Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Mở sang trang mới từ khi du học

Posted: 30 Sep 2012 05:45 AM PDT

Mỗi năm, Canada chào đón hàng trăm ngàn sinh viên quốc tế nhập học và cũng với con số đó là những du học sinh tốt nghiệp ở lại Canada tiếp tục trau dồi kinh nghiệm làm việc hoặc trở về để cống hiến cho quê hương của họ. Hãy cùng lắng nghe ý kiến của một vài sinh viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia trên toàn thế giới đã từng theo học tại Canada trong các ngành học khác nhau:

Thạc sĩ Darinka Aguirre (Mexico)  đã theo học chuyên ngành Nghệ thuật ứng dụng và Thiết kế công nghiệp tại ĐH Emily Carr cho biết, hai năm theo học tại Canada là ha năm quan trọng nhất trong sự nghiệp của cô. Cô đã trải nghiệm nhiều hơn những gì cô có thể tưởng tượng trước khi đặt chân tới đất nước này. Theo Darinka, Canada là đất nước thanh bình và đa dạng về văn hóa với những người dân hiền hậu và được hưởng những phúc lợi xã hội tuyệt vời. Trong thời gian du học tại Canada, Darinka đã có cơ hội tham gia và phát biểu tại một vài hội thảo quốc tế quan trọng. Cô chia sẻ: "Canada là đất nước mà tiếng nói của bạn được lắng nghe và ý kiến đóng góp của bạn được ghi nhận."

Mở sang trang mới từ khi du học

Theo cảm nhận của một cựu sinh viên trường cao đẳng George Brown chuyên ngành Quản lý điều hành khách sạn và nay đã rất thành công trong một tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới, hệ thống giáo dục tuyệt vời của Canada, đặc biệt là chuyên ngành bạn theo học trong hơn 2 năm tại đây đã tạo ra một con người tự tin và nhạy bén như hiện tại. Với những kinh nghiệm quý báu thu được từ trường học cũng như cuộc sống hàng ngày trong thời gian du học, bạn đã được công nhận là một trong những chuyên gia hàng đầu về ngành rượu vang trong tập đoàn Hilton kể từ khi tốt nghiệp cho tới nay.

Thạc sĩ Kébir Ratnani (Ma-rốc) chuyên ngành kỹ sư sinh hóa cũng cho biết hệ thống giáo dục tại Canada là một môi trường tuyệt vời,nơi mà ở đó sinh viên được làm trung tâm và các kiến thức truyền tải trên giảng đường cũng như các kinh nghiệm lao động thực tế giúp sinh viên thành công trong lĩnh vực mình đã chọn. Canada mang đến những trải nghiệm thú vị sau giờ học để sinh viên được hưởng thụ trọn vẹn cuộc sống nơi đây.

Mở sang trang mới từ khi du học 1

Một trong những bạn sinh viên Việt Nam được coi là biểu tượng của lớp sinh viên tiên phong du học tại Canada – Võ Hiếu Dân, với hơn 10 năm học đại học rồi lên thạc sĩ hiện tại đang nghiên cứu luận án tiến sĩ trong ngành đầu tư mạo hiểm tại Canada, điều quan trọng nhất mà mọi sinh viên du học có được là sự tự lập bởi cuộc sống mới sẽ đòi hỏi mỗi cá nhân đưa ra những quyết định nhanh chóng và chính xác khi cần thiết. Bên cạnh đó, thời gian du học tại Canada đã giúp cho Hiếu Dân nâng cao khả năng làm việc chung, biết đc những nền văn hóa khác, và có những suy nghĩ thoát khỏi khuôn phép gò bó trước kia. Theo Hiếu Dân, nếu nhìn việc du học là một sự đầu tư, với hy vọng sự đầu tư đó sẽ đem lại kiến thức, danh tiếng và tài chính sau này, thì mỗi sinh viên du học đều ý thức để làm sao cho sự đầu tư đó đáng giá.

Và chị Nguyễn Việt Kim Giang, đã từng theo học tại ĐH tổng hợp York và đã trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp thì không khỏi bồi hồi khi nhắc lại những năm tháng học tập và sống tại Canada: "Lựa chọn Canada để sống và học tập, bạn sẽ có một cơ hội để trải nghiệm một môi trương đa văn hóa, được gặp gỡ nhiều dân tộc trên thế giới, để có thể thương thức các món ăn của các quốc gia khác nhau và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí của của nhiều nền văn hóa khác nhau.Tôi thực sự rất nhớ khoảng thời gian sống và học tập tại Canada. Tôi đã học được rất nhiều không chỉ từ hệ thống giáo dục tiêu chuẩn cao với các trường ĐH tuyệt vời và các giáo sư ưu tú, mà còn từ sự đa dạng văn hóa và con ngươi thân thiện ở Canada. Đối với tôi, mọi thứ trở nên quá quen thuộc. Nếu tôi có một cơ hội để tiếp tục việc học của mình, một lần nữa tôi chắc chắn sẽ chọn Canada là điểm đến."

Để gặp gỡ với những cựu du học sinh khác, lắng nghe những chia sẻ của họ về quãng thời gian du học đáng nhớ tại Canada cũng như tìm hiểu về các điều kiện du học ở đất nước này, bạn có thể đến tham quan Triển lãm giáo dục Canada sẽ được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh (ngày 7/10), Đà Nẵng (ngày 10/10) và Hà Nội (ngày 13/10) sắp tới.

Mai Trang

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120928/Mo-sang-trang-moi-tu-khi-du-hoc.aspx

Đội ngũ giáo viên quyết định sự thành bại đổi mới căn bản, toàn diện nền GD

Posted: 30 Sep 2012 05:44 AM PDT

(GDTĐ)-Hội thảo "Trí thức Thủ đô với đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam giai đoạn 2012-2020" vừa tổ chức tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà giáo, giới trí thức Thủ đô…
Hội thảo
Hội thảo "Trí thức Thủ đô với đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam giai đoạn 2012-2020" . Ảnh: gdtd.vn

Tại hội thảo, các đai biểu đã tập trung thảo luận nhằm làm sáng tỏ 4 vấn đề lớn: Chương trình, sách, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp; hệ thống giáo dục quốc dân và cơ cấu nguồn nhân lực; chế độ đối với đội ngũ giáo viên hiện nay; đầu tư và hiệu quả.

Theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, quyết định sự thành bại của việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục chính là đội ngũ giáo viên, do vậy, công tác xây dựng đội ngũ giáo viên phải được xem là giải pháp cốt lõi, quan trọng nhất. Nguyên Phó Chủ tịch nước đưa ra 5 nhóm giải pháp: Đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành giáo dục và nâng cao chất lượng tuyển sinh vào ngành sư phạm; sắp xếp lại hệ thống các trường đại học sư phạm; đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông; sửa đổi chính sách về tiền lương và phụ cấp cho giáo viên; xây dựng và ban hành Luật nhà giáo và nghề dạy học, đặc biệt là xác lập chuẩn mực pháp lý về phẩm chất, năng lực của nhà giáo và người quản lý nhà trường.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Minh Hạc thì đưa ra 3 đề xuất nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Theo đó, cần có đủ trường lớp học kiến cố và thiết bị dạy học tối thiểu, các cấp học đều học 2 buổi/ngày; sách giáo khoa mới cho phổ thông, sách khoa học tự nhiên như các nước tiên tiến, sách khoa học xã hội đảm bảo tính khoa học, chính xác, đơn giản, thiết thực với phần thực hành tương thích, dạy và học giá trị sống và kỹ năng sống; chấn chỉnh, củng cố đội ngũ nhà giáo có phẩm chất và tay nghề.

Trong khi GS.TSKH.NGND Khổng Doãn Điền đặt vấn đề xây dựng lại tiêu chuẩn đạo đức của lớp thầy và cán bộ quản lý giáo dục thì GS.TS Chu Hảo cho rằng, cần thành lập ủy ban quốc gia về cải cách giáo dục độc lập với Bộ GDÐT để tổ chức tiến hành cuộc tổng điều tra giáo dục trong năm 2013; tổ chức soạn thảo Ðề án tổng thể về cải cách giáo dục trong năm 2014 để Chính phủ trình Quốc hội thông qua và tổ chức thực hiện bắt đầu từ năm 2015…

Hải Bình

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201209/Doi-ngu-giao-vien-quyet-dinh-su-thanh-bai-doi-moi-can-ban-toan-dien-nen-GD-1963822/

Như một áng sao bay!

Posted: 30 Sep 2012 05:44 AM PDT

(GDTĐ)-Con người đời thường giản dị những như niềm đam mê khoa học, khát khao muốn tận hiến cho đất nước của cố GS.Nguyễn Đình Tứ được kể lại qua dòng hồi ức chân thực và xúc động của chính hai người con trai giáo sư.

Gia đình GS.Nguyễn Đình Tứ
Gia đình GS.Nguyễn Đình Tứ

Nguyễn Đình Tứ: Một trí thức gương mẫu

Hồi ức về cố GS.Nguyễn Đình Tứ: Chuyện chưa từng kể (phần 1)

Hồi ức về cố GS.Nguyễn Đình Tứ: Chuyện chưa từng kể (tiếp theo)

Tại sao Ba tôi mê thiên văn?Qua lời kể con trai Nguyễn Mạc Hà

Thiên văn là một nỗi niềm say mê mà Ba tôi đã thích từ thuở thiếu niên. Từ hồi còn nhỏ tôi đã từng được nghe chú Nhân, em Ba, và bác Quế, bạn học của Ba, kể về chuyện Ba đã dùng ống nứa và mấy cái thấu kính, mắt kính cũ để tự làm lấy kính thiên văn. Và cũng đã từ hồi còn rất nhỏ ở Đúpna, thỉnh thoảng đi chơi với Ba, tôi lại được Ba chỉ cho xem : "Đây là chòm sao Thiên Nga, và đây là chòm sao con Bọ Cạp. Và kia là chòm sao con Bò Tót, ngôi sao sáng màu đỏ là mắt nó đấy…" Tôi chăm chú nhìn theo hướng Ba chỉ, nhưng dù cố hết trí tưởng tượng, vẫn không làm sao hình dung ra được, đâu là hai cái sừng của con bò tót, và đâu là hai cái càng của con bọ cạp… Về nhà, Ba lấy cho tôi xem cuốn Atlat sao, trên đó vẽ hình cả con bò tót, lẫn con thiên nga, với các chấm trắng chỉ các ngôi sao. Ngắm nghía một hồi, nhưng ra đến ngoài trời, tôi vẫn chẳng làm sao phân biệt được đâu là chòm sao nào… Có lẽ, đó là những lần đầu tiên Ba đã tìm cách dẫn dắt tôi vào thế giới kỳ lạ của Thiên văn học. Nhưng tôi còn quá bé để hiểu được điều đó.

Còn đối với Ba, đó lại là một niềm đam mê cho đến tận cuối cuộc đời…

Hè năm 1972, giặc Mĩ ném bom đánh phá miền Bắc một lần nữa. Lúc này, cả gia đình tôi đã từ Đúpna trở về Việt Nam, Ba tôi về làm ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi cùng Ba đi sơ tán ở Hà Bắc. Và Ba tôi đã mượn được của Trường một cái kính thiên văn, đêm đêm lại ra sau vườn "ngắm sao". Nhưng mà tôi, lúc ấy đã 10 tuổi, vẫn không hiểu gì cả, một phần khác vì đang mải say sưa với một sở thích mới – radio – điện tử nghiệp dư, qua một cuốn sách Ba cho. Cũng phải nói radio – điện tử cũng là một thích thú, như ta có thể gọi là "hobby" khác của Ba tôi. Và cái hobby này đã lây rất nhanh sang tôi, và thực tế có thể coi là đã trở thành cái nghề thứ hai của tôi. Nhưng riêng về thiên văn, kỷ niệm duy nhất của tôi về chiếc kính thiên văn mà Ba mượn về hồi đi sơ tán, là khi giữa ban ngày, Ba đã lấy cái kính ra cho cả một bầy trẻ con chúng tôi xem thằng phi công Mĩ nhảy dù khi bị tên lửa ta bắn rơi.

Hoà bình lập lại, rồi đất nước thống nhất, bẵng đi một thời gian dài không thấy Ba nói gì đến thiên văn… Năm 1980 tôi đỗ đại học, và được sang Liên Xô học Khoa Vật lý Trường Đại học Tổng hợp Mátxcơva mang tên Lômônôxốp. Năm 1986, khi tốt nghiệp về nước và chuẩn bị sang lại làm nghiên cứu sinh, tôi mới lại được nghe Ba tôi nhắc đến thiên văn. Lần này là sao Chổi Haley, một sao Chổi định kỳ rất nổi tiếng. Bây giờ phần nào đã hiểu hơn về Thiên văn học, mặc dù vẫn chỉ coi nó là một thú vui giải trí của Ba, tôi đã cùng Ba tìm đọc các bài báo viết về sao Chổi Haley, và tìm cách xem có thể nhìn thấy được sao Chổi ở Hà Nội không. Nhưng điều kiện hồi ấy đã không thuận lợi để có thể nhìn thấy được sao Chổi Haley, nhất là ở Hà Nội. Nhưng bù lại, với chiếc ống nhòm mua được trong một chuyến đi công tác ở Cộng hoà dân chủ Đức, Ba đã cho tôi xem sao Hoả, sao Kim, sao Mộc với những vệ tinh tý hon, và cả sao Thổ – phải nhìn rất lâu và rất kỹ mới có thể "đoán" ra được cái vành nổi tiếng của nó… Và cả Tinh vân Tiên Nữ mà tôi đã từng được biết qua cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cùng tên của nhà văn Nga Êphrêmốp – mặc dù, với chiếc ống nhòm 8×30, mà tôi vẫn còn giữ cho đến bây giờ, giữa Hà Nội đầy ánh sáng đèn, Tinh vân Tiên Nữ cũng chỉ hiện ra được như một vệt sáng mờ mờ…

Thời kỳ này, ở Hà Nội đã bắt đầu xuất hiện những chiếc máy tính PC đầu tiên, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có một nhóm lắp ráp những chiếc máy có thể coi là PC Việt Nam đầu tiên, với mác Bamboo… Biết tôi vẫn say mê điện tử, và rất thích máy tính, Ba đã giới thiệu cho tôi đến "thực tập" ở đấy. Và Ba cũng giao cho tôi một "bài toán" : viết một chương trình bằng BASICA (ngôn ngữ lập trình chính cho các máy IBM PC tương thích hồi ấy) để có thể vẽ ra được vị trí các vệ tinh của sao Mộc ! Đối với tôi, bài toán này không phải là khó lắm, nhất là khi mà tất cả các công thức tính toán, quy chiếu toạ độ, v.v…, Ba đã viết sẵn hết cả ra cho tôi. Chỉ phải suy nghĩ một chút về lưu đồ xử lý và lập trình phần hiển thị đồ hoạ là xong. Ba tôi đã rất thích thú khi tôi cho xem chương trình chạy, khi vị trí các vệ tinh trên màn hình thay đổi tuỳ thuộc theo ngày giờ mà Ba nhập vào. Tất nhiên, tất cả các hình vẽ đó Ba cũng đã có trên giấy, với những tính toán được Ba thực hiện bằng một chiếc máy tính cầm tay (calculator) đ

ơn giản. Điều làm Ba tôi thực sự thích thú, là khả năng mô hình hoá các tính toán thiên văn phức tạp và hiển thị trực quan với một ngôn ngữ lập trình hết sức đơn giản như BASICA !

Phải nói thêm rằng, từ thời kỳ còn làm việc ở Đúpna, Ba tôi đã tự học thêm máy tính, tranh thủ những giờ ban đêm khi không ai sử dụng máy tính. Khá lâu sau khi về Việt Nam rồi hai anh em chúng tôi vẫn còn được dùng những tập giấy máy tính cũ của Ba làm giấy nháp. Và mãi sau này tôi mới được biết, những chương trình máy tính băng FORTRAN do Ba tôi viết từ những năm 60 cho đến nay vẫn được sử dụng tại Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Đúpna để xử lý các ảnh vết từ các buồng bọt trên máy gia tốc…

Nhưng vào mùa hè năm 1986 ấy, có lẽ là lần đầu tiên niềm say mê thiên văn của Ba tôi đã được "tiếp cận" với một công cụ xử lý – mà đến nay đã trở thành hết sức phổ cập – chiếc máy tính PC…

Cuối năm 1986 tôi quay lại Liên Xô làm luận án phó tiến sĩ. Đâu đó năm 1987-1988 trong một lần đi công tác ghé qua Liên Xô, khi cùng Ba đi chơi thăm Hồng Trường, Ba đã bảo tôi đưa đến cửa hàng "Thế giới trẻ em" nằm ngay giữa trung tâm Mátxcơva, Ba đã đứng ngắm nghía rất lâu chiếc kính thiên văn bày bán ở đó, và phân vân mãi không biết nó nặng bao nhiêu cân ? Ngày hôm sau Ba tôi đã lên đường sang dự Hội nghị ở một nước nào đó khác, và rồi sau này tôi mới được biết, trên đường quay trở về Việt Nam, dừng lại chuyển máy bay ở Mátxcơva có nửa ngày, Ba đã tự ra cửa hàng "Thế giới đồ chơi" và mua cái kính thiên văn ấy !

Mấy năm trôi qua, năm 1995 tôi mới từ Liên Xô (lúc này đã trở thành Liên bang Nga) trở về Việt Nam. Nhà tôi đã có một chiếc máy tính PC 486 do cơ quan Ba cấp cho. Tối tối vẫn thấy Ba lấy ống nhòm – vẫn chiếc ống nhòm Đức thuở nào – và kính thiên văn ra xem sao, rồi lại ngồi tính toán trên máy tính. Bây giờ không còn phải viết chương trình bằng BASICA nữa, mà dùng chương trình MathCAD cho phép trực tiếp nhập các công thức, phương trình và biểu thức, và kết quả có thể được hiển thị dưới dạng hình vẽ chuyển động như hoạt hình… Hàng tháng, Ba tôi đã đặt mua Tạp chí Thiên văn Astronomy xuất bản ở Mĩ, và còn nhiều cuốn Niên giám Thiên văn tôi gửi cho Ba về từ Mátxcơva. Vậy mà tối tối, vẫn thấy Ba lấy kính thiên văn ra soi soi, xem xem, rồi lại ngồi vào máy tính, không biết tính toán cái gì ?… Một buổi tối, Ba hỏi tôi : "Hà có biết làm cách nào để đưa một phương trình tích phân kiểu này vào MathCAD không ?" Thật may, tôi đã từng sử dụng MathCAD cho luận án phó tiến sỹ của mình ! Tối hôm ấy, hai Ba con đã cùng ngồi và giải xong trên MathCAD một bài toán cơ học 3 vật thể khá phức tạp. Hoá ra, đó vẫn là tiếp tục của bài toán mà Ba đã giao cho tôi mùa hè năm 1986 : tính toán vị trí các vệ tinh của sao Mộc ! Với những công thức đơn giản hoá như hồi đó, thì chỉ sau vài chục chu kỳ quay vị trí các vệ tinh không còn trùng với thực tế trên trời nữa. Và mặc dù các sách vở, niên giám đều đã có các biểu đồ chính xác để xác định vị trí các vệ tinh của sao Mộc, Ba tôi vẫn muốn tự tay mình tính toán, để tự mình xác định xem yếu tố nào (tác động tương tác giữa các vệ tinh với nhau và với sao Mộc, tính không lý tưởng của quỹ đạo, v.v…) có tác động lớn nhất đến sai số tính toán…

Và dần dần, qua những lần giúp Ba giải những bài toán thiên văn ấy, đọc lại những cuốn Tạp chí Thiên văn Astronomy cũ của Ba, tôi mới hiểu được nguyên nhân vì sao Ba tôi say mê thiên văn. Chưa nói đến vẻ đẹp của dải Ngân Hà và các chòm sao, của các thiên hà mà ta có thể nhìn thấy được bằng mắt thường hay bằng kính thiên văn. Chưa nói đến các hiện tượng thiên văn kỳ vĩ đã từng làm cha ông ta khiếp sợ như Nguyệt thực và Nhật thực. Nhưng trước hết, đối với Ba, Thiên văn học là một khoa học chính xác, mà với trí tuệ và những kiến thức loài người đã tích tụ được qua nhiều thế hệ ta có thể lý giải và tiên đoán được những hiện tượng thiên nhiên tưởng chừng như bí hiểm -  từ vị trí và chuyển động của một ngôi sao trên trời, cho đến Nhật thực, Nguyệt thực và sao Chổi… Và về bản chất, cũng như thực tế các lý thuyết khoa học đang được xem xét và tranh cãi, thiên văn học, nhất là vật lý thiên văn, gắn bó hết sức khăng khít với vật lý hạt nhân, vật lý hạt cơ bản và năng lượng cao – chuyên ngành chuyên môn của Ba tôi…

Thật đau buồn là tôi hiểu ra được điều đó quá muộn…

Năm 1996, cả nước chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ VIII. Mặc dù vô cùng bận rộn với công việc của Ban Khoa giáo, với những công tác chuẩn bị cho Đại hội, nhiều đêm vẫn thấy Ba tôi ngồi vẽ, tính toán để chuẩn bị cho một "sự kiện" khác – sao Chổi Halle – Bopp… Tôi nhớ Ba tôi có lần nói – sao Chổi này sẽ rất đẹp và sáng, và sẽ có thể dễ dàng quan sát được ở Hà Nội, thậm chí có thể chụp ảnh được… Mặc dù, có người nói rằng, sao Chổi mang đến điềm xấu…

Tháng 6 năm 1996, Đại hội Đảng lần thứ VIII khai mạc… Và những ngày đau thương, Ba tôi đã ra đi vĩnh viễn…

Mấy tháng sau, soạn lại các giấy tờ sách vở của Ba, tôi ngồi lật lại tập Tạp chí Thiên văn Astronomy, và chợt đọc thấy "Halle – Bopp"… Đây chính là sao Chổi mà Ba đã muốn chụp ảnh ? Và đã là cuối tháng 11, bây giờ đã bắt đầu có thể quan sát được sao Chổi rồi ! Mấy buổi chiều tối liền, tôi lấy ống nhòm – vẫn lại cái ống nhòm Đức của Ba mua từ hơn 10 năm trước… – tìm cách soi cho ra sao Chổi. Nhưng có vẻ vô vọng – hôm thì trời mưa, không mưa thì mây mù, hoặc trời đẹp, nhưng đúng hướng mặt trời lặn lại có mây… Và điều quan trọng là, biết tìm sao Chổi ở chỗ nào ? Liệu hình thù nó ra sao – ảnh chụp các loại sao Chổi khác nhau trên sách vở thì nhiều, nhưng đều là chụp qua các loại kính thiên văn, hoặc ít nhất thì cũng là ống kính tele – với chiếc ống nhòm nghiệp dư này, trông nó sẽ ra sao ? Chưa định vị được bằng ống nhòm, thì làm sao hy vong có thể soi được bằng kính thiên văn, chưa nói đến chuyện chụp ảnh ? Và quan trọng nhất, là : tìm sao Chổi Halle – Bopp ở chỗ nào bây giờ ?

Tôi lại quay lại với chồng sách vở của Ba. Và trong một tập giấy tờ tôi đã tìm được các bản vẽ và tính toán của Ba, trên mặt sau của những trang công văn, báo cáo. Thậm chí có cả toạ độ của sao Chổi theo từng ngày giờ ! Chỉ có mỗi một "vấn đề phức tạp", là làm cách nào để định vị được các toạ độ đó ở trên mái nhà đây ? Ba tôi thì thuộc lòng những thứ ấy, chỉ nhìn vào toạ độ một ngôi sao là Ba đã biết phải quay về hướng nào, nhìn về độ cao nào… Còn tôi, lại phải loay hoay mất mấy ngày, đọc sách vở và các ghi chép của Ba. Rồi lại phải ngóng đợi trời đẹp… Nhưng rồi cuối cùng, tôi cũng đã tìm thấy được sao Chổi Halle – Bopp, và đúng theo như các ghi chép tính toán của Ba. Qua cả kính thiên văn, sao Chổi Halle – Bopp hiện lên rất rõ ràng, với hạt nhân sáng chói và vệt đuôi sáng kéo dài… Tôi đã gọi cả Má và vợ chồng Hùng – Liên, em tôi, và cháu Khánh, ra xem – đây chính là sao Chổi mà Ba đã muốn chụp ảnh…

Mấy ngày sau, Hùng đã mượn về cho tôi một chiếc máy ảnh "tử tế" hơn cái máy ảnh Zenit cũ kỹ của tôi, và tôi đã đi lùng khắp Hà Nội để mua cho được 2 cuộn phim Kodak Pro 1600 có độ nhạy cao. Lần đầu tiên chụp ảnh thiên văn, biết chọn thời gian, độ mở ống kính là bao nhiêu đây ? Tôi cứ đành liều, chụp hết 1 cuộn với các chế độ khác nhau, rồi hôm sau mang đi rửa ngay. Chỉ được 1-2 cái, nhưng ít nhất tôi đã biết chế độ chụp nào là thích hợp. Nhưng lúc này, sao Chổi Hale-Bopp đã tiến đến quá gần Mặt Trời, và xuất hiện quá thấp trên chân trời để có thể chụp ảnh được… Lại phải mấy tháng chờ đợi, và mãi đến tháng 4 – 1997, khi sao Chổi xuất hiện lại sau khi đã bay vòng qua phía sau Mặt Trời, tôi mới có điều kiện để thực hiện điều mà Ba tôi đã mơ ước – chụp ảnh sao Chổi Hale-Bopp…

Mấy tấm ảnh Halle – Bopp đẹp nhất dưới đây, đối với tôi không chỉ là những kết quả đầu tiên trong việc chụp ảnh thiên văn. Đó còn là món quà muộn màng tôi dành cho Ba tôi, và là những bước đầu tiên trong một thú say mê đã từng là của Ba tôi trong suốt cuộc đời…

Mong ước tiếp theo của tôi, là chụp ảnh được Tinh vân Tiên Nữ… Ba ơi, con đã hiểu tại sao Ba lại say mê thiên văn.

hình ảnh sao Chổi Halle - Bopp do Mạc Hà chụp tháng 4 - 1997
Hình ảnh sao Chổi Halle – Bopp do Mạc Hà chụp tháng 4 – 1997

Như  một áng sao bayLời kể của con trai Nguyễn Việt Hùng

Gia đình chúng tôi, từ đời ông, các chú bác, Ba Má tôi đến anh em chúng tôi đều đi theo con đường kỹ thuật và khoa học tự nhiên. Tuy vậy dường như ở đâu đó đằng sau luôn ẩn chứa một tâm hồn văn chương với đôi chút bay bổng. Đối với tôi cũng vậy, khi nhớ về Ba, tôi lại nhớ tới những kỷ niệm, những sự việc dường như hoà trộn giữa hai con người trong Ba – một nhà khoa học, một nhà quản lý nghiêm túc và một người cha hiền từ đầy tính nhân văn. Tôi chợt nghĩ nếu mình cố viết một câu chuyện về Ba, thì cũng chỉ ghi lại được những cảm xúc chợt đến chợt đi qua những mẩu chuyện nhỏ rời rạc tựa như những áng sao bay trên trời chợt loé chợt tắt mà một thời Ba vẫn say mê.

Hồi bé, ngay từ tuổi nhà trẻ tôi được theo Ba Má sang Liên Xô. Thời gian đó Má tôi làm nghiên cứu sinh ở Mátxcơva, còn hai anh em tôi cùng với Ba sống tại Đúpna, một thành phố nhỏ êm đềm bên bờ sông Vonga, cách Mátxcơva khoảng 200 cây số. Ba đang tham gia vào những công trình nghiên cứu với các đồng nghiệp đến từ nhiều nước khác nhau cùng làm việc tại Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân. Tuy nhiên, điều đó thì tôi chẳng hiểu gì cả vì còn quá nhỏ. Tôi chỉ cảm nhận được rằng, Ba đã nhận thêm trách nhiệm chăm sóc chúng tôi để Má được yên tâm nghiên cứu. Chỉ đến cuối tuần, Má mới được về thăm Ba và anh em chúng tôi. Lúc đó chúng tôi đi học, đi nhà trẻ suốt ngày nên toàn nói chuyện thậm chí suy nghĩ cũng bằng tiếng Nga. Nhưng đến giờ tôi vẫn nhớ những buổi tối, khi đã lên giường chuẩn bị ngủ, Ba vẫn thường kể cho chúng tôi những câu chuyện về Tôn Ngộ Không. Giờ đây, đã hơn ba mươi năm qua đi, chẳng làm sao tôi nhớ được cốt truyện hồi đó, nhưng giọng kể nhẹ nhàng êm ái của Ba vẫn như ru bên tai để đưa tôi vào giấc n

gủ. Sau này lớn lên, Ba thì quá bận rộn, chúng tôi không còn được nghe Ba kể chuyện nữa, thế nhưng thật xúc động khi tôi được nghe một số bác bạn cũ của Ba nhắc lại cái tài kể chuyện của Ba từ những năm gian khó ở Việt Bắc.

Năm 1971, gia đình chúng tôi về nước và chỉ sau vài tháng, với vốn tiếng Việt bập bõm, tôi bước vào lớp một. Thật đáng ngạc nhiên, tôi vẫn nhớ thái độ cương quyết của Ba luôn kèm tôi tiếp tục học đọc và viết tiếng Nga trong lúc kết quả tháng đầu lớp một tôi bị “đội sổ”. Sau này, tôi mới thấm thía bài học ấy. Do thời điểm đó, ở trường cũng như môi trường tiếp xúc của tôi chẳng ai dạy hay nói tiếng Nga nên cái vốn liếng tiếng Nga bẩm sinh từ vườn trẻ bị rơi rụng rất nhanh, còn may là nhờ Ba nên chúng vẫn lưu giữ được ít nhiều. Còn tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ nên dù chẳng bị gò ép học đêm ngày như ngày nay, đến cuối năm học tôi đã được xếp thứ 5.

Một bài học, một thói quen hữu ích nữa mà Ba đã truyền cho chúng tôi ngay từ tuổi phổ thông mà tôi không biết nó bắt nguồn từ con người “nhà khoa học” hay là từ con người “văn học” của Ba, đó là thói quen viết nhật ký. Hai anh em chúng tôi đã liên tục viết nhật ký từ nhỏ. Hằng ngày, chúng tôi ghi chép lại tất cả mọi câu chuyện diễn ra cùng với một vài suy nghĩ nhận xét của bản thân. Những dòng chữ nghều ngào, những câu văn ngây ngô dần được chải chuốt và tiến bộ lên theo thời gian, cũng như chính sự tiến bộ, trưởng thành của chúng tôi trong những ngày đó. Giờ đây và mãi sau này nữa, những cuốn nhật ký của chúng tôi và hơn nữa những cuốn sổ ghi chép của chính Ba sẽ là những kỷ vật vô giá đối với gia đình. Sau này, tôi ít khi tiếp tục viết, tôi không còn giữ được thói quen ghi nhật ký nữa, cuộc sống sôi động và bận rộn dường như cuốn mọi người đi. Vậy mà Ba, khi tôi có cháu đầu lòng, Ba tôi lúc này được “lên chức” ông nội, đã lại bắt đầu một cuốn nhật ký mới dành riêng cho cháu nội của mình. Mặc dù hết sức bận rộn với bao trọng trách nặng nề, Ba vẫn cố dành ít phút mỗi ngày để ghi lại những sự kiện, biến cố của đứa cháu nhỏ. Cuốn nhật ký mới giờ đây đã mang nặng nét thống kê khoa học và nhẹ phần văn chương thế nhưng vẫn thấm đẫm tình cảm yêu thương. Lạ hơn nữa, Ba lại còn lấy ra một cuốn nhật ký khác đã ố vàng trong đó ghi lại từng bước đi của hai anh em tôi . Đặt hai cuốn sổ cạnh nhau, Ba cười thật hiền và chứng minh với Má, là một giáo sư, bác sĩ chuyên khoa nhi, bằng những biểu đồ, dẫn chứng cụ thể về sự phát triển ở những thời kỳ khác nhau của những đứa trẻ sơ sinh cách nhau tới 30 năm.

Nhân nói về thói quen ghi chép của Ba, tôi cũng muốn nhắc đến một ghi chép mang tính khoa học thực nghiệm đã ngấm vào cả những thú vui nho nhỏ đời thường. Vài năm về sau, cuối mỗi ngày làm việc căng thẳng, Ba thường thư giãn bằng cách chăm sóc cây, hoa trong vườn. Khách quan mà nói, cây và hoa của Ba đều thuộc loại rẻ tiền và chẳng đẹp mấy. Thế nhưng đối với mỗi cây, Ba đều lập phiếu theo dõi riêng có vẽ cả hình dáng và mô tả chi tiết quá trình và quy luật phát triển. Thế rồi, với niềm vui nho nhỏ được chia sẻ, chiều chiều Ba lại dắt cháu Cún mới được 3 tuổi đi xem cây và giảng giải cho cháu nghe về cuộc sống của chúng. Có lẽ một bài học lớn Ba đã truyền lại cho chúng tôi không bằng bất kỳ một giáo lý nào mà bằng những công việc cụ thể nhẹ nhàng hàng ngày, đó là ý thức nghiên cứu tìm tòi, là thái độ làm việc nghiêm túc, cẩn trọng và chính xác của một nhà khoa học. Tiếc rằng bài học đó, tôi và cả con tôi nữa cũng chỉ học được một phần rất nhỏ từ Ba.

Khi vào đại học, với tuổi trẻ bồng bột và ham chơi, tôi theo ngành Địa chất. Khác với Ba, tôi muốn bằng tay mình cảm nhận được những phiến đá xù xì hiện hữu, chứ không săn tìm những vì sao xa vời hoặc lần mò với những tương tác vi mô ở đâu đó ngay trước mặt mà ta không tự thấy được. Thế nhưng vẫn chỉ bằng những câu chuyện giản dị hàng ngày, thật vô hình nhưng Ba đã dần hướng tôi đi theo một con đường, con đường tôi không chọn trước, nhưng Ba đã vạch ra, không phải chỉ cho riêng tôi mà dường như Ba đã nhắm đến cho cả một thế hệ tương lai. Tôi đi dần từ các nghiên cứu về sa khoáng đến các nguyên tố xạ hiếm và cuối cùng là quặng hoá uranium. Thật vô tình, hay là hữu ý của Ba, tôi đã từng bước nhập vào đội ngũ những người đặt nền móng cho chương trình năng lượng nguyên tử tương lai, đó là vào những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ XX. Tôi không thể biết chắc vì thuộc thế hệ đi sau, nhưng là người con trong gia đình, tôi có thể nói rằng : Ba tôi là một trong những người khởi xướng và kiên trì theo đuổi kể cả trong những thời điểm đầy khó khăn việc xây dựng chương trình năng lượng nguyên tử tự cường phục vụ hoà bình cho Tổ quốc.

Sau này, khi bắt đầu ra đời công tác và dần trưởng thành, tôi vẫn luôn cảm nhận thấy nỗi niềm trăn trở của Ba về mong muốn tập hợp và xây dựng lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học nói chung và phát triển năng lượng nguyên tử nói riêng. Công việc thì nhiều, nhưng tôi thấy, xen vào từng chồng công văn giấy tờ, tài liệu của Đảng, Nhà nước… là những bộ hồ sơ thực tập của các cán bộ nghiên cứu mà Ba vẫn xem xét và sửa chữa kỹ lưỡng ngay cả trong lúc ăn cơm. Thói quen “xấu” đọc tài liệu trong khi ăn đến nỗi nhiều lúc không biết mình đang ăn món gì và suốt cả buổi tối ngày nào cũng như ngày nào, dần cũng được Ba hy sinh bớt để nhường chỗ cho những phút sôi nổi chuyện trò gia đình, nhất là khi đã có con dâu, có cháu. Những câu chuyện gia đình lúc ấy mặc dù đã nói nhiều về xã hội, về cuộc sống nhưng vẫn thường đan xen và vẫn thường quay trở về với những trăn trở công việc của Ba. Những vấn đề bức xúc của ngành Y mà Má tôi thường “chất vấn”, những mặt còn bất cập trong hệ thống giáo dục mà đứa cháu nội đang bắt đầu phải đối mặt, hay các công tác quản lý và nghiên cứu khoa học mà bản thân tôi nhiều khi cũng thắc mắc… rất nhiều việc thường được thảo luận một cách vui vẻ và dân chủ trong gia đình. Tuy nhiên, Ba thường giới hạn ở những câu chuyện vui bên ngoài, có lẽ Ba vẫn luôn giữ một nguyên tắc là công việc đó là trách nhiệm của cá nhân Ba và Ba không muốn cũng như không được đưa những công việc chung vào cuộc sống gia đình.

Còn nhiều những kỷ niệm nữa mà chắc rằng tôi không thể kể hết được qua một bài viết nhỏ. Tôi chỉ nghĩ rằng, với riêng tôi, bằng tấm lòng kính yêu đối với Ba, tôi muốn qua những mảnh hồi ức nho nhỏ ghi lại được một góc cạnh rất đời thường của Ba. Từ xưa, người ta đã nói mỗi con người đều có một số phận và nó được gắn liền với những ngôi sao trên bầu trời. Đối với tôi, và gia đình, cuộc đời Ba bằng tấm gương nhân hậu đã đọng lại như áng sao Chổi lung linh mà chính Ba hằng dõi tìm.

Hiếu Nguyễn (ghi)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201209/Nhu-mot-ang-sao-bay-1963824/

“Giáo dục đang đi lạc đường!”

Posted: 29 Sep 2012 06:17 PM PDT

“Giáo dục đang đi lạc đường!”

TTO – "Giáo dục đang đi lạc đường!" là ý kiến của GS Hoàng Tụy tại hội thảo góp ý đổi mới giáo dục do Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Hà Nội tổ chức ngày 29-9 tại thủ đô Hà Nội.

Nhiều chuyên gia giáo dục, nhà khoa học đã có ý kiến phản biện và kiến nghị về nhiều vấn đề của giáo dục trong bối cảnh Bộ GD-ĐT và Ban Tuyên giáo T.Ư đang xây dựng đề án "Đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện".

Các chuyên gia tại hội thảo

Hơn 20 tham luận và nhiều ý kiến trực tiếp tại hội thảo trên tiếp tục phân tích và tranh luận về nhiều vấn đề của giáo dục hiện nay. GS Hoàng Tụy, một trong những cây đại thụ của ngành giáo dục VN, cho rằng giáo dục đang lạc đường khi "triết lý giáo dục bao cấp" được hiển hiện ở tất cả các khâu của giáo dục hiện nay: chương trình, phương pháp giảng dạy, cách thức thi cử đến tổ chức giáo dục, chính sách tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ…

Cần Ủy ban cải cách giáo dục quốc gia

GS Chu Hảo điểm lại nhiều ý kiến đề xuất của các nhóm trí thức trong và ngoài nước kêu gọi cải cách giáo dục, từ ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến kiến nghị của 24 nhà khoa học do GS Hoàng Tụy chủ biên. Nhiều kiến nghị khác đến từ các nhà khoa học VN ở nước ngoài, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN, nhóm các nhà giáo dục do nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đại diện.

GS Hảo cho rằng cần có một cuộc tổng điều tra để có thể biết rõ nền giáo dục chúng ta yếu kém nhất ở những khâu nào, yếu kém đến mức độ nào bởi “nếu không có một cuộc tổng điều tra đó thì mọi kiến nghị cải cách chỉ mang tính gợi ý chứ không thể tạo ra các chương trình hành động khả thi".

GS Phạm Thị Trân Châu nêu ý kiến cần phải nghiên cứu và làm rõ về những tác động tiêu cực của xã hội hiện nay đến giáo dục như tình trạng "chạy tiền để mua việc trong vấn đề tuyển dụng nhân lực" và rất nhiều tiêu cực khác đang trở nên phổ biến.

Trong khi đó, GS Nguyễn Minh Đường liệt kê tới sáu cái "không thực hiện" của nền giáo dục hiện nay, trong đó có vấn đề phân luồng sau THCS và THPT, liên thông giữa các trình độ đào tạo, ngành nghề, chuẩn hóa hệ thống đào tạo và xây dựng mạng lưới cơ sở đào tạo hợp lý.

Theo các chuyên gia giáo dục, với thực trạng giáo dục "nhìn đâu cũng thấy bất ổn" như hiện nay thì cần phải thành lập một Ủy ban giáo dục quốc gia thật sự có quyền lực giúp Đảng và Chính phủ điều phối toàn bộ công cuộc đổi mới nền giáo dục. Một vài ý kiến cho rằng nên thành lập Ủy ban cải cách giáo dục vì "Ủy ban giáo dục quốc gia đã từng được thành lập nhưng trên thực tế tiếng nói không được coi trọng".

Đầu tư nhân lực

PGS Khổng Doãn Điền khẳng định: "Phải đi từ yếu tố con người, đó là xây dựng lại tiêu chuẩn đạo đức của lớp thầy cô giáo sao cho bằng được ngày xưa. Chỉ khi xây dựng được đội ngũ nhà giáo có tâm huyết, có lương tâm trong sạch mới nên nghĩ đến việc làm các bước tiếp theo”.

GS Nguyễn Xuân Hãn cho biết “lương giáo viên hiện nay quá thấp là một nguyên do khiến giáo viên không yên tâm với nghề và người giỏi không chọn ngành sư phạm". PGS Khổng Doãn Điền lại cho rằng: "Giáo viên không gắn bó với nghề không hẳn do đãi ngộ mà là "đãi ngộ như thế đã công bằng chưa?".

Có chung quan điểm trong việc đầu tư số 1 cho "con người", nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đề xuất từ năm học 2013-2014 nên chấm dứt tuyển sinh đào tạo giáo viên phổ thông trình độ trung cấp và cao đẳng, tính toán cân đối giữa đào tạo và tuyển dụng giáo viên đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông sau năm 2015. Bà Bình cho biết theo điều tra mới nhất, có một tỉ lệ khá lớn giáo viên phổ thông không đáp ứng được yêu cầu của chương trình – sách giáo khoa hiện hành. Bà cho rằng phải đặc biệt chú trọng phát triển phẩm chất nhà giáo và năng lực giảng dạy. Đồng thời có chính sách thu hút người giỏi vào ngành sư phạm.

GS Vũ Hoan, chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, kiến nghị tách lương giáo viên ra khỏi hệ thống lương hành chính sự nghiệp trong việc cải cách lương sắp tới. Trước mắt, phải cho giáo viên nghỉ hưu trước ngày 1-1-1994 đến 1-5-2011 được hưởng phụ cấp thâm niên để công bằng.

"Dạy chữ" hay "dạy người" trước?

GS Hoàng Tụy cho rằng "nền giáo dục của ta phải đề cao tính nhân văn, rèn luyện nhân cách, phẩm chất trí tuệ, năng lực cảm thụ, ý thức cộng đồng". Nói một cách khác, phải có định hướng lại cách dạy cho thanh thiếu niên VN thành người như thế nào chứ không chỉ nhồi nhét kiến thức để chạy theo các kỳ thi, chạy theo bằng cấp để rồi thiếu hụt những kỹ năng cần thiết cho công việc và cho cuộc sống.

GS Phạm Minh Hạc cho rằng bên cạnh việc dành ưu tiên cho việc dạy trẻ con kỹ năng sống cần thiết và những phẩm chất cần có để bước vào cuộc sống, nội dung giáo dục phải có tính phân luồng mạnh hơn và hiệu quả hơn.

Hội thảo không có đại diện Bộ GD-ĐT đến dự.

VĨNH HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/513748/Giao-duc-dang-di-lac-duong.html

195 khóa học qua mạng miễn phí

Posted: 29 Sep 2012 06:17 PM PDT

Công ty đào tạo qua mạng của Mỹ Coursera sẽ cung cấp 195 khóa học miễn phí sau khi thu hút thêm 17 viện, đại học đối tác. Coursera do Giáo sư Daphne Koller và Andrew Ng từ ĐH Stanford (Mỹ) lập ra, với các khóa học đầu tiên bắt đầu vào cuối tháng 4.

Lúc đầu, Coursera chỉ có 5 đối tác, gồm các ĐH: Stanford, Michigan, Princeton, Pennsylvania và California ở Berkeley. Tính đến nay, Coursera thu hút được 33 viện, đại học tham gia cung cấp các khóa học và hơn 1.350.000 học viên từ 196 quốc gia, theo báo The New York Times. Trong đó, nước có học viên đăng ký nhiều nhất là Mỹ, (chiếm 1/3), kế đến là Brazil và Ấn Độ. Thông tin chi tiết về các khóa học cũng như các viện, trường được đăng tại www.coursera.org.

Minh Trung

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120928/195-khoa-hoc-qua-mang-mien-phi.aspx

Công bố khung trình độ quốc gia vào năm 2013

Posted: 29 Sep 2012 06:17 PM PDT

(GDTĐ)- Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về quy hoạch nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ GDĐT xây dựng Khung trình độ quốc gia để công bố vào tháng 1/2013.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự nghiêm túc của các Bộ, ngành, địa phương trong bước đầu triển khai thực hiện việc xây dựng bản quy hoạch nguồn nhân lực - Ảnh: VGP/Từ Lương
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị – Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới Bộ GDĐT, Bộ LĐ-TB-XH sớm xây dựng, hoàn thiện và khẩn trương ban hành danh mục tiêu chí, tiêu chuẩn và hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật của loại hình dịch vụ giáo dục đại học để làm cơ sở đặt hàng, giao nhiệm vụ, đánh giá chất lượng dịch vụ cung cấp;  rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc mở ngành, giao chỉ tiêu tuyển sinh, hợp tác quốc tế trong đào tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trường thực hiện quyền tự chủ trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ GDĐT chỉ đạo các Sở GDĐT các tỉnh, thành phố thống kê số lượng số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm nhằm có phương án giúp cho số sinh viên này tìm kiếm được việc làm.

Tháng 1/2013 các tỉnh phải có báo cáo về công tác triển khai công tác quy hoạch nhân lực, trong tháng 2/2013 sẽ tổ chức tiến hành đi kiểm tra thực tế tại các địa phương và đến tháng 3/2012 tổ chức hội nghị đánh giá công tác triển khai thực hiện năm 2012.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị cần có chương trình làm việc với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp để có kế hoạch, chỉ tiêu đào tạo cho năm 2013, đặc biệt là ngành nông nghiệp, du lịch, các khu công nghiệp. Hiện nay, nhiều địa phương có sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng chưa có việc, cần triển khai tạo công việc ổn định, tránh lãng phí nguồn nhân lực.

Phó Thủ tướng cho biết, tháng 10/2012, khi Ban Chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết tại Hội nghị Trung ương 6 về đổi mới, phát triển Giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ cần coi việc quy hoạch nhân lực là cấu phần quan trọng, là động lực để triển khai hiệu quả các Nghị quyết này.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201209/Yeu-cau-cong-bo-khung-trinh-do-quoc-gia-vao-nam-2013-1963803/

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục: Cải cách quản trị và tài chính

Posted: 29 Sep 2012 06:17 PM PDT

Giáo sư Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, người có thời gian dài nghiên cứu sâu về giáo dục ĐH, đã góp ý một góc nhìn khác trong tiến trình thay đổi nền giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH.

Xây dựng nền giáo dục nhân văn – công nghệ

Vẫn giẫm chân tại chỗ

Theo Giáo sư (GS) Phạm Phụ, ở các nước cứ một thời gian người ta lại đổi mới giáo dục (GD) một lần để thay đổi nền GD theo hướng tốt hơn và phù hợp quy luật xã hội hơn. Ở nước ta hiện đang rất kém nên cần phải thay đổi ngay lập tức.

"Năm 2007, tôi có tìm hiểu nhiều con số để có thể tạm thời xem xét GDĐH Việt Nam đang ở đâu. Vào cuối năm 2004, UNESCO đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 64/127 nước, so với Trung Quốc 54, Thái Lan 60. Trong khi đó tỷ lệ người biết chữ, học sinh phổ thông trong độ tuổi của nước ta cũng xấp xỉ như ở các nước tương đối phát triển trong vùng. Tuy nhiên, cũng theo UNESCO năm 2005, chỉ số đánh giá tổng hợp về chất lượng GD và nguồn nhân lực, Việt Nam chỉ đạt 32/100 điểm, thuộc nhóm yếu kém nhất. Từ đấy đến nay, GD chúng ta có phát triển nhưng hầu như chưa thoát ra khỏi tình trạng này", GS Phạm Phụ chia sẻ.

 

Cần lập ngay một tổ chức đứng đầu để phụ trách việc cải cách GD và phải làm quyết liệt theo đúng lộ trình đã vạch ra

GS Phạm Phụ

GS Phụ cũng cho biết, có thể nhìn thấy rất nhiều vấn đề còn tồn tại trong GD mà lâu nay chưa thể giải quyết được. Đó là tình trạng bát nháo trong điều hành trường ĐH, chất lượng giáo viên còn yếu, tỷ lệ sinh viên/giảng viên còn quá cao… Số lượng 20.000 tiến sĩ theo kế hoạch không biết bao giờ mới thực hiện được, trong đó số lượng đã đạt được lại có không ít "tiến sĩ giấy". Một giảng viên đứng tên ở nhiều trường là hiện tượng phổ biến…

Cần giải quyết vấn đề từng bước

Trao đổi về việc cần phải ưu tiên thay đổi điều gì trong công cuộc cải cách GD, GS Phạm Phụ cho biết, dựa trên kinh nghiệm của các nước trên thế giới và áp dụng vào Việt Nam, điều cần làm đầu tiên là cải cách quản trị và tài chính.

Cải cách GD là một hiện tượng phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới trong thời gian qua. Đặc biệt là, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), các cuộc cải cách này đều có một chương trình nghị sự cơ bản khá giống nhau, "mẫu số chung" là tập trung vào 2 mảng quản trị và tài chính.

Về quản trị, từ năm 2003, luật GD đã nói đến Hội đồng trường. Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong việc điều hành một trường ĐH nhưng Bộ GD-ĐT lơ đi chuyện này. Lúc ấy chỉ có khoảng 10 trường có Hội đồng trường nhưng gần như không có tác dụng. Bên cạnh đó, khái niệm "cổ phần hóa" trong GD đã có thời gian bị hiểu sai. Điều này phải được hiểu là "tập đoàn hóa", trường học được điều hành như một tập đoàn, có Hội đồng trường điều hành và tính độc lập rất cao. Nhiều trường ĐH cấp cao ở Mỹ, Nhật Bản, Malaysia… đều hoạt động như vậy.

Về tài chính, lý do để phải gấp rút thay đổi là do xu thế phát triển nhanh quy mô làm cho GDĐH trở thành đại trà mà không ngân sách nhà nước nào gánh chịu nổi. Chi tiêu bình quân cho một sinh viên trong một năm đều tăng lên rất nhanh, hơn tốc độ phát triển của nền kinh tế nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh của nền GDĐH. Qua nghiên cứu kinh tế GDĐH, người ta cho rằng, không có đủ cơ sở triết lý và kinh tế để buộc phải cung cấp tài chính cho GDĐH bằng ngân sách nhà nước.

Vì vậy, cần phải tăng học phí theo lộ trình. Tuy nhiên, khi áp dụng, câu hỏi gay cấn nhất sẽ là vấn đề mất cân bằng xã hội. Lúc ấy, cần phải có chính sách điều tiết để có thể cân bằng xã hội, ít nhất là không xấu hơn so với khi chưa tăng học phí. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, cách tốt nhất là xây dựng các loại chương trình cho sinh viên vay vốn cùng chính sách "học phí cao – tài trợ nhiều". Ở các nước hiện nay đã nghiên cứu và thiết kế một loại chương trình cho sinh viên vay vốn với mức trả nợ không cố định mà biến đổi tùy thuộc thu nhập của người vay. Phần lớn sinh viên sẽ được vay vốn với mức lãi suất tương đối thấp. Sau khi ra trường, nếu người đó chưa có việc làm hoặc thu nhập tương đối thấp theo một ngưỡng nào đó thì chưa phải trả. Khi lương cao hơn ngưỡng thì trích một phần, ví dụ 10 – 20% của phần cao hơn để trả dần, có thể kéo dài 10 – 20 năm.

Cũng theo ông, khi thay đổi cơ bản, toàn diện GD, có nhiều vấn đề và cần đi từng bước. Về quản trị, cần phải tập trung làm quyết liệt trong vòng 2 – 3 năm. Sau đó, kết thúc giải quyết vấn đề tài chính trong 2 – 3 năm kế tiếp. Chất lượng giáo viên, tỷ lệ sinh viên/giảng viên thì cần làm dài hơi hơn nhưng phải quyết liệt.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
Cần thay đổi vấn đề quản lý tài chính trong GDĐH bởi do xu thế phát triển nhanh, GDĐH trở thành đại trà nên không chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Lập ủy ban cải cách

GS Phạm Phụ cho biết, khi cải cách GD, việc tham khảo kinh nghiệm các nước rất quan trọng bởi không phải bất cứ cuộc cải cách GD nào cũng thành công và phải tránh đi vào những "vết xe đổ" đó. Trong đó, tầm quan trọng của tổ chức đứng đầu cuộc cải cách là rất cao. Chẳng hạn, năm 2006, cuộc cải cách GD của Nhật Bản không đạt được nhiều thành công như mong đợi vì chọn người đứng đầu không phù hợp.

Ngược lại, chúng ta cần phải tham khảo cuộc cải cách thay đổi luật GD của Thái Lan năm 1999. Họ đã tổ chức thành từng bước công phu cho cả tiến trình thay đổi. Đầu tiên là xây dựng cơ sở khoa học từ Văn phòng Ủy ban quốc gia qua 42 đề tài nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm của 12 nước. Bước 2 là sự xem xét của ủy ban soạn thảo luật, sau đó nộp cho ủy ban GD quốc gia, hội đồng bộ trưởng, hội đồng pháp lý, hạ viện, thượng viện. Các thành viên này dành thời gian cho luật GD trong 2 năm trời với sự tham gia của nhiều học giả, chuyên gia. Bước 3 là tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhóm lợi ích có liên quan khắp các tỉnh. Bước 4 là dùng phương tiện thông tin báo chí để phổ biến. Và cuối cùng là bước 5, văn phòng GD quốc gia sẽ phối hợp với tổ chức thăm dò dư luận để lấy ý kiến công chúng. "Bởi vậy, ở Việt Nam, cần lập ngay một tổ chức đứng đầu để phụ trách việc cải cách GD và phải làm quyết liệt theo đúng lộ trình đã vạch ra", ông Phụ nói.

 

Ý kiến:

Diễn đàn "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục" đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của độc giả, trong đó có những góp ý mang tầm chiến lược, những đóng góp đi vào vấn đề nhỏ, cụ thể.

* Đời sống quá khó khăn, tâm tư nặng nề là thực trạng của đại đa số cán bộ giáo viên hiện nay. Cải thiện chế độ tiền lương để giáo viên sống được với nghề là việc làm khẩn trương nhất hiện nay. (trieuson0109@yahoo.com )

* Hiện nay sĩ số học sinh/lớp quá đông, trung bình mỗi lớp khoảng 45 đến 50 học sinh. Như vậy giáo viên không đủ sức để quan tâm hết học sinh. Theo tôi mỗi lớp học chỉ nên có khoảng từ 20 đến 30 học sinh là đủ. (dieplequynh@yahoo.com.vn )

* Thay đổi căn bản và quan trọng nhất hiện nay: Làm sao giáo viên sống được bằng lương để họ không cần phải lo nghĩ về kinh tế, toàn tâm toàn ý cho việc giảng dạy. Thay đổi cách đánh giá học sinh vì hiện nay thậm chí học sinh không cần phải học gì cuối năm cũng được đẩy lên lớp. (cuongnguyenav@gmail.com )

* Muốn đổi mới GD thành công thì phải đổi mới đồng bộ từ việc xác định mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp, cách đánh giá sản phẩm, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Bộ GD-ĐT phải mẫu mực và đầu tàu trong việc này. Bộ trưởng phải là một nhà giáo có uy tín và hiểu biết rộng về lĩnh vực GD-ĐT, những cán bộ và giáo viên trong ngành phải giỏi và chí cốt. (thnhtrnvn@yahoo.com.vn )

* Cần rà soát lại toàn bộ chương trình để cắt giảm bộ môn và số tiết học chứ không thể chỉ giảm tải như hiện nay; thay đổi cấu trúc bộ môn ngoại ngữ trong đó chuyển trọng tâm hoạt động dạy và học qua phục vụ nhu cầu giao tiếp; thay đổi ngay phương pháp tuyển sinh ĐH để phù hợp với việc quản lý kiểm tra đánh giá. (trieuson0109@yahoo.com)

 

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục: Xây dựng nền giáo dục nhân văn – công nghệ
Khẩn trương thay đổi căn bản và toàn diện nền giáo dục

Đăng Nguyên

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120929/Doi-moi-can-ban-va-toan-dien-giao-duc-Cai-cach-quan-tri-va-tai-chinh.aspx

Chủ tịch nước gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu 2012

Posted: 29 Sep 2012 05:50 PM PDT

(GDTĐ)-Nhân dịp Tết Trung thu năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng trong cả nước. Báo GDTĐ xin trân trọng giới thiệu toàn văn bức thư của Chủ tịch nước:

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà các cháu thiếu nhi là con em quân dân tại quần đảo Trường Sa
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà các cháu thiếu nhi là con em quân dân tại quần đảo Trường Sa

Các cháu thiếu niên, nhi đồng yêu quý!

Nhân dịp Tết Trung thu, Bác thân ái chúc các cháu thiếu niên, nhi đồng trong cả nước, các cháu người Việt Nam ở nước ngoài và các cháu người nước ngoài ở Việt Nam đón Tết Trung thu thật vui tươi, thắm tình đoàn kết.

Bác rất vui vì trong năm học vừa qua, các cháu đã chăm chỉ học tập, rèn luyện, vui chơi lành mạnh; nhiều cháu đạt thành tích xuất sắc; nhiều cháu ở vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn đã có ý chí và nghị lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và học tập. Các cháu tuy tuổi còn nhỏ nhưng đã làm được nhiều việc tốt, làm cho các bậc ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo vui lòng và tự hào. Kết quả đó thật đáng quý, đáng được biểu dương.

Đảng, Nhà nước ta, gia đình và xã hội luôn dành cho các cháu sự quan tâm, chăm lo đặc biệt để các cháu có điều kiện học tập và rèn luyện tốt nhất. Bác mong các cháu tích cực tu dưỡng theo năm điều Bác Hồ đã căn dặn thiếu niên, nhi đồng; đoàn kết, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn, chăm ngoan, học giỏi, rèn luyện tốt để sau này trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội, góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong đợi.

Bác chúc các cháu thực hiện thành công những ước mơ của mình.

Bác gửi đến các cháu nhiều cái hôn!

Thân ái,

Trương Tấn Sang

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2773/201209/Chu-tich-nuoc-gui-thu-chuc-mung-cac-chau-thieu-nien-nhi-dong-nhan-dip-Tet-Trung-thu-2012-1963802/

ĐBSCL sẽ có thêm 22 trường đại học, cao đẳng

Posted: 29 Sep 2012 05:50 PM PDT

Ông Tô Minh Giới, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam bộ, cho biết Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo 13 tỉnh thành ĐBSCL và các bộ ngành T.Ư tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015.

Theo Quyết định này, đến năm 2015 ĐBSCL sẽ nâng cấp và thành lập mới từ 10-12 trường ĐH (5 trường tư thục), 11 trường CĐ…BCĐ Tây Nam bộ yêu cầu các địa phương gấp rút hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ trên địa bàn để sớm trình cơ quan chức năng T.Ư phê duyệt theo quy định.

Quang Minh Nhật

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120929/DBSCL-se-co-them-22-truong-dai-hoc-cao-dang.aspx

Giáo viên bộ môn cần phát huy vai trò trong tiết học

Posted: 29 Sep 2012 05:49 PM PDT

(GDTĐ) – Giáo viên bộ môn đóng vai trò rất quan trọng trong tiết học ở một lớp học cụ thể. Bên cạnh việc giảng dạy kiến thức ở bộ môn mình tại lớp học đó, giáo viên bộ môn còn có nhiệm vụ quản lý sĩ số, uốn nắn ý thức của học sinh trong tiết học, tham mưu, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục và quản lý học sinh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trên thực tế, đa số giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên có kinh nghiệm đã và đang thực hiện rất tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong tiết học, nắm bắt và theo dõi sát sao tình hình học tập và ý thức của học sinh trong tiết học, phối hợp tốt với giáo viên chủ nhiệm trong lớp.

Hiện nay, tình trạng giáo viên bộ môn chưa làm tốt vai trò của mình trong tiết học diễn ra phổ biến. Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc quản lý học sinh trong lớp học, phong trào thi đua của lớp bị ảnh hưởng, chất lượng học tập của học sinh trong lớp không được đảm bảo.

Với tư cách là một giáo viên dạy bộ môn nên không ít giáo viên quan niệm chỉ dạy kiến thức cho hoàn thành nhiệm vụ còn việc quản lý học sinh, theo dõi ý thức và đạo đức của học sinh là nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm. Chính vì vậy, trong tiến trình của tiết học sẽ dẫn đến xảy ra nhiều hiện tượng liên quan đến học sinh mà trách nhiệm để xảy ra những vấn đề đó thuộc về việc thực hiện vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Hiện tượng một bộ phận học sinh lơ là trong tiết học, không chú ý theo dõi bài học, không chép bài đến hàng chục tiết học mà giáo viên bộ môn vẫn không ý kiến gì. Rồi hiện tượng học sinh bỏ giờ đi đánh điện tử hay chơi bời, học sinh nói chuyện riêng trong giờ diễn ra phổ biến.

Nguyên nhân của hiện tượng trên có thể là do giáo viên bộ môn không phát hiện ra, chỉ chăm chú vào bài học còn không bao quát lớp học, không biết học sinh có chép bài hay không, học sinh nghỉ vì lý do gì, học sinh nào lơ là trong giờ học. Cũng có trường hợp giáo viên bộ môn phát hiện việc học sinh vi phạm trong giờ nhưng không nhắc nhở và cũng không đưa ra biện pháp xử lý, chấn chỉnh học sinh. Và có những cách sát phạt học sinh như phạt đứng xó, đuổi học sinh ra ngoài, bắt học sinh chép hàng trăm lần bài học sinh không chép hay ghi sổ đầu bài, đánh giá giờ học yếu và trung bình. Có những học sinh cả tuần bị giáo viên bộ môn ghi sổ đầu bài nhưng học sinh đó vẫn không tiến bộ, không chuyển biến gì. Điều đó cho thấy biện pháp của giáo viên bộ môn đối với học sinh cá biệt là chưa hiệu quả, chưa tỏ rõ sự thân thiện, tích cực trong giờ học.

Không những thế, giáo viên bộ môn còn không chịu trách nhiệm về chất lượng học tập của học sinh trong lớp ở bộ môn mình, đổ lỗi tất cả cho giáo viên chủ nhiệm. Tình trạng giáo viên bộ môn dạy xong tiết học xuống phòng chờ ca thán với giáo viên chủ nhiệm về học sinh này học sinh kia không phải là ít. Ca thán nhiều nhưng bản thân giáo viên bộ môn đó chưa thực sự có biện pháp hữu hiệu đối với học sinh trong giờ học của mình.

Từ tình trạng trên, thiết nghĩ, mỗi nhà trường cần nhìn lại và xác định lại vai trò của giáo viên bộ môn trong tiết học. Mỗi giáo viên bộ môn cần xác định vai trò nhiệm vụ của mình trong quá trình giảng dạy tại lớp học. Trong đó, chú trọng đến việc quản lý, theo dõi và phát huy tính tích cực của học sinh tham gia học tập tiết học của bộ môn mình. Khi phát hiện học sinh vi phạm hay mắc lỗi cần nhắc nhở lần đầu, vô hiệu hóa việc học sinh mắc lỗi và sử dụng những biện pháp thật sự sư phạm đối với học sinh. Không nên coi việc sát phạt, ghi sổ đầu bài là biện pháp để giáo dục học sinh. Cần phối hợp tốt với giáo viên chủ nhiệm trong việc nhắc nhở, rèn luyện học sinh trong tiết học. Đầu mỗi tiết học, cần nắm bắt sĩ số học sinh trong lớp học, nguyên nhân học sinh nghỉ học đồng thời quan sát, bao quát lớp học trong cả tiết học để kịp thời phát hiện ra học sinh có tư tưởng lơ là trong giờ học. Có như vậy, mỗi giáo viên bộ môn mới phát huy được vai trò của mình trong giờ học bộ môn.

Nguyễn Thế Lượng

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3062/201209/Giao-vien-bo-mon-can-phat-huy-vai-tro-trong-tiet-hoc-1963798/

Comments