Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Thi vào công chức Đà Nẵng phải tốt nghiệp ĐH loại giỏi

Posted: 11 Sep 2012 03:25 AM PDT

Đối với các ứng viên có bằng chứng nhận tốt nghiệp bậc đào tạo sau ĐH phải đạt loại khá trở lên, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí tuyển dụng và dưới 35 tuổi.

Đối với các ứng viên được tiếp nhận, bố trí công tác theo chính sách thu hút nguồn nhân lực của thành phố; đối tượng đào tạo theo Đề án 47, 393 (Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao) có trình độ ĐH, sau ĐH, được bố trí tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc TP phải được các cơ quan, đơn vị đánh giá đạt loại tốt trở lên.

Thi vào công chức Đà Nẵng phải tốt nghiệp ĐH loại giỏi

Những người đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP Đà Nẵng có trình độ ĐH Đà Nẵng trở lên cũng phải được cơ quan, đơn vị đánh giá đạt loại tốt trở lên mới đủ điều kiện thi công chức.

Ở ngạch cán sự, tuyển dụng các ứng viên tốt nghiệp TCCN hoặc CĐ (có nguyện vọng thi tuyển công chức ngạch cán sự) đang hợp đồng lao động tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP.

Người không đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP có trình độ TCCN hoặc CĐ phải tốt nghiệp loại giỏi trở lên từ năm 2011 trở về trước, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí tuyển dụng và dưới 30 tuổi.

Các đối tượng được cộng điểm ưu tiên trong thi tuyển bao gồm các Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được cộng 30 điểm vào tổng điểm thi tuyển; người dân tộc thiểu số, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, con em của các đối tượng chính sách được cộng 20 điểm; người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi được cộng 10 điểm.

Được biết, theo kế hoạch biên chế được giao năm 2012, hiện biên chế còn thiếu là 148 người. Thời gian thi tuyển công chức dự kiến trong khoảng tháng 11 năm 2012.

Khánh Hiền

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-639439/thi-vao-cong-chuc-da-nang-phai-tot-nghiep-dh-loai-gioi.htm

Vượt khó, cô gái tật nguyền viết lên chuyện cổ tích

Posted: 11 Sep 2012 03:25 AM PDT

Đó là Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (SN 1987, trú thôn Dưỡng Xuân, xã Quế Xuân 1, Quế Sơn, Quảng Nam). Tin Nguyệt đậu vào trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) làm mọi người ở xóm nhỏ Dưỡng Xuân không khỏi bất ngờ bởi gần 8 năm nay, Nguyệt bị bệnh phải nằm một chỗ. Ngoài những lúc phải đi bệnh viện cấp cứu, Nguyệt không đi đâu ra khỏi nhà.

Chiếc nạng đã gắn bó với Nguyệt mấy năm nay để đi lại trong nhà.

Ngôi nhà nhỏ của bố mẹ Nguyệt nằm sâu trong xóm nhỏ thôn Dưỡng Xuân. Mấy hôm nay, bố Nguyệt – ông Nguyễn Văn Hoàng chuẩn bị sắm sửa chiếc giường tre để mang ra Đà Nẵng cho Nguyệt nằm vì nhà trọ thuê không có giường.

Ông tâm sự: “Suốt 11 năm, nó là đứa học sinh ngoan hiền, là học sinh đi thi Tiếng Anh của tỉnh, là niềm hy vọng của gia đình. Thế nhưng, bắt đầu từ nửa năm cuối lớp 11, nó bắt đầu đổ bệnh”. Nói rồi, giọng ông chùng xuống.

Đến năm lớp 12, Nguyệt đổ bệnh nặng, gia đình chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. Bác sĩ bảo bệnh của em không khỏi nhưng hàng ngày phải uống thuốc để khỏi đau nhứt. Từ đó, sức học của em sụt giảm hẳn.

Giấy khen của Hội khuyến học xã Quế Xuân 1 tặng Nguyệt khi em đậu đại học

Gần 8 năm chiến đấu với bệnh tật, Nguyệt cân nặng chỉ còn hơn 20kg. Chạy chữa nhiều nơi không khỏi, nghe chỗ nào có thầy giỏi thuốc hay là bố em lại lặn lội đến mua về. Bao nhiêu tài sản trong nhà đành đội nón ra đi.

"Nhà nghèo quá nên nhiều lần em định tìm đến cái chết để khỏi phải tốn tiền tốn của nhưng nghĩ lại, em thấy mình còn trẻ phải làm gì đó có ích chứ nếu chết thì đơn giả quá", Nguyệt tâm sự.

Cuối năm 2011, bệnh tình thuyên giảm một phần, Nguyệt có thể chống nạng tự đi lại trong nhà. Nguyệt kể, một lần tình cờ xem tivi thấy một hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình nhưng được bố cõng đi thi đại học, thế là ươc mơ làm sinh viên lại trỗi dậy trong em. Nguyệt quyết tâm tự học ở nhà để đi thi đại học mặc cho các khớp tay không cho em cầm chắc cây bút.

Nguyệt mượn sách của các em đã học trong xóm, xin đề thi các năm trước rồi tự ôn luyện và giải. Miệt mài gần một năm cùng với những lời động viên của gia đình và những người bạn thân thiết, Nguyệt đã cảm thấy mình đủ tự tin để thi đại học.

Đến khi đăng ký, Nguyệt chọn ngành Sư phạm tiếng Anh vì ước mơ của em sau này trở thành giáo viên như lời em tâm sự. Và em đã đỗ đại học với số điểm 27,5 làm ngỡ ngàng nhiều người.

Ông Hoàng tâm sự: "Tôi đưa cháu đi thi cũng là để giải quyết tư tưởng tinh thần cho cháu chứ cũng không hy vọng cháu đậu. Nhưng nghe cháu đã đậu rồi thì tôi càng đâm lo hơn. Nào là tiền đâu để cho cháu ăn học, nào là bệnh tật như thế khi ra ngoài thì ai sẽ lo cho cháu lúc trái gió trở trời…".

Tuy nhiên, một chuyện vừa xảy ra làm ông Hoàng và em Nguyệt cảm thấy tủi thân. Số là trong thời gian chuẩn bị cho Nguyệt ra Đà Nẵng học, ông đã rong ruổi gần nửa tháng ở Đà Nẵng để kiếm nhà trọ gần trường vì năm đầu tiên, các sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) phải học tại địa chỉ 41 Lê Duẩn. Đến khi tìm được nhà trọ đối diện trường với giá thuê mỗi tháng 1,2 triệu đồng thì bà chủ lại không cho ở.

Ông Hoàng kể: "Tối ngày 8/9, tôi cùng Nguyệt và đứa em của Nguyệt đang học CĐ Thương mại ngủ tại nhà trọ thì sáng hôm sau bà chủ nhà thấy cháu tàn tật thì cương quyết không cho thuê vì sợ ảnh hưởng đến gia đình. Tôi tủi thân quá đưa cháu về quê luôn rồi mai mốt tính tiếp".

"Tôi nghĩ với giá thuê 1,2 triệu để hai chị em trọ ăn học dù là khó khăn tôi có thể chấp nhận được nhưng thái độ bà chủ nhà làm tôi tủi thân quá chú à", ông Hoàng tâm sự. Ngồi bên cạnh, Nguyệt cũng rớm nước mắt.

Nguyệt tâm sự: "Dù thế nào đi nữa thì em vẫn quyết tâm đi học, đó là ước mơ lớn nhất của em, em sẽ không đầu hàng số phận".

Công Bính

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-639323/vuot-kho-co-gai-tat-nguyen-viet-len-chuyen-co-tich.htm

Cung cấp định kỳ về thông tin Biển Đông cho HS, SV

Posted: 11 Sep 2012 03:25 AM PDT

Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" trong cán bộ, giảng viên trẻ; tổ chức xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức học sinh, sinh viên (HS, SV) theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Hướng dẫn số 82 HD/TWĐTN ngày 18/5/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn nhằm cụ thể hóa cuộc vận động "Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác". Các cơ sở giáo dục tạo điều kiện để tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp triển khai thực hiện tốt các công trình, phần việc HS, SV làm theo lời Bác chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, Đại hội toàn quốc Hội SV Việt Nam lần thứ IX.

Tuyên truyền, tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng, chào mừng Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X; tổ chức Diễn đàn, Hội nghị góp ý, Đại hội Hội SV các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc Hội SV Việt Nam lần thứ IX.

Ngoài ra tổ chức các diễn đàn, sinh hoạt chuyên đề "Văn hóa học đường", phòng chống các biểu hiện tiêu cực trong HS, SV với các nội dung: giáo dục, tuyên truyền xây dựng lối sống đẹp, lành mạnh, lịch sự trong ăn mặc và giao tiếp, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực, phòng chống bạo lực học đường, các tệ nạn xã hội; phòng chống tiêu cực, quay cóp, gian lận trong học tập và thi cử; tổ chức truyên truyền, phổ biến về Luật Giáo dục Đại học. Các cơ sở giáo dục tạo điều kiện về cơ chế, cơ sở vật chất; tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp chủ trì triển khai các hoạt động.

Phối hợp tốt với chính quyền địa phương, cơ quan công an triển khai Chương trình phối hợp đẩy mạnh công tác giáo dục an toàn giao thông trong đoàn viên, thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên giữa Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, Bộ GD-ĐT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 – 2017. Các cơ sở giáo dục tạo cơ chế, điều kiện để Đoàn thanh niên, Hội SV chủ trì xây dựng các mô hình, đội hình thanh niên HS, SV tình nguyện tham gia đảm bảo an toàn giao thông.

Tổ chức Chương trình "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" trong đó chú trọng gặp gỡ những người nổi tiếng, cán bộ Đoàn, Hội, Đội xuất sắc với chủ đề hướng tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội SV Việt Nam lần thứ IX.

Chú trọng, đào tạo, trang bị các kỹ năng cần thiết cho HS, SV và các hoạt động có tính bền vững, phù hợp với tình hình cụ thể của từng nhà trường. Tuyên truyền, giới thiệu các ấn phẩm thiết thực, bổ ích dành cho HS bậc THPT như bản tin "Khi tôi 18", tủ sách "Khi tôi 18" do ban tổ chức chương trình cấp Trung ương ban hành.

Cũng trong năm học này, Bộ GD-ĐT cũng cho biết sẽ tiếp tục xây dựng môi trường để HS, SV và cán bộ giáo viên trẻ nâng cao chất lượng học tập, giảng dạy, công tác. Cụ thể, Tiếp tục tổ chức tốt diễn đàn về phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học, chia sẻ tài liệu trong HS, SV trong đó chú trọng môn học lịch sử trong học sinh khối trung học phổ thông, các môn học Khoa học xã hội – chính trị Mác Lê nin trong SV khối đại học, cao đẳng, các môn học Thực hành tay nghề trong HS khối trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; xây dựng, chia sẻ các kỷ yếu, tài liệu về học tập, nghiên cứu khoa học, phấn đấu mỗi cơ sở giáo dục xây dựng được ít nhất 1 kỷ yếu học tập, nghiên cứu khoa học, chia sẻ tài liệu.

Tổ chức tốt cuộc vận động "SV 5 tốt" trong SV các trường đại học, cao đẳng, "HS 3 rèn luyện" trong HS các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề và chương trình "Khi tôi 18" trong HS các trường THPT. Các cơ sở giáo dục tạo điều kiện về cơ chế, cơ sở vật chất, kinh phí tổ chức để Đoàn thanh niên, Hội SV tiến hành tổ chức triển khai. Tiến hành đánh giá, xét chọn, tuyên dương HS, SV tiêu biểu trong các chương trình, cuộc vận động này.

Đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS, SV; tổ chức định kỳ, thường xuyên các hoạt động gặp mặt, trao đổi giữa nhà tuyển dụng đối với HS, SV; đảm bảo mỗi học sinh, sinh viên trong khoá học ít nhất một lần được tham quan thực tế; tổ chức tốt các ngày hội, hội chợ việc làm. Tổ chức tốt các hoạt động đào tạo kỹ năng sống, thực hành xã hội cho HS, SV; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong HS, SV….

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-639512/cung-cap-dinh-ky-ve-thong-tin-bien-dong-cho-hs-sv.htm

SV té ngửa vì bị “bẫy”, trường thừa nhận thiếu sâu sát

Posted: 11 Sep 2012 03:25 AM PDT

Theo điều tra của chúng tôi thì tập đoàn Vietcare hợp tác với Trường ĐH Điện lực từ năm 2011. Ngay sau khi hai bên thỏa thuận được với nhau, Vietcare đã tổ chức tuyển sinh vào tháng 10/2011. Cũng với chiêu tuyển sinh y hệt như năm 2012, tập đoàn đã thu nhận được được không ít thí sinh "nhẹ dạ cả tin”. Không những thế, có em còn tiết lộ thêm: Để có được tấm giấy trúng tuyển vào hệ này, năm đó em đã phải chi phí lên cả hơn trăm triệu đồng.

Hồ hởi đến nộp tiền nhập học bởi những TS này cứ ngỡ mình học hệ chính quy
Hồ hởi đến nộp tiền nhập học, những thí sinh này cứ ngỡ mình học hệ chính quy (ảnh chụp từ clip)

Ngay sau khi Dân trí đăng tải những thông tin liên quan đến việc "bẫy" tuyển sinh, những SV đang theo học khóa I của chương trình hợp tác này (gồm 2 lớp: Lớp kế toán và lớp Công nghệ thông tin – PV) mới té ngửa mình đang học hệ nghề. Ngay sau đó, họ đã tập hợp để lên tập đoàn hỏi chuyện cho rõ.

Nguồn thông tin mà Dân trí nắm được, vào chiều ngày 10/9, tập đoàn Vietcare đã có buổi trao đổi với SV nhằm làm sáng tỏ vấn đề. Tuy nhiên, tại buổi làm việc, lãnh đạo của tập đoàn tiếp tục có những thông tin sai lệch nhằm "giữ chân" SV. Trước vấn đề này chúng tôi đã có buổi làm việc trực tiếp với trường ĐH Điện lực và lãnh đạo Vụ giáo dục ĐH – Bộ GD-ĐT để có thể cung cấp đến bạn đọc những thông tin đa chiều nhất.

ĐH Điện lực thừa nhận sai sót

Trao đổi với Dân trí trong cuộc gặp sáng 10/9, ông Bùi Đức Hiền – trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Điện lực tiếp tục khẳng định lại: ĐH Điện lực chỉ hợp tác đào tạo với Vietcare về Cao đẳng nghề, khi sinh viên tốt nghiệp, sẽ lấy bằng CĐ nghề do Bộ Lao động cấp chứ không có chuyện đào tạo CĐ chính quy và liên thông lên Đại học.

Minh chứng điều này, ông Hiền đưa cho chúng tôi xem văn ký kết giữa hai bên. Theo đó, năm 2012 ĐH Điện lực đồng ý phối hợp với Vietcare mở hai lớp đào tạo Kế toán và Công nghệ thông tin. Mỗi lớp 80 SV. Trong văn bản này cũng nêu rõ hệ đào tạo là CĐ nghề.

Về mẫu giấy Thông báo trúng tuyển có dòng "Cử nhân thực hành" khiến hàng trăm thí sinh đều lầm tưởng đó là hệ CĐ chính quy, ông Hiền chia sẻ: "Thực sự đây là một phần sai sót từ phía nhà trường do quá bận rộn với công tác tuyển sinh hệ chính quy nên chưa kiểm soát hết nội dung thông tin liên quan tới chương trình hợp tác này. Việc ghi trong giấy trúng tuyển là hệ Cử nhân thực hành đúng là dễ gây nhầm lẫn bởi ở Việt Nam hiện chưa có hệ đào tạo này".

Năm 2011 cũng vì tờ giấy báo trúng tuyển hệ Cử nhân thực hành mà nhiều TS
Năm 2011, cũng vì tờ giấy báo trúng tuyển hệ Cử nhân thực hành mà nhiều thí sinh đã tin tưởng nhập học và cho đến bây giờ mới biết sự thật.

Trước thông tin không ít SV khóa 1 đang theo học chương trình hợp tác đào tạo CĐ nghề giữa ĐH Điện lực và Vietcare lo ngại về viễn cảnh học tập của mình, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Điện Lực khẳng định sẽ có kế hoạch để gặp gỡ tìm hiểu nguyện vọng của các em và chịu trách nhiệm đào tạo số SV này tại ĐH Điện lực.

Liên quan đến việc tổ chức liên thông từ hệ nghề lên ĐH chính quy, ông Hiền cho biết thêm: Do nhu cầu xây dựng nhân lực cho ngành Điện, nhà trường đã làm đề án xin Bộ để thực hiện thí điểm chương trình đào tạo liên thông từ CĐ nghề lên ĐH và đang chờ Bộ GD-ĐT cho phép. Tuy nhiên, chương trình chỉ áp dụng với SV học ngành Điện. Những SV này sau khi học bổ sung kiến thức được tạo điều kiện để được phép tham dự kì thi liên thông và chỉ khi trúng tuyển mới được tiếp nhận học lên hệ ĐH. Với SV học CĐ các nghề khác, nhà trường chưa có kế hoạch và không cam kết đào tạo liên thông lên ĐH.

Để tránh tình trạng nhà trường bị lợi dụng mạo danh bởi các cơ sở tư nhân, trung tâm nhằm thu hút SV bằng các chiêu trò "lừa đảo", ông Hiền cho biết ĐH Điện lực sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết và hạn chế cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các hình thức đào tạo liên thông.

Liên thông nghề: Mới chỉ cho một số trường thí điểm

Khằng định với Dân trí, ông Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH nhấn mạnh: "Trong tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy, chỉ có các trường ĐH, CĐ mới có chức năng thông báo tuyển sinh vào các ngành đào tạo của mình (danh sách các trường, ngành đào tạo đã đăng tải trên cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2012 do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành và trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT. Bất cứ trung tâm hay công ty nào thông báo tuyển sinh hệ này là sai phạm".

Liên quan đến việc đào tạo liên thông từ Cao đẳng nghề lên ĐH, ông Tuấn cho biết thêm: Không phải trường nào cũng được phép đào tạo liên thông từ Cao đẳng nghề lên ĐH. Chỉ có những trường đã trình đề án lên Bộ GD-ĐT và chỉ khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định thì mới được triển khai. Hiện tại Bộ GD-ĐT mới chỉ cho thí điểm liên thông đào tạo Cao đẳng nghề lên ĐH ở một số cơ sở.

Về danh sách các trường đã được phép đào tạo thí điểm, ông Tuấn bày tỏ: "Ngay sau khi rà soát xong chúng tôi sẽ hợp tác với báo đểđưa danh sách này lên mạng. Thông qua đó xã hội được biết và sẽ cùng giám sát".

Với tiết lộ của Vụ ĐH cho thấy cách quản lý của Bộ GD-ĐT về đào tạo liên thông đang có nhiều bất cập. Một chương trình thí điểm được Bộ GD-ĐT cho triển khai nhưng lại không có sự giám sát thường xuyên và khi hỏi đến lại phải đi… rà soát lại!

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

S.H – M.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-639434/sv-te-ngua-vi-bi-bay-truong-thua-nhan-thieu-sau-sat.htm

Comments