Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Sẵn sàng cho năm học mới

Posted: 20 Aug 2012 07:14 AM PDT

(GDTĐ)-Thời điểm này, các địa phương trên cả nước đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dụng cụ học tập…, sẵn sàng cho năm học mới 2012-2013 sẽ đến trong 2 tuần tới.

Điện Biên: Theo thống kê của ngành GDĐT tỉnh, kết thúc năm học 2011 – 2012, Điện Biên còn trên 40% trong tổng số hơn 1.600 phòng học dành cho học sinh mầm non là phòng học tạm và mượn. Số phòng học tạm này tập trung ở các huyện vùng cao khó khăn. Vì vậy, ngay từ giữa kỳ nghỉ hè, chính quyền và nhà trường ở các địa phương trong tỉnh đã vận động phụ huynh học sinh đóng góp vật liệu, ngày công sửa chữa, dựng lại các phòng học tạm, đảm bảo việc đón học sinh vào năm học mới. Cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, tỉnh cũng chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, trong năm học 2012 – 2013, Điện Biên là một trong những tỉnh được chọn triển khai thí điểm phương pháp "bàn tay nặn bột" ở cấp tiểu học. Đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn, thuộc diện hưởng chính sách theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP, các địa phương đã chỉ đạo các trường học lập danh sách, chủ động đăng ký đặt mua sách giáo khoa, vở viết cho học sinh, đảm bảo 100% học sinh có đầy đủ sách giáo khoa, vở viết. Năm học 2012 – 2013, Điện Biên sẽ đón khoảng 150 ngàn học sinh các cấp tới trường.

Hưng Yên: 500 phòng học mới đưa vào sử dụng

Để chuẩn bị cho năm học 2012 – 2013, Hưng Yên có khoảng 500 phòng học mới đưa vào sử dụng. Đến nay, toàn tỉnh có tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng đạt trên  60% ở bậc mầm non, trên 85% ở bậc phổ thông. Những phòng học bán kiên cố được rà soát, sửa chữa trong dịp hè, đáp ứng nhu cầu của năm học mới. Ngay từ cuối tháng 7, các trường học tiến hành kiểm tra, rà soát bàn ghế, hệ thống ánh sáng, quạt mát cho các lớp học, kịp thời sửa chữa, bổ sung thay thế những hư hỏng để phục vụ học sinh ngay từ ngày tựu trường. Sở GDĐT và phòng GDĐT các huyện, thành phố tiến hành tập huấn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về nghiệp vụ sư phạm cũng như thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2012 – 2013. Năm học này, Hưng Yên sẽ tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; công tác kế hoạch, tài chính và tăng cường cơ sở vật chất.

Đắk Lắk: Cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị năm học mới

Sở GDĐT Đắk Lắk cho biết, đến thời điểm này, về cơ bản các địa phương trong tỉnh đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho năm học mới như cơ sở vật chất, tuyển sinh đầu cấp, bố trí giáo viên, bồi dưỡng chuyên môn, học tập chính trị hè cho cán bộ quản lý, giáo viên… Các trường THCS, THPT đã tuyển đủ số lượng học sinh theo chỉ tiêu được giao. Các trường tiểu học và mầm non đang tiếp tục huy động trẻ trong độ tuổi đến trường. Trong hè, 900 giáo viên cốt cán của các trường THPT và trung tâm GDTX trong tỉnh cũng đã được bồi dưỡng một số chuyên đề tiêu biểu về kiến thức mới và phương pháp dạy học ở bậc THPT từ các chuyên gia đầu ngành của các trường đại học uy tín.

Gia Lai: Tuyển mới 1550 giáo viên, nhân viên

Năm học mới 2012-2013, Sở GDĐT Gia Lai đề nghị UBND tỉnh phê duyệt tuyển dụng mới 1.550 người, trong đó có 1.167 giáo viên và 383 nhân viên. Việc thu nhận hồ sơ tuyển dụng giáo viên sẽ diễn ra vào giữa tháng 8/2012; tổ chức xét tuyển vào cuối tháng 9/2012. Về chuẩn bị cơ sở vật chất, trong năm 2012, UBND tỉnh đã quyết định phân bổ 17,22 tỷ đồng vốn thực hiện sửa chữa lớn, xây dựng nhỏ trường lớp học. Hiện Sở đang đẩy nhanh tiến độ các chương trình dự án của ngành, triển khai các hạng mục mua sắm thiết bị cho các đơn vị cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học trong toàn ngành, kịp thời phục vụ cho năm học mới. Riêng tổng nguồn vốn đầu tư thiết bị, sách giáo khoa, đồ dùng dạy học là 63 tỷ đồng. Mặc dù vấn đề cơ sở vật chất một số nơi còn khó khăn, vướng mắc nhưng sở GDĐT Gia Lai khẳng định, không có trường nào vì thiếu cơ sở vật chất mà không thể tổ chức khai giảng. Năm học 2012-2013, kế hoạch cả tỉnh có 793 trường học với 372.281 học sinh mầm non và phổ thông.

Bà Rịa-Vũng Tàu: 20 trường học được xây mới

20 công trình trường học được đầu tư xây mới và nâng cấp tại Bà Rịa-Vũng Tàu chuẩn bị cho năm học 2012-2013 hầu hết đã hoàn thiện, kịp đưa vào sử dụng trước khi khai giảng năm học mới. Theo đánh giá của Sở GDĐT, số trường lớp hiện nay cơ bản bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh các cấp học phổ thông. Số trường lớp được xây mới và nâng cấp đưa vào sử dụng đầu năm học này gấp đôi so với năm học trước. 100% các trường học đều được kiên cố hóa. Ở cấp tiểu học, năm học này nhiều trường bán trú được xây dựng mới đã kịp đưa vào sử dụng.

Đồng Nai: Thêm 14 trường học mới

Bước vào năm học 2012 – 2013, Đồng Nai có 14 trường học mới với 229 phòng học đạt chuẩn đưa vào sử dụng; toàn tỉnh cũng thay thế 244 phòng học xuống cấp, nhiều công trình nhà vệ sinh trường học được xây mới, tu sửa…. với tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng. Năm nay Đồng Nai có thêm 1 trường phổ thông dân tộc nội trú với quy mô 500 học sinh được đưa vào sử dụng. Cùng với việc chuẩn bị đội ngũ, cụ thể tuyển mới gần 1.000 giáo viên, ngành GDĐT Đồng Nai tiếp tục khuyến khích, có chế độ hỗ trợ đội ngũ giáo viên ở tất cả các bậc học. Năm học 2012 – 2013, Đồng Nai có hơn 550 ngàn học sinh tựu trường, tăng gần 8.000 học sinh so với năm học trước.

An Giang: giải quyết cho 100% HS nghèo có đủ điều kiện đến trường

Tại An Giang, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng dụng cụ học tập cho học sinh đón năm học mới đã hoàn tất. Nỗi lo về phòng học, thiếu giáo viên, học ghép… cũng đã được khắc phục. Năm học 2012-2013, Sở GDĐT An Giang chủ động phối hợp với Hội Khuyến học giải quyết cho 100% học sinh nghèo có đủ điều kiện đến trường. Bên cạnh việc áp dụng chính sách hỗ trợ 70.000 đồng/học sinh mẫu giáo và 140.000 đồng/học THCS và THPT nghèo của 18 xã biên giới, dân tỉnh cũng cấp học bổng cho 100% học sinh trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu; đầu tư trên 100.000 bộ sách giáo khoa cho học sinh nghèo, con gia đình chính sách. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành và các nhà hảo tâm cũng đã tặng trên 5.000 suất học bổng cho học sinh các cấp, mỗi suất trị giá từ 1,2 triệu, 1,5 triệu và 2 triệu đồng. Cùng với đó, năm nay hầu hết các trường trong tỉnh đều xây dựng tủ sách, vận động học sinh tặng sách cũ cho trường để giúp học sinh nghèo.

 

Lập Phương (TH)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201208/San-sang-cho-nam-hoc-moi-1963064/

Không thể xóa hệ tại chức

Posted: 20 Aug 2012 04:54 AM PDT

Không thể xóa hệ tại chức

TT - Xu thế chung của thế giới là ngày càng nhiều người học các hệ không chính quy, nhưng những khách mời tại buổi đối thoại trực tuyến thống nhất nhìn nhận chất lượng hệ đào tạo này ở VN là đáng báo động.

Buổi đối thoại (trực tuyến) do Tuổi Trẻ tổ chức.

Đối thoại “Giải pháp nào cho hệ tại chức”

Quang cảnh buổi đối thoại trực tuyến "Giải pháp nào cho hệ tại chức" diễn ra tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ chiều 19-8 -  Ảnh: Minh Đức

Trên 40% sinh viên hiện nay là người học tại chức. Bởi vậy, câu chuyện "tại chức" bị từ chối trong tuyển dụng ở một số tỉnh trở thành đề tài nóng trong suốt tuần qua và thu hút hàng ngàn ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến mổ xẻ vấn đề này vẫn được tiếp tục tranh luận trong buổi đối thoại trực tuyến chiều 19-8.

"Chuông khánh còn chẳng ăn ai…"

Tại chức bị biến dạng

PGS.TS Nguyễn Thành Thi -  Ảnh: Minh Đức

Cũng là chương trình đã được duyệt, nhưng cuối cùng bị cắt xén nặng nề. Không hiếm các lớp tại chức ở địa phương có khi vào đợt thầy về dạy chỉ chăm chăm dẫn thầy đi ăn, uống. Thầy dạy qua loa, môn học trong kết cấu chương trình là 30 tiết có khi thầy chỉ dạy 2 ngày là xong. (TS Nguyễn Thành Thi)

Đại học mở đã thành đại học… "khép"

GS Lâm Quang Thiệp – Ảnh: N.Khánh

Chúng ta cần đầu tư công nghệ cho trường có chức năng đào tạo phi chính quy để phát triển đúng cách hình thức đào tạo này. Tuy nhiên, ở VN có hai trường ĐH mở tại Hà Nội và TP.HCM với vai trò chủ yếu đào tạo từ xa. Nhưng do không được đầu tư thích đáng để đưa công nghệ cần thiết phù hợp với hình thức đào tạo mở nên bây giờ hai trường này đã thành "đại học khép" rồi.  (GS Lâm Quang Thiệp)

GS Trần Hữu Tá bày tỏ: "Cách đây 30 năm, tôi đã nghe người ta dùng câu "chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre". "Chuông khánh" để chỉ hệ chính quy còn "mảnh chĩnh" chính là hệ tại chức (hiện nay là hệ vừa học, vừa làm). Nói điều này để thấy hình thức đào tạo không chính quy đã có từ lâu và chất lượng thì không cao, không được tin tưởng.

Còn GS Lâm Quang Thiệp, người đã và đang có những nghiên cứu và khảo sát thực tiễn về đào tạo tại chức, cho biết: "Tôi đã có dịp tới 70 trường ĐH để khảo sát cho đề tài nghiên cứu, đến đâu tôi cũng hỏi chung một câu hỏi về chất lượng hệ tại chức và câu trả lời chung là "tại chức sao sánh được chính quy".

Theo GS Thiệp: "Ta không nên lên án người tuyển dụng. Bởi trên thực tế, việc tổ chức một hình thức để có thể tuyển chọn chính xác người có năng lực, đúng yêu cầu công việc là việc không dễ và rất tốn kém. Bởi vậy, ở nhiều nơi người ta phải chọn cách ít tốn kém hơn là "lọc" trên hồ sơ và "tại chức" ai cũng nhìn thấy chất lượng thấp hơn chính quy thì lọc trước". Nhưng GS Thiệp cũng cho rằng doanh nghiệp tuyển dụng lao động có thể làm thế, còn riêng với cơ quan nhà nước khi tuyển dụng nhân lực thì không nên công khai "từ chối tại chức" như một chính sách, một chủ trương.

Còn GS Tá cho rằng việc này giống như một biểu hiện của "phép vua, thua lệ làng". Bởi pháp luật không cho phép phân biệt bằng cấp và việc "từ chối tại chức" đã đẩy ngành GD-ĐT vào thế bí, càng làm suy giảm niềm tin vào một hình thức đào tạo mà lẽ ra nên khuyến khích.

Là đại diện duy nhất của cơ quan tuyển dụng tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Khoát – giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam – giải thích: Hà Nam là vùng có giáo dục phát triển nên việc tuyển giáo viên cũng phải lựa chọn để duy trì và phát triển đội ngũ giáo viên có chất lượng. Nhưng chúng tôi không "nói không" với đào tạo không chính quy.

Tùy theo yêu cầu đối với mỗi loại hình giáo viên chúng tôi phải có quy định phù hợp để lựa chọn. Năm 2011-2012, khi tuyển giáo viên THPT, chúng tôi không nhận bằng liên thông vì thấy chất lượng đào tạo liên thông không đảm bảo chất lượng, tuyển vào thì không thể dạy được.

Ông Khoát cho biết căn cứ để sở GD-ĐT "xếp loại" bằng tốt nghiệp theo thứ tự ưu tiên khi tuyển dụng giáo viên, dựa vào chất lượng đầu vào của các trường, đội ngũ giảng viên của các trường ĐH và thông tin thu nhận được quan kinh nghiệm quản lý giáo viên ở các nguồn đào tạo khác nhau.

Trao đổi lại với các GS về hiện tượng cực đoan trong tuyển dụng nhân lực nói chung và giáo viên nói riêng của một số tỉnh, ông Khoát cũng thừa nhận "cần phải nghiên cứu một hình thức tuyển dụng khác, làm sao để có thể tạo cơ hội dự tuyển cho nhiều người nhưng vẫn chọn được người có năng lực".

Tại chức đi không đúng đường

GS Thiệp cho rằng vấn đề cốt lõi là đào tạo tại chức ở VN đã đi sai đường. Lẽ ra, cần phải áp dụng một công nghệ khác thì lại dùng công nghệ đào tạo của chính quy, nhưng làm nhẹ đi, dễ dãi đi. GS Thiệp phân tích: "Công nghệ đào tạo đối với hình thức không chính quy không có gì bí hiểm, nhưng nó đặc biệt bởi nó dùng cho đối tượng tự học là chính. Bởi vậy, cần có hệ thống học liệu tốt, chương trình, tài liệu phù hợp cho đối tượng tự học. Việc đánh giá người học ở hình thức đào tạo này cũng phải khác hệ chính quy, tức là đánh giá đầu ra của từng môn học một cách chặt chẽ".

Tiếp nối ý kiến của GS Thiệp, ông Bùi Anh Tuấn – vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT – cũng thừa nhận: "Người học của hệ đào tạo tại chức là những người vừa đi học vừa đi làm. Nhưng đặc điểm này đã không được quán triệt khi xây dựng chương trình, cách thức đào tạo. Ví dụ, ưu thế của đối tượng vừa học vừa làm là đã có kinh nghiệm thực tiễn trong nghề, nhưng trong chương trình đào tạo vừa học vừa làm lại không khai thác được ưu điểm đó.

"Nhiều trường cố tình cắt giảm chương trình quá nhiều, không đáp ứng chuẩn đào tạo. Phương thức tuyển sinh cũng có vấn đề, thầy cô nhiều nơi đánh giá còn dễ dãi đối với hệ đào tạo này, còn "thương trò" mà nương tay trong đánh giá… Tất cả những yếu tố này khiến chất lượng đào tạo hệ tại chức bị giảm sút" – ông Tuấn nói.

TS Nguyễn Thành Thi, phó trưởng khoa ngữ văn Trường ĐH sư phạm TP.HCM, cho biết thêm: Chương trình đào tạo không chính quy hiện nay còn cứng nhắc, không linh hoạt và bổ sung kịp thời những yêu cầu của cơ quan tuyển dụng. Còn theo GS Phạm Phụ, thái độ, động cơ học tập của một bộ phận lớn người học cũng "góp phần" làm chất lượng của loại hình đào tạo không chính quy thấp.

Về điều này, TS Phạm Tấn Hạ – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) – khẳng định không một cơ sở giáo dục nào muốn sản phẩm đào tạo của mình kém chất lượng, lại còn bị nhà tuyển dụng từ chối. Nhà trường luôn nỗ lực để làm sao xã hội chấp nhận sinh viên tốt nghiệp từ trường mình, nhưng để thay đổi chất lượng đào tạo thì cần sự góp sức có ý nghĩa quan trọng từ chính ý thức của người học. Còn hiện tại vẫn còn quá nhiều người đi học không phải vì nhu cầu thật sự.

Cuối cùng, theo GS Phạm Hữu Tá và GS Lâm Quang Thiệp, trong một thời gian dài, việc giao nhiều chỉ tiêu, việc nhiều trường được mở "tại chức", quan điểm chỉ coi tại chức là 'nồi cơm" của các trường và việc kiểm soát không chặt, không nghiêm của cơ quan quản lý đã càng khiến chất lượng tại chức.

Cần giải pháp bài bản

Ông Bùi Anh Tuấn cho biết thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ có thảo luận và nghiên cứu đánh giá toàn diện, xây dựng những văn bản pháp luật liên quan mà trước hết là quy chế đào tạo, tuyển sinh đối với hệ này đang được bộ hoàn thiện. Ông Tuấn tiết lộ trong tháng 10-11 khi bộ tổ chức hội nghị ba năm thực hiện chỉ thị 296 về đổi mới quản lý giáo dục ĐH sẽ bàn cụ thể đến những vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có nội dung về đào tạo tại chức đi xuống.

Còn GS Trần Hữu Tá cho rằng nhiều trường tùy tiện trong hệ đào tạo này khi cắt xén chương trình, chạy đua theo lợi nhuận… Vì thế giải pháp quan trọng là bộ phải tăng cường giám sát từ việc tuyển sinh đầu vào, cho đến quá trình đào tạo tiếp sau. Trước mắt, Bộ GD-ĐT cần có một cuộc tổng kiểm tra hoạt động của đào tạo không chính quy ở tất cả các bậc từ trung cấp, lên ĐH. Bộ cũng cần có những quy định, chế tài thật cụ thể như trong một trấn đấu bóng, lỗi vi phạm nào thì nhận thẻ vàng, lỗi nào nặng phải nhận thẻ đỏ ngay để chấn chỉnh đào tạo tại chức đi đúng quỹ đạo chung của giáo dục.

Các chuyên gia có mặt trong buổi tọa đàm đều cho rằng, cần kiến nghị với Bộ GD-ĐT để có kế hoạch bài bản trong việc "vực dậy" chất lượng hệ đào tạo này.

VĨNH HÀ – NGỌC HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Tuyensinh/Redirect.aspx?ArticleID=507607&ChannelID=142

Chuyện ‘chào bán bản thân’ của những du học sinh xuất sắc

Posted: 20 Aug 2012 04:53 AM PDT

-Câu chuyện viết báo để "tố" kem có đỉa khi mới là một học sinh tiểu học là một trong những ví dụ được các cựu du học sinh chia sẻ để giúp hồ sơ xin học bổng của mình nổi bật.

Hãy tự cho mình một cơ hội

Từng chứng kiến trường hợp hoàn toàn đủ khả năng xin học bổng nhưng lại thiếu tự tin và chọn cho mình giải pháp vay tiền đi du học tự túc, chị Khánh Thương, cựu SV University of Technology, Sydney và từng giành học bổng ADS của Chính phủ Úc, đưa ra lời khuyên "đừng đánh giá thấp bản thân, hãy mạnh dạn nộp hồ sơ xin học bổng. Hãy tự cho mình một cơ hội".

Một trong những bước quan trọng nhất trong quá trình xin học bổng du học là chọn trường, chọn học bổng. Sai lầm của nhiều bạn muốn đi du học là rải hồ sơ cho quá nhiều học bổng. Lời khuyên đưa ra là bạn nên tìm hiểu về các loại học bổng cũng như điều kiện, tiêu chí của mỗi loại qua nhiều kênh thông tin khác nhau, sau đó chọn ra một học bổng phù hợp với khả năng, đam mê của mình nhất, "chứ không phải chọn học bổng danh giá nhất vì không có học bổng nào danh giá hơn học bổng nào" – chị Vũ Lan Hương, cựu SV ĐH Northwestern, người từng được học bổng Fulbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2009, chia sẻ.


Sự nhiệt tình của các khách mời khiến buổi trò chuyện diễn ra sôi nổi và giàu thông tin.

Chị Đỗ Minh Thùy (cựu SV Indiana University, cũng là một cựu SV chương trình Fulbright) cho biết mỗi học bổng có những yêu cầu, tiêu chí riêng, song đừng vì không đáp ứng được một vài tiêu chí trong số đó mà vội vã bỏ cuộc. Có thể bạn không có bằng khá, giỏi nhưng nếu bạn chứng minh được năng lực của mình, bạn vẫn có cơ hội giành được học bổng mong muốn.

Chị Lê Hải Yến, một trong 11 sinh viên Việt Nam vừa giành được học bổng Chevening và chuẩn bị đi học tại Citi University London chia sẻ cần có một "chiến lược" để chuẩn bị lâu dài.

Còn anh Nguyễn Khắc Giang, người vừa nhận học bổng Eramus Mundus, cho biết ngay từ khi ra trường anh đã lập danh sách 15 loại học bổng mình có cơ hội tham dự, và đặt thứ tự ưu tiên, tập trung vào 2-3 loại học bổng mà mình thích nhất và phù hợp với bản thân nhất để chuẩn bị tốt nhất cho hồ sơ.

Hãy kể một câu chuyện!

Sau khi đã chọn được học bổng phù hợp, bước tiếp theo là chuẩn bị một hồ sơ thật tốt để chứng minh bạn xứng đáng và phù hợp với học bổng đó. Bạn phải cho thấy bạn là ai, tại sao bạn xứng đáng hơn người khác, tại sao học bổng này nên lựa chọn bạn. Anh Khắc Giang, người vừa giành học bổng Erasmus Mundus của Ủy ban Châu Âu, cho rằng "xin học bổng chính là chào bán bản thân".

Tuy nhiên, bạn vẫn phải "là chính mình", không tâng bốc hay quá "nổ" về bản thân. Các cựu du học sinh đều cho rằng văn hóa phương Tây đánh giá rất cao tính trung thực, và những người xem xét hồ sơ của bạn cũng đủ kinh nghiệm để nhận ra nếu bạn nói dối.

Chị Lan Hương cho rằng điều quan trọng là bạn phải khiến người đọc hồ sơ cảm thấy bạn là một con người thú vị và khiến họ muốn gặp bạn ở vòng phỏng vấn để biết bạn là ai.

Có một bí quyết đã được nhiều cựu du học sinh sử dụng thành công trong việc gây ấn tượng với người chấm điểm hồ sơ là kể những câu chuyện có thật để cho thấy niềm đam mê, sự quyết tâm, những kĩ năng, phẩm chất mà bạn có.

Chị Lan Hương đã chia sẻ với các bạn tham gia giao lưu câu chuyện có thật mà chị viết trong hồ sơ của mình. Câu chuyện này đã khiến hội đồng tuyển chọn vô cùng ấn tượng về niềm đam mê báo chí của chị khi mới chỉ là một học sinh tiểu học. Đó là chuyện chị đã biết viết một bài báo "tố" người bán hàng làm kem có đỉa và phát miễn phí tờ báo cho các bạn. Kết quả là chỉ trong 3 ngày, cả trường đều biết tin đó.

Chị chia sẻ: "Ngày đó, mình chưa biết báo chí là cái gì đó to tát nhưng mình biết rằng báo chí là nơi để những người không có tiếng nói được lên tiếng". Đó là một trong những cách mà cựu SV ĐH Northwestern giúp hồ sơ của mình nổi bật.

Chị Lê Hải Yến, chia sẻ: "Bài luận tổng hợp những trải nghiệm, kinh nghiệm tích lũy theo thời gian, chứ không thể ngồi một lúc mà viết ngay được".

Một trong những phần cũng khá quan trọng trong hồ sơ là tìm người viết thư giới thiệu cho bạn. Theo các cựu du học sinh, nếu người viết thư giới thiệu là người có uy tín, có tiếng nói thì đó là một điều may mắn, tuy nhiên quan trọng nhất đó phải là người hiểu bạn, biết bạn là ai, biết rõ năng lực của bạn như thế nào và phải là người thực sự muốn bạn có được học bổng đó. Chị Khánh Thương cho rằng thậm chí người viết thư giới thiệu có thể là đồng nghiệp, miễn là bức thư đó đủ sức nặng. Ngoài ra, bạn nên trình bày rõ tiêu chí của học bổng để người viết đưa ra những đánh giá, nhận xét phù hợp. Sự phù hợp là yếu tố rất quan trọng giúp bạn được chọn.

Đối với vòng phỏng vấn, bạn nên chuẩn bị tâm lý thật thoải mái và bình tĩnh. Ngay cả khi gặp câu hỏi khó bạn cũng không nên tỏ ra mất bình tĩnh, mà có thể áp dụng một vài mẹo nhỏ như đề nghị nhắc lại câu hỏi để có thời gian suy nghĩ. Sẽ là một điểm cộng lớn cho bạn nếu bạn có khiếu hài hước. Nó không chỉ khiến cuộc trò chuyện trở nên cởi mở, gần gũi hơn mà còn khiến người phỏng vấn đánh giá bạn là một người thông minh và thú vị.

Các cựu du học sinh đều nhất trí có một điều bạn phải chứng minh trong cả hồ sơ lẫn vòng phỏng vấn là bạn sẽ làm được gì cho cộng đồng sau khi hoàn thành khóa học. Bạn phải thuyết phục được người phỏng vấn tin rằng những kiến thức bạn thu nhận sẽ được lan tỏa, sẽ có ích cho những người khác, cho xã hội bởi "người ta không chi tới vài trăm ngàn đô la chỉ để giúp một mình bạn giỏi" – chị Lan Hương chia sẻ.

Trần Lê Thùy Linh (SV năm 4 ĐH Ngoại thương) – một trong những bạn trẻ tham gia buổi giao lưu nhận xét buổi nói chuyện rất hay, có nhiều thông tin thú vị. Linh cũng cho biết sau buổi này, bạn có thêm động lực trong quá trình tìm kiếm học bổng. Hương (SV Khoa Kinh tế, ĐH Quốc gia HN) nhận thấy sự nhiệt tình trong những chia sẻ của các du học sinh. "Mình thấy tự tin hơn sau khi giao lưu, tuy nhiên nghe các anh chị nói với tư cách những người đã đạt được học bổng thì có vẻ dễ dàng hơn là khi mình bắt tay vào làm. Mình có làm được hay không lại là một chuyện khác" – Hương chia sẻ.

Tuy nhiên, khi chia sẻ về những khó khăn cả trong quá trình xin học bổng lẫn khi đã sang Mỹ du học, chị Lan Hương có nói một điều khiến nhiều người tâm đắc: "Đã có nhiều lúc phát khóc vì khó thế này làm sao mình có thể làm được! Nhưng lần đầu thấy khó, lần hai thấy hơi khó, lần ba sẽ thấy bình thường. Miễn là mình luôn luôn cố gắng. Lúc đó, mình nhận thấy khả năng của bản thân là không giới hạn".

  • Nguyễn Thảo

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/85222/chuyen--chao-ban-ban-than--cua-nhung-du-hoc-sinh-xuat-sac.html

GS Ngô Bảo Châu dự hội nghị Toán Quốc tế Việt

Posted: 20 Aug 2012 04:53 AM PDT

Trong thời gian qua, Toán học Pháp và Việt Nam đã gắn bó và có nhiều hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy toán học. Nhằm tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác và tạo cơ hội cho các nhà toán học quốc tế và trong nước giao lưu khoa học, công bố các kết quả nghiên cứu cao cấp về Toán, Hội Toán học Việt Nam, Hội Toán học Pháp, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và Đại học Huế đã tổ chức Hội nghị quốc tế "Toán học phối hợp Việt – Pháp" tại ĐH Sư phạm Huế (thuộc Đại học Huế) trong vòng 5 ngày, từ 20-24/8.

Đến tham dự hội nghị có PGS.TS.Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GDĐT, GS.TSKH Trần Văn Nhung, Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, GS.TS.Lionel Schawartz (ĐH Paris 3) – đại diện Hội Toán học Pháp, GS.TS.Lê Tuấn Hoa – Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, GS.TS. Ngô Bảo Châu – Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, PGS.TS.Nguyễn Văn Toàn – Giám đốc Đại học Huế, GS Hoàng Tụy… cùng trên 500 nhà toán học Việt Nam và thế giới.

Quang cảnh lễ khai mạc

Theo GS.TS.Lê Tuấn Hoa – Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, hai năm rưỡi trước đây, theo sáng kiến của GS Lionel Schawartz và GS Nguyễn Hữu Việt Hưng, 2 hội Toán học Pháp và Việt Nam đã đi đến thỏa thuận một hội hội nghị chung của 2 cộng đồng toán học. Đây là hội nghị chung lần đầu tiên tổ chức giữa Hội Toán học Việt Nam và một hội toán học của nước ngoài (mà cụ thể là Pháp) với mục đích tăng cường hơn nữa sự cộng tác khoa học giữa cộng đồng toán học 2 nước.

Việc cộng tác này có một lịch sử lâu đời. Giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam – GS Lê Văn Thiêm đã được đào tạo tại Pháp. Sau khi trở về Việt Nam, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, cùng với một số ít đồng nghiệp, ông đã thành công trong việc tạo dựng ra nền Toán học Việt Nam. Ngay từ đó, đồng nghiệp Pháp đã giúp đỡ Việt Nam khá nhiều.

Việc cộng tác rất hiệu quả và thậm chí đem lại một kết quả xuất sắc không ai ngờ tới. Đó chính là công trình toán học mà nhờ đó, Giáo sư Ngô Bảo Châu đạt Giải thưởng Fields Toán học danh giá gấp nhiều lần so với giải Nobel đúng 2 năm trước đây. Đây chính là đỉnh cao của việc cộng tác giữa 2 nước.

Quang cảnh lễ khai mạc

Sau 2 năm chuẩn bị tích cực, gần 90 nhà toán học đến từ Pháp và gần 350 nhà toán học đến từ mọi miền của đất nước Việt Nam cùng hơn 20 nhà toán học từ các nước khác đã tụ hội tại Huế để tham dự hội thảo. Sẽ có 13 báo cáo mời toàn thể (Ngô Bảo Châu (ĐH Chicago – Viện NCCCT), Đinh Tiến Cường (ĐH Paris 6), Hélène Esnault (ĐH Duisburg-Essen), Patrick Gérard (ĐH Paris 11), Benedict Gross (ĐH Harvard), Nguyễn Hữu Việt Hưng (ĐHQG Hà Nội), Jean Bernard Lasserre (ĐH Toulouse), Pierre Mathieu (Marseille), Huỳnh Văn Ngãi (ĐH Qui Nhơn), Sylvain Sorin (ĐH Paris 6), Ngô Việt Trung (Viện Toán học), Vũ Hà Văn (ĐH Yale), Jean Christophe Yoccoz (ĐH Collège de France, Paris)). và 1 bài giảng đại chúng do Pierre Cartier (IHES, Paris) trình bày.

Hội nghị có 15 tiểu ban. Gồm: Đại số giao hoán, Giải tích ngẫu nhiên và thống kê trong tài chính, Giải tích phức và hình học, Giải tích số và Toán học ứng dụng, Giải tích thực và phức, Hình học và kỳ dị, Lý thuyết biểu diễn (GS Ngô Bảo Châu – ĐH Chicago, Viện NCCCT), Lý thuyết xác suất, Mô hình toán học của các hệ sinh học, Phương trình đạo hàm riêng, Quy hoạch DC và DCA: Lý thuyết, thuật toán và ứng dụng, Toán học rời rạc, Toán học ứng dụng trong hệ sinh thái, Tối ưu hóa, Topo và lý thuyết đồng luân.

Hội nghị thu hút một lượng chất xám khổng lồ về Toán học trên thế giới

Khách mời sẽ được nghe 152 báo cáo mời tiểu ban và một số thông báo ngắn tại 15 tiểu ban. Ngoài ra, sẽ có một số sinh hoạt ngoại khóa, gặp gỡ giữa sinh viên – những người yêu thích toán với các nhà Toán học để trao đổi vai trò của Toán học trong xã hội nói chung và mối quan hệ giữa Toán và Công nghiệp nói riêng.

Theo PGS.TS.Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GDĐT: "Đây là Hội nghị về Toán có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam sau khi GS.Ngô Bảo Châu được giải thưởng Fields danh giá nhất thế giới, đem lại vinh dự vô cùng to lớn cho đất nước Việt Nam".

Tại bải phát biểu ngắn nhân khai mạc hội nghị, GS.TS. Ngô Bảo Châu cho biết: "Việc thành lập Viện nghiên cứu cao cấp về Toán đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam đối với sự phát triển rất cần thiết của Toán học. Hiện Viện chúng tôi qua hoạt động 6 tháng rất sôi nổi và thực chất với sự tham gia tích cực của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực toán cao cấp".

GS.TS.Ngô Bảo Châu (

Cũng trong khuôn khổ của Hội nghị, Giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ có một bài trình bày vào sáng thứ tư (22/4) và đêm giao lưu hỏi đáp với các thế hệ học sinh, sinh viên, giáo viên yêu Toán ở Huế ngày 20/4 này.

Đại Dương

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-632068/gs-ngo-bao-chau-du-hoi-nghi-toan-quoc-te-viet-phap-tai-hue.htm

Trường ép thí sinh trúng tuyển?

Posted: 20 Aug 2012 04:53 AM PDT

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh dự thi đại học theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi (hoặc trường không tổ chức thi, chỉ xét tuyển), nhưng có kết quả thi bằng hoặc lớn hơn điểm sàn cao đẳng đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0), được trường tổ chức thi cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi đại học, có đóng dấu đỏ của trường.

Thí sinh dự thi cao đẳng theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, nếu không trúng tuyển vào trường cao đẳng đã dự thi, nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn mức điểm tối thiểu (điểm sàn theo đề thi cao đẳng) theo quy định đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0), được trường cao đẳng tổ chức thi cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi cao đẳng, có đóng dấu đỏ của trường.

Nhiều trường tung đủ chiêu để níu giữ thí sinh điểm cao vào trường.

Tuy nhiên, để níu giữ thí sinh, nhiều trường đã có những chiêu bài để kéo thí sinh vào học, gây lo lắng cho các em khi tham gia xét tuyển.

Thí sinh Phạm Nguyễn Hoài Nam, phản ánh tới báo Dân trí cho biết: “Em thi ĐH Công nghiệp TPHCM được 11điểm +1 điểm ưu tiên. Em không đủ điểm đậu ĐH, trường đã xét luôn xuống hệ cao đẳng và thông báo đã trúng tuyển vào khóa 14 (2012 – 2015), Bậc Cao đẳng; yêu cầu từ ngày 28/9/2012 đến ngày 30/9/2012 phải có mặt tại trường ĐH Công nghiệp TPHCM – cơ sở TPHCM để làm thủ tục nhập học. Em muốn học hệ CĐ của trường mà muốn nộp hồ sơ xét tuyển sang trường CĐ khác. Vậy trường có phát phiếu điểm nguyện vọng cho em không?”

Tương tự, một thí sinh cũng bức xúc phản ánh: “Em đăng ký thi vào trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng TPHCM, hệ cao đẳng, kết quả là em không đủ điểm đỗ NV1 nhưng cộng cả điểm ưu tiên thì em được 10 điểm bằng với điểm sàn xét tuyển nguyện vọng 2 vào hệ Cao đẳng. Tuy nhiên, trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng không gửi phiếu báo điểm mà chỉ gửi giấy báo trúng tuyển cho em vào học hệ trung cấp, trên giấy báo trúng tuyển đó có ghi kết quả điểm thi. Em rất lo vì thời gian xét tuyển nguyện vọng 2 ở trường em định đăng kí sắp hết. Em phải làm cách nào để xin lại phiếu báo điểm?

Hay như, nhiều thí sinh thi vào ĐH Quốc tế Hồng Bàng rớt NV1 hệ ĐH nhưng trường lại cấp luôn giấy báo nhập học hệ Cao đẳng.

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Tuấn Dũng, trưởng phòng đào tạo trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng TPHCM khẳng định: “Trường thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT về việc gửi giấy chứng nhận điểm thi và phiếu báo điểm cho thí sinh không trúng tuyển vào trường theo địa chỉ đã đăng ký. Đối với hệ trung cấp trường chỉ gửi thư mời học. Nếu thí sinh nào muốn học thì đăng ký chứ trường không ép buộc thí sinh”.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-632006/truong-ep-thi-sinh-trung-tuyen.htm

Ngộ nghĩnh nghe con trẻ đối thoại chuyện yêu

Posted: 20 Aug 2012 04:52 AM PDT

- Trong mắt người lớn – con nít chỉ biết ăn, học và…chơi điện tử. Nhưng cùng ngồi chơi, nghe con trẻ bày tỏ suy nghĩ, chính kiến về một vấn đề cụ thể – những người làm cha mẹ không ít phen bất ngờ với những phát ngôn già trước tuổi.


 

Ảnh có tính chất minh họa


“Lớp 5 phải có một thằng đi chứ…”

Trong một chuyến du hí Vũng Tàu – Sài Gòn cùng cơ quan mẹ, Tũn và Miu gặp lại nhau. Hai bạn được cùng song hành tham quan Suối Tiên. Trên đường đi, hết chuyện phim, chuyện học, chuyện nhà giàu – nhà nghèo…rồi hai bạn chuyển sang chuyện “người lớn”. Dưới đây là đối thoại của đôi bạn: Miu mới tốt nghiệp lớp 4, còn Tũn vừa hết lớp 5 khiến người lớn sởn da gà.

- Miu: Em không thích mấy bạn trai ở lớp.
- Vì sao? – Tũn hỏi.

- Miu: Vì các bạn vô duyên…

- Tũn: Anh thừa duyên nên có một đống bạn theo.

- “Em có bạn trai nào theo chưa?” – Tũn hỏi.

- Miu: Em chưa….

- Tũn: Kém. Lớp 5 rồi phải có một thằng đi chứ.

- Miu: Bạn ở lớp không dám thích em đâu. Anh có biết vì sao không?

- Vì sao? – Tũn hỏi.

- Vì nickname ở lớp của em là ‘Hồ Ly Tinh’….

- Tũn cười!!!!

Còn mẹ chỉ biết cười thầm và

“Ở ngoài đời là em yêu luôn…”

Chip và Bi ngồi xem hoạt hình “Huyền thoại sân cỏ GGO”. Hầu như hai chị em không bỏ tập nào. Một lần chị Hương ngồi xem cùng để tìm lý do vì sao Bi (5 tuổi) và Chíp (10 tuổi) lại mê đến thế?

- Bỗng Bi thốt lên. Chị ơi…

- Sao? – Chíp hỏi.

- Bi: Thằng này đẹp trai chị nhỉ?

- Chíp: uh.

- Bi: “Thằng này mà ở ngoài đời là em yêu luôn!”

“Đời con chả có gì…”

Bố về thấy Tôm chơi Ipad, quát cu cậu cất đi. Cu cậu vùng vằng vì phải xếp hàng mãi mới đến lượt chơi, xuống nhà nằm úp mặt vào gối tấm tức: “Ở lớp đã có mấy đứa điên không chơi với con, về nhà bố lại không cho chơi điện tử, đời con chả có gì, tiền thì không có…” Bố Tôm choáng. 

Lần khác ông nhắc anh Hiếu: Con phải ăn rau ăn cỏ sam sưa vào giống em Tôm thì mới lớn được chứ, cứ ăn cơm không thì lớn làm sao được? Tôm giẫy nẩy: “Ông bảo ai ăn cỏ, cháu ăn rau thôi chứ. Cháu có phải là bò, trâu đâu mà ăn cỏ?”

Một hôm đón Tôm từ trường về, mặt buồn so, ông hỏi: – Sao hôm nay Tôm buồn thế? Vẫn nét mặt buồn buồn, Tôm mách: – Trưa nay, lúc con đi ngủ, các cô ăn chè với nhau mà không cho con ăn.. Cu cậu ấm ức, ông thì quay đi cười…


  • Nguyễn Hiền (ghi)

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/85093/ngo-nghinh-nghe-con-tre-doi-thoai-chuyen-yeu.html

Comments