường, trong giờ môn Hóa hôm đó, giáo viên giao mỗi học sinh một bài tập làm ngay trên lớp. Lập tức có một bạn đứng dậy hỏi cô giáo: "Vậy cô Đức có phải lên bảng không cô?".

Cô Đức hiểu câu hỏi này vì cô lớn tuổi nên giáo viên đứng lớp cũng có phần ái ngại và nể nang, không khắt khe như đối với mấy đứa nhỏ. Không để giáo viên phải khó xử, cô Đức đứng đứng dậy trả lời: "Có chứ, cô là là học trò, cũng lên bảng giải bài như các bạn".

Nhờ không ngừng nâng cao việc học, cô Đức tự tin và hoạt động công tác xã hội hiệu quả hơn.

Trải qua nhiều năm học, cô Đức tốt nghiệp THCS rồi đến bậc THPT. Rất nhiều người thắc mắc: "Chị Đức học xong là đến tuổi hưu rồi, vậy thì học để làm gì, sao không ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe". Cô Đức cười trả lời mình học để có kiến thức phục vụ cho bản thân, tiếp đó là cho gia đình xã hội chứ có học vì địa vị đâu mà lo đến tuổi hưu.

Để hoàn thiện bản thân và cuộc sống, không chỉ học chữ, gần tuổi 60, cô Đức vẫn tham gia vào các khóa học ngắn hạn về vi tính, nấu ăn, cắm hoa, trang điểm… Càng lớn tuổi, cô nhận thấy rõ mình thiếu hụt nhiều thứ, việc học là vô cùng nên khi nghe hỏi đến lúc nào cô nghỉ học, cô Đức nói học đến khi nào bản thân hết khả năng tiếp thu.

Với việc học không ngơi nghỉ của mình, cô Nguyễn Thụy Đức trở thành gương điển hình cho phong trào xây dựng xã hội học tập của TPHCM, được tuyên dương trong "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời" năm 2012 của thành phố.

Với người phụ nữ này ham học này, việc học không phải để với tới điều gì đó quá cao xa mà quan trọng nhất vì nó giúp cô tự tin, làm việc hiệu quả hơn và sống hạnh phúc hơn.

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-646710/gia-roi-di-hoc-khong-thay-ky-sao.htm

Rút ngắn thời gian học phổ thông: Bắt đầu từ việc phân luồng

Posted: 02 Oct 2012 04:47 AM PDT

Với các quy định hiện nay thì học sinh (HS) có thể "bẻ nhánh" đi học Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) cũng như các trường nghề ngay sau khi học xong lớp 9. Theo lộ trình này thì chỉ ở độ tuổi 18 thì các em hoàn toàn có thể bước vào đời để làm việc và góp sức cho đất nước. Bên cạnh đó, với cánh cửa thông thoáng trong đào tạo "liên thông" thì ước mơ sở hữu tấm bằng ĐH không phải là điều gì đó quá xa vời. Lợi thế cùng sự tiết kiệm được chi phi lớn cho xã hội nhưng dường như bao nhiêu năm nay việc phân luồng cho HS sau THCS còn có quá nhiều bất cập. Một phần nguyên nhân đó xuất phát từ chính quan niệm của các bậc phụ huynh nói riêng và xã hội nói chung.

"Chê" học nghề thích vào trường ĐH

Phân luồng học sinh sau THCS là việc lựa chọn, sắp xếp mang tính xã hội để HS sau khi tốt nghiệp tiếp tục được GD-ĐT theo những khuynh hướng và ngành học khác nhau phù hợp với nguyện vọng, năng lực học sinh và nhu cầu xã hội hoặc tham gia lao động sản xuất (LĐSX).

Phân luồng sớm sẽ tạo cú hích cho ngành giáo dục.
Phân luồng sớm sẽ tạo cú “hích” cho ngành giáo dục.

Sau khi tốt nghiệp THPT, các HS lại đổ xô đi dự thi vào các trường ĐH, CĐ. Với việc chỉ tiêu của hệ chính quy ở mức gần 600 nghìn nên "tham vọng" để sử hữu tấm bằng ĐH, CĐ ngày càng trở nên nóng bỏng. Số thí sinh dự thi so với chỉ tiêu ở mức chênh lệch thấp nên nhiều năm nay điểm chuẩn vào các trường ĐH, CĐ ở mức rất khiêm tốn.

Theo đánh giá của một cán bộ giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT thì nếu để đến hết bậc THPT mới tổ chức phân luồng thì quá muộn, khó định hướng tốt về ngành nghề phù hợp với các em.

Thực tế cho thấy, khi cầm được tấm bằng THPT mà không thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ thì số lượng đi học TCCN hay các trường nghề ở mức độ khá khiêm tốn. Một là các em sẽ ấp ủ "tham vọng" ôn luyện để thi đỗ ĐH. Hai là các em chuyển hướng đi làm các công việc phổ thông. Đây cũng là bất cập dẫn đến câu chuyện thừa thầy nhưng thiếu thợ hiện nay. Nghiêm trọng hơn là số HS chuyển đi làm nghề phổ thông lại không có năng lực chuyên môn cần thiết để đáp ứng được nhu cầu.

Phần luồng sớm: Sẽ tạo cú "hích" cho ngành giáo dục

Trước thực trạng trên thì bài toàn cần đặt ra cho ngành giáo dục trong trong việc đổi mới toàn diện, đó là cần giảm HS vào luồng chính đến một tỷ lệ phù hợp, tăng tỷ lệ HS các luồng phụ ở mức cần thiết.

Để giải quyết vấn đề này, ngành giáo dục cần phải nỗ lực chấn chỉnh việc dạy và đánh giá ở bậc THPT. Cấp thiết hơn cả là không chỉ ngành và ngay cả xã hội cần nhìn nhận kì thi tốt nghiệp THPT như là một bước "sàng lọc" cơ bản trước khi HS đến với chặng đường thi ĐH, CĐ.

Trong thời gian giữ cương vị là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã từng nhấn mạnh: "Nếu HS không đỗ tốt nghiệp thì cấp cho các em giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT". Tuy nhiên, cho đến nay điều này chưa một lần được Bộ GD-ĐT đưa ra bàn thảo để áp dụng! Khi việc học THPT "siết chặt" đồng nghĩa với việc các gia đình cũng như HS sẽ cân nhắc hơn trong khâu phân luồng ở sau THCS.

Tuy nhiên, khác với phân luồng HS sau THPT là chỉ có luồng giáo dục nghề nghiệp và tham gia lao động sản xuất, phân luồng HS sau THCS ngoài giáo dục nghề nghiệp và tham gia lao động sản xuất, người học còn có luồng tiếp tục học vấn phổ thông với mức độ phù hợp với trình độ, điều kiện của người học theo chương trình GDTX.

Do đó, nếu thực hiện không tốt việc phân luồng HS sau THCS sẽ đồng nghĩa với việc chúng ta vô tình "đẩy" một bộ phận HS sau THCS yếu thế về học lực và hoàn cảnh, điều kiện gia đình không được tiếp tục học mà phải nghỉ học, phải tham gia lao động sản xuất mà trong tay không có nghề qua đào tạo.

Giải pháp quan trọng để thực hiện việc này là cần có các cơ chế đặc thù và sự quyết tâm của ngành giáo dục. Hiện nay, nhiều HS sau khi tốt nghiệp THCS vẫn đổ dồn đi học THPT bởi mức chi phí học tập tương đối thấp, khi cầm được tấm bằng tốt nghiệp THPT thì các em vẫn có cơ hội đi làm sau khi được các doanh nghiệp đào tạo ngắn hạn. Trong khi đó, chi phí học ở các trường TCCN cũng như trường nghề thì lại ở mức khá cao cộng thêm các chi phí xã hội khác kết hợp với việc xã hội chưa trả thù lao xứng đáng cho nguồn nhân lực này khiến họ "thờ ơ". Ngoài ra Nhà nước cũng chưa có chính sách đặc biệt gì để "hút" HS tìm đến với các bậc đào tạo này.

Một cán bộ làm công tác đào tạo lâu năm của một trường TCCN ở Hà Nội chia sẻ: "Phân luồng HS sau THCS chẳng những không làm triệt tiêu các cơ hội học lên của HS mà còn đa dạng hoá phương thức học, luồng học cho người học, tạo điều kiện thích hợp cho nhiều người học và cho cả việc học lên của HS. Nếu HS có nhu cầu nguyện vọng và năng lực thì việc học lên có nhiều cơ hội – như học liên thông, liên kết, từ xa hoặc vừa học vừa làm…".

S.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-646928/rut-ngan-thoi-gian-hoc-pho-thong-bat-dau-tu-viec-phan-luong.htm

“Học để trở thành người công dân tốt”

Posted: 02 Oct 2012 04:47 AM PDT

(GDTĐ) – Hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2012, sáng ngày 2/10, các đại phương trên toàn thành phố Đà Nẵng đã đồng loạt tổ chức Lễ phát động hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời năm 2012, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về học tập suốt đời và góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn; nâng cao năng lực cung ứng giáo dục của các cơ sở giáo dục và các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường (thư viện, nhà văn hóa, trung tâm thể dục thể thao…) trong việc đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân; đồng thời tạo cơ hội cho người dân ở mọi lứa tuổi tham gia học tập.

Các trường học tại Đà Nẵng đều có khẩu hiệu hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời với chủ đề: " Học để trở thành công dân tốt".

Để thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhân dân; UBND TP.Đà Nẵng đã có công văn chỉ đạo và Sở GDĐT xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời. Ông Lê Trọng Hùng, Phó Trưởng phòng GDĐT quận Sơn Trà cho biết, phòng GDĐT, Hội Khuyến học và UBND các quận và các phường trên địa bàn cùng phối hợp triển khai. Các trường học đều lập Ban chỉ đạo cấp trường để triển khai thực hiện kế hoạch. Ngoài việc tổ chức tuyên truyền đến từng học sinh, các cơ sở trường học tổ chức triển khai đến toàn thể đội ngũ giáo viên, nhân viên nắm vững về yêu cầu, mục đích, nội dung và các phương thức học tập suốt đời.

Đặc biệt, trong tuần lễ này, các trung tâm học tập cộng đồng và các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường sẽ tổ chức các lớp học miễn phí với các nội dung, hình thức học tập phong phú, linh hoạt và đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Huy động đông đảo người dân tham gia học tập, đặc biệt là những chương trình bồi dưỡng ngắn hạn giúp cho người dân cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ hiểu biết, các chương trình giáo dục về kỹ năng sống cho những người dân có nhu cầu.

       Trường Giang

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201210/Hoc-de-tro-thanh-nguoi-cong-dan-tot-1963863/

“Tị nạn” giáo dục

Posted: 02 Oct 2012 12:23 AM PDT

Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình quan tâm đến chính sách đãi ngộ cho giáo viên, bởi vì đây chính là yếu tố căn bản để người thầy gắn bó, tận tâm với nghề. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đề xuất việc xuất bản sách giáo khoa nên để nhiều nhóm tác giả và nhà xuất bản cạnh tranh mới có sản phẩm đạt chất lượng cao.

 

Những ý kiến nêu ra tại hội thảo đổi mới giáo dục diễn ra hôm 29.9 đều tâm huyết, xác thực và quyết liệt.   

 

Thực ra, những ý kiến này không phải là phát hiện mới mẻ, tuy nhiên, dù được đưa ra tại nhiều hội nghị, hội thảo về giáo dục, nhưng nó vẫn còn mới là vì cái cũ chưa được thay đổi. Các bậc trí thức uy tín có trách nhiệm với nền giáo dục của đất nước cho nên rất có trách nhiệm với những phát ngôn của mình. Việc khẳng định "một nền giáo dục đi lạc đường" hoặc "khủng hoảng triền miên" có thể gây sốc cho những người quản lý giáo dục, nhưng đó là lời nói trung thực của tấm lòng, đúng đắn của khoa học, cho nên không thể không lắng nghe.

 

Tư duy cứng nhắc khiến cho nền giáo dục Việt Nam bị khủng hoảng mà Giáo sư Hoàng Tụy đề cập đến tưởng cũng cần phải phân tích một cách khách quan, khoa học để điều chỉnh để có được một nền giáo dục khai phóng phát triển. Chúng ta thường nói đến tư duy giáo dục áp đặt một chiều, đè nén suy nghĩ độc lập, triệt tiêu khả năng sáng tạo. Chúng ta thường nói đến một đường lối giáo dục khoa học xã hội nặng từ chương theo kiểu rập khuôn, lời thầy nói bao giờ cũng đúng, là bất biến, là chân lý.

 

Nếu thế giới này không có những bộ óc biết suy nghĩ ngược lại với những bộ óc cũ, không có những người dám "phá hủy sáng tạo" (khái niệm của Joseph Schumpeter – nhà kinh tế, chính trị học người Áo) thì làm sao con người đạt được những thành tựu vĩ đại mọi mặt như ngày hôm nay. Sự khác biệt giữa các quốc gia phát triển và chậm phát triển hôm nay không phải là gì hơn ngoài một lằn ranh giữa một bên luôn luôn sáng tạo và đổi mới trong ánh sáng của văn minh, còn bên kia là bảo thủ, trì trệ.

 

Gần đây, nhiều gia đình cho con cái đi du học thường dùng cách nói là đi "tị nạn giáo dục". Có thể hơi quá lời nhưng dù sao cũng hàm chứa phần nào thực tế hiện nay. Một nền giáo dục đang bị lạc đường và khủng hoảng triền miên thì phải "tị nạn" là đúng rồi. Còn để cho con em không phải đi "tị nạn giáo dục" thì nền giáo dục của quốc gia phải sửa lại cho đúng đường.    

 

Theo Lao động

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-646765/ti-nan-giao-duc.htm

Giúp trẻ vượt qua nỗi sợ môn toán

Posted: 02 Oct 2012 12:22 AM PDT

Viện Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giáo dục vừa công bố kết quả đánh giá chương trình dạy toán POMATH – chương trình phát triển tư duy thông qua dạy học môn toán theo định hướng cá nhân dành cho trẻ em từ 5-12 tuổi.

Đây là kết quả nghiên cứu từ năm 2002 của tiến sĩ Chu Cẩm Thơ và các cộng sự thuộc Khoa Toán tin – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, tiến sĩ Thơ hiểu rằng trẻ em không hề ghét toán, chính cách tiếp cận toán học mà chúng ta đang thực hiện mang đến nỗi sợ hãi lớn hơn về toán cho trẻ.

Vì vậy chương trình POMATH giúp trẻ thoải mái khi học toán, chứ không phải biến các em thành nô lệ toán học.

Chương trình đã được đối chiếu và nghiên cứu từ chương trình dạy học tiên tiến của các nước như Mỹ, Nhật, Đức,

Singapore nhằm đáp ứng được yêu cầu về chuẩn quốc gia và quốc tế, đồng thời khắc phục được những yếu kém hiện nay trong giáo dục.

T.Nguyên

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20121001/Giup-tre-vuot-qua-noi-so-mon-toan.aspx

Bộ Giáo dục chấn chỉnh đào tạo liên thông, liên kết

Posted: 02 Oct 2012 12:22 AM PDT

– Bộ GDĐT vừa có văn bản gửi các trường nhằm chấn chỉnh đào tạo liên thông liên kết trình độ cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH).

 

Thí sinh trong kỳ thi ĐH-CĐ 2012. (Ảnh: Văn Chung)

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga: "Hiện nay việc tổ chức, quản lý đào tạo liên thông, liên kết tại một số đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng không đúng quy định và chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng".

Nhằm chấn chỉnh công tác này, Bộ GD-ĐT yêu cầu Hiệu trường các trường thực hiện đúng các quy định về đào tạo liên thông và liên kết cũng như chú trọng tới các giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường không tổ chức liên kết đào tạo liên thông để cấp bằng chính quy ngoài cơ sở đào tạo của trường. Các trường đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học, từ trung cấp nghề và cao đẳng nghề lên cao đẳng và đại học phải có quyết định giao nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Ngoài ra, Bộ còn yêu cầu các trường công bố công khai chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng, kế hoạch đào tạo cho người học trên trang thông tin điện tử của trường.

Bộ GDĐT sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý các trường thực hiện sai quy định trong đào tạo liên thông, liên kết.

  • Văn Chung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/90797/bo-giao-duc-chan-chinh-dao-tao-lien-thong--lien-ket.html

Sẽ có nhiều đối tượng được nhận học bổng ngân sách

Posted: 02 Oct 2012 12:22 AM PDT

Quy chế này quy định công tác tuyển sinh đi học ở nước ngoài theo các diện học bổng do Bộ GD-ĐT quản lý áp dụng đối với việc tuyển sinh đi học trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, thực tập sinh ở nước ngoài.

Theo dự thảo, các diện học bổng do Bộ GD-ĐT tổ chức tuyển sinh đi học ở nước ngoài bao gồm: Học bổng ngân sách nhà nước, Học bổng Hiệp định và các các học bổng khác do Chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ.

Sẽ có thêm nhiều đối tượng được nhận học bổng ngân sách.
Sẽ có thêm nhiều đối tượng được nhận học bổng ngân sách.

Điều kiện để được nhận học bổng này là các ứng viên phải có kết quả học tập các năm THPT và tốt nghiệp THPT đạt loại khá trở lên; Được miễn thi đại học hoặc tổng điểm các môn thi đại học (không nhân hệ số) cao hơn 5 điểm so với điểm sàn trúng tuyển đại học của năm dự thi tuyển đại học; Đạt giải Olympic quốc tế và các giải thưởng khác theo quy định được dự tuyển và cấp học bổng ngân sách nhà nước;

Đối với học bổng thạc sĩ, tiến sĩ, thực tập sinh thì đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hợp đồng đang công tác tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, trung tâm công nghệ cao, hoặc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; học viên tốt nghiệp cao học và sinh viên tốt nghiệp đại học và các đối tượng khác.

Công chức dự tuyển đi học thạc sĩ, tiến sĩ, thực tập sinh diện học bổng ngân sách Nhà nước phải đáp ứng điều kiện để được cử đi đào tạo theo quy định hiện hành của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức.

Ứng viên là công chức, viên chức, người lao động hợp đồng dự tuyển đi học thạc sĩ, tiến sĩ và thực tập sinh phải có kết quả học tập bậc liền kề trước đó đạt loại khá trở lên theo quy định thang điểm và xếp loại của cơ sở đào tạo, quốc gia đã theo học.

Ứng viên là học viên cao học, sinh viên đại học vừa tốt nghiệp và đăng ký học chuyển tiếp sinh trình độ cao hơn (trong vòng 12 tháng kể từ ngày tốt nghiệp) cần phải có kết quả học đại học chính quy, thạc sĩ đạt loại giỏi, điểm trung bình đạt 8,0 trở lên và điểm bảo vệ luận văn thạc sĩ hoặc đồ án tốt nghiệp đại học đạt từ 8,0 trở lên (tính theo thang điểm 10) hoặc tương đương thang điểm 10 đối với người tốt nghiệp tại Việt Nam, trường hợp tốt nghiệp tại nước ngoài thì căn cứ quy định xếp loại giỏi của cơ sở đào tạo, quốc gia đã theo học.

Học bổng Hiệp định và học bổng khác được Bộ GD-ĐT xử lý theo nguyên tắc ưu tiên đào tạo trình độ tiến sĩ và thạc sĩ; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hợp đồng, sinh viên, học sinh dự tuyển được xem xét trong quá trình tuyển sinh trên cơ sở quy định của thông báo tuyển sinh, chỉ tiêu của từng chương trình học bổng kết hợp với các tiêu chí tuyển chọn, ưu tiên của phía Việt Nam và phía nước ngoài.

Dự thảo cũng nêu rõ các đối tượng ưu tiên khi tham gia xét tuyển học bổng. Cụ thể là các ứng viên thuộc các diện ưu tiên theo quy định hiện hành tại các Quy chế tuyển sinh đại học và sau đại học; Giảng viên đại học, cao đẳng và nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu.

Cán bộ thuộc các cơ quan, địa phương có nhu cầu cấp thiết về đào tạo nhân lực và các ngành đào tạo cần ưu tiên; Người có trình độ chuyên môn giỏi, thâm niên công tác lâu năm, trình độ ngoại ngữ tốt, có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học, các hoạt động đoàn thể và xã hội;

Con cán bộ ngoại giao tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được ưu tiên khi xét tuyển học bổng Hiệp định; học viên cao học và sinh viên đại học mới tốt nghiệp dự tuyển học bổng Hiệp định hoặc học bổng khác được xét ưu tiên nếu có hợp đồng về nguyên tắc sẽ tuyển dụng sau tốt nghiệp hoặc văn bản cam kết tiếp nhận về làm giảng viên các trường đại học, cao đẳng và các cơ quan Nhà nước.

Độc giả có thể tham gia góp ý cho dự thảo này tại website: http://moet.gov.vn/.

S.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-646857/se-co-nhieu-doi-tuong-duoc-nhan-hoc-bong-ngan-sach.htm

Comments