Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Giáo viên tiếng Anh trước hết phải biết phát âm một cách tự nhiên

Posted: 05 Aug 2012 07:56 PM PDT

(GDTĐ) – Đó là nội dung được thầy Nguyễn Quốc Hùng, M.A, chuyên gia chương trình tập huấn giáo viên B2 của Bộ GD-ĐT đồng thời là chuyên gia về chương trình tiếng Anh dành cho trẻ em nhấn mạnh trong buổi tập huấn chuyên sâu do VP Box tổ chức dành cho các giáo viên của một số quận, huyện Hà Nội trước thềm năm học mới 2012 – 2013, tại Hội trường Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy, HN.


Thầy Nguyễn Quốc Hùng, M.A chủ trì buổi tập huấn cho các giáo viên (Ảnh: gdtd)

Thầy Nguyễn Quốc Hùng, M.A cho biết, cần nhìn thẳng vào sự thật rằng, khả năng phát âm của một bộ phận không nhỏ giáo viên tiếng Anh của chúng ta còn rất non kém. Mà đối với ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng thì phát âm chuẩn và phát âm một cách tự nhiên là vấn đề vô cùng quan trọng, quyết định đến hiệu quả giao tiếp.

Chương trình tiếng Anh do VP Box đưa vào hệ thống giáo dục Việt Nam (chúng ta quen gọi là Tiếng Anh Phonics), có đối tượng thụ hưởng là giáo viên và học sinh lứa tuổi tiểu học nên người dạy cần đặc biệt lưu ý đến tiêu chí "chuẩn từ bước khởi đầu".

Với trẻ bắt đầu làm quen với ngoại ngữ thì việc phát âm chuẩn càng trở nên quan trọng vì những bài học ban đầu thường có ý nghĩa làm nền móng của mọi sự phát triển về sau. Chính vì vậy, tại mỗi đợt tập huấn dành cho các giáo viên tiếng Anh Phonics, chúng tôi đều dành một thời lượng lớn (tối thiểu 30% thời gian) để quan tâm đến vấn đề phát âm của các giáo viên.

 

Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Các giáo viên tập trung cao độ vào bài học phát âm (Ảnh: gdtd.vn)

 

Cô Cấn Thị Bích, giáo viên trường tiểu học Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội chia sẻ, giáo viên chúng tôi ý thức được giá trị của mỗi cái "chuẩn" mà ngành giáo dục yêu cầu. Chương trình tiếng Anh Phonics ngay từ những ngày đầu triển khai tại các trường tiểu học đã đặt ra và trang bị cho các giáo viên của mình những "chuẩn" mà cho đến nay đội ngũ chúng tôi có thể hoàn toàn tự tin vươn tới những tiêu chuẩn mà Bộ GD-ĐT đặt ra đối với các giáo viên ngoại ngữ.

Với vấn đề phát âm chuẩn, qua các buổi tập huấn chuyên sâu mà VP Box tổ chức cho các giáo viên tiếng Anh Phonics, chúng tôi nhận ra rằng, một số khó khăn về phát âm có thể được tháo gỡ rất đơn giản khi mình nắm vững kỹ thuật và ứng dụng một cách có ý thức vào mỗi bài giảng. Khi đã nhận thức rõ được vấn đề này, giáo viên Phonics sẽ tự tin dẫn dắt học sinh của mình có được bước khởi đầu chuẩn nhất với tiếng Anh.

Bảo Minh

 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201208/Giao-vien-tieng-Anh-truoc-het-phai-biet-phat-am-mot-cach-tu-nhien-1962803/

4 nữ thủ khoa học cùng một lớp

Posted: 05 Aug 2012 07:56 PM PDT

Như đã đưa tin, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, lớp 12A6 chuyên Văn Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc có 8 học sinh đỗ thủ khoa, á khoa các trường. 4 thủ khoa ĐH là các em: Hai em Trần Thị Huyền và Nguyễn Thị Châu Loan cùng đỗ thủ khoa Trường ĐH KHXH NV Hà Nội với số điểm 25,5; hai em Nguyễn Thị Hiền Anh và Phạm Thị Huyền Quyên cùng đạt 26 điểm, đỗ thủ khoa ĐH Luật Hà Nội.

Cùng gặp 4 nữ thủ khoa học cùng lớp để tìm hiểu bí quyết học giỏi của các bạn ấy nhé.

Tuy ở hai huyện khác nhau của Vĩnh Phúc nhưng từ khi thi đỗ vào lớp chuyên Văn của Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, hai bạn Trần Thị HuyềnNguyễn Thị Châu Loan đã trở nên thân thiết.

Huyền tâm sự: "Em và Loan có nhiều điểm giống nhau: Đều sinh vào tháng 7 năm 1994, cùng đỗ vào trường chuyên với điểm bằng nhau, cùng là học sinh giỏi tỉnh môn Văn, cùng thi vào ngành Đông Phương học và đều đỗ thủ khoa ĐH KHXH NV Hà Nội với số điểm 25,5…".


Trần Thị Huyền.


Nguyễn Thị Châu Loan.

Hai bạn gái này còn có sở thích chung là thích đi du lịch và xem bóng đá.


Đôi bạn Huyền và Loan.

Cùng  yêu thích môn Văn, Huyền và Loan đều có chung một ao ước tìm hiểu sâu về văn hóa Phương Đông nên cả hai chọn thi ngành này của Trường ĐH KHXHNV Hà Nội. Vì có mong muốn đó nên đôi bạn thân luôn cố gắng rèn luyện Ngoại Ngữ và đọc nhiều sách nói về văn hóa Phương Đông.

Chia sẻ về những bí quyết học giỏi khối C, đôi bạn thân Huyền và Châu Loan cùng chung một quan điểm: Học khối C mà học thuộc là một sai lầm vì học khối C phải biết tư duy và xâu chuỗi các sự kiện. Từ đó rút ra những đánh giá chung về mối liên hệ các sự kiện đó. Đặc biệt học khối C là phải siêng năng rèn luyện viết và đọc nhiều. Trải qua nhiều kỳ thi, cả hai thủ khoa rút kinh nghiệm nếu không đọc nhiều sẽ bí sử dụng từ khi viết. Không rèn luyện diễn đạt thì khi viết sẽ rất lủng củng, sai nhiều về mặt ngữ pháp.

Ngoài nền tảng chung đó thì trong mỗi đề thi cần phải gạch ý trước khi làm bài để tránh nhầm lẫn. Câu nào dễ nên làm trước. Đặc biệt không để trống bất cứ câu hỏi nào.


Huyền Quyên.


Hiền Anh.

Cùng thi ĐH Luật, Hiền Anh và Huyền Quyên mong muốn sau này trở thành luật sư giỏi. Hiền Anh tâm sự:  "Em có niềm yêu thích đối với nghề Luật sư từ khi học cấp 2 dù chưa hiểu rõ về luật nhiều. Những hiểu biết về luật của em chủ yếu do bố em truyền đạt từ kinh nghiệm thực tế của bố. Em thích em làm Luật sư kinh tế. Em nghĩ tố chất của một luật sư là phải tự tin, có khả năng thuyết phục mọi người. Làm Luật sư không chỉ để bảo vệ cho công lí, lẽ phải mà còn phải làm sao để cho điều trái không xảy ra".

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-626673/4-nu-thu-khoa-hoc-cung-mot-lop.htm

Năm học của sự ổn định và phát triển bền vững

Posted: 05 Aug 2012 07:55 PM PDT

(GDTĐ) - Sáng 5-8, tại TP. Cần Thơ, Bộ GDĐT đã long trọng tổ chức lễ tổng kết năm học 2011-2012. Dự HN tổng kết có GS-TS Nguyễn Thiện Nhân-Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và lãnh đạo các địa phương. Về phía ngành giáo dục có Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phạm Vũ Luận, các thứ trưởng, lãnh đạo các cục, vụ, viện, các Sở GDĐT 63 tỉnh thành. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Sự phân cấp, chủ động và sáng tạo của các cấp quản lý, chính là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của toàn ngành.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Thành công từ chính sách tốt + sự đồng thuận

Đáng ghi nhận nhất trong năm học vừa qua là sự chuyển biến mạnh mẽ của bậc học mầm non khi mạng lưới trường lớp không ngừng được củng cố và mở rộng, đội ngũ GV không ngừng tăng lên cả về chất và lượng. Cả nước đã đưa vào sử dụng 407 trường mới, nâng tổng số trường lên 13.446 trường, đã chuyển đổi thành công 1.853 trường MN bán công sang công lập. Chất lượng nuôi dạy trẻ  được khẳng định với 3.714/9.349 xã, phường được công nhận đạt chuẩn phổ cập MN 5 tuổi (đạt 39,7%).

Giáo dục phổ thông, GDTX, giáo dục dân tộc cũng đạt được những thành tựu vững chắc. Việc dạy tiếng dân tộc cho học sinh tiểu học, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho đội ngũ GV, cũng như các phương pháp sư phạm mới được áp dụng tại các địa phương đã mang lại kết quả cao trong dạy và học. PCGDTHCS đạt tỉ lệ 99,7% (10.714/10.741 đơn vị xã đạt chuẩn), 673/673 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập (đạt 100%). Đặc biệt, trong năm học vừa qua, nhờ làm tốt công tác dân vận, quan tâm và chăm lo cho học sinh vùng khó, học sinh dân tộc thiểu số  nên số lượng học sinh nghỉ bỏ học đã giảm mạnh. Cả nước chỉ còn 88.305 em, giảm 90.034 em so với năm học trước.

Đánh giá về thành công năm học, tại hội nghị, các đại biểu đến từ cơ sở đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa của các chính sách giáo dục, đến sự đồng thuận xã hội. Ông Nguyễn Đức Bưởi, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bắc Ninh  cho rằng: Khi mọi chính sách và lộ trình xây dựng cho các mục tiêu của địa phương nhận được sự ủng hộ của đội ngũ trong toàn ngành, sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, với sự hậu kiểm tốt, thì với bất cứ mục tiêu, lộ trình nào… dù khó đến mấy cũng sẽ mang lại thành công. Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên hoàn thành PCGDMN 5 tuổi trên cả nước khi điều kiện kinh tế chưa cao vẫn (còn hơn 20% hộ nghèo) xuất phát từ chính nhận thức đúng đắn đấy.

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Quý Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Điện Biên chia sẻ: Sẽ rất khó để có một nền giáo dục phát triển vững bền, có chiều sâu và mang đậm dấu ấn của sự đổi mới nếu thiếu đi sự quan tâm, đầu tư mang tính vùng miền. Đặc biệt, là với giáo dục dân tộc. Năm học qua, những chuyển biến về công tác giáo dục dân tộc không chỉ tạo tiền đề để giáo dục phát triển đồng bộ hơn, mà còn giúp cho các địa phương kiện toàn về điều kiện cơ sở vật chất. Nhờ sự quan tâm và đầu tư mang tính đồng bộ như thế từ Bộ GDĐT mà 93.103 học sinh dân tộc thiểu số của tỉnh Điện Biên (chiếm 84,79%) đã được thụ hưởng điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn. Đến nay, 23.434 em học sinh đã được học và ăn ở tại 244 trường trên toàn tỉnh (8 trường PTDTNT, 53 trường bán trú, 183 trường phổ thông có học sinh bán trú), chiếm hơn 30% trên tổng số học sinh toàn tỉnh.

Hiến kế  tháo gỡ khó khăn để phát triển

Bên cạnh những thành tựu đạt được, các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã chia sẻ những khó khăn, thách thức mà giáo dục các địa phương gặp phải. Song song đó là những kinh nghiệm, những ý kiến đề xuất nhằm tháo gỡ. TS Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD ĐT tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Để công tác xây dựng đội ngũ, phát triển giáo dục các bậc học một cách bền vững, cần phải có sự gắn kết, phân luồng học sinh và bồi dưỡng đội ngũ GV từ chính đòi hỏi của giáo dục địa phương, vùng miền và từ chính các trường. Trong đó, vai trò của các TTHTCĐ phải được xem là một chìa khóa để giúp các địa phương kéo giảm tỉ lệ nghỉ bỏ học, mù chữ và chống tái mù. Làm sao để TTHTCĐ tại địa phương không chỉ có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống giáo dục quốc dân, trở thành công cụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, mà còn là cơ sở để nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực một cách hiệu quả.

NGƯT Đổng Ngọc Lập- Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Tây Ninh phản ánh: Cái khó nhất của các tỉnh chính là điều kiện cơ sở vật chất, khi ngân sách chi vẫn còn hạn hẹp. Nếu không nhận được sự đầu tư kịp thời, các địa phương sẽ rất khó chủ động. Theo báo cáo đến nay cả nước đã có khoảng 40% xã, phường hoàn thành phổ cập MN 5 tuổi. Với 60% còn lại nếu các địa phương không tập trung, huy động mọi nguồn lực và thành phần xã hội cùng tham gia, chúng ta sẽ gặp không ít thách thức.

Ông Trương Anh- Giám đốc Sở GD ĐT tỉnh Đắk Nông tâm tư: Chất lượng giáo dục toàn diện tại các trường PTDTNT đã được nâng lên rõ rệt, công tác và chính sách chăm lo cho học sinh dân tộc thiểu số đã hơn trước rất nhiều. Nhưng thách thức từ việc học sinh bỏ học, tỉ lệ học sinh ra lớp tại một số xã vẫn còn chưa bền vững. Chất lượng giáo dục tại các trường xa trung tâm, các điểm bản ít nhiều vẫn còn tồn tại …Do đó, nếu không có những chính sách phát triển mang tính đột phá trong việc đãi ngộ cho GV, cán bộ làm công tác phổ cập…chúng ta sẽ phải đối mặt với bài toán "tái mù" và bỏ học của học sinh miền núi.

Tại hội nghị,  nhiều ý kiến đóng góp, cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các địa phương đã mang đến rất nhiều hướng tháo gỡ, những bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác về công tác PCGDMN 5 tuổi, dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, công tác dạy tiếng Anh cho học sinh TH hoặc công tác thanh tra, kiểm định chất lượng giáo dục… Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM rất tâm đắc với sự đổi mới trong công tác kiểm tra đánh giá và đổi mới phương pháp dạy học mà TP.HCM đã thực hiện rất thành công trong năm học qua. Bởi theo ông, sự thay đổi cách thức đánh giá không chỉ xóa đi lối đánh giá cũ, nặng về học thuộc lòng, xa rời thực tiễn, ít yêu cầu khả năng tư duy…mà còn tạo ra bước ngoặt trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, giúp cho GV, học sinh chủ động hơn trong công tác dạy và học.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đầu tư cho giáo dục tăng: Thuận lợi và cũng là trách nhiệm của toàn ngành

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những thành tựu của ngành trong năm học 2011-2012, đặc biệt về công tác phổ cập GDMN 5 tuổi, công tác chăm lo cho học sinh dân tộc và hướng đến giáo dục theo hướng toàn diện. Phó thủ tướng lưu ý: Trong 5 năm qua, chúng ta đã đầu tư hơn 24 ngàn tỉ đồng cho việc kiện toàn trường lớp, nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, bộ mặt và chất lượng giáo dục của toàn ngành đã được nâng lên. Trong đó, kế hoạch ngân sách chi cho lĩnh vực GD năm tới dự trù lên tới hơn 174 ngàn tỉ đồng (trong đó ngân sách chi là hơn 133 ngàn tỉ). Đây là một con số rất lớn, thể hiện quan điểm luôn xem GDĐT là quốc sách của chúng ta.  Ngân sách chi hàng năm cho kiện toàn cơ sở vật chất ngành GD là rất lớn. Đó là điều kiện thuận lợi và cũng là trách nhiệm của chúng ta với Chính phủ. Do đó, cần phải xem lại cách làm, để việc sử dụng ngân sách làm sao cho hiệu quả, công tác huy động nguồn lực XHH được tốt hơn. Cố gắng làm sao đặt ra được mục tiêu cụ thể trong việc tiến tới  đảm bảo cho học sinh dân tộc sau khi hoàn thành bậc TH có thể nói tiếng Việt như học sinh người Kinh; Cần  làm sao để thời gian tới hướng việc học của học sinh sang tự học để nâng cao chất lượng; Giúp các vùng khó khăn tiệm cận với thành tựu tối thiểu của vùng thuận lợi, hỗ trợ một cách mạnh mẽ hơn nữa trong công tác quản lý, phân cấp quản lý, nhằm khơi gợi sự chủ động, sáng tạo nơi đội ngũ GV-CBQL, hướng đến sự phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phạm Vũ Luận kết luận Hội nghị
Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phạm Vũ Luận kết luận Hội nghị

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị lãnh đạo các Sở GDĐT, các địa phương tiếp thu một cách đầy đủ những chỉ đạo của Phó thủ tướng trong công tác kiện toàn hóa đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng toàn diện, sớm hoàn thành công tác phân cấp trong quản lý bằng các văn bản  để tạo cơ chế cho các cán bộ quản lý, giúp  đẩy mạnh mục tiêu phát triển của địa phương, nâng cao sự sáng tạo.Bộ trưởng cũng yêu cầu các cục, vụ, viện ghi nhận những kiến nghị, đóng góp từ các địa phương để sớm có tổng hợp báo cáo, gửi lên lãnh đạo Bộ để sớm có hướng  tháo gỡ cho các địa phương. Bộ trưởng nhấn mạnh: Sự chuyển đổi tư duy của chúng ta trong công tác quản lý trong năm qua là rất mạnh mẽ. Chúng ta thực hiện phân cấp mạnh mẽ, trao quyền tuyệt đối trong nhiều lĩnh vực, vấn đề mang tính chiến lược cho các địa phương… nên sự chuyển biến  rất rõ nét, cần tiếp tục phát huy sự hiệu quả ấy. Cái gì cần phải thống nhất trong toàn ngành để tạo sự ổn định trong quản lý và phát triển một cách bền vững thì chúng ta cần giữ và thống nhất với nhau. Cái gì có thể tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tính tự chủ, thúc đẩy cho giáo dục toàn ngành phát triển,  đề nghị các ban ngành, cục, vụ cần tạo sự chủ động  cho các đơn vị.  Đặc biệt, với công tác thực hiện PCGDMN 5 tuổi, việc các trường đăng ký mốc hoàn thành sớm là rất đáng hoan nghênh, nhưng cần rà soát, kiểm tra các tiêu chí thật kỹ, thực chất để công tác phổ cập thật bền vững.

Với các vấn đề của năm học mới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ đạo: Toàn ngành cần giải quyết triệt để bệnh thành tích và gian lận trong thi cử. Bởi hiện nay, bên cạnh một số Sở GDĐT thực hiện tốt công tác này thì vẫn còn một số Sở chưa thực hiện nghiêm túc. Các địa phương cần chủ động trong công tác tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc các quy định của ngành giáo dục về dạy thêm, học thêm. Riêng với các khoản thu của các trường, đặc là những khoản thu đầu năm mà một số ít các đơn vị vẫn vướng phải, đề nghị các Sở cần nghiêm túc chỉ đạo và quán triệt, tránh để xảy ra những chuyện ngoài ý muốn làm ảnh hưởng đến hình ảnh người GV và ngành giáo dục.

Nhận xét về thành tựu năm học

Ông Trương Anh- Giám đốc Sở GD ĐT tỉnh Đắk Nông:

Ông Trương Anh- Giám đốc Sở GD ĐT tỉnh Đắk Nông:
Ông Trương Anh- Giám đốc Sở GD ĐT tỉnh Đắk Nông:

Giáo dục dân tộc đang khởi sắc từng ngày

Nói về giáo dục dân tộc, năm học vừa qua có thể nói là một bước chuyển mạnh mẽ cả về "chất" và "lượng" khi số lượng GV được tập huấn, dạy tiếng dân tộc các tỉnh thành miền núi ngày một nâng cao.

Với Đắk Nông, dù vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ và cả điều kiện kinh tế, nhưng bằng nhiều chính sách quan tâm và chăm lo cho giáo dục dân tộc một cách đúng đắn của tỉnh, Bộ GDĐT, chất lượng giáo dục các vùng sâu, vùng xa, chất lượng đội  ngũ đã có sự chuyển biến rõ rệt. Do xác định giáo dục dân tộc đóng vai trò then chốt trong việc phát triển giáo dục của tỉnh nên suốt 3 năm qua ngành đặc biệt chú trọng đến việc làm sao để cho các em học sinh có đủ ngôn ngữ để đến trường. Chính vì thế, chúng tôi không ngừng đẩy mạnh việc tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh, đội ngũ GV là người bản địa, đồng thời tăng cường các lớp mẫu giáo ở vùng sâu vùng xa, tạo cơ sở vững chắc cho các em khi vào lớp 1. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Bộ, Vụ GD dân tộc, chúng tôi sắp đưa vào dạy chương trình tiếng M'nông cho học sinh, đồng thời đang soạn thảo đề án dạy và học tiếng dân tộc… Do đó, có thể khẳng định năm học tới, chất lượng giáo dục dân tộc của chúng tôi sẽ có nhiều chuyển biến.

Việc tăng cường tiếng Việt vào dạy cho học sinh dân tộc, sử dụng đội ngũ GV bản địa đứng lớp, là một hướng đi rất đúng của Bộ,  không chỉ giúp cho công tác dạy học cho học sinh dân tộc thiểu số tốt hơn, đảm bảo tỉ lệ ra lớp, tránh rủi ro  nghỉ bỏ học của các em, đồng thời còn tạo ra một nền tảng vững chắc cho chiến lược phát triển, chăm lo cho học sinh dân tộc thiểu số của ngành.

 Bà Nguyễn Hồng Liêu-Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Ninh Thuận:

Công tác đổi mới quản lý là điểm sáng 

Bà Nguyễn Hồng Liêu-Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Ninh Thuận
Bà Nguyễn Hồng Liêu-Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Ninh Thuận

Đổi mới công tác quản lý, thực hiện một cách đồng bộ và chắc chắn đề án PCGDMN 5 tuổi đã mang lại những thành tựu hết sức đáng khích lệ trong năm học vừa qua. Với cá nhân tôi, 2 điểm sáng trên chính là thành tựu lớn nhất của ngành trong năm học 2011-2012.

Chúng tôi xác định, đổi mới công tác quản lý luôn là công việc đầu tiên trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, người hiệu trưởng là đầu tàu và thành công hay không trong việc đổi mới quản lý là nằm ở quyền tự chủ đến đâu của người hiệu trưởng. Điều này trước kia ít nhiều còn hạn chế, nhưng vài năm trở lại đây, dưới sự phân cấp mạnh mẽ từ Bộ xuống Sở, Sở xuống phòng GD và các hiệu trưởng, công tác quản lý đã và đang phát huy rất tốt từ sự "cởi trói" trên. Điều kiện và quyền hạn của người hiệu trưởng (yếu tố chính của công tác đổi mới) ngày một thể hiện rõ hơn thông qua một số chủ trương, chính sách lớn mà Bộ GDĐT đang triển khai như: PCGD các cấp học, phong trào thi đua THTT, HSTC… Chính điều đó đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để cho các hiệu trưởng thể hiện năng lực của mình, thúc đẩy ngành giáo dục phát triển và đạt nhiều thành tựu.

Ông Đổng Ngọc Lập-Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Tây Ninh:

PCGDMN 5 tuổi đã mang lại niềm tin lớn cho xã hội

Ông Đổng Ngọc Lập-Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Tây Ninh
Ông Đổng Ngọc Lập-Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Tây Ninh

PCGDMN 5 tuổi là một đề án rất quan trọng, mang tính bước ngoặt trong việc tạo ra nền tảng vững chắc cho học sinh tiếp bước vào các cấp học sau. Sự nỗ lực của toàn ngành, đặc biệt là GDMN trong năm học vừa qua, thể hiện ở nhiều mặt như cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường, đội ngũ GV ngày càng được củng cố và nâng chất, đội ngũ CB quản lý chuyên nghiệp và chuẩn chất hơn.

Riêng với Tây Ninh trong năm học vừa qua cũng đang ráo riết triển khai đề án phổ cập khi trẻ 5 năm tuổi ra lớp đạt trên 93,3%, toàn tỉnh có 24 xã, phường đạt chuẩn PCGDMN 5 tuổi. Chất lượng giáo dục MN chuyển biến rất rõ nét. Dù mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2014 mới hoàn thành phổ cập, nhưng chúng tôi không chủ quan và vẫn đang làm mọi cách để kiện toàn điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp, nhằm hướng đến một môi trường giáo dục chuẩn chất theo yêu cầu mà đề án đặt ra.

 

Nhóm phóng viên

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201208/Nam-hoc-cua-su-on-dinh-va-phat-trien-ben-vung-1962808/

Ngành GD đạt nhiều thành tích đáng kể trong năm học 2011-2012

Posted: 05 Aug 2012 07:55 PM PDT


Ngành GD đạt nhiều thành tích đáng kể trong năm học 2011-2012

Cũng trong năm học vừa qua, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực: Có 99,75% số trường tham gia phong trào, xây dựng mới 10.546 nhà vệ sinh nâng tẩng số lên 62.434 công trình vệ sinh, số cây xanh được trồng trong năm học này là 1.766.076 cây nâng tổng số lên 7.454.427 cây xanh.

Số học sinh bỏ học giảm dần theo từng năm: Năm học 2011-2012 còn 88.305 học sinh (HS), giảm 90.034 HS so với năm trước là 178.339 HS, giảm 11.034 HS so với năm học 2009-2010. Năm học vừa qua cũng có 25.389 câu lạc bộ HS được thành lập, giúp các em rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, một trong những thành tựu đáng kể nhất là giáo dục mầm non (GDMN) trong năm qua đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Chẳng hạn như, tỉ lệ trẻ được ăn bán trú ở nhà trẻ đạt 91% và mẫu giáo đạt 76,8%; chương trình giáo dục mầm non mới được thực hiện ở 13.229 trường, đạt trên 98%, trong đó trẻ 5 tuổi học chương trình mới và học 2 buổi/ ngày đều tăng so với năm học trước…

Đến nay 100% tỉnh, thành phố đã phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015 của địa phương; trong đó có 9 tỉnh đăng ký hoàn thành mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi trong năm 2012. Hiện nay, cả nước có 3 tỉnh đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015. Ông Hiển nói: "Chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học được nâng cao thêm một bước qua việc thực hiện chương trình GDMN mới. Thành quả đó là sự quan tâm của Đảng và nhà nước, ban ngành Trung ương, địa phương và sự nỗ lực vượt bật của các thầy cô giáo và HS ở các trường".

Năm học 2011-2012 có nhiều thành tích nổi bật của các đội tuyển HS giỏi tham gia thi Olympic khu vực và quốc tế ở các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh. Đặc biệt, lần đầu tiên đoàn Việt Nam đoạt giải Nhất tại Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (Intel ISEF). Kết quả của các em HS Việt Nam ở hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học toàn cầu mở ra một hướng mới về phương thức dạy và học.

Phát biểu tại hội nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết có: 38/63 Phó chủ tịch các tỉnh, thành phố tham dự hội nghị. Phó thủ tướng cũng hoan nghênh báo cáo của ngành giáo dục.Phong trào thi đua trường học học sinh thân thiện, đi đúng hướng và đồng tình cao, đổi mới giảng dạy trong trường, trong khi chương trình, sách giáo khoa không đổi, vì thế phong trào này là công cụ để nâng cao hiệu quả giáo dục, trong khi chờ thay đổi chương trình mới.

Cũng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân năm học qua, các địa phương đã làm khá tốt việc thực hiện giáo dục văn hóa dân tộc, rèn luyện thân thể và ý chí của học sinh thông qua các môn võ cổ truyền dân tộc. Phó Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT tiếp tục xây dựng các bộ tài liệu giáo dục kỹ năng sống cho HS và quan tâm xây dựng chính sách đối với vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới 2012-2013, các địa phương cần sử dụng ngân sách hiệu quả hơn, huy động nguồn lực xã hội và thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp tốt hơn, trong điều kiện kinh phí nhà nước hạn hẹp. Đi đôi đó cần phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội chăm lo cho giáo dục. Như Hà Tĩnh – địa phương đã xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên vững mạnh, bằng cách đưa ra chính sách khuyến khích là giáo viên chuyển sang quản lý sẽ phụ cấp thêm 20%. Hay tỉnh Hòa Bình, lãnh đạo địa phương biết chính xác từng trường như thế nào; hằng tháng, lãnh đạo tỉnh đều họp giao ban một lần về giáo dục. Trung ương tiếp tục ban hành, hoàn chỉnh hệ thống văn bản về giáo dục, đào tạo đầy đủ hơn; Nghị quyết về đổi mới toàn diện giáo dục…

Phạm Tâm

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-626697/nganh-gd-dat-nhieu-thanh-tich-dang-ke-trong-nam-hoc-20112012.htm

Sẽ tích hợp nội dung vào xây dựng trường chuẩn quốc gia, tiêu chí đánh giá trường học

Posted: 05 Aug 2012 07:54 PM PDT

(GDTĐ) – Ngày 5/8, trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết năm học 2011-2012 và triển khai nhiệm vụ năm học 2012-2012, Bộ GD ĐT đã tổ chức sơ kết 4 năm triển khai phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực (THTT, HSTC). Báo cáo của lãnh đạo Bộ và ý kiến của các đại biểu đều khẳng định: Phong trào đã có tác động sâu rộng tới toàn bộ hệ thống GD từ trường Mầm non đến trường phổ thông trong toàn quốc. Kết quả của phong trào thi đua không chỉ là phát triển GD mà còn là sự phát triển của văn hóa, phong trào thanh thiếu niên, của mỗi gia đình, dòng họ mà các ngành, đoàn thể có trách nhiệm thực hiện. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu bên lề Hội nghị
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu bên lề Hội nghị

Theo báo cáo thống kê, tỷ lệ trường học từ mầm non đến phổ thông tham gia phong trào ngày càng cao và đến nay đã đạt đến 99,75%. Trong năm học 2011 – 2012 toàn quốc xây thêm 10.546 công trình vệ sinh, nâng tổng số nhà vệ sinh trong các trường học trên toàn quốc sau 4 năm triển khai phong trào lên 62.434 công trình. Hiện tượng chưa có hoặc thiếu nhà vệ sinh chỉ còn ở một số điểm lẻ của trường ở vùng đặc biệt khó khăn và một số trường trong nội thành. Số cây xanh được trồng trong năm học 2011 – 2012 là 1,7 triệu cây, nâng tổng số cây trồng trong 4 năm lên tới hơn 7,4 triệu cây. Số bàn ghế đủ tiêu chuẩn, phù hợp với độ tuổi là 38.205 bộ…

HS được đảm bảo "3 đủ" là 41.932 HS. Hiện nay hầu hết HS bỏ học không phải là do thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở mà do nhiều lí do khác. Chủ trương đảm bảo "3 đủ" được xã hội đồng thuận và tham gia tích cực. Nhiều nơi bổ sung thêm chủ trương "3 đủ" thành "4 đủ" thêm đủ phương tiện đến trường (đủ tiền đò, đủ xe đạp). Đến nay đã có 46 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có HS bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc hoặc thiếu sách vở trên phạm vi cấp tỉnh… Sau 4 năm Công đoàn GDVN đã huy động được trên 210 tỉ đồng tiền mặt cùng hàng vạn bộ quần áo, sách giáo khoa, đồ dùng học tập để hỗ trợ GD ở vùng sâu, vùng xa… Từ đây giúp nhiều em HS hoàn cảnh khó khăn đến trường, giảm dần tỷ lệ HS bỏ học. Số HS bỏ học giảm dần theo từng năm, năm học 2011 – 2012 còn 88.305 em (giảm 90.034 em) so với năm học 2010-2011 (178.339 HS), giảm 11.034 HS so với năm học 2009 – 2010 (198.339 HS).

Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phạm Vũ Luận trao đổi cùng các đại biểu bên lề Hội nghị
Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phạm Vũ Luận trao đổi cùng các đại biểu bên lề Hội nghị

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống và trò chơi dân gian vào trường học; phối hợp đưa văn hóa phi vật thể vào bài giảng hoặc chương trình ngoại khóa như Đưa dân ca Quan họ ở tất cả các trường THCS tỉnh Bắc Ninh; dân ca Thái, H'Mông, múa Xòe, nhảy sạp, ném còn ở hầu hết các trường phổ thông tỉnh Điện Biên;  Biên tập và giới thiệu văn hóa nghệ thuật địa phương ở nhiều tỉnh như Lạng Sơn, Ninh Bình, Kon Tum. Đăk Nông, Đồng Nai, Quãng Ngãi, Bến Tre…

Bên cạnh những thành tích đạt được, phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC cũng còn một số khó khăn, vướng mắc. Một số nơi nhận thức về phong trào thi đua còn chưa đồng bộ và sâu sắc. Có hiện tượng HS chỉ tập trung vào học để thi lấy điểm cao trong các kỳ thi kiểm tra, nhất là thi vào THPT, ĐH, CĐ, thi HS giỏi nên ít tham gia các hoạt động. Ở một số nơi phong trào thi đua chỉ do ngành GD thực hiện là chính, sự phối hợp với các ngành khác chưa đạt hiệu quả cao, chưa có cơ chế, kế hoạch phối hợp… Một số cán bộ, GV trực tiếp tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian hát dân ca, GD kỹ năng sống, cán bộ GV tư vấn, hỗ trợ học còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, đa số chưa được đào tạo cơ bản và chưa có kỹ năng thực hiện tốt…

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá: Phong trào thi đua Xây dựng THTT, HSTC đã đi đúng hướng, được sự đồng tình cao trong toàn xã hội. Phong trào là công cụ vận động nhằm hướng tới đổi mới việc quản lý nhà trường, đổi mới việc dạy học trong khi chương trình GD chưa thay đổi… Phó Thủ tướng đặc biệt ấn tượng với tỉ lệ  HS bỏ học đã  giảm (Giảm 55% so với 2 năm trước); tình hình xây dựng nhà vệ sinh trong trường học (Sau 4 năm đã xây dựng được trên 60 ngàn nhà vệ sinh, bình quân mỗi trường có 1,5 nhà vệ sinh); Tình hình  ứng dụng CNTT (đã có 92% số trường có ứng dụng CNTT); Sự chuyển biến trong quan hệ nhà trường và phụ huynh, GV và HS . Theo Phó Thủ tướng, cần tiếp tục phát huy và đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua. Thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa việc tự học của học sinh, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong HS cũng như giáo dục HS  ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc; tiếp tục xây dựng đội ngũ GV mẫu mực, mẫu mực về đạo đức, mẫu mực về sáng tạo và mẫu mực về tự học… Phong trào thi đua Xây dựng THTT, HSTC cần phát triển thành phong trào Xây dựng THTT, HSTC, GV mẫu mực.

Năm học 2012-2013 là năm thứ 5 triển khai phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Ngành GD sẽ tiếp tục những thành tựu đã đạt được và duy trì và mở rộng bền vững phong trào ở các vùng khác nhau trong mỗi tỉnh, thành phố. GD văn hóa từ thực tiễn của mỗi địa phương thông qua các nội dung của phong trào; Tích hợp nội dung THTT, HSTC vào xây dựng trường chuẩn quốc gia, tiêu chí đánh giá trường học ở mỗi cấp học; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho Hiệu trưởng, GV chủ nhiệm, tổng phụ trách đội, GV tư vấn học đường. Xây dựng THTT, HSTC là một giải pháp cơ bản trong quá trình chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, là điều kiện để nâng cao chất lượng GD toàn diện, GD đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội, GD truyền thống văn hóa dân tộc…

Ông Trần Trung Dũng – Giám đốc Sở GD ĐT Hà Tĩnh:

 

Ông Trần Trung Dũng – Giám đốc Sở GD  ĐT Hà Tĩnh
Ông Trần Trung Dũng – Giám đốc Sở GD ĐT Hà Tĩnh

Ngành GDĐT Hà Tĩnh ngay từ những ngày đầu triển khai phong trào thi đua Xây dựng THTT, HSTC đã nhận được sự đồng tình cao và có thể thấy rằng phong trào hết sức có ý nghĩa. Trong khi những năm qua Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo xây dựng phong trào thi đua một cách quyết liệt và đồng bộ. Đây chính là giải pháp góp phần đổi mới phương quản lý, đổi mới pháp dạy, học trong khi chưa đổi mới chương trình.

Tuy có những khó khăn, thuận lợi đặc thù, các trường học ở Hà Tĩnh phát động phong trào Xây dựng THTT, HSTC một cách đồng đều và nhận được sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Thể hiện rõ nhất là tỷ lệ HS bỏ học giảm đáng kể, chất lượng GD tỉnh nhà được củng cố.

Đáng ghi nhận nhất từ phong trào thi đua này ở Hà Tĩnh vốn có truyền thống hiếu học. Phong trào thi đua sẽ góp phần thúc đẩy bước chuyển biến đáng kể trong nhận thức toàn xã hội về sự nghiệp GD, con em được tạo điều kiện đến trường. Năm học 2012-2013 là năm thứ 5 thực hiện phong trào thi đua Xây dựng THTT, HSTC nên ngành GD Hà Tĩnh sẽ hướng đến tổng kết đánh giá toàn thể quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Mỗi trường, mỗi lớp sẽ bám sát các nội dung của phong trào. Trong đó hướng đến mục tiêu trọng điểm vì Hà Tĩnh vốn là vùng địa linh nhân kiệt, có truyền thống văn hóa, nên việc chăm sóc các di tích và phát huy các giá trị truyền thống đóng vai trò hết sức quan trọng và có ý nghĩa, từ đó góp phần GD HS và GD kỹ năng số cho các em, đồng thời đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy để hướng đến thực hiện thành công phong trào thi đua này…

Ông Lê Xuân Trường – Giám đốc Sở GD ĐT tỉnh Phú Thọ

Ông Lê Xuân Trường – Giám đốc Sở GD ĐT tỉnh Phú Thọ
Ông Lê Xuân Trường – Giám đốc Sở GD ĐT tỉnh Phú Thọ

Từ khi bắt đầu thực hiện phong trào thi đua Xây dựng THTT, HSTC có thể nói các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đội ngũ cán bộ, GV, HS, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở Phú Thọ rất hưởng ứng. Phong trào thi đua rất phù hợp với đặc thù của tỉnh Phú Thọ, một tỉnh miền núi trung du phía Bắc.

Trước đây HS của tỉnh, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa vẫn còn thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở, nên đến trường gặp nhiều khó khăn. Từ khi có phong trào thi đua Xây dựng THTT, HSTC đã góp phần quan trọng trong việc huy động tối đa HS đến trường, góp phần kéo giảm tỷ lệ HS bỏ học.

Với sự vào cuộc của toàn xã hội, đội ngũ GV và toàn thể ngành GD nên huy động HS tới trường với tỷ lệ ngày càng cao. Sau 4 năm thực hiện phong trào thi đua, HS Phú Thọ đến trường đã rất đầy đủ, tỷ lệ HS bỏ học còn rất ít, giảm dần qua các năm, đây là tín hiệu khả quan. Năm học 2012 – 2013 chúng tôi tập trung giải pháp giảm tỷ lệ HS bỏ học và tăng tỷ lệ huy động HS đến lớp. Tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được trong 4 năm thực hiện phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC, cùng sự chung tay của toàn xã hội, ngành GD tiếp tục thực hiện các mục tiêu của phong trào thi đua trên địa bàn toàn toàn tỉnh. Hướng đến lực lượng nhà giáo mẫu mực và gương mẫu, hy vọng cuộc vận động tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua này…

Ông Nguyễn Thanh Bình- Giám đốc Sở GD ĐT An Giang

Ông Nguyễn Thanh Bình- Giám đốc Sở GD ĐT An Giang
Ông Nguyễn Thanh Bình- Giám đốc Sở GD ĐT An Giang

Qua 4 năm triển khai phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC, tâm thế và thái độ của nhà trường đối với phong trào rất tốt, xã hội nhận thức tốt, góp phần xây dựng môi trường thân thiện, an toàn trong nhà trường, cha mẹ an tâm hơn khi cho con em đến trường học tập. Ngoài việc dạy kiến thức, thầy cô giáo còn dạy HS cách ứng xử, đạo đức và kỹ năng sống mà mục tiêu cuối cùng là dạy người. Bên cạnh đó nhiều phong trào thiết thực, gần gũi và sinh động đưa vào nhà trường như múa hát sân trường, trò chơi dân gian, phổ cập bơi… đã phát huy hiệu quả thiết thực.

Điều khiến chúng tôi vui nhất là nhận thức về việc học của phụ huynh HS được nâng lên rõ rệt từ khi triển khai phong trào. Thứ hai là cảnh quan sư phạm ở các trường học được cải thiện đáng kể. Đặc biệt là nhà trường, xã hội và chính quyền địa phương từ phong trào thi đua này đã cùng chung tay chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, góp phần giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất của tỉnh nhà.

Phong trào đã hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng GD, trong đó thầy cô giáo không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy và HS thêm gắn bó với trường lớp. Ở An Giang hằng năm Sở GD ĐT mở hàng trăm chuyên đề, theo đó sẽ mời giảng viên có uy tính để nâng cao và cập nhật kiến thức cho đội ngũ thầy cô giáo. Từ những giải pháp đồng bộ đó, nhận thức của GV được nâng lên, chất lượng học tập HS cũng nâng lên rõ rệt, kỷ cương nền nếp trường lớp đảm bảo… …

 

Nhóm phóng viên

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2821/201208/Se-tich-hop-noi-dung-vao-xay-dung-truong-chuan-quoc-gia-tieu-chi-danh-gia-truong-hoc-1962809/

Comments