Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Thi không thực chất thì bỏ sẽ hơn?

Posted: 19 Jun 2012 08:01 AM PDT

- TS Vũ Thị Phương Anh – Hiệp hội các trường ngoài công lập Việt Nam nêu ý
kiến. Với hầu hết các địa phương kết quả tốt nghiệp đều trên 99% – theo bà nhìn
đó là quy luật, bao giờ năm nay cũng cao hơn năm trước nên không có bất ngờ.

Kết quả thi tốt nghiệp năm nay không làm tôi bất ngờ vì cách làm lâu nay tất
yếu dẫn tới kết quả đó. Bệnh ưa thành tích vẫn còn nguyên trong ngành giáo dục.

TS Vũ Thị Phương Anh

Năm 2007 có phong trào "hai không", tuy nhiên, người ta không tác động thực
sự vào cách dạy và học mà chỉ đổi mới cách quản lý, tổ chức thi. Nhiều năm nay,
giáo dục Phần Lan nổi tiếng thế giới, để có được điều đó, người ta "làm thật",
bằng cách đầu tư vào con người. Lỗi của ngành giáo dục là không đầu tư vào quy
trình giáo dục.

Thi tốt nghiệp như hiện nay vừa tốn kém, vừa không thực chất thì bỏ thi còn
hơn, mặc dù tôi biết rằng làm như vậy vẫn là một suy nghĩ tiêu cực.

Kết quả thi cao mà không vui, theo tôi không thể đổ lỗi hết cho Bộ GD-ĐT. Năm
2007, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân lúc đó đã thành tâm muốn làm, nhưng có lẽ cũng
quá nhiều sức ép để không thực hiện được. Và sau này, khi buông một cái, kết quả
thi tốt nghiệp thấp vào năm 2007 lại vọt lên đến 99,9% như hiện nay.

Tuy nhiên, đổ hết lỗi cho Bộ GD là không công bằng. Chúng ta phải thừa nhận,
cách nhìn nhận về bằng cấp hoàn toàn hình thức của xã hội là một thực tế không
thể chối bỏ. Bộ cần quản lý giỏi hơn nhưng cũng cần được thông cảm. Chữa những
căn bệnh của ngành giáo dục không thể một sớm một chiều, nói cái là làm ngay
được.

Theo tôi, truyền thông báo chí cũng đã góp phần tăng "bệnh ưa thành tích" của
ngành giáo dục, gây sức ép lên ngành giáo dục. Truyền thông cần phải thông cảm
hơn với cái khó của ngành giáo dục.

Bệnh thành tích cũng thấm đến từng người dân, khi mà cha mẹ sẵn sàng làm hộ
con một bài thủ công.

Tuy nhiên, nơi cần phải thay đổi nhiều nhất phải từ Bộ GD-ĐT. Bộ là nơi thiết
kế ra hệ thống giáo dục. Bộ cần phải chữa căn nguyên gây ra "bệnh" chứ không
phải chữa triệu chứng.

Mỗi người dân hiện nay đang tự tìm cách thoát cho mình. Không ngạc nhiên khi
họ sẵn sàng mất nhiều tiền cho con đi du học, thậm chí, nhiều trường quốc tế tại
Việt Nam đắt cỡ nào người ta cũng cho con đi học, tất cả nhằm vào việc thoát
khỏi hệ thống giáo dục của ta hiện nay.

  • Hương Giang (ghi)

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dien-dan/77094/thi-khong-thuc-chat-thi-bo-se-hon-.html

97,63% học sinh cả nước tốt nghiệp THPT 2012

Posted: 19 Jun 2012 07:59 AM PDT

- Chiều 19/6, Bộ GD-ĐT đã có báo cáo Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012.
Theo đó cả nước có 963.051 thí sinh, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 97,63% (tăng 1,91%
so với năm 2011).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 được tổ chức trong các ngày 02,03 và
04/6/2012. Các địa phương, đơn vị trên toàn quốc đã tổ chức chấm thi đúng quy
định của Quy chế và đã hoàn thành công tác chấm thi theo tiến độ kế hoạch.

Ảnh Hiểu Minh

Năm nay cả nước có 963.051 thí sinh, trong đó, có: 857.542 thí sinh GD THPT
và 105.509 thí sinh GDTX. Tổng số thí sinh đỗ tốt nghiệp: 940.225 đạt tỷ lệ
97,63%.

Trong đó, có: 848.731 thí sinh GD THPT đạt tỷ lệ 98,97%; tỷ lệ đỗ loại giỏi
là 2,59%; tỷ lệ đỗ loại khá là 20,79%. 91.494 thí sinh GDTX đạt tỷ lệ 85,47%; tỷ
lệ đỗ loại giỏi là 0,12%; tỷ lệ đỗ loại khá là 3,39%.

  • Văn Chung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/77160/97-63--hoc-sinh-ca-nuoc-tot-nghiep-thpt-2012.html

Kỳ tích của ngành giáo dục!

Posted: 19 Jun 2012 07:59 AM PDT

Kỳ tích của ngành giáo dục!

TTO – Tỉ lệ đậu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay trên 97%. Một kết quả rất đáng phấn khởi so với những năm trước, có lẽ sẽ làm nhiều người, nhiều ban ngành hoan hỉ.

Một cảnh trong clip quay giờ thi môn địa tại phòng thi số 8 Trường THPT dân lập Đồi Ngô, Bắc Giang: một thí sinh thản nhiên quay xuống chép bài của bạn. Với tỉ lệ tốt nghiệp 78,39%, đây là trường THPT có tỉ lệ tốt nghiệp thấp nhất tỉnh Bắc Giang - Ảnh tư liệu.

Ban giám hiệu các trường thì có thứ để nhắc đến mỗi khi cần có dẫn chứng để chứng minh uy tín cũng như chất lượng của trường. Giáo viên thì thở phào nhẹ nhõm vì sẽ không bị phê bình nhắc nhở vì tỉ lệ riêng của bộ môn thấp hơn trung bình chung như mọi năm. Học sinh và phụ huynh thì hân hoan khỏi phải nói.

Một điều tưởng chừng như tốt đẹp như vậy, tại sao lại khiến dư luận bất bình và khiến cho uy tín của ngành giáo dục càng ngày càng tuột dốc không phanh?

Đến khi chứng kiến những clip ghi lại cảnh tiêu cực ở các phòng thi tại Bắc Giang được tung lên mạng, thì thiết nghĩ chẳng cần mất công chấm thi làm gì, kết quả đã rõ mười mươi. Những clip ấy như những hồi chuông báo động rằng: bệnh thành tích trong giáo dục đã quay trở lại (và tệ hại hơn xưa).

Chuyện này làm chúng ta nhớ lại những đoạn phim quay cảnh trường thi mà thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã quay vào năm 2006 – điểm khởi đầu cho phong trào hai không trong giáo dục: nói không với tiêu cực và bệnh thành tích. Phong trào "Hai không" đã thật sự mang lại một luồng sinh khí mới cho ngành giáo dục, mang lại cho ngành niềm tin và sự tôn trọng của xã hội.

Tiếc thay, phong trào tốt đẹp ấy, cùng với sự khuếch trương rầm rộ, đang ngày càng sa đà vào hình thức (Bất cứ cuộc họp hành hội nghị hội thảo gì của ngành giáo dục cũng đều đề cập đến nội dung này. Giáo viên mỗi năm phải báo cáo bằng văn bản hai lần xem mình đã thực hiện phong trào "2 không với 4 nội dung" như thế nào).

Tỉ lệ thi đỗ tốt nghiệp của cả nước tăng dần theo các năm: năm 2007: 67,5%, năm 2008: 75,96%, năm 2009: 80%, năm 2010: 95,72%, năm 2011: 95% và năm nay thì gần như tột bậc: 97,63%.

Những điểm số thi tốt nghiệp năm sau phải nhất định cao hơn năm trước chỉ làm đẹp bản báo cáo thành tích trong phút chốc. Thành tích trong bản báo cáo càng hoành tráng bao nhiêu thì thực trạng và chất lượng giáo dục càng đáng buồn bấy nhiêu.

Dạy các lớp 12 đối với đa số giáo viên chúng tôi là một việc làm mệt mỏi và nặng nề. Thái độ học tập của học sinh thì kém (không kém sao được khi thực tế đã chứng minh rõ ràng: không cần học nhiều cũng thi đậu tốt nghiệp) mà chỉ tiêu của nhà trường đặt ra là tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp của toàn trường nói chung và của bộ môn nói riêng phải luôn bằng hoặc cao hơn trung bình chung của toàn tỉnh (bất kể chất lượng đầu vào của học sinh thế nào).

Sau mỗi đợt thi, tỉ lệ đậu tốt nghiệp của từng bộ môn, từng giáo viên sẽ được thống kê. Tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp nghiễm nhiên trở thành tiêu chuẩn đo năng lực của giáo viên (như thể việc chất lượng học tập chỉ phụ thuộc vào người dạy - bất chấp đối tượng được giáo dục thế nào đi chăng nữa). Do vậy thành tích, bất chấp hậu quả, phải đạt được bằng mọi giá!

Không phải chỉ đến thi thi tốt nghiệp bệnh thành tích mới phát tác mà âm ỉ trong các nhà trường từ đầu đến cuối năm học, từ năm này qua năm khác. Bài kiểm tra nếu không quá 50% học sinh đạt điểm trung bình thì giáo viên phải tiến hành kiểm tra lại (cho đến khi nào đạt được tỉ lệ ấy thì thôi). Đối với giáo viên, nếu không quá 80% học sinh mình dạy trên điểm trung bình thì không được xét hoàn thành nhiệm, không quá 90% học sinh trên điểm trung bình thì đừng nghĩ đến các danh hiệu thi đua đã phấn đấu cật lực trong cả năm học qua.

Bệnh thành tích đã trở thành một hiệu ứng đôminô, kéo theo tất cả những ai nằm trong bộ máy!

Thi cử là để sàng lọc. Nếu một kỳ thi tiêu tốn đến hàng trăm tỉ đồng mỗi năm mà cả người giỏi lẫn người chưa giỏi, người chăm chỉ lẫn người lười biếng, người nghiêm túc cũng như người dựa dẫm đều qua được một cách mỹ mãn ngang nhau thì hiệu quả sàng lọc liệu có còn? Và có nên tiếp tục?

“Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội” – câu 2 của đề thi tốt nghiệp môn văn năm nay - đáng để tất cả mọi người, không riêng gì thí sinh, suy ngẫm.

Với kiểu chạy theo thành tích bằng mọi giá như hiện nay, thói dối trá là một biểu hiện hay (buồn thay) đang là một hậu quả (tất yếu)?

MINH THƯ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Ban-doc/Nguoi-trong-cuoc/497364/Ky-tich-cua-nganh-giao-duc.html

Nền giáo dục đẩy học sinh tới chỗ phải vong thân

Posted: 19 Jun 2012 03:11 AM PDT

Tự đáy lòng, tôi cảm thấy biết ơn người bạn nhỏ can đảm đã dám cầm camera ghi
lại sự thật phũ phàng về một nền giáo dục đang đẩy học sinh tới chỗ phải vong
thân.

Quay cóp, nói một cách ngắn gọn, là: không lao động, không bỏ thời gian học
tập, không suy nghĩ, không hiểu bài, không có kiến thức mà vẫn có được kết quả,
thậm chí kết quả thi tốt, nhờ việc chép bài trái phép.

Hình ảnh tiêu cực ở Hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô (Ảnh cắt từ clip)

Về thực chất đó không khác gì hành động ăn cắp. Quay cóp là khởi đầu, đạo văn
là bước tiếp theo và cuối cùng là tham nhũng.

Ba mốc đó đánh dấu các chặng đường tha hóa của những người không lao động mà
lại hưởng thành quả một cách trái phép. Tham nhũng là gì nếu không phải là việc
nhận số tiền không phải do lao động của mình làm ra?

Một xã hội vận hành trên nền tảng tham nhũng, cộng với bệnh thành tích, sẽ
làm nẩy sinh, rồi khuyến khích và bao che hiện tượng quay cóp trong giáo dục. Và
những học sinh quen quay cóp sẽ chấp nhận và thích ứng rất nhanh với sự tham
nhũng.

Đấy là một chu trình có lô-gic nội tại, hiện tượng này vừa là nguyên nhân vừa
là kết quả của hiện tượng kia. Một vòng luẩn quẩn.

Các bạn học sinh cần hiểu điều này : Quay cóp bài vở là một hình thức phủ
nhận chính mình. Ở một cấp độ khác, trả bài thi theo lối học thuộc lòng cũng là
một hình thức tự phủ nhận bản thân mình.Vì khi làm như vậy, bạn không còn là bạn
nữa, bạn tự đồng nhất mình với giáo viên, bạn hoàn toàn lệ thuộc vào giáo viên,
bạn tự phó thác mình cho cái tài liệu bạn chép mà không hiểu.

Khi làm như thế bạn đã bị vong thân (tự đánh mất mình). Bạn tự chối bỏ bản
thân bạn, bạn tự chối bỏ giá trị của bạn. Và nếu bạn bắt đầu cuộc đời mình bằng
cách chấp nhận vong thân như vậy thì cái nguy cơ bạn chấp nhận làm một công cụ
để cho người khác điều khiển là rất lớn.

Đỉnh điểm của sự nguy hiểm là sẽ đến ngày bạn không còn ý thức được về sự
vong thân nữa, không còn ý thức được về các nguy hiểm do sự vong thân gây ra.
Nếu bạn không quý trọng giá trị riêng của bạn, thì bạn cũng sẽ không quý trọng
giá trị riêng của người khác.

Nếu bạn không tự nhìn bạn như là một giá trị, thì bạn cũng sẽ không nhìn
người khác như một giá trị. Sâu xa, đấy là nguồn cơn của sự vô cảm và độc ác.
Bạn có thể đi tới chỗ đồng nhất giá trị con người bạn với những thứ ở bên ngoài
bạn, như là tiền bạc, ô tô, nhà cửa…

Bạn sẽ để những thứ đó điều khiển bạn, và để những kẻ mang lại những thứ đó
cho bạn điều khiển bạn. Bạn quên mất hoặc không hiểu rằng bạn, trong tư cách là
con người, bạn cao hơn những thứ đó nhiều, bạn có giá trị hơn những thứ đó rất
nhiều ; hoặc là những thứ đó chỉ có giá trị khi bạn truyền cho chúng giá trị của
bạn, khi bạn biến chúng thành các giá trị tinh thần.

Và một khi sự vong thân không còn có ý nghĩa gì đối với bạn, thì việc mất mát
các giá trị tinh thần khác cũng rất có thể sẽ không còn ý nghĩa gì, thậm chí cả
sự vong bản hay vong quốc.

Nếu người lớn không sợ thì chính bạn phải biết sợ điều đó. Nếu thầy cô không
dạy cho bạn biết rằng bạn là một giá trị và bạn cần phải xây dựng và bảo vệ giá
trị của mình, thì chính bạn phải tìm cách tự học để hiểu điều này. Đừng để thầy
cô tước mất giá trị riêng của bạn, và đừng tự mình phủ nhận giá trị của mình.

Tự đáy lòng, tôi cảm thấy biết ơn người bạn nhỏ can đảm đã dám cầm camera ghi
lại sự thật phũ phàng về một nền giáo dục đang đẩy học sinh tới chỗ phải vong
thân.

Dù sao chúng ta chưa mất hết hy vọng vì vẫn còn những học sinh như bạn ấy, và
vẫn còn những người thầy như thầy giáo của bạn ấy.

  • Nguyễn Thị Từ Huy

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/77019/nen-giao-duc-day-hoc-sinh-toi-cho-phai-vong-than.html

Khi sĩ tử gặp… ác mộng

Posted: 19 Jun 2012 03:10 AM PDT

Những giấc mơ kinh hoàng vào mùa thi

Gọi điện đến một trung tâm lý ở Q.1, TPHCM, cậu học trò tên Hải, ngụ ở Q.5, giọng lộ rõ sự căng thẳng lẫn sợ sệt nói về tình cảnh của mình. Em kể, liên tục cả mấy tháng nay, từ ngày nộp hồ sơ vào trường ĐH Kinh tế TPHCM, không đêm nào em ngủ ngon, lúc nào cũng chập chờn và mơ gặp ác mộng thường xuyên. Khi thì mơ mình đi bán vé số, khi lại gặp những hình ảnh kinh dị, chết chóc hết sức kinh khủng.

"Mỗi lần bật dậy, mồ hôi em ướt đẫm cả người, thở không ra hơi, nhìn quanh em cũng thấy sợ. Ngồi vào bàn học em vẫn ám ảnh, nghĩ ngợi linh tinh", Hải khổ sở.

Khi được tư vấn, em đang có dấu hiệu stress, cần có chế độ nghỉ ngơi, giải trí phù hợp để lấy lại tinh thần, Hải lắc đầu vì… khi chơi em cũng chẳng vui. Hơn nữa, chỉ cần em rời bàn học là bố mẹ lập tức lên tiếng giục tập trung ôn thi.

"Năm ngoái em thi trượt, bố mẹ em rất sốc nên họ kỳ vọng lần này em sẽ làm nên chuyện. Em cũng không muốn thi vào Kinh tế, điểm cao lắm nhưng mẹ bảo, hơn người ta cả năm trời ăn học, không đỗ thì học hành nỗi gì".

Căng thẳng cùng giấc ngủ chập chờn, không sâu dẫn đến việc nhiều sĩ tử gặp ác mộng vào mùa thi.

Với em T.X. (vừa tốt nghiệp lớp 12), hình dung đến cảnh bước vào phòng thi là ăn uống gì em đều đắng miệng, ngồi vào bàn học tập trung một lúc là đầu đau như búa bổ, lúc nào cũng buồn rầu.

Nhưng nỗi sợ lớn nhất với X. là mỗi khi đêm xuống, theo giờ khóa biểu đi ngủ, em trằn trọc không vào giấc, nếu có chợp được mắt thì lập tức… em mơ thấy đủ thứ trên đời, toàn những nội dung, hình ảnh không hay. Điều đó làm X. sợ đến nỗi nhiều đêm em thức không dám đi ngủ, gật gà ngay bên bàn học cũng như có bữa em đã lén uống thuốc an thần.

X. bày tỏ: "Sức khỏe về thể xác giảm sút em sẽ cố gắng để bù đắp nhưng về những lo lắng luôn xuất hiện trong đầu thì em không biết phải làm sao. Thi đỗ đại học là mục tiêu lớn nhất với em từ trước đến nay, cả nhà em đều chờ đợi".

Sự khắc khổ, đau đớn của người mẹ nhà ở Q.3 khi tìm đến chương trình tư vấn làm nhiều người rất thương cảm. Con trai chị từ một học trò giỏi nhất nhì, đột nhiên khi chuyển chuẩn bị lên cấp ba lại thì xuất hiện các dấu hiệu tâm thần như ngồi vào trong góc lớp, đánh bố mẹ hoặc người đối diện, bỏ nhà đi lang thang… Thế nhưng ai nấy cũng phải lắc đầu khi người mẹ bảy tỏ mong muốn: "Ra làm sao cũng được, tôi chỉ cần cháu có thể học hành để thi vào đại học” trong tình trạng con đã nghỉ điều trị tâm thần cả năm nay, bệnh không thuyên giảm mà ngày càng nặng.

Dấu hiệu nguy hiểm

 

TS – BS Nguyễn Thị Mỹ Châu (Khoa Tâm thần kinh, Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch) cho hay, sự lo lắng thường trực, dẫn đến giấc ngủ không sâu chính là thủ phạm của việc gặp ác mộng. Đó là dấu hiệu, triệu chứng cảnh báo tình trạng stresss, trầm cảm mà vào mùa thi rất nhiều học sinh gặp phải.

"Hàng năm, vào mùa thi tình trạng học sinh bị hoảng loạn, lo lắng phải đến khoa điều trị rất nhiều. Đông nhất là các em thi chuẩn bị thi vào đại học nhưng nhiều em thi lên lớp 10 cũng gặp phải áp lực trên. Đa số các em chịu áp lực từ chính sự kỳ vọng của gia đình phải thi đỗ vào trường này trường nọ quá với sức của mình", BS Châu cho hay.

Theo BS Châu, việc đặt ra mục tiêu để con có động lực cố gắng là cần thiết cho việc học thế nhưng mục tiêu đó phải phù hợp với khả năng và mong muốn của trẻ. Trước khi đưa ra mục tiêu cho con, phụ huynh hãy đặt lên bàn cân việc ép con thi đỗ vào ĐH có thể làm con bị trầm cảm, tâm thần và việc con được sống mạnh khỏe, tỉnh táo.

Sĩ tử cần có sức khỏe đảm bảo, tinh thần thoải mái trước kỳ thi.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (Trưởng bộ môn Khoa học hành vi và Giáo dục sức khỏe, ĐH Y Phạm Ngọc Thạch) cho hay do quá căng thẳng, mệt mỏi, âu lo, sợ hãi là nguyên nhân làm các sĩ tử ăn ngủ không được, gặp ác mộng không chỉ đêm mà gặp cả khi thức. Với những em không có kế hoạch ôn thi hợp lý mà thường chạy theo việc học tủ, học phao hay luyện thi cấp tốc điều này càng dễ xảy ra.

Việc bố mẹ tạo áp lực cho con là điều rất khó chấp nhận. Nếu cha mẹ thật sự là những người hiểu biết thì không bao giờ gây áp lực cho con trong mùa thi mà đổi lại sẽ có những cách khéo léo để giúp đỡ, khuyến khích bằng thái độ tiến bộ rằng cánh cửa ĐH không phải là tất cả, quan trọng là ở đâu, làm gì mình cũng thể hiện được năng lực và sự cố gắng của mình.

BS Ngọc chia sẻ: "Nhiều gia đình tạo áp lực con phải thi đậu để cha mẹ nở mày nở mặt nên con trở nên sợ hãi với gánh quá nặng trên vai. Càng lo càng học không vào, học không vào lại thêm lo nên gặp đủ thứ sợ hãi khi ngủ. Với sự căng thẳng, áp lực đó, nếu thi rớt, các em rất dễ tự tử".

Theo các chuyên gia, việc gặp ác mộng, lo sợ kéo dài rất nguy hiểm nên càng sớm khắc phục càng tốt. Các sĩ tử cần sắp xếp lịch học phù hợp, đảm bảo được chất lượng giấc ngủ. Gia đình phải tạo cho các em tâm lý thoải mái với kỳ thi, không bộc lộ thái độ nhất nhất phải đỗ đại học của mình để các em tránh được sự áp lực. Khi tình trạng này kéo dài, sự bất an thường trực trong các em thì sĩ tử cần mau chóng đi kiểm tra tâm lý để định mức stress hay trầm cảm để kịp thời điều trị.

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-608470/khi-si-tu-gap-ac-mong.htm

Sẽ đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Posted: 19 Jun 2012 03:10 AM PDT

Thủ tướng phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020:

Sẽ đổi mới chương trình, sách giáo khoa

TT – Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục năm 2011-2020 với mục tiêu tổng quát là đến năm 2020 nền giáo dục nước ta đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Theo đó, chiến lược đặt ra các mục tiêu cụ thể: hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi vào năm 2015; phấn đấu đến năm 2020 có 99% học sinh tiểu học, 95% học sinh THCS đi học đúng độ tuổi và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT và tương đương, 70% trẻ khuyết tật được đi học. Sẽ điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, phấn đấu năm 2020 tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học đạt 70%, tỉ lệ sinh viên ở tất cả các hệ đào tạo đạt 350-400/1 vạn dân.

Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 100% giáo viên mầm non và phổ thông đạt chuẩn đào tạo; 38,5% giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 60% giảng viên cao đẳng và 100% giảng viên đại học đạt trình độ thạc sĩ trở lên, 100% giảng viên đại học và cao đẳng sử dụng thành thạo một ngoại ngữ.

Một trong những nội dung đáng chú ý của chiến lược là thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa từ sau năm 2015 theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc và phù hợp với đặc trưng của mỗi địa phương, chú trọng giáo dục đạo đức và các giá trị truyền thống, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lao động, hướng nghiệp cho học sinh.

V.HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/497612/Se-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa.html

Ký sự sởn da gà của cô giáo mầm non

Posted: 19 Jun 2012 03:10 AM PDT

– Mắng, quát, hét rồi…rú lên với bé trong mắt cô là “thằng tự kỷ” khiến tôi
sởn da gà. Ấn tượng đọng lại trong lòng tôi – cô giáo mầm tương lai là sự thật
kinh hoàng “học” được từ bậc “tiền bối” đi trước. Nếu là mẹ biết được sẽ sốc…

Kết thúc hơn một tháng thực tập tại trường mầm non ở Hà Nội, mang theo biết
bao kỷ niệm đẹp với những “thiên thần bé nhỏ”, lẽ ra tôi nên vui nhưng ngược
lại, tôi buồn nhiều hơn vì ngay tại nơi này, với những điều “mắt thấy tai nghe”
và trực tiếp cảm nhận, hình ảnh “người mẹ hiền” trong suy nghĩ của một cô giáo
mầm non tương lai như tôi đã khiến tôi hẫng hụt, hoang mang.

Ảnh có tính chất minh họa

Tôi được thực tập trong lớp học có hơn 60 trẻ. Tôi đặc biệt chú ý đến bé Bi
(hơn 2 tuổi) – ít tuổi nhất lớp. Bé Bi luôn có thái độ và hành động lạ lùng,
thay vì quấn quýt, quan tâm các cô như bé Tôm và thông minh, nhanh nhẹn như bé
Na…,

Bi chẳng bao giờ gần gũi bất cứ ai, cô giáo hỏi không bao giờ đáp, các giờ
học không hề tham gia, hưởng ứng. Ban đầu tôi thấy khó chịu vì không hiểu sao
đứa trẻ này lại lười biếng và “hư” như vậy. Ngay lúc đó, chị T. kéo tôi lại gần
và nói: “Thằng này nó bị tự kỷ đấy, cứ kệ nó đi!…”

Chưa hết bất ngờ vì câu nói vô cảm đó, tôi lại một lần nữa bị “sốc” vì cách
cư xử của tất cả các cô giáo với bé. Trong khi cả lớp học múa, hát, nghe kể
chuyện và chơi các trò chơi thì bé Bi chỉ lủi thủi một mình hoặc lăn lóc trong
góc lớp. Mặc cho bé muốn làm gì thì làm, các cô giáo không hề để tâm tới. Nhất
là những giờ hoạt động góc (tổ chức chơi các trò chơi) hầu như bé không được
tham gia.

Và tôi thực sự sốc…

Một lần, bé Bi chơi mô hình sân bay, khi vừa động vào viên gạch đã bị một
giáo viên tới ngăn lại: “Đi ra! Mày động vào hỏng hết mô hình bây giờ, phá ra
tao lại mất công sửa lại!”.
Bé Bi đột nhiên khựng lại, hai mắt đỏ ngầu, nhìn
cô và khóc thét lên.

Buổi trưa bé Bi không ngủ, chỉ vạ vật chơi một mình hoặc quấy khóc. Những lúc
như vậy cô H. thường tiến đến trừng mắt, chỉ tay vào bé: “Câm mồm! Mày có câm
không?”.
Rồi chứng kiến bé nhận phạt nhốt trong nhà vệ sinh hoặc phải đứng
góc lớp.

Nhìn dáng hình nhỏ bé, đáng thương và đơn độc của Bi, tôi như nghẹn lại. Tôi
tìm cách tiếp cận, gần gũi bé bằng những cử chỉ ân cần, yêu thương nhất. Lúc đầu
bé thường sợ hãi, chạy đi với ánh mắt xa lạ, lạnh lùng.

Tôi thực sự không hiểu tại sao trẻ tự kỷ lại phải chịu sự kỳ thị vô lý như
vậy?

Điều khiến tôi ngạc nhiên đến sởn da gà là cô giáo đã mặc định trẻ tự kỷ là
những đứa trẻ vô dụng, không có cảm xúc, không nhận thức được điều gì dựa trên
các biểu hiện như: chậm tư duy, kém cỏi về mọi mặt so với bạn đồng trang lứa.

Vô lý hơn khi căn cứ quy kết bé bị tự kỷ được cô đưa ra khi quan sát trẻ chơi
trò tô tượng, các em phát triển bình thường biết cách tô mái tóc màu đen, áo
quần màu xanh, màu đỏ…, còn trẻ bị cho là tự kỷ thì chỉ tô nguyên một màu….

Điều tôi học được sau một tháng thực tập là những đối xử vô lý. Nếu cho rằng,
tự kỷ là không có cảm xúc, sao khi chúng tôi chia tay lớp trở lại trường học,
các em nhỏ đều khóc nghẹn, lưu luyến, bé Bi cũng chạy đến níu chân tôi và bi bô
trong nước mắt: “Cô ơi, cô đi rồi quay lại chơi với con nhé!”

Khi rời khỏi nơi đây, tôi còn một điều băn khoăn mãi khi thấy chuyện phổ biến
diễn ra tại một trường mầm non có tiếng của Hà Nội lại là việc thiếu cơm (?). Để
được theo học ngôi trường này, cha mẹ các em phải đóng mức học phí khá caovì cơ
sở vật chất của trường khá tốt. Nhưng trong suốt đợt thực tập, tôi thấy các bữa
ăn của trẻ thường bị thiếu, các em phải chạy từ lớp này sang tới khác để xin
cơm, hoặc nhiều hôm may mắn thì đủ bữa, còn lại chẳng bao giờ thừa thãi để ăn
một cách thoải mái.

Ngược lại, các bé phải học quá nhiều với lịch dày đặc mỗi tuần. So với những
dáng hình nhỏ bé ấy, liệu “nhồi” kiến thức một cách không cần thiết như vậy liệu
có nên?

  • Thu Thảo (ghi)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/77022/ky-su-son-da-ga-cua-co-giao-mam-non.html

Lãnh đạo Bắc Giang trần tình sau kết luận vụ Đồi Ngô

Posted: 19 Jun 2012 03:08 AM PDT

- Các clip được quay ở cả 6 môn thi nhưng kết luận chỉ tập trung vào vi phạm
môn Hóa và Toán. Hành vi giải bài và giúp thí sinh làm bài đã cuối cùng lại
"không có dấu hiệu vi phạm hình sự". Người tung clip được cho "không thiện chí
lắm"….

Là những nội dung dư luận cho rằng kết luận về vụ việc tiêu
cực ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang do Sở GD-ĐT Bắc Giang xử lí chưa thỏa đáng. Dưới đây là những giải đáp của lãnh đạo các đơn vị chức năng liên quan.

Ông Ngô Thế Sơn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang: “Thanh tra đã
làm vô tư!”

Việc tổ chức chấm thi của Hội đồng chấm thi thực hiện một cách nghiêm túc,
đặc biệt nhấn mạnh ở 3 điểm. Đối với giám khảo chấm thi thực hiện triệt để quy
chế chấm bài thi độc lập.

Ông Ngô Thế Sơn

Riêng thi trắc nghiệm chúng tôi không xem xét xử lí trường hợp giống nhau của
bài thi vì thí sinh làm bài chỉ việc khoanh, tô đậm vào nội dung mà mình trả lời
cho nên không thể phát hiện được.

Trong quá trình chấm thi tự luận có trên 85 thí sinh có bài thi giống nhau
từng phần. Chúng tôi đã làm rà đi soát lại trước khi chủ tịch quyết định chúng
tôi xem xét rất thận trọng.

Không chỉ có thí sinh của Đồi Ngô mà có 10 thí sinh của một số hội đồng thi
khác có phần thi giống nhau cũng bị lược bỏ. Hội đồng làm việc rất vô tư, không
chỉ xem xét của Đồi Ngô.

Chúng tôi không tổ chức chấm thanh tra độc lập khi hội đồng chấm thi kết
thúc. Trong quá trình chấm thi đã tổ chức cho chấm thanh tra. Và khi chấm thanh
tra, chúng tôi cũng không tuyên bố đây là túi bài thi hay tập bài thi của Đồi
Ngô mà yêu cầu thanh tra làm việc bình thường đúng trách nhiệm. Như vậy là bài
của trường Đồi Ngô đã được chấm thanh tra.

Thứ hai là trong quá trình chấm thi, chúng tôi không căn cứ vào bài giải của
giáo viên mà bám sát barem biểu điểm của Bộ GD, không có mở, không có nới, bảo
đảm cho quyền lợi của thí sinh.

(…) Sang năm tới sở GD-ĐT Bắc Giang sẽ có các tham mưu với ban chỉ đạo thi
của tỉnh các giải pháp để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế theo
đúng nghĩa mà xã hội đang mong muốn. Chắc chắn bộ GD-ĐT sẽ có chỉ đạo kỳ thi
trong những năm tới trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Bắc Giang: “Thí
sinh sử dụng bút quay mang vào phòng thi là vi phạm quy chế”

Tuy nhiên, xét về hành động của thí sinh này là quay clip để phản ánh tiêu
cực trong phòng thi trong kỳ thi tại hội đồng coi thi Đồi Ngô, chúng tôi coi là
tình tiết giảm nhẹ. Thứ hai là hành vi quay clip, của thí sinh này là không gây
hậu quả trực tiếp cho kỳ thi. Sau đó em mới phản ánh thì chúng tôi coi đó là
tình tiết giảm nhẹ.

Ông Nguyễn Tiến Quang

Về động cơ của thí sinh này, em đó mang bút quay vào phòng thi là do có một
người anh nhờ quay và để nói là chống tiêu cực. Tất cả những tình tiết đó, chúng
tôi không hủy kết quả thi của thí sinh này.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy, Trưởng phòng PA83, CA tỉnh Bắc Giang: Người tung clip
"không thiện chí lắm"

Chiều 18/6, Đại tá Nguyễn Văn Bảy, Trưởng phòng PA83, CA tỉnh Bắc Giang đồng
ý với kết luận của Sở GD-ĐT Bắc Giang và cho biết "những tài liệu có được chưa
có căn cứ để nói hành vi tiêu cực tại Trường THPT dân lập Đồi Ngô có dấu hiệu vi
phạm pháp luật".

Theo đại tá Bảy: "Đây chỉ là hành động mang động cơ cá nhân, không có tổ
chức".

Nhân nói đến việc tung clip, đại tá Nguyễn Văn Bảy cho rằng Ông: "Nếu clip
này được chuyển giao cho cơ quan có trách nhiệm ngay từ đầu thì rất hoan nghênh.
Nhưng clip lại được tung phát trên mạng nhỏ giọt, không chuyển sang cơ quan pháp
luật". Theo ông người tung clip "không thiện chí lắm".

Đại tá Nguyễn Văn Bảy: “Đây chỉ là hành động mang động cơ cá nhân, không có tổ
chức”

Trước đó, trả lời VietNamNet, ông Trần Đình Hồng, Phó giám đốc Công an tỉnh
Bắc Giang, cho biết: "Các giáo viên trong clip được phản ánh đã thành khẩn thừa
nhận sai phạm". Công an đã vào cuộc điều tra, bước đầu cho thấy có một số dấu
hiệu vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Đức Hiền, GĐ Sở GD-ĐT Bắc Giang: “Tôn vinh nếu hành động của
học sinh là trong sáng”

Trả lời câu hỏi "học sinh quay clip có đáng được tôn vinh", ông Nguyễn Đức
Hiền, GĐ Sở GD-ĐT Bắc Giang nhắc lại việc dùng bút quay của em này là "vi phạm
quy chế" nhưng "có những tình tiết để xem xét giảm nhẹ".

Ông Nguyễn Đức Hiển

Theo ông: "Nếu động cơ quay clip của học sinh là trong sáng thì đáng tôn
vinh. Nhưng ở đây học sinh làm theo sự chỉ bảo của người lớn".

HS quay clip đỗ tốt nghiệp trung bình

Chiều 18/6, Sở Giáo dục Bắc Giang công bố kết quả thanh tra vụ gian lận
thi cử tại THPT Đồi Ngô. Giám đốc Sở Nguyễn Đức Hiền cho biết, em Đỗ Ngọc Sơn,
người thực hiện quay clip dù đã vi phạm quy chế nhưng vì có công quay clip gian
lận nên không bị hủy kết quả thi.

Theo đó, Sơn được 3 điểm môn Văn, 6,5 Hóa, 4
Địa, 8 Sử, 4,5 Toán và 5 điểm tiếng Anh. Với 1,5 điểm khuyến khích nghề, Sơn
được 32,5 điểm và đỗ tốt nghiệp loại trung bình.

  • Văn Chung (ghi)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/77016/lanh-dao-bac-giang-tran-tinh-sau-ket-luan-vu-doi-ngo.html

Đầu tư 105 triệu USD phát triển giáo dục THPT

Posted: 19 Jun 2012 03:08 AM PDT

Trong 105 triệu USD, vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 90 triệu USD. Mục tiêu của dự án Phát triển giáo dục THPT giai đoạn II nhằm góp phần đổi mới căn bản, toàn diện cho nền giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại các vùng khó khăn, vùng có đông người dân tộc thiểu số; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề.

Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan để hoàn thiện nội dung dự án, chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt dự án theo đúng quy định hiện hành.

Dự án sẽ chính thức được thực hiện từ tháng 8/2012 đến tháng 12/2018 tại khoảng 25 tỉnh, thành, huyện nghèo có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.

Được biết, trong “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020″ mà Thủ tướng vừa phê duyệt, đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ đi họcđúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, trung học cơ sở là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; có 70% trẻ em khuyết tật được đi học.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-608430/dau-tu-105-trieu-usd-phat-trien-giao-duc-thpt.htm

Comments