Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Tuyển sinh lớp 10: Đề văn bàn về bệnh vô cảm của giới trẻ hiện nay

Posted: 21 Jun 2012 08:22 AM PDT

(TNO) Đề thi môn văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM sáng nay 21.6 yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về hai câu chuyện nói đến sự vô cảm của giới trẻ hiện nay, đồng thời cũng đưa ra một câu hỏi liên quan đến nhân vật trẻ thời chiến giàu cảm xúc và đời sống nội tâm.

Gợi ý giải đề thi môn Văn

Câu thứ 3 trong đề văn đưa ra hai hiện tượng: Một cô bé 15 tuổi được mẹ chở đi đánh cầu lông. Xe hai mẹ con bị va quẹt, đồ đạc văng tung tóe. Người mẹ vội vàng gom nhặt, vài người đi đường cùng dừng lại phụ giúp, còn cô bé thờ ơ đứng nhìn. Đợi mẹ nhặt xong mọi thứ, cô bé leo lên xe và thản nhiên nói: "Lát về mẹ nhớ mua cho con ly chè!".

Hiện tượng thứ hai là một cậu học sinh khi được hỏi về ca sĩ nổi tiếng mà cậu hâm mộ, cậu đã trả lời rất rành mạch về cách ăn mặc, sở thích của ca sĩ đó. Nhưng khi được hỏi về nghề nghiệp, sở thích của cha mẹ mình thì cậu ta ấp úng, không trả lời được.

Từ hai hai hiện tượng đó, đề văn yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ của mình qua một bài văn ngắn (khoảng một trang giấy thi).

thi tuyển lớp 10
Phụ huynh đứng ngoài cổng trường chờ con thi tại Hội đồng thi Trường THCS Nguyễn Gia Thiều – Ảnh: Hoàng Quyên

Tôn Nữ Quỳnh Như, học sinh Trường THCS Hồng Đức cho biết: "Hai hiện tượng cùng nói về một sự ích kỷ, thờ ơ của giới trẻ đối với gia đình mình. Mặc dù câu này chỉ có 3 điểm nhưng em làm rất kỹ".

Ở câu 1, đề thi cũng mang một thông điệp liên quan với câu 3 khi yêu cầu thí sinh cho biết nhân vật trần thuật truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê và nêu tác dụng của việc chọn ngôi kể đó.

Về câu chuyện Những ngôi sao xa xôi, được trần thuật từ nhân vật Phương Định, nhân vật kể chuyện và cũng là nhân vật chính, một cô gái hồn nhiên, hay mơ mộng và giàu cảm xúc, luôn nhớ về những kỷ niệm của tuổi thiếu nữ, với gia đình và thành phố thân yêu của mình. Hiệu quả câu chuyện mang lại cho độc giả là một phần nhờ vào cách lựa chọn nhân vật kể chuyện với thế giới tâm hồn hồn nhiên, tươi trẻ nhưng cũng đầy cảm xúc, nội tâm.

Với câu hỏi này thì giữa câu 1 và câu 3 đều có sự tương quan với nhau.

Theo thí sinh Nguyễn Thị Kim Thanh, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, đề văn không khó, câu 1 và 2 thì học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức có thể làm được bài. Câu 3, 4 ra dạng đề mở nên chỉ trình bày suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.

Sáng nay, môn văn là môn thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM. Năm nay có hơn 50.000 thí sinh dự thi với 42.084 em thi vào lớp 10 thường và 8.540 học sinh thi vào lớp 10 chuyên.

Toàn thành phố có 92 hội đồng thi với 80 hội đồng thường và 12 hội đồng thi chuyên.

Các môn thi lần lượt là văn, toán và ngoại ngữ và môn chuyên trong hai ngày 21 và 22.6.

Trúng tủ rồi!

Đó là câu nói chúng tôi nghe được khi cánh cổng trường thi mở ra sau môn thi văn tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội. Nhiều thí sinh, phụ huynh hân hoan khi hôm nay đề văn đã rất… bám sát tình hình thời sự.

 


Thí sinh xem lại đề sau khi thi – Ảnh: Thúy Hằng

 

10 giờ, những thí sinh đầu tiên ra khỏi trường thi. Chị Nga, nhà ở Đội Cấn (Hà Nội) túm lấy tờ đề trong tay một thí sinh rồi reo lên, "thế là con trúng tủ rồi!". Bạn bè quay sang hỏi, chị cho hay, năm nay kỷ niệm 65 năm ngày 27.7, thi vào Tiểu đội xe không kính, Lặng lẽ sa pa là đúng quá rồi! Bõ công con chị ôn tập mấy ngày qua!

Hàng trăm học sinh hớn hở bước ra cổng trường. Bên cạnh những câu nói con làm bài khá tốt, chúng tôi nghe được rất nhiều tiếng reo trúng tủ từ cả học sinh và phụ huynh. Nhiều người hân hoan không phải đề năm nay vừa tầm thí sinh, câu hỏi hay, tạo cảm hứng cho thí sinh mà vì đề bài ra đúng vào hai tác phẩm họ đã cùng con suy đoán… 80% sẽ thi vào.

Năm nào cũng vậy, cứ đến kỳ thi tuyển sinh lại rộ lên tin đồn đề lộ, đoán đề. Thực tế cho thấy đa số tin đồn đều không có cơ sở và thường trật khấc, cho nên không có cách nào khác, sĩ tử phải tự dựa vào chính sức của mình.

Rất may mắn năm nay đề văn thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội được học sinh đánh giá là vừa sức, nhẹ nhàng, nếu không, không biết sẽ có bao nhiêu người khóc và tự than: "Lệch tủ".

Hoàng Quyên – Thúy Hằng

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120621/tuyen-sinh-lop-10-de-van-ban-ve-benh-vo-cam-cua-gioi-tre-hien-nay.aspx

Các Hội đồng coi thi phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012

Posted: 21 Jun 2012 08:21 AM PDT

(GDTĐ) – Sáng nay 21/6, Đoàn Kiểm tra do Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý làm Trưởng Đoàn đã về kiểm tra công tác tổ chức thi của Đại học Thái Nguyên. Cùng đi với Đoàn kiểm tra có đại diện các cục, vụ chức năng của Bộ GDĐT.  

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 này, Đại học Thái Nguyên tổ chức tuyển sinh ở 93 ngành, với 133 chương trình đào tạo đại học.  Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐHTN là 51.726, giảm 6.226 thí sinh so với năm 2011. Trong đó, khối A có 18.516 hồ sơ; khối A1 có 2.013 hồ sơ; khối B có 20.888 hồ sơ; khối C có 4.133 hồ sơ; khối D có 4.705 hồ sơ; khối M có 942 hồ sơ; khối T có 430 hồ sơ; khối H có 43 hồ sơ và khối N có 55 hồ sơ. Có 2.543 thí sinh đăng ký dự thi nhờ vào các trường Đại học, Cao đẳng không tổ chức thi tuyển sinh, giảm 1.718. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi tại Hội đồng thi ĐHTN là 54.268. Số thí sinh đăng ký dự thi sẽ được bố trí thi ở 1.411 phòng thi (giảm 181 phòng). Trong đó, đợt 1 (Khối A, A1) tổng số có 21.409 thí sinh (giảm 5.548) được bố trí thi ở 650 phòng thi tại 12 điểm thi (giảm 2 điểm). Đợt 2 (các khối B,C,D,M,T,N,H) tổng số có 32.859 thí sinh (giảm 2.396), được bố trí thi ở 851 phòng thi, tại 22 điểm thi (giảm 1).

Thứ trưởng Trần Quang Quý làm việc với Đại học Thái Nguyên về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012
Thứ trưởng Trần Quang Quý làm việc với Đại học Thái Nguyên về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012

Hiện nay, Hội đồng tuyển sinh ĐHTN đã nhận và xử lý xong hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh; đã sắp xếp xong phòng thi, địa điểm thi; đã in và gửi giấy báo dự thi cho thí sinh trước thời gian quy định (1/6); đã in thẻ dự thi, đang tổ chức dán ảnh thẻ dự thi và album ảnh; đã xây dựng các văn bản quy định về tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển gửi cho các tỉnh và các Sở GDĐT, đồng thời đưa lên Website của Đại học. Để phục vụ tốt hơn cho thí sinh và người nhà thí sinh trong việc tìm địa điểm thi Đại học Thái Nguyên đã xây dựng và chính thức triển khai ứng dụng hệ thống thông tin địa lí (GIS) trong việc tra cứu, tìm đường đi đến 22 địa điểm thi. Thí sinh và người nhà thí sinh có thể dễ dàng tìm được đường đi đến địa điểm thi của thí sinh.

Ban Quản lý Khu Nội trú Đại học Thái Nguyên đã dành gần 500 phòng ở khép kín, với gần 4000 chỗ ở cho thí sinh. Ban Quản lý Khu nội trú đã huy động hơn 300 ngày công lao động làm vệ sinh môi trường; phối hợp với Công ty cổ phần nước sạch Thái Nguyên đầu tư thêm 1 trạm bơm tăng áp bảo đảm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho các nhà nội trú; các thiết bị vệ sinh, đèn điện, quạt trong các phòng ở bị hư hỏng cũng đã được thay mới. Giá thuê phòng khoảng 20.000 đồng/người/ngày. Thí sinh là con thương binh liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam, con hộ nghèo được giảm từ 20 đến 30% tiền phòng.

Nhìn chung, công tác phục vụ, đảm bảo an ninh, trật tự đã được ĐHTN tích cực triển khai, ĐHTN đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan hữu quan như: Quân khu I, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thương mại và Du lịch, Sở Y tế, Điện lực Thái Nguyên; Công ty cấp thoát nước, Sở Công an, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh đề nghị phối hợp, giúp đỡ. Đồng thời, đã làm việc với Sở Công an, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên về xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho kỳ thi và cử cán bộ tham gia làm công tác bảo vệ địa điểm in, sao đề; đưa đề và bảo vệ tại các điểm thi.

Trước đó, ngày 20/6 Đoàn cũng đã về làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội. GS.TS Mai Trọng Nhuận – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã báo cáo những điểm trọng tâm của công tác tổ chức thi là ĐHQG Hà Nội thành lập Hội đồng tuyển sinh chung của toàn đại học và 3 hội đồng coi thi, chấm thi theo từng khối thi. Nhiều năm nay bên cạnh việc sử dụng phần mềm tuyển sinh dùng chung của Bộ GDĐT thì ĐHQG Hà Nội đã chủ động áp dụng công nghệ thông tin, bổ sung phần mềm để sàng lọc hồ sơ ảo, tránh được nhiều lãng phí. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đang xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh theo hướng đánh giá đúng năng lực của thí sinh và sẽ sớm trình Bộ GDĐT cho ý kiến. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 này, để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh ĐHQG Hà Nội đã chủ động không thuê các điểm thi quá xa, tránh tuyệt đối những điểm ngập lụt, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an và giao thông đảm bảo an ninh, an toàn cho thí sinh. Công tác in sao đề thi cũng được chuẩn bị kỹ, đã mời PA83 Hà Nội vào cùng phối hợp để bảo vệ an ninh cho kỳ thi cũng như công tác in sao đề.

Thứ trưởng Trần Quang Quý: ĐHQG Hà Nội cần làm tốt công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ
Thứ trưởng Trần Quang Quý: ĐHQG Hà Nội cần làm tốt công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ

Kiểm tra trực tiếp tại Hội đồng coi thi Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và nơi in sao đề thi. PGS.TS Bùi Duy Cam – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và các thành viên Hội đồng coi thi đã báo cáo chung về công tác chuẩn bị, tổ chức thi, in sao đề một cách bài bản và kỹ lưỡng. Từ việc chuẩn bị hạ tầng cơ sở đến phối hợp với các lực lượng an ninh cũng như huy động lực lượng sinh viên tình nguyện. Tất cả các việc đã được chuẩn bị chu đáo mà nói như PGS. TS Bùi Duy Cam: Việc tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc là nhiệm vụ chính trị quan trọng của nhà trường, bất kỳ sự cố nào xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của trường mà còn ảnh hưởng đền cả kỳ thi chung của quốc gia. Chính vì thế Hội đồng coi thi quán triệt tuyệt đối đến từng giám thị, cán bộ coi thi và nhân viên phục vụ tuyệt đối không được để sai sót.

Sau khi làm việc và kiểm tra tại các Hội đồng coi thi, Thứ trưởng Trần Quang Quý đánh giá cao công tác chuẩn bị, tổ chức cho kỳ thi, Thứ trưởng nhấn mạnh ý nghĩa vô cùng quan trọng của việc bảo đảm an toàn, nghiêm túc của kỳ thì, đồng thời lưu ý các Hội đồng coi thi cần đặc biệt chú trọng việc in sao đề thi cho an toàn, không để xảy ra sai sót, có phương án dự phòng bão lũ, ngập lụt, mất điện, các điểm thi phải đảm bảo đủ ánh sáng. Và cần phối hợp với các lực lượng công an, an ninh, chính quyền địa phương và tình nguyện viên tổ chức an toàn cho kỳ thi.

Yên Thúy

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201206/Cac-Hoi-dong-coi-thi-phai-bao-dam-an-toan-tuyet-doi-cho-ky-thi-tuyen-sinh-DH-CD-2012-1961952/

Văn hoá nể nang giết chết giáo dục

Posted: 21 Jun 2012 12:27 AM PDT

– TS Hoàng Tuyết, ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, văn hoá nể nang, nể tình của
người Việt trong môi trường giáo dục làm hại học trò nhiều hơn, không giúp cho
trò thực học.

 

Nể nang gây tiêu cực?

Cách xử lý chưa thực sự bao quát và thấu đáo vụ việc không trung thực trong
thi cử tại Đồi Ngô có lẽ là một ví dụ về hậu quả của văn hóa thi cử trong đội
ngũ có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục. Thực tiễn này thường được thể
hiện dưới dạng nể nang – nể tình.

Hình ảnh tiêu cực tại Hội đồng thi Trường THPT dâp lập Đồi Ngô (Ảnh cắt từ clip)

Ở mức độ vô thức, tự phát thì có thể là vì lòng trắc ẩn: Giáo viên thương học
trò khó khăn, dẫu sao cũng đã học tập vất vả, thế là làm ngơ, cho qua hành vi
không trung thực của học sinh … Ở mức độ có ý thức và tự giác, thì việc gian lận
thi cử hoặc phác thảo thành tích ảo trở thành một việc làm có động cơ cá nhân rõ
ràng và có kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể.

Cái gọi là "những giáo viên, nhân viên tham gia "dây chuyền" tuồn đề, giải
bài, ném bài, chỉ bài ở Đồi Ngô có lẽ là "sự nể nang tự giác" và có tính tổ chức
của một tập thể nào đó liên quan. Hiện tượng sáu môn thi đều có dấu hiệu tiêu
cực, nhưng chỉ có hai môn được thanh tra xử lý phải chăng là biểu hiện của kiểu
văn hóa nể nang- nể tình.

Nể nang- nể tình theo hướng tiêu cực, mặc dù chưa có nghiên cứu nào thực hiện
để khẳng định, nhưng phải chăng có thể cũng là một nét đặc điểm của văn hóa
người Việt?

Còn thi cử, còn tiêu cực

Tình trạng phao thả trắng trước cửa trường thi cho thấy, có nhiều học sinh có
ý định quay cóp, nhưng chỉ đơn phương học trò. Việc quay cóp trao đổi của học
sinh ở trường THPT dân lập Đồi Ngô có nét đặc biệt là có sự hỗ trợ và cộng tác
của người dạy.

Tại sao hiện tượng này lại xảy ra? Theo tôi, còn người đi học thì luôn còn
người quay cóp gian lận trong học hành. Thế nhưng, tình trạng tiêu cực của người
học đậm nhạt, ít nhiều tùy việc dạy và người dạy. Tiêu cực trong học tập thi cử
gia tăng thậm chí trở thành việc thường xuyên chỉ khi người dạy khuyến khích nó.

Đó là quá trình dạy học mang thiên hướng thi cử (Examination-oriented
education). Từ quá trình dạy học như thế, văn hóa thi cử hình thành và hiện hữu
trong nhà trường, trong phụ huynh, trong chính học sinh.

Thi cử mang đến cho con người những cơ hội rèn luyện các phẩm chất cá nhân
tích cực như tính cạnh tranh, tính thích ứng, tính kiên trì, chịu đựng bền bỉ.
Thế nhưng, lý tưởng sống mà người học đạt được của lối dạy học thiên về thi cử
học là kiếm bằng cấp, kiếm tiến, kiếm địa vị, danh lợi.

Lý tưởng này làm cho các phẩm chất cá nhân tích cực trên trở thành hiểm họa
cho sự phát triển của xã hội. Việt Nam chúng ta chừng nào còn thực thi một nền
giáo dục nặng nề khoa cử thì chừng ấy gian lận trong thi cử, bệnh thành tích
trong dạy học vẫn còn là vấn nạn.

Những sản phẩm tinh thần của dạy học theo hướng đáp ứng thi cử ấy cũng hiện
hữu trong đội ngũ giảng dạy và quản lý giáo dục. Họ không triệt để giúp người
học thực học mà chỉ chú ý tới thành tích.

Tóm lại, nền giáo dục khoa cử mà hệ quả là hình thành văn hóa thi cử cùng với
văn hóa nể nang-nể tình kiểu Việt Nam đang là những nhân tố hãm hại các nỗ lực
đổi mới của ngành giáo dục, đào tạo nước nhà.

  • TS Hoàng Tuyết (Trường ĐHSP TP.HCM) 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/77320/van-hoa-ne-nang-giet-chet-giao-duc.html

“Đạo đức nhà báo không chỉ là chuyện của nhà trường"

Posted: 21 Jun 2012 12:27 AM PDT


Có hàng trăm ấn phẩm báo chí ở Việt Nam. (Ảnh có tính minh họa)

Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin được Đảng và Nhà nước giao phó, xứng đáng là phương tiện tuyên truyền sắc bén, hiệu quả, báo chí vẫn còn tồn tại một số hiện tượng cá biệt như đưa thông tin sai sự thật, một số ít nhà báo đã lợi dụng danh nghĩa nhà báo sách nhiễu địa phương, doanh nghiệp, gây bức xúc xã hội, vi phạm đạo đức báo chí…

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Phóng viên Vietnamplus đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Hoàng Anh – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền về vấn đề này.

- Xin ông cho biết, vấn đề đạo đức báo chí đang được đào tạo trong nhà trường như thế nào?

PGS, TS Hoàng Anh: Hiện nay, trong chương trình đào tạo cử nhân báo chí nhà trường có môn học chuyên biệt về đạo đức nghề nghiệp nhà báo để đào tạo các nhà báo. Tham gia giảng dạy môn học này không chỉ có các thầy cô trong trường, mà còn có cả các nhà báo có uy tín đang tác nghiệp tại một số cơ quan báo chí.

Bên cạnh đó, vấn đề đạo đức nghề nghiệp nhà báo còn được lồng ghép vào trong nhiều môn học khác, nhất là các môn học chuyên ngành. Có thể nói nội dung về đạo đức nghề nghiệp nhà báo là yếu tố xuyên suốt chương trình giảng dạy của nhà trường.

Song, đào tạo trong nhà trường mới chỉ là một phần, là sự khởi đầu. Bởi các nhà báo tuy đã được nhà trường trang bị nhiều kiến thức cần thiết nhưng khi tác nghiệp họ còn chịu sự ràng buộc của rất nhiều yếu tố, của nhiều mối quan hệ, bị chế định bởi nhiều điều kiện; mặt khác cuộc sống bao giờ cũng phong phú, đa dạng và nhiều yếu tố bất ngờ hơn ta hình dung.

Cho nên có người biết là sai mà vẫn làm; người khác không đủ khả năng phân định đúng, sai. Tôi nghĩ đạo đức nhà báo không chỉ là vấn đề của nhà trường. Sự trải nghiệm trong thực tiễn cuộc sống có ý nghĩa hết sức quan trọng.

- Theo ông, vậy có phải vì khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhận thức còn non nớt, lại được các thầy cô tô vẽ màu hồng cho nghề nghiệp nên đến khi ra trường nhiều sinh viên báo chí gần như vỡ mộng khi tiếp xúc, va đập với thực tế khắc nghiệt của nghề?

PGS, TS Hoàng Anh: Tại sao lại vỡ mộng nhỉ?

- Vì kiến thức nhà trường dạy thế này, đến lúc các em đi làm nghề thực tế lại quá khác, thưa ông.

PGS, TS Hoàng Anh: Thứ nhất, kiến thức nhà trường là kiến thức chuẩn đã được phê duyệt, thẩm định. Nhìn chung, một chương trình đào tạo phải đáp ứng được năm tiêu chí nếu muốn được phê duyệt và đưa vào ứng dụng, đó là tính hệ thống, tính khoa học, tính hiện đại, tính thực tiễn và tính khả thi.

Hơn nữa, các chương trình cũng không phải nhất thành bất biến mà thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn.

Mặt khác, các thầy cô giảng dạy cũng được bố trí phù hợp, bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn.

Tôi nghĩ, nếu sinh viên ra trường thấy thực tế khác xa với sách vở cũng là chuyện bình thường. Nhận thức của một người khi học trường với tư cách một sinh viên không phải lúc nào cũng giống như nhận thức của người đó khi ra ngoài xã hội với tư cách một công dân.

Theo tôi, trường học chỉ cung cấp kiến thức nền tảng, cốt lõi. Phần lớn các kiến thức, các kỹ năng người ta nhận được từ 'trường đời."

Nhà báo – "nhà văn hóa"

- Không biết ông có quan tâm không nhưng quả thực thời gian qua dư luận tranh cãi rất nhiều về cái gọi là "báo lá cải." Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

PGS, TS Hoàng Anh: Tôi có cảm giác, những báo nào chạy theo những thông tin giật gân, câu khách, đáp ứng thị hiếu tầm thường của công chúng, vì lợi ích kinh tế thuần túy, được gọi là "báo lá cải."

Để xảy ra tình trạng như vậy, trách nhiệm không chỉ thuộc về cơ quan báo chí, mà còn thuộc về cơ quan chủ quản báo chí và nhiều yếu tố liên quan khác. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin và kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các tờ báo chịu áp lực ghê gớm của sự cạnh tranh. Muốn tồn tại và phát triển, phải thu hút được công chúng.

Tôi nghĩ rằng, cho dù báo chí có là sản phẩm văn hóa tinh thần đặc biệt thì ở mức độ nào đó vẫn bị chi phối bởi các quy luật thị trường. Chỉ có điều anh phải làm thế nào để báo anh vừa hay, vừa hấp dẫn, được công chúng quan tâm mà vẫn giữ được tôn chỉ mục đích.

Còn nếu anh sa đà vào những chuyện đời tư, bạo lực, vv… chỉ nhằm để câu khách, chạy theo lợi nhuận thì anh có thể đánh mất mình, bị gọi là "lá cải." Cái ranh giới này đôi khi rất mong manh.

Cá nhân tôi cho rằng, không nhất thiết phải "lá cải' mới có nhiều công chúng, mới đạt được hiệu quả kinh tế cao. Vấn đề là ta phải tìm ra các giải pháp thích hợp trên cơ sở nghiên cứu công chúng, khảo sát thị trường, quy tụ được những người có năng lực, tâm huyết…

- Nhưng tôi đồ rằng đạo đức nhà báo trong thời buổi bây giờ đôi khi thôi thì đành xếp sau câu chuyện "nồi cơm bát gạo"?

PGS, TS Hoàng Anh:
Sao cô lại nghĩ thế?

- Vì có thực mới vực được đạo mà, thưa ông.

PGS, TS Hoàng Anh: (Cười) Tôi nghĩ tất cả mọi thứ đều phải hài hòa. Bác Hồ từng dạy:  Nhà báo là chiến sỹ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí của họ. Nếu làm báo mà luôn đặt vật chất lên hàng đầu thì quá nguy hiểm.

Tất nhiên, tôi hoàn toàn ủng hộ việc nhà báo có thu nhập cao. Vì điều kiện vật chất cũng có ý nghĩa rất lớn để anh làm việc toàn tâm toàn ý, đạt hiệu quả tốt hơn. Nhưng coi thu nhập là cái đích tối cao thì tôi nghĩ phải xem lại.

Tôi luôn nghĩ nhà báo là nhà văn hóa với ý nghĩa đích thực của từ này. Họ có ảnh hưởng không nhỏ đối với xã hội. Cho nên nhà báo cần cố gắng để xứng đáng với sứ mệnh của mình, với niềm tin của công chúng.

Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo Vietnam+

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-609353/dao-duc-nha-bao-khong-chi-la-chuyen-cua-nha-truong.htm

Tiền Giang thi tuyển chức danh hiệu trưởng ĐH

Posted: 21 Jun 2012 12:27 AM PDT

Tiền Giang thi tuyển chức danh hiệu trưởng ĐH

TT - Ngày 19-6, tiến sĩ Ngô Tấn Lực, hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, cho biết Ban thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã quyết định thu hút nhân tài bằng hình thức thi tuyển để chọn người xứng đáng ngồi vào chiếc ghế hiệu trưởng trường này từ đầu năm 2013.

Cuối năm 2012 này ông Lực sẽ nghỉ hưu. Lãnh đạo tỉnh muốn tổ chức thi tuyển tìm người tài để thay thế chứ không chọn phương án đề cử cán bộ tại chỗ theo cách truyền thống.

Hiện đã có một số cán bộ có trình độ tiến sĩ đang công tác tại TP.HCM, TP Cần Thơ và Tiền Giang được giới thiệu ứng cử.

Trong tháng 8 và 9-2012 hồ sơ của ứng viên sẽ được thông qua đảng bộ và toàn thể cán bộ, công chức nhà trường. Ứng viên sẽ trình bày và được chất vấn về chương trình hành động phát triển Trường ĐH Tiền Giang trong nhiệm kỳ năm năm.

Ứng viên nhận được nhiều phiếu ủng hộ nhất sẽ được Tỉnh ủy-UBND tỉnh quyết định tuyển dụng kèm theo các chế độ đãi ngộ được quy định về thu hút nhân tài.

V.TR.

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/497898/Tien-Giang-thi-tuyen-chuc-danh-hieu-truong-DH.html

Bắt đầu tuyển sinh lớp 10

Posted: 21 Jun 2012 12:27 AM PDT

Hôm nay 21.6, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 bắt đầu diễn ra ở nhiều tỉnh, thành. Hà Nội có 51.180 học sinh vào lớp 10 hệ công lập, giảm khoảng 6.000 so với năm trước.

Toàn TP có gần 76.000 thí sinh đăng ký dự thi. Thí sinh thi 2 môn (ngữ văn và toán) trong ngày 21.6. Theo quy định của Sở GD-ĐT, trong kỳ thi tuyển học sinh vào lớp 10 hệ chuyên ngữ năm học 2012-2013, lần đầu tiên thi nói (độc thoại) ở các môn ngoại ngữ chuyên (ngày 22.6). Tại TP.HCM có 50.624 thí sinh dự thi. Trong 2 ngày 21-22.6, thí sinh lần lượt dự thi các môn ngữ văn, ngoại ngữ, toán. Môn thi chuyên của thí sinh đăng ký nguyện vọng vào lớp chuyên, trường chuyên sẽ được tổ chức vào chiều 22.6.

Ngày 22 và 23.6, hơn 11.000 học sinh Đà Nẵng sẽ dự thi 3 môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ.

Ngay sau khi kết thúc từng môn thi, gợi ý bài giải sẽ đăng trên Thanh Niên Online tại địa chỉ www.thanhnien.com.vn.

* Chiều 20.6, Sở GD-ĐT Bình Định công bố điểm chuẩn và kết quả trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Điểm chuẩn trúng tuyển (đã nhân hệ số) vào lớp 10 chuyên văn là 28,5; chuyên hóa 34,25; chuyên sinh 23,75; chuyên tiếng Anh 33,75. Điểm trúng tuyển vào lớp 10 chuyên toán là 32,25 và bài thi chuyên phải đạt từ 5 trở lên; chuyên toán – tin là 24,75 và bài thi chuyên đạt phải từ 5,25 trở lên; chuyên lý 27,75, bài thi chuyên phải đạt từ 5 điểm trở lên và điểm sơ tuyển đạt từ 60,5 trở lên. Điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 không chuyên là 24,25 (không nhân hệ số).

Thanh Niên


Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120621/Bat-dau-tuyen-sinh-lop-10.aspx

Từ Đồi Ngô, Bộ Giáo dục cần xem lại ‘Hai không’

Posted: 21 Jun 2012 12:26 AM PDT

- "Có người nói với tôi rằng, đâu chỉ có một Đồi Ngô ở Bắc Giang, mà có cả một
"rừng ngô" trong cả nước" – đó là cách so sánh của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khi
trả lời VietNamNet về kì thi tốt nghiệp PTTH năm 2012.

Chấm chéo cũng chả ích gì

- Hầu hết các trường THPT trên toàn quốc đã công bố kết quả kì thi tốt
nghiệp năm 2012 với tỉ lệ đỗ rất cao, có trường đạt tỉ lệ 100%. Theo Giáo sư,
điều này có thực chất?

Tôi không tin và chắc chắn là chả có ai tin những con số này. Bằng chứng là
sau kì thi “phao” vẫn trắng các sân trường. Học sinh hiện nay có xu thế chỉ chú
tâm học 3-4 môn sẽ thi ĐH, CĐ. Đợi khi Bộ công bố thi tốt nghiệp THPT những môn
nào thì mới mở sách ra học. Học làm sao kịp, vì vậy đành phải cầu cứu đến
“phao”. Có cầu thì có cung, các cửa hàng bán “phao” nhẽ ra phải bị coi là phạm
pháp, phải bị tịch thu và xử phạt mới đúng.

GS Nguyễn Lân Dũng: “”

Các thầy cô giáo thì nghĩ học sinh giỏi nếu bị trượt vì mấy môn phụ thì đáng
tiếc, từ đó mà làm ngơ, để cho các em thoải mái quay cóp. Đó là một sự thương
tình dễ hiểu nhưng dẫn đến việc không công bằng trong thi cử và tạo nên một nền
giáo dục không thực chất như hiện nay.

- Giáo sư nghĩ gì về việc tổ chức chấm chéo giữa các trường với nhau.
Nhiều thông tin cho rằng đã có sự "giao kèo" giữa các trường theo kiểu "nếu anh
nương nhẹ học sinh của tôi thì chúng tôi cũng biết điều với học sinh của anh".
Điều này ảnh hưởng như thế nào đến kết quả thi tốt nghiệp?

Chấm chéo cũng chả ích lợi gì khi thực trạng dạy và học không được thay đổi
một cách mạnh mẽ. Theo tôi nên để việc xét tốt nghiệp cho các thầy cô giáo và
hiệu trưởng các trường THPT quyết định, các sở chỉ cần giám sát chặt chẽ trước
khi quyết định cấp bằng. Muốn làm được việc này thì cần có xét lưu ban hàng năm
dựa trên thực lực của học sinh và năm cuối cùng cũng cần xét rất nghiêm túc để
em nào học kém thì cần học lại.

Thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy chắc chắn là những người đánh giá chính xác
nhất học lực của từng học sinh. Bộ không nên tiếp tục lấy tỷ lệ học sinh tốt
nghiệp làm chỉ tiêu thi đua. Thật ra nếu cần thì nên khen thưởng các trường, các
tỉnh thực hiện nghiêm chỉnh việc cho lưu ban các học sinh chưa đạt mức chuẩn. Bỏ
bớt một kỳ thi sẽ nhẹ cho cả xã hội mà vẫn đảm bảo được mặt bằng chính xác của
các học sinh tốt nghiệp THPT.

Không lấy tỷ lệ tốt nghiệp làm chỉ tiêu thi đua

- Theo giáo sư kết quả của kì thi tốt nghiệp THPT 2012 nói riêng và nhiều
năm trước nói chung có đánh giá được thực lực của học sinh? Nếu đánh giá trung
thực nhất thì tỉ lệ tốt nghiệp năm nay ở vào khoảng bao nhiêu phần trăm?

Thực trạng thì ai cũng thấy rồi. Nếu đỗ cao như vậy thì sao đến nỗi nhiều em
đã bỏ giấy trắng khi thi tuyển vào các trường ĐH, CĐ (!) Tỷ lệ nào mới đúng thì
các thầy cô giáo từng trường đều biết quá rõ. Vấn đề là Bộ GD-ĐT hãy đừng coi tỷ
lệ thi tốt nghiệp như một chỉ tiêu thi đua. Nếu cần thì nên khen thưởng các
trường, các tỉnh thực hiện nghiêm chỉnh việc cho lưu ban các học sinh chưa đạt
mức chuẩn.

Phụ huynh học sinh nên ủng hộ việc giáo dục con em mình tự giác học tập qua
từng năm học và chấp nhận cho các em học lại nếu không đủ mức chuẩn. Nên có quy
chế rõ ràng để các em học kém được học lại, không chỉ ở bậc phổ thông mà ở cả
các trường ĐH, CĐ cũng nên như vậy. Tại nhiều nước chỉ có việc thi vào các
trường ĐH danh tiếng, còn đa số các trường khác đều là “đánh trống ghi tên”. Tuy
nhiên vì việc thi từng chứng chỉ môn học rất nghiêm túc cho nên các em học kém
phải tốn nhiều năm mới tốt nghiệp đều là chuyện rất bình thường.

- Sự kiện gian lận trong thi cử ở Đồi Ngô bùng nổ nhưng Bộ GD-ĐT cũng cố
bảo vệ rằng tiêu cực chỉ xảy ra ở Đồi Ngô còn những nơi khác thì không? Giáo sư
nghĩ như thế nào khi các trường ở vùng sâu vùng xa cũng có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp
99%-100%, ngang bằng với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh?

Tôi biết tỉnh Bắc Giang có nhiều thành tích cụ thể trong việc phát triển giáo
dục. "Sự kiện Đồi Ngô” làm cho cả tỉnh rất buồn, nhất là các thầy cô giáo đang
phấn đấu thực hiện phong trào "Hai không". Bộ là nơi phát động phong trào này
nên khi thấy sự kiện Đồi Ngô xảy ra thì chậm có nhận định rõ ràng để có quyết
tâm khắc phục. Nhiều bạn nói vui đâu chỉ có Đồi Ngô mà đang có cả “rừng ngô”
trong khắp cả nước. Nên nhân sự kiện này mà nghiêm túc đánh giá lại thực chất
tình trạng dạy và học hiện nay để tìm cách chấn hưng lại sự nghiệp giáo dục, một
sự nghiệp đã được coi là quốc sách hàng đầu.

Các trường vùng sâu, vùng xa nếu đỗ tốt nghiệp 99-100% thì chắc chắn sẽ rất
nhiều em vượt được vũ môn qua kỳ thi vào các trường ĐH, CĐ. Thực tế đâu có được
như vậy. Nếu muốn tốt nghiệp THPT có một mặt bằng kiến thức gần ngang nhau thì
không phải lo chuyện thi cử rất nặng nề như hiện nay mà phải theo phương châm
thực học, thực nghiệp.

Thầy và phụ huynh học sinh phải lo cho con em mình được trang bị một kiến
thức phổ thông đủ sức để có thể tự học thêm suốt đời, hoặc là học lên các bậc
cao hơn. Mặt khác phải rèn luyện đạo đức cho các em, trong đó sự Trung thực lại
chính là một trong những đạo đức hàng đầu.

Cần đánh giá lại “Hai không”

- Với việc tăng đột biến tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của năm 2012, có phải Bộ
GD-ĐT đang dần lãng quên công tác chống gian lận trong thi cử?

Bộ nên thực sự đánh giá lại kết quả cuộc vận động “Hai không” xem thực chất có
kết quả ra sao? Chúng ta nên coi việc bán “phao” là phạm pháp. vì đã tiếp tay
một cách rộng rãi cho các hành vi gian lận thi cử. Muốn cho tỷ lệ học sinh đỗ
cao thì còn cần nghiêm túc rà soát lại chương trình giảng dạy và nội dung sách
giáo khoa. Tôi cho rằng Bộ nên giao cho các hội khoa học chuyên ngành và các
thầy cô giáo phổ thông giàu kinh nghiệm rà soát lại toàn bộ Chương trình GDPT,
môn nào quá xa lạ với các nước khác và có quá nhiều kiến thức không cần nhớ thì
thay hẳn đi. Đừng đợi đến năm 2015 mới bắt đầu lo chuyện này.

- Làm thế nào để tổ chức một kết quả thi tốt nghiệp nghiêm túc và đánh giá
được thực lực của học sinh? Theo giáo sư có những biện pháp nào giúp kết quả thi
được xác thực hơn?

Khi vẫn tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT thì việc tổ chức thi nghiêm
túc đâu có quá khó. Nếu giáo viên và phụ huynh coi chuyện để lại với những học
sinh chưa đủ kiến thức thì sẽ cùng nhau ủng hộ việc coi thi nghiêm túc. Trong
một phòng thi nếu hai giám thị (một người đứng phía trên, một người đứng phía
dưới) đều thật sự làm việc một cách có trách nhiệm thì tôi cho rằng đố học sinh
nào có thể sử dụng “phao” hoặc chép bài của bạn. Càng không thể có tình trạng
ném đáp án vào phòng thi.

Vấn đề là tất cả chúng ta có quyết tâm tổ chức một kỳ thi thật nghiêm túc hay
không mà thôi. Thương học sinh phải biểu hiện trong suốt quá trình giảng dạy chứ
không phải ở chỗ châm chước trong kỳ thi cuối cấp.

- Việc tổ chức một kì thi vô cùng tốn kém, quy mô trên toàn quốc nhưng chỉ
để đánh rớt một số nhỏ các thí sinh, theo giáo sư có nên tổ chức không?

Tôi không thấy nước nào có kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cũng tốn tiền, tốn
công sức và căng thẳng như ở nước ta. Chính vì vậy tôi đề nghị bỏ kỳ thi này với
điều kiện xét lên lớp và xét lưu ban ở mọi năm học một cách thật sự nghiêm túc.
Việc này cần làm cho học sinh và phụ huynh học sinh hiểu rõ để đồng tình với các
thày cô giáo. Sao cho các em lo tự giác học với tinh thần học cho mình, cho cuộc
sống tương lai của mình, chứ không phải chỉ để đối phó với các kỳ thi.

- Cảm ơn ông!

  • Huệ Bạch (thực hiện)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/77130/tu-doi-ngo--bo-giao-duc-can-xem-lai--hai-khong-.html

Comments