Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Cẩn trọng với luyện thi cấp tốc

Posted: 11 Jun 2012 04:16 AM PDT

Gần một tuần tìm hiểu các trung tâm luyện thi (TTLT) ĐH tại TP.HCM, nhóm PV Giáo dục Báo Thanh Niên phát hiện ra nhiều chiêu trò của các trung tâm.

Mạo danh trường ĐH

Trường THCS và THPT Nguyễn Tri Phương tại địa chỉ số 44 Hoàng Việt (Q.Tân Bình) treo băng rôn khổ lớn chiêu sinh luyện thi. Dưới tên trường này có hàng chữ Trung tâm ngoại ngữ kinh tế thương mại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Vì vậy, Trường Nguyễn Tri Phương quảng cáo luyện thi tất cả các khối, đặc biệt là khối A1 vào ĐH Kinh tế TP.HCM. Đó là chưa kể dù là trường phổ thông nhưng trường này quảng cáo tuyển sinh chính quy các ngành dược, điều dưỡng, kế toán, tài chính – ngân hàng… bậc TCCN.

Nếu phát hiện trung tâm nào hoạt động không phép, chúng tôi sẽ xử phạt, yêu cầu họ đóng cửa ngay và trả lại học phí cho học viên

Ông NGUYỄN TIẾN ĐẠT – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

Theo tìm hiểu, đây là trụ sở của Viện Khoa học phát triển nhân lực quốc tế Sài Gòn. Giám đốc của Viện này cũng chính là Chủ tịch HĐQT của Trường THCS – THPT Nguyễn Tri Phương. Vì vậy, nơi đây chỉ tiếp nhận thông tin còn đăng ký và học thì phải qua cơ sở chính của Trường Nguyễn Tri Phương ở 61A Bùi Quang Là (Q.Gò Vấp). Trong lúc đăng ký học, chúng tôi được tư vấn nếu tìm thêm được 5 người đến đăng ký thì mỗi người sẽ được giảm học phí 10% khóa đó!

Ông Bùi Mỹ Ngọc – Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ kinh tế thương mại ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết: "Việc hợp tác giữa hai bên chỉ mới dừng lại ở việc Trường Nguyễn Tri Phương bày tỏ ý định này. Chưa hề có bất cứ một hợp đồng hay thỏa thuận bằng văn bản giữa hai bên".

Nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT cấm các trường ĐH mở rộng TTLT. Vì vậy, những trường có nhiều TTLT trước đây như ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM… đều không liên kết bên ngoài. Các trường này chỉ tổ chức luyện thi ngay tại cơ sở chính. Tuy vậy, nhiều đơn vị bên ngoài vẫn cố bám víu vào thương hiệu trường ĐH để lôi kéo học viên.

Chúng tôi tìm đến một TTLT tại số 73 Lê Trọng Tấn (P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú). Nơi đây treo một băng rôn rất lớn chiếm cả một tòa lầu với nội dung là Trung tâm ngoại ngữ tin học của ĐH Ngoại ngữ – Tin học. Ngoài dạy Anh văn, tin học, nơi này còn quảng bá luyện thi ĐH. Tiếp chúng tôi, người phụ trách tại đây cho biết trung tâm chỉ nhận luyện thi theo kiểu dạy kèm (một thầy cô kèm 3-4 học viên). Học phí mỗi môn học là 1 triệu đồng. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Lý, Phó ban Đảm bảo và thanh tra giáo dục ĐH Ngoại ngữ – Tin học, xác nhận đây là một trung tâm của trường. Tuy vậy, ông Lý khẳng định nơi này không được phép luyện thi ĐH và sẽ đề nghị tháo biển quảng cáo luyện thi ở đây.

Tuy được Sở GD-ĐT cấp phép với tên Nguồn sáng Việt nhưng trung tâm này vẫn cố tình giữ tên cũ là Alpha 1 trước đây khi còn trực thuộc ĐH Sư phạm TP.HCM. Trên các băng rôn quảng cáo trước 2 cơ sở luyện thi và trên thẻ học viên đều ghi rõ: Trung tâm luyện thi ĐH Nguồn sáng Việt (Alpha 1 ĐHSP). Trong thời khóa biểu, logo của trung tâm này vẫn giữ nguyên tên Alpha 1. Trong khi đó, từ lâu trung tâm này đã không còn là cơ sở luyện thi của ĐH Sư phạm TP.HCM.

Cẩn trọng với luyện thi cấp tốc
Trường THCS – THPT Nguyễn Tri Phương quảng cáo là TTLT của ĐH Kinh tế TP.HCM – Ảnh: Đ.Nguyên

Hoạt động không phép

Theo quy định, các TTLT ĐH muốn hoạt động phải có giấy phép của Sở GD-ĐT. Hiện nay, Sở này đã cấp phép cho trên 240 cơ sở bồi dưỡng văn hóa, luyện thi ĐH. Nhưng các trung tâm ngoài danh sách vẫn chiêu sinh rầm rộ với nhiều lời chào mời hấp dẫn.

Trong vai phụ huynh, chúng tôi lần theo địa chỉ các tờ rơi quảng cáo chiêu sinh và tình cờ phát hiện ra hàng loạt trung tâm không phép. Rất khó khăn, chúng tôi mới lần qua các con hẻm tới TTLT ĐH Thầy Đồ (đường Lê Văn Thọ, Q.Gò Vấp). Bảng quảng cáo trước cửa trung tâm ghi tên hàng loạt tên tuổi của các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ của ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM… tham gia giảng dạy. Trong khi mức giá ôn tập tại các trung tâm khác khoảng 1-2 triệu/khóa cấp tốc thì ở Thầy Đồ lên đến 3,4 triệu đồng/người/tháng. Cũng tại Q.Gò Vấp, Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi ĐH Trường Đạt (đường Quang Trung, P.11) cũng không nằm trong danh sách cấp giấy phép của Sở. Giống như Thầy Đồ, Trường Đạt quảng cáo đội ngũ giáo viên luyện thi thuộc các trường danh tiếng như: ĐH Kinh tế, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM… Học phí và tiền nội trú trọn gói tại trung tâm này hơn 7,5 triệu đồng/tháng (3 môn học). Thế nhưng cơ sở giảng dạy chỉ là một phòng khách diện tích khoảng 18 m2 của một căn nhà.

Tại khu vực Q.6, Q.10, Q.Tân Phú… cũng có hàng loạt TTLT không phép như: Minh Trí, Mạc Đĩnh Chi, Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và phát triển giáo dục Hồng Hà, chất lượng cao CFE…

Trao đổi thực trạng trên, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Rất khó kiểm soát, xử phạt luyện thi chui, nhưng qua thông tin phản ánh, Sở sẽ tập trung lưu ý. Nếu phát hiện trung tâm nào hoạt động không phép, chúng tôi sẽ xử phạt, yêu cầu họ đóng cửa ngay và trả lại học phí cho học viên. Đồng thời chúng tôi sẽ giới thiệu cho học viên qua những trung tâm có phép đang hoạt động". Theo ông  Đạt, thí sinh có thể liên lạc với Phòng Giáo dục thường xuyên của Sở GD-ĐT TP.HCM, số điện thoại (08)38221418 để biết được danh sách các TTLT được cấp phép hoạt động.

 

Thí sinh luyện giảm so với năm trước

Theo nhận định của đại diện các TTLT, lượng người đăng ký luyện thi trong tuần đầu tiên sau kỳ thi tốt nghiệp THPT thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Ngay tại các trung tâm lớn, số học viên đăng ký những ngày đầu còn từ 50-80% so với năm ngoái. Ông Lê Danh Giáp – Trung tâm bồi dưỡng văn hóa ĐH Sư phạm TP.HCM lý giải: "Gần đây các tỉnh cũng nở rộ nhiều TTLT, các trường THPT cũng có tổ chức ôn luyện nên nhiều thí sinh ở lại tỉnh học. Mặt khác do tình hình kinh tế khó khăn, ở lại tỉnh học xem ra là giải pháp tối ưu".

Theo ghi nhận, phần lớn thí sinh đăng ký luyện thi khối A. Trong khi đó học viên khối C rất ít ỏi. Theo cô Thu Thủy – nhân viên TTLT ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, số lượng học viên đăng ký khá ít. Các năm trước, chỉ riêng ngày đầu, thí sinh đã đến đăng ký chật kín trung tâm và nhân viên làm việc không ngơi tay. Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, thí sinh luyện thi khối C giảm mạnh do năm nay số lượng hồ sơ đăng ký dự thi khối này vào các trường ĐH rất thấp. Ngoài ra thí sinh khối C có thể ôn thi ở nhà cũng được chứ không nhất thiết phải đi luyện thi.

 Đ.Nguyên – M.Luân – Kỳ Dương

 

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120611/Can-trong-voi-luyen-thi-cap-toc.aspx

Học sinh nói điều triệu người biết mà không nói

Posted: 11 Jun 2012 04:15 AM PDT

– "Rất nên khuyến khích các em đem theo những thiết bị như thế (bút
quay-PV) để giúp cho ngành giáo dục chống tiêu cực. Bởi vì nếu không,
rất oan uổng cho những em học tập và thi cử nghiêm túc. Đây cũng là một
cách để tạo cơ hội cho các em đấu tranh vì sự công bằng trong học
đường”.

Đó là ý kiến của TS Ngộ Tự Lập, chủ nhiệm bộ môn Khoa học xã hội, Nhân
văn và Kinh tế- Khoa Quốc Tế- ĐHQG Hà Nội trước vụ việc tiêu cực thi cử ở
Bắc Giang. Ông cho rằng đây là kinh nghiệm tốt từ kỳ thi này.



  

TS Ngô Tự Lập: “Tôi thấy việc quay trộm này rất có ích, nó buộc các giám thị phải làm việc nghiêm túc hơn”

Hằng năm, sau kỳ thi tốt nghiệp, nhận xét quen thuộc thường
là “kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc và hiệu quả" nhưng trên các
báo, các trang mạng và trong dư luận vẫn nhiều phản ánh về tiêu cực
trong thi cử. Điển hình là năm nay. Ông nghĩ gì về sự trái ngược này?

Đọc các báo cáo, bạn có thấy cuộc thi nào mà không nghiêm túc không?
Có cuộc đấu thầu nào không nghiêm túc không? Thế nhưng các hiện tượng
tiêu cực thì có ai tin là không có? Nó phổ biến đến mức kể cả người nói
là nghiêm túc cũng không tin là nghiêm túc. Nhưng xin nói là không chỉ
có ngành giáo dục mới như vậy. Ở mọi nơi, chúng ta nói điều mà mình
không nghĩ. Tôi ví hiện tượng này là "định lý Thales xã hội". Vấn đề của
tất cả các ngành đều giống nhau.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định, trước mắt vẫn duy trì kì thi tốt
nghiệp. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, để tăng tính tự giác học của học
sinh cần gắn camera từng phòng thi? Việc này sẽ nâng cao trách nhiệm coi
thi của giám thị?

Chính xác. Máy camera hiện nay khá rẻ tiền và có sẵn.  Một máy có
thể theo dõi được nhiều phòng thi. Trong trường hợp không có camera, có
thể dùng laptop với camera gắn sẵn.

Nhưng vấn đề không chỉ là
giải pháp về vật chất, cũng không chỉ là việc tổ chức thi cử. Nếu các em
học kém, học chểnh mảng và đối phó trong suốt 12 năm thì thi kiểu gì
cũng vô nghĩa. Chúng ta nên bàn về chuyện đó.

Theo ông, nên bắt đầu từ đâu?

Nên bắt đầu từ một cách
nhìn khách quan và thực tế. Chúng ta phải căn cứ vào hoàn cảnh thực của
chúng ta để nhận rõ: Ta đang ở đâu? Đang gặp vấn đề gì? Một nền giáo dục
tốt là nền giáo dục đáp ứng nhu cầu của xã hội và kỳ vọng phát triển
của dân tộc. Đó mới là nền giáo dục chất lượng cao, chứ không phải nền
giáo dục chất lượng quốc tế. Không có cái gọi là giáo dục chất lượng
quốc tế: chẳng lẽ lấy Lào, Bờ Biển Ngà, cộng Mỹ, Nhật … rồi chia trung
bình hay sao?

Vấn đề là khi xây dựng chính sách giáo dục, chúng ta không căn cứ vào vào
hoàn cảnh và nhu cầu đặc thù của đất nước mà dựa vào hai thứ: Ý muốn của
chúng ta và những hình mẫu mà chúng ta thích. Ngày xưa, ta thích hình
mẫu Liên Xô, bây giờ thì ta thích hình mẫu Hoa Kỳ. Họ làm cái gì mình
làm cái đấy mà không biết có hiệu quả và phù hợp hay không.

Nhiều người cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp là không cần thiết nhưng
lãnh đạo Bộ GD-ĐT vẫn nói chưa thể bỏ được. Nhiều học sinh chỉ cần cái
bằng chứ không cần kiến thức thực sự. Nguyên nhân sâu xa của sự trái
ngược và coi nhẹ kiến thức này là do đâu?

Tôi cho rằng kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học là cần thiết. Tuy
nhiên, không nên kỳ vọng với chất lượng giáo dục thấp trong suốt 12
năm, đa số các em có thể làm tốt những bài thi khó.

Các em không cần kiến thức vì nhiều lý do, tôi xin nêu một vài lý do trong số đó.

Thứ nhất, ở tuổi mình các em có thể chưa nhận thức được tầm quan trọng và chưa thích thú với một số môn học.

Thứ hai, chương trình chúng ta cũng chứa đựng nhiều kiến thức không cần thiết.

Thứ ba, do sức ép của kỳ thi đại học, rất nhiều em buộc phải tập trung cho một số môn và bỏ bễ các môn học khác.

Phương pháp dạy và chấm thi thiên về kiểm tra thông tin chứ không
khuyến khích sáng tạo cũng khiến các em có xu hướng học gạo. Tuy nhiên
điều này khó cải thiện, vì chất lượng giáo viên còn thấp. Tôi có nhiều
dịp tham gia chấm tuyển giảng viên và thấy không có nhiều giảng viên
tương lai có tư duy sáng tạo và phê phán.

Cảnh học sinh bàn tán thoải mái trong giờ thi. Ảnh chụp
từ clip thi tốt nghiệp ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang)

Từ sự việc này, ngành giáo dục nên rút kinh nghiệm như thế nào?

Tôi thấy việc quay trộm này rất có ích, nó buộc các giám thị phải làm việc nghiêm túc hơn.

Tôi có đọc ý kiến của một quan chức ngành giáo dục là em học sinh ấy sẽ bị xử lý vì vi phạm quy chế thi.

Tôi đề nghị như thế này: nếu cái camera dạng bút ấy không thể dùng để quay cóp thì không thể phạt các em về vi phạm quy chế.

Ngay
cả trường hợp chiếc bút có thể dùng để quay cóp nhưng thí sinh đó không
hề quay cóp mà chỉ dùng để quay hình ảnh tiêu cực thì cũng phải có sự
khoan hồng đặc biệt.

Em đó đã làm một việc đáng khen mà hàng triệu người lớn biết từ hàng chục năm nay mà không dám nói ra.

Tôi
nghĩ, rất nên khuyến khích các em đem theo những thiết bị như thế để
giúp cho ngành giáo dục chống tiêu cực. Bởi vì nếu không, rất oan uổng
cho những em học tập và thi cử nghiêm túc. Đây cũng là một cách để tạo
cơ hội cho các em đấu tranh vì sự công bằng trong học đường.

Theo ông, vì sao những nỗ lực để có một kỳ thi nghiêm túc của
ngành giáo dục khi lần đầu tiên thầy Đỗ Việt Khoa tố cáo tiêu cực lại
thất bại?

Vì tình trạng thi đua hình thức, chỉ dựa vào các con số báo cáo.

Lâu nay chất lượng giáo dục vẫn bị đánh giá là thấp – điều này có
thể thấy ở cả trong các văn kiện của Đảng, nhà nước và của chính Bộ
GD-ĐT.

Để nâng cao chất lượng, chúng ta chọn cách làm dễ nhất -
đó là nâng tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, nâng tỷ lệ học sinh khá giỏi.
Để có tỷ lệ đỗ và đạt điểm khá giỏi cao trong khi trình độ học sinh kém,
người ta chỉ còn cách chấm thật dễ dãi, tức là phải nói dối.

Những nỗ lực vừa qua liên quan đến việc thi cử chắc chắn thất bại vì đó  là nỗ lực ở cuối nguồn chứ không phải ở đầu nguồn.

Nếu
chúng ta có ý định tổ chức thi cử nghiêm túc, chúng ta phải tra lời câu
hỏi: Các thầy cô, người lớn có chấp nhận để các em thi trượt đến 80%
không? Nếu các em trượt thì sẽ đi đâu? Nếu không thể để tỷ lệ trượt cao
như vậy, ta buộc phải tổ chức thi lại để cho các em đỗ. Khi đó chỉ tốn
tiền của và thời gian. Nếu không dám cho các em trượt thì những nỗ lực nói
trên buộc phải thất bại.

Tổ chức thi cử nghiêm túc chỉ có ý nghĩa nếu toàn bộ quá trình học
đánh giá đúng thực tiễn. Tôi đề nghị ngành giáo dục hãy bỏ khẩu hiệu thi
đua đạt bao nhiêu phần trăm khá giỏi, mà vào đó là cuộc vận động thi
đua trung thực về chất lượng.

Phong trào thi đua, cho dù hình thức, cũng phải có lợi cho ai đó chứ? Nếu không, tại sao nó tồn tại dai dẳng như vậy?

Phong trào thi đua hình thức như trên vừa nói thoạt nhìn có lợi, nhưng thực ra nó chẳng lợi ích cho ai cả.

Chẳng hạn, nếu trong một lớp có 50 em với chấp lượng trung bình,
nhưng thầy giáo cho 45 em đạt danh hiệu học sinh giỏi để được coi là
giáo viên giỏi thì thực chất thầy đã nói dối. Nó có lợi cho ai?

Thoạt
nghĩ, nó có lợi cho thầy. Nhưng không, thầy sẽ mất uy tín. Cho trường?
Không, trường cũng mất uy tín. Cho ngành giáo dục? Cũng không, uy tín
của nhà trường mất thì uy tín ngành cũng không còn.

Ông có ý kiến gì khi nhìn vào kết quả thi tốt nghiệp trong 6 năm vừa qua: mỗi năm, tỷ lệ đỗ lại tăng lên?

Khi bạn hỏi tôi, tôi đã biết chắc chắn bạn cũng không tin vào các con số đó phản ánh chất lượng thực tế. Và tôi đồng ý với bạn.

Có một thực tế nhiều phụ huynh băn khoăn, dạy con trung thực
trong môi trường chưa thực sự trung thực dễ thiệt thòi. Ông đã chọn cách
dạy con thế nào?

Các em rất trong sáng. Ý thức về cá nhân,
về lòng tự trọng của các em rất cao nên không lo cho các em. Tôi nghĩ
chúng ta nên lo cho chúng ta. Trong thế hệ phụ huynh hôm nay, nhiều
người chúng ta đã mất đi sự trong sáng trong tâm hồn và không bằng các em.

Ông có ý kiến gì với hành động quay cóp của các em học sinh không?

Các
em đã lên tiếng rồi đấy, còn người lớn thì tiếp tục tìm cách bào chữa.
Các em quay bằng camera cho mọi người thấy: Các thầy cô coi thi như thế
đấy, ném bài như thế đấy. Các em lên tiếng một cách mạnh mẽ, có bằng
chứng. Tôi ca ngợi những hành động dũng cảm, trung thực của các em.

Nguyễn Hường (thực hiện)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/75929/hoc-sinh-noi-dieu-trieu-nguoi-biet-ma-khong-noi.html

Giáo viên tiếng Anh rớt như sung rụng

Posted: 11 Jun 2012 04:15 AM PDT

Giáo viên tiếng Anh rớt như sung rụng

Kỳ 1:  Ngã nhào với chuẩn châu Âu

TT – Nhiều địa phương vừa tổ chức khảo sát năng lực giảng dạy tiếng Anh của giáo viên. Kết quả cho thấy số giáo viên đạt chuẩn thấp đến mức khó hình dung. Trường PT sẽ có giáo viên bản ngữ dạy tiếng Anh

Một buổi ôn thi vào lớp 10 cho học sinh lớp 9 của thầy Vũ Vạn Xuân (một trong những giáo viên đạt chuẩn) giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

Không ít người cho rằng nguyên nhân là do phương pháp đào tạo ở trường sư phạm, thiếu môi trường rèn luyện, đầu vào giáo sinh thấp…

Cần Thơ và An Giang là hai trong những địa phương công bố kết quả khảo sát gần đây nhất. Trong đó, ông Trần Trọng Khiếm – giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ – thông báo một kết quả buồn: trong số 181 giáo viên tiểu học tham dự khảo sát, số đạt chuẩn chỉ có vài người.

Kết quả khảo sát của An Giang cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Tổng số giáo viên các cấp tham gia khảo sát là 1.500 người. Tính theo tỉ lệ thì bậc THPT có 17,8% đạt chuẩn, bậc THCS có 10% đạt và thấp nhất là bậc tiểu học với chỉ khoảng 5%. Nếu tính ra số lượng từ tỉ lệ này, chỉ có 165 giáo viên đạt chuẩn.

Thạc sĩ cũng… rớt

Trong khi đó, số giáo viên đạt chuẩn tại Đồng Tháp còn thấp hơn rất nhiều. Hiện tỉnh này mới khảo sát giáo viên bậc tiểu học và THCS. Kết quả chỉ có hai giáo viên đạt chuẩn theo quy định.

Một cán bộ quản lý Sở GD-ĐT Đồng Tháp nhấn mạnh: "Chương trình đào tạo giáo viên ở bậc ĐH, CĐ như vậy nên khi kiểm tra theo chuẩn châu Âu, giáo viên không đáp ứng được là điều hiển nhiên. Hơn nữa, những năm gần đây có mấy học sinh giỏi tiếng Anh thi vào ngành sư phạm tiếng Anh đâu, họ đi học kinh tế, ngoại thương hết. Ngay cả những người giỏi tiếng Anh nhiều khi cũng không theo nghề".

Thậm chí, ngay tại TP.HCM – địa phương được coi là năng động và có đội ngũ giáo viên tiếng Anh tay nghề cao so với mặt bằng cả nước nhưng trong số 1.100 người (giáo viên THCS, THPT, giáo dục thường xuyên, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp của 10/24 quận, huyện) cũng chỉ có 171 giáo viên đạt chuẩn.

Trong số 929 giáo viên không đạt chuẩn có rất nhiều người là tổ trưởng bộ môn tiếng Anh ở các trường nổi tiếng, thậm chí có người đã tốt nghiệp cao học, có người nổi tiếng với thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi, nổi tiếng với tỉ lệ dạy học sinh thi đậu ĐH 100%.

Ngay cả hai trường chuyên của TP là Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Lê Hồng Phong cũng có giáo viên không đạt chuẩn.

Tương tự, trong tổng số hơn 900 giáo viên tiểu học và THCS của Tiền Giang, chỉ có 10% đạt chuẩn theo quy định. Ông Trần Thanh Đức – giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang – chia sẻ: vài năm gần đây sở đã tiến hành bồi dưỡng cho giáo viên nên mới đạt được kết quả này chứ không sẽ thấp hơn nữa. "Nếu sản phẩm từ các trường sư phạm đưa về, không qua bồi dưỡng sẽ không thể đạt mức này. Nghe, nói là hai kỹ năng mà giáo viên yếu nhất" – ông Đức cho biết thêm.

Chưa hết, nhiều tỉnh tại khu vực ĐBSCL chưa tiến hành khảo sát chuẩn tiếng Anh nhưng đã cầm chắc kết quả "sẽ chẳng khác nhau là mấy". Ông Thái Văn Long – giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau – cho biết hè này sẽ tiến hành khảo sát nhưng với điều kiện một tỉnh vùng sâu vùng xa, giáo viên ít có điều kiện giao tiếp bằng tiếng Anh nên kết quả có khi còn thấp hơn các địa phương khác.

Cùng quan điểm, ông Trần Việt Hùng – giám đốc Sở GD-ĐT Sóc Trăng – nhìn nhận: "Đa số giáo viên không giỏi nên kết quả cũng sẽ không cao".

Ở các địa phương phía Bắc đã thực hiện khảo sát như Hà Nội, Hải Dương, tình hình cũng chẳng khá hơn. Trong hàng trăm giáo viên tham gia khảo sát chỉ có vài chục giáo viên đạt chuẩn.

Số lượng giáo viên tiếng Anh "thi đậu" trong đợt khảo sát vừa qua

Yếu nhất là nghe

Ông Nguyễn Thanh Bình – giám đốc Sở GD-ĐT An Giang – cho hay tỉ lệ giáo viên tiểu học và THCS đạt chuẩn thấp bởi hầu hết giáo viên đều tốt nghiệp các trường CĐ sư phạm địa phương. Nguồn giáo viên THPT đa dạng hơn từ nhiều trường ĐH khác nhau nên chất lượng tốt hơn. Theo ông Bình, kỹ năng mà hầu hết giáo viên không đạt đó là nghe.

Nói về đợt khảo sát này, một giáo viên Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM cho rằng: "Khảo sát là tốt, để giáo viên chúng tôi biết trình độ của mình đang ở đâu. Thế nhưng, tôi được đào tạo trong những năm đầu thập kỷ 1980, chúng tôi có được học với người bản ngữ bao giờ đâu. Gần 30 năm đứng lớp, tôi cũng ít có điều kiện giao tiếp với người bản xứ, chương trình giảng dạy thì không chú trọng nghe – nói nên giáo viên cũng lười rèn luyện kỹ năng này. Mặt khác, chúng tôi cũng không được làm quen với dạng đề khảo sát, không được ôn tập, không được hướng dẫn… khi vào thi, tôi thật sự lúng túng, nhất là phần nghe".

"Kết quả khảo sát chỉ là một trong những yếu tố đánh giá giáo viên. Nó chỉ mang tính chất tham khảo vì ngoài kiến thức về tiếng Anh giáo viên phải có thêm kỹ năng đứng lớp, kỹ năng quản lý học sinh, kỹ năng ra đề kiểm tra… Dạy cho học sinh thi đậu tốt nghiệp, đậu ĐH nhưng bản thân giáo viên thi rớt thấy rất ngại với học sinh" – một giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tâm sự.

Là một trong số giáo viên hiếm hoi đạt chuẩn đợt vừa qua, thầy Vũ Vạn Xuân – giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM – nhận định: "Bấy lâu nay ta tự đặt chuẩn cho ta chứ không theo chuẩn quốc tế. Giáo viên được đào tạo trong trường sư phạm theo chuẩn của VN. Tốt nghiệp sư phạm, giáo viên dạy ở trường phổ thông cũng theo chuẩn đánh giá của VN. Đùng một cái ta khảo sát, yêu cầu các giáo viên phải đạt chuẩn quốc tế là điều khó".

Mặc dù vậy, ông Xuân cũng cho rằng: "Việc đặt chuẩn về tiếng Anh là công việc đáng làm. Đặt chuẩn để thấy rằng phương pháp đào tạo giáo viên tiếng Anh trong trường sư phạm có vấn đề".

Không đánh giá về chương trình đào tạo và chất lượng sinh viên sư phạm, ông Nguyễn Ngọc Vũ – trưởng khoa ngoại ngữ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – chỉ chia sẻ: "Ngoại ngữ là một môn kỹ năng chứ không phải chuyên về kiến thức. Nếu không thực hành thường xuyên, không có môi trường rèn luyện, kỹ năng sẽ ngày càng bị mai một. Những giáo sinh mới ra trường có thể có kỹ năng nghe, nói rất tốt nhưng sau vài năm giảng dạy các kỹ năng này bị mai một do chương trình phổ thông không có môi trường rèn luyện các kỹ năng này. Chương trình dạy chủ yếu là đọc hiểu và ngữ pháp. Điều này cũng có thể lý giải vì sao các chứng chỉ quốc tế như TOEIC, TOEFL chỉ được công nhận giá trị trong khoảng thời gian hai năm".

H.HƯƠNG – M.GIẢNG

97% giáo viên THPT không đạt

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng bộ phận thường trực đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, cho biết đề án đã đưa bài kiểm tra cho 30 tỉnh, thành để khảo sát giáo viên tiếng Anh. Kết quả cho thấy 97% giáo viên THPT, 93% giáo viên tiểu học, THCS không đạt mức chuẩn của đề án xây dựng. Giật mình hơn nữa là có tới 17% giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học trên cả nước chỉ đạt trình độ A1, có nghĩa là tương đương về trình độ với người vừa nhập môn tiếng Anh.

"Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đang yêu cầu thực hiện việc rà soát đội ngũ giáo viên tiếng Anh đối với các tỉnh còn lại để có số liệu đầy đủ của 63 tỉnh, thành" – ông Hùng cho biết.

Phải chăng khoảng cách chênh lệch giữa "chuẩn" của đề án và "chuẩn" đào tạo thực tế quá lớn?

Giải thích việc này, ông Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng: "Giáo viên tiếng Anh đang giảng dạy ở các trường phổ thông về mặt hình thức đều đạt chuẩn tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ, nhưng nhiều giáo viên chỉ được đào tạo theo hệ chuyên tu, hệ từ xa, mở rộng… Bằng cấp thì có nhưng trình độ thực tế thì không đồng đều và phần đông không đảm bảo chất lượng. Một số trường sư phạm cũng chưa đảm bảo chất lượng đào tạo đối với sinh viên hệ chính quy. Trước đây, tiếng Anh chỉ là môn tự chọn nên việc tuyển chọn giáo viên chưa được quan tâm đúng mức, không đặt ra yêu cầu đo đếm kỹ năng nghe, nói, đọc, viết mà chủ yếu kiểm tra xem người dự tuyển có bằng đào tạo hay không. Trong quá trình dạy học, giáo viên cũng chỉ chú trọng dạy từ vựng, ngữ pháp nên kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh của chính các thầy cô cũng mai một. Chỉ khi đề án được triển khai và các tỉnh, thành tiến hành kiểm tra rà soát mới thấy lỗ hổng quá lớn".

VĨNH HÀ

(còn tiếp)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/496164/Giao-vien-tieng-Anh-rot-nhu-sung-rung.html

Lò luyện thi – thật giả lẫn lộn

Posted: 11 Jun 2012 04:14 AM PDT

(GDTĐ)-Thời điểm kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, các sĩ tử bắt đầu "nấu sử sôi kinh" để chuẩn bị mùa thi mới căng thẳng, khốc liệt hơn. Đây cũng chính là thời điểm "vào mùa" của các lò luyện thi cấp tốc.
Tranh giành thí sinh

Dù tại thời điểm "nóng" nhất của kỳ luyện thi ĐH nhưng một thực tế có thể thấy, ở hầu hết các trung tâm luyện thi ở Hà Nội là không khí vắng vẻ hơn hẳn so với mọi năm.

Có mặt tại một trung tâm luyện thi khu vực Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), sáng ngày 9/6, lúc đông đúc nhất, lượng thí sinh vào đăng ký ôn thi cấp tốc tại trung tâm này cũng chưa đến hai chục người. Khi thấy chúng tôi ra vào trung tâm nhiều lần mà không mua phiếu, một phụ nữ bán phiếu thi thử ĐH ngồi ngay cửa trung tâm tỏ ý khó chịu và đề nghị chúng tôi ra ngoài. Giải thích là phóng viên đến viết bài, thậm chí nói cứng muốn gặp lãnh đạo trung tâm chị này cũng không chịu. Khi chúng tôi đưa thẻ nhà báo ra chứng minh, một cán bộ của trung tâm mới ra giải thích, do lầm tưởng chúng tôi là người của trung tâm khác đến đây câu kéo, tranh giành thí sinh, sự việc này vẫn thường xảy ra.

 

 

Cũng theo cán bộ này, năm nay, số học sinh đến đăng ký ôn thi rất vắng, ít hơn nhiều các năm trước. "Do các tỉnh đều có chỗ luyện thi nên các em chọn ôn luyện ở gần nhà. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn, chi phí ở Hà Nội đắt đỏ nên không nhiều em chọn nên đây ôn thi nữa" – vị này cho biết.

Thí sinh Vũ Thị Thuận (Trường THPT Đoàn Thượng – Gia Lộc – Hải Dương) đăng ký luyện thi khối A tại đây tâm sự: các bạn em hầu hết ôn thi tại trường. Em lên đây ôn là do có chị ở trên này, không phải lo việc ăn ở, chỗ ở lại ngay gần trường.

"Các thầy cô trường em nói, đề thi ĐH, CĐ bám sát chương trình học phổ thông, chỉ cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa, chăm chỉ ôn tập là có khả năng thi đỗ. Ngoài ra, với môn thi trắc nghiệm, phải ôn luyện toàn diện các kỹ năng, kiến thức cả chương trình ba năm học THPT, chứ không thể học tủ, học lệch. Đó cũng là lý do khiến các bạn chọn ôn thi ở trường nhiều" – Thuận cho biết.

Thí sinh Phạm Thị Trúc (Nam Định), ở vài ngày ở nhà nghỉ xả hơi hồi sức sau kỳ thi tốt nghiệp, khăn gói lên Hà Nội luyện thi tâm sự: Các bạn em ít người lên Hà Nội ôn thi lắm, hầu như chọn thầy tốt ở ngay tại trường mình hoặc trường lân cận ngay trong huyện để học. Các anh chị năm trước cũng như vậy mà kết quả ĐH cũng khá cao. Nếu em không có người nhà trên này chắc cũng sẽ lựa chọn như các bạn.

Không chỉ Thuận, Trúc mà hầu hết các thí sinh khi được hỏi đều hoặc có chị đang là sinh viên, lên học ôn tiện có chị kèm cặp; hoặc giống như Thuận, có người nhà giúp đỡ nơi ăn chốn ở.

Thí sinh cần tỉnh táo

Rất nhiều thí sinh đến tìm hiểu tại các trung tâm luyện thi ĐH là người ngoại tỉnh. Ít kinh nghiệm, hoa mắt với các biển quảng cáo chiêu sinh cũng như lời chào mời hấp dẫn, có thầy giỏi trường ĐH này nọ, các thí sinh thật khó để có thể tìm được một địa chỉ thực sự tin cậy để gửi gắm giấc mơ giảng đường.

Khu vực Xuân Thủy (Cầu Giấy – Hà Nội), địa bàn 2 trường ĐH lớn và ĐHSP Hà Nội và ĐHQGHN cũng là nơi có rất nhiều lò luyện thi. Nhiều lò luyện trong số này đều quảng cáo có đội ngũ giáo viên giỏi thuộc các khoa của Trường ÐH Sư phạm Hà Nội.

Ngay tấm biển quảng cáo phía ngoài Trung tâm luyện thi Ðức Phú (130 Xuân Thủy – quận Cầu Giấy) đã ghi khá chi tiết: nhận luyện thi các khối A, B, C, D, từ lớp 10 đến lớp 12; lớp từ 10 đến 30 học viên; phòng học có máy lạnh, máy chiếu, giáo viên giỏi thuộc các khoa của Trường ÐH Sư phạm Hà Nội trực tiếp giảng dạy…"

Đại diện trường ĐH SP Hà Nội thì khẳng định, hiện nay, rất ít, hầu như không có giảng viên của trường đi dạy luyện thi tại các trung tâm. Chính vì vậy, thí sinh cần hết sức tỉnh táo trước thông tin có giảng viên uy tín của trường ĐHSP Hà Nội giảng dạy của các trung tâm luyện thi. Thí sinh cũng cần tìm hiểu kỹ để phân biệt rõ cơ sở giả mạo với trung tâm bồi dưỡng kiến thức của trường đóng tại trụ sở ĐH Sư phạm Hà Nội. Hiện trung tâm này, chức năng chủ yếu là bồi dưỡng kiến thức thường xuyên cho HSSV về các môn khoa học tự nhiên, xã hội, tin học, ngoại ngữ…

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201206/Lo-luyen-thi-–-that-gia-lan-lon-1961742/

Nên chăng bỏ thi tốt nghiệp THPT?

Posted: 11 Jun 2012 04:09 AM PDT

Nên chăng bỏ thi tốt nghiệp THPT?

TT – Đổi mới thi cử để chống tiêu cực tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của các chuyên gia giáo dục.

GS.TSKH Hoàng Xuân Sính:

Không nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp… giả vờ

Việc duy trì hay xóa bỏ kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT phụ thuộc quan niệm đánh giá sự cần thiết của tấm bằng THPT ở mỗi nước.

Với cách tổ chức thi như hiện nay, đến sát kỳ thi, thầy trò phải vắt chân lên cổ ôn luyện. Trong ảnh: buổi dò bài ôn thi môn địa lý của học sinh Trường Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM trước ngày thi – Ảnh: NHƯ HÙNG

Trước đây, VN theo hệ thống giáo dục của Liên Xô (cũ) nên xem tấm bằng tốt nghiệp THPT rất dễ dãi với ý niệm: học hết THPT là dứt khoát học sinh phải được vào đời.

Trong khi đó, từ rất lâu nước Pháp lại yêu cầu việc cấp bằng tốt nghiệp THPT phải qua lựa chọn chặt chẽ. Bằng phổ thông khắt khe, nên vào ĐH chỉ cần ghi danh. Đến những năm 1980-1990, tổng thống Pháp khi đó lại cho rằng việc có tấm bằng tốt nghiệp THPT phải phổ biến cho nhân dân. Chính phủ công khai yêu cầu các hội đồng phải bảo đảm 80% thí sinh thi có được bằng tú tài. Song việc vào ĐH vẫn ghi danh trên nền tú tài được mở rộng này đã khiến tỉ lệ trượt của SV trong hai năm đầu lên đến 70%. Các giáo sư Pháp cho rằng SV phải bỏ chi phí học ĐH hai năm đầu với chất lượng thấp như thế là lãng phí nên cho đến giờ vẫn đang kiến nghị vào ĐH phải thi.

Tôi nói thế để thấy rằng việc đánh giá tính chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải chỉ VN mới lúng túng, vấp váp. Ở VN, hiện nay thi ĐH khó, còn thi tốt nghiệp THPT rất dễ, gần như đỗ 100%.

Vấn đề của VN là ngành giáo dục dù không nói ra vẫn đang âm thầm định phổ cập THPT. Mục tiêu "ngầm" này hoàn toàn không phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay của đất nước. Do ý muốn phổ cập sớm, muốn tổ chức kỳ thi hoành tráng nhưng gặp khó trong điều kiện kinh tế thấp nên mới xảy ra những sự cố khi cố lao theo thành tích.

Nhiều ý kiến cho rằng nên giao kỳ thi tốt nghiệp về cho địa phương, nhưng có thể thấy ngay rằng khi làm thế không chỉ đỗ tốt nghiệp THPT 100% mà có thể tất cả học sinh sẽ đạt loại… giỏi. Tuy nhiên, nếu cố duy trì một kỳ thi… giả vờ như hiện nay, nghe có vẻ là kỳ thi quy mô để đánh giá học sinh trên diện rộng, nhưng kết quả cuối cùng cũng chỉ là kết quả giả. Giả vờ thi để đỗ 100% thì nên bỏ kỳ thi giả vờ này đi. Giao cho địa phương sẽ cho kết quả không thực chất, nhưng giữ lại một kỳ thi quốc gia cũng không đem lại kết quả trung thực hơn mà cả xã hội rơi vào lo lắng, căng thẳng và quá tốn kém không hề cần thiết.

Ông Lê Quán Tần
(nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT):

Chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay

Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hình thức văn bằng quốc gia không chỉ có ở VN, mà là hình thức thi cử phổ biến ở nhóm các nước ASEAN và một số nước khác. Nói thế để thấy rằng VN không phải đi một mình một đường.

Việc tính giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho nhà trường, cho địa phương là việc cần thiết phải đưa ra nhưng cần có lộ trình bài bản. Giao địa phương tổ chức kỳ thi sẽ có những hậu quả lường ngay được như trường này chặt, trường kia lỏng, đề ở đây dễ, đề nơi kia khó hơn, sẽ không có được sự công bằng, nhưng cái đó sẽ phải điều chỉnh bằng cơ chế quản lý chặt chẽ và xã hội cũng phải thông cảm mà chấp nhận như một sai số.

Vấn đề là chúng ta không nên tuyệt đối hóa kỳ thi tốt nghiệp THPT, đừng xem nó là "bảng chuẩn" đo chất lượng giáo dục. Tính chất các bài thi chỉ để đánh giá vài môn, mỗi môn chỉ "nhấn" vào vài vùng kiến thức, không thể nói đại diện hết cho chất lượng đào tạo. Chưa kể các đề thi hiện nay chủ yếu đòi hỏi kiến thức chứ ít bộc lộ được kỹ năng. Trong khi đó để vào đời, cái cần nhất lại là kỹ năng, suy nghĩ nhanh không, quyết định chính xác không…

Khi còn làm vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, chúng tôi đã có lần trình việc chỉ duy trì một kỳ thi quốc gia thay cho việc tổ chức hai kỳ thi gần nhau (tốt nghiệp THPT và thi ĐH) như hiện nay. Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ có thể giao cho địa phương khi kỷ cương trường học được nâng lên, ngành giáo dục bảo đảm được các điều kiện chất lượng. Trước mắt, với hệ thống giáo dục hiện nay, không thể giao ngay kỳ thi quốc gia này về cho các trường được.

Khi các thầy cô, nhà trường, địa phương vẫn giữ chặt chủ nghĩa vị thành tích nặng nề thì khi giao toàn bộ để họ quyết định tất cả kết quả thi cử, những giả dối sẽ còn nặng nề hơn rất nhiều. Không nên tạo ra thay đổi gì đột ngột cho giáo dục phổ thông hiện nay cả khi năng lực quản lý, sự thiết lập kỷ cương toàn ngành hiện nay còn yếu, nhận thức của giáo viên, của tập thể giáo viên, thậm chí của cả địa phương đâu đó còn lệch lạc. Nếu buông ngay thì chất lượng văn bằng tốt nghiệp sẽ rất thấp.

NGỌC HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/496059/Nen-chang-bo-thi-tot-nghiep-THPT.html

Đình chỉ gần 30 giám thị Hội đồng thi Trường THPT Đồi Ngô

Posted: 11 Jun 2012 04:09 AM PDT

(TNO) Sáng nay 9.6, ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho biết đã đình chỉ công tác chấm thi 28 giám thị tại Hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (H.Lục Nam, Bắc Giang) và yêu cầu làm bản tường trình.

 

Trước đó, đoàn thanh tra của Sở GD-ĐT đã làm việc với toàn bộ thành viên Hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô và các thí sinh trong phòng thi số 8. Tuy nhiên, nội dung làm việc cụ thể thì ông Hiền nói phải thanh tra xong mới công bố.

Ông Hiền cũng khẳng định sẽ thanh tra toàn bộ những clip được công bố để làm rõ vụ việc, làm rõ vấn đề gian lận thi cử mang tính đường dây, có tổ chức như việc tuồn đề thi ra ngoài giải rồi photo mang vào phát cho thí sinh chép. Sau khi có kết luận thanh tra sẽ xử lý nghiêm đúng người, đúng tội.

Cũng trong sáng nay, anh D.T.N, người cung cấp những clip gian lận thi cử tại Hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô cho biết đã mang 6 clip do thí sinh S. quay tại phòng thi số 8 đến giao cho cơ quan công an.

Sau khi giao cho cơ quan công an, anh N. sẽ gửi đến Báo Thanh Niên.

Xuất hiện thêm clip gian lận thi cử

Một diễn biến khác xung quanh vụ việc tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô là trên mạng internet đã xuất hiện thêm clip mới thể hiện gian lận thi cử tại hội đồng thi này.

Đoạn clip được cho là quay lại trong giờ thi môn toán, tại phòng thi số 8 của Hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô.

Hình ảnh trong đoạn clip này ghi lại cảnh vi phạm quy chế, gian lận táo bạo, ngang nhiên hơn của cả thí sinh và giám thị so với clip được cho là môn hóa xuất hiện trước đó.

Clip này ghi lại cảnh phòng thi nhốn nháo vì thí sinh quay ngang, quay dọc, ngồi nghiêng hẳn về phía sau để nhìn bài của bạn nhưng cả hai giám thị đều làm ngơ.

Tiêu cực, gian lận thi cử tại phòng thi này càng được thể hiện rõ hơn khi phao thi, bài giải được đưa vào. Phao thi, đáp án giải sẵn photo được giấu ngay ở tờ giấy thi để chép.

Thậm chí, một số thí sinh còn đặt tờ giấy giải bài thi ở giữa ghế để hai người cùng chép. Lúc này, trong phòng vẫn có đủ mặt giám thị, một ngồi phía cuối lớp, một đi lại nhìn ngó nhưng hoàn toàn không có phản ứng.

Sau đó là sự xuất hiện một phụ nữ có đeo thẻ, mặc váy đỏ (được cho là giáo viên của Trường THPT dân lập Đồi Ngô) thu lại đáp án photo thu nhỏ bỏ vào túi đựng tài liệu trước sự chứng kiến của cả thí sinh và giám thị .

Một vài hình ảnh trong clip gian lận thi cử được cho là trong buổi thi môn toán tại Hội đồng thi Trường THPT Đồi Ngô:

gian lận thi cử đồi ngô 6

Clip được cho là ghi hình trong tại phòng thi số 8 hội đồng thi trường THPT dân lập Đồi Ngô buổi thi môn toán – Ảnh: chụp từ clip

gian lận thi cử đồi ngô 4

Đáp án được giải sẵn, photo để giữa ghế để thí sinh cùng chép – Ảnh chụp từ clip

gian lận thi cử đồi ngô 3

gian lận thi cử đồi ngô 2

gian lận thi cử đồi ngô 1

Những hình ảnh thể hiện gian lận thi cử được cho là tại phòng thi số 8, Hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô - Ảnh chụp từ clip

 

gian lận thi cử đồi ngô

Phụ nữ mặc váy đỏ (được cho là giáo viên của Trường THPT dân lập Đồi Ngô) thu lại đáp án photo thu nhỏ bỏ vào túi đựng tài liệu trước sự chứng kiến của cả thí sinh và giám thị – Ảnh chụp từ clip

Lê Quân – Đan Hạ

Nộp thêm 6 đoạn phim gian lận thi cử

Thí sinh quay phim gian lận thi cử: Công hay tội?

Sẽ cung cấp cho công an 6 clip gian lận thi cử

Công an cử người bảo vệ thí sinh quay clip gian lận thi cử

Cửa cho học sinh rớt tốt nghiệp

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120609/Dinh-chi-gan-30-giam-thi-hoi-dong-thi-truong-THPT-Doi-Ngo.aspx

Comments