Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Giáo dục còn nặng lý thuyết, dạy chữ!

Posted: 04 Sep 2012 06:12 AM PDT

Tham dự lễ khai giảng năm học 2012 – 2013 tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM sáng ngày 9/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nhiều chia sẻ về giáo dục (GD) nước nhà. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, trong bài phát biểu, Thủ tướng nhắc đến nhiều bất cập của GD hiện nay.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, coi GD là quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển bền vững, là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đến nay, nền GD nước ta đã có những bước phát triển rất đáng trân trọng: Quy mô mạng lưới cơ sở GD được mở rộng; chất lượng GD từng bước được nâng lên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Giáo dục còn nặng lý thuyết, dạy chữ!

Chúng ta đã hoàn thành phổ cập GD tiểu học (năm 2000) và GD THCS (năm 2010). Hiện đang thực hiện phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi và đẩy mạnh thực hiện phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi.

Quản lý nhà nước về GD có chuyển biến tích cực. Công bằng xã hội trong GD và GD ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, HS, SV có hoàn cảnh khó khăn được giải quyết tốt hơn.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD, cơ sở vật chất – kỹ thuật, nội dung và phương pháp giảng dạy có nhiều tiến bộ. Ngày càng có nhiều HS, SV chăm ngoan, học giỏi, đạt kết quả cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.

Kết quả này đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta từ 16% năm 2000 lên trên 40% năm 2011, đóng góp thiết thực vào tiến trình phát triển của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, GD và đào tạo nước ta còn những bất cập, yếu kém, chất lượng GD chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội.

GD kiến thức về xã hội, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng thực hành còn kém, chưa phát huy khả năng tự học, tính chủ động sáng tạo của người học. Việc tham gia các hoạt động xã hội của HS, SV còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về GD còn bất cập.

Thủ tướng cho rằng, nội dung GD thiên về lý thuyết, nặng về "dạy chữ", chưa quan tâm đúng mức về "dạy người". Chương trình, phương pháp dạy và học chậm được đổi mới. Cơ sở vật chất trong nhiều trường học còn thiếu, lạc hậu và sử dụng kém hiệu quả. Một số hiện tượng trong GD và đào tạo chậm được khắc phục, từ khâu tuyển sinh đến dạy học, thi cử, cấp bằng, lạm thu, gây bức xúc xã hội.

Năm học 2012 – 2013 là năm thứ hai thực hiện Chiến lược phát triển GD giai đoạn 2011 – 2020. Trong đó phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền GD quốc dân là một khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước. GD có sức mệnh nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Theo Thủ tướng, để thực hiện được nhiệm vụ của năm học mới, các trường trong cả nước tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đã đạt được; nỗ lực, phấn đấu khắc phục hơn nữa khắc phục các hạn chế, yếu kém thi đua dạy tốt – học tốt. Trong đó tập trung vào 4 nội dung sau:

1. Quan tâm xây dựng tập thể sư phạm nhà trường ngày càng vững mạnh về mọi mặt, hết lòng vì sự nghiệp GD. Chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý về cả số lượng và chất lượng, gắn với đổi mới căn bản, toàn diện nền GD quốc dân.

Mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý GD phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, đạo đức nghề nghiệp, sáng tạo trong công việc, tận tâm, tận tụy, hết lòng vì thế hệ trẻ, vì HS thân yêu, thực sự là tấm gương sáng để HS noi theo.

2. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp dạy và học, thực hiện dạy chữ gắn với dạy người, quan tâm rèn luyện kỹ năng tự học, tính tự lập;

tích cực, chủ động sáng tạo, phát triển tư duy trong học tập, tạo thói quen nghiên cứu, ý chí phấn đấu vươn lên và khát vọng cống hiến cho HS. Đồng thời chú trọng nâng cao khả năng ngoại ngữ, tin học và định hướng nghề nghiệp cho HS.

Nâng cao hiệu quả quản lý GD, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tốt công tác dạy học và theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Trong đó triển khai có hiệu quả chương trình kiên cố hóa trường lớp học, xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý GD.

3. Đối với các trường chuyên, cùng với mục tiêu phấn đấu có nhiều HS đoạt giải quốc gia, quốc tế, các trường phải phát huy vai trò trong việc phát hiện và đào tạo nhân lực có chất lượng cao. HS của trường không chỉ giỏi các môn học chuyên mà cần giỏi về nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, các ngành công nghệ mũi nhọn như công nghệ thông tin, công nghệ sinh hóa, môi trường…

4. Các em HS phải thực hiện tốt nhiệm vụ học tập bằng việc rèn luyện và có phương pháp học tập tích cực, kết hợp chặt chẽ giữa học và hành. Đồng thời không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhân cách; tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, phấn đấu để thực sự là con ngoan trò giỏi, lớn lên trở thành những công dân gương mẫu - chủ nhân tương lai của đất nước để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của các lớp đàn anh đi trước, đáp ứng sự mong muốn và kỳ vọng của gia đình và toàn xã hội.

Hoài Nam (lược ghi)

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-637184/thu-tuong-nguyen-tan-dung-giao-duc-con-nang-ly-thuyet-day-chu.htm

Thủ tướng khai giảng năm học mới tại TPHCM

Posted: 04 Sep 2012 06:09 AM PDT

Cùng với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận và nhiều lãnh đạo TPHCM tham dự lễ khai giảng năm học mới của ngôi trường Lê Hồng Phong giàu truyền thống.

Trong lễ khai giảng, Thủ tướng dành lời khen ngợi những kết quả ngành giáo dục đạt được trong thời gian qua, đội ngũ nhà giáo cùng cán bộ quản lý đang không ngừng áp dụng các phương pháp giảng dạy ngày càng tiến bộ. Ngày càng nhiều HS chăm ngoan, học giỏi, đạt kết quả cao trong các kỳ thi quốc gia quốc tế.

Thủ tướng khai giảng năm học mới tại TPHCM

"Đây là thành tựu chung có sự đóng góp tích cực của mỗi thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, mỗi em HS của từng trường học, từng cơ sở giáo dục đào tạo cũng như sự quan tâm chăm lo của các bậc phụ huynh, của mỗi gia đình, dòng họ và toàn xã hội. Trong đó có TPHCM và trường THPT chuyên Lê Hồng Phong", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.

Về những nhiệm vụ trong năm học mới 2012 - 2013, Thủ tướng lưu ý, ngành giáo dục cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp dạy và học chữ gắn với dạy làm người; quan tâm rèn luyện kỹ năng tự học, tinh thần tự lập, tích cực, chủ động sáng tạo, phát triển tư duy trong học tập, tạo thói quen nghiên cứu, ý chí phấn đấu vươn lên và khát vọng cống hiến cho HS.

Thủ tướng gửi lời chúc mừng đến thầy trò trong cả nước nhân dịp năm mới 2012 - 2013. 

Đồng thời đội ngũ nhà giáo cần nâng cao khả năng ngoại ngữ, tin học và định hướng nghề nghiệp cho HS để đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực và nhân tài cho đất nước.

Tiếng trống khai trường của Thủ tướng dành cho thầy trò trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong. 

Học trò tại ngôi trường 85 năm tuổi chính thức bước vào năm học mới. 

Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM, tiền thân là Trường Trung học Petrus Ký, được thành lập từ năm 1927. Năm học 2011 – 2012, 99,35% HS của trường xếp loại hạnh kiểm tốt, trên 72% HS xếp loại học lực giỏi; giành 440 giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi HS giỏi thành phố và 42 giải trong kỳ thi HS giỏi quốc gia. Trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, tỷ lệ HS đỗ đại học đạt trên 95%, trong đó có 5 thủ khoa và 14 á khóa, thủ khoa ngành.

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-637088/thu-tuong-khai-giang-nam-hoc-moi-tai-tphcm.htm

Ban đại diện cha mẹ học sinh: Hãy là cầu nối đúng nghĩa

Posted: 04 Sep 2012 06:09 AM PDT

(GDTĐ) – Sự tồn tại của các ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) với vai trò là cầu nối giữa nhà trường với các gia đình HS là không thể thiếu trong hoạt động giáo dục của các nhà trường. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của BĐDCMHS thời gian gần đây đã khiến xã hội phải "rung chuông" báo động bởi sự mờ nhạt, thiếu vai trò, thậm chí trở thành "cánh tay nối dài" trong các khoản thu chi, quỹ… chưa hợp lý của trường, lớp. Một BĐDCMHS phải đứng về số đông, và có nhiều hoạt động hiệu quả hơn nữa… đã và đang là mong muốn chung của PHHS.

Ban ĐDCMHS kiểu "đại gia"

Chị M. Hương- PHHS Trường Tiểu học KL phản ánh: Buổi họp PHHS đầu tiên của lớp con gái chị, BPH gần như đã được giáo viên chủ nhiệm "chỉ mặt đặt tên" sẵn. Khi bàn đến các khoản đóng góp để lắp máy chiếu, quạt, máy lọc nước… trong khi có đến 2/3 ý kiến phụ huynh trong lớp phân vân về tính năng, sự cần thiết và bàn bạc góp ý kiến sao cho tránh lãng phí, phù hợp với khả năng đóng góp của những phụ huynh khác thì BĐDCMHS của  lớp  lại thi nhau đứng lên phát biểu "mua sắm không đáng bao nhiêu tiền, đầu tư để các con học tốt hơn không thể tiếc, cuối năm tặng lại cho HS lớp sau không hề lãng phí, ai đóng thì đóng không đóng thì các PHHS khác đóng bù…". Dẫu không đồng tình với "định hướng" của ban ĐDCMHS nhưng không ai dám phản đối bởi con em họ vẫn còn học trong trường, lớp và dù  không nói  ra thì ai cũng hiểu rằng BĐDCMHS đưa ra ý kiến như vậy cũng đã nhận được sự đồng ý "ngầm" từ GVCN. Vì vậy, vô hình trung, PHHS dù không đồng ý thì vẫn phải "tự nguyện" một cách ép buộc.


Tăng cường hơn nữa vai trò của BĐDCMHS

Đa số ý kiến PHHS cũng phản ánh, BĐDCMHS của lớp phần lớn là những người có điều kiện về kinh tế, có địa vị chức quyền trong xã hội nên việc chi tiêu mua sắm vô cùng "mạnh tay" khiến không ít các phụ huynh có thu nhập bằng đồng lương cán bộ công nhân viên nhà nước phải khóc dở mếu dở vì theo không kịp mà không theo cũng không được với những khoản tiền chi tiêu trang bị cơ sở vật chất cho trường, lớp. Cứ vào năm học là BPH của lớp lại dự kiến các khoản chi tiêu của quỹ lên tới 2-3 chục triệu đồng. Trong đó chi cho việc biếu tặng ban giám hiệu và giáo viên lên tới chục triệu, cùng đó là chi mua máy chiếu, bảng chống loá, lắp máy điều hoà, chạy lại đường điện, hệ thống ánh sáng, cây cảnh tặng nhà trường, sơn sửa bục giảng, giá sách…

Thực tế cũng cho thấy, không chỉ bị động và bị biến thành lá chắn trong các hoạt động thu chi mà các mối quan hệ, sự liên kết và hỗ trợ của BĐDCMHS đối với nhà trường đâu đó còn mang tính cục bộ, không liên tục và chưa xây dựng thành kế hoạch, định hướng cụ thể. Mối quan hệ của BĐDHCMHS lớp với GVCN, với nhà trường chủ yếu tập trung vào thời gian chuẩn bị và diễn ra của 3 cuộc họp phụ huynh (đầu năm học, sơ kết hoc kỳ I và tổng kết học kỳ II) hoặc đối với HS lớp 9 và lớp 12 có thêm cuộc họp chuẩn bị ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 hoặc ôn thi tốt nghiệp THPT. Trong mối quan hệ này, BĐDCMHS chủ yếu đóng vai trò là người tiếp nhận thông tin và các phương án hoạt động, hỗ trợ theo yêu cầu của GVCN lớp hoặc của BGH nhà trường. Mối quan hệ của BĐDCMHS với các giáo viên dạy bộ môn chủ yếu tập trung vào thời gian diễn ra các ngày lễ kỷ niệm như 20/11, Tết Nguyên đán, ngày 8/3… với vai trò là người thay mặt các HS thăm hỏi, động viên các thầy cô có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, trong mối quan hệ giữa BĐDCMHS trường với nhà trường chủ yếu được thực hiện thông qua mối quan hệ giữa trưởng BĐDCMHS trường với BGH nhà trường. BĐDCHMS của nhiều trường thường chỉ tham dự vào các hoạt động bề nổi với vai trò như một cái bóng vào các hoạt động tổng kết, kỷ niệm các ngày lễ lớn và bàn một số hoạt động chung nhất của nhà trường mà chưa phát huy được vai trò, tiếng nói của mình trong nhiều hoạt động quan trọng khác.

Một bất cập lớn làm hạn chế tới chất lượng hoạt động của BĐDCMHS nữa đó là hầu hết các thành viên của BĐDCMHS không được qua các lớp tập huấn về hoạt động của BĐDCMHS nên không ít thành viên của BĐDCMHS chưa nhận thấy vai trò, nhiệm vụ, sứ mệnh của BĐDCMHS. Các phương pháp và hình thức hoạt động còn mang tính tự phát, hoặc theo kinh nghiệm của bản thân và cách làm của các khoá trước. Thiếu các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của PHHS về Điều lệ BĐDCMHS… nên không ít thành viên của BĐDCMHS còn quan niệm nhiệm vụ của BĐDCMHS chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ nhà trường về vật chất, thu tiền, gây quỹ… Giữa nhà trường và BĐDCMHS gần như thiếu sự bàn bạc thống nhất về kế hoạch dạy thêm học thêm, chưa cùng với nhà trường phối hợp đưa ra các giải pháp triệt để về dạy thêm học thêm; vấn đề các khoản thu trong nhà trường… Có thể nói, hoạt động của BĐDCMHS còn lệ thuộc nhiều vào định hướng của GVCN, vào BGH nhà trường nên tính chủ động không cao, chưa tranh thủ được tiếng nói chung của các bậc phụ huynh trong lớp và trong trường.

Chất lượng hoạt động BĐDCMHS- Không thể xem nhẹ

Một trong những giải pháp hàng đầu để hoạt động của BĐDCMHS đạt kết quả tốt đó là phải tuyên truyền rộng rãi trong PHHS những nội dung thiết thực liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của PHHS. Cần quán triệt nội dung điều lệ hoạt động của các Ban BĐDCMHS đến các nhà trường, các lớp học vì chỉ khi nào BGH các trường, GVCN, GV bộ môn và các BĐDCMHS nắm vững nội dung của Điều lệ hoạt động các BĐDCMHS thì khi ấy mới thực hiện đúng và đủ.


Thu chi đầu năm được công khai, minh bạch

Việc đổi mới phương pháp, hình thức hoạt động của BĐDCMHS một cách linh hoạt phù hợp với từng hoàn cảnh của nhà trường và địa phương cần được tiến hành. Trước hết giáo viên chủ nhiệm lớp trong các nhà trường cần nắm rõ điều kiện, hoàn cảnh của gia đình học sinh từ đó tư vấn giúp các PHHS chọn BĐDCMHS lớp, BĐDCMHS trường là những người có tâm huyết, có thời gian có điều kiện và có uy tín để điều hành hoạt động của BĐDCMHS. Trong mối quan hệ của các BĐDCMHS với GVCN lớp và nhà trường cần đảm bảo nguyên tắc sự hài hoà giữa tính độc lập với sự phối hợp hoạt động trên tinh thần bình đẳng giữa hai bên.

Từ thực tế hoạt động của BĐDMCHS cũng cho thấy để nâng cao chất lượng hoạt động thì việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ trong các BĐDCMHS cũng vô cùng cần thiết. Căn cứ vào Điều lệ BĐDCMSH và điều kiện cụ thể về tài chính của các phụ huynh học sinh mà BĐDCMHS cần xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ thông qua các PHHS ngay từ đầu năm học làm cơ sở cho việc chi tiêu của BĐDCMHS trong cả  năm học. Bên cạnh đó, để hoạt động của BĐDCMHS thực sự có chất lượng cũng cần xây dựng quy chế phối hợp giữa BĐDCMHS lớp với GVCN lớp, BĐDCMHS trường với hiệu trưởng và BGH. Giữa các cuộc họp thường kỳ vào đầu năm học, kết thúc học kỳ và cuối năm cần có các cuộc làm việc thường xuyên giữa trưởng BĐDCMHS hoặc thành viên BĐDCMHS theo phân công với Hiệu trưởng hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp vì vậy cần xây dựng quy chế phối hợp trong đó quy định về thời gian, nội dung phối hợp…

BĐDCMHS chỉ thực sự là cầu nối quan trọng giữa gia đình- nhà trường- xã hội khi có được cái nhìn toàn diện, đầy đủ sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Vì vậy, BĐDCMHS xin đừng là "cái bóng", hãy là chính mình để có  thể phát huy hết vai trò to lớn và chống lại tiêu cực đang ngày càng len lỏi vào môi trường giáo dục.

Sông La

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201209/Ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-Hay-la-cau-noi-dung-nghia-1963297/

Cách học mới cho học sinh tiểu học

Posted: 04 Sep 2012 06:08 AM PDT

Năm học mới, Bộ GD-ĐT sẽ chính thức áp dụng nhiều nội dung mới cho học sinh (HS) tiểu học, trong đó đặc biệt chú trọng tới khả năng tự học, tự trải nghiệm của HS.

Cách học mới  cho học sinh tiểu học
Theo mô hình trường học mới, học sinh sẽ hoàn toàn tự chủ, ngồi thoải mái, tự do trong lớp và giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Được viết lại sách giáo khoa

Từ năm học này, Bộ chỉ đạo triển khai thí điểm mô hình trường học mới tại 1.447 trường tiểu học trên cả nước với tinh thần tự nguyện.

Ông Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết các trường được lựa chọn thí điểm tập trung đổi mới hoạt động sư phạm, chuyển đổi từ dạy học truyền thụ của giáo viên sang tổ chức hoạt động tự học của HS; đổi mới kiểm tra, đánh giá HS, chú trọng tự đánh giá vì sự tiến bộ trong quá trình học tập. Các trường tham gia thí điểm là những trường thực hiện mô hình đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Chủ trương của Bộ là không nhất thiết phải chọn những trường tốt nhất tại mỗi địa phương nhưng cũng không thể chọn những trường có điều kiện dạy học và chất lượng quá kém.

Theo mô hình này, mỗi trường và giáo viên phải căn cứ vào nội dung của sách giáo khoa (SGK) hiện hành để viết lại SGK trong đó hướng dẫn luôn cách học. Với tài liệu này, HS có thể tự học, tự vận dụng kiến thức vào trong đời sống thực tế, gắn kết nhà trường với cộng đồng.

Tự bầu lớp trưởng, bàn ghế linh hoạt

Vai trò của giáo viên là giúp đỡ HS nhận ra bài học, có khó khăn gì thì hướng dẫn giải quyết. Ngoài việc ưu tiên khả năng tự học, mô hình trường học mới, theo ông Hiển, cũng sẽ ưu tiên hơn việc sinh hoạt tập thể để phát huy năng lực của HS.

Ở mô hình này, tính dân chủ trong mỗi lớp học sẽ được thể hiện rõ hơn. HS tự quản, tự đưa ra tiêu chí mà các em mong muốn cho lớp mình và đề ra nội dung thi đua. HS cũng tự bầu lớp trưởng, lớp phó… chứ không phải do áp đặt của giáo viên, giáo viên chỉ hỗ trợ và hướng dẫn HS khi cần thiết.

Ông Hiển cho hay, việc bố trí lớp học ở những trường áp dụng mô hình này cũng sẽ phải khác hiện nay. Mỗi phòng học sẽ giống như phòng học bộ môn hoặc thư viện linh động, đồ dùng dạy học sẵn có và tự làm được để ngay tại lớp học. HS cần học cái gì là có thể ra góc tài liệu hoặc thiết bị để lấy. Bàn ghế cũng linh hoạt để HS có thể học nhóm với nhau. Giáo viên có thể đến từng HS để giải quyết thắc mắc chứ không chỉ đứng trên bục giảng truyền thụ một chiều.

Cách đánh giá cũng khác, giáo viên sẽ phải quan sát nhiều hơn để nắm được từng bước đi của HS, đánh giá các em trong quá trình tự học, tự áp dụng kiến thức vào thực tiễn hoặc các buổi sinh hoạt tập thể giữa HS trong lớp.

Tự làm thí nghiệm

Cũng trong năm học mới, Bộ chính thức triển khai thí điểm phương pháp “bàn tay nặn bột” đối với các trường tiểu học và cả THCS tại cả 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Đây là phương pháp dạy hình thành kiến thức cho HS bằng các thí nghiệm. HS chia nhóm để tự làm, tự trao đổi, nghiên cứu, quan sát để tìm ra câu trả lời cho các vấn đề trong cuộc sống. Người thầy chỉ đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn.

Bên cạnh đó, Bộ triển khai thí điểm dạy học mỹ thuật theo phương pháp mới tại 48 trường tiểu học ở 6 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Đà Nẵng, Hải Dương và Ninh Bình.

Ông Hiển cho biết, sẽ rút kinh nghiệm những mô hình, phương pháp mới. Nếu nội dung nào thực sự có hiệu quả sẽ được đưa vào Đề án đổi mới chương trình SGK phổ thông sau năm 2015.

Tuệ Nguyễn

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120903/Cach-hoc-moi-cho-hoc-sinh-tieu-hoc.aspx

Nồng ấm lễ khai giảng tại ngôi trường cổ nhất Hà Nội

Posted: 04 Sep 2012 06:08 AM PDT

 

Báo cáo với Phó Thủ tướng về những kết quả đạt được trong những năm qua, thầy Chữ Xuân Dũng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Chất lượng giáo dục của nhà trường tiếp tục khẳng định được sự phát triển vững chắc. Trong kì thi HSG lớp 12 cấp thành phố các bộ môn văn hóa, nhà trường có 157 HS đạt giải với 11 giải nhất, 36 giải nhì, 55 giải ba và 55 giải khuyến khích. Trong kì thi HSG toàn quốc trường có 13 em đạt giải với 1 giải nhì, 9 giải ba và 3 giải khuyến khích… HS đạt danh hiệu HS giỏi toàn diện và HS tiên tiến chiếm 96,4%. Tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT 100%. Tỷ lệ HS đỗ các trường ĐH trong và ngoài nước đều tăng và chất lượng cao hơn so với năm trước. Theo thống kê sơ bộ của nhà trường, năm 2012 tỷ lệ HS đỗ vào các trường ĐH là 98%, tiếp tục đứng trong tốp đầu bảng xếp hạng 200 trường THPT có điểm thi ĐH cao nhất".

Cũng theo thầy Dũng, để có được những thành tích đó, không thể không nhắc đến công sức đóng góp của tập thể sư phạm nhà trường. Trong công tác quản lý, chỉ đạo và giảng dạy, Hội đồng giáo dục nhà trường thống nhất phương châm phải làm tốt việc "Dạy chữ" kết hợp với "Dạy người". Công tác giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, rèn luyện nề nếp, kỷ cương cho HS luôn được coi trọng. Công tác bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ được nhà trường đặc biệt chú trọng và quan tâm…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ khai giảng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ khai giảng.

Cũng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm học mới đã bắt đầu, ngành giáo dục cả nước đang khẩn trương quyết liệt triển khai chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2020, tập trung vào nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới công tác quản lý, phát triển mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý…

Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục. Ngành giáo dục thủ đô cần quyết tâm thực hiện thực hiện tốt 2 bản Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và Quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 vừa được phê duyệt tháng 5/2012.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dóng lên hồi trống đón chào năm học mới ở trường THPT Chu Văn An.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gióng lên hồi trống đón chào năm học mới ở trường THPT Chu Văn An.

Thủ tướng khai giảng năm học mới tại TPHCM
HS Trường THPT Chu Văn An lắng nghe những lời dặn dò của Phó Thủ tướng một cách chăm chú.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-637095/nong-am-le-khai-giang-tai-ngoi-truong-co-nhat-ha-noi.htm

Comments