Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Sửa đáp án: TS nói thiệt, Bộ khẳng định không

Posted: 17 Jul 2012 05:20 AM PDT

- Liên quan đến ý kiến trái chiều trong việc chỉnh sửa đáp án môn Lịch sử kì
thi ĐH 2012, ông Trần Văn Nghĩa, phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất
lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định: "Việc chỉnh sửa đã được tính toán trên cơ sở khoa
học, đảm bảo không thiệt thòi cho thí sinh".

Ngày 15/7/2012, Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT đã ra thông báo sửa đổi

đáp án môn Lịch sử kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 2 và đề nghị các trường sử dụng
đáp án và phiếu chấm.


Thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2012. Ảnh: Văn Chung

Một số giáo viên có kinh nghiệm về dạy và luyện thi môn Lịch sử cho rằng đáp
án vẫn khiến cho thí sinh thiệt thòi đến 2 điểm.

Cụ thể: Cách trình bày ý ở Câu 4b này về mặt kiến thức là sự khái quát lại
những thành tựu nhưng trong hình thức trình bày của đáp án lần 2 vẫn năm trong
phạm vi của ý "về chính sách đối ngoại" khiến nhiều thí sinh mất 0,5 điểm vì ý
này.

Tiếp đó ở câu 1 (2 điểm) đáp án cũng sẽ khiến thí sinh bị mất từ 1,0 điểm đến
1,5 điểm vì thang điểm không phù hợp.

Thí sinh Đào Phương Bình, đạt giải Nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc
gia môn Lịch sử năm 2012, thi khối C vào Học viện An ninh cho rằng, đáp án câu
4a sửa lại của Bộ khiến cho em bị mất ít nhất 0,5 điểm.

Em đề nghị Bộ GD-ĐT nên có đáp án linh hoạt trong câu 2 yêu cầu phân chia các
thời kỳ, vì mỗi người có cách chia khác nhau. Ví dụ thời kỳ 1919-1945,
1945-1975, 1975-2000.

Hoặc nếu tách ra 1945-1954, 1954-1975 cũng đúng vì nó là 2
cuộc kháng chiến; hay gộp 1945-1975 cũng được vì nó là công cuộc đấu tranh bảo
vệ độc lập dân tộc và bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám.

Chiều 17/7, trao đổi với VietNamNet, ông Trần Văn Nghĩa, phó Cục
trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết: Qua báo chí Bộ
đã lắng nghe những ý kiến của các thầy cô về những điểm "chưa hợp lý" trong đáp
án chỉnh sửa ở môn Lịch sử.

"Việc chỉnh sửa xuất phát từ những gì chưa hợp lý. Trước khi chỉnh sửa đã
có thảo luận và phản biện khoa học. Tất cả đã cân nhắc rất kỹ và đảm bảo đáp án
không thiệt thòi cho thí sinh"
- lời ông Nghĩa. Tất nhiên một vấn đề liên
quan đến khoa học xã hội sẽ có nhiều ý kiến khác nhau.

Trước một số ý kiến cho rằng đáp án môn Lịch sử chưa thật chuẩn, cần chỉnh
sửa lại ông Nghĩa nói: "Bộ sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các thầy cô. Nếu thấy
có những điểm cần góp ý các thầy có thể liên hệ làm việc. Bộ sẽ tập hợp các ý
kiến để có trả lời tất cả các ý kiến".

  • Văn Chung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/80988/sua-dap-an--ts-noi-thiet--bo-khang-dinh-khong.html

Trẻ em Việt chỉ giỏi trên giấy

Posted: 17 Jul 2012 05:20 AM PDT

Hơn 80% trẻ cấp I tại Hà Nội và TP.HCM thiếu sự nhạy bén, yếu trong việc phân
tích và giải quyết vấn đề (theo khảo sát của Viện Nghiên cứu giáo dục (NCGD)
tháng 5/2012) là con số đáng để người lớn giật mình.

Rập khuôn theo mẫu, chờ giải pháp từ người lớn

Khả năng giải quyết vấn đề được xem là một trong những yếu tố quan trọng để đánh
giá trí tuệ và khả năng nhạy bén của trẻ trong giai đoạn hiện tại cũng như tương
lai. Khả năng này thường được đánh giá qua những tình huống trẻ gặp phải trong
đời sống hàng ngày và những bài tập, câu hỏi … khác so với bài học.

Trong một cuộc tập huấn nhỏ về xử lý tình huống dành cho các em, khi tiếng còi
báo động vang lên, cảnh tượng trở nên náo loạn. Em thì chạy thục mạng, chen lấn
để lao ra cửa chính. Có em đứng yên và rươm rướm nước mắt: "Các bạn chạy hết còn
lại mỗi mình con". Trong khi đó, tấm bảng hiệu đề rõ "Lối thoát hiểm" thì không
em nào quan tâm đến. Theo phản xạ, trẻ thấy ánh sáng từ cửa chính là chạy ra mà
không để ý đến tấm bảng "Nguy hiểm".

Để có thói quen bình tĩnh khi xử lý những tình huống bất ngờ, trẻ cần được rèn
luyện kỹ năng quan sát, biết xác định vấn đề, tìm nguyên nhân và các phương án
có thể giải quyết.

Khảo sát cho thấy có trên 55% các em chưa xử lý tốt các tình huống thực tế đã
xảy ra. Trong học tập, trẻ có thể đạt được điểm 9, 10 ở các môn học, nhưng hầu
hết đều lệ thuộc vào hướng dẫn từ giáo viên và bố mẹ, khi gặp khó thường chờ đợi
giải pháp từ người lớn. Và ở những môn Văn, Toán và các môn xã hội khác, trẻ đều
có xu hướng nản khi thấy đề bài không giống với những gì đã học.

Tư duy nhạy bén giúp trẻ luôn tìm được cách giải quyết vấn
đề một cách tốt nhất

"Học sinh ít khi trực tiếp tham gia giải quyết các vấn đề có liên quan đến nội
dung học, đến thực tiễn đời sống. Các em cũng ít khi được tiếp xúc với các vấn
đề thực tế và cũng chưa biết áp dụng các kiến thức đã học vào đời sống." – Tiến
sĩ Kim Dung, Viện phó Viện NCGD, tổ chức đã thực hiện khảo sát ở TP.HCM và Hà
Nội, chia sẻ. "Kết quả khảo sát chỉ có 7.1% học sinh tiểu học được đánh giá tốt
về kỹ năng phân tích thông tin là điều dễ hiểu".

Vì đâu trẻ luôn bị động ?


Ở độ tuổi tiểu học, trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu những bài học nhiều màu sắc, minh
họa sinh động, hợp với sở thích và tâm lý, đồng thời góp phần phát huy hết khả
năng tư duy, sự sáng tạo của trẻ. Trong khi đó, phương pháp giáo dục rập khuôn
của nhà trường chưa tạo được sự hứng khởi cho trẻ là một phần nguyên nhân dẫn
đến thực trạng nêu trên.

Có đến 64% đối tượng tham gia khảo sát (phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý…)
đều cho rằng cần giảm tải chương trình sách giáo khoa, tăng cường nội dung kỹ
năng sống và chương trình ngoại khoá ở trường.

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng chưa đủ chất cũng là nguyên nhân của sự thiếu nhạy
bén. Trẻ vốn ham chơi nên nhiều khi lơ là việc ăn uống, càng làm gia tăng tình
trạng thiếu dinh dưỡng. Đặc biệt, nếu thiếu hụt Omega 3 và Omega 6, trẻ sẽ rơi
vào tình trạng tư duy kém, thiếu khả năng phân tích và giải quyết vấn đề.

Những người thành công trong cuộc sống và sự nghiệp luôn có tư duy nhạy bén ngay
từ nhỏ. Một đứa trẻ có tư duy nhạy bén luôn chủ động tìm cách giải quyết vấn đề.
Ngược lại, trẻ thiếu nhạy bén thường trông chờ vào sự giúp đỡ của người lớn, thụ
động trong suy nghĩ và giải quyết vấn đề.

Vậy làm sao giúp trẻ nhạy bén trong tư duy và tự giải quyết những tình huống bất
ngờ mà không cần có "bảo mẫu" bên cạnh vẫn đang là câu hỏi lớn đối với các cha
mẹ, cũng như nhà trường trong chăm sóc, giáo dục trẻ hiện nay.

Thảo Minh

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/80905/tre-em-viet-chi-gioi-tren-giay.html

Trong khủng hoảng, người trẻ học gì?

Posted: 17 Jul 2012 05:20 AM PDT

có cuộc trò chuyện cùng TS Lê Đông Phương (Sinh Viên Việt Nam có cuộc trò chuyện cùng TS Lê Đông Phương (ảnh), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đại học và nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục (Bộ GD – ĐT).

Sinh tồn…

Thưa ông, người trẻ đang đứng trước những thử thách lớn của thời cuộc, đòi hỏi các kỹ năng sinh tồn, nhằm tồn tại và định vị các giá trị của bản thân. Ông chia sẻ với các bạn trẻ thế nào?

Sau một thời gian dài kinh tế có sự phát triển nhất định, có thể thấy, giới trẻ ngày nay có vẻ được chiều chuộng hơn ngày xưa. Họ cũng ít phải bận tâm hơn về việc kiếm sống so với trước, tất nhiên, không phải là tất cả nhưng cũng là số đông. Chính vì vậy, không ít người mất năng lực tự tồn tại trong xã hội hiện đại. Có lẽ, một nguyên nhân nằm ở đặc điểm văn hóa Việt Nam, khi còn được gọi là “con” thì luôn được mọi người trong gia đình chiều chuộng, chăm bẵm… nên không ít người trẻ Việt có tính ỷ lại cao hơn so với bạn đồng lứa ở nơi khác. Vậy nên, cũng chẳng phải đợi đến lúc khủng hoảng, về cơ bản người trẻ Việt Nam thiếu kỹ năng “tự sinh tồn trong cuộc sống hiện đại”. Và thực sự đây là điều rất đáng quan tâm. Những kỹ năng sống phải được dạy ngay từ khi người ta bước chân vào trường học.

Nghĩa là theo ông, người trẻ cần nền giáo dục cung cấp kỹ năng xã hội, chứ không chỉ đơn thuần là kiến thức?

Các nhà giáo dục thì cho rằng, cần phải dạy kỹ năng sớm nhưng nhiều khi, phụ huynh lại không muốn điều ấy. Họ muốn thầy cô dạy cho các em nhiều chữ. Những gì không thuộc trong phạm trù thi, kiểm tra thì các phụ huynh thường không khuyến khích con em mình. Chẳng hạn, ở trường, thầy cô dạy học sinh các kỹ năng tự lập cuộc sống, từ những chuyện đơn giản như sắp xếp chăn màn, dọn dẹp bát đũa… nhưng về nhà, chúng lại được bố mẹ “đỡ việc” theo kiểu: “Con cứ lo học đi, còn chăn màn, bát đũa để đấy!”. Điều này làm giới trẻ ỷ lại.

Trong một xã hội mà các thang giá trị còn mờ nhạt thì định hướng giá trị rất quan trọng. Bây giờ có vẻ không ít người trọng tiền bạc hơn, họ quan niệm một người trẻ thành công là người có rất nhiều tiền…

Cái này phản ánh khủng hoảng của cả xã hội. Khi một xã hội vô tình hay hữu ý đặt giá trị của đồng tiền lên trên mọi giá trị khác thì rất khó để định hướng quan niệm về giá trị sống cho các bạn trẻ trong trường. Ở trường, các thầy cô có thể dạy về các giá trị đẹp đẽ cần hướng tới nhưng ra đường lại thấy anh hành xử kiểu khác và có vẻ những người này “được tôn trọng” hơn những người ít tiền. Vào một cửa hàng, một người có ít tiền sẽ tần ngần mặc cả một món đồ nhỏ nhoi, rất mất thời gian, trong khi những “thiếu gia” vung tay lấy cả một nắm đồ, không thèm mặc cả, móc ra cả cục tiền để trả… Rồi một số người nổi tiếng cũng có biểu hiện chạy theo đồng tiền, hàng hiệu, có cô còn ngang nhiên đưa ra “tuyên ngôn”: “Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à!”. Có thể vì vậy mà không ít bạn trẻ nhìn vào đó và hình dung rằng, giá trị trong xã hội được “đo” bằng tiền bạc. Mặc dù các thầy cô có thể nói nhiều về các giá trị đạo đức, văn hóa nhưng khi thời gian tiếp xúc với thầy cô của các bạn ít hơn so với thời gian các bạn tiếp xúc với xã hội, rất khó để thầy cô định hướng giá trị.

Không có giáo dục, “cạp” gì?

Khi các giá trị nhiễu loạn, giáo dục có vai trò như thế nào, thưa ông?

Trong ngắn hạn, giáo dục giữ vai trò là đối trọng để cân bằng lại những lệch lạc do khủng hoảng trong xã hội tạo ra. Về dài hạn, giáo dục có thể làm công tác định hướng dài hơi cho học sinh khi còn ở học bậc học rất thấp, dần dần cung cấp cho các em công cụ tư duy để giải quyết những vấn đề mà từng em gặp phải trong hoàn cảnh của mình. Tuy nhiên, cần phải có sự góp sức của cả xã hội, chứ chỉ trông cậy vào nhà trường thì không thể làm được. Như đã nói, giờ các em tiếp xúc với xã hội nhiều hơn so với tiếp xúc với thầy cô, nên ấn tượng với những giá trị được xã hội tôn trọng mạnh hơn so với những giá trị do thầy cô cố gắng mang lại. Một cô người mẫu nói rằng: “Không có tiền thì cạp đất mà ăn” thì hiệu ứng lan truyền, thầy cô nói giỏi lắm được 50 – 60 bạn trẻ nghe, thầy cô dạy 5 lớp thì cũng được vài trăm bạn trẻ nghe nhưng một cô người mẫu chân dài luôn có cả hàng triệu người thấy. Rất có thể, các em sẽ có so sánh rất đơn giản: Thầy cô mình nói như vậy nhưng có bao giờ được lên báo lên đài, đâu có mấy người được nổi tiếng, trong khi cô chân dài kia bao nhiêu người bám theo. Trong tiềm thức, con người sẽ có sự ước lượng giá trị, có thể họ sẽ thấy tầm ảnh hưởng của thầy cô thấp hơn nhiều so với ảnh hưởng của các tác động từ xã hội và dễ lái người ta theo hướng giá trị mà xã hội mang lại. Lên lớp, các thầy cô bảo cố mà học để làm giàu tri thức nhưng ra ngoài kia sẽ có những cái khác trong xã hội ngầm mách bảo các em cố mà kiếm tiền, không kiếm được tiền thì không tồn tại được. Đến giờ Đạo đức, cô bảo phải thương yêu người già, người tàn tật nhưng ra ngoài đường, thấy mấy tay cưỡi siêu xe đâm bụp vào bà già nhưng chỉ móc cục tiền vứt lại… Những hiện tượng này có tác dụng hoàn toàn ngược lại với bài học ở giảng đường, các em sẽ thấy cứ có tiền thì làm gì cũng được.

“Không có tiền thì cạp đất mà ăn”, vậy không được giáo dục thì… “cạp” gì, thưa ông?

Xét về phát biểu thì cô người mẫu ấy có thể thành một triết gia được! (Cười). Trong tiếng Việt, khi đã phải “cạp đất” là rơi vào một trạng thái khốn nạn vô cùng… Bây giờ, rất khó để tìm ra ý tương đồng với cách ví von của cô ấy là “không có tiền thì cạp đất mà ăn”, khi nói về thiếu giáo dục. Thuyết phục các em rằng, học để nâng trí tuệ, kiến thức của mình lên, để tạo giá trị gia tăng cao hơn là chuyện không phải dễ. Vì cả nền kinh tế của ta trong 30 năm Đổi mới vẫn là khai thác triệt để những tài nguyên sẵn có nên giá trị gia tăng chưa nhiều. Ví dụ như báo chí đang nói về chuyện lúa gạo được mùa nhưng giá tụt. Bên cạnh đó, người ta công bố số liệu những thất thoát sau khi thu hoạch của lúa gạo là 15%. Bây giờ làm sao thuyết phục được nông dân và các em là 15% ấy rất quý, hãy tìm cách giảm được từ 15% xuống còn 5%, thì một năm chúng ta có được thêm rất nhiều tấn lúa gạo. Đấy là giá trị gia tăng từ việc học. Hoặc như ta mạnh về xuất khẩu hạt điều, hạt tiêu nhưng làm sao tạo được cho các em cách suy nghĩ: Không nên chỉ phơi sấy mấy hạt đó đem bán mà phải mất thêm chút công sức nữa nhưng bán được gấp đôi, gấp năm… Qua những câu chuyện đó, chỉ rõ cho các bạn trẻ, vai trò của giáo dục quan trọng đến thế nào, hướng các bạn đến những trăn trở với cộng đồng, đến những giá trị khác không chỉ là tiền…

Như vậy, bản thân giáo dục cũng phải trở mình?

Chắc chắn giáo dục phải thay đổi! Thực ra, giáo dục cũng đã chuẩn bị cho các bước thay đổi đó, bằng chứng là các chiến lược phát triển giáo dục vừa được Thủ tướng ký ban hành và hiện tại là chuẩn bị cho Hội nghị T.Ư 6, họp cuối năm về đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện và thực chất. Việc này là chuẩn bị cho sự thay đổi đáng kể mà nhiều người sẽ cho đó là cải cách trong giáo dục. Tuy nhiên, cải cách, thay đổi hay đổi mới sẽ có hiệu quả nếu như thuyết phục được xã hội thấy được thay đổi đó là cần thiết, chứ còn ông thầy bảo đổi mà xã hội không đổi, thì điều đó không có ý nghĩa gì.

Thực ra, chúng ta đã chuẩn bị cho các bạn trẻ kỹ năng sinh tồn với sự biến đổi của xã hội nhưng nếu chỉ có mỗi các thầy cô làm thì rất khó. Ngành giáo dục đã làm và cố để làm nhưng cần nhận được sự đồng thuận của cả xã hội. Tất nhiên, phương cách giáo dục cũng cần phải nhìn nhận lại. Chúng ta không nên đơn thuần chỉ mang lại cho sinh viên những kỹ năng sống mà cần dạy cho các em cách tự mình nhìn nhận ra những biểu hiện của xã hội, để các em tự quyết định lựa chọn những cách ứng xử thích hợp.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-619835/trong-khung-hoang-nguoi-tre-hoc-gi.htm

Xét tuyển ĐH, CĐ 2012: Thí sinh mừng, trường lo!

Posted: 17 Jul 2012 01:49 AM PDT

Kéo dài thời gian xét tuyển: Các trường “tốp trên” không ảnh hưởng

Theo quy định của Bộ GD-ĐT kỳ thi tuyển sinh năm nay, thí sinh dự thi ÐH, CÐ theo đề thi chung của Bộ, nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi (hoặc trường không tổ chức thi, chỉ xét tuyển), nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0), được trường tổ chức thi cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi ÐH, CÐ có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường.

Thí sinh sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi hoặc bản sao có công chứng (theo quy định của từng trường) để tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển của trường.

Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Lê Hữu Lập cho biết: “Quy định mới này có lợi nhiều hơn cho thí sinh, nhất là những thí sinh đạt điểm sàn hoặc cao hơn điểm sàn một chút. Mặt khác, nếu thí sinh được lợi, trường “tốp dưới” cũng được lợi trong khi trường ”tốp trên” hầu như không ảnh hưởng. Bởi vì, đối với những trường “tốp trên” chỉ tuyển nguyện vọng đầu đã đủ chỉ tiêu thì không cần tuyển tiếp. Còn những trường “tốp dưới” những năm trước, do giới hạn thời gian và số lần tuyển, hết đợt sẽ không tuyển được nữa, trong khi thực tế số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên vẫn còn. Cũng có thể có thí sinh điểm tương đối cao nhưng gửi đăng ký vào ngành, trường nào đó mà tuyển cao quá thì coi như mất cơ hội, nhưng nay có thể chuyển trường để có cơ hội trúng tuyển. Vì vậy, việc thay đổi quy chế năm nay để các trường xét tuyển nhiều lần, vừa tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh và tăng cơ hội cho những trường khó tuyển”.

Thí sinh cụm thi Quy Nhơn đến sớm xem phòng thi. (Ảnh: Doãn Công)

“Tốp dưới” lo lắng!

Nhưng ngược lại với quan điểm trên, điều lo lắng nhất với các trường “tốp dưới” hiện nay bởi họ cho rằng quy định mới này sẽ dẫn đến tình trạng trúng tuyển ảo nhiều hơn những năm trước đây vì khó xác định thí sinh trúng tuyển có nhập học hay không. Thí sinh có thể nộp cả chục bộ hồ sơ xét tuyển vào các trường, nhưng chỉ theo học được một trường. Vì vậy, các trường phải tốn nhiều thời gian, công sức cho công tác xét tuyển.

Trao đổi với Dân trí, GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng bày tỏ: "Đến giờ phút này tôi vẫn lo bởi một trường ĐH tồn tại phải có sinh viên, năm nào tuyển được đủ chỉ tiêu thì mới phát triển được. Nếu không đủ chỉ tiêu sẽ mất ổn định, nhiều ngành sẽ không có thí sinh và phải đóng cửa".

"Nếu bộ vẫn cương quyết để thời gian xét tuyển kéo dài như vậy thì các trường ngoài công lập sẽ lao đao gặp nhiều rắc rối bởi giấy chứng nhận kết quả xét tuyển dấu đỏ và photo có giá trị như nhau sẽ tạo ra thí sinh "ảo" lớn cho các trường. Ngay cả các trường nhận bản kết quả thi dấu đỏ của thí sinh cũng sẽ có "ảo" vì thí sinh được quyền lựa chọn. Như vậy đến khi nào chúng tôi mới khai giảng được vì khi nhận các em vào rồi nhưng đến khai giảng các em không đến và chọn trường khác học bởi bản chứng nhận kết quả thi dấu đỏ và photo đều không có sự ràng buộc nào với các trường".

Đồng quan điểm, GS Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình cho biết: "Hiện nay tôi cũng lo lắm, chưa biết tình hình xét tuyển thế nào. Nếu xét tuyển liên tục kéo dài như vậy, trường khó xây dựng được điểm chuẩn. Nếu gọi chậm thì thí sinh bỏ đi trường khác. Bộ ra nguyên tắc gọi đến hết chỉ tiêu nhưng Bộ chưa có hướng dẫn xây dựng điểm chuẩn về việc xét tuyển kéo dài này vì các trường ĐH ngoài công lập phải chờ các trường đại học tốp trên xét tuyển xong hết mới đến lượt mình".

Về điểm sàn năm nay, GS Vận cho rằng: “Nếu Bộ lấy điểm sàn như các năm trước thì các trường dân lập chúng tôi không có học sinh vào trường. Nếu Bộ không thay đổi mức điểm sàn thì nên tính dư 20% thí sinh ở mức điểm sàn thì các trường tốp dưới mới hy vọng có thí sinh”. Được biết, trường ĐH Hòa Bình năm nay tuyển sinh theo hình thức xét tuyển, trường có gần 100 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: "Thực tế NV1 các thí sinh đã trúng tuyển khoảng 70%, cho nên việc dịch chuyển từ nguyện vọng này sang nguyện vọng kia chỉ xảy ra khoảng 30% còn lại không có nhiều. Việc thực hiện những thay đổi trong kỳ thi, tuyển sinh năm nay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học và các cơ sở đào tạo. Mặt khác, những thay đổi này cũng giúp nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai cho tất cả mọi người. Ðây chính là tiền đề cho việc thực hiện lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh của Bộ.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-619723/xet-tuyen-dh-cd-2012-thi-sinh-mung-truong-lo.htm

Trò 5 năm kiện thầy vì một bài báo

Posted: 16 Jul 2012 07:54 PM PDT

Một bài báo vỏn vẹn 2 trang khổ nhỏ không được đưa in đã khiến cho các "nhà báo" học trò và tờ Spectrum của Trường Trung học Hazelwood ở Mỹ trở nên nổi tiếng ngoài ý muốn bởi một vụ kiện cáo ồn ào.

Cuộc tranh tụng kéo dài 5 năm xuất phát từ một quyết định của Hiệu trưởng Robert E. Reynolds. Tờ báo Spectrumkhông phải là kẻ thù của ông. Nó sống bằng bằng ngân sách của nhà trường, là nỗ lực của trường nhằm dạy cho các em những bước đi đầu tiên của nghề báo. Hiệu trưởng Reynolds  là người nhiệt tình cổ vũ các phóng viên học trò và ông kiêm công việc duyệt bài.

Một ngày tháng 5/1983, khi đọc lại những bài viết cho số sắp in của Spectrum, ông hiệu trưởng phát hiện 2 bài báo mà ông đắn đo về nội dung.

Trong bài viết thứ nhất, có 3 nữ sinh trong trường kể lại chuyện họ từng mang thai. Họ nhìn lại cuộc sống phóng túng của mình và hối tiếc đã không sử dụng các biện pháp tránh thai. Bài viết thứ hai nói về ảnh hưởng của ly dị đối với học sinh. Một cậu học trò kể rằng cha mẹ cậu ly dị do người cha đã không dành thời gian cho gia đình, lúc nào cũng xa nhà vì chuyện làm ăn, đánh bài với bạn, cãi cọ với mẹ cậu về mọi chuyện.

Thầy Reynolds cho rằng dù tên của các nữ sinh và bạn trai của họ đã được thay đổi nhưng các học sinh trong trường vẫn có thể nhận dễ dàng suy đoán ra họ là ai.  Đối với bài viết về người cha ly dị, Hiệu trưởng Reynold cho rằng cần phải cho người cha cơ hội giãi bày, bài viết mới chỉ nêu ý kiến từ một phía.

Cho rằng bài viết không thích hợp với lứa tuổi học trò, vả lại không còn thời gian để yêu cầu các tác giả sửa lại nên ông gạch bỏ nó. Bất bình vì công trình của mình bị vứt xó, 3 cô học trò là Cathy Kuhlmeier, Leslie Smart và Lean Tippett đã phản đối và sau đó khởi kiện.

Tại phiên sơ thẩm năm 1985, luật sư Leslie D. Edwards thay mặt cho 3 cô học trò cho rằng thầy Reynolds đã vi phạm Hiến pháp Mỹ khi kiểm duyệt tờ Spectrum, ngăn trở chức năng "diễn đàn công cộng" của tờ báo. Luật sư viện dẫn Tu chính án số 1 của Hiến pháp Mỹ và án lệ để chứng minh cho lập luận của mình.

Được luật sư Robert P. Bain. Jr. hướng dẫn, Hiệu trưởng Reynolds đưa ra lập luận rằng Tu chính án số 1  không áp dụng cho các học sinh và tờ báo của trường học không phải là một diễn đàn công cộng đúng nghĩa như những tờ báo khác,  các "nhà báo" học trò không phải là các nhà báo người lớn vì họ còn đi học. Tờ báo của trường chỉ là một phần của chương trình học, được thực hiện  dưới sự chỉ dẫn của các giáo viên trong giờ học, bài viết của các phóng viên học trò được giáo viên chấm điểm.

Hiệu trưởng Reynold không cho đăng những bài phóng sự về các học sinh gái có thai là nhằm bảo vệ chính các em. Theo luật sư, nhà trường phải bám theo chương trình học và đó là tôn chỉ quan trọng nhất trong hoạt động của một trường học. "Nếu vì một rắc rối ở tòa án mà phải thay đổi chương trình học thì đó sẽ là một tai họa cho giáo dục", vị luật sư nhấn mạnh.

Luật sư Leslie D. Edwards viện dẫn bản án của Tòa án Tối cao Mỹ năm 1969 xử thắng cho 3 học sinh trung học tuổi từ 13-16 ở Des Moines (bang Iowa) khi những học sinh này bị nhà trường đuổi học vì đeo băng đen trên cổ tay đến trường nhằm phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Phán quyết này ủng hộ quyền của học sinh biểu lộ thái độ, chính kiến của mình do Tu chính án số 1 cho phép họ. Nhà trường không có quyền kiểm soát những hành động bày tỏ thái độ của học sinh trừ phi họ xác định hợp lý rằng sự bày tỏ thái độ đó có thể gây ra những chia rẽ lớn.

Kết thúc phiên tòa sơ thẩm năm 1985, thẩm phán John F. Nangle cho rằng Hiệu trưởng trường đã làm đúng chức trách, hành xử thận trọng và tôn trọng chương trình học. Tuy nhiên, một năm sau,một ban thẩm phán gồm 3 người đã bác quyết định của tòa sơ thẩm.

Hai trong số các thẩm phán đã giơ tay biểu quyết đồng ý rằng tờ báo Spectrum của trường Hazelwood là "diễn đàn công cộng". Lúc đó, luật sư Leslie D. Edwards tuyên bố rằng Spectrum là một tờ báo "đúng nghĩa báo"  nhất  thế giới, rằng những mối quan ngại mà Hiệu trưởng Reynold đưa ra không thể biện minh cho việc "chính quyền, mà cụ thể là hiệu trưởng, có quyền can thiệp".

Thời gian trôi qua, vụ án được đầy lên Tòa án Tối cao Mỹ, những người liên quan từ lâu đã không còn là học trò. Năm 1988, 6 trong số 9 thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết ủng hộ bản án sơ thẩm. Nhắc lại những lý lẽ của phiên tòa này, các thẩm phán cho rằng Nhà trường dạy các em làm báo nên họ có quyền ngăn chặn các hành vi xúc phạm người khác, ngăn chặn ngôn từ thô tục và những nội dung không phù hợp với tuổi các em. Nhà trường chỉ vi phạm quyền tự do ngôn luận của các em khi việc kiểm duyệt không phục vụ mục đích giáo dục của trường.

Bác bỏ viện dẫn của luật sư Leslie D. Edwards tới bản án năm 1969y, thẩm phán Byron White nói rằng việc mang băng đen tới trường là hành động không nằm trong khuôn khổ chương trình học của trường, vì thế nhà trường không có quyền kiểm soát. Còn tờ Spectrum nằm trong chương trình dạy và học của trường nên việc Hiệu trưởng can thiệp kiểm soát các bài viết trên đó là hợp lý.

Khi vụ án được xét lại ở cấp cao nhất, Cathy Kuhlmeier và Leslie Smart đã là những sinh viên năm cuối còn Laenne Tippet đang là một hộ lý. "Tôi không ngờ rằng câu chuyện lại đi xa đến như thế trong lịch sử", Leslie Smart, người duy nhất trong nhóm quyết chí theo đuổi sự nghiệp báo chí mà ba người từng mơ ước.

Theo Quang Huy (Pháp luật Việt Nam)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/80683/tro-5-nam-kien-thay-vi-mot-bai-bao.html

Sách giáo khoa cũ hút khách

Posted: 16 Jul 2012 07:53 PM PDT

Sách giáo khoa cũ hút kháchCác cửa hàng sách trên địa bàn thành phố Vinh chuẩn bị một lượng lớn sách cũ để phục vụ nhu cầu của phụ huynh, học sinh trước thềm năm học mới.

Từ đầu tháng 7, thị trường sách giáo khoa (SGK) tại TP Vinh (Nghệ An) bắt đầu nhộn nhịp. Trong khi các cửa hàng bán sách mới khá thưa thớt người mua thì tại các cửa hàng sách cũ trên đường Nguyễn Văn Cừ luôn nượp nượp người vào ra.

Anh Nguyễn Văn Niên (huyện Nghi Lộc) dẫn theo đứa con trai năm nay lên lớp 6 lý giải: "Vở viết và đồ dùng học tập thì mua ở các cửa hàng sách. Năm nay giá vở viết đắt hơn năm ngoái, trung bình mỗi cuốn vở kẻ ngang từ 72-120 tùy theo từng công ty mà có giá từ 5.500 đến 11.000 đồng nên riêng tiền vở viết cũng ngốn một khoản kha khá rồi nên hai bố con ra của hàng sách cũ mua SGK. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó".

Sau một hồi lựa chọn, hai bố con quyết định lấy trọn bộ SGK lớp 6 với giá 60.000 đồng. "Sách còn khá mới, các góc vẫn còn phẳng, chắc chủ nhân của nó cũng giữ tốt mà giá chưa bằng một nửa giá sách mới. Cái quan trọng là các cháu học được cái gì chứ không phải là sách mới hay cũ", anh Niên cho biết thêm.

Chị Trinh – phường Trường Thi cũng tìm đến cửa hàng sách cũ để tìm mua sách cho cậu con trai năm nay lên lớp 9. "SGK hay sách tham khảo, nâng cao tôi đều mua sách cũ cho cháu học, miễn là sách đừng quá nát là được. Cũ mới không quan trọng nhưng phải là sách của Bộ Giáo dục phát hành mới yên tâm. Lần trước mua phải sách ngoài, nhiều chỗ đáp án không đúng", chị Trinh cho biết.

Hầu hết các bộ sách cũ đều còn khá mới.

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các cửa hàng sách cũ trên đường Nguyễn Văn Cừ đều chuẩn bị một số lượng SGK cũ khá lớn bởi theo các chủ cửa hàng, từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 là thời điểm thị trường sách cũ sôi động. Một bộ SGK cũ lớp 6 có giá 60.000 đồng, cứ mỗi lớp sẽ tăng thêm 10.000 đồng, tính ra chỉ bằng phân nửa giá bìa sách mới. Trong khi đó, một bộ SGK cũ của lớp 10 có giá 110.000 đồng, lớp 11 là 130.000 đồng và SGK lớp 12 có giá 160.000 đồng.

Số sách cũ này được các cửa hàng mua lại từ các em học sinh ngay từ khi năm học cũ kết thúc với giá bằng 25-30% giá bìa hoặc lấy từ Hà Nội, Hải Phòng về bán. Hầu hết sách còn tương đối mới, mỗi bộ sách được chọn lựa và đóng riêng thành từng chồng, khách chỉ việc chọn lựa rồi trả tiền. Điều đặc biệt là ở các cửa hàng sách cũ này chỉ bán nguyên bộ, không bán lẻ từng quyển.

Với giá chỉ bằng phân nửa giá bìa sách mới nên sách cũ khá hút khách.

Ông Dân – chủ cửa hàng sách cũ Giang Dân (đường Nguyễn Văn Cừ, TP Vinh) cho biết: "Tính ra thì sách cũ tiết kiệm được phân nửa so với giá sách mới. Nửa tháng lại đây mỗi ngày chúng tôi bán được mấy chục bộ. Giờ người dân họ cũng tính toán kỹ lắm, không quan trọng phải là sách mới như trước đây nữa. Mấy năm trước hầu như chỉ có người dân nông thôn mua sách cũ, còn giờ thì người thành phố cũng chuộng sách cũ hơn sách mới. Chỉ gia đình nào có điều kiện mới mua sách mới cho con học thôi. Nếu đưa cả bộ sách cũ ra đổi thì khách sẽ chỉ phải bỏ thêm từ 15-20% giá bìa nữa".

Theo ông Dân thì ngoài lượng khách hàng khá đông tới mua trực tiếp, cửa hàng của ông còn gom sách cũ cho các cửa hàng ở các huyện. "Mỗi lần họ lấy cả ô tô chứ không ít mô", ông Dân cho biết thêm

Hoàng Lam

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-619586/sach-giao-khoa-cu-hut-khach.htm

Đề thi CĐ luận bàn sự cao quý của nghề nghiệp

Posted: 16 Jul 2012 07:53 PM PDT

- 10h15 sáng 15/7, thí sinh kết thúc bài thi môn Văn khối C, D đợt thi cao đẳng 2012. Đề thi môn Văn được nhiều thí sinh đánh giá là dễ và hi vọng ở điểm 7 đến 8. Câu nghị luận xã hội hỏi về sự lựa chọn nghề nghiệp khá gần với thực tế.

Tại
điểm thi Học viện Kỹ thuật Quân sự của Trường CĐ Sư phạm Hà Nội, nhiều
thí sinh phấn khởi khi bước ra khỏi phòng thi sáng nay.

 

Dũng cho hay mình mất khoảng 10 phút suy nghĩ và lập dàn ý cho câu hỏi này. "Trong bài em đưa ra những ví dụ cụ thể về lựa chọn của bản thân như chọn thi Việt Nam học vì thích ngành du lịch, cơ hội việc làm sau này lớn. Và hơn thế, đam mê được đi đây đó khám phá đã dẫn em tới lựa chọn này.

Trong bài em cũng lấy chuyện của những ca sĩ như Mỹ Linh, Hồng Nhung thành công bởi lựa chọn ngành nghề và có hướng đi đúng đắn. Bên cạnh đó cũng không ít ca sĩ em giấu tên là những người nổi tiếng bằng tạo scandal".

Với Thùy Linh, học sinh lớp 12 Trường THPT Vân Nội (Hà Nội): "Em lựa chọn sư phạm Ngữ văn vì ra trường cơ hội việc làm nhiều. Em có đăng ký thi đại học nhưng đó không phải là con đường duy nhất để thành công. Trong bài em cũng có lấy ví dụ về những người quét rác. Với em mọi ngành nghề đều cao quý, miễn sao đồng tiền mình kiếm được là đồng tiền lương thiện, là mồ hôi nước mắt của mình".

"Bây giờ mọi người chạy theo các ngành kinh tế vì dễ kiếm tiền. Ngành sư phạm bị bỏ rơi. Em lại nghĩ khác" – Lê Thị Hồng Hạnh, học sinh Trường THPT Bất Bạt, huyện Ba Vì, Hà Nội tâm sự. Cô bạn lý giải: "Chọn ngành sư phạm Địa lý em sẽ có cơ hội xin dạy ở quê nhiều hơn. Ở trường em đang thiếu nhiều giáo viên môn này".

Hầu hết thí sinh khi được hỏi đều tự tin mình được từ 7 điểm đến 8 điểm môn thi Văn cao đẳng.

7 thí sinh bị đình chỉ

Báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT cho biết: Trong buổi thi đầu tiên đợt thi cao đẳng năm 2012 có 298.924 thí sinh đến dự thi, đạt 73,34%.

Trong buổi thi sáng 09/7/2012, thí sinh khối A,  A1 thi môn Vật lí theo hình thức trắc nghiệm (90 phút), khối C, D thi môn Ngữ văn theo hình thức tự luận (180 phút).

Đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; không có sai sót. Trong buổi thi, có 09 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách 01, đình chỉ thi 07 và không được dự thi do đến muộn 01); không có cán bộ bị xử lý kỷ luật.

 


 

Văn Chung


Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/80639/de-thi-cd-luan-ban-su-cao-quy-cua-nghe-nghiep.html

Comments