Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Sĩ tử tự ôn qua Internet, lò luyện ế ẩm

Posted: 14 Jun 2012 05:34 AM PDT

Lên mạng kiếm tài liệu tự ôn

Công nghệ thông tin ngày càng phát triển mạnh mẽ, để sở hữu một chiếc máy vi tính trong nhà không còn là chuyện khó khăn đối với các gia đình ở thành phố. Vì vậy, phụ huynh trang bị đầy đủ và tạo điều kiện tốt nhất cho con em của mình có đủ phương tiện để học tập. Giới trẻ ngày càng năng động, xu hướng học online và tìm kiếm thông tin từng loại tài liệu trên mạng đang trở lên thịnh hành. Thay vì phải vất vả đi đến những lò luyện thi đông đúc để ôn thi, sĩ tử đã thay bằng hình thức học tập qua Internet.

Một lớp học ôn Lý tại trung tâm luyện thi Đại học Nông Lâm TPHCM.

Còn bạn Diệu Hương, cựu học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong tâm sự: "Thật ra vào thời điểm này, các trung tâm chỉ đơn thuần hệ thống hóa lại kiến thức và phát các dạng bài tập, đề thi soạn sẵn để cho người đi ôn luyện tự làm rồi nộp chứ không thể nào có "phép" mà nhồi nhét được lượng kiến thức lớn vào đầu trong khoảng thời gian ngắn như vậy. Em chọn cách ôn tại gia, thi thoảng lên internet tìm kiếm bài tập nâng cao và trao đổi kinh nghiệm qua mail với thầy cô, bạn bè".

Lò luyện có tiếng cũng bị "chê"

Đến thời điểm này, các lò luyện thi đang trông chờ vào những sĩ tử thi xong tốt nghiệp đến đăng ký ôn luyện khóa cấp tốc nhưng có vẻ không khả quan.

Không khí các lò luyện thi có tiếng trên địa bàn TPHCM vào thời gian này khác hẳn so với những năm trước. Thay vì nhộn nhịp, nay trở lên im ắng hơn.

Vòng một quanh một số trung tâm luyện thi ở khu vực trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Nông lâm (Thủ Đức), Bình Thạnh, khu An Sương (quận 12), Gò Vấp, quận 10…, sĩ số lớp trong các lò luyện thi chỉ dao động từ 30-40 người/lớp, ít hơn so với những năm trước, thậm chí có lớp cũng chỉ vài ba người. Các khối thi được "chuộng" như A, D… lượng người đăng ký học cũng giảm hẳn, khiến lò luyện thi chỉ mở được 1 đến 2 lớp. Do đặc thù của các môn xã hội khối C, nên sĩ tử có thể mua tài liệu tự ôn tập được. Chính vì vậy, ít có lò luyện thi nào mở khối học này, hoặc có nhưng số lượng học sinh cũng rất khiêm tốn.

Tại lò luyện thi Nguyễn Trung Trực (Q.Gò Vấp), nhân viên ghi danh cho biết: "Các thí sinh ôn thi ở đây có vẻ không mặn mà để đăng ký vào khóa luyện thi cấp tốc. Năm nay, tình hình có vẻ không như những năm trước".

Trung tâm luyện thi gần khu ĐH Nông lâm thì đang mở thêm lớp ôn tổng hợp nhưng số lượng sĩ tử đi học chỉ lưa thưa đếm trên đầu ngón tay.

Trung tâm luyện thi ĐH Sư phạm Kỹ thuật năm nay chỉ mở 2 lớp cho 2 khối A và D ôn cấp tốc thế nhưng vẫn rơi vào tình trạng "dài cổ" chờ người học.

Dù các lò luyện thi tung nhiều chiêu để hút học sinh...


... nhưng số lượng sĩ tử đăng ký ít hơn mọi nên nên lò luyện thi rơi vào tình trạng ế ẩm.

Tự học là cách tốt nhất

Phần lớn các thí sinh vãng lai vào thời điểm này đều chọn cách ở nhà tự ôn. Phạm Xuân Thông, thí sinh tự do, ngụ P.Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức cho biết: "Mình vừa hoàn thành một khóa ôn thi tại trung tâm. Số lượng người học năm nay cũng ít nên học cũng thoải mái. Thế nhưng, mình nghĩ ở nhà tự học là cách tốt nhất".

Hà Huy Vũ, sinh viên năm 3, ngành Tài chính Doanh nghiệp, ĐH Kinh tế TPHCM chia sẻ về kinh nghiệm tự ôn thi: "Hình thức ôn thi trực tuyến khá phong phú về dạng bài tập, hình thức truyền đạt. Chi phí cũng phù hợp, dễ dàng thanh toán trực tuyến. Việc này tạo tiện lợi cho thí sinh vừa đỡ mất công đi lại vừa có được kiến thức nhiều, thậm chí còn hơn là đi ôn nếu biết nỗ lực".

Hiện nay, các website luyện thi trực tuyến hoạt động theo hình thức trang mạng xã hội thu nhỏ, người truy cập có thể đăng ký tham gia chỉ sau một cái nhấp chuột, vừa không mất thời gian đi lại vừa có thể chủ động về mặt thời gian.

Người tham gia được tải miễn phí, không giới hạn bài giảng các môn học của nhiều giảng viên đại học cũng như các giáo viên THPT uy tín, biết giải các đề thi đại học dưới hình thức tự luận cũng như trắc nghiệm của hàng trăm trường đại học danh tiếng trên cả nước. Do đó, ôn thi trực tuyến hiện đang được nhiều thí sinh ưu tiên chọn lựa, nhất là các thí sinh ở tỉnh xa, bị hạn chế về điều kiện đi lại.

Công Quang - Văn Thể

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-606744/si-tu-tu-on-qua-internet-lo-luyen-e-am.htm

Người cung cấp clip gian lận thi cử nói gì?

Posted: 13 Jun 2012 08:06 PM PDT

(TNO) Anh D.T.N., cựu giáo viên Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang), người cung cấp những đoạn clip gian lận thi cho rằng khi quyết định chống tiêu cực anh đã xác định phải bỏ nghề.

Sáng 13.6, Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi với anh N. liên quan đến những những clip gian lận thi cử tại Hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.

Anh N. kể: "Tôi về dạy thể dục tại trường THPT dân lập Đồi Ngô từ năm 2006. Trong quá trình công tác tại đây, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình nhưng không hiểu vì sao luôn bị trù dập và cuối cùng là đuổi việc không lý do chính đáng".

Theo anh N., mặc dù, trước đó, TAND H.Lục Nam đã có bản án buộc Trường THPT dân lập Đồi Ngô phải đền bù và nhận anh trở lại công tác nhưng đến nay trường này vẫn không thực hiện.

Trả lời câu hỏi vì sao anh chọn cách nhờ thí sinh (TS) trong phòng thi quay clip và có lường trước được TS quay sẽ phải chịu nhiều áp lực, anh N. nói: "Trước kỳ thi tốt nghiệp, tôi đã gặp S. nhờ TS này quay clip trong phòng thi và được đồng ý. Trước đó, tôi đã từng suy nghĩ rất nhiều làm thế nào để có được bằng chứng tố cáo tiêu cực nhưng xét cho cùng, không có cách nào hữu dụng bằng cách dùng bút gắn camera quay lại cảnh gian lận thi cử trong phòng thi".

Để có thể chống lại tiêu cực trong ngành giáo dục tại tỉnh Bắc Giang, anh N. nói "cần một Bao Công", cụ thể là cơ quan thanh tra, kiểm tra làm việc độc lập, công tâm. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất vẫn là vấn đề tâm, tầm, đức của những người đứng đầu cơ quan hữu trách. Họ phải là người có tâm huyết, nhiệt tình và quyết tâm đẩy lùi tiêu cực trong giáo dục.

 

* Ông Trần Bá Giao, nguyên Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT từng đề xuất ý kiến lắp đặt camera trong phòng thi để hạn chế tiêu cực trong thi cử. Là người cung cấp những clip gian lận thi cử trong phòng thi, anh có ý kiến gì về vấn đề này?

Anh D.T.N: Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của ông Giao. Thậm chí, Bộ GD-ĐT nên cho lắp đặt camera ngay từ quá trình học trên lớp để giám sát chặt chẽ việc học, dạy của học sinh, giáo viên trong giờ. Từ đó, giúp cho cả học sinh, giáo viên có ý thức học và dạy hơn, góp phần đưa chất lượng đào tạo đi lên.

* Hiện nay, dư luận đang đặt câu hỏi người tố cáo tiêu cực tại Hội đồng thi trường THPT dân lập Đồi Ngô, có công hay tội? Là người trong cuộc, anh có quan điểm gì?

Anh D.T.N: Theo pháp luật, tôi và S. không có tội. Còn theo quy chế của Bộ GD-ĐT, TS S. vi phạm quy chế vì mang thiết bị ghi hình vào phòng thi.

Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, khi xử lý cần xem xét rõ vấn đề chiếc bút không có màn hình, chỉ có thể thu được, không phát được, không làm lộ đề thi, không hỗ trợ việc làm bài thi.

Về việc xử lý TS S., tôi có theo dõi báo chí và biết rằng, một số người có trách nhiệm trong ngành giáo dục cho rằng, sẽ xử lý TS S. theo hướng giáo dục, sao cho em nhận ra sai lầm và sửa chữa.

Tôi không hiểu ý của những vị này là thế nào? Không lẽ việc chống tiêu cực là sai lầm? Tại sao họ không nghĩ đến S. có công lớn khi thu thập được những bằng chứng đắt giá về gian lận thi cử? S. có công chứ không có tội.

Về phần tôi, chỉ mong muốn cơ quan chức năng có biện pháp xử lý triệt để, rõ ràng. Các cấp lãnh đạo tỉnh Bắc Giang quan tâm hơn đến thực trạng nền giáo dục tỉnh và quan trọng nhất là sự thay đổi, chuyển biến trong những năm tới. Về phần S., dù sao, tôi vẫn mong em đỗ tốt nghiệp.

 

Lê Quân – Đan Hạ (thực hiện)

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120613/nguoi-cung-cap-clip-gian-lan-thi-cu-noi-gi.aspx

Chú trọng làm tốt công tác quy hoạch cán bộ ngành giáo dục

Posted: 13 Jun 2012 08:03 PM PDT

(GDTĐ)- Sáng nay (13/6), Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác quy hoạch cán bộ Bộ GD-ĐT năm 2012. Bí thư Đảng ủy- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có đại diện của Ban tổ chức Trung ương, thủ trưởng các Vụ, Cục, cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT.

 Thứ trưởng Nuyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội nghị. Ảnh, gdtd.vn
 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội nghị. Ảnh, gdtd.vn

Công tác quy hoạch cán bộ lần này là một bước chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho giai đoạn 2012-2015 và 2015-2020, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hiện có và xây dựng quy hoạch cán bộ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XI, chiến lược giáo dục 2012-2020.

Để đảm bảo công tác quy hoạch cán bộ năm 2012 tiếp tục khẳng định những nhân tố tích cực trong quy hoạch hiện tại còn đủ điều kiện phát triển, đưa vào quy hoạch những nhân tố tích cực mới, không đưa vào quy hoạch những người không còn đủ tiêu chuẩn, những người không đáp ứng được yêu cầu công việc trong tình hình mới, Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thực hiện tốt tinh thần sau:

Làm tốt công tác đánh giá cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch; quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gắn với các khâu khác trong công tác cán bộ (đánh giá, đào tạo- bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí- sử dụng, thực hiện chính sách); quy hoạch cán bộ phải đảm bảo phương châm "mở" và "động"; đảm bảo mối quan hệ giữa quy hoạch cán bộ và bố trí nhân sự, đảm bảo về độ tuổi, thực hiện công khai trong công tác quy hoạch cán bộ…

Để thực hiện, phải đảm bảo theo các nội dung, phương pháp quy hoạch cán bộ: theo thẩm quyền và đối tượng quy hoạch; đảm bảo tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch, quy trình thực hiện quy hoạch.


Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT phát biểu ý kiến xây dựng công tác quy hoạch cán bộ. Ảnh, gdtd.vn

Trong quy trình cụ thể thực hiện quy hoạch, Ban cán sự Đảng Bộ đã có hướng dẫn cụ thể cho 5 loại hình đơn vị: các trường trực thuộc; các Đại học; các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra bộ; các Viện, Báo, Tạp chí và Trung tâm; Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam; Ban cán sự Đảng bộ Bộ GD-ĐT

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đề nghị các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT sớm hoàn thành kế hoạch công tác quy hoạch cán bộ của mình trình bộ theo đúng kế hoạch thời gian. Đối với đơn vị nào chưa kịp xây dựng, phải báo bộ kịp thời.

Quy hoạch cán bộ là công tác rất quan trọng, trong thời gian qua các cơ quan, đơn vị của bộ đã triển khai thực hiện tốt nhiều công việc trong công tác quy hoạch cán bộ. Tuy nhiên, hiệu quả trong công tác này chưa cao. Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị trực thuộc cần cố gắng làm tốt, triển khai hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ.

Có nhiều nguyên tắc, phương châm đảm bảo hiệu quả cho công tác quy hoạch cán bộ, trong đó có phương châm "mở" và "động". Nếu không đảm bảo các nguyên tắc này, đặc biệt là không "mở" và "động" thì sẽ không đạt được hiệu quả trong quy hoạch cán bộ. Phương châm này đặc biệt có ý nghĩa đối với những cơ quan, đơn vị ít người, thiếu nguồn quy hoạch cán bộ. Ở các đơn vị này nếu không tuân thủ phương châm "mở" và "động" trong quy hoạch cán bộ mà công tác quy hoạch lại bị bó chặt vào nội bộ cơ quan sẽ dẫn đến tình trạng quy hoạch những cán bộ không xứng đáng. Theo nguyên tắc này, các cơ quan, đơn vị quy hoạch, chọn lựa được những cán bộ ở đơn vị mình là phương án tốt nhất; nếu không phải chịu sự điều động luân chuyển cán bộ của cấp trên.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lưu ý: muốn công tác quy hoạch cán bộ thực sự tốt thì tổ chức phải có trách nhiệm bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trong quy hoạch. Những cán bộ nào trong quy hoạch yếu về mặt nào phải kịp thời cử đi bồi dưỡng, đào tạo, phục vụ kịp thời cho công tác quy hoạch. Bên cạnh đó là tăng cường giao nhiệm vụ, giao việc cho cán bộ quy hoạch để tăng cường trách nhiệm cán bộ cũng như tích lũy kinh nghiệm cần thiết trong công tác để khi nhận nhiệm vụ mới có thể làm việc được ngay.

Bá Hải

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201206/Chu-trong-lam-tot-cong-tac-quy-hoach-can-bo-nganh-giao-duc-1961799/

Chấm xong điểm thi, dự kiến tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,9%

Posted: 13 Jun 2012 08:02 PM PDT

Chấm xong điểm thi, dự kiến tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,9%

Ông Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cho biết: "Nam Định đang hoàn thiện khâu cuối cùng trong chấm thi tốt nghiệp. Mấy năm trở lại đây, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của tỉnh luôn giữ ổn định ở mức 99%. Năm nay cũng vậy, dự kiến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp khoảng 99,9%".

Được biết, năm 2011,tỉnh Nam Định dẫn đầu cả nước về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 99,89% ở hệ trung học phổ thông.

Tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cuối tuần này Hà Nội mới chấm thi xong sẽ công bố điểm cho thí sinh. Do vậy, chưa có thông số cụ thể để dự báo tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là bao nhiêu. Được biết, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của Hà Nội năm 2011 là 97,79%.

Theo thông tin từ các tỉnh như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Lào Cai, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Nam… hiện nay đang hoàn thiện khâu cuối chấm thi tốt nghiệp. Dự kiến sang tuần sẽ công bố điểm cho thí sinh.

Nhiều lãnh đạo tỉnh nhận định, điểm bài thi của thí sinh năm nay cao hơn năm trước với môn Toán và Lịch sử. Dự kiến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp bằng hoặc cao hơn năm 2011.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chậm nhất đến ngày 5/7 các đơn vị sẽ phải hoàn thành công tác chấm thi tốt nghiệp và gửi kết quả chấm thi chính thức tất cả các môn, kết quả xét công nhận tốt nghiệp của toàn bộ thí sinh trong đơn vị mình và báo cáo tổng hợp kết quả kỳ thi về Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT.

Để giảm thiểu thiệt thòi cho các bài thi mắc lỗi kỹ thuật, Bộ đặt ra yêu cầu các đơn vị phải kiểm dò như quy trình bắt buộc đối với các bài thi bỏ trắng từ 2 câu trở lên, bài thi làm cả 2 phần (chương trình chuẩn và chương trình nâng cao.) Thí sinh làm cả 2 phần bị coi là phạm quy và chỉ được tính điểm phần chung.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-606650/cham-xong-diem-thi-du-kien-ty-le-tot-nghiep-thpt-dat-999.htm

Không thống nhất trong chi trả phụ cấp cho giáo viên

Posted: 13 Jun 2012 08:01 PM PDT

Từ năm 2007 đến nay có sự chênh lệch trong việc chi trả phụ cấp cho giáo viên (GV) các trường THCS và THPT trên địa bàn thị xã (TX) Gia Nghĩa (Đắk Nông).

Ông Lê Quang Dẫn, Trưởng phòng GD-ĐT TX.Gia Nghĩa, cho rằng phòng đã chi trả phụ cấp ưu đãi 30% cho GV căn cứ vào quy định của các trường huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Trong khi đó, các trường THPT trên địa bàn TX.Gia Nghĩa chi trả 35% theo các trường miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hà Văn Đại, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Đắk Nông, cho biết những năm qua phụ cấp ưu đãi 35% cho GV các trường THPT trên địa bàn TX.Gia Nghĩa là bình thường, chưa có cơ quan chức năng nào có ý kiến về mức chi trả này. Tuy nhiên, ông Đại không khẳng định mức chi trả 30% của Phòng GD-ĐT TX.Gia Nghĩa sai quy định hay không. Sở Tài chính Đắk Nông cũng gửi văn bản đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể cho địa phương áp dụng mức phụ cấp phù hợp nhưng hiện chưa có phản hồi.

Trung Chuyên

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120612/Khong-thong-nhat-trong-chi-tra-phu-cap-cho-giao-vien.aspx

Bán công trình biên soạn của tập thể cho… công ty sách

Posted: 13 Jun 2012 08:00 PM PDT

Từ cuối năm học 2011 - 2012, rất đông học sinh khối 9 trên địa bàn Hà Tĩnh đã lao vào ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào lớp 10 PTTH hay PTTH chuyên. Để đạt kết quả tốt trong kỳ thi, nhiều học sinh đã đến các đại lý bán sách để tìm mua tài liệu ôn thi. Trong vô số tài liệu được bày bán ở các kệ sách hai cuốn "Bồi dưỡng học sinh vào lớp 10 THPT năm học 2012-2013 môn Toán" và "Bồi dưỡng học sinh vào lớp 10THPT năm học 2012-2013 môn Ngữ văn" gây sự chú ý đặc biệt của học sinh bởi trang bìa của sách nhìn qua đáp ứng được nhu cầu của các em.

Hai cuốn sách

Để làm rõ mọi chuyện, PV Dân trí đã vào cuộc và không khó để khẳng định, nỗi bức xúc của học sinh và các bậc phụ huynh là hoàn toàn có cơ sở.

Cụ thể, năm học 2010 – 2011, nhằm giúp đỡ GV, học sinh ôn thi vào lớp 10 THPT, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh đã thành lập Hội đồng biên soạn và cho ra đời hai cuốn sách "Tài liệu ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và THPT chuyên môn Ngữ Văn" (cuốn Văn) và "Bộ đề ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và THPT chuyên môn Toán" (cuốn Toán).

Cuốn văn do nhóm tác giả "NGUT Nguyễn Kim Thư (Phó phòng THPT), Th.S Phan Thanh Hà (Chuyên viên phòng GDPT), Hồ Minh Thông (GV trường THCS Lê Văn Thiêm), Võ Xuân Lạng (chuyên viên phòng GD-ĐT Kỳ Anh), Đặng Thị Hảo (chuyên viên phòng GD-ĐT Nghi Xuân), Th.S. Nguyễn Trọng Đức và Th.S. Đậu Quang Hồng (giáo viên trường THPT năng khiếu Hà Tĩnh)" thực hiện.

Còn cuốn toán do nhóm tác giả "Nguyễn Viết Phú (chuyên viên phòng GDPT; Th.S. Lê Phi Hùng (giáo viên Trường THPT chuyên Hà Tĩnh), Phạm Quốc Phong (giáo viên Trường THPT Hồng Lĩnh), Đặng Hải Giang (giáo viên Trường THCS thị trấn Cẩm Xuyên), Nguyễn Huy Triển (chuyên viên phòng GD-ĐT Hồng Lĩnh), Bùi Hải Bình (giáo viên Trường THCS Lê Văn Thiêm)" thực hiện.

Cả hai cuốn sách nói trên đã được NXB Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản, có mã số lần lượt là 2L-21ĐH 2011, 1L-35ĐH 2011, và Quyết định xuất bản số 13LK-XH/QĐ-NXBĐHQGHN, số 19 LK-TN/QĐ-NXB ĐHQGHN. Cả 2 cuốn sách in xong đều được nộp lưu chiểu quý 1 năm 2011.

Sau khi được xuất bản, hai cuốn sách trên đã được phát hành rộng rãi, nhanh chóng thuộc diện cuốn sách "bán chạy" trong năm 2012 và được giáo viên học sinh phản hồi tích cực, yêu cầu tái bản.

Hai cuốn sách

So sánh hai bộ sách này với hai cuốn do Sở GD-ĐT Hà Tĩnh biên soạn, không khó để lí giải sự thất vọng, bực tức của học sinh và phụ huynh các em. Về nội dung căn bản giống nhau hoàn toàn, riêng môn Ngữ Văn chỉ có thêm vào phần: "Văn học địa phương" với 2 bài "Thăm lúa" và "Nghệ An trong lòng Tổ quốc Việt Nam" nhưng số lượng chỉ có 2/135 trang sách.

Sự khác nhau chủ yếu ở trang bìa, trang mục lục. Ở trang bìa cuốn Ngữ văn, phần tác giả đã được thay bằng T.S. Nguyễn Đức Khương – ThS. Nguyễn Lan Anh; còn ở môn Toán được thay bằng PGS.TS.Trần Văn Tân - Th.S Lê Thị Hương.

Nhan đề của hai cuốn sách thay đổi "Tài liệu ôn thi tuyển sinh… môn Ngữ Văn", " Bộ đề ôn thi tuyển sinh…. môn Toán" được thay bằng "Bồi dưỡng học sinh vào lớp 10 THPT năm học 2012-2013…".

Nhằm “đánh lừa” sự chú ý của mọi người, bộ sách xuất bản năm 2012 đã lược bớt phần mục lục, chỉ giữ những đề mục chủ yếu, tỉnh lược hoàn toàn chi tiết.

"Bán đứng"… đồng nghiệp

Học sinh, phụ huynh càng thất vọng bao nhiêu thì đội ngũ chuyên môn biên soạn hai cuốn sách của Sở GD-ĐT Hà Tĩnh càng bực tức bất nhiêu. "Họ (đội ngũ biên soạn cuốn sách mới – PV) làm bậy quá. Sao không được phép của chúng tôi mà họ vẫn xuất bản sách? Không thể chấp nhận kiểu làm ăn trên công sức của người khác như thế" - một thành viên (xin giấu tên) trong hội đồng biên soạn hai cuốn sách của Sở GD-ĐT Hà Tĩnh bức xúc.

Trước những diễn biến phức tạp của vụ việc, chiều ngày 6/6/2012, Sở GD-ĐT đã có cuộc họp với nhóm tác giả biên soạn hai cuốn sách trên. Tại cuộc họp, khi Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh Trần Trung Dũng công bố "bản hợp đồng kinh tế" mà bên A là Phòng giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh do ông Nguyễn Ngọc Lạc- Trưởng phòng GDPT ký và B là Công ty cổ phần sách, thiết bị GD Nghệ An do bà Bùi Thị Trâm – Trưởng phòng kinh doanh đại diện ký, thì đại diện nhóm tác giả và những người dự họp ngã ngữa ra là bị ông trưởng phòng "bán đứng".

Càng bức xúc hơn khi bản hợp đồng này có điều khoản "Bên A đồng ý cho bên B thay đổi tên chủ biên và tác giả; bên B đã đặt cọc trước cho bên A 22 triệu đồng; Số còn lại sẽ trả vào ngày 30/8/2012".

Dù giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh khẳng định việc làm trên gây mất uy tín, tổn hại tinh thần, nhưng ông Lạc lại biện bạch rằng ý đồ của ông rất tốt, chỉ có sơ suất khi ký hợp đồng mà thôi. Đặc biệt, lời biện bạch của ông Lai rằng "tôi muốn quảng bá tác phẩm của anh em đồng nghiệp" đã không được nhiều người trong Sở GD-ĐT Hà Tĩnh đồng tình, thông cảm.

Một cán bộ nói nói thẳng, sao quảng bá tác phẩm đồng nghiệp lại xóa tên tác giả sách thay vào tên tác giả khác? Những người soạn sách công tác cùng phòng, hoặc trực tiếp quản lý ở cơ sở, nhưng sao ông không nói một lời để cùng thống nhất với nhau?

Chiều 11/6, làm việc với bà Bùi Thị Trâm, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Nghệ An, chúng tôi được bà Trâm cho biết, cuốn sách được xuất bản không có gì sai, vì trước khi xuất bản, bên B đã được bên A do thầy Nguyễn Ngọc Lạc làm đại diện ký, cho phép. "Nội dung bản thảo giữ nguyên như bên A cung cấp, bên B chỉ chỉnh sửa chính tả, câu cú cho chuẩn xác" - bà Trâm nói.

Khi PV phản ánh Sở GD-ĐT Hà Tĩnh mà đại diện là thầy Nguyễn Ngọc Lạc không trao đổi trước với các tác giả về nội dung hợp đồng (xuất bản sách, đổi tên tác giả), bà Trâm tỏ ra ngạc nhiên. "Chúng tôi không hề biết sự việc này. Chúng tôi tưởng là Sở GD-ĐT Hà Tĩnh đã làm việc với các tác giả rồi" – bà Trâm nói.

Bà Trâm cũng cho cho rằng, bên A làm như vậy là không đúng và thông cảm cho sự bức xúc của các tác giả.

Còn về lí do thay đổi tên tác giả và việc thay đổi tên như vậy có đúng quy định của pháp luật hay không, bà Bùi Thị Trâm xin khất và hẹn trả lời sau.

Văn Dũng - Thanh Trần

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-606736/ban-cong-trinh-bien-soan-cua-tap-the-cho-cong-ty-sach.htm

Nỗi ám ảnh với hiệu trưởng mùa tuyển sinh.

Posted: 13 Jun 2012 07:56 PM PDT

Thay vì "chạy" bằng tiền hay “ẩn” sau các hình thức tài chính thì việc “chạy trường” phổ biến và công khai hiện nay là thông qua các mối quan hệ. Đây là thực mà các hiệu trưởng hay những người quản lý giáo dục vẫn phải "đối mặt" trong mùa tuyển sinh.

Thật ra, khi "đối phương" đã trực tiếp gọi điện thoại, hẹn gặp thẳng thắn đề cập việc gửi con cháu vào trường thì hiển nhiên họ có sẵn mối quan hệ hay địa vị nào đó. Trong hoàn cảnh này, người "được nhờ" đưa ra quyết định từ chối… xem ra không mấy khả thi.

Nhiều vị quản lý các phòng GD-ĐT tại TPHCM bày tỏ vào mùa tuyển sinh, một trong những việc cực nhất là "tiếp" các lãnh đạo thuộc sở này, ban ngành nọ có con có cháu chuẩn bị đi học hay chuyển cấp. Mà đâu chỉ xin cho con, cho cháu mà có thể các vị ngành này, sở nọ có thể cũng vì "gánh" áp lực từ dây mơ rễ má trong các mối quan hệ, ân tình mà trở thành “trung gian” dồn về các “đầu mối”.

Phó trưởng phòng GD-ĐT của một quận cho hay năm nào cũng có những người cầm cả tập hồ sơ xin cho con cháu vào những trường điểm của quận. Có những năm, phòng "tiếp" không xuể, không thể giải quyết hết, đành phải nói lý, nói tình rồi tìm phương án khác như giới thiệu vào một trường có chất lượng tương đương để không… mếch lòng. Cũng chính vì sợ nhờ vả từ trên đổ xuống mà bản thân họ cũng phải trực tiếp đi nhờ vả hoặc… ra “quyền uy” với hiệu trưởng để “xin” chỗ.

Điều những người giải quyết các suất học "ngoại giao" này e ngại không chỉ là chuyện thiếu trường, thiếu lớp để xin mà họ còn chịu không ít điều tiếng khi mọi người thường quy ra suất học "ngon lành" đó ra tiền bạc. Bản thân không bỏ túi một đồng nào nhưng họ có thể bị lợi dụng khi người khác "dựa" vào mình để làm trục lợi, thành ra “có tiếng mà không có miếng”.

Để hạn chế tình trạng "chạy trường", TPHCM yêu cầu các trường công khai việc tuyển sinh, bán đơn đăng ký rộng rãi. Tuy nhiên, như một lãnh đạo chia sẻ ngay trong cuộc họp giao ban, dù các trường tuyển sinh công khai rộng rãi để tránh dư luận, nhưng không thể nào tránh được việc dành ra tỷ lệ… ưu tiên cho các mối quan hệ, ngoại giao trong xã hội.

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-606732/noi-am-anh-voi-hieu-truong-mua-tuyen-sinh.htm

Comments