Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Hồi ức về cố GS.Nguyễn Đình Tứ: Chuyện chưa từng kể (tiếp theo)

Posted: 28 Sep 2012 02:33 AM PDT

(GDTĐ)-”Ngày 28/6/1996, sau một tai biến bất thường, anh Tứ đã đột ngột từ trần. 16 năm là một thời gian quá dài….nhưng sao mà lại quá ngắn đối với tôi. Những hồi ức này xin gửi đến hương hồn anh, một nơi xa xăm nào đó trong vũ trụ bao la mà anh rất say mê!”- GS.Nguyễn Thu Nhạn bộc bạch.

Vợ chồng GS.Nguyễn Đình Tứ - Nguyễn Thu Nhạn thời trẻ
Vợ chồng GS.Nguyễn Đình Tứ – Nguyễn Thu Nhạn thời trẻ

Nguyễn Đình Tứ: Một trí thức gương mẫu

Hồi ức về cố GS.Nguyễn Đình Tứ: Chuyện chưa từng kể (phần 1)

Khi anh Tứ về nước, cháu Hà đã 11 tháng. Từ đầu năm 1963 đến 1966, anh công tác ở Ban toán lý của ủy ban khoa học Nhà nước 36 Trần Hưng Đạo. Năm 1964 tôi sinh cháu thứ 2, Nguyễn Việt Hùng. Gia đình chúng tôi hồi ấy rất đông vui, thầy mẹ anh và em út Nguyễn Tự Cường cũng từ Vinh ra Hà Nội ở với chúng tôi. Trong gian phòng 17m2 (tiêu chuẩn của tôi) trên tầng 4 nhà B1, có 8 người chung sống, đó là tình hình chung của cán bộ công nhân viên chức thời bấy giờ nên không ai phàn nàn gì. Sau 1 năm anh Tứ được chia thêm 5 mét vuông, chúng tôi được dọn sang nhà B8 có 24 mét vuông. Đó là khu nhà tập thể đầu tiên của thủ đô Hà Nội do Triều Tiên thiết kế và xây dựng theo kiểu lắp ráp mà trước đây ta chưa làm bao giờ.

Hè năm 1966, anh Tứ có quyết định đi làm cộng tác viên lần thứ 2 ở Đupna Liên Xô, lần này tôi được chính phủ cho đi theo anh với tiêu chuẩn phu nhân. Nhưng tôi đã từ chối và xin phép Bộ cho đi học tiếp nghiên cứu sinh và Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã đồng ý.

Anh Tứ là người rất thương vợ, chiều vợ. Trong thời gian 4 năm tôi đi làm nghiên cứu sinh, anh và tôi cũng chỉ sống với nhau những ngày thứ 7, chủ nhật. Từ thứ 2 hàng tuần, tôi thì đi học ở Mạc Tư Khoa, các con thì sống ở nhà trẻ suốt tuần. anh sống một mình, làm việc, ăn trưa ở phòng thí nghiệm, tối đến tự thổi nấu lấy ăn, thương anh vất vả, tôi thường chuẩn bị sẵn các món ăn cho anh. Nhưng tôi cũng biết anh buồn, nhà vắng vẻ. Có lẽ vì thế nhiều hôm ăn xong anh không  rửa bát, mỗi tối thứ 6 về tôi lại phải rửa một đống bát rồi cho lên giá cho anh. Còn anh, ăn cơm tối xong, lại đi vào phòng thí nghiệm, anh thích máy tính, hồi đó máy tính không nhỏ bé như bây giờ mà là một dàn máy đồ sộ như một cái tủ, ban ngày giờ làm việc thì máy phải sử dụng cho công việc, chỉ có đêm mới rỗi, thế là anh vào ban đêm ngồi mày mò đến 1-2h sáng để tự học máy tính, trong nhiều ngày như vậy, anh đã trở thành người biết sử dụng máy tính thành thạo đầu tiên của nước ta trong những năm 60 ngoài nghề nguyên tử của anh.

Trong 5 năm công tác của anh tại Đupna, tôi đã hoàn thành luận án tiến sĩ về bệnh nội tiết nhi, con trai đầu của chúng tôi là Mạc Hà đã học hết lớp 2 tiểu học, và cháu Hùng cũng kết thúc lớp mẫu giáo. Cả 2 đều nói sõi tiếng Nga như trẻ con Nga.

Vợ chồng GS.Nguyễn Đình Tứ với cái Tết cuối cùng
Vợ chồng GS.Nguyễn Đình Tứ với cái Tết cuối cùng

Anh Tứ có thói quen hay đọc, cứ thế, hễ ngồi vào bàn ăn anh lại chúi vào tờ báo, có lần bực quá vì thấy thói quen ấy có hại không hấp thu tốt thức ăn nên tôi lấy tờ báo cất đi, thế là anh lại cúi xuống đọc mấy dòng chữ ở tờ báo tôi đang lót trên bàn. Có lần cá không được tươi anh vẫn ăn không nói gì, các con tôi đều nói ba thực bất tri kỳ vị! Đối với anh ăn uống cực kỳ đơn giản, anh ghét các món rán, xào. Tôi làm nem rán, Anh bảo phí thế, cứ bầy các thứ lên bàn rồi mọi người tự cuốn lấy mà ăn, không cần rán cũng ngon. Anh thích nhất là món cà chấm mắm tôm. Anh bảo hồi nhỏ đi ở nhà trọ, trong mâm có nhiều món ngon, nhưng có đĩa cà với mắm là để gần nhất nên anh ăn nhiều thành quen. Tôi không muốn cho anh ăn thế, nên nói: " Một chén cà bằng ba chén thuốc" anh cười to: " Cà quí thế còn gì".

Anh có thói quen hay ghi chép, đến những năm 80 sau này chúng tôi mới được UNICEP( quỹ nhi đồng thế giới) phổ biến cho cách làm biểu đồ cân nặng cho trẻ em để theo dõi phát triển của trẻ để phòng chống suy dinh dưỡng. Nhưng anh Tứ thì đã làm việc đó cho các con từ những năm 60. Anh cân nặng, đo chiều cao của các con đều đặn hàng tháng rồi vẽ thành biểu đồ, để quan sát sự phát triển của chúng. Đến khi có cháu nội là Việt Khánh, anh cũng làm như vậy.

Cuối năm 1971, anh Tứ có lệnh ở nhà về công tác tại trường Đại học Tổng hợp – Hà nội. Anh được phân công làm phó hiệu trưởng và phó bí thư Đảng uỷ của trường. Công việc phòng thí nghiệm còn dở dang, đồng chí Xoloviop. Chef của anh muốn anh ở lại ít lâu để bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học. Nhưng anh từ chối để về ngay theo sự phân công ở nhà.

Năm 1974, anh được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Sau 3 tháng, anh được bổ nhiệm làm Bộ trưởng. Năm 1976 , anh Tứ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và kiêm nhiệm thêm chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân ở Đà Lạt. Viện Hạt nhân ở Đà Lạt chưa có tầm vóc lớn và hiện đại nhưng thỏa mãn phần nào mong ước của nhà vật lý hạt nhân thực nghiệm: Có cơ sở để nghiên cứu. Suốt hai mươi năm gắn bó với ngành Vật lý nguyên tử, anh Tứ luôn mơ về một nhà máy điện nguyên tử để có thể giải quyết được vấn đề thiếu điện ở Việt Nam.

Anh Tứ còn rất mê thiên văn. Hồi nhỏ, có lần anh dùng ống nứa và mấy cái thấu kính, mắt kính cũ làm thành cái kính thiên văn. Ngày các con còn nhỏ, anh thường chỉ cho các con xem. Hè năm 1972, Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, anh cùng Mạc Hà đi sơ tán ở Hà Bắc. Anh mượn được của trường chiếc kính thiên văn, đêm đêm anh lại ra sau vườn ngắm sao. Có một điều anh ấp ủ từ lâu là chụp được hình ảnh của sao chổi Haley, một sao chổi định kỳ rất nổi tiếng. Năm 1996, mặc dù rất bận với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ VIII, nhiều đêm, anh Tứ vẫn ngồi vẽ, tính toán cho một sự kiện: Sao chổi Halle-Bopp. Sắp tới, sao chổi này sẽ có thể dễ dàng quan sát được ở Hà Nội. Nhưng chưa kịp thực hiện, anh đã ra đi.
GS.Nguyễn Thu Nhân khi là sinh viên Bắc Kinh y học viện
GS.Nguyễn Thu Nhân khi là sinh viên Bắc Kinh y học viện

Sau ngày giải phóng Miền Nam, đất nước lập lại hoà bình, gia đình tôi sống yên vui trong 2 căn phòng tầng 4 nhà 18 Kim Liên. Cho đến năm 1978, tôi đón ba má ra thăm miền Bắc, thăm Hà Nội, viếng lăng Bác, đồng bào vô cùng sung sướng và hãnh diện, có điều ông cứ băn khoăn, nói chưa thấy một Bộ trưởng nào trên thế giới như vậy! Nhà chúng tôi có 2 buồng, 1 phòng khách với bộ bàn ghế và 2 giá sách, 1 buồng ngủ có 1 giường đôi cho chúng tôi và 2 giường con cho 2 cháu. Khi ông bà ra, chúng tôi để giường đón ông bà nằm, vợ chồng tôi trải chiếu nằm dưới sàn nhà. Hằng ngày ăn sáng xong, anh đi làm và mang theo 1 cặp lồng cơm để ăn trưa, buổi trưa nghỉ tại cơ quan, anh nằm ngay trên bàn làm việc để chiều làm việc luôn. Thực ra hồi đó hầu hết cán bộ cơ quan đều sinh hoạt thế cả. Nhưng ông cụ là một quan chức từ thời Pháp thuộc, một mình làm nuôi cả nhà, có cơm bưng nước rót đàng hoàng, tuy ông chỉ là một thầy thông sở bưu diện. Thế mà anh Tứ, Bộ trưởng nhà tôi lại có cuộc sống quá đơn giản

Mãi 5 năm sau, một ngày tết, bác Phạm Văn Đồng đến thăm chúng tôi, nhà tôi lúc đó đun than tổ ong, bếp lại bố trí ngay trước khi vào nhà, bà cụ giúp việc thổi mãi lửa không đỏ mà chỉ thấy khói bay mù mịt, bác không thể vào nhà được. Từ đó TW có quyết định xây nhà cho một số cán bộ cao cấp của Đảng. Nhà xây xong với 400 mét vuông có vườn rào chung quanh rất đẹp, nhưng anh không dám đến ở. Chiều nào cứ đến giờ cơm tối thì đồng chí Đống của Ban TCTW lại đến nhắc chúng tôi, giục chúng tôi dọn nhà! Anh nhất định không đi, cứ xin thêm 2 phòng nữa ở cạnh tầng 4 cũng được. Cuối cùng anh nói hãy bố trí cho đồng chí nào lão thành trước anh rồi anh mới nhận, vì thấy mình còn trẻ chưa xứng đáng. Nhưng các đồng chí tổ chức nói, đây là ý kiến Bác Tô, phải có nhà cho anh Tứ ở.

Chúng tôi đến ở ngôi nhà có tên là biệt thự A2-khu Trung Tự – Đống Đa – Hà Nội cho đến khi anh ra đi vĩnh viễn không trở về. Trong ngôi nhà A2 khu biệt Trung Tự này, chúng tôi đã có những ngày sum vầy, hạnh phúc vô cùng. Anh Tứ rất yêu thích khu vườn ở sau nhà, đi đâu anh cũng mang về đủ thứ cây, đủ loại hoa. Cái vườn thì nhỏ bé mà cây thì trồng chi chít nên anh gọi đùa là “rừng nhiệt đới”. Anh hết sức chăm chút vườn cây tuy công việc bộn bề, anh lúc đó là Bộ truởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Làm sao để thống nhất được nền giáo dục của 2 miền Nam Bắc nước ta là trung tâm suy tư của anh. Anh đề xướng ra đào tạo trên đại học, phong học hàm, học vị, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ ở trong nước, từ đó ngày nay ta đã có hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ của Việt Nam mà không phải đi ra nước ngoài như trước đây. Tất nhiên hệ thống giáo dục của nước ta còn khá nhiều việc cần phải làm, những công việc này đang còn dở dang thì anh đã ra đi.

Gia đình GS.Nguyễn Đình Tứ
Gia đình GS.Nguyễn Đình Tứ

Tôi còn nhớ có lần đi công tác nước ngoài anh Tứ mua về mấy cái đĩa và cho tôi cái gối. Mỗi lần gia đình tổ chức giỗ chạp, liên hoan thì bảo các cháu, các em nhớ mang theo bát ăn và nhà tôi không có đủ bát cho chừng ấy người. Chúng tôi tuy là những cán bộ cao cấp của nhà nước, nhưng trong sinh hoạt gia đình thì rất giản dị, như những cán bộ bình thường, cơm cá rau dưa là những món ăn thường ngày của gia đình.

Năm 1991 chúng tôi cưới vợ cho Hùng, con thứ 2 của chúng tôi. Một năm sau cháu nội là Việt Khánh ra đời. Anh Tứ vui mừng khôn xiết, ngày cháu càng lớn lên hai ông cháu càng thân thiết nhau hơn. Ông hàng ngày đi làm về lại dắt cháu ra vườn tưới cây, xem hoa, ông là nhà khoa học, quan sát cả những lá cây, quy luật mọc của chúng rồi vẽ ra cho cháu Khánh xem, ông vừa giải trí, vừa chơi, nhưng cũng tập cho cháu thói quen quan sát sự vật và quy luật phát triển của chúng. Cháu vô cùng yêu thích ông, hôm ông ốm, các Bác sĩ đưa ông đi bệnh viện cháu chạy theo hỏi ông đi đâu? Ông trả lời ông đi một lát rồi ông về, nào ngờ đâu đó là lời chào lần cuối cùng của ông với cháu Khánh!

Ngày 28/6/1996, sau một tai biến bất thường, anh Tứ đã đột ngột từ trần. 16 năm là một thời gian quá dài….nhưng sao mà lại quá ngắn đối với tôi. Những hồi ức này xin gửi đến hương hồn anh, một nơi xa xăm nào đó trong vũ trụ bao la mà anh rất say mê!

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3010/201209/Hoi-uc-ve-co-GSNguyen-Dinh-Tu-Chuyen-chua-tung-ke-tiep-theo-1963776/

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục: Xây dựng nền giáo dục nhân văn

Posted: 28 Sep 2012 02:31 AM PDT

Để tiến tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Đại hội XI của Đảng đã lấy nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục (GD) nước nhà làm một trong 3 khâu đột phá của chiến lược 2011-2020.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục: Xây dựng nền giáo dục nhân văn - công nghệ
Mục tiêu quan trọng của GD phổ thông là dạy và học tri thức để thành người và cơ sở ban đầu để làm người, chuẩn bị vào học nghề – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nhìn vào hệ thống GD của chúng ta hiện nay, tuy có nhiều thành tựu rất lớn nhưng cũng còn lắm thực trạng.

Tồn tại nhiều mâu thuẫn 

 

Tư tưởng cốt lõi của triết lý GD nhân văn là hình thành được ở người học tình yêu con người, đánh giá đúng cả mình lẫn người, coi trọng năng lực thực của mình, nhà nước và xã hội trọng dụng con người – nhất là người tài

Giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội (GD, văn hóa, an sinh và an ninh xã hội) có một khoảng cách đáng kể. Về kinh tế, chúng ta đã đạt mức phát triển trung bình trên thế giới, tuy mới là trung bình thấp và đang còn rất nhiều khó khăn. Nhưng về xã hội, tình hình phức tạp hơn nhiều nên cần có chính sách phát triển hợp lý hơn. Nên coi kinh tế là biện pháp, xã hội, con người là mục tiêu, do đó phải đổi mới nền GD theo một triết lý phục vụ đắc lực yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong khi chính sách phát triển GD nhanh, quy mô lớn nhưng chính sách đầu tư "đầu vào" thiếu đủ điều thì làm sao có "đầu ra" ưng ý được. Ngân sách cho GD hằng năm chiếm 20% ngân sách nhà nước nhưng thực sự được bao nhiêu không ai biết. Trên thực tế, nhiều nơi 90% ngân sách GD chi vào lương giáo viên.

Còn nhiều điều không thống nhất giữa GD toàn diện và điều kiện thực hiện. Nói "toàn diện" nhưng kết quả "què quặt"; đề ra đường hướng "dạy chữ, dạy người, dạy nghề", nhưng cứ loay hoay với việc dạy chữ, mà chỉ trong việc này cũng còn bao vấn đề ngổn ngang.

Trong hoạt động dạy – học vẫn tồn tại mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực hành, kiến thức và kỹ năng, học vấn và năng lực hoạt động, hiểu biết và văn hóa ứng xử… Ở ta, dạy và học chỉ để đi thi, cả tâm lý xã hội lẫn quản lý nhà nước về GD chưa thoát khỏi triết lý giáo dục "hư văn, khoa cử, quan trường".

Vượt qua thách thức

 

 

Ba việc cấp thiết phải làm

Để đổi mới căn bản và toàn diện thành công nền GD, cần có 3 điều kiện:

- Từ nay đến 2015 – 2020, đủ trường lớp kiên cố với thiết bị dạy học tối thiểu, các cấp học đều học 2 buổi ngày.

-  Mau chóng có sách giáo khoa mới cho phổ thông: Các sách khoa học tự nhiên như ở các nước tiên tiến; sách khoa học xã hội đảm bảo tính khoa học, chính xác, đơn giản, thiết thực với phần thực hành tương thích, dạy và học giá trị sống và kỹ năng sống.

- Chấn chỉnh, củng cố đội ngũ nhà giáo (đứng lớp và quản lý) có phẩm chất và tay nghề.

 

Thách thức lớn nhất là các cấp ủy và chính quyền có thực sự quan tâm phát triển GD không. Nói GD phải đi trước một bước mà bây giờ đang đứng cuối bảng. Tâm lý xã hội quá nặng nề với triết lý học cốt để đi thi, chạy theo mảnh bằng cũng là một trở ngại lớn. Vì vậy nhà trường phải chuyển hẳn sang dạy và học để hình thành, phát triển năng lực sống thực ở thế hệ trẻ nhằm hình thành và phát triển giá trị bản thân của người học. Từ đó họ có thể tạo lập cuộc sống tốt đẹp của chính họ đồng thời giúp gia đình và đóng góp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội.

Công tác hướng nghiệp (và cả hướng học) quá lơ là. Không tổ chức "phân luồng" học sinh sau THCS hay THPT (năm 1996 đã có chủ trương phân luồng học sinh sau lớp 9, đến nay chỉ có tỉnh Vĩnh Phúc có chủ trương và chính sách thực hiện). Hệ thống dạy nghề khôi phục mất gần 2 thập niên vẫn chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó lại mở đại học ồ ạt, quá lệch các ngành kinh tế, quản trị, kinh doanh, ngoại ngữ, tin học.

Một thách thức then chốt là tình hình đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cũng đang có nhiều chuyện rối ren, đời sống quá khó khăn, tâm tư nặng nề. Hiện nay nhiều giờ dạy, hoạt động GD… đã bị "hành chính hóa", thậm chí thương mại hóa, lại có cả tiêu cực, hư đốn.

Triết lý giáo dục nhân văn

Triết lý GD theo tinh thần Đại hội XI của Đảng có thể biểu đạt như sau: Xây dựng nền GD nhân văn, thực học, thực nghiệp, hình thành và phát triển, phát huy giá trị bản thân ở người học, nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển con người.

Mục tiêu số một của GD phổ thông là dạy và học một số tri thức để thành người và cơ sở ban đầu để làm người (nhân cách), chuẩn bị vào học nghề (trường nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học). Tư tưởng cốt lõi của triết lý GD nhân văn là hình thành được ở người học tình yêu con người, đánh giá đúng cả mình lẫn người, coi trọng năng lực thực của mình, nhà nước và xã hội trọng dụng con người – nhất là người tài.

Giáo sư Phạm Minh Hạc (Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục)

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120927/Doi-moi-can-ban-va-toan-dien-giao-duc-Xay-dung-nen-giao-duc-nhan-van-cong-nghe.aspx

Đặt ra mục tiêu cơ bản, cốt lõi

Posted: 28 Sep 2012 02:30 AM PDT

Tôi không đánh giá GD Việt Nam qua những con số khô khan và đôi khi "khó kiểm soát" như tỷ lệ tốt nghiệp, số sinh viên/10.000 dân, số tiến sĩ được đào tạo, tỷ lệ dân cư biết đọc viết… mà đánh giá thông qua hiệu quả GD đem lại cho xã hội.

Chẳng hạn xã hội có văn minh hơn hay không, con người cư xử với nhau có tốt hơn không, có lương thiện hơn không?… Xét theo các tiêu chí này thì GD Việt Nam đang đứng thấp hơn chính nó vài chục năm qua. Có nhiều nguyên nhân, theo tôi, đó là sai lầm trong triết lý GD, gồm sứ mạng, mục tiêu, phương pháp, cách đánh giá, chương trình… GD chúng ta quen với việc đặt ra những mục tiêu to tát. Điều 2 luật GD sửa đổi năm 2010 và trước đó nữa đều ghi: "Mục tiêu của GD Việt Nam là đào tạo con người VN phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…". Điều này mênh mông, chung chung quá, tham vọng lớn quá mà không phải nội dung nào cũng có tính thuyết phục về khoa học và thực tiễn. Cuối cùng trong hành động hằng ngày thì nhà trường lạc mất mục tiêu, chỉ còn biết chăm chăm… chạy theo tỷ lệ lên lớp và thi đậu mà không phải lúc nào cũng nhờ học thật, thi thật. Giá như chỉ đặt ra mục tiêu gọn thôi, thật cơ bản, thật cốt lõi như "dạy làm người lương thiện và công dân có trách nhiệm" như nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nêu thì thầy cô giáo có thể tập trung mà dạy, mà rèn học sinh – sinh viên đi đúng hướng.

Phải đặc biệt coi trọng tính khai sáng của GD. Khi đó chương trình – nội dung sách giáo khoa sẽ bớt đi nhiều tính áp đặt, ôm đồm. Người học sẽ có thêm thời gian, không gian để phát triển nhân cách, tự đào tạo thành con người phát triển toàn diện. Tôi từng nghe cô giáo chủ nhiệm lớp chuyên của một trường THPT khá nổi tiếng ở thành phố dặn dò học sinh là các em mà trúng tuyển vào lớp này rồi thì chỉ có học, cố mà học ngày đêm để thi đậu đại học, không có văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động gì khác hết. Chắc chắn đây là suy nghĩ đang chi phối rất đông giáo viên hiện nay. Tôi không trách các đồng nghiệp này vì cái cơ chế đánh giá hiệu quả GD buộc anh chị em phải thế. Cho nên, tôi hết lòng mong muốn nước mình có một nền GD hướng đến việc đào tạo con người lương thiện – công dân có trách nhiệm bằng quan điểm GD khai sáng.

Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng (Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120927/Dat-ra-muc-tieu-co-ban-cot-loi.aspx

“Em biết lấy tiền đâu để nhập học bây giờ?”

Posted: 28 Sep 2012 02:30 AM PDT

"Ông nội của em nghèo lắm nhưng vẫn ráng nuôi hai anh em ăn học. Em thương nội nên chỉ biết cố gắng học quyết tâm thi đậu đại học như nguyện ước của ông khi còn sống… Từ khi có giấy báo gọi nhập học Trường ĐH Dân lập Cửu Long, em lại không ngủ được vì lo không biết tiền đâu để đóng học phí, …", giọng nghẹn lại, mắt đọng nước, cậu học trò mồ côi Nguyễn Thanh Bền (SN 1994, nhà ở ấp Quí Phước, xã Nhị Quí, Cai Lậy, Tiền Giang) chia sẻ.

Không may mắn như các bạn đồng trang lứa, tuổi thơ của hai anh em Nguyễn Thanh Bền (cựu học sinh lớp 12A8) và em gái là Nguyễn Thị Hồng Thơ (hiện là học sinh lớp 11A3 trường THPT Tứ Kiệt) là chuỗi ngày dài cô đơn thiếu cha mẹ, sống trong vòng tay cưu mang của ông nội.

Cha của Bền đã mất vì căn bệnh ung thư khi Bền mới lên 6 tuổi. Sớm mồ côi cha, những tưởng Bền sẽ được bù đắp tình thương từ mẹ. Thế nhưng hai năm sau, mẹ Bền đã bỏ hai anh em Bền đi lấy chồng khác. Ngôi nhà nhỏ đã vắng càng thêm vắng.

Trước cảnh khó của gia đình, Bền định bảo lưu kết quả đi làm kiếm tiền lo cho em gái học hết cấp 3
Trước cảnh khó của gia đình, Bền định bảo lưu kết quả đi làm kiếm tiền lo cho em gái học hết cấp 3.

Thương hai cháu mồ côi sớm mất cha thiếu mẹ, ông nội của em là Nguyễn Văn Kiệm (sinh năm 1932) dù tuổi cao, sức yếu vẫn ráng gánh gồng nuôi hai cháu. Lúc Bền và em gái của mình còn nhỏ thì ông nội của Bền còn khỏe, ông không nề hà bất cứ việc gì, miễn đó là công việc lương thiện để kiếm tiền nuôi hai cháu ăn học. Thế nhưng, tuổi của ông một ngày một cao, sức ông càng ngày càng yếu, lại  mắc bệnh tim nên hơn 2 năm nay cả 3 ông cháu sống nhờ vào sự đùm bọc của bà con trong xóm.

Do bệnh tình nặng nên ông nội – chỗ dựa thinh thần duy nhất của hai anh em Bền đã bỏ hai anh em về cõi vĩnh hằng năm Bền học lớp 11. Từ đó hai anh em Bền đùm bọc, tự bươn chải bằng nghề lột vỏ nhãn thuê (5 kg nhãn vỏ được 1 kg nhãn thịt) để sinh sống và học tập. Dù gia cảnh khó khăn nhưng tổng kết mỗi năm học, hai anh em luôn đạt học sinh tiên tiến.

Bởi thế, bà con ở ven những lò sấy nhãn ở chợ Nhị Quí quen thuộc với hình ảnh của cậu bé nhỏ bé, đi chiếc xe đạp cũ kĩ đến lò nhãn để nhận nhãn khô về nhà lột. Nhìn cái bao nhãn to đùng, được Bền đặt lên xe và ì ạch đẩy như muốn che hết cái dáng nhỏ bé của em nên bà con thương lắm… Hôm nào có nhãn, hai anh em của Bền cũng thức đến 10 giờ đêm để lột nhãn. Ngồi cặm cụi, tần mần, tỉ mỉ cả ngày trời, hai anh em kiếm được khoảng 15.000 đồng vừa đủ để mua vài con cá biển, lọn rau cho hai anh em qua bữa.

Những nỗ lực và phấn đấu của Bền đã được đền bù xứng đáng khi mà năm em đã vượt qua nỗi đau mất ông để hoàn thành chương trình phổ thông và  đậu vào Trường ĐH Cửu Long ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành với số điểm 15, 5 điểm.

"Ngày 15/10 này là em chính thức nhập học, nhưng đến bây giờ số tiền mà hai anh em dành dụm được từ sự giúp đỡ của thầy cô nhà trường và Hội Khuyến học gần đủ để đóng học phí (học kì I là 4.264.000 đồng), rồi còn tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền đồng phục, tiền giáo trình…, em chẳng biết làm sao? Nếu em lấy tiền hết đi đóng học phí nhập học thì em gái ở nhà sẽ ăn học thế nào, tiền đâu chi tiêu? Có lẽ em phải bảo lưu kết quả rồi đi làm để kiếm tiền lo cho em gái học xong lớp 12!" – Bền ngậm ngùi chia sẻ.

Nghị lực vượt khó của hai anh em Bền làm chúng tôi hết lòng khâm phục. Tin rằng một ngày không xa, Bền và em gái của mình sẽ có được một tương lai tươi sáng như lời ông nội của hai em hằng mong ước.

Bạn đọc có thể chia sẻ với em Nguyễn Thanh Bền qua số điện thoại 01674011106.

Ngô Nguyễn – Diệu Hiếu

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-644862/em-biet-lay-tien-dau-de-nhap-hoc-bay-gio.htm

Comments