Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Tra cứu trực tuyến giấy báo dự thi

Posted: 07 Jun 2012 05:50 AM PDT

(GDTĐ)-Thời điểm này, các trường ĐH, CĐ đã chuyển giấy báo dự thi về các sở GDĐT, các đơn vị ĐKDT và bắt đầu phát giấy báo dự thi cho thí sinh nộp hồ sơ tại trường.
Thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT ở đâu sẽ nhận giấy báo dự thi tại đó.

Đặc biệt, nhiều trường cho biết, thí sinh có thể tra cứu giấy báo dự thi trực tiếp trên website nhà trường.

Theo thông tin từ Ban thư ký hội đồng tuyển sinh trường ĐH Quảng Nam, giấy báo dự thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2012 đã được gửi về các Sở GDĐT và các đơn vị ĐKDT, riêng các thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT tại trường, nhà trường sẽ  thì sẽ gửi giấy báo dự thi đến địa chỉ mà thí sinh đã ghi trong hồ sơ ĐKDT. Cũng theo trường này, nhằm tạo điều kiện cho những thí sinh không nhận được hoặc làm thất lạc giấy báo dự thi được nắm rõ những thông tin liên quan đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ tới, trường đã cập nhật toàn bộ thông tin trên giấy báo dự thi của thí sinh lên website tuyển sinh của trường tại địa chỉ: http://www.qnamuni.edu.vn/tuyensinh/ (mục Giấy báo dự thi).

Đặc biệt, trong trường hợp không nhận được hoặc làm thất lạc giấy báo dự thi, thí sinh liên hệ với phòng đào tạo theo số điện thoại: (0510) 3812933, hoặc có thể sử dụng bản in giấy báo dự thi tại website thay cho giấy báo dự thi bị thất lạc.

Tương tự, trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng sẽ gửi giấy báo trực tiếp cho thí sinh qua đường bưu điện.

Hội đồng Tuyển sinh ĐH Hùng Vương cho biết đã hoàn thành việc gửi giấy báo dự thi cho thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Trường lưu ý, khi nhận giấy báo thí sinh phải xem kỹ những thông tin trên giấy báo để kiểm tra. Nếu có sự sai sót trong giấy báo thì thí sinh bắt buộc phải báo cáo với Hội đồng tuyển sinh trong ngày đến làm thủ tục dự thi hoặc có thể liên lạc trước qua số điện thoại 0210 3821 970  là số thường trực tuyển sinh.

Riêng đối với những thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường (mã 99) sẽ đến nhận giấy báo dự thi tại phòng đào tạo từ ngày 30/5 trở đi. Nhà trường sẽ không gửi giấy báo dự thi qua đường bưu điện vì sợ bị thất lạc gây ảnh hưởng đến thí sinh. Trường cho phép thí sinh tra cứu số báo danh, phòng thi, địa điểm thi tại địa chỉ website http://www.hvu.edu.vn/diem-tuyen-sinh.hvu (nhập họ tên để tìm kiếm).

Ban tuyển sinh – Trường CĐ KT Cao Thắng đã gửi giấy báo dự thi đến các sở giáo dục và đào tạo các tỉnh từ ngày 30/05/2012.

Trường lưu ý, nếu sau ngày 15/06/2012 chưa nhận được giấy báo dự thi, thí sinh liên hệ trực tiếp Trường PTTH hoặc sở GDĐT tỉnh nơi thí sinh đã nộp hồ sơ để nhận giấy báo dự thi. Những trường hợp có sai sót thông tin trong giấy báo dự thi. Thí sinh sẽ được điều chỉnh trong ngày tập trung dự thi đầu tiên (14/07/2012).

Nhiều trường khác đã bắt đầu phát giấy báo dự thi cho thí sinh nộp hồ sơ tại trường  như ĐH Kinh tế TP.HCM, Bách khoa, Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), Sư phạm TP.HCM…

Cơ quan đại diện Bộ GDĐT tại TP.HCM  cũng đã bắt đầu phát giấy báo thi dự thi ĐH, CĐ năm 2012 cho những thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT trực tiếp tại đây.

Theo quy định, thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT ở đâu sẽ nhận giấy báo dự thi tại đó. Cụ thể, thí sinh các trường THPT sẽ nhận tại trường THPT. Các thí sinh tự do sẽ nhận giấy báo dự thi tại sở GDĐT hoặc cơ quan đại diện Bộ GDĐT tại TP.HCM. Khi nhận được giấy báo dự thi, nếu phát hiện có sai sót, thí sinh có thể liên lạc với trường để được sửa chữa.

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201206/Tra-cuu-truc-tuyen-giay-bao-du-thi-1961688/

Kính thưa Bộ Giáo dục…

Posted: 07 Jun 2012 05:50 AM PDT

Thưa các cô chú lãnh đạo Bộ Giáo dục – đào tạo, em hiện đang là sinh viên năm thứ nhất. Mới năm ngoái, em là thí sinh tham gia hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Em thấy có một điều lạ là sao năm nào các kỳ thi cũng có chuyện buồn, khi thì tranh cãi về đề, khi thì xảy ra chuyện sửa barem chấm điểm, và năm nay là chuyện quay cóp tưng bừng ở Bắc Giang bị tung lên mạng.

Em xin kể với các cô chú một câu chuyện như sau: Một người bạn thân của em được ba mẹ có điều kiện cho đi du học tại Úc khi mới vừa xong lớp 10. Vừa rồi, bạn ấy chat kể về những lần thi cử bên xứ kangaroo, nghe cứ tưởng như chuyện cổ tích. Bạn ấy bảo rằng khi học lớp 11 đã có tham gia thi học sinh giỏi môn hóa của toàn nước Úc. Ngày thi, học sinh ở trường nào thi tại trường ấy. Đến giờ quy định, thầy trong trường mở mail lấy đề in ra giao cho học sinh, rồi cứ thế đúng 180 phút sau thu bài gửi về bộ phận chấm thi. Thầy trong trường nhưng chẳng có chuyện gà bài cho học sinh. Học sinh ngồi làm bài mà chẳng có giám thị săm soi, cũng chẳng ai xài "phao"!

Bạn em kể tiếp kỳ thi "2 trong 1" vừa lấy điểm tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để vào đại học. Lại cũng như thi học sinh giỏi, học sinh trường nào ngồi thi ở trường đó. Thầy cô trường nào coi thi trường đó, chứ chẳng phải là những cuộc huy động thầy cô giáo chạy nháo nhào sang trường khác như các kỳ thi ở nước ta. Kết quả để tốt nghiệp và vào đại học không chỉ có bài thi toàn quốc, mà còn căn cứ vào điểm của suốt năm học 12 nên không sợ chuyện quanh năm chơi, chỉ tập trung đối phó với kỳ thi.

Em có hỏi bạn rằng xin đừng nói con người ở Úc là thánh, hoàn toàn không có chuyện châm chước nhằm cho học sinh mình, trường mình đạt kết quả tốt. Bạn bảo: "Dĩ nhiên. Ở mỗi trường, người của bộ giáo dục sẽ nhặt lấy khoảng chục trường hợp bất kỳ, thường ở nhóm học sinh giỏi, để xem xét toàn bộ bài kiểm tra ở các môn trong suốt năm học. Họ làm như thế để xem thử các bài kiểm tra trong trường có quá dễ không, có chấm đàng hoàng không. Nếu mọi chuyện bình thường, khi ấy bộ giáo dục mới công nhận kết quả của trường".

Thưa các cô các chú, nghe bạn kể chuyện du học mà thèm. Em không thèm chuyện bạn kể về những thư viện, phòng thí nghiệm hoành tráng của trường học bên ấy, vì người ta giàu. Em chỉ thèm về sự trung thực, chặt chẽ, hiệu quả và đơn giản trong thi cử bên ấy. Chuyện này em tin không phải do nghèo khiến giáo dục nước mình không làm được. Nhìn lại quãng đường 12 năm học phổ thông, em thật sự buồn. Suốt ba cấp học, chúng em toàn học nhồi học nhét, học theo bài văn mẫu, giải toán kiểu chỉ cần kết quả đúng, không cần biết vì sao nó như thế. Suốt ba cấp học, lúc nào chúng em cũng căng chuyện thi và thi. Hết cấp I lo thi sao cho có điểm cao để vào được trường tốt ở cấp II. Hết cấp II là lo vào cấp III. Hết cấp III là sốt vó chuyện vào đại học. Nhưng vào được đại học thì tàng tàng rồi cũng ra…

Thưa các cô chú lãnh đạo Bộ giáo dục – đào tạo, em ước sao giáo dục nước mình sẽ được như những gì bạn em kể. Khi ấy mỗi năm có lẽ tiết kiệm được hàng trăm tỉ đồng, khi mà các thầy cô không phải chạy sang trường khác coi thi, chấm thi, cả triệu thí sinh (và cả phụ huynh) không phải gạo đùm cơm bới ra Hà Nội, về TP.HCM để thi tuyển sinh đại học. Số tiền tiết kiệm ấy ắt mỗi năm phải xây được vài ngôi trường khang trang.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-604468/kinh-thua-bo-giao-duc.htm

Bắt đầu gửi giấy báo thi ĐH, CĐ

Posted: 07 Jun 2012 05:50 AM PDT

Bắt đầu gửi giấy báo thi ĐH, CĐ

TT – Sáng 6-6, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã bắt đầu phát giấy báo dự thi cho thí sinh nộp hồ sơ tại trường. Trong khi đó, giấy báo dự thi của đối tượng là học sinh THPT cũng sẽ được chuyển về các sở GD-ĐT trong hôm nay.

Nhiều trường ĐH khác như Bách khoa, Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), Sư phạm TP.HCM… cũng đã chuyển giấy báo dự thi về các sở GD-ĐT, các nơi nhận hồ sơ vãng lai. Riêng những thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ gửi giấy báo trực tiếp cho thí sinh qua đường bưu điện.

Ông Nguyễn Quốc Cường – phụ trách phòng tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM – cho biết cơ quan này đã bắt đầu phát giấy báo thi dự thi ĐH, CĐ năm 2012 cho những thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi trực tiếp tại đây.

MINH GIẢNG – HÀ BÌNH

 

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/495407/Bat-dau-gui-giay-bao-thi-DH-CD.html

Coi thi nghiêm túc, khó có gian lận

Posted: 07 Jun 2012 05:36 AM PDT

Coi thi nghiêm túc, khó có gian lận

TT – Ngày 6-6, Công an huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã mời hai thí sinh thực hiện việc quay clip gian lận thi cử đến làm việc. Vị giáo viên lưu giữ và cung cấp clip cũng được một công an tỉnh tới hỏi chuyện.

Các bản sao bài giải từ bên ngoài chuyển vào cho thí sinh – Ảnh: V.H.

Tuy nhiên, nội dung của các cuộc làm việc chưa được tiết lộ. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Hiển, giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho biết cùng ngày bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang đã họp với ban chỉ đạo thi Bắc Giang về vấn đề này và có chỉ đạo xử lý vụ việc.

Đâu chỉ ở Bắc Giang

Trong khi đó, những người tâm huyết với giáo dục cho rằng việc cần làm ngay bây giờ là nhìn thẳng vào những sai phạm và thực trạng của cách tổ chức thi cử hiện nay. "Việc truy vấn, xử lý thí sinh bây giờ không quan trọng bằng việc rà soát tất cả những người có liên quan, sai phạm trong việc tổ chức thi, đặc biệt là kiểm điểm lại trách nhiệm của người chỉ đạo, người quản lý" – ông Đặng Đình Đại, hiệu trưởng Trường THPT Vạn Xuân, Hà Nội, đề nghị.

Và theo nhìn nhận của nhiều cán bộ quản lý, giám thị trực tiếp coi thi, tình trạng thi cử không trung thực không chỉ xuất hiện tại Bắc Giang. Ông Đặng Đình Đại kể một chuyện vừa xảy ra ngay trong kỳ thi năm nay. Giám thị tại một hội đồng coi thi ở Q.Long Biên, Hà Nội đã phát biểu công khai bày tỏ sự bất bình tại hội đồng rằng mình chưa được trường sở tại đón tiếp chu đáo như ở điểm thi khác. Giám thị này cho rằng mình đại diện cho tiếng nói của nhiều giám thị khác để nói lên nỗi bức xúc đó.

"Tôi thấy xấu hổ khi nghe chuyện này. Và giật mình khi ở ngay Hà Nội, nơi được đánh giá là nghiêm túc nhưng suy nghĩ của người đi coi thi, của người tiếp đón vẫn tồn tại quan niệm "chăm sóc tốt thì nới lỏng coi thi cho thí sinh". Tôi đang băn khoăn nghĩ đến chuyện này thì sự việc ở Bắc Giang xảy ra" – thầy Đại cho biết.

Vì thế, "không nên chỉ trách, phạt thí sinh mà phải xem câu chuyện Bắc Giang là bài học cho những người lớn. Vì sao có chuyện tiêu cực? Phải chăng đó là bệnh thành tích, là vấn đề nằm trong mắt xích của cuộc đua học giả, bằng thật?" – một giám thị coi thi tại hội đồng thi Trường THPT Quảng Oai, Hà Nội chia sẻ. Về phản ảnh của một số thí sinh ở điểm thi này cho biết thí sinh được "chép tài liệu thoải mái", giám thị này trần tình: "Để thực hiện nghiêm túc quy định đối với một giám thị nhiều khi rất khó khăn. Giám thị cũng là con người bình thường và chịu những áp lực khác nhau".

Phần đông giám thị khi vi phạm quy chế thường là đã được chỉ đạo "nới lỏng", hoặc do thương học sinh. Việc "đối đãi" của trường sở tại, thậm chí nói trắng ra là "mua giám thị" cũng có nhưng chỉ hi hữu – một giám thị khác vừa coi thi ở điểm thi Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng cho biết.

Tiếc cho "tinh thần năm 2007"

Ông Đại chia sẻ: Tôi có mấy chục năm tổ chức thi, coi thi. Những người như tôi đều hiểu rất rõ một điều nếu người lớn chúng ta làm nghiêm túc thì thí sinh khó có thể gian lận. Làm nghiêm túc không có gì ghê gớm mà chỉ là làm đúng quy chế, đúng quy trình, đúng nhiệm vụ đã được tập huấn. Chuyện thí sinh gian lận trong thi cử thời nào cũng có. Mấy chục năm trước cũng có. Nhưng nếu việc coi thi nghiêm thì không bao giờ xảy ra chuyện quay cóp trắng trợn, chưa kể tới việc thiết lập cả dây chuyền tuồn đề thi, giải đề, ném đáp án như ở Bắc Giang.

Ông Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, cũng cho rằng: "Chúng ta từng huy động rất nhiều thanh tra, đã xáo trộn, tập trung thí sinh theo cụm, rồi đổi chấm chéo nhưng không thể giải quyết được vấn đề. Năm nay, việc "giao chủ động cho địa phương" khiến nhiều tỉnh, thành lo lắng, quan tâm cho thi cử. Nhưng vòng ngoài trường thi yên ả đâu phải kỳ thi đã nghiêm túc, bởi bất ổn có xảy ra hay không phải ở tận trong phòng thi mới biết".

Trong khi đó, ông Lê Tiến Hưng, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, tâm sự: "Năm 2007 tỉ lệ tốt nghiệp THPT của Nghệ An rớt thê thảm, nhưng chính vào thời điểm đó tôi thấy niềm tin của người dân trở lại. Niềm tin đó có thể sẽ là động lực để thầy, trò dạy thật, học thật. Và nếu niềm tin đó được duy trì đến nay, giáo dục cũng đã cải thiện được rất nhiều về chất lượng – một chất lượng thật sự chứ không phải những con số để báo cáo, để tuyên dương".

Ông Hưng nuối tiếc: "Nhưng rồi "tinh thần năm 2007" đã không còn nguyên vẹn mà bị mai một. Việc sau một năm tỉ lệ tốt nghiệp THPT tăng mấy chục phần trăm, chỉ có người không phải trong ngành GD-ĐT mới tin. Người trong ngành, người trực tiếp làm giáo dục thì hiểu rất rõ, phải nỗ lực vượt bậc mới có thể khiến tỉ lệ tốt nghiệp thật nhích lên từng tí một. Năm 2011, nhìn tỉ lệ tốt nghiệp của một tỉnh xấp xỉ 100%, tôi thấy buồn, thấy tiếc vì thấy nó không thực chất. Với bệnh thành tích nặng nề và quá nhiều bất cập trong giáo dục, rất cần có những niềm tin như năm 2007 để vực dậy chất lượng".

VĨNH HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/495410/Coi-thi-nghiem-tuc-kho-co-gian-lan.html

Comments