Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Gia tăng du học sinh nhập viện tâm thần khi về nước

Posted: 16 Aug 2012 07:21 AM PDT

Tại Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia gần đây tiếp nhận một số trường hợp học sinh, sinh viên sau khi đi du học về bị rối loạn cảm xúc, trầm cảm nặng, một số luôn có ý định tự sát. Tại sao lại xảy ra những trường hợp như vậy?

Ảnh mang tính minh họa

Sáng ngày 30/7, một cô gái khá xinh cùng mẹ rụt rè gõ cửa Phòng khám Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Cô gái tên TV.Linh (nhà ở Hà Nội, vừa đi du học ở Úc về). Gần đây, cô hay mất ngủ, không thích giao tiếp, lúc nào cũng buồn rầu.

Thấy con có biểu hiện khác thường, bố mẹ cô đã thuyết phục con đến gặp bác sĩ. Mẹ của cô bé cũng được ngồi cạnh và bất ngờ khi thấy con nói với bác sĩ: Đã nhiều lần cô muốn tự sát! Thì ra, cô đã bị trầm cảm cách đây hơn 5 năm, tức là khi mới đi du học.

Thỉnh thoảng cô có hút thuốc lá, khi không ngủ được thì uống thuốc ngủ. Trong quá trình tiếp xúc với bác sĩ, chúng tôi thấy cô luôn ngơ ngác, hơi lúng túng khi diễn đạt bằng ngôn ngữ tiếng Việt, mặt hay cúi xuống, lúc lại vân vê tà áo hoặc cắn móng tay…

Sau khi trò chuyện với cô gái khá lâu, BSCK II Nguyễn Văn Dũng cho biết, đây là trường hợp bị rối loạn cảm xúc. Rất may là cô bé đã đến viện khi chưa quá muộn. Điều khó khăn là cô gái không chịu uống thuốc bác sĩ kê, chỉ nhận mình có vấn đề về tâm lý nhưng không phải bị bệnh.

Cô gái một mực xin được nằm viện một thời gian để ổn định tâm lý. Bác sĩ và mẹ cô bé bước đầu phải chấp nhận đề nghị này.

BSCK II Nguyễn Văn Dũng cũng cho hay, việc cho con đi du học sớm hoặc chưa chuẩn bị tâm lý vững vàng có thể là một sai lầm bởi khi đi du học, con phải chịu rất nhiều vấn đề áp lực tâm lý như nhớ nhà, phải giao tiếp bằng ngôn ngữ khác, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau… nên dễ sốc.

BS Trịnh Bích Huyền, Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia cho hay, trước khi cho con đi du học, các bậc cha mẹ nên rèn cho con sự vững vàng, thích nghi từng bước… khi thấy con đủ lớn, đủ sự vững vàng thì mới nên cho con đi du học.

Hiện nay, tình trạng rối loạn sức khoẻ tâm thần của học sinh – sinh viên luôn cao hơn đối tượng bình thường. Cụ thể, ở đối tượng bình thường, tỷ lệ trầm cảm chỉ là 8 – 12%, trong khi ở đối tượng học sinh – sinh viên, tỷ lệ trầm cảm là 14 – 15%. Khi có vấn đề về sức khoẻ tâm thần, được chỉ định dùng thuốc, bệnh nhân nên tuân thủ điều trị (điều này cần người nhà phối hợp động viên).

(Theo Hoài Hương/ Kiến thức)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/84790/gia-tang-du-hoc-sinh-nhap-vien-tam-than-khi-ve-nuoc.html

Học bổng phát triển nguồn nhân lực năm học 2013-2014

Posted: 16 Aug 2012 07:20 AM PDT

(GDTĐ)-Bộ GDĐT thông báo tuyển sinh chương trình học bổng Phát triển nguồn nhân lực (JDS) năm học 2013-2014.

Theo đó, năm học 2013-2014, Chương trình dự kiến tiếp nhận tối đa 30 học viên thạc sĩ. Học bổng JDS dành cho cán bộ đang công tác tại các cơ quan nhà nước của Việt Nam có năng lực để theo học chương trình thạc sĩ tại các trường đại học của Nhật Bản về các ngành học: Xây dựng Thể chế (Xây dựng Chính sách công, Xây dựng Chính sách Kinh tế công), Giao thông/Phát triển Đô thị, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Môi trường, Phát triển Khung pháp lý (Luật) và Cải cách Hành chính công.

Dự án “Học bổng Phát triển nguồn nhân lực (JDS)” do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại. Dự án này giúp Việt Nam đào tạo trình độ thạc sĩ cho cán bộ nhà nước với những kỹ năng phân tích và quản lý hiện đại để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Theo thỏa thuận đã ký kết giữa hai Chính phủ, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICE) được ủy quyền tiến hành công tác phổ biến thông tin, xử lý hồ sơ tuyển sinh trình Ban điều hành JDS của Việt Nam và Nhật Bản xét chọn, duyệt cấp học bổng.

Thông tin chi tiết về chương trình học bổng JDS và các tài liệu liên quan được đăng tải tại các trang web: http://jice.org/e/jds/application/index.htm và http://wwww.vied.vn.
Đan Thảo

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3009/201208/Hoc-bong-phat-trien-nguon-nhan-luc-nam-hoc-20132014-1963008/

Cô giáo tự tử trước mặt lãnh đạo

Posted: 16 Aug 2012 07:20 AM PDT

Cho rằng quyết định luân chuyển mình về dạy trường tiểu học là bất bình thường, cô Liên đã uống thuốc rầy tự tử ngay trước mặt Trưởng phòng GD quận Thủ Đức, TP.HCM.

Chiều 15/8, tại BV đa khoa quận Thủ Đức, cô Lý Kim Liên – GV trường tiểu học Đặng Văn Bất, phường Linh Đông – quận Thủ Đức đã kể lại cho chúng tôi nghe về sự việc đau lòng của mình.

Nghẹn ngào nói trong nước mắt, cô Liên thuật lại: Cách đây 5 năm, cô Liên đang dạy lớp 4 ở trường tiểu học Nguyễn Trung Trực, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức.

Mọi việc diễn ra bình thường, không hề có bất cứ vi phạm kỉ luật nào, thì bất ngờ vào tháng 7 năm ấy, cô Kim Liên nhận được quyết định điều động chuyển sang trường tiểu học Đặng Văn Bất dạy. Quyết định này do Chủ tịch UBND quận Thủ Đức khi ấy kí.

Vì băn khoăn với quyết định này, cô Liên đã lên Phòng GDĐT quận Thủ Đức để hỏi nguyên nhân, thì được trả lời rằng do thiếu giáo viên, nơi nào thừa sẽ chuyển để bổ sung nguồn giáo viên.

Lúc đó, cô Liên cảm thấy không hài lòng với việc này. Bởi lẽ, cô Liên cho rằng hiện là thời bình chứ không phải thời chiến mà phải đi dạy theo lệnh điều động. Bên cạnh đó, các cấp lãnh đạo ngành GDĐT của quận Thủ Đức hoàn toàn không thăm dò, hỏi ý kiến cô Liên trước khi kí quyết định.


Cô Liên đang được nhân viên BV đa khoa quận Thủ Đức tiêm thuốc vào chiều 15/8 (Ảnh: N.D)

Về nhà, cô Liên đã làm đơn khiếu nại quyết định này. Sau đó, chức vụ Trưởng phòng GDĐT quận Thủ Đức được thay cho người khác. Khi lên nộp đơn, vị Trưởng phòng mới này đã nói với cô Liên rằng mình mới về, vụ việc lại lớn nên cũng không nắm được nhiều. Vị Trưởng phòng này đã khuyên cô Liên nên chấp nhận dạy ở trường được yêu cầu chuyển tới. Tình thế bất khả kháng, cô Liên đành phải chấp nhận làm theo quyết định điều động.

Do bản thân rất có tình cảm với trường Nguyễn Trung Trực, lại gần nhà nên dạy ở trường Đặng Văn Bất được 1 năm, 4 năm còn lại, năm nào cô Liên cũng làm đơn xin chuyển về dạy tại trường Nguyễn Trung Trực. Năm nay cũng vậy, cô Liên lại cũng có mong muốn về dạy học lại ở ngôi trường cũ.

Cho tới hết tháng 7, cô Liên vẫn không nghe thông tin gì nên cứ tưởng mình vẫn dạy ở trường cũ (trường Đặng Văn Bất). Cô Liên đã nhận lớp cho năm học mới, đóng tiền học, sắm sửa cho con cũng học ở trường Đặng Văn Bất thì "bất ngờ nối tiếp bất ngờ".

Sáng ngày 14/8, Hiệu trưởng trường Đặng Văn Bất gọi cô Liên lên làm việc, trao cho quyết định chuyển cô Liên sang trường khác dạy học. Điều đáng nói là trường cô sắp chuyển tới không hề đúng với nguyện vọng của mình.

Vì Hiệu trưởng chưa có câu trả lời thỏa đáng, chiều 14/8, cô Liên tiếp tục cầm đơn khiếu nại của mình lên phòng GDĐT quận Thủ Đức, gặp Trưởng phòng Lê Minh Tuấn cùng Thanh tra phòng GDĐT và 1 số các chuyên viên.

Được gặp lãnh đạo ngành GDĐT của quận, cô Liên đã đặt câu hỏi: "Thầy nghĩ thế nào khi thời điểm này chuyển tôi sang dạy ở trường tiểu học mới (trường Nguyễn Văn Banh), mà lại là trường không đúng theo nguyện vọng của tôi?", thầy Tuấn nói trường Nguyễn Trung Trực đã đủ người rồi.

Đến đây, cô Liên lại tiếp tục đặt vấn đề: "Nếu đủ giáo viên thì cứ để tôi ở lại trường Đặng Văn Bất, cớ sao lại bất ngờ chuyển tôi sang trường mới, khi mà tôi đã nhận lớp học, cuộc sống sinh hoạt gia đình tôi đã ổn định". Trưởng phòng GDĐT quận Thủ Đức trả lời mập mờ: "Tôi nhìn thấy hộ khẩu của cô gần trường Nguyễn Văn Banh, nên chuyển về cho đúng tuyến".

Cô Lý Kim Liên đã phản bác lại ngay ý kiến của Trưởng phòng GDĐT quận Thủ Đức: Từ hồi nào đến giờ, tôi chưa nghe thấy nói tới chuyện giáo viên phải đi dạy đúng tuyến bao giờ, mà chỉ là HS phải đi học đúng tuyến mà thôi.

Cô Liên tiếp tục nêu lên ý kiến của mình: "Tôi là phụ nữ gần 40 tuổi, gần 20 năm phục vụ trong ngành, giờ 1 mình phải nuôi 2 người con, trong đó có 1 người con nhỏ, thầy nghĩ thế nào khi lại chuyển trường dạy học của tôi khi mà 5 năm trước tôi đã đi 1 lần? "

Thầy Lê Minh Tuấn vẫn trả lời lí do trường Nguyễn Văn Banh gần nhà cô Liên. Một cô đại diện cho Thanh tra Phòng GDĐT quận cũng đã vin vào lí do năm nào cô Liên cũng có đơn xin chuyển trường, nên lãnh đạo đã duyệt cho cô về dạy gần nhà.

Đồng thời, theo lời kể lại của cô Liên thì những vị lãnh đạo trong phòng GDĐT quận Thủ Đức còn thách đố cô đi khiếu nại, tố cáo xung quanh quyết định điều động chuyển trường của mình. Quá bức xúc, uất ức với những câu trả lời của những người lãnh đạo mình, cô Liên đã lấy từ trong túi ra 1 chai thuốc rầy, uống trước mặt những người lãnh đạo ngành GDĐT quận Thủ Đức.

Điều đáng nói, theo như cô Liên kể lại thì lúc ấy, những người lãnh đạo cao nhất của phòng GDĐT quận Thủ Đức đều ngồi im nhìn. Hay tin dữ này, có 1 chuyên viên khác của phòng GDĐT đã nhảy vào, xô cô Liên ra khỏi chai thuốc, nhưng đáng tiếc là cô Liên đã uống vài ngụm, rồi bất tỉnh, lịm đi. Những chuyên viên của phòng GDĐT quận đã ngay lập tức chuyển cô Liên đến cấp cứu tại BV đa khoa quận Thủ Đức.

Cho tới chiều ngày 15/8, các BS của khoa Hồi sức chống độc – BV đa khoa quận Thủ Đức đã xác nhận hiện sức khỏe của cô Liên đang dần ổn định, nhưng trong người vẫn còn chất độc nên vẫn phải ở lại để điều trị.

Tiếp xúc với chúng tôi ngay trên giường bệnh, vừa nói nước mắt vừa chảy liên tục, cô Liên nêu lên thắc mắc: "Tại sao cứ mỗi lần ở quận Thủ Đức này có lệnh điều chuyển giáo viên là tới lượt tôi, tôi đã làm gì có tội với ngành GDĐT quận? 5 năm trước tôi đã bị chuyển 1 lần mà khi đó tôi còn trẻ, giờ đã gần 40 tuổi với con nhỏ (học lớp 2), sao lại bất ngờ chuyển trường dạy học của tôi khi mà tôi đã ổn định, đã nhận lớp dạy cho năm học mới?"

(Theo VTC)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/84789/co-giao-tu-tu-truoc-mat-lanh-dao.html

Đóng cửa khát vọng vươn lên

Posted: 15 Aug 2012 08:45 PM PDT

Đóng cửa khát vọng vươn lên

TT – Dù công khai hay ngấm ngầm, hiện đang có xu hướng loại bỏ ứng viên hệ đại học tại chức ra khỏi các cuộc thi công chức ở địa phương.

Hệ tại chức: đứa con bị từ chối
Hệ tại chức: không tuyển thì đào tạo làm gì?

Đúng là có lý do để nói không với tấm bằng tại chức. Phải khẳng định là chất lượng của hệ đại học tại chức ngày càng xuống cấp, không chỉ thấp về đầu vào mà còn dở cả đầu ra. Hệ tại chức thật sự chỉ là "nồi cơm" của các trường đại học. Ở đó người ta dạy ào ào, học ào ào miễn là thu được tiền, chất lượng ra sao không mấy ai quan tâm. Nghĩ cho cùng, học như thế, dạy như thế, bị dị ứng cũng không phải là chuyện lạ.

Nói vậy không có nghĩa là đồng tình với việc tẩy chay đại học tại chức. Hệ đại học này được Nhà nước công nhận, đồng thời cũng rất cần thiết cho nhu cầu học tập, cho khát vọng vươn lên của những ai không đủ điều kiện để theo đuổi hệ đại học chính quy. Không cho các ứng viên đại học tại chức tham dự cuộc thi công chức là chặn đường phấn đấu, khiến mơ ước của biết bao con người, nhất là thế hệ trẻ, trở nên đổ vỡ.

Xét về khía cạnh pháp lý, chủ trương không tuyển dụng hệ đại học tại chức là không phù hợp với các quy định hiện hành. Dẫu xã hội còn có định kiến, nhưng Nhà nước không đặt vấn đề phân biệt đại học tại chức với đại học chính quy hoặc các loại hình đào tạo khác. Việc thi tuyển công chức cũng vậy, mọi tấm bằng đều ngang nhau, điều quan trọng là người có tấm bằng đó phải thể hiện được năng lực.

Chẳng có gì lăn tăn về chất lượng của hệ đại học tại chức hiện nay, yếu kém đã rõ. Vấn đề cốt lõi là phải chấn chỉnh, chứ không phải con hư là bỏ. Chúng ta không vì thực trạng này mà "vơ đũa cả nắm", xô đẩy hàng ngàn con người sang bên lề đường, vừa thiếu tính nhân văn, vừa tự cắt nguồn tìm kiếm nhân tài cho đất nước. Điều cần nhấn mạnh là phải thi tuyển công chức thế nào cho công bằng, nghiêm túc và minh bạch, đừng bị chi phối những chuyện tiền bạc, quan quyền hay chạy chọt "cửa trước, cửa sau".

LÊ THANH TÂM (TP.HCM)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/506962/Dong-cua-khat-vong-vuon-len.html

Muốn thành công, hãy tự học!

Posted: 15 Aug 2012 08:44 PM PDT

(GDTĐ) – Tự học, tự bồi dưỡng có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực ngành nghề trong đời sống xã hội. Đặc biệt, đối với nghề dạy học, càng đòi hỏi người GV phải tự học suốt đời để  hoàn thiện mình và nâng cao chất lượng giảng dạy. Hay nói như một nhà tâm lý giáo dục: Một giáo viên giỏi là một giáo viên luôn tranh thủ thời gian để tự học.

Nghiên cứu về tự học có thể thấy: Tự học, tự bồi dưỡng là con đường phát triển của mỗi người. Bằng việc tự học, tự bồi dưỡng ở các mức độ, hình thức khác nhau, con người sẽ tiếp thu, lĩnh hội, vận dụng và phát triển các kinh nghiệm, kiến thức của xã hội loài người  ở mức độ khác nhau. Hay nói một cách tổng quát, việc tự học, tự bồi dưỡng chính là quá trình tạo ra hệ thống giá trị mới trong nhân cách của con người. Nhất là trong thời đại ngày nay lượng tri thức của loài người không ngừng gia tăng theo cấp số nhân, trong khi nhu cầu nhận thức là vô cùng. Hơn nữa, thời gian đào tạo ở nhà trường có hạn. Nhà trường trước kia đã vậy, ngày nay cũng không thể chuyển tải hết các tri thức phong phú đa dạng đó.

Xuất phát từ yêu cầu của thời đại như vậy, đòi hỏi mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phải luôn ý thức rằng để đáp ứng yêu cầu đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, mỗi nhà giáo phải không ngừng bồi dưỡng mở rộng tầm nhìn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hơn nữa lao động sư phạm của người thầy ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển nhân cách mỗi học sinh. Muốn phát huy khả năng sáng tạo cũng như giúp học sinh phát triển tư duy trong môi trường học tập luôn thay đổi thì mỗi nhà giáo phải gương mẫu, phải đảm bảo các yêu cầu về năng lực nghề nghiệp. Vì thế việc tổ chức dạy học theo tinh thần đổi mới đòi hỏi mỗi giáo viên phải có kiến thức vừa sâu vừa rộng, biết cách vận dụng khéo léo giá trị tinh hoa của nhân loại vào bài giảng. Giáo viên phải nắm vững mục tiêu và quan điểm dạy học hiện đại, yêu cầu về nội dung chương trình và từng đối tượng học sinh nhằm phát huy tối đa khả năng phát triển trí tuệ, đánh thức óc tò mò, sáng tạo của học sinh.


Tự học giúp GV tự hoàn thiện mình

Chưa bao giờ việc tự học, tự bồi dưỡng lại có nhiều những điều kiện thuận lợi như ngày nay, ở tất cả các ngành học, bậc học đều có loại hình đào tạo phong phú đáp ứng nhu cầu toàn dân học tập, xã hội học tập như: chính quy, tại chức, bồi dưỡng thường xuyên, từ xa… với những mô hình tổ chức được thiết lập mở… Cùng với đó là sự phát triển của khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin đã làm thay đổi bản chất của việc tự học, tự bồi dưỡng. Nhờ có máy tính, mạng Internet, kho tàng tri thức của nhân loại đã được lưu trữ, xử lý và trao đổi dễ dàng trên phạm vi toàn cầu. Giờ đây người học có thể học tập qua nhiều kênh, bằng nhiều phương thức, hình thức.

Vấn đề là ở chỗ trong việc tự học, điều quan trọng hàng đầu là xác định rõ mục đích học tập và xây dựng động cơ hoạt động đúng đắn; phải tự mình lao động để tạo điều kiện cho việc học suốt đời; muốn tự học thành công, phải có kế hoạch sắp xếp thời gian học tập, phải bền bỉ, kiên trì thực hiện kế hoạch đến cùng, không lùi bước trước mọi trở ngại; phải triệt để tận dụng mọi hoàn cảnh, mọi phương tiện, mọi hình thức để học; học đến đâu, ra sức luyện tập thực hành đến đó… Đặc biệt là phải xác định rõ nội dung tự học, tự bồi dưỡng liên quan chặt chẽ và phục vụ hữu ích cho công việc dạy học và giáo dục của người giáo viên, hay nói cách khác là phải có ý thức cần gì học nấy, lấy công tác của mình làm trung tâm, toàn bộ hoạt động tự học, tự bồi dưỡng nhằm phục vụ công việc chuyên môn của mình. Bên cạnh đó phải biết kết hợp việc tự học của cá nhân với kế hoạch bồi dưỡng của tập thể. Mỗi người cần nắm bắt thông tin, bố trí thời gian phù hợp để có thể tham dự các lớp bồi dưỡng theo chuyên môn phù hợp với mục đích của mình. Đồng thời phải chuẩn bị và tạo tiềm lực về tri thức khoa học, tri thức văn hóa xã hội, trình độ ngoại ngữ, tin học để khi điều kiện cho phép có thể theo học để nâng cao trình độ chuẩn và trên chuẩn. Trong quá trình tự bồi dưỡng phải biết coi trọng phương pháp. Bởi chúng ta không chỉ tiếp nhận những tri thức cụ thể mà cần nắm vững tri thức mang tính phương pháp để từ những tri thức này sẽ sản sinh ra những tri thức bộ phận và truyền cho người học.

Vấn đề mấu chốt không thể không nhắc đến là mỗi giáo viên, mỗi người làm công tác giáo dục cần phải thấy được bản chất của vấn đề tự học chính là quá trình tự mình động não, suy nghĩ, sử dụng các năng lực trí tuệ và hiểu biết vốn có của mình để chiếm lĩnh một hiểu biết nào đó của nhân loại và biến nó thành sở hữu của riêng mình. Hay nói cách khác là mỗi giáo viên, mỗi người làm công tác quản lý giáo dục phải biết phát huy chính từ nội lực vốn có của mình, phải tìm cách để đánh thức, lay động nội lực của chính mình một cách thường xuyên và hiệu quả.

Triết lý giáo dục thế kỷ XXI đã được Hội đồng quốc tế về giáo dục cho thế kỷ XXI trình bày trong cuốn "Học tập: Một kho báu tiềm ẩn" thể hiện tư tưởng chủ đạo là: Lấy "Học thường xuyên, học suốt đời" làm nền móng, xây dựng 4 trụ cột giáo dục là: "Học để biết. Học để làm việc. Học để cùng sống với nhau. Học để làm người" hướng tới một "Xã hội học tập". Và thực tế cũng đang cho thấy chỉ có tự học mới có thể có điều kiện giúp chúng ta học tập được thường xuyên và suốt đời. Tự học là một cách tự bồi dưỡng, tự làm giàu kiến thức cho mình vừa đơn giản, tiết kiệm vừa hiệu quả. Và có thể nói một cách khái quát: Yếu  tố quyết định tự học chính là thái độ của người học; xuất phát từ nhận thức, mục đích học của người học mà người học tự xác định cho mình một động cơ tự học phù hợp. Vì vậy trách nhiệm của mỗi nhà giáo và quản lý giáo dục là gương mẫu tự học, phải suy nghĩ, tìm biện pháp để thổi lên ngọn lửa của phong trào tự học, tự bồi dưỡng trong các nhà trường.

Minh Tư

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201208/Muon-thanh-cong-hay-tu-hoc-1962977/

Comments