Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Không bỏ quy định học sinh 6 tuổi vào lớp 1

Posted: 31 Aug 2012 05:54 PM PDT

(GDTĐ)-Sau khi Bộ GDĐT công bố dự thảo điều chỉnh điều lệ trường tiểu học, một số phương tiện truyền thông đưa tin sẽ bỏ quy định trẻ 6 tuổi vào lớp 1. Ông Lê Tiến Thành – Vụ trưởng Vụ tiểu học (Bộ GDĐT) tại cuộc họp báo chiều qua (30/8) tại cơ quan Bộ đã khẳng định không hề có chuyện này.

Ông Nguyễn Tiến Thành phát bểu tại buổi họp báo chiều 30/8. Ảnh: gdtd.vn
Ông Lê Tiến Thành phát biểu tại buổi họp báo chiều 30/8. Ảnh: gdtd.vn

Liên quan đến vấn đề này, dự thảo điều chỉnh điều lệ chỉ là mở rộng, nói rõ thêm so với trước, đó là:  Trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em trong diện hộ đói nghèo theo quy định của Nhà nước, trẻ em ở nước ngoài về nước có thể vào học lớp 1 ở độ tuổi từ 7 đến 9 tuổi.

Theo ông Thành, quy định trong luật Giáo dục: trẻ 6 tuổi vào lớp 1 là bất di bất dịch, nhưng, luật cũng có điều kiện mở với học sinh có phát triển hơn về thể chất, tinh thần có thể học sớm hơn, học vượt lớp.

"Ở tiểu học, chúng tôi nhiều lần giải thích với phụ huynh là, trẻ em 5 tuổi học mầm non, 6 tuổi vào lớp 1, nguyên tắc đó cố gắng giữ gìn vì trẻ cần được chơi, cần được phát triển, không học sớm, không học nhiều" – ông Thành cho hay.

Dự thảo Thông tư mới nói trên của Bộ GDĐT cũng đề cập đến việc học vượt lớp. Theo đó, học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học.
Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201208/Khong-bo-quy-dinh-hoc-sinh-6-tuoi-vao-lop-1-1963244/

Chủ tịch nước gửi thư nhân ngày khai trường

Posted: 31 Aug 2012 05:54 PM PDT

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa gửi thư tới ngành giáo dục (GD) nhân dịp khai giảng năm học mới 2012-2013.

Bức thư có đoạn viết: "Tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả của ngành GD, nhất là của đội ngũ các thầy, cô giáo tâm huyết, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp "trồng người", các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã vượt khó vươn lên trong học tập".

Chủ tịch nước căn dặn: Năm học 2012-2013 có ý nghĩa quan trọng, là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Chiến lược phát triển GD 2011-2020. Ngành GD cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý GD, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GD, nâng cao chất lượng GD toàn diện; xây dựng môi trường GD lành mạnh; kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của toàn xã hội chăm lo phát triển GD, nhất là GD ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện bình đẳng về cơ hội học tập và các chính sách xã hội trong GD; tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc như: dạy thêm học thêm không đúng quy định, hiện tượng lạm thu, thiếu trung thực trong thi cử, bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo…

Chủ tịch nước cũng bày tỏ mong muốn và tin tưởng rằng: các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, noi theo tấm gương học giỏi, vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học, góp phần phụng sự đất nước và làm rạng danh dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và toàn xã hội tiếp tục quan tâm, phối hợp với ngành GD thực hiện tốt chủ trương "phát triển GD và đào tạo là quốc sách hàng đầu", góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuệ Nguyễn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự khai giảng tại Cần Thơ

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120901/Chu-tich-nuoc-gui-thu-nhan-ngay-khai-truong.aspx

ĐH Huế xét tuyển gần 1.000 chỉ tiêu NV2 bổ sung

Posted: 31 Aug 2012 05:53 PM PDT

Theo đó, ngành Quản trị Kinh doanh (Khoa Du lịch) xét thêm 201 chỉ tiêu (CT); 3 ngành là Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc thuộc ĐH Ngoại ngữ Huế xét tuyển 9,13,7 CT theo thứ tự.

Trường ĐH Kinh tế Huế có 4 ngành xét tuyển là Kinh tế (75 CT), Tài chính – Ngân hàng (35 CT), Kế toán (15 CT), Hệ thống thông tin quản lý (50 CT). Trường ĐH Khoa học Huế có 3 ngành là Sinh học (31 CT), Khoa học Môi trường (8 CT), Công nghệ kỹ thuật điện, truyền thông (9 CT).

ĐH Nông lâm Huế đề nghị xét tuyển thêm 19 ngành thuộc 7 nhóm ngành. Gồm: Nhóm ngành Cơ khí - Công nghệ (55 CT, có 4 ngành: Công thôn, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sau thu hoạch); Nhóm ngành Trồng trọt (62 CT, có 4 ngành: Nông học, Bảo vệ thực vật, Khoa học cây trồng, Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan); Nhóm ngành Chăn nuôi - Thú y (79 CT, có 2 ngành: Chăn nuôi và Thú y); Nhóm ngành Thủy sản (91 CT, có 2 ngành: Nuôi trồng thủy sản và Quản lý nguồn lợi thủy sản); Nhóm ngành Lâm nghiệp (87 CT, có 3 ngành:  Lâm nghiệp, Quản lý tài nguyên rừng, Công nghệ chế biến lâm sản); Nhóm ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường (98 CT, có 2 ngành: Khoa học đất và Quản lý đất đai); Nhóm ngành Phát triển nông thôn (19 CT, có 2 ngành là Khuyến nông và Phát triển nông thôn).

Các tân sinh viên đăng ký hồ sơ nhập học vào ĐH Huế năm 2012.

Hồ sơ xét tuyển gồm: Bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi tuyển sinh ĐH 2012 do trường dự thi cấp, có đóng dấu đỏ hoặc bản sao có công chứng và ghi đầy đủ vào phần thí sinh đăng ký xét tuyển NV2. Một phong bì có dán sẵn tem, ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của thí sinh. Lệ phí xét tuyển 15.000đ. Địa chỉ nộp hồ sơ: Ban Khảo thí - Đảm bảo chất lượng Giáo dục, ĐH Huế, số 2 Lê Lợi, TP Huế. Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 31/8 đến 17h ngày 7/9/2012 (nếu gửi qua đường bưu điện thì tính  theo ngày gửi được đóng dấu trên phong bì). Thí sinh được phép rút lại hồ sơ xét tuyển bản chính đã nộp, hạn cuối đến 17h ngày 5/9/2012 bằng cách trực tiếp đến hoặc ủy quyền người khác đến địa điểm đã nộp trên.

Tính đến ngày 30/8, có 2.130 hồ sơ đăng ký xét tuyển NV 2 vào ĐH Huế. Hiện Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế vẫn đang tiếp tục nhận đơn xét tuyển NV 2 và quyết định kéo dài thời gian nhận hồ sơ xét tuyển đợt 2 cho đến 17 giờ ngày 7/9/2012.

Hiện các trường thuộc khối ĐH Huế đang đón tiếp tân sinh viên. Theo số liệu mới nhất tính đến sáng ngày 31/8, đã có 74.49% sinh viên nhập học vào ĐH Huế.

Đại Dương

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-636204/dh-hue-xet-tuyen-gan-1000-chi-tieu-nv2-bo-sung.htm

Nghe kể chuyện, đọc sách, trẻ có tư duy tốt hơn

Posted: 31 Aug 2012 05:53 PM PDT

Đọc sách và kể chuyện cho trẻ nhỏ là cách giúp các em phát triển trí não và tư duy sáng tạo.

Nhà trị liệu Hà Thị Kim Yến – nguyên Trưởng khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: "Hiện nay, một số cha mẹ nghĩ rằng việc cho trẻ xem phim thiếu nhi hoặc chuyện cổ tích là cách tốt nhất giúp con mình phát triển tư duy. Đây là suy nghĩ hết sức sai lầm. Các trẻ được cha mẹ kể chuyện hoặc đọc sách cho nghe sẽ có tư duy tốt hơn, bởi các em phải thường xuyên động não và tưởng tượng theo trình tự câu chuyện".

Để dẫn chứng, bà Hà Thị Kim Yến đưa ra ví dụ từ chuyện kể Cô bé quàng khăn đỏ. Bà Yến nói: "Cha mẹ có thể cho con xem phim này. Sau đó, cha mẹ thử hỏi những điều liên quan đến câu chuyện. Chắc chắn câu trả lời đạt của bé là rất ít. Nhưng nếu cha mẹ kể chuyện này bằng giọng lên bổng xuống trầm, lồng ghép vào đó cảm xúc… đảm bảo, chỉ qua một lần, trẻ sẽ nắm được cơ bản câu chuyện. Và trước các câu hỏi: cô bé thích quàng khăn màu gì, mẹ dặn dò cô bé ra sao, cô bé đi đường thẳng hay vòng, chó sói giả giọng thế nào… các bé sẽ trả lời rành mạch".

Theo bà Lê Thị Lệ Vân – Hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi 3, Q.5, TP.HCM, trẻ nhỏ – nhất là trẻ trong độ tuổi mầm non (3-5 tuổi) đang trong quá trình phát triển ngôn ngữ và thích khám phá thế giới xung quanh nên việc kể chuyện hoặc đọc sách để bé cảm nhận, suy luận và diễn đạt lại là điều hết sức cần thiết.

Ngoài những câu chuyện cổ sẵn có, cha mẹ cũng có thể lồng ghép vào những câu chuyện tự sáng tác, nhằm răn dạy con, như không xả rác nơi công cộng, lễ phép với người lớn, lòng hiếu đạo… "Thông thường cha mẹ nên nêu ra đoạn đầu câu chuyện, sau đó cho con những suy nghĩ hướng tiếp theo và tham gia tranh luận. Cuối cùng cha mẹ mới kể phần kết và cắt nghĩa cho trẻ nghe việc nào đúng nên làm, việc nào sai cần tránh", bà Lê Thị Lệ Vân nói.

Nhà trị liệu Kim Yến cho rằng, cha mẹ nên diễn đạt câu chuyện bằng cách dùng nhiều từ tượng hình về màu sắc, cảnh quan, con vật… để trẻ cảm nhận và hình dung.

Thời gian đọc sách hoặc kể chuyện tốt nhất là trước khi đi ngủ vì trong giai đoạn này, bé rất chú tâm và tiếp thu tốt. Sau câu chuyện nên đặt ra hàng loạt các câu hỏi liên quan, thúc đẩy tư duy về cảm nhận riêng của bé. Cha mẹ nên cố gắng đọc truyền cảm, chú ý tới ngữ điệu và đọc rõ ràng (giúp con không nói ngọng), hài hước để trẻ tiếp thu câu chuyện nhẹ nhàng.

Minh Luân

Đọc sách như thế nào cho hiệu quả ?
Đọc sách miễn phí giữa công viên
Đọc sách cùng con
Ngày đọc sách
Đọc sách cho ngày mai
Thiết bị đọc sách "xanh"

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120831/Nghe-ke-chuyen-doc-sach-tre-co-tu-duy-tot-hon.aspx

Tuyển công chức: Nam Định “nói không” với dân lập, tại chức

Posted: 31 Aug 2012 05:52 PM PDT

Đối với những người không có hộ khẩu thường trú tại địa phương, nhưng có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ (trước đó phải tốt nghiệp đại học cùng chuyên ngành, hệ chính quy tập trung dài hạn) và người có trình độ đại học hệ chính quy tập trung dài hạn tốt nghiệp loại giỏi, đúng chuyên ngành cần tuyển, cam kết nếu trúng tuyển sẽ làm việc tại tỉnh Nam Định từ năm năm trở lên thì vẫn được đăng ký dự tuyển.

Chung quanh thông báo của tỉnh Nam Định, đại diện phòng đào tạo, trường Đại học Dân lập Lương Thế Vinh, phường Lộc Vượng, TP Nam Định cho biết: Hiện nay, trường đào tạo đa lĩnh vực, phần lớn cho khối doanh nghiệp nên tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường thi tuyển vào các cơ quan Nhà nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ, nên nhà trường không quan tâm lắm đến thông báo của tỉnh.

Tuy nhiên, nhà trường cũng có đôi chút băn khoăn vì Đại học dân lập Lương Thế Vinh được thành lập từ chủ trương của tỉnh Nam Định. Bây giờ, chính quyền tỉnh lại ra thông báo "nói không" với dân lập thì khác nào "phủ nhận" việc dạy và học của cán bộ, giáo viên cũng như đông đảo học sinh, sinh viên nhà trường.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-636178/tuyen-cong-chuc-nam-dinh-noi-khong-voi-dan-lap-tai-chuc.htm

Giáo sư Ngô Bảo Châu trả lời độc giả Tuổi Trẻ

Posted: 31 Aug 2012 05:52 PM PDT

* Gần đây tôi đọc trên các trang mạng điện tử thấy có nhiều bài báo đăng một số ý kiến xung quanh vấn đề về toán học. Trong đó có nhiều ý kiến coi toán học là "không có nhiều ý nghĩa đối với xã hội", "những gì dân toán làm là tự đặt vấn đề, tự giải quyết vấn đề rồi lại tự hoan hô” hay như "người giỏi làm toán là sự lãng phí"… Giáo sư nghĩ sao về những ý kiến trên, và xin giáo sư cho biết với toán học, cái cốt lõi nhất về giá trị của nó là gì? (Trương Bá Lâm, 27 tuổi, truonglamkl@…)

- GS Ngô Bảo Châu: Nước Đức là một nước tiên phong trong công nghiệp và công nghệ tiên tiến. Đức cũng là một nước có truyền thống về những ngành học thuật trừu tượng như triết, toán… mà theo như đánh giá nói trên thì "không có nhiều ý nghĩa đối với xã hội".

Hỏi tại sao học sinh Đức vẫn phải học nhiều toán, nhiều triết, họ trả lời rằng để nước Đức không tụt hậu, không rớt xuống thế giới thứ ba, những công dân Đức tương lai phải có khả năng thực hiện những thao tác cơ bản của tư duy vì thế mà họ muốn con cái của họ phải học toán, học triết.

Nước ta thì vốn đã ở thế giới thứ ba rồi. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có muốn ở lại đó vĩnh viễn hay không?

Nếu các nhà khoa học chỉ làm việc để giải quyết những vấn đề do thực tế đời sống và sản xuất đặt ra thì chắc khoa học đã không tiến bộ được như ngày nay.

Ai là người đặt hàng để Einstein tìm ra thuyết tương đối, nếu không phải những mâu thuẫn nội tại của vật lý.

Gauss, Riemann đặt ra nền móng cho hình học vi phân đâu có theo đơn đặt hàng của Einstein, người cần nó cho lý thuyết tương đối.

Sự vận hành của khoa học có nhiều cái rất khác với kinh tế thị trường. Áp đặt tư duy kinh tế, luật cung cầu vân vân vào khoa học thì e rằng khoa học chết mất.

Giá trị cốt lõi của khoa học là nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh, đam mê khám phá. Đó là những nhu cầu tự nhiên của con người, cũng như nhu cầu ăn ngủ.

Trong bối cảnh hiện tại, các nhà khoa học cũng thực hiện những hợp đồng khoa học, nhưng cái đó khó mà trở thành động cơ chính cho sự phát triển của khoa học kỹ thuật.

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/508272/Giao-su-Ngo-Bao-Chau-tra-loi-doc-gia-Tuoi-Tre.html

Nhiều trường công bố điểm chuẩn xét tuyển

Posted: 31 Aug 2012 05:52 PM PDT

Điểm chuẩn bổ sung đợt 2 Trường ĐH Hoa Sen như sau:

các ngành bậc ĐH: ngôn ngữ Anh 22 (hệ số 2 môn Anh văn); thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa 18 (hệ số 2 môn năng khiếu); toán ứng dụng 17; quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế 16; kế toán, quản trị khách sạn 15; quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống 14,5; công nghệ thông tin 14; công nghệ kỹ thuật môi trường (A: 13; B: 14); hệ thống thông tin quản lý, quản trị công nghệ truyền thông, truyền thông và mạng máy tính, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (A, A1: 13; D1, D3: 13,5).

Các ngành bậc CĐ: tiếng Anh 15 (hệ số 2 môn Anh văn); quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế 12; kế toán 11,5; quản trị khách sạn 11; quản trị văn phòng (A, A1: 10; C: 11; D1, D3: 10,5), truyền thông và mạng máy tính, công nghệ thông tin, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (A, A1: 10; D: 10,5).

Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM cũng công bố điểm chuẩn xét tuyển bổ sung đợt 1 với điểm chuẩn bằng điểm sàn.

Đ.Nguyên

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120831/Nhieu-truong-cong-bo-diem-chuan-xet-tuyen.aspx

Dự tuyển công chức phải được đào tạo chính quy

Posted: 31 Aug 2012 05:51 PM PDT

Dự tuyển công chức phải được đào tạo chính quy

TT – Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn vừa ký thông báo tuyển công chức năm 2012. Theo đó, yêu cầu người dự tuyển phải được đào tạo hệ chính quy tập trung dài hạn.

Như vậy người tốt nghiệp các hệ không chính quy sẽ không được dự tuyển công chức đợt này. Riêng người không có hộ khẩu tại Nam Định chỉ được dự tuyển khi có trình độ TS, ThS hoặc người tốt nghiệp loại giỏi ĐH chính quy, tập trung, đúng chuyên ngành cần tuyển và cam kết làm việc tại Nam Định từ năm năm trở lên.

UBND tỉnh Nam Định cũng công khai nếu hai người có điểm thi bằng nhau thì việc xét trúng tuyển sẽ dành cho người có kết quả học tập cao hơn, nếu kết quả học tập bằng nhau thì xét qua điểm tốt nghiệp. Theo kế hoạch, năm 2012 Nam Định sẽ tuyển mới 184 công chức, trong đó có 89 công chức khối sở, ban, ngành và 95 công chức khối huyện, thành phố. Thời gian thu nhận hồ sơ sẽ kéo dài từ nay đến ngày 27-9.

NGỌC HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/509442/Du-tuyen-cong-chuc-phai-duoc-dao-tao-chinh-quy.html

Comments