Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Công bố điểm sàn đại học, khối C và D tăng nhẹ

Posted: 08 Aug 2012 06:08 AM PDT

– Sáng 8/8, Hội đồng xét duyệt điểm sàn đã họp và công bố mức điểm sàn chính thức. Cụ thể, các khối A, A1 13,0 điểm; khối B 14,0 điểm; khối C 14,5 điểm và khối D 13,5 điểm.

 

Điểm sàn hệ cao đẳng đối với khối A,A1-10; khối B-11; khối C-11,5 và khối D-10,5. Với mức điểm sàn đưa ra thì có khoảng 218.000 thí sinh trúng tuyển NV1.

Như vậy, so với năm 2011, mức điểm sàn năm nay vẫn giữ nguyên đối với khối A, B và cao hơn 0,5 điểm đối với khối C, D.

Với mức điểm sàn là 13, khối A có 110.000 thí sinh trúng tuyển NV 1. Còn 38.000 chỉ tiêu dành cho các nguyện vọng tiếp theo. Trong đó, số thí sinh có mức điểm đủ điều kiện xét là 66.500. Như vậy, so với chỉ tiêu còn thiếu thì số dư gấp 1,8 lần.

Với khối A1, có 15.000 thí sinh trúng tuyển NV1. Số chỉ tiêu còn thiếu là 10.000. Trong khi đó, số dư là 11.500. Như vậy, hệ số chỉ là 1,1. Tuy nhiên, đây là khối thi mới và hầu hết những trường tổ chức thi A1 đều tuyển khối A. Do vậy, nếu thiếu chỉ tiêu các trường có thể lấy thí sinh dự thi khối A.

Khối B, với mức điểm sàn là 14, có 29.500 thí sinh trúng tuyển NV1. Số chỉ tiêu còn thiếu là 5.800, trong khi số dư lên tới 60.000. Đây là khối thi có hệ số cao nhất 1/11. Tuy nhiên, ở khối thi này có nhiều thí sinh ảo nên hệ số này đảm bảo để các trường không thiếu nguồn tuyển.

Đối với khối C, lấy điểm sàn 14,5 thì số dư là 13.700, so với số chỉ tiêu còn thiếu vẫn gấp 2,7 lần.
Khối D1, với điểm sàn là 13,5, số thí sinh trúng tuyển NV1 là 45.000. Số còn thiếu là 15.000. Số thí sinh còn dư gấp 2,9 lần chỉ tiêu.

Đây là mức điểm sàn dành cho học sinh phổ thông, khu vực 3. Đối với mỗi khu vực ưu tiên và đối tượng ưu tiên, điểm sàn cũng sẽ được áp dụng mức điểm ưu tiên theo qui định hiện hành.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, điểm sàn không nhân hệ số và điểm trúng tuyển của các trường không được thấp hơn điểm sàn.

Thí sinh nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi (hoặc trường không tổ chức thi, chỉ xét tuyển), nhưng có kết quả bằng hoặc lớn hơn điểm sàn cao đẳng đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0), được trường tổ chức thi cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi đại học, có đóng dấu đỏ của trường.

Thí sinh chỉ được tham gia xét tuyển vào các trường ĐH khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn ĐH trở lên; vào các trường CĐ (hoặc hệ CĐ của trường ĐH hoặc trường cao đẳng thuộc các đại học) khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn CĐ trở lên (không có môn nào bị điểm 0).

Ngay sau khi công bố điểm sàn, các trường ĐH, CĐ có thể công bố điểm trúng tuyển chính thức và mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển với các nguyện vọng tiếp theo.

Năm nay, Bộ giao cho các trường chủ động xét tuyển, không yêu cầu điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn đợt trước, không hạn chế số đợt xét tuyển và thời hạn kết thúc xét tuyển là ngày 30/11.

  • Nguyễn Thảo

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/83865/cong-bo-diem-san-dai-hoc--khoi-c-va-d-tang-nhe.html

Chất lượng thí sinh tăng, trường dồi dào nguồn tuyển

Posted: 08 Aug 2012 06:08 AM PDT

(GDTĐ)-Sáng nay (8/8), mức điểm sàn vào ĐH, CĐ 2012 đã chính thức được ấn định. Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga, mức điểm này cùng với quy định mới mềm dẻo hơn, các trường sẽ có dồi dào nguồn tuyển, cơ hội trúng tuyển của thí sinh cũng tăng lên. Đặc biệt, điểm thi năm nay thể hiện một tín hiệu đáng mừng, đó là sự tăng lên về chất lượng thí sinh thi hai khối C và D.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: gdtd.vn
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: gdtd.vn

Trường dồi dào nguồn tuyển

Hội đồng xác định điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2012 đã họp và đưa ra quyết định chính thức như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Sáng nay, Hội đồng xác định điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ hệ chính qui năm 2012 được thành lập theo Quyết định số 2718/QĐ-BGDĐT ngày 26/7/2012 của Bộ trưởng Bộ GDĐT gồm 32 thành viên đã họp. Trong số này bao gồm tất cả các thành phần ứng với các loại trường khác nhau, có trường tốp trên, trường tốp giữa, trường tốp dưới; có trường công lập, ngoài công lập; có những cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác tuyển sinh. Riêng trường ngoài công lập có đại diện 3 thành viên. Sau thời gian làm việc sáng 8/8, tất cả 100% các ủy viên hội đồng đều nhất trí phương án điểm sàn như sau:

Điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ của các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi ĐH theo đề thi chung của Bộ GDĐT với khối A và A1 là 13 điểm; khối B: 14 điểm; khối C: 14.5 điểm và khối D là 13,5 điểm.

Điểm sàn các khối tương ứng hệ CĐ thấp hơn điểm sàn ĐH là 3 điểm. Cụ thể: Khối A, A1: 10 điểm; khối B: 11 điểm; khối C: 11,5 điểm và khối D: 10,5 điểm. Đây cũng là điểm sàn xét tuyển CĐ của các trường CĐ sử dụng kết quả thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GDĐT.

Điểm sàn nói trên được xác định sau khi cân nhắc tất cả các nguyên tắc, trong đó gồm có quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020 đã được phê duyệt, chỉ tiêu tuyển sinh và kết quả thi tuyển của thí sinh cũng như cơ cấu nhân lực các vùng miền…

Với mức điểm này, lượng thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên so với chỉ tiêu tuyển sinh của các trường như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Năm nay, đối với khối A, B, điểm sàn tương đương năm ngoái, riêng khối C và D, mỗi khối tăng lên 0,5 điểm. Với mức điểm này, hệ số dư – hệ số dịch chuyển của thí sinh cao hơn năm ngoái. Cụ thể, đối với khối A, tỷ lệ thí sinh dư và thí sinh thiếu là 1,8 lần, khối B tỷ lệ này là trên 10 lần, khối C và D trên 2,5 lần. Với hệ số dịch chuyển lớn như vậy, các trường sẽ có dồi dào nguồn tuyển.

Tuy nhiên, một thực tế là, mọi năm, lượng thí sinh đạt sàn vẫn nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, nhưng không ít trường vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Với hệ số dịch chuyển, lượng thí sinh trên sàn dư nhiều năm năm nay, các trường sẽ không khó khăn gì trong việc tuyển đủ chỉ tiêu. Thêm nữa, cùng cơ chế tuyển sinh mềm dẻo theo quy định mới của Bộ cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các trường.

Mọi năm, sở dĩ còn nhiều thí sinh trên sàn nhưng trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu là bởi các thí sinh chỉ có 2 nguyện vọng và chỉ được nộp được ở 2 nơi, nếu xác xuất không trúng thì họ sẽ không còn cơ hội. Nhưng năm nay, thí sinh có thể sử dụng 2 giấy báo điểm nộp vào nhiều trường khác nhau, một số trường sẽ nhận bản sao nữa, nên các thí sinh sẽ có nhiều nguyện vọng, các trường có nhiều đợt tuyển, kéo dài đến hết tháng 11. Cơ chế này sẽ khắc phục sự thiếu hụt chỉ tiêu vào các trường như mọi năm.

Vấn đề là làm sao các trường thu hút được thí sinh vào học bằng uy tín và chất lượng của mình bởi không ít thí sinh trên điểm sàn nhưng họ vẫn không chọn học những trường còn chỉ tiêu. Như vậy, quan trọng là các trường phải nâng cao chất lượng cũng như sức hút đối với thí sinh.

Thí sinh thi ĐH năm 2012. Ảnh: gdtd.vn
Thí sinh thi ĐH năm 2012. Ảnh: gdtd.vn

Thí sinh nhiều cơ hội trúng tuyển

Năm nay, cơ hội thí sinh trúng tuyển có nhiều hơn so với năm trước không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Khả năng thí sinh trúng tuyển phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là hệ số dịch chuyển, thứ 2 là khả năng dịch chuyển của thí sinh từ vùng này sang vùng kia. Năm nay, Bộ có chủ trương cho các trường được xét tuyển nhiều đợt, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, không giới hạn số nguyện vọng và cũng không quy định điểm trúng tuyển nguyện vọng sau phải cao hơn nguyện vọng trước. Với cơ chế mềm dẻo như vậy, hy vọng các trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu và các thí sinh có điểm đạt sàn trở lên có nguyện vọng học ĐH đều có thể tìm được chỗ học phù hợp.

Thứ trưởng có lưu ý gì đối với những thí sinh không trúng tuyển  NV1 nhưng có điểm trên sàn?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Sau khi công bố điểm sàn, các trường sẽ xây dựng phương án điểm chuẩn các trường, các ngành. Những em không trúng tuyển NV1, sẽ được cấp 2 giấy báo kết quả thi để sử dụng xin xét tuyển vào các trường. Năm nay, các em có nhiều nguyện vọng, trường sẽ có nhiều đợt tuyển và có nhiều quy định khác nhau, không phải trường nào cũng có quy định xét tuyển thống nhất. Vì vậy, thí sinh nên theo dõi thông báo tuyển sinh của trường mình có nguyện vọng vào học để có được thông tin chính xác.

Năm nay cũng có điều các em phải lưu ý, đó là hầu hết các vùng miền, hệ số thí sinh dư, thiếu, các trường trên các vùng có thể tự cân đối với nhau. Ví dụ, thí sinh không trúng tuyển NV1 ở các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, miền Trung … có thể lấp đầy vào chỉ tiêu còn lại của những trường trong khu vực này. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long những năm trước không tự cân đối được nguồn tuyển thì năm nay cũng đã vươn lên, cơ bản tự cân đối được nguồn tuyển. Nếu có thí sinh từ vùng khác dịch chuyển vào thì nguồn tuyển còn dồi dào hơn nữa. Đây là tiến bộ rất lớn của Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, vùng miền núi phía Bắc có hơi khó khăn hơn một chút về khả năng tự cân đối này…

Như vậy, với cơ cấu tuyển như năm nay, sau khi tuyển NV1, thí sinh dựa vào khả năng dịch chuyển như trên, khả năng còn dư chỉ tiêu để lựa chọn cho phù hợp với năng lực của mình. Nếu quyết tâm học, các em sẽ tìm được trường phù hợp.

Chất lượng thí sinh khối C, D tăng

Có phải quan điểm của Bộ GDĐT sẽ là ngày càng tăng mức điểm sàn ĐH, CĐ?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Quan điểm của Bộ là đặt chất lượng lên hàng đầu, vì vậy, mọi nỗ lực của Bộ đều làm sao để nâng cao chất lượng.

Tất nhiên, chất lượng đó không thể xử lý chỉ bằng một kỳ thi mà là cả quá trình, sự chuẩn bị rất chu đáo mà cụ thể là chất lượng giáo dục phổ thông. Trong những năm qua, chất lượng giáo dục phổ thông đã được cải thiện đáng kể nhờ sự đầu tư của nhà nước, sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành.

Như đối với các môn xã hội nhân văn, trong những năm gần đây, Bộ GDĐT cũng đã có những cải cách rất rõ ràng trong việc dạy học ở phổ thông, rồi cách ra đề thi ĐH, khiến học sinh cảm thấy hứng thú hơn khi học những môn này. Cụ thể như không buộc thí sinh phải nhớ chi tiết ngày tháng, không phải học thuộc lòng nhiều mà yêu cầu các em suy luận, bình luận và thể hiện những chính kiến của cá nhân. Đó là những cái chúng ta đã đi đúng hướng. Do đó, phổ điểm khối C đã có cải tiến rõ rệt. Điểm cực đại của đường cong phân bố số liệu thí sinh ở khoảng 15 điểm với 3 môn.

Hoặc như với môn Ngoại ngữ khối D. Hiện nay, Bộ GDĐT đang thực hiện đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tất nhiên để đề án phát huy tác dụng cần thời gian lâu dài, nhưng chủ trương và những cảnh báo của nó về chất lượng giáo viên, cách dạy học, chương trình … đã có tác động rõ rệt đến chất lượng dạy học ngoại ngữ. Biểu hiện cụ thể là chất lượng thi khối D năm nay có chuyển biến rõ ràng.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Hiếu Nguyễn (thực hiện)

 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201208/Chat-luong-thi-sinh-tang-truong-doi-dao-nguon-tuyen-1962859/

218.000 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1

Posted: 07 Aug 2012 03:43 PM PDT

218.000 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1

TT – Con số trên là dự đoán của Bộ GD-ĐT căn cứ vào chỉ tiêu, tổng quan điểm thi của các trường ĐH và mức dự kiến điểm sàn ĐH. Hôm nay 8-8, hội đồng xét duyệt điểm sàn ĐH-CĐ 2012 tiếp tục thảo luận.

Việc thảo luận sẽ đi đến quyết định chính thức điểm sàn ĐH-CĐ. Đây là cơ sở để các trường tiến hành các đợt xét tuyển.

Nhóm học sinh lớp 12A1 Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) đạt điểm cao kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012 gặp gỡ chia sẻ niềm vui đậu đại học – Ảnh: NHƯ HÙNG

Khối C gieo hi vọng

Theo phân tích của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, mặt bằng điểm thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay tốt hơn năm 2011 và các năm trước đây. "Mừng nhất là khối C có phổ điểm khá lý tưởng, phần đông thí sinh đạt khoảng 15 điểm/ba môn thi. Nếu so sánh số thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên và thí sinh từ 15 điểm trở xuống thì tỉ lệ là 50/50. Như vậy, phổ điểm mỗi môn thi "chụm lại" ở mức điểm trung bình" – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận xét.

Trong bối cảnh khối C được xem là "lựa chọn bất đắc dĩ" của những thí sinh học lực đuối thì kết quả trên là tia hi vọng đối với nhiều trường khối C. Bản phân tích của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cũng cho thấy khối D1 có kết quả khả quan hơn, số thí sinh đạt 12,5-13 điểm chiếm đa số. Các khối A, A1, B có kết quả nhích hơn năm trước 0,5-1 điểm.

Trên cơ sở phân tích điểm thi cùng với quy hoạch nhân lực ngành nghề trong 4-5 năm tới, tính toán về khả năng chuyển dịch của thí sinh trong các khu vực, Bộ GD-ĐT đã dự kiến mức điểm sàn cho từng khối thi. Theo đó, khối A, A1 dự kiến điểm sàn là 13, khối B là 14, khối C 14,5 và khối D 13,5. Với dự kiến trên, số thí sinh khối A đạt từ sàn trở lên gấp 1,8 lần chỉ tiêu, khối B gấp 10 lần chỉ tiêu, khối C, D gấp gần 3 lần so với chỉ tiêu. Riêng khối A1, vì là năm đầu tiên thực hiện tuyển sinh nên số thí sinh đạt từ sàn trở lên chỉ gấp 1,1 lần so với chỉ tiêu.

Thực tế với đề thi được định hướng phân loại học sinh, vừa đủ cho học sinh trung bình cũng có thể đạt điểm trung bình, Bộ GD-ĐT từng kỳ vọng điểm thi ĐH năm nay cao hơn nữa, nâng mức điểm sàn lên cao hơn. "Thực tế với khối A, nếu nâng điểm sàn lên 13,5 thì nguồn tuyển sẽ bị hụt đáng kể so với năm 2011. Với mức điểm sàn 13 năm 2011, số thí sinh đạt điểm sàn trở lên là khoảng 1,5 lần so với chỉ tiêu mà nhiều trường đã than khan nguồn tuyển.

Năm 2012, nếu nâng điểm sàn lên 13,5 thì tỉ lệ này chỉ còn hơn 1,2 lần. Giữ ở mức điểm sàn 13 thì số thí sinh đạt sàn trở lên sẽ bằng 1,8 lần chỉ tiêu, nguồn tuyển các trường sẽ dồi dào hơn, nhất là ở khối trường ngoài công lập. Khối B mặc dù với mức sàn dự kiến, thí sinh đạt điểm sàn trở lên gấp 10 lần chỉ tiêu, nhưng do khối thi này những năm trước bị "ảo" nhiều nên mức sàn dự kiến trên là ngưỡng an toàn cho nhiều trường" – ông Ga phân tích.

Điểm chuẩn tăng

Thực tế trước khi có điểm sàn của bộ, những trường tuyển sinh đồng thời các khối A, C, D đều đưa ra mức dự kiến điểm chuẩn có sự khác biệt đáng kể ở khối C, D so với năm 2011, trong khi với khối A, mức điểm chuẩn tương đối ổn định. Với những trường có tăng điểm chuẩn dự kiến ở tất cả các khối thì mức tăng ở khối C, D vẫn mạnh hơn.

Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong khi điểm chuẩn dự kiến của các nhóm ngành khối kỹ thuật tuyển sinh khối A, A1 từ 18-21,5 điểm, tăng 0,5-1 điểm so với năm 2011 thì điểm chuẩn chuyên ngành tiếng Anh khoa học, kỹ thuật và công nghệ (tiếng Anh hệ số 2) là 26 điểm, tăng 3 điểm so với năm 2011. Tại Trường ĐH Điện lực, năm chuyên ngành tuyển sinh đồng thời khối A và D1 thì điểm chuẩn xét trúng tuyển khối D1 cao hơn 0,5-1 điểm, trong khi các năm trước mức điểm chuẩn hai khối thi cho một chuyên ngành là bằng nhau.

Theo ông Bùi Đức Hiền – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Điện lực, thực tế với mức điểm sàn dự kiến bộ đưa ra thì thí sinh "chạm" sàn rất khó theo học các ngành có kiến thức khá nặng. "Với các ngành kỹ thuật – công nghệ, thí sinh nếu đạt điểm sàn chưa đủ khả năng để theo học. Trường ĐH Điện lực lấy điểm chuẩn ngành thấp nhất vào trường là 15,5 điểm, nghĩa là cách điểm sàn của bộ 2,5 điểm, nhưng quả thật thí sinh trúng tuyển bằng điểm chuẩn tối thiểu đó khi vào trường học rất đuối".

Ông Hiền đưa ra ví dụ ngành điện hạt nhân các năm trước trường lấy điểm trúng tuyển là 16, nhưng chất lượng học tập của sinh viên không đạt yêu cầu. Do đó, năm 2012 là năm thứ ba tuyển sinh ngành này, trường buộc phải nâng điểm chuẩn dự kiến lên 18 điểm để đẩy chất lượng đào tạo lên. "Thực tế với mức điểm chuẩn 18, trường chỉ có thể tuyển được 20 em đăng ký nguyện vọng 1. Song trường vẫn quyết định nâng điểm chuẩn, mở cửa xét tuyển nguyện vọng bổ sung vì thí sinh điểm thấp không theo học được sẽ rất lãng phí" – ông Hiền chia sẻ.

NGỌC HÀ – VĨNH HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/505689/218000-thi-sinh-trung-tuyen-nguyen-vong-1.html

Thủ khoa ĐH Y dược Huế “ẵm” luôn á khoa ĐH Y dược TPHCM

Posted: 07 Aug 2012 03:43 PM PDT

Vẻ thư sinh với cặp kính cận, cậu học trò nghèo Dương Đình Đức khiến người dân trong vùng trầm trồ thán phục bởi sự thông minh vốn có. Không chỉ chăm ngoan, học giỏi, Đức còn là một người con rất hiếu thảo với cha mẹ.

Học để thay đổi số phận

Đức là con út trong một gia đình có 4 anh em, cả ba anh chị đều học giỏi, anh trai và chị gái đã ra trường và có việc làm ổn định. Anh trai đầu của Đức đang công tác tại Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thủy, còn chị gái đang làm ở Viện Kiểm sát nhân dân huyện. Ngoài ra Đức còn một chị gái đang theo học tại Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng.

Thừa hưởng sự thông minh, chịu khó của anh chị nên ngay từ nhỏ Đức đã cố gắng chăm chỉ học tập. Lớn lên em càng chứng tỏ sự thông minh của mình trong việc giải các bài tập. Nói về sở thích của em trai, anh Dương Đình Hải chia sẻ: "Từ nhỏ Đức đã say mê học các môn tự nhiên, đặc biệt là môn Toán và môn Hóa, những lúc giải chưa xong bài tập là em… chưa chịu ăn cơm dù mẹ và anh chị đang đợi".

Thủ khoa ĐH Y dược Huế

Năm học 2010, Đức thi đỗ vào lớp chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Quảng Bình. Trọ học xa nhà, em càng quyết tâm học hành. Em luôn nghĩ về sức khỏe của mẹ, Đức tự nhắc mình sẽ học thật tốt để sau này trở thành một bác sĩ giỏi để có điều kiện chăm sóc mẹ, người thân và người nghèo.

Với những nỗ lực trong học tập, Đức có bảng thành tích thật đáng nể: Năm lớp 9, em đạt giải Nhì cấp tỉnh môn giải toán trên máy tính Casio, giải Ba giải toán qua mạng và giành Huy chương Bạc môn giải toán qua mạng kỳ thi cấp quốc gia. Năm lớp 11, tại kỳ thi vượt cấp chương trình toán lớp 12, Đức giành giải Ba của tỉnh. Năm học lớp 12, Đức lại giành thêm giải Nhì môn toán của tỉnh và giải Nhất giải toán trên máy tính Casio. Không chỉ giỏi Toán, Đức còn học đều các môn. Em tâm sự: "Dù em say mê học Toán từ nhỏ và học rất tốt không chỉ môn Toán mà các môn tự nhiên nhưng em lại rất thích môn Hóa, ở lớp em mọi người đặt cho em biệt danh là Đức "trùm" để nói về khả năng học Hóa của em".

Chia sẻ về bí quyết học tập, Đức cho biết: "Lên lớp em tập trung nghe thầy cô giảng bài để nắm chắc kiến thức cơ bản, còn về nhà em học thêm từ các sách tham khảo để vừa hỏi phương pháp nhưng em luôn cố gắng tìm ra cho mình cách giải mới nhất để vừa nâng cao kiến thức, kỹ năng và rèn luyện cho mình khả năng tư duy mới".

"Thương mẹ, em chọn ngành Y"

Khi còn học phổ thông, ba mẹ và anh chị là những người đã sát cánh động viên Đức học tập. Mỗi khi em đạt thành tích cao trong học tập khiến ba mẹ em rất vui, coi đó là niềm động viên tinh thần. Từ ngày mẹ lâm bệnh nặng, do học xa nên ngoài thời gian học, Đức luôn cố gắng thu xếp để về chăm sóc mẹ thay ba. Nay cả mấy anh em đều đi học xa, ở nhà chỉ có ba chăm sóc mẹ đang bệnh sẽ khó khăn rất nhiều. Đó cũng là điều khiến Đức băn khoăn nhất.

Hôm nghe bạn bè báo tin em đậu thủ khoa, người đầu tiên Đức chia sẻ là mẹ của em đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Đức cho biết:"Nghe tin em đậu thủ khoa mẹ cũng mừng lắm, mẹ cũng khuyên và động viên em cố gắng nhiều hơn nữa. Ba em ở bên cũng rất vui và tự hào khi biết em đạt điểm cao ở cả 2 trường. Em biết suy nghĩ của ba mẹ, dù rất vui nhưng vẫn lo lắng vì chưa biết lấy tiền đâu để cho em đi học, mẹ em lại đang bệnh nặng".

Bước đầu Đức đã hoàn thành ước mơ thi đỗ vào ĐH Y dược nhưng chặng đường dài và khó khăn phía trước khiến chàng thủ khoa phải chọn lựa và cân nhắc thật kỹ. Đức thích học ở TPHCM hơn vì em nghĩ mình sẽ có điều kiện học tốt hơn, còn nếu học ở Huế thì phù hợp cho gia cảnh của em lúc này.

Thủ khoa ĐH Y dược Huế

Đăng Đức - Đặng Tài

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-627105/thu-khoa-dh-y-duoc-hue-am-luon-a-khoa-dh-y-duoc-tphcm.htm

Ngày mai (8/8) công bố điểm sàn ĐH, CĐ

Posted: 07 Aug 2012 03:43 PM PDT

(GDTĐ)- Ngày mai (8/8), Bộ GDĐT sẽ họp bàn để đưa ra phương án điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ năm 2012.

Thí sinh tìm hiểu thông tin thi ĐH, CĐ. Ảnh: gdtd.vn
Thí sinh tìm hiểu thông tin thi ĐH, CĐ. Ảnh: gdtd.vn

Như mọi năm, điểm sàn sẽ được xây dựng trên nhiều tiêu chí: Kết quả thi của thí sinh, chỉ tiêu tuyển sinh của từng khối thi, dự báo nguồn nhân lực, khả năng dịch chuyển nhân lực theo vùng miền. Điểm sàn sẽ không nhân hệ số và điểm trúng tuyển của các trường không được thấp hơn mức điểm này.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, dự kiến điểm sàn năm nay, khối A, A1 và B sẽ tương đương năm 2011; khối C và D sẽ tăng khoảng 0,5 điểm mỗi khối.

Năm 2011, với điểm sàn ĐH, CĐ của các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi ĐH theo đề thi chung của Bộ GDĐT, điểm sàn ĐH sẽ là 13 điểm với khối A và D; 14 điểm với khối C và khối B. Điểm sàn các khối tương ứng hệ CĐ thấp hơn điểm sàn hệ ĐH là 3 điểm,cụ thể là: khối A: 10 điểm; khối B: 11 điểm; khối C: 11 điểm và khối D: 10 điểm. Mức điểm tối thiểu xét tuyển CĐ của các trường CĐ sử dụng kết quả thi cao đẳng theo đề thi chung của Bộ GDĐT được xác định: khối A: 10 điểm; khối B: 11 điểm; khối C: 11 điểm; khối D: 10 điểm.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201208/Ngay-mai-8/8-cong-bo-diem-san-DH-CD-1962844/

Có chắc bạn đã chọn đúng ngành học?

Posted: 07 Aug 2012 03:42 PM PDT

Thành công trong cuộc sống vốn là ước muốn của mỗi người. Trong đó, lựa chọn đúng trong việc chọn trường, chọn ngành, chọn nghề là những yếu tố quan trọng mang đến thành công trong cuộc sống. Vậy, có con đường nào ngắn nhất để đi đến thành công?

Nghề phù hợp = thích + đam mê + khả năng cá nhân + điều kiện

Thích – bạn đã thực sự thích nghề nghiệp mà mình mơ ước mà không có bất kì sự đắn đo, lo lắng nào? Nếu đã thích nghề mình chọn, bạn đã nắm trong tay 30% sự thành công với nghề nghiệp đó trong tương lai. Tuy nhiên điều quan trọng là bạn sẽ "thích" đến bao giờ? Do đó hãy xác định thật chắc chắn.

Có chắc bạn đã chọn đúng ngành học?

Lựa chọn đúng trường, ngành, nghề theo học là những yếu tố quan trọng mang đến
thành công cho các bạn trẻ

Đam mê – nếu đã thích, bạn có đam mê nó không? Nếu thích một nghề, bạn sẵn sàng để bước chân vào lĩnh vực đó, nhưng phải cần có đam mê, bạn mới có thể theo đuổi nó đến cùng. Khi đó, bạn đã nắm trong tay 50% sự thành công.

Khả năng cá nhân – đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại trong nghề nghiệp. Bạn thích trở thành ca sĩ, và thật sự đam mê với nghề nghiệp đầy cơ hội này, tuy nhiên trời lại không ban cho bạn một chất giọng tốt, nghĩa là bạn chưa có duyên với nghề mình đã chọn. Do đó, trước khi quyết định chọn một nghề, hãy tự đánh giá lại năng lực bản thân, bạn không cần phải xuất sắc nhưng ít nhất phải có tố chất. Chính sự rèn luyện và khổ luyện sẽ giúp bạn hoàn thiện con đường sự nghiệp của mình mỗi ngày.

Điều kiện – yếu tố này có thể là điều kiện tài chính, hoàn cảnh gia đình hay môi trường mà bạn đang sinh sống. Khi mọi yếu tố đã đạt đến sự hoàn hảo nhưng điều kiện của từng cá nhân lại không cho phép, cũng là lúc bạn nên cân nhắc cho một quyết định khác.

Khi đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết để khẳng định bạn đang chọn đúng nghề, tiếp theo hãy chọn cho mình một ngành học phù hợp, sau đó là một môi trường học tập lý tưởng để bắt đầu hành trình hiện thực hóa ước mơ. Vậy nên để tìm được ngành học ưng ý nhất, bạn cần phải "hiểu mình, hiểu ngành, hiểu trường", thêm một chút đam mê và quyết tâm tràn đầy.

Đa dạng những lựa chọn

Xã hội càng phát triển kéo theo nhu cầu về giáo dục cũng thay đổi. Nếu như trước đây, để đánh giá năng lực của một ứng viên, nhà tuyển dụng thường xem xét ngôi trường đại học mà ứng viên đó đã tốt nghiệp. Đã từ lâu, tấm bằng đại học là một sự công nhận cho năng lực và khả năng của một người. Tuy nhiên, quan niệm đó có còn phù hợp với hiện tại?

Chương trình Cử nhân Quốc tế FPT đang thu hút được đông đảo sự quan tâm của phụ huynh, học sinh
Chương trình Cử nhân Quốc tế FPT đang thu hút được đông đảo sự quan tâm của
phụ huynh, học sinh

Để trả lời, ta cần xem xét thêm một câu hỏi khác: "Doanh nghiệp cần nhân viên có khả năng kiếm tiền giỏi hay cần nhân viên có bằng cấp cao với học lực tốt?". Thật vậy, trong thời buổi cạnh tranh toàn cầu, sinh viên rất khó tìm được việc làm tốt nếu như chỉ có tấm bằng đại học trong tay. Chính vì lý do đó, nhiều chương trình đào tạo khác nhau ra đời mang đến những cơ hội tiếp cận mới cho sinh viên Việt Nam. Trong đó có thể kể đến như các trường đại học quốc tế, các chương trình liên kết quốc tế đào tạo dài hạn chính quy, cho đến các chương trình đào tạo nghề cũng mang nét đặc trưng riêng của các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Anh, Mỹ, Ấn Độ…

Bên cạnh những chương trình chất lượng kém gắn mác Quốc tế nhằm thu học phí cao làm xấu đi hình ảnh của những mô hình giáo dục tiên tiến này, không thể phủ nhận những giá trị thật sự mà các chương trình Quốc tế chính thống đem lại cho sinh viên Việt Nam, có thể kể đến như khả năng tiếng Anh lưu loát, thuần thục kĩ năng mềm, sự sáng tạo, tư duy logic khi giải quyết vấn đề, trong đó quan trọng nhất là vốn kiến thức chuyên ngành rất "hợp thời" luôn bắt kịp những thay đổi của Thế Giới và mang tính ứng dụng thực tiễn cao.

Tóm lại, rất khó để đánh giá hiệu quả của một quyết định bởi đặc thù của lĩnh vực giáo dục, chỉ khi sinh viên áp dụng những điều đã học vào thực tế, lúc đó mới nhận ra mình có hay chưa phù hợp với ngành nghề này. Do vậy, đứng trước "cánh cửa quan trọng" của cuộc đời, mỗi bạn trẻ cần nên tự đánh giá lại mình, tìm hiểu chung quanh và nhất là phải dành trọn đam mê, tâm huyết cho những gì mình sẽ theo đuổi.

Thanh Bình

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120807/Co-chac-ban-da-chon-dung-nganh-hoc.aspx

Comments