Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Kỷ luật tích cực giúp HS giảm thiểu những hành vi không phù hợp

Posted: 01 Jul 2012 06:32 AM PDT

(GDTĐ) – Mới đây, tại Thành phố Hạ Long – Quảng Ninh đã diễn ra Hội thảo “Xây dựng lớp học theo tiếp cận phương pháp kỷ luật tích cực”  do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục – Bộ GDĐT tổ chức.

Tới dự hội thảo có đồng chí Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sơ giáo dục,  bà Nguyễn Thị An đại diện cho tổ chức Plan tại Việt Nam cùng các đại diện của 30 Sở GD-ĐT từ Điện Biên đến Quảng Trị cùng về dự.

Các đại biểu dự Hội thảo
Các đại biểu dự Hội thảo

Phối hợp với các tổ chức cức trợ trẻ em Thụy Điển (Save Children) Cục nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đã triển khai thực hiện dự án, tập huấn cốt cán cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường THPT của 63 tỉnh/thành phố về biện pháp kỷ luật tích cực đối với học sinh cũng như biết cách tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường phù hợp với lứa tuổi học sinh, đồng thời tập huấn trực tiếp và triển khai mô hình điểm tại 6 tỉnh thành: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế. Và từ đó đã đúc rút đưa ra những kinh nghiệm, biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực (KLTC) với HS…

Ông: Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sơ giáo dục phát biểu tại hội thảo
Ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sơ giáo dục phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý: “Tăng cường  phương pháp kỷ luật tích cực trong nhà trường là biện pháp giáo dục học sinh không sử dụng đến các hình thức bạo lực, trừng phạt, trong đó GV, nhà quản lý giáo dục áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực, phù hợp để giúp HS giảm thiểu những hành vi không phù hợp, củng cố các hành vi tích cực và phát triển nhân cách một cách toàn diện, bền vững… Trong những năm gần đây, khi nạn bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, các trường hợp vi phạm đạo đức của HS liên tục được nhằm đến thì một trong những biện pháp được quan tâm để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức HS là tăng cường phương pháp kỷ luật tích cực trong nhà trường thông qua đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp…”.

Các tham luận của các đại biểu của các tỉnh, thành cũng đã làm bật lên được tính kỷ luật tích cực trong giáo dục, góp phần xây dựng củng cố môi trường giáo dục thân thiện không bạo lực, thiết lập và củng cố quan hệ giữa thầy và trò, phụ huynh với con em mình gần gũi và tích cực hơn.

Trên cơ sở kết quả hoạt động triển khai đã đạt được, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã xây dựng định hướng các hoạt động giai đoạn 2012-2015 để tiếp tục tăng cường phương pháp kỷ luật tích cực trong nhà trường: Tiếp tục duy trì và phát triển bền vững các kết quả đã đạt được thông qua các hoạt động cụ thể như chỉ đạo triển khai, giám sát việc tổ chức tập huấn đại trà, gắn nộ dung phương pháp KLTC với công tác chủ nhiệm lớp; Chú trọng công tác tuyên truyền, huy động sự ủng hộ và tham gia của các đoàn thể trong và ngoài nhà trường trong công tác tuyên truyền  về phương pháp KLTC; Xây dựng và đưa vào áp dụng thí điểm một số mô hình cụ thể cho việc áp dụng phương pháp KLTC.

Thông qua Hội thảo “Xây dựng lớp học theo tiếp cận phương pháp kỷ luật tích cực: Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đề xuất giới thiệu mô hình “lớp học yêu thương” để có thêm căn cứ, đề xuất triển khai nhằm phát triển bền vững những kết quả đã đạt được.

VN

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201207/Ky-luat-tich-cuc-giup-HS-giam-thieu-nhung-hanh-vi-khong-phu-hop-1962125/

Nơi nơi tiếp sức mùa thi

Posted: 01 Jul 2012 06:30 AM PDT

(GDTĐ)-Chỉ còn vài ngày nữa, các thí sinh sẽ bước vào đợt thi đại học đầu tiên 2012 (4/7). Những ngày này, màu áo xanh tình nguyện đã tràn ngập các bến xe, phố phường. Trên mọi miền tổ quốc, các hoạt động hỗ trợ mùa thi đa dạng, phong phú đã tạo nên nét đẹp của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.

Sinh viên tình nguyện tại Hà Nội được bố trí cả máy tính kết nối internet để hỗ trợ thí sinh hiệu quả hơn. Ảnh: gdtd.vn
Sinh viên tình nguyện tại Hà Nội được bố trí cả máy tính kết nối internet để hỗ trợ thí sinh hiệu quả hơn. Ảnh: gdtd.vn

Hà Nội: Hà Nội, một trong những điểm thu hút nhiều thí sinh nhất trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ, hoạt động tiếp sức mùa thi cũng diễn ra hết sức sôi động. Không chỉ sinh viên, thanh niên tình nguyện đến từ các trường ĐH mà còn có sự tham gia hỗ trợ mùa thi của rất nhiều tình nguyện viên của các hội đồng hương, của các công ty, các câu lạc bộ. Tại những bến xe lớn như Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, các nhóm sinh viên luôn có mặt từ sang sớm trước lối vào bến, điểm xuống xe đón các thí sinh, phụ huynh. Những hoạt động hỗ trợ cũng rất phong phú như tặng bản đồ Hà Nội, cung cấp địa chỉ nhà trọ, tư vấn các tuyến xe buýt gần nhất các địa điểm thi… Được biết, năm nay, Thành đoàn Hà Nội sẽ xây dựng ngân hàng nhà trọ miễn phí và có phí gồm 70 nghìn chỗ trọ. Khoảng 2.000 tình nguyện viên Hà Nội đã chính thức ra quân ngày 28/6, có mặt tại 8 bến xe, nhà ga trên địa bàn thành phố để hỗ trợ các thí sinh và người nhà tham dự kỳ thi ĐH, CĐ 2012.

Thành phố Hồ Chí Minh: Tại TP Hồ Chí Minh, hơn 13.000 tình nguyện viên đã được huy động, để hỗ trợ cho 250.000 lượt thí sinh, phụ huynh. Dự kiến, tiếp sức mùa thi tại TP.HCM sẽ hỗ trợ 60.000 vé xe bus, 380.000 bản đồ và 250.000 cẩm nang cùng nhiều vật phẩm miễn phí khác cho các thí sinh. Bên cạnh đó, Trung tâm Hỗ trợ học sinh – sinh viên TPHCM cũng cho biết sẽ hỗ trợ 300 chỗ ở và nước uống miễn phí cho thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 cùng 20 suất học bổng về kỹ năng mềm cho các thí sinh lưu trú tại đây. Thí sinh liên hệ các điểm "Tiếp sức mùa thi" hoặc đến trực tiếp trung tâm đào tạo (lô E1, Khu Công nghệ cao, xa lộ Hà Nội, quận 9 – TPHCM).

Phan Thiết: Ga Phan Thiết đã áp dụng hình thức giảm giá vé 10% đối với người mua vé có phiếu báo thi và 1 người thân đi cùng. Chương trình này được áp dụng từ đầu tháng 6 cho đến tháng 12/2012 cho thí sinh đi thi, thí sinh trúng tuyển, đi nhập học vào các trường. Đi bằng tàu lửa được mang theo phương tiện xe gắn máy nên thuận lợi cho việc đi lại.

Hải Phòng: Nhiều trường ĐH ở Hải Phòng năm nay sẽ hỗ trợ chỗ trọ miễn phí chỗ trọ cho thí sinh đi thi như trường ĐH Hải Phòng (1.500 chỗ); trường ĐH Hàng Hải Việt Nam (2.500 chỗ); trường ĐH Dân lập Hải Phòng (1.000 chỗ); trường ĐH Y Hải Phòng (400 chỗ). Thí sinh chỉ phải đóng tiền điện, nước với giá rẻ theo quy định của từng trường. Được biết, năm nay sẽ có khoảng 2.000 đoàn viên, sinh viên tình nguyện thành phố Hải Phòng sẽ tham gia hướng dẫn thí sinh đến địa điểm thi, giúp tìm nhà trọ, tư vấn thủ tục đăng kí dự thi, phân luồng giao thông…Tại những điểm thi, bến xe, khu nhà trọ luôn có những tốp sinh viên tình nguyện khoảng 10-15 người tham gia các hoạt động tư vấn mùa thi.

Đồng Nai: UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn yêu cầu các sở, ban nghành trong tỉnh tạo mọi điều kiện, hỗ trợ tối đa cho các thí sinh tham dự kỳ thi ĐH, CĐ. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản gửi các doanh nghiệp vận tải miễn toàn bộ tiền vé trên tất cả các tuyến xe buýt cho thí sinh trong thời gian diễn ra các đợt dự thi. Để được miễn vé, các thí sinh phải xuất trình giấy báo dự thi hoặc thẻ học sinh. Sinh viên tình nguyện của tỉnh cũng đã tổ chức ra quân chiến dịch tiếp sức mùa thi. Theo đó, cho đến ngày 10/7, các tình nguyện được chia thành các đội, mỗi đội có từ 10 đến 18 người, túc trực từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối tại các địa điểm thi của trường và các ngã tư, bến xe, nhà ga để hướng dẫn thí sinh về các nhà trọ giá rẻ, các địa điểm thi. Ngoài ra sinh viên tình nguyện các trường còn có đội tiếp sức mùa thi trực 24/24 giờ. Riêng đội tiếp sức mùa thi của trường ĐH Lạc Hồng đã tìm được 2.500 chỗ ở miễn phí, giá rẻ (mức giá dưới 50.000 đồng/ngày) và 800 suất cơm miễn phí phục vụ thí sinh; ĐH Đồng Nai

Bình Định: Tỉnh đoàn Bình Định đã vận động, khai thác được 20 nghìn chỗ trọ, trong đó có 12.000 chỗ ở nhà trọ giá rẻ và 2.000 chỗ ở miễn phí; vận động các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí in 50 nghìn tờ bản đồ hướng dẫn địa điểm thi, 25 nghìn lít nước uống cùng nhiều tư trang khác phục vụ các điểm thi. Từ 28/6, lễ ra quân tiếp sức mùa thi của tỉnh đoàn đã được tổ chức với trên 600 đoàn viên thanh niên tham gia, chia thành nhiều tổ nhỏ, đến các địa điểm thi, nhà ga, bến tàu, khách sạn, nhà nghỉ… để đón tiếp sĩ tử từ các nơi về.

Quy Nhơn: Phục vụ kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ, các ga tàu Quy Nhơn và bến xe Trung tâm cũng tăng thêm đầu tàu, đầu xe để đáp ứng nhu cầu đi lại của sĩ tử và người nhà trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi. Chùa Hiển Nam, phường Ngô Mây, Quy Nhơn tạo điều kiện thu nhận 200 sĩ tử vào ăn nghỉ miễn phí trong suốt 10 ngày diễn ra 2 đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Chùa Long Khánh – Quy Nhơn cũng cho biết sẽ  giúp đỡ khoảng 500 thí sinh. Coopmart Quy Nhơn thì cho biết hỗ trợ thí sinh nghèo 1.000 suất ăn miễn phí.

Thừa Thiên Huế:
Tỉnh đoàn Thừa Thiên – Huế tổ chức hơn 400 thanh niên tình nguyện hướng dẫn tiếp sức mùa thi với các hoạt động hỗ trợ tìm kiếm, tư vấn nhà trọ, suất ăn giá rẻ, miễn phí, hướng dẫn đường, xe ôm miễn phí. Tại phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, nhân dân và chính quyền địa phương chuẩn bị hơn 200 nhà trọ với hơn 900 chỗ trọ miễn phí cho thí sinh và người nhà ở xa đến. Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên – Huế tiếp tục chuẩn bị 12.000 suất cơm chay miễn phí, có tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng để tiếp sức cho các thí sinh và người nhà. Chương trình phục vụ cơm chay được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (15A Lê Lợi, Huế) và các địa điểm khác tại thành phố Huế như Chùa Thành Nội (số 8 Lâm Mộng Quang), Chùa Cát Tường (75 Yết Kiêu), Hội đồng thi ĐH Kinh tế Huế và hội đồng thi ĐH Ngoại Ngữ (khu Trường Bia, đường Hồ Đắc Di kéo dài) và hội đồng thi Đặng Huy Trứ (Thị xã Hương Trà). Trong thời gian tuyển sinh, các y, bác sĩ Tuệ Tĩnh đường Hải Đức trực tiếp khám, cấp thuốc miễn phí cho thí sinh tại các địa điểm ăn miễn phí nói trên nếu có vấn đề về sức khỏe.

Sơn La: Trường ĐH Tây Bắc ( Sơn La) đã bố trí gần 4.000 chỗ trọ đầy đủ điều kiện điện, nước trong khu ký túc xá với mức giá 20.000đ/người/ngày. Hội sinh viên trường bố trí 4 điểm tư vấn do 45 sinh viên tình nguyện phụ trách tại bến xe và trên trục đường Quốc lộ 6. Ngoài ra, Hội sinh viên còn phối hợp với Ban quản lý bến xe khách Sơn La thành lập đội xe ôm giá rẻ để phục vụ cho các thí sinh khi có nhu cầu đi lại. Hội sinh viên trường còn vận động các chủ nhà trọ ở gần các trường ký cam kết không tăng giá phòng trọ trong hai đợt thi ĐH.

Thái Bình: Hội Đồng hương sinh viên Thái Bình triển khai chương trình "Tiếp sức mùa thi năm 2012" diễn ra từ ngày 26/6 -16/7, vận động trên 300 chỗ trọ miễn phí cho các con em quê hương Thái Bình có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ thí sinh, phụ huynh nhà trọ miễn phí và giá rẻ, nơi ăn uống ngon, rẻ, đảm bảo vệ sinh; hướng dẫn, tư vấn tâm lý và truyền đạt những kinh nghiệm ôn tập, thi đạt kết quả cao. Khi cần giúp đỡ các phụ huynh và thí sinh có thể gọi điện cho các số điện thoại nóng 098.446.3187 để được tư vấn và cung cấp những thông tin cần thiết. Chương trình cũng bố trí tình nguyện viên tại các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình và 17 cụm trường chính, hỗ trợ học sinh, phụ huynh người Thái Bình và các tỉnh thành khác tham gia thi ĐH, CĐ. Ký túc xá trường ĐH Y Thái Bình và ĐHcông nghiệp TP. Hồ Chí Minh (cơ sở phía Bắc) cũng cam kết hỗ trợ cho thí sinh và phụ huynh về nhà ở giá rẻ.
Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201207/Noi-noi-tiep-suc-mua-thi-1962119/

Trẻ bị tâm thần oan

Posted: 01 Jul 2012 06:30 AM PDT

Chỉ còn hai tháng nữa là học sinh bước vào năm học mới. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 nháo nhào đưa con đến phòng khám của các bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 để xin "giấy chứng nhận sức khoẻ tâm lý, tâm thần" để nộp vào trường. Riêng với những trẻ không được học tập đọc, viết trước khi vào lớp 1 thì "chới với" và được đánh giá là có vấn đề về trí tuệ, cần phải khám…

Trẻ không biết đọc, viết trước khi vào lớp 1: "Coi chừng bị cho là tâm thần"

Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng tháng 4 trở đi là khoa tâm lý của các BV lại xuất hiện tình trạng bố mẹ đưa con đến khám để xin giấy chứng nhận nộp cho trường. Chị Trần Thị Mỹ Anh – trú tại quận Bình Thạnh cho biết: "Tôi có con 6 tuổi và học kỳ 1, 2 vừa rồi cô giáo đề nghị gia đình cho cháu đi khám về tâm thần do cháu học quá chậm so với các bạn trong lớp. Gia đình tôi theo chủ trương là không cho trẻ học trước khi vào lớp 1. Vì học trước đến khi vào lớp 1 thì cháu đã biết và sẽ lười học, không tập trung. Tuy nhiên, đến khi vào được trường thì tôi mới thấy hối hận vì đã không cho cháu học trước. Ngay từ đầu năm học, cô giáo đã cho các cháu kiểm tra phân loại trẻ nào đã biết đọc, biết đếm số, thậm chí biết cộng trừ. Nếu chưa biết gì cả thì sẽ bị loại vào danh sách "học chậm" hoặc có vấn đề về trí tuệ…".

Thạc sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà – khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2 cho biết: "Nhiều phụ huynh đến khám nằng nặc đòi tôi phải cấp cho giấy chứng nhận là cháu bị khyết tật. Tôi không thể cấp được vì qua thăm khám thì cháu hoàn toàn bình thường".

80% bị kết luận oan là… tâm thần!

Bình quân, mỗi tháng, ba chuyên viên tâm lý của khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2 tiếp nhận hơn 40 học sinh, nhưng 80% số này bị kết luận oan. Trước thực tế trên, chuyên giá tâm lý Kiều Thanh Hà cho biết: "Tôi đã từng khám cho nhiều trường hợp bị "tâm thần oan". Trào lưu ép học sinh 4 – 5 tuổi phải đọc thông, viết thạo, làm toán tốt trước khi vào học lớp 1 mặc dù đã được ngành giáo dục phản đối và báo chí lên tiếng nhiều lần nhưng vẫn không xoay chuyển được.

Thậm chí, trẻ mới học mẫu giáo chưa đọc tiếng Việt thông thạo đã được gia đình và nhà trường tổ chức dạy tiếng Anh phụ đạo. Trẻ khi học hết lớp lá chuẩn bị sang lớp một mà đọc thông viết thạo, làm toán giỏi… thì sẽ được liệt vào danh sách thông minh. Tuy nhiên ở một góc độ khác, chính vì cho học trước nên khi vào lớp 1 trẻ chán học và không chịu tập trung vì học toàn những kiến thức đã được học từ lúc mẫu giáo. Và đến lúc này thì cô giáo lại phê… lười học, học trước quên sau. Những trường hợp này chúng tôi "sửa" rất mệt, có bé phải tận lớp 4 mới lấy lại được hứng thú học tập.

Vậy đâu là nguyên nhân gây ra vấn đề trên? Bà Hà khẳng định: "Tôi từng là hội trưởng hội phụ huynh nên hiểu rõ, đi họp ở trường tôi biết nhiều thầy cô do bệnh thành tích mà kết luận oan cho trẻ. Thông thường, bước vào đầu năm học, giáo viên thường đăng ký điểm thi đua (chiến sĩ thi đua) với nhà trường rằng năm nay lớp chỉ có một học sinh yếu, nên nếu lại gặp phải 2 – 3 trẻ đọc lắp, đọc ngọng, đọc lí nhí hoặc cô giao bài tập về không làm bài liên tục… cũng được coi là chậm phát triển trí tuệ, có vấn đề tâm thần. Cô giáo sợ sẽ mất điểm thi đua nên yêu cầu cha mẹ đến xin giấy chứng nhận sức khoẻ tâm lý, tâm thần”.

Theo bà Hà, việc BV cấp giấy chứng nhận cũng chỉ là theo nguyện vọng của phụ huynh trước áp lực của thầy cô giáo. Giấy chứng nhận này chỉ có giá trị khi bác sĩ tâm lý kết hợp với ngành giáo dục lập ra hội đồng để đánh giá cụ thể và kết luận mới thực có giá trị. Nếu ngành giáo dục không ngăn chặn tình trạng trên chắc chắn sẽ có hàng loạt trẻ bị tâm thần oan.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/78689/tre-bi-tam-than-oan.html

Công bố vật dụng không được mang vào phòng thi

Posted: 01 Jul 2012 01:21 AM PDT

Công bố vật dụng không được mang vào phòng thi

TT – Chiều 30-6, Bộ GD-ĐT đã có công điện gửi chủ tịch hội đồng tuyển sinh các trường ĐH, CĐ yêu cầu thực hiện các quy định để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trật tự, an toàn và đúng quy chế.

Trong đó đáng chú ý có nội dung giải thích thêm những điểm mới bổ sung, sửa đổi của quy chế tuyển sinh vừa ban hành. Cụ thể: căn cứ vào quy định tại điểm d, khoản 3, điều 25 của quy chế tuyển sinh (sửa đổi) để quyết định đình chỉ thi đối với các thí sinh mang vào phòng thi tài liệu, vật dụng trái phép (trong đó có những thiết bị chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi: máy ghi âm, ghi hình, chụp ảnh… có chức năng nghe được âm thanh hay xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ; hoặc những thiết bị không có chức năng này nhưng dùng để ghi lại thông tin nhằm gian lận trong quá trình chấm thi).

Đồng thời bộ yêu cầu các trường trong các buổi làm thủ tục dự thi, cán bộ coi thi phải phổ biến kỹ, đầy đủ các quy định của quy chế cho thí sinh; nhắc nhở thí sinh những vật dụng được phép mang vào phòng thi.

Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo tiếp nhận và xử lý thông tin phản ảnh về các hiện tượng tiêu cực (nếu có) trong kỳ thi. Theo đó, khuyến khích thí sinh, những người tham gia công tác tuyển sinh, quần chúng nhân dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh; kịp thời phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý tiêu cực trong tất cả các khâu của kỳ thi. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp nhận các thông tin phản ảnh về các hiện tượng tiêu cực (nếu có) trong kỳ thi thông qua hộp thư điện tử: tsdh-cd2012@moet.edu.vn.

Bộ trưởng cũng yêu cầu tại mỗi điểm thi bố trí một điện thoại cố định đặt tại phòng trực hoặc một điện thoại di động do điểm trưởng trực tiếp quản lý và chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết tại phòng trực của điểm thi. Tất cả cán bộ tham gia công tác thi khác tại điểm thi đều không được mang theo điện thoại di động khi làm nhiệm vụ.

TRẦN HUỲNH – NGỌC HÀ

Khó thực hiện

Đó là nhận định của một số trường ĐH về những điểm mới trong quy chế tuyển sinh năm nay.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):

Nếu cho phép thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi, về tâm lý sẽ khiến công tác coi thi được thực hiện nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, thông tư mới của bộ lại không rõ ràng nên khi triển khai thực hiện sẽ rất khó. Cán bộ coi thi sẽ không đủ trình độ để nhận biết được tất cả thiết bị này. Đó là chưa kể phần lớn cán bộ coi thi hiện nay là giáo viên THPT và sinh viên. Vì thế rất có thể xảy ra tình trạng có người lợi dụng việc này để gian lận trong thi cử vì khó kiểm soát. Hơn nữa việc này sẽ gây ra nhiều rắc rối cho cả thí sinh và cán bộ coi thi. Riêng trường chúng tôi sẽ không cho phép thí sinh mang vào phòng thi bất cứ thiết bị, vật dụng nào không phục vụ cho việc làm bài.

ThS Cổ Tấn Anh Vũ (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM):

Đây là chủ trương tốt nhưng sẽ gây nhiều khó khăn cho cán bộ coi thi cũng như công tác tổ chức kỳ thi. Thực tế để phân biệt được các thiết bị này là điều không đơn giản. Bản thân tôi với một thiết bị điện tử mới lạ cũng không dám sử dụng. Tôi rất băn khoăn các giám thị có đủ sức để kiểm tra được các thiết bị ghi âm, ghi hình có chứa sẵn tài liệu của những thí sinh cố tình gian lận mang theo vào phòng thi. Tuy nhiên, khó khăn đó cũng không đáng ngại bằng việc nguy cơ lộ đề. Khả năng thí sinh nào đó dùng thiết bị ghi hình và phát ra ngoài để đưa bài giải vào phòng thi rất có thể xảy ra. Theo quan điểm cá nhân tôi thì nên cấm mang vào phòng thi tất cả các thiết bị, máy móc không phục vụ cho việc làm bài.

T.HUỲNH

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/499617/Cong-bo-vat-dung-khong-duoc-mang-vao-phong-thi.html

Sự học của trò nghèo trước mùa thi

Posted: 01 Jul 2012 01:20 AM PDT

(GDTĐ) – Kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học đang "nóng" lên từng ngày ở khắp nơi, học trò nhao lên đi luyện thi, phụ huynh đôn đáo chuẩn bị,…nhưng đâu đó, có những học sinh âm thầm, lặng lẽ tự trau dồi cho mình kiến thức hay tìm đến nhà thầy dạy mình ở bậc phổ thông ôn luyện. Bởi vì, nhà các em đều là học sinh nghèo, đến như tiền để đi thi trong vài ngày cũng chưa chắc đã đủ nói gì đến ôn luyện…

Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT thì rất nhiều học sinh được bố mẹ chọn lựa cho điểm ôn thi, chuẩn bị đầy đủ phương tiện hiện đại. Trong những lò luyện thi chúng ta có thể dễ dàng nhận ra học sinh con nhà giàu sành điệu, có nhiều em đến với mục đích khoe những thứ đồ hiện đại mà bố mẹ chúng không tiếc tiền của sắm cho. Thậm chí rất nhiều gia đình ở TP. Điện Biên Phủ, không tiếc tiền bỏ ra vài chục triệu để làm chuyến cho con "vi hành" về thẳng thủ đô Hà Nội "Tầm sư học đạo" tìm những ông thành danh tiếng, với niềm tin chắc chắn con mình sẽ đỗ vào trường như ý. Bởi những kiến thức uyên thâm và kinh nghiệm bao năm dạy ở những lò luyện, mà học sinh ở đây học ra hàng năm đều đỗ, đạt trên 99,9%. Vậy thì tiền không quan trọng mà kiến thức sát với thi được nhồi mới là điều đáng quan tâm.

Thế nhưng có những nơi sự học vẫn nóng nhưng nóng trong âm thầm, lặng lẽ… Như chính cuộc sống của các em học sinh nghèo ở những bản làng xa xôi mà chúng tôi vừa đến thăm ở ngõ phố nhỏ tổ dân phố 9, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ. Trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, tĩnh lặng … Nơi mái ấm hạnh phúc gia đình của thầy Phạm Xuân Chính, giáo viên dạy môn Địa lý của Trường THPT Chà Cang, huyện Mường Nhé. Cách đây hơn một tuần, ngôi nhà ấy đón nhận thêm hai thành viên là học sinh của trường "khăn gói" ra ở nhà thầy ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi cao đẳng, đại học tới. Khi tôi đến thầy Chính đang chỉ dạy lại những kiến thức cơ bản hướng dẫn hai học trò ôn luyện đề thi của những năm trước.

Em Lý A Giàn và Vàng A Dê tập trung ôn luyện tại nhà thầy Phạm Xuân Chính.
Em Lý A Giàn và Vàng A Dê tập trung ôn luyện tại nhà thầy Phạm Xuân Chính

Tâm sự với 3 thầy trò, tôi thật sự khâm phục trân trọng tấm lòng tâm huyết, nhiệt tình yêu thương trò và ý chí nghị lực của em: Lý A Giàn, bản Nậm Chua 2, xã Nà Hỳ, huyện Mường Nhé và Vàng A Dê, bản Mo Công, xã Phìn Hồ, huyện Mường Chà. Cũng chỉ vì điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên khi thi xong tốt nghiệp các em không có điều kiện đi ôn thi ở các lò luyện thi, thầy Chính đã động viên đưa hai học trò về nhà mình để ôn luyện, dạy bảo. Ngôi nhà nhỏ chật hẹp được phân chia ra làm 2, vừa là chỗ ban ngày cho các em học, ban đêm là chỗ ngủ. Ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc các em đều do gia đình thầy đảm nhiệm. Qua câu chuyện, tôi được biết hai em đều là đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý và là học sinh khá, giỏi của trường, kỳ thi tốt nghiệp vừa qua các em đều đạt số điểm cao nhất nhì trường. Hai em đều có chung ước mơ đăng ký thi vào khối C, Trường Đại học Sư phạm Tây Bắc. Một ước mơ hết sức bình dị với nhiều lý do nhưng cả 2 em đều có chung câu trả lời, đó là mong ước đi theo con đường của các thầy đã từng dạy dỗ, cưu mang mình và trở thành thầy giáo để giúp các em học sinh ở trên mảnh đất quê hương, bản làng còn nhiều khó khăn.

Trong niềm xúc động, Vàng A Dê kể cho tôi nghe về hoàn cảnh gia đình mình: Nhà em có 5 anh chị em, cũng vì điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn mà 2 em phải bỏ học khi đang học cấp 2, ở nhà giúp đỡ bố mẹ. Trong thời gian học cấp 3, đã 2 lần em bỏ học ở nhà vì nghĩ rằng mình không thể theo được và có học lên cao nữa thì sau này gia đình cũng không thể chu cấp được tiền học tiếp. Nhưng mỗi lần em nghỉ học, các thầy cô đều đến tận nhà vận động, tâm sự tạo mọi điều kiện  giúp đỡ từ tình cảm đến vật chất, điều ấy đã làm em suy nghĩ rất nhiều để quyết tâm học tập. Dê đã tâm niệm rằng, việc mình học thật giỏi sẽ có cơ hội giúp đỡ gia đình và sau này cho các em đi học lại. Vì thế năm học nào em cũng đạt học sinh tiên tiến và giành được giải khuyến khích môn Địa lý trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 12 vừa qua. Đó là động lực, thôi thúc em chuẩn bị kỳ thi đại học tới.

Nếu có thi đỗ thì con đường học sẽ rất gian nan nhưng với ý chí, nghị lực quyết tâm cùng với sự động viên của thầy cô sẽ tiếp thêm cho em sức mạnh và hàng ngày sự chỉ bảo như thầy Chính, Dê luôn tin rằng mình sẽ không phụ công lao ấy – em nói với chúng tôi: Con đường em lựa chọn, mong sau này sẽ làm được như các thầy cô đã dạy mình. Bên cạnh đó, Lý A Giàn cũng đồng cảnh ngộ như Vàng A Dê nhà em có 4 anh em bố mẹ chỉ làm ruộng, nương chỉ đủ ăn. 3 năm trèo đèo lội suối vượt đoạn đường gần 60 km đến trường. Khó khăn vất vả nên đã nhiều lần Giàn chùn bước, nhưng thầy cô tiếp thêm cho em sức mạnh, Giàn đã vượt lên bằng thành tích đáng nể 2 lần đạt giải ba môn Địa lý học sinh giỏi cấp tỉnh. Giàn nói chúng tôi rất thật thà: Vốn liếng của em có 1 triệu đồng được khen thưởng học sinh giỏi, em tiết kiệm để trang trải cho kỳ thi sắp tới. Nếu thi đỗ vào trường em biết rằng rất khó khăn trong học tập nhưng em cố gắng, cùng với sự giúp đỡ của gia đình và xã hội em vượt qua, mong muốn sớm trở thành thầy giáo về dạy học ở tại quê hương mình.

Em Lò Thị Văn ngoài lúc ôn thi tranh thủ dệt vải để bán
Em Lò Thị Văn ngoài lúc ôn thi tranh thủ dệt vải để bán

Cùng chung nỗi niềm trăn trở, lo lắng trước mùa thi là cô học trò Lò Thị Văn, Trường THPT Mường Nhà, huyện Điện Biên mà chúng tôi đã gặp. Nhà có 3 chị em gái Văn là chị, 2 em đã phải nghỉ học ở nhà làm giúp đỡ bố mẹ vì mẹ em thường xuyên đau ốm. Niềm mơ ước của em được học lên cứ nửa ngày đến trường, nửa ngày Văn lại về giúp bố mẹ dệt vải để bán, khó khăn là vậy nhưng cô bé giàu nghị lực ấy luôn vươn lên dẫn đầu lớp về học tập.

3 năm học em đều đạt 3 giải ba cấp tỉnh về môn Văn học. Kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, em được 48 điểm, kỳ thi đại học tới em đăng ký dự thi vào Học Viện báo chí và Tuyên truyền.

Giờ em chọn cho mình giải pháp tự ôn luyện ở nhà, chờ ngày đi dự thi vì em chỉ tích cóp trong năm học lớp 12 được 2 triệu đồng từ giải thưởng dành cho học sinh giỏi để làm lộ phí xuống Hà Nội dự thi với nỗi lo lắng, thấp thỏm… không biết có đủ cho những ngày thi và rồi sau này theo học như thế nào nếu thi đỗ.

Nhưng dù thế nào thì em vẫn muốn được một lần thử sức ở các ngành em yêu thích – Văn chia sẻ: Gia đình tạo mọi điều kiện cho em đi học nhưng em rất thương bố mẹ và các em, vì để có thể cho em được vài trăm nghìn mỗi tháng đi học sẽ là gánh nặng rất lớn, khó thể có được cho em. Với em chỉ có lòng quyết tâm còn đến đâu thì lo đến đó…

Với những học sinh nhà nghèo trước mùa thi mà chúng tôi gặp, các em đều có chung lòng quyết tâm dù biết bao gian khó, chông chênh đang chờ đợi nhưng trong các em vẫn vững lòng tin để hoàn thành ước nguyện của mình. Mong sao có sự tiếp sức của mọi người, xã hội để các em bớt đi gánh nặng lo toan an tâm học tập tốt.

Kiên Cường

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201207/Su-hoc-cua-tro-ngheo-truoc-mua-thi-1962115/

30% GV ngoại ngữ nghe bài giảng phải nhờ phiên dịch

Posted: 01 Jul 2012 01:19 AM PDT

30% GV ngoại ngữ nghe bài giảng phải nhờ phiên dịch

TT – Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc vừa ký phê duyệt kế hoạch nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho giáo viên, học sinh phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên giai đoạn đến năm 2020.

Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, thực tế chất lượng giáo viên dạy tiếng Anh trên địa bàn TP còn bộc lộ hạn chế về kỹ năng nghe, nói và phát âm. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 40% giáo viên ngoại ngữ nghe và hiểu bài do chuyên gia giảng dạy, 30% giáo viên hiểu được 50% bài giảng bằng tiếng nước ngoài, còn 30% gần như không hiểu bài phải phiên dịch sang tiếng Việt.

Do đó TP Hà Nội xác định nhiệm vụ đến năm 2020 phải đạt 100% số giáo viên tiếng Anh các cấp của TP được đào tạo lại, bồi dưỡng và có chứng chỉ theo chuẩn quốc tế TOEFL, IELTS, FCE hoặc tương đương. Đồng thời đạt tỉ lệ 100% giáo viên tiếng Anh nghe, hiểu bài do chuyên gia nước ngoài giảng dạy mà không cần phiên dịch.

XUÂN LONG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/499645/30-GV-ngoai-ngu-nghe-bai-giang-phai-nho-phien-dich.html

Cấm thí sinh dùng thiết bị ghi thông tin

Posted: 30 Jun 2012 04:13 PM PDT

Chiều 30/6, Bộ GD-ĐT có công điện gửi Chủ tịch hội đồng tuyển sinh các ĐH-HV-CĐ với những quy định quan trọng về đình chỉ thí sinh mang vào phòng thi tài liệu, vật dụng trái phép.


Điểm quan trọng trong công điện của Bộ GD-ĐT yêu cầu Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng nêu: "Căn cứ vào quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 25 của Quy chế (sửa đổi) để quyết định đình chỉ thi đối với các thí sinh mang vào phòng thi tài liệu, vật dụng trái phép (trong đó có những thiết bị chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi như: máy ghi âm, ghi hình, chụp ảnh… có chức năng nghe được âm thanh hay xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ; hoặc những thiết bị không có chức năng này nhưng được dùng để ghi lại thông tin nhằm gian lận trong quá trình chấm thi).

Bộ GD-ĐT cũng nhắc lại quan điểm: "Khuyến khích thí sinh, những người tham gia công tác tuyển sinh, quần chúng nhân dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh; kịp thời phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý tiêu cực trong tất cả các khâu của kỳ thi".

Việc tiếp nhận các thông tin phản ánh về các hiện tượng tiêu cực (nếu có) trong kỳ thi thông qua hộp thư điện tử: tsdh-cd2012@moet.edu.vn. Bộ cũng yêu cầu các trường phải thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo. Ngoài việc báo cáo nhanh từng buổi thi về Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ theo quy định, phải báo cáo những tình huống phát sinh, những sự cố bất thường, để kịp thời xử lý.

Văn Chung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/78655/cam-thi-sinh-dung-thiet-bi-ghi-thong-tin.html

Cảnh báo các “chiêu” lừa sĩ tử

Posted: 30 Jun 2012 04:13 PM PDT

Theo anh Lương Hiển Đạt – Phó Chủ tịch Hội Sinh viên TP Cần Thơ, thời gian qua lợi dụng mùa tuyển sinh đã xuất hiện nhiều đối tượng là "cò" nhà trọ, "cò" xe ôm, "cò" nhiều dịch vụ khác lôi kéo, làm khó dễ thí sinh cùng phụ huynh và làm mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Những đối tượng "cò" này cũng mặc áo xanh thanh niên, đoàn viên tình nguyện hoạt động rải rác ở các điểm thi, các bến xe để lấy lòng tin của thí sinh và phụ huynh. Chính vì thế, anh Đạt cho hay, để chấn chỉnh tình trạng trên, ban tổ chức tiếp sức mùa thi chỉ tổ chức cho các tình nguyện viên hoạt động tại các chốt nhất định.

Những tình nguyện viên làm nhiệm vụ tiếp sức mùa thi ngoài mặc áo xanh đoàn viên, thanh niên tình nguyện, áo màu trắng có logo và tên trường CĐ, ĐH còn phải đeo bảng tên. "Thẻ đeo bảng tên có dán ảnh, họ tên và có đóng dấu đỏ của Hội Sinh viên TP Cần Thơ thì mới là tình nguyện viên chính thức"- anh Đạt lưu ý.

Cũng theo anh Đạt, thí sinh và phụ huynh đi xe máy từ các tỉnh về Cần Thơ, nếu cần sự hướng dẫn gì thì nên đến ngay các chốt tư vấn đặt tại đầu các ngã đường vào TP để tình nguyện viên trợ giúp. Thí sinh và phụ huynh đi xe khách, hoặc tàu thuyền đường thủy thì khi đỗ xuống bến cũng hãy đến các chốt tư vấn đặt ngay tại các bến này để được hướng dẫn cụ thể.

Còn theo chị Nguyễn Thị Phương Thảo- Phó bí thư Đoàn Trường ĐH Cần Thơ đề nghị khi thí sinh phát hiện có những "cò" làm khó dễ thì báo ngay các chốt tư vấn sẽ có lực lượng an ninh hỗ trợ xử lý tránh thiệt thòi cho mình.

Cảnh báo các

Trong khi đó, Thượng tá Phạm Văn Tám – Phó trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính (Công an TP Cần Thơ) cho biết: Các kỳ tuyển sinh CĐ, ĐH năm nào cũng tập trung rất đông thí sinh và phụ huynh đổ về Cần Thơ. Lợi dụng đông người, nhiều đối tượng phạm tội sẽ có cơ hội thực hiện các hành vi trộm cắp, móc túi, lừa đảo và thậm chí là cướp ngay trên đường phố… gây khó khăn, thiệt hại cho thí sinh và phụ huynh.

Không chỉ thế, thời điểm này cũng là thời điểm diễn ra vòng chung kết bóng đá Euro 2012, tình hình an ninh cũng sẽ có nhiều phức tạp hơn ngày thường, đặc biệt là giữa đêm khuya.

Do đó, Thượng tá Phạm Văn Tám đề nghị, thí sinh và phụ huynh khi đến các nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, hoặc bất cứ nơi lưu trú nào trên địa bàn TP cần phải khai báo thông tin đầy đủ, rõ ràng để các chủ lưu trú quản lý, bảo vệ. Do mỗi nơi lưu trú thường khá đông người, nhiều đối tượng lạ mặt sẽ dễ dàng trà trộn để ra tay nên việc khai báo thông tin là cần thiết để chủ lưu trú quan tâm, lưu ý hơn.

Ngoài ra, khi đi ra ngoài, đi trên đường phố, đi đến những nơi công cộng đông người, thí sinh và phụ huynh cũng phải hết sức cẩn thận đề phòng, tránh sơ hở để bọn tội phạm thực hiện các hành vi làm thiệt hại tài sản của mình.

Cũng liên quan đến vấn đề an ninh trong mùa tuyển sinh, Trung tá Trần Thanh Xuân- Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống ma túy (Công an quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho hay, tội phạm ma túy cũng thường lợi dụng những chốn đông người để thực hiện các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, lôi kéo; hoặc thuê các nhà trọ, nhà nghỉ để sử dụng may túy làm ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của thí sinh.

Trung tá Trần Thanh Xuân yêu cầu các chủ lưu trú cần đề cao cảnh giác các đối tượng này khi đến thuê phòng. Đề nghị thí sinh và phụ huynh tránh tiếp xúc với những đối tượng lạ mặt, có lời lẽ mang tính chất lôi kéo. Khi phát hiện những hành vi bất thường, khả nghi của các đối tượng này cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để có hướng xử lý bảo đảm an toàn cho thí sinh và phụ huynh an tâm tham gia dự thi tại Cần Thơ.

Huỳnh Hải

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-612856/canh-bao-cac-chieu-lua-si-tu.htm

“Bà tiên” của sĩ tử nghèo

Posted: 30 Jun 2012 04:10 PM PDT

Mùa thi này, cụ Hồng tiếp tục đón nhận từ 10 – 12 sĩ tử, lo cho ăn, ở miễn phí.


Cụ  Hồng chuẩn bị giường chiếu, chăn màn sẵn sàng đón sĩ tử.

Đi tìm căn nhà cụ Hồng đang thuê ở số 22 đường Lê Quang Sung, tổ 36 phường Xuân Hà, Q. Thanh Khê (TP Đà Nẵng), chúng tôi được nhiều người dân giới thiệu "Ở phường Xuân Hà, cụ Hồng là người nổi tiếng, rất nhiều người quý mến vì tấm lòng tốt bụng của cụ".

Theo chỉ dẫn của một chị bán nước, chúng tôi tìm tới nhà cụ lúc 6g chiều. May mắn, cụ mới vất vả đi bán vé số về. Ở tuổi 80, tóc cụ đã bạc trắng, đôi mắt đã mờ đục nhưng nom cụ còn khỏe. Mỗi ngày cụ cuốc bộ hàng chục cây số đi bán vé số. Cụ Hồng tâm sự: "Tui bán cả ngày lẫn đêm được khoảng 800 trăm tờ vé số. Bán được nhiều thì thêm tiền giúp đỡ sinh viên, sĩ tử". Cụ Hồng thuê một căn nhà rộng rãi, thoáng mát, cứ 3 tháng trả tiền một lần 5 triệu đồng. Ở căn nhà thuê này, cụ ở với 5 – 7 sinh viên, những người được cụ cưu mang từ những lần đi thi và đỗ đại học trước đó.

Hè đến, sinh viên khăn gói về quê, còn lại cụ với Dương, cậu sinh viên học năm 4 ĐH Bách khoa Đà Nẵng quê Đắc Lắk ở lại làm thêm.

Sinh ra ở Huế, nhưng cả cuộc đời cụ Hồng cơ cực nơi xứ người. Khi được 3 tháng tuổi, cụ Hồng đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sống lay lắt, cụ được một tài xế thương tình mang vào Đà Nẵng, gửi cho một gia đình khá giả làm con nuôi.

Chưa đầy 10 tuổi, cha mẹ nuôi cũng ra đi. Từ ngày đó, cụ sống bơ vơ, một thân một mình. Để có cái ăn, cụ bôn ba trên mọi nẻo đường phố, ai thuê việc gì làm việc nấy. "Tui đi bán bánh mì, bánh chưng, làm thuê cho nhà giàu có. Tối đến, nằm vạ vật, co ro ở hiên nhà người khác"… Tằn tiện, tích cóp từ những đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt, cụ thuê một cái phòng nho nhỏ để ở và mưu sinh.

Nhớ lại cảnh cơ hàn ngày trước,  nước mắt cụ lăn dài trên gương mặt khắc khổ. Cụ kể: "Ngày trước có người đàn ông tốt bụng. Thương tôi, ngày làm thuê, tối nằm co ro bên hiên nhà người khác, người ấy đã cho tôi một manh chiếu để nằm. Tôi nhớ mãi và biết ơn họ nhiều".

Thương những thí sinh ngoài tỉnh "chân ướt, chân ráo" mới tới Đà Nẵng thi ĐH, CĐ, năm đầu tiên, cụ Hồng "tiếp sức mùa thi" rất tình cờ. Trưa đó, cụ bán vé số trước một cổng trường cấp 3, khi đang chuẩn bị kỳ thi đại học. "Tui nom thấy một thí sinh đến nộp tiền lệ phí thi mà cứ đứng tần ngần, cô đơn. Thấy tâm trạng của cậu sĩ tử một thân một mình đi thi, tui đoán là không có tiền. Chạnh lòng thương, tui bước lại hỏi thăm quê quán, gia đình rồi đưa về nhà trọ của tui lo cho ăn, ở để đi thi".

Kể từ ngày đó, hàng năm cụ Hồng đều tình nguyện cho sĩ tử ở nhờ qua sự giới thiệu của đội thanh niên tình nguyện của phường.

Sĩ tử được cụ Hồng nhận nuôi được tạo điều kiện mọi bề. Hằng ngày, từ 4h sáng, cụ Hồng đã thức dậy nấu bữa ăn sáng, trưa và chuẩn bị đi bán vé số. Cụ cho biết: "Các cháu thức dậy chỉ việc ôn bài rồi chuẩn bị đi thi. Tối tui đi bán vé số về sớm, ghé qua chợ mua con cá, mớ rau nấu ăn cho các em ăn. Bữa nào không kịp, tui ghé qua quán cơm bình dân mua cơm hộp".


Bức ảnh kỷ niệm của cụ Hồng chụp cùng với những sĩ tử, sinh viên từng được cụ cưu mang.

Cụ Hồng tâm sự: "Tui có gì thì các sĩ tử ăn đó. Bán được bao nhiêu tiền từ những tờ vé số, tui đều dành dụm, ki cóp mua gạo, thức ăn lo cho các cháu ăn uống, dự thi. Thiếu tiền, tui sẽ đi mượn, không để các cháu phải chịu cảnh nhịn đói đi thi. Tui chỉ mong các cháu đỗ đạt hết".

Nguyễn Tuấn

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-612590/ba-tien-cua-si-tu-ngheo.htm

Sẽ “quét” hết những vật dụng công nghệ cao trong phòng thi ĐH

Posted: 30 Jun 2012 04:09 PM PDT


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

 

 

Không nhất thiết là như vậy nhưng Quy chế sửa đổi thể hiện quan điểm của lãnh đạo Bộ là thi cử nghiêm túc, đảm bảo chất lượng thật của công tác đào tạo và tạo công bằng trong thi cử. Đồng thời minh bạch hóa trong thi cử để xã hội cùng tham gia giám sát và tạo niềm tin với giáo dục đào tạo.

Bởi vì lâu nay việc thi cử chỉ co cụm trong hội đồng thi, khép kín, việc sảy ra như thế nào không ai biết. Bây giờ công khai, cả quần chúng và thí sinh họ có quyền phản ánh rõ ràng. Nếu có hiện tượng tiêu cực thì các cơ quan chức năng xử lý ngay lập tức.

Tuy nhiên, trong Thông tư bổ sung có yêu cầu trách nhiệm thí sinh là không được mang vào phòng thi tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi… nhưng khuyến khích thí sinh tố cáo tiêu cực trong phòng thi. Hai quy định có vẻ ngược nhau vì người tố cáo tiêu cực phải có bằng chứng?

Bộ chỉ cấm mang vào phòng thi những vật dụng và phương tiện gian lận trong thi. Bằng chứng chống gian lận có nhiều cách khác nhau. Nhiệm vụ thí sinh là làm bài nghiêm túc. Ví dụ, giám thị nghiêm túc, thí sinh làm bài nghiêm túc thì không có bằng chứng gì. Mục đích của Bộ là cán bộ và thí sinh giám sát lẫn nhau cả 2 phía, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thi, tạo điều kiện phản ánh tiêu cực trong thi.

Mục đích khuyến khích tiêu cực là phòng ngừa và phản ánh tiêu cực trong thi để giải quyết kịp thời chứ không để xong rồi mới giải quyết thì không được.

Vậy quyền lợi người tố cáo có được đảm bảo không thưa Thứ trưởng?

 

Thí sinh được quyền giám sát cán bộ coi thi

 

Năm nay, dự báo nhiều thiết bị gian lận công nghệ cao. Bộ có biện pháp gì để chống gian lận này thưa Thứ trưởng?

Vì thiết bị công nghệ cao hiện nay quá đa dạng nên Bộ không thể thống kê hết được. Trong điều sửa đổi Quy chế quy định chung là nếu thí sinh sử dụngthiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi… là bị đình chỉ thi. Do không lường trước được những dụng cụ công nghệ cao nên Bộ nói chung như vậy để "quét" hết những vật dụng công nghệ cao trong phòng thi. Thí sinh có thể hiểu điện thoại di động, thiết bị ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu trữ tài liệu kể cả "thô sơ" như "phao" thi tự chế, thiết bị thu, phát… là nằm trong quy định bị cấm mang vào phòng thi.

Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các trường tăng cường tập huấn giám thị, trong quá trình coi thi nếu phát hiện thấy điều gì bất thường phải báo ngay Hội đồng coi thi để xử lý, không được tự xử lý như trước.

Thông tư mới mà Bộ ban hành là cả thí sinh giám sát giám thị chứ không chỉ có giám thị giám sát thí sinh. Vậy nên bắt buộc giám thị phải làm việc nghiêm túc nếu để sảy ra vấn đề gì sẽ bị xử lý rất nặng để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng.

Như Thứ trưởng đã nói, đề thi đại học năm nay không quá dài, không khó, học sinh có lực học trung bình cũng làm được nhằm tạo ra phổ điểm đẹp, có phải như vậy để tránh dư luận nói về chất lượng đào tạo khi điểm thi của thí sinh thấp?

Chủ trương của Bộ là ra đề thi làm sao có tính phân loại cao, không quá dài, không quá khó, không đánh đố thí sinh. Có câu hỏi dễ, câu hỏi khó. Những câu hỏi khó chỉ có học sinh giỏi mới có thể làm được

Đề thi ra để những học sinh trung bình có thể làm được và tập trung ở phổ điểm 4 - 6, tạo cho các trường lựa chọn thí sinh phù hợp với mức độ đào tạo của mình. Như vậy, phổ điểm trung bình sẽ trải rộng ra chứ không để phổ điểm quá thấp như ngày trước.

Thứ trưởng có lời khuyên gì cho thí sinh trước kỳ thi đại học sắp tới?

Còn vài hôm nữa các em thi rồi nên các em cần nghỉ ngơi thật khỏe, tinh thần thoải mái đừng tạo áp lực tâm lý nặng nề trong kỳ thi này. Hãy xem như kỳ thi bình thường.

Năm nay, Bộ cho các em rất nhiều nguyện vọng, kéo dài thời gian xét tuyển. Do vậy, các em vào phòng thi làm hết khả năng của mình vì nếu các em trên điểm sàn của bộ thì rất có nhiều khả năng trúng tuyển vào học trường đại học phù hợp.

Vì đề thi có tính phân loại nên các em phải đọc kỹ đề và chọn những câu hỏi dễ làm trước chứ đừng đương đầu với câu hỏi khó sẽ mất nhiều thời gian.

 

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

 

Hồng Hạnh (thực hiện)

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-612745/se-quet-het-nhung-vat-dung-cong-nghe-cao-trong-phong-thi-dh.htm

Comments