Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Lại chuyện học của trẻ “tiền” lớp 1

Posted: 24 Jul 2012 02:22 AM PDT

Câu trả lời tất nhiên là không với hàng loạt các lý do được đưa ra nào là không phù hợp với khả năng tiếp thu của trẻ, dễ tạo tâm lý chểnh mảng trong học tập sau này do "biết rồi việc gì phải học", dẫn đến trong một lớp có nhiều trình độ đến nỗi làm khó giáo viên v.v… và v.v… Nếu xét về lý thuyết, các khuyến cáo trên đều đúng, không một người nào có thể phủ nhận, ngay cả những người trực tiếp đứng trên bục giảng. Tuy nhiên, dựa trên những gì thực tế như là chương trình, mục tiêu… thì những lời khuyên ấy xem ra lại không có ý nghĩa.

Chị Nguyễn Thu Minh ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, có con năm nay vào lớp 1. Nhưng ngay từ đầu năm, chị đã chọn trường, lớp rồi chọn cả giáo viên để cho con học thêm trước khi chính thức cắp sách đến trường với mục đích làm quen với môi trường mới và quan trọng là: "nếu không học trước đến khi vào trong năm làm sao theo nổi chương trình".

Lại chuyện học của trẻ

Như chị Minh, tâm lý của anh Bùi Xuân Dũng ở đường Bưởi, quận Tây Hồ cũng vậy. Năm nay, anh có cậu con trai bắt đầu nhập trường tiểu học, chính thức trở thành học sinh phổ thông. Nhưng từ Tết trở ra, bạn bè nói vui con anh đã "gia nhập hàng ngũ" này rồi. Vì một tuần cháu cũng chỉ nghỉ hai ngày cuối tuần còn đâu phân chia lịch học, ban ngày giờ hành chính thì học viết chữ đẹp của một chuyên gia về lĩnh vực này, buổi chiều và tối tùy theo sự sắp xếp của giáo viên dạy thêm, sẽ học tiếng Việt hoặc toán. Chưa kể về nhà, cháu còn phải tập chép và làm bài đúng như học sinh đã học lớp 1. "Biết như thế…". Anh Dũng chia sẻ: "… Là cháu rất vất vả và tuổi thơ dường như bị "đánh cắp" song không thể nào khác được. Sống ở môi trường như thế nào thì buộc phải theo như vậy thôi, mặc dù biết là dở, là đi ngược với giáo dục dưới góc độ tâm lý…". Điều đáng nói thêm: anh Dũng lại chính là một giáo viên giảng dạy THCS nên hơn ai hết, anh hiểu cặn kẽ giáo dục Việt Nam hiện đang như thế nào. Vậy mà anh còn phải theo – làm cái điều thực tế thâm tâm của người giáo viên như anh mách bảo không nên thì huống chi người khác…

"Cưỡng bức" giáo dục

Không chỉ anh Dũng, chị Minh mà rất nhiều bậc cha mẹ khác có con bắt đầu học lớp 1 đều làm như vậy. Không phải họ làm theo phong trào, theo tâm lý số đông mà thực tế từ những người đi trước, từ kinh nghiệm của chính những người trong ngành rồi từ chính bản thân họ… buộc họ phải cho con học trước chương trình. Cũng cần phải nói việc dạy trước cho trẻ "tiền" lớp 1 này, ngành giáo dục nghiêm cấm, chỉ cho phép dạy các em thuộc 24 chữ cái và đếm trong phạm vi 10. Tuy nhiên, phạm vi kiến thức ấy so với tổng thể chương trình giáo dục dành cho lớp 1 thì dường như không ăn nhập gì, không phải là một bộ phận của cả hệ thống chương trình mà bị tách biệt đến nỗi có cảm giác các em phải nhảy từ vực sâu lên đỉnh cao trong quá trình tiếp thu kiến thức. Cho nên quy định của ngành giáo dục nghiêm cấm dạy trước cho học sinh trước khi vào lớp 1 là "hữu danh vô thực", thậm chí bị ngay những giáo viên dạy tiểu học phá luật để giảng dạy cho học sinh nhằm giúp các em khi vào năm học chính thức có thể bắt nhịp được với chương trình. Ngay một vị lãnh đạo của Sở Giáo dục TP Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định với báo chí: "Nếu con tôi vào lớp 1, tôi cũng phải cho cháu đi học trước"!

Vậy, chương trình lớp 1 khó như thế nào để rồi các em phải gian nan như vậy?

Ở học kỳ I, mặc dù được phân chia đều nhau về số tiết nhưng Tiếng Việt xem ra "nặng" hơn toán do học sinh phải làm quen với chữ cái, âm, vần… dưới hình thức đọc và viết. Tưởng rằng môn này học đơn giản nhưng thực tế mất rất nhiều sức của học sinh và cần sự kiên trì, kỳ công của giáo viên trong giảng dạy. Như tập viết, với nét khuyết, nét thắt, nét chéo rồi viết trọn vẹn cả một chữ cái, nhất là với chữ e, b, q… học sinh rèn mãi mới viết được vì tay yếu các em không thể viết liền thành một đường mà cứ đến giữa chừng phải nghỉ, phải viết thành hai lần mới trọn một chữ. Thế mà, chương trình quy định chỉ trong vài tiết học sinh phải làm được điều này. Thử hỏi nếu như không học trước, rèn trước thì liệu vào năm học, học sinh lớp 1 có viết được như vậy? Hay với các chữ a, ă, â hay e, ê… cùng những vần có các chữ này, với khả năng tiếp thu của một đứa trẻ vừa rời trường mầm non để thuộc mặt chữ, phân biệt được cách phát âm, cách viết cũng cần lắm khoảng thời gian nhất định nhưng nói như một phụ huynh: "học như đi ăn cướp" vì gần như mỗi ngày một kiến thức mới, học chưa xong kiến thức này, đã phải "nạp" kiến thức khác. Chưa kể đến phải tập chép chính tả, phải đọc thông viết thạo sau khi kết thúc học kỳ I đúng như mục tiêu của ngành giáo dục đề ra… Nếu không học trước, chắc chắn học sinh không thể đáp ứng mục tiêu ấy.

Rồi môn toán, học kỳ I, chương trình quy định: cộng trừ trong phạm vi 10. Nói thật, chỉ với kiến thức đơn giản được phép dạy khi còn ở mầm non là thuộc mặt số thì học sinh khó thực hiện được phép toán này khi vào lớp 1. Do khái niệm thế nào là cộng, trừ mơ hồ trong sự tiếp thu của học sinh lắm. Thế nhưng vì đã được học trước, nên học sinh mới có thể tiếp thu như vậy chứ chỉ trong thời lượng có hạn được dạy chính thức ở trường thì "i, t" chắc chắn là khả năng tiếp thu của học sinh. Ngay cô Nguyễn Kim Hoa là giáo viên dạy giỏi tại một trường điểm ở quận Ba Đình cũng nhận định: "Với khối lượng kiến thức của lớp 1, nếu học sinh hoàn toàn chưa biết gì như một tờ giấy trắng thì trong quá trình học, học sinh khó nắm chắc kiến thức một cách nhuần nhuyễn". Sang đến học kỳ II thì toán còn như đánh đố học sinh hơn. Cái khó của môn toán trong thời kỳ này là chồng chất kiến thức mới. Học sinh phải học theo kiểu nhồi nhét, quá sức tiếp thu của các em. Đúng như một nhà tâm lý giáo dục đã nói: Học sinh bây giờ đang bị "cưỡng bức"giáo dục.

Ngay từ lớp 1, học sinh đã rơi vào tình trạng bị "cưỡng bức giáo dục" như vậy và phải học trước, học thêm mới đáp ứng được sự "cưỡng bức" ấy. Nhìn lại cả hệ thống giáo dục phổ thông thì thấy đều mang "chủ trương" đó. Và chính điều này đã tạo ra những hành động lách luật, phá luật rồi cả những luật "hữu danh vô thực" trong giáo dục. Quan trọng hơn là nó tạo ra cả một thế hệ cái gì cũng học mà cuối cùng như chẳng học cái gì. Để thay đổi điều đó, để học sinh học vừa đúng sức ngay từ lớp 1 vừa đáp ứng  nhu cầu của xã hội chỉ có thể thay đổi từ nền tảng – quan niệm, chủ trương giáo dục.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-622034/lai-chuyen-hoc-cua-tre-tien-lop-1.htm

Đã đến lúc bỏ khẩu hiệu ‘Tiên học lễ…’

Posted: 24 Jul 2012 02:22 AM PDT

– “Việc sử dụng lại khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn" từ hơn chục năm nay,
theo tôi, chỉ nên được xem là giải pháp tình thế. Đã đến lúc nên chấm dứt. Nếu
cần khẩu hiệu, hãy gắng tìm lấy từ nguồn thuần Việt. – nhà Nghiên cứu phê bình
Văn học Lại Nguyên Ân tham luận.

Có "Tiên học lễ…" vì trò hư

Thế hệ tôi, sinh trưởng ở miền Bắc, đi học trường phổ thông 10 năm (từ lớp 1
đến lớp 10) vào những năm 1954-1964, thì khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn"
hầu như không để lại ký ức gì. Là vì ở miền Bắc thời đó, những gì được xem như
gắn với "tư tưởng phong kiến" đều bị coi là lạc hậu, cần tránh xa, cần chống
lại.

Nghiên cứu phê bình
Văn học Lại Nguyên Ân

Cho nên dễ hiểu là không hề thấy khẩu hiệu này xuất hiện trong khuôn viên bất
cứ ngôi trường nào trên miền Bắc thời gian ấy; cũng hầu như không có giáo viên
hay cán bộ nào trong ngành giáo dục thời ấy dám nói đến khẩu hiệu đó trước các
đám đông.

Vậy khẩu hiệu này trở lại khi nào? Hãy nhớ đến một sự việc kể sau đây.

Theo sự ghi nhận – như một dữ liệu nghiên cứu – của tác gia Trần Đình Hượu
(1927-1995) thì vào năm 1973, nhà giáo Nguyễn Lân (1906-2003) viết bài "Có
nên vận dụng phương châm "Tiên học lễ hậu học văn" trong việc giáo dục thế hệ
trẻ của ta ngày nay không?"
(đăng tạp chí "Văn hóa nghệ thuật" ở Hà
Nội, số 31, tháng 7/1973) mà động cơ viết bài này, theo lời của chính tác giả
Nguyễn Lân, là do thực tế "một số trẻ em không ngoan, trong nhà thì bướng bỉnh
với cha mẹ, ra đường thì hỗn láo với mọi người, đến trường thì xấc xược với thầy
giáo" (trích bài báo đã dẫn).

Ngay sau khi bài báo này xuất hiện, trên báo "Tiền phong" của T.Ư.
Đoàn (số 2351, ra ngày 16/8/1973) có bài báo dài của tác giả Thanh Bình nhan đề
"Quét sạch những tàn dư tệ hại của Khổng giáo", phản đối gay gắt ý kiến
này.

Thế thì khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" đã "sống lại" trong ngành giáo
dục Việt Nam từ khi nào? Đứng ngoài quan sát như tôi và phần đông bạn đọc, thì
khẩu hiệu này có lẽ đã tái xuất hiện trong nhà trường Việt Nam từ những năm
1990.

Nói thật gọn, tâm lý coi trọng và đề cao người thầy chính là cơ sở tâm lý xã
hội khiến cho khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" từ chỗ bị cấm đoán miệt thị
trong "đêm dài bao cấp", lại bỗng chốc được nêu cao trên khuôn viên các ngôi
trường vẫn được những người quản lý nó mệnh danh là "nhà trường xã hội chủ
nghĩa". Thêm nữa, còn do nỗi lo ngại về tình trạng "xuống cấp" đạo đức xã hội
đáng báo động như trò hư, vô lễ, những chuyện không hay trong giới giáo viên.

Không nên duy trì yếu tố vay mượn

Thế nhưng có nên tiếp tục trương cao khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" cả
trên khuôn viên các ngôi trường Việt Nam hiện nay cũng như trong lời nói hàng
ngày hay không?

Tôi vẫn chưa quên cảm giác gì đó rất không thoải mái mỗi khi nhìn thấy khẩu
hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" được sơn vẽ sao cho kích cỡ thật lớn, lại đặt ở
vị trí đáng chú ý nhất, tại các ngôi trường Việt Nam.

Vì sao vậy? Vì nó lời lẽ bằng ngôn từ Hán Việt, không phải lời lẽ thuần Việt.
Vì nó gắn với những thời kỳ rõ ràng là đã qua của giáo dục Việt Nam. Vì nó ngày
càng bộc lộ yếu tố vay mượn ngoại lai mà cũng ngày càng rõ là không nên tiếp
tục.

Nếu bảo ta vẫn có thể dùng "Tiên học lễ, hậu học văn" như khẩu hiệu trong
giáo dục bởi nền giáo dục ta từ ban đầu vốn chịu ảnh hưởng Trung Hoa – thì cần
đáp lại rằng: đúng là giáo dục ở Việt Nam xa xưa thuở ban đầu chịu ảnh hưởng
giáo dục Trung Hoa, tiếp nhận cái học của Nho giáo, trong ngàn năm Bắc thuộc và
suốt 9 thế kỷ của các nền quân chủ độc lập.

Nhưng từ cuối thế kỷ XIX và nhất là từ đầu thế XX, nền giáo dục ở Việt Nam đã
chuyển sang tiếp nhận giáo dục của châu Âu, trực tiếp là của Pháp.

Cho đến ngày nay, thử nhìn xem toàn bộ học vấn mà 12 lớp thuộc hệ nhà trường
phổ thông của ta cung cấp cho học sinh là nguồn từ đâu? Rõ ràng có đến 99% các
tri thức là từ nguồn Âu-Mỹ. Giáo dục phổ thông ở Hàn Quốc, Nhật Bản, ở chính
Trung Hoa lục địa hay Đài Loan, cũng đều như vậy.

Vậy là giáo dục vùng châu Á trong đó có ta đều đã "thoát Á" rồi. Vậy thì nhà
trường hiện tại đâu có còn dính líu gì nhiều với Nho giáo, Nho học mà quay lại
dùng các phương châm, khẩu hiệu rút từ nó?

Đã đến lúc bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ…”

Cốt lõi mệnh đề "Tiên học lễ, hậu học văn" là nhấn mạnh việc trau dồi tư cách
đạo đức bên cạnh việc học lấy tri thức và kỹ năng. Đây là một phương châm không
riêng gì của giáo dục ở phương Đông. Nhưng cách diễn đạt lấy chữ "lễ" đại diện
cho toàn bộ phương diện đạo đức thì rõ là một sự quy nạp quá lệch, tỏ ra cũ kỹ,
lại rất dễ phát sinh hiểu lầm và bị lạm dụng.

Toàn bộ phương diện tri thức và kỹ năng mà người ta cần tiếp nhận trong sự
học, đem gói vào chữ "văn" thì quả là sơ giản hóa đến mức khó chấp nhận.

Trong cuộc sống thường ngày, ngoài ý nghĩa lễ độ thông thường, "lễ" thường ám
ảnh người ta ở một vài hàm nghĩa thông tục.Về phía người học, "lễ" dễ gợi tới sự
khuất phục – đòi hỏi học trò phải vâng phục – điều mà học trò lớp trên càng khó
có thể sẵn sàng thể hiện, do tư cách "người lớn" đang đậm dần lên ở các cô gái,
chàng trai. Họ không thể "phục" nếu người thầy không thật giỏi và không thật có
tư cách. Đối với phụ huynh, "lễ" nổi bật nhất ở ý nghĩa cống nạp – nó có cái gì
đó nặng nề hơn so với sự trả công thông thường.

Tôi biết là có bạn sẽ yêu cầu phải nêu những hàm nghĩa của "lễ" từ gốc, từ
các kinh điển Nho giáo. Song đấy là lĩnh vực của giới nghiên cứu học thuật;
người ngoài đời thường không đủ hiểu biết để tiếp cận như thế; họ chỉ hiểu và
đụng chạm với "lễ" ở ý nghĩa thông tục mà thôi.

Cho nên, việc sử dụng lại khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn" từ hơn chục năm
nay, theo tôi, chỉ nên được xem là giải pháp tình thế. Đã đến lúc nên chấm dứt.
Nếu cần khẩu hiệu, hãy gắng tìm lấy từ nguồn thuần Việt. Và nếu không tìm được
từ nguồn "thuần Việt", thì nên tham khảo những nguồn có quy mô thế giới, chẳng
hạn từ nguồn của tổ chức UNESCO.

Trong bối cảnh thế giới hiện tại, ta cũng nên lưu ý đến những hiện tượng
như các viện mang tên Khổng Tử được Trung Quốc lập ra ở các nước với tính cách
những cơ quan truyền bá văn hóa Trung Quốc ở nước ngoài.

Cái tên của Khổng Tử và
có lẽ cả học thuyết của ngài nữa, như vậy, đang được đóng dấu đậm bản quyền quốc
gia Trung Hoa. Ta nên tế nhị với chuyện này.

Ta nên tự chứng tỏ rằng: từ thời
hiện đại, người Việt Nam chúng ta đã đứng ngoài biên giới của nền văn hóa Trung
Hoa rồi, không còn đứng trong đó nữa, như ở thời trung đại.

Khẩu hiệu "tiên học
lễ hậu học văn" – vốn có xuất xứ từ Khổng Tử – càng nên được chúng ta sớm chấm
dứt sử dụng trong hiện tại, để từ nay chỉ nên được ghi nhận như một trong những
thứ ta đã từng vay mượn thời quá khứ xa xưa.

  • Nhà Nghiên cứu Lại Nguyên Ân

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/81786/da-den-luc-bo-khau-hieu--tien-hoc-le----.html

Xóa điểm yếu vốn có của giáo dục mầm non

Posted: 24 Jul 2012 02:22 AM PDT

(GDTĐ) – Trong 3 ngày 23-25/7, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Vụ trưởng Vụ GDMN Lê Minh Hà làm trưởng đoàn và đại diện các Vụ, Cục, Văn phòng của Bộ đã tiến hành kiểm tra công nhận tỉnh Hải Dương đạt chuẩn PCGDMN trẻ 5 tuổi. Đây là 3/9 địa phương được kiểm tra công nhận trong năm 2012. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Thị Bích Liên, lãnh đạo Sở GD-ĐT và các đại diện UBND các huyện, phòng GD-ĐT tỉnh Hải Dương cùng tham gia buổi làm việc.

Theo Phó GĐ Sở GD-ĐT Hải Dương Đoàn Thị Minh Công, Hải Dương hiện có 302 trường MN, trong đó có 83 trường công lập, 193 trường bán công và 26 trường MN tư thục với 3.700 nhóm lớp. Trong những năm qua, tỉnh đã ưu tiên đầu tư  đề án kiên cố hóa trường, lớp học cho bậc học MN để xóa phòng học cấp 4 không an toàn. Trong 4 năm (2008-2011), toàn tỉnh đã xây được 836 phòng học với tổng mức vốn đầu tư trên 472 tỷ đồng.

Cũng theo bà Công, qua rà soát thực trạng GDMN của tỉnh, các tiêu chuẩn về đội ngũ, chất lượng chăm sóc, GD trẻ MN cơ bản đã đạt, Hải Dương xác định tiêu chuẩn về cơ sở vật chất đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học là tiêu chuẩn khó đạt nhất. Do vậy, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, phê duyệt, giám sát các địaphương quy hoạch gọn các điểm trường MN, phấn đấu các trường MN xây mới không có quá 3 điểm trường, nhằm tập trung trẻ 5 tuổi về trung tâm, tăng tỷ lệ  phân chia nhóm, lớp đúng độ tuổi.

Kết quả số điểm lẻ ở các trường đã giảm đáng kể. Năm 2010, toàn tỉnh có 1005 điểm trường/296 trường MN (trung bình 3,4 điểm/trường), đến tháng 6/2011 giảm xuống còn 827 điểm/trường và tháng 6/2012 còn 791 điểm/302 trường (trung bình còn 2,6 điểm/trường). Nhiều địa phương quy hoạch từ trường có 8 điểm trường thành 1 điểm trường như Quang Khải, Quang Trung- Tứ Kỳ, Bến Tắm- Chí Linh… , bà Công cho biết.


Kiểm tra hồ sơ PCGDMN trẻ 5 tuổi của huyện Kinh Môn (Hải Dương)

Bên cạnh việc tập trung đầu tư giảm số điểm lẻ/trường, Hải Dương ưu tiên ngân sách để tăng cường cơ sở vật chất, đồ dùng đồ chơi, thiết bị ngoài trời cho lớp MG 5 tuổi. Kết quả phòng học bán kiên cố của lớp MG 5 tuổi giảm từ 26,9% năm 2010 xuống còn 18,3%. 99,4% các lớp 5 tuổi có đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu để phục vụ công tác chăm sóc, GD trẻ.

Xác định nghiệp vụ làm phổ cập là điểm yếu của bậc học MN do năm đầu tiên làm phổ cập và do năng lực của cán bộ, GVMN còn hạn chế hơn các bậc học khác nên ngay từ tháng 6/2011, Sở đã tổ chức 3 lớp tập huấn nghiệp vụ làm phổ cập cho 100% cán bộ quản lý trường MN, cử cán bộ xuống tập huấn mở rộng tại cơ sở; Xây dựng và cung cấp biểu mẫu phổ cập cho từng đơn vị. Sở cũng đã phân bổ và hướng dẫn sử dụng kinh phí làm nghiệp vụ phổ cập với mức bình quân 4 triều đồng/xã, trong đó dành 3 triệu đồng/xã làm nghiệp vụ PCGDMN trẻ 5 tuổi, cung cấp theo dõi phổ cập cho 265/265 xã…

L.Giang

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201207/Xoa-diem-yeu-von-co-cua-giao-duc-mam-non-1962548/

Mỗi lần nêu ra một lần mới

Posted: 24 Jul 2012 02:22 AM PDT

Là giảng viên triết học và Phật giáo tại đại học Ludwig (Đức) suốt 30 năm nay, sự kiên trì, tinh thần lạc quan, tập luyện vận dụng trí tuệ trong mọi hoàn cảnh đã giúp một thiếu nữ Huế mong manh như chị có thể sống, tồn tại, và hoà nhập vào môi trường học thuật của Đức.

Chị đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt nhất của thời niên thiếu ở Huế, cách sống và cách giáo dưỡng của cha mẹ đã giúp chị điều gì khi bước vào môi trường khoa học xứ người?

Tôi mất cha năm lên bốn tuổi, chính nhờ sự tận tuỵ, tình thương vô bờ, sự hy sinh lớn lao của mẹ tôi, và phải nói, nhờ vào bàn tay ấm áp của đại gia đình, sự giúp đỡ âm thầm mà thâm sâu của bà nội và bà cô, tôi được đi học bình thường như những thanh thiếu niên cùng thế hệ. Chính hai vị lão phu nhân này đã góp phần không nhỏ hun đúc ý chí học hỏi cho tôi. Trong trường hợp của tôi, thân giáo đến từ bà nội, bà cô và mẹ đóng vai trò quan trọng. Lối sống lễ giáo trong gia đình tôn ti trật tự có sẵn đã tạo nên "cái khung" tự nhiên cho cung cách ứng xử, đôi khi chật hẹp nhưng cần thiết cho cuộc sống chung. Vào thời ấy, đôi khi tôi muốn "tháo cũi sổ lồng" – và cơ hội đến khi tôi được học bổng du học. Những tưởng tôi sẽ ngang tàng phá vỡ mọi khuôn phép, nhưng bỗng nhiên ở xứ người tôi lại "thủ cựu", và chính qua đó, sự tự trọng dè dặt, đã giúp tôi ngẩng cao đầu. Trong khi mẹ tôi tận tuỵ lo cho tôi ăn học, bà nội tôi là người giáo dục tinh thần. Bà không cầm roi như lối giáo dục nam quyền, bà chỉ kể chuyện – đó là một trong những lý do tại sao tôi dùng phương pháp kể chuyện với con tôi sau này.

Là nữ giáo thụ cho các cung nữ, bà nội tôi có lối kể chuyện uyên bác và thu hút. Bà kể cho tôi chuyện cha tôi, bác tôi, ông nội tôi, các nhân vật lịch sử, văn chương, các tuồng tích, họ đã đi học như thế nào, bác tôi đã tiến thân từ anh học trò nghèo mồ côi cha cho đến khi thi đỗ làm quan, nhiều thật nhiều chuyện những con người trong nghèo khó khắc phục hoàn cảnh bằng ý chí, tâm huyết và tài năng để tiến thân. Giấc mơ học thành tài của tôi đến từ câu chuyện ấy, ý chí phấn đấu trong hoàn cảnh khó khăn đã giúp tôi mạnh mẽ không lùi bước. Trong lúc ấy, bà cô tôi, một mệnh phụ cao quý lại cho tôi hình ảnh của người phụ nữ tự tin, thành đạt, thương người, hiếu thảo, thuần đạo. Còn mẹ tôi, là đức hy sinh xả thân của bà. Tôi nghĩ rằng "thân giáo" đóng vai trò quan trọng trong giáo dục. Nếu người lớn không có kỷ cương, vô đạo thì người trẻ sẽ theo gương ấy mà vô kỷ cương, vô hạnh. Chính nhờ thân giáo ấy, mà khi tôi "đi đứng" ở nước người, nhận được sự tôn trọng.

Thử thách nào là lớn nhất với chị để có thể kiên định với con đường nghiên cứu triết học suốt bao năm qua, trong một thế giới sống gấp và thực dụng? Chị nghĩ gì về sự đứt gãy của thế hệ tiếp nối trong lĩnh vực nghiên cứu và dịch thuật triết học?

Trước tiên tôi đã chọn triết học vì "yêu" chứ không nghĩ đến mục đích thực dụng. Với điểm học tốt, tôi đã có thể chọn những môn khác như y khoa, vật lý học… Khi yêu thì một liều ba bảy cũng liều cho nên thử thách nào, vật chất hay chướng ngại tinh thần, cũng đều "giải giáp" trước tình yêu ấy. Yêu triết học cũng có nghĩa là yêu gấp đôi đó (cười): yêu cái tình yêu chân lý, lẽ sống của con người. Nó chính là phương thức cho tôi sức mạnh vượt qua những khó khăn trong đời người. Tôi nghĩ rằng phương pháp triết học giúp chúng ta đạt được cái nhìn thấu đáo về kỹ năng "người", điều kiện hiện sinh, trách nhiệm đạo đức, để vượt lao lý và đạt quân bình nội tâm, làm cho cuộc sống giữa ta và người có ý nghĩa. Triết học giúp thao luyện trí tuệ – tâm trí cũng giống như thao luyện thân xác. Triết học đem lại sự tự tin và lòng tin vào sức mạnh trí tuệ, phẩm giá con người.

Theo tôi, sự bỏ qua triết học trong chương trình giáo dục hiện nay là một sai sót lớn. Tây phương đã có một thời xao lãng, nhưng chương trình trung học vẫn không thể bỏ qua các môn thuộc lĩnh vực triết học. Hiện nay, vai trò của triết học trong việc giáo hoá, đào tạo được đánh giá quan trọng. Trong mê cung của chủ nghĩa thực dụng vật chất, cần có một kim chỉ nam hướng dẫn con người có tư duy đúng đắn, tự chủ và độc lập. Trước sau, tôi vẫn nghĩ đưa triết học vào chương trình giáo dục tại Việt Nam, nếu Việt Nam muốn tiên tiến trong công cuộc giáo dục, đào tạo con người toàn diện.

Ngoài dịch sách, chị còn là tác giả của nhiều tiểu luận về triết học, tôn giáo và nhiều bài ký sự, tuỳ bút… Nhìn lại quá trình nghiên cứu của mình, chị nghiệm ra điều gì quý giá nhất?

Có thể nói, sáng tạo là điều quý giá nhất, trong nghĩa sáng tạo là khả năng tổng hợp sinh động cái cũ, vốn liếng tri thức nhân loại đã có để sản sinh cái mới, có như thế sáng tạo mới có ý nghĩa nhân bản. Tôi thích câu trả lời của Trần Nhân Tông: "Mỗi lần nêu ra một lần mới", cũng trong ý nghĩa ấy, tôi thấy mình cần… mới hơn nữa.

Là người đeo đuổi nhiều năm để giành và giữ lại phần đất tổ tiên ở chính quê hương mình, chị có đau đớn nhiều không khi nghĩ đến những người dân thấp cổ bé họng trước làn sóng đô thị hoá đang đẩy họ vào cảnh bần cùng, không chốn nương thân?

Mỗi một phút giây tôi khiếu nại để giành lại và giữ được mảnh đất của tổ tiên là mỗi phút mỗi giây thấm nghiệm sâu xa nhất sự đau khổ của người dân thấp cổ bé họng đã bị tước đoạt đất sống. Phải nói là tôi đau, thật đau, trên từng thớ thịt với họ. Từ năm 1963, ý thức về quê hương đất nước đã cho tôi động cơ dấn thân – ngay cả ước mơ trên chuyến du học của tôi cũng nằm trong thao thức hoài bão của thế hệ thanh niên chúng tôi thời ấy ở miền Nam – ước mơ đó là học thành tài để xây dựng quê hương, để xoá tan mặc cảm "nô lệ da vàng", thân phận nhược tiểu như Trịnh Công Sơn từng hát. Chúng tôi hẹn nhau như thế. Đối với tôi, căn nhà tổ tiên cũng chính là quê hương. Không giữ được nhà sao giữ được nước? Tôi tin rằng chân lý sẽ thắng, công bình sẽ thắng, dù hoàn cảnh, cơ chế xã hội đầy rẫy bất hạnh, bất công.

Là người dịch khá nhiều tác phẩm triết học và dịch thơ, quan điểm của chị về dịch triết, dịch thơ? Vì sao chị lại chọn Hölderlin?

Từ hơn 40 năm nay, tôi vẫn không thay đổi quan điểm dịch của tôi là dịch đúng và chính xác. Tôi cố gắng bỏ cái tôi định kiến trong khi dịch hầu mong chuyển tải tâm tư của nguyên bản. Tôi ý thức rõ trách nhiệm này. Tôi thích thơ Hölderlin, bởi vì trong thơ ông tính chất tư duy triết học, thao thức của ông và thời đại ông đã biến thành thơ, đã hoá thần. Một so sánh nhỏ tuy không cân đối: tỷ như Trịnh Công Sơn của chúng ta hát triết lý của thập niên 1960 không chút gượng ép, anh trở thành ve sầu của thế hệ chúng tôi.

Viết khá nhiều cho tạp chí Văn hoá Phật giáo, đó có phải là cách để chị đưa triết học, nhất là triết học Phật giáo đến với thập loại chúng sinh? Viết cho người đọc bình dân, chị có gặp khó khăn nhiều không?

Tôi mong muốn lý giải đạo Phật trong một tinh thần so sánh mới, chứ không sáo mòn theo cách giảng giáo lý truyền thống. Nếu nói bình dân hoá, thì những khảo luận của tôi chưa đạt và cũng không mong muốn đạt tiêu chuẩn ấy, tôi mong văn hoá đọc của người Việt hôm nay tìm cái khó hơn là cái dễ.

Làm thế nào để chị có thể bắt kịp hơi thở nóng hổi của cuộc sống hôm nay, nhất là những chuyện thời sự của quê nhà, để lý giải nó với một ngôn ngữ bình dị?

Hơi nóng của một lò… sát sinh có nóng hơn không? Lắm lúc cảm giác bị thiêu cháy rất cụ thể, nhưng bất chợt trăng trên lá dừa, hoa cau thơm im lặng trong nắng mai, có hiệu lực làm lành, đưa tôi có thể trở về. Heidegger gọi sự xuống dốc của Âu châu trong thời hậu hiện đại là "sự lãng quên thể tính" (Seinsvergessenheit). Quê nhà đang trên đà bị Tây phương hoá một cách thực dụng, bắt chước rập khuôn ngay cả phế thải văn minh Tây phương. Tôi gọi là sự đánh mất bản thể, lãng quên nguồn gốc hai lần, nhất là trên phương diện đạo đức. Vì thế càng phải gấp hơn sự chấn chỉnh giáo dục toàn diện.

Chị nghĩ sao khi sự trong sáng của tiếng Việt đang bị cuộc sống thực dụng và văn chương thực dụng làm hoen ố, trong đó có sự tiếp tay không nhỏ của những nhà… dịch ẩu?

Theo tôi, sự trong sáng của tiếng Việt đang bị đe doạ không phải do chuyện dịch sách ẩu, đó chỉ là chuyện nhỏ. Thảm hoạ lớn hơn và hiện diện khắp nơi ngay trên đầu lưỡi của mỗi người, là dùng ngôn ngữ để nguỵ trang, nói dối công khai. Cả người nói và người nghe đều biết là dối, nhưng vẫn lặp lại, cho đến khi sự dối thành thật và cái trung tín của ngôn ngữ biến mất. Khủng hoảng lớn nhất là chúng ta đánh mất niềm tin vào sự trung tín, như là cơ sở của tương quan giữa người và người trong giao tiếp, người này bỗng thành kẻ cắp của người kia và ngược lại. Hình như trong mỗi giao tiếp chẳng ai tin ai được, làm sao cha mẹ dạy bảo được con, trò vâng lời thầy? Mọi việc trở thành những thứ bán chác. Di hại này quá lớn cho thế hệ trẻ.

 

Đọc những bài chị viết về tết, về Huế, về ngày Phật đản xa xưa… thấy xúc động lạ thường. Dường như nỗi nhớ đã giúp chị chiêm nghiệm ra nhiều điều quý giá?

Đúng là cái vốn xã hội trong quá khứ đã gắn kết tôi với quê hương, những điều thật đẹp mà tôi đã trải qua và tôi muốn chia sẻ những điều đẹp ấy cho những người quanh tôi hôm nay. Cuộc sống ấy đơn giản, khiêm nhường nhưng đã có những giá trị thật cao, hơn gấp trăm ngàn lần đời sống xa hoa, phù phiếm đầy giả tạo. Những giá trị ấy nuôi dưỡng tâm hồn con người. Tôi đã mang theo những giá trị ấy trên đường đi đến xứ người, và một phần của nó đã giúp tôi sánh vai được với bạn bè năm châu. Trong nhiều cuộc nói chuyện với con về những khủng hoảng, những thất bại mà chính tôi gặp phải, tôi thường bảo con, không thể quay lưng với con người. Giá trị đời sống nằm ngay ở chỗ vẫn tin vào tính thiện của con người, vì "giết người đi thì ta ở với ai?"

Những bài viết của chị luôn kèm theo những bức ảnh rất thơ mà chính chị là tác giả, thú vui nào đã giúp chị giữ được sự xanh tươi trong cách nghĩ, cách sống?

Thẩm mỹ, yêu cái đẹp, nghệ thuật là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Nietzsche cho rằng chỉ có hiện sinh thẩm mỹ là thứ tồn tại được truy nhận. Ông còn đi xa hơn khi cho rằng giáo dục con người trước hết nên là giáo dục thẩm mỹ, chính cái đẹp làm nên cuộc sống có ý nghĩa, chứ không phải khoa học. Tôi ủng hộ phần nào quan điểm của ông, nếu không có nghệ thuật, hiện sinh trở nên khập khiễng, nghệ thuật có thể làm hoà mâu thuẫn giữa chủ thể và đối tượng, sáng tạo hoà điệu đã bị phá vỡ giữa con người và thế giới chung quanh. Cho nên thơ như ngôn ngữ hoà nhập và cái nhìn qua nhiếp ảnh đều tạo tác chung, cái này không bù trừ cho cái kia mà làm nổi bật lẫn nhau. Thiền sư đạt đạo là một nghệ sĩ đầy cảm xúc về cuộc sống, cho nên đến với đạo Phật bằng tâm hồn nghệ sĩ cũng nằm trong ý hướng mà Nietzsche đã nhận định.

Nấu một món ăn thật ngon cho bạn bè, ôm được con sau nhiều ngày xa cách, mặc một chiếc áo đẹp với gout tinh tế, ăn được một trái giáng châu từ vườn Huế, ngắm được một đoá hoa hải đường mới nở trong vườn hay thảo luận với người thức giả, đều là những thú vui, và đôi khi chọn cô đơn, "tôi chọn ngồi thật yên" như lời nhạc Trịnh Công Sơn.

Chị có sợ không khi mỗi ngày đọc báo, lại thấy cuộc sống đầy những tiêu cực, khủng hoảng, nhất là khủng hoảng tinh thần đang lan tràn như một bệnh dịch?

Giá trị đạo đức đang bị huỷ hoại đến phải rên xiết. Dạo sau này khi trở về Việt Nam tôi ngủ không yên, tâm trạng bất an đến từ những khủng hoảng chung quanh hàng ngày đọc, nghe, thấy, va chạm. Tình trạng phân hoá xã hội gắt gao một cách phi lý, o bán cháo ngồi trước nhà chỉ mong mỗi ngày lời được mấy chục ngàn đồng để nuôi cả gia đình, o bán bánh ngày nào cũng rao trước cửa hy vọng chủ nhà mua vài ngàn bánh, lại nghe thấy đọc thấy các đại gia giàu hàng ngàn tỉ, đi xe khủng, đám cưới khủng. Bất an trên đường phố, bất an khi thấy mỗi người đều vay nợ để sống… và đồng tiền làm bá chủ trong cuộc sống vay mượn này. Khi đồng tiền ngự trị thì giá trị tinh thần của con người, tính cao quý của con người chỉ là những con số. Thức giấc nửa khuya, tôi có nỗi sợ hãi của một người đang nghe cơn địa chấn lung lay đất sống.

Cách để chị tìm thấy sự tĩnh lặng và suy tư giữa bộn bề bất trắc?

Nếu không tập luyện được duy trì hơi thở ngay trong hỗn loạn thì có lẽ tôi sẽ bị suy sụp tinh thần. Trong lúc quán hơi thở, tôi tự nhủ mình không bỏ cuộc, và muốn cùng với những người đồng cảm bắt đầu một cuộc hành trình văn hoá khác, khiêm tốn nhưng đầy tình người.

Làm thế nào để sống một cách bình thường như câu chúc mà chị thường dành cho bạn bè mỗi lúc chia tay?

Trước sau thì vẫn: "Chữ tình là chữ khởi đầu…"

(Theo Sài gòn tiếp thị)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/81695/moi-lan-neu-ra-mot-lan-moi.html

Hơn 400/500 thí sinh nói có gian lận thi cử

Posted: 24 Jul 2012 02:22 AM PDT

Thăm dò ngẫu nhiên:

Hơn 400/500 thí sinh nói có gian lận thi cử

TT – Phần lớn thí sinh được hỏi trong cuộc thăm dò thừa nhận đã có rất nhiều hình thức gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012, từ hỏi bài nhau, mang tài liệu vào phòng thi cho đến tổ chức giải bài tập thể…

Và giám thị dường như làm ngơ trước những trò gian lận ấy.

Nhóm phóng viên Tuổi Trẻ vừa phối hợp với một số nhà xã hội học thực hiện thăm dò trên 500 thí sinh từ 36 tỉnh thành về tính nghiêm túc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Kết quả: 84,6% thí sinh trong số đó thừa nhận có xuất hiện hiện tượng tiêu cực tại nơi các bạn dự thi.

Thí sinh chuẩn bị "phao" trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2012 – Ảnh: Hà Bình

Cuộc thăm dò xuất phát từ trăn trở của một số nhà xã hội học khi theo dõi tình hình giáo dục nước nhà. Một vị trong nhóm này băn khoăn: "Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao với gần 98% học sinh thi đỗ".

Việc thăm dò được thực hiện theo hình thức phát phiếu ngẫu nhiên sau buổi thi đầu tiên tại nhiều điểm thi trong đợt thi tuyển sinh ĐH thứ hai và đợt thi CĐ vừa qua trên địa bàn TP.HCM. Do thực hiện theo hình thức ngẫu nhiên tại TP.HCM nên kết quả thăm dò thu nhận được chủ yếu là của các thí sinh phía Nam. Cụ thể, thí sinh được hỏi đến từ các vùng, miền như Đông Nam bộ (233 thí sinh), Tây Nam bộ (105 thí sinh), miền Trung (99 thí sinh), Tây nguyên (61 thí sinh).

Từ  "hỏi bài" đến… "nhìn bài"

Khi được hỏi về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, có đến 84,6% (423/500) số thí sinh được hỏi cho biết có diễn ra hiện tượng tiêu cực dưới nhiều hình thức khác nhau tại nơi các bạn dự thi. Trong đó, phổ biến nhất là các hiện tượng như nhìn bài của nhau, trao đổi bài cùng nhau trong khi thi. Thậm chí thí sinh cũng cho biết có cả việc giám thị làm ngơ khi thí sinh hỏi bài, xem tài liệu và kể cả việc… tổ chức giải bài thi tập thể nơi các bạn dự thi.

Những hiện tượng tiêu cực cụ thể được thí sinh cho rằng có diễn ra tại nơi mình dự thi với những mức độ gần như phổ biến như sau: có đến 84,2% cho biết có hiện tượng "hỏi bài nhau trong khi thi". Còn hiện tượng "nhìn bài của nhau trong khi thi" cũng có đến 83,5% cho biết có diễn ra.

"Giải bài tập thể"

Ngoài ra, một số hiện tượng tiêu cực khác tuy có tỉ lệ thấp hơn nhưng cũng được thí sinh nhìn nhận có diễn ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tại nơi các bạn dự thi như "giám thị làm ngơ khi thí sinh hỏi bài nhau" với 36,4%. Hay như hiện tượng "trao đổi tài liệu trong khi thi" cũng có 23,4%, "mang tài liệu vào phòng thi" có 20,6% cho biết có diễn ra.

Đáng chú ý, những hiện tượng tiêu cực nghiêm trọng hơn như "giám thị làm ngơ cho thí sinh xem tài liệu", "giám thị gợi ý giải bài cho thí sinh", "mang điện thoại di động vào phòng thi" và "mang tài liệu vào phòng thi để xem"… cũng lần lượt có 13,5%, 10,4%, 13,7% và 11,8% thí sinh khi được hỏi cho biết có diễn ra nơi mình dự thi. Thậm chí 11,3% số thí sinh được hỏi còn cho biết hiện tượng tổ chức "giải bài tập thể" diễn ra tại nơi mình dự thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Về mức độ, các hành vi tiêu cực theo từng địa phương, thí sinh từ 36 tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, miền Trung, Tây nguyên… đều nhìn nhận nơi mình dự thi tốt nghiệp THPT năm nay có xảy ra tiêu cực. Tuy nhiên, hành vi và mức độ tiêu cực ở mỗi nơi khác nhau. Chẳng hạn với hành vi "giám thị làm ngơ cho thí sinh hỏi bài nhau", có nơi 51,1% thí sinh được hỏi nhìn nhận có diễn ra nhưng cũng có nơi chỉ có 15,6% thí sinh nhìn nhận. Hay như hành vi "giải bài tập thể" có nơi 14,8% thí sinh được hỏi nhìn nhận có xảy ra và ở nơi khác là 13,0%… Tỉ lệ này được thống kê căn cứ trên tỉnh thành mà thí sinh cho biết mình dự thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Sau khi thực hiện xong cuộc thăm dò, nhà xã hội học này kết luận: "Tôi không nghĩ kết quả cuộc thăm dò này mang tính chất đại diện cho toàn thể thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT ở các tỉnh thành trên cả nước. Nhưng tôi cho rằng kết quả này là một cơ sở ban đầu để lý giải vì sao tỉ lệ tốt nghiệp THPT của chúng ta lại cao ngất ngưởng như đã thấy".

TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học): 500 phiếu là con số không nhỏ

Để làm cuộc thăm dò xã hội học thì dung lượng mẫu khảo sát tối thiểu phải là 30 và số mẫu càng nhiều, độ chính xác càng cao. Ngoài ra, độ chính xác của vấn đề cần thăm dò còn lệ thuộc vào phương pháp khảo sát.

Trong bối cảnh thực trạng tiêu cực thi cử còn bị bưng bít như hiện nay, việc thực hiện phương pháp thăm dò khách quan để tìm hiểu sự thật về tính nghiêm túc hay không nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng là cách làm tốt. Tôi cho rằng 500 phiếu khảo sát được phát ra là con số không nhỏ. Mẫu câu hỏi của khảo sát cũng đa dạng. Việc chọn thí sinh là đối tượng chính để thăm dò ý kiến cũng phù hợp vì so với các đối tượng khác như nhà quản lý, cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi thì thí sinh là đối tượng có thể trả lời khách quan hơn.

Tuy nhiên số tỉnh thành được thực hiện việc thăm dò khá nhiều (36 tỉnh thành), với 500 mẫu khảo sát thì trung bình mỗi tỉnh thành chỉ thăm dò 13-14 phiếu. Nếu có thể tăng số phiếu thăm dò nhiều lên nữa sẽ thuyết phục hơn. Ngoài đối tượng thăm dò là thí sinh, cũng nên tiếp cận những nhóm đối tượng đa dạng khác.

V.HÀ ghi

GS Phạm Minh Hạc (chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam): Các em đã nói thật

Tôi cho rằng các em được hỏi đã nói thật về những hiện tượng gian dối, không trung thực, quay cóp… diễn ra tràn lan, phổ biến trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Qua đó thấy được có cơ quan đưa ra tuyên bố này, tuyên bố khác về kỳ thi nghiêm túc chỉ dựa vào báo cáo chung mà thôi.

Nghiên cứu về xã hội học giáo dục, tôi được biết những trường như THPT chuyên, trường tương đương chuyên mới có thể có tỉ lệ tốt nghiệp 100%. Các trường THPT dưới chuyên một chút cao nhất là có tỉ lệ tốt nghiệp 90% và trường trung bình khoảng 70-80%. Tôi có hỏi các cháu của tôi học ở Mỹ về nghỉ hè, các cháu cũng nói trường xuất sắc lắm ở Mỹ mới có thể tốt nghiệp 100%. Những trường trung bình khoảng 80%. Như vậy trong tình hình giáo dục của nước ra như hiện nay, không thể nào có tỉ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước lên đến trên 97% được.

TS Vũ Thị Phương Anh (phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập): Mỗi địa phương "hành xử" một kiểu

Là kỳ thi quốc gia nhưng qua cuộc thăm dò, tôi thấy cách "hành xử" của nhiều địa phương có khác nhau trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này thể hiện qua thăm dò, thí sinh nhìn nhận về hành vi, mức độ tiêu cực ở các địa phương, vùng miền có chênh lệch lớn. Chẳng hạn hành vi tiêu cực "giám thị làm ngơ khi thí sinh hỏi bài nhau" có nơi gấp ba lần nơi khác. Như vậy, vấn đề đặt ra là nên khen hay chê địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp thấp nhưng thực chất?

TS Hồ Thiệu Hùng (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): Kết luận xác đáng

Các kết luận rút ra từ cuộc thăm dò đều xác đáng, nhất là các nhận định từ dữ liệu phân theo vùng. Qua đó, chúng ta cũng thấy tiêu cực "giải bài tập thể" không phải là cá biệt. Đây là lỗi nặng của thí sinh lẫn giám thị và thường mang tính tổ chức, được chuẩn bị sẵn chứ không phải ngẫu nhiên mà vi phạm.

NHÓM PV

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/503172/Hon-400500-thi-sinh-noi-co-gian-lan-thi-cu.html

Tréo ngoe

Posted: 24 Jul 2012 02:21 AM PDT

Sổ tay

Tréo ngoe

TT – Ngày 20-7, trong buổi làm việc với ban chấm thi tuyển sinh ĐH Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đánh giá: tuy số bài thi đạt điểm cao không nhiều nhưng chất lượng bài thi (nhất là bài thi môn lịch sử) đã được cải thiện khá tốt.

Hi vọng điểm sàn ĐH-CĐ không thấp hơn năm 2011

Thống kê kết quả điểm thi từ các trường đã công bố điểm cho thấy đúng là điểm thi môn lịch sử năm nay có cải thiện so với năm trước. Số bài bị điểm 0 ít hơn, số bài đạt điểm trung bình cũng nhiều hơn. Tuy vậy vẫn còn đó rất nhiều điều đáng suy ngẫm về cách ra đề thi, đáp án, cách chấm và kết quả điểm thi môn lịch sử năm nay.

Vẫn còn đó hơn 160 điểm 0 môn lịch sử ở Trường ĐH Quảng Nam. Số thí sinh đạt điểm trung bình môn lịch sử ở các trường ĐH Quảng Nam, Đà Lạt, Tiền Giang vẫn ít hơn rất nhiều so với thí sinh có điểm từ 1 trở xuống. Hàng ngàn bài thi môn sử bị điểm 0 trong kỳ tuyển sinh năm 2011 đã khiến giáo viên và các trường THPT phải tìm cách thay đổi cách dạy, làm sao để học sinh hiểu và nắm lịch sử một cách có hệ thống chứ không phải chỉ học thuộc lòng để đối phó với thi cử.

Thế nhưng, đáp án môn lịch sử năm nay lại là một gáo nước lạnh tạt vào những thí sinh hiểu đúng yêu cầu đề thi, làm đúng trọng tâm của câu hỏi. Nhiều giáo viên cho rằng với đáp án môn sử bị vênh rất nhiều so với đề thi như năm nay, thí sinh hiểu đúng yêu cầu đề làm bài sẽ được ít điểm hơn thí sinh chỉ học thuộc lòng. Tổ chấm thi các trường đã sinh hoạt cách chấm, dù thoáng nhưng cũng không thể nào thoát ly đáp án. Các giáo viên tỏ ra bức xúc vì đã hướng dẫn học sinh mình cách học sử theo kiểu nắm vấn đề và xâu chuỗi vấn đề nhưng đáp án dường như lại không khuyến khích việc đó.

Trong khi các giáo viên chấm thi môn địa lý, ngữ văn khen đề thi và đáp án hay bao nhiêu thì ở môn sử lại bị chê bấy nhiêu. Rất nhiều thí sinh chọn thi ĐH vào các ngành liên quan đến lịch sử. Những thí sinh này có kiến thức tốt về lịch sử, có khả năng tư duy vấn đề tốt, xâu chuỗi được sự kiện nhưng theo nhiều giáo viên, năm nay có thể những thí sinh như thế sẽ có điểm sử không cao và các trường rất có thể đã để vuột những thí sinh như thế.

Lâu nay học sinh khá thờ ơ với môn sử ở chương trình THPT, chỉ học để đối phó thi cử. Lý giải của các giáo viên đó là chương trình quá nặng, quá nhiều con số, sự kiện phải nhớ. Do đó, để học sinh có hứng thú hơn, giáo viên cũng phải thay đổi phương pháp dạy, kết hợp các đoạn video, hình ảnh để bài học đỡ khô khan hơn chứ không bắt học sinh học thuộc lòng. Đó cũng chỉ là giải pháp tình thế bởi theo các giáo viên, để có sự thay đổi trong học sinh cần phải có sự đổi mới đồng bộ từ chương trình, nội dung thi cử. Chương trình vẫn vậy nhưng giáo viên đã tìm cách làm mới bài giảng và truyền đạt kiến thức cho học sinh theo cách thu hút hơn. Thế nhưng đáp án môn sử năm nay lại đẩy thầy trò về cách dạy suông và học thuộc lòng.

MINH GIẢNG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/503063/Treo-ngoe.html

Comments