Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Giao lưu trực tuyến “Chiến thuật thi TOEIC điểm cao”

Posted: 13 Sep 2012 06:08 AM PDT

Buổi giao lưu có sự tham gia của cô giáo Nguyễn Nhân Ái – Thạc sỹ về giảng dạy tiếng Anh, nguyên Giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện công tác tại Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam và bạn Dương Tuệ Minh với chứng nhận TOEIC 930 điểm.

Tại Việt Nam, chứng chỉ TOEIC đang ngày càng được sử dụng rộng rãi, trở thành một điều kiện cần để tốt nghiệp ở một số trường Đại Học cũng như một điều kiện cần trong hồ sơ xin việc của ứng viên ở rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn nhỏ.

Tham dự buổi giao lưu trực tuyến từ 9h đến 11h ngày 17/09/2012, bạn đọc sẽ được trao đổi cùng các khách mời về các phương pháp học, luyện tập hiệu quả cũng như kinh nghiệm thi để tối đa hóa điểm số TOEIC của mình.

Trong buổi giao lưu trực tuyến, độc giả cũng sẽ được giải đáp về chương trình học bổng thường niên Tương Lai Vàng 2012 tổng trị giá 1 tỷ đồng do Trung tâm Anh ngữ AAC kết hợp với báo Dân trí tổ chức. Đây là một trong những chương trình học bổng tiếng Anh lớn và uy tín nhất, đã mang đến cho hàng trăm học viên cơ hội tiếp cận các khóa tiếng Anh chất lượng cao với chi phí vừa phải.

Buổi giao lưu sẽ được thực hiện song song bằng tiếng Việt tại dantri.com.vn và tiếng Anh tại dtinews.vn.

Dưới đây là các thông tin về các khách mời:

Cô giáo Nguyễn Nhân Ái, Thạc sỹ về giảng dạy tiếng Anh, nguyên Giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện công tác tại Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam, là một giáo viên đã gắn bó lâu năm với AAC.

Với trình độ sư phạm cao, cộng với hơn 10 năm kinh nghiệm giảng dạy và sự đam mê của mình, cô Ái luôn là người truyền cảm hứng cho các học viên trong lớp. Tại AAC, cô Ái chuyên về các khóa Giao tiếp Quốc tế, tiếng Anh Thương mại và đặc biệt là luyện thi TOEIC. Học viên các lớp luyện thi TOEIC luôn đánh giá rất cao phương pháp tiếp cận các phần trong bài thi của cô Ái và đã áp dụng rất hiệu quả các chỉ dẫn của cô để đạt được tối đa điểm số trong kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế này.


Cô giáo Nguyễn Nhân Ái.

Ngoài việc trực tiếp đứng lớp, tại AAC, cô Ái còn là một chuyên gia chuyên chịu trách nhiệm xây dựng các giáo trình tiếng Anh theo yêu cầu riêng của các công ty, tổ chức lớn như Vietnam Airlines, Petrovietnam, VDC… Cô Ái cũng là một diễn giả "truyền lửa" trong các hội thảo tiếng Anh chuyên đề do AAC tổ chức.

Bạn Dương Tuệ Minh – cựu sinh viên Đại học Ngoại thương,  rất hướng ngoại và luôn tràn đầy năng lượng. Trong 4 năm học đại học, Tuệ Minh đều là lớp trưởng, là đầu tầu cho mọi hoạt động chính khóa và ngoại khóa của lớp. Một thông tin khá thú vị khác nữa về Minh đó là tuy mới ngoài 20 tuổi, nhưng bạn đã là Đảng viên rồi đấy! Bạn đã được kết nạp Đảng ngay trong thời gian ngồi ghế nhà trường vì những thành tích "đáng nể' trong cả học tập và phong trào.

Khi còn là sinh viên, Tuệ Minh đã làm gia sư tiếng Anh cho các bạn khối D và các anh chị nhân viên ngân hàng. Hiện tại, sau khi ra trường, Minh cũng đang công tác tại một ngân hàng lớn tại Hà Nội. Minh chia sẻ rằng ngoài tấm bằng Đại học ra thì chứng chỉ TOEIC 930 điểm là một "vũ khí" rất quan trọng đã giúp bạn trong cả quá trình ứng tuyển và vào làm tại ngân hàng.


Bạn Dương Tuệ Minh.

Dantri.com.vn

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-640241/giao-luu-truc-tuyen-chien-thuat-thi-toeic-diem-cao.htm

Mỗi chương trình một kiểu

Posted: 13 Sep 2012 06:08 AM PDT

Chương trình tiếng Anh "đua nở" – Kỳ cuối:

Mỗi chương trình một kiểu

TT – Mỗi trường có nhiều chương trình tiếng Anh nhưng mỗi chương trình mỗi kiểu, thiếu sự liên thông giữa các chương trình, giữa các cấp học.

Kỳ 1: Một trường 3-4 chương trình tiếng Anh
Kỳ 2: Lỡ theo Cambridge rồi…

Giờ học tăng cường tiếng Anh của học sinh Trường tiểu học Lê Văn Sĩ, Q.Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Giờ toán đầu tiên chương trình dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh lớp 10 Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM). Bài học nhẹ nhàng về cách đọc các số dương, số âm, phép tính lũy thừa, căn bậc 2… bằng tiếng Anh. Lớp học sinh động với bảng thông minh, thầy trò giao tiếp bằng tiếng Anh. Không khí hào hứng hơn với phần làm bài toán đố vui bằng tiếng Anh.

Đây là bài học do giáo viên trường này tự soạn với mục tiêu nhẹ nhàng: trang bị thêm những khái niệm, từ ngữ bộ môn bằng tiếng Anh, giúp HS biết cách trình bày bài toán bằng tiếng Anh, qua đó các em sẽ yêu thích môn ngoại ngữ.

Đứt đoạn giữa chừng

Năm học 2012, TP.HCM có tám trường THPT có dạy Chương trình này. Chương trình đã triển khai từ năm học trước nhưng nói như hiệu trưởng một trường có dạy môn toán bằng tiếng Anh: "Khó khăn trong việc dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh là chưa có chương trình thống nhất giữa các trường. Cũng chưa có quy định chung về việc kiểm tra đánh giá sẽ thực hiện như thế nào, theo chuẩn nào, học xong sẽ được cấp bằng hay chứng nhận gì không…".

Trong khi đó, chương trình tăng cường tiếng Anh đã thực hiện hơn mười năm qua từ tiểu học đến THPT tại TP.HCM lại vướng phải chuyện đứt đoạn giữa các cấp học.

Chị T.H., phụ huynh có con học lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết con chị học tăng cường tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 9. Khi trúng tuyển vào lớp 10, trường không dạy chương trình tiếng Anh tăng cường thành ra lãng phí. Đây là một trong những trường hợp phải đứt đoạn quá trình học tăng cường tiếng Anh. TP.HCM có gần 30 trường THPT có lớp tăng cường tiếng Anh nhưng với phương thức tuyển sinh lớp 10 hiện tại, nếu không trúng tuyển vào đúng trường có lớp tăng cường tiếng Anh, HS phải học chương trình tiếng Anh bình thường.

Đầu năm học 2012, ngoài chương trình dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, phụ huynh có con học lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai được giới thiệu chương trình THPT Cambridge dự kiến mở tại trường này. Theo đó, phụ huynh sẽ được chọn lựa một trong hai chương trình: chương trình 6 tiết, HS sẽ học hai môn toán và tiếng Anh, học phí hơn 3,7 triệu đồng/tháng; chương trình 8 tiết, học phí hơn 5 triệu đồng/tháng, ngoài hai môn toán và tiếng Anh, có thêm môn khoa học (gồm ba môn lý, hóa, sinh) hoặc môn kinh doanh. Cả hai chương trình đều dạy trong 24 tháng với đầu ra là bằng THPT Cambridge.

Mơ hồ lối ra

Trong khi những phụ huynh có con học tiểu học và THCS hào hứng với chương trình này, phụ huynh và HS THPT thận trọng hơn với tính liên thông của nó. Một phụ huynh băn khoăn: vì sao cùng là chương trình Cambridge nhưng một bên học hai môn, bên kia học ba môn, và bằng cấp sẽ như thế nào, liệu có liên thông với tất cả các trường ĐH quốc tế hay không… khi nhiều trường vẫn yêu cầu phải đủ điểm IELTS hoặc TOEFL mới được dự tuyển. Ngay cả trường ĐH quốc tế tại VN vẫn yêu cầu phải có chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL. Chị băn khoăn: ngay tại trường ĐH trong nước còn chưa chắc liên thông được, nên phải cân nhắc thêm trước khi cho con theo học chương trình này.

Với quyết tâm nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Anh cho HS, Sở GD-ĐT TP.HCM có kế hoạch tuyển khoảng 100 giáo viên nước ngoài đưa về các trường. Chính các trường nơi được hứa hẹn sẽ có một biên chế giáo viên nước ngoài băn khoăn chưa rõ chi phí lương cho giáo viên ngoại này bao nhiêu, kinh phí từ đâu. Nếu phải huy động phụ huynh chi lương cũng cần cân nhắc thêm.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh có con học tiếng Anh nhiều năm bày tỏ sự lo lắng khi Bộ GD-ĐT triển khai chương trình tiếng Anh bắt buộc (từ lớp 3). "Như thế con tôi sẽ phải học lại từ đầu, lãng phí thời gian, kinh phí" – một phụ huynh có con học Trường phổ thông Việt – Úc (Hà Nội) lo lắng. Nhiều phụ huynh khác phản ảnh "do học nhiều chương trình khác nhau, mỗi chương trình dạy phát âm một kiểu, giờ thêm chương trình của bộ nữa thì không biết theo cái nào".

Ông Phạm Xuân Tiến, trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: sở đã hướng dẫn các trường tiểu học dạy tiếng Anh tăng cường linh hoạt trong việc biên soạn chương trình liên thông với chương trình của đề án do Bộ GD-ĐT chỉ đạo. Hiện các trường đang thí điểm dạy tiếng Anh theo đề án quốc gia về dạy học ngoại ngữ (lớp 3, 4, 5) tại Hà Nội vẫn đồng thời dạy chương trình tiếng Anh tăng cường, nhưng chú trọng dạy nghe nói. Chương trình của Bộ GD-ĐT sẽ được các trường, giáo viên biên soạn phù hợp, có tính tiếp nối, không dạy lại kiến thức đã học. Giáo viên dạy "tăng cường" cũng đảm nhận dạy theo chương trình của đề án, thời lượng dạy thí điểm tiếng Anh theo đề án. Các trường này thống nhất triển khai dạy 4 tiết/tuần.

Theo ông Cao Huy Thảo – hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt – Úc (TP.HCM): "Trong ngôn ngữ, cần chấp nhận một sự thật là có HS tiếp thu nhanh, tốt hơn người khác và ngược lại. Vì thế, không nên bắt buộc HS phải "xếp hàng ngang" theo học một chương trình nhất định. Theo tôi, cần có nhiều chương trình để HS chọn lựa phù hợp nhất với năng lực, hoàn cảnh gia đình… của mình".

Tuy nhiên theo ông Thảo, trong bối cảnh như hiện nay, việc giải thích cho phụ huynh, HS hiểu về chuẩn chương trình, mục tiêu hướng tới của mỗi chương trình cũng như phương tiện học tập, mức học phí… là rất quan trọng và cần thiết. Không nên để phụ huynh mơ hồ về những vấn đề này.

Khi đã chấp nhận tồn tại cùng lúc nhiều chương trình thì cần có sự liên thông giữa các cấp học.

Đánh giá hiệu quả chương trình Cambridge: ít nhất 5 năm

Hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM nói: Chúng ta đưa vào trường quá nhiều chương trình nhưng hiện tại chưa có chương trình chỉn chu nào cho mọi HS được hưởng thụ.

Về lâu dài phải tính đến cơ hội học tập công bằng cho mọi HS. Những HS vừa có khả năng tiếng Anh, gia đình vừa có tiền có thể học chương trình Cambridge, nhưng còn những em có thể học tiếng Anh tốt nhưng gia đình không thể đáp ứng mức học phí cao của chương trình này thì sao? Hoặc như những em hội đủ điều kiện học CT Cambridge nhưng trường các em học THCS (theo phân tuyến) không tổ chức được cũng không có cơ hội tiếp cận chương trình.

Trước khi mở một mô hình mới cho đại trà và phải huy động phụ huynh đóng góp thêm phải tính đến chế độ chính sách, miễn giảm học phí để những HS khó khăn cũng được học. Như vậy, để đảm bảo mọi HS khó khăn cũng được hưởng quyền lợi như nhau.

Riêng với chương trình Cambridge, ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng để đánh giá cần thời gian ít nhất 5 năm, trong khi hiện mới thí điểm được hai năm. Đây là chương trình đáp ứng nhu cầu của một bộ phận phụ huynh có điều kiện vì mức học phí khá cao. Tuy nhiên, nếu so với mức học phí của trường quốc tế thì vẫn thấp hơn.

P.ĐIỀN – H.HƯƠNG – V.HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/511036/Moi-chuong-trinh-mot-kieu.html

Học sinh THPT vùng khó khăn sẽ được hỗ trợ tiền ăn

Posted: 13 Sep 2012 06:08 AM PDT

Học sinh THPT vùng khó khăn sẽ được hỗ trợ tiền ăn

TT – Thủ tướng Chính phủ vừa có dự thảo về việc ban hành chính sách hỗ trợ học sinh THPT ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo đó, những học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn đang học tại các trường THPT hoặc trường phổ thông nhiều cấp học thuộc loại hình công lập, do nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày, phải ở trọ gần trường để học tập sẽ được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng theo thời gian học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm/học sinh.

Ngoài ra, những học sinh thuộc đối tượng quy định trên cũng được hỗ trợ tiền nhà bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng trong thời gian học thực tế, không quá 9 tháng/năm. Kinh phí chi cho việc này được cân đối từ nguồn chi cho giáo dục hằng năm, theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

V.HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/511239/Hoc-sinh-THPT-vung-kho-khan-se-duoc-ho-tro-tien-an.html

Phí thu đầu năm để cải thiện cơ sở vật chất

Posted: 12 Sep 2012 08:09 PM PDT

- Sau cơ sở ở miền Trung, sinh viên ở cơ sở chính của
Trường ĐH Nội vụ tại Hà Nội cũng phản ánh xung quanh khoản tiền
1,5 triệu đồng hỗ trợ đào tạo 1 học kỳ và một số khoản thu khác.

Sinh viên hỗ trợ trường cả tỷ đồng

Tổng cộng 8 khoản (không tính
tiền ở ký túc xá) mỗi SV phải nộp khi nhập trường là 5.160.000 đồng. Trong đó
khoản thu "Tiền hỗ trợ đào tạo 1 học kỳ" là 1,5 triệu đồng khiến phụ huynh và SV
thắc mắc nhiều nhất.

Việc thu khoản tiền này đã được
trường thực hiện từ năm 2010. Khi đó, mỗi SV phải đóng 750.000 đồng/học kỳ (hệ
CĐ).

Đến năm học 2012-2013, năm đầu
tiên chuyển từ CĐ lên ĐH trường đã tăng khoản thu dành cho SV hệ CĐ lên 50%, ở
mức 1,25 triệu đồng; hệ trung cấp số tiền SV phải đóng là 1 triệu đồng.

Nếu tính riêng năm học
2012-2013, cơ sở tại Hà Nội của trường với 900 SV hệ ĐH, 1.100 SV hệ CĐ (chưa
tính hệ trung cấp) thì số tiền "hỗ trợ đào tạo" 1 học kỳ của trường là hơn 2,7
tỷ đồng và cả năm là hơn 5,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, mỗi SV cũng phải đóng
250.000 đồng tiền làm thẻ, học quy chế đầu khóa; 360.000 đồng tiền mua đồng phục
thể dục và áo tình nguyện; 400.000 đồng tiền "vệ sinh, an ninh"/4 năm học.

Thu thế còn khiêm tốn

Trao đổi với VietNamNet,
ông Trần Xuân Hòa, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Trường ĐH Nội vụ Hà Nội
cho biết: "Mức thu đã được nhà trường tính toán, tham khảo cụ thể. So với tình
hình thực tế thì còn khá khiêm tốn".

Theo ông Hòa: "Mức ngân sách
trường được cấp cộng với học phí của SV hiện nay chỉ hơn 3 triệu đồng/SV/năm,
rất khó để đảm bảo chất lượng dạy và học. Việc thu thêm các khoản cũng được nhà
trường thông báo công khai tới phụ huynh và SV với mong muốn xã hội cùng chung
tay nâng chất lượng dạy và học".

Số tiền này, theo ông Hòa: "Sau
khi thu được dùng để cải thiện cơ sở vật chất (CSVC) như bổ sung phòng học mới,
phòng máy tính năm nào cũng phải bổ sung. SV thực hành lập hồ sơ cũng cần có
kinh phí. Rồi chuyện phân nhóm thực hành kéo theo số giờ giảng và chi phí phải
trả cho giảng viên lên cao".

Trước đó, ông Huỳnh Ngọc Dũng -
Trưởng Phòng Tổng hợp hành chính tại cơ sở miền Trung của trường rằng SV "phải
chấp nhận hỗ trợ thêm tiền chi phí phương tiện đi lại cho giảng viên từ Hà Nội
vào giảng dạy".

“Chi phí phương tiện đi lại
của giảng viên chỉ là một phần rất nhỏ. Việc thu không chỉ dùng để cải thiện
CSVC cho thực hành của SV mà còn bổ trợ cho các hoạt như hoạt động đoàn, hỗ trợ
học bổng và trợ cấp cho SV nghèo"
– ông Hòa tiếp lời.

Ông dẫn dụ, riêng khoản hỗ trợ
học bổng và trợ cấp cho SV nghèo trong năm 2011-2012 của trường là 1 tỷ đồng.
Năm qua trường đã tự cải tạo và đưa vào sử dụng 12 phòng học với đầy đủ tiện
nghi…

“Do đó, số tiền "hỗ trợ đào
tạo" thu như vậy là khiêm tốn” – lời ông Hòa. Trường đã tham khảo các đơn vị đào
tạo khác cũng như tính toán với tình hình trượt giá hiện nay. Các hoạt động thu
chi từ tiền này hàng năm đều có kiểm toán, thanh tra minh bạch.

Khoản thu "đồng phục thể dục
thể thao, áo thanh niên tình nguyện" được lý giải là "để phục vụ cho chính các
em".  Khoản thu 250.000 đồng/SV cho "làm thẻ, học quy chế đầu khóa, chi cho nhân
sự trường mời vào đến giảng cho SV trong sinh hoạt công dân đầu năm…

Những khoản thu này, theo ông
Hòa đã được trường tiến hành thực hiện từ năm 2010 và không nhiều SV thắc mắc (?)

  • Văn Chung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/88190/-phi-thu-dau-nam-de-cai-thien-co-so-vat-chat-.html

TP.HCM: mỗi trường phải có một giáo viên tư vấn

Posted: 12 Sep 2012 08:09 PM PDT

TT – Sở GD-ĐT TP.HCM vừa ban hành quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động tư vấn trong trường học trên địa bàn TP.

Theo đó, mỗi trường học phải có ít nhất một giáo viên tư vấn để thực hiện ba nhiệm vụ cơ bản: tư vấn trực tiếp cho học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh (tư vấn cá nhân hoặc theo nhóm tại phòng tư vấn, tư vấn chuyên đề tại lớp học, hội trường, sân cờ hoặc tại gia đình…); tư vấn gián tiếp thông qua hộp thư, điện thoại…; tổ chức tập huấn về chuyên môn tư vấn, tâm lý, hướng nghiệp… cho cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh…

H.HG.

Phát động cuộc thi "Giao thông thông minh"

Ban chỉ đạo quốc gia cuộc thi "Giao thông thông minh" trên Internet đã chính thức phát động cuộc thi đến toàn thể học sinh trong năm học mới 2012-2013 tại Trường THCS Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM).

Đây là cuộc thi trắc nghiệm kiến thức về an toàn giao thông dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở với nội dung gồm ba phần: kiến thức về an toàn giao thông, kỹ năng xử lý tình huống và các hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Cuộc thi sẽ có 18 vòng thi tự do và ba vòng thi chính thức, được tổ chức trong chín tháng.

Học sinh có thể tham khảo thêm thông tin về cuộc thi cũng như đăng ký thi tại trang web http://gttm.go.vn.

DUY TRÂN

Hà Nội: mỗi khoản "phụ phí" không quá 150.000 đồng

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa ban hành hướng dẫn tạm thời các khoản thu khác ngoài học phí áp dụng cho năm học 2012-2013. Theo đó, các khoản thu khác ngoài học phí gồm khoản thu hộ (bảo hiểm y tế), khoản thu theo thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh nhằm thực hiện nhiệm vụ chăm sóc học sinh (tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú, học phẩm, nước uống tinh khiết…). Các khoản thu theo thỏa thuận này được sở GD-ĐT quy định mức trần cho từng khoản cụ thể, đối với từng bậc học. Phần lớn các khoản không thu quá 150.000 đồng/học sinh (theo tháng hoặc năm).

VĨNH HÀ

Khởi động cuộc thi "Prudential – văn hay chữ tốt" khu vực ĐBSCL

Ngày 12-9, báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential và sở GD-ĐT 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL họp báo khởi động cuộc thi "Prudential – văn hay chữ tốt" khu vực ĐBSCL lần 13-2012.

Cuộc thi sẽ diễn ra từ tháng 9 đến tháng 12-2012, dành cho học sinh khối THCS. Các thí sinh sẽ trải qua các vòng thi từ cấp trường, quận/huyện đến cấp tỉnh thành và khu vực, với hai tiêu chí "làm văn hay" và "viết chữ đẹp". Năm nay nội dung thi là viết một bài văn tự sự hoặc văn biểu cảm về cuộc sống, xã hội, con người (khối 6, 7) và một bài văn nghị luận xã hội (khối 8, 9).

THANH XUÂN

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/511238/TPHCM-moi-truong-phai-co-mot-giao-vien-tu-van.html

Học sinh đang mất thói quen ăn sáng

Posted: 12 Sep 2012 08:09 PM PDT

Các chuyên gia của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM đã thực hiện một khảo sát trên 1.404 HS THPT tại TP.HCM nhằm tìm hiểu khả năng nhận thức vóc dáng bản thân, thói quen ăn uống và kiến thức cơ bản về phòng chống thiếu máu của HS.

Theo đó, tỷ lệ HS THPT có thói quen không ăn sáng, không ăn trưa và không ăn tối lần lượt là 17,4%, 2,6%, 2,4%. Tỷ lệ HS nội thành bỏ bữa ăn sáng chiếm đến 20,3% cao gấp đôi HS ngoại thành (11,7%) và vùng ven là (11,4%). Lý do chủ yếu khiến HS bỏ bữa ăn là do không có thời gian để ăn (51,6%), số còn lại là do các nguyên nhân: thói quen bỏ bữa, biếng ăn, mệt mỏi, tiết kiệm tiền…

Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, HS THPT là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em thành người trưởng thành với sự tăng trưởng nhanh về thể chất. Tuy nhiên, vấn đề ăn uống dinh dưỡng trong lứa tuổi này thường ít được quan tâm với các lứa tuổi nhỏ hơn. Các em cũng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản về dinh dưỡng hợp lý. Mặt khác, từ phía phụ huynh có con trong độ tuổi này cũng ít quan tâm đến chế độ ăn của con, vì cứ nghĩ con mình đã lớn, có thể tự lo cho bản thân.

"HS bỏ bữa ăn sáng có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng cơ thể và quá trình học tập. Đầu tiên có thể dẫn đến tình trạng không đủ chất cho não hoạt động, nhất là đường glucose. Có thể thấy, vi lượng glucose trong máu của những HS có ăn sáng cao hơn những HS bỏ bữa sáng. Mà nguồn năng lượng này là cần thiết cho hoạt động, tư duy… Lượng glucose sẽ giảm tới mức tối thiểu sau một đêm ngủ. Bộ nhớ và học tập sẽ bị ảnh hưởng nếu không có đủ đường để nạp cho não bộ và điều khiển hệ thống thần kinh trong cơ thể", bác sĩ Diệp nói.

Trước vấn đề này, bác sĩ Diệp khuyên: "HS cần ăn đủ bữa (sáng, trưa, chiều), nhất là buổi sáng để có năng lượng học tập. Người lớn ăn sáng để dùng năng lượng làm việc, nhưng ở lứa tuổi HS cần cho học tập và phát triển cơ thể, rồi vui chơi vận động. HS phải ý thức việc ăn sáng là quan trọng. Việc ăn sáng không quá phức tạp, HS có thể ăn tại nhà (bánh mì phô mai, uống ly sữa…), tại trường và hàng quán (chọn nơi đảm bảo vệ sinh). Điều quan trọng là trong mỗi bữa ăn, nên đảm bảo đủ chất ở 4 nhóm dinh dưỡng chính: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất".

Minh Luân

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120912/Hoc-sinh-dang-mat-thoi-quen-an-sang.aspx

Đình chỉ một hiệu trưởng vì lạm thu

Posted: 12 Sep 2012 08:08 PM PDT

- Nhiều phụ huynh có con học tại Trường mầm non Định Công (Thanh Hóa) đã phản
đối những khoản thu vô lý của nhà trường bằng cách cho con nghỉ học. Liên quan đến vụ việc,
hiệu trưởng đã bị đình chỉ chức vụ để làm rõ sai phạm.

 

Hiệu trưởng Trường Mầm non Định Công đang bị đình chỉ công tác vì lạm thu

Ngày 12/9, ông Nguyễn Văn Bình, Chánh văn phòng UBND huyện Yên Định cho biết,
Chủ tịch UBND huyện đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với bà Đào Thị
Quy, Hiệu trưởng Trường mầm non Định Công để xác minh làm rõ những nội dung vi
phạm về quản lý tài chính và các nội dung khác tại trường. Đồng thời xem xét
hình thức xử lý kỉ luật.

"Trong những ngày qua, nhà trường đã cùng với các cán bộ địa phương đến
từng hộ gia đình lí giải, vận động các bậc phụ huynh cho các cháu đến trường. Vì
nếu không cho các cháu đến trường thì rất thiệt thòi cho các cháu…. Hiện nhiều
phụ huynh đã đưa con trở lại trường"
- ông Bình cho biết thêm.

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Yên
Định cho biết, "quan điểm của huyện là làm việc khách quan, không bao che. Hiện
tại chúng tôi đã chuyển sự việc sang phòng Thanh tra để tiếp tục làm rõ".

Trước đó, vào sáng 5/9, là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường khai giảng năm
học mới, thế nhưng các phụ huynh có con em theo học tại trường mầm non Định Công
lại cho con ở nhà.

Lí do được nhiều phụ huynh đưa ra là trong năm học 2011 – 2012 nhà trường đã
thu nhiều khoản thu sai với quy định. "Năm học vừa qua, không chỉ tôi mà còn
rất nhiều các phụ huynh có con em theo học tại đây vô cùng bức xúc về việc hiệu
trưởng nhà trường đã có những khoản thu không đúng mục đích và rõ ràng như, tiền
học phí, tiền nước uống, tiền mua đồ dùng sinh hoạt cá nhân của các cháu…"
,
một phụ huynh cho biết.

Cũng theo phản ánh của phụ huynh, học kỳ I năm học 2011 – 2012, theo quy định
mỗi em học sinh phải đóng 20.000 đồng/tháng tiền học phí, thế nhưng trường đã
thu lên đến 40.000đ/tháng. Sang học kỳ II, theo quy định nhà nước học phí được
nâng lên 40.000 đồng /tháng, thì nhà trường thu 70.000 đồng /cháu/tháng đối với
lứa tuổi dưới 36 tháng tuổi và 60.000 đồng/cháu/tháng lứa tuổi trên 36 tháng…

Cô Lê Thị Lý, phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, "trường tổ chức chiêu sinh
từ ngày 20/8 và chính thức học từ 21/8. Việc phụ huynh không đưa các em đến
trường diễn ra từ cuối tháng 8 đến nay, mỗi ngày lại có thêm nhiều em học sinh
không đến lớp. Đặc biệt là hôm 5/9, chỉ có một số phụ huynh đưa con đến dự lễ
khai giảng. Hầu hết các phụ huynh tập trung phía ngoài yêu cầu được cấp trên trả
lời rõ về các vấn đề bức xúc thì họ mới đưa trẻ đi học".

Theo kế hoạch năm học mới 2012 – 2013, toàn trường có trên 180 em học sinh,
nhưng trong buổi lễ khai giảng chỉ có gần 40 cháu được phụ huynh đưa đến dự lễ
khai giảng.

Nguyện vọng của nhiều phụ huynh có con em theo học tại đây là yêu cầu nhà
trường lý giải rõ ràng về các khoản thu. Đồng thời phải làm rõ trách nhiệm của
các cá nhân liên quan.

  • Thanh Lê

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/88298/dinh-chi-mot-hieu-truong-vi-lam-thu.html

Đóng các nhân vật nổi tiếng để “khuấy động” buổi dạy Lịch sử

Posted: 12 Sep 2012 05:54 PM PDT

Đó là thầy David Perkins, trưởng bộ môn Lịch sử tại Trường trung học Duffryn ở Newport, South Wales. Thầy Perkins dạy môn Lịch sử bằng cách mặc trang phục giống các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, quay phim lại và đăng tải lên trang YouTube để học sinh vào xem.

Thầy Perkins đã mua một hộp tóc giả và một số trang phục sặc sỡ để đóng vai các nhân vật vĩ đại trong lịch sử và quay phim lại. Sau đó, thầy nói với các học trò từ 11 – 13 tuổi của mình là: "Hãy về nhà và vào trang YouTube".

Thầy giáo 28 tuổi quyết định đóng vai các nhân vật lịch sử vì sợ rằng các học trò của mình sẽ buồn chán khi học môn Lịch sử từ những bài học quen thuộc trong sách giáo khoa.


Thầy giáo đóng các nhân vật nổi tiếng để

Các "vở kịch lịch sử" dài 5 phút mà thầy Perkins đóng đã nhanh chóng được ưa chuộng trên trang YouTube và thu hút hàng ngàn lượt truy cập.

Thầy Perkins tâm sự: "Tôi chỉ muốn thử một phương pháp mới để giảng dạy môn Lịch sử và còn gì tốt hơn là thông qua YouTube?".


Thầy Perkins trong trang phục của những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử.


Thầy Perkins trong trang phục của những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử.


Thầy Perkins trong trang phục của những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử.

Các nhân vật lịch sử mà thầy Perkins đóng là vua Na Uy Harald Hardrada, William Người Chinh phục, linh mục Martin Luther… Sắp tới, thầy Perkins lên kế hoạch đóng vai nữ hoàng Elizabeth I.

Thầy thừa nhận là mình đóng kịch còn rất "a-ma-tơ" nhưng chính các học sinh của thầy ở Trường trung học Duffryn cho biết thầy đã mang lại bầu không khí sống động cho các buổi học lịch sử.

Thầy Perkins cho biết: "Tụi trẻ thích sử dụng máy tính và điện thoại di động, vì vậy tôi nghĩ mình nên thử và tiếp cận các em theo cách này".

"Bạn cần phải thay đổi những việc bạn đang làm với trẻ – nếu bạn không duy trì được các việc đó sao cho chúng sống động, thì cũng giống như mọi thứ vậy, chúng sẽ trở nên già cỗi và buồn chán. Chúng ta cần phải thay đổi các quy định về cách chúng ta truyền tải" – thầy Perkins nói thêm.

Các trang phục này do bạn gái thầy Perkins là một nhà thiết kế thời trang làm. Thầy cũng mua một số bộ tóc giả ít tiền ở siêu thị và một số cửa hàng đồ cũ.

Thầy Perkins cho biết: "Tôi không có kịch bản nào cả. Tôi đơn giản là đứng trước camera và diễn mặc dù chúng tôi phải dừng lại để quay vài lần bởi vì tôi dễ bị mắc cười".

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-639991/dong-cac-nhan-vat-noi-tieng-de-khuay-dong-buoi-day-lich-su.htm

Thông tin tuyển bổ sung NV2 các Trường ĐH khu vực ĐBSCL

Posted: 12 Sep 2012 05:54 PM PDT

(TNO) Trường ĐH Tiền Giang (ĐHTG) hôm nay 11.9 đã có thông báo xét tuyển NV2 (đợt 3) dành cho thí sinh (TS) hộ khẩu khu vực ĐBSCL có tổng điểm 3 môn theo từng khối thi (cộng thêm điểm ưu tiên đối tượng, khu vực) từ bằng điểm sàn trở lên.

Các ngành ĐH: kế toán (A, A1, D1), quản trị kinh doanh (A, A1, D1), công nghệ thông tin (A, A1), công nghệ kỹ thuật xây dựng (A, A1), công nghệ thực phẩm (A, B), nuôi trồng thủy sản (A, B).

Các ngành CĐ: kế toán (A, A1, D1), quản trị kinh doanh (A, A1, D1), công nghệ thông tin (A, A1), tài chính- ngân hàng (A, A1, D1), công nghệ thực phẩm (A, B), công nghệ may (A), công nghệ kỹ thuật xây dựng (A, A1), công nghệ kỹ thuật điện – điện tử (A, A1), công nghệ kỹ thuật ô tô (A, A1), nuôi trồng thủy sản (A, B), dịch vụ thú y (A, B), khoa học thư viện (C, D1), tiếng Anh (D1).

Trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục ĐHTG (119 đường Ấp Bắc, P.5, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang, www.tgu.edu.vn) nhận hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên đến hết ngày 14.9.2012.

*Trước đó, Trường ĐH Trà Vinh (ĐHTV) cũng đã thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 dành cho TS trong toàn quốc có điểm thi ĐH, CĐ (đã cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực) bằng mức sàn quy định, ứng với từng khối thi.

Các ngành ĐH gồm: biểu diễn nhạc cụ truyền thống (C, N), ngôn ngữ Khmer (C, D1), văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (C, D1), ngôn ngữ Anh (D1), kinh tế (A, D1), quản trị kinh doanh (A, A1, D1), tài chính- ngân hàng (A, A1, D1), kế toán (A, A1, D1), quản trị văn phòng (A, A1, C, D1), luật (A, C, D1), công nghệ thông tin (A, A1), công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (A), công nghệ kỹ thuật cơ khí (A), công nghệ kỹ thuật điện- điện tử (A, A1), công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (A, A1), công nghệ kỹ thuật hóa học (A, B), nông nghiệp (A, B), nuôi trồng thủy sản (A, B), thú y (A, B), xét nghiệm y học (A, B), điều dưỡng (A, B).

Các ngành CĐ gồm: văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (C, D1), Việt Nam học (C, D1), tiếng Anh (D1), khoa học thư viện (C, D1), quản trị kinh doanh (A, A1, D1), kế toán (A, A1, D1), quản trị văn phòng (A, A1, C, D1), công nghệ thông tin (A, A1), công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (A), công nghệ kỹ thuật cơ khí (A), công nghệ kỹ thuật điện – điện tử (A, A1), công nghệ kỹ thuật điện tử – truyền thông (A, A1), công nghệ sau thu hoạch (A, B), công nghệ chế biến thủy sản (A, B), chăn nuôi (A, B), phát triển nông thôn (A, B), nuôi trồng thủy sản (A, B), dịch vụ thú y (A, B), công tác xã hội (C, D1), xét nghiệm y học (A, B), điều dưỡng (A, B), dược (A, B).

Phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng ĐHTV (126, QL53, khóm 4, P.5, TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh; ĐT: 0743.855.944; www.tvu.edu.vn) nhận hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện chuyển phát nhanh đến 17 giờ ngày 27.9.2012

Quang Minh Nhật

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120911/thong-tin-tuyen-bo-sung-nv2-cac-truong-dh-khu-vuc-dbscl.aspx

Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia GD-ĐT giai đoạn 2012- 2015

Posted: 12 Sep 2012 05:53 PM PDT

(GDTĐ)-Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia GDĐT giai đoạn 2012-2015 với tổng kinh phí 15.200 tỷ đồng.

Mục tiêu cụ thể của chương trình là: thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS; củng cố kết quả xóa mù chữ và chống tái mù chữ. Tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hỗ trợ học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng khó khăn có điều kiện đến trường. Củng cố và tăng cường cơ sở vật chất hệ thống trường THPT chuyên và các trường ĐH, CĐ sư phạm, các khoa sư phạm trong các trường ĐH, CĐ. Nâng cao năng lực cán bộ quản lý chương trình và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình.

Chương trình sẽ được triển khai thực hiện tại các cơ sở GDĐT của 63 tỉnh, thành; các trường ĐH, CĐ và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chương trình được thực hiện trong 4 năm từ năm 2012 đến hết năm 2015.
Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201209/Phe-duyet-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-GD-DT-giai-doan-2012-2015-1963447/

Comments