Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Gần 600.000 thí sinh làm thủ tục thi ĐH đợt 2

Posted: 08 Jul 2012 03:37 AM PDT

Sáng nay, 8/7, hơn 576.000 thí sinh dự thi các khối B, C, D và năng khiếu đã tới 121 trường đại học để làm thủ tục dự thi. Có hơn 23.000 phòng thi được bố trí tại 956 điểm thi trên toàn quốc. Gần 77.000 cán bộ tham gia tổ chức thi và 17.000 sinh viên tình nguyện được huy động.
So với lượng hồ sơ đăng ký (765.630 bộ), lượng thí sinh thực thi đợt 2 này chiếm 75,3%.

Ban chỉ đạo tuyển sinh (Bộ GD-ĐT) cho biết, nhiều trường đã chủ động bố trí chỗ ở và suất ăn miễn phí cho thí sinh ở xa đến dự thi (gần 42.000 chỗ). Các trường đã chủ động xử lý, kịp thời điều chỉnh các sai sót trong Giấy báo dự thi của thí sinh. Thời tiết nhìn chung thuận lợi; khí hậu tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ, TP.HCM khá mát mẻ, thuận lợi cho việc đến làm thủ tục dự thi của thí sinh. Diễn ra trong ngày chủ nhật, không có hiện tượng ùn tắc giao thông.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đợt thi thứ 2 gồm nhiều môn thi, trong đó nhiều môn tự luận có thể quay cóp, thí sinh gây mất trật tự nên Bộ đã chỉ đạo các hội đồng thi tăng cường tập huấn giám thị về việc giám sát chặt các vật dụng, thiết bị thí sinh mang vào phòng thi.

Trong đợt thi này, lượng hồ sơ đăng ký nhiều nhất ở khối B (289.321bộ), sau đó là khối D (219.522 bộ) và tiếp đến là khối C (84.455 bộ), các khối còn lại như M, N, T, H…

Hầu hết các trường đều đã hoàn tất việc làm thủ tục dự thi cho thí sinh trong buổi sáng.

Một số hình ảnh ghi nhận sáng 8/7:

Thí sinh được sinh viên tình nguyện chỉ đường tới phòng thi

Một phút thư giãn…

Nhận phòng thi

 

 

 

 

Giám thị đối chiếu ảnh thẻ để hạn chế tiêu cực

 

Giám thị đánh “điểm danh” chỗ ngồi cho từng thí sinh

 

Lịch thi đại học đợt 2 như sau:

Ngày

Buổi

Môn thi

Khối B

Khối C

Khối D

Ngày 9/7/2012
Sáng

Sinh

Ngữ văn

Ngữ văn

Chiều

Toán

Sử

Toán

Ngày 10/7/2012
Sáng

Hoá

Địa

Ngoại ngữ

Chiều

Dự trữ

  • Văn Chung

    Ảnh: Lê Anh Dũng

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/79624/gan-600-000-thi-sinh-lam-thu-tuc-thi-dh-dot-2.html

Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10 THPT

Posted: 08 Jul 2012 03:36 AM PDT

 (GDTĐ) – Sở GDĐT Hà Nội vừa công bố kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập đại trà và các lớp 10 chuyên, sớm hơn so với kế hoạch. Phụ huynh, HS có thể truy cập vào địa chỉ http://hanoiedu.vn/diemthi/ để tra cứu điểm. Kết quả thi cũng sẽ được niêm yết tại các trường THPT từ 10/7.

Trong hai ngày 11 và 12/7, học sinh nhận giấy báo kết quả tuyển sinh vào lớp 10 và hồ sơ dự tuyển tại trường; thí sinh tự do nhận tại các phòng GDĐT.

Sở cũng thông báo thời gian nhận đơn phúc khảo từ ngày 10 đến 12/7. Học sinh có nguyện vọng phúc khảo nộp đơn tại trường; thí sinh tự do nộp đơn tại các phòng GDĐT. Kết quả phúc khảo dự kiến được công bố vào ngày 24/7/2012.

Điểm chuẩn vào trường chuyên và THPT sẽ được Sở GDĐT Hà Nội công bố vào ngày 18-20/7. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển theo nguyện vọng 2. Để được xét nguyện vọng 2, điểm của thí sinh phải cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1,5 điểm.

Được biết, năm học này, Hà Nội có 75.000 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập đại trà và hơn 7.000 thí sinh dự thi vào các lớp 10 chuyên.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201207/Ha-Noi-cong-bo-diem-thi-vao-lop-10-THPT-1962264/

Đáp án môn Toán của Bộ GD-ĐT hoàn toàn chính xác

Posted: 07 Jul 2012 04:15 PM PDT

Trên cơ sở giải trình của Ban đề thi, ngày 7/7, Bộ GD-ĐT có ý kiến như sau:

Đáp số về đường thẳng trong bài toán là duy nhất, thí sinh có thể viết phương trình đường thẳng này theo nhiều cách khác nhau (chứ không phải chỉ có 3 cách như phản ánh của các báo). Cán bộ chấm thi có đầy đủ khả năng để kiểm tra cách viết của thí sinh là đúng hay sai.

Hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT cũng đã nêu rõ: "Nếu có câu, ý nào mà thí sinh có cách giải khác so với đáp án nhưng vẫn đúng thì cho điểm tối đa của câu, ý đó theo thang điểm". Do đó, dù thí sinh làm theo cách nào thì vẫn được điểm tối đa cho phần làm đúng.

Kết luận: Căn cứ vào các giải trình ở trên, Bộ GD-ĐT khẳng định đáp án, thang điểm đã công bố là hoàn toàn chính xác và không phải điều chỉnh.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-615758/dap-an-mon-toan-cua-bo-gddt-hoan-toan-chinh-xac.htm

Thí sinh khẩn trương tập trung chuẩn bị cho đợt 2

Posted: 07 Jul 2012 04:15 PM PDT

(GDTĐ) – Ngày 7/7, nhiều thí sinh từ các tỉnh, thành đổ về các cụm thi chuẩn bi cho đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2012. 

Cụm thi TP. HCM

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các bến xe, bến tàu khách địa bàn TP. HCM nhiều hãng xe hoạt động hết công suất để đưa sĩ tử về cụm thi.

Theo đó các hãng xe khách chất lượng cao cũng cam kết giảm giá vé và hỗ trợ cho thí sinh. Như hãng xe Phương Trang sẽ tổ chức xe đón thí sinh ở tỉnh về TP. HCM dự thi. Hãng xe còn hỗ trợ chỗ trọ, suất ăn cho thí sinh trong suốt thời gian ở tại TP. HCM dự thi và tổ chức xe đưa thí sinh về quê sau khi thi xong. Đồng thời, hãng xe Phương Trang sẽ giảm giá 20% cho các thí sinh tại một số tuyến cố định.

Lực lượng SV tình nguyện tiếp sức thí sinh và phụ huynh
Lực lượng SV tình nguyện tiếp sức thí sinh và phụ huynh

 

Cùng với đợt 1 kỳ thi, Trung tâm hỗ trợ HS, SV TP. HCM cùng Tập đoàn văn phòng phẩm Thiên Long đã vận động, tài trợ vật phẩm cho chương trình là 60.000 suất cơm, nước uống và 2.000 thùng mì Vifon; 40.000 chỗ trọ, trong đó có hơn 8.500 chỗ miễn phí; 60.000 vé xe buýt miễn phí, 380.000 bản đồ xe buýt và bản đồ thành phố; 250.000 Cẩm nang TSMT và nhiều vật phẩm khác phục vụ cho chương trình…

Theo thống kê, đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ tại cụm thi TP. HCM có 38 trường ĐH tổ chức thi, 186 điểm thi với số lượng thí sinh đăng ký dự thi là 213.419 thí sinh. Trong đó các trường có số lượng thí sinh dự thi khá đông như ĐH Nông Lâm với 26.640 thí sinh; ĐH Sài Gòn 19.808 thí sinh; ĐH Sư phạm TP. HCM 11.060 thí sinh; ĐH Y Dược TP. HCM 20.100 thí sinh; ĐH Công nghiệp thực phẩm 11.468 thí sinh,…

Trưa 7/7, tại các cửa ngõ Sài Gòn xảy ra ùn tắc cục bộ
Trưa 7/7, tại các cửa ngõ Sài Gòn xảy ra ùn tắc cục bộ

Đến nay các địa điểm thi đã sẵn sàng đón thí sinh, đợt 2 số lượng thí sinh dự thi ít hơn đợt 1 nên áp lực về phòng thi, điểm thi cũng nhẹ nhàn hơn đợt 1. Bên cạnh đó lực lượng SV tình nguyện chương trình Tiếp sức mùa thi cũng túc trực tại các bến xe, bến tàu, điểm thi nên công tác tư vấn, hỗ trợ thí sinh và phụ huynh có nhiều thuận lợi. Tình trạng cò nhà trọ, cò xe ôm không như những năm trước đây, nhờ SV tình nguyện nên các thí sinh và người nhà nhanh chóng có chỗ ở ổn định.

Đến chiều ngày 7/7, thời tiết cụm thi TP. HCM tiếp tục ủng hộ thí sinh, trời khá mát mẻ, nắng không gắt và ít có mưa nên sẽ thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh đến điểm thi.

Ngày mai 8/7, hơn 213 ngàn thí sinh cụm thi TP. HCM sẽ bước vào ngày làm thủ tục dự thi.

Tại Quy Nhơn: Ngay sau khi kết thúc đợt thi tuyển sinh đợt, trong 2 ngày 6 và 7-7, ga Diêu Trì, ga Quy Nhơn và bến xe khách Trung tâm TP. Quy Nhơn đã rộn ràng trở lại khi cùng lúc có hàng chục ngàn lượt thí sinh và người nhà thí sinh đã đổ về TP. Quy Nhơn và huyện Tuy Phước để tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học đợt 2.

 

Thanh  niên tình nguyện hướng dẫn thí sinh tới điểm thi
Thanh niên tình nguyện hướng dẫn thí sinh tới điểm thi

 

 

Chị Đào Thị Kim Định, Trưởng ban Trường học – Tỉnh đoàn Bình Định cho biết: Trong những ngày diễn ra đợt thi tuyển sinh đầu tiên, 800 thanh niên tình nguyện ở 50 điểm Tiếp sức mùa thi ở TP. Quy NHơn, Thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước đã đón tiếp, tư vấn, hướng dẫn nơi ăn ở, địa điểm dự thi cho khoảng 35.000 lượt thí sinh và người nhà thí sinh về dự thi tại cụm thi liên trường Quy Nhơn. Các cấp bộ Đoàn, các đội thanh niên tình nguyện đã tích cực triển khai việc khảo sát, vận động và lập danh sách các địa chỉ của hơn 22.000 chỗ trọ. Trong đó có 14.000 chỗ trọ giá rẻ; 2.000 chỗ trọ miễn phí dành cho thí sinh; vận động các nhà tài trợ in tặng miễn phí 50.000 bản sơ đồ chỉ dẫn đường đi, các địa điểm thi tại TP Quy Nhơn, huyện An Nhơn và huyện Tuy Phước; hỗ trợ 5.000 suất ăn miễn phí cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn…. Ngay sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh đợt 1, cùng với việc hỗ trợ cho hàng chục ngàn lượt thí sinh rời cụm thi Quy Nhơn, lực lượng thanh niên tình nguyện cũng đã nhanh chóng bắt tay ngay vào việc đón tiếp hàng chục ngàn lượt thí sinh và người nhà thí sinh về TP. Quy Nhơn và huyện Tuy Phước tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học đợt 2. Do có nhiều thí sinh đã dự thi đợt 1, ở lại dự thì tiếp đợt 2 tại cụm thi liên trường Quy Nhơn nên số thí sinh và người nhà thí sinh được các đội thanh niên tình nguyện đón tiếp, tư vấn dự kiến chỉ bằng 80% đợt 1.

 

Thí sinh và người nhà ăn trưa tại chùa Hiển Nam
Thí sinh và người nhà ăn trưa tại chùa Hiển Nam

Trưa 7-7, tại chùa Hiển Nam, TP. Quy Nhơn có hơn 270 thí sinh và người nhà thí sinh được đón tiếp đến ăn, ở miễn phí dự thi đợt 2. Đại đức Thích Quảng Châu, trụ trì chùa Hiển Nam cho biết, trong kỳ thi tuyển sinh đợt 1 nhà chùa cũng đã đón tiếp, bố trí nơi ăn, ở miễn phí cho 160 lượt thí sinh và người nhà thí sinh. Năm nay, nhờ tích lũy kinh nghiệm từ các năm trước nên việc tổ chức tiếp sức mùa thi ở nhà chùa được thực hiện bài bản, chu đáo hơn. Nhà chùa muốn giúp đỡ, chia sẻ bớt một phần khó khăn với các sĩ tử, giúp các em có nơi ăn, ở ổn định, yên tâm dự thi.

. Thí sinh Phan Thị Ngọc Thư ở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đang ở trọ tại chùa Hiển Nam, TP. Quy Nhơn cho biết: "Năm ngoái em được các anh chị thanh niên tình nguyện đưa đến đây ở trọ dự thi. Em thấy các sư thầy ở đây quan tâm chăm lo chu đáo nơi ăn, ở cho thí sinh và người nhà nên năm nay dự thi lần 2, em lại xuống đây xin ở trọ vì em thấy điều kiện ăn, ở, sinh hoạt ở đây rất thoải mái. Em rất yên tâm và tự tin trước lần thi thứ 2 này".

Cùng một suy nghĩ như vậy, ông Võ Thí ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đưa con vào dự thi tại TP. Quy Nhơn còn cho biết thêm: " Các thanh niên tình nguyện ở đây rất niềm nở, nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ thí sinh và người nhà. Cha con tôi xuống xe đã được các cháu thanh niên tình nguyện hướng dẫn đến nơi ăn, ở chu đáo. Người dân Quy Nhơn cũng rất mến khách, hỗ trợ, giúp đỡ thi sinh và các phụ huynh nhiệt tình. Tôi thấy mọi công việc chuẩn bị phục vụ cho kỳ thi được các cấp chính quyền ở đây chuẩn bị khá chu đáo nên tôi rất yên tâm khi đưa cháu đến đây dự thi".

Thông tin từ Hội đồng coi thi liên trường cụm thi TP. Quy Nhơn cho biết: Trong kỳ thi tuyển sinh đại học đợt 2, cụm Quy Nhơn có hơn 36.000 thí sinh đăng ký dự thi các khối: B, C, D, T, M. Hội đồng coi thi liên trường đã bố trí 41 địa điểm thi với 929 phòng thi tại các trường học trên địa bàn tại TP. Quy Nhơn và huyện Tuy Phước; huy động 2.769 lượt cán bộ, giáo viên, cán bộ công an, y tế tham gia làm nhiệm vụ phục vụ kỳ thi.

Quốc Ngữ – Xuân Nguyên

 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201207/Thi-sinh-khan-truong-tap-trung-chuan-bi-cho-dot-2-1962252/

Thầy giáo bị kiểm điểm vì “nói không tốt về địa phương”

Posted: 07 Jul 2012 04:15 PM PDT

Theo phản ánh của giáo viên trường THPT An Lạc Thôn, ngày 22/6/2012, Ban tổ chức Huyện ủy Kế Sách (Sóc Trăng) có công văn chỉ đạo: "Chi bộ Trường THPT An Lạc Thôn họp bất thường kiểm điểm thầy Nguyễn Ngọc Hải vì sao lại để Đài truyền hình VTV1 phản ánh các cấp lãnh đạo của tỉnh Sóc Trăng thiếu quan tâm, chăm lo kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong việc thầy trò đi nhận giải thưởng cuộc thi quốc gia Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước lần thứ 9 diễn ra ngày 11/6/2012 tại Hà Nội…".

Ngày 27/6, chi bộ Trường THPT An Lạc Thôn, đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng và lãnh đạo huyện Kế Sách đã có buổi làm việc với thầy Hải. Tại cuộc họp này, thầy Hải đã giải trình là "không có ý nói xấu lãnh đạo địa phương". Ông Lê Công Trứ – Hiệu trưởng nhà trường cho biết thầy Hải chỉ bị yêu cầu viết tường trình để làm rõ một số nội dung mà thầy Hải phản ánh trên truyền hình về chuyện không được địa phương quan tâm về kinh phí đi lãnh giải thưởng chứ chưa bị kiểm điểm.

Diễn biến sự việc được tóm tắt như sau: Năm 2012, tại cuộc thi quốc gia về Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước, học trò trường THPT An Lạc Thôn đoạt 1 giải Ba và 1 giải khuyến khích. Không có tiền ra Hà Nội nhận giải thưởng, thầy Hải đã mượn tiền đưa học trò đi nhận giải tại Hà Nội vào giữa tháng 6 vừa qua. Sự kiện này được VTV1 phản ánh nên huyện ủy Kế Sách chỉ đạo Chi bộ trường kiểm điểm thầy Nguyễn Ngọc Hải với lý do như nêu trên.

 

Nhóm thầy trò Sóc Trăng nhận 1 giải ba và 01 giải khuyến khích.
Thầy Nguyễn Ngọc Hải (đứng giữa) cùng nhóm HS Trường THPT An Lạc Thôn (Kế Sách, Sóc Trăng) tại lễ trao giải cuộc thi quốc gia “Cải thiện sử dụng và bảo vệ nguồn nước” lần thứ 9 diễn ra ở Hà Nội ngày 11/6/2012. (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Ông Trần Việt Hùng – Giám đốc Sở GD-ĐT Sóc Trăng, khẳng định không có chuyện tỉnh không quan tâm đến việc thầy Hải và nhóm học sinh Trường An Lạc Thôn đoạt các giải thưởng vừa qua. Còn ông Quách Việt Tùng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng thực tế tỉnh có quan tâm hỗ trợ thầy Hải và các học trò trong các năm qua. Năm 2011, tỉnh cũng tác động để Tập đoàn Viettel đã tài trợ trên 400 triệu đồng cho thầy trò thầy Hải đi Thụy Điển. Ngân sách tỉnh đã chi thêm 55 triệu đồng nữa để thầy Hải cùng các học trò đi Thụy Điển. Còn việc Ban tổ chức Huyện ủy Kế Sách yêu cầu chi bộ Trường THPT An Lạc Thôn kiểm điểm thầy Hải, ông Tùng cho hay mới biết việc này qua báo chí.

Liên quan đến việc kiểm điểm thầy Hải, ông Ngô Vũ Hùng – Bí thư Huyện ủy Kế Sách, cho biết sau khi báo đài phản ánh khó khăn của thầy trò thầy Hải thì huyện ủy có chỉ đạo Ban tổ chức huyện ủy xuống chi bộ Trường An Lạc Thôn nắm tình hình và trao đổi chứ không có kiểm điểm gì đối với thầy Hải cả. "Việc này do Thường vụ huyện ủy Kế Sách chỉ đạo chứ tỉnh không chỉ đạo" – ông Hùng thừa nhận như thế.

Được biết, thầy Nguyễn Ngọc Hải đã hướng dẫn các em học sinh của trường THPT An Lạc Thôn thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực bảo vệ nguồn nước và môi trường nước đạt giải cấp quốc gia. Trong 8 năm qua, với sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Ngọc Hải, học sinh Trường THPT An Lạc Thôn đã mang về cho tỉnh Sóc Trăng 19 giải thưởng quốc gia, trong đó có 2 giải Nhất được chọn đi dự thi ở Thụy Điển. Riêng thầy Nguyễn Ngọc Hải đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các tổ chức Quốc tế về môi trường, UBND tỉnh Sóc Trăng, Liên đoàn lao động tỉnh Sóc Trăng, UBND huyện Kế Sách… Đặc biệt, ngày 17/11/2010, thầy Nguyễn Ngọc Hải là giáo viên duy nhất của cả nước được vinh danh tại lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc về bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Hà Nội…

PV

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-615852/thay-giao-bi-kiem-diem-vi-noi-khong-tot-ve-dia-phuong.htm

Nhiều trường ĐH sẽ công bố điểm thi vào cuối tháng 7

Posted: 07 Jul 2012 04:14 PM PDT

Chiều ngày 6.7, tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: "Trường đã tiến hành làm phách bài thi ngay ngày 6.7, bắt đầu chấm thi vào ngày 7.7. Dự kiến khoảng sau 25.7 trường có thể công bố kết quả thi".

Dù còn tiếp tục tổ chức thi đợt 2, nhưng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng làm phách để chấm bài ngay sau đợt thi đầu tiên, dự kiến chấm xong vào ngày 25.7 và công bố vào ngày 27.7. Trong khi đó, ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Tài chính – Marketing đợi kết thúc đợt thi thứ 2 mới tiến hành làm phách và chấm bài đồng loạt vào ngày 12.7. ĐH Sài Gòn sẽ chấm thi vào ngày 14.7. Tuy nhiên, các trường này đều cho biết sẽ công bố kết quả thi vào cuối tháng 7.

Hà Ánh

 

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120707/Nhieu-truong-DH-se-cong-bo-diem-thi-vao-cuoi-thang-7.aspx

Liệu có tình trạng đầu tư dàn trải?

Posted: 07 Jul 2012 04:14 PM PDT

(GDTĐ) – Lần đầu tiên, tỉnh Quảng Nam thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông bằng phương thức xét tuyển và cơ hội được vào các trường công lập của học sinh chiếm tới 90%. Tuy nhiên, tâm điểm sự chú ý của dư luận lại đang hướng về một điểm mới khác: đó là năm học mới 2012-2013, Quảng Nam sẽ có thêm Trường THPT Chuyên Bắc Quảng Nam (bên cạnh Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm). Có khá nhiều ý kiến xung quanh sự kiện này.

Thí sinh tại trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm ra về sau buổi thi môn Toán sáng 4/7.
Thí sinh thi vào trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm ra về sau buổi thi môn Toán sáng 4/7/2012

Sự hoài nghi có cơ sở 

Theo ý kiến của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, việc thành lập Trường THPT Chuyên ở địa phận Bắc Quảng Nam là phù hợp với điều kiện cho phép, vì hiện tại, số lượng HS của Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm mới chiếm tỷ lệ hơn 1% ( tỷ lệ cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 2%).  Là nơi đào tạo nhân tài của cả tỉnh nhưng trong thực tế thì phần lớn HS theo học tại trường là con em của TP.Tam Kỳ và các huyện lân cận Thăng Bình, Phú Ninh và Núi Thành. Các huyện phía bắc của tỉnh như Duy Xuyên, Quế Sơn, Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An hầu như không có.

Xét ở phương diện bình thường, việc thêm một trường THPT Chuyên nữa sẽ mở ra cơ hội được vào một môi trường giáo dục chất lượng cao cho HS Quảng Nam. Tuy nhiên, cho tới thời điểm trước tuyển sinh, nhiều người vẫn còn bán tín, bán nghi…

Sự hoài nghi là hoàn toàn có cơ sở! Xin được nhìn nhận lại thực trạng tồn tại và hoạt động của ngôi trường chuyên đã có-Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bạn đọc hẳn chưa quên chỉ cách đây khoảng vài, ba năm, dư luận còn lên tiếng về sự "làng nhàng" của ngôi trường chuyên "không ra chuyên" này không chỉ ở sự tạm bợ về CSVC. Trường không thu hút được GV giỏi ở các trường khác về dạy và cũng chưa thu hút được một cách đông đảo những HS xuất sắc trên địa bàn tỉnh vào học. Khá đông HS của Quảng Nam hàng năm đã phải "khăn gói" ra tận Đà Nẵng nộp hồ sơ vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Lê Qúy Đôn. Đó là chưa kể một số gia đình có điều kiện đã cho con em vào tận TP Hồ Chí Minh để thi vào trường chuyên.

Nhận rõ những bất cập của Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm sau 10 năm hoạt động, UBND tỉnh Quảng Nam đã có ban hành những chính sách, giải pháp về đầu tư xây dựng CSVC, mua sắm trang thiết bị. Dự án đầu tư xây dựng Trường được triển khai năm 2010, với tổng kinh phí đầu tư lên tới 232,5 tỷ đồng.  Ngoài chế độ học bổng khuyến khích học tập theo Quyết định 44 (ngày 15.8.2007) của Bộ GD-ĐT, HS trường chuyên được hưởng thêm một số chế độ ưu đãi của tỉnh như trợ cấp khuyến khích tài năng hằng tháng, hỗ trợ sinh hoạt phí và bố trí chỗ ở nội trú, học phẩm và trang phục. Riêng HS đoạt giải tại các kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế sẽ được cấp học bổng, mức cao nhất có thể lên đến hơn 100 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đối tượng HS, chính sách thu hút, khen thưởng đối với CB, GV cũng được ưu đãi với mức khá cao. Chẳng hạn, SV tốt nghiệp đại học loại giỏi hoặc có bằng thạc sĩ có nguyện vọng về trường công tác lâu dài từ 5 năm trở lên được hỗ trợ tiền thu hút mỗi tháng bằng 1 lần mức lương tối thiểu và trong thời gian 12 tháng, GV giỏi hoặc có bằng thạc sĩ từ các trường THPT về trường được hỗ trợ tiền thu hút trong vòng 24 tháng và còn được hỗ trợ một phần tiền đất ở, được tạo điều kiện đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Đối với những GV có HS đoạt giải quốc gia, quốc tế, mức thưởng cao nhất có thể lên đến trên 40 triệu đồng…

Từ một trường chuyên gần như là con số không suốt thời gian dài, cho tới nay, Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được đẩy lên hàng" Bảng A" về chính sách đầu tư ưu đãi trong cả nước. Tuy nhiên, dẫu dư luận đã bớt cái nhìn khe khắt trong đánh giá như trước đây, thì vẫn chưa thể nhận ra ngôi trường đã có sự chuyển biến về chất. Không những thế, số HS đạt giải qua kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2012 giảm sút nhiều so với năm 2011 (giảm 7 giải). Đội ngũ GV còn quá hiếm những "cây đa, cây đề" trong làng giáo như nhiều trường chuyên khác trong cả nước…

Đâu là chướng ngại vật? 

Một cơ sở hạ tầng mới, khang trang, hiện đại với đầy đủ trang thiết bị; một cơ chế thông thoáng và rộng mở, đó là những yếu tố cần thiết để phát triển. Nhưng với một môi trường GD có tính chuyên biệt, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nguồn lực chất lượng cao và tài năng thì xem ra chưa đủ.

Qua thăm dò ý kiến cơ sở, có thể thấy sự phát triển loại hình trường chuyên ở Quảng Nam còn thiếu yếu tố quan trọng, được coi là cốt lõi, đó là năng lực của đội ngũ CBQL và GV. Có người cho rằng, trường chuyên ở Quảng Nam"có vỏ mà chưa có ruột".

Có thể thấy, những GV dạy giỏi (ở những trường chuyên thuộc hàng tên tuổi) thường có tố chất vượt trội so với GV bình thường. Họ có lửa say mê nghề nghiệp, có cả kinh nghiệm lẫn sức bật trong chuyên môn, từ đó, mới có thể "truyền lửa" cho những tài năng trẻ. Trong "Đề án phát triển trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm giai đoạn 2010-2020" của Quảng Nam, cũng đã đưa ra nhiều mục tiêu kèm theo giải pháp về phát triển CBQL, GV; nhưng xem ra còn hết sức chung chung, dàn trải, chưa có điểm nhấn làm bàn đạp để vượt qua chướng ngại vật.

Hãy bắt đầu từ khâu tuyển dụng CB, GV về trường Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm- Quảng Nam: Thiếu sự ổn định ngay ở đội ngũ CBQL; phần lớn là GV trẻ có bằng cấp nhưng ít kinh nghiệm, do phòng tổ chức cán bộ thuộc Sở tuyển dụng, điều động (không loại trừ một số trường hợp nể nang, thân thích), là thực trạng chung những năm qua.

Trở lại việc thành lập mới Trường THPT Chuyên Bắc Quảng Nam, Sở vừa đề ra các tiêu chuẩn tuyển dụng : GV dạy giỏi cấp trường 3 năm liên tục, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 3 năm liên tục, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, có kinh nghiệm giảng dạy từ 5 năm trở lên, học vị thạc sĩ trở lên hoặc có khả năng theo học thạc sĩ sau khi về trường, không quá 40 tuổi, ưu tiên ứng viên sử dụng tiếng Anh để giảng dạy… Xem qua, có thể thấy lãnh đạo Sở đã rất quan tâm tới vấn đề năng lực. Nhưng với đối tượng GV chuyên, nếu chỉ thiên về các danh hiệu thi đua trên bề mặt, thì e còn thiếu cơ sở bền vững. Dư luận còn lấy câu phương ngôn "thầy giáo già, con hát trẻ" để cho rằng, việc khống chế độ tuổi không quá 40 rất dễ làm "lọt sàng" những GV giàu kinh nghiệm, đã trải qua thực tế giảng dạy, bồi dưỡng HS giỏi lâu năm ( lực lượng truyền nghề cho đồng nghiệp trẻ).

Điều đáng nói hơn nữa, việc tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Bắc Quảng Nam chỉ đưa ra điều kiện HS có học lực, hạnh kiểm khá, xếp hạng tốt nghiệp khá, môn chuyên không dưới 7.0, đã lộ rõ áp lực đầu vào. Liệu có được bao nhiêu HS thật sự "có tư chất thông minh, giỏi nhiều môn học…"( như mục tiêu chung đề ra với HS chuyên) ở ngôi trường chuyên mới thành lập này ? Liệu vẫn có tình trạng HS ở Quảng Nam ra Đà Nẵng để học trường chuyên như trước hay không?

Không biết khi quyết định mở thêm một trường chuyên nữa, Quảng Nam có đặt câu hỏi: tại sao hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có các thành phố lớn có truyền thống trong bồi dưỡng nhân tài nhiều năm qua chỉ tập trung đầu tư cho một trường chuyên? Thiết nghĩ, việc phát triển hệ thống trường lớp, mở rộng quy mô là chủ trương đúng đắn, nhưng để chủ trương đi vào hiện thực một cách hiệu quả, thì phải tính đến các điều kiện chín mùi, đặc biệt là yếu tố chất lượng!

 

 

 

Nguyễn Thị Thúy Hồng

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201207/Lieu-co-tinh-trang-dau-tu-dan-trai-1962222/

Dự thảo học phí chất lượng giáo dục cao

Posted: 07 Jul 2012 04:14 PM PDT

Lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Quy định về học phí chất lượng giáo dục cao trong các trường mầm non, phổ thông công lập.

Theo đó, trường công lập được phép thực hiện chất lượng giáo dục cao khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, công nhận đã đạt yêu cầu theo quy định về tiêu chuẩn đánh giá nhà trường của Bộ GD-ĐT.

Mức thu học phí chất lượng giáo dục cao để bù đắp chi phí đào tạo, không vì mục đích lợi nhuận, phù hợp với khả năng đóng góp của người học, trên cơ sở thỏa thuận và tự nguyện của cha mẹ học sinh. Người học tham gia hoạt động chất lượng giáo dục cao, hưởng dịch vụ giáo dục cao thì đóng góp theo mức thu áp dụng cho chất lượng, dịch vụ đó.

Việc thực hiện điều chỉnh mức thu (nếu có) phải dựa trên kết quả đánh giá chất lượng giáo dục và trách nhiệm thực hiện cam kết của nhà trường, của học sinh và cha mẹ học sinh.

Tuệ Nguyễn

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120705/Du-thao-hoc-phi-chat-luong-giao-duc-cao.aspx

Thoái hoá trí thức

Posted: 07 Jul 2012 04:14 PM PDT

Những scandal sách dịch, sách giáo khoa, tác phẩm học thuật, đạo văn, đạo luận án… đặt ra một vấn đề: phải chăng đang có sự thoái hoá trong những người tự nhận là trí thức, và nếu đúng thì đâu là nguyên nhân?

 

Nạn đạo văn, đạo luận án… diễn ra tràn lan trong xã hội hiện nay.

Sự xuống cấp trong công việc trí thức

Nhiều người không tin những lỗi dịch thuật nghiêm trọng, những sai lầm sơ đẳng của những tác phẩm học thuật… là do kém trình độ ngoại ngữ, trình độ học thuật, văn chương của người, nhóm người đứng tên tác giả, dịch giả.

Bởi không ai viết sách, dịch sách được xuất bản, được lăng xê và thành danh mà kém cả. Chỉ có thể giải thích: những người này đã không nghiêm khắc với bản thân trước công việc trí thức.

Lịch sử trí thức Việt Nam và thế giới không thiếu tấm gương sáng của những thiện trí thức về tư duy nghiêm cẩn, lao động chữ nghĩa và nhận thức tự phê rạch ròi…

Một loạt sự cố về sách và dịch phẩm trong đời sống trí thức đất nước gần đây lại không mang tinh thần và phẩm chất của giới trí thức đúng nghĩa.

Không ít những trí thức nổi tiếng, được xã hội ca ngợi tới đỉnh đang bị chính thứ hào quang đó đẩy mình vào tư thế cẩu thả, ngạo mạn trong công việc trí thức.

Có một nhà văn khá nổi tiếng mà chúng tôi không tiện nêu tên, khi được hỏi vì sao gần đây ít thấy sáng tác mới, đã trả lời: "Vì cái gì mình viết cũng được khen hay trong khi chính mình lại thấy chưa được hay, nên sợ…"

Trong bối cảnh Việt Nam thiếu diễn đàn tranh luận trí thức và gần như là số không trong lĩnh vực phê bình học thuật, văn chương, người ta lại thấy một hiện tượng bất thường là những nhóm lợi ích trong lĩnh vực này đang nổi lên cướp vai trò chính thống của giới phê bình để thủ lợi.

Những nhóm lợi ích này đang thâu tóm việc tôn vinh một tác phẩm và lăng xê tác giả.

Ai cũng biết kiểu thao túng văn chương – học thuật như con buôn này nguy hại cho các giá trị sáng tạo và học thuật quốc gia đến mức nào.

Nhưng trong khi bảng hiệu xuất bản thì của Nhà nước, thực lợi xuất bản lại thuộc về những nhóm lợi ích, hệ thống biên tập ở nhiều nhà xuất bản chính thức gần như chỉ còn giữ vai trò gác cửa chính trị, còn tất cả các nội dung khác của tác phẩm thì "treo đầu dê bán thịt chó", kiểu nào cũng được các nhóm lợi ích đưa qua mọi cửa kiểm duyệt.

Sự thao túng của các nhóm lợi ích

Trong giới trí thức hiện nay, người ta thấy không thiếu những gương mặt "nổi tiếng" thay nhau xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Họ phát ngôn đủ loại đề tài, cả những đề tài không thuộc chuyên môn của mình. Từ góc độ công chúng bị những trí thức không biết tự trọng "tra tấn" trên truyền thông, người ta lại thấy thêm một vấn đề nghiêm trọng khác là mặt bằng và chuẩn mực những giá trị tri thức truyền thông phục vụ đại chúng đang bị một số gương mặt trí thức thuộc sở hữu của nhóm lợi ích truyền thông thao túng.

Trong công việc của trí thức, hầu như ai cũng nằm lòng một điều là: bên trong mỗi trí thức chân chính đều có một nhà phê bình nghiêm khắc.

Nếu danh tiếng anh lớn hơn tài năng và lao động sáng tạo của anh thì hậu quả không phải chỉ là nỗi nhục nhã ê chề mà lưỡi dao háo danh sẽ giết chết mọi thành quả.

Nhận diện những nhóm lợi ích đang huỷ hoại mình là cần thiết, nhưng cần thiết hơn là hãy tự trọng bảo vệ và hành xử theo lương tri nghiêm khắc của mình sao cho xứng với danh hiệu trí thức.

Theo Giao Cảm (Sài Gòn Tiếp Thị)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/79384/thoai-hoa-tri-thuc.html

Comments