Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Đạt kết quả cao nhờ tự học

Posted: 10 Sep 2012 03:00 AM PDT

Có nhiều cách học để giỏi, nhiều con đường để làm giàu thêm kiến thức cho bản thân. Trong đó, tự học là quan trọng nhất.

Hiểu sâu bài học

Theo quy định, mỗi tiết học chỉ có 45 phút. Thời gian này so với khối lượng kiến thức đồ sộ của bài học là quá ngắn ngủi. Bởi vậy, học sinh (HS) cần phải tập trung nghe giảng, suy nghĩ, mạnh dạn và hăng hái phát biểu bài ở lớp. Điều này giúp HS không những có thêm kiến thức mới mà còn học bài nhanh thuộc hơn. Dĩ nhiên, khi tập trung nghe giảng, HS cần phải có thái độ nghiêm túc để cố gắng nhận ra những điểm mà giáo viên cho là quan trọng nhất của bài học. Phần nào chưa hiểu hoặc chưa rõ, mạnh dạn trao đổi trực tiếp với giáo viên bộ môn và bạn bè ngay trong giờ học.

Chuẩn bị bài trước ở nhà là một trong những cách giúp học sinh tiếp thu nhanh trên lớp
Chuẩn bị bài trước ở nhà là một trong những cách giúp học sinh tiếp thu
nhanh trên lớp – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Mỗi một môn học đều có những yêu cầu và những phần trọng tâm của nó. Vì vậy, trong quá trình học tập HS phải biết cách ghi chép khoa học. Việc ghi bài đúng trọng tâm, khoa học là một trong các yếu tố giúp việc học và nghiên cứu ở trường được hiệu quả. Ví dụ: Đối với các môn về tự nhiên như: toán, vật lý, hóa học, sinh học… phải ghi tóm tắt các công thức, cách giải hay vào sổ tay hoặc ghi ra giấy dán ở nơi bàn học để thường xuyên trông thấy. Các môn khác như: văn, lịch sử, địa lý… cũng cần có quyển sổ tay riêng, ghi chép những đoạn văn hay, tên tác phẩm, tác giả, địa danh, năm tháng thật chính xác…

Kế hoạch học ở nhà

Thời gian học ở nhà thường không có giáo viên nhưng luôn chiếm tỷ lệ rất lớn trong việc tự học. Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch tự học ở nhà là điều rất cần thiết đối với HS.

Tùy vào nhu cầu của mình, mỗi HS cần thiết phải lập một kế hoạch học tập riêng. Kế hoạch đó có thể thay đổi khi cần thiết nhưng nhìn chung phải tuân theo những gì đã đề ra. Có kế hoạch tự học tốt ở nhà sẽ giúp HS quản lý và làm chủ thời gian của mình.

Trước khi đến lớp, HS cần học thuộc bài, giải đáp các câu hỏi, làm bài tập ở nhà để hiểu rõ và nắm vững kiến thức đã học. Đồng thời phải soạn hoặc xem trước bài mới để có thể tiếp thu bài nhanh và hiểu rõ vấn đề hơn.

Ngô Mã Thiên
(Trường THPT Lê Thành Phương, Phú Yên)

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120907/Dat-ket-qua-cao-nho-tu-hoc.aspx

Bao giờ chấm dứt lạm thu đầu năm?

Posted: 10 Sep 2012 03:00 AM PDT

(GDTĐ) – Như một căn bệnh mãn tính, chuẩn bị vào năm học mới, đâu đâu cũng thấy phụ huynh kêu khổ bởi các khoản tiền lạm thu trong trường học. Ngoài tiền học phí và bảo hiểm y tế, HS phải cõng thêm rất nhiều khoản thu khác, thậm chí có những khoản thu rất vô lý, đội giá thành cao hơn giá thực tế…

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng lạm thu đầu năm học không chỉ diễn ra phổ biến ở các thành phố lớn mà các trường học vùng nông thôn cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều. Với thu nhập chỉ trông vào đồng ruộng, đóng góp đầu năm tiền triệu với các phụ huynh nghèo đã trở thành gánh nặng, nỗi lo đầu năm học.

Chia sẻ vấn đề lạm thu đầu năm, chị L. T ở xã Xuân Huy, huyện Lâm Thảo, tỉnh Phú Thọ nêu: Phụ huynh nông thôn chúng tôi quá bức xúc bởi các khoản thu đầu năm học của nhà trường. Thử hỏi, một trường học ở nông thôn mà thu tới 3 triệu/HS. Nhẩm tính sơ sơ, với hơn 300 HS, nhà trường thu tiền tỉ mỗi năm. Điều đáng nói là trường công ở nông thôn, CSVC cơ bản được đầu tư bằng ngân sách, theo qui định chung, học phí là khoản thu bắt buộc, còn lại tiền bảo hiểm y tế là trường thu hộ.


Chi phí đầu năm học là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh   Ảnh minh hoạ: Mộc Lan

Các khoản còn lại là thu tự nguyện, thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường. Song, thự tế, tính tự nguyện không có mà là bắt buộc phụ huynh phải đóng góp. Đây chính là băn khoăn mà anh T.Đ ở huyện Hậu Lộc- Thanh Hóa chia sẻ: Trước các khoản lạm thu của nhà trường nhiều phụ huynh đã không bằng lòng, nhưng có chung tâm lý là con em mình đang còn đi học, còn lệ thuộc vào trường  lớp nên sợ nếu phản đối mạnh, ảnh hưởng tới việc học hành của con nên đành cho qua.

Chị N.T. L ở huyện ngoại thành thành phố Hải Phòng cho biết: Đi họp phụ huynh cho con chị giật mình bởi danh sách liệt kê tới 19 khoản thu với số tiền lên tới 2,7 triệu đồng mà mỗi phụ huynh phải đóng góp đầu năm học cho trường, cho lớp. Nào là một tờ giấy thi nhà trường thu 3000 đồng/tờ trong khi giá in bình thường cũng chỉ mất 500 đồng. Chị L so sánh, giá một tờ giấy thi nhà trường thu gần bằng cân thóc. Vậy chỉ cần gia đình có hai con đang độ tuổi đi học, tiền đóng đầu năm cũng gần 6 triệu, một khoản tiền quá lớn so với thu nhập của nhà nông.

Thực ra, nhiều phụ huynh bất bình trước các khoản thu của nhà trường, đã có đơn thư tố cáo việc thu chi tài chính trong trường còn thiếu minh bạch nhưng câu trả lời họ nhận được chưa thỏa đáng. Chính vì thế, tình trạng lạm thu đầu năm học chưa được giải quyết triệt để, vẫn cứ tái diễn công khai. Chị L.T (Phú Thọ) cho biết thêm: Chúng tôi đã lên tiếng, gửi ý kiến về phòng GD, sở GD-ĐT, các cơ quan báo chí đã phản ánh nhưng các khoản thu thì cứ năm này cao hơn năm trước. Thậm chí, bản thân tôi đấu tranh quá nhiều, ảnh hưởng đến việc học của con.

Theo ghi nhận của phóng viên, các khoản thu trong trường hầu như không có kiểm tra, kiểm toán, không có sự kiểm duyệt chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, chủ yếu do trường tự thu và tự ý chi. Nhiều khoản thu đầu năm vô lý, trở thành gánh nặng đối với phụ huynh có con đi học như có nơi trường học thu một khoản rất lớn tiền triệu dùng để mua điều hòa, máy chiếu trang bị cho lớp học. Khi phụ huynh phản đối chỉ nhận được câu trả lời từ phía nhà trường là: những phụ huynh nào phản đối không muốn đóng tiền thì HS sẽ dồn vào lớp học riêng. Đây không còn là vấn đề tiền trường mà cách cư xử như vậy phản khoa học, phản GD. Thậm chí có địa phương, phụ huynh phản ảnh có hình thức nhà trường ghi giấy nợ về nhà liệt kê các khoản gia đình chưa đóng góp cho con em. Cách làm này khiến HS xấu hổ trước bạn bè.

Trong khi đó, tại các thành phố lớn, trong những năm qua, việc lắp đặt máy điều hòa gần như đã trang bị hoàn thiện cho các phòng học. Khi HS các lớp cuối cấp tốt nghiệp ra trường thì HS đầu cấp tiếp quản trường học. Hầu hết các lớp đã lắp điều hòa, HS ra trường cũng không phụ huynh nào đến cậy điều hòa mang đi, thử hỏi, tiền thu lắp đặt điều hòa cho HS có đúng thực dùng hay không? Đây cũng là băn khoăn của anh Trung có con năm nay vào lớp 6 THCS.

Chủ trương XHH của ngành GD những năm gần đây hoàn toàn đúng đắn vì góp phần thu hút những nhà hảo tâm, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ cho trường học, giúp HS có điều kiện học tập tốt hơn. Đây cũng là hình thức GD đạo đức cho HS biết yêu thương, chia sẻ với bạn học có hoàn cảnh kém may mắn. Nhưng các nhà trường cần công khai các khoản thu chi XHH trong trường học, minh bạch hơn về tài chính. Như vậy mới chấm dứt tình trạng lạm thu đầu năm, giải tỏa bức xúc dư luận khi năm học mới đã đến. Đặc biệt, như vậy mới giảm bớt nỗi lo đóng góp các khoản cho phụ huynh.

Kiều Anh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201209/Bao-gio-cham-dut-lam-thu-dau-nam-1963379/

Tranh đua nhưng không ganh tị

Posted: 10 Sep 2012 02:59 AM PDT

Trong các cuộc thi đua ở học đường, vẫn thường thấy hình ảnh người/đội thua cuộc tức tối bỏ về, không theo dõi diễn tiến, không cần xem ai đăng quang, không chung vui với người chiến thắng.

Cô Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu phó Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nói: "Nếu chịu để ý, trong rất nhiều cuộc thi, khi đến gần cuối hoặc đến lễ trao giải, khán phòng thường vắng hoe, hầu như chỉ còn lại những người chiến thắng và ban tổ chức". Còn thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh, chuyên gia tư vấn tâm lý giáo dục phổ thông tại TP.HCM, kể: "Đầu năm 2012, tôi có dịp cho con vào xem thi đấu chung kết một trận bóng rổ của học sinh THCS ở nhà thi đấu Phú Thọ. Các thành viên của đội thất bại thay vì chia vui với đối thủ thì lại văng tục, thô lỗ, chửi bới… Đáng buồn hơn, trong đó còn có sự tiếp tay, khích lệ của phụ huynh".

Cổ vũ cho đội nhà và cả đội bạn để cuộc thi đấu vui trọn vẹn
Cổ vũ cho đội nhà và cả đội bạn để cuộc thi đấu vui trọn vẹn – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cô Hoàng Thị Diễm Trang cho rằng, nguyên nhân của vấn đề nằm ở chỗ thành tích và lỗi từ người lớn. Từ trước giờ, chúng ta quá nặng nề về thành tích thi đấu. Điều này tác động vào suy nghĩ của các em là tham gia cuộc thi thì phải chiến thắng, nếu không sẽ thua kém bạn bè và xem đó như một sự thất bại chứ không phải cọ xát, giao lưu. Từ đây dẫn đến chuyện người thất bại sẽ ganh ghét người đoạt giải, không chịu học hỏi, hoặc tìm hiểu bí quyết vì sao người ta thành công và phấn đấu. Mặt khác, người lớn (thầy cô giáo, cha mẹ) thiếu định hướng, giúp các em loại bỏ sự ganh tị trong bản thân. Theo cô Diễm Trang, giáo viên là người giữ vai trò quan trọng góp phần xây dựng lại văn hóa cho học sinh khi tham gia các cuộc thi, dần dà xóa bỏ những hình ảnh không đẹp như hiện nay.

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng ghen tị sẽ cản trở sự sáng tạo của học sinh. Vì trên thực tế, trong đầu các em luôn nghĩ trọng kết quả, thành tích, khi tập trung cao độ vào điều này thì khó lòng phát huy sự sáng tạo. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh, cảnh báo: "Nếu sự ghen tị lớn dần, hình thành như một nếp tính cách hiển nhiên thì rất nguy hại. Sau này, các em lớn lên vẫn mang tính cách đó đối xử với người thân, bạn bè, đồng nghiệp… thì hậu quả khó lường. Nếu các em ganh đua theo hướng tích cực, để học hỏi và sáng tạo, trau dồi thì đáng hoan nghênh. Nhưng ganh đua theo kiểu tìm cách triệt hạ đối thủ thì không hay".

Minh Luân

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120907/Tranh-dua-nhung-khong-ganh-ti.aspx

Giáo viên tiếng Anh cần… phiên dịch

Posted: 10 Sep 2012 02:59 AM PDT

Trên thực tế, vấn đề khó cải thiện nhất của đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân vẫn là đội ngũ giáo viên.

Giáo viên tiếng Anh cần... phiên dịch
Nghe, nói tiếng Anh vẫn là những kỹ năng yếu nhất của cả giáo viên và học sinh – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Mới chuẩn ở… bằng cấp

 

Các GV thử việc tại trường đều tốt nghiệp sư phạm tiếng Anh, thậm chí có người tốt nghiệp loại khá giỏi. Nhưng khi có khách nước ngoài, GV nào cũng ngại, không dám giao tiếp

Lê Thúy Hòa – Hiệu trưởng Trường THPT Thái Bình – Q.Tân Bình, TP.HCM

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến hết tháng 6.2012, nếu áp theo khung tham chiếu châu Âu, toàn quốc chỉ có 1.062/11.784 giáo viên (GV) tiếng Anh tiểu học đạt trình độ B2, 2.785 GV đạt B1. Con số này quá ít ỏi so với tỷ lệ 60,17% GV tiếng Anh hiện nay có trình độ ĐH và sau ĐH trong nước.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng bộ phận thường trực của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 – Bộ GD-ĐT, nhận định khiếm khuyết của GV thể hiện trên tất cả các mặt nghe, nói, đọc và viết. Chính vì thế, các chương trình đào tạo và bồi dưỡng tiếng Anh của đề án phải tập trung phát triển cả 4 kỹ năng này cho GV. Tình trạng GV không đạt chuẩn xảy ra ở tất cả các địa bàn trong cả nước. "Hiện tượng GV giỏi chỉ tập trung ở một số trường chuyên hoặc trường chất lượng cao là có thật", ông Hùng nói.

"Ngại" nói tiếng Anh với người nước ngoài

Cách đây hơn một năm, học sinh lớp 7 Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Q.3, TP.HCM) phản ánh với Ban giám hiệu việc GV tiếng Anh của lớp phát âm sai, viết sai chính tả, sai ngữ pháp. Thậm chí, khi nói chuyện với người nước ngoài, GV này cũng không nghe được và học sinh phải dịch, chuyển ý cho câu chuyện của thầy cô mình.

Bà Lê Thúy Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Bình – Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết: "Các GV thử việc tại trường đều tốt nghiệp sư phạm tiếng Anh, thậm chí có GV tốt nghiệp loại khá giỏi. Nhưng khi có khách nước ngoài, GV nào cũng ngại, không dám giao tiếp. Đến khi trường nhờ một cô giáo được đánh giá là giỏi nhất tiếp đoàn và làm phiên dịch thì cô này cũng rất khổ sở".

Nhận định về chất lượng GV tiếng Anh hiện nay, nguyên Trưởng phòng GD Q.Tân Phú, TP.HCM, nhớ lại: "Mỗi năm, khi tuyển GV tiếng Anh, Phòng đều có phỏng vấn và thường xuyên tiếp nhận những ý kiến phản hồi của phụ huynh về chất lượng giảng dạy. Qua nhiều năm, cho thấy đa phần GV tiếng Anh mắc lỗi về phát âm".

Chất lượng GV tiếng Anh ở Hà Nội cũng bộc lộ nhiều hạn chế ở kỹ năng nghe, nói và phát âm. Kết quả khảo sát của UBND TP.Hà Nội vào đầu năm nay cho thấy chỉ có khoảng 40% GV ngoại ngữ nghe và hiểu bài do chuyên gia giảng dạy, 30% hiểu được 50% bài giảng bằng tiếng nước ngoài, còn 30% gần như không hiểu, phải phiên dịch sang tiếng Việt.

Vừa thiếu vừa yếu

 

 

Những mục tiêu chính của đề án

Từ năm học 2010 – 2011, Bộ đã triển khai chương trình giáo dục ngoại ngữ 10 năm (học sinh bắt đầu học ngoại ngữ từ lớp 3 cho đến lớp 12). Mục tiêu cụ thể như sau:

Từ năm 2010 – 2011 triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình mới cho khoảng 20% lượng học sinh lớp 3, mở rộng dần quy mô để đạt khoảng 70% vào năm học 2015 – 2016 và 100% vào năm 2018 – 2019.

Triển khai chương trình đào tạo, tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục dạy nghề, TC, ĐH cho khoảng 10% học sinh, sinh viên vào năm học 2010 – 2011, 60% vào năm học 2015 – 2019.

T.Nguyễn (ghi)

 

 

Tỉnh Hà Nam, một trong những địa phương tham gia triển khai đề án ngay từ giai đoạn đầu cũng trong tình trạng GV vừa thiếu vừa yếu. Hiện toàn tỉnh có 655 GV tiếng Anh ở cả 3 cấp học. Nếu xét về bằng cấp, tất cả đều đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, trong đợt khảo sát năng lực GV tiếng Anh do Bộ GD-ĐT tiến hành, toàn tỉnh chỉ có 12/648 GV tham gia khảo sát đạt yêu cầu. Đáng quan tâm hơn, ở bậc THPT có 100% GV đều được đào tạo trình độ ĐH chính quy lại không hề có người nào đạt chuẩn. Tỷ lệ GV dưới chuẩn hai bậc trở xuống ở THCS xấp xỉ 40%, tiểu học và THPT trên 55%. Trong đó, nghe là kỹ năng yếu nhất, đọc cũng chỉ đạt mức trung bình.

Để đánh giá được trình độ của GV, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức khảo sát bài thi gồm kỹ năng nghe, đọc, viết và các kiến thức ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm theo chuẩn của Nhà xuất bản Oxford. Thi vấn đáp trực tiếp với GV bản ngữ về kỹ năng nói. Có khoảng 1.756 GV tiếng Anh các cấp tham gia khảo sát. Ông Văn Công Sang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở, cho biết: "Kết quả cụ thể chúng tôi không thể công bố vì ảnh hưởng đến uy tín của GV, nhưng có thể nói rằng khoảng 700 GV tiểu học (trong 756 GV tham gia – PV) phải đào tạo lại". Theo thông tin tìm hiểu của chúng tôi, chỉ có 5% GV của 2 bậc học còn lại đạt chuẩn. Chẳng hạn H.Nhà Bè chỉ có 1/20 GV khảo sát đạt chuẩn. Gần 100 GV tiểu học và THCS của Q.5 tham gia khảo sát không đạt chuẩn. Toàn Q.4 chỉ có 3 GV đạt chuẩn, Q.10 có 10 người…

Ông Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng có nhiều lý do khiến GV không đạt chuẩn trong các cuộc rà soát trình độ vừa qua, trong đó có các lý do chính: Môn tiếng Anh tiểu học trước đây là tự chọn, nơi nào có điều kiện thì tổ chức nên việc tuyển chọn GV chưa được bài bản. Đại đa số GV này học các hệ không chính quy tại các cơ sở tiếng Anh chất lượng chưa bảo đảm. Trước đây, GV dạy tiếng Anh chỉ chú trọng chuẩn bị cho học sinh thi ngữ pháp, từ vựng và dịch nên lâu dần kỹ năng giao tiếp của thầy cô cũng bị mai một. Một số trường sư phạm chưa bảo đảm chất lượng đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp ngành tiếng Anh.

 

Khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu

A0 – A1: Có thể hiểu được những chỉ dẫn đơn giản hoặc tham gia vào những trao đổi ngắn về các chủ đề có thể đoán được.

A2: Có thể diễn đạt đơn giản các quan điểm hoặc những yêu cầu trong tình huống quen thuộc; Hiểu được những thông tin đơn giản trên sản phẩm, biển báo, sách giáo khoa hoặc những loại báo cáo về các chủ đề quen thuộc; Điền các mẫu đơn và viết các bức thư ngắn hoặc bưu thiếp liên quan đến thông tin cá nhân.

B1: Có thể diễn đạt hạn chế quan điểm trong những vấn đề văn hóa, trừu tượng hoặc đưa ra lời khuyên trong những vấn đề quen thuộc, hiểu được những thông báo, chỉ dẫn cộng đồng; Đọc hiểu các bài báo, thông tin hằng ngày, hiểu được ý chính của các văn bản trong lĩnh vực quen thuộc; Viết thư hoặc ghi chú ý chính những vấn đề quen thuộc hoặc những chủ đề có thể đoán trước.

B2: Có thể hiểu, trình bày về một chủ đề quen thuộc hoặc giao tiếp ở khá nhiều lĩnh vực khác nhau; Tìm kiếm những thông tin trong văn bản, hiểu được những chỉ dẫn và các lời khuyên chi tiết; Ghi chú những ý chính khi người khác đang phát biểu hoặc viết thư yêu cầu về những chủ đề thông thường.

C1: Có thể đóng góp hiệu quả vào các cuộc họp hoặc hội thảo hoặc thực hiện những cuộc hội thoại trong giao tiếp hằng ngày tương đối lưu loát, hiểu được những thành ngữ trừu tượng; Đọc nhanh để theo học các khóa học thuật, đọc và hiểu được các bài báo, thư từ thông thường; Soạn thảo thư từ chuyên nghiệp, ghi chép khá chính xác trong các cuộc họp hoặc viết bài luận văn…

B.Thanh (ghi)

 

T.Nguyễn – L.Giang - B.Thanh – M.Luân

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120909/Giao-vien-tieng-Anh-can-phien-dich.aspx

Mối lo rớt chuẩn

Posted: 10 Sep 2012 02:58 AM PDT

(GDTĐ) – Phấn đấu nâng cấp đạt trường chuẩn quốc gia là mong muốn của các nhà trường và các địa phương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Với khu vực nông thôn thì những tiêu chí khó đạt chuẩn nằm ở bằng cấp giáo viên và chất lượng giáo dục; trong khi đó với khu vực đô thị, đặc biệt là đô thị kinh tế đầu tàu cả nước như Hà Nội, TP.HCM thì tiêu chí "bất khả thi" là diện tích sử dụng và sĩ số học sinh/lớp. Trong khi mỗi năm có thêm những trường học tại các đô thị lớn đạt chuẩn thì thực tế có rất nhiều trường đã rơi chuẩn ở tiêu chí sĩ số học sinh.

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm học 2011-2012, cả nước có thêm 600 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Như vậy tổng số trường đạt chuẩn đã đạt 10.999 trường, chiếm gần 27% tổng số trường hiện có. Cấp tiểu học có tỉ lệ trường đạt chuẩn cao nhất với 38,9%, trường mầm non là 18,9%… Số trường học đạt chuẩn sẽ tăng nhanh trong những năm tới khi nâng cấp trường đạt chuẩn là một mục tiêu lớn của nhiều địa phương. Như ngành GD Thủ đô phấn đấu đến năm 2015 sẽ có khoảng 50 – 55% số trường đạt chuẩn (hiện số trường đạt chuẩn là 656 trường, chiếm tỉ lệ 28%). Riêng trong năm nay Hà Nội đặt kế hoạch có thêm 100 trường đạt chuẩn.

Các trường học đạt chuẩn tại các đô thị lớn có ý nghĩa lớn trong cải thiện chất lượng GD với những lớp học có sĩ số học sinh thấp. Theo qui định của Bộ GD-ĐT, tiêu chí quan trọng nhất để xét các trường đạt chuẩn quốc gia ở cấp học mầm non là không quá 15 lớp/ trường; ở cấp tiểu học là bảo đảm số HS trong lớp không quá 35, số lớp không quá 30 lớp/trường; ở cấp trung học là không quá 45 HS/lớp và không quá 45 lớp/trường.

Nhìn vào chuẩn trên có thể thấy với hầu hết những trường tiểu học công lập ở nội đô Hà Nội sẽ không thể đạt chuẩn do sức ép quá lớn từ tuyển sinh. Trong khi tại khu vực nội đô hầu như không có mấy trường học được xây mới thì những khu chung cư vài chục tầng mọc lên cùng với làn sóng di dân từ ngoại thành vào trung tâm khiến các trường học mỗi năm thêm quá tải. Ngay trong năm học này, tình trạng dồn lớp để tăng số lớp 1 là giải pháp bắt buộc của một số trường khi mà số lượng tuyển sinh đúng tuyến tăng vọt. Một đồng chí lãnh đạo UBND một quận trung tâm Hà Nội cho biết mở rộng diện tích nhà trường để dãn HS và đạt chuẩn là quá khó và gần như là không thể thực hiện trong môi trường "tấc đất tấc vàng" và việc giải phóng mặt bằng rất tốn kém và phức tạp.

Theo Quy hoạch mạng lưới trường học TP đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 mới được HĐND TP Hà Nội thông qua thì thành phố sẽ ưu tiên dành quĩ đất xây dựng trường học… Đây là một tín hiệu mừng nhưng cũng có thể đoán trước được rằng quĩ đất xây trường sẽ chỉ được dành tại những khu vực vùng ven khi mà chỉ để mở rộng đoạn phố Sơn Tây dài gần 500 mét, chi phí giải phóng mặt bằng ngồn gần 67% tổng mức đầu tư dự án 225 tỉ đồng.

Nếu việc nâng cấp trường đạt chuẩn được hướng vào khu vực ngoại thị thì trường chuẩn quốc gia sẽ không phát huy được tác dụng giảm sĩ số lớp học và vươn tới mục tiêu tối thượng là nâng cao chất lượng GD. Bên cạnh việc một số trường chuẩn nội đô (dù số lượng cũng rất ít ỏi) thực tế đã rớt chuẩn thì với rất nhiều trường học nội đô khác, cái đích tiệm cận chuẩn cũng đang ngày một xa vời!

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201209/Moi-lo-rot-chuan-1963395/

Phát động cuộc thi “Giao thông thông minh”

Posted: 10 Sep 2012 02:56 AM PDT

(GDTĐ) – Sáng nay (10/9), tại Trường THCS Giảng Võ – Hà Nội, Uỷ ban ATGT Quốc gia, Bộ GDĐT, T. Ư Đoàn TNCS HCM, TCT truyền thông đa phương tiện VTC đã tổ chức Lễ phát động cuộc thi "Giao thông thông minh" trên internet. Dự lễ phát động có đại diện Uỷ ban ATGT quốc gia, Bộ GDĐT, T.Ư Đoàn TNCS HCM và đông đảo thầy và trò trường THCS Giảng Võ…


HS trường THCS Giảng Võ tiến hành thi thử cuộc thi "Giao thông thông minh"

Nội dung thi bao gồm 3 phần. Về kiến thức, HS sẽ trả lời các câu hỏi về quy định của pháp luật khi tham gia giao thông; kiến thức cơ bản về ATGT; một số hiểu biết về công trình giao thông, phương tiện tham gia giao thông. Bên cạnh đó, HS còn thể hiện hiểu biết của mình về kỹ năng tham gia giao thông an toàn; xử lý tình huống giao thông; điều khiển phương tiện giao thông; khắc phục hậu quả và giải quyết tai nạn giao thông. Theo thể lệ được công bố, HS sẽ tham gia hai phần thi tự do và chính thức. HS muốn thi chính thức phải tham gia thi tự do và điều kiện được thi quý như sau vượt qua vòng 6 mới được thi quý thứ nhất, vượt qua vòng 12 mới được thi quý thứ hai, vượt qua vòng 18 mới được thi quý thứ ba. Thí sinh chỉ được thi một lần trong kỳ thi chính thức hàng quý.


Đại diện Bộ GDĐT, Uỷ ban ATGT quốc gia, T.Ư Đoàn TNCS HCM… tham  dự lễ phát động

Năm học 2012 – 2013, BTC tập trung vào HS các trường tiểu học và THCS có điều kiện truy cập internet và có nguyện vọng tham gia cuộc thi. Từ năm học 2013 – 2014, sẽ mở rộng đối tượng gồm HS các trường phổ thông, trung tâm GDTX; HSSV các trường ĐH, CĐ, dạy nghề, TCCN có điều kiện truy cập Internet và có nguyện vọng tham gia cuộc thi. Cuộc thi được tổ chức nhằm GD kiến thức, kỹ năng và thái độ của HS, SV và các đối tượng khác khi tham gia giao thông, góp phần xây dựng văn hoá giao thông. Tuyên truyền đến gia đình và cộng đồng về ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông. Đồng thời, cuộc thi cũng sẽ góp phần không nhỏ vào sự đổi mới phương pháp dạy và học về luật giao thông trong nhà trường.

Tại lễ phát động, các em HS trường THCS Giảng Võ đã được cán bộ mạng Việt Nam go.vn, đơn vị thường trực BTC cuộc thi "Giao thông thông minh" hướng dẫn cách đăng ký tham gia cũng như tiến hành thi thử. Kết thúc cuộc thi thử, nhiều em HS đạt thành tích cao đã được BTC và trường THCS Giảng Võ trao quà lưu niệm.

Trung Toàn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201209/Phat-dong-cuoc-thi-Giao-thong-thong-minh-1963399/

Khi học trò lớp 1 “lệch pha”

Posted: 10 Sep 2012 02:56 AM PDT

Trẻ lớp 1 dạn dĩ

Khóc thét, bám chặt lấy bố mẹ không chịu vào lớp, sợ sệt trước cô thầy, bạn bè… là những hình ảnh quen thuộc từ lâu nay đối với học trò đầu cấp bậc tiểu học dường như đang dần trở vào dĩ vãng khi giờ đây, ngay từ những ngày đầu đến trường, học trò lớp 1 đã rất dạn dĩ, tự tin.

Trẻ lớp 1 ngày càng dạn dĩ trong ngày đầu đến trường.
Trẻ lớp 1 ngày càng dạn dĩ trong ngày đầu đến trường.

Các em dễ dàng vào lớp, dễ làm quen với thầy cô, bè bạn, biết cách xếp hàng cũng như biết giơ tay khi cần phát biểu, xin đi vệ sinh khi có nhu cầu… Những tác phong và thói quen này, hầu hết các em đã được chỉ dẫn và thực hiện từ bậc mầm non, đặc biệt là ở khối lớp lá (5 tuổi).

Chị Nguyễn Thị Duyên, ngụ ở phường Cô Bắc, Q. Phú Nhuận, TPHCM cho biết, năm nay cô con gái thứ 2 vào lớp 1, chị rất lo lắng vì trước đây gia đình hết sức khổ sở mất đến nửa năm trời, cậu con trai đầu mới qua nổi "cửa ải" lớp 1. Chị Duyên hình dung, mình sẽ phải quát nạt ép con vào lớp, rồi nhìn cảnh con khóc lóc đòi mẹ, về nhà thì mê sảng, sợ hãi… nhưng điều đó đã không xảy ra.

"Ngày đầu tựu trường, cháu có hơi rụt rè một chút. Sau hai buổi nhà trường tổ chức làm quen cho học trò lớp 1, cháu đến lớp rất nhẹ nhàng, vui vẻ lắm!", chị Duyên nói.

Cô Huỳnh Thị Bực, hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (Q.5, TPHCM) cho hay, trước đây những ngày đầu năm, lúc nào trường tiểu học cũng "náo động" bởi tiếng khóc hay các phản ứng của HS lớp 1. Rất đông các em sợ sệt, không chịu vào lớp… Nhưng giờ đây, trẻ lớp 1 cũng rất dạn dĩ, chóng quen với việc đến trường nên GV đầu cấp bớt cực hơn rất nhiều.

"Như năm nay, đến giờ chúng tôi không gặp trường hợp học trò lớp 1 nào bị "sốc", phản ứng mạnh khi đến lớp. Các em cũng chóng thích nghi với nề nếp trường học, biết cách vệ sinh cá nhân", cô Bực phấn khởi.

Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 đánh giá, do bây giờ phần lớn HS lớp 1 đã trải qua chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi ở mẫu giáo nên việc đến trường không còn phức tạp, căng thẳng. Trường tiểu học gần như không còn cảnh "mắt ướt nhạt nhòa" của học trò, nên GV giảm tải được rất nhiều.

Thiệt thòi cho trẻ "lệch pha"

Chương trình giáo dục ở trường mầm non hiện nay giúp trẻ hình thành các phẩm chất về sức khỏe, trí tuệ, ngôn ngữ, tình cảm và quan hệ xã hội theo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, tạo tiền đề để vào lớp 1. Nhờ thực hiện chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, trẻ khi vào lớp 1 có bước "lột xác" rất rõ so với trước, nhanh chóng thích nghi với môi trường học đường.

Trẻ lớp 1 ngày càng dạn dĩ trong ngày đầu đến trường.
Trong khi bạn bè dễ dàng thích nghi với trường lớp thì vẫn có những trẻ bị "lệch pha" rõ do thiếu hụt các kỹ năng từ trường mầm non. (Ảnh có tính chất minh họa)

Với trẻ không đi học mầm non, lại không được chuẩn bị tâm thế vào lớp 1, riêng việc để các em chịu tách bố mẹ vào lớp học đã rất khó khăn, chưa kể đến việc thích nghi với bạn bè, thầy cô hay sinh hoạt, cách ăn uống ở trường hay các phẩm chất cơ bản khác như sức khỏe, ngôn ngữ, cảm xúc… Đi cùng với đó có thể xuất hiện các triệu chứng nôn ói, đau đầu, đau bụng…  vì phản ứng sợ trường lớp.

Bà Tôn Nữ Phương Thắm, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (Q. Gò Vấp) cho hay, không phải tất cả HS vào lớp 1 đều đã tham gia phổ cập mầm non, sự chênh lệch giữa các họ trò rất lớn lại là khó khăn cho GV trong công tác giảng dạy.

"Một lớp chỉ vài em chưa học mầm non, GV đã rất mệt và chính các em cũng bị thiệt thòi hơn nhiều do thích nghi chậm hơn bạn bè và chậm hình thành các phẩm chất, yêu cầu cơ bản với trẻ lớp 1. Vấn đề không phải ở biết chữ trước hay không mà là khả năng làm quen với môi trường học tập độc lập của các em như thế nào", bà Thắm bày tỏ.

Năm học 2011 – 2012,  TPHCM có 87.736 trẻ 5 tuổi đến trường, đạt 98% số trẻ em trong độ tuổi. Đến nay, chỉ mới 6/24 quận huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi. Một trong những rào cản lớn nhất trong việc huy động trẻ ra lớp hiện nay là phụ huynh cho con ở nhà để học chữ trước khi vào lớp 1, cho rằng việc học ở mầm non là không cần thiết.

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-639000/khi-hoc-tro-lop-1-lech-pha.htm

Phải làm gì với phần 4 bài thi TOEIC

Posted: 10 Sep 2012 02:55 AM PDT

Phần 4 bao gồm các đoạn nghe ngắn do 1 người nói, nội dung hay gặp:

Announcement (hướng dẫn, thông báo)

Advertisement (quảng cáo)

Report (báo cáo, tường thuật)

Recorded message (tin nhắn ghi âm)

Flight and Airport Announcement (thông báo ở sân bay/ trên máy bay)

Broadcast (chương trình phát thanh/ truyền hình)

Talk (diễn thuyết, tọa đàm)

Vì là những mẩu "độc thoại" nên thông tin đưa ra thường nhiều hơn, không có các câu hỏi – trả lời nên khó nắm bắt thông tin hơn phần 3.

Các câu hỏi được đưa ra sẽ hỏi về tính chính xác của các thông tin được liệt kê hoặc là câu hỏi yêu cầu suy luận.

1. Để vượt qua phần này, các bạn hãy lưu ý:

- Vẫn một lưu ý hết sức cơ bản: hãy tận dụng thời gian đọc trước câu hỏi và các đáp án cho sẵn. Nếu không đủ thời gian đọc hết thì cũng chắc chắn rằng bạn đã đọc trước các câu hỏi.

- Các câu hỏi rất hay được sắp xếp trái với trật tự xuất hiện trong đoạn băng, vì vậy hãy để mắt đến tất cả các câu hỏi và khi nghe được thông tin thì nhanh chóng đảo mắt qua tất cả các đáp án để lựa chọn ngay.

- Hãy trả lời luôn khi bạn đã xác định được đáp án để nhanh chóng chuyển sang câu tiếp theo. Bạn khó có thể nhớ hết được các thông tin trong hoàn cảnh liên tục phải nghe các đoạn băng, vì vậy đừng nghĩ sẽ "ghi nhớ và trả lời sau cho chắc".

- Ở phần này, các đáp án có các từ, cụm từ giống hoặc tương tự với đoạn băng thường sẽ là đáp án đúng của câu hỏi về tính chính xác của thông tin.

- Nghe kỹ những thông tin mang tính "số liệu" như chữ số, thời gian, ngày trong tuần, số tiền… Chúng cũng có thể được diễn đạt thành dạng khác trong các đáp án ví dụ như "30 minutes" cũng tương tự như "half an hour"…

2. Những điều bạn nên tránh:

- Tránh đọc lướt câu hỏi. Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu chính xác câu hỏi. Thử nghĩ xem sẽ tai hại ra sao nếu câu hỏi yêu cầu xác định "Người nói đang nói về ai" thì bạn lại đi tìm câu trả lời cho "Người nói là ai"…

Đừng dành thời gian quá nhiều để cân nhắc kỹ trước các lựa chọn tương tự nhau. Bạn không có nhiều thời gian như vậy đâu. Hãy quyết đoán để không bỏ lỡ các câu hỏi tiếp theo.

Chúc các bạn đạt kết quả cao trong phần thi này!

(còn tiếp)

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-639182/phai-lam-gi-voi-phan-4-bai-thi-toeic.htm

Học bổng Odon Vallet năm 2013

Posted: 10 Sep 2012 02:55 AM PDT

- Lễ trao học bổng Odon Vallet lần thứ 12 đã diễn ra tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.
Giáo sư (GS) Odon Vallet và vợ chồng GS Trần Thanh Vân từ Paris sang, tự
mình trực tiếp trao học bổng cho các bạn trẻ.

Tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, có 450 suất học bổng được trao cho học sinh
và 140 suất học bổng cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Mỗi
suất trị giá 7 triệu đồng dành cho học sinh, 11 triệu đồng cho sinh viên và các
nhà nghiên cứu trẻ.

Những học sinh, SV xuất sắc nhận học bổng Odon Vallet (Ảnh: Quỳnh Anh)

Phát biểu tại lễ trao học bổng, GS Trần Thanh Vân – Chủ tịch tổ chức “Gặp gỡ
Việt Nam” SV bày tỏ mong muốn: “Học bổng Odon Vallet sẽ khích lệ, nối kết và
giúp các bạn trẻ bay cao, bay xa trên con đường học vấn.

Chúng tôi mong các cháu không bao giờ quên giữ gìn và rèn luyện đạo đức,
nhân phẩm… Xin nói cùng các cháu, các cháu là tương lai của dân tộc. Sự nghiệp
phát triển của Quốc gia nằm trên vai các cháu".

Odon Vallet là một vị tiến sĩ khoa học trong ngành Luật học, giáo sư lịch sử
tôn giáo của ĐH Sorbonne nổi tiếng thế giới, và cũng là một nhà văn viết tuỳ bút
triết luận. Được thừa kế một gia tài lớn, trị giá 100 triệu euro, ông đem tất cả
số tiền ấy gửi ngân hàng, hằng năm lấy lãi để tặng học bổng cho các bạn trẻ học
giỏi ở Pháp, Berlin và Việt Nam.

Trân trọng những hoạt động phát triển khoa học – giáo dục của tổ chức “Gặp gỡ
Việt Nam” – GS Odon Vallet đã đóng góp vào quỹ học bổng của “Gặp gỡ Việt Nam”. Cảm
kích trước tấm lòng của GS Odon Vallet, GS Trần Thanh Vân đã đặt tên học bổng là
Học bổng Vallet.

Tổng số và tổng giá trị học bổng trên toàn quốc từ năm 2001 đến năm 2012 được
trao tại Việt Nam là 19.020 học bổng với tổng số tiền là trên 80 tỉ đồng.

Riêng năm 2012 đã có 2.250 suất học bổng Odon Vallet được trao cho học sinh,
sinh viên Việt Nam với tổng giá trị lên tới 18 tỉ đồng.

  • Quỳnh Anh

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/87901/hoc-bong-odon-vallet-nam-2013.html

Những sinh viên không thể ra trường

Posted: 10 Sep 2012 02:55 AM PDT

Theo thống kê của nhiều trường ĐH, dù đã chuyển đổi sang hình thức đào tạo tín chỉ nên sinh viên (SV) có thể tốt nghiệp chậm nhưng qua những đợt xét tốt nghiệp hằng năm, có hàng trăm SV không thể ra trường do nợ quá nhiều môn học.

 


Những sinh viên không thể ra trường

 

Giỏi, chưa chắc được tốt nghiệp

 

T.L.M, SV Khoa Báo chí Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, theo đúng hạn phải ra trường từ năm 2008. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, bằng tốt nghiệp của M. vẫn treo lơ lửng bởi M. còn nợ một môn chuyên ngành. Một giảng viên Khoa Báo chí – Truyền thông của trường, cho biết: "Nếu đúng nguyên tắc thì SV này đã bị hủy kết quả học tập. Tuy nhiên, xét đến hoàn cảnh thì việc giải quyết linh hoạt bằng hình thức chuyển loại hình đào tạo từ chính quy sang tại chức thì có thể". Theo vị giảng viên này, từ năm 2006 trở về trước (năm trường đào tạo theo hệ niên chế), mỗi năm có không dưới 5 SV khoa này không thể tốt nghiệp.

 

Một trường hợp khác là G.A, cũng là SV khoa báo chí với điểm thi đầu vào khá cao (20,5 điểm) . Quá trình học tập năm đầu của G.A được giáo viên đánh giá tốt, bạn bè ngưỡng mộ thông qua những bài viết cộng tác trên các báo nhưng cũng từ đó, SV này bỏ bê học tập bắt đầu bằng việc không đến lớp, bỏ thi. Đến năm thứ 3 thì G.A không thể theo được nữa, bởi số môn học còn nợ quá nhiều. SV khoa báo chí vẫn nhắc đến "huyền thoại" G.A "nhầy" vì bắt gặp G.A trong những tiệm game online, những cuộc nhậu thâu đêm và đi bụi.

 

Học giỏi và mê đua xe mô hình là những gì SV Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM nhắc đến P.C.H. Dù nổi tiếng với phần mềm được giải thưởng cấp TP nhưng H. cũng không thể tốt nghiệp do ham làm… quên học. H. cho biết: "Ngày đó có một môn giảng viên tính điểm thông qua 2 lần kiểm tra, lần giữa kỳ và cuối kỳ. Tôi bỏ học nhiều nên mất hẳn phần điểm giữa kỳ. Thi cuối kỳ dù có cao thế nào cũng không đủ điểm tổng kết và thi lại hoài không được".

 

"Phao" tín chỉ vẫn không thoát

 

 

Th.S Nguyễn Nguyễn Anh Đức, Trưởng Phòng Công tác HS-SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết: "Trong đợt xét tốt nghiệp vào ngày 30-8 vừa qua, có khoảng 28 SV không đủ điều kiện, những SV này nếu có nguyện vọng sẽ được chuyển hình thức đào tạo sang hệ tại chức, áp dụng theo Quy chế 43, cho đến khi nào trả nợ hết môn thì được cấp bằng tốt nghiệp. Nguyên nhân do SV vừa đi học vừa đi làm nên không theo kịp chương trình".

Được chuyển loại hình đào tạo từ chính quy sang tại chức có thể xem là cái "phao" cứu nhiều SV thoát khỏi "cửa tử". Tuy vậy, không phải SV nào cũng muốn được chuyển. TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, cho rằng khi đi học thì người học đã xác định mục đích, động cơ nên nếu không như mong muốn thì họ bỏ hoặc sẽ chuyển sang học trường khác chứ ít SV muốn chuyển qua hệ tại chức.

 

Lãnh đạo một trường ĐH thừa nhận việc chuyển đổi loại hình đào tạo vừa là ưu cũng là nhược điểm của hệ đào tạo tín chỉ. Có nghĩa là dù thế nào SV cũng có thể tốt nghiệp nhưng làm cho chất lượng đầu ra bị thả nổi. Thêm thông tin gần đây nhiều địa phương nói không với hệ tại chức đã khiến không ít SV hoang mang.

 

Tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, ThS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo, cho biết: "Số lượng SV bị buộc thôi học do quá thời gian đào tạo tại trường chủ yếu rơi vào SV hệ vừa làm vừa học (mỗi năm khoảng 15-20 SV/năm),  một số khác là SV hệ CĐ chính quy (khoảng 8-10 SV). Nguyên nhân chủ yếu là SV không thể tiếp tục theo học do áp lực công việc. Một số trường hợp SV làm việc trong các công ty, đơn vị không đòi hỏi bằng cấp nên sao nhãng việc học".

 

Theo TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM: "Mặc dù hình thức đào tạo theo tín chỉ đã mở lối cho nhiều SV có điều kiện tốt nghiệp hơn hệ niên chế, dù chậm. Tuy nhiên, mỗi năm tại trường vẫn có một lượng không nhỏ SV "rơi rụng". Trong đó có trường hợp bị phân tâm do hoàn cảnh mà SV muốn chuyển đổi ngành nghề; có SV vừa học vừa làm nên không có thời gian học. Nhiều SV rơi vào trạng thái vỡ mộng khi lý tưởng về ngành học một đằng còn thực tế lại khác. Cũng có SV hoang mang do sự biến động ngành nghề. Ví dụ có năm nghề đó "hot", năm sau không còn hoặc bị bão hòa nên SV lo lắng về việc làm. Điều đó cho thấy công tác hướng nghiệp ở bậc phổ thông là hết sức cần thiết".

 

 

Theo Đặng Trinh

 

Người Lao Động

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-639145/nhung-sinh-vien-khong-the-ra-truong.htm

Comments