Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Bài văn sâu sắc của nữ sinh 16 tuổi về đường tắt

Posted: 12 Aug 2012 05:03 AM PDT

- Bài thơ “Đường tắt” của Đặng Chân Nhân có lẽ sẽ khiến không ít ngườigiật mình trước những suy nghĩ quá đỗi sâu sắc của một cô bé 16 tuổi.

Bạn sẽ chọn con đường nào cho mình?

Đề bài: Suy nghĩ của anh (chị) từ bài thơ ” Đường tắt” của Đặng Chân Nhân:

Luôn có một con đường ở trước bạn
Con đường dài mà bạn đang đi, hướng tới đích
Có một con đường ngắn hơn, cũng ở đó
Con đường nhỏ, ngắn và dễ đi hơn
Nó không dài, không tốn thời gian và không có một chướng ngại vật nào.
Nhưng
Con đường nhỏ ấy
Nó bỏ qua rất nhiều thứ
Nó không cho bạn một tí kinh nghiệm nào
Nó không làm cho bạn mạnh mẽ hơn
Nó không làm cho bạn tốt hơn
Và nó luôn là con đường sai.
Nhưng
Con người vẫn đi con đường nhỏ ấy
Những kẻ trộm đi con đường ấy để trở thành kẻ giàu
Những kẻ lừa dối đi con đường ấy để trở nên thành công
Chúng dễ dàng đạt được những thứ người khác đạt được một cách khó nhọc
Chúng trở nên thành công với nhưng ý nghĩ vô học
Liệu chúng có thể tồn tại?

Đặng Chân Nhân
(Sinh năm 1993)

Bài làm

Có một sự thật luôn tồn tại mà ai cũng biết: rằng nhiều kẻ bằng “ô dù”, bằng nịnh nọt, bằng cách này hay cách khác mà trèo lên được chức vụ cao, làm ông to bà lớn, ung dung hưởng kết quả mà lẽ ra phải đánh đổi bằng rất nhiều cố gắng nỗ lực. Ai cũng biết và ai cũng bức xúc. Ai cũng bức xúc nhưng không ai dám nói to. Không ai dám nói to nhưng người ta thì thầm “ông ấy… bà nọ…” và ai cũng tặc lưỡi “biết rồi”. Nói như Đặng Chân Nhân là ta đã quen nhìn nhiều người đi “Đường tắt”

“Luôn có một con đường ở trước bạn
Con đường dài mà bạn đang đi, hướng tới đích
Có một con đường ngắn hơn, cũng ở đó
Con đường nhỏ, ngắn và dễ đi hơn
Nó không dài, không tốn thời gian và không có một chướng ngại vật nào”

Mở đầu bài thơ “Đường tắt”, Đặng Chân Nhân mở ra trước mắt ta hai con đường với hai viễn cảnh hoàn toàn trái ngược dù nó cũng dẫn tới một đích. Con đường dài là biểu tượng cho hành trình gian khó, phải trải qua bao gian nan thử thách mới có thể gặt hái được thành công. Còn con đường ngắn – đường tắt lại là ẩn dụ cho một hành trình ngắn hơn với những luồn lách, thậm chí gian trá để có thể được hưởng thành quả. Đặng Chân Nhân đã xây dựng một tương quan hoàn toàn đối lập: một bên dài – một bên ngắn; một bên đầy bão tố thử thách – một bên “không có chướng ngại vật nào” và “không tốn thời gian”. Đánh vào tâm lí sợ khổ, sợ cực của con người, việc lựa chọn đường tắt quả là có một sức cám dỗ rất lớn.

Nhưng, cái gì cũng có giá của nó!

Lửa thử vàng, phải trải qua khó khăn con người mới có thể trở nên cứng cáp, phát huy hết năng lực bản thân, thậm chí bộc lộ những năng lực tiềm ẩn. Ta có thể sẽ vấp ngã rất đau nhưng giá trị là những bài học thu về. Đi trên con đường dài, vất vả song sẽ giúp ta ngày một trưởng thành hơn. Ta có quyền tự hào vì những gì tự mình gây dựng lấy. Niềm vui, niềm hạnh phúc khi đạt được thành quả cũng trở nên trọn vẹn.

Và như thế có nghĩa là, khi chọn đi con đường tắt, người ta đã bỏ qua tất cả những điều tuyệt vời đó

” Con đường nhỏ ấy
Nó bỏ qua rất nhiều thứ
Nó không cho bạn một tí kinh nghiệm nào
Nó không làm cho bạn mạnh mẽ hơn
Nó không làm cho bạn tốt hơn”

Tôi nghĩ, thứ mất đi có lẽ không chỉ có chừng ấy. Đường tắt dễ đi nhưng lệ phí để đi con đường ấy thực không nhỏ chút nào. Muốn đi đường tắt, người ta phải dùng không biết bao nhiêu là thủ đoạn, hoặc là khom gối mà xin, hoặc là cướp trắng trợn thứ đáng lẽ thuộc về người khác. Hay nói đúng hơn, họ phải bán rẻ nhân cách, bán rẻ những giá trị người của chính mình. Kẻ dám bán có hai loại: kẻ trộm và kẻ lừa dối. Bán đi rồi thì còn lại những gì

“Kẻ trộm đi con đường ấy để trở thành kẻ giàu
Kẻ lừa dối đi con đường ấy để trở nên thành công
Chúng dễ dàng đạt được những thứ người khác đạt được một cách khó nhọc
Chúng trở nên thành công với nhưng ý nghĩ vô học”

Đúng là đi đường tắt thì cái gì cũng dễ. Đi dễ, thành công dễ và mất cũng dễ. Mà đã mất là mất hết. Vì không có năng lực thực sự thì không khả năng giải quyết các yêu cầu công việc ở vị trí đó. Họ lúc nào cũng sống trong lo sợ sẽ có người hạ bệ mình, lúc nào cũng bất an, lúc nào cũng phải tìm cách lấp liếm sự kém cỏi. Nhưng, dù sớm hay muộn, họ chắc chắc cũng sẽ bị lật tẩy.

Câu hỏi cuối bài thơ vang lên đầy day dứt: “Liệu chúng có thể tồn tại?”. Đây có thể cũng là một lời nhắc nhở, một lời cảnh báo. Đặng Chân Nhân khẳng định đường tắt “luôn là con đường sai”. Nó chỉ đem đến thành công trước mắt mà không thể duy trì lâu dài, hơn nữa cái giá phải trả cho nó là quá lớn. Không chỉ với một người mà với cả cộng đồng, với cả kẻ đi dường tắt và người lựa chọn đường dài. Vì thành công bằng lối tắt là không công bằng với những người đã và đang nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình. Nó sẽ khiến những người có năng lực thực sự mất niềm tin, hao mòn ý chí phấn đấu và nhiệt huyết cống hiến cho xã hội. Không dừng lại ở đấy. Hậu quả của nó còn khủng khiếp hơn rất nhiều.

Hãy là một phép nhẩm đơn giản. Rằng những người đi đường tắt thì thường ngồi lên chức vị cao. Ngồi ở chức vị cao thì đưa ra những quyết sách quan trọng. Nhưng vì không có năng lực nên quyết sách quan trọng hay bị sai lầm. Một quyết sách sai lầm thì hậu quả nặng nề của nó cả cộng đồng phải gánh chịu. Hơn nữa những kẻ đi đường tắt sẽ khiến cả xã hội mất cân bằng ghê gớm. Chính vì đi đường tắt, không có năng lực thực sự, nên những kẻ ấy luôn cố gắng tìm cách che đậy sự kém cỏi của mình. Nhu cầu ấy sẽ kéo theo một loạt tệ nạn khác trong xã hội: mua quan bán chức, mua bằng, thi hộ… Những cái giả cứ thế lên ngôi, các giá trị cũng bị làm giả một cách trắng trợn. Niềm tin cũng theo đấy đổ vỡ. Xã hội bị gặm rỗng từ bên trong.

Ta phải nhìn thằng vào sự thật: rằng ngày càng có nhiều người muốn đi đường tắt. Từ cậu học trò không học nhưng muốn thi đỗ nên giờ bài quay cóp cho đến ông bộ trưởng nào đấy với cái bằng trị giá nghìn đô. Nó không ở một cá nhân mà đang lây lan trong cộng đồng như một thứ bệnh dịch. Gần đây người ta xôn xao vì clip ghi hình giám thị đáp bài cho thí sinh, thí sinh ngang nhiên giở tài liệu chép trong kì thi tốt nghiệp THPT. Nó trắng trợn quá. Và sự trắng trợn ấy đã diễn ra từ rất lâu rồi. Vì sao? Vì ai cũng muốn đi đường tắt. Đường tắt đã nhân bản muôn hình vạn trạng trong cuộc sống.

Không phải tự dưng mà những kẻ đi đường tắt có thể tồn tại. Không có người dung túng mở đường thì liệu những kẻ đó có thể đi được? Và, chúng còn được tiếp sức bởi chính cộng đồng. Vì chúng ta thích những thứ hào nhoáng, quá coi trọng bằng cấp mà quên đi giá trị thực sự bên trong. Tâm lí ấy dường như đã ăn sâu vào con người chúng ta.

Hãy thay đổi.

Vì dẫu biết những kể đi đường tắt sớm muộn cũng bị lật tẩy, bị thay thế nhưng cho đến lúc ấy thì không biết đã kịp gây ra bao nhiêu hậu quả. Có thể khắc phục nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian mà không thể phục hồi nguyên trạng ban đầu. Cùng giống như xây nhà vậy hãy xây cẩn thận ngay từ đâu còn hơn xây rối và sau này phải hì hục sửa chữa,chắp vá.

Bài thơ “Đường tắt” của Đặng Chân Nhân có lẽ sẽ khiến không ít người giật mình trước những suy nghĩ quá đỗi sâu sắc của một cậu bé 15 tuổi. Bởi nó đã vạch ra, phân định rõ ràng cho ta thấy bản chất đúng – sai giữa hai con đường, hai sự lựa chọn, giữa sống giả và sống thật.

Và bạn, bạn sẽ chọn con đường nào?

  • Hoàng Quỳnh Phương

(Lớp 11 Văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi – đường Ngô Quyền – thành phố Hải Dương – tỉnh Hải Dương)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/84087/bai-van-sau-sac-cua-nu-sinh-16-tuoi-ve-duong-tat.html

Thêm Quảng Nam nói “không” với tại chức

Posted: 12 Aug 2012 05:03 AM PDT

– Quảng Nam sẽ tuyển gần 600 cán bộ
công chức để bổ sung vào đội ngũ cán bộ các đơn vị sở, ban ngành trong
tỉnh năm 2012, không tuyển ứng
viên có bằng đại học tại chức.

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định về điều kiện đối với những người đăng ký dự tuyển phải có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp hệ chính quy trở lên đối với các ngạch công chức tương đương, hệ chính quy đúng chuyên ngành cần tuyển; chứng chỉ tin học văn phòng, ngoại ngữ trình độ B. Ngạch cán sự và tương đương yêu cầu ngoại ngữ trình độ A.

Các ứng viên có bằng đại học tại chức bị từ chối tuyển dụng lần này. Tuy nhiên, những đối tượng có trình độ ĐH hệ tại chức đúng chuyên ngành cần tuyển đã hợp đồng làm việc tại cơ quan, đơn vị có đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2009 trở về trước được đăng ký dự tuyển.

Sở nội vụ Quảng Nam dự kiến có khoảng 1500 hồ sơ đăng ký dự tuyển. Thời gian dự thi vào khoảng tháng 10/2012.

  • Nguyễn Hường

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/84173/them-quang-nam-noi--khong--voi-tai-chuc.html

SOS xếp hạng trí tuệ Việt, ôn lại Nguyễn Trường Tộ

Posted: 12 Aug 2012 05:03 AM PDT

Nhân đọc ý kiến độc giả tranh luận “Làm gì để trí tuệ Việt hết ngụp lặn ở nửa dưới thế giới”, độc giả Đỗ Xuân Lâm “ôn quá khứ để suy nghĩ về hiện tại : Sự kiện lịch sử Nguyễn Trường Tộ.


 


Nguyễn Trường Tộ

Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828 tại làng Bùi Chu, Hưng Nguyên (Nghệ An) trong 1 gia đình công giáo. Ông đã học thông Tứ thư, Ngũ kinh của Nho giáo.

Năm 1858 (30 tuổi), ông được Giám mục Gauthier đưa đi Hương Cảng, Singapore, Thuỵ Sĩ rồi sang Paris nước Pháp học 2 năm.

Ở Paris, Nguyễn Trường Tộ đã miệt mài tiếp thu tri thức khoa học hiện đại, tìm hiểu thực tế xã hội Phương Tây, với mong muốn đem những trí thức mới mẻ đó trở về giúp ích cho đất nước.

Năm 1861 ông trở về nước thì thực dân Pháp đang lần lượt chiếm lục tỉnh Nam Kỳ. Ông ở ẩn tại quê nhà rồi lần lượt dâng lên Triều đình Huế 30 bản điều trần, đề xuất triều đình cải cách chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học và giáo dục. Các bản điều trần đề xuất đổi mới hầu hết các lĩnh vực chủ yếu:

-Về kinh tế thì quan tâm mở mang công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp bản địa và buôn bán với nước ngoài, mời các công ty nước ngoài giúp ta khai thác tài lợi, sửa đổi thuế khoá nhằm làm cho dân giàu nước mạnh.

-Về văn hoá – giáo dục thì cải cách phong tục, trọng dân, sửa đổi chế độ thi cử, mở mang việc học hành , thay đổi nội dung giáo dục , dùng quốc âm thay chữ Hán , lập các trại tế bần.

-Về ngoại giao: Nguyễn Trường Tộ đã phân tích cục diện chính trị thế giới thời đó, khuyên triều đình trực tiếp ngoại giao với chính phủ Pháp để ngăn chặn xâm lược, xác lập tư thế "làm chủ đón khách”.

-Về quân sự: Nguyễn Trường Tộ "chủ hoà” nhưng không "chủ hàng vô nguyên tắc”. Ông đề xuất cải tu võ bị, trọng cả võ và văn, ưu ái người lính, biên soạn binh pháp, đào tạo chỉ huy, mua sắm võ khí, xây dựng phòng tuyến ngăn thực dân Pháp chiếm lan rộng.

Theo nhiều học giả , nếu các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ được triều đình Huế áp dụng như một sách lược lớn thì đã có thể biến đổi nước Việt thành quốc gia hùng cường và tạo ra chuyển biến quan trọng trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt từ thế kỷ 19.

Tiếc rằng, vua Minh Mạng và những người kế tục Thiệu Trị và Tự Đức đều khước từ các bản điều trần đó và tiếp tục chính sách quen thuộc đã lỗi thời là "dĩ nông vi bản”.

Điều này cũng dễ hiểu. Từ thế kỷ thứ 15, nước Đại Việt đã tiếp thu mô hình chính trị, tổ chức xã hội và cách xây dựng Nhà nước Nho giáo từ nước Trung Hoa. Khi đó, cơ cấu chính quyền từ luật pháp, hành chính, đến văn chương, nghệ thuật đều tương tự Trung Hoa.

Nho giáo lại là hệ tư tưởng triết học kết hợp giữa văn hoá nông nghiệp với truyền thống du mục phương nam của Trung Hoa cổ đại, từ thời nhà Chu, bắt đầu từ khoảng năm 551 trước công nguyên, cách đây trên 2500 năm.

Mô hình chính trị như thế không dễ dàng xa rời chính sách dĩ nông vi bản để tiếp thu nền văn minh công nghiệp.

Trong tất cả các chế độ quân chủ chuyên chế như Trung Hoa và các triều đại phong kiến Việt Nam thời đó (khác với chế độ quân chủ lập hiến như Nhật, Anh, Thuỵ Điển, Đan Mạch …) không có Quốc hội, cũng không có Hiến pháp. Vua không do dân bầu. Vua chỉ thực hiện theo Thiên Mệnh. Do vậy, dù Nguyễn Trường Tộ có trí thức khoa học hiện đại, một lòng vì dân vì nước cũng không có chỗ đứng trong lịch sử thời đó. Đó là vết sẹo của vết thương quá khứ trong lịch sử để lại cho mỗi chúng ta suy nghĩ về hiện tại và tương lai của đất nước và cho chính mình.

Kể từ cuộc Cách Mạng tháng Tám năm 1945, chế độ quân chủ chuyên chế ở Việt Nam đã lui vào dĩ vãng nhưng dù có những bản điều trần canh tân đất nước mang hào khí vì dân vì nước như Nguyễn Trường Tộ được chấp nhận thì còn phải có hàng loạt các điều kiện để sách lược như thế trở thành hiện thực.

Đó là những người đứng đầu Nhà nước toàn tâm toàn ý vì dân vì nước và có tài thao lược, một nền giáo dục sáng tạo, một Nhà nước pháp quyền đủ mạnh, những Tổng Công trình sư tài giỏi ở tất cả các lĩnh vực từ tổ chức – hành chính, đến khoa học, kinh tế, giáo dục, văn hoá… để tập họp được và phối hợp, phát huy mọi sáng kiến của các nhân tài, lực lượng lao động lành nghề trên mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ nghề nghiệp và trên hết là chính sách dùng người , thu phục được nhân tâm, tận dụng người tài, cùng hướng vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ văn minh tiến bộ và bình đẳng, hội nhập với thế giới tiến bộ trong thế kỷ 21 này.

Ai sẽ đi tiên phong trên mặt trận canh tân đất nước này? Bạn Nguyễn Trung Thành nói rất chí lý: "Thế hệ trẻ đừng trông chờ vào sự thay đổi tư duy của tất cả mọi người trong những thế hệ đi trước. Họ đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử của họ rồi. Con người vốn có những hạn chế của lịch sử. Các bạn trẻ hãy là những người trước tiên thay đổi tư duy để có tư duy sáng tạo. Đó là trách nhiệm lịch sử của các bạn”.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/84152/sos-xep-hang-tri-tue-viet--on-lai-nguyen-truong-to.html

Điểm chuẩn các trường ĐH, CĐ

Posted: 12 Aug 2012 05:03 AM PDT

Ngày 10.8, thêm nhiều trường ĐH, CĐ công bố điểm chuẩn trúng tuyển và điều kiện xét tuyển.

Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM: Điểm chuẩn tất cả các ngành sau khi đã nhân hệ số 2 môn toán là 20. Trường sẽ xét thêm 200 chỉ tiêu cho tất cả các ngành với điểm xét bằng điểm chuẩn trở lên.

Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM: Điểm chuẩn các ngành (đã nhân hệ số 2 môn toán) theo khối A và D1 như sau: kinh tế học 24 và 26; kinh tế đối ngoại 28,5 và 30; kinh tế và quản lý công 22,5 và 23,5; tài chính ngân hàng 26,5 và 29,5; kế toán 24 và 26; quản trị kinh doanh 25,5 và 28; kinh doanh quốc tế 25,5 và 27,5; kiểm toán 26,5 và 28,5; luật kinh doanh 25,5 và 27,5; luật thương mại quốc tế 25,5 và 28,5; luật dân sự, luật tài chính ngân hàng chứng khoán 22 (chung 2 khối A và D1); hệ thống thông tin quản lý 22 (chỉ tuyển khối A).

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM: Điểm chuẩn các ngành ĐH gồm: công nghệ thông tin (CNTT) 13 (A, A1) và 13,5 (D1); CNKT điện điện tử, CN chế tạo máy 13; CNKT hóa học, CNKT môi trường 14 (B) và 13 (A); quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính ngân hàng 13 (A, A1) và 13,5 (D1); CN sinh học, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm 14 (A) và 15 (B); CN chế biến thủy sản 13 (A) và 14 (B); CN thực phẩm 15 (A) và 16,5 (B).

Điểm chuẩn các ngành CĐ gồm: CNTT, CNKT nhiệt, quản trị kinh doanh 10 (A, A1) và 10,5 (D1); CNKT điện điện tử, CNKT cơ khí, CN may, CNKT nhiệt 10; CN giày, CN vật liệu 10 (A, A1) và 11 (B); CNKT môi trường 10 (A) và 11 (B); Việt Nam học 10 (A, A1) và 11,5 (C, D1); CNKT hóa học, CN chế biến thủy sản 10 (A) và 11 (B); CN thực phẩm 12 (A) và 13 (B); CN sinh học 11,5 (A) và 12 (B).

Ngày 10.8, thêm nhiều trường ĐH, CĐ công bố điểm chuẩn trúng tuyển và điều kiện xét tuyển.
Phụ huynh và thí sinh xem điểm thi tại Trường ĐH Sài Gòn – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trường thông báo xét tuyển bổ sung các ngành ĐH với điểm xét bằng điểm chuẩn, chỉ tiêu cụ thể từng ngành: CNTT, CN chế tạo máy, CNKT hóa học, CN chế biến thủy sản mỗi ngành 100; CN thực phẩm, CN sinh học, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm mỗi ngành 50; CNKT điện điện tử, CNKT môi trường, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán mỗi ngành 150.

Trường nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh dự thi ĐH và CĐ vào bậc CĐ của trường với điểm xét tuyển bổ sung bằng điểm chuẩn. Các trường hợp sử dụng kết quả thi CĐ sẽ xét vào 2 ngành sau: quản trị kinh doanh, kế toán 11 (A, A1) và 11,5 (D1). Chỉ tiêu xét tuyển bổ sung các ngành CĐ gồm: CNTT, CNKT điện điện tử, CNKT cơ khí, CNKT hóa học, CN sinh học, CNKT môi trường mỗi ngành 120; CN thực phẩm 200; CN chế biến thủy sản, CN may, Việt Nam học mỗi ngành 110; kế toán, quản trị kinh doanh 150; CN da giày, CNKT nhiệt, CN vật liệu mỗi ngành 100.

Trường chỉ nhận giấy chứng nhận kết quả thi bản chính, thời gian nhận hồ sơ xét tuyển ĐH đợt 1 tới 22.8 (sẽ thông báo tuyển thêm nếu còn chỉ tiêu), bậc CĐ đến ngày 15.9.

Trường ĐH Giao thông vận tải (cơ sở 2): Điểm chuẩn chung cho tất cả các ngành là 13.

Trường CĐ Sư phạm T.Ư Nha Trang: Các ngành có môn năng khiếu nhân hệ số 2: Sư phạm (SP) âm nhạc (khối N) 24,5; SP mỹ thuật (H) 25,5; giáo dục thể chất (T) 17,5; thiết kế đồ họa (H) 27. Các ngành còn lại: Giáo dục mầm non (M) 12; giáo dục đặc biệt (M) 10,5; Việt Nam học (Hướng dẫn viên du lịch) và quản trị văn phòng 11,5 (C)  và 10,5 (D1).

H.Ánh – N.Quang

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120810/Diem-chuan-cac-truong-DH-CD.aspx

Người thầy chỉ dạy học trò kém

Posted: 12 Aug 2012 05:01 AM PDT


Người thầy giáo đặc biệt Nguyễn Khắc Luân.

Thầy giáo làng

Đang học năm thứ 3 trường Đại học Mỏ Địa Chất (Hà Nội), hăng say hoạt động Đoàn và Hội Sinh viên, bỗng một ngày anh Nguyễn Khắc Luân (xóm 9, Đức Lâm, Đức Thọ, Hà Tĩnh) mắc phải bạo bệnh.

Gia đình đưa anh đi điều trị ở khắp nơi cuối cùng mới biết anh bị bệnh "gai cột sống". Anh gắng gượng hết sức mình để học và bảo vệ xong Đồ án tốt nghiệp.

Ra trường, với tấm bằng loại Khá, anh được phân về Mỏ thiếc Quỳ Hợp (Nghệ An). Nhưng căn bệnh không buông tha anh và lần này thì anh thật sự kiệt sức. 6 năm bị bệnh, anh phải nằm một chỗ.

Khi bệnh đã thuyên giảm, anh đấu thầu Xí nghiệp gạch ngói cũ của xã làm trang trại chăn nuôi và thả cá.

Một buổi sáng đầu thu, anh đi lấy thức ăn cho cá về gặp 4 học sinh bỏ học ngồi đánh cờ tướng trong lán canh cá (trang trại của anh nằm cạnh con đường đi tới trường THPT Trần Phú).

Hỏi chuyện mới biết 4 em này định bỏ học đi Nam, do hổng kiến thức cơ bản ở lớp dưới nên lên lớp trên các em học không vào. Anh đã khuyên nhủ, động viên và nhận kèm cặp các em.

Sau một học kì, sức học của 4 em tiến bộ rõ rệt, nhiều phụ huynh biết tin đã xin gửi con nhờ anh kèm cặp. Thế là lán canh cá của anh trở thành lớp học với 30 em học sinh.

Ngày Nhà giáo Việt Nam năm đó (1996) về trong cái chớm lạnh của đầu đông nhưng anh thấy mình ấm áp vô cùng bởi những tình cảm của các em đã dành cho anh. Các em không gọi anh là "anh" như ngày thường nữa mà đã trân trọng gọi anh là "thầy".

Trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 1999, lớp 30 học sinh của anh đã đậu tốt nghiệp 100%. Và trong kì thi ĐH, CĐ và THCN cùng năm đó, lớp học của anh có 27 em đậu vào các trường ĐH, CĐ và THCN.

4 em có ý định bỏ học ngày nào, giờ đây có 3 em đậu đại học (1 em đậu vào trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, 2 em đậu vào trường ĐHSP Vinh) và 1 em đậu vào trường THCN.

Chỉ nhận dạy học trò yếu

16 năm qua, học trò của anh đã có hơn 900 em tốt nghiệp THPT và hơn 630 em đậu ĐH. Trong số này có nhiều em liên tục 3 năm liền (lớp 10, 11, 12) đều đạt giải Nhất, Nhì học sinh giỏi môn Toán tỉnh Hà Tĩnh như em Trần Văn Anh, Trần Thái Hùng, Phan Thanh Mậu, Nguyễn Thanh Lâm, Nguyễn Hoàng Giáp.

Nhiều em đỗ ĐH với số điểm khá cao như em Nguyễn Bá Toàn – ĐH Xây dựng Hà Nội (28 điểm), Phan Thanh Mậu – ĐH Dược Hà Nội (28,5 điểm), Trần Văn Anh – ĐH Bách khoa Hà Nội (28,5 điểm).


Người thầy giáo đặc biệt Nguyễn Khắc Luân.

Thầy giáo Nguyễn Bá Chân – nguyên chủ nhiệm lớp A1 (khóa 2003 – 2005) trường THPT Trần Phú, Đức Thọ – đến gặp anh để xin dự giờ.

Sau hai buổi dự giờ, thầy Chân nhận xét: "Anh Luân thật sự có năng khiếu sư phạm, lời giảng mạch lạc, truyền cảm, chữ viết đẹp, trình bày khoa học, đặc biệt là nội dung bài dạy gây chú ý".

Học sinh thích tìm đến anh còn là do cách "nhận" học trò của thầy Luân. Anh nhận những học sinh có học lực yếu, trung bình để dạy.

Em Trần Văn Anh (sinh viên năm cuối ĐH Bách khoa Hà Nội) là học trò của anh, nói: Ngày em học phổ thông, thầy dạy em kiến thức. Bây giờ bọn em học ĐH thì thầy là người bạn, người anh để bọn em tâm sự mọi chuyện.

Em Nguyễn Thanh Quảng – sinh viên năm thứ nhất Học viện Ngân hàng Hà Nội kể: Ngày em học lớp 12, gia đình em thật sự khó khăn, mẹ mất sớm, một mình bố nuôi 3 đứa con ăn học (anh và chị học ĐH).

Chị em bị bệnh lại phải nằm viện. Em buồn. Nhưng nhờ thầy Luân động viên và chia sẻ nên em đã vượt qua và thi đậu ĐH.

Học trò của anh giờ đây có người đã là giáo viên dạy trường chuyên của thành phố, là chuyên viên Sở GDĐT, là giám đốc doanh nghiệp, tất cả đều noi gương anh, luôn vươn lên trong cuộc sống.

Anh quan niệm rằng, mình không chỉ dạy cho các em kiến thức mà điều quan trọng hơn là dạy cho các em đạo làm người, truyền cho các em nghị lực sống.

Căn bệnh quái ác vẫn đang hành hạ anh, như 16 năm qua.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-629183/nguoi-thay-chi-day-hoc-tro-kem.htm

Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam trong môi trường CNTT

Posted: 12 Aug 2012 05:01 AM PDT

(GDTĐ)- Đó là chủ đề hội thảo khoa học do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tổ chức ngày 11/8. Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội thảo.

vvdvvxccvcv
Hội thảo Đổi mới căn bản, toàn diện nền GD Việt Nam trong môi trường CNTT . Ảnh: gdtd.vn

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích về: đổi mới giáo dục trong môi trường công nghệ thông tin; vai trò và tác động của công nghệ thông tin trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; việc truyền thụ kiến thức của nền giáo dục trong thời đại công nghệ thông tin; công nghệ thông tin tác động đến nhân cách của học sinh, sinh viên; chuyển nhà trường phổ thông thành nhà trường điện tử; sử dụng công nghệ thông tin trong việc học tập và đào tạo; phát triển giáo trình, sách giáo khoa điện tử…

Theo đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, điều căn bản của đổi mới GD-ĐT là chuyển từ việc dạy học – đào tạo hiện nay là áp đặt, truyền thụ một chiều, học thuộc là chính sang dạy và giúp học sinh, sinh viên học chủ động, tích cực, sáng tạo; tập trung phát triển các năng lực sáng tạo, năng lực hợp tác, khả năng tự học, học tập suốt đời… Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng cũng khẳng định, phát triển giáo dục trong môi trường CNTT sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề trong giáo dục.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cùng đồng thuận: CNTT là giải pháp đột phá góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, nhưng phải đưa một cách cơ bản, toàn diện, từ việc quản lý đào tạo, phương pháp đào tạo đến tài nguyên phục vụ đào tạo, khảo thí. Tuy nhiên, CNTT không có khả năng vạn năng để có thể giải quyết các vấn đề của giáo dục – đào tạo; không thể thay thế cho vai trò của nhà giáo.

TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT cho rằng để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục chắc chắn phải đưa CNTT vào hệ thống giáo dục. Nhiều nhiệm vụ đặt ra trong đổi mới giáo dục như tái cấu trúc, trao đổi tài nguyên đào tạo xuyên biên giới, hội nhập quốc tế, dạy và học tiếng Anh trong môi trường sinh ngữ, triển khai mô hình khu đào tạo tập trung gắn với mô hình đa cơ sở (một trường nhiều cơ sở) chỉ có thể thực hiện được hiệu quả khi sử dụng CNTT và dựa trên hạ tầng CNTT.

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201208/Doi-moi-can-ban-toan-dien-nen-giao-duc-Viet-Nam-trong-moi-truong-CNTT-1962927/

Giáo viên trẻ và hệ lụy của việc thiếu thời gian

Posted: 12 Aug 2012 05:00 AM PDT

Mê nghề quên… yêu

Sinh năm 1980, ra trường đi dạy một thời gian, cô N.D tiếp tục học cao học, hiện là tổ trưởng bộ môn Văn của một trường THCS ở TPHCM. Yêu nghề giáo, yêu học trò, cô dốc hết mọi thời gian, tâm huyết. Không chấp nhận kiểu dạy hết tiêt là xong, mỗi giờ dạy, cô chú trọng từng nội dung, cách truyền đạt sao cho không chỉ bản thân "thỏa lòng" mà học sinh (HS) vừa hứng thú vừa dễ dàng tiếp cận kiến thức. Sự sáng tạo luôn đòi hỏi cô đầu tư thời gian, công sức.

Tâm huyết của cô được ghi nhận không chỉ bằng những tấm giấy khen, bằng khen của ngành mà hơn hết bằng chính sự quý mến từ HS, cô trở thành "người mẹ thứ hai" của đám học trò độ tuổi mới lớn ương ương. Cô kèm cặp cho những em yếu, chỉnh đốn những em cá biệt và cũng trở thành nơi trút tâm tư của học trò…

Cuộc sống của nhiều GV chỉ có học trò, trường học... (Ảnh mang tính minh họa)
Cuộc sống của nhiều GV chỉ có học trò, trường học… (Ảnh mang tính minh họa)
Sự yêu nghề đã dần tách biệt cô với thế giới hẹn hò, yêu đương theo lứa tuổi của mình. Sáng đến chiều đứng lớp, bồi dưỡng HS giỏi, HS thi chuyển cấp; liên tục họp hành, chuyên đề cho tổ, công việc của trường. Đêm về, cô “quay cuồng” với từng chồng bài thi chờ chấm điểm, soạn giáo án… Bạn bè đã lần lượt lập gia đình, sinh con thì cô gái xinh xắn ấy vẫn “một mình”.

Cô giáo D. tâm sự, từ ngày ra trường cô cũng "trải qua" vài mối tình nhưng chưa mối nào "ra ngô ra khoai". Chỉ gặp nhau được một hai lần, tiếp tục giai đoạn tìm hiểu, "đối phương" mời đi ăn uống, xem phim nhưng do bận nên cô khất lần sau. Đến năm bảy lần như vậy thì người ta chạy, tuổi xuân của cô vẫn không ngừng trôi qua.

"Mới đây bạn bè giới thiệu cho một anh đã đứng tuổi, tôi cũng xác định cố gắng duy trì. Nhưng rồi việc trường, việc lớp rồi cả học trò mình không thể nào dứt ra làm người họ nản, còn bảo rằng “Em ở vậy mà sống với HS", cô D. kể.

12 năm gắn bó với nghề với nghề dạy trẻ, có hàng trăm "đứa con" là học trò của mình như đến ngay chị L.T.A (GV mầm non tại một trường ở Q.3, TPHCM) vẫn chưa tìm được mái ấm riêng cho bản thân. Chị không khó tính, kén chọn thế mà để tìm yêu rồi đến với một người không hề dễ khi mà sáng sớm sớm đến tối mịt ở trường, đêm về không chỉ việc nhà mà còn soạn giáo án, làm sổ sách, làm đồ dùng học tập… Rồi các yêu cầu từ chương trình giáo dục mầm non mới cũng làm cô ngập đầu.

Chưa kể phải tham gia tập huấn, học hỏi chương trình nọ đến mức "những lúc bệnh trong người còn không có thời đi thăm khám thì nói gì đến chuyện tìm hiểu nam nữ yêu đương", chị A nói. Chị phải chịu khá nhiều áp lực từ bố mẹ, bản thân chị cũng có lúc lo tuổi càng lớn cơ hội sinh con càng khó.

Quá "bí" thời gian

Cô Nguyễn Thị Ngọc Minh – GV trường mầm non Hoàn Mỹ Q.8, TPHCM thẳng thắn cho rằng áp lực công việc đòi hỏi quá nhiều thời gian, thu nhập thấp, cùng môi trường làm việc ít cơ hội tiếp xúc dẫn đến thực tế "khó kiếm bạn đời" mà không ít GV hiện nay gặp phải.

"Khi tôi đi học đã nghe các thầy cô ra trường trước khuyên nên “tranh thủ” yêu khi là sinh viên, ra trường rồi cưới chứ đi dạy rồi khó lắm. Tôi và các bạn đều không tin, đi làm rồi mới thấy thấm thía vì quen một người đã khó chứ chưa nói đến việc yêu, lập gia đình. Lớp tôi hàng chục người nhưng chỉ mới vài người có người yêu", cô Minh nói.

Một GV tiểu học kể, nhiều phụ huynh thấy các cô lớn tuổi mà "chưa có gì" cũng lên tiếng nhà có chú, có em, người quen để giới thiệu. "Có phụ huynh bảo làm mối cho mình ông em 40 chục tuổi chưa vợ, thế mà ông ấy bảo ai chứ GV tui không chịu. Nghe vừa buồn cười vừa xót xa".

Làm việc trên 10 tiếng/ngày, GV mầm non không còn thời gian cho bản thân
Làm việc trên 10 tiếng/ngày, GV mầm non không còn thời gian cho bản thân.

Nhiều GV bày tỏ, hiện nay chương trình đổi mới nhiều, nói là giảm tải nhưng rất nhiều việc dồn vào trường học. Ở phổ thông, có quy định số tiết/tuần nhưng không chỉ chuyên môn, GV còn phải kham rất nhiều việc "bên lề", ngoài giờ lên lớp họ phải lôi việc về nhà. Hay ở bậc học mầm non quy định GV dạy 6 tiếng ngày chỉ nằm trên giấy, còn thực tế  thời gian làm kéo dài đến 10 - 12 tiếng/ngày vẫn không xong việc.

GV không chỉ thiếu thời gian mà khó khăn trong việc tìm bạn đời mà xuất phát từ công việc của mình, yêu cầu của họ về "đối tượng tìm hiểu" cũng cao, trong khi cơ hội gặp gỡ không có nên nhiều người chọn cuộc sống độc thân. Còn ngược lại, nhiều người chấp nhận lấy người không tương xứng nếu không muốn… quá tuổi.

Nhiều đơn vị tại TPHCM thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu để GV có điều kiện gặp gỡ khi mà tỉ lệ GV độc thân đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhiều GV bày tỏ họ cảm thấy "e dè" và không thoải mái kiểu mai mối "tìm người yêu" này. Điều này cũng dễ hiểu vì các cô theo nghề giáo, có những chuẩn mực, yêu cầu và cách thế hiện tình cảm mô phạm của mình.

Bà Trương Thị Mỹ Thanh – hiệu trưởng Trường tiểu học Phạm Ngọc Thạch (Q. Phú Nhuận, TPHCM) cho hay, trường cũng từng tổ chức cho GV của trường với các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn. Nhưng các cô đều lớn tuổi hơn, các chú bố đội mới tuổi mười chín, đôi mươi nên chỉ đến gặp cho vui. Ở trường, nhiều thầy cô lớn tuổi vẫn cứ lẳng lặng một mình…

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-628765/giao-vien-tre-va-he-luy-cua-viec-thieu-thoi-gian.htm

Lá đơn xin nghỉ học gây sốc

Posted: 12 Aug 2012 05:00 AM PDT

Cậu học sinh lớp 10 viết lá đơn xin phép nghỉ học đáng suy ngẫm được cho là Trần Văn M. một học sinh lớp 10 của một trường THPT.

Lá đơn có đầy đủ Quốc hiệu, tiêu ngữ, tiêu đề, ngày tháng và nội dung đơn.

Nguyên văn nội dung đơn: "Hôm lay, em viết cái Đơn lày mong cô và nhà trường cho em ngỉ học vì chong lúc Học em quá đùa nghích  và Học Hành còn yếu và làm cho lớp 10H xa xút và không thể vươn lên Được, và làm cho nhiều thầy cô gia phải nhác nhở lên em ngĩ em không xứng Đáng làm học sinh của chường…"

Hãy khoan bàn về mặt hình thức, những lời bạn học sinh viết trong đơn đáng để chúng ta suy ngẫm. M đã dám nói thẳng, nói thật những khuyết điểm của mình. Đó là bạn còn đùa nghịch, học hành còn yếu làm ảnh hưởng đến bạn bè, thầy cô, đến lớp, đến trường. Để rồi, bạn xin được nghỉ học với một lời cảm ơn. Thiết nghĩ, những điều trên không phải là hiếm, nhưng để thẳng thắn thừa nhận và nói ra không phải ai cũng làm được. Lòng tự trọng đã không cho phép M tiếp tục "Ngồi nhầm chỗ"…hay M không thể chịu được những sức ép?

Nhưng, điều đáng nói hơn, qua lá đơn của T.V.M, cũng làm nóng lên những vấn đề về công tác giáo dục. Tại sao một học sinh lớp 10 lại viết sai lỗi chính tả khủng khiếp đến như thế? Đọc một câu mười chữ thì có đến năm sáu chữ là sai lỗi chính tả. Lời văn thì lủng củng, một câu có đến ba bốn chữ "và"… Những điều đó không được phép sai vì đúng ra, học hết lớp 1 là đã phải đọc thông, viết thạo. Đây là hiện tượng ngồi nhầm lớp. Và đáng ngại hơn là ngồi nhầm nhiều lớp.

Năm học 2006-2007, Bộ GDĐT phát động cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục". Khi đó, tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" đã trở thành một vấn nạn nhức nhối.

  • Nhật Linh

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/84170/la-don-xin-nghi-hoc-gay-soc.html

Vụ Đồi Ngô: kỷ luật 42 cán bộ, giáo viên

Posted: 12 Aug 2012 04:59 AM PDT

- Sở GD-ĐT Bắc Giang vừa có quyết định chức thức về các hình thức kỷ luật đối với các cán bộ, giáo viên vi phạm trong vụ gian lận thi cử tốt nghiệp ở Hội đồng thi Trường THPT Đồi Ngô hồi tháng 6 vừa qua. Có tất cả 42 người nhận các hình thức kỷ luật khác nhau.

Ông Nguyễn Đức Đôn, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt, Chủ tịch Hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô bị cách chức.

Ông Đào Văn Mộc, Trần Đỗ Hoàng bị xử lý với hình thức "không được công nhận chức danh hiệu trưởng và phó hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Đồi Ngô".

Ông Bùi Quang Nghĩa, tổ trưởng chuyên môn của Trường THPT Lục Ngạn số 2, Phó Chủ tịch Hội đồng coi thi bị khiển trách.

Có 29 giáo viên khác bị kỷ luật thuộc 5 trường tham gia công tác coi thi ở Hội đồng thi Trường THPT Đồi Ngô gồm:  THPT Lý Thường Kiệt (H.Việt Yên), THPT Lục Ngạn 2, TPHT Lục Ngạn 4 (H.Lục Ngạn); TPHT Sơn Động 2 (H.Sơn Động) và THPT dân lập Đồi Ngô (H.Lục Nam).

Trong đó, trường THPT dân lập Đồi Ngô có 6 giáo viên, nhân viên bị sa thải, 2 nhân viên bảo vệ nhận hình thức kỷ luật khiển trách.

Có 23 giáo viên ở 3 trường THPT Lý Thường Kiệt, Lục Ngạn số 2, Lục Ngạn số 4, Sơn Động 2 làm nhiệm vụ thanh tra và giám thị nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo, 7 giáo viên bị khiển trách.

Bà Lê Thị Hải và Nguyễn Thị Kim Thoa, hai giáo viên của trường THPT dân lập Đồi Ngô còn bị phạt 5 triệu đồng/người do có hành vi chuyển tài liệu, thông tin, đồ dùng trái phép vào phòng thi cho thí sinh.

Trước đó, ngày 5.6, trên mạng internet xuất hiện đoạn clip thể hiện gian lận thi cử được cho là quay tại phòng thi môn hóa học của Hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô.

Sau khi báo chí và các cơ quan chức năng khác vào cuộc, các clip liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp ở Đồi Ngô có sự tiếp tay đắc lực của nhiều cán bộ coi thi tiếp tục được công bố. Các clip được học sinh dùng bút quay ghi lại.

Ngày 18.6, Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang đã công bố kết quả thanh tra và mức đề nghị kỷ luật những người liên quan đến gian lận thi cử. Đến nay, Sở đã có quyết định kỷ luật chính thức với những người liên quan.

  • Nguyễn Hường

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/84171/vu-doi-ngo--ky-luat-42-can-bo--giao-vien.html

ĐH Cần Thơ công bố điểm và chỉ tiêu xét tuyển bổ sung

Posted: 12 Aug 2012 04:59 AM PDT

(TNO) PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết nhà trường vừa công bố điểm xét tuyển và chỉ tiêu xét tuyển bổ sung các ngành học ở bậc đại học và cao đẳng.

Điểm xét tuyển và chỉ tiêu xét tuyển các ngành học bậc ĐH: Giáo dục công dân (khối C, 14,5 điểm): 17 CT; SP Vật lý (A, 13): 98 CT; SP Sinh học (B, 14): 60 CT; SP Tiếng Pháp (D1, D3, 13,5): 36 CT; Ngôn ngữ Pháp (D1, D3,  13,5): 16 CT; Thông tin học (D1, 13,5): 37 CT; Khoa học đất (B, 14): 27 CT; Toán ứng dụng (A, 13): 45 CT; Khoa học máy tính (A, 13): 78 CT; Truyền thông và mạng máy tính (A, 13): 13 CT; Hệ thống thông tin (A, 13): 74 CT; Kỹ thuật cơ khí (A, 13): 139 CT; Kỹ thuật cơ-điện tử (A, 13): 16 CT; Kỹ thuật máy tính (A, 13): 82 CT; Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (A, 13): 71 CT; Chăn nuôi (B, 14): 141 CT; Khoa học cây trồng (B, 14): 76 CT; Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan (B, 14): 19 CT; Phát triển nông thôn (A, 13; B: 14): 17 CT; Lâm sinh (B, 14): 72 CT; Bệnh học thủy sản (B, 14): 31 CT; Thú y (B, 14): 29 CT.

Điểm xét tuyển và chỉ tiêu xét tuyển bổ sung các ngành bậc ĐH của trường tại Khu Hòa An (tỉnh Hậu Giang): Ngôn ngữ Anh (D1, 13,5): 59 CT; Quản trị kinh doanh (A, 13; D1, 13,5): 42 CT; Công nghệ thông tin (A, 13): 89 CT; Kỹ thuật công trình xây dựng (A, 13): 42 CT; Nông học (B, 14): 79 CT; Phát triển nông thôn (A, 13; B: 14): 94 CT.

Điểm xét tuyển và chỉ tiêu xét tuyển bổ sung bậc CĐ: Công nghệ thông tin (A, 10): 142 CT.

Trường nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung các ngành học bậc ĐH, CĐ (thí sinh nộp trực tiếp hoặc gửi bằng đường bưu điện) từ ngày 25.8 đến hết ngày 5.9. Thí sinh trúng tuyển NV1 nộp hồ sơ nhập học từ ngày 27.8 đến ngày 31.8.

Quang Minh Nhật

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120811/dh-can-tho-cong-bo-diem-va-chi-tieu-xet-tuyen-bo-sung.aspx

Comments