Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Trường ĐH tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thí sinh

Posted: 25 Jun 2012 06:57 AM PDT

(GDTĐ)-Thí sinh dự thi ĐH, CĐ năm nay nhận được nhiều dịch vụ tiện ích và ưu đãi do chính các trường cung cấp. Không chỉ mang lại lợi ích cho thí sinh, những dịch vụ này được tung ra cũng phần nào giúp các trường tăng thêm tỷ lệ thí sinh đến dự thi.

Phục vụ tìm địa chỉ thi online

Nắm bắt đường tâm l‎ý nói chung của đại đa số các bậc phụ huynh cũng như thí sinh dự thi về sự lo lắng khi tìm tới các điểm thi, bởi đường phố Hà Nôi luôn đông đúc và không phải ai cũng thông tỏ đường đi lối lại để vừa tránh tắc đường cũng như đến được điểm thi an toàn, năm nay Trường ĐH Thủy Lợi đã mở thêm chuyên mục "Tìm địa chỉ thi Đại học" trên website của trường.

fvcvc
ĐH Thủy lợi hỗ trợ thí sinh tìm địa điểm thi

Chuyên mục này có khoảng 20 điểm thi tại Hà Nội và cả Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2 – Đại học Thủy Lợi), mỗi một điểm thi đều có sơ đồ chi tiết các con phố cụ thể cho quãng dường di chuyển đến địa điểm thi.

Với chuyên mục này, các thí sinh và bậc phụ huynh chỉ cần ngồi tại nhà có thể nghiên cứu và hình dung được quãng đường mà mình sẽ đến với địa điểm thi khi dự thi vào ĐH Thủy lợi.

Trường ĐH Quy Nhơn cũng cung cấp bản đồ địa điểm thi – Cụm thi Thành phố Quy Nhơn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Từ năm 2011, nhà trường đã nghiên cứu, thành lập một bản đồ số hóa giúp cho thí sinh dễ dàng hơn khi tìm địa điểm thi. Hoạt động của bản đồ số hóa để tìm địa điểm thi cho thí sinh khá giống với bản đồ Google Map nên thí sinh có thể dùng máy điện thoại có kết nối mạng GPRS để tìm địa điểm thi.

Không chỉ tìm địa điểm dự thi trực tuyến, thí sinh có thể tra cứu tất cả những thông tin liên quan về kỳ tuyển sinh tới như phòng thi, số báo danh… trên hầu hết website các trường.

Dành hàng nghìn chỗ trọ miễn phí, giá rẻ

ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay dành 4.000 chỗ ở tại KTX cho thí sinh và người nhà trong kỳ thi vào các trường ĐH, CĐ năm 2012; ưu tiên thí sinh dự thi ở các điểm thi tại quận Thủ Đức, quận 9. Để đăng ký, thí sinh phải có giấy báo dự thi và CMND (bản phôtô), lệ phí 10.000 đồng/người/ngày; đối với thân nhân có giấy CMND (bản phôtô), lệ phí 30.000 đồng/người/ngày.

Thí sinh liên hệ trực tiếp với Phòng Công tác sinh viên Trung tâm Quản lý KTX của trường (tầng trệt nhà A1), khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, điện thoại (08) 37242265, website: http://ktx.vnuhcm.edu.vn, http://tvtt.vnuhcm.edu.vn.

Thông tin từ Trường ĐH Võ Trường Toản (huyện Châu Thành A, Hậu Giang), kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH năm 2012, trường sẽ hỗ trợ mỗi đợt thi 1.500 chỗ ở miễn phí trong KTX cho các thí sinh dự thi tại trường. Cụ thể, trường hỗ trợ 100% chi phí chỗ ở bao gồm nơi ở và chi phí điện nước (không bao gồm chi phí ăn uống và các sinh hoạt khác) dành cho một thí sinh và một người nhà đi kèm. Thời gian tiếp nhận và phục vụ chỗ ở đợt thi thứ nhất từ ngày 1/7 đến hết buổi sáng ngày 5/7/2012; Đợt thi thứ hai từ ngày 6/7 đến hết buổi sáng ngày 10/7/2012. Thí sinh có nhu cầu liên hệ Phòng Công tác sinh viên Quản lý KTX của trường (Quốc lộ 1A, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) hoặc qua số điện thoại: (0711) 3504 345 – (0711) 3953 222.

Ban quản lý khu nội trú ĐH Thái Nguyên năm nay dành gần 500 phòng ở khép kín, với gần 4000 chỗ ở giá rẻ cho thí sinh. Cụ thể, giá thuê phòng khoảng 20.000 đồng/người/ngày. Thí sinh là con thương binh liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam, con hộ nghèo được giảm từ 20 đến 30% tiền phòng. Trường cho biết, các điểm thi ở Trường ĐH Nông Lâm, Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Kinh tế – Quản trị Kinh doanh, Khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông đều gần với khu Nội trú này.
Hải Bình

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201206/Truong-DH-to-chuc-nhieu-hoat-dong-ho-tro-thi-sinh-1962012/

Dồn sức luyện thi giai đoạn nước rút

Posted: 25 Jun 2012 06:56 AM PDT

Những ngày này, hàng trăm sĩ tử thuê phòng trọ luyện thi ven Trường ĐH Tây Nguyên vẫn bất chấp cái nóng oi bức "nhốt" mình trong các khu nhà trọ "ổ chuột" để "nhồi" kiến thức. Ngoài sĩ tử ở các huyện xa tỉnh Đắk Lắk như: Lắk, Cư Kuin, Krông Buk…, có nhiều sĩ tử quê tận Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai hay Kon Tum cũng tìm về cơ sở luyện thi Trường ĐH Tây Nguyên thuê phòng trọ luyện thi. Nhiều sĩ tử chung quan điểm phải cố gắng chắt chiu từng giờ, từng ngày ôn luyện để có kết quả tốt nhất, nếu không đỗ Đại học thì tối thiểu phải ngang "sàn" để xét tuyển Cao đẳng.

Sĩ tử Hoàng Thị Thủy (HS trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Cư Jut, Đắk Nông), chia sẻ: "Để có thể đỗ vào ngành Quản trị Kinh doanh của Trường ĐH Tài chính – Marketing TPHCM sẽ phải nỗ lực không ngừng, ngoài kiến thức ôn luyện tại cơ sở luyện thi, tối đến phải "cày" gần nửa đêm mới nghỉ. Nhiều bạn học đến 2, 3 giờ sáng là chuyện thường…". Sĩ tử Hoàng Thị Nếp bạn cùng trường, nói thêm: "Phải cố gắng thôi chứ biết làm sao, trong khi ngày thi đã gần kề…".


Không thua các nam sĩ tử,

Men sâu trong một con hẻm khu vực Trường ĐH Tây Nguyên, chúng tôi bắt gặp hình ảnh sĩ tử Thạch Văn Can (Học sinh Trường THPT Quang Trung, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), mồ hôi nhễ nhại phải cởi phăng áo ngồi học. Can tâm sự: "Kỳ thi Đại học năm nay trúng phải mùa Euro sĩ tử bị chi phối nhiều lắm, đang học bài mà nghe bên ngoài cỗ vũ, hô hoán "zô, zô… zô" xao động cực kỳ. Nhiều khi chỉ muốn gấp sách, gấp vở chạy đi xem một hồi nhưng bài tập thì chưa làm xong phải nán lại".


Nóng nực, sĩ tử Thạch Văn Can phải cởi phăng áo ngồi ôn luyện.

Can cho biết ngoài cung thời gian  6 buổi ở lò luyện thi, thời gian trống nửa ngày hầu như không đủ để làm bài tập, các dạng bài tập khó trắng đêm mới hoàn thành là chuyện thường trong tháng cao điểm. Cậu nói: "Học vậy ăn thua gì! Ngày xưa mấy anh chị của em học ác chiến lắm mà còn chưa đỗ ĐH, thi năm 2, năm 3 mới vừa đủ điểm vào trường. Năm nay em quyết tâm thi đỗ năm một vào trường Đại học TDTT TPHCM, 3 anh chị  của em đã đỗ vào Trường ĐH Tây Nguyên và Trường Sỹ quan lục quân 2 ở Đồng Nai…".

Thuận lợi hơn các sĩ tử khác, sĩ tử Lục Văn Ngọc (HS Trường THPT Lắk, huyện Lắk, Đắk Lắk) có anh trai là SV năm 3 ngành Tài chính Ngân hàng – Trường ĐH Tây Nguyên) kèm cặp. Trong căn phòng trọ oi bức, hai anh em vẫn miệt mài ôn luyện, giải đề thi. Ngọc cho biết: "Không phải cứ đến lò luyện học cấp tốc là hay, tùy sức học và cách học mỗi người mà chọn phương pháp ôn luyện phù hợp nhất. Đã học 9 tháng ở trường rồi nên khoảng thời gian này em chỉ tập trung ôn luyện lại các dạng bài tập chứ không học mới. Cái gì không hiểu thì nhờ anh trai chỉ cho….".


Nóng nực, sĩ tử Thạch Văn Can phải cởi phăng áo ngồi ôn luyện.

Anh trai của Ngọc nói thêm: "Giờ tụi em cũng đang thi cuối kỳ, mình đi trước cũng cố gắng bớt chút thời gian ôn luyện cho em út, đã đi trước thì cố gắng bày những cái gì mình biết…".

Viết Hảo

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-610658/don-suc-luyen-thi-giai-doan-nuoc-rut.htm

Thi cao học ở tuổi 64

Posted: 25 Jun 2012 06:55 AM PDT

Thi cao học ở tuổi 64

TT – Kỳ thi tuyển sinh cao học tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng sáng 23-6 có một thí sinh khá đặc biệt là ông Mai Anh Dũng, 64 tuổi, một giáo viên về hưu ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM, dự thi ngành hóa học.

Thí sinh Mai Anh Dũng ở lại trường nghỉ ngơi chờ đến buổi thi chiều 23-6 – Ảnh: Hà Bình

Ông Dũng cho biết trước đây ông là giáo viên cấp III dạy môn hóa học. Từ khi về hưu đến nay, ông nhận dạy hóa học tại Trường THPT Trung Lập (huyện Củ Chi) và Trường THPT Pétrus Ký (Bình Dương). "Trước kia tui dạy cấp II, sau đó học thêm đại học bảy năm rồi lên dạy cấp III. Về hưu rồi, có điều kiện tôi học lên thạc sĩ theo ý thích của mình. Với lại tôi đã lớn tuổi nên học thêm, tư duy thêm cho bộ não hoạt động chứ để vậy mau quên lắm" – ông Dũng vui vẻ cho biết.

Đây là lần thứ năm ông Dũng dự thi cao học, những lần trước ông cũng dự thi nhưng không đậu. Buổi sáng ông Dũng chạy xe máy lúc 4g30 từ Củ Chi đến Q.7 cho kịp dự thi. Sau đó, ông thuê một chỗ trọ gần trường để dự thi tiếp buổi thi hôm sau.

HÀ BÌNH

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/498538/Thi-cao-hoc-o-tuoi-64.html

Hậu 100%

Posted: 25 Jun 2012 06:54 AM PDT

Dư âm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 như vẫn xen lẫn ngọt ngào và cay đắng với
những người nặng lòng với sự nghiệp trồng người. Hầu hết các địa phương đều đậu
tốt nghiệp trên 95%, thậm chí có nơi đạt 100%. Bề nổi của những con số này là sự
vui mừng vì có thành tích tốt.

Nhưng tảng băng chìm của tỷ lệ 100% có quá nhiều ung nhọt phải cắt bỏ. Việc

một học sinh quay clip cảnh bát nháo, gian lận thi cử tại Trường THPT Đồi Ngô
(Bắc Giang) kỳ thi tốt nghiệp vừa qua như đỉnh điểm của sự chịu đựng trước tính
không trung thực của người lớn. Có thể đây chỉ là cá biệt, nhưng lấy gì đảm bảo
những nơi tỷ lệ đậu tốt nghiệp gần 100% hoàn toàn trong sạch. Do vậy, không phải
vô lý khi nhiều nhà giáo, nhà khoa học cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT
nếu tỷ lệ đậu cứ cao chót vót như thế này.

Một hình ảnh tiêu cực tại Hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Ảnh cắt từ clip)

Rõ ràng những ai tận tâm với nền giáo dục nước nhà đều thấy rằng, thi cử chưa
hẳn quan trọng bằng việc dạy học sinh biết sống tử tế, trung thực, vào đời bằng
đôi chân mình chứ không phải đầu gối hay tấm bằng có được từ thói hư tật xấu của
người lớn. Gian lận thi cử, chính là bệnh thành tích của người lớn. Căn bệnh vô
cùng nguy hiểm ở chỗ nó làm méo mó, thậm chí phá hủy nhân cách con người và cả
giống nòi. Bởi một khi môi trường sư phạm bị nhuộm màu "son phấn" thì hại cả một
thế hệ chứ không phải một cá nhân.

Lấy gì để dạy thế hệ trẻ, khi bản thân người lớn còn dối trá, mưu cầu lợi ích
cá nhân, "bán" cả lòng tự trọng, đạo đức của mình? Thời cuộc nào cũng thế, cuộc
sống, công việc thực tế sẽ làm thước đo giá trị con người, thanh lọc kiến thức.
Khi đó những con người được giáo dục trong môi trường không trung thực sẽ như
thế nào? Có lẽ không phải tự nhiên gần đây xã hội xuất hiện nhiều chuyện tưởng
như phim: quan chức cấp cục trưởng bị truy nã quốc tế; xà xẻo cả tiền trợ cấp
người nghèo, gia đình chính sách; thành đại gia nhờ thậm thọt với quan chức xin
dự án; nhiều người đứng đầu doanh nghiệp được mệnh danh là xương sống của nền
kinh tế quốc gia, làm thất thoát tiền tỷ của dân vẫn ung dung tự tại, chỉ rút
kinh nghiệm… Có lẽ nếu được đào tạo trong môi trường giáo dục tử tế thì đây là
thứ "xa xỉ" nhất của xã hội.

Thế hệ trẻ hôm nay, sẽ có một bộ phận trở thành cán bộ các cơ quan công
quyền, lãnh đạo doanh nghiệp ngày mai. Do vậy, kế lược của quốc gia không thể
thành công nếu dựa trên một đội ngũ cán bộ thoát thai từ lối giáo dục chạy theo
thành tích, gian lận thi cử. Thực tế đã chứng minh trình độ văn hóa và cửa ải
thi tuyển sẽ nâng cao khí khái và lòng tự trọng của con người, tránh hoặc giảm
được nạn quan tham. Thế nên, một kỳ thi mà ai tham dự cũng đậu, e rằng cái hậu
của 100% sẽ gây hại khôn lường.

Trong thời đại mà sự chuyển biến của thế giới xung quanh đã trở thành vấn đề
sống còn của mỗi quốc gia, đòi hỏi những chủ nhân tương lai phải trụ vững trên
đôi chân mình, biết lấy lợi chung làm trọng, từ đó mới có thể xoay kịp và theo
kịp nhịp độ phát triển.

  • Theo SGGP

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/77850/hau-100-.html

Tâm tư giáo giới hậu Đồi Ngô?

Posted: 25 Jun 2012 06:52 AM PDT

- 6 giáo viên nhận hình thức kỷ luật sa thải trong sự việc tiêu cực thi cử ở
Đồi Ngô trong bối cảnh, dư luận và nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá " Đồi Ngô
cũng không tồi hơn các "đồi" khác". Giáo giới nghĩ gì về những người đồng nghiệp
chịu kỷ luật trong bối cảnh này?

Câu hỏi đó không nhận được câu trả lời nào từ những người cầm phấn. Những gì

đọng lại là những câu hỏi: Ngành giáo dục không bảo vệ được giáo viên?

Trường THPT dân lập Đồi Ngô

Chúng tôi đã tìm đến một vị giáo viên "già" có hơn 30 năm đứng lớp về những
tâm tư của ông khi chứng kiến đồng nghiệp bị kỷ luật trong bối cảnh "vàng thau
lẫn lộn". Bản thân ông cho đến hôm nay vẫn nhận được sự kính trọng từ các thế hệ
học sinh. Thế nhưng ông từ chối bình luận vì cho rằng chính mình cũng đang xuống
cấp rồi.

Trò chuyện với ông, chúng tôi mang những câu hỏi mà có lẽ nhiều người cũng
muốn hỏi khi nói về nghề giáo: "Ai làm giáo viên cũng muốn học trò mình giỏi,
cũng muốn một kết quả trung thực chứ. Vậy tại sao,ở kỳ thi tốt nghiệp, nhiều
giáo viên lại chấp nhận "nhắm mắt coi thi"?

"Người ta nhắm mắt trong bối cảnh nhiều người cùng nhắm!" – ông nói. "Thử hỏi
xem, ngoài giáo viên, có bố mẹ học sinh nào không muốn con mình giỏi, không muốn
kết quả 12 năm cắp sách đi học của con mình là thật?"

"Bây giờ mình cho bài văn 6 điểm thì cách đây 20 năm mình chỉ cho có 4 điểm
thôi. Thế nhưng học trò vẫn kêu mình chấm điểm đắt thế. Vậy đấy, tự bản thân
mình thấy mình cũng đã xuống cấp thế mà vẫn chưa kịp với thời thế".

Nhưng khi giả dối tràn lan, thậm chí người ta thấy nó là bình thường thì tình
hình lại khác đấy. Người giáo viên như chúng tôi phải chịu áp lực rất lớn từ xã
hội, từ bố mẹ học sinh. Ngay cả khi biết trung thực là tốt cho con họ nhưng cái
hại nhãn tiền là con họ trươt tốt nghiệp, họ sẽ quay sang chỉ trích những người
làm thật ngay lập tức."

Nhưng đáng lẽ, những giáo viên trung thực như vậy sẽ được ngành giáo dục bảo
vệ chứ? Lật lại thực tế, trước những sự kiện giáo dục nào đó, mà thường là những
sự kiện tiêu cực xảy ra, dư luận thật khó khăn để được nghe ý kiến của một giáo
viên nào đó, đặc biệt là những ý kiến mang tính phê bình, phản biện. Cô giáo dạy
Sử nổi tiếng của trường chuyên ở Hà Nội sẽ không dám nhận xét đề Sử trong kỳ thi
tốt nghiệp hay đại học vì "ở trên đều là các thầy mình cả" hoặc một lời từ chối
khéo khác.

"Bạn không thể tìm được người nào có thể lên tiếng về những sai phạm như thế
này trong giáo giới đâu. Giáo viên chúng tôi tốt nhất là an phận."- vị thầy giáo
già nói.

Ông nhắc lại câu chuyện về các vị giám đốc Sở bị lãnh đạo tỉnh nhắc nhở, phê
bình và phải giải trình khi để tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh mình tăng chậm hơn so
với các tỉnh khác từ lúc cuộc vận động "Hai không" được phát động.

Câu chuyện về phong trào thi đua trong giáo dục mà những bản đăng ký thi đua
được "áp" từ trên xuống từng kỳ, từng năm, bất chấp thực tế chất lượng đầu vào
ra sao là nguyên nhân quan trọng. Thầy giáo già nói: "Điều này TS. Ngô Tự Lập đã
nói rõ rồi."

"Giáo viên đã mất niềm tin ở trên và vì thế, ai cũng có tâm lý an phận."- ông
kết luận.

TS Nguyễn Thị Ly (ĐHQG TP.HCM) nêu ý kiến: "Nếu một thầy cô nào đó từ chối
ném phao cho học sinh, rồi sẽ có nhiều người khác làm như vậy, vì tôi tin chắc
không có một thầy cô giáo nào vui sướng trong lòng khi thực hiện hành động tiếp
tay cho học trò dối trá."

"Nhưng, cái nước Việt mình nó thế!" – Câu nói nổi tiếng của GS Hoàng
Ngọc Hiến được người giáo viên già nhắc lại, thay cho câu trả lời.

  • Nguyễn Hường – Hương Giang

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/77883/tam-tu-giao-gioi-hau-doi-ngo-.html

Sách cũng “lá cải”

Posted: 25 Jun 2012 06:52 AM PDT

Xin dẫn chứng: Cuốn thứ nhất được xuất bản tại Đà Nẵng mang tên "Vở luyện tập viết tiếng Việt lớp 1". Trong sách tập viết này, trẻ con lớp 1 được hướng dẫn tập viết cây "nêu" thành ra cây "lêu", viết "giỗ" tổ thành "dỗ" tổ.

Tập vở này chỉ dày khoảng 30 trang, do bà Đặng Thị Lanh (nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT) là tác giả, được NXB Đà Nẵng cấp giấy phép (tháng 2/2012) cho đơn vị liên kết – mà thực chất là bán giấy phép – in tại Công ty in Tổng hợp Cầu Giấy (Hà Nội). Theo NXB Đà Nẵng, khi in xong, đối tác liên kết tự ý phát hành mà không nộp lưu chiểu để NXB làm công việc hậu kiểm nên các sai sót không được phát hiện, khắc phục kịp thời. Tuy vậy, NXB cũng chưa làm rõ ai, khâu nào là tác giả vụ sai sót nghiêm trọng này ngoài việc xin chịu bồi thường cho các bậc phụ huynh lỡ mua phải sách in sai.

Tuy nhiên, sai sót vì viết ngọng này không rùng rợn bằng bài toán cụt hai ngón tay trong… sách toán lớp 1. Giới phụ huynh vừa phát hiện tập sách "Phép cộng trừ phạm vi 100",  có một ví dụ ở trang 11: Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay? Bài toán còn có cả phần hướng dẫn giải tóm tắt và hình vẽ minh họa với hai bàn tay và hai ngón trỏ, ngón giữa của bàn tay phải bị cắt rời bỏ sang một bên. Tất cả những ai đọc trang này đều không khỏi rùng mình. Không lẽ lại bí ví dụ đến mức này à? Tại sao người viết sách, người biên tập, người duyệt lại có thể chấp nhận một ví dụ phản cảm và phản giáo dục đến thế! Điều nguy hại là cuốn sách này được "dùng kèm với sách giáo khoa lớp 1", nghĩa là được chính thức sử dụng trong nhà trường. Việc lấy ví dụ minh họa cho một phép tính trừ bằng hình ảnh "nghịch dao làm cụt hai ngón tay" là không thể chấp nhận. Sách có tên tác giả là Hoàng Long, có logo Nhà xuất bản Trẻ, khung lưu chiểu ghi thời điểm cấp phép là tháng 7/2002, nộp lưu chiểu tháng 9/2003. Người ta đang truy tìm "thủ phạm" vụ ví dụ cụt ngón tay này nhưng xem ra bất khả thi vì sách có thể là sách lậu.

Xem ra lĩnh vực sản xuất hàng hóa đặc biệt này đang bị buông lỏng đến mức báo động. Quá nhiều nhà xuất bản đang hoạt động và không ít nơi sống thoi thóp cầm hơi nhờ bán giấy phép. Có "nhà" đạt mức 80% đầu sách là sách liên kết. Hiện nay, sách tham khảo thi cử, sách dạy làm người, dạy tình dục,  sách vụ án cóp từ các báo, thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết đều dễ dàng mua giấy phép, tự in, tự bán. Và sách học giành cho học trò trong hai vụ trên đáng làm dẫn chứng cho tính cấp bách của việc sửa đổi luật xuất bản. Các cháu học sinh hãy chờ nhé, thế nào cũng có chấn chỉnh để các cháu không phải tập viết cây "lêu" và làm toán "cụt ngón tay!".

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-610797/sach-cung-la-cai.htm

Ông bố quyến rũ trở thành ‘sao’ trên mạng

Posted: 25 Jun 2012 06:51 AM PDT

Đất nước Trung Quốc đông dân không chỉ có nhiều câu chuyện hấp dẫn, thú vị mà
còn nhiều câu chuyện có phần lập dị.

Với sự lan rộng của Internet trên khắp thế giới, nhiều con người tưởng chừng
như rất đỗi bình thường lại trở thành hiện tượng hay những người nổi tiếng trong
thế giới ảo.

Mới đây một người đàn ông kéo xe ở Vũ Hán bỗng nhiên trở thành siêu sao trên
mạng sau khi những bức ảnh chụp cơ thể rắn chắc của ông được đăng tải trên khắp
các blog của Trung Quốc. Cư dân mạng so sánh thân hình của người đàn ông này với
ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long.

Tuy nhiên, câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Người ta còn phát hiện ra rằng
người đàn ông có thân hình quyến rũ này thực ra là bố của 2 cô con gái và ông
đang phải làm việc rất chăm chỉ để nuôi các con ăn học. Và từ đó, hình ảnh của
ông càng trở nên hấp dẫn hơn.

Ông bố 47 tuổi, họ Yan này phải dậy lúc 4 giờ sáng mỗi ngày để đi đưa sữa
trước khi làm công việc kéo xe. Có những lần ông phải kéo những chuyến xe nặng
khoảng 1 tấn. Ông làm việc này đến tận 4 giờ chiều. Ông Yan có làn da đen sạm,
cơ bắp săn chắc và luôn để trần khi làm việc. Ông thường mặc một chiếc quần soóc
bò và đội một chiếc mũ cao bồi.

Ông Yan cho biết ông phải làm việc chăm chỉ để nuôi 2 cô con gái và trả tiền
học phí cho chúng. Ông không có một mức lương ổn định, nhưng tháng nào nhiều
nhất ông kiếm được khoảng 3.000 tệ (tương đương 470 USD). Công việc của ông đòi
hỏi phải đi bộ nhiều và kéo những chuyến hàng rất nặng. Điều này đồng nghĩa với
việc cứ 3 tháng ông lại phải mua một đôi giày mới.

Được biết, trong số 2 cô con gái của ông Yan thì cô chị cả chỉ là con nuôi.
Ông đã nhặt được cô bé ở cổng một bệnh viện.

Mu Bai Yan Shao, một họa sĩ đã viết trên blog của mình rằng: "Ông ấy là một
người cha tốt. Ông ấy nói rằng mặc dù ông không học hết phổ thông, nhưng chắc
chắn các con gái của ông sẽ được học ĐH".

  • Nguyễn Thảo (Theo Asia, WantChinaTimes)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/77624/ong-bo-quyen-ru-tro-thanh--sao--tren-mang.html

Đề khó, nhiều thí sinh căng thẳng

Posted: 25 Jun 2012 06:51 AM PDT

Tại hội đồng thi trường THCS Nguyễn Chí Diễu, trước giờ bước vào phòng thi, rất nhiều thí sinh có cùng một tâm trạng lo lắng và căng thẳng. Em Hoàng Thị Trà Giang, HS trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: "Em rất lo lắng vì không biết đề thi hôm nay có khó như hôm qua không. Môn Toán em chỉ làm được phần đại số, còn phần hình học thì khó quá nên không làm được. Nhiều bạn của em thi ở trường Hai Bà Trưng ra còn khóc vì đề môn Toán quá dài và khó".

Chị Nguyễn Thị Thu, mẹ em Trà Giang cũng cùng tâm trạng với con chia sẻ: "Con đi thi mà như mình đang thi, nơm nớp lo lắng không biết con làm bài ra răng, đề thi hôm ni có khó như hôm qua không".

Khá nhiều phụ huynh đưa con đi thi tại Huế và đợi trong suốt 3 buổi thi trước cổng trường.

Giữa cái nắng gay gắt mùa hè ở Huế, trước bia Quốc Học – đối diện trường THPT chuyên Quốc Học, rất nhiều các bậc phụ huynh đã ngồi chờ con hàng giờ trong tâm trạng thấp thỏm và hy vọng. Chú Hùng, một bộ đội biên phòng nói trong một câu ngắn gọn: "Lo lắng, sốt ruột nhưng tin vì con học được".

Sau 60 phút làm bài khá căng thẳng, tại hội đồng thi trường THPT chuyên Quốc Học, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với vẻ mặt mệt mỏi. Vì đa phần các em nhận định rằng, đề thi môn Tiếng Anh năm nay khá khó. Em Trần Thị Kim Cúc bộc bạch: "Đề thi có nhiều từ vựng khó, nhất là phần đoạn văn. Có nhiều câu em không dịch được, đành đánh dấu trắc nghiệm may rủi". Cùng tâm trạng với Cúc, em Nhật Thảo trường THCS Phú Dương nói: "Em làm bài cũng tàm tạm thôi, vì đề có nhiều từ vựng khó quá".

Sau giờ làm bài môn Tiếng Anh sáng 25/6.

Bên cạnh những thí sinh với tâm trạng lo lắng thì cũng có một số em khá hồ hởi vì làm bài được. Em Nguyễn Lê Thảo Nhi, Trường THCS Nguyễn Tri Phương vui vẻ nói: "Đề thi 2 ngày đều khó nhưng em làm bài được. Em ước tính môn Văn khoảng 8 điểm, môn Toán hơi khó nên khoảng 7 thôi, còn môn Tiếng Anh em làm bài khá tốt. Chiều nay em thi môn Sinh vào lớp chuyên Sinh Trường chuyên Quốc Học, hy vọng em sẽ may mắn làm bài tốt".

Nhiều thí sinh cho rằng đề tiếng Anh khó, và cả 2 môn Toán, Văn.

Như vậy kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đã kết thúc. Riêng các thí sinh thi khối chuyên vào trường THPT chuyên Quốc Học Huế sẽ tiếp tục thi vào chiều nay.

Phương thức thi tuyển năm 2012 ở tỉnh TT-Huế cũng giống với các năm trước, áp dụng cho các thí sinh dự tuyển vào trường THPT chuyên Quốc Học (là trường cấp 3 chuyên duy nhất tại tỉnh TT-Huế) và THPT công lập ở Huế.

Trường THPT chuyên Quốc Học năm nay sẽ có 420 chỉ tiêu vào 12 lớp 10, các thí sinh ngoài việc dự thi 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh phải thi thêm 1 môn chuyên (Ngữ văn, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tóa, Vật Lý, Hóa học). Nếu không đủ điểm để vào trường chuyên Quốc Học, thí sinh sẽ được sử dụng kết quả của 3 môn thi đầu để xét tuyển vào các trường THPT công lập khác ở Huế theo nguyện vọng đã đăng ký.

Riêng thí sinh đăng ký dự tuyển vào các trường THPT công lập tại Huế sẽ có 3 nguyện vọng dự tuyển vào các trường THPT tại Huế (không tính nguyện vọng dự tuyển vào trường chuyên Quốc Học).

Các trường ngoài công lập như trường THPT Trần Hưng Đạo, trường quốc tế Chi Lăng, trường quốc tế Huế Star và các trường THPT ở các huyện, thị xã sẽ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển.

Hồng Na – Đại Dương

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-610886/de-kho-nhieu-thi-sinh-cang-thang.htm

Vung tiền cho con xuất ngoại học hè

Posted: 24 Jun 2012 07:21 PM PDT

Rút tiền từ sổ tiết kiệm, chị Bùi Hồng Chuyên (ngõ 154 phố Chợ Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) mang 32 triệu đồng đóng cho ban tổ chức để con gái tham dự trại hè Singapore trong tuần từ ngày 18-24/6.

Chị Chuyên tâm sự: “Trại hè này dành cho học sinh từ 12-17 tuổi. Tham gia chương trình này, con gái mình sẽ được trải nghiệm thực tế môi trường học tập và cơ sở vật chất tại một trường công lập Singapore với 2 môn Toán và tiếng Anh. Ngoài ra, cháu sẽ có các buổi học nhóm nhằm tăng cường kỹ năng làm việc theo nhóm kết hợp với các buổi học thực tế bên ngoài, các buổi thăm quan khám phá đất nước Singapore… Hi vọng sau khóa học một tuần này về trình độ tiếng Anh của cháu sẽ tốt lên và cháu sẽ bạo dạn hơn nhiều”.

Bỏ ra số tiền gấp đôi của chị Chuyên, anh Đỗ Ngọc Tuấn (ngõ Đa Lộc, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) còn chi 66,6 triệu đồng để cho cậu con trai tham dự Trại hè quốc tế 2012 tại Mỹ từ ngày 15/7-4/8.

“Gia đình mình chưa sang Mỹ bao giờ nên cũng rất mong con có điều kiện sang đó để có thể học tập và tiếp thu kiến thức của một đất nước phát triển. Điều quan trọng nhất là mình muốn con rèn luyện khả năng ngoại ngữ và học được cách tư duy, làm việc của người Mỹ”, anh Tuấn nói.

Tham gia trại hè, học sinh sẽ được rèn luyện về ngoại ngữ, kỹ năng làm việc theo nhóm… (ảnh minh họa)

Năm nay, nhận định xu hướng xuất ngoại học hè của các gia đình khá giả, nhiều trung tâm, tổ chức đã tích cực thực hiện các chương trình, các tour dưới hình thức trại hè.

Tại TP.HCM, Ban Quốc tế Thành đoàn TP và CLB Quốc tế thanh niên tổ chức trại hè tiếng anh “Sky 2012″ với hai đợt trại tại Việt Nam và Singapore dành cho các bạn từ 14-25 tuổi. Trại hè nhằm rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh và các kỹ năng thực hành xã hội khác; xây dựng tinh thần tập thể giao lưu văn hóa; kích thích tư duy sáng tạo… Riêng hội trại tại Singapore, các bạn trẻ sẽ tìm hiểu đất nước, con người nơi đây kết hợp hoạt động tình nguyện và chương trình ở nhà dân.

Trong khi dự trại hè ở Việt Nam, chẳng hạn với chuyến đi Phan Thiết từ 6-8/7, cha mẹ chỉ phải đóng 2,9 triệu đồng/người, còn với chuyến đi Singapore từ 27/7-1/8 sẽ đóng 750 USD/người (tương đương khoảng 15 triệu đồng).

Ngoài ra, một số chương trình khác như trại hè thiếu nhi quốc tế Songdowon lần thứ 27 tại Wonsan và Bình Nhưỡng, Triều Tiên, các em sẽ phải đóng 1.980 Euro.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ Chăm sóc trẻ em, cho rằng, việc học thêm hè cần vừa phải, không nên lạm dụng và áp đặt con trẻ. Đặc biệt, những nơi tổ chức các khóa học hè cần xem xét kỹ chương trình giảng dạy cho học sinh để lựa chọn các kỹ năng học cho phù hợp.

“Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của gia đình, văn hóa các vùng miền… mà có các hoạt động hè khác nhau cho trẻ. Tuy nhiên, nên giữ nguyên tắc trong ba tháng hè, trẻ phải được nghỉ ngơi, vui chơi giải trí để lấy sức khỏe cho một năm học mới. Hoạt động hè cần phải tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ, tránh để trẻ bị sang chấn tâm lý hoặc các tai nạn thương tích”, ông An nhấn mạnh.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-610492/vung-tien-cho-con-xuat-ngoai-hoc-he.htm

Comments