Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Không bắt học sinh phải dự thi tốt nghiệp THPT

Posted: 24 Jul 2012 08:56 PM PDT

Không bắt học sinh phải dự thi tốt nghiệp THPT

TT – Trước việc nhiều người nhìn nhận hiện tượng gian lận, tiêu cực trong thi cử như một tồn tại rõ ràng, Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với GS Bành Tiến Long, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ÐT.


GS Bành Tiến Long – Ảnh: V.H.GS Bành Tiến Long nói:

- Nhận xét về kỳ thi mà chỉ nhìn vào tỉ lệ đỗ của học sinh để đánh giá thì không chính xác, không thỏa đáng và không toàn diện. Và cũng không ai có thể khẳng định tỉ lệ đỗ phải là bao nhiêu thì hợp lý.

Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp tăng hay giảm, có hợp lý hay không cần được soi lại từ chuyển biến của hoạt động giáo dục ở mỗi địa phương và sự duy trì kỷ cương trong thi cử. Dĩ nhiên, tính thực chất của tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cũng được xem xét từ chính thực tế tổ chức kỳ thi như thế nào. Qua những phản ảnh về tiêu cực trong kỳ thi vừa qua, nổi bật là “vụ Ðồi Ngô”, rõ ràng chúng ta chưa thể yên tâm với việc tổ chức thi ở các địa phương. Do đó sự gia tăng của tỉ lệ tốt nghiệp đã làm dư luận không hài lòng.


* Trong bối cảnh còn nhiều tiêu cực xảy ra trong thi cử, việc phân cấp mạnh hơn trong việc tổ chức kỳ thi quốc gia, theo ông, có phải là giải pháp hợp lý và hiệu quả không?

- Tôi cho rằng phân cấp thi tốt nghiệp THPT cho địa phương là một bước đổi mới quan trọng trong quản lý giáo dục, nằm trong lộ trình đổi mới thi cử, đó là xu hướng đúng. Nhưng tôi không cho rằng việc “phân cấp mạnh” là do tiêu cực đã được đẩy lùi hoàn toàn. Vì vậy cùng với việc “phân cấp”, vẫn rất cần duy trì những giải pháp thanh tra, giám sát chặt chẽ của cấp bộ, thậm chí cần làm mạnh mẽ hơn.

Cùng với việc thanh tra, giám sát là quy định rõ ràng, nghiêm khắc về việc chế tài đối với người vi phạm. Ðây là những biện pháp rất cần thiết giúp các địa phương yên tâm nhận nhiệm vụ “phân cấp”.



* Với cách thức thi cử hiện nay, căng thẳng, áp lực vẫn đè nặng lên thí sinh, lên ngành GD-ÐT các địa phương và những tiêu cực khó có thể đẩy lùi. Theo ông, với mục tiêu duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, việc đánh giá học sinh, công nhận hoàn thành chương trình của học sinh THPT nên thay đổi theo hướng nào?

- Ðây là vấn đề lớn, phụ thuộc vào công cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục phổ thông. Sẽ khập khiễng nếu chỉ đổi mới đánh giá thi cử mà không đổi mới chương trình – sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, điều kiện và phương tiện dạy học, đội ngũ nhà giáo…

Hội tụ đủ các yếu tố đổi mới mới có thể thực hiện đánh giá hoàn thiện chương trình THPT theo hướng hội nhập quốc tế. Khi đó mới có thể thực hiện việc đánh giá khách quan chất lượng học sinh trong suốt quá trình dạy học kết hợp với các đánh giá cuối kỳ, cuối năm. Thầy cô giáo phải đánh giá được học sinh trên lớp học trong quá trình dạy các môn học; cũng có thể giao cho học sinh THPT vào các công ty, xí nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức xã hội và nghề nghiệp để học sinh tự nghiên cứu các dự án rồi tự đánh giá, đề xuất mới, trên cơ sở đó đánh giá năng lực của các em… Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, tiêu chí này được đánh giá rất cao.


* Trong khi việc đánh giá học sinh trong cả quá trình học chưa áp dụng được thì ông có ủng hộ việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia thay thế bằng kỳ thi do các địa phương tự tổ chức hay tự xét tốt nghiệp?

 

- Ðó là một đề xuất mới cần được quan tâm, xem xét. Nhưng theo tôi, điều đó chưa thích hợp trong tình hình giáo dục, tình hình kinh tế xã hội hiện nay. Tôi e khi đó áp lực còn nặng nề hơn, con số đưa ra còn tranh cãi nhiều hơn và động lực dạy học có thể đi xuống, việc kiểm soát chất lượng sẽ vô cùng khó khăn. Giáo dục là việc đại sự quốc gia nên mọi quyết sách phải cẩn trọng.


* Vậy trước mắt, theo ông, cần có cải tiến thế nào để kỳ thi năm sau giảm được áp lực căng thẳng dẫn đến giảm tiêu cực?

- Tôi ủng hộ ý kiến cho rằng giải pháp trước mắt là không bắt buộc học sinh phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Những học sinh thi đỗ tốt nghiệp thì được cấp bằng tốt nghiệp để dự thi vào các trường đại học, cao đẳng. Số không đỗ tốt nghiệp, hoặc số không dự thi nhưng đã học đầy đủ chương trình theo quy định có thể được cấp một chứng chỉ “đã học xong chương trình THPT”.

Những học sinh này có thể sử dụng chứng chỉ để đi học nghề ngắn hạn, dài hạn, trung cấp chuyên nghiệp… Như thế sẽ có phân loại năng lực học sinh, đỡ áp lực cho các gia đình, học sinh trong việc bắt buộc phải thi và phải đỗ. Việc thi không đỗ, việc tỉ lệ tốt nghiệp thấp cũng không tác động nhiều đến tâm lý của người dân nói chung và học sinh nói riêng, không trở thành áp lực của mỗi địa phương. Sau này khi học nghề và hành nghề, nếu các em muốn vẫn có nhiều cơ hội học bổ túc để nhận bằng tốt nghiệp THPT.

TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/503483/Khong-bat-hoc-sinh-phai-du-thi-tot-nghiep-THPT.html

Nguy hiểm khi phụ huynh để thầy ‘dạy bằng roi’?

Posted: 24 Jul 2012 08:55 PM PDT

- PGS.TS Võ Thị Minh Chí, nguyên Giám đốc Trung tâm Tâm lý học-Sinh lý học lứa
tuổi, Viện phó Viện Nghiên cứu Sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, cần
giáo dục lại cho chính phụ huynh nếu đồng tình để thầy đánh trò. Trao đổi với
VietNamNet,
bà tỏ ra bất ngờ trước việc phụ huynh đồng ý để thầy “dạy con
bằng roi”

Với học sinh, đặc biệt là các em nam ở độ tuổi lớp 7 là khoảng thời gian diễn

ra nhiều biến động lớn nhất về tâm sinh lý. Hãy cứ tưởng tượng tâm lý của trẻ
giống như một dòng nước mạnh chảy trong đường ống hẹp. Nếu có thêm áp lực, nước
có thể phá hỏng đường ống. Cơ bắp các cháu cũng phát triển như người lớn nhưng
sức chịu đựng thấp. Thế nên mới có chuyện các cháu tỏ ra lười nhác.

Trung tâm bồi dưỡng số 2 đang bị dừng hoạt động vì clip thầy đánh trò

Theo bà Chí, nếu hành động không khéo, khó mà tiên lượng những điều xấu nhất
có thể xảy đến.

Tôi lấy ví dụ trẻ rất hăng hái, muốn làm việc gì nhưng cha mẹ lại cấm hay cản
trở. Các cháu sẽ cư xử theo kiểu "tự làm, không được cho phép", tốt có và nhiều
trường hợp diễn ra theo chiều hướng xấu nếu có tác động hoặc bị dụ dỗ. Còn nhớ
có trường hợp được phản ánh trên báo nói các cháu bỏ trốn khỏi nhà, ra ở riêng,
thuê người giúp việc. Các cháu đi ăn cắp nhưng lại nghĩ việc đó là anh hùng.

“Đánh trẻ dù nặng nhẹ nhưng đánh trước mặt bạn là không thể chấp nhận.
Không còn là răn đe nữa, đó là hạ nhục các em”
– lời bà Chí.

Đồng ý rằng có những cháu vì “sợ” mà quyết tâm thay đổi, học tốt hơn. Nhưng
có cháu sẽ quen đi với việc bị đánh mà chai lì. Liệu phụ huynh có lường trước
việc có cháu bị phân liệt, động kinh sẽ có hành động phản ứng lại hoặc bùng
phát?

Có ý kiến nói phụ huynh nhầm lẫn, nhưng tôi không nghĩ vậy. Hơn ai hết, phụ
huynh là người hiểu và đồng ý thì giáo viên mới có thể thực hiện dạy trò bằng
roi vọt. Về tâm nguyện và sự gửi gắm con em cho thầy của phụ huynh tôi hiểu có
cả sự bất lực và cả suy nghĩ nông cạn.

Chúng ta đang cố gắng cảm hóa trẻ bằng tình thương không được, huống chi đòn
roi. Thậm chí hiện nay còn nhiều tranh cãi có nên phân loại học sinh theo kiểu
tuyệt đối như trung bình, yếu xếp ra một lớp. Một lớp ngoài các em yếu cũng nên
có thêm các em khá, giỏi để các em còn lại có động lực học.

Phụ huynh vì kỳ vọng ở con, thấy trung tâm này dạy có kết quả nên có thể sẵn
sàng chấp nhận chuyện con bị đòn roi. Nếu cần thay đổi thì không phải việc đóng
cửa trung tâm, đuổi người thầy mà phải giáo dục lại những phụ huynh này. Tự họ
làm hỏng con mình.

Đứa trẻ đến trung tâm không chỉ học lấy kiến thức. Dù muốn hay không chúng
cũng học cả tính cách và hành động của người thầy. Có thể cháu sau này thành đạt
nhưng ảnh hưởng từ việc bị thầy đánh lại rất lâu dài, thậm chí đến thế hệ tiếp
theo theo kiểu bố lại nói với con "ngày xưa vì bị đánh nên mới nên người như hôm
nay".

Một vấn đề đáng quan tâm khác, ở giữa thành phố lớn, một trung tâm dạy thêm
với hàng trăm em tồn tại hơn 3 năm mà chưa được cấp phép vẫn tồn tại. Như vậy
mọi người có quyền đặt câu hỏi về tư cách của những người ở trung tâm này.

Người thầy ở đây có thể giỏi về kiến thức nhưng nghiệp vụ chưa khá, chưa chắc
tay. Họ có thể được đào tạo nghiệp vụ sư phạm rồi mới được xem xét chuyện đứng
lớp.

“Được biết nhiều thầy cô là những người tốt nghiệp sư phạm (chưa rõ được
đào tạo chuyên ngành hay cử nhân) nhưng họ chưa có việc làm nên trung tâm tạo cơ
hội. Ngành giáo dục Thái Nguyên cũng cần xem xét nếu họ thực sự giỏi, đủ tiêu
chuẩn đứng lớp để nhận họ vào cơ sở công lập. Tôi nghĩ đó là nguyện vọng của số
đông những người học sư phạm ra trường” -
bà Chí đề xuất.

  • Phong Đăng (thực hiện)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/81947/nguy-hiem-khi-phu-huynh-de-thay--day-bang-roi--.html

TP.HCM thừa 973 giáo viên trung học

Posted: 24 Jul 2012 08:55 PM PDT

TP.HCM thừa 973 giáo viên trung học

TT – Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: năm học 2012-2013 TP chỉ tuyển 525 giáo viên bậc THPT nhưng đến nay đã có 1.498 người dự tuyển, thừa 973 giáo viên.

Trong đó giáo viên môn vật lý thừa nhiều nhất (chỉ tiêu: 29, số đăng ký tuyển dụng: 173), hóa học (40/166), lịch sử (23/128), địa lý (28/88)… Ngay cả giáo viên môn thể dục (chỉ tiêu: 41, đăng ký dự tuyển: 87) và tâm lý (chỉ tiêu: 5, đăng ký tuyển dụng: 12) vốn thiếu từ nhiều năm trước thì năm nay cũng dư thừa.

Theo ông Văn Công Sang – trưởng phòng tổ chức – cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, bậc THCS cũng đang có tình trạng thừa giáo viên như trên, chỉ có bậc mầm non và tiểu học đang thiếu giáo viên.

H.HƯƠNG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/503482/TPHCM-thua-973-giao-vien-trung-hoc.html

Comments