Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Thủ khoa tốt nghiệp THPT ở Bến Tre đạt 59 điểm

Posted: 23 Jun 2012 07:24 AM PDT

(TNO) Ngày 23.6, Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Bến Tre xác nhận: em Ngô Thị Kim Yến, nữ sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP.Bến Tre, đã đạt 59 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Đây là số điểm cao nhất cả nước tính tới thời điểm hiện tại.

Em này đã có một kết quả thi ấn tượng với 4 môn đạt điểm 10, hai môn còn lại là văn và Anh văn đều 9,5 điểm.

Được biết, Kim Yến là học sinh giỏi 10 năm liền, riêng hai năm lớp 11 và 12 là học sinh xuất sắc.

Khoa Chiến

Các tỉnh, thành tiếp tục công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT
Tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT trên Thanh Niên Online
Có cần thi tốt nghiệp THPT?
Thi tốt nghiệp THPT: Gian lận nghiêm trọng ở Bắc Giang
Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Bên lề

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120623/thu-khoa-tot-nghiep-thpt-o-ben-tre-dat-59-diem.aspx

Điểm chuẩn và điểm thi lớp 10 PT năng khiếu TP.HCM

Posted: 23 Jun 2012 06:11 AM PDT

Điểm chuẩn và điểm thi lớp 10 PT năng khiếu TP.HCM

TTO – Chiều 22-6, ban giám hiệu Trường phổ thông năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố kết quả và điểm chuẩn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2012-2013.

Xem điểm thi vào lớp 10 Trường phổ thông năng khiếu

Thí sinh trao đổi bài sau khi thi xong môn Toán tại HĐT trường THPT chuyên Lê Hồng Phomg Q.5, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

Theo đó, điểm chuẩn vào lớp Chuyên toán 32,1 điểm; lớp tin học (thi môn chuyên là tin học) 28,3 điểm; tin học (thi môn chuyên là toán) 30,1 điểm; vật lý 29,7 điểm; hóa học 33,7 điểm; sinh học 28,4 điểm; tiếng Anh 31,8 điểm; ngữ văn 30,5 điểm và lớp không chuyên là 24,7 điểm.

Trường nhận đơn phúc khảo từ nay cho đến ngày 29-6; tiếp nhận hồ sơ nhập học của học sinh từ ngày 29-6 đến ngày 6-7.

HOÀNG HƯƠNG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/498198/Diem-chuan-va diem-thi lop-10-PT-nang-khieu-TPHCM.html

Nóng vội và nặng thành tích

Posted: 22 Jun 2012 10:41 PM PDT

Vụ chạy giấy chứng nhận "tốt nghiệp" mầm non

Nóng vội và nặng thành tích

TT – Câu chuyện chạy GCN hoàn thành giáo dục mầm non 5 tuổi chỉ là một trong số nhiều hệ lụy của việc vội vàng đặt ra chỉ tiêu hoàn thành phổ cập mầm non khi chưa đủ lực ở một số tỉnh, thành phố lớn.

Chạy giấy chứng nhận tốt nghiệp mầm non

22 trẻ sinh năm 2006 chưa tham gia học mầm non đã được phường 12, quận 6, TP.HCM hỗ trợ kinh phí và đưa vào học lớp phổ cập mầm non miễn phí trước khi vào lớp 1Ảnh: L.Trang

Để hoàn thành mục tiêu phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào cuối năm 2012 tại TP.HCM, cán bộ phụ trách phổ cập tại các phường, xã phải gánh trách nhiệm nặng nề, như một cán bộ phường tại quận Gò Vấp nói vui: tìm mọi cách "vét" hết trẻ trong độ tuổi ra lớp để hoàn thành chỉ tiêu.

TP.HCM: rốt ráo huy động trẻ

Số lượng trẻ sinh năm 2006 tại P.12, quận 6 là 285 trẻ. Sau một thời gian gấp rút huy động vẫn còn 22 trẻ chưa được phổ cập mầm non, rơi vào các em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cha hoặc mẹ đi làm ăn xa giao ông bà nuôi dưỡng, cả gia đình phải lo mưu sinh, không quan tâm đến việc học nên trẻ không được đi học.

UBND phường này đã phải nhờ đến kinh phí của mạnh thường quân, mặt bằng của một trường tư thục trong phường, mất hai tháng chuẩn bị và đi từng nhà kêu gọi cho trẻ ra lớp. Cuối tháng 5 vừa qua, 22 trẻ này đã nhận được GCN hoàn thành chương trình mầm non 5 tuổi, kéo chỉ tiêu huy động trẻ 5 tuổi ra lớp của phường đạt 100%.

Không riêng P.12, Q.6, chuyện cán bộ phổ cập, tổ trưởng khu phố… phải phát loa kêu gọi hằng ngày, phải cất công đi từng nhà dân năn nỉ họ cho con đi học, thậm chí năn nỉ không được thì chuyển sang… dọa dẫm, chung quy cũng nhằm hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra: 100% trẻ 5 tuổi phải ra lớp. Những chương trình cấp tốc kéo dài 1- 2 tháng cũng được mở luân phiên để phục vụ những trẻ chưa kịp học mầm non khi ngày vào học lớp 1 đã tới gần.

Để mau chóng hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi, nhiều quận, huyện tại TP.HCM đã chủ trương "cắt" bớt chỗ học ở các lớp dưới 5 tuổi gây khó khăn cho người dân có con chưa đến tuổi được… phổ cập. Tại Gò Vấp, chỉ còn hai trường mầm non Anh Đào và Hồng Nhung là còn nhận trẻ 18 tháng tuổi, số đông các trường công lập còn lại chỉ nhận trẻ trên 24 tháng, thậm chí có nơi chỉ ưu tiên nhận trẻ 36 tháng. Chỗ học cho trẻ dưới 2 tuổi thiếu trầm trọng, phụ huynh chỉ còn cách gửi con ở các trường tư thục hoặc nhóm trẻ gia đình.

Mâu thuẫn là ở chỗ để đảm bảo phổ cập 5 tuổi, những lứa tuổi nhỏ hơn buộc phải tìm chỗ học ở các nhóm trẻ nơi mà điều kiện sinh hoạt, cơ sở vật chất và giáo viên không thể bằng trường công. Tại TP.HCM, số lượng các trường duy trì lớp nhà trẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại quận 8, trường tư và nhóm trẻ gia đình cũng phải nhận trẻ đông hơn để gánh bớt trách nhiệm cho trường công đang "bận bịu" lo cho trẻ 5 tuổi.

Phó hiệu trưởng một trường mầm non tại quận Bình Thạnh phân tích: "Trước đây, khi không hô hào phổ cập, chúng tôi vẫn làm công việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp. Nay có thêm chữ "phổ cập", có thêm GCN hoàn thành chương trình mầm non, cộng với sức ép từ trên xuống để hoàn thành mục tiêu phổ cập đúng tiến độ đã đăng ký, nên mới xảy ra tình trạng nhốn nháo vì người dân quá thiếu thông tin. Trong khi điều kiện phổ cập chưa thể đáp ứng, thiếu trường lớp, giáo viên thì công tác huy động trẻ lại được làm rầm rộ, triệt để, chỉ vì con số mang tính thành tích là 100%".

Hà Nội: mất chỗ học vì… phổ cập

Tại Hà Nội, với việc dốc sức để phổ cập mầm non 5 tuổi vào năm 2013, sớm một năm so với dự kiến cũng khiến cuộc đua tìm chỗ học mầm non càng căng thẳng.

Theo bà Phạm Thị Hồng Nga, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, trong hơn 860 trường mầm non của Hà Nội năm học 2011-2012 chỉ có 28% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 93% trẻ trong độ tuổi từ 3-5 tuổi được nhận vào học. Theo điều tra của Hội Khuyến học Hà Nội, "trẻ 12 tháng tuổi không có chỗ học ở bất cứ trường công nào tại Hà Nội".

Bà Thành Thu Hà, phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân, Hà Nội, bày tỏ quan điểm "khuyến khích các cơ sở mầm non nhận đủ các lứa tuổi". Nhưng việc thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên là vấn đề chung của nhiều trường vì thế các cơ sở đành phải "liệu cơm, gắp mắm", ưu tiên cho trẻ 5 tuổi. Khi còn chỗ mới có thể mở rộng cho trẻ 3, 4 tuổi.

Theo một số phụ huynh tại phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội, hiện vẫn chưa biết con mình có được nhận hay không. Vì nhà trường chờ tuyển bổ sung hết lứa mầm non 5 tuổi mới cân nhắc việc tuyển bổ sung 3, 4 tuổi.

Theo bà Lan Duyên, phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, mùa tuyển sinh này có ít nhất 6-7 trường phải áp dụng hình thức bốc thăm tuyển sinh để giải quyết việc căng thẳng chỗ học. Các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Tây Hồ, Ba Đình cũng trong tình trạng tương tự. Để tránh "tai tiếng" phụ huynh xếp hàng trắng đêm xin học, giải pháp bốc thăm đang là phương thức tối ưu.

Giải thích cho mục tiêu "cán đích" sớm hơn một năm, bà Nga cho biết hai năm qua Hà Nội đã tăng thêm 75 trường mầm non, xóa trên 5.500 phòng học tạm, tuyển dụng gần 6.000 giáo viên mầm non vào biên chế, nâng mức chi cho mầm non tính theo số học sinh. Với nỗ lực này, Hà Nội có thể phổ cập sớm hơn dự kiến.

LƯU TRANG – VĨNH HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/498254/Nong-voi-va-nang-thanh-tich.html

Đến trường trong tiếng mõ trâu

Posted: 22 Jun 2012 10:41 PM PDT

Điểm trường lẻ Keo Phà Tú.

"Keo Phà Tú là một trong những điểm trường lẻ xa nhất của Trường tiểu học Bắc Lý 2. Ở đây có 49 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 nhưng chỉ có 4 giáo viên thay nhau đứng lớp. Tất cả học sinh ở đây đều là con em đồng bào dân tộc Khơ – Mú", thầy Ngô Anh Quyền giới thiệu vắn tắt với khách. Thầy Quyền đã có 6 năm gắn bó với điểm trường này.

Với những phòng học tạm bợ.

Ngôi trường bằng tre, dựng chênh vênh ở lưng chừng đồi. Nếu không có tấm bảng ghi dòng chữ "Trường Tiểu học Bắc Lý 2 – điểm trường Keo Phà Tú" đã phai màu sơn, có lẽ chúng tôi sẽ nhầm với những ngôi nhà tuềnh toàng của người dân trong bản. Đứng trong lớp học, ngước lên, có thể thấy cả bầu trời xanh qua những lỗ thủng trên mái. "Đầu năm học nào trường cũng huy động phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo vào rừng chặt tre tu sửa nhưng chỉ vài trận mưa là mục nát hết cả" – thầy Quyền phân trần.

Thấy có khách lạ đến thăm, hơn chục em học sinh đứng dậy khoanh tay chào rồi cắm cúi xuống những quyển sách đã sờn hết gáy. Những đứa trẻ khuôn mặt lấm lem, quần áo sờn rách, cáu bẩn nhưng đôi mắt lại háo hức với những con chữ một cách lạ thường. Các phòng học được ngăn bởi những tấm phên nứa đã mục nát, thủng lổ chỗ và có cửa thông nhau bởi hầu như giáo viên ở điểm trường này đều phải dạy ghép một lúc 2 lớp.

Cô và trò học trong lớp học ngăn bằng phên.

Hiếm hoi để tìm được một bộ bàn ghế cho đúng nghĩa bởi tất cả bàn ghế ở các phòng học đều đã hư hỏng, xiêu vẹo. "Đồng bào còn khó khăn lắm, kiếm một ngày 2 bữa ăn đã là may mắn lắm rồi lấy đâu ra tiền đóng góp xây dựng trường lớp cho kiên cố được nên thầy trò phải vượt khó thôi. Người dân ở đây nghèo lắm, dù các khoản đóng góp, sách vở, đồ dùng học tập được miễn nhưng cho các con đến trường là cả một kỳ tích rồi.

Gần như đầu năm học nào chúng tôi cũng phải đến từng nhà vận động các phụ huynh cho các em tới lớp còn vào mùa giáp hạt thì gần như phải "giành" học sinh bởi đói quá, các em phải vào rừng phụ bố mẹ kiếm củ mài, củ sắn. Chỉ thương các em, vào mùa nắng thì nóng, mặt trời dọi thẳng vào lớp. Vào mùa mưa, thầy và trò lại phải chuyển bàn ghế hết góc này qua góc khác để tránh mưa ướt. Khó khăn là thế nhưng các cháu ham học lắm…" – thầy Quyền cho biết thêm.

Trống trường là chiếc mõ trâu.

3 tiếng mõ vang lên, các em học sinh gấp sách đứng dậy. "Ở đây đến cả các trống cũng không có nên phải dùng mõ để báo hiệu giờ học", cô giáo Nguyễn Thị Thiện đọc được sự ngạc nhiên ở những người khách mới đến. Một cậu học sinh ôm chiếc mõ (loại người dân vẫn buộc vào cổ bò trước khi thả vào rừng để tránh đi lạc nhưng lớn hơn chút xíu – PV) đi ra sân. Sau một hồi mõ, các em học sinh lớp 5 đứng ngay ngắn thành hàng và bắt đầu bài tập thể dục. Các động tác thể dục được thực hiện đều đặn, nhịp nhàng theo tiếng mõ. Rồi cũng tiếng mõ ấy vang lên, tất cả học sinh lại trở vào lớp học.

Giấc mơ con chữ vẫn được miệt mài gieo nơi ngôi trường vùng biên này

Rời Keo Phà Tú trong buổi chiều nhạt nắng, tiếng mõ báo hết buổi học cứ khiến những người khách lạ chúng tôi chùng lòng. Mơ ước có một tiếng trống trường đúng nghĩa cũng còn xa vời với ngôi trường nơi biên giới này…

Hoàng Lam – Lộc Nghi

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-610024/den-truong-trong-tieng-mo-trau.htm

Mọi con đường đều dẫn đến… Đồi Ngô?

Posted: 22 Jun 2012 10:41 PM PDT

- Bài viết của TS. Hoàng Tuyết "Văn hoá nể nang giết chết giáo dục" vừa chỉ
đích danh một tập quán kìm hãm chất lượng của sự nghiệp "trồng người". Dưới đây
là suy tưởng của một bạn đọc VietNamNet.

Hình bóng thầy cô trong clip "Đồi Ngô"

Một U60 suốt đời là "học trò"- là tôi – có nhiều cảm xúc lẫn lộn khi ngắm Nhà
sư phạm hôm nay trong các bức ảnh cắt từ video clip "Đồi Ngô"(mà chỉ một phần
nhỏ cơ sở dữ liệu đến được mắt người đọc).

Mọi con đường đều dẫn đến… Đồi Ngô? (Ảnh minh họa)

Có lẽ, các thầy cô ở xứ Đồi Nương vẫn có gì đó "người" hơn một số cô giáo mà
phụ huynh vẫn diện kiến hàng ngày ở Hà thành. Bản thân tôi từng thấy những cô
giáo cấp I trông (và cư xử) không khác gì hình tượng "phe" trong tâm tưởng thế
hệ "bao cấp". Một số trong họ đeo rất nhiều vàng. Một cung cách "áo gấm đi đêm"
như thế, kẻ chậm hiểu như tôi được giải thích, là thể hiện đẳng cấp: họ chỉ nói
chuyện với "tiền triệu".

Nhưng nếu các thầy cô như ở trong clip đang bỏ qua tiêu cực thi cử vì cả nể,
thì bên trong họ quả đang nạp sẵn những thứ giết chết giáo dục. Thứ nhất,
sự xấu hổ có còn tồn tại bên trong họ? Thứ hai, lương tâm nghề nghiệp của
họ có không?

Nhưng nhìn kỹ nữa, thấy thương, có vẻ như cô giáo đang lệch đường?

Hình ảnh thầy cô trong thế hệ chúng tôi là thiêng liêng, và vẫn gần gũi.
Không phải ai trong họ cũng dạy giỏi, nhưng họ thường vừa nghiêm khắc, vừa đôn
hậu. Họ khá vô tư về phương diện vật chất, cho dù trong chúng tôi có đứa vẫn
phải phát khóc vì chuyện thày cô thiên tư đứa này, trù đứa khác… về cảm tính.
Họ là Thầy! Thầy trong tiếng Việt ở một số địa phương có nghĩa là "Cha".

Thứ ba, theo hướng tư duy của TS Tuyết, không lẽ lại ít người nhận
thấy "thương nhau như thế bằng mười hại nhau". Dường như có một sự ám thị tập
thể được TS Tuyết gọi là "sự nể nang tự giác" và có tính tổ chức của một
tập thể nào đó liên quan…”. Tập thể có liên quan ở đây lớn hơn tập thể giáo
viên. Nó bao gồm cả các quan chức ngành, và cả một bộ phận phụ huynh "họ hàng
hang hốc" (?!)

Hậu Đồi Ngô…

Sau khi clip "Đồi Ngô" làm bung ra một thứ bom về thực trạng giáo dục, một số
thầy cô ở đó đã "lãnh đủ". Nhiều phụ huynh chép miệng, thương các thầy cô bị kỷ
luật, "đầu không phải, phải tai"!

Tự đặt mình là một thầy/cô ở Đồi Ngô? Mình sẽ là người (thứ hai) trung thực,
kiên quyết đấu tranh, để rồi "tránh đâu", trong sự oán trách của khối người "vạ
lây", và trù úm của "các đồng chí chưa lộ"? Mình chắc trước đó đã mệt mỏi, không
thể tiếp tục trung thực. Nhưng không thể không trung thực (vì từng được dạy bởi
một nền giáo dục không sai lầm) nên sẽ buông xuôi? Sẽ trở nên vô cảm?

Một tiếng nói trẻ hơn vọng vào tai chúng ta: các vị quan chức đầu ngành cũng
từng được dạy bởi "nền giáo dục không sai lầm" đấy chứ, nhưng Bộ Giáo dục lại
kết luận Đồi Ngô "là tổ chức thi nghiêm túc". Nhưng 5X, 6X đâu có dám nói là tất
cả thế hệ ấy đều tự trọng, đều có lương tâm nghề nghiệp, là không "quét bụi
xuống dưới thảm" khi làm quan…

Chuyện làng, chuyện mình

Chuyện kể rằng sau khi có một làng được nhận danh hiệu là "Làng Văn hoá", cơ
quan chức năng đã thất bại trong việc từ chối cung cấp cho các làng xung quanh
danh hiệu tương tự. Vì các LÀNG BÊN cử đại diện lên, bằng mọi cách thức có thể
của một xã hội duy tình (emotional, sentimental) gây sức ép lên Hội đồng xét
duyệt. Cái vòng này cứ mở rộng mãi ra, tới quy mô đồng bằng châu thổ…

Chuyện thứ hai xảy đến với tôi. Tôi thấy mình hay quát lác con, nên không
chịu nhận danh hiệu gia đình văn hoá. Đại diện Tổ dân phố nói rằng nhiều vị dù
hay cãi, đánh nhau với hàng xóm, vẫn nhận ngon lành. Tôi vẫn không chịu. Cuối
cùng họ cứ phát cho tôi, nói là để đảm bảo chỉ tiêu "100%" gia đình văn hoá.

Chắc ở từng "Đồi Ngô" ở nước Nam ta, cũng có ai đó (thuộc "tập thể nào đó
liên quan" – chữ của TS Tuyết- ?) đến thúc mọi người: bên Nương Khoai, Ruộng Sắn
năm nào người ta cũng đỗ 100 cả rồi, mình phải thế nào chứ… Nói tóm lại là tạo
hiệu ứng ám thị tập thể "sĩ diện hão". Kết quả thế nào (chỉ phụ huynh thôi?) đã
rõ.

Nguồn gốc "nể nang"?

Sự nể nang như một đặc tính văn hoá Việt có thể có nhiều nguồn gốc. Chẳng
hạn, nó nằm ngay trong cách xưng hô, trong cái gia đình nối dài, tam đại, tam
tộc… của chúng ta. Ai cũng là anh, chị, em, hay chú bác của nhau. Một người có
thể vừa là bác của ai đó, vừa là cháu của một vị khác còn trẻ hơn mình. Lúc nào
chú Tễu cũng sợ "vuốt mặt không nể mũi", phê ai đó, chẳng may, lại là con quan,
hay thuộc kèo trên của mình, của "sếp" mình… Mỗi khi có "châm chước", "linh
động", thường cũng là lúc luật bị bẻ cong về thực chất trong thứ xã hội duy
tình. Nghe thấy mệnh đề: "Nể tình cụ XYZ… (gì đó), tha cho đương sự này…"

Trong tiếng Anh, tiếng Nga, không thấy có từ cả nể, đúng hơn là người ta cũng
cố dịch bằng những từ, có nghĩa chính là dễ chiều ý người khác, dễ dãi, thậm chí
là nhút nhát.

Riêng tôi thấy mình còn may, vì không phải xưng con với ai không phải bố mẹ
mình. Trẻ hôm nay phải xưng con cả với các cô giáo mà chúng ghét cay ghét đắng.
Ác cảm này, nếu ta lắng nghe trẻ, và tự kiểm nghiệm, nhiều lúc hoàn toàn chính
đáng.

Ước sao các thầy cô (và quan chức ngành giáo dục) hôm nay giống như xưa, vừa "lạnh"
(nghiêm, nguyên tắc), vừa "ấm" (thực sự thương yêu học trò), không thương HẠI
học sinh, không giết nền giáo dục, kiểu "mật ngọt chết ruồi".

Ước sao trẻ con Việt sẽ được xưng tôi, được là "cái tôi" theo kiểu dũng cảm,
nhưng khiêm tốn, trong sự "khôn ngoan chẳng lọ thật thà".

  • Thành Lê

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/77524/moi-con-duong-deu-dan-den--doi-ngo-.html

Bốn ‘nhà leo núi’ Olympia trước giờ chung cuộc

Posted: 22 Jun 2012 10:41 PM PDT

- Chung kết Olympia 2012 sẽ diễn ra vào ngày 24/6 với sự góp mặt của ba
chàng trai và một bạn nữ. Mỗi bạn một sở trường và thế mạnh riêng…

Trận Chung kết năm nay là
cuộc thi đấu của 4 học sinh: Trần Lê Phương (Trường THPT Chuyên Nguyễn
Bỉnh Khiêm, Quảng Nam); Nguyễn Ngọc Khánh (Trường THPT chuyên Nguyễn Tất
Thành, Kon Tum); Đặng Thái Hoàng (Trường THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) và
Thân Ngọc Tĩnh
(Trường PT Năng khiếu ĐHQG TP.HCM).

Trần Lê Phương: Tập để không…run

Lê Phương sinh ra và lớn lên ở huyện nghèo Bắc Trà My,
tỉnh Quảng Nam. Cô Lê Thị Thu Lan – mẹ em vẫn động viên con gắng học trước để
lấy kiến thức và sau là để “thoát nghèo”.

Lên lớp 10, Phương từ quê lên trọ, học trường THPT
chuyên cách nhà 60km. Cô Lan lo nhiều khi muốn cho con về học gần nhà. Phương
quả quyết: “Việc học là khó nhất nhưng con đã lo được. Con tin mình có thể tự
chăm sóc cho bản thân được”. Nghe con nói như vậy người mẹ cũng yên lòng.

Việc con vào đến trận chung kết khiến gia đình, thầy cô
và mọi người rất mừng lẫn bất ngờ. Bản thân Phương cũng tâm sự: “Em cũng có chút
may mắn”. Bước vào cuộc thi tháng với tư cách người có điểm nhì cao nhất (suýt
bị loại ngay bởi một “đối thủ” khác) lại khiến cô bạn bước vào cuộc thi tháng
với tâm trạng tự tin.

Thế nhưng cuộc thi tháng diễn ra căng thẳng hơn Phương
nghĩ. Vòng tăng tốc em để đối thủ cạnh tranh hơn tới 45 điểm. Chiến thắng chỉ
đến với cô bạn ở vòng thi Về đích khi em vươn lên giành 275 điểm, hơn bạn đến từ
Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam 20 điểm .

Trước giờ "G"- Phương tâm sự: "Em phải cố gắng để
không bị hồi hộp vì nhạc hiệu chương trình và run bởi tiếng bấm chuông của mọi
người". Trng cách nói chuyện – Phương tỏ ra không hề lép vế hay nao núng trước
cuộc đọ sức cùng "ba chàng ngự lâm".

Một điểm thú vị cũng động viên cô bạn xứ Quảng là
Phương có điểm Nhì cao nhất cuộc thi tuần (195 điểm) và cũng xuất phát ở vị trí
thứ 3 trong cuộc thi chung kết như nhà vô địch Olympia 2011 Ngọc
Oanh (học sinh Trường THPT Tiên
Lãng, Hải Phòng).

Nguyễn Ngọc Khánh: Nối tiếp chị cả vào đến chung kết

Khánh là vận động viên leo núi gây được ấn tượng nhất
với Lê Phương. Ở cuộc thi quý, Khánh chỉ vượt qua bạn Tài Thu (Trường THPT
Chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn) ở câu hỏi phụ thứ 3 về hóa học. Khi đó cả hai kết
thúc phần thi ở 240 điểm.

Vào đến chung kết Olympia 2012, Khánh cũng chứng tỏ
mình không thua kém chị cả Nguyễn Thị Ngọc Thơ (chung kết Olympia 2004 và hiện
du học ở Malaysia). Đang dịp nghỉ hè và chị về Việt Nam viết luận án – nên trận
cuộc thi chung kết – Khánh được chị gái tháp tùng ra Hà Nội dự thi.

“Có mặt tại Hà Nội từ ngày 20/6 nhưng em cũng không ôn
tập nhiều mà để cho tâm trạng được thoải mái” – Khánh nói. Điểm Khánh rút kinh
nghiệm từ những cuộc thi trước là, phần thi Vượt chướng ngại vật thường chưa tự
tin – nên hy vọng trận cuối cùng của năm sẽ hoàn thành tốt.

Đặng Thái Hoàng: Sẽ lại khiến hội trường sôi động và
hồi hộp

Không chỉ khiến mọi người nhớ đến bởi chiều cao 1,80m,
mái tóc bồng bềnh đậm chất nghệ sĩ Thái Hoàng cũng để lại ấn tượng bởi khả năng
"chém gió" pha trò hài hước.


Từ trái qua phải là các học
sinh: Thân Ngọc Tĩnh,  Nguyễn
Ngọc Khánh, Đặng Thái Hoàng.
Việc được giữ các chức vụ từ bí thư, lớp trưởng, ủy viên BCH đoàn
trường,…đã tạo cho cậu bạn tính cách tự tin, dễ hòa đồng với mọi người. Một điểm
cộng nữa của Hoàng chính là khiếu "chém gió" cộng thêm khả năng đánh đàn
oóc-gan, vẽ và đam mê nhiếp ảnh.

Điểm mạnh của Hoàng trong cuộc thi là ở phần Vượt chướng ngại vật. 3 lần thi
trước bạn đều nhanh chóng giải đúng ô chữ của chương trình chỉ sau 1-2 gợi ý đầu
(đạt tối đa 80 điểm). "Và lần nào mọi người cũng giật mình, im phăng phắc vì em
bấm chuông nhanh quá" – Hoàng tự tin.

Những niềm vui bất ngờ đã đến với cậu bạn khi sau lần
thi tuần Olympia Hoàng được chủ nhà trọ miễn cho tiền thuê nhà, tiếp đó trường
lại miễn các khoản đóng khác cho em tại trường như sự động viên, khích lệ em cố
gắng.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp Quảng Ninh có đại diện học
sinh lọt vào chung kết Olympia. Hoàng cho biết: "Em không đặt nặng mục tiêu
phải thắng mà hứa sẽ cố gắng hết mình".

Thân Ngọc Tĩnh: Chờ cú "nổ" của "TNT"

"TNT" là biệt danh ghép 3 chữ cái đầu tiên của chàng
trai quê gốc ở huyện Yên Dũng, Bắc Giang mà bạn bè vẫn hay gọi em.

Nối tiếp thành tích của những học sinh của Trường PT
Năng khiếu ĐHQG TP.HCM đã từng đạt được ở các kỳ Olympia trước đây – Ngọc Tĩnh
đã có cuộc vượt núi ngoạn mục khi về nhất cuộc thi quý với 295 điểm (chỉ hơn
người thứ 2 đúng 5 điểm) để lọt vào trận chung kết của năm.

Luôn giữ cho mình tâm lý khá thoải mái chàng "quậy" của
lớp chuyên Toán này không thể bỏ đam mê bóng đá khi vẫn thường xuyên theo dõi
các trận đấu tại Euro 2012 qua truyền hình.

"Nếu Hoàng biết bứt phá ở vòng Vượt chướng ngại vật,
Khánh nhanh thì Tĩnh lại đấu rất toàn diện"
– Lê Phương nhận xét.

Trước khi đáp máy bay ra Hà Nội dự thi chung kết
Olympia, các thành viên trong lớp đều gửi tới Tĩnh những lời động viên, chúc cho
"thùng thuốc nổ TNT" sẽ đấu một trận thật hay trong buổi thi đấu vào sáng chủ
nhật 24/6 tới đây.

Quy trình ra đề chặt chẽ

Để tránh những tranh luận ở một số chương trình chung kết Olympia
gần đây, BTV Tùng Chi cho biết: "Năm nay các thầy cô cố vấn sẽ xem
xét kỹ các câu hỏi trước ở từng lĩnh vực trước. Sau đó khi lên kịch
bản, các thầy sẽ xem lại từng phần của kịch bản liên quan đến câu
hỏi.

Trước chương trình chung kết một ngày, toàn bộ hội đồng cố vấn
sẽ họp để phản biện toàn bộ các câu hỏi".

Cũng giống như mọi năm, các thầy cô trong hội đồng cố vấn sẽ trực
tiếp có mặt tại sân khấu của cuộc thi để giải đáp và có phương án
tính điểm cuối cùng cho các học sinh.

  • Văn Chung

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/77562/bon--nha-leo-nui--olympia-truoc-gio-chung-cuoc.html

Khuyến khích các địa phương áp dụng dạy học Tiếng Việt 1 Công nghệ GD

Posted: 22 Jun 2012 06:28 PM PDT

(GDTĐ) – Ngày 21/6/2012, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội nghị triển khai dạy học tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục năm học 2012-2013.  Đến dự Hội nghị có Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng Bộ GDĐT, Giáo sư Hồ Ngọc Đại -Vụ Giáo dục Tiểu học, Viện Khoa học GDVN cùng đông đảo các lãnh đạo, các thầy cô giáo tại các tỉnh tham gia chương trình dạy học TV1 Công nghệ giáo dục (TV1-CGD).

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Thực hiện kế hoạch triển khai dạy học tài liệu TV1-CGD, Vụ Giáo dục Tiểu học, Viện KHGDVN đã tổ chức tập huấn cốt cán Trung ương; hỗ trợ tập huấn địa phương và hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh mới triển khai và các tỉnh nhân rộng. Công tác tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật được thực hiện đúng kỹ thuật và tổ chức chu đáo. Bộ GDĐT đã có hướng dẫn về quy trình thực hiện dạy học và biên soạn đề kiểm tra cuối kỳ 1 và cuối năm TV1-CGD giúp các địa phương tổ chức triển khai dạy học bài bản và hiệu quả hơn. Các sở GDĐT cũng đã chỉ đạo tổ chức nhiều hội thảo, chuyên đề, thành lập tổ cốt cán cấp tỉnh, kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật cho GV. Nhìn chung phần lớn các địa phương tham gia TV1-CGD đã thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả tốt trong quá trình dạy học. Tỷ lệ HS giỏi cuối năm tại các địa phương tăng và tỷ lệ HS yếu cũng giảm đáng kể. Học TV1-CGD, HS có cảm giác học mà chơi, chơi mà học, tự tin, mạnh dạn khi tham gia các hoạt động học tập. Chương trình phát huy được khả năng tư duy của HS.

Trong quá trình triển khai, nhiều tỉnh đã áp dụng những biện pháp linh hoạt góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục. Tại tỉnh hà Giang, sở GDĐT đã chỉ đạo các phòng giáo dục tổ chức nhiều hội thảo, chuyên đề các cấp huyện cho tất cả GV dạy lớp 1 cả hai chương trình để GV trực tiếp dạy TV1-CGD trao đổi học hỏi về phương pháp, quy trình dạy học; các GV chưa dạy  TV1- CGD tiếp cận để nhân rộng trong các năm học tiếp theo. Sở còn chỉ đạo các trường tiểu học cho GV dạy lớp 1 chương trình hiện hành thăm lớp, dự giờ các lớp TV1-CGD để vận dụng kỹ thuật, phương pháp, kỹ thuật dạy học (các lệnh trong giờ học) để bổ trợ cho phương pháp, kỹ thuật dạy học đang thực hiện.

Tỉnh Lạng Sơn cũng đã chỉ đạo trường CĐSP Lạng Sơn nghiên cứu giới thiệu nội dung dạy học TV1-CGD vào chương trình giảng dạy SV hệ Cao đẳng Sư phạm Tiểu học để các SV kịp thời cập nhật thực tiễn sau khi ra trường. Với tỉnh Lao Cai thì áp dụng việc vận dụng các kỹ thuật dạy học tích cực trong giảng dạy TV1-CGD vào các lớp ghép một cách hiệu quả. Tại các tỉnh, các phòng GDĐT đã thành lập tổ cốt cán và tổ chức nhiều hội thảo, chuyên đề chủ yếu tổ chức dự giờ giúp GV vững vàng hơn về nghiệp vụ.

Bà Dương Hồng Minh, trưởng phòng GD Tiểu học tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện đó là việc triển khai tổ chức thực hiện từ cấp sở đến cấp phòng, cấp trường cần cụ thể chi tiết, các cán bộ quản lý phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra đôn đốc, có điều chỉnh kịp thời phù hợp. Đặc biệt khâu lựa chọn GV giảng dạy phải đảm bảo các yếu tố tích cực, cơ bản: năng động, có tư tưởng thay đổi, nắm bắt nhanh quy trình, kĩ thuật dạy học. Bên cạnh đó việc tổ chức hội thảo có tác dụng chia sẻ kinh nghiệm và tổ chức đánh giá để kiểm chứng tính khách quan, công bằng trong kết quả triển khai dạy học tài liệu và khẳng định tính đúng đắn của giải pháp nâng cao chất lượng đã lựa chọn.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Chương trình TV1-CGD đã đáp ứng được việc nâng cao chất lượng dạy học TV cho HS tiểu học. Bởi vậy Bộ GDĐT khuyến khích các địa phương tự nguyện áp dụng giải pháp dạy học này, thực tế Bộ đã có những hỗ trợ trong quá trình hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện. Quá trình triển khai thực hiện giải pháp này cũng có những khó khăn nhất định vì vậy các tỉnh cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương tới phụ huynh, tới các cấp quản lý Đảng và Chính quyền địa phương…  đặc biệt là tuyên truyền bằng thực chất kết quả triển khai. Trong năm học tiếp theo, chúng ta cần phải củng cố vững chắc kết quả ở các tỉnh đã triển khai và khởi đầu chắc chắn ở các tỉnh bắt đầu triển khai. 18 tỉnh triển khai phải nắm chắc công tác chỉ đạo. Vì vậy các sở GDĐT cần rà soát lại các đối tượng cán bộ quản lý, hiệu trưởng, hiệu phó, các cán bộ cốt cán. Các đối tượng này thực sự phải có năng lực, trình độ, tâm huyết, có trách nhiệm để có thể đảm đương được công việc trong giai đoạn mới. Đối với hai tỉnh mới tham gia cần phải tiếp thu và cập nhật kịp thời các tài liệu hướng dẫn để có thể triển khai tốt. Việc tập huấn giữa các nhà trường phải thường xuyên để cùng nâng cao trình độ sáng tạo trong công tác triển khai.

Minh Châu

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201206/Cung-co-vung-chac-ket-qua-va-khoi-dau-chac-chan-o-cac-tinh-bat-dau-trien-khai-1961953/

Comments