Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Giáo dục cổ truyền và giáo dục hiện đại

Posted: 26 Aug 2012 01:57 AM PDT

- Một số người cho rằng không nên mất thời gian tranh luận về "Tiên học lễ…", nhưng tôi lại thấy diễn đàn này rất quan trọng. Bởi, vấn đề không đơn giản chỉ dừng lại ở nội hàm chữ “Lễ”, mà chúng ta đang dần đụng đến một thói quen tư duy, một tập tính của một dân tộc, đến đường lăn của cỗ máy giáo dục với một quá khứ mang nặng ảnh hưởng Nho giáo, mà quán tính của nó đang tác động đến hiện tại và tương lai của xã hội Việt Nam. Từ Pháp độc giả Nguyễn Khánh Trung gửi tham luận.

Ảnh minh họa

Giáo dục Việt hiện là hình thức "giáo dục cổ"

John Dewey (1859 – 1952),
nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ, trong tác phẩm "Kinh nghiệm và giáo dục" đã gọi
giáo dục của Mỹ hồi thế kỷ 19 về trước là giáo dục cổ truyền. Đó là một kiểu
giáo dục hướng về quá khứ, hành động giáo dục là việc thực hiện sự áp đặt những
kinh nghiệm, những kiến thức của người lớn, những "chân lý vĩnh cửu" và những
"giá trị vĩnh hằng" lên trẻ nhỏ.

Chương trình giáo dục được cố định, hàm chứa các kiến thức được áp đặt từ bên
ngoài và bên trên lên học sinh, nó tựa như một cái kho chứa đồ cũ với những ngăn
- kéo theo liều lượng dựa trên kinh nghiệm của người lớn. Người thầy chỉ việc
lôi từng ngăn, và truyền lại cho học sinh một cách đồng loạt theo yêu cầu từ
phía trên.

Đó cũng là hình ảnh của giáo dục Việt Nam hiện tại. Nội dung giáo dục đã được
thiết kế trong sách giáo khoa (SGK) thường là những kiến thức, những giá trị đạo
đức và văn hoá đã thuộc về quá khứ – mà có khi là quá khứ đã rất lâu, với quan
niệm kiểu "vĩnh cửu" được áp đặt từ người lớn bên ngoài nhà trường lên học sinh.

Sự áp đặt của giáo dục Việt là đồng loạt – đó là chuyện chúng ta chỉ sử dụng
một bộ SGK cho tất cả các trường trong hệ thống. Vai trò của giáo viên tựa như
những "phát ngôn viên", như những người thừa hành, những người được giao khoán
từ trên. Nhiệm vụ của họ là chuyển tải cho học sinh những thứ có sẵn, đã được
thiết kế theo ý người lớn, chẳng liên quan gì đến kinh nghiệm của trẻ nhỏ trong
hiện tại, mà lắm khi cũng chẳng ăn nhằm gì với tương lai của các em.

Trong mô hình giáo dục này, học sinh đóng vài trò thụ động, thường là trật
tự, ngay hàng thẳng lối, ngồi yên để nghe giảng, giáo viên là người trên, đứng
trên bủng giảng để "dạy" các em, dạy những thứ của cấp trên của của giáo viên
giao phó… Hình ảnh lớp học mà chúng ta thường thấy hằng ngày trong nước.

Giáo dục hiện đại

Ngược lại với mô hình giáo dục cổ truyền, J.Dewey gọi mô hình giáo dục trong
phong trào cải cách giáo dục tại Mỹ cuối thế kỷ 19 là "giáo dục hiện đại", "giáo
dục tiến bộ". Giáo dục hiện đại khởi đi từ kinh nghiệm hiện tại của chính người
học, chứ không phải của người lớn, không phải của người thầy.

Kinh nghiệm của học sinh lại phụ thuộc vào lứa tuổi, vào môi trường xung
quanh nơi các em sinh sống. Một học sinh ở thành phố sẽ có những kinh nghiệm
khác với học sinh ở nông thôn, vì bối cảnh vật chất, xã hội xung quanh, những
con người các em thành thị tiếp xúc thường ngày khác với những gì học sinh nông
thôn thường gặp…

Nội dung chương trình giảng dạy phải được thiết kế từ những kinh nghiệm này,
do vậy, nó phải là mỗi nơi phải mỗi khác, hình thức sư phạm mỗi nơi cũng phải
mỗi khác. Hay nói cách khác, không thể áp đặt một chương trình quốc gia chi tiết
chung cho tất cả học sinh của tất cả các nơi, không thể áp dụng một hình thức
phương pháp sư phạm cho tất cả các học sinh.

Người Phần Lan thành công trong giáo dục hiện nay là nhờ áp dụng nguyên tắc
này, nội dung chương trình, phương pháp sư phạm trong nhà trường, nhất là trường
tiểu học không những dựa vào từng lứa tuổi, từng vùng địa lý với môi trường văn
hoá xã hội khác nhau, mà thậm chí tuỳ vào thể trạng, năng khiếu của từng học
sinh. Uỷ Ban Giáo dục Phần Lan có đưa ra một chương trình khung quốc gia, nhưng
chỉ là những nét rất chung, quy định một cách tổng thể các mục tiêu giáo dục
được in trong chưa đến chục trang giấy, còn việc bằng con đường nào để đạt được
mục tiêu đó là việc của các trường, là việc của từng giáo viên đứng lớp.

Trách nhiệm người thầy

Làm thầy trong giáo dục hiện đại khó khăn vất vả hơn nhiều so với giáo dục cổ
truyền. Trước hết họ phải là những chuyên gia tinh tường về tâm sinh lý tuổi
nhỏ, để có thể hiểu, nắm được suy nghĩ, kinh nghiệm của từng học sinh như là
chính của học sinh. Từ đó, chính họ là những kiến trúc sư thiết kế nên các nội
dung chương trình giảng dạy, lựa chọn các phương pháp sư phạm phù hợp cho từng
nhóm, thậm chí là cho từng học sinh trong lớp.

Do đó, ngoài giờ lên lớp, họ phải bỏ thời gian và công sức rất nhiều để
nghiên cứu từng nhóm nhỏ, từng học sinh trong lớp và phải soạn thảo nhiều giáo
án cho cùng một lớp học. Như vậy, giáo viên trong giáo dục hiện đại không những
phải giỏi về sư phạm nhưng còn phải nắm vững và cập nhật thường xuyên chuyên môn
của môn học, vì chính họ là tác giả của các chương trình nội dung giảng dạy
trong sự tương tác với học sinh.

Người thầy là chìa khoá quyết định trong sự thành bại của giáo dục hiện đại.

Tại Phần Lan, trình độ giáo viên tối thiểu cũng phải thạc sĩ, các cô cậu tú
muốn trở thành giáo viên phải qua trường sư phạm mà ở đó cửa vào là rất hẹp.
Người trẻ Phần Lan ai cũng mong ước được trở thành "kỹ sư tâm hồn", một nghề
nghiệp cao quý, được cả xã hội trọng vọng, thế nên các trường sư phạm tha hồ
chọn lựa nhân tài, trái hẳn với cảnh "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" như ở
nước ta hiện nay.

Các tri thức khoa học cũng như các giá trị đạo đức và văn hoá mà nhà trường
chuyển tải cho học sinh phát triển như một dòng chảy, không có gì là cố định bất
biến kiểu như "lời thánh hiền", do vậy, nội dung chương trình giảng dạy cũng
phải động và luôn mở. Giáo dục hiện đại không bám chặt trên quá khứ và càng
không hướng về quá khứ, nó phải khởi đi từ hiện tại và hướng về tương lai. Nói
theo cách của J. Dewey là giáo dục hiện đại phải gắn liền với sự tăng trưởng.
Mọi nội dung truyền thụ trong nhà trường nếu không hướng đến làm cho học sinh
phát triển, qua đó làm cho xã hội phát triển thì chẳng để làm gì.

Nhà trường có thể chuyển tải cho học sinh ít nhiều những kinh nghiệm và kiến
thức của "người xưa", nhưng mục đích là để làm cho học sinh hiểu hiện tại trong
dòng chảy của nó và hướng về tương lai, chứ không phải đóng khung cố định trẻ em
trong một điều gì đó đã thuộc về quá khứ kiểu như giáo dục Nho giáo ngày xưa.

Hiệu quả…

Giáo dục hiện đại đề cao dân chủ, vì dân chủ là một đặc tính của thời đại,
dân chủ trong nhà trường là việc cả người lớn và trẻ nhỏ. Cả thầy và trò cùng
nhau thiết kế nên những mục tiêu của giáo dục dựa trên những kinh nghiệm hiện
tại của trò, và cùng nhau hướng về một hướng mà cả thầy và trò là những tác nhân
chủ động xây dựng nên, chứ không phải chịu sự áp đặt của những người từ bên
trên, bên ngoài nhà trường.

Mục đích của giáo dục là làm cho trẻ nhỏ tự chủ, phát triển tối đa trí thông
minh, khả năng phán đoán, khả năng tư duy độc lập và phản biện. Đây là những
phương tiện quan trọng để các em tự tạo ra kiến thức cho mình, tạo ra thói quen
tự học không phải chỉ trong nhà trường mà suốt đời.

Tự chủ trong việc học tập sẽ tạo thành tập tính nơi học sinh khi trưởng
thành. Người công dân tương lai sẽ có đủ khả năng làm chủ chính mình, làm chủ
cuộc sống của mình, có khả năng tự thay đổi, biết phát hiện và có khả năng giải
quyết, khắc phục những khó khăn – những vấn đề do cuộc sống đặt ra cho cho mình,
cũng như cho môi trường sống xung quanh.

 

  • Nguyễn Khánh Trung (Viết từ Pháp)

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/85744/giao-duc-co-truyen-va-giao-duc-hien-dai.html

Nhiều trường công bố điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung

Posted: 26 Aug 2012 01:56 AM PDT

Nhiều trường công bố điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung

TT – Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) vừa công bố điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung đợt 1. Theo đó, điểm chuẩn dành cho học sinh phổ thông – khu vực 3 cả bốn ngành khoa học máy tính, mạng máy tính và truyền thông, hệ thống thông tin, kỹ thuật máy tính đều là 20 (môn toán hệ số 2, điểm thi chưa nhân hệ số đạt từ điểm sàn trở lên).

Có 273 thí sinh trúng tuyển trong khi chỉ tiêu xét tuyển bổ sung là 280. Trường thông báo tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung (khối A, A1) từ nay đến ngày 30-8 với điểm sàn xét tuyển 20 (môn toán hệ số 2).

Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM cũng công bố điểm chuẩn xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1. Theo đó, tất cả các ngành ĐH, CĐ đều có điểm chuẩn bằng điểm sàn. Trường thông báo nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 từ nay đến ngày 31-8 cho tất cả các ngành với điểm sàn bằng điểm sàn chung của Bộ GD-ĐT.

MINH GIẢNG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/508502/Nhieu-truong-cong-bo-diem-chuan-nguyen-vong-bo-sung.html

Những đứa trẻ biết san sẻ khó khăn cùng bố mẹ

Posted: 26 Aug 2012 01:56 AM PDT

(TNO) Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em học sinh, sinh viên vẫn là học sinh giỏi nhiều năm liền, và là những đứa con ngoan. Chiều ngày 23.8, các em đã vinh dự nhận học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên.

Thức khuya, dậy sớm

Lê Tấn Hoàng Danh, học sinh lớp 8, Trường THCS Gò Vấp, đến tham dự Lễ trao học bổng Nguyễn Thái Bình tại tòa soạn Báo Thanh Niên, cho biết rất vui khi được nhận học bổng, nhưng tiếc là mẹ không thể đi cùng.

Vào thời điểm trao học bổng, mẹ Danh vẫn đang tất tả bán vé số để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Do không có nhà cửa, hai mẹ con Danh sống cùng với dì trong căn nhà nhỏ ở Gò Vấp. Mẹ làm nghề bán báo dạo nên từ 4 giờ sáng, Danh đã thức dậy phụ mẹ xếp báo tới gần 8 giờ, rồi mới đến trường.

Danh chia sẻ: "Mẹ bán báo đã hơn 20 năm. Từ lúc mới 5 – 6 tuổi em đã phụ mẹ xếp báo nên quen dậy sớm cùng mẹ. Ngoài giờ học, em còn phụ mẹ nấu cơm để mẹ có thời gian nghỉ ngơi".

Ở nhà Danh là đầu bếp vì cậu bé rất thích nấu ăn.

Mặc dù không có nhiều thời gian để học hành nhưng em vẫn là học sinh giỏi 7 năm liền.

Bán báo buổi sáng, bán thêm vé số buổi chiều, mẹ Danh mới phần nào lo được cuộc sống của hai mẹ con.

Cũng lớn lên trong khó khăn, Phạm Trần Phương Vy, học sinh Trường THCS Hoàng Lê Kha, đã tự ý thức việc học và phụ giúp mẹ để trang trải thêm chi phí cho gia đình.

Từ 5 giờ sáng, Vy đã thức dậy cùng mẹ dọn báo ra sạp. Sau đó, cô lại cùng mẹ nấu ăn và tự đạp xe đến trường.


Anh Nguyễn Quang Thông trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho con em
đại lý phát hành báo, bán báo dạo – Ảnh: Đ.N.T

Do ba đi làm xa, đồng lương bấp bênh, việc bán báo dường như giúp thu nhập gia đình Vy phần nào ổn định.

Vy tỏ ra tự lập và mạnh mẽ, vừa học, vừa làm, nhưng Vy vẫn là học sinh giỏi 6 năm liền.

"Em ước sau này lớn lên sẽ trở thành nhà bác học chế tạo vũ khí cho nước Việt Nam mình" - Vy nói. Hiện tại, những đồ dùng hư tại nhà được Vy chế tạo thành súng và robot làm đồ chơi.


Phạm Trần Phương Vy nhận học bổng Nguyễn Thái Bình tại tòa soạn Báo Thanh Niên


Đại diện DN Thành Nghĩa trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho các em học sinh
- Ảnh: Đ.N.T

Bán vé số khi mẹ bệnh

Ông Trần Văn Hiệp, ba của Trần Thị Ái, học sinh Trường THCS Nguyễn An Khương, phấn khởi chở con đến tòa soạn Báo Thanh Niên nhận học bổng. Hai cha con đến khá trễ vì phải vượt hơn 20 cây số từ H.Hóc Môn vào trung tâm thành phố.


Tiết mục văn nghệ của một học sinh được nhận học bổng – Ảnh: Đ.N.T

Ông Hiệp cho biết học bổng Nguyễn Thái Bình là một sự may mắn với bé Ái. "Vợ tôi đi bán báo bị tai nạn giao thông, được đại lý giới thiệu, nên nhận được sự hỗ trợ của Báo Thanh Niên trong những ngày gặp khó khăn nhất", ông nhớ lại.

Hơn 10 năm bán báo dạo, mẹ của Ái, bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não. Trong khi mẹ nằm điều trị tại nhà, Ái phải tranh thủ thời gian nghỉ hè đi bán vé số phụ giúp gia đình.

"Những ngày đi bán vé số không nhiều nhưng em cũng kiếm thêm được một ít tiền giúp ba mẹ. Có lúc cũng bị bắt nạt khi đang đi bán nhưng rồi cũng qua", Ái kể.


Hai cha con ông Trần Văn Hiệp và em Trần Thị Ái tại tòa soạn Báo Thanh Niên

Ông Hiệp cho biết ông làm nghề thợ hồ, thu nhập không ổn định, tháng ít, tháng nhiều. Cả hai vợ chồng làm một tháng được khoảng 4 - 5 triệu đồng. Nhưng từ ngày vợ bị tai nạn giao thông, sức khỏe yếu đi nên thu nhập bớt lại, gia đình sống khó khăn hơn.

Một ngày của gia đình Ái bắt đầu từ rất sớm. 4 giờ sáng, ông Hiệp thức dậy đi lấy báo để vợ kịp bán. Lấy báo xong thì ông đi làm hồ, vợ đi giao báo.

"Do ai cũng bận nên buổi sáng gia đình không ai có thời gian để ăn sáng. Đến trưa đi học về thì em phụ mẹ nấu cơm rồi đi học. Chiều lại về nấu ăn giúp mẹ", Ái nói.

Mỗi ngày, Ái đều phải đạp xe hơn 3 cây số đến trường và cô bé là học sinh giỏi 8 năm liền với nhiều thành tích trong học tập.

52 học sinh, sinh viên nhận học bổng Nguyễn Thái Bình

Chiều 23.8, 52 học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc đã vinh dự nhận học bổng Nguyễn Thái Bình tại tòa soạn Báo Thanh Niên.

Học bổng trị giá 200 triệu đồng dành cho đối tượng là con em các đại lý phát hành sách báo, những người bán sách báo dạo tại khu vực TP.HCM và lân cận.

Mỗi suất học bổng trị giá 4 triệu đồng cùng suất quà tặng gồm tập vở, áo mưa đi học…


Lãnh đạo Báo Thanh Niên và nhà tài trợ trao bằng khen, học bổng cho học sinh, sinh viên

Chương trình học bổng Nguyễn Thái Bình do Báo Thanh Niên khởi xướng duy trì hoạt động hơn 20 năm qua. Chương trình đã trao 11.546 suất học bổng với gần 21 tỉ đồng giúp đỡ học sinh phổ thông và sinh viên các trường ĐH, CĐ trên cả nước.

Bài: Hoàng Quyên
Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120823/nhung-dua-tre-biet-san-se-kho-khan-cung-bo-me.aspx

Năng suất lao độngViệt Nam thuộc đáy khu vực

Posted: 26 Aug 2012 01:55 AM PDT

Với cải cách tiền lương như hiện nay, giá nhân công ở Việt Nam đã thuộc nhóm các nước cao trong khu vực.




Một trong những thế mạnh của lao động Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, đó là sự chăm chỉ làm việc và tay nghề khéo léo. Các đánh giá này đều chỉ ra điều có vẻ như mâu thuẫn nhau, đó là tay nghề của lao động Việt Nam ngang ngửa, thậm chí còn nhỉnh hơn cả lao động Trung Quốc, nhưng năng suất lao động của Việt Nam so với Trung Quốc lại thấp hơn.

Các doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động Việt Nam nằm trong nhóm 10% thấp nhất của khu vực.

Những năm trước đây, người ta ít chú ý tới điều này vì việc thuê nhân công giá rẻ vẫn còn mang lợi nhuận cho nhà đầu tư. Nay, việc thuê nhân công Việt Nam so với các nước trong khu vực đã tăng lên, nên yếu tố năng suất lao động đã ảnh hưởng trầm trọng đến lợi nhuận của nhà đầu tư, nhất là trong một số ngành nghề như dệt may, da, giày.

Theo số liệu của Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam (Lefaso), mức lương bình quân của lao động ở Việt Nam khoảng 100 – 150 USD/tháng, đứng sau lương lao động tại Trung Quốc từ 120 – 180 USD/tháng. Trong khi đó, mức lương của Ấn Độ 100 – 120 USD/tháng, Indonesia 70 – 100 USD/tháng, Bangladesh 50 – 70 USD/tháng.

So sánh mức chênh lệch trên, giá sản xuất tại Việt Nam kém cạnh tranh so với nhiều nước khác, chưa kể sức ép tăng lương với doanh nghiệp vẫn còn. Theo tính toán, lao động tại các thành phố cần từ 4 – 5 triệu đồng/tháng mới có thể bảo đảm các nhu cầu sống tối thiểu.

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát "Thiếu hụt lao động kỹ năng ở Việt Nam" do Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với tập đoàn Manpower tiến hành mới đây tại 6.000 doanh nghiệp thuộc 9 lĩnh vực kinh tế tại 9 tỉnh, thành phố ở Việt Nam, các doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động Việt Nam nằm trong nhóm 10% thấp nhất của khu vực.

Có 1/4 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng lao động thiếu hiểu biết về công nghệ và khả năng sáng tạo; 1/5 nhận xét lao động thiếu khả năng thích nghi với công nghệ mới; 1/3 doanh nghiệp không tìm được lao động có kỹ năng mà họ cần; 2/5 giám đốc điều hành gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Tại một số ngành như chế biến thực phẩm, y tế, xây dựng, vận tải, hóa chất, dệt có tình trạng lao động thiếu hụt kỹ năng nghiêm trọng. Lợi thế về chi phí nhân công thấp khi hoạt động tại Việt Nam đang dần mất đi sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo TS. Hồ Đức Hùng, Đại học Kinh tế Tp.HCM, năng suất lao động của lao động Việt Nam hiện thấp hơn Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan 30 lần, Nhật Bản tới 135 lần. "Nếu coi lao động giá rẻ như một lợi thế thì sai lầm, bởi yếu tố quyết định đến doanh thu lợi nhuận của doanh nghiệp chính là năng suất lao động", ông Hùng nói.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ của chúng ta không thể kéo dài mãi. Do đó không chỉ riêng ngành da giày mà các ngành hàng khác cũng cần có bước chuẩn bị cụ thể để chuyển từ số lượng sang chất lượng.

(Theo Vn Economy)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/86091/nang-suat-lao-dongviet-nam-thuoc-day-khu-vuc.html

Trao học bổng Trần Văn Tấn lần thứ 10

Posted: 26 Aug 2012 01:54 AM PDT

Trao học bổng Trần Văn Tấn lần thứ 10

TT – Sáng 25-8, tại hội trường Huyện ủy Đức Hòa, tỉnh Long An đã diễn ra lễ trao học bổng cho 122 học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Ông Trần Minh Đức, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thế Kỷ 21, trao học bổng cho học sinh huyện Đức Hòa – Ảnh: duy trân

Trong số đó có 100 suất học bổng của cố nhà giáo Trần Văn Tấn (600.000 đồng/suất), 10 suất học bổng của Công ty TNHH Trần Minh An (3 triệu đồng/suất) và 12 suất học bổng của Hội Khuyến học huyện Đức Hòa dành cho các em học sinh vừa đỗ đại học điểm cao. Bên cạnh đó, các mạnh thường quân đã đóng góp cho học sinh nghèo huyện Đức Hòa hơn 10.000 cuốn tập chuẩn bị năm học mới

Đây là lần thứ 10 gia đình cố nhà giáo Trần Văn Tấn phối hợp với Hội Khuyến học huyện Đức Hòa tổ chức trao học bổng cho học sinh nghèo của huyện. Đến nay đã có hơn 1.000 lượt học sinh được nhận học bổng từ quỹ học bổng này.

DUY TRÂN

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/508499/Trao-hoc-bong-Tran-Van-Tan-lan-thu-10.html

Dừng tuyển sinh 15 chương trình liên kết

Posted: 25 Aug 2012 03:30 PM PDT

(TNO) Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT, vừa công bố danh mục danh sách các chương trình liên kết đào tạo đã được Bộ phê duyệt (cập nhật đến ngày 11.8). Theo đó, có 179 chương trình được cấp phép đào tạo, 15 chương trình dừng tuyển sinh và 6 chương trình đã hết hạn hoạt động.

Danh sách 15 chương trình dừng tuyển sinh như sau:

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dừng 3 chương trình liên kết: Đào tạo cử nhân Quản trị kinh doanh, kỹ sư Công nghệ Hóa học, cử nhân Tin học và Kỹ thuật tính toán với các trường ĐH: Northcentral (Hoa Kỳ), Otto-von-Guericke Magdeburg – OvGU (Đức), Kỹ thuật Điện St.Petecbua 9 (Nga).

Chương trình liên kết đào tạo cử nhân Hán ngữ văn học giữa Trường ĐH Tôn Đức Thắng với Trường ĐH Sư phạm Quảng Tây (Trung Quốc).

Chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ Kinh doanh Quốc tế giữa Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Trường ĐH Curtin (Úc).

Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM dừng 2 chương trình liên kết đào tạo: Cấp chứng chỉ điều hành doanh nghiệp; đào tạo CĐ, cử nhân Quản trị kinh doanh với Trường Kinh tế và Quản trị Solvay Brussels – ĐH Libre de (Bỉ), ĐH Utica (Hoa Kỳ).

Chương trình liên kết đào tạo CĐ Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Quản trị khách sạn – du lịch giữa Trường ĐH Lạc Hồng và Trường CĐ Guildhall (Anh).

Trường ĐH Mở TP.HCM dừng 2 chương trình: Đào tạo thạc sĩ Quản trị chất lượng, cử nhân Kinh doanh, Công nghệ thông tin với ĐH Nam Toulon Var (Pháp) và Trường ĐH Công nghệ Swinburne (Úc).

Trường ĐH Ngoại thương dừng 2 chương trình liên kết đào tạo Licence Général luật, kinh tế và quản lý; đào tạo thạc sĩ Quản trị kinh doanh với Trường ĐH Fraincois Rabelais de Tours (Pháp) và Trường Quản lý BI (Na Uy).

Dừng chương trình liên kết đào tạo Licence Professionelle quản trị chất lượng giữa Trường ĐH Thương mại và Trường ĐH Nam Toulon Var (Pháp).

Chương trình liên kết đào tạo trung cấp kỹ thuật hệ thống máy tính – Trường trung cấp đa ngành Vạn Xuân và Học viện Gordon TAFE (Úc).

Dừng chương trình liên kết đào tạo Post graduate giảng dạy tiếng Anh – TT SEAMEO RETRAC HCM và SEAMEO RELC (Singapore).

Các chương trình đã hết hạn gồm:

Chương trình liên kết đào tạo cử nhân Khoa học và công nghệ, ngành Toán học giữa Trường ĐH Hoa Sen và Trường ĐH Claude Bernard Lyon I (Pháp).

Hai chương trình liên kết hết hạn đào tạo: Cử nhân Khoa học và Công nghệ, ngành Toán học; thạc sĩ thực hành khoa học, công nghệ, y tế, ngành định phí bảo hiểm và tài chính giữa Trường ĐH Kinh tế quốc dân với Trường ĐH Claude Bernard Lyon I (Pháp).

Hết hạn chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ thực hành kinh tế tri thức và lãnh thổ giữa Trường ĐH Thương mại và Trường ĐH Nam Toulon Var (Pháp).

Chương trình liên kết đào tạo Licence Professionelle ngành Ngân hàng – Bảo hiểm giữa Trường ĐH Thương mại và Trường ĐH Địa Trung Hải Aix - Marseille (Pháp).

Chương trình liên kết đào tạo cử nhân công nghệ thông tin của Viện ĐH Mở Hà Nội và Trường ĐH Công nghệ quốc gia MATI (Nga).

Bấm vào đây để xem chi tiết các chương trình được liên kết đào tạo.

B.Thanh

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120824/dung-tuyen-sinh-15-chuong-trinh-lien-ket.aspx

Ấn Độ và Trung Quốc có nhiều sinh viên tốt nghiệp nhất

Posted: 25 Aug 2012 03:30 PM PDT

Đến trước năm 2020, cứ 10 sinh viên tốt nghiệp đại học trên toàn cầu thì có 4 người từ Ấn Độ và Trung Quốc, theo một báo cáo vừa được Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố.

Trang tin Universityworldnews.com trích nội dung báo cáo cho thấy rằng chỉ riêng Trung Quốc sẽ chiếm 29% lượng sinh viên tốt nghiệp đại học từ độ tuổi 25-35, trong khi Mỹ và châu Âu chỉ chiếm hơn 1/4. Nếu khuynh hướng này vẫn tiếp diễn, số người tốt nghiệp đại học 25-34 tuổi từ các nước Ả Rập Xê Út, Ấn Độ, Argentina, Brazil, Indonesia, Nam Phi, Nga và Trung Quốc sẽ cao hơn gần 40% so với số người tốt nghiệp từ tất cả 34 nước thành viên OECD. Theo OECD, Trung Quốc đặt mục tiêu 20% công dân nước này, tương đương 195 triệu người có bằng đại học trước năm 2020.

Minh Trung

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120824/An-Do-va-Trung-Quoc-co-nhieu-sinh-vien-tot-nghiep-nhat.aspx

107 thủ khoa Hà Nội ghi danh sổ vàng

Posted: 25 Aug 2012 03:29 PM PDT

(GDTĐ)-Chiều nay (25/8), 107 thủ khoa khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường ĐH, học viện Hà Nội đã dâng hương và ghi danh sổ vàng tại Văn miếu Quốc Tử Giám.

Các thủ khoa ghi danh sổ vàng. Ảnh: gdtd.vn
Các thủ khoa ghi danh sổ vàng. Ảnh: gdtd.vn

Sau lễ ghi danh sổ vàng, các thủ khoa cùng giao lưu, trò chuyện với những người thành đạt trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và các thế hệ thủ khoa trong 10 năm qua.

Đây là những sinh viên xuất sắc, có điểm học tập đạt loại giỏi, từ 8,0 trở lên và có điểm rèn luyện đạt loại xuất sắc, từ 9,0 trở lên. Trong số này, có 40 thủ khoa là Đảng viên; 34 bạn có điểm học tập chung trên 9,0. Hai thủ khoa đặc biệt là sinh viên người Hàn Quốc Park Young Su, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) và sinh viên khuyết tật của ĐH SP Hà Nội Trần Thị Thơm. Ngoài ra, trong số thủ khoa tốt nghiệp năm nay, có 5 sinh viên vừa là thủ khoa đầu vào vừa là thủ khoa tốt nghiệp. Đó là Đỗ Minh Thành, Vũ Hồng Nhung (ĐH Sư phạm Hà Nội), Nguyễn Thị Thùy Dung (ĐH Ngoại thương), Nguyễn Linh Lan (ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) và Phạm Tố Uyên (HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông).

Trong khuôn khổ chương trình, tối mai, 26/8, tại Quảng trường Ba Đình sẽ diễn ra lễ tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thủ đô. Chương trình truyền hình trực tiếp trên kênh 1 Đài truyền hình Hà Nội.

Trước đó, ngày 18 và 19/8, 107 thủ khoa xuất sắc đã tham gia giao lưu với nhân dân và tuổi trẻ tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội; tham gia tọa đàm "Thủ khoa với xây dựng nông thôn mới".
Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201208/107-thu-khoa-Ha-Noi-ghi-danh-so-vang-1963153/

Comments