Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


“Hãy theo đuổi tới cùng niềm đam mê của mình”

Posted: 21 Aug 2012 04:41 AM PDT

Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ của hội nghị quốc tế “Toán học phối hợp Việt – Pháp" đang diễn ra từ ngày 20 – 24/8 tại TP Huế.

Trong buổi giao lưu Toán học, các bạn sinh viên, học sinh và các thầy cô giáo có cùng niềm đam mê toán học được gặp gỡ những gương mặt tiêu biểu, quen thuộc trong ngành Toán học Việt Nam như GS Trần Văn Nhung, GS Ngô Việt Trung, GS Lê Tuấn Hoa, PGS Nguyễn Hữu Dư, GS Phan Quốc Khánh, GS Vũ Hà Văn và đặc biệt là sự có mặt của GS. Ngô Bảo Châu – nhà Toán học được trao giải thưởng danh giá Fields năm 2010.

Tham gia buổi giao lưu có các giao sư, các thầy giáo tiêu biểu trong ngành Toán học Việt Nam.

Bên cạnh đó, những người yêu Toán ở Huế còn được sẻ chia, trò chuyện, cùng tìm hiểu thêm tình yêu và niềm đam mê đối với Toán học của họ thông qua những câu chuyện đời, chuyện học toán và con đường thành công của mỗi người.

Tại buổi giao lưu, các bạn sinh viên, học sinh và các thầy cô giáo – những người yêu thích Toán học ở Huế đã được nghe các thầy chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm quý báu trong suốt quá trình theo học và nghiên cứu về Toán. "Ngày trước gia đình tôi rất muốn tôi học thật giỏi để chữa tivi cho gia đình, nhưng lúc đó tôi lại rất đam mê về Toán học và sau khi gặp một người bạn khuyến khích tôi hãy theo đuổi niềm đam mê của chính mình nên từ đó tôi luôn theo đuổi niềm đam mê của mình cho tới bây giờ" – GS. Vũ Hà Văn, hiện là GS Đại học Yale (Mỹ) chia sẻ.

Buổi giao lưu càng trở nên sôi nổi hơn khi rất nhiều bạn học sinh, sinh viên ở Huế đặt câu hỏi cho những nhà Toán học hàng đầu Việt nam.

Rất nhiều bạn học sinh phấn khởi tham gia đặt những câu hỏi, thắc mắc về Toán học.

Bạn Phạm Minh Nhật, học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Huế) hỏi GS Ngô Bảo Châu: "Em rất thích Toán và rất muốn theo con đường các thầy đã đi. Vậy xin thầy cho biết con đường nào dẫn thầy tới Toán học và những kinh nghiệm của thầy để học Toán để có hiệu quả?"

GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ:"Tôi cũng giống các bạn là cũng được học Toán từ nhỏ, tôi cảm thấy càng ngày càng thích mỗi khi học và làm bài tập môn Toán, chính vì vậy mà tôi theo đuổi nó đến bây giờ. Phương pháp học Toán của tôi cũng khác với các bạn trên lớp, tôi làm Toán chậm nên không bao giờ ganh đua với các bạn xem ai làm xong trước. Tôi từ từ giải bài toán theo cách của mình mà không quan tâm đến người khác làm xong trước mình hay không. Bên cạnh đó, tôi luôn giành nhiều thời gian khi giải các bài toán để suy nghĩ, tìm hiểu và làm quen với nó nhiều hơn".

Rất nhiều bạn học sinh phấn khởi tham gia đặt những câu hỏi, thắc mắc về Toán học.

Một bạn học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế hỏi: "Làm thế nào để chúng em duy trì được tình yêu đối với Toán học?". Thầy Lê Tuấn Hoa – Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam:"Học Toán và làm toán rất khó và khô khan, chính vì vậy các bạn phải thực sự có niềm đam mê với môn này. Nhiều bạn học sinh học rất tốt môn toán nhưng sau khi tham gia các cuộc thi toán không được giải nên các bạn đó nản và đã từ từ bỏ môn toán. Chính vì vậy các bạn học môn toán từ từ, bỏ thêm thời gian vào để nghiên cứu và tìm ra đáp án nhưng cũng phải chắc thì lúc đó tình yêu đối với môn toán của mới thực sự hiệu quả và lâu dài".

Bạn Nguyễn Hữu Bảo hỏi:"Các thầy từng học tập và nghiên cứu tại nước ngoài, tại sao thầy lại về Việt Nam để làm việc?".

Thầy Ngô Việt Trung – Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho biết: "Tất cả các thầy ngồi đây đều có một thời gian dài học tập làm việc và nghiên cứu tại nước ngoài. Tuy nhiên các thầy cũng như bao người khác đều có tình yêu quê hương đất nước – nơi mà mình đã sinh ra và lớn lên, vì vậy mà thầy cũng như các thầy ngồi đây đều muốn cống hiến, đóng góp công sức cho đất nước".

Rất nhiều bạn học sinh phấn khởi tham gia đặt những câu hỏi, thắc mắc về Toán học.

Còn GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: "Tôi hiện vẫn đang làm việc bên ĐH Chicago, Mỹ nhưng hàng năm vẫn dành một thời gian để về nước làm việc vì tôi là một công dân Việt Nam. Tôi yêu toán, tôi làm toán và tôi cảm thấy sung sướng và hạnh phúc khi về nước được làm toán và học toán cùng với các đồng nghiệp tại Việt Nam".

Rất nhiều bạn học sinh phấn khởi tham gia đặt những câu hỏi, thắc mắc về Toán học.

Kết thúc buổi giao lưu các nhà Toán học hàng đầu Việt Nam đã nói với những bạn yêu thích và đam mê với môn Toán: "Nếu các bạn thực sự yêu thích và đam mê với môn Toán thì hãy theo đuổi niềm đam mê đó cho tới cùng. Nếu trong quá trình theo đuổi nó gặp khó khăn hay vướng mắc gì hãy liên hệ với chúng tôi, chúng tôi sẽ cố gắng chia sẻ và giúp đỡ các bạn để cùng nhau giải quyết những khó khăn đó.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-632424/hay-theo-duoi-toi-cung-niem-dam-me-cua-minh.htm

Thí sinh cần tỉnh táo trong xét tuyển

Posted: 21 Aug 2012 04:40 AM PDT

Xét tuyển năm nay, mỗi trường có quy định riêng nên thí sinh cần nghiên cứu kỹ trước khi nộp hồ sơ.

Khó xác định được lượng thí sinh đến

 

Xét tuyển năm nay, thí sinh được quyền sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi hoặc bản sao có công chứng (theo quy định của từng trường) để tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển của trường.

Bên cạnh đó, các trường được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xét tuyển, không hạn chế số đợt xét tuyển, không qui địnhđiểm trúng tuyển đợt sau cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước, bảo đảm chỉ tiêu đã xác định và thời hạn kết thúc xét tuyển là ngày 30/11 hằng năm.

Tuy nhiên, hiện nay khá nhiều trường lo lắng về số lượng hồ sơ xét tuyển “ảo”. Ông Đinh Văn Chỉnh – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nông Nghiệp Hà Nội cho biết: “Mọi năm thí sinh chỉ có 2 phiếu báo điểm để tham gia xét tuyển NV2 và để tránh “ảo” mặc dù chỉ tiêu xét tuyển có ngành là 100, nhà trường đã phải nhận đến 200 đơn, vậy mà số lượng thí sinh đến vừa đủ. Năm nay, khó đoán được số lượng thí sinh đến nhập học bởi các em được nộp bản photo có công chứng vì có thí sinh đã nộp tới 2 – 3 hồ sơ xét tuyển vào nhiều ngành khác nhau trong trường”.

Trường ĐH Mỏ – Địa chất năm nay dành hơn 1.000 chỉ tiêu xét tuyển NV2 vào cả hệ ĐH,CĐ. Thời hạn kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển là 10/9.

Tuy vậy, ông Lê Trọng Thắng – trưởng phòng đào tạo cho hay: “Mọi năm, thí sinh đến nộp hồ sơ bao nhiêu nhận bấy nhiêu đủ chỉ tiêu là thôi. Năm nay cũng khó xác định được số lượng thí sinh đến nhập học và không nói trước được điều gì nên nếu kết thúc đợt 1 nhận hồ sơ xét tuyển, thí sinh đến ít thì trường lại tiếp tục xét đợt tiếp theo cho đủ chỉ tiêu”.

Thí sinh cần lưu ý quy định riêng của từng trường

Những quy định mới về xét tuyển năm nay đem tới cho thí sinh nhiều lợi thế. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên thí sinh lưu ý thời hạn kết thúc xét tuyển của từng trường để không bị mất cơ hội. Thí sinh cũng cần để ý tới quy định riêng của từng trường về việc yêu cầu nộp bản chính phiếu điểm có dấu đỏ hay chấp nhận bản photo.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: "Theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, thời hạn nộp hồ sơ, đợt xét tuyển đều do các trường quy định. Do đó, các thí sinh cần cập nhật nhanh chóng và thường xuyên thời hạn xét tuyển, điểm xét tuyển, chỉ tiêu của từng trường. Bởi không giống năm trước, năm nay các trường có thời gian xét tuyển khác nhau".

Với kinh nghiệm nhiều năm trong tuyển sinh, ông Lê Trọng Thắng – trưởng phòng đào tạo ĐH Mở Địa chất khuyên thí sinh: "Mọi năm điểm chuẩn xét tuyển NV2 có ngành của trường tăng từ 2 – 3 điểm, có ngành giữ mức ổn định như điểm thông báo xét tuyển ban đầu. Tuy nhiên, mỗi năm xét tuyển khác nhau. Do vậy, các em cần theo dõi thông tin xét tuyển của các trường trên mạng về số lượng hồ sơ để nhận biết khả năng đỗ của mình".

Ông Trần Văn Nghĩa – Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT chia sẻ: "Mặc dù có thể rút hồ sơ nhiều lần để vào được ngành phù hợp nhưng thí sinh vẫn nên cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ thay vì rút ra, nộp lại nhiều lần, gây mất thời gian, lại ảnh hưởng không tốt tới tâm lý".

Nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng đưa ra lời khuyên, với các trường công lập, nếu thí sinh có điểm thi chỉ bằng điểm xét tuyển, chỉ tiêu còn lại của trường không cao thì khả năng trượt nguyện vọng bổ sung là rất lớn. Vì vậy, sẽ an toàn hơn nếu có điểm cao hơn từ 0,5 – 1 điểm so với điểm xét tuyển của trường.

Với các thí sinh có điểm thi chỉ bằng điểm sàn, điểm xét tuyển mà các trường thông báo ban đầu thì để chắc chắn đỗ nhất là nộp hồ sơ vào các trường ĐH vùng, các trường ngoài công lập, có chỉ tiêu xét tuyển lớn.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-632401/thi-sinh-can-tinh-tao-trong-xet-tuyen.htm

Giáo dục thanh niên qua mạng xã hội

Posted: 21 Aug 2012 04:40 AM PDT

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin tác động mạnh mẽ đến thanh niên (TN). Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cần phải có những thay đổi, đặc biệt là việc tương tác với mạng xã hội.

Kết nối thanh niên qua mạng xã hội
Quan ngại với mạng xã hội Baidu Tieba
Giúp thanh niên Tây nguyên phát triển sản xuất

Đây là một trong những nội dung được các thành viên tập thể của Hội LHTN Việt Nam thảo luận sôi nổi tại hội nghị góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X do T.Ư Hội LHTN Việt Nam và Báo Thanh Niên tổ chức ngày 20.8 tại Hà Nội.

 thanh niên và mạng xã hội
Thanh niên tham gia vào mạng xã hội ngày càng nhiều, đây cũng là môi trường giúp họ thể hiện và thực hiện trách nhiệm xã hội – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cần có hơi thở thời đại

Góp ý dự thảo văn kiện, anh Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên đánh giá một trong những hạn chế của Đoàn là sự thiếu vắng những hình thức tương tác đa phương tiện để giáo dục TN, đặc biệt là qua mạng xã hội.

 

Đổi mới công tác thông tin là câu chuyện chắc chắn phải làm. Chúng ta là thanh niên. Đoàn là đội ngũ xung kích nhưng chúng ta đi sau các bộ, ngành từ 5 – 10 năm, nếu không chúng ta đứng ở vị trí rất sâu

PGS – TS Bùi Thế Duy

Theo anh Thông, nếu vào Facebook gõ chữ "Đoàn thanh niên" có thể thấy trên dưới 20 địa chỉ, trong đó có các trường ĐH, Đoàn TN các sở, công ty nhà nước và một số Đoàn cấp phường xã. Còn gõ chữ "Hội LHTN" thì được chưa tới 10 kết quả. "Cả nước hiện có 5,6 triệu thành viên tham gia mạng Facebook và theo dự đoán của các nhà chuyên môn con số này có thể tăng 18 triệu người trẻ vào cuối năm sau. Chúng tôi kiến nghị dự thảo sắp tới, phần đổi mới phương thức giáo dục của Đoàn nên bổ sung việc tăng cường chia sẻ, tương tác qua mạng xã hội. Đây là việc làm rất phù hợp với xu thế toàn cầu hóa", anh Thông nói.

Ủng hộ sử dụng mạng xã hội làm công cụ giáo dục, định hướng TN, TS Bùi Trường Giang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Tổng hợp, Văn phòng Chủ tịch nước, bày tỏ: "Công tác Đoàn trong vài năm trở lại đây, có rất ít sự tương tác với TN thông qua hình thức ứng dụng công nghệ thông tin. Trong khi đó, sự phát triển của mạng xã hội trong thời đại kỹ thuật số đã làm cho phương thức tập hợp TN thay đổi về bản chất. Mỗi bạn trẻ khi sử dụng mạng xã hội, nghĩa là họ đang từng bước tham gia vào quá trình hội nhập toàn cầu, sự phát triển của thời đại. TN tham gia vào mạng xã hội ngày càng nhiều, đây cũng là môi trường giúp họ thể hiện và thực hiện trách nhiệm xã hội". Để văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc cần có hơi thở thời đại, anh Giang kiến nghị sử dụng công nghệ kỹ thuật số tác động và định hướng TN thực hiện trách nhiệm xã hội là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đoàn nhiệm kỳ tới.

Điều hành công việc bằng công nghệ thông tin

Theo chị Nguyễn Thị Lan Anh, Ủy viên thường trực Ban Vận động thành lập Hội TN khuyết tật Việt Nam, mạng xã hội nếu được ứng dụng rộng rãi trong công tác Đoàn sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong việc tập hợp TN. Hiện tại, TN khuyết tật đã tự xây dựng và hình thành nhiều mạng xã hội tạo ra môi trường cập nhật kiến thức, chia sẻ thông tin về cơ hội học tập, tìm việc làm thậm chí tham gia hoạt động từ thiện…

Chỉ ra tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt Đoàn, PGS-TS Bùi Thế Duy, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam thẳng thắn góp ý về đổi mới công tác thông tin trong hệ thống Đoàn. Anh Duy chia sẻ: "Đổi mới công tác thông tin là câu chuyện chắc chắn phải làm và lẽ ra phải làm cách đây 10 năm. Chúng ta là TN. Đoàn là đội ngũ xung kích nhưng chúng ta đi sau các bộ,  ngành từ 5 – 10 năm. Chưa có một đánh giá nào về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, nếu không chúng ta đứng ở vị trí rất sâu. Trong nhiệm kỳ tới, phải đặt mục tiêu, đổi mới mạnh mẽ hơn, điều hành công việc bằng công nghệ thông tin chứ không đơn thuần chỉ là ứng dụng".

Không phủ nhận những giá trị mà các mạng xã hội đem đến, song nhiều ý kiến cũng băn khoăn trước những mặt trái của mạng xã hội. Anh Bùi Thế Duy nhận định: "Trên thế giới có cái gì mới Việt Nam có ngay, nhưng chuyển hóa về mặt xã hội chúng ta chưa theo kịp, gây ra những tác động xấu. Với thời đại công nghệ thông tin, trẻ em rơi vào môi trường sống cực kỳ nguy hiểm – chỉ với 30 phút lên mạng các em có thể giao lưu với khủng bố, các thế lực thù địch, đối tượng lừa đảo".

Nhìn nhận Facebook là thế giới ảo của những người thật, anh Nguyễn Quang Thông nhấn mạnh: "Vấn đề của Đoàn, Hội là tham gia để hiểu biết, để tương tác với cái thật. Có những cách chia sẻ hỗ trợ, để cái thật ngày càng phát triển tốt, thông qua những tổ chức, cá nhân tiêu biểu để định hướng, giáo dục TN".

T.Hằng – P.Hậu

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120821/Giao-duc-thanh-nien-qua-mang-xa-hoi.aspx

Comments