Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Chọn nghề để bắt đầu nhanh, thành công sớm

Posted: 22 Aug 2012 08:46 PM PDT

ĐH không phải con đường duy nhất mang lại thành công, nhiều bạn trẻ sớm nhận ra điều này nên đã chuẩn bị sẵn kế hoạch lập nghiệp bằng một nghề nào đó. Một trong số những nghề HOT hiện nay thu hút giới trẻ hơn cả là Multimedia – một trong những nghề đắt giá nhất thế kỷ XXI (NXB Macmilla).

 

Hãy tìm hiểu xem Multimedia (Mỹ thuật đa phương tiện) là gì?

Multimedia là việc ứng dụng công nghệ trong việc sáng tạo, thiết kế những sản phẩm trong các lĩnh vực như: Thiết kế đồ họa, quảng cáo, in ấn; thiết kế web; sản xuất phim hoạt hình 2D và 3D; phát triển trò chơi; sản xuất hậu kỳ các chương trình phát thanh, truyền hình… Hay đơn giản hơn, có thể hiểu Multimedia là sự kết hợp giữa Công nghệ và Nghệ thuật.

 

Bắt đầu nhanh, thành công sớm

 

 

21 tuổi, cậu bạn Lê Anh Tùng (Tùng shark) hiện đang giữ vị trí trưởng nhóm Thiết kế khối nội dung thuộc Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam VCCorp.

Đường đến với Multimedia của Tùng shark khá sớm. Lúc còn học cấp III, cậu ấy đã tự học và làm part time cho một công ty thiết kế. Khi chính thức theo học Multimedia tại trường đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện FPT Arena, cậu ấy càng khẳng định được mình qua các dự án do trường giới thiệu. Kết thúc năm nhất, cậu ấy đã có một vị trí đáng mơ ước – trưởng nhóm thiết kế khối nội dung ở VCCorp.

Bắt đầu sớm không kém Tùng shark, khi biết khả năng đỗ ĐH rất mong manh nên Tùng khỉ (Lê Thanh Tùng, 25 tuổi, hiện là Giám đốc Sáng tạo Creativebay JSC) liền đăng ký học Multimedia. Cậu ấy chia sẻ “Ngay từ những ngày đầu theo học Multimedia, mình xin vào làm parttime cho công ty Segafredo (Ý). Cứ học xong môn nào, mình lại tìm công việc liên quan tới môn đó để làm. Cơ hội và thành công sẽ đến sớm nếu như bạn bắt đầu sớm!”.

 

Cơ hội rộng mở, thu nhập cao

 

Multimedia hiện diện ở mọi lĩnh vực trong đời sống nên các bạn có vô vàn cơ hội để thử sức và không lo… thất nghiệp. Các bạn có thể làm việc tại các công ty Truyền thông – Quảng cáo; các tòa báo, nhà xuất bản; các đài Phát thanh – Truyền hình; các công ty sản xuất phim, video; các xưởng phim hoạt hình; các công ty game; các công ty thiết kế website…

 


Chọn nghề để bắt đầu nhanh, thành công sớm

 

Do công việc trong ngành mang tính sáng tạo, lượng chất xám đầu tư nhiều nên thu nhập trung bình thuộc mức cao. Tính trung bình trên toàn thế giới, mỗi nhà thiết kế sẽ có mức lương từ 44.758 USD – 95.652 USD/năm (theo tạp chí Game Career Guide Magazine năm 2011).

Không những vậy, Multimedia còn mang lại cơ hội thăng tiến rất cao nếu các bạn trẻ là một người năng động, cầu tiến. Thầy Lê Đức Lợi – giảng viên trường FPT Arena nhận định “Trong ngành Multimedia, bạn là người tự quyết định việc thăng chức cho… chính mình. Số dự án bạn “ôm” càng nhiều, mức lương của bạn càng cao, tầm ảnh hưởng của bạn trong công ty càng lớn. Khi đó, cơ hội thăng tiến tự đến”.

Làm thế nào để đến với Multimedia?

 

Hẳn sẽ có nhiều bạn còn e dè vì không biết mình có đủ trình độ vi tính hay khả năng mỹ thuật để theo Multimedia không?

Tìm đến địa chỉ 264 Đội Cấn (Hà Nội), nơi FPT Arena – trường đào tạo Multimedia uy tín, chất lượng và lâu năm nhất tại Việt Nam để tìm hiểu vấn đề này, chị Nguyễn Thị Kim Huệ – trưởng phòng Tuyển sinh FPT Arena cho biết “Thi đầu vào của FPT Arena không có Văn, cũng chẳng có Toán, những môn thi gần như bắt buộc trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Sáng tạo và tiếng Anh là hai môn kiểm tra với những ai muốn trở thành nhà thiết kế. Dù đang làm ở đâu, là sinh viên, hay vừa tốt nghiệp THPT, thậm chí vẫn đang học cấp III, miễn là các bạn trẻ yêu sự sáng tạo, ham học hỏi, thích đón đầu cơ hội mới đều có thể thi và theo học”.


Lễ tốt nghiệp ấm cúng và cảm động của các bạn học viên FPT Arena.

Bạn thấy đấy, bắt đầu sớm, thành công nhanh, thu nhập cao, lại được làm việc trong môi trường sáng tạo là những thứ mà Multimedia mang lại. Vậy, tại sao bạn không thử sức với Multimedia để khám phá và trải nghiệm nhỉ?

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-632882/chon-nghe-de-bat-dau-nhanh-thanh-cong-som.htm

Gánh nặng từ mô hình bán trú “ba trong một”

Posted: 22 Aug 2012 08:46 PM PDT

Những vấn đề này được đề cập tại hội thảo "Mô hình tổ chức bán trú - Thực trạng và giải pháp" do Sở GD-ĐT TPHCM và báo Giáo dục TPHCM tổ chức chiều 21/8.

Bán trú "ba trong một"

Hiện nay TPHCM có 82% trường ở các bậc học tổ chức bán trú, hơn 548.000 học sinh (HS) ăn trưa tại trường. Tuy nhiên, ngoài trường mầm non được xây dựng là có cơ sở bán trú còn các bậc học còn lại đều phải tận dụng, cải tạo cơ sở có sẵn có để phục bán trú cho HS.

Một "mô hình" dễ thấy tại các trường là không có nhà ăn, phòng ngủ,  HS phải ăn ở hành lang hoặc những khu vực được nhà trường cải tạo tạm bợ, bữa ăn chia thành 2 ca, thậm chí có nơi HS ăn, ngủ ở ngay trong lớp học.

Ăn - ngủ trong lớp học - mô hình bán trú thiếu vệ sinh nhưng rất dễ thấy ở TPHCM.

BS Nguyễn Tài Dũng – Phó trưởng phòng Công tác HSSV, Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, chỉ một số ít trường học mới xây có cơ sở bán trú, còn lại hầu hết các trường không có kết cấu để HS ăn ngủ tại trường. Có trường các em ăn trong lớp rồi lại xếp bàn học lại để ngủ rất khó đảm bảo được vấn đề vệ sinh.

"Sở Y tế từng có yêu cầu chỗ ngủ ở trường học phải tách chỗ ăn, chỗ học để phòng chống dịch bệnh nhưng chúng tôi phải phản đối vì nếu vậy thì ít trường nào đáp ứng nổi", BS Dũng nói.

Ông Lê Ngọc Điệp – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá, tỉ lệ HS bán trú những năm gần đây đang giảm đi do số HS tăng, trường học không đáp ứng được.

Hàng lang được nhiều trường tận dụng làm nhà ăn.
Hàng lang được nhiều trường tận dụng làm “nhà ăn”.

Thiếu cơ sở vật chất, chưa có mô hình cụ thể nên các trường đều phải "tự bơi" đưa ra mô hình bán trú của mình, trong khi đây không phải là chuyên môn của lãnh đạo nhà trường. Nhiều hiệu trưởng phải tự đi chợ tìm thực phẩm an toàn, giá rẻ rồi lại phải lo sợ liệu có chuyện gì xảy ra với học trò không.

Theo ông Điệp, cần nhìn nhận bán trú không chỉ mỗi việc "ăn" mà còn là vấn đề sức khỏe của hơn nửa triệu HS. Khi chưa đủ điều kiện xây dựng cơ sở thì các trường cần khắc phục mô hình hiện tại như bố trí phòng ốc sao cho hợp lý nhất, quan tâm đến các yếu tố như ăn ngủ trong lớp thì vệ sinh lớp học như thế nào, giặt giũ ra sao…

Thiếu đủ thứ

Nhiều ý kiến bày tỏ, mức phí thu bán trú 30.000 đồng/HS/tháng áp dụng tại TPHCM cách đây 12 năm đã quá lạc hậu, không còn phù hợp với mức sống hiện nay. Mức thu này các trường phải chi phí cho công tác bán trú vừa chi trả tiền lương cho bảo mẫu, cấp dưỡng dẫn đến nhiều trường mất khả năng chi. Lương của bão mẫu, cấp dưỡng hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 1,5 trệu đồng nên không muốn gắn bó lâu dài với công việc, các trường khó tuyển dụng dẫn đến việc thiếu nhân sự.

Rất ít trường học có phòng ăn uống độc lập thế này.
Rất ít trường học có phòng ăn uống độc lập thế này. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) trong giờ ăn.

TS Ninh Văn Bình – Trưởng phòng giáo dục quận Phú Nhuận cho hay đa số bảo mẫu, cấp dưỡng - người phục vụ chính cho công tác bán trú – được các trường hợp đồng theo thời vụ 9 tháng/năm, thu nhập thấp nhưng công việc quá tải vì phải quản lý nhiều HS. Chưa kể, hầu hết đội ngũ này đều chưa qua lớp đào tạo về chuyên môn, trong khi tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp là một điều cần chú ý.

Bà Vũ Thị Thơ – hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q. Gò Vấp) không ngại ngần nói rằng, bán trú đang là một gánh nặng với trường học. Đây là nhu cầu của phụ huynh nhưng phí lại do nhà nước đặt ra, năm này qua năm khác không thay đổi, đã quá lạc hậu trong khi mọi trách nhiệm đều đổ hết về nhà trường.

"Kinh phí không đủ mà thu thêm của phụ huynh thì cả đội ngũ quản lý cứ phải nơm nớp lo sợ. Như vậy thì hỏi làm sao nâng cao được chất lượng?", bà Thơ trăn trở.

BS Nguyễn Tài Dũng cho rằng cần phải tăng phí để các trường có điều kiện nâng cao chất lượng bán trú. Hoặc cần xem bán trú là một dịch vụ do nhu cầu của phụ huynh, cho phép chi phí bán trú do nhà trường và phụ huynh thỏa thuận. Có như thế mới đảm bảo được điều kiện an toàn trường học cũng như lương bổng cho đội ngũ làm việc.

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-632922/ganh-nang-tu-mo-hinh-ban-tru-ba-trong-mot.htm

Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT khẳng định 5 thành tựu, 7 bất cập

Posted: 22 Aug 2012 08:45 PM PDT

(GDTĐ)-Bộ GDĐT được giao chủ trì, phối hợp với Ban tuyên giáo Trung ương xây dựng Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" để báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ, trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (khóa XI).

Bộ GDĐT cho biết, Đề án đã khẳng định 5 thành tựu, 7 bất cập yếu kém của giáo dục và đào tạo Việt Nam; xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là đối với khuyết điểm, hạn chế của giáo dục và đào tạo.

Đề án đã cố gắng thực hiện, lý giải các vấn đề: Một là, vì sao phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam. Hai là, những nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo, những nội dung của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ba là, yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện phải đạt được. Bốn là, nhiệm vụ, giải pháp triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Năm là, một số đề xuất, kiến nghị và một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau để Bộ Chính trị cho ý kiến, đưa ra Trung ương thảo luận.

Theo Bộ GDĐT, ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XI, Bộ GDĐT đã chủ động, tích cực phối hợp với Ban tuyên giáo Trung ương thành lập ban nghiên cứu, tổ biên tập để xây dựng dự thảo Đề án; đồng thời, giao Viện Khoa học giáo dục VN và một số trường ĐH, một số địa phương nghiên cứu xây dựng dự thảo Đề án. Bộ GDĐT đã phối hợp với Ban tuyên giáo Trung ương tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học tại Bộ GDĐT, Ban tuyên giáo Trung ương, các ĐH, trường ĐH, học viện, viện nghiên cứu và tại các địa phương. Ban soạn thảo Đề án cũng đã tham vấn ý kiến của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của ngành; tham vấn ý kiến các Bộ, ngành trung ương và một số địa phương, các chuyên gia trong và ngoài ngành, trong và ngoài nước; làm việc với các hiệp hội ngành nghề và các Hội thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện Đề án. Đề án cũng đã được Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Chính phủ thảo luận, góp ý hoàn thiện trong phiên họp tháng 7/2012.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, đến nay, bản dự thảo Đề án đã được hoàn thiện và trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ

Bộ GDĐT cho biết, quá trình chuẩn bị Đề án này được Ban Cán sự đảng và lãnh đạo Bộ nhận thức là quá trình tự phê bình, tự học hỏi và tu dưỡng của toàn ngành để tự lớn lên, đáp ứng đồi hỏi và kỳ vọng của Đảng và nhân dân. Những nội dung thảo luận góp ý đúng cho Đề án đã khẳng định, đều được từng bước triển khai ngay vào thực tiễn, và một số việc đã đưa lại kết quả ban đầu.
Hải Bình

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201208/De-an-Doi-moi-can-ban-toan-dien-GDDT-khang-dinh-5-thanh-tuu-7-bat-cap-yeu-kem-1963105/

Nam Định: Giáo viên phập phồng trước quyết định mới

Posted: 22 Aug 2012 08:45 PM PDT

Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định Nguyễn Văn Tuấn vừa ký quyết định số 903 gửi các
trường THPT công lập, Trung tâm GDTX trên địa bàn nêu rõ: trong năm học
2012-2013, mỗi đơn vị chọn cử ít nhất 02 người để thực hiện điều chuyển công tác.

Đối tượng, lý do, nơi giáo viên và cán bộ quản lý (CBQL) “bị” điều chuyển
được sở quy định như sau: điều chuyển CBQL, giáo viên có trình độ chuyên môn,
nghiệp vụ tốt đến tăng cường, hỗ trợ cho các đơn vị vùng xa, còn nhiều khó khăn.

Công văn của Sở GD-ĐT Nam Định gửi các đơn vị thực thi

Những CBQL, giáo viên sang đơn vị khác để có môi trường làm việc mới, tạo
điều kiện cho CBQL, giáo viên phát huy tốt hơn năng lực công tác của mình, đồng
thời tránh hiện tượng trì trệ, bảo thủ của một bộ phận CBQL, giáo viên.

Ông Tuấn cho biết, mục tiêu thực hiện điều chuyển giáo viên là để nâng cao
chất lượng giáo dục nói chung, đồng thời nâng cao chất lượng đồng đều trong các
cơ sở giáo dục, bắt đầu từ năm học 2012-2013.

Theo đó, các đơn vị thực hiện rà soát đội ngũ CBQL và giáo viên của đơn vị
mình, trước mắt trong năm học 2012-2013, mỗi đơn vị chọn cử ít nhất 02 người
thuộc các đối tượng nêu trên đề nghị Sở GD-ĐT thực hiện điều chuyển (theo mẫu),
nộp về Phòng Tổ chức cán bộ trước ngày 25/8/2012.

Quyết định đưa ra khiến giáo viên đang công tác tại các trường THPT công lập
trên địa bàn tỉnh đứng ngồi không yên.

  • Lê Nhung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/85630/nam-dinh--giao-vien-phap-phong-truoc-quyet-dinh-moi.html

Học sinh mang điện thoại đến trường sẽ bị tịch thu

Posted: 22 Aug 2012 05:35 PM PDT

Nhiều phụ huynh cho biết, có trường quy định nếu học sinh (HS) nào mang điện thoại di động đến trường, vào lớp học khi bị phát hiện sẽ bị trường tịch thu.

Tại Trường THCS Xuân Diệu (TP Mỹ Tho), nhiều phụ huynh bức xúc phản ánh, trường này ngoài tịch thu sẽ còn cho tiêu hủy điện thoại di động của con em họ.

Trao đổi với PV Dân trí vào chiều ngày 22/8, bà Nguyễn Thị Thúy – hiệu trưởng Trường THCS Xuân Diệu xác nhận có quy định này. Theo bà Thúy, việc không cho HS mang điện thoại di động đến trường là theo đúng tinh thần quy định của Bộ GD-ĐT. Vấn đề này trường cũng đã thực hiện từ 2 – 3 năm nay.

Những năm trước, đầu mỗi học kỳ, Trường THCS Xuân Diệu cho tịch thu hàng trăm chiếc điện thoại di động của HS. Và cuối mỗi học kỳ, trường đều có trả lại cho các em. Tuy nhiên, ở học kỳ sau, các em HS vẫn cố tình mang theo dù biết trường đã có quy định rõ ràng. "Hiện giờ chúng tôi vẫn giữ hơn 10 cái điện thoại của cuối năm học qua nhưng đến giờ vẫn không có ai đến lấy lại", bà Thúy cho hay.

Bà Thúy cho hay, có một thực tế là khi các em mang điện thoại đến trường, vào lớp học chỉ lo nhắn tin, thậm chí gọi điện đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến lớp học và việc tiếp thu bài của chính các em. "Do đó, khi việc tịch thu không có hiệu quả, trường cũng đã tiến hành xử lý bằng cách xử phạt, hạ hạnh kiểm và nhiều hình thức khác nhưng vẫn không xử lý triệt để tình hình này", bà Thúy nói.

Theo thông tin mà PV nắm được, năm học này là năm đầu tiên Trường THCS Xuân Diệu có thêm quy định sẽ cho tiêu hủy điện thoại khi tịch thu. Việc tiêu hủy không có trong quy định nhưng thông tin này được lãnh đạo trường cho biết là đã có thông báo khi tiến hành họp phụ huynh vào đầu năm nhưng lúc đó không phụ huyh nào có phản ảnh gì. "Có thể các em HS lớp 6 mới vào trường chưa quen với việc bị tịch thu điện thoại nên chưa hiểu rõ quy định. Song cho đến lúc này, trường cũng chưa tiêu hủy cái nào", bà Thúy phân trần.

Lãnh đạo Trường THCS Xuân Diệu cũng cho rằng, để việc liện lạc giữa các em với người nhà được thuận tiện, trường cũng đã bố trí một bốt điện thoại thẻ ngay trong trường. Ngoài ra, trường cũng mắc một điện thoại bàn ngay tại phòng giám thị, các em có thể gọi miễn phí khi có việc cần đến người nhà chứ không phải trường "thắt chặt" thông tin liên lạc giữa các em và người nhà của mình. “Việc tịch thu điện thoại và cho tiêu hủy cũng chỉ nhằm răn đe các em cần chú ý học tập hơn khi ở trường", hiệu trưởng Trường THCS Xuân Diệu nói thêm.

                                                                 Huỳnh Hải

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-632848/hoc-sinh-mang-dien-thoai-den-truong-se-bi-tich-thu.htm

Niềm vui mới của nữ sinh được bố cõng đi thi

Posted: 22 Aug 2012 05:32 PM PDT

Với một học sinh bình thường thì việc đỗ đại học đã là một niềm vui lớn, đối với Linh thì điều đó càng đặc biệt hơn bởi em bị liệt cả 2 chân sau cơn sốt lúc chưa được đầy tháng tuổi. Suốt 12 năm học phổ thông, Linh đến trường trên đôi vai của bố mẹ.

Gặp Linh tại căn nhà nhỏ trong khu tập thể Tân Mai (Hà Nội), tôi trông em rạng ngời niềm vui khi được trở thành tân sinh viên Trường ĐH Công đoàn. Ngồi trên xe lăn, em vẫn thoăn thoắt giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị một số đồ đạc cho ngày nhập trường sắp tới. Linh khoe: "Em sắp đi học bận rồi nên bây giờ phải giúp mẹ dọn nhà luôn, xong việc mẹ còn chở em đi mua thêm bộ quần áo mới cho ra dáng sinh viên nữa". Linh nói kèm theo nụ cười hồn nhiên trong vắt khiến tôi cũng thấy vui lây niềm hạnh phúc ấy của em.


Niềm vui mới của nữ sinh được bố cõng đi thi

Thấy con gái vui, chú Nguyễn Tuấn Nghĩa cũng không giấu được sự xúc động. Chú tâm sự: "Linh sinh ra không được may mắn có một đôi chân lành lặn nên tôi cũng là đôi chân cho con. Những ngày được cõng con đến trường đối với tôi đó là điều ý nghĩa nhất để tôi có thể làm cho con được bằng bạn bằng bè. Với vợ chồng tôi thì không chỉ là thời gian vừa qua mà cả cuộc đời này chúng tôi vẫn sẽ là đôi chân cho con để con được bước đi đến những nơi con muốn đến".

Nghe bố nói, Linh cũng rơm rớm nước mắt. Em kể thêm: "Nhiều hôm cõng em xong, lưng bố ướt đầm đìa mồ hôi vậy mà bố mìm cười bảo Bố có bí quyết trẻ lâu đó là vì bố tập thể dục đều đặn mỗi lần cõng con, vì thế bố phải cám ơn con chứ".

Được biết, mẹ Linh có hàng bán nước nhỏ với nguồn thu nhập khiêm tốn còn bố em làm phụ xe buýt tuyến Long Biên – Từ Sơn, Linh là con gái lớn của cô chú, sau Linh còn cậu em trai 14 tuổi. Vì lo cơm nước cho Linh nên cô Thủy (mẹ Linh) mặc dù bán hàng ở rất xa nhưng trưa nào cũng tranh thủ về nhà xem con có cần gì. Còn chú Nghĩa vì muốn cõng Linh đi học thêm buổi chiều tối nên chú xin làm ca sáng, vì vậy chú thường xuyên phải đi từ 3 giờ sáng để chiều về đưa Linh đi học. Thương yêu bố mẹ cộng với sự lo lắng cho tương lai của mình, từ lâu Linh hạ quyết tâm phải đỗ đại học để sau này có công ăn việc làm ổn định nuôi sống bản thân và đỡ đần bố mẹ.

Linh cho biết em thích học Luật vì xem chương trình "Tòa tuyên án", những bằng chứng xác thực cùng lập luận sắc bén của người luật sư khiến em "mê mẩn". Không đi lại được bình thường như mọi người nhưng em vẫn tự tin mình sẽ làm tốt được công việc sau này bởi: "Ban đầu em cũng lo sợ nhưng được bố mẹ động viên và cũng phân tích nhiều điều cho em hiểu nên bây giờ em tự tin hơn".

Trong niềm vui theo học khoa Luật Trường ĐH Công đoàn của Linh vẫn có cả nỗi lo lắng của bố mẹ em. Cô Thủy băn khoăn: "Phấn khởi vì cháu đỗ đại học nhưng gia đình tôi lo lắng nhiều hơn bởi trường học của cháu xa nhà nên bố cháu không thể hôm nào cũng đưa đón cháu được mà bạn bè thì cũng không thể nhờ mãi. Tôi thức dậy đi làm từ 5 giờ sáng, bố cháu đi từ 3 giờ sáng còn Linh thì bắt đầu học từ 7 giờ nên tôi đang tính như thế nào để đảm bảo giờ học cho con. Tôi tính mua cho con chiếc xe máy rồi chế thành xe 3 bánh nhưng lại có điều khó là cháu không tự cho xe từ trong nhà ra cửa được rồi còn khi đến trường nữa"…

Phạm Oanh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-632826/niem-vui-moi-cua-nu-sinh-duoc-bo-cong-di-thi.htm

Gần 1.500 trường thí điểm mô hình tự học

Posted: 22 Aug 2012 05:32 PM PDT

Gần 1.500 trường thí điểm mô hình tự học

TT – Năm học 2012-2013, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm mô hình trường học mới VN (VNEN) tại 1.447 trường tiểu học trên tinh thần tự nguyện. Trước mắt thực hiện ở lớp 2, lớp 3. Theo lộ trình, đến năm học 2014-2015 sẽ thực hiện ở tất cả các lớp bậc tiểu học.

Các trường thí điểm năm nay sẽ tập trung đổi mới hoạt động sư phạm, chuyển từ dạy học truyền thụ của giáo viên sang tổ chức hoạt động tự học, tự giáo dục của học sinh, đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh, chú trọng tự đánh giá, đánh giá vì sự tiến bộ trong quá trình học tập của học sinh. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, các trường thực hiện mô hình này sẽ đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

VĨNH HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/508005/Gan-1500-truong-thi-diem-mo-hinh-tu-hoc.html

Bộ GD-ĐT quy định bộ sách tối thiểu cho HS tiểu học

Posted: 22 Aug 2012 05:31 PM PDT

Cụ thể, đối với học sinh (HS) lớp 1, 2, 3, cần có 6 quyển sách, gồm: tiếng Việt (2 quyển, tập 1 và tập 2), vở tập viết (2 quyển: tập 1, tập 2), toán, tự nhiên và xã hội; HS lớp 4 và lớp 5 cần có 9 quyển: tiếng Việt (2 quyển, tập 1 và tập 2), toán, đạo đức, khoa học, lịch sử và địa lý, âm nhạc, mỹ thuật, kỹ thuật.

Không tổ chức dạy học trước và không thi tuyển HS vào lớp 1. Tiếp tục triển khai các biện pháp giảm tỉ lệ HS yếu, HS bỏ học, bàn giao chất lượng giáo dục, không để HS ngồi sai lớp; tổ chức hoạt động nhằm phát hiện và bồi dưỡng HS giỏi nhưng không tổ chức thi HS giỏi ở tất cả các cấp quản lí.

Kế hoạch dạy học và giáo dục đối với lớp 1 buổi/ngày: thời lượng tối đa 5 tiết/buổi, tối thiểu 5 buổi/tuần. Nội dung hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (4 tiết/tháng) thực hiện tích hợp các nội dung giáo dục Âm nhạc, Mĩ thuật, Thủ công/Kĩ thuật, phù hợp điều kiện thực tế địa phương và nhà trường (truyền thống văn hoá, nghề nghiệp địa phương; năng lực GV và thiết bị dạy học của nhà trường).

Kế hoạch dạy học và giáo dục đối với trường, lớp 2 buổi/ ngày: thời lượng tối đa 7 tiết/ngày. Hiệu trưởng chủ động xây dựng kế hoạch. Tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày nhằm tăng cường các hoạt động thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Hoạt động ngoại khoá, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ… được tổ chức một cách linh hoạt theo khả năng và nhu cầu của học sinh. GV lựa chọn nội dung, bố trí thời gian hợp lý hướng dẫn HS hoàn thành nội dung học tập trong giờ học trên lớp, sử dụng có hiệu quả các tài liệu bổ trợ, không giao bài tập về nhà cho HS. Nơi có điều kiện thì tổ chức cho HS để sách, vở, đồ dùng học tập tại lớp.

Trong năm học này, Bộ GD-ĐT chỉ đạo triển khai thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) tại 1447 trường trên tinh thần tự nguyện. Các trường được lựa chọn thí điểm tập trung đổi mới hoạt động sư phạm, chuyển đổi từ dạy học truyền thụ của GV sang tổ chức hoạt động tự học của HS; quá trình tự học, tự giáo dục của HS là trung tâm của hoạt động giáo dục; đổi mới kiểm tra, đánh giá HS, chú trọng tự đánh giá, đánh giá vì sự tiến bộ trong quá trình học tập của HS. Các trường tham gia thí điểm VNEN là những trường thực hiện mô hình đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Triển khai thí điểm phương pháp "Bàn tay nặn bột" tại 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Mỗi tỉnh, thành phố chọn tối thiểu 2 trường có điều kiện: mỗi trường 2 lớp, mỗi GV dạy thí điểm 1 – 2 chủ đề ở môn Tự nhiên và Xã hội, hoặc môn Khoa học, các tiết học khác, GV chủ động vận dụng ở mức độ phù hợp. GV được chủ động bố trí thời gian hợp lý để hướng dẫn học sinh học tập. Ngoài ra, triển khai thí điểm dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới tại 48 trường tiểu học ở 6 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Đà Nẵng, Hải Dương, Ninh Bình).

S.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-632700/bo-gddt-quy-dinh-bo-sach-toi-thieu-cho-hs-tieu-hoc.htm

Giúp con chọn bạn

Posted: 22 Aug 2012 05:31 PM PDT

Từ độ tuổi mẫu giáo cho tới lúc hình thành nhân cách, bạn bè có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với mỗi cá nhân. Do đó, cha mẹ cần giúp con chọn bạn để tránh những ảnh hướng xấu.

Có rất nhiều bậc phụ huynh đau đầu, bất lực vì con mình hiền lành, ngoan ngoãn nhưng bị bạn bè xấu lôi kéo, trở nên hư hỏng. Đã xảy ra nhiều trường hợp như trẻ về nhà ăn cắp tiền của ba mẹ để đi chơi game với bạn, bỏ học, tụ tập chơi bời, tập tành hút thuốc lá, thậm chí còn sa ngã vào những tệ nạn nguy hiểm khác.

Các chuyên gia tâm lý cho biết, để tránh tình trạng này, ngay từ nhỏ, cha mẹ phải thường xuyên theo dõi, định hướng các mối quan hệ của con và quan trọng nhất là giúp con nhận biết được thế nào là tốt, xấu trong các mối quan hệ.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh (công tác tại Học viện Hành chính TP.HCM) nhận định: "Bắt đầu từ 3 tuổi trở lên trẻ đã có nhu cầu giao tiếp xã hội, nhu cầu quan hệ bạn bè. Tuy lứa tuổi này chơi theo bản năng, vô tư, ít bị ảnh hưởng từ bạn nhưng phụ huynh cũng phải phân tích cho con thế nào là bạn tốt, thế nào là bạn xấu. Ví dụ hành động bạo lực là không tốt, những hành vi như giật đồ chơi, ăn tranh của bạn… là không nên.

Ở lứa tuổi mẫu giáo phụ huynh cần phân tích cho con biết thế nào là bạn tốt, bạn xấu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ở lứa tuổi mẫu giáo phụ huynh cần phân tích cho con biết thế nào là bạn tốt, bạn xấu – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Khi trẻ ý thức được việc nào tốt việc nào xấu sẽ dần hình thành thói quen và tính cách, từ đó thường xuyên làm việc tốt nếu được động viên và tránh xa những việc xấu, người xấu". Ở lứa tuổi từ 10 đến 17 trẻ có nhu cầu khẳng định cái tôi cá nhân rất mạnh mẽ. "Các cô, cậu bé tuổi này có thể sống chết vì bạn và sẵn sàng bỏ qua tất cả lời khuyên của cha mẹ. Giáo dục con là cả một quá trình dài, ngay từ nhỏ nếu được sống trong môi trường lành mạnh, hình thành phẩm chất tốt và cha mẹ định hướng thì lớn lên trẻ sẽ có bản lĩnh, ít khi bị rủ rê, lôi kéo hoặc lây nhiễm thói xấu từ bạn, đồng thời sẽ biết nghe lời cha mẹ hơn", thạc sĩ Nguyễn Thị Minh chia sẻ thêm.

Trong khi đó, thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy nhấn mạnh, trước tiên cha mẹ cần dạy con ứng xử tốt với bạn bè, giúp con trở thành một người bạn tốt và cần quan tâm, để ý xem con thường chơi với ai, chơi như thế nào để nếu thấy có dấu hiệu không tốt thì điều chỉnh một cách khéo léo.

Thạc sĩ Thúy khuyên: "Khi trẻ không may bị bạn xấu lôi kéo, cha mẹ cần bình tĩnh, không nên nổi nóng ngăn cấm hoặc đánh đập vì sẽ càng gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ hơn. Từ từ phân tích, khuyên nhủ, dành thời gian tâm sự, đi chơi, tạo việc tốt cùng làm với con để giảm thời gian con ở bên bạn xấu là cách làm tốt nhất".

Mỹ Quyên

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120822/Giup-con-chon-ban.aspx

Đà Nẵng: Khung học phí mới cao nhất 95 nghìn đồng/tháng

Posted: 22 Aug 2012 05:30 PM PDT

Học sinh Đà Nẵng vừa chính thức bắt đầu chương trình học của năm học mới từ ngày 21/8.

Ngoài HS bậc Tiểu học được miễn học phí, mức thu học phí mỗi tháng đối với 1 học sinh ở từng bậc học của từng vùng cụ thể như sau:

Theo quy định, Vùng 1 gồm các cơ sở giáo dục nằm trên địa bàn các Quận trung tâm TP Đà Nẵng gồm: Q. Thanh Khê và Q. Hải Châu; Vùng 2: Q. Sơn Trà, Q. Liên Chiểu; Vùng 3: Q. Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang (trừ các cơ sở giáo dục thuộc Vùng 4 gồm các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Phú, Hòa Ninh và Hòa Sơn thuộc huyện Hòa Vang).

Khánh Hiền

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-632942/da-nang-khung-hoc-phi-moi-cao-nhat-95-nghin-dongthang.htm

Comments