Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Quy định lượng SGK tối thiểu cho học sinh tiểu học

Posted: 21 Aug 2012 03:52 PM PDT

(GDTĐ) – Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố số lượng sách giáo khoa tối thiểu đối với mỗi học sinh tiểu học trong năm học 2012-2013. 


Theo đó, học sinh lớp 1, 2, 3, cần có 6 quyển sách, gồm: tiếng Việt (2 quyển, tập 1 và tập 2), vở tập viết (2 quyển: tập 1, tập 2), toán, tự nhiên và xã hội.

Học sinh lớp 4 và lớp 5 cần có 9 quyển: tiếng Việt (2 quyển, tập 1 và tập 2), toán, đạo đức, khoa học, lịch sử và địa lý, âm nhạc, mỹ thuật, kỹ thuật.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương chỉ đạo giáo viên hướng dẫn việc sử dụng sách, vở hằng ngày để học sinh không phải mang theo nhiều sách vở tới trường; huy động các nguồn kinh phí để thực hiện việc cấp sách giáo khoa, không thu tiền đối với học sinh ở địa bàn đặc biệt khó khăn, học sinh là con liệt sĩ, con thương binh; xây dựng tủ sách dùng chung; bảo đảm tất cả học sinh đều có SGK để học tập ngay khi bước vào năm học mới.

Bảo Minh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201208/Quy-dinh-luong-SGK-toi-thieu-cho-hoc-sinh-tieu-hoc-1963078/

Saigon Academy: Đột phá với “Phương án 0 tuổi”

Posted: 21 Aug 2012 03:52 PM PDT

Tại TP.HCM, Hệ thống Trường
Mầm non Saigon Academy (27AB Trần Nhật Duật, Q.1) là đơn vị đầu tiên được chuyển
giao bản quyền và ứng dụng “Phương án 0 tuổi” vào giảng dạy.

Tinh thần chủ đạo “học mà chơi, chơi mà học” đã giúp các bé của trường này đón
nhận nồng nhiệt ngoài dự kiến. Thậm chí, tuy ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần
được nghỉ nhưng nhiều bé vẫn đòi cha mẹ chở đến trường vì “ghiền” những hoạt
động ở đó.

Không khó áp dụng, hiệu quả rõ rệt

Cậu bé Trần Ngọc Châu Long, sinh năm 2004 tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An gây
xôn xao dư luận khi làm được phép toán dù mới lên 2, có khả năng đọc rành mạch
khi lên 3 tuổi. Ông Trần Ngọc Châu – cha của Long – chia sẻ “bí mật” về sự thần
đồng của bé, là nhờ ông đã áp dụng phương pháp giáo dục "Phương án 0 tuổi" cho
con mình.

Ông Châu cũng chỉ là một nông dân bình thường nhưng vẫn áp dụng hiệu quả phương
pháp giáo dục này. Điều đó cho thấy, “Phương án 0 tuổi” dễ dàng áp dụng rộng rãi
cho nhiều đối tượng phụ huynh.

Bé đang được thử tài thông minh của mình

Bà Nguyễn Thị Liên Khương- Tổng Giám đốc Hệ thống Trường Mầm non Saigon Academy
cho biết: “Cách đây gần 2 năm, tôi được tiếp xúc với chương trình “Phương án 0
tuổi” của Giáo sư Feng De Quan (Trung Quốc), thấy rất hay nên đã lên kế hoạch để
có thể ứng dụng tại trường mầm non tại VN."

Bà Khương cũng chia sẻ, "Để làm được điều này, chúng tôi phải mua bản quyền, đào
tạo giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất phù hợp. Dù mới chính thức áp dụng được
hơn 2 tháng, nhưng tín hiệu ban đầu cho thấy, phương pháp giáo dục mới này rất
phù hợp và tạo được hiệu quả rõ rệt”.

Phương pháo giáo dục trẻ theo cách truyền thống và theo “Phương án 0 tuổi” có
nhiều khác biệt. Trong khi phương pháp giáo dục trẻ truyền thống chưa đánh giá
cao tiềm năng phát triển của trẻ giai đoạn dưới 3 tuổi, chỉ để trẻ phát tiển một
cách tự nhiên, thì “Phương án 0 tuổi” lại tập trung mạnh vào sự phát triển của
trẻ trong 3 năm đầu đời.

Học như chơi

Quan sát tại Trường Mầm non Saigon Academy, phụ huynh có thể thấy hầu hết các
đứa trẻ dưới 3 tuổi nhận diện rất nhanh về màu sắc, thẻ chữ, hình khối, gọi tên
sự vật hay hiện tượng xung quanh một cách chính xác – điều mà phương pháp giáo
dục truyền thống theo kiểu “để cho trẻ dưới 3 tuổi phát triển một cách tự nhiên”
khó mà đạt được.

Bà Nguyễn Thị Liên Khương chia sẻ: “Điều khiến tôi hài lòng nhất với ‘Phương án
0 tuổi’ là giải quyết được vấn đề mà bất kì nhà sư phạm mầm non nào cũng muốn:
trẻ được học một cách nhẹ nhàng, vui vẻ, hào hứng.

Một góc sân chơi của các bé tại Trường Saigon Academy

Ở Trường Mầm non Saigon Academy, hầu như hoạt động học tập nào cũng được thể
hiện dưới dạng trò chơi. Bé nhận diện màu sắc bằng việc tự tay làm sương sa, hột
lựu; bé nhận biết hình khối bằng việc tự đúc rau câu; bé tìm hiểu vạn vật tự
nhiên bằng những chuyến “thám hiểm” ở khu vườn trong khuôn viên nhà trường…”.

TS Nguyễn Minh Đức (Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục trẻ thông minh sớm VSK)
khẳng định: “Dấu ấn ban đầu quyết định cả tương lai của bé sau này. Phụ huynh có
6 năm, hoặc là đầu tư để kích hoạt tiềm năng cho trẻ trong thời kì này, hoặc là
phải chấp nhận việc con bị thiệt thòi, vì sau này, có đầu tư cũng bị trễ. Vì các
bé còn ở tuổi chơi hơn là tuổi học, nên việc vận dụng giáo trình “Phương án 0
tuổi” vào giảng dạy là hợp lý và hiệu quả”.

Cha mẹ học cùng bé

“Phương án 0 tuổi” có tất cả 15 nội dung cụ thể và 109 mục hoạt động giáo dục
tham khảo, có thể áp dụng trong môi trường nhà trường, gia đình, ngoài xã hội.
Khi đó, phụ huynh, giáo viên có nhiều phương án để giúp trẻ chơi một cách “có
chủ đích”, tức lồng ghép kiến thức vào việc chơi của trẻ. Vì vậy, ngoài chương
trình giảng dạy chính khóa cho các bé tại trường, Trường Mầm non Saigon Academy
đã chủ động soạn những gói giáo án “Phương án 0 tuổi” dành cho phụ huynh, thời
gian sắp tới sẽ tổ chức những lớp học ngắn "Mẹ và bé" vào cuối tuần (khoảng 2
tiếng đồng hồ) để phụ huynh có thể áp dụng cùng chơi và dạy cho bé tại nhà.

Nhà trường cũng đang chuyển thể giáo án này thành những nội dung dễ hiểu, dành
cho những phụ huynh có trẻ từ 0-1 tuổi (độ tuổi chưa thể đến trường) để bé sớm
được tiếp cận phương pháp tiên tiến nêu trên.

Các bé đang được lấy dấu vân tay để xét tặng học bổng tại Trường Mầm non
Saigon Academy

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả trong việc áp dụng “Phương án 0 tuổi”, vào hai
ngày 18 và 19 tháng 8, Trường Mầm non Saigon Academy đã phối hợp cùng với Trung
tâm Unesco Văn hóa giáo dục đào tạo và Công ty Vietnam Multiple Intelligence
Test (VMIT) tổ chức Ngày hội xét duyệt 100 suất học bổng dành cho gần 400 bé ở
độ tuổi từ 2-5 với tên gọi “Dự án Học bổng trải nghiệm Phương án 0 tuổi”.

Các bé được lấy dấu vân tay qua thiết bị điện tử (được kết nối với máy tính).
Dựa trên cơ sở sinh trắc học vân tay, nhà trường sẽ chọn những bé thể hiện năng
khiếu đặc biệt (thông qua đặc điểm của vân tay) để trao 100 suất học bổng cho
100 bé. Các bé được chọn sẽ theo học chương trình “Phương án 0 tuổi”.

Sau thời gian một tháng, nhà trường sẽ rà soát lại việc kích hoạt tài năng của
trẻ, để tiếp tục xét tặng những gói học bổng khác.

Hai bố con cùng tham dự bài kiểm tra trong chương trình xét tặng 100 suất
học bổng tại Trường Mầm non Saigon Academy

Bà Nguyễn Thị Liên Khương lạc quan: “Một số nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ,
Canada, Nhật, Singapore, Trung Quốc … đã áp dụng thành công “Phương án 0
tuổi”. Tuy mới ứng dụng Phương án 0 tuổi tại VN nhưng rõ rệt nhất là trẻ hoàn
toàn hào hứng với chương trình học và bước đầu cũng đã mang lại một số hiệu quả
nhất định. Tôi hy vọng trong tương lai có thật nhiều trẻ em Việt Nam được trải
nghiệm phương pháp giáo dục ưu việt này, để thực sự tạo được sự đột phá trong
ngành sư phạm mầm non”.

  • Quang Anh

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/85372/saigon-academy--dot-pha-voi--phuong-an-0-tuoi-.html

Muốn nộp NV2 vào 3 trường ĐH, phải làm thế nào?

Posted: 21 Aug 2012 03:52 PM PDT

 

Em thi ĐH Nội Vụ ngành Quản trị nhân lực em được 14,5đ đã cộng điểm khu vựcđiểm chuẩn của ngành quản trị nhân lực là 14,5đ như vậy có phải là em đã chắc chắn đỗ vào trường rồi không?Em đã xem danh sách trúng tuyển hệ ĐH của trường nhưng không có tên em mà lại nằm trong danh sách trúng tuyển hệ CĐ của trường. Em rất thắc mắc tại sao lại như vậy? (bebudangyeu_t94@yahoo.com.vn)

Chắc chắn có sự nhầm lẫn nào đó. Em liên hệ với phòng đào tạo của nhà trường để hỏi vì không thể đủ điểm đỗ ĐH mà danh sách trúng tuyển lại ở hệ CĐ.

Năm nay em thi khối B vào ĐH Y Thái Nguyên, em được 15 điểm (chưa cộng ưu tiên khu vực 1). Em muốn nguyện vọng vào ĐH Khoa học thái nguyên thì nhà trường sẽ tự chuyển điểm cho em hay em phải làm thủ tục xét nguyện vọng? Nếu phải làm thủ tục thì cần chuẩn bị những gì ạ? (quyet.cfc@gmail.com)

Em vẫn làm hồ sơ xét tuyển NV2 bình thường, nhà trường sẽ không tự chuyển cho em. Thông tin về thủ tục xét tuyển em xem trên trang web của nhà trường.

Năm nay em thi lại đại học nhưng không đâu. Em là thí sinh tự do. Khi làm hồ sơ em nộp tại trường đại học vậy cho em hỏi 2 giấy chứng nhận điểm thi của em sẽ được gửi về theo địa chỉ trong phong bì hay em có thể lên trường đại học em nộp nhận giấy được không?và khi nào các trường bắt đầu phát giấy? (huongmxalwhy@gmail.com)

Thường sau khi công bố điểm thi nhà trường sẽ gửi kết quả theo phong bì thí sinh đã nộp. Nếu chưa nhận được, em có thể lên phòng tuyển sinh của nhà trường để nhận giấy báo điểm vì em nộp tại trường.

Em thi tuyển vào Viện ĐH Mở Hà Nội được 14 điểm khối D1 khoa QTKD. Hệ số Tiếng Anh nhân đôi em tính được 20 điểm. Trường công bố điểm chuyên ngành em thi là: 18 điểm. Em đến nơi nộp hồ sơ thi (trường THPT) và nhận được Giấy chứng nhận kết quả thi đại học chứ không phải Giấy báo trúng tuyển. Trường em thi nhờ là Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Xin ban tư vấn cho em biết nếu thế thì em không đỗ? Và em phải làm gì? (vangthanhdat@gmail.com)

Sau khi thi xong, ĐH Văn hóa Hà Nội sẽ trả kết quả thi nhờ của thí sinh về trường mà thí sinh đã đăng ký NV1. Em nên lên phòng đào tạo của Viện ĐH Mở để hỏi lại kết quả của em để nhà trường xem xét có bị nhầm lẫn hay không nhé.

Em muốn nộp nguyện vọng 2 vào 3 trường đại học, nhưng cả 3 trường đều cần bản gốc thì em phải làm thế nào? (84978199313@mms.viettelmobile.com.vn)

Em chỉ được chọn 1 trường để nộp.

Năm nay em thi vào trường Đại học Thương mại và được 13,5 điểm (đã cộng điểm khu vực). Em muốn học hệ Cao đẳng của trường, em sẽ phải làm hồ sơ và nộp hay nhà trường sẽ tự xét em xuống hệ Cao đẳng? Và nếu trong trường hợp 2 thì đến bao giờ em sẽ được đi học? (hakuseiji.94@gmail.com)

Em phải nộp hồ sơ xét tuyển vào trường theo quy định chứ nhà trường không tự xét cho em. Thông tin chi tiết về xét tuyển hệ CĐ nhà trường đã thông báo trên trang web của trường, em vào đó để tìm hiểu chi tiết nhé.

Em năm nay thi ĐH khối D được 11 điểm và CĐ kinh tế đối ngoại được 16 điểm. Em rớt cả 2 trường trên. Vậy Ban tư vấn tuyển sinh cho em hỏi là với điểm cao đẳng như vậy thì em có thể xét tuyển nguyện vọng vào trường cao đẳng nào nào? (s2.star29@gmail.com)

Có rất nhiều trường CĐ thông báo xét tuyển với mức điểm chỉ bằng điểm sàn của Bộ và tuyển nhiều khối D. Do vậy, em cần nghiên cứu lại trong cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh 2012" để xem thích trường nào và vào trang web trường đó để tìm hiểu thông tin xét tuyển vì mức điểm của em cũng trên điểm sàn nên nhiều cơ hội trúng tuyển.

Em thi CĐ được 18,5đ ĐH được 12,5đ đều khối A và đã cộng điểm KV. Vậy em nên xét tuyển vào ngành QTKD hệ cao đẳng của trường nào là tốt nhất? (nguyenduongnhuthd@gmail.com)

Hiện nay, số lượng trường đào tạo ngành Quản trị kinh doanh rất nhiều. Để lựa chọn trường nào đào tạo tốt nhất cũng khó vì các trường thực hiện đào tạo theo khung chương trình của Bộ GD-ĐT giống nhau tới 60% số lượng kiến thức. Tuy nhiên, theo Ban tư vấn, em nên nộp hồ sơ vào trường CĐ chuyên đào tạo về kinh tế thì sẽ tốt hơn hoặc hệ CĐ của các trường ĐH đào tạo về kinh tế như hệ CĐ trường ĐH Thương Mại, CĐ Kinh tế thương mại, CĐ Quản trị kinh doanh… Em xem danh sách các trường ở cuốn Những điều cần biết.

Em thi cao đẳng của đề thi cao đẳng, vậy có trường nào xét điểm từ đề thi cao đẳng hay không? (minah.dbsk5@gmail.com)

Hầu hết các trường CĐ đều xét tuyển theo điểm thi CĐ. Quan trọng mức điểm của em có bằng điểm sàn để tham gia xét tuyển hay không?

Tôi có cháu dự thi khoa Luật thương mại quốc tế khối D1 cháu đạt 18,5 điểm nhưng khoa cháu dự thi điểm chuẩn năm nay là 20 điểm. Xin hỏi trường có hạ điểm chuẩn khoa này không? Nếu hạ là bao nhiêu điểm? Cháu có thể chuyển điểm sang các khoa luật khác của trường được không? Thủ tục làm như thế nào? (nguyenlam16021974@gmail.com)

Trường không hạ điểm chuẩn vì khi đưa ra mức điểm chuẩn đó nhà trường dựa trên kết quả điểm thi của thí sinh lấy từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu. Cháu có thể chuyển sang khoa khác của trường với điều kiện cùng khối thi và khoa đó còn thiếu chỉ tiêu, thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Nếu trường xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ thông báo trên trang web của trường về chỉ tiêu, mức điểm xét tuyển và thủ tục làm hồ sơ. Bác cần vào trang web của trường để tìm hiểu kỹ hơn tránh để mất cơ hội cho cháu vì điểm của cháu đạt được cũng cao. Nếu không có bác nộp hồ sơ xét tuyển sang trường khác có cùng khối thi và mức điểm nhận hồ sơ phù hợp.

Em thi ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Thái nguyên được 10 điểm. Trong trường có hệ cao đẳng công nghệ thông tin, em muốn học thì có phải làm giấy NV2 không? hay là trường sẽ gọi đi học hệ cao đẳng? (haohao1963@gmail.com)

Em làm hồ sơ xét tuyển bình thường vào hệ CĐ chứ trường không chuyển điểm cho em xuống hệ cao đẳng.

Năm nay em thi vào trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM và em đã trúng tuyển NV1, trường đã thông báo thời gian nộp hồ sơ nhập học là 20/8 – 22/8. Nơi đăng kí dự thi là trường THPT Bà Điểm và em đăng ký là gửi giấy báo về trường, đến nay em vẫn chưa nhận được. Vậy nếu sau ngày 22/8 mà em vẫn chưa nhận được giấy trúng tuyển thì em phải làm sao. Giấy báo trúng tuyển có thời hạn là bao nhiêu ngày? Và nếu em nhận được giấy sau ngày 22/8 thì em có được nộp hồ sơ tiếp vào trường hay không? (lee_shawran25_3@yahoo.com)

Thường mỗi trường quy định sau 10 ngày thông báo nhập học mà không thấy thí sinh đến nhập nhà trường sẽ hủy kết quả. Tuy nhiên, nếu em đã trúng tuyển vào trường rồi thì đến ngày nhập học em cứ đến trường để nhập vì em có tên trong danh sách trúng tuyển, nhà trường sẽ giải quyết cho em. Còn thủ tục nhập học, nhà trường đã thông báo trên trang web của trường, em xem ở đó.

Em thi trường ĐH Nông nghiệp 1 HN khối A được 10,5 điểm, giờ em muốn học hệ cao đẳng ở ĐH Thương mại có được không? Em chỉ biết trường ĐH Thương mại điểm chuẩn hệ cao đẳng chỉ có 10 điểm.. Vậy em có đỗ hệ CĐ ở ĐH Thương mại không? (nguyenvietuoc92@gmail.com)

Em đủ điểm để nộp hồ sơ xét tuyển vào hệ CĐ của trường ĐH Thương Mại. Tuy nhiên, em lưu ý, chỉ tiêu xét tuyển hệ CĐ của trường rất ít. Mức điểm của em rất khó có khả năng trúng tuyển vì trường lấy điểm từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu. Em nên thường xuyên vào trang web của trường để theo dõi tình hình nhận hồ sơ xét tuyển nếu thấy khả năng khó đỗ thì nên rút nhanh hồ sơ để xét tuyển sang trường khác.

Ban tư vấn tuyển sinh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-632512/muon-nop-nv2-vao-3-truong-dh-phai-lam-the-nao.htm

179 Chương trình liên kết đào tạo được cấp phép

Posted: 21 Aug 2012 03:51 PM PDT

(GDTĐ)-Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GDĐT) thông báo danh mục các chương trình liên kết đào tạo đã được Bộ GDĐT phê duyệt được cập nhật đến ngày 11/8/2012.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, có tổng số 200 chương trình liên kết. Trong số này chỉ có 179 chương trình đang hoạt động, còn lại, 15 chương trình đã dừng tuyển sinh và 6 chương trình đã hết hạn hoạt động.

Các chương trình đã dừng tuyển sinh gồm:

Chương trình liên kết đào tạo cử nhân Quản trị kinh doanh giữa ĐH Bách khoa Hà Nội với trường ĐH Northcentral (NCU) – Hoa Kỳ;

Chương trình liên kết đào tạo kỹ cư Công nghệ Hóa học giữa ĐH Bách khoa Hà Nội với ĐH Otto-von-Guericke Magdeburg (OvGU).

Chương trình liên kết đào tạo Cử nhân Tin học và Kỹ thuật tính toán – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Kỹ thuật Điện St.Petecbua 9Nga).

Chương trình liên kết đào tạo cử nhân Hán ngữ văn học giữa Trường ĐH Tôn Đức Thắng với Trường ĐH Sư phạm Quảng Tây – Trung Quốc.

Chương trình liên kết đào tạo thạc sỹ Kinh doanh Quốc tế giữa Trường ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí

Minh và Trường ĐH Curtin (Úc).

Chương trình liên kết đào tạo cấp chứng chỉ Điều hành doanh nghiệp giữa Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP. Hồ Chí Minh với Trường Kinh tế và Quản trị Solvay Brussels – ĐH Libre de (Bỉ).

Chương trình liên kết đào tạo CĐ, cử nhân Quản trị Kinh doanh giữa Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP. Hồ Chí Minh với Trường ĐH Utica (Hoa Kỳ).

Chương trình liên kết đào tạo CĐ Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Quản trị khách sạn – Du lịch giữa Trường ĐH Lạc Hồng và Trường Cao đẳng Guildhall (Anh).

Chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ Quản trị chất lượng giữa Trường ĐH Mở TP. HCM và Trường ĐH Nam Toulon Var (Pháp).

Chương trình liên kết đào tạo cử nhân Kinh doanh, Công nghệ thông tin giữa Trường ĐH Mở TP. HCM và Trường ĐH Công nghệ Swinburne (Úc).

Chương trình liên kết đào tạo Licence Général Luật, Kinh tế và Quản lí – Trường ĐH Fraincois Rabelais

de Tours (Pháp) và Trường ĐH Ngoại thương.

Chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ Quản trị kinh doanh giữa Trường ĐH Ngoại thương và Trường Quản lý BI (Na Uy).

Chương trình liên kết đào tạo Licence Professionelle Quản trị chất lượng giữa Trường ĐH Thương mại và Trường ĐH Nam Toulon Var (Pháp).

Chương trình liên kết đào tạo Trung cấp Kỹ thuật Hệ thống máy tính – Trường Trung cấp Đa ngành

Vạn Xuân và Học viện Gordon TAFE (Úc).

Chương trình liên kết đào tạo Post graduate Giảng dạy Tiếng Anh – TT SEAMEO RETRAC HCM và SEAMEO RELC (Singapore).

Các chương trình đã hết hạn hoạt động gồm:

Chương trình liên kết đào tạo cử nhân Khoa học và Công nghệ, ngành Toán học giữa Trường ĐH Hoa Sen và Trường ĐH Claude Bernard Lyon I.

Chương trình liên kết đào tạo cử nhân Khoa học và Công nghệ, ngành Toán học giữa ĐH Kinh tế quốc dân với Trường ĐH Claude Bernard Lyon I.

Chương trình liên kết đào tạo thạc sỹ Thực hành Khoa học, Công nghệ, Y tế ngành Định phí Bảo hiểm và Tài chính giữa Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Trường ĐH Tổng hợp Claude Bernard Lyon 1.

Chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ thực hành Kinh tế tri thức và lãnh thổ giữa Trường ĐH Thương mại và Trường ĐH Nam Toulon Var (Pháp).

Chương trình liên kết đào tạo Licence Professionelle ngành Ngân hàng – Bảo hiểm giữa Trường ĐH Thương mại và Trường ĐH Địa Trung Hải Aix – Marseille (Pháp).

Chương trình liên kết đào tạo Cử nhân Công nghệ thông tin – Viện ĐH Mở Hà Nội và Trường ĐH Công nghệ quốc gia MATI.

Xem chi tiết danh mục 200 chương trình tại đây.
Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201208/179-Chuong-trinh-lien-ket-dao-tao-duoc-cap-phep-1963077/

Cô giáo tự tử trước lãnh đạo bị cấm đến trường?

Posted: 21 Aug 2012 03:51 PM PDT

- Sau 4 ngày điều trị tại bệnh viện quận Thủ Đức, ngày 18/8 cô Lý Kim Liên -
người đã tự tử bằng chai thuốc rầy trước mặt lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức
đã xuất viện. Tuy nhiên, từ ngày 18/8 đến nay cô không biết mình sẽ công tác ở
đâu. Đến Trường Tiểu học Đặng Văn Bất thì không được vào…

Vì nhớ trường, nhớ lớp nên sáng ngày 20/8, cô Liên đến Trường Tiểu học Đặng

Văn Bất để gặp lãnh đạo nhà trường hỏi về công việc của mình, đồng thời trả lại
số tiền viện phí còn thừa trước đó, nhưng tại đây cô Liên đã bị Hiệu phó và Hiệu
trưởng Trường Tiểu học Đặng Văn Bất cấm không cho đến trường.

Lãnh đạo Trường Tiểu học Đặng Văn Bất "cấm cửa" giáo viên Lý Kim Liên trở lại
trường

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Văn Bất Thầy Hoàng Xuân Nhượng cho hay:
cô Liên không nên đến trường vì đã có quyết định chuyển cô về trường mới, nếu
có thắc mắc gì liên hệ với phòng Giáo dục đào tạo trên quận để giải quyết, hiện
tại cô không còn liên quan gì đến nhà trường cũ nữa (?)

“Việc cô Liên đến trường sẽ gây rối loạn tâm lý cho phụ huynh và học sinh.
Còn hiệu trưởng Phạm Thị Mười thì ra lệnh cho bảo vệ, từ nay không được phép cho
cô Liên vào trường nữa”
- lời ông Nhượng.

Sáng 20/8 khi không ngăn nổi cô Liên vào trường, hai lãnh đạo này đã nhờ công
an phường và bảo vệ theo sát từng bước chân của cô.

"Tôi đến để hỏi về việc công tác, ngoài việc giảng dạy ở trường tôi còn là
phụ huynh (con gái cô Liên đang học tại trường) nhưng họ đã nghiêm cấm tôi, thậm
chí lãnh đạo nhà trường còn cho người theo dõi, như thể tôi sẽ làm điều gì ảnh
hưởng đến nhà trường"
- Cô Liên bức xúc.

Cũng trong ngày 20/8 UBND quận Thủ Đức đã có giấy mời cô Liên đến làm việc về
quyết định công tác mới. Tại đây bà Lê Thị Trong – trưởng Phòng Nội vụ quận và
cô Nguyễn Thị Tốt – phó Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức tiếp tục động viên, đồng thời
thuyết phục cô Liên nên chuyển về Trường Tiểu học Nguyễn Văn Banh công tác như
đã ra quyết định đã ra trước đó.

Nhưng cô Lý Kim Liên đã không đồng ý và một mực bày tỏ nguyện vọng của mình
muốn được về dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (cô Liên đã 4 lần làm
đơn xin được về trường cũ – PV)
còn nếu không thì xin được ở lại Trường Tiểu
học Đặng Văn Bất chứ không thể chuyển đến Trường Tiểu học Nguyễn Văn Banh.

Không thể thuyết phục được cô Liên nhận quyết định mới, đại diện quận Thủ Đức
đề nghị cô Liên ở nhà nghỉ ngơi, dưỡng bệnh trong tuần này, chờ trong tuần tới
Quận sẽ tiếp tục mời cô lên làm việc.

"Tôi cũng ý thức được rằng mình là giáo viên nên đầu năm đã chuẩn bị mọi
thứ cho năm học mới. Đối với giáo viên, khoảng thời gian đầu năm như nhận lớp,
vào sổ, họp phụ huynh quan trọng lắm chứ, nhưng hiện giờ tôi không biết mình sẽ
công tác ở đâu"
– cô Liên cho biết.

Sáng 21/8, PV VietNamNet đã liên hệ với thầy Hoàng Xuân Nhượng, phó
hiệu trưởng trường Đặng Văn Bất để tìm hiểu rõ sự việc, tuy nhiên thầy Nhượng đã
từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến cô Liên; còn cô hiệu trưởng Phạm Thị
Mười cũng không nghe điện thoại.

Trao đổi với VietNamNet, nếu tuần tới vẫn nhận được chuyển về Trường
Tiểu học Nguyễn Văn Banh, cô Liên cho rằng: "Ở độ tuổi tôi nếu bắt đầu lại
mọi thứ sẽ rất khó khăn, tôi đã phản ứng quyết định bằng việc uống thuốc tự tử
trước đó, nếu Quận vẫn tiếp tục muốn tôi chuyển về trường mới, chẳng khác nào họ
đang ép tôi làm chuyện ấy lần thứ 2".

  • Lê Huyền

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/85434/co-giao-tu-tu-truoc-lanh-dao-bi-cam-den-truong-.html

Thái Nguyên: Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

Posted: 21 Aug 2012 03:50 PM PDT

(GDTĐ) – Sáng 21/8, Sở GDĐT Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2011-2012, triển khai nhiệm vụ năm học 2012-2013. Tham dự hội nghị có Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên Phạm Xuân Đương, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cùng đại biểu đại diện vụ, cục thuộc Bộ GDĐT, đại diện đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên và các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong tỉnh.

Các đại biểu tham gia hội nghị
Các đại biểu tham gia hội nghị

Năm học 2011-2012, ngành GDĐT Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Ngành đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh thông qua việc xây dựng nhiều đề án, kế hoạch. Có sự chuyển biến lớn trong nhận thức và hành động của đội ngũ, thực hiện có hiệu quả đổi mới công tác quản lý và kiểm tra đánh giá; nền nếp, kỉ cương trong dạy học được tăng cường. Bước đầu hình thành ngân hàng đề thi trong cấp học phổ thông.

Số lượng, chất lượng học sinh ra lớp được giữ vững và nâng cao, tỉ lệ học sinh bỏ học giảm, kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phố cập THCS cơ bản được giữ vững, phổ cập mầm non 5 tuổi được đặc biệt chú ý. Tăng cường chỉ đạo và bám sát cơ sở, tạo sự đồng đều trong đổi mới công tác quản lý, dạy học ở tất cả các cấp học và vùng miền.

Mạng lưới trường lớp tiếp tục phát triển theo quy hoạch. Số lượng và chất lượng học sinh học 2 buổi/ 1 ngày tăng, số trường đạt chuẩn quốc gia, thư viện đạt chuẩn tăng hơn so với năm học trước.

Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT tăng. Số lượng, chất lượng giải học sinh giỏi cấp quốc gia và cấp tỉnh đạt cao.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp giảng dạy và quản lý giáo dục, chú trọng đầu tư hạ tầng CNTT và trang thiết bị hiện đại để phục vụ giảng dạy, quản lý và đổi mới công tác cải cách hành chính.

Số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ QLGD tăng hơn so với năm học trước, công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ được đẩy mạnh, tỉ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn cao.

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và thanh tra giáo dục được tăng cường. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được toàn ngành hưởng ứng tích cực, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của tất cả các cán bộ giáo viên.

Công tác cơ sở vật chất, tài chính, chế độ chính sách được quan tâm kịp thời, đúng quy định của Nhà nước, phục vụ tốt cho việc dạy, học và đời sống giáo viên.

Phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" được phát huy tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục nhân cách, kĩ năng sống và các giá trị truyền thống cho học sinh…

Tuy nhiên, ngành GD-ĐT Thái Nguyên còn gặp một số hạn chế như: Tỉ lệ học sinh yếu, học sinh bỏ học, trẻ suy dinh dưỡng ở các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa còn cao. Cơ sở vật chất, thiết bị, điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn. Phong trào xây dựng trường hoc thân thiện, học sinh tích cực có chuyển biến tích cực nhưng chưa được chú trọng đúng mức; nhiều trường học chưa thân thiện, chưa sạch sẽ gọn gàng. Phân cấp QLGD còn chưa triệt để, chưa phát huy được hết quyền và trách nhiệm. Nhiều trung tâm học tập cộng đồng ở các địa phương chỉ mới quan tâm về số lượng, chưa thực sự đi sâu vào chất lượng. Một bộ phận đội ngũ cán bộ QLGD, GV còn thiếu tinh thần trách nhiệm, chậm đổi mới trong phương pháp dạy học và phương pháp kiểm tra đánh giá. Công tác xã hội hóa GD còn nhiều khó khăn hạn chế. Công tác tuyển sinh của các trường cao đẳng, TCCN gặp khó khăn, một số ngành có rất ít học sinh theo học, nguồn tuyển là HS chưa tốt nghiệp THPT chưa được quan tâm đúng mức…

Trong năm học 2012-2013 sắp tới, ngành GD-ĐT Thái Nguyên đã đề ra các phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Tăng cường công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để cụ thể hóa và triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; Quyết định số 711/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển GD giai đoạn 2011-2020; Nghị định số 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định trách nhiệm quả lý nhà nước về GD; Chương trình phát triển GDĐT giai đoạn 2011-2015 của UBND tỉnh.

Tiếp tục triển khai thực hiện chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh trong các hoạt động học tập và rèn luyện của học sinh, giáo viên. Tổng kết 5 năm phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" và cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo".

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác QLGD, đổi mới phương pháp dạy học gắn liền với đổi mới kiểm tra đánh giá. Tiến hành đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng GD ở tất cả các cấp học. Đẩy mạnh phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố và nâng cao chất lượng kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS.

Nâng cao chất lượng đào tạo và thành tích mũi nhọn, kết hợp tăng cường chỉ đạo GD vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao dân trí, nâng cao chất lương GD, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí.

Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Đẩy mạnh công tác khảo thí và kiểm định chất lượng GD các cấp. Tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học, quản lý và công tác cải cách hành chính trường học.


Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao thành tích mà ngành GD-ĐT Thái Nguyên đã đạt được trong năm học 2011-2012. Trong năm học vừa qua, số lượng GV mầm non được vào biên chế đã tăng lên. Việc phát triển trường lớp, phòng học đã được chú trọng, tỉnh đã có thêm các trường THPT, PTDTNT. Cơ sở vật chất được nâng cao, việc kiên cố hóa trường lớp học được thực hiện tốt. Thái Nguyên là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc nên việc bồi dưỡng tiếng dân tộc cho GV là điều cần thiết và tỉnh đã làm tốt điều này. Việc áp dụng CNTT vào giảng dạy ở Thái Nguyên được thực hiện tốt và là một trong những tỉnh có thành tích xuất sắc. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chúc mừng thành tích và ghi nhận những cố gắng mà ngành GD-ĐT Thái Nguyên đã đạt đươc trong năm học vừa qua, cảm ơn Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã dành cho giáo dục những ưu tiên quý giá.

Thứ trưởng nhấn mạnh những nhiệm vụ mà ngành GD-ĐT Thái Nguyên cần tiếp tục triển khai trong năm học tới, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh việc "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh", cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Đây phải là những việc làm thường xuyên, phải tạo được nhiều chuyển biến sâu rộng, có hiệu quả tích cực. Việc phổ cập GD theo Chỉ thị số 10-CT/TW của Chính phủ là rất quan trọng. Phổ cập GD không bao giờ thừa, trong tỉnh Thái Nguyên vẫn có huyện chưa đạt phổ cập tiểu học đúng độ tuổi nên trong năm học tới cần nhiều cố gắng. Việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi cũng rất quan trọng, Thái Nguyên cần thực hiện phổ cập trước năm 2014. Thứ trưởng lưu ý việc thực hiện mô hình trường tiểu học mới, thực hiện phương pháp "bàn tay nặn bột", hướng học sinh đến việc tự tìm tòi kiến thức, tránh tình trạng học một chiều. Thứ trưởng đề nghị quan tâm đặt biệt đến công tác xóa mù chữ, phát triển hệ thống trường lớp, đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia…


Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tặng Cờ thi đua của Bộ GDĐT cho Sở GDĐT Thái Nguyên

Tại Hội nghị, thay mặt cho lãnh đạo Bộ GDĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã tặng cờ thi đua đơn vị tiêu biểu xuất sắc cho ngành GD-ĐT Thái Nguyên, trao kỉ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục cho lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.

Phát huy những thành quả đã đạt được trong năm học 2011-2012, với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục của tất cả các cán bộ, giáo viên, ngành GD-ĐT Thái Nguyên nhất định sẽ gặt hái được những thành tựu trong năm học mới, xứng đáng với vị thế là một trung tâm vùng của GD-ĐT.

Việt Cường

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201208/Thai-Nguyen-Trien-khai-dong-bo-cac-giai-phap-nang-cao-chat-luong-giao-duc-1963084/

Ngắm vẻ đẹp của nữ thủ khoa Sư phạm

Posted: 21 Aug 2012 03:49 PM PDT

- Ngoài danh hiệu thủ khoa đầu ra – Vũ Hồng Nhung còn là Á khôi 2 trong cuộc
thi Miss HNUE 2010 (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Nhung vừa là thủ khoa đầu vào hệ
cử nhân chất lượng cao ngành Sư phạm Ngữ văn, vừa là thủ khoa xuất sắc của
trường năm 2012.

Nhung sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều làm giáo viên.

Từ tiểu học, Hồng Nhung rất mê học Toán. Nhưng càng học lên cao, cô bạn quê
gốc ở Vụ Bản, Nam Định thêm sở thích học môn Văn.

Thi vào lớp 10,
Nhung là thủ khoa khối chuyên Văn của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam
Định.

Nhờ biết tự học và thường xuyên trau dồi kiến thức cũng như kỹ năng thực hành
nên cô bạn vẫn tiếp tục chứng tỏ khả năng khi theo học chuyên ngành Sư phạm Ngữ
văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Nhung vừa là thủ khoa đầu vào hệ cử nhân chất lượng cao ngành Sư phạm Ngữ
văn, vừa là thủ khoa xuất sắc của trường năm 2012.

Ngoài thành tích học tập khiến nhiều bạn đồng lứa ngưỡng mộ – năm 2010, Hồng
Nhung là Á khôi 2 trong cuộc thi hoa khôi sinh viên của Trường ĐH Sư phạm
Hà Nội (Miss HNUE).

Ngắm vẻ đẹp của nữ thủ khoa xuất sắc:

Hình ảnh Hồng Nhung trong cuộc thi hoa khôi sinh viên của Trường ĐH Sư
phạm Hà Nội (Miss HNUE) năm 2010. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

 

 

Hồng Nhung tươi tắn trong trang phục tới trường.


Hồng Nhung dịu dàng trong trang phục áo dài

  • Văn Chung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/85396/ngam-ve-dep-cua-nu-thu-khoa-su-pham.html

Chuyện về “cô giáo tiểu học xuất sắc nhất TPHCM”

Posted: 21 Aug 2012 03:49 PM PDT

Không tiếc lời khen ngợi học trò

Có lẽ ít nơi nào mà học trò lại thường xuyên nhận được nhiều lời khen ngợi như lớp cô Thùy, tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Kịp (Q. Tân Bình, TPHCM). Không chỉ với học trò giỏi, ngoan mà ngay với các em nghịch ngợm, mất trật tự hay cá biệt, cô cũng không tiếc những lời khen, thậm chí là sự ưu ái. "Nhiều em nghịch ngợm, quậy phá vì đang cần cô chú ý đến mình, nên khi cô giáo quan tâm, yêu thương các em sẽ hết nghịch. Hiểu được tâm lý trẻ thì sẽ hạn chế được biểu hiện tiêu cực của trẻ", cô Thùy nói.

Cô Phạm Thị Thùy cùng học trò tìm hiểu kiến thức qua sách báo.
Cô Phạm Thị Thùy cùng học trò tìm hiểu kiến thức qua sách báo.

Cô cũng nhẹ nhàng phân tích cho trò khác hiểu, những bạn nghịch ngợm cũng chỉ là đặc tính của từng người, như bạn nói nhiều, bạn ít nói, người hay chạy, người thích yên tĩnh… để các em không "tỵ" khi thắc mắc “các bạn nghịch mà sao cô không mắng”.

Tôn trọng "lăng kính" của học trò

Một trong những phương pháp giáo dục mà cô Thùy tâm đắc nhất là dạy học theo hướng cá thể hóa cho dù thực hiện điều này được với 40 – 50 em trong lớp không phải là việc dễ dàng, đòi hỏi người dạy không chỉ chăm chỉ mà còn phải đầu tư công sức cũng như nhìn nhận được thế mạnh, khả năng của từng em.

Trong lớp cô Thùy, có nhóm "chuyên gia" trong từng lĩnh vực như Toán, Văn, Địa lý, Lịch sử… Nhóm này sẽ hỗ trợ các bạn còn lại về lĩnh vực của mình và khi họ gặp khó khăn trong các lĩnh vực ngoài “chuyên môn” lại "gõ cửa" nhờ nhóm khác giúp đỡ. Nhờ thế, các em rất thích thú vì vừa được thể hiện mình vừa nhận được sự giúp đỡ, học trò trong lớp chia sẻ và gắn kết với nhau hơn. Trong giờ học, những em học giỏi làm bài xong trước được khuyến khích hỏi thăm bạn nào chưa hiểu cách làm để trao đổi, hướng dẫn cho bạn.

Mỗi tiết học của cô giáo Phạm Thị Thùy đều được cụ thể bằng các trò chơi, trải nghiệm thực tế.
Mỗi tiết học của cô giáo Phạm Thị Thùy đều được cụ thể bằng các trò chơi, trải nghiệm thực tế. Trong ảnh: Cô Thùy tổ chức cho học trò múa cồng chiêng để tìm hiểu về văn hóa Tây Nguyên).

Nhiều tiết học của cô Thùy được "biến tấu" dưới các dạng trò chơi. Như tiết Toán tổ chức dạng mô phỏng cách thức trò chơi Đường Lên đỉnh Olympia mà cô giáo là MC vừa điều khiển cuộc chơi vừa mở rộng kiến thức cho học trò qua các vòng thi. Mộn địa lý học về Tây Nguyên, các em được tổ chức múa hát cồng chiêng, uống rượu cần (bằng nước lọc)…

Đặc biệt ở môn Văn, cô Thùy rất tôn trọng sự sáng tạo của các em. Cô hướng dẫn các em cách viết bài văn hay như sử dụng từ ghép, từ láy, biện pháp so sánh, nhân hóa… để câu văn giàu hình ảnh sinh động, đưa cảm nhận, nhận xét của riêng để bài giàu cảm xúc. Tuy nhiên, cô luôn chú trọng, mỗi em có khả năng, vốn sống khác nhau nên có cách nhìn sự vật khác nhau.

Học trò của cô từng tả: "Con chó có cái miệng to hơn miệng em, răng chú cũng nhọn hơn răng em", có em lại tả gà nhưng không tả lông. Khi tìm hiểu, cô được biết các học trò này đã từng thi há miệng với chó, từng thấy con gà không có lông mẹ mua về.

Những bài văn làm cô Thùy suy ngẫm rất nhiều về cách giáo dục trẻ. Trẻ em thường không thích nhìn tranh để tả mà thích những gì mình thấy trong đời thực. Các em nhìn sự vật qua lăng kính trẻ thơ của mình nên không được quy kết các em nhìn thư thế là sai, điều này sẽ làm mất đi sự sáng tạo.

Đến với học trò bằng tình yêu thương

Gần 20 năm theo nghề giáo, cô Thùy tâm niệm đạo đức nhà giáo thể hiện bằng tình yêu đối với học trò. Tình yêu đối với trẻ không chỉ qua lời nói mà phải qua những hành động cụ thể từ ánh mắt, nụ cười, cử chỉ, hiểu được hoàn cảnh, tâm tư của các em và cần nhất là sự bao dung với con trẻ. "Khi trẻ cảm nhận được tình yêu thương của thầy cô thì các em mới yêu thương, tin tưởng và tự giác làm theo dạy bảo của mình", cô Thùy luôn tự nhắc nhở.

Cô giáo dạy giỏi của TPHCM luôn tôn trọng tính cách của mỗi học trò
Cô giáo dạy giỏi của TPHCM luôn tôn trọng tính cách của mỗi học trò.

Không chỉ vậy, cô Thùy còn rất quan tâm đến tâm tư của phụ huynh. Ngay ngày đầu nhận lớp, cô phát phiếu để phụ huynh ghi những mong muốn, đề nghị đối với giáo viên. Nếu đề nghị phù hợp, cô sẽ đáp ứng ngay. Còn đề nghị không thể thực hiện cô cũng gặp gỡ trực tiếp để giải thích cho bố mẹ học trò. Theo cô, khi được phụ huynh tin tưởng thì việc phối hợp dạy trẻ sẽ tốt hơn. Với mọi vấn đề của trẻ, cô luôn cùng gia đình tìm cách khắc phục chứ không đẩy trách nhiệm về phía phụ huynh.

Khi được hỏi, sức mạnh nào để cô có thể dành nhiều tình cảm, hy sinh cho học trò đến thế, cô Thùy cười, trả lời chân thành và đơn giản đến bất ngờ: "Bởi mình cũng là người mẹ!"

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-632135/chuyen-ve-co-giao-tieu-hoc-xuat-sac-nhat-tphcm.htm

Comments