Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Bộ Giáo dục đang làm ngơ trước một sự thật?

Posted: 11 Jun 2012 10:44 PM PDT

- “Tôi băn khoăn về cách ứng xử của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Ông chọn ứng xử
như vậy vì ông hiểu rõ và bất lực trước sự xuống cấp của chất lượng
phổ thông: Chất lượng thấp mà đậu cao, thì tiêu cực là tất yếu…”
thầy giáo Trần Đình Trợ (Trường THPT Hương Sơn, Hà Tĩnh) đặt vấn đề như vậy khi trao đổi
với VietNamNet.

 

Bắc Giang là ví dụ minh họa cho tiêu cực tràn lan

Hằng năm, sau kỳ thi tốt nghiệp, lãnh đạo Bộ thường nhận xét trong các
buổi họp báo: "Kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc và hiệu quả" nhưng trên các
báo, các trang mạng và trong dư luận vẫn nhiều phản ánh về tiêu cực trong thi
cử. Điển hình là năm nay. Ông nghĩ gì về sự trái ngược này?

- Bộ GD đã làm ngơ trước một sự thật là, một số lượng rất lớn
thí sinh sẽ trượt trong một kì thi tốt nghiệp (TN) nghiêm túc. Tỷ lệ TN
của những năm làm "hai không" và phổ điểm thi ĐH đã minh chứng cho điều
đó. Tỷ lệ TN của những năm gần đây, có được là nhờ sự gian dối?

Thầy Trần Đình Trợ: “Các bằng chứng của gian dối, đều được phát
hiện bởi các "quần chúng tự phát". Bộ máy cồng kềnh của quản lý
thi, của thanh tra mọi cấp, đều không tìm thấy những bằng chứng "đáng
giá". Thực ra, họ đã nhắm mắt làm ngơ, rồi bịt mắt cấp trên bằng
những báo cáo gian dối…”. Ảnh: Minh Lý

Một điều hài hước là, các bằng chứng của gian dối, đều được phát
hiện bởi các "quần chúng tự phát". Bộ máy cồng kềnh của quản lý
thi, của thanh tra mọi cấp, đều không tìm thấy những bằng chứng "đáng
giá". Thực ra, họ đã nhắm mắt làm ngơ, rồi bịt mắt cấp trên bằng
những báo cáo gian dối. Dù tin hay giả vờ tin, cấp trên cũng phải dựa
vào đó để phát ngôn.

Bi kịch xảy ra, nếu sau khi lãnh đạo Bộ tuyên bố, bằng chứng sự gian
dối lại xuất hiện. Những clip thi ở Hà Tây năm 2006, biên bản sửa đáp
án môn Văn năm 2011, clip ở Hà Giang năm nay, đã xuất hiện một cách
"không đúng lúc" như vậy. Đó là lý do, Bộ GD luôn lo ngại sự xuất
hiện bất ngờ của các bằng chứng.

Ông đánh giá gì về sự cố ở Bắc Giang, và những ý kiến của Bộ
trưởng về sự cố này?

- Tôi không cho đó là sự cố. Nó chỉ là ví dụ minh họa cho những
tiêu cực tràn lan. Xung quanh tôi, cũng có những tiêu cực tương tự, chỉ
khác về mức độ.

Để hình dung về tính phổ quát, ta thử đặt giả thuyết, tỷ lệ TN
"thực chất" là 60% , và tỷ lệ TN "trên thực tế" là 90%, vậy sẽ có
30% đậu TN "ma", nghĩa là khoảng 300.000 học sinh TN bằng cách tiêu cực.
Giả sử mỗi em học yếu đó, lại nhờ vả một bạn khá tương trợ trong
thi. Thì sẽ có 60% , tức là hơn nửa triệu thí sinh tham gia "làm tiêu
cực", chưa tính giám thị và thành phần khác. Chỉ cần một phần trăm
số đó, cũng đã là một con số kinh khủng.

Về cách ứng xử của lãnh đạo ngành GD trước các "sự cố", tôi rất
khâm phục PTT Nguyễn Thiện Nhân. Thầy Đỗ Việt Khoa tố cáo tiêu cực thi
cử ở Hà Tây, khi đó Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng đã ủng
hộ ngay bằng phong trào "hai không". Bộ trưởng tặng bằng khen, dù thầy
Khoa cũng có vi phạm quy chế. Gần đây, khi biêt vụ Bắc Giang, Phó thủ
tướng chỉ đạo: "Phải làm rõ vì danh dự của ngành giáo dục".

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lại ứng xử khác, khi ông nói: "Bộ đang
chờ báo cáo..", "Dư luận đã vội vàng khi công bố thông tin", "Cứ để dư
luận người ta nói.."
. Ông lại nói "Việc tung clip lên mạng, làm
khó cho công tác quản lý".

Tôi băn khoăn về cách ứng xử của Bộ trưởng. Phải chăng, ông nói thế
vì ông hiểu rõ và bất lực trước sự xuống cấp của chất lượng phổ
thông. Ông hiểu rằng, chất lượng thấp mà đậu cao, thì tiêu cực là tất
yếu. Vì vậy, ông đang tìm một cách "tốt nghiệp" khác. Nếu đúng như
vậy, Bộ trưởng sẽ thấy xóa thi, là cách hay nhất.

Không nên xử lý học sinh quay clip

Dư luận bàn nhiều về công tội của thí sinh đã quay video clip ở
Bắc Giang. Có người cho rằng, những người tố cáo tiêu cực thường bị luận
tội nhiều hơn là xét công. Ông tán thành ý kiến này không?

- Tôi tán thành Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, khi ông có ý "thông cảm"
thí sinh đã "trót dại" quay clip. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng
từng ủng hộ thầy Khoa. Đó là cách đối xử rất sáng suốt của lãnh
đạo ngành, với những người chống tiêu cực.

Tôi cho rằng, không nên đánh trượt học sinh quay video lẫn học sinh sử
dụng phao bị quay trong video. Nếu thế, có thể phải hủy kết quả thi
của toàn hội đồng thi Đồi Ngô, rồi phải xem xét chuyện tổ chức thi
lại TN THPT trên phạm vi toàn quốc.

Theo tôi, nên khen thưởng những người quay và tung clip lên mạng, nếu
xét thấy động cơ của họ là tích cực.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định, trước mắt vẫn duy trì kì thi tốt nghiệp. Do
đó, nhiều ý kiến cho rằng, để tăng tính tự giác học của học sinh cần gắn camera
từng phòng thi? Việc này sẽ nâng cao trách nhiệm coi thi của giám thị?

- Tôi không cho là như vậy. Tôi tin lãnh đạo Bộ GD cũng hiểu rõ tình
hình, và họ đang tìm cách tiếp tục gọn nhẹ hóa kì thi TN. Nếu chưa
xóa bỏ, tôi đề nghị Bộ giao thi TN PTTH cho Sở GD, hoặc giao hẳn cho
các trường.

Nếu "trên dưới một lòng" muốn thi TN giả, thì sinh ra camera, để ai
theo dõi ai. Mới có vài video clip tung lên mạng, mà tất cả đã loạn
lên, thì gắn hàng loạt camera, rồi sẽ ra sao?

Bằng TN không còn là chứng chỉ của chất lượng

Nhiều người cho rằng, nền giáo dục của ta là "ứng thí". Đang còn
thi tốt nghiệp, thì học sinh đang còn học (dù chưa đạt yêu cầu). Nếu
bỏ thi, có thể học sinh còn lười học hơn. Ông có ý kiến gì về vấn
đề này?

- Thực tế đã chỉ ra rằng, nhiều thí sinh "ứng thí" bằng quay cóp,
chứ không phải bằng học. Chúng ta bỏ thi cấp Tiểu học, rồi cấp THCS,
và mọi việc vẫn trôi chảy. Ở Hà Tĩnh, do việc xét tốt nghiệp THCS
khá nghiêm túc, nên chất lượng học sinh PTCS tốt hơn khi còn tổ chức
thi TN THCS. Tôi tin rằng, nếu đưa việc thi (hoặc xét) TN THPT về cho các
trường, thì học sinh sẽ chăm chỉ học tập hơn. Vì nhà trường xét, dù
có giả, cũng ít cồng kềnh hơn tiến hành một kì thi.

Ông nhận xét gì về các kì thi TN THPT trong những năm gần đây?
Trong khi có nhiều ý kiến đề nghị bỏ thi TN THPT, nhưng Bộ GD cho rằng
chưa đến lúc, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Tôi cho rằng, trong nhiều năm gần đây, kết quả thi TN THPT không phản
ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông. Có nhiều nguyên nhân để chất
lượng đi xuống. Trong khi đó, tỷ lệ đậu TN thì cứ đi lên, chứng tỏ thi
TN ngày càng giả. Mong muốn hàng thật không thỏa, nên mọi người chấp
nhận hàng giả.

Thầy giáo Trần Đình Trợ: “Đây là thời điểm chín muồi để
xóa bỏ thi tốt nghiệp, hoặc giao nó cho các trường tự quản…”. Ảnh: Minh Lý

Mọi người nghĩ, học sinh khá giỏi, kiểu gì cũng đậu. Còn học sinh
dốt, thôi thì châm chước. Mười hai năm đèn sách, mất công tốn tiền, mà
không chữ nào vào bụng. Mọi người đều cảm thấy có lỗi, trong việc
chất lượng dạy học giảm sút. Nên họ dễ tặc lưỡi "thương học sinh,
nương tay cho các em kiếm tấm bằng tốt nghiệp". Đây là nguyên nhân sâu
xa, của những tiêu cực trong thi TN. Tấm bằng TN từ lâu đã không còn là
chứng chỉ chất lượng. Nó chỉ dùng để làm thủ tục hồ sơ cho thi ĐH
và kiếm việc.

Làm thế nào để học sinh tự giác học, làm thế nào để công tác làm thi bớt
dối trá (nếu nhìn vào clip ở Hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang thì
sự dối trá dột từ trên dột xuống một cách ngang nhiên) và làm thế nào để thi
phản ánh đúng thực chất dạy và học?

- Tôi thích cách dùng từ của anh. Phải dùng từ"dối trá" chứ không
phải "bệnh thành tích" hay "tiêu cực". Ngành giáo dục đang dối trá từ
học cho đến thi, dối trá từ nóc dối xuống. Theo tôi, phải chấp nhận
một thực tế là sẽ còn nhiều học sinh dốt. Thôi thì đành cho các em
đó lên lớp, đành cho các em cái chứng chỉ, để các em đi làm. "Cho" như
vậy sai, nhưng sai sẽ to hơn, nếu "cho" bằng một kì thi cồng kềnh mà
dối trá.

Vậy còn những học sinh chăm ngoan, có ý chí học tập thì sao. Nhà
trường cần tổ chức dạy và học cho tốt, để các em đó học. Bộ GD cần
tổ chức thi ĐH thật nghiêm túc, để các em ấy thi. Bộ GD cũng cần chấn
chỉnh lại hệ thống trường ĐH, để các học sinh đó có đích vươn tới.
Hiện nay, trường ĐH đang mọc ra như nấm, vào ĐH dễ hơn vào chợ, nhưng
tốt nghiệp ĐH rồi lại thất nghiệp. Điều này làm mất khát khao học
của học sinh khá giỏi. Người khá giỏi mà cũng không học, đó là mối
nguy lớn cho xã hội.

Còn kì thi TN THPT, nên xóa nó đi. Đây là thời điểm chín muồi để
xóa bỏ nó, hoặc giao nó cho các trường tự quản. Nếu Bộ GD không nắm
lấy cơ hội này, thì sẽ có nhận lấy nhiều Đồi Ngô (Bắc Giang), Phú
Xuyên A (Hà Tây)… ở những kì thi sau.

- Cảm ơn ông!

  • Duy Tuấn (thực hiện)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/75960/bo-giao-duc-dang-lam-ngo-truoc-mot-su-that-.html

Lưu ý về đề thi tuyển sinh đầu cấp

Posted: 11 Jun 2012 10:44 PM PDT

Các tỉnh thành chuẩn bị tổ chức tuyển sinh vào lớp 10. Riêng tại TP.HCM còn có kỳ thi tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Phụ huynh và học sinh hiện rất quan tâm về cấu trúc đề của các kỳ thi này.

80% là kiến thức cơ bản

Ông Nguyễn Hoài Chương – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: "Nội dung đề thi lớp 10 chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, trong đó 80% là kiểm tra kiến thức cơ bản và 20% phân loại trình độ học sinh". Riêng môn chuyên (150 phút) sẽ có 60% nội dung đề thi ở mức độ căn bản và 40% còn lại sẽ là các kiến thức nâng cao.

Lưu ý về đề thi tuyển sinh đầu cấp
 Phụ huynh nộp hồ sơ tuyển sinh vào lớp 6 tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) trong ngày 11.6 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Về quy trình biên soạn đề thi, lãnh đạo Sở cho hay cơ quan này đã xây dựng ngân hàng đề thi từ nguồn đề do thầy cô các trường THCS, THPT biên soạn. Sau đó hội đồng chuyên môn sẽ thẩm định để đưa vào sử dụng. Trước kỳ thi, hội đồng ra đề sẽ được thành lập, chính giám đốc Sở bốc thăm khoảng 5 – 10 đề trong ngân hàng đề. Trên cơ sở cấu trúc đề thi đã ban hành, hội đồng đề thi sẽ biên soạn lại sao cho phù hợp. Vì vậy, ông Nguyễn Hoài Chương khẳng định: "Đề thi không phải của riêng trường nào và tất cả các thí sinh dù ôn thi ở trung tâm hay trường THCS hoặc chỉ ôn tập ở nhà thì cơ hội cũng như nhau. Cần thiết học sinh có thể sưu tầm đề thi các năm học trước và căn thời gian để tập làm bài thi".

Đổi mới cách thi

Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là trường duy nhất tại TP.HCM có tổ chức tuyển học sinh lớp 6 thông qua một kỳ thi. Tỷ lệ "chọi" trung bình hằng năm  ở trường này đều trên 10.

Mọi năm, thí sinh thi vào trường này với 2 môn toán, tiếng Việt và buổi khảo sát năng khiếu tiếng Anh. Tuy nhiên, năm nay thay vì tham dự buổi khảo sát, thí sinh phải làm bài thi viết tiếng Anh. Ông Trần Đình Nguyễn Lữ – chuyên viên môn tiếng Anh của Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: "Cấu trúc đề thi được biên soạn tương tự đề thi chứng chỉ Flyers của Hội đồng khảo thí ĐH Cambridge. Trong đó nội dung chủ yếu tập trung vào phần reading – writing (đọc hiểu – viết) và số  lượng câu sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp với thời lượng làm bài là 45 phút, khoảng 50 câu".

Để làm bài thi môn tiếng Anh đạt kết quả tốt nhất, ông Nguyễn Lữ hướng dẫn: "Học sinh nên tìm, tham khảo và tập làm quen với đề thi chứng chỉ Flyers. Do không kiểm tra kỹ năng nghe và nói nên các em nên chú ý luyện các nội dung đọc – hiểu. Các em nên tìm hiểu 4 phần trong đề thi mẫu: gồm phần 1, phần 3, phần 6 và phần 7".

 

Cấu trúc đề thi

Sở GD-ĐT quy định cấu trúc đề thi các kỳ tuyển sinh đầu cấp như sau: Lớp 10: Môn ngữ văn: Gồm 3 – 4 câu tự luận trong đó kiểm tra kiến thức văn học (tác giả, tác phẩm), giải bài tập tiếng Việt: 1 hoặc 2 câu (2 điểm); viết bài văn nghị luận xã hội (3 điểm); viết bài văn nghị luận văn học (5 điểm). Môn toán: Gồm: 4 bài đại số (6,5 điểm); 1 hoặc 2 bài hình học (3,5 điểm). Mức độ của đề với 7,5 điểm cho học sinh trung bình, khá còn lại  2,5 điểm cho các học sinh khá, giỏi. Môn tiếng Anh: Phần trắc nghiệm bao gồm ngữ pháp và cấu trúc (10 câu; 2,5 điểm); điền khuyết (6 câu; 1,5 điểm); tìm lỗi (2 câu; 0,5 điểm). Phần tự luận bao gồm chia động từ (4 câu; 1 điểm); dạng thức từ (6 câu; 1,5 điểm); đọc hiểu dạng true – false (4 câu; 1 điểm); viết lại câu (4 câu; 2 điểm).

Cấu trúc đề thi tiếng Anh lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa gồm 4 phần: Phần 1 có 15 từ gợi ý và 15 câu gợi ý, thí sinh tìm từ phù hợp với mô tả hoặc định nghĩa sự vật, hiện tượng của từng câu. Phần 2: Điền khuyết cho đoạn hội thoại gồm 10 câu giữa 2 nhân vật. Phần 3: Cho một đoạn văn khoảng 100 – 150 từ có các ô trống, tương ứng với mỗi ô trống là câu hỏi có 3 chọn lựa. Thí sinh tìm sự lựa chọn để điền vào ô trống cho phù hợp với đoạn văn. Phần cuối cùng tiếp tục là một đoạn văn có khoảng 60 – 80 từ với các ô trống và thí sinh tìm từ thích hợp điền vào ô trống để tạo thành đoạn văn hoàn chỉnh.

 

Bích Thanh


Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120611/Luu-y-ve-de-thi-tuyen-sinh-dau-cap.aspx

Bộ trưởng và việc đúng nên làm

Posted: 11 Jun 2012 10:43 PM PDT

– Tiêu đề này đặt theo theo một bài giảng đang sốt trên Youtube trong giới giáo dục đại học thế giới “Công lý: Việc đúng nên làm” (Justice: What’s The Right Thing To Do?). Để bàn về môt câu chuyện đang sốt trong giáo dục Việt Nam, cũng từ trang chia sẻ thông tin Youtube – các clip phanh phui tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp 2012.

Học sinh lớp 12 sau giờ thi tốt nghiệp THPT năm học 2011 – 2012. Ảnh: Phạm Hải

Sát hạch nói và viết

Ngay trong tháng 7 tới, Trường Kinh doanh Harvard sẽ thử nghiệm cách thức tuyển sinh mới.

Thay vì 4 bài luận 2,000 chữ, các ứng viên MBA sẽ chỉ phải nộp 2 bài, mỗi bài 400 chữ. Câu hỏi được đơn giản hóa đến mức tối đa, đảm bảo tính minh bạch trong khi vẫn giữ được độ "mở" cần thiết cho thí sinh tự do thể hiện trình độ bản thân (1.Hãy cho chúng tôi biết một việc bạn cho rằng mình đã làm tốt và 2. Hãy cho chúng tôi biết một việc bạn ước rằng mình đã làm tốt hơn). Những thí sinh vượt qua vòng sơ loại sẽ được mời tham gia vòng phỏng vấn, tiếp tục hoàn thành một bài luận 400 chữ trong 24 giờ.

Một đại diện của trường cho biết, quy trình tuyển sinh trước đây quá chú trọng vào khâu viết luận; kể từ năm 2004, vòng thi phỏng vấn đã giúp trường có cái nhìn toàn diện hơn về mỗi thí sinh.

Đầu tháng 6, hơn 1 triệu thí sinh Việt Nam đã dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một thực tế tréo nghoe diễn ra ngay lập tức: Nhận định kỳ thi “an toàn, nghiêm túc” vừa ngớt hôm trước thì hôm sau, sự gian lận trong thi cử đã được phát giác qua các clip ở hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) với các hình ảnh giám thị vô tư ném ‘phao’ cho thí sinh.

Cũng trong tháng 6, các đại biểu lại tập hợp với nhau ở diễn đàn Quốc hội, mổ xẻ hàng loạt chuyện nóng bỏng quốc kế dân sinh. Trả lời chất vấn ở Quốc hội cũng là những cuộc sát hạch của các “thí sinh” quan chức, mà ở đó, kỹ năng nói và viết cũng để “thí sinh tự do thể hiện trình độ bản thân”.

Chưa tới phiên chất vấn ở nghị trường nhưng mức độ nóng của vụ việc Bắc Giang đã buộc các phóng viên tìm tới những người có trách nhiệm bên hành lang.

Theo phản ánh của báo Pháp luật TP.HCM, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã tỏ ra không mặn mà khi được hỏi về vụ việc này. Ông cho rằng dư luận đã vội vàng khi công bố thông tin, hỏi lại: "thông điệp rõ ràng để làm gì", thậm chí "cứ để dư luận nói!",v.v…

Tuy nhiên, khá tôn trọng Bộ trưởng và nguyên tắc phỏng vấn, ngày hôm sau, các báo đều thông tin về quan điểm của ông theo một văn bản đã được trau chuốt ý tứ hơn. Ở “bài luận” chưa đến 400 chữ này, không còn những phản ứng “nói không”, nhưng theo quan sát của báo Pháp luật TP.HCM thì “vẫn chưa có thể tán đồng”.

Một số người làm Bộ trưởng ở Việt Nam đã tốt nghiệp trường kinh doanh Harvard. Nhưng Bộ trưởng Luận thì đã có bằng tiến sĩ kinh tế  và không phải thí sinh. Ông là một nhà lãnh đạo mà bài sát hạch quan trọng là các quyết  sách và có các hành động kịp thời, đúng đắn.

Có thể với bài luận nói và viết được “ra đột ngột”, Bộ trưởng chưa kịp nhận được sự tán đồng của “hội đồng tuyển sinh xã hội”. Nhưng thời cơ vẫn còn để cho ông thực hiện tốt nghiệp kỳ thi làm Bộ trưởng mà bài là các hành động để chứng minh với nhân dân: “Hãy cho chúng tôi biết một việc bạn cho rằng mình đã làm tốt" thậm chí "Hãy cho chúng tôi biết một việc bạn ước rằng mình đã làm tốt hơn”.

Phụ huynh đưa con đi thi. Ảnh: Phạm Hải

Khai sáng và lộ sáng

Cũng trong thời gian này, giới đại học Việt đang xôn xao với các những bài giảng trực tuyến về công lý và đạo đức – loạt bài giảng kinh điển được nhiều người xem nhất ở mục giáo dục trên trang Youtube của giáo sư Michael Sandle ở ĐH Harvard
Loạt bài này từng được dịch ra sách tiếng Việt cuối năm 2011 với tên “Phải, trái, đúng, sai” (trong một dự án khai mở kiến thức tiến bộ của nhân loại của nhóm GS Ngô Bảo Châu và cộng sự) nhưng mãi tới khi được nhóm tình nguyện HTT ở Trường ĐH Công nghệ (thuộc ĐHQG Hà Nội) chuyển ngữ sang tiếng Việt trên nền clip nguyên bản thì giáo giới đại học mới thực sự quan tâm rộng rãi.

Trong loạt bài giảng đầy hấp dẫn giữa giảng đường đông đảo người nghe, GS Sandle đã phân tích, phản biện các quan điểm triết lý về đạo đức của nhiều nhà triết học nổi tiếng. Sandle không trả lời thẳng các câu hỏi mà ông đã đưa ra, nhưng điều rút ra được đó là: Công lý của tất cả những điều đúng nên làm, đó là hành động có trách nhiệm theo đúng quy luật tối thượng của đạo đức. Đó là phải tôn trọng nhân phẩm của người khác, dẫu là hàng triệu người hay chỉ một người.

Giới quan sát nhận định, với các khóa học trực tuyến, sóng thần đang đổ bộ giáo dục đại học, tháp ngà (một thuật ngữ chỉ các trường đại học hàng đầu ở Mỹ),thậm chí sẽ sụp đổ khi "cơn sóng thần này" đang nhăm nhe tìm đường tiến thẳng vào các lớp học. Ở đây, công nghệ đã hỗ trợ đắc lực trong tiến trình khai sáng trí tuệ loài người, đặc biệt là mang những tinh hoa trí tuệ nhân loại tới những con người ham học, học giỏi nhưng hoàn cảnh khó khăn.

Ở Đồi Ngô của Việt Nam, công nghệ cũng đã tỏ ra hữu dụng. Cậu học sinh nông thôn ở tận huyện miền núi Lục Nam đã dung "công nghệ bút quay" để làm lộ sáng một phần nhỏ giả dối của giáo dục: những tiêu cực bấy lâu trong thi tốt nghiệp.

Trong cơn khủng hoảng toàn cầu, thế giới vẫn bàn về tương lai của giáo dục. Diễn đạt theo thuật ngữ của công nghệ thông tin, thì tương lai của giáo dục là 3.0, tương ứng với xã hội 3.0 (những xã hội sáng tạo, thay đổi gia tốc, xã hội của các mối quan hệ toàn cầu và xã hội được tạo dựng bởi những con người lao động sáng tạo, giàu trí tưởng tượng, có năng lực phát minh, sáng chế có thể làm việc bất kì đâu, bất kì lúc nào và với bất kì ai).

Trong dòng chảy tương lai đó, giáo dục Việt Nam đang ở thời 1.0 và rục rịch tiếp cận với 2.0 (giáo dục 1.0 gắn với xã hội tiền công nghiệp, công nghiệp và xã hội thông tin mà ở đó giáo dục chỉ đào tạo để người học có được các kĩ năng thực hiện tốt công việc của mình).

Hình ảnh quen thuộc trên các trang mạng sau ngày thi tốt nghiệp: Cảnh trao đổi bài thoải mái tại hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang). Ảnh chụp từ clip

Để không còn những Đồi Ngô và Lê Văn Luyện

Với vụ việc ở Đồi Ngô (Bắc Giang), ngành giáo dục và tỉnh Bắc Giang đang thận trọng cân nhắc về “công lý, việc đúng nên làm”.

Khi vụ việc ở Đồi Ngô đưa lên, có lẽ chỉ có lãnh đạo mới “giật mình” hoặc “để cho dư luận nói”, chứ với đông đảo người dân (qua hàng nghìn phản hồi về vụ việc), chuyện ở Đồi Ngô cũng quen quen đâu đó như ở Gò Sắn, Nương Khoai…phổ biến khắp Việt Nam.

"Việc đúng nên làm" sau sự kiện Đồi Ngô không chỉ là xử lý một hội đồng, xử lý gần 30 giám thị hay các thành phần liên quan rồi "rút kinh nghiệm toàn ngành" bằng việc đóng cửa bảo nhau chớ để phát lộ  thêm những Đồi Ngô.

Chỉ trong vòng một năm, huyện miền núi Lục Nam (Bắc Giang) đã xảy ra 2 vụ việc rúng động xã hội là tiêu cực thi cử ở  Đồi Ngô và vụ giết người ghê rợn của sát thủ chưa đủ tuổi 18 Lê Văn Luyện – nạn nhân và thủ phạm đều là những người trẻ.

Làm gì để giáo dục không còn những Đồi Ngô và thế hệ trẻ Việt Nam không còn những bóng hình Lê Văn Luyện?
“Công lý, việc đúng nên làm” chắc chắn sẽ không phải là sự bịt sáng về kiến thức, luật pháp, để những người lợi thế về quyền lực tiếp tục có cơ hội làm giàu trên sự u minh của dân nghèo vốn “nhân chi sơ tính bản thiện".

Hướng tới tiến bộ và những giá trị nhân bản, vì sự tiến bộ của con người là xu thế không thể đi ngược của thế giới và là đòi hỏi của một nền giáo dục tiến bộ.

Liệu chúng ta có bứt phá để tiến đến một nền giáo dục sáng tạo của thế hệ 2.0. và 3.0 hay, dù đã thấy tương lai, vẫn không thể thoát ra khỏi những khó khăn của hoàn cảnh hiện thời?

Có một câu nói nổi tiếng rằng: “Không có gì là không thể”. Còn TS. Michael Jackson, một nhà tương lai học nổi tiếng của Anh cho rằng, thay đổi chỉ có thể diễn ra khi có một ước muốn điên rồ vì nó.

Vấn đề là Bộ trưởng và các cộng sự làm quản lý giáo dục của ông, những người có trách nhiệm với thế hệ trẻ Việt Nam, có ước muốn đó  hay không?

  • Hạ Anh

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/76113/bo-truong-va-viec-dung-nen-lam.html

Giáo viên không muốn làm cán bộ quản lý

Posted: 11 Jun 2012 10:42 PM PDT

Giáo viên không muốn làm cán bộ quản lý

TT – Lãnh đạo ngành giáo dục ở nhiều tỉnh ĐBSCL đang đau đầu vì tình trạng giáo viên giỏi tìm mọi cách né tránh lệnh điều động về làm chuyên viên, cán bộ quản lý ở phòng và sở GD-ĐT.

Theo quy định hiện hành, giáo viên được hưởng tiền đứng lớp, phụ cấp, thâm niên, nhưng khi về sở làm chuyên viên hay cán bộ quản lý thì bị cắt hết các khoản này. Những trường hợp được điều động về sở sau ngày 1-9-2010 cũng chỉ được bảo lưu phụ cấp ba năm, sau đó bị cắt luôn.

Thầy N.V.K. (trưởng phòng của Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang) cho biết trước đây ông làm hiệu trưởng một trường trung học thì được hưởng tiền đứng lớp, phụ cấp thâm niên… nên thu nhập tương đối khá. Tuy nhiên, hiện nay thu nhập của ông giảm 4 triệu đồng so với trước. Cũng vì chuyện này mà mới đây thầy L. (hiệu phó rất giỏi môn lý một trường THPT tại TP Mỹ Tho) cương quyết từ chối ghế phó phòng còn trống ở sở.

Tại các tỉnh Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre… cũng có rất nhiều giáo viên giỏi được "nhắm" để đưa về các sở GD-ĐT, nhưng khi nghe tin họ đều tìm cách từ chối, thậm chí nhờ người quen là cán bộ lãnh đạo tỉnh can thiệp. Cũng có người sau khi về sở một thời gian thì cương quyết "từ chức" để trở về trường hoặc dọa sẽ bỏ ngành nếu bị giữ lại sở.

Bà Phan Thị Thu Hà, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho rằng ngành giáo dục sẽ tiếp tục gặp khó trong việc giải quyết tình trạng thiếu chuyên viên và cán bộ quản lý nếu các cơ quan chức năng không có chế độ đãi ngộ. Theo bà Hà, một trong những điều cần làm ngay là nên trả tiền phụ cấp thâm niên cho giáo viên khi điều động họ về sở hoặc phòng GD-ĐT.

N.HẬU

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/496386/Giao-vien-khong-muon-lam-can-bo-quan-ly.html

Tuyển sinh ngành mới

Posted: 11 Jun 2012 10:41 PM PDT

Bộ GD-ĐT vừa có quyết định chính thức giao cho Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đào tạo ngành giáo dục quốc phòng – an ninh, trình độ ĐH chính quy (mã ngành: 52140208).

Trường sẽ tuyển sinh ngành này trong năm 2012-2013, lấy kết quả tuyển sinh ĐH từ thí sinh dự thi khối A, A1, C và D1 với 120 chỉ tiêu.

Hà Ánh

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120612/Tuyen-sinh-nganh-moi.aspx

Comments