Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Những bi kịch của tân sinh viên

Posted: 25 Sep 2012 03:16 AM PDT

- Xa nhà, ăn ở, đi lại khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ, thêm lối sống khép kín,
thậm chí là sự phân biệt, kỳ thị âm thầm khiến nhiều tân sinh viên rơi vào nỗi
chán chường.

Thu mình vì phân biệt vùng miền

"Bạn quê ở đâu? – Hải Phòng. Còn bạn? – Ái. Hải Phòng à? Thế thì đanh đá ghê
gớm lắm!"

Đó là đoạn hội thoại đầu tiên trong suốt hai tuần học đầu tiên của Nguyễn Thị
Duyên (SV năm nhất, quê ở Hải Phòng) với ba người bạn ngồi bàn trên. Mọi hào
hứng kết bạn biến mất. Nỗi ấm ức thay cho sự ngại ngùng – Duyên không nói thêm
lời nào.

Bước vào giảng đường, không ít sinh viên thu mình vì những kỳ thị vùng miền (Ảnh Quỳnh Anh)

"Em cảm thấy tức không chịu được, chẳng hiểu vì sao họ lại đặt chuyện ra như
vậy? Nhưng chẳng lẽ cãi nhau ngay trong lớp? Thế chẳng khác nào khẳng định lời
của họ là đúng!" – Duyên ấm ức nói. Kể từ đó, Duyên lặng lẽ hẳn, không còn muốn
chủ động kết bạn với ai trong lớp nữa.

Còn Lã Thị Phượng (SV HV Báo chí tuyên truyền, quê Nghệ An) đã có nguyên một
tuần liền không trò chuyện gì với bạn bè cùng phòng trong KTX. Phượng cũng hạn
chế tối đa giao tiếp với các bạn, chỉ vì sợ bị chê giọng mình khó nghe.

"Hồi mới ra Hà Nội, mỗi lần trò chuyện, các bạn lại nhìn nhau rồi hỏi lại em
vì khó hiểu. Có bạn rất ác, rấm rứt cười khiến em thấy mình như bị đem ra làm
trò cười vậy" – Phượng rụt rè nói.

Vốn nhút nhát, cô bé quyết định càng ít nói càng tốt, càng ít giao tiếp càng
tốt cho đỡ bị để ý.

Bi kịch hơn, một số tân sinh viên còn chia sẻ họ vô cớ bị bạn bè cùng phòng
trọ tẩy chay, chơi xấu vì quan niệm vùng miền.

"Lúc biết em quê Nam Định, các bạn chỉ cười nhạt, rồi dần dần thấy họ lạnh
nhạt với mình. Phòng có sáu người, nhưng các bạn chỉ mượn đồ, dùng đồ của nhau,
còn chẳng bao giờ hỏi đến em. Đi ăn cơm, đi mua sắm họ cũng rủ nhau đi, không rủ
em"
– Trần Thị Liên (SV Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) buồn nói.

Liên càng đau lòng hơn khi tìm hiểu ra lý do khiến mình bị "hắt hủi" là vì
những người bạn kia cho rằng “dân Nam Định ghê gớm”, “dân hai ngón”, không nên
thân thiết hay qua lại nhiều. Những câu truyền miệng, những lời nói vô tình ác ý
đã khiến quãng thời gian đầu nhập học của Liên thật nặng nề.

"Sóng ngầm"…

Mỗi người mỗi quê, ai cũng có những tự hào, những tâm sự riêng. Vì nhiều định
kiến, suy nghĩ chưa chín chắn khiến không ít bạn trẻ tự đặt ra những ranh giới,
đẩy chính mình và bạn bè vào những con sóng ngầm của sự phân biệt, kỳ thị.

Nhiều SV trong lớp của Phan Thị Thanh (xin giấu tên trường đang học) đã quá
quen với kiểu tách nhóm của hội “quý tộc”. Theo Thanh, nhóm này toàn những bạn
con nhà khá giả, được chu cấp đầy đủ xe đẹp, “dế” xịn và đều là "người Hà Nội".
Các bạn chỉ chơi với nhau, tụ tập, chia sẻ với nhau còn các sinh viên tỉnh lẻ
khác thì lại chia thành nhiều nhóm nhỏ khác. Bởi vậy học chung nhưng có nhiều
bạn không biết tên của nhau là chuyện bình thường. Mặc dù không ai nói ra nhưng
tất cả đều cảm nhận được không khí thiếu đoàn kết trong lớp qua những khác biệt
trong phong cách, lối sống.

“Đến lớp nhiều lúc hơi buồn vì chẳng mấy ai thực sự thân thiết, hòa đồng.
Mình cũng là sinh viên tỉnh lẻ nên cũng có phần mặc cảm. Bạn nào nói chuyện,
chia sẻ gì thì mình quan tâm lại, còn không cũng kệ”
– Thanh nói.

Nguyễn Thanh Loan (SV Trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội) cho biết, thời gian đầu
chưa hiểu hết về nhau, cũng có nhiều khoảng cách giữa các bạn nông thôn và thành
thị, lớp chia thành nhiều tốp, học và chơi theo hội, thậm chí có cái nhìn không
thiện cảm lắm với các bạn xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn do khác nhau về phong
cách, cách ứng xử. Tuy nhiên, nhờ những chuyến dã ngoại hay các buổi ngoại khóa,
các bạn chia sẻ nhiều hơn, đồng cảm và gần như không còn những ánh mắt nghi ngại
như trước nữa.

“Dù bạn là ai, đến từ đâu không quan trọng. Thời sinh viên tưởng dài nhưng
ngắn ngủi lắm, nếu không nắm tay nhau để cùng vượt qua những khó khăn trong học
tập và cuộc sống sẽ cảm thấy hối tiếc khi mất đi những tình bạn đẹp chỉ vì định
kiến, suy nghĩ hẹp hòi…” – Loan chia sẻ.

  • Quỳnh Anh

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/89532/nhung-bi-kich-cua-tan-sinh-vien.html

Giành giải Nhất nhờ ý tưởng chuông báo xe bus

Posted: 25 Sep 2012 03:15 AM PDT

Thường xuyên sử dụng phương tiện xe bus, Tạ Thu Thủy (SV khoa Khoa học máy tính, Trường ĐH Công nghệ Thông tin) nhận thấy chuông xe bus hiện bị hư hỏng nhiều và ít được sử dụng. Điều này dẫn đến những rắc rối như hành khách không xuống đúng trạm mình mong muốn vì tài xế không nghe thông báo, hoặc gần đến trạm mới dừng đột ngột có thể gây nguy hiểm…

Giành giải Nhất nhờ ý tưởng chuông báo xe bus
Tạ Thu Thủy, SV Trường ĐH Công nghệ giành giải nhất cuộc thi “Ý tưởng ĐH Quốc gia TPHCM 2012″ với đề tài “Cải tiến chuông báo trên xe bus”.
Từ thực tế đó, Thu Thủy nảy sinh ý tưởng cải tiến chuông báo trên xe bus bằng việc thiết lập hệ thống bảng thông báo các trạm mà tuyến xe bus được phép dừng và bàn phím nhập số kèm theo. Khi đó, khách hàng khi lên xe sẽ lựa chọn số thứ tự của trạm mà mình xuống. Trạm được chọn sẽ có tín hiệu đèn màu vàng.

Còn đèn đỏ trên bảng thông báo cho biết xe bus đang đi đến nơi nào, gần đến trạm sẽ có loa thông báo giúp khách hàng theo dõi hành trình của xe dựa vào bảng thông báo để biết xuống trạm đúng nơi, đúng lúc.

Thu Thủy chia sẻ lộ trình thực hiện ý tưởng sẽ bắt đầu bằng việc khảo sát, thu thập thông tin trạm dừng của các tuyến xe bus; thiết kế bảng thông báo tạm dừng, lập trình thành mô hình hoàn chỉnh. Trước hết có thể áp dụng thí điểm trên một số tuyến xe bus, nhất là các tuyến bán vé tự động.

Ý tưởng của Thu Thủy được đánh giá cao về ý nghĩa thực tiễn và cũng như khả thi trong việc thực hiện.

Bên cạnh giải nhất, giải Nhì cuộc thi được trao nhóm SV khoa Kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Công nghệ gồm Nguyễn Ngọc Thuận và Nguyễn Anh Đức với ý tưởng "Đèn đường thông minh". Giải ba được trao cho tác giả Nguyễn Tấn Lực – SV khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên với ý tưởng "Mô hình chi trả dịch vụ xe bus tương lai".

Cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo trẻ ĐH Quốc gia TPHCM 2012″ với chủ đề "An toàn giao thông" được trường tổ chức lần thứ 2 dành cho toàn bộ SV thuộc 6 trường thành viên kéo dài từ tháng 2/1012 đến nay. Có 178 đề tài tham gia cuộc thi.

Giành giải Nhất nhờ ý tưởng chuông báo xe bus
Mô hình công trình phương pháp trồng rau xanh bằng ánh sáng đèn cho quần đảo Trường Sa vào mùa mưa của SV ĐH Quốc gia TPHCM được triển khai thực tế tại quần đảo Trường Sa.

Những đề tài đạt giải cao sẽ được phía ban tổ chức cùng Sở Giao thông TPHCM và Ban an toàn giao thông xem xét mức độ có thể triển khai trong thực tế. Nếu khả thi đề tài sẽ được trau chuốt, cải tiến để đạt hiệu quả cao hơn tiến tới bắt tay vào phát triển sản phẩm.

Ý tưởng "Phương pháp nâng cao sản lượng rau cho quần đảo Trường Sa", đoạt giải ba tại cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo trẻ ĐH Quốc gia TPHCM" lần 1, đã được cải tiến và bổ sung nhiều phương pháp phát triển thành công trình thanh niên "Xây dựng phương pháp trồng rau xanh bằng ánh sáng đèn cho quần đảo Trường Sa vào mùa mưa". Công trình này đã được triển khai thực tế tại quần đảo Trường Sa.

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-644299/gianh-giai-nhat-nho-y-tuong-chuong-bao-xe-bus.htm

Phổ biến luật ĐH ngay từ đầu năm học mới

Posted: 25 Sep 2012 03:15 AM PDT

(GDTĐ)- Bộ GDĐT vừa ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật giáo dục đại học và Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020.

Theo đó, việc tuyên truyền, phổ biến phải được tổ chức triển khai ngay trong kế hoạch đầu năm học 2012 – 2013 của các đơn vị trong toàn ngành. Cần giới thiệu tổng thể nội dung Luật, Chiến lược và giới thiệu sâu, nhấn mạnh một số nội dung đối với từng nhóm đối tượng như: Cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong ngành giáo dục; nhà giáo; người học; nhân dân.

Với Luật giáo dục ĐH, đối với đối tượng là cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong ngành giáo dục cần tập trung vào các nội dung cơ bản: Phân tầng giáo dục đại học; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học; cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đại học; quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học; bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học; nội dung quản lý nhà nước về giáo dục đại học; vấn đề thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Đối với nhà giáo, tập trung vào các nội dung cơ bản như hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế của cơ sở giáo dục đại học; các chức danh giảng viên và trình độ chuẩn của chức danh giảng dạy đại học; nhiệm vụ và quyền của giảng viên; chính sách đối với giảng viên; quy định về giảng viên thỉnh giảng và báo cáo viên; các hành vi giảng viên không được làm.

Với người học, tập trung vào các quy định về mục tiêu giáo dục đại học; thời gian đào tạo;  chương trình, giáo trình giáo dục đại học; văn bằng giáo dục đại học; chính sách đối với người học; nhiệm vụ và quyền của người học; các hành vi người học không được làm.

Đối với nhân dân, tập trung giới thiệu các điểm mới của Luật giáo dục đại học; các chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học; các quy định về đầu tư cho giáo dục đại học, xã hội hóa giáo dục đại học; quản lý nhà nước về giáo dục đại học; quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và vấn đề kiểm soát chất lượng đào tạo;

Về Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020, đối với đối tượng là cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong ngành giáo dục cần tập trung vào các nội dung cơ bản như: Bối cảnh và thời cơ, thách thức đối với giáo dục nước ta giai đoạn 2011-2020; quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục; Mục tiêu phát triển giáo dục đến năm 2020; các giải pháp phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020; việc tổ chức thực hiện chiến lược.

Đối với nhà giáo, tập trung vào các giải pháp phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 như đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; phát triển khoa học giáo dục; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục.

Đối với người học, tập trung vào các giải pháp về việc tăng cường gắn đào tạo với sử dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội; Tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục cũng như tăng cường hỗ trợ phát triển giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội.

Đối với nhân dân, làm rõ những thành tựu cùng những bất cập, yếu kém của giáo dục hiện nay và nguyên nhân; các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020.

Bộ GDĐT cũng yêu cầu đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến. Kết hợp các hình thức như tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt Luật và Chiến lược; tổ chức thảo luận; lồng ghép nội dung giới thiệu Luật và Chiến lược trong các buổi sinh hoạt chính trị, sinh hoạt chuyên môn, các hội nghị, chương trình tập huấn, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; biên soạn, phát miễn phí tài liệu và các tờ gấp phù hợp với từng đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người học; tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, bản tin, đài truyền thanh nội bộ …

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201209/Pho-bien-luat-DH-ngay-tu-dau-nam-hoc-moi-1963700/

Gần 100 trường ĐH, CĐ Hoa Kỳ sẽ tham dự triển lãm GD tại VN

Posted: 25 Sep 2012 03:15 AM PDT

(GDTĐ)-Triển lãm Du học Hoa Kỳ thường niên do Viện Giáo dục quốc tế Hoa Kỳ (IIE) tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội (ngày 26/9), Đà Nẵng (ngày 28/9) và TP. Hồ Chí Minh (ngày 29/9) sẽ có sự tham gia của đại diện gần 100 trường ĐH, CĐ có uy tín của Hoa Kỳ.

Tại buổi triển lãm, những người quan tâm đến du học tại Hoa Kỳ sẽ được gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với đại diện các trường để tìm hiểu về các thủ tục xin học, thủ tục visa, các bài thi đầu vào cần thiết cũng như những cơ hội nhận học bổng của trường từ một nguồn thông tin trực tiếp, chính xác và đáng tin cậy nhất.

IIE Việt Nam đã có 13 năm kinh nghiệm trong việc tổ chức hội chợ trong thành phố Hồ Chí Minh, và gần đây tại Hà Nội và Đà Nẵng với một sự gia tăng lớn trong số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ trong những năm gần đây.

Theo thống kê mới nhất từ báo cáo thường niên Open Doors 2011 của IIE, Việt Nam xếp thứ 8 trên thế giới về số sinh viên đang theo học đại học ở Mỹ (14.888 sinh viên) và xếp thứ 2 về số sinh viên theo học tại các trường cao đẳng cộng đồng với tỷ lệ tăng cao nhất khu vực châu Á, và cao gấp hơn 3 lần tỷ lệ tăng của toàn thế giới.

Đan Thảo

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3009/201209/Gan-100-truong-DH-CD-Hoa-Ky-se-tham-du-trien-lam-GD-tai-VN-1963695/

Dạy thêm, cấm thì mặc cấm: Đủ kiểu ép buộc

Posted: 25 Sep 2012 03:10 AM PDT

Bằng nhiều cách khác nhau, giáo viên khiến phần lớn phụ huynh phải cho con đến lớp học thêm.

Dạy thêm, cấm thì mặc cấm: Đủ kiểu ép buộc
Lớp học thêm tiếng Anh ở địa chỉ 38 Nguyễn Phi Khanh, Q.1, TP.HCM vào cuối giờ chiều ngày 24.9 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Phụ huynh viết đơn "tự nguyện"

Cách xưa cũ nhất để hợp thức hóa việc dạy thêm của giáo viên (GV) hoặc các trường là yêu cầu phụ huynh ký vào đơn tự nguyện đã được soạn sẵn. Năm nay, do quy định mới có vẻ chặt chẽ hơn nên việc ép tự nguyện chuyển sang một hình thức có vẻ tinh vi hơn: đưa mẫu đơn rồi bắt phụ huynh về chép lại bằng tay.

Một phụ huynh có con học lớp 10 Trường THPT Việt Nam – Ba Lan (Hà Nội), phản ánh: "Trong buổi họp phụ huynh cuối tháng 8, cô giáo phát cho mỗi phụ huynh một tờ đơn tự nguyện học thêm tại trường. Đơn tự nguyện có đoạn: Để củng cố nâng cao kiến thức nhằm phục vụ tốt hơn cho quá trình học tập của các cháu học sinh. Tôi viết đơn này mong nhà trường tổ chức lớp học để dạy các cháu các môn học toán, lý, hóa, Anh… để các cháu có điều kiện nâng cao kiến thức của mình trong năm học 2012 – 2013 cũng như để phục vụ cho các kỳ thi tốt nghiệp THPT, ĐH trong những năm sau này".

Cuối đơn, còn có thêm một câu đầy chất "tự nguyện": Xin chân thành cảm ơn nhà trường. Ai muốn cho con học thêm thì chép lại bằng tay và nộp lại. "Cô giáo giải thích, mọi năm, phụ huynh chỉ việc ký tên vào đơn tự nguyện là xong. Riêng năm nay, phụ huynh… tự chép lại cho danh chính ngôn thuận", vị phụ huynh cho biết. Cuối cùng, 100% phụ huynh trong lớp đều làm theo lời cô. 100% lá đơn được chép lại thay vì ký sẵn nhưng không thể đảm bảo bao nhiêu phần trăm trong số đó là tự nguyện thực sự.

Một nhóm phụ huynh của Trường THCS An Đà (Q.Ngô Quyền, Hải Phòng), cũng cho biết GV phát cho phụ huynh đơn mẫu xin học thêm và yêu cầu phụ huynh phải chép lại bằng tay. Học sinh phải học thêm tất cả các buổi sáng trong tuần từ thứ hai đến thứ bảy với 4 môn: toán, văn, tiếng Anh, hóa với chính những GV dạy ở lớp.

Còn phụ huynh lớp 4 Trường tiểu học Kim Liên (Hà Nội) thì cho biết năm nay "quả bóng" dạy thêm được đẩy sang cho ban phụ huynh. Cô tổ chức dạy thêm và thông báo cho ban phụ huynh của lớp, ai muốn học thêm thì đăng ký với ban phụ huynh. Như vậy ban phụ huynh tự tổ chức lớp học thêm và mời cô đến dạy chứ hoàn toàn không phải chủ trương của cô.

Cho bài khó, điểm thấp

 

 

Yêu cầu địa phương xử lý

Ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Dạy thêm, cấm thì mặc cấm thông tin cụ thể về một số cơ sở giáo dục có biểu hiện vi phạm quy đinh dạy thêm học thêm của Bộ GD-ĐT, trưa 24.9, Bộ đã có công văn do ông Phạm Mạnh Hùng, Chánh văn phòng Bộ ký, gửi Báo Thanh Niên với nội dung: "Bộ đã chỉ đạo các địa phương liên quan sớm xác minh, chấn chỉnh, xử lý". Công văn có đoạn: “Bộ GD-ĐT trân trọng cảm ơn, xin hoan nghênh Báo Thanh Niên, đồng thời đề nghị quý báo và các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục tuyên truyền cho việc thực hiện các quy định của Bộ, trong đó có quy định dạy thêm, học thêm. Phản ánh kịp thời các vi phạm để Bộ chỉ đạo các địa phương xác minh, xử lý nghiêm theo quy định”.

T.Mai

 

Một phụ huynh có con học lớp 1 Trường tiểu học Láng Thượng (Q. Đống Đa, Hà Nội) cho hay: "Mới vào lớp 1 được ít tuần mà học sinh đã liên tục nhận được điểm 1, 2 của cô giáo. Khi thì vì viết quá xấu, khi thì vì tẩy xóa…". Liền sau đó là nhận được thông báo cô tổ chức dạy thêm tại nhà.

Phụ huynh một trường tiểu học ở Q.Tân Bình (TP.HCM) lo lắng: "Con tôi theo học tiếng Anh ở trung tâm ngay từ hồi lớp 1. Từ đó đến nay tôi không cho cháu học thêm ở nhà cô nên không biết đây có phải là lý do cô chưa từng gọi con tôi phát biểu trong lớp hay không? Mà tiếng Anh không được rèn kỹ năng giao tiếp thì làm sao hiệu quả?". Một phụ huynh học sinh lớp 1 của Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) phản ánh: "Trong tuần đầu tựu trường, cô giáo chủ nhiệm cho bài tập về nhà yêu cầu học sinh viết 1 trang giấy họ tên". Có phụ huynh bức xúc cho biết thay vì hướng dẫn học trò làm những bài tập khó trên lớp, cô lại giao về nhà. Cha mẹ bận rộn hoặc không hiểu biết làm sao hướng dẫn cho con nên đành phải cho đi học thêm thôi!

Lãnh đạo trường không biết

Ấy thế nhưng khi trao đổi với lãnh đạo các trường thì luôn nhận được câu trả lời rất giống nhau: Trường không hề biết, không hề cho phép. Bà Phan Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Liên, khẳng định: "GV đã ký cam kết với nhà trường là không dạy thêm cho học sinh của lớp mình ở ngoài nhà trường nên không có trường hợp nào dạy thêm mà được sự cho phép của lãnh đạo. Nếu nhà báo chỉ đích danh cô nào dạy thêm, tôi sẽ kỷ luật ngay".

Ông Nguyễn Văn Cứng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.Thủ Đức), cho rằng: "Trường hợp GV tổ chức dạy thêm, nếu có thì cô giáo này cũng chưa xin ý kiến của lãnh đạo nhà trường. Do đó trường sẽ tìm hiểu và báo cáo lên phòng giáo dục quận để có hướng xử lý nghiêm khắc".

Khi trao đổi với ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng Giáo dục Q.12, TP.HCM, về việc một số giáo viên Trường THCS Nguyễn Huệ tổ chức lớp dạy thêm ở nhà hoặc thuê mặt bằng ở gần trường, ông Hiếu khẳng định: "Phòng GD mới tiếp nhận thư phản ánh của một số phụ huynh về các lớp học thêm, phòng sẽ cương quyết xử lý theo đúng quy định".

Tuệ Nguyễn – Bích Thanh

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120924/Day-them-cam-thi-mac-cam-Du-kieu-ep-buoc.aspx

‘Thảm đỏ’ chưa thật mở đón nhân tài

Posted: 25 Sep 2012 03:10 AM PDT

Từ những câu chuyện thực cho thấy, nhiều thủ khoa lưỡng lự trước "thảm đỏ ưu
đãi" của Hà Nội. Với nhiều người, "thảm đỏ" này chưa thực sự rộng mở…

Vào rồi thì thất vọng

"Những người thực sự có khát vọng cống hiến, họ dám hi sinh cơ hội công
việc ngoài nhà nước. Song, có không ít người “hưởng ưu đãi” để vào nhà nước rồi
lại thất vọng"
– anh Nguyễn Quang Uy – thủ khoa Học viện Kỹ thuật Quân sự Hà
Nội năm 2004 tâm sự.

Sau khi được vinh danh thủ khoa, anh Quang Uy về làm việc tại trường, học cao
học và có 3 năm nghiên cứu sinh tại Ireland. Sau đó, anh trở về tiếp tục giảng
dạy và nghiên cứu tại HV Kỹ thuật Quân sự.

Là người đam mê khoa học, thích nghiên cứu, nên anh khá hài lòng với cuộc
sống hiện tại. Dù theo anh, "làm nghiên cứu trong nước, cơ sở vật chất hạn chế,
cộng đồng nghiên cứu không mạnh, người làm nghiên cứu vẫn phải lo cơm áo gạo
tiền…"

"Những người thực sự có khát vọng cống hiến, họ dám hi sinh cơ hội…" –
lời Thủ khoa Nguyễn Quang Uy. Trong ảnh, anh Uy hạnh phúc bên gia đình
nhỏ của mình. (Ảnh: Quỳnh Anh)

Từ khát vọng bản thân anh đúc kết “bất cứ người trẻ nào cũng mong muốn
được đóng góp năng lực của mình cho xã hội.”

"Mới ra trường, SV nào cũng khao khát được cống hiến, được làm việc nên
chính sách trải thảm đỏ của Hà Nội chắc chắn dành được thiện chí của các bạn”

- anh Uy khẳng định. Nhưng, vì sao số người từ chối lại nhiều? Theo anh, ngoài
lý do mâu thuẫn cung – cầu giữa các ngành thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu
một môi trường làm việc phù hợp, mức đãi ngộ lương bổng không tương xứng…”

“Tuy nhiên, từ chối "thảm đỏ" không có nghĩa là các bạn không mong muốn cống
hiến" – anh Uy nhìn nhận.

Môi trường làm việc không tương xứng

Học ngành Công nghệ thông tin (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) – Trần Tuấn Anh
thủ khoa năm 2010 hoàn toàn không "bị" chính sách sử dụng thủ khoa của Hà Nội
cuốn hút. Ngay từ thời sinh viên, Tuấn Anh đã tham gia nhóm nghiên cứu
MIMAS (nhóm đoạt giải nhất cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2010 với sản phẩm Hệ thống
số hóa tư duy con người).


Thủ khoa Trần Tuấn Anh (thứ 2 từ phải qua) cùng đồng đội trong đêm trao giải Nhân tài Đất Việt (Ảnh: ĐH Bách Khoa HN)

Với thành tích "khủng" sau khi ra trường, anh được công ty uy tín săn đón,
đồng thời được tạo điều kiện làm việc và nghiên cứu rất tốt.

Tuấn Anh chia sẻ: "Sau khi ra trường, tôi vào làm việc luôn ở một công ty
Mỹ, chi nhánh tại Việt Nam. Vừa làm, vừa tiếp tục nghiên cứu trong nhóm MIMAS.
Cùng thời gian đó, tôi được gặp gỡ các bạn đỗ VEF (Quỹ Giáo dục Việt Nam) 2011,
được họ truyền lửa. Từ đó, tôi quyết định ứng tuyển VEF để đi du học"

Vừa học, vừa làm, vừa ôn luyện đi vượt qua những kỳ sát hạch khó khăn, Tuấn
Anh trúng tuyển và đi du học tại Mỹ. Với anh, cả một chân trời mới đang rộng mở
trước mắt.

Từ  kinh nghiệm thực tế Tuấn Anh so sánh, với đặc trưng ngành CNTT, độ
hấp dẫn của môi trường nhà nước thua xa các vị trí tuyển dụng của tư nhân, nước
ngoài. Hơn nữa, các đãi ngộ trong nước vẫn chưa đạt được kỳ vọng của nhiều thủ
khoa như: Môi trường làm việc, điều kiện phát triển tốt; công việc phù hợp và
chế độ đãi ngộ thỏa đáng; có cơ hội đóng góp cho xã hội….

“Cho nên, con số 10% các thủ khoa chịu "đầu quân" cho thành phố Hà Nội sau
10 năm phát động chính sách thu hút người tài là bình thường, đúng quy luật”

- thủ khoa Trường ĐH Bách khoa năm 2007 Võ Hoàng Biên bộc bạch.

“Cũng như các bạn sinh viên mới ra trường khác, các thủ khoa cũng sẽ có những
chọn lựa, so sánh giữa các cơ hội đến với họ” – anh Biên nói.

“Trong nền kinh tế thị trường, cơ hội về nghề nghiệp của các bạn trẻ cũng
rộng mở hơn, đây là một điều rất thuận lợi cho họ. Nói nguồn nhân lực chất lượng
cao, tôi đánh giá các cơ quan nhà nước cũng giống như các doanh nghiệp, công ty
khác. Để thu hút được nhân lực thì họ sẽ phải đưa ra được những ưu điểm hay lợi
thế trong điều kiện làm việc, lương bổng, đãi ngộ… Như thế mới thu hút được
nguồn lực có chất lượng cao cũng như giữ và sử dụng tốt những tài năng.

Khi mà môi trường làm việc trong các cơ quan nhà nước được nhiều người đánh
giá là chưa năng động và chưa tạo điều kiện cho các ý tưởng sáng tạo thì các thủ
khoa sẽ chọn những cơ hội khác, phù hợp hơn" – thủ khoa 2007 nêu quy luật.

Bài 3: ‘Thảm đỏ’ nặng về hình thức

  • Quỳnh Anh

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/89705/-tham-do--chua-that-mo-don-nhan-tai.html

Nâng điểm cho hàng loạt học viên cao học

Posted: 25 Sep 2012 03:09 AM PDT

Nâng điểm cho hàng loạt học viên cao học

TT – Cán bộ chấm thi trực tiếp sửa bài để nâng điểm hàng loạt, "giúp" những học viên cao học đủ điều kiện bảo vệ luận văn tốt nghiệp.

Sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội khiến hơn 900 học viên cao học chưa được nhận bằng thạc sĩ.

Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội – nơi đã xảy ra vụ sai phạm cán bộ chấm thi sửa bài để nâng điểm hàng loạt – Ảnh: Quang Thế

Bắt đầu áp dụng thông tư 10 quy định quy chế đào tạo thạc sĩ của Bộ GD-ĐT mới ban hành, trường tổ chức thi môn tiếng Anh với yêu cầu học viên phải có trình độ năng lực ngoại ngữ ở mức tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 của khung châu Âu chung mới đủ điều kiện tốt nghiệp. Theo quy định này, học viên phải đạt được tổng điểm ba bài thi (kỹ năng đọc/viết, nghe hiểu, nói) tối thiểu 50/100 điểm và điểm mỗi bài thi không dưới 30% (ví dụ điểm bài nghe hiểu không dưới 6,5/20 điểm tối đa).

Nâng điểm hàng loạt

Song ngay khi kỳ thi kết thúc, nhà trường đã nhận được thư tố cáo tiêu cực về việc cán bộ nhà trường nhận tiền của học viên để nâng điểm một cách phi lý.

Chính nội dung tố cáo này đã làm lộ ra việc sửa bài thi, nâng điểm thi cho hàng loạt học viên. Cán bộ chấm thi đã bắt tay nhau tự ý lấy bút sửa bài, chèn chữ, viết thêm câu rồi chấm lại trên bài thi đã được chỉnh sửa, "làm đẹp" điểm số cho học viên. Tiếp đến, tổ thư ký (thuộc Viện đào tạo sau ĐH) bất chấp những dấu hiệu "lạ" của những bài thi bị sửa điểm vẫn vào điểm một cách bình thường. Sai phạm được phát hiện gồm: một số bài thi đã đánh dấu bằng cụm từ giống nhau dưới bài thi, một số bài có ghi tên thật dưới bài yêu cầu viết thư, bài thi có nhiều nét chữ khác nhau, dùng nhiều loại mực khác nhau (bút chì, bút bi)…

Theo ông Nguyễn Huy Cường – quyền trưởng phòng tổ chức cán bộ Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, kiểm tra bài thi từ hai đợt thi ngoại ngữ (những thí sinh trượt đợt 1 được thi lại trong đợt 2) phát hiện hơn 180 bài thi sửa điểm trực tiếp, điểm được nâng chênh lệch lên 0,5-5 điểm tùy từng bài thi. Trong số này, ở đợt 2 có 29 trường hợp được thay đổi điểm, trong đó sáu trường hợp nâng từ 49,5 lên 50 điểm để thí sinh vừa đủ điểm đạt yêu cầu. Với bài thi nghe hiểu, có quá nhiều thí sinh đạt điểm liệt (dưới 6,5 điểm) cũng được tìm cách nâng lên theo chủ trương… "đãi cát tìm vàng".

Vi phạm có tổ chức

"Theo giải trình của các giáo viên tham gia chấm thi, khi chấm được một số bài, thấy điểm quá thấp nên tổ chấm đã đề xuất sửa lại barem để nâng điểm thí sinh lên. Việc sửa barem này không hề được báo cáo hay có văn bản nào ghi nhận. Dù là chủ tịch hội đồng thi, bản thân tôi cũng không được báo cáo gì về việc này" – PGS.TS Trần Đức Viên, hiệu trưởng nhà trường, nói.

Tuy nhiên, quá trình làm sai lệch điểm thi không chỉ do những giáo viên trực tiếp chấm thi can dự và quyết định. Trong phần giải trình với lãnh đạo nhà trường, ông Đinh Văn Chỉnh – phó hiệu trưởng – thừa nhận do biết khả năng ngoại ngữ của học viên hạn chế nên đã có ý nhắc các giáo viên cần chấm theo cách "đãi cát tìm vàng", tạo điều kiện cho thí sinh có thêm điểm. Thực tế, ngoài việc sửa barem, việc chấm thi cũng được thống nhất nới lỏng theo chủ trương thí sinh chỉ cần viết câu hoàn chỉnh, không đúng đáp án vẫn cho điểm. Trong một số bài thi viết thư, thí sinh ghi tên thật của mình liền được hội đồng thi thống nhất… lấy bút phủ viết đè lên thay cho thí sinh, tránh lỗi đánh dấu bài.

Sai phạm quy chế không dừng lại ở việc giáo viên sửa bài thi, viết thêm cho bài thi để nâng điểm cho học viên mà ngay cả sau khi ráp phách, việc sửa điểm vẫn tiếp tục diễn ra. Nhiều bài thi bị phát hiện hiện tượng gạch điểm chấm trước đó để thay bằng điểm mới một cách lộ liễu, trực tiếp lên ô điểm, không cần căn chỉnh cho khớp với những phần chấm cụ thể trong bài. Các bài thi được thay điểm mới không hề có chữ ký của người chấm nhưng việc vào điểm sau đó vẫn diễn ra bình thường. Những bài thi có dấu hiệu nâng điểm đều chỉ viết điểm thi bằng số, mà không ghi cả bằng số và chữ nhưng quy trình nhập điểm do tổ thư ký thực hiện cũng diễn ra hết sức suôn sẻ.

Theo phòng tổ chức cán bộ, hiện có hơn mười cán bộ (thuộc Viện đào tạo sau ĐH, thanh tra nhà trường, khoa sư phạm ngoại ngữ…) bị xác định tham gia những phần việc khác nhau trong sai phạm này đang được hội đồng kỷ luật nhà trường xem xét đề xuất các mức độ kỷ luật từ phê bình nhắc nhở đến cách chức. Riêng viện trưởng Viện đào tạo sau ĐH đã thôi quản lý trước đó do hết nhiệm kỳ.

Giám định toàn bộ 2.700 bài thi

Theo PGS.TS Trần Đức Viên, nếu vụ tiêu cực này không xảy ra, học viên cao học K18 đã được nhận bằng tốt nghiệp từ tháng 6-2012.

Tuy nhiên, số bài thi đã bị phát hiện sửa chữa, nâng điểm… đến giờ vẫn chưa phải là con số cuối cùng. Việc sàng lọc mới được thực hiện "điểm" ở hơn 500 bài thi, trong khi hơn 900 học viên của K18 tham gia thi đủ ba bài thi kỹ năng sẽ phải có tổng cộng hơn 2.700 bài thi. Trường đã mời Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) giám định toàn bộ hơn 2.700 bài thi để trả điểm số thực về cho từng thí sinh. Việc kiểm tra chủ yếu nhằm phát hiện những bài viết bởi hai nét chữ khác nhau trở lên và những bài chấm điểm bằng nhiều nét chữ khác nhau.

"Khóa K18 đã thi tốt nghiệp xong, nhưng hiện chưa ai được cấp bằng. Tôi đã chuẩn bị khi có kết luận cuối cùng sẽ xin lỗi các học viên vì sai phạm của nhà trường, của các thầy cô giáo mà việc trao bằng bị chậm trễ. Trường đang chờ kết quả giám định từ Viện Khoa học hình sự để đưa ra phương án xử lý. Những bài thi "sạch", không có dấu hiệu sửa bài, nâng điểm sẽ được trao bằng tốt nghiệp ngay. Những bài thi "không sạch" sẽ phải chấm lại.

Ngoài các thầy cô trong trường, việc chấm lại sẽ có sự tham gia của các giảng viên ngoại ngữ Trường ĐH Hà Nội. Kết quả chấm lại nếu thí sinh nào không đủ điểm sẽ phải thi lại. Trường sẽ làm tới cùng dù biết trong số học viên này không ít người thuộc diện cán bộ được quy hoạch tại các địa phương" – ông Viên cho biết.

NGỌC HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/513021/Nang-diem-cho-hang-loat-hoc-vien-cao-hoc.html

Nhân lực cho ngành công nghệ thông tin: Cần 1 triệu người trong 8 năm tới

Posted: 25 Sep 2012 03:09 AM PDT

Việt Nam cần 1 triệu lao động công nghệ thông tin (CNTT) cho đến năm 2020, gấp ba lần lượng lao động hiện tại.

Trong đó, tính riêng TP.HCM đến năm 2015 cần 100.000 lao động ngành này, phục vụ cho trên 10.000 doanh nghiệp vào thời điểm đó.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc gặp gỡ của các doanh nghiệp với Hội Tin học TP.HCM, Trung tâm tin học Trường đại học Khoa học tự nhiên (KHTN), Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM (Yes Center) cùng 150 bạn sinh viên đang theo học CNTT hôm 22-9.

Nhân lực cho ngành công nghệ thông tin: Cần 1 triệu người trong 8 năm tới
Các kỹ sư CNTT của Công ty Arrive Technologies VN làm việc tại tòa nhà Etown, Q.Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: M.Đức

Rất thiếu trong tương lai

Cần 1 triệu lao động trong thời gian tới, tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Toàn – Công ty Global CyberSoft (VN) JSC, “khả năng đào tạo ngành CNTT toàn quốc chưa đáp ứng được”. Ông cho rằng tới năm 2015, trong khi nhu cầu lao động CNTT cần tới trên 550.000 người thì giỏi lắm chỉ đáp ứng được khoảng 400.000 người. “Chắc chắn trong tương lai, nguồn lao động này sẽ thiếu” – ông Toàn khẳng định.

Ông Nguyễn Tri Quang, giám đốc Yes Center, cho biết hiện nay nhân lực trong ngành CNTT được tuyển dụng nhiều là lập trình, thiết kế phần mềm, quản trị phần mềm. Bên cạnh đó, ông Vũ Anh Tuấn – Hội Tin học TP.HCM – nhận định trong thời gian tới lực lượng lao động CNTT bậc trung cũng sẽ cần kíp khi ngành BPO (Business Process Outsourcing – tạm dịch: dịch vụ gia công thuê ngoài) phát triển. “Nhân lực trong ngành BPO chỉ cần qua đào tạo các khóa ngắn hạn ba tháng có thể làm được, phù hợp với người tốt nghiệp THPT hoặc người khuyết tật” – ông Tuấn nói.

Với đặc thù là ngành có thể hỗ trợ nhiều ngành nghề khác, CNTT được xem như ngành ngày càng nhiều đất dụng võ trong xu hướng tất cả các ngành đều ứng dụng CNTT.

Chuẩn bị ngay từ trong trường học

Dù vậy, theo một thống kê từ Trung tâm tin học Trường đại học KHTN, 42% sinh viên ngành CNTT thiếu kỹ năng mềm và 70% sinh viên vào làm phải được các doanh nghiệp đào tạo lại. Trong khi theo đề án nguồn nhân lực CNTT đến năm 2020 của Chính phủ yêu cầu 80% nguồn nhân lực phải đạt chuẩn quốc tế. Nhiều sinh viên trong ngành vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc trau dồi kỹ năng mềm bên cạnh kỹ năng chuyên môn.

Bạn Lâm Vĩnh Phúc, sinh viên năm 2 Trường Aptech, bày tỏ: do xác định ngành CNTT chỉ làm việc với máy tính nên không quan tâm đến việc trau dồi kỹ năng giao tiếp hoặc thuyết trình, làm việc nhóm. Đây cũng là điểm chung của nhiều bạn trẻ theo học lĩnh vực này.

Theo ông Vương Bảo Long, giám đốc Công ty LogiGear Corporation, bảy năm nay từ lúc mới thành lập công ty luôn phải đào tạo thêm ít nhất sáu tháng đối với nhân viên mới. “Tỉ lệ tuyển của công ty khoảng 1/10, nhưng người cuối cùng vẫn thiếu rất nhiều kỹ năng để có thể làm việc được, đặc biệt là kỹ năng mềm” – ông Long cho biết.

Bà Lại Thị Hạnh, Trung tâm tin học KHTN, nhấn mạnh ba kỹ năng mềm quan trọng bên cạnh kỹ năng chuyên môn mà một người làm CNTT phải có gồm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian và căng thẳng. “Mỗi người là một cầu thủ trong đội bóng trong nghề này. Vì vậy bạn cần phối hợp với người khác để hoàn thành dự án đúng hạn. Thêm vào đó khi làm việc với một người kế toán hay bán hàng, bạn cũng cần biết cách nói theo đặc thù của từng người” – bà Hạnh chia sẻ.

Để đáp ứng lao động CNTT thời gian tới, sinh viên cần định hướng và tự chuẩn bị ngay từ khi còn trong trường đại học. Đây là điều quan trọng để nguồn nhân lực CNTT ra trường có thể làm được việc ngay và tránh tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp trong khi doanh nghiệp lại thiếu người làm như hiện nay.

Theo Ngọc Trường / Tuổi Trẻ 

Kiến nghị ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt Đoàn
Học công nghệ thông tin tại Đại học Bách Khoa TP.HCM
Cùng Intel "mở cửa" khám phá ứng dụng công nghệ thông tin
Techcombank: "Dẫn đầu nhờ công nghệ thông tin"
Công nghệ thông tin: Công cụ đắc lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120925/Nhan-luc-cho-nganh-cong-nghe-thong-tin-Can-1-trieu-nguoi-trong-8-nam-toi.aspx

Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc

Posted: 25 Sep 2012 03:06 AM PDT

Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc

TT – Ngày 24-9, tại Cung văn hóa Lao động hữu nghị Việt – Tiệp (TP Hải Phòng) diễn ra lễ khai mạc Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2012 do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TBXH) tổ chức.

Theo ông Cao Văn Sâm – phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, trưởng ban tổ chức hội giảng, năm nay có 220 giáo viên dạy giỏi thuộc 140 cơ sở dạy nghề của 55 tỉnh, thành phố tham dự hội giảng.

Từ ngày 24 đến 30-9, các giáo viên sẽ tranh tài ở chín nghề cơ bản gồm: hàn, cắt gọt kim loại, quản trị mạng máy tính, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, may thời trang, kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính, công nghệ ôtô, lái ôtô.

Hội giảng năm nay có hơn 1.000 giáo viên, cơ sở dạy nghề trên cả nước đến dự và học hỏi kinh nghiệm.

TRUNG CƯỜNG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/512990/Hoi-giang-giao-vien-day-nghe-toan-quoc.html

14 tuổi đỗ vào đại học

Posted: 25 Sep 2012 03:06 AM PDT

14 tuổi đỗ vào đại học

TT – Maud Chifamba – người Zimbabwe, 14 tuổi – vừa trở thành sinh viên của trường đại học danh tiếng nhất nước này. Hành trình đầy nghị lực của cô bé mồ côi để đặt chân vào giảng đường mơ ước đang được giới truyền thông đưa tin đậm nét.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Chegutu, miền trung Zimbabwe, Chifamba mất cha khi cô vừa tròn 5 tuổi, năm ngoái mẹ cô cũng qua đời.

Hai anh trai là lao động chân tay trong trang trại, tiền lương chỉ đủ sống qua ngày nên không thể lo học phí trọn vẹn cho em gái. Bằng nỗ lực phi thường, Chifamba đã lên kế hoạch tự học tại nhà.

Với lòng quyết tâm và trí thông minh, cô bé mồ côi đã tạo ra thành tích học tập đáng kinh ngạc khi học vượt từ lớp 3 lên lớp 6 và đậu thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp tiểu học khi vừa tròn 9 tuổi. Tiếp đó cô hoàn thành chương trình phổ thông còn lại chỉ trong hai năm sau khi "nhảy cóc" qua hai lớp nữa.

Sau cùng, nỗ lực của Chifamba cũng được đền đáp khi cô bé đạt 12 điểm trong kỳ thi A – level (kỳ thi quốc gia tổ chức vào hai năm cuối cấp của bậc phổ thông, được các trường đại học dùng làm cơ sở tuyển chọn sinh viên).

Với điểm số đó, cô bé mồ côi đã giành được học bổng trị giá 10.000 USD cho bốn năm học ngành kế toán tại ĐH Zimbabwe danh tiếng nhất nước và trở thành sinh viên trẻ nhất ở khu vực miền nam châu Phi.

Khi hỏi về động lực nào khiến một cô bé 14 tuổi có thể đạt được thành tích đáng mơ ước của nhiều người, Chifamba trả lời đơn giản: "Chính vì mồ côi nên em ý thức được hoàn cảnh của mình, không ai chăm sóc em ngoại trừ chính bản thân mình, cả tương lai và số phận cũng đều do mỗi người chúng ta tự quyết định cho cuộc đời mình".

ANH DUY (Theo CNN, beeafrican.com)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/513013/14-tuoi-do-vao-dai-hoc.html

Comments