Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012

Posted: 30 Jun 2012 06:20 AM PDT

(GDTĐ)-Thời điểm này, theo thông tin từ các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi, công tác chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ đã được chuẩn bị chu đáo ở tất cả các khâu, sẵn sàng cho một kỳ thi hứa hẹn thành công.

Sinh viên trường ĐH Đồng Nai tiếp sức mùa thi. Ảnh: gdtd.vn
Sinh viên trường ĐH Đồng Tháp tiếp sức mùa thi. Ảnh: gdtd.vn

Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Đồng Tháp – TS. Nguyễn Văn Đệ cho biết, trong 2 đợt thi tuyển sinh ĐH năm 2012 sẽ có hơn 5.000 thí sinh dự thi tại 161 phòng thi của điểm thi Trường ĐH Đồng Tháp. Đợt 1 (ngày 4 – 5/7/2012) thí sinh thi các khối A, A1; đợt 2 (ngày 9 – 10/7/2012) thi các khối B, C, D và các khối năng khiếu (H, M, N, T).

Công tác lựa chọn và tập huấn cán bộ coi thi luôn được nhà trường chuẩn bị cẩn trọng. Hơn 300 cán bộ, giảng viên có học vị cao và nhiều kinh nghiệm của trường đã được huy động tham gia ban coi thi. Hồ sơ của các phòng thi (quy chế phòng thi, các biểu mẫu, giấy thi…) đã được chuẩn bị đầy đủ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kỳ thi đã hoàn tất cả khâu dự phòng.

Nhà trường cũng đã phối hợp với các cơ ngành hữu quan trên địa bàn để cùng đảm bảo về an ninh, giao thông thuận lợi và điện lưới thông suốt trong thời gian kỳ thi diễn ra. Kí túc xá của nhà trường dành hơn 2.500 chỗ ở ưu tiên cho các bạn thí sinh. Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên của trường tổ chức đội sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi năm 2012 với 30 chiến sĩ tình nguyện túc trực ở các nốt giao thông và cổng trường để kịp thời tư vấn, hỗ trợ cho thí sinh và phụ huynh.

Trường ĐH Hà Nội cũng đã hoàn tất công tác chuẩn bị. Theo ông Lê Quốc Hạnh, trưởng phòng đào tạo nhà trường, trường đã cử 100 giảng viên tham gia công tác coi thi đợt 1 và 600 giảng viên tham gia coi thi đợt 2. Đợt 1, ĐH Hà Nội có 1589 hồ sơ đăng ký dự thi, đợt hai vó 9409 hồ sơ đăng ký dự thi, tương đương năm 2011. Năm nay, ĐH Hà Nội có 7 điểm thi tại Hà Nội, trong đó có 2 điểm thi tại trường và 5 điểm thi khác do trường thuê. Tại Vinh, Quy Nhơn và Hải Phòng đều có thí sinh dự thi.

Kỳ tuyển sinh 2012, ĐH Hồng Đức huy động khoảng hơn 1.000 lượt người làm nhiệm vụ thi. Trường huy động khoảng 350 lượt sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi làm nhiệm vụ tạicác bến xe, nhà ga và 13 điểm thi hướng dẫn thí sinh đến đúng địa điểm thi, tìm phòng trọ cho các thí sinh từ xa đến có nhu cầu. Hội đồng tuyển sinh nhà trường cũng đã ban hành Hướng dẫn một số vấn đề cụ thể về công tác tổ chức thi tuyển sinh năm 2012; xây dựng kế hoạch tập huấn cho cán bộ làm nhiệm vụ thi; xây dựng các phương án tổ chức chấm thi; thời gian công bố kết quả thi, xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; thời gian tiếp nhận đơn phúc khảo bài thi; thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng đợt II, III… Năm  2012, Trường ĐH Hồng Đức chỉ sử dụng cán bộ coi thi là cán bộ, giáo viên của trường, không điều động sinh viên coi thi.

Tại Đồng Nai, ngày từ đầu tháng 6, những sinh viên tình nguyện của với 3 trường ĐH có tổ chức thi tuyển của tỉnh (ĐH Lạc Hồng, ĐH Đồng Nai và ĐH Công nghệ Đồng Nai) đã khảo sát các nhà trọ giá rẻ, các quán cơm bình dân để tư vấn cho thí sinh. Riêng tại ĐH Lạc Hồng, đội tiếp sức mùa thi của trường đã tìm được 2.500 chỗ ở miễn phí, giá rẻ và 800 suất cơm miễn phí phục vụ thí sinh. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi các doanh nghiệp vận tải miễn toàn bộ tiền vé trên tất cả các tuyến xe buýt cho thí sinh trong thời gian diễn ra các đợt dự thi ĐH, CĐ. Để được miễn vé, các thí sinh phải xuất trình giấy báo dự thi hoặc thẻ học sinh.

Không chỉ có các trường ĐH, nhiều đơn vị, nhiều tổ chức, cá nhân trên khắp mọi miền đất nước cũng đồng hành cùng các sĩ tử  với nhiều hoạt động thiết thực như hỗ trợ nhà trọ, suất cơm, vé xe…, tạo nên nét đẹp trong mùa tuyển sinh năm nay.
Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201206/San-sang-cho-ky-thi-tuyen-sinh-DH-CD-2012-1962098/

Dạy học qua tranh biếm

Posted: 30 Jun 2012 06:20 AM PDT

Hai sinh viên Khoa Địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã đưa ra phương pháp dạy học đặc biệt khi lồng ghép tranh biếm họa vào tiết giảng.

Hiệu ứng tích cực

Sinh viên Nguyễn Văn Tư cho rằng học bằng tranh biếm họa học sinh (HS) không chỉ có được tiết học vui tươi mà còn nhớ rõ kiến thức.

Tư và bạn học của mình, Nguyễn Thị Thu Hương  đã làm biểu mẫu so sánh tại lớp 10A3 và 10A14 (Trường THPT Trần Hưng Đạo, Q. Gò Vấp, TP.HCM, nơi 2 bạn thực nghiệm sư phạm) và có những thông tin khá lý thú. Trong cùng một bài học, cùng 5 câu hỏi liên quan, nhưng số HS lớp 10A3 (dùng tranh biếm họa giảng dạy) trả lời được 5/5 câu hỏi, cao hơn 2 lần số học sinh lớp 10A14 (dạy bằng phương pháp thông thường). Số lượng HS trả lời được 3/5 câu hỏi của lớp 10A3 cao hơn 3 lần so với 10A14. Tư cho biết: "Tổng thể, có 95% HS trả lời được gần tối đa số câu trắc nghiệm xoay quanh bài học, ở lớp không học bằng tranh biếm họa con số này chỉ 35%. Gần  70% HS trong lớp không học bằng tranh biếm họa chỉ trả lời được khoảng phân nửa câu hỏi, số lượng này ở lớp học bằng tranh biếm họa chỉ 5%".

Gây ấn tượng nên nhớ lâu

Qua quá trình thực nghiệm, hai sinh viên cho rằng tranh biếm họa đã tạo nên không khí vui tươi cho lớp. Đầu tiên nhìn tranh, HS sẽ thấy buồn cười, mỗi em có một nhận định, suy luận khác nhau về ý nghĩa của bức tranh. Khi không khí đã háo hức, trạng thái tâm lý giãn ra, HS  sẽ tiếp thu tốt bài học.

Nguyễn Văn Tư dẫn chứng: "Mình đã dùng ảnh biếm họa vòi nước nhỏ từng giọt vào con heo đất để giúp HS nhớ được nội dung trong bài Thủy quyển – một số nhân tố ảnh hưởng tới chế độ nước sông, một số sông lớn trên trái đất trong SGK địa lý lớp 10. Nhưng sâu xa hơn là giáo dục tư tưởng cho học sinh về vấn đề tiết kiệm nước". Tương tự, tranh biếm họa vẽ một thùng rác dùng tay níu áo người đàn ông đang xả rác bừa bãi với một đề nghị dí dỏm "Em… Em không xin tiền, chỉ xin ông anh một chút ý thức" vừa tạo chi tiết hài, vừa mở rộng thêm kiến thức liên quan đến bài Môi trường và sự phát triển bền vững. Chưa hết, đó còn là dụng ý: kêu gọi mọi người hãy bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi…

Tiến sĩ Nguyễn Văn Luyện – Phó khoa Địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, người trực tiếp hướng dẫn cho 2 sinh viên, nói: "Trong chương trình dạy, có một phần nhỏ về tranh ảnh phục vụ giảng dạy. Nội dung này chưa đến một tiết học. Nhưng Tư đã lanh trí, nắm bắt nhanh và triển khai thực hiện đổi mới phương pháp. Trong SGK, sách hướng dẫn ở các nước, nhất là Pháp, người ta dùng rất nhiều tranh biếm họa phục vụ giảng dạy nhưng ở nước ta thì hiếm dùng".

Đề tài "Sử dụng tranh biếm học trong dạy học địa lý" của Tư và Hương vừa đoạt giải nhì trong nghiên cứu khoa học cấp trường. Điều mà hai sinh viên mong muốn là từ một bức tranh biếm họa, HS vừa nắm được những kiến thức cơ bản liên quan đến chương trình học vừa rút ra được những ý nghĩa thiết thực về xã hội, đời sống dân sinh…

Minh Luân

 

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120629/Day-hoc-qua-tranh-biem.aspx

Sĩ tử đổ về thành phố, tình nguyện viên sẵn sàng tiếp sức

Posted: 30 Jun 2012 04:38 AM PDT

Tại nhà ga và bến xe trung tâm Đà Nẵng không khí nhộn nhịp hẳn lên, hàng trăm thí sinh, phụ huynh tay xách, nách mang lần lượt đổ về Đà Nẵng để tìm phòng trọ và nghỉ ngơi trước ngày thi. Bác Nguyễn Văn Giang, quê Ninh Bình đưa con gái là Nguyễn Văn Xuân dự thi tại ĐHKT Đà Nẵng, cho biết: "Bố con tôi phải sắp xếp vào sớm để tìm phòng trọ chứ hàng năm đọc báo đài thấy ở Đà Nẵng thí sinh đổ về dự thi đông nên khan hiếm phòng trọ".


Các sĩ tử bắt đầu đổ về TP Đà Nẵng dự thi ĐH.

Còn thí sinh Lê Xuân Hải, quê Thanh Hóa, dự thi tại trường ĐHBK Đà Nẵng cho biết: "Em phải sắp xếp vào trước để tránh nhỡ xe, càng gần ngày thi thí sinh vào càng đông nên không thể đặt vé xe được, em cũng muốn vào sớm nghỉ ngơi, ổn định tinh thần để dự thi cho tốt".

Thí sinh Nguyễn Thị Liên quê Quảng Bình cho biết: "Đây là lần thứ 2 em dự thi đại học vì vậy em tranh thủ si sớm vào ổn định chỗ ở và tinh thần để thi cho tốt. Rút kinh nghiệm năm trước đi đến điểm thi muộn, không tìm được chỗ ở lại hoang mang vì lần đầu lên thành phố nên tinh thần em không ổn định lắm để làm bài, năm nay em quyết tâm thi đậu vào trường ĐHSP Đà Nẵng".

Cũng trong ngày hôm nay tại các điểm nóng như bến xe, nhà ga, các cổng trường ĐH, CĐ như ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm Đà Nẵng, các SV tình nguyện tham gia tiếp sức mùa thi đã bắt đầu có mặt để tiếp sức và tư vấn cho các thí sinh.

Tại cổng trường ĐH Bách khoa, trong ngày hôm 29/6, các SV tình nguyện đã tham gia tư vấn giới thiệu chỗ ở miễn phí, giá rẻ cho hơn 2.000 lượt thí sinh và phụ huynh.


Tình nguyện viên đang tư vấn và phát bản đồ miễn phí cho sĩ tử.

Tại bến xe Đà Nẵng, các đội SV tình nguyện đồng hương các tỉnh cũng bắt đầu có mặt. Các bạn sinh viên tình nguyện hội đồng hương Lệ Thủy, Quảng Bình cho biết năm nào đội cũng tham gia tiếp sức mùa thi, chở và tìm phòng trọ miễn phí cho thí sinh và phụ huynh đến Đà Nẵng dự thi.


SV tình nguyện giới thiệu nhà trọ miễn phí cho thí sinh tại bến xe.

Cũng như mọi năm, năm nay không khí nhường phòng giúp sĩ tử cũng bắt đầu rộ lên trong giới sinh viên Đà Nẵng. Tại kiệt 1,2,4 đường Phạm Như Xuơng, nhiều SV đã chủ động giao lại chìa khóa cho chủ trọ để đón thí sinh vào ở miễn phí. SV Lê Hoài Thu cho biết: "Năm trước mình cũng ở lại giúp đỡ các bạn thí sinh, năm nay trước khi ra trường mình cũng nán lại thêm một thời gian để liên hệ phòng trọ và đón tiếp các em thí sinh vào phòng ở miễn phí".

Các gia đình có nhà trọ tại khu vực Hòa Khánh quận Liên Chiểu cũng bắt đầu sửa soạn phòng trọ và nhà ở để đón sĩ tử vào ở miễn phí. Bác Châu có khu nhà trọ trên đường Phạm Như Xương cho biết: "Giúp đỡ các cháu thí sinh là việc nên làm, năm trước tôi đưa con ra Hà Nội dự thi đi tìm phòng trọ mới biết khó khăn như thế nào, năm nay tôi bàn với vợ dọn nhà để đón thí sinh vào ở miễn phí.

Đỗ Luyến

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-612793/si-tu-do-ve-thanh-pho-tinh-nguyen-vien-san-sang-tiep-suc.htm

“Tân vương” Olympia chia sẻ cách ôn thi ĐH

Posted: 30 Jun 2012 04:37 AM PDT

Kỳ thi ĐH, CĐ 2012 sắp diễn ra. Thời điểm đã cận kề, "tân vương" Olympia 2012 – Đặng Thái Hoàng và Thân Ngọc Tĩnh – giải nhì đã chia sẻ phương pháp ôn nhanh để chuẩn bị cho kỳ thi ĐH sắp tới. Hai bạn đưa ra lời khuyên: Nên hệ thống lại kiến thức, tránh áp lực tâm lý để có kết quả thi tốt nhất.

Hệ thống lại kiến thức đã ôn

Theo Thái Hoàng, đây là thời điểm mà thí sinh (TS) nên khái quát lại tất cả những gì mình đã "thu gom" được trong quá trình ôn. Vì ôn thi ĐH là một quá trình dài tích lũy, đào sâu kiến thức, đòi hỏi sự nỗ lực cá nhân và phương pháp ôn thích hợp nên nếu không hệ thống lại thì rất dễ để "rơi vãi thành quả", ảnh hưởng tới kết quả thi.

"Vẫn có thể phân theo chủ đề ôn cho mỗi môn như: môn Toán phân thành các chủ đề về Lượng giác, Hàm số, Tổ hợp, Đẳng thức và Bất đẳng thức…; môn Vật lý phân chủ đề theo các chương của SGK như Giao động cơ học, Giao động điện từ, Ánh sáng…; môn Lịch sử phân chủ đề theo giai đoạn lịch sử, nội dung các sự kiện lớn, hoàn cảnh, diễn biến, ý nghĩa của các phong trào cách mạng…; môn Văn ôn theo tác giả, nghị luận xã hội, nghị luận văn học, lưu ý sự kiện quan trọng đang diễn ra trong xã hội…; môn Hóa thì theo hóa học hữu cơ, hóa học vô cơ…; môn Anh văn theo các phần của dạng đề thi những năm trước" – Thái Hoàng chia sẻ.



Trước khi đi Úc du học, Thái Hoàng vẫn chăm chỉ ôn để tham gia kỳ thi ĐH 2012. Theo Hoàng, kỳ thi này sẽ giúp Hoàng có thêm trải nghiệm, trau dồi, đánh giá kiến thức bản thân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chung quan điểm, Ngọc Tĩnh cho rằng hầu hết đề thi ĐH những năm trước đều nằm trong chương trình THPT. Lượng kiến thức này khá "đồ sộ", cần một quá trình ôn lâu dài, thường xuyên mới có thể hiểu được trọn vẹn. Vì thế, trong thời gian ngắn này, TS thi khối các môn tự nhiên như A, A1, B… chỉ nên dành thời gian xem lại các công thức, định lý, phương pháp giải các dạng bài tập quan trọng đã được giáo viên chỉ trên lớp, không nên lãng phí thời gian vào việc tìm "đề thi lạ" để giải. Với TS thi khối các môn xã hội, không nên "bói đề, học tủ" mà cần xem lại cách trình bày ý làm sáng tỏ nội dung chính khi làm bài thi, tham khảo cách "chẻ ý tính điểm" trong đáp án của Bộ GDĐT trong đề thi ĐH những năm trước.

Tài liệu ôn tốt nhất là SGK

"Không còn thời gian để đọc các loại sách tham khảo lan man, vì không chắc những cuốn sách đó có nhiều kiến thức phục vụ cho việc thi ĐH. Đa phần kiến thức trong đề thi ĐH, CĐ đều nằm trong SGK. Bởi vậy, bám sát SGK để ôn là phương pháp hiệu quả nhất… SGK là tài liệu chính thống, đề thi, đáp án cũng dựa vào đây mà ra nên em nghĩ những TS nào học kỹ kiến thức đó sẽ có điểm cao" – Thái Hoàng nhận định.

Ngọc Tĩnh chia sẻ: "Em cũng hay đọc sách tham khảo, nhất là những cuốn sách phục vụ ôn thi ĐH khối A và D. Mỗi khi đọc em thường để ý các dữ kiện quan trọng có trong những cuốn sách này để so sánh với những dữ kiện trong SGK. Nếu có sự khác nhau về nội dung giữa hai loại sách này thì em luôn lấy dữ liệu trong SGK làm chuẩn. Theo em thì chỉ cần học thật kỹ SGK kết hợp với những kiến thức thầy, cô dạy trên lớp là đã có cơ hội cao để đậu ĐH… Điều này có thể chứng minh bằng việc nhiều năm nay nội dung đề thi ĐH yêu cầu có đến 70%-80% kiến thức nằm trong SGK".

Tự tin để chiến thắng

Theo Ngọc Tĩnh và Thái Hoàng, tâm lý căng thẳng, hồi hộp sẽ khiến TS quên đi nhiều kiến thức đã tích lũy được. Khi tiếp xúc với đề thi mà quá hồi hộp thì không thể suy nghĩ, tìm cách giải quyết tốt nhất cho yêu cầu của đề bài. Trong những ngày này, nhiều TS còn gồng mình, thức thâu đêm để ôn. Điều này rất dễ làm TS kiệt sức khi vào phòng thi, không thể hoàn thành bài thi một cách tốt nhất.

"Nên tạo cho mình tâm lý thật thoải mái để thi tốt. ĐH không phải là con đường duy nhất để thành công. Đừng quá quan trọng là phải đậu bằng được. Vì đôi khi chính ý nghĩ "đậu bằng mọi giá" sẽ là vật cản dẫn đến thực trạng dù đã cố hết sức cũng không thể nào đậu được… Thực tế chỉ 1/3 TS có cơ hội được bước vào ĐH mỗi năm. Bởi vậy, ai bản lĩnh, tự tin, có sự chuẩn bị tốt hơn người đó sẽ chiến thắng" – Thái Hoàng bộc bạch.

Pháp luật TPHCM

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-612659/tan-vuong-olympia-chia-se-cach-on-thi-dh.htm

Không cấm thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi

Posted: 29 Jun 2012 03:32 PM PDT

(TNO) Sáng nay 29.6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2012.

Theo đó, Bộ GD-ĐT bổ sung quy định về việc tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh tiêu cực trong kỳ thi theo điều 36a. Đồng thời bỏ quy định cấm thí sinh mang phương tiện kỹ thuật thu, phát, ghi âm, ghi hình vào phòng thi.

Cụ thể Điểm d, Khoản 3, Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau: "Không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi. Không được hút thuốc trong phòng thi".

Bộ cũng bổ sung hẳn một chương quy định về việc xử lý thông tin phản ánh tiêu cực trong kỳ thi và chế độ báo cáo lưu trữ. Cụ thể bổ sung Điều 36a như sau: Nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh bao gồm: Ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD-ĐT; Hội đồng tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng. Thanh tra tuyển sinh và Thanh tra giáo dục các cấp. Các bằng chứng vi phạm quy chế sau khi đã được xác minh về tính xác thực là cơ sở để xử lý đối tượng vi phạm.

Bộ cũng đã có quy định việc cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh. Cụ thể:

Khuyến khích thí sinh, những người tham gia công tác tuyển sinh, quần chúng nhân dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh.

Người phát hiện những hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh cần kịp thời báo cho nơi tiếp nhận quy định tại khoản 1 của điều này để có biện pháp xử lý.

Người có bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận quy định tại khoản 1 của điều này trong vòng 7 ngày từ khi kết thúc ngày thi để xử lý.

Người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi….

  Vũ Thơ

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120629/khong-cam-thi-sinh-mang-may-ghi-am-ghi-hinh-vao-phong-thi.aspx

Chung kết Olympia, các nhà giáo dục muốn sửa sai

Posted: 29 Jun 2012 03:32 PM PDT

– "Sự cố" trong vòng chung kết cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" đã được Ban Tổ chức xác nhận và đưa ra lời xin lỗi, tuy nhiên kết quả không thay đổi. Xung quanh kết quả này, các nhà giáo dục có góc nhìn khác so với các nhà tổ chức trò chơi truyền hình.

 

Thầy Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường Chuyên Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội: "Tôi nghiêng về thi lại!"

Bài toán trong phần thi Tăng tốc, chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2012 là sai. Tôi đã xem và thấy không bao giờ đúng. Đề ra như vậy đã không thuyết phục. Và không thể có đáp án đúng.

Nếu bài sai mà không ảnh hưởng đến tổng điểm của các thí sinh thì chấp nhận được. Nhưng ở đây lại liên quan đến kết quả chung cuộc và thứ hạng của học sinh. Đó là điều nhà đài cần nghiêm túc xem xét.

Tiêu chí của giáo dục là công bằng. Kinh nghiệm bao năm làm giáo dục tôi hiểu rằng trẻ con nếu không công bằng chúng sẽ không tin đâu. Người thầy chỉ có uy tín khi và chỉ khi công bằng với bọn trẻ.

Trong trường hợp này tôi rất thông cảm và thấy khó xử cho VTV. Nhưng nhiều khi cũng nên nhìn thẳng vào sự thật. Ở đây sai lầm lớn nhất là người ra và thẩm định đề. Trẻ không có lỗi.

Nếu sai thì phải sửa. Việc Trường PT Năng khiếu ĐHQG TP. HCM có văn bản đề nghị tới Ban tổ chức cũng đúng thôi. Cần giải quyết dứt điểm, đừng để sự việc kéo dài dai dẳng. Nếu một buổi quay và thi lại mang niềm tin cho trẻ thì nên làm. Tôi nghiêng về hướng đó.

GS NGND.Nguyễn Lân Dũng: "Nếu sai phải nhận lỗi và sửa sai”

Tôi từng có thời gian tham gia cố vấn  cho sân chơi Ai là triệu phú của VTV3 và hầu như không lần nào lại không phát hiện ra sai sót ở câu hỏi, đáp án. Không ai am hiểu tất cả. Tôi phải vất vả tra cứu. Một thuận lợi lớn là có mạng Internet để kiểm tra.

Hỏi 1/1000 mm là gì? Anh trả lời 1 micrômét- đúng thì bảo sa. Đáp áni là 1 micron hay 1 muy. Nhưng đó là thuật ngữ cũ rồi!

Vậy người thẩm định hay cố vấn phải có tâm thì mới làm được. Bởi công việc vừa mất thì giờ và thù lao không đáng kể. Nếu thấy câu hỏi khó cần hỏi thêm các chuyên gia hoặc tra cứu. Nếu biết ngoại ngữ và kiến thức cơ bản thì việc phát hiện ra sai sót cũng không khó lắm.

Mỗi người chỉ phụ trách một chuyên môn hẹp nên phải có Ban cố vấn, bởi ai cũng có lúc sai. Tôi phụ trách mảng Hỏi gì – Đáp nấy trên báo Nông nghiệp VN cũng có lần trả lời sai vì tham khảo tài liệu sai. Và mình xin lỗi khi có nạn đọc phát hiện ra chỗ trả lời thiếu chính xác.

Ở đây là cuộc thi đính kèm phần thưởng vật chất thì càng phải cẩn thận. Nếu sai thì phải nhận lỗi, không thể bao biện. Tôi từng làm giám khảo cuộc thi về giải pháp Bảo vệ môi trường do Toyota tài trợ. Cũng có những kiện cáo kéo dài vì giải nhất lên đến 200 triệu đồng. Chúng tôi phải xem xét rất nghiêm túc. Họp Ban giám khảo nhiều lần, mời nhiều chuyên gia và thấy vụ kiện đó sai nên kiên quyết bảo vệ trên tinh thần khoa học.

Chuyện sai sót là không tránh được. Vấn đề là xử lí ra sao. Sai thì phải nhận ra sai. Trong một bài viết Bác Hồ đã lấy đầu đề là “Nước ta là một nước dân chủ”. Đấy là một sự khẳng định mà chúng ta cần thấm nhuần.

Trong mọi trường hợp chúng ta phải thực thi quyền dân chủ của quần chúng. Việc học sinh đã ký vào văn bản đồng ý với kết quả cuộc thi, không khiếu nại khi hết chương trình tôi cho là một việc làm thiếu dân chủ.

Không chỉ BTC, Ban lãnh đạo Đài THVN phải xem xét sai sót này. “Đường lên đỉnh Olympia” là một chương trình hay, có ích, được xã hội và các em học sinh hưởng ứng. Tôi mong chương trình tiếp tục duy trì và phát triển.

Tôi rất tiếc vì không được mời thẩm định các câu hỏi. Tôi không am hiểu mọi lĩnh vực nhưng vì hay trả lời nên có thuận lợi ở việc thẩm định. Dù bận song với các cháu học sinh tôi luôn sẵn sàng, chưa bao giờ từ chối.

Là chương trình có uy tín, chương trình phải làm gương cho học sinh. Nếu sai nên rút kinh nghiệm và phải sửa. Nguyên tắc là phải công bằng. Khoa học thì phải chính xác. Nếu vi phạm tính chính xác thì phải trung thực để sửa đổi. Tôi hiểu với nhà đài có cái khó nhưng phải dũng cảm để sửa sai, giữ uy tín cho chương trình.

Vô địch Olympia 2012 : “Em sẵn sàng thi lại”

Chiều 27/6, Đặng Thái Hoàng nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2012 đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở với VietNamNet xung quanh những nghi ngờ về chuyện "lộ đề" và câu hỏi sai cũng như chiến thắng vừa qua của em.

Thái Hoàng chia sẻ: “Về nghi án lộ đề em nghĩ đấy là những nhận xét không công bằng. Em khẳng định không có chuyện đó. Có thể vì giải thưởng lớn, nhiều vinh quang nên mọi người có thắc mắc, thậm chí chửi bới thậm tệ em trên facebook hay youtube. Câu hỏi IQ em cũng đã nhẩm tính ra kết quả gần bằng 6 nên em làm tròn. Với thời gian chỉ có 30 giây việc em chọn đáp án C là bình thường”.

Bạn cũng thẳng thắn cho rằng: “Trường hợp bị mất điểm ở câu hỏi IQ chắc chắn em không lựa chọn gói 40 điểm đề về đích an toàn mà sẽ chọn hoặc gói 60 điểm hoặc 80 điểm. Đặt trường hợp phải có trận thi đấu lại em sẵn sàng thôi. Nhưng em nghĩ BTC đã có luật lệ nên việc đó rất khó xảy ra. Bọn em đi thi không xác định phải có chiến thắng. Quan trọng mọi người đã có sân chơi để thể hiện hiểu biết của mình”.

  • Văn Chung (Ghi)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/78469/chung-ket-olympia--cac-nha-giao-duc-muon-sua-sai.html

Comments