Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Học sinh Quảng Ninh vô địch Olympia 2012

Posted: 24 Jun 2012 04:23 AM PDT

- Với 250 điểm, Đặng Thái Hoàng, học sinh lớp 12 Trường THPT Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh đã vượt qua ba thí sinh còn lại để trở thành nhà vô địch Olympia năm thứ 12.

Phát huy sở trường

Trận thi đấu chung kết Olympia vừa kết thúc vào lúc 11h sáng 24/6 thực sự là cuộc đấu trí đầy căng thẳng của 4 học sinh: Trần Lê Phương (Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam); Nguyễn Ngọc Khánh (Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, Kon Tum); Đặng Thái Hoàng (Trường THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) và Thân Ngọc Tĩnh (Trường PT Năng khiếu ĐHQG TP.HCM).

 

Đặng Thái Hoàng, học sinh Trường THPT Hòn Gai, Quảng Ninh – Nhà vô địch Olympia 2012.

 

Đặc biệt là cuộc đua giữa "thùng thuốc nổ TNT" Thân Ngọc Tĩnh và chàng trai vùng mỏ Đặng Thái Hoàng.

Kết thúc phần thi thứ nhất, Ngọc Tĩnh xuất sắc giành 90 điểm trong tổng số 12 câu hỏi của chương trình. Ngọc Khánh và Lê Phương cùng đạt được 60 điểm. Kém hơn một chút, Thái Hoàng dừng lại ở điểm số 50.

Sang đến phần thi Vượt chướng ngại vật, một lần nữa Thái Hoàng lại biết phát huy tối đa điểm mạnh của mình trong các cuộc thi Olympia khi tiếp tục bấm chuông trả lời ô chữ của chương trình ngày hôm nay.

Trải qua hai câu hỏi đầu tiên, chưa có ô chữ nào được lật mở. Thế nhưng cả trường quay S9 đã nín lặng khi Thái Hoàng bấm chuông trả lời ô chữ là "Tiếng Việt". Ở ngôi trường của em, đầu cầu Quảng Ninh đang mưa. Và tất cả như vỡ òa khi BTV Tùng Chi khẳng định câu trả lời của em là đúng và nói một cách dí dỏm: "cơn mưa đã mang lộc về cho em".

Vòng thi tăng tốc chứng kiến những cú bứt phá của cả 4 thí sinh khi liên tiếp đạt được các điểm số tối đa (40 điểm) ở các câu hỏi. Kết thúc vòng này, Thái Hoàng vẫn tạm dẫn đầu với 210 điểm. Ngọc Tĩnh và Lê Phương bám đuổi sát nút với50 điểm ít hơn, đạt 160 điểm. Ngọc Khánh cũng không thua kém khi dành 150 điểm.

Chiến thắng kịch tính

Các thí sinh bước đến vòng thi Về đích với số điểm chênh lệch không đáng kể. Ngọc Khánh chọn gói câu hỏi 80 điểm và kết thúc với điểm số 190.

 

Chân dung nhà vô địch Olympia 2012: Đặng Thái Hoàng.

 

Với những câu trả lời xuất sắc ở gói câu hỏi 80 điểm cùng nlựa chọn gôi sao hi vọng, Ngọc Tĩnh dừng phần thi của mình với tổng điểm 240 và tạm thời dẫn đầu đoàn leo núi với 30 điểm nhiều hơn Thái Hoàng.

Cô gái duy nhất của chương trình hôm nay, Lê Phương chọn câu hỏi 60 điểm. Câu thứ 3 chọn em ngôi sao hi vọng nhưng không chính xác. Ngọc Tĩnh trả lời nhưng chỉ sai sót một chút và cũng bị trừ 10 điểm.

Ở câu hỏi cuối cùng của Lê Phương, Thái Hoàng lại phát huy khả năng tiếng Anh khi dành được quyền trả lời sau khi cô bạn xứ Quảng đưa ra đáp án sai. Có thêm 20 điểm, lúc này Thái Hoàng san bằng khoảng cách với Ngọc Tĩnh (cùng 230 điểm).

Đến lượt lựa chọn của mình, Thái Hoàng chọn gói câu hỏi 40 điểm. Trả lời sai ở câu đầu tiên và mất 10 điểm cho Ngọc Khánh nhưng Thái Hoàng đã xuất sắc trả lời đúng cả 3 câu còn lại và chiến thắng  với  250 điểm. Ngọc Tĩnh dù liên tục bấm chuông giành phần trả lời từ các bạn ở các phần thi nhưng đành chấp nhận về Nhì chung cuộc với 20 điểm ít hơn.

Với chiến thắng này, Thái Hoàng sẽ nhận được phần thưởng là xuất học bổng trị giá 35.000USD. Vẫn với vẻ tự tin và sự khiêm tốn thường thấy, em cho biết: "Dù tiếng Anh khá nhưng sắp tới em phải học thật nhiều để chuẩn bị đi du học".

Đam mê nhiếp ảnh, vẽ, ước mơ sau này của Thái Hoàng là trở thành kiến trúc sư.

Văn Chung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/77762/hoc-sinh-quang-ninh-vo-dich-olympia-2012.html

Tiền Giang: tỉ lệ tốt nghiệp đứng chót không buồn

Posted: 24 Jun 2012 04:23 AM PDT

Tiền Giang: tỉ lệ tốt nghiệp đứng chót không buồn

TT – Kỳ thi tốt nghiệp "hai không" năm 2007, Tiền Giang ở vị trí thứ năm cả nước với 88,99% HS tốt nghiệp (tỉ lệ cả nước 66,72%). Mùa thi năm 2012, tỉ lệ tốt nghiệp tỉnh này đạt 95,93% – đứng vị trí áp chót so với các tỉnh thành.

Thí sinh tỉnh Tiền Giang vui mừng sau khi làm tốt bài thi – Ảnh: MINH CHÂU

Từ tỉ lệ tốt nghiệp năm 2007 khá cao với 88,99%, một năm sau khi mà tỉ lệ chung của cả nước tăng xấp xỉ 10%, tỉ lệ của Tiền Giang lại giảm còn 87,98%. Một năm sau, năm 2009, kết quả chung của cả nước tiếp tục phi nước đại với gần 10% nữa, Tiền Giang lại tiếp tục thụt lùi.

Không chấm lại để nâng điểm

Tìm gặp những giám khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 tại Tiền Giang, Tuổi Trẻ ghi nhận được câu chuyện chấm thi môn lịch sử. Sau khi chấm xong, có ý kiến từ bộ môn này dè dặt bày tỏ với lãnh đạo sở: "Anh ơi, số bài thi 4,5 điểm nhiều lắm". Hẳn nhiên, lãnh đạo sở hiểu anh em muốn nói điều gì và cũng rất chia sẻ với tâm tư anh em. Chỉ cần xem lại bài thi, tìm để nâng 4,5 nâng thành 4,75 là đã có thêm nhiều điểm trung bình, nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp… Thế nhưng không có chuyện chấm lại. Và tỉnh này đã giữ những điểm số, chấp nhận kết quả môn sử là môn có tỉ lệ bài thi 5 điểm thấp nhất trong các môn thi (khoảng 70%), tỉ lệ này cũng thấp hơn so với nhiều tỉnh bạn.

Cô Ngô Thị Kim Cúc, giáo viên văn Trường THPT Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, người có 30 năm trong nghề, nhiều năm coi thi và chấm thi, khẳng định: ngoại trừ năm ngoái có chấm lại sau khi bộ điều chỉnh đáp án môn văn chứ chưa bao giờ có chuyện chấm lại để nâng điểm.

Buông lỏng thi cử là bất công

Thầy Bùi Văn Thao, hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo, tâm sự: "Chúng tôi quan niệm: không thể đánh đồng thành quả của giáo dục dạy tốt, HS ham học với kết quả sự buông lỏng thi cử". Nói về tỉ lệ tốt nghiệp, ông Nguyễn Đăng Lợi, hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, Gò Công, cho biết: "Tôi từng nghe anh em tâm tư khi tỉ lệ thấp hơn nơi này nơi khác. Và tôi cũng từng nghe những người làm công tác lãnh đạo thi giải thích rằng hãy để xã hội lượng giá. Chúng ta không vì nhiều nơi làm sai mà đi theo sai trái đó. Làm giáo dục mà làm sai tức là hại một thế hệ".

Trong khi đó ông Trần Thanh Đức, giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang, bộc bạch: "Tiền Giang đã làm nghiêm túc, dù có xếp hạng thứ 63 cũng không buồn vì mình đã bước tiếp con đường đã chọn." Ông nói tiếp: "Cũng có một bộ phận xã hội nghĩ rằng làm nghiêm thì thiệt thòi. Nhưng khi đã bung ra, đã buông lỏng, muốn củng cố lại rất khó. Cũng có ý kiến mở một cơ hội cho học trò có bằng ra đời đi làm, thi rớt sẽ chơi bời hư hỏng. Người làm giáo dục không được nghĩ vậy. Bằng cấp phải đánh giá đúng năng lực, kiến thức người học. Nếu không đậu sang năm thi lại. Sự buông lỏng là bất công giữa người học và người không học, những HS giỏi có thể điểm không bằng những bạn may mắn được copy bài, từ đó HS sẽ bất mãn, không tin tưởng vào ngành, vào thầy cô nữa. Đó là một điều nguy hiểm".

PHÚC ĐIỀN

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/498459/Tien-Giang-ti-le-tot-nghiep-dung-chot-khong-buon.html

Comments