Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


‘Liều thuốc’ thay thế dạy học bằng roi?

Posted: 27 Jul 2012 06:45 AM PDT

– “Khi xây dựng nhà trường thân thiện, rất cần có kỷ luật, nhưng kỷ luật học sinh phải mang tính giáo dục.Việc áp dụng hình thức trừng phạt bằng đòn roi là biện pháp cần chấm dứt” – độc giả Phan Duy Nghĩa (Sở GD-ĐT Hà Tĩnh) nêu ý kiến.

 

Những năm gần đây, khi nạn bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, các trường hợp vi phạm đạo đức của học sinh liên tục được nhắc đến thì một trong những biện pháp được quan tâm để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức học sinh là tăng cường biện pháp ‘kỷ luật tích cực’. Vậy, cần hiểu về ‘kỷ luật tích cực’ và vận dụng nó như thế nào cho phù hợp với thực tế giáo dục hiện nay?

Đánh, véo, giật tóc…phổ biến

Các biện pháp kỷ luật đang áp dụng trong trường học hiện nay là nhắc nhở, phê bình, thông báo với gia đình, cảnh cáo ghi học bạ, buộc thôi học có thời hạn… được các trường thực hiện nghiêm túc và công khai, đảm bảo công bằng cho học sinh trong việc khen thưởng và kỷ luật.

Tuy nhiên, các biện pháp kỷ luật này còn khá ‘khô cứng’ đối với một số học sinh có biểu hiện đạo đức không tốt. Không ít giáo viên hiện nay vẫn quan niệm, khi học sinh mắc lỗi thì chỉ có cách giáo dục duy nhất, hiệu quả nhất là trừng phạt. Điều này do hai nguyên nhân: (i) giáo viên chưa hiểu được tâm lý lứa tuổi học sinh ‘trong xã hội mở’ hiện nay và (ii) coi nhẹ kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ.

Việc trừng phạt thân thể (đánh, véo, kéo tai, giật tóc, quì, úp mặt vào tường…) và trừng phạt về tinh thần (la mắng, nhiếc móc, hạ nhục, bỏ rơi, làm cho xấu hổ, chửi rủa…) – đó là những biện pháp đã, đang diễn ra khá phổ biến. Điều đó gây ra những hệ quả nghiêm trọng, làm các em mất đi sự tự tin, giảm ý thức kỷ luật, căm ghét trường học, để lại những ‘vết sẹo’ trong tâm hồn, khiến các em luôn có thái độ thù địch.

Cách xử phạt hiện nay của người lớn đa phần chưa thuyết phục được học sinh. Bởi nó xuất phát từ cách suy nghĩ áp đặt, đôi khi hơi bảo thủ, không đặt mình vào hoàn cảnh của người phạm lỗi, đó chưa kể những biện pháp xử lý quá nặng, có tính chất xúc phạm, khiến người bị phạt bị tổn thương, không tâm phục, tạo ra tâm lý chống đối, càng phạt thì càng vi phạm cho… ‘bõ ghét’.

Nhìn khách quan, có thể coi cách kỷ luật trừng phạt (ở cả 3 môi trường gia đình – nhà trường – xã hội) như một nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng bạo lực học đường, hoặc tạo ra những cú sốc tâm lý, những phản ứng không lành mạnh của học sinh. Khi cần xây dựng nhà trường thân thiện, rất cần có kỷ luật, nhưng kỷ luật học sinh là kỷ luật mang tính giáo dục là chủ đạo, do vậy áp dụng hình thức trừng phạt rõ ràng là biện pháp cần chấm dứt.

Chấm dứt trừng phạt bằng đòn roi

Trước hết giáo viên cần nhận thức rằng, biện pháp kỷ luật trừng phạt học sinh cần được chấm dứt và thay thế bằng biện pháp kỷ luật tích cực. Để làm được điều này, giáo viên cần có suy nghĩ sâu sắc về nghề dạy học, yêu nghề, mến trẻ, cái tâm phải bao trùm khắp tâm hồn. Hiểu và nắm bắt tâm lý của học sinh ở mọi lứa tuổi và bản thân phải tìm được niềm vui trong công việc.

Đồng thời, giáo viên phải tự đặt mình ngang hàng với học sinh để cùng chơi, cùng học, cùng hiểu để tìm cách giáo dục học sinh thấu tình đạt lý. Khi học sinh mắc lỗi, thầy cô giáo phải là người bạn, người anh, người chị, người mẹ, người cha – chỉ cho các em nhận ra lỗi của mình để tự điều chỉnh.

Hiện nay, giáo viên luôn chịu áp lực từ nhiều phía như yêu cầu về chất lượng dạy và học, những khúc mắc trong quan hệ thầy – trò, đồng nghiệp hay những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày… Ai cũng hiểu tức giận, căng thẳng có thể làm chúng ta có những hành vi nóng giận nhất thời và gây hậu quả tai hại. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng kiềm chế những phút nóng giận, căng thẳng như thế.

Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng căng thẳng trên, giáo viên nên tự rèn luyện bản thân với chế độ ăn uống, ngủ nghỉ phù hợp, hạn chế hút thuốc hoặc dùng chất kích thích. Các thầy cô có thể giảm căng thẳng bằng việc trau dồi khả năng hài hước, tinh thần lạc quan trước mọi tình huống…

Mặt khác, giáo viên phải xác định rằng, ‘kỷ luật tích cực’ không phải là cây đũa thần, do vậy bên cạnh việc sử dụng nó như một giải pháp chủ công thì còn phải kết hợp với hệ thống các giải pháp đi kèm, sao cho việc kỷ luật học sinh vẫn phải diễn ra nghiêm túc đúng luật.

Liều thuốc…

Đó là “kỷ luật tích cực” – một biện pháp giáo dục hoàn toàn khác với lối giáo dục truyền thống theo kiểu ‘đòn roi’. Kỷ luật tích cực là động viên, khuyến khích, hỗ trợ, nuôi dưỡng lòng ham học dẫn đến ý thức kỷ luật một cách tự giác, nâng cao năng lực và lòng tin của học sinh vào giáo viên.

Kỷ luật tích cực là phi bạo lực về cả thể xác lẫn tinh thần, là một quá trình thường xuyên, liên tục và nhất quán, thông qua đó khuyến khích khả năng tư duy, lựa chọn của học sinh. So với phương pháp cũ, học sinh ‘chưa tốt’ cảm thấy được tôn trọng hơn, ít có những phản ứng tiêu cực đối với bản thân, gia đình, bạn bè và xã hội. Tâm lý của các em cũng có biểu hiện tốt hơn, không còn mặc cảm, tự ti, chủ động trong việc tự thay đổi bản thân, phát huy các giá trị tích cực của mình.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc mắc lỗi của học sinh được coi như lỗi tự nhiên của quá trình học tập và phát triển. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng của nhà giáo dục là làm thế nào để học sinh nhận thức được bản thân, tự kiểm soát hành vi, thái độ.

  • Phan Duy Nghĩa (Sở GD-ĐT Hà Tĩnh)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/82308/-lieu-thuoc--thay-the-day-hoc-bang-roi-.html

Nhiều trường công bố điểm chuẩn dự kiến

Posted: 27 Jul 2012 06:45 AM PDT

Nhiều trường công bố điểm chuẩn dự kiến

TT – Ngày 26-7, nhiều trường đại học trong cả nước tiếp tục công bố kết quả thi tuyển sinh đại học năm 2012, đồng thời đưa ra mức điểm chuẩn dự kiến.

Sau khi có kết quả thi, nhiều thí sinh đã xin phúc khảo bài thi. Trong ảnh: thí sinh nộp đơn chấm phúc khảo tại Trường ĐH Tài chính – marketing sáng 26-7 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM): điểm chuẩn cao nhất 21,5

Chiều 26-7, trường đã công bố điểm thi và điểm chuẩn dự kiến vào trường. Theo đó, điểm chuẩn dành cho học sinh phổ thông – khu vực 3 vào các ngành như sau: toán học 15; vật lý 14,5; kỹ thuật hạt nhân 18,5; kỹ thuật điện tử truyền thông 16; hải dương học A 14,5, B 15; nhóm ngành công nghệ thông tin 17,5; hóa học A 17, B 19,5; địa chất A 14,5, B 16,5; khoa học môi trường A 15,5, B 20; công nghệ kỹ thuật môi trường A 15,5, B 18; khoa học vật liệu A 14, B17,5; sinh học 16; công nghệ sinh học A 18,5, B 21,5. CĐ công nghệ thông tin có điểm chuẩn bằng điểm sàn CĐ của Bộ GD-ĐT.

Với điểm sàn như năm 2011, sẽ có 9.239/14.000 thí sinh dự thi vào trường có tổng điểm từ điểm sàn ĐH trở lên, chiếm tỉ lệ 66%. Thủ khoa là thí sinh Trần Thị Trúc Quỳnh (THPT chuyên Bến Tre) SBD 10399 dự thi khối B đạt 29 điểm (sinh 9,25, toán 10 và hóa 9,5).

Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM): điểm chuẩn sẽ tăng mạnh

Theo thống kê điểm thi của thí sinh, một số ngành như hệ thống thông tin quản lý, luật, kế toán có thể có điểm chuẩn tương đương năm trước, các ngành còn lại nhiều khả năng điểm chuẩn sẽ tăng mạnh 1-2 điểm. Trong đó nếu chưa tính điểm ưu tiên, ngành kinh tế có 100 chỉ tiêu và có 91 thí sinh đạt từ 19,5 điểm trở lên, kinh tế quốc tế có 216 thí sinh đạt từ 21,5 điểm trở lên trong khi chỉ tiêu ngành này là 225, quản trị kinh doanh tuyển 225 chỉ tiêu và nhiều khả năng điểm chuẩn sẽ ở mức 19,5-20 điểm. Thống kê điểm thi và chỉ tiêu theo ngành, điểm chuẩn ngành tài chính – ngân hàng có thể ở mức 21, kinh doanh quốc tế 20, kiểm toán 21, kế toán 19, luật 16,5, luật kinh tế 19.

Trường ĐH Mở TP.HCM: mặt bằng điểm thi cao

Trường đã công bố điểm thi của hơn 16.000 thí sinh dự thi vào trường. Chỉ tiêu bậc ĐH của trường năm nay là 3.800. Mặt bằng điểm thi vào trường tương đối cao. Điểm thi cao nhất thuộc về khối D với hơn 3.000 thí sinh đạt điểm sàn năm 2011, khối A có 1.064 thí sinh, khối A1 có 657 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên, khối C có 364 thí sinh và khối B thấp nhất với 200 thí sinh đạt điểm sàn năm trước. Như vậy, nếu chưa tính điểm ưu tiên đã có hơn 5.300 thí sinh đạt điểm sàn năm 2011. Với mức điểm này, điểm chuẩn vào nhiều ngành sẽ cao hơn điểm sàn khá nhiều. Năm trước, điểm chuẩn các ngành kinh tế ở mức 16 điểm.

Tại Học viện Hàng không VN, chỉ tiêu bậc ĐH của trường năm nay là 600. Thống kê cho thấy có 564 thí sinh đạt từ 15,5 điểm trở lên, chưa tính điểm ưu tiên. Trong khi đó, điểm thi vào Trường ĐH Xây dựng miền Trung khá thấp. Chỉ tiêu hai ngành bậc ĐH của trường là 600 nhưng tính từ điểm sàn năm 2011 trở lên, ngành kỹ thuật công trình xây dựng mới có 164 thí sinh (chưa tính điểm ưu tiên), ngành kiến trúc chỉ có 28 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên. Như vậy chắc chắn điểm chuẩn vào trường sẽ khó cao hơn điểm sàn và phải xét tuyển rất nhiều chỉ tiêu bằng các nguyện vọng tiếp theo.

Trường ĐH Y dược Cần Thơ: điểm chuẩn sẽ tăng

Ngày 26-7, Trường ĐH Y dược Cần Thơ công bố điểm thi của hơn 9.000 thí sinh dự thi vào trường. Thủ khoa của trường năm nay là thí sinh Phan Lê Hoài Ân, thi ngành dược học đạt 28,5 điểm.

Thống kê điểm thi cho thấy có 854 thí sinh đạt mức điểm từ 20 trở lên, 1.116 thí sinh đạt điểm từ 19 và 1.396 thí sinh đạt từ 18 điểm trở lên. Một cán bộ của trường cho biết phổ điểm của trường năm nay tương đối cao nên dự kiến điểm chuẩn các ngành có thể tăng hơn năm 2011, đặc biệt là ngành y đa khoa. Năm 2011, điểm chuẩn trúng tuyển vào trường đối với học sinh phổ thông – khu vực 3 từ 15,5-23 điểm tùy ngành.

Trường ĐH Thủy lợi: điểm chuẩn tương đương năm 2011

Sáng 26-7, ĐH Thủy lợi đã công bố điểm thi tuyển sinh ĐH 2012. Ông Trần Minh Thụ – phó hiệu trưởng nhà trường – cho hay mặt bằng điểm thi năm nay của thí sinh cao hơn năm ngoái. Tuy nhiên, căn cứ vào thống kê này, dự kiến điểm chuẩn của trường sẽ tương tự năm 2011. Theo đó, điểm chuẩn vào trường tại cơ sở 2 có thể bằng điểm sàn của bộ, điểm chuẩn vào trường tại cơ sở 1 khoảng 15 điểm.

Riêng ngành kỹ thuật công trình xây dựng năm ngoái có điểm chuẩn là 17,5 thì năm nay dự kiến ở mức 17,5-18 điểm. Như vậy, với chỉ tiêu tuyển sinh ở cơ sở 2 là 580, trường dự kiến sẽ tuyển sinh nguyện vọng bổ sung. Theo ông Thụ, những thí sinh không đủ điểm trúng tuyển vào cơ sở 1 của trường mà có điểm thi trên điểm sàn của bộ hoàn toàn có thể đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 vào ngành học tại cơ sở 2.

Ít có bài văn nghị luận sắc sảo

Ngày 26-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tiếp tục đi kiểm tra công tác chấm thi các khối C, D ở một số trường ĐH. Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội), giảng viên Trần Hinh cho biết trên 5.000 bài thi văn phần lớn rơi vào điểm 6-7. Các câu nghị luận xã hội có khá nhiều bài đạt tới 2,5-2,75 điểm (barem điểm là 3,0) tuy nhiên những bài thật sự sắc sảo, cách diễn đạt suy nghĩ độc lập, cảm xúc chân thành rất hiếm. Nhất là câu nghị luận xã hội, dù đề thi đề cập các vấn đề hay, nóng, gần gũi giới trẻ nhưng phần đông thí sinh vẫn chỉ làm theo khuôn mẫu.

Một giám khảo chấm thi tại ĐH Luật Hà Nội cho biết: "Thực chất các câu nghị luận xã hội không phải câu hỏi mở mà có định hướng rất rõ. Vì vậy, không có thí sinh trình bày lập luận trái chiều, nhưng những bài thi có ý hay, độc đáo cũng ít". Cô Nguyễn Ánh Tuyết, cán bộ chấm thi tại Trường ĐH Văn Hóa, cũng cho biết: "Câu hỏi nghị luận xã hội hay, nhưng ít bài viết hay về phần này".

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, chỉ đề thi đổi mới chưa đủ mà cần có sự đổi mới trong cách dạy và học, trong các hoạt động giáo dục ở nhà trường phổ thông thì hiệu quả mới có chuyển biến tốt, cụ thể qua kết quả làm bài thi của thí sinh.

VĨNH HÀ

Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội): từ 24,5 điểm trở lên

Ông Nguyễn Tuấn Minh – phó hiệu trưởng nhà trường – cho biết mức điểm thi năm nay nhỉnh hơn năm trước một chút. Dự kiến điểm chuẩn cũng tương đương năm trước. Năm 2011, điểm sàn vào ĐH Quốc gia đối với khối D là 24 (đã nhân hệ số), thì với ngành thấp nhất của Trường ĐH Ngoại ngữ điểm chuẩn là 24,5. Năm 2012, chỉ tiêu của toàn trường là 1.200.

Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy: tăng từ 1-2,5 điểm

Theo ông Đinh Ngọc Tuấn – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, điểm thi của thí sinh vào trường ở hệ đào tạo cho lực lượng công an cao hơn hẳn năm trước, còn điểm thí sinh hệ dân sự tương đối thấp.

Theo đó, điểm chuẩn của trường vào hệ đào tạo cho lực lượng công an sẽ tăng ở cả hai cơ sở đào tạo phía Nam và phía Bắc: điểm trúng tuyển vào cơ sở đào tạo phía Bắc sẽ tăng 2-2,5 điểm, điểm chuẩn vào ngành đào tạo phía Nam tăng 1 điểm so với năm trước. Năm 2011, điểm chuẩn phía Bắc là 16 và phía Nam là 14 điểm.

Riêng hệ dân sự, năm ngoái trường lấy bằng điểm sàn. Năm 2012, theo tiên lượng của nhà trường, hệ dân sự có thể phải xét tuyển nguyện vọng bổ sung đến 90% chỉ tiêu.

Học viện Ngân hàng: khối D tăng, khối A giảm

Thống kê số liệu điểm thi cho thấy tổng số thí sinh đạt 20 điểm trở lên ở khối D là 200. Ở khối A, số thí sinh đạt từ 18 điểm trở lên là 1.700, số thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên gần 1.100 em.

Năm 2011, điểm trúng tuyển vào khối A của trường là 20,5, khối D1 là 20. Với điểm thi năm nay, dự báo điểm trúng tuyển khối D1 có thể cao hơn, nhưng điểm chuẩn khối A có thể bằng hoặc thấp hơn một chút so với năm 2011.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định: chờ tuyển bổ sung

Trường có gần 300 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên. Với chỉ tiêu tuyển sinh trình độ ĐH là 900, trường dự kiến phải tuyển 50% chỉ tiêu từ nguyện vọng bổ sung.

Trường ĐH Lâm nghiệp: cao nhất 18 điểm

Thống kê có khoảng 2.000/ 9.000 thí sinh dự thi có mức điểm từ 13 trở lên. Chỉ tiêu vào trường là 2.250. Ông Phạm Văn Điển – trưởng phòng đào tạo của trường – cho biết kết quả điểm thi năm nay cao hơn một chút so với năm trước. Trường lấy điểm chuẩn theo khối và theo ngành. Dự kiến sẽ có 10 ngành lấy mức điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT; 10 ngành sẽ lấy điểm cao hơn. Ngành cao nhất là 18 điểm. Trường cũng sẽ dành khoảng 40% chỉ tiêu để xét tuyển nguyện vọng kế tiếp.

Trường ĐH Điện lực: 15,5 điểm

Dự kiến điểm chuẩn được xác định bằng năm ngoái (15,5 điểm). Theo ông Bùi Đức Hiền – trưởng phòng đào tạo, trường sẽ không hạ điểm chuẩn mà sẽ dành 15% (khoảng 200 suất) để xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

MINH GIẢNG – NGỌC HÀ – THANH XUÂN

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/503756/Nhieu-truong-cong-bo-diem-chuan-du-kien.html

Đã có 8 thủ khoa 29 điểm

Posted: 27 Jul 2012 06:44 AM PDT

- Trong số 87 trường đã công bố điểm chưa có thủ khoa đạt điểm 30. Các trường có thủ khoa 29 điểm gồm ĐH Ngoại thương, HV Tài chính, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐHQG Hà Nội. Riêng Trường ĐH Dược có 3 thủ khoa cùng đạt mức điểm 29.

Thủ khoa Học viện Tài chínhPhạm Thành Công, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) với điểm 10 môn Toán và 2 điểm 9,5.

Tân thủ khoa Học viện Tài chính rất mê trò chơi điện tử và phim hoạt hình.

Quán quân 29 điểm của Trường ĐH Ngoại thươngNguyễn Ngọc Thiện. Em đạt tổng điểm 29, trong đó Toán 9,5, Lý 9,5, Hóa 9,75.

Sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, Thiện mơ ước trở thành một doanh nhân giỏi để giúp bố mẹ đỡ vất vả

Thiện sinh ra và lớn lên trong một gia đình cả bố mẹ đều làm nông nghiệp ở Hải Dương. 12 năm liền cậu học trò này đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Xem thêm thông tin về Thiện

tại đây

.

Hai thủ khoa khối A cùng mức điểm là Dương Công Tráng (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) với số điểm các môn Toán 8,75; Lý, Hóa đều 10 và Võ Văn Huy, Trường THPT Lê Hồng Phong (Phú Yên) thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM với điểm số Toán 10; Lý 9,25 và Hóa 9,5.

Ba thủ khoa Trường ĐH Dược Hà NộiDoãn Trung San, điểm các môn lần lượt là 9,25 – 9,5 – 10; Lê Đức Duẩn, điểm các môn lần lượt là 9,75 – 9,5 – 9,75 và Nguyễn Thành Long, điểm các môn là 9,5 – 9,75 – 9,5.

Thủ khoa khối B là Nguyễn Văn Khuynh (ĐHQG Hà Nội) đạt điểm số Toán 8,25, Lý và Hóa đều đạt 9,75.

Hiện tại, trong số 8 thủ khoa đạt 29 điểm có 7 thủ khoa thuộc các trường phía Bắc và chưa có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối.

  • Nguyễn Thảo (Tổng hợp)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/82105/da-co-8-thu-khoa-29-diem.html

Truyền thống kì quái của những đại học danh tiếng

Posted: 27 Jul 2012 06:42 AM PDT

Không chỉ nổi danh về chất lượng đào tạo, những trường đại học danh giá nhất thế giới còn nổi tiếng vì bản sắc văn hóa riêng của mình. La hét trước kì thi, chui xuống cống, hút thuốc trong lễ tốt nghiệp… là những truyền thống kì quái và lâu đời của những trường này.

ĐH Oxford

Là trường đại học lâu đời nhất trong cộng đồng các nước nói tiếng Anh với hơn 20.000 sinh viên của hơn 30 trường trực thuộc, Oxford có rất nhiều truyền thống chính thức và không chính thức. Có lẽ một trong những truyền thống kì lạ nhất của Oxford là Lễ Thời gian – được các sinh viên của Merton College thực hiện.

Vào sáng sớm ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 10, những sinh viên này sẽ đi lùi xung quanh khu vực Fellows’ Quad. Mục đích là để duy trì sự liên tục của không gian, thời gian trong khi thay đổi từ giờ BST sang giờ GMT.

ĐH Harvard

Một truyền thống nổi tiếng của sinh viên Harvard là la hét khoảng 10 phút vào đêm trước khi kì thi bắt đầu.

ĐH Standford

Đường hầm cấp hơi nước đã trở thành một thứ giống như hiện tượng ở ĐH Stanford. Sinh viên trường này sẽ nâng miệng cống lên, sau đó chui xuống để khám phá mạng lưới đường hầm bên dưới ngôi trường này.

ĐH MIT

Sinh viên Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) có truyền thống bày những trò đùa thông minh và chúng thường diễn ra vào ban đêm. Một trong những trò đùa được nhớ nhất của trường này là yêu cầu tìm một chiếc xe Chevrolet đã được sơn lại để trông giống một chiếc xe tuần tra của cảnh sát và nó được đặt trên nóc tòa nhà Great Dome của MIT.

ĐH Yale

Tại Yale, trong lễ tốt nghiệp, sinh viên có truyền thống hút thuốc không cần tẩu trước khi lấy chân nghiền nát điếu thuốc – một dấu hiệu cho thấy những vui thú của đời sinh viên đã chấm dứt.

ĐH Cornell

ĐH Cornell là trường có rất nhiều truyền thống, trong đó nổi tiếng nhất là Ngày Rồng. Vào ngày này, các sinh viên kiến trúc sẽ thiết kế một con rồng khổng lồ, sau đó cho diễu hành quanh Tòa nhà nghệ thuật, cuối cùng sẽ đốt con rồng đó.

ĐH Princeton

ĐH Princeton có truyền thống đốt lửa trại nếu đội bóng đá của trường này đánh bại cả Harvard và Yale trong cùng một mùa giải. Lần cuối cùng sinh viên Princeton được tổ chức lửa trại là vào năm 2006.

  • Nguyễn Thảo (Theo Telegraph)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/82463/truyen-thong-ki-quai-cua-nhung-dai-hoc-danh-tieng.html

Điểm chuẩn dự kiến Sư phạm Hà Nội cao nhất 21

Posted: 27 Jul 2012 06:41 AM PDT

- Chiều 27/7, Trường ĐH Sư phạm đã công bố điểm thi. Phó Hiệu trưởng
Nguyễn Thị Tĩnh cho biết: Kết quả điểm thi tương đương năm trước. Điểm
chuẩn dự kiến ngành cao nhất ở mức 21.

Bà Tĩnh thông tin: "Kết quả làm bài của thí sinh thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay ở các môn khoa học cơ bản vẫn giữ được độ ổn định như năm trước. Dự kiến điểm trúng tuyển ngành cao nhất là 21.

Thí sinh trong kỳ thi ĐH-CĐ 2012. Ảnh: Văn Chung

Thủ khoa đạt điểm cao nhất (khối A) của Trường ĐH Sư phạm có tổng điểm ba môn đạt 28,25.

Cùng ngày, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn cho biết: "Bài của thí sinh ở các môn thi tự luận kết quả cũng bình thường. Số em đạt điểm cao so với năm ngoái có ít hơn. Riêng môn Toán chỉ có 3 thí sinh đạt điểm 10 tuyệt đối". Trường sẽ công bố điểm trong vài ngày tới

Đến nay đã có 124 trường ĐH-CĐ đã công bố kết quả thi. Thí sinh tra cứu điểm thi

TẠI ĐÂY
.

  • Văn Chung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/82449/diem-chuan-du-kien-su-pham-ha-noi-cao-nhat-21.html

Bỏ ‘Tiên học lễ…’ sẽ không có phương châm sống

Posted: 27 Jul 2012 01:22 AM PDT

- Ý kiến của độc giả Tạ Lương (Gia Lai) tham gia diễn đàn bỏ hay không bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ…”. Nếu chúng ta tự chặt bỏ nó đi thì có khác nào chúng ta tự chặt đứt rễ
của thân mình làm cho nó chẳng thể phát triển mà ngày càng khô héo vì
thiếu một phương châm sống?

Tôi là một người Việt đại diện cho một thế hệ trẻ đầy năng động, sáng tạo và tư duy đổi mới. Theo dõi diễn đàn VietNamNet thấy mọi người bàn luận về việc có nên bỏ hay giữ lại câu " Tiên học lễ hậu học văn" rất sôi nổi, có nhiều ý kiến đồng thuận cũng có nhiều ý kiến ngược lại, nhưng tôi thấy đa số phản hồi ngược lại thì nhiều hơn.

Có cần bàn…

Theo tôi nghĩ một số người người đã làm phức tạp hóa nó lên một cách không cần thiết, chúng ta có cần bàn về một điều hiển nhiên nhiều đến vậy không? Có cần bàn trái đất hình tròn hay hình vuông, hay một cộng một bằng mấy?

Chúng ta nên nhớ rằng không phải tự nhiên mà người ta treo câu "Tiên học lễ, hậu học văn" thật to trong các trường học.

Tôi không biết nhiều về Nho Giáo, cũng không là một nhà nghiên cứu văn học hay nhà giáo dục nhưng tôi hiểu được rằng " Lễ" và "Văn" ở đây không đơn giản nằm trong một khía cạnh quá thiển cận giống như kiểu lễ lạc, hay chỉ học về thơ văn. Đối với tôi ý nghĩa của câu nói này rất rộng "Lễ" ở đây nhắc nhở con người về khía cạnh đạo đức, khía cạnh đạo làm người của cuộc sống và " Văn" ở đây nói về khía cạnh tri thức, khoa học…

Mọi đứa trẻ nào từ khi sinh ra đến khi bập bẹ biết nói đều được cha mẹ chúng dạy cách xưng hô nói và phân biệt cha mẹ, anh chị, ông bà… rồi ai cho gì cũng đều phải dạy con mình nói cảm ơn hay vòng tay ạ ông bà… Đó chính là "Tiên học lễ" đó là tiền đề cho sự phát triển và nhận thức của một con người trong gia đình, trong xã hội.…

Như vậy "Tiên học lễ" giống như là một điều hiển nhiên mà ta đã làm và thực hành từ khi sinh ra đến khi dần biết nhận thức và điều đó không riêng gì ở dân tộc Việt Nam mà còn gắng bó với mọi tầng lớp, mọi dân tộc, mọi quốc gia khác nhau chỉ có điều là họ thực hiện theo mỗi cách riêng của truyền thống văn hóa từng dân tộc, từng quốc gia mà thôi.

Rồi khi lớn lên "Lễ" luôn đi theo chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vẫn luôn phải thực hành và học hỏi về đạo đức, cách hành xử trong mọi tình huống với đối tác làm ăn, các mối quan hệ quan trọng trong cuộc sống, với vợ con và gia đình…có những người không cần giỏi, không cần bằng cấp, nhưng cách hành xử giao tiếp với mọi người luôn trọn tình, trọn nghĩa, sống chuẩn mực, đạo đức luôn kính trên nhường dưới biết đúng sai thì ai ai cũng kính trọng và dễ dàng thành công trong công việc và cuộc sống.

“Tiên học lễ”…cần được trân trọng

Chúng ta không nên quy chụp "Lễ" ở đây là ‘lễ lạc’, ‘lễ bái’ hay ‘hành lễ’ đối với một cá nhân hay một tổ chức nào đó để được hưởng lợi hay thực hiện một nghi thức cứng nhắc, mê tín nào khác bởi chiều hướng này là chiều hướng tiêu cực, chẳng ai treo một câu nói có chiều hướng tiêu cực lên nhà trường để các em học tập cả.

Điều cốt yếu ở đây nhà trường luôn muốn nhắc nhở các em rằng các em hãy cố gắng học tập thành một con người tốt trước khi nghĩ đến chuyện trau dồi tri thức cho mình bởi vì có tài mà không có đức là người không những vô dụng mà còn rất nguy hiểm cho xã hội.

Có ý kiến cho rằng, chúng ta dạy cho các em câu nói theo tư tưởng Nho Giáo như vậy là không nên. Cũng có ý kiến nói " Tiên học lễ, hậu học văn" là câu hán việt không nên dùng và nên sử dụng từ ngữ thuần việt để thay thế….

Thật nực cười khi những ngôn từ mà chúng ta đang sử dụng hiện nay chiếm rất nhiều từ hán việt, nếu vì vậy mà không dùng từ hán việt thì có lẽ tôi cũng sẽ không giao tiếp được trong cuộc sống đời thường.

Nền văn mình nhân loại có nhiều kiến thức và tư duy đúc kết từ những con người tài giỏi kiệt xuất ở nhiều quốc gia dân tộc khác nhau , nếu vì lòng tự tôn dân tộc mà không chịu tiếp thu hay đổi mới tư duy thì đất nước sẽ chắng bao giờ phát triển, và bị cô lập bới thế giới. Nói không dùng từ hán Việt có khác chăng nói không dùng giấy vì giấy do người Trung Quốc phát minh ra…

Cái cốt lõi là chúng ta phải biết phát huy và vận dụng tối đa cái tinh hoa, kiến thức của nhân loại để làm giàu và phát triển con người và đất nước mình chứ không thể thụ động vì lòng tự tôn, tự ti mà đánh mất những tư duy giá trị đáng cần phải tiếp thu và học hỏi.

Vì lẽ đó, khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" là khẩu hiệu đáng để chúng ta cần phải trân trọng, gìn giữ và phát huy bởi nó để cao giá trị nhân văn, giá trị đạo đức, tri thức, lối sống.

Một điều mà xã hội ngày nay đang dần bị mất đi và bị lấn áp bởi giá trị của vật chất, kim tiền làm tha hóa về đạo đức và lối sống của một số bộ phận con người trong xã hội đương thời. Nếu chúng ta tự chặt bỏ nó đi thì có khác nào chúng ta tự chặt đứt rễ của thân mình làm cho nó chẳng thể phát triển mà ngày càng khô héo vì thiếu một phương châm sống?

  • Tạ Lương (37/14 Nguyễn Trung Trực, An Khê, Gia Lai)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/82317/bo--tien-hoc-le-----se-khong-co-phuong-cham-song.html

Comments