Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Để quan hệ thầy trò luôn thiêng liêng

Posted: 24 Aug 2012 03:40 PM PDT

Một trong những mối quan hệ thiêng liêng theo đạo lý của người Việt  đang có nguy cơ bị xem thường.

Thời gian qua có hàng loạt trường hợp giáo viên không hành xử theo đạo đức của một người làm thầy, học sinh không thực hiện đúng khuôn phép của đạo làm trò.

Lỗ hổng từ trường sư phạm

Để quan hệ thầy trò luôn thiêng liêng
Tình cảm thầy trò hết sức cao đẹp, cần phải được gìn giữ, trân trọng – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bà Hoàng Thị Diễm Trang – Hiệu phó Trường THPT Gia Định, nhìn nhận nguyên nhân từ gốc: "Hiện nay, trường sư phạm đào tạo giáo viên đã bỏ qua hoặc không chú trọng giảng dạy về vấn đề đạo đức, cư xử đúng mực giữa thầy trò. Hằng năm có nhiều giáo sinh các trường sư phạm về thực tập tại trường, tôi nhận thấy, các em không có sự chuẩn bị tốt về cách cư xử và chuẩn mực đạo đức cần thiết đối với một người hành nghề. Bởi ở trường họ không học thì làm sao có thể trách họ được". Giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống – nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng văn hóa ứng xử trong nhà trường đang xuống cấp trầm trọng, suy đồi về mặt đạo đức. Hiện nay, thầy – trò thường thiếu kiềm chế và chọn cách cư xử không đúng chừng mực mỗi khi xảy ra va chạm. Vì lẽ đó dễ dẫn tới những hành động "lệch chuẩn". Chính vì thực tế này mà Phó giáo sư Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đề nghị: "Ngành sư phạm cần đưa vào dạy một chương trình đạo đức toàn diện cho sinh viên tất cả các ngành chứ không chỉ chú trọng riêng ngành giáo dục công dân".

 

 

Thầy cô tác động lớn đến học sinh

Trong năm 2012, dưới sự hướng dẫn của thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, sinh viên Nguyễn Thị Đào Lưu, Khoa Tâm lý – giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thực hiện đề tài "Nhận thức về các giá trị đạo đức trong mối quan hệ với người khác của học sinh". Đề tài này dựa trên sự khảo sát 502 học sinh một số trường THCS tại Q.5, TP.HCM. Kết quả cho thấy: đa số học sinh cho rằng yếu tố gia đình có ảnh hưởng mạnh nhất đến nhận thức của các em về giá trị hiếu thảo, tôn trọng và biết ơn. Trong khi đó, thầy cô có tác động lớn đến nhận thức về giá trị trách nhiệm, khoan dung và lịch sự.

Như Lịch

 

Vào cuối năm 2009, tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề "Giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường". Trước thực trạng bạo lực học đường, hiện tượng suy đồi đạo đức ở một vài cá nhân trong ngành, nhiều đại biểu tham dự cho rằng, trường học các bậc cần cấp thiết xây dựng văn hóa ứng xử "đạt chuẩn", mà người thầy giữ vai trò trung tâm.

Quá lỏng lẻo

Bà Nguyễn Thị Thương – Giám đốc Trung tâm tư vấn  gia đình và ly hôn, kể câu chuyện riêng để chỉ ra rằng quan hệ thầy trò hiện vô cùng lỏng lẻo. Bà Thương nói: "Tôi có đứa cháu nội học lớp 12. Có lần, cháu bị bệnh thủy đậu nên phải nghỉ hai ngày đúng vào dịp thi giữa học kỳ. Giáo viên không một lời hỏi thăm sức khỏe mà chỉ muốn biết lúc nào cháu đi học lại. Không những thế, cháu còn bị "xơi" điểm 0 môn sử vì không dự thi được. Cháu tôi rất hụt hẫng, không chỉ vì chuyện sức khỏe và điểm trung bình của môn sử bị tụt thê thảm mà còn vì cách hành xử của nhà trường".

Theo bà Thương, những lỗ hổng trong đội ngũ giáo viên có nguyên nhân từ đầu vào dễ dãi của trường sư phạm. Bà tỏ vẻ bức xúc: "Tôi thấy ngạc nhiên khi có một số giáo viên dạy môn tự nhiên cho rằng, họ không có thời gian và cũng rất khó lồng ghép dạy làm người cho học sinh trong những môn học đó".

Ở góc độ khác, bà Thương cũng nhìn nhận: "Bố mẹ là người thầy đầu tiên giáo dục con cái. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp giữa gia đình với nhà trường bây giờ rất lỏng lẻo. Nhiều gia đình gần như khoán trắng cho nhà trường trong việc giáo dục con cái".

 

Cần cải cách tiền lương cho giáo viên

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến cho rằng mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh đang có những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Để xây dựng văn hóa học đường, mối quan hệ giữa thầy – trò tốt đẹp như ý nghĩa thiêng liêng vốn có của nó đòi hỏi mất nhiều thời gian và cần có sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, phải nhanh chóng có cơ chế để cải cách tiền lương cho giáo viên để thầy cô có thể yên tâm sống bằng đồng lương của mình. Bên cạnh đó, nên thay đổi chương trình giảng dạy theo hướng nhẹ nhàng hơn. Thực tế cho thấy, nếu chương trình giáo dục đạo đức, kỹ năng được nhà trường thực sự quan tâm, đầu tư tốt thì vấn đề giáo dục đạo đức cho các em học sinh sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Bùi Gia Hiếu
(Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt TP.HCM)

 

Ít có thầy cô quan tâm đến sinh viên

Tình thầy trò đã không còn tốt đẹp như xưa. Phải thừa nhận, vẫn có những thầy cô giáo rất tốt, luôn quan tâm chăm chút cho sinh viên nhưng thầy cô này chiếm số ít. Phần đông chỉ dạy cho hết bài, hết thời gian, miễn sao là tròn nhiệm vụ hơn là tìm hiểu, quan tâm tới sinh viên đang ngủ gà gật, chán nản bài giảng của mình…

Nguyễn Thanh Hùng
(Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)

Học trò đã thành… "vua"

Tôi vừa thực tập tại một trường tiểu học ở Q.3, và thấy rằng, học trò bây giờ vô cảm, không có tính cộng đồng như trước. Một phần là sự quan tâm quá mức mà nhà trường và gia đình dành cho các em. Ngày tôi còn học tiểu học, lớp thường chia tổ trực vệ sinh, lau bảng. Nếu quên trực, thấy thầy cô lau bảng là học trò chạy ngay lên giành lau bảng, không để thầy cô chịu bụi. Nhưng giờ đây, việc lau bảng dường như là nhiệm vụ hiển nhiên của thầy cô. Còn vệ sinh, quét lớp thì trường đã có bảo mẫu. Vậy nên, học trò bây giờ giống như… "vua". Ngày trước, thấy thầy cô bệnh, ho sặc sụa là cả lớp quan tâm lo lắng. Còn bây giờ, học trò xem rất đỗi bình thường, thậm chí còn mặc kệ, chẳng quan tâm; nghe thầy cô giáo bệnh, cho lớp nghỉ là học trò nhảy lên vui mừng…

Nguyễn Thị Bích Kiều
 (Sinh viên năm 4, Khoa Giáo dục tiểu học,  Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

 

Thầy cô cần làm gương

Ở trường phổ thông hiện nay, thầy cô nào dễ dãi, học trò muốn học cũng được, không học cũng chẳng sao thì các bạn quậy phá lại thích, trong khi những bạn ham học thì thấy buồn lòng. Với quan điểm của em, thầy cô giáo hãy làm gương, để cho học trò nể và cần có phương pháp giảng dạy phù hợp để tất cả học sinh đều thích học.

Trương Thị Ngọc Bích
 (Học sinh lớp 11A9, Trường THPT Tạ Quang Bửu, Q.8, TP.HCM)

Minh Luân (ghi)

 

Như Lịch – Minh Luân

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120824/De-quan-he-thay-tro-luon-thieng-lieng.aspx

Rối tung xét tuyển bổ sung

Posted: 24 Aug 2012 03:38 PM PDT

Mới vài ngày nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đã có nhiều vấn đề xảy ra. Trong đó, nhiều trường bất chấp quy chế tuyển sinh miễn có được sinh viên.

In giấy báo điểm theo mẫu cũ

Giấy chứng nhận điểm thi của Trường ĐH Tài nguyên môi trường TP.HCM ở phần mã ngành chỉ có 3 ô (theo quy định mới năm nay có 7 ô). Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm cũng in sai phần mã ngành trong hàng trăm phiếu báo điểm. Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn thì chưa cập nhật phần mềm mới nên giấy báo điểm cũng sai.

 

 

Nhiều trường gia hạn thời gian xét tuyển

Để tạo điều kiện cho những TS nhận giấy báo điểm trễ có điều kiện xét tuyển bổ sung, nhiều trường đã quyết định gia hạn thời gian nhận hồ sơ xét tuyển.

Học viện Bưu chính viễn thông kéo dài thời gian nhận hồ sơ 5 ngày hơn so với thông báo trước đây cho cả 2 cơ sở đào tạo phía nam và phía bắc. Theo đó, trường nhận hồ sơ từ ngày 15 đến ngày 31.8.

Trường ĐH Văn Lang cũng kéo dài thời gian nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 đến ngày 30.8 (thay vì 25.8 như trước đó). Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng nhận hồ sơ thêm 3 ngày, kết thúc vào 25.8 (thay vì 22.8). Trường ĐH Quốc tế TP.HCM nhận hồ sơ đến hết ngày 31.8 (thay vì đến 23.8).

Vũ Thơ – Hà Ánh

 

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch in giấy báo điểm theo mẫu cũ, ghi xét tuyển NV2, NV3 trong khi năm nay đã bỏ phần này. Vì vậy, thí sinh (TS) mang giấy báo điểm này xét tuyển các trường thì không được chấp nhận. Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, có khoảng hơn 1.000 giấy báo điểm bị lỗi. Trong ngày 24.8, trường đã gấp rút in lại để chuyển sang cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM và Sở GD-ĐT TP.HCM.

Báo trúng tuyển cho cả thí sinh thi nhờ

Hiện nay, có hiện tượng trường tổ chức cho TS thi nhờ vào trường khác lại cấp luôn giấy báo trúng tuyển.

Nhiều TS thi nhờ Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân để xét tuyển vào bậc CĐ Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM phản ánh Trường Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân cấp luôn giấy trúng tuyển. Theo quy định, các trường tổ chức thi nhờ phải gửi giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường, phiếu báo điểm và dữ liệu kết quả thi cho trường không tổ chức thi để các trường này xét tuyển. Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm không có dữ liệu các TS này. Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo, ngày 24.8 trường đã liên lạc với Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân đề nghị trường này chuyển dữ liệu. Trả lời Báo Thanh Niên, PGS-TS Trần Văn Hạo, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân, cho biết trường chỉ cấp giấy báo điểm chứ không hề cấp giấy báo trúng tuyển. Trong khi đó, sự thật là nhiều TS thi nhờ trường này đã nhận giấy báo trúng tuyển mặc dù không hề có ý định vào học trường này.

Trước đó, Trường CĐ Viễn Đông cũng cấp cho TS mượn trường thi nhờ giấy báo nhập học. Bên cạnh đó, TS của nhiều trường khác cũng nhận được thư ngỏ cùng giấy báo nhập học vào bậc trung cấp và CĐ nghề của trường này. Thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng, giải thích: "Do khi in điểm các môn trắc nghiệm thì máy không lọc TS thi nhờ mà chỉ in nguyên danh sách. Tuy nhiên ngay sau khi phát hiện ra, trường đã gửi phiếu báo điểm cho TS đồng thời thông báo trên website TS thi nhờ nào chưa nhận được phiếu thì liên hệ cán bộ phụ trách tuyển sinh để nhận lại". Về việc in sẵn giấy báo nhập học, ông Hải cho biết, vì các bậc học này tuyển sinh khó khăn nên trường gửi thư ngỏ cho những TS có số điểm thấp hơn sàn, có nhu cầu học thì đăng ký chứ trường không ép.

Trong khi đó, nhiều TS thắc mắc vì trong khi các trường ĐH, CĐ khác đều đã thông báo xét tuyển bổ sung thì Trường CĐ Kinh tế TP.HCM lại hẹn TS sau ngày 27.8 mới có thông tin cụ thể. Thạc sĩ Nguyễn Phước Hải, Trưởng phòng Đào tạo này, giải thích: "Trường đã gọi đủ số lượng TS trúng tuyển NV1 nhưng phải đến sau ngày nhập học 27.8 mới biết chính xác TS nhập học có đủ chỉ tiêu hay không. Nếu TS vô không đủ thì chúng tôi mới thông báo xét tuyển bổ sung, nên phải đến khoảng 29 – 30.8 mới có thông báo chính thức".

Đ.Nguyên – Mỹ Quyên

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120825/Roi-tung-xet-tuyen-bo-sung.aspx

Comments