Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Bắc Giang không hủy kết quả thi của thí sinh quay clip

Posted: 18 Jun 2012 07:58 AM PDT

Theo kết quả xác minh, những sai phạm cơ bản của Hội đồng coi thi THPT Dân lập Đồi Ngô đó là: Đối với lãnh đạo Hội đồng coi thi: Buông lỏng công tác quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc điều hành, giám sát diễn biến kỳ thi, không phát hiện được những tiêu cực ở Hội đồng coi thi trong quá trình điều hành thi. Đã để cho một số cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường sở tại để lấy đề thi, giải bài, đưa bài giải vào một số phòng thi ở 2 môn Hóa học và Toán vi phạm Quy chế thi, tạo ra dư luận không tốt trong kỳ thi, gây hậu quả nghiêm trọng.


Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang).

Đối với thư ký Hội đồng (thư ký sở tại) là người đưa và thu tài liệu ở một số phòng thi của thí sinh, trong đó có phòng thi số 8 (môn Hóa học, Toán) vi phạm nghiêm trọng quy chế thi.

Đối với giám thị coi thi: Hướng dẫn thí sinh thực hiện quy chế thi không đạt hiệu quả, nên một bộ phận thí sinh chưa thực hiện đầy đủ các quy định của kỳ thi, kiểm tra, giám sát phòng thi thiếu chặt chẽ, không cương quyết xử lí thí sinh vi phạm Quy chế, không báo với lãnh đạo Hội đồng về những tiêu cực đã xẩy ra trong diễn biến kỳ thi, do đó chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhân viên phục vụ: tự ý đi vào trong khu vực phòng thi ném bài cho thí sinh, vi phạm quy chế thi.

Đối với thanh tra giám sát thì chưa tuân thủ đầy đủ quy trình thanh tra, giám sát, thiếu trách nhiệm về việc giám sát hoạt động của Hội đồng coi thi, không phát hiện được những tiêu cực trong diễn biến kỳ thi. Như vậy chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Lực lượng bảo vệ còn để một số người của Trường THPT dân lập Đồi Ngô (không thuộc hội đồng coi thi) ở trong khu vực thi tại thời điểm diễn ra các môn thi. Như vậy chưa hoàn thành nhiệm vụ. Một số cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đã có mặt tại trường (khi không được phân công nhiệm vụ) vào thời điểm thi có hành động lên khu vực phòng thi, tham gia vào việc giải bài thi và chuyển bài phòng thi, vi phạm nghiêm trọng quy chế thi.

Cụ thể là, ông Đào Văn Mộc, Phó Chủ tịch hội đồng coi thi - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đồi Ngô đã để cho một số cán bộ, giáo viên nhân viên, trong trường vi phạm quy chế thi. Ông Nguyễn Đăng Chính – nhân viên phục vụ thi, là nhân viên văn thư của nhà trường đã lấy đề thi các môn Hóa học, Toán từ thí sinh. Sau khi lấy được đề thi, ông Chính đem về phòng làm việc của cá nhân trong trường, viết lại đề thi, nhờ ông Đinh Văn Đạt giải môn Hóa, bà Nguyễn Thị Ngân giải môn Toán (là giáo viên của trường). Tiếp đó, ông Chính lấy bài giải từ ông Đạt, bà Ngân sao ra một số bản và nhờ ông Nguyễn Văn Dũng (là kế toán của trường), bà Nguyễn Thị Kim Thoa nhân viên phục vụ của hội đồng coi thi, bà Lê Thị Hải (là giáo viên của trường) mang bài giải lên phòng thi. Bà Hải là người trực tiếp thu lại tài liệu đã sử dụng của thí sinh. Như vậy, những ông bà nêu trên đã vi phạm nghiêm trọng quy chế thi.

Kết quả xác minh cũng khẳng đinh một số bộ phận ở một số phòng thi còn mang, nhận và sử dụng tài liệu, trao đổi và quay cóp lẫn nhau, có thí sinh mang thiết bị điện tử trái quy định vào phòng thi, do đó các thí sinh này vi phạm quy chế thi.

Về hướng xử lý kỷ luật, Sở GD-ĐT Bắc Giang kiến nghị áp dụng hình thức đối với cán bộ, công chức, việc chức vi phạm cụ thể như sau: "cách chức" đối với ông Nguyễn Đức Đôn - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt, Chủ tịch Hội đồng coi thi, "cảnh cáo" đối với 21 giáo viên Trường THPT Lý Thường Kiệt là giám thị coi thi và 2 ông thanh tra tại hội đồng coi thi là Nguyễn Anh Huy, giáo viên Trường THPT Sơn Động số 2 và Đàm Đức Kinh, giáo viên Trường THPT Lục Ngạn số 4, "khiển trách" đối với ông Bùi Quang Nghĩa - Tổ trưởng tổ Toán Trường THPT Lục Ngạn số 2, Phó chủ tịch Hội đồng coi thi và 7 giáo viên Trường THPT Lục Ngạn số 2 là giám thị trường coi thi.

Đối với người lao động thì "không công nhận" chức vụ quản lý đối với ông Đào Văn Mộc - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đồi Ngô và ông Trần Đỗ Hoàng - Phó hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đồi Ngô. Sa thải với các ông bà Lê Thị Hải, Nguyễn Thị Kim Thoa, Đinh Văn Đạt, Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Đăng Chính, Nguyễn Văn Dũng là những giáo viên, nhân viên của Trường THPT dân lập Đồi Ngô đã vi phạm nghiêm trọng Quy chế thi. "Khiển trách" đối với các ông Đỗ Minh Diễn, Nguyễn Văn Song nhân viên bảo vệ đã vi phạm Quy chế thi.

Xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục bằng cách phạt tiền đối vớ bà Lê Thị Hải và bà Nguyễn Thị Kim Thoa là giáo viên của Trường THPT dân lập Đồi Ngô. Giao cho ông Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Bắc Giang tổ chức thực hiện.

Đối với thí sinh dự thi: việc vi phạm quy chế thi của thí sinh, nguyên nhân được xác định là do giám thị coi thi buông lỏng, nên không hủy kết quả thi của thí sinh mà xử lý hủy phần giống nhau trong bài thi của thí sinh. Với thí sinh quay video clip trong phòng thi là để phản ánh hiện tượng tiêu cực trong phòng thi, kỳ thi. Hành động này được coi là một trong những tình tiết giảm nhẹ nên không hủy kết quả này của thí sinh.

Trao đổi thêm với phóng viên, ông Nguyễn Văn Bảy – Trưởng phòng PA83 Bắc Giang cho biết: "Do các clip được cung cấp nhỏ giọt nên công tác điều tra gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên theo điều tra thì vụ việc này chưa có dấu hiệu vi phạm pháp luật".

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì thí sinh Đ.N.S., người quay clip ở phòng thi số 8 có tổng điểm các môn thi là 31 điểm (chưa tính điểm cộng nghề là 1,5 điểm). Với kết quả này, S. đã đỗ kì thi tốt nghiệp THPT năm nay.

N.H.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-608382/bac-giang-khong-huy-ket-qua-thi-cua-thi-sinh-quay-clip.htm

Củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Posted: 18 Jun 2012 07:58 AM PDT

(GDTĐ)- Sáng nay (18/6), Hội nghị giao ban GD Vùng I đã diễn ra tại tỉnh Phú Thọ do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì. Dự hội nghị còn có ông Hà Kế San, phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, lãnh đạo CĐGDVN, các vụ, cục chức năng Bộ GD-ĐT, 15 Sở GD-ĐT trong vùng.

Những kết quả quan trọng

Với cương vị trưởng Vùng I, GĐ Sở GD-ĐT Điện Biên Lê Văn Qúy cho biết: Toàn vùng có 9195 trường, tăng thêm 187 trường so với năm trước. Trong đó riêng MN có 2807, tăng 125 trường. Các tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng, hiện đại hóa hệ thống trường THPT chuyên. Tính đến hết tháng 5 năm 2012, Vùng I có 2567/9302 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia (chiếm 25,37%), tăng 353 trường so với năm học trước. Trong đó, tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia tăng cao nhất: 1271/3166, chiếm 40.15%. Bắc Giang và Thái Nguyên có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên 50%.

Các tỉnh tiếp tục tăng cường các biện pháp khắc phục tình trạng ngồi nhầm lớp, chỉ đạo các cơ sở GD tăng cường sử dụng TBDH; Đẩy mạnh việc bồi dưỡng đội ngũ GV, tập trung vào ĐMPP dạy học. Nhiều đơn vị quyết tâm nâng cao chất lượng toàn diện, phấn đấu giảm tối đa tỷ lệ HS học yếu kém, nâng tỷ lệ khá, giỏi bằng cách đẩy mạnh công tác phụ đạo. Nhờ thế, năm qua tổng số HS bỏ học trong vùng là 10.072 em, chiếm 0,52% (Giảm 0,02% so với năm học trước). Tiêu biểu, một số tỉnh có tỷ lệ HS bỏ học giảm nhiều như Phú Thọ, Điện Biên, Thái Nguyên. 12/15 tỉnh có số HS bỏ học giảm.

Các Sở đã có nhiều biện pháp, thực hiện tốt các chính sách nhằm động viên, khuyến khích HS dân tộc đến trường, góp phần nâng cao chất lượng GD toàn diện, phổ cập GD tiểu học, THCS, xóa mù chữ, nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực cho địa phương. GDMN tích cực triển khai thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, tiếp tục triển khai Chương trình mới, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, lộ trình đến năm 2015 đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 05 tuổi.

Giáo dục phổ thông: Ở cấp TH, HS được xếp loại giỏi môn Toán chiếm 36.95% (tăng 1,36% so với năm học trước)còn môn Tiếng Việt, là 26,34% (tăng 3,47% so với năm học trước). Tỷ lệ HS THCS xếp loại học lực giỏi chiếm 6,38% (tăng 1,64% so với năm học trước). Trong đó, một số tỉnh đã nâng được tỉ lệ HSG như  Điện Biên (tăng 2,11%). Thái Nguyên (tăng 2,16%), Lạng Sơn (tăng 1,58%). HS học lực yếu và kém chiếm 6.25% (giảm 0,47% so với năm học trước).

Tỷ lệ HS THPT học lực giỏi chiếm 2,57% (tăng 0,79% so với năm học trước). Một số tỉnh tỷ lệ HSG đạt trên 5%: Phú Thọ, Quảng Ninh; trên 3%: Điện Biên, Thái Nguyên, Lào Cai. Các tỉnh đều có tỷ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi tăng so với năm học trước, tăng trên 1%: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh.


 Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh, gdtd.vn

Hiệu quả GD-ĐT trong Vùng I được nâng cao thể hiện qua kết quả thi tốt nghiệp THPT và GDTX. Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, chất lượng thi tốt nghiệp THPT năm 2012 đã được nâng cao đáng kể, phản ánh sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng của các Sở. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT các tỉnh đều tăng so với năm học trước. Trong đó, dẫn đầu là tỉnh Phú Thọ 99,21% (THPT).

Là Vùng còn nhiều khó khăn nhưng bên cạnh công tác GD đại trà, việc đào tạo mũi nhọn được chú trọng. 15/15 tỉnh đều có HS đoạt giải. Toàn Vùng có 353 HS đoạt giải (5 giải nhất, 38 giải nhì, 125 giải ba và 185 giải khuyến khích). Đây là một sự nỗ lực rất lớn trong công tác chỉ đạo của các Sở trong Vùng về công tác phát hiện và bồi dưỡng HSG. Các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên là những tỉnh đoạt trên 50 giải. Các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang đoạt trên 40 giải. Tỉnh Hòa Bình trên 30 giải. Đặc biệt tỉnh Sơn La năm nay có HSG dự thi Vật lý Olympic châu Á- Thái Bình Dương.

Những kiến nghị, đề xuất

Theo kế hoạch, năm 2012 tỉnh Điện Biên sẽ chia tách và thành lập mới 01 huyện nên cần phải thành lập mới 01 trường Phổ thông DTNT, 01 trung tâm GDTX và một trường THPT tại huyện này. Vì vậy, mong muốn Bộ xem xét bổ sung danh mục đầu tư xây dựng mới 01 trường phổ thông Dân tộc nội trú vào Đề án Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông DTNT giai đoạn 2011-2015 và hỗ trợ chương trình mục tiêu để xây dựng trường THPT.

Đồng thời, mong muốn Bộ hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng công trình trường THPT chất lượng cao Lương Thế Vinh, tiếp tục giao chỉ tiêu đào tạo SV ĐH hệ chính quy, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tỉnh Điên Biên và tạo điều kiện cho tỉnh Điện Biên được thành lập trường ĐH Điện Biên.


Phổ cập GDMN 5 tuổi đang là vấn đề của một số tỉnh thuộc vùng thi đua số 1. Ảnh, gdtd.vn

Sở Giáo GD-ĐT Yên Bái: Đề nghị Bộ bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để giúp tỉnh Yên Bái xây dựng nhà công vụ cho GV. Vì đến thời điểm hiện tại Yên Bái mới thực hiện được 50% số phòng học và 26% số phòng công vụ. Cho phép Đại học Thái Nguyên xây dựng phân hiệu tại tỉnh Yên Bái trong năm 2012…vv.

Tại Hội nghị giao ban Vùng I, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu: Năm học vừa qua vùng I được Chính phủ phê duyệt Đề án Củng cố, phát triển hệ thống trường PTDTNT và PTDTBT. Các tỉnh thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách ưu tiên cho GD vùng dân tộc, HS dân tộc…vv, từng bước đáp ứng yêu cầu của GD dân tộc, đào tạo nguồn nhân lực cho miền núi, vùng dân tộc, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Đồng thời, đã triển khai nhiều Đề án quan trọng như: Đề án Ngoại ngữ, PCMN 5 tuổi. Năm học 2011-2012 cũng là năm kết thúc chương trình KCH trường, lớp học bằng nguồn trái phiếu Chính phủ và là năm thứ 4 triển khai phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực"; Bộ và Công đoàn ngành cũng đang chuẩn bị tổng kết cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo".

'Tôi rất mừng vì các tỉnh trong vùng đã triển khai nhiệm vụ năm học của Bộ đề ra với nhiều cố gắng. Về thi tốt nghiệp, Bộ đang có hướng đổi mới dần. Tôi chúc mừng Sơn La có HSG dự thi quốc tế, hy vọng em HS này đạt giải trong kỳ thi sắp tới. Về triển khai xây dựng hệ thống trường chuyên, Bộ đang trình Chính phủ hỗ trợ một số tỉnh miền núi khó khăn. Đề nghị các tỉnh triển khai kế hoạch năm học mới như: PCMN 5 tuổi, Đề án Ngoại ngữ, phát triển trường chuyên…vv ", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.

 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201206/Cung-co-va-nang-cao-chat-luong-giao-duc-toan-dien-1961891/

Chủ tịch hội đồng thi Đồi Ngô sẽ bị cách chức

Posted: 18 Jun 2012 07:58 AM PDT

- Chiều 18/6 Sở GD-ĐT Bắc Giang đã có thông báo kết quả giải quyết tố cáo tiêu
cực ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Nam, Bắc Giang.

Thông báo nêu rõ, lãnh đạo Hội đồng coi thi: Buông lỏng công tác quản lý, thiếu
trách nhiệm trong việc điều hành, giám sát diễn biến kỳ thi, không phát hiện
được những tiêu cực ở Hội đồng coi thi trong quá trình điều hành thi.

Đã để cho một số cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường sở tại để lấy đề thi,
giải bài, đưa bài giải vào một số phòng thi ở 2 môn Hóa học và Toán vi phạm Quy
chế thi, tạo ra dư luận không tốt trong kỳ thi, gây hậu quả nghiêm trọng….

Căn cứ Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày
06/04/2012 của Chính phủ Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi
thường, hoàn trả của viên chức với các hình thức như sau: kiến nghị áp dụng hình
thức "cách chức" đối với ông Nguyễn Đức Đôn – Phó Hiệu trưởng
Trường THPT Lý Thường Kiệt, Chủ tịch Hội đồng coi thi,  "cảnh cáo" đối với 21 giáo viên là giám thị coi thi và 2 ông thanh tra tại hội đồng coi
thi là Nguyễn Anh Huy, giáo viên Trường THPT Sơn Động số 2 và Đàm Đức Kinh, giáo
viên Trường THPT Lục Ngạn số 4, "khiển trách" đối với ông Bùi
Quang Nghĩa – Tổ trưởng tổ Toán Trường THPT Lục Ngạn số 2, Phó chủ tịch Hội đồng
coi thi và 07 giáo viên là giám thị coi thi.

Đối với người lao động: kiến nghị áp dụng khoản 4 điều 18 Thông tư số
12/2011/TT-BGD-ĐT ngày 28/3/2012 của Bộ GD-ĐT hình thức "không công nhận" chức
vụ quản lý đối với ông Đào Văn Mộc – Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đồi Ngô và
ông Trần Đỗ Hoàng – Phó hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đồi Ngô.

Kiến nghị áp dụng điểm c, khoản 1, Điều 84 của Bộ luật lao động năm 1994 sửa
đổi, hình thức sa thải với các ông bà Lê Thị Hải, Nguyễn Thị Kim Thoa, Đinh Văn
Đạt, Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Đăng Chính, Nguyễn Văn Dũng là những giáo viên,
nhân viên của Trường THPT dân lập Đồi Ngô đã vi phạm nghiêm trọng Quy chế thi.

Kiến nghị áp dụng điểm a khoản 1 Điều 84 Bộ Luật lao động năm 1994 sửa đổi, bổ
sung qua các năm năm 2002, 2006, 2007, hình thức "khiển trách" đối với các ông
Đỗ Minh Diễn, Nguyễn Văn Song nhân viên bảo vệ đã vi phạm Quy chế thi.

Xử phạt vi phạm hành chính: Kiến nghị áp dụng điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định
số 49/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực giáo dục. Phạt tiền đối với bà Lê Thị Hải và bà Nguyễn Thị
Kim Thoa là giáo viên của Trường THPT dân lập Đồi Ngô. Giao cho ông Chánh thanh
tra sở GD-ĐT Bắc Giang tổ chức thực hiện.

Đối với thí sinh dự thi: việc vi phạm quy chế thi của thí sinh, nguyên nhân được
xác định là do giám thị coi thi buông lỏng, nên không hủy kết quả thi của thí
sinh mà xử lý hủy phần giống nhau trong bài thi của thí sinh (vận dụng theo đoạn
5 điểm b, khoản 2, điều 43 của Quy chế thi tốt nghiệp THPT).

Với thí sinh quay video clip trong phòng thi là để phản ánh hiện tượng tiêu cực
trong phòng thi, kỳ thi. Hành động này được coi là một trong những tình tiết
giảm nhẹ nên không hủy kết quả này của thí sinh.

  • Văn Chung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/76968/chu-tich-hoi-dong-thi-doi-ngo-se-bi-cach-chuc.html

Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục 2011

Posted: 18 Jun 2012 07:57 AM PDT

 

Đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, trung học cơ sở là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; có 70% trẻ em khuyết tật được đi học.

 

Đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, sẽ điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, phấn đấu đến 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học đạt khoảng 70%; tỷ lệ sinh viên tất cả các hệ đào tạo trên một vạn dân vào khoảng 350 – 400.

 


Đến 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học đạt khoảng 70%. (Ảnh minh họa)

 

Giáo dục thường xuyên cũng được phát triển tạo cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời, bước đầu hình thành xã hội học tập.

 

Để đạt được các mục tiêu chiến lược cần thực hiện tốt 8 giải pháp, trong đó các giải pháp đổi mới quản lý giáo dục là giải pháp đột phá và giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là giải pháp then chốt.

 

Giám sát xã hội đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục

 

 

Một trong các nội dung đổi mới quản lý giáo dục là bảo đảm dân chủ hóa trong giáo dục. Thực hiện cơ chế người học tham gia đánh giá người dạy, giáo viên và giảng viên tham gia đánh giá cán bộ quản lý…

 

Bên cạnh đó, phân loại chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục quốc gia, các cơ sở giáo dục chưa đạt chuẩn phải có lộ trình để tiến tới đạt chuẩn.

 

Tập trung vào quản lý chất lượng giáo dục, thực hiện giám sát xã hội đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục; xây dựng hệ thống kiểm định độc lập về chất lượng giáo dục, thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục của các cấp học, trình độ đào tạo và kiểm định các chương trình giáo dục nghề nghiệp, đại học.

 

Đến 2020 có 25% giảng viên đại học và 8% giảng viên cao đẳng là tiến sỹ

 

 

Chiến lược nêu rõ, chuẩn hóa trong đào tạo, tuyển chọn, sử dụng và đánh giá nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tác phong và tư cách của đội ngũ nhà giáo để làm gương cho học sinh, sinh viên.

 

Tiếp tục đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhà giáo để đến năm 2020, 100% giáo viên mầm non và phổ thông đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó 60% giáo viên mầm non, 10% giáo viên tiểu học, 88% giáo viên trung học cơ sở và 16,6% giáo viên trung học phổ thông đạt trình độ đào tạo trên chuẩn; 38,5% giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 60% giảng viên cao đẳng và 100% giảng viên đại học đạt trình độ thạc sỹ trở lên; 100% giảng viên đại học và cao đẳng sử dụng thành thạo một ngoại ngữ.

 

Thực hiện đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sỹ cho các trường đại học, cao đẳng với phương án kết hợp đào tạo trong và ngoài nước để đến năm 2020 có 25% giảng viên đại học và 8% giảng viên cao đẳng là tiến sỹ.

 

Thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa từ sau năm 2015

 

 

Trên cơ sở đánh giá chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và tham khảo chương trình tiên tiến của các nước, thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa từ sau năm 2015 theo định hướng phát triển năng lực học sinh, vừa đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp với đặc thù mỗi địa phương. Chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, pháp luật, thể chất, quốc phòng – an ninh và các giá trị văn hóa truyền thống; giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lao động và hướng nghiệp học sinh phổ thông.

 

Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học.

 

Định kỳ đánh giá chất lượng học tập của học sinh

 

 

Đến năm 2020, 90% trường tiểu học và 50% trường trung học cơ sở tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng đảm bảo thiết thực, hiệu quả, khách quan và công bằng; kết hợp kết quả kiểm tra đánh giá trong quá trình giáo dục với kết quả thi.

 

Thực hiện định kỳ đánh giá về chất lượng học tập của học sinh phổ thông nhằm xác định mặt bằng chất lượng và làm căn cứ đề xuát chính sách nâng cao chất lượng giáo dục của các địa phương và cả nước.

 

Chinhphu.vn

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-608403/thu-tuong-phe-duyet-chien-luoc-phat-trien-giao-duc-2011-2020.htm

Đề nghị cách chức chủ tịch hội đồng thi Đồi Ngô

Posted: 18 Jun 2012 07:57 AM PDT

Đề nghị cách chức chủ tịch hội đồng thi Đồi Ngô

* Thí sinh quay clip đỗ tốt nghiệp loại trung bình

TTO – Sở GD-ĐT Bắc Giang vừa có kết luận thanh tra đối với vụ tiêu cực ở hội đồng coi thi Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang). Theo kết luận này, một số cán bộ, giáo viên, nhân viên đã vi phạm quy chế.

Một cảnh trong clip quay giờ thi môn địa tại phòng thi số 8 Trường THPT dân lập Đồi Ngô, Bắc Giang: một thí sinh thản nhiên quay xuống chép bài của bạn

Ông Nguyễn Đăng Chính, nhân viên của trường, đi lấy đề thi giao cho các giáo viên là ông Đinh Văn Đạt (môn hóa) và bà Nguyễn Thị Ngân (môn toán) giải bài. Sau đó, ông Chính nhờ ông Nguyễn Văn Dũng, kế toán của trường, sao nhiều bản để bà Nguyễn Kim Thoa (nhân viên) và bà Lê Thị Hải (giáo viên của trường) mang lên phòng thi. Bà Hải là người trực tiếp thu tài liệu đã sử dụng của thí sinh.

Thanh tra Sở GD-ĐT trên cơ sở điều tra vụ việc đã đề nghị cách chức đối với ông Nguyễn Đức Đôn, hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt, chủ tịch hội đồng coi thi Đồi Ngô; cảnh cáo đối với 21 giáo viên là giám thị coi thi và 2 thanh tra tại hội đồng coi thi này; kiến nghị không công nhận chức vụ quản lý đối với ông Đào Văn Mộc, hiệu trưởng Trường THPT DL Đồi Ngô, đồng thời là phó chủ tịch hội đồng coi thi, đã để một số cán bộ, giáo viên, nhân viên vi phạm quy chế.

Ông Trần Đỗ Hoàng, phó hiệu trưởng Trường THPT DL Đồi Ngô, kiến nghị sa thải đối với các ông bà Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Đăng Chính, Lê Thị Hải, Nguyễn Thị Kim Thoa, Đinh Văn Đạt, Nguyễn Văn Dũng.

Quan điểm của thanh tra Sở GD-ĐT Bắc Giang là vi phạm của thí sinh, nguyên nhân được xác định là do giám thị buông lỏng, nên không hủy kết quả thi của thí sinh mà xử lý hủy phần giống nhau trong bài của thí sinh. "Đối với thí sinh quay clip trong phòng thi để phản ánh hiện tượng tiêu cực trong phòng thi, hành động này được coi là một tình tiết giảm nhẹ nên không hủy kết quả thi của thí sinh này"- kết luận thanh tra ghi rõ.

Theo kết luận thanh tra, các khâu liên quan đến "dây chuyền tuồn đề, giải bài, ném bài" được xác định, nhưng lại chỉ xác định ở môn thi hóa và toán. Trong khi đó, các clip do thầy giáo Nguyễn Danh Ngọc cung cấp cho thanh tra Sở GD-ĐT Bắc Giang và Công an Lục Nam có cả hình ảnh tiêu cực của các môn thi văn, sử, địa, tiếng Anh. Việc giải bài như miêu tả trong kết luận thanh tra là việc vi phạm có tổ chức, sắp đặt từ trước, nghiêm trọng nhất là việc nhân viên dễ dàng lấy đề thi mang ra ngoài nhưng chưa được đề cập rõ ở kết luận này.

VĨNH HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/497525/De-nghi-cach-chuc-chu-tich-hoi-dong-thi-Doi-Ngo.html

Trường THPT dân lập Đồi Ngô đỗ tốt nghiệp 78,39%

Posted: 18 Jun 2012 07:56 AM PDT

(TNO) Theo thông tin từ Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Sở GD-ĐT Bắc Giang, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2012 của tỉnh này ở hệ giáo dục phổ thông là 99,04%.

Đáng chú ý, Trường THPT dân lập Đồi Ngô (H.Lục Nam, Bắc Giang) là trường có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất toàn tỉnh với tỷ lệ 78,39%.

Có tới 24 trường THPT có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100% như: THPT Chuyên Bắc Giang, Ngô Sĩ Liên, Lạng Giang số 1, Yên Dũng số 1, Yên Dũng số 2, Việt Yên số 1, Hiệp Hoà số 1…

Ở hệ giáo dục thường xuyên, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 99,01%, không có thí sinh đỗ tốt nghiệp loại giỏi, và loại khá có 51 thí sinh (chiếm 2,66%).

Cũng theo Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, qua chấm thi, không phát hiện bài thi nào vi phạm quy chế đến mức phải huỷ bài thi.
Liên quan đến vụ việc gian lận thi cử tại Hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô, đại diện Sở GD-ĐT Bắc Giang cho biết vụ việc này đã có kết luận thanh tra và sẽ được Sở công bố vào ngày mai 18.6.

Tuệ Nguyễn

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120617/truong-thpt-dan-lap-doi-ngo-do-tot-nghiep-78-39.aspx

Số "đẹp" mà không vui?

Posted: 18 Jun 2012 07:55 AM PDT

Các tỉnh thành công bố kết quả thi tốt nghiệp:

Số “đẹp” mà không vui?

TTO – Các tỉnh thành vừa công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 2012 với tỷ lệ đậu tốt nghiệp ở hầu hết địa phương hơn 98%. Một con số “đẹp”! Nhưng đông đảo bạn đọc lại tỏ ra vui ít lo nhiều.

TTO trích đăng những chia sẻ, băn khoăn…

Học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh, quận 10, TP.HCM xem điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2012 vừa được công bố chiều 16-6 – Ảnh: MINH ĐỨC

Thi cử liệu có đánh giá được gì?

Mấy ngày ngay đọc nhiều bài báo về tiêu cực thi cử, thấy nhức đầu quá. Tôi dám chắc còn nhiều kì thi ở khắp nơi trên đất nước này đầy tiêu cực. Chỉ là không thấy, không nghe, không biết mà thôi!

Thi tốt nghiệp nghiêm túc, chúng ta làm gì với những học sinh không đỗ tốt nghiệp? Thả cửa, 100% học sinh đỗ tú tài, các tú tài này sẽ làm được gì cho bản thân, chưa nói đến làm gì cho gia đình và xã hội?

Tốt nghiệp, cái mức cuối cùng của 12 năm học thực ra phản ánh quá trình đào tạo 12 năm. Tại sao học sinh phải luôn mong giám thị coi dễ? Có khi nào mọi người nghĩ “phải làm sao cho học sinh thôi nghĩ đến chuyện khó dễ của giám thị, chuyện lật tài liệu khi thi cử”?

Nói thật, coi thi nghiêm túc khổ ghê gớm. Với 24 thí sinh ngồi trong phòng, nếu chúng có ý định lật tài liệu thì sẽ luôn quan sát giám thị, để thi cử nghiêm túc giám thị phải đảo mắt quan sát liên tục, hết ngó thí sinh khả nghi này đến thí sinh khả nghi khác, khi đã khả nghi rồi thì phải đi đến đó để quan sát. Rồi có khi phải đến nơi nhắc nhở, bởi vì không thể liên tục nhắc nhở làm ảnh hưởng cả phòng thi.

Tôi sợ nhất là đi coi thi tốt nghiệp. Dậy sớm, đến trường nghe chủ tịch hội đồng hăm dọa “sai là cắt thi đua”. Coi thi tập trung thì bị học sinh ghét, ra đường bị chửi là ác. Coi thi dễ cho thí sinh một chút thì bị cả xã hội lên án.

Mỗi người, hãy tự vấn lương tâm mình, có bao giờ các vị đã dạy dỗ con em mình luôn nghiêm túc đàng hoàng khi học hành thi cử chưa? Nếu các vị đã làm vậy thì lỗi coi thi không nghiêm túc là hoàn toàn thuộc về giám thị chúng tôi.

Nếu các vị từng có ý độ hối lộ giám thị như nộp tiền bồi dưỡng hội đồng coi thi để giám thị coi nhẹ nhàng hơn, không nhắc nhở con em mình nghiêm túc thì xin lỗi, các vị chả có tư cách gì để trách móc những người coi thi cả. Giám thị coi thi không nghiêm túc, chỉ một số ít bị ràng buộc bởi quyền lợi nào đó, còn lại là bị cuốn theo, khó mà một mình xoay chuyển được tình thế.

Quay lại việc giáo dục, các vị nhắc nhở con em mình về lòng tự trọng đầy đủ chưa?

Tôi từng xem một bộ phim, một cô bé với tấm lòng nhân từ luôn muốn giúp đỡ gia đình nọ. Lần thứ nhất gia đình ấy miễn cưỡng nhận tấm lòng của cô ấy nhưng đến lần thứ hai họ xin lỗi không nhận, họ nói “chúng tôi không phải là người ăn xin, chúng tôi có thể tự lo cho cuộc sống của mình, chúng tôi có lòng tự trọng của chúng tôi”. Cô bé về nhà khóc với mẹ và hỏi tự trọng là gì, mẹ cô bé bảo “Tự trọng là thứ mà khi có nó ta có thể sống ngẩng cao đầu”.

Vậy đấy! Rất nhiều phụ huynh học sinh vui vẻ khi nói rằng con mình học kém nhưng không biết sao thi cử luôn điểm cao. Điểm đó ở đâu? Không phải đó là copy hay sao? Không phải là thiếu tự trọng đó sao?

Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cả nhà trường và gia đình chưa giáo dục cho học sinh tính tự lực tự cường, tính tự trọng thì sau này có mất bao nhiêu công sức cũng chưa chắc giải quyết được hậu quả!

Tiêu cực giáo dục hay ngành nào khác theo tôi nghĩ điều đó bắt nguồn từ chính suy nghĩ tiêu cực hằng ngày của xã hội chúng ta. Muốn thay đổi con trẻ hãy thay đổi người lớn!

PHU YEN

Giáo dục thành tích

Tại sao các trường lại thi đua nhau về thành tích? Có phải chỉ để làm tăng thêm giá trị của trường, hay của một vài cá nhân nào đó, mà không hề nghĩ đến những ảnh hưởng cả một thế hệ tương lai của đất nước?

Ngay cả việc dạy thêm, học thêm ngành giáo dục cũng không quản lý nổi. Các em học sinh cấp một, cấp hai, cấp ba phải gồng mình học suốt từ 6 -8g tối quên cả tuổi thơ. Vậy mà đến kỳ thi vẫn không sử dụng được kiến thức mình đã học, mà phải nhờ đến sự lươn lẹo của bệnh thành tích mới vượt qua được…

BÙI VĂN TRUNG

Cần xem xét lại

Trong tình hình của nền giáo dục hiện nay, với clip ném phao thi như thế mà tỉ lệ đậu tốt nghiệp gần 100% thì cần nên xem lại có đúng hay không?

QUÁCH THANH

Bỏ thi tốt nghiệp phổ thông

Đã là kiến thức phổ thông thì không nên thi để đầu tư vào thi năng khiếu chuyên ngành ở ĐH tốt hơn. Hơn nữa, với cách quản lý thi kiểu này thì nên bỏ đi để đỡ tốn kém và khỏi có sự bất công (trường học giỏi thi nghiêm túc thì đậu thấp và ngược lại).

TRAN NGOC NHUT

Đau lòng quá!

Tôi là một giáo viên dạy Vật lí. Tôi biết ở tỉnh tôi có trường vùng sâu, xa học sinh rất yếu. Khi thi học kỳ, đề sở GD-ĐT địa phương ra tương đối dễ mà chỉ có vài em đạt trung bình từ 5 điểm/môn trở lên. Vậy mà trong kì thi tốt nghiệp năm nay trường lại có tỉ lệ 100% đậu tốt nghiệp. Điều này có đúng thực tế không, hỡi các vị lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT?

LÍ HÙNG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/497349/So-dep-ma-khong-vui.html

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đứng ở đâu?

Posted: 18 Jun 2012 01:22 AM PDT

Tiến độ xem xét, xử lý vụ việc tiêu cực ở hội đồng thi Trường THPT dân lập
Đồi Ngô (Bắc Giang) những ngày qua khiến dư luận sốt ruột. Thái độ của lãnh đạo
Bộ GD-ĐT cũng khiến dư luận không khỏi hồ nghi. Cuộc chiến chống tiêu cực trong
thi cử và giáo dục vì sao không được như kỳ vọng

Bộ trưởng có to?

Với vụ clip tiêu cực thi cử ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang), cái
tên “Đỗ Việt Khoa” lại được nhắc tới. Trao đổi với chúng tôi, thầy Khoa cho biết
mục đích của thầy khi tổ chức quay cảnh tiêu cực ở Trường Đồi Ngô là chỉ để
“treo chuông vào cổ mèo”, hi vọng sẽ “buộc” lãnh đạo Bộ GD-ĐT thừa nhận một sự
thật tiêu cực nghiêm trọng trong thi cử đang hiển hiện.

Những tưởng khi vụ việc đã khá rõ ràng như vậy, cách xử lý cũng sẽ đơn giản
và nhanh chóng. Nhưng những người trong cuộc không thấy vậy. “Tháng 6-2006, sau
khi quay cảnh tiêu cực thi cử ở hội đồng thi Trường THPT Phú Xuyên A, tôi mang
clip lên nộp cho Sở GD-ĐT Hà Tây nhưng chẳng ai chịu nhận. Tôi lại mang clip lên
nộp cho chánh thanh tra bộ lúc đó là ông Nguyễn Văn Trang. Ông Trang không nhận
mà khuyên tôi nên đưa cho báo chí, vì theo ông Trang, bộ có nhận cũng không giải
quyết được gì. Tôi vẫn kiên trì, xin gặp bộ trưởng, lúc đó là ông Nguyễn Minh
Hiển. Ông Hiển cũng nói việc rất phức tạp, giải quyết rất khó. Tôi rất ngạc
nhiên, vì cứ nghĩ bộ là rất to. Về sau tìm hiểu tôi mới biết thầy Trang, thầy
Hiển nói đúng”.

"Tất cả sự việc sẽ thể hiện ở hồ sơ của các cơ quan chức năng. Nếu Bộ GD-ĐT nhận
thấy hồ sơ không thể hiện thỏa đáng với thực tế, việc xử lý không đúng với quy
chế, không đúng với quan điểm của bộ trong việc thực hiện cuộc vận động "hai
không" thì bộ phải yêu cầu địa phương xem xét, xử lý lại. Điều này hoàn toàn nằm
trong thẩm quyền của ông bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Trên thực tế quả thật có chuyện nể
nang nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là giữa cơ quan quản lý ngành
với chính quyền địa phương. Nhưng nếu Bộ GD-ĐT quyết tâm thực hiện cuộc vận động
"hai không", coi đó là một chiến lược quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo
thì phải chủ động và kiên quyết khi làm việc với tỉnh. Theo quan sát của tôi,
thường khi người đứng đầu ngành thể hiện thái độ kiên quyết thì tỉnh chấp nhận".

GS NGUYỄN MINH THUYẾT

Câu chuyện phân cấp quản lý

Kịch bản “hai không” mà bộ trưởng Bộ GD-ĐT lúc đó là ông Nguyễn Thiện Nhân
xây dựng cũng đã tính toán đến độ dày của bức tường phân cấp này. Trước khi phát
động phong trào “hai không” tại TP.HCM ngày 31-7-2006, ông Nguyễn Thiện Nhân
tiến hành các cuộc gặp gỡ, làm việc với cấp ủy và UBND một số địa phương, mở đầu
là buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tây (12-7-2006).

Còn trong lễ phát động phong trào “hai không”, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cùng 64 giám
đốc sở GD-ĐT đã cùng ký vào thư gửi Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng
Chính phủ bày tỏ quyết tâm chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong
ngành giáo dục.

Thời điểm đó, khi trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Thiện Nhân tràn đầy lạc
quan tin tưởng rằng “hai không” chắc chắn thành công bởi lãnh đạo cấp ủy, chính
quyền các địa phương đã hứa sẽ ủng hộ.

Sự kiện tổ chức giải bài thi ngay trong hội đồng thi Trung tâm Giáo dục
thường xuyên (TTGDTX) Lương Tài (Bắc Ninh) kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 1 năm 2007
là một cơ hội để lãnh đạo ngành GD-ĐT bày tỏ ý chí chống tiêu cực trong thi cử
của mình và cũng là lúc tỉnh Bắc Ninh thể hiện mức độ ủng hộ với “hai không”.

Ngay sau khi được báo cáo sự việc, Bộ GD-ĐT đã cử ngay một đoàn công tác do
một thứ trưởng lúc đó là ông Bành Tiến Long dẫn đầu về làm việc với ban chỉ đạo
thi tỉnh Bắc Ninh ngay tại hội đồng thi TTGDTX Lương Tài. Trong cuộc họp đó, vấn
đề truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi gian lận thi cử có tổ chức được đặt
ra.

Theo phân cấp quản lý, UBND tỉnh Bắc Ninh giao trách nhiệm cho Sở GD-ĐT Bắc
Ninh xem xét, làm rõ sự việc, và chỉ tám ngày sau là có kết quả. Tuy nhiên, kết
quả xử lý của Bắc Ninh lại không như dư luận kỳ vọng: một giám đốc TTGDTX (là
chủ tịch hội đồng thi) bị cách chức; ba cán bộ, giáo viên bị buộc thôi việc; 12
người khác bị cảnh cáo, khiển trách. Trả lời báo giới, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho
biết đó là quyết định của Bắc Ninh và bộ tôn trọng.

Thái độ “tôn trọng” các địa phương của lãnh đạo Bộ GD-ĐT về việc xử lý tiêu
cực trong ngành GD-ĐT còn được thể hiện ở nhiều vụ việc khác trong suốt quá
trình sau này, khi mà ngọn cờ “hai không” vẫn đang được phất cao. Chẳng hạn năm
2008, tại Ninh Bình xảy ra vụ tiêu cực trong tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT
chuyên Lương Văn Tụy. Nhận được khiếu nại của người dân, đoàn thanh tra của Bộ
GD-ĐT đã về Ninh Bình để tìm hiểu sự việc.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu sự việc, thay vì xem xét việc tuyển sinh của Ninh
Bình có trái với quy chế mà Bộ GD-ĐT đã ban hành hay không, đoàn công tác của bộ
lại căn cứ vào việc Sở GD-ĐT Ninh Bình có làm đúng như chỉ đạo của UBND tỉnh và
thường vụ tỉnh ủy hay không! Sau đó, tại các cuộc họp báo thường kỳ, khi được
các phóng viên chất vấn, đại diện thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết chức năng của
thanh tra bộ là thanh tra hoạt động chuyên môn của cấp sở, việc tìm hiểu và xem
xét những sai phạm trong chỉ đạo của tỉnh, nếu có, là thẩm quyền của cơ quan
thanh tra nhà nước!

Giải quyết tiêu cực ở Bắc Giang, Bộ vẫn chờ tỉnh

Sở dĩ năm 2007, chỉ từ báo cáo của thanh tra ủy quyền, sau tám ngày tìm hiểu,
xem xét sự việc, Sở GD-ĐT Bắc Ninh đã có được kết luận và đề xuất hình thức kỷ
luật đối với 16 cán bộ có liên quan đến vụ giải đề thi tại hội đồng coi thi
TTGDTX Lương Tài một phần do năm đó lãnh đạo Bộ GD-ĐT về tận nơi đề nghị Bắc
Ninh xử lý.

Một hình ảnh tiêu cực ở Hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô (Ảnh cắt từ clip)

Còn năm nay, suốt hơn chục ngày kể từ khi clip tiêu cực thi cử ở hội đồng coi
thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô được đẩy lên các trang mạng, ngày nào dư luận
cũng sục sôi ngóng thông tin, các cơ quan chức năng của Bắc Giang vẫn “đang xem
xét”. Nhưng điều khiến dư luận nóng ruột hơn cả là ở thái độ tiếp nhận vụ việc
của lãnh đạo Bộ GD-ĐT.

Trước kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trả lời phỏng vấn các báo
đài rằng đây là kỳ thi tốt nghiệp mà bộ đẩy mạnh cơ chế quản lý phân cấp. Bộ chỉ
làm công tác ra đề, chỉ đạo, giám sát. Mọi khâu tổ chức từ in sao đề, coi thi,
thanh tra, chấm thi… đều do các địa phương đảm nhiệm. Theo Thứ trưởng Nguyễn
Vinh Hiển, việc phân cấp triệt để cho các địa phương không phải do bộ nới lỏng
kỳ thi mà để “coi trọng trách nhiệm của chính những người đi làm thi”.

Ông Hiển nói: “Những người trực tiếp tham gia làm thi mới là những người làm
nên kỳ thi nghiêm túc chứ không phải mấy vị thanh tra”. Sự tin tưởng này của bộ
đã khiến số thí sinh và giám thị vi phạm quy chế trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
2012 thấp chưa từng có trong lịch sử kỳ thi tốt nghiệp nhiều năm gần đây.

Sau ba ngày thi, cả nước có 27 thí sinh bị đình chỉ, không bằng 1/2 số thí
sinh bị đình chỉ trong ngày thi đầu tiên của kỳ thi năm 2006 (trước khi có “hai
không”).

Thái độ tôn trọng cơ chế quản lý phân cấp này được lãnh đạo Bộ GD-ĐT sử dụng
triệt để ngay trong những ngày dư luận ồn ào nhất về vụ clip thi tốt nghiệp ở
Trường Đồi Ngô. Bộ GD-ĐT chỉ có công văn gửi Sở GD-ĐT Bắc Giang yêu cầu “phối
hợp với các cơ quan liên quan, xác minh làm rõ danh tính, hành vi vi phạm quy
chế thi của lãnh đạo hội đồng, các giám thị, thí sinh và các đối tượng liên quan
trong hội đồng coi thi”.

Một tuần sau đó trôi qua, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết bộ “vẫn chờ Sở GD-ĐT Bắc
Giang và các cơ quan chức năng của tỉnh xác minh vụ việc, kết luận và xử lý theo
thẩm quyền mà tỉnh và các cơ quan trong tỉnh được phân cấp”. Cần nói thêm rằng
năm 2007, năm đầu tiên thực hiện “hai không”, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của Trường
THPT dân lập Đồi Ngô là 6,29%, là một trong những trường có tỉ lệ đỗ thấp nhất
tỉnh Bắc Giang. Sau năm năm thực hiện cuộc vận động “hai không”, tỉ lệ đỗ tốt
nghiệp của Trường THPT dân lập Đồi Ngô đã lên đến 97,77% vào năm ngoái (2011),
nhưng vẫn là một trong những trường có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất tỉnh này.

"Theo tôi, phong trào "hai không" trong những năm gần đây chùng xuống là do
bộ và tỉnh gặp nhau ở cách làm và tinh thần chỉ đạo. Nếu bộ làm căng theo đúng
tinh thần "hai không" thì tư duy của lãnh đạo các địa phương cũng sẽ khác. Năm
2007, Nghệ An hưởng ứng "hai không" bằng cách thi thật. Nhưng năm sau trong số
các lãnh đạo tỉnh có người đặt lại vấn đề có nên thực hiện "hai không" quyết
liệt thế chưa? Lẽ ra ngay năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động "hai không", bộ
cần phải làm căng. Đằng này bộ chỉ động viên lấy lệ với các tỉnh làm được, còn
với những địa phương chưa làm được thì chỉ đưa ra vài câu phê bình rút kinh
nghiệm chung chung. Cách làm này của bộ ảnh hưởng tới tinh thần chỉ đạo của các
địa phương những năm về sau".

Ông NGUYỄN TIẾN HƯNG (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An)

  • Theo Thư Hiên (Tuổi trẻ cuối tuần)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/76918/bo-truong-bo-gd-dt-dung-o-dau-.html

Hiệu quả tích cực từ mô hình Tổ quản lý GD HS

Posted: 18 Jun 2012 01:21 AM PDT

(GDTĐ) – Ngoài thi đua dạy tốt, học tốt, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực (Phù Mỹ – Bình Định) còn đề ra nhiều biện pháp quản lý, giáo dục nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm pháp luật. Từ năm 2007 đến nay, mô hình Tổ quản lý – giáo dục học sinh được Ban giám hiệu nhà trường triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Hàng năm, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực đón nhận hơn 1.500 học sinh không trúng tuyển vào các trường Trung học phổ thông công lập trên địa bàn huyện. Chất lượng đầu vào thấp, dẫn đến tình trạng một số Trung học phổ thông bị hụt hẫng kiến thức, chán học, trốn học đi chơi.
Tiểu phẩm của HS Trường THPT Nguyễn Trung Trực tham gia trong Hội thi "Thanh niên với văn hóa giao thông và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy" do Huyện đoàn Phù Mỹ tổ chức

Chính vì vậy, vào đầu mỗi năm học, Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông  Nguyễn Trung Trực đều đề ra nhiều biện pháp để quản lý, giáo dục học sinh nhằm ngăn chặn ngay từ đầu tình trạng học sinh bỏ học, vi phạm pháp luật. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực, cho biết: "Ngoài tổ bảo vệ làm công tác đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực trường học, trường còn xây dựng Tổ quản lý – giáo dục quản lý giáo dục học sinh với sự tham gia của các giáo viên, cán bộ nhà trường. Tổ thường xuyên phối hợp với Đoàn thanh niên, Ban đại diện  cha mẹ học sinh và chính quyền địa phương trao đổi thông tin, nắm tình hình trong học sinh để kịp thời đưa ra biện pháp quản lý – giáo dục phù hợp".

Thông qua cuộc họp phụ huynh đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp ghi số điện thoại, địa chỉ của từng phụ huynh để kịp thời thông báo khi học sinh bỏ học, sa sút về học tập, vi phạm nội quy nhà trường… Theo quy định của trường, học sinh nào muốn nghỉ phép, phụ huynh phải viết giấy xin phép hoặc trực tiếp đến trường xin phép giáo viên chủ nhiệm. Đối với những học sinh cúp tiết, nghỉ học không có lý do, giáo viên chủ nhiệm sẽ gửi thông báo hoặc trực tiếp đến gia đình để tìm hiểu lý do nghỉ học ngay trong ngày.

Để nâng cao kiến thức về văn hóa và pháp luật cho học sinh, nhà trường và Tổ quản lý – giáo dục học sinh thường xuyên phối hợp với ngành chức năng của huyện tổ chức các cuộc thi như "Đường lên đỉnh Olympia", "Rung chuông vàng", "Phòng, chống tội phạm và  tệ nạn xã hội", "Tìm hiểu Luật giao thông đường bộ"… Các cuộc thi bổ ích này đã giúp học sinh nâng cao kiến thức, nhận thức về pháp luật, tránh xa các tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật.

Chị Trần Thị Hương (xã Mỹ Hòa, Phù Mỹ), có con đang học tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực, nhận xét: "Dù học lực của học sinh ở đây không thể so sánh với các trường công lập khác trong huyện nhưng nhà trường có phương pháp quản lý học sinh chặt chẽ nên tôi rất an tâm. Việc nhà trường thường xuyên liên hệ và nhanh chóng thông báo cho phụ huynh học sinh biết tình hình học tập của con em mình là hết sức cần thiết".

Phó Hiệu trưởng Nhà trường Nguyễn Văn Hòa đánh giá: "Mô hình Tổ quản lý – giáo dục học sinh đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm đáng kể tình trạng học sinh bỏ học, vi phạm nội quy nhà trường, vi phạm pháp luật; đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường giáo dục lành mạnh trong nhà trường. Trong 5 năm trở lại đây, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của trường đều tăng hơn so với những năm trước. Đặc biệt, đã có nhiều học sinh thi đậu vào các trường đại học công lập với số điểm khá cao".

Qua mô hình này, sự gắn kết, mối liên lạc giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương chặt chẽ hơn, từ đó kịp thời đưa ra biện pháp giải quyết phù hợp khi học sinh có biểu hiện sa sút trong học tập cũng như những hành vi vi phạm khác. Nếu được nhân rộng, mô hình này sẽ hỗ trợ đắc lực, giúp nâng cao chất lượng quản lý dạy và học ở các trường phổ thông.

Nguyễn Văn Tố

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201206/Hieu-qua-tich-cuc-tu-mo-hinh-To-quan-ly-GD-HS-1961880/

Xin đừng bỏ thi tốt nghiệp THPT

Posted: 18 Jun 2012 01:21 AM PDT

- Nhân vụ việc ở Đồi Ngô, Bắc Giang, nhiều ý kiến bày tỏ nên bỏ thi tốt nghiệp
THPT. Từ thực tiễn dạy học ở cơ sở, ông Vũ Quốc Lịch – GV Trường THPT chuyên Hà
Nội – Amsterdam có bài viết nêu quan điểm phải duy trì cuộc thi quan trọng này.
Thi hay không thi tốt nghiệp THPT là một việc hệ trọng. VietNamNet xin đăng tải
nguyên văn bài viết và mong nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả trên cả
nước.

Tôi thấy so với trước, học trò thời nay thông minh hơn, năng động hơn, nhưng
cũng "quái" hơn và thực dụng hơn rất nhiều.

Ảnh Phạm Hải

Xưa thầy bảo gì trò nghe nấy. Giờ trò nghe có chọn lọc, kênh thông tin không
chỉ ở người thầy, thậm chí trò còn phán xét thầy. Xưa học trò ít khi có hiện
tượng quay cóp, nếu có thì cũng chỉ biết dùng các tài liệu "thô" như quyển vở,
quyển sách. Nay thì có cả một công nghệ hiện đại phục vụ quay cóp. Máy in, máy
photocopy tạo ra các phao thi "ruột mèo" giờ cũng là bình thường. Giờ họ sử dụng
phương tiện thu phát để nhận thông tin từ ngoài phòng thi, dùng điện thoại di
động đời cao, iPad để quay cóp, dùng tín hiệu mooc-xo để trao đổi bài, hay dùng
kí hiệu tay cụp tay duỗi, sờ tai vuốt tóc … để thông tin cho nhau mã đề, đáp án
đề thi trắc nghiệm – một chiêu đơn giản mà làm không ít giám thị phải bó tay.
Phòng thi lặng im như tờ mà thực ra vẫn đang có sự trao đổi.

Học trò xưa được giáo dục "học đều", ít chú ý đến khái niệm môn "chính", môn
"phụ", nhưng giờ thì rất khác. Ở bậc PTTH hiện nay, trước khi Bộ GDĐT công bố
môn thi tốt nghiệp thông thường học trò dành 70-80% quỹ thời gian và công sức
đầu tư cho môn mà các em sẽ thi đại học. Nếu thi khối A các em sẽ chỉ quan tâm
đến toán, lí, hóa, có chăng thêm nữa là ngoại ngữ. Có học sinh hầu như không
quan tâm đến các môn còn lại, lên lớp có mặt chỉ là để điểm danh, ghi bài chỉ là
hình thức. Nên mới có hiện tượng giờ sử thì học toán, giờ sinh thì học hóa … là
các môn các em vừa học trên lớp vừa học thêm ở các trung tâm với quá nhiều bài
tập.

Cá biệt có những học sinh làm các cô giáo trẻ dạy giáo dục công dân, dạy sử
phải phát khóc lên vì cô bỗng mất hết cả tình yêu nghề nghiệp khi mà lần nào gọi
học sinh lên kiểm tra cũng chỉ nhận được câu trả lời "em chưa học". Ra câu hỏi
thật dễ chỉ với mục đích giải cứu cho em kiếm điểm vậy mà em cũng không có chút
ý niệm nào để trả lời. Theo quy chế học sinh như vậy thì cứ cho điểm kém nhưng
cô lại không nỡ. Và thế là cuối học kì khi chuẩn bị tổng kết điểm cô giáo bộ môn
và cả cô chủ nhiệm phải gọi bố mẹ giục em mới làm vài bài tập sưu tầm để có
điểm.

Qua khảo sát tỉ lệ đăng kí thi vào đại học, cao đẳng, thí sinh thi khối C chỉ
có khoảng 1%. Ngay ở các trường chuyên, học sinh vào học văn, sử, địa thì cũng
chỉ vì muốn có môi trường học tốt chứ chưa phải vì yêu thích môn học của mình.
Thời gian dành cho các môn xã hội vì thế không nhiều.

Chất lượng học các môn xã hội của học sinh chúng ta đang rất thấp. Không chỉ
là sự hiểu biết về lí luận văn học hay một tác phẩm văn học mà đơn giản chỉ là
viết một lá đơn thôi nhiều em cũng không biết phải trình bày ra sao. Còn lịch sử
và địa lí thì cái nọ nhầm sang cái kia. Cơ bản đến như đề thi lịch sử năm nay là
trình bày ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám, nội dung cơ bản của Hiệp định
Pari năm 1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam vậy mà nhiều
học sinh vẫn không làm được. Thậm chí có thí sinh còn trình bày nhầm sang ý
nghĩa chiến dịch Điện Biên Phủ – một điều thật khó tưởng tượng nổi.

Kết thúc một cuộc thi, người ta lại lí giải vì sao học sinh học văn, học sử
lại tệ hại thế. Và nhiều người lại đổ tội cho chương trình, cho nội dung sách
giáo khoa… Theo tôi có một lí do quan trọng là người học khối C ít có cơ hội
quá. Mà thí sinh thì thực dụng, họ chỉ để tâm đến các môn liên quan đến kì thi
quyết định của họ mà thôi.

Có học phải có thi. Tổ chức thi đương nhiên là tốn kém, nhưng cái được cũng
không hề nhỏ. Thi để đánh giá, kiểm chứng chương trình, nội dung dạy học, phương
pháp dạy của thày và kết quả lĩnh hội của trò ra sao… Hiển nhiên rằng kì thi
phải huy động bao nhiêu giáo viên và người phục vụ, tiêu tốn bao nhiêu tiền thì
đều là các con số rất cụ thể dễ định lượng, còn cái được lại thuộc lĩnh vực trừu
tượng khó tính đếm đòi hỏi phải có sự suy xét thấu đáo, một tầm nhìn chiến lược.

Chúng ta đã bỏ kì thi tốt nghiệp tiểu học và THCS. Dư luận từng kêu ca học
sinh đã vào lớp 1 rồi thì đương nhiên sẽ tốt nghiệp tiểu học dù có em chẳng biết
đọc biết viết (ví dụ báo chí đã đưa tin về học sinh một số trường THCS ở Gia
Rai, Bình Thuận, Quảng Ngãi …) , và đã vào lớp 6 rồi thì không thể không tốt
nghiệp THCS (?)

Tôi băn khoăn tự hỏi tại sao lại có ý nghĩ thi tốt nghiệp nếu đỗ gần như 100%
thì chẳng nên thi nữa làm gì. Theo cách suy diễn đó thì có lẽ ta nên bỏ luôn cả
khâu xét duyệt tốt nghiệp tiểu học và THCS bởi có mấy em trượt đâu mà phải xét
duyệt cho nhiêu khê, phiền phức (!)

Tại sao thấy tiêu cực trong thi cử ta lại nghĩ là phải bỏ thi mà không nghĩ
phải chấn chỉnh lại làm sao cho hết tiêu cực hoặc giảm thiểu tiêu cực trong thi
cử. Kẻ làm tiêu cực để mong được tốt nghiệp và tốt nghiệp với tỉ lệ cao. Ta thấy
tiêu cực mà nản, mà bỏ thi, cho tốt nghiệp luôn thì có khác gì ta đầu hàng tiêu
cực?

Trộm nghĩ nếu dùng công nghệ cao để gian lận, để tiêu cực thì phải xử nghiêm,
thậm chí thí sinh đó trong 5-10 năm kế tiếp không được dự thi cấp tương đương.
Còn dùng công nghệ cao để vạch tiêu cực thì phải được hoan nghênh, trọng thưởng.
Có lẽ từ vụ Đồi Ngô ta nên nghĩ đến một hình thức mới là sử dụng công nghệ cao
để giám sát thi cử, tôi nghĩ nếu giám thị làm đúng chức trách thì đâu sợ áp lực
gì.

Từ vụ Đồi Ngô, việc có nên duy trì kì thi tốt nghiệp THPT hay không lại được
xới lên. Nhiều người trong đó có cả các học giả uy tín lên tiếng nên bỏ kì thi
quan trọng này đã làm dư luận hoang mang thật sự. Học sinh giờ tinh ý lắm, môn
không phải thi thì học chỉ để cho vui. Và môn dù phải thi nhưng nếu thày cô dễ
dãi coi thi không nghiêm túc là thôi ngay không chịu học. Nhà trường là môi
trường để trang bị tri thức và rèn luyện ý thức cho học sinh. Ý thức đó được rèn
luyện qua cả quá trình dạy học mà trong đó các cuộc thi là một phần tất yếu. Nếu
một ngày nào đó cả bậc phổ thông chẳng cần có cuộc thi nào thì rồi sự thể sẽ ra
sao?

Học sinh học qua chương trình phổ thông mà không biết dùng lời văn tiếng Việt
để trình bày ý tưởng của mình, không nhớ và không biết ý nghĩa các sự kiện lịch
sử trọng đại của dân tộc, không biết vị trí và vai trò của các vùng lãnh thổ của
đất nước … thử hỏi điều đó có quan trọng không, có cần chấn chỉnh không?

Một thực tế là ngoài các môn văn, toán, ngoại ngữ, học sinh và cả phụ huynh
thường đợi đến khoảng 26-3 hàng năm, khi Bộ GDĐT công bố môn thi tốt nghiệp
THPT để đầu tư cho con em mình học ôn các môn thi tốt nghiệp còn lại. Nếu không
còn thi tốt nghiệp tất nhiên cũng không còn việc đầu tư đó nữa. E rằng không chỉ
chất lượng dạy học các môn xã hội mà cả các bộ môn khác cũng sẽ đi xuống, và đấy
sẽ là bước thụt lùi nghiêm trọng mà hậu quả thật khó lường.

Từ thực tiễn dạy học ở trường phổ thông, chúng tôi khẩn thiết mong Bộ GDĐT,
các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận thấu đáo sự việc
để có cách cải tiến việc thi cử cho tốt hơn chứ không nên xóa bỏ kì thi vô cùng
quan trọng này.

Cũng không nên đánh đồng, hợp nhất 2 kì thi TNPT và thi vào đại học. Vì thật
dễ nhận thấy 2 cuộc thi này có tiêu chí hoàn toàn khác nhau: một bên là để công
nhận có trình độ học vấn phổ thông, còn một bên là để chọn người giỏi vào học
tập nghiên cứu trong các ngành nghề phù hợp.

  • Vũ Quốc Lịch

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dien-dan/76896/xin-dung-bo-thi-tot-nghiep-thpt.html

Comments