Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Cần lắm sự đổi mới

Posted: 27 Jun 2012 03:23 PM PDT

Cần lắm sự đổi mới

TT – Đáp án môn ngữ văn (kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2012-2013 ở TP.HCM) vừa được Sở GD-ĐT TP.HCM công bố sáng 26-6 đã làm nức lòng nhiều giáo viên và học sinh. Đúng như mong đợi của dư luận, một đề thi "mở hết cỡ" thì đáp án cũng "mở hết cỡ" theo hướng có lợi cho thí sinh.

Đáp án 3 môn tuyển sinh lớp 10 TP.HCM

Một giáo viên môn ngữ văn ở Q.3 nhận xét: "Ba năm gần đây giáo viên chúng tôi đều mong chờ đề thi tuyển sinh lớp 10 để tìm cái mới trong đề thi, tìm động lực để mình cố gắng đổi mới phương pháp giảng dạy. Và đề thi năm nay thật sự vừa hay vừa lạ. Dấu hiệu đáng mừng tiếp theo là đáp án cũng khá hay. Ví dụ: câu số 3 là câu nghị luận xã hội, đáp án đã chỉ rõ: vấn đề cần nghị luận là sự vô cảm, ích kỷ. Tuy nhiên, nếu thí sinh bàn về sự bất hiếu, vô ơn… vẫn đạt điểm trên trung bình (đáp án có lưu ý các giám khảo: Nếu thí sinh có kỹ năng làm bài tốt nhưng chỉ đi sâu bàn luận vào một vài khía cạnh và có suy nghĩ riêng, hợp lý thì vẫn đạt điểm tối đa)".

Ở câu 4 cũng vậy, câu hỏi là "Chọn và phân tích một hoặc hai khổ thơ trong văn học VN hiện đại ở chương trình lớp 9 để nêu bật vẻ đẹp của con người VN" – trái ngược với lo lắng của nhiều giáo viên, đáp án đã "chấp nhận thí sinh phân tích hai khổ thơ cùng hoặc khác bài; chấp nhận phân tích để nêu bật một hoặc nhiều vẻ đẹp của con người VN, giám khảo cần căn cứ vào mức độ phong phú, sâu sắc của bài làm để đánh giá số điểm".

Thế nhưng, "bật mí" với Tuổi Trẻ, một giám khảo môn văn cho biết: "Thí sinh vẫn chưa quen với đề thi mở. Vì chưa quen nên nhiều em không đạt được điểm tối đa của câu 3, lý do là các em không tìm ra được luận điểm cần bàn luận: sự vô cảm. Vì chưa quen nên câu 4 của đề thi yêu cầu thí sinh phân tích thơ để nêu bật vẻ đẹp con người Việt Nam nhưng rất nhiều em chỉ làm được vế 1 tức là phân tích thơ, còn "vẻ đẹp con người VN" thì không nêu được. Đây là hậu quả của một thời kỳ dài chúng ta dạy và học theo văn mẫu, học trò sợ nói sai, sợ nói lệch nên cứ dựa vào ý của cô giáo dạy trên lớp mà không dám sáng tạo, không biết tư duy".

Từ đề thi và đáp án môn ngữ văn năm nay mới thấy: cần lắm phải đổi mới phương pháp dạy và học văn trong trường phổ thông.

HOÀNG HƯƠNG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/498893/Can-lam-su-doi-moi.html

Đề thi ĐH sẽ không quá dài, không quá khó

Posted: 27 Jun 2012 03:20 PM PDT

(GDTĐ)-Chỉ còn thời gian ngắn nữa sẽ bắt đầu kỳ tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2012. Phóng viên báo Giáo dục và Thời đại điện tử đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga xung quanh kỳ thi quan trọng này.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: gdtd.vn
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: gdtd.vn

PV. Xin Thứ trưởng cho biết những điểm mới thí sinh cần lưu ý trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 sắp diễn ra?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Những điểm mới của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay Bộ GDĐT đã gửi đến tất cả các trường, các sở GDĐT cũng như đã thông báo rộng rãi cho thí sinh. Từ sau hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ đầu năm những điểm mới này đã được quyết định. Ví dụ như: Thí sinh trong vùng thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ được xét tuyển thẳng và không phải thi; học sinh đoạt giải quốc gia được tuyển vào ngành phù hợp với môn em đoạt giải, những ngành này Bộ cũng đã có thông báo cho thí sinh biết để lựa chọn.

Ngoài ra, năm nay, Bộ tổ chức thêm cụm thi Hải Phòng cho đối tượng là các thí sinh ở Hải Phòng và Quảng Ninh; mở rộng cụm thi ở Vinh để các em dự thi vào các trường ĐH ở thành phố HCM có thể thi tại Vinh mà không phải đi xa nữa. Bộ cũng giao quyền tự chủ cho các trường trong việc xét tuyển nguyện vọng, không giới hạn nguyện vọng của thí sinh, các trường có thể tuyển nhiều đợt, không quy định điểm nguyện vọng sau phải cao hơn điểm nguyện vọng trước.

PV. Năm nay, chủ trương ra đề thi của Bộ GDĐT sẽ như thế nào thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Rút kinh nghiệm năm trước, Bộ GDĐT chỉ đạo các tổ ra đề thi ra đề không quá khó, không quá dài, không đánh đố thí sinh để thí sinh trung bình cũng có thể làm được. Cùng với đó, đề phải có tính phân loại cao, nghĩa là với phổ điểm rải đều và điểm cực đại của phổ điểm phải nằm trong vùng điểm trung bình để các trường có thể lựa chọn được thí sinh phù hợp vào học các ngành đào tạo ở các nhu cầu đầu vào khác nhau. Năm ngoái, môn Ngữ văn, Địa, Sinh học có phổ điểm tốt. Năm nay, sẽ cố gắng tất cả các đề thi đều có phổ điểm đẹp như vậy để công tác phân loại thí sinh đạt kết quả tốt.

PV. Còn công tác sao in đề thi, Bộ GDĐT có đổi mới gì so với các mùa thi trước?


Thứ trưởng Bùi Văn Ga:
Năm nay, Bộ GDĐT quyết định chuyển đề thi bằng giấy, cơ sở sao in chỉ việc lấy đề gốc và nhân bản ra. Như vậy, chỉ cần máy photocopy thật tốt chứ không phải dùng máy tính hay các phần mềm khác để xử lý. Một số sai sót xảy ra trước kia là vì hệ thống máy tính các cơ sở không tương thích nhau cũng như sử dụng phần mềm khác, máy in khác nên mới xảy ra sự cố. Năm nay, Bộ bỏ thủ tục rườm rà đó nên tin chắc sẽ không có sai sót như những năm trước đây.

PV. Thế còn việc thanh tra xử lý vi phạm trong kỳ tuyển sinh năm nay có gì khác so với những năm trước không thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Năm nay, Bộ sẽ không thanh tra cắm chốt như những năm trước, chỉ cắm chốt những cụm thi quốc gia, những điểm thi lớn. Còn lại, Bộ tổ chức những đoàn kiểm tra lưu động trên cả 3 miền. Trong quá trình thanh tra lưu động không báo trước như vậy nếu phát hiện tình huống gì sẽ xử lý ngay. Làm như vậy sẽ có bức tranh chân thực hơn trong việc tổ chức thi, cũng sẽ giúp lãnh đạo Bộ, ban chỉ đạo thi nắm được tình hình chung và xử lý các tình huống kịp thời.

PV. Đến giờ phút này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất chưa thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Hiện tất cả công tác chuẩn bị thi đã sẵn sàng. Ban đề thi đã làm xong đề thi của đợt thi thứ nhất và bàn giao cho cơ sở sao in đề thi. Tất cả các đơn vị tham gia công tác tổ chức thi đã hoàn tất khâu chuẩn bị, các hội đồng thi đã gửi giấy báo cho thí sinh. Bộ GDĐT sẽ gửi công điện cho các Bộ, ban, ngành, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố để cùng hỗ trợ công tác tuyển sinh năm nay…

PV. Cuối cùng, Thứ trưởng có lời gì nhắn nhủ đến các thí sinh tham gia kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ không còn bao lâu nữa. Lời khuyên đầu tiên của Bộ GDĐT là các em nên hết sức bình tĩnh, xem kỳ thi này giống như kỳ thi học kỳ bình thường, đừng quá nặng nề gây áp lực tâm lý. Thứ hai, trong thời gian còn rất ngắn này, các em không phải chạy đôn chạy đáo để học thêm ở các lò luyện mà nên tự ôn tập và hệ thống lại kiến thức đã học ở phổ thông, chủ yếu là lớp 12, biến kiến thức đó thành của mình. Mỗi người có một cách nhớ, cách học riêng, không ai có thể học thay các em được.

Năm nay, Bộ GDĐT cho các trường xét tuyển không giới hạn nguyện vọng, các em có thể nộp nhiều trường để xét tuyển nếu đạt điểm sàn trở lên. Vì vậy, hãy cố gắng tối đa đạt điểm trên sàn để có thể tham gia xét tuyển và tìm được chỗ học phù hợp.

Năm nào, Bộ GDĐT cũng chủ trương đề không quá dài, không quá khó, không đánh đố nhưng có tính phân loại nên có câu dễ, câu trung bình và câu khó. Vì vậy, khi làm bài, các em tùy theo năng lực của mình, lựa chọn những câu nào sức mình làm được thì làm trước, đừng đương đầu với những câu khó quá, tránh mất nhiều thời gian. Năm nay, học sinh trung bình, chăm chỉ, cần cù, làm bài nghiêm túc chắc chắn sẽ trúng tuyển.

Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201206/De-thi-DH-se-khong-qua-dai-khong-qua-kho-1962053/

Đề thi ĐH, thí sinh có lực học trung bình cũng làm được

Posted: 27 Jun 2012 03:19 PM PDT

Đề thi ĐH, thí sinh có lực học trung bình cũng làm được

Sau khi xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học đối với thí sinh đăng ký dự thi vào trường, nếu còn chỉ tiêu, các trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, trang thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng khác điều kiện xét tuyển bổ sung, gồm: Hồ sơ đăng ký xét tuyển (ghi rõ nhận bản gốc hay bản sao Giấy chứng nhận kết quả thi); Thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển mỗi đợt; Thời gian công bố điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển; Thời gian nhập học; Chỉ tiêu cần xét tuyển; ngành và khối xét tuyển; mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển; vùng tuyển, nguồn tuyển;…

Bộ yêu cầu hàng năm, chậm nhất là ngày 31/12, các trường phải báo cáo về Bộ kết quả tuyển sinh, kết quả thực hiện chỉ tiêu của năm.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-611724/de-thi-dh-thi-sinh-co-luc-hoc-trung-binh-cung-lam-duoc.htm

VTV nhận lỗi sai sót, giữ kết quả CK Olympia 2012

Posted: 27 Jun 2012 03:19 PM PDT

- Chiều 27/6, sau cuộc họp với ban cố vấn, Ban tổ chức cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia quyết định giữ nguyên kết quả trận thi đấu chung kết và có "lời xin lỗi chân thành" vì "sơ suất rất đáng tiếc" ở câu hỏi phần thi Tăng tốc.

 

Các thí sinh đang chạy đua về điểm số trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2012.Ảnh: Văn Chung.

Chiều muộn ngày 27/6, Ban Tổ chức (BTC) cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và Ban cố vấn chương trình đã cùng làm việc để xem xét lại toàn diện những vấn đề liên quan đến cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 12mà dư luận phản ánh.

Theo BTC: "Chúng tôi nhìn nhận và xem xét một cách hết sức nghiêm túc, cầu thị những vấn đề dư luận đã nêu liên quan đến trận Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 12 vừa qua cũng như trách nhiệm của chương trình với các thí sinh, cộng đồng Olympia và công chúng".

"Sơ suất đáng tiếc"

Liên quan đến câu hỏi ở phần thi Tăng tốc, theo lý giải của BTC: "Ở phần thi Tăng tốc, theo Luật thi của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 12, có 4 câu hỏi dạng tư duy logic, câu hỏi bằng hình ảnh với độ khó giảm dần và câu hỏi thứ nhất là một câu hỏi IQ.

Câu hỏi IQ tại cuộc thi Chung kết: "Cần bao nhiêu mặt trời để cán cân thăng bằng" với các dữ liệu dựa trên các hình vẽ là một câu hỏi chưa thật chặt chẽ.

Ở câu hỏi này, khi MC hỏi Hoàng về đáp án, em Hoàng có giải thích: "Sau một loạt quy đổi, nói chung là nhân chia phân số rất lằng nhằng thì ta thấy là nếu thêm 6 mặt trời vào đây sẽ tương đương với số lượng sao bằng với bên kia".

Theo cố vấn của chương trình, đáp án C (6) là chấp nhận được với cách tư duy:

Từ cân thứ nhất suy ra 1 ngôi sao = 1,5 mặt trời. Thay vào cân thứ hai suy ra 1 mặt trăng = 7/6 mặt trời. Suy ra: ở cân thứ ba, đĩa trái 1 mặt trăng + 3 ngôi sao = 7/6 + 4,5 mặt trời = 5,6666 mặt trời, xấp xỉ bằng 6. Áp dụng luật làm tròn số, đáp án C chấp nhận được. Bởi, một câu hỏi IQ có thể chấp nhận cách tư duy thực tế chứ không hoàn toàn lí thuyết như Toán học. Câu hỏi sẽ chặt chẽ nếu đầy đủ là "Cần khoảng bao nhiêu mặt trời để cân cân bằng?".

Đưa một câu hỏi thiếu chặt chẽ là một sơ suất đáng tiếc trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 12. Chúng tôi đã nghiêm túc rút kinh nghiệm để không lặp lại những sơ suất tương tự.

Giữ nguyên kết quả chung cuộc

Với đáp án ở phần thi Tăng tốc chấp nhận được của em Hoàng, BTC chương trình đã quyết định giữ nguyên kết quả chung cuộc của chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2012.

Theo BTC, “đây là một cuộc thi trên truyền hình được tổ chức với mục đích khuyến khích học tập và tìm kiếm các bạn học sinh xuất sắc trên toàn quốc để có cơ hội nhận học bổng du học ở nước ngoài.”

Và rằng: "Tất cả các bạn học sinh yêu mến và đến với Đường lên đỉnh Olympia được Ban tổ chức coi trọng như nhau và được bảo vệ bằng luật chơi và quy định riêng của chương trình. Trên thực tế, cả 4 bạn có mặt trong trận chung kết đều là những học sinh rất xuất sắc và đã rất cố gắng chơi với tinh thần đoàn kết, học hỏi lẫn nhau. Đó mới là điều quan trọng nhất làm nên ý nghĩa của một chương trình khuyến học như Đường lên đỉnh Olympia".

Những người tổ chức chương trình "cảm thấy rất đáng tiếc và gửi lời xin lỗi chân thành" tới các thí sinh, ban cố vấn và các khán giả yêu mến chương trình.

  • Văn Chung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/78266/vtv-nhan-loi-sai-sot--giu-ket-qua-ck-olympia-2012.html

Các trường ĐH tăng cường tập huấn gian lận phòng thi công nghệ cao

Posted: 27 Jun 2012 03:18 PM PDT

Thí sinh dự thi đại học năm 2011.

Tập huấn gian lận công nghệ cao

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm nay có gần 20.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó khối A là 14.864 thí sinh và khối D1 là 5.795. Theo GS Nguyễn Quang Dong, trưởng phòng đào tạo nhà trường, hiện trường đã hoàn tất công tác chuẩn bị thi. Nhà trường đã chuẩn bị 20 điểm thi khối A với 444 phòng thi và 9 điểm thi khối D1 với 150 phòng thi, huy động hơn 1.000 cán bộ coi thi. Các giấy tờ thi cũng đã được in xong với 110.000 tờ giấy thi, 158.000 tờ giấy nháp và 41.000 phiếu trả lời trắc nghiệm.

Số lượng thí sinh dự thi đông và để đề phòng chống gian lận công nghệ cao, GS Nguyễn Quang Dong cho biết: " Rút kinh nghiệm từ vụ clip quay cóp ở trường THPT dân lập Đồi Ngô, trường đã mô phỏng bút quay phim công nghệ cao đó trong các buổi tập huấn cho giám thị để tìm hiểu và nâng cao cảnh giác trong coi thi. Bởi vì quan trọng nhất trong phòng chống gian lận thi cử là sự nghiêm túc của giám thị. Nếu giám thị nghiêm thì học sinh sẽ không quay cóp được gì. Do vậy, trách nhiệm của giám thị đặt lên hàng đầu trong mỗi buổi thi".

Cũng rút kinh nghiệm từ vụ clip quay thi ở trường THPT DL Đồi Ngô, Học viện Ngân hàng đã lấy ví dụ điển hình này nêu ra trong các buổi tập huấn quy chế thi cho cán bộ coi thi. Ông Trần Mạnh Dũng trưởng phòng đào tạo Học viện cho biết: "Trước khi thí sinh vào phòng thi, trách nhiệm cán bộ coi thi phải kiểm soát, quan sát các biểu hiện của thí sinh để ngăn chặn gian lận trong thi vì nếu để sảy ra sẽ rất nguy hiểm".

Được biết, mùa tuyển sinh này, Học viện Ngân hàng, khối A có 8.949 thí sinh dự thi và khối D1 là 1.346 thí sinh với 750 cán bộ coi thi.

Năm nay, trường ĐH Mỏ Địa chất có 13.525 thí sinh dự thi, nhà trường đã chuẩn bị 358 phòng thi với gần 1.000 cán bộ coi thi. Cũng để phòng chống gian lận công nghệ cao trong thi, PGS.TS Lê Trọng Thắng trưởng phòng đào tạo nhà trường, hiện cho biết, nhà trường đã tổ chức tập huấn kỹ cho cán bộ coi thi và yêu cầu cán bộ coi thi giám sát, nhắc nhở thí sinh không được mang bất cứ tài liệu nào vào phòng thi. Đặc biệt, quan tâm tới hành vi, thái độ của thí sinh trong phòng thi.

Thanh tra các điểm thi không báo trước

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, tuyển sinh 2012, Bộ sẽ thành lập các đoàn thanh tra (hoặc cử cán bộ thanh tra cắm chốt), kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi và xét tuyển tại một số hội đồng tuyển sinh theo hình thức thanh tra không báo trước tại kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012.

Với các cơ sở giáo dục đại học, thành lập các đoàn thanh tra (hoặc cử cán bộ thanh tra cắm chốt) để thực hiện các nội dung: thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, công tác coi thi, chấm thi, thanh tra công tác chấm phúc khảo, thanh tra công tác xét tuyển.

Bộ GD-ĐT yêu cầu, khi phát hiện thí sinh vi phạm quy chế, cán bộ thanh tra phải kiên quyết yêu cầu cán bộ coi thi xử lý theo quy định,

Bộ GD-ĐT đã quy định những vật dụng không mang vào khu vực thi và phòng thi là giấy than, bút xóa, các tài liệu, vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi và các vật dụng khác; Không được hút thuốc, sử dụng điện thoại di động trong phòng thi.

Khi vào phòng thi, nếu thí sinh còn mang theo tài liệu, vật dụng trái phép dù đã sử dụng hay chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-611720/cac-truong-dh-tang-cuong-tap-huan-gian-lan-phong-thi-cong-nghe-cao.htm

Cần có những điển hình có khả năng lôi cuốn, cổ vũ cho cả bậc học, cả ngành GD

Posted: 27 Jun 2012 03:18 PM PDT

(GDTĐ) – Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận tại Hội nghị giao ban lần thứ 3 cụm thi đua vùng 7 gồm 5 thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh được tổ chức tại Đà Nẵng vào sáng ngày 26.6. Theo Bộ trưởng, hiện nay, trong thi đua khen thưởng, đơn vị xuất sắc, tiên tiến thì nhiều nhưng những điển hình có khả năng lôi cuốn, tạo sự cổ vũ cho cả bậc học, cả ngành thì hầu như rất ít. Ngay việc tổ chức thi đua theo cụm, vùng như hiện nay cũng cần phải nghiên cứu tổ chức như thế nào cho có hiệu quả, tránh hình thức. 

 Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Năm học 2011 – 2012, 5 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh đều đã hoàn thành xuất sắc 15 chỉ tiêu thi đua của năm học. GDĐT của 5 thành phố đều đạt thêm những thành tích mới, có những đóng góp tích cực vào sự phát triển KT – XH ở địa phương. Với chủ trương đổi mới nội dung giao ban thi đua cụm, vùng 7 đã tổ chức các hội thảo, sinh hoạt chuyên đề để trao đổi những sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý giáo dục; việc xây dựng các giải pháp phát triển giáo dục tại địa phương, xây dựng những mô hình giáo dục tiên tiến mà mỗi Sở đã tổ chức triển khai hiệu quả với những kết quả nổi bật. Đơn cử như Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh với: "Xây dựng mô hình trường tiên tiến, chất lượng cao" và "Đổi mới công tác tuyển sinh ở các lớp đầu cấp"; Sở GDĐT Cần Thơ với "Công tác tổ chức Hội khỏe Phù Đổng"; Sở GDĐT Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm công tác xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và "Xây dựng mô hình trường học hoạt động theo phương thức cung ứng dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao"; Sở GDĐT Hà Nội với "Giáo dục nếp sống Thanh lịch – Văn minh cho học sinh phổ thông Hà Nội" và "Triển khai một số nội dung mới trong lĩnh vực phát triển, quản lý ngành học GDCN; hoạt động CLB quản lý GDCN vùng 7"; Sở GDĐT Hải Phòng với "Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh".

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Độ – Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, Cụm trưởng cụm thi đua vùng 7 thì ngành GDĐT các địa phương đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng GD toàn diện đã được thực hiện đồng bộ; hiệu quả, chất lượng GD được giữ vững và nâng cao… Kỳ thi HS giỏi quốc gia, Hà Nội là đơn vị dẫn đầu với tổng số 125 giải; Hải Phòng: 78 giải; Đà Nẵng: 63 giải; TP Hồ Chí Minh: 58 giải và Cần Thơ: 18 giải. Kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế tổ chức tại Nam Phi, Hà Nội có 6/6 em dự thi đều đạt giải, trong đó 3 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng. Lần đầu tiên học sinh Hà Nội tham gia Hội thi nghiên cứu khoa học và kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông  (Itel ISEF) đã có được 28 sản phẩm nghiên cứu đạt giải quốc gia, trong đó đề tài thuộc nhóm nghiên cứu của học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đại diện cho Việt Nam đã đoạt giải Nhất lĩnh vực Kỹ thuật điện và Cơ khí tại cuộc thi Intel ISEF quốc tế tổ chức tại Hoa Kỳ (tháng 5/2012). Kết quả tốt nghiệp THPT năm 2012 của các thành phố tiếp tục có chuyển biến tốt, Hải Phòng: 99,82%; Cần Thơ: 99,68%; Đà Nẵng: 99,53% và Hà Nội: 98,24%.

Các Sở GDĐT trong vùng đã đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng. Hà Nội đã tổ chức 2 đợt đánh giá ngoài cho 99 trường; Hải Phòng: 30 trường; Cần Thơ: 06 trường. Công nhận đạt chuẩn cấp độ 3, Hà Nội có 67 trường; Hải Phòng: 30 trường; TP Hồ Chí Minh: 03 trường. Ngoài ra các Sở bước đầu tham gia khảo sát chính thức đầu ra lớp 2, lớp 5 theo chương trình PASEC. Theo ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ GD Trung học, thì ngành GDĐT 5 thành phố trực thuộc trung ương cũng là những địa phương đi đầu trong việc đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy – học; công tác thanh tra; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, dạy kỹ năng sống cho HS…
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền địa phương của 5 thành phố lớn đối với những chủ trương của ngành GD. Chẳng hạn như việc thực hiện NĐ115 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương thì một mình Bộ GDĐT không làm được. Bộ trưởng đánh giá, GDĐT 5 thành phố trực thuộc TW có nhiều thành tựu, có sự cân đối giữa tăng trưởng về số lượng và đảm bảo chất lượng GD, có nhiều điển hình, nhiều bài học có thể nhân rộng trong toàn ngành. Thế nhưng, theo như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, ngành GDĐT cũng nên thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế như: tuy làm được nhiều việc, có chiều rộng nhưng chưa có chiều sâu, chưa bền vững nên hiệu quả còn thấp.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Những đòi hỏi của nhân dân, công luận đối với ngành GD là so với yêu cầu của thực tế cuộc sống chứ không phải là so với ngày hôm qua, so với kế hoạch. Nếu ý thức được điều này thì mới có thể có những giải pháp thực chất để tạo được sự đột phá"

Hà Nguyên

 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201206/Can-co-nhung-dien-hinh-co-kha-nang-loi-cuon-tao-su-co-vu-cho-ca-bac-hoc-ca-nganh-giao-duc-1962033/

Comments