Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Đường lên đỉnh Olympia: đáp án sai và lộ đề?

Posted: 27 Jun 2012 06:27 AM PDT

Đường lên đỉnh Olympia: đáp án sai và lộ đề?

TTO – Những sai sót trong buổi chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” cũng như cách giải quyết của ban tổ chức tiếp tục là chủ đề thu hút nhiều phản hồi của bạn đọc Tuổi Trẻ Online ngày 27-6.

Đáp án chung kết cuộc thi Olympia sai?
Nghi án "lộ đề" Đường lên đỉnh Olympia
Phỏng vấn nhanh tân vô địch Đặng Thái Hoàng

Trong khi nghi án “lộ đề” của chương trình vẫn còn xôn xao trong cộng đồng mạng thì cách trả lời của những người tổ chức tiếp tục làm nhiều bạn trẻ không hài lòng. Điều đáng tiếc là những sai sót không hề mới. Cho nên dù đã 4 ngày trôi qua mà cộng đồng mạng vẫn “sôi sục”.

Các thí sinh trong buổi thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2012 – Ảnh: Nguyễn Khánh

TTO trích đăng một số ý kiến mới của bạn đọc mà tòa soạn nhận được sáng nay 27-6.

Chấp nhận sai sót, giải quyết thấu tình đạt lý

Tôi cũng thông cảm sự sai sót của BTC và cho rằng cách trả lời của ông Nguyễn Hà Nam là chưa thỏa đáng. Theo tôi, BTC đứng ra chịu trách nhiệm hoàn toàn. Về hướng xử lý kết quả, theo tôi nên hủy kết quả, bởi theo suốt cuộc thi tôi thấy em Tĩnh là người xứng đáng đoạt vòng nguyệt quế hơn.

NGÔ MINH SANG

Tổ chức đến năm thứ 12 mà vẫn có sai sót lớn

Nếu câu hỏi đó mà ban tổ chức viện lý do là "17/3 = 5,6666… gần bằng 6 nên đáp án là 6" thì hoàn toàn vô lý. Không thể ra câu hỏi có đáp án số nguyên à?

Trong quá trình trực tiếp chương trình, không có thí sinh hay người nào ở trường quay S9 phát biểu thắc mắc về các đáp án được đưa ra của câu hỏi đó. Điều này có thể được giải thích bởi sự tin tưởng vào một cuộc thi lớn, diễn ra hơn 10 năm và đặc biệt các thành viên cố vấn (ra đề hoặc kiểm tra đề trước khi thi, ngồi ở trường quay…) phần lớn là PGS.TS.

Chọn gói câu hỏi ở phần thi "về đích" có liên quan đến số điểm trước khi bước vào phần này. Theo tôi, cách giải quyết như sau: không có thí sinh nào đạt điểm ở câu hỏi đó; đồng thời ban tổ chức soạn 1 câu hỏi khác của phần thi "tăng tốc" và các câu hỏi của phần thi "về đích", rồi tổ chức cho 4 thí sinh thi lại 1 câu hỏi phần thi "tăng tốc" sau đó thi trọn vẹn phần thi "về đích".

ĐỖ MINH TƯỜNG

Cần sửa sai để tạo niềm tin!

Dư luận đang thắc mắc: lộ đề và đáp án sai. Việc lộ đề có hay không là do cơ quan hoặc bộ phận có liên quan có trách nhiệm điều tra và trả lời cho công chúng. Còn việc đáp án sai, thiết nghĩ không nên có trong những sân chơi lớn như thế này.

Theo ý kiến của cá nhân tôi, nếu đáp án sai thì phải sửa lại, nên trừ lại 30 điểm câu đó cho hai thí sinh Hoàng và Phương, xem như chấm phúc khảo lại đó thôi… “Không sợ thiếu hay sai, mà chỉ sợ không công bằng”. Cứ nhìn thẳng vào sự thật, đừng tránh né nó… Hãy trả lại niềm tin cho giới trẻ và công bằng cho những cuộc chơi!

LÊ VĂN ĐIỀM

Khó hiểu quá

Điều lạ là cả hai câu hỏi có liên quan đến bạn Hoàng đều không thấy MC Tùng Chi yêu cầu giải thích như thường lệ! Thông thường hai thí sinh có chung đáp án “đúng”, sau khi hỏi thí sinh đầu mà không có cách giải thích hợp lý (bấm “hú họa”), Tùng Chi vẫn phải hỏi tiếp thí sinh thứ 2 để xem tư duy của họ thế nào.

Trước đó, câu hỏi vượt chướng ngại vật mà rất nhiều người tỏ rõ sự nghi ngờ lộ đề, MC Tùng Chi cũng không hề làm cái việc thông thường và hết sức cần thiết đó… Và sáng nay trên báo có đưa tin một giáo viên Quốc học Huế cho rằng câu trả lời ở phần thi về đích của bạn Tĩnh (hỗ trợ bạn Ngọc Khánh trong câu hỏi vật lý 30 điểm) là chấp nhận được nhưng ban cố vấn (sau khi giải thích đến cả chục phút) lại cho rằng Tĩnh sai (em Tĩnh đã mất 45 điểm tại câu hỏi này). Khó hiểu quá!

VÕ MẠNH

Đây chỉ là trò chơi truyền hình thôi

Các bạn đừng quan trọng hóa vấn đề, đây chỉ là một trò chơi trên truyền hình mà thôi. Nó không phải là một cuộc thi về kiến thức chính thức được Bộ GD-ĐT công nhận như các kỳ thi học sinh giỏi hay kỳ thi Olympic.

Đơn giản là nhà đài cần một chương trình hút khách và nhà tài trợ cần nhiều người nhìn thấy cái logo của mình để quảng cáo. Và Đường lên đỉnh Olympia nhờ sự kết hợp của cả hai, nó chỉ là một sản phẩm truyền hình trong rất nhiều sản phẩm trình chiếu hằng tuần mà thôi.

Các bạn cứ đặt nó về cùng vị trí với mấy chương trình như Got Talent, Rung chuông vàng, Vietnam Idol… thì thấy nó cũng bình thường thôi.

LÊ VĂN HIỆU

Kết quả cuộc thi là đúng năng lực

Tôi nghĩ do sơ suất trong khâu soạn lên hình thôi, đáng lẽ phải là 1 mặt trăng + 5 ngôi sao = 1 mặt trăng + 1 ngôi sao + ? mặt trời nhưng do nhầm thôi. 5.67 là hơn 5 nên chọn 6 là hợp lý. Kết quả chiến thắng là sự nỗ lực chính đáng từ các thí sinh chứ không phải do lộ đề.

NGUYỄN THỊ THU HIỀN

Có nói gì thì chuyện cũng đã rồi

Thật tình mà nói một số chương trình thi thố của VTV3 càng ngày càng mất lòng tin ở khán giả do cách làm chưa tốt. Đường lên đỉnh Olympia cũng là một trong những số đó! Tôi rất thích chương trình này bởi lẽ nhìn những thế hệ trẻ năng động sáng tạo và giỏi giang quả là một bài học bổ ích cho con em chúng tôi khi ngồi trước màn hình và háo hức chờ đón giờ phát sóng.

Nhưng càng ngày càng chán bởi cuộc thi bị chi phối quá nhiều những lý do mà chắc chỉ có những người làm chương trình mới biết rõ! Nhưng xin đừng đánh giá thấp chúng tôi, những người ngồi trước màn hình và cũng có sự nhìn nhận rất khách quan.

Cuộc thi chung kết vừa rồi sau khi Thái Hoàng trả lời phần thi vượt chướng ngại vật tôi đã đoán được em sẽ vô địch, đứa cháu mới học lớp 3 của tôi cũng hồn nhiên nói: “Con chắc chắn anh đó biết trước đề thi”.

Thật tiếc cho những em còn lại, ta cứ nói xã hội bất công nhưng chính những cái bất công ấy cứ hiển nhiên tồn tại công khai trước bàn dân thiên hạ. Cho nên nghi án lộ đề của Olympia là điều mà trong lòng những người yêu mến chương trình phải hoài nghi.

HOÀNG GIANG

Hai lần khập khiễng

Sao niềm vui của người giành chiến thắng không được trọn vẹn vì những điều chùng chình không đáng có?! Mình không thể đoán ra được từ chìa khóa khi không có từ hàng ngang nào lật mở không có nghĩa là người khác không làm được. Sao lại dùng khả năng tư duy “chậm” của mình để so sánh với khả năng nhạy bén của người khác, rồi từ đó suy ra họ làm được là tại họ gian lận, là tại biết trước? Quá khập khiễng!

Còn chuyện dám bấm chuông trả lời, hoàn toàn dễ hiểu. Những người thành công phải chấp nhận mạo hiểm, quyết đoán và tin vào điều mình làm. Không có gì chính xác để nói là “lộ đề” và chỉ vì những điều không chính xác đó lại đem đến sự tổn thương cho người khác.

Trên các trang báo mạng, tôi có được biết về vấn đề sai câu hỏi. Tôi nghĩ việc chúng ta so sánh nếu bỏ đi 30 điểm mà Thái Hoàng nhận được từ câu hỏi đó thì Ngọc Tĩnh sẽ cao điểm hơn và thành nhà vô địch!?

Cách nói này cũng rất khập khiễng.

Thứ 1: Đó là chuyện đã rồi, chúng ta giả sử nếu câu hỏi đó được thay đổi… chuyện gì sẽ xảy ra. Chẳng ai có câu trả lời hết vì chúng ta không thể quay lại, thêm nữa nếu câu hỏi đó khác đi thì mọi chuyện đã diễn ra theo một quá trình khác hoàn toàn. Có thể là Ngọc Tĩnh sẽ vô địch như nhiều người nghĩ. Cũng có thể là Thái Hoàng sẽ chọn một gói câu hỏi khác ở phần về đích và vẫn là nhà vô địch.

Hoặc nhà vô địch không phải Thái Hoàng, cũng không phải Ngọc Tĩnh mà là Lê Phương hay Ngọc Khánh thì sao?! Tất cả chỉ là giả thiết không đáp án. Còn sự thật bây giờ là Thái Hoàng đã vô địch. Chỉ vậy thôi.

Thứ 2: Đây là phần lỗi thuộc về ban tổ chức. Trong chuyện này, Thái Hoàng có phần may mắn hơn và trong tất cả mọi chuyện chúng ta đều cần sự may mắn. Ở đây cũng vậy. Chúng ta bình luận về những chuyện này vì mong muốn sự công bằng. Vậy liệu việc chúng ta “kết tội” cho chức vô địch của người khác là công bằng với họ?

NAM THƯ

* Bạn hãy tiếp tục chia sẻ ý kiến về vấn đề này qua email tto@tuoitre.com.vn, trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây hoặc qua trang mạng xã hội Facebook. Cám ơn.

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/498987/Duong-len-dinh-Olympia-dap-an-sai-va-lo-de.html

Nở rộ lớp đại học học phí cao

Posted: 27 Jun 2012 06:26 AM PDT

Nở rộ lớp đại học học phí cao

TT – Kỳ tuyển sinh năm nay, nhiều trường bắt đầu tuyển sinh các lớp chất lượng cao, học phí cao. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là chất lượng cao vẫn còn là một ẩn số. Ngay cả các trường cũng chưa thể xác định cao tới đâu.


Sinh viên năm nhất chương trình chất lượng cao Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trong giờ thi kết thúc học kỳ. Trường này tuyển các lớp chất lượng cao cả sinh viên không dự thi vào trường – Ảnh: N.Hùng

Tháng 8-2011, Thứ trưởng Bộ GD-ÐT Bùi Văn Ga có văn bản cho phép các trường tuyển sinh đào tạo chất lượng cao. Ngay trong kỳ tuyển sinh 2011, một số trường ÐH đã bắt đầu tuyển sinh và năm nay thêm nhiều trường triển khai.

PGS-TS Mai Hồng Quỳ – hiệu trưởng Trường ÐH Luật TP.HCM, cho biết những năm trước trường tuyển sinh đào tạo chất lượng cao, đặc biệt các chuyên ngành “hot”, xã hội có nhu cầu và sẵn sàng bỏ tiền theo học. Năm nay trường mở thêm hai chuyên ngành hình sự, hành chính nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính, tư pháp.

Học phí cao

TS Phạm Hữu Hồng Thái – phó hiệu trưởng Trường ÐH Tài chính marketing – cho biết năm nay trường sẽ tuyển sinh đào tạo chất lượng cao cho ba chuyên ngành: quản trị kinh doanh tổng hợp, marketing tổng hợp và tài chính ngân hàng. Mỗi chuyên ngành dự kiến tuyển 40 sinh viên từ những sinh viên đã trúng tuyển vào trường. Ông Thái cho biết sau khi trúng tuyển và có nguyện vọng học chương trình này, sinh viên sẽ qua vòng kiểm tra tiếng Anh, đạt từ 250 TOEIC trở lên mới được theo học. Những giảng viên giỏi sẽ được lựa chọn để giảng dạy những lớp này. Học phí ở mức 22 triệu đồng/năm. Ðây cũng là cách tuyển sinh mà nhiều trường ÐH thành viên của ÐH Quốc gia TP.HCM áp dụng. Kỳ tuyển sinh năm nay, các trường thành viên ÐHQG TP.HCM như Kinh tế – luật, Khoa học xã hội và nhân văn, Công nghệ thông tin… sẽ lần đầu tiên triển khai tuyển sinh đào tạo chất lượng cao, dự kiến học phí khoảng 20 triệu đồng/năm.

TS Lý Văn Xuân – trưởng phòng đào tạo Trường ÐH Y dược TP.HCM – cho biết trường cũng đang có đề án tuyển sinh một số ngành và mức học phí dự kiến khoảng 30 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, Trường ÐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tuyển chất lượng cao (15 triệu đồng/năm) với đối tượng mở rộng hơn. Thí sinh trúng tuyển vào các trường ÐH trong cả nước, có cùng khối thi và điểm chuẩn ngành tuyển sinh sẽ được xét tuyển vào học chất lượng cao các ngành này. Như vậy thí sinh dự thi vào hệ chính quy đại trà của trường sẽ bị thiệt thòi vì chỉ tiêu bị thí sinh ngoài trường chiếm mất? TS Nguyễn Tiến Dũng – trưởng phòng đào tạo Trường ÐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho biết chỉ tiêu của trường xác định bao gồm cả chỉ tiêu chất lượng cao nên không thể nói chỉ thí sinh bị thiệt thòi!

Chất lượng còn phải chờ

Khi các trường tuyển sinh chất lượng cao, học phí cao, nhiều người đặt câu hỏi: thế nào là chất lượng cao, cao như thế nào, làm sao để người học tin đó là chất lượng cao tương ứng với mức học phí mà họ đã bỏ ra hay đóng tiền cao gọi là chất lượng cao? Hơn nữa, cơ sở vật chất của các trường vốn là đầu tư công, đồng nghĩa với việc mọi sinh viên trúng tuyển vào trường đều có quyền lợi và nhu cầu bình đẳng trong đào tạo. Việc người có tiền được thụ hưởng điều kiện giáo dục tốt hơn sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử trong đào tạo, cả về điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên.

Theo chương trình đào tạo của Trường ÐH Luật TP.HCM (học phí hơn 14 triệu đồng/năm), các lớp chất lượng cao sẽ có thời lượng các môn học cao hơn chương trình đại trà 14 tín chỉ. PGS-TS Mai Hồng Quỳ cho biết các lớp chất lượng cao sẽ chú trọng đào tạo ngoại ngữ và các kỹ năng thực hành, từ năm 3 sinh viên sẽ được học với giảng viên bản ngữ. Chuẩn đầu ra tiếng Anh cũng sẽ cao hơn so với chương trình đại trà. Theo TS Phạm Hữu Hồng Thái, do học phí cao gấp bốn lần chương trình đại trà nên các lớp chất lượng cao sẽ được học phòng máy lạnh, trang thiết bị hiện đại, chương trình kết hợp với chương trình nước ngoài, thực hành nhiều hơn, có các môn đào tạo bằng tiếng Anh… Trong khi đó, TS Lý Văn Xuân cho biết chương trình chất lượng cao của trường sẽ tăng cường đào tạo ngoại ngữ, mời chuyên gia Mỹ qua giảng dạy (đang áp dụng đối với chương trình thạc sĩ điều dưỡng) và chương trình có thể được ÐH Mỹ công nhận. Ðây cũng là cách lý giải chung của các trường về mục tiêu và chương trình đào tạo chất lượng cao của mình.

Vấn đề xác định thế nào là chất lượng cao, TS Trần Thế Hoàng – trưởng phòng đào tạo Trường ÐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: chất lượng cao như thế nào vẫn là điều khó nói bởi vẫn chưa có sản phẩm cuối cùng sau bốn năm. Hiện trường chỉ có thể đánh giá ở mức độ so sánh với lớp đại trà: lớp ít sinh viên, dễ dàng áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến, trang bị thêm cho sinh viên về ngoại ngữ, các kỹ năng…

Cùng quan điểm này, TS Hoàng Vĩnh Long – phó hiệu trưởng Trường ÐH Kinh tế – luật (ÐHQG TP.HCM) – cho rằng chất lượng cao thế nào còn phải chờ một thời gian, bước đầu trường cung cấp cho sinh viên các điều kiện học tập và thực hành cao hơn các lớp đại trà. Có ý kiến cho rằng như thế tạo ra cơ chế “tư trong công” phân biệt trong đào tạo, điều này có phần đúng.

Trong khi đó TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ÐH Khoa học xã hội và nhân văn (ÐHQG TP.HCM), thẳng thắn cho hay: chất lượng cao như thế là kỳ vọng của các trường, chưa biết chất lượng cao như thế nào. Khi xây dựng chương trình, các khoa cũng đã bổ sung môn học, sử dụng ngoại ngữ trong 50% chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra cao hơn. Ðó là những yêu cầu rõ ràng cao hơn so với chương trình đại trà. Ðúng là cơ sở vật chất công, nhưng nếu muốn tiệm cận với chất lượng đào tạo của khu vực thì phải làm từng bước để nâng dần chất lượng lên. Nếu nói các trường dựa vào đây để kinh doanh là chưa thỏa đáng, bởi có rất nhiều lĩnh vực đào tạo khác để các trường thu tiền chứ không phải cực khổ như làm chương trình chất lượng cao.

 

MINH GIẢNG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/498537/No-ro-lop-dai-hoc-hoc-phi-cao.html

Cần có những điển hình có khả năng lôi cuốn, tạo sự cổ vũ cho cả bậc học, cả ngành giáo dục

Posted: 26 Jun 2012 06:30 PM PDT

(GDTĐ) – Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận tại Hội nghị giao ban lần thứ 3 cụm thi đua vùng 7 gồm 5 thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh được tổ chức tại Đà Nẵng vào sáng ngày 26.6. Theo Bộ trưởng, hiện nay, trong thi đua khen thưởng, đơn vị xuất sắc, tiên tiến thì nhiều nhưng những điển hình có khả năng lôi cuốn, tạo sự cổ vũ cho cả bậc học, cả ngành thì hầu như rất ít. Ngay việc tổ chức thi đua theo cụm, vùng như hiện nay cũng cần phải nghiên cứu tổ chức như thế nào cho có hiệu quả, tránh hình thức. 

 Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Năm học 2011 – 2012, 5 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh đều đã hoàn thành xuất sắc 15 chỉ tiêu thi đua của năm học. GDĐT của 5 thành phố đều đạt thêm những thành tích mới, có những đóng góp tích cực vào sự phát triển KT – XH ở địa phương. Với chủ trương đổi mới nội dung giao ban thi đua cụm, vùng 7 đã tổ chức các hội thảo, sinh hoạt chuyên đề để trao đổi những sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý giáo dục; việc xây dựng các giải pháp phát triển giáo dục tại địa phương, xây dựng những mô hình giáo dục tiên tiến mà mỗi Sở đã tổ chức triển khai hiệu quả với những kết quả nổi bật. Đơn cử như Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh với: "Xây dựng mô hình trường tiên tiến, chất lượng cao" và "Đổi mới công tác tuyển sinh ở các lớp đầu cấp"; Sở GDĐT Cần Thơ với "Công tác tổ chức Hội khỏe Phù Đổng"; Sở GDĐT Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm công tác xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và "Xây dựng mô hình trường học hoạt động theo phương thức cung ứng dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao"; Sở GDĐT Hà Nội với "Giáo dục nếp sống Thanh lịch – Văn minh cho học sinh phổ thông Hà Nội" và "Triển khai một số nội dung mới trong lĩnh vực phát triển, quản lý ngành học GDCN; hoạt động CLB quản lý GDCN vùng 7"; Sở GDĐT Hải Phòng với "Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh".

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Độ – Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, Cụm trưởng cụm thi đua vùng 7 thì ngành GDĐT các địa phương đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng GD toàn diện đã được thực hiện đồng bộ; hiệu quả, chất lượng GD được giữ vững và nâng cao… Kỳ thi HS giỏi quốc gia, Hà Nội là đơn vị dẫn đầu với tổng số 125 giải; Hải Phòng: 78 giải; Đà Nẵng: 63 giải; TP Hồ Chí Minh: 58 giải và Cần Thơ: 18 giải. Kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế tổ chức tại Nam Phi, Hà Nội có 6/6 em dự thi đều đạt giải, trong đó 3 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng. Lần đầu tiên học sinh Hà Nội tham gia Hội thi nghiên cứu khoa học và kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông  (Itel ISEF) đã có được 28 sản phẩm nghiên cứu đạt giải quốc gia, trong đó đề tài thuộc nhóm nghiên cứu của học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đại diện cho Việt Nam đã đoạt giải Nhất lĩnh vực Kỹ thuật điện và Cơ khí tại cuộc thi Intel ISEF quốc tế tổ chức tại Hoa Kỳ (tháng 5/2012). Kết quả tốt nghiệp THPT năm 2012 của các thành phố tiếp tục có chuyển biến tốt, Hải Phòng: 99,82%; Cần Thơ: 99,68%; Đà Nẵng: 99,53% và Hà Nội: 98,24%.

Các Sở GDĐT trong vùng đã đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng. Hà Nội đã tổ chức 2 đợt đánh giá ngoài cho 99 trường; Hải Phòng: 30 trường; Cần Thơ: 06 trường. Công nhận đạt chuẩn cấp độ 3, Hà Nội có 67 trường; Hải Phòng: 30 trường; TP Hồ Chí Minh: 03 trường. Ngoài ra các Sở bước đầu tham gia khảo sát chính thức đầu ra lớp 2, lớp 5 theo chương trình PASEC. Theo ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ GD Trung học, thì ngành GDĐT 5 thành phố trực thuộc trung ương cũng là những địa phương đi đầu trong việc đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy – học; công tác thanh tra; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, dạy kỹ năng sống cho HS…

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền địa phương của 5 thành phố lớn đối với những chủ trương của ngành GD. Chẳng hạn như việc thực hiện NĐ115 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương thì một mình Bộ GDĐT không làm được. Bộ trưởng đánh giá, GDĐT 5 thành phố trực thuộc TW có nhiều thành tựu, có sự cân đối giữa tăng trưởng về số lượng và đảm bảo chất lượng GD, có nhiều điển hình, nhiều bài học có thể nhân rộng trong toàn ngành. Thế nhưng, theo như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, ngành GDĐT cũng nên thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế như: tuy làm được nhiều việc, có chiều rộng nhưng chưa có chiều sâu, chưa bền vững nên hiệu quả còn thấp. Đúng là ngành GDĐT mới bước vào thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Đại hội XI của Đảng nhưng chúng ta cũng phải tính đến vấn đề này. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Những đòi hỏi của nhân dân, công luận đối với ngành GD là so với yêu cầu của thực tế cuộc sống chứ không phải là so với ngày hôm qua, so với kế hoạch. Nếu ý thức được điều này thì mới có thể có những giải pháp thực chất để tạo được sự đột phá"

Hà Nguyên

 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201206/Can-co-nhung-dien-hinh-co-kha-nang-loi-cuon-tao-su-co-vu-cho-ca-bac-hoc-ca-nganh-giao-duc-1962033/

Tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ

Posted: 26 Jun 2012 06:29 PM PDT

(GDTĐ)-Theo thông tin từ phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án "Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ" sáng nay (26/6), Dự kiến Đề án này sẽ hoàn tất, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào tháng 6/2013.

Ảnh MH
Ảnh MH

Đề án được thực hiện đối với các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước. Đối tượng nằm trong Đề án bao gồm sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ở trong nước và ở nước ngoài đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất sắc theo quy định của Bộ GDĐT; các nhà khoa học trẻ đang công tác trong các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học ở trong nước và nước ngoài.

Thời điểm đánh giá chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ thực hiện từ năm 1997 đến nay.

Tại phiên họp, một số ý kiến đề nghị tiến hành điều tra, khảo sát việc đào tạo và thu hút các sinh viên tài năng vào làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp nhà nước của 15 trường đại học trọng điểm như trường ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, ĐHQGHN, ĐHQGTPHCM, ĐH Huế…; có cơ chế chính sách phát hiện sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ cho phù hợp…
PV

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201206/Tao-nguon-can-bo-tu-sinh-vien-tot-nghiep-xuat-sac-cac-nha-khoa-hoc-tre-1962034/

Comments