Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT

Posted: 29 May 2012 04:43 AM PDT

(GDTĐ) – Chỉ còn 4 ngày nữa diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT (từ ngày 2 – 4/6), cho đến nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả… đã được chuẩn bị hoàn tất, chu đáo

Điện Biên: Cấp gần 10 tấn gạo cho HS ôn và thi

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quý Tể, Trưởng phòng Kiểm tra và Quản lý chất lượng giáo dục, cho biết: Hiện Sở Giáo dục – Đào tạo đã nhập đầy đủ dữ liệu thông tin của 5.302 thí sinh dự thi (trong đó: 3.802 thí sinh THPT và 1.500 thí sinh hệ THBT, thí sinh tự do) tăng so dự kiến ban đầu 52 thí sinh. Toàn tỉnh có 20 Hội đồng coi thi (trong đó có 10 cụm thi với 11 hội đồng coi thi và 9 hội đồng coi thi không tổ chức thi theo cụm), sở đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị ở các hội đồng coi thi và giải quyết khó khăn vướng mắc nhất là những trường ở vùng khó khăn, triển khai các trường cho học sinh đăng ký thi thay thế môn Ngoại Ngữ (không bắt buộc), có 159 thí  sinh dự thi môn Vật Lý thay thế.

Học sinh Trường THPT Chà Cang, huyện Mường Nhé đang tích cực ôn luyện.
Học sinh Trường THPT Chà Cang, huyện Mường Nhé đang tích cực ôn luyện.

Để không để tình trạng học sinh ở vùng xa, sâu thiếu đói vào ngày ôn và thi, sở đã cấp gần 10 tấn gạo cho 9 trường THPT vùng khó khăn của các huyện.

Trong những ngày này về Trường THPT Chà Cang, huyện Mường Nhé dù là trường hết sức khó khăn, có nhiều học sinh ở xa nhưng công tác chuẩn bị cho ngày thi tốt nghiệp đã được thầy trò nơi đây chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, đảm bảo theo đúng yêu cầu. Các thầy cô vẫn miệt mài hướng dẫn các em học sinh ôn luyện trên lớp, thầy Nguyễn Tuấn Anh, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Bằng nhiều giải pháp nên những năm gần đây kết quả thi tốt nghiệp của trường đã tăng lên rõ rệt, năm nay, trường phấn đấu đạt tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp trên 90%

Em Giàng A Sinh (xã Nà Hỳ) , học sinh lớp 12 C1, hồ hởi nói với chúng tôi: Chúng em rất tự tin với vốn kiến thức mà thầy cô đã trang bị, để bước vào những ngày thi sắp tới. Trong thời gian ôn thi, nhà ở xa hoàn cảnh khó khăn nên em được thầy cô tạo điều kiện giúp đỡ về vật chất và tình cảm. E chắc chắn mình sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới – Sinh nói rất tự tin.


Trường THPT Mường Nhà tổ chức họp phụ huynh học sinh các lớp 12 trước ngày thi tốt nghiệp.

Thầy Trần Trường Sơn, Hiệu trưởng trường THPT Mường Nhà, huyện Điện Biên, cho biết: Trường tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em học sinh, với quyết tâm đảm bảo 100% học sinh dự thi, phân công người nấu ăn trong 3 ngày thi cho các em và tự tin kết quả kỳ thi sẽ đạt trên 98%.

Nhà trường đã có văn bản phối hợp với cơ quan chức năng đảm bảo mọi điều kiện để phục vụ tốt cho kỳ thi tốt nghiệp, với: Điện lực huyện điện biên, UBND xã Mường Nhà, đồn biên phòng 431, Trạm Y tế xã trong việc phối hợp với nhà trường trước, trong và sau kỳ thi.

Lâm Đồng: 22 thí sinh thi thay thế môn ngoại ngữ bằng Vật lý

Ngày 29-5, tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, cho biết trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Lâm Đồng chí có 22 thí sinh phải thi thay thế môn ngoại ngữ bằng môn Vật Lý.

Đó là trường hợp của 22 thí sinh Trường THPT Lộc Bắc, thuộc xã vùng sâu, vùng xa Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm. Do không được học đủ 3 năm môn ngoại ngữ (tiếng Anh) nên Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng đã quyết định cho cho 22 thí sinh trường này chọn thi môn Vật lý để thay thế.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Lâm Đồng có 14.636 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó hệ Giáo dục thường xuyên có 861 em, số còn lại thuộc hệ THPT, giảm trên 1.000 thí sinh so với năm trước. Toàn tỉnh có 46 Hội đồng thi.

Ông Lê Văn Lai, trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, cho biết để đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn, nghiêm túc vừa qua lãnh đạo sở đã đi kiểm tra tất cả các Hội đồng thi. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cũng đã thành lập nhiều đoàn thanh tra với trên 70 thanh tra viên nhằm giám sát chặt chẽ kỳ thi.

"Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Lâm Đồng đã hoàn tất, chúng tôi đã sẵn sàng cho kỳ thi" – ông Lê Văn Lai nói.

Quảng Nam có hơn 22.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.

Hôm nay, ngày 29-5, Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết, đến nay đã chuẩn bị về mọi mặt để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có hơn 22 nghìn thí sinh dự thi, bao gồm cả khối giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Theo đó, sẽ thành lập 60 hội đồng thi tại 18 huyện/thành phố trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, theo điểm mới trong quy định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thành lập 12 hội đồng thi ghép cho thí sinh là học sinh khối giáo dục thường xuyên với khối giáo dục phổ thông, đặt tại TP Tam Kỳ, TP Hội An và các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Núi Thành, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã đề nghị các cấp ngành phải đảm bảo kỳ thi được chuẩn bị, tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Đặc biệt nhấn mạnh công tác sao in, vận chuyển đề thi, bài thi phải đúng quy trình và bảo mật; các ngành chức năng như điện lực, viễn thông, y tế… đảm bảo cung cấp đủ điện, phương tiện liên lạc, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ và thí sinh trong các ngày diễn ra kỳ thi được tốt hơn.
 Kiên Cường – Quang Ngọc-Hoàng Giang

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201205/Tu-tin-buoc-vao-ky-thi-tot-nghiep-THPT-1961519/

“Thoát hiểm” suy thoái nhờ học trực tuyến

Posted: 29 May 2012 04:43 AM PDT

Khi sắp chuẩn bị hoàn thành khóa học Quản trị kinh doanh tháng 2/2012, Trực Chí An thành lập công ty may. Nhiều bạn bè khuyên anh từ bỏ ý định này vì ngành dệt may trong nước lúc đó  đang gặp rất nhiều khó khăn (giá cả nguyên phụ liệu biến động hàng ngày, giá vải nguyên liệu tăng liên tục từ 7,2% – 18%, số lượng các đơn đặt hàng liên tục giảm sút..). Dù vậy, anh An vẫn thực hiện kế hoạch của mình và tin rằng: "Với những kinh  nghiệm có được và những bài học quản trị kinh doanh các thầy giảng viên doanh nhân chia sẻ, tôi tin là mình sẽ đưa ra những chiến lược hợp lý để đón đầu những xu hướng của thị trường."

 

 

Ngoài việc nhiều  ngày khảo sát và nghiên cứu thị trường thì những ý kiến tư vấn của giảng viên doanh nhân trong khóa học trực tuyến giúp ích rất nhiều cho doanh nhân Trực Chí An trong buổi đầu khởi nghiệp ngành may. Đặc biệt là ý kiến của giảng viên doanh nhân Hoàng Văn Điệp, trưởng phòng kinh doanh công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương : "Với một công ty mới, việc chọn lựa sản phẩm chủ chốt là khá quan trọng nhằm giúp khách hàng ấn tượng và ghi nhớ sản phẩm của công ty. Lựa chọn đúng sản phẩm chủ lực là bạn đã có thành công bước đầu.".

 

 

Và anh An đã lựa chọn đồng phục học đường, đồng phục công sở và đồng phục công nhân là sản phẩm mũi nhọn của doanh nghiệp mình vì theo cảm nhận của anh, nhu cầu đồng phục từ các trường học và công sở ngày càng gia tăng và có thể áp dụng để may với số lượng lớn, giảm được nhiều chi phí cố định.

 

 

Sau hai tháng tới từng trường học và công ty trong địa bàn thành phố, đã có 60% các đơn đặt hàng của công ty là đặt may đồng phục, sau ba tháng, công ty bắt đầu có lãi.

 

 

Khi số lượng đơn đặt hàng nhiều lên, việc đảm bảo tiến độ với khách hàng là vấn đề khá nan giải với một doanh nghiệp mới thành lập. Và những bài giảng về giải pháp outsourcing (thuê ngoài)  trong sản xuất của thầy Nguyễn Hữu Hảo – giám đốc điều hành IBSS Việt Nam đã giúp anh định ra phương án hợp tác với các cơ sở và những hộ gia đình may mặc nhỏ để đặt gia công sản phẩm. Anh An nhớ lại "Để thuyết phục được các hộ sản xuất may nhỏ lẻ hoàn thành đặt hàng đúng hạn không phải chuyện một sớm một chiều. Tôi phải trực tiếp hướng dẫn các chủ hộ quy trình chuẩn để may một  bộ đồng phục, cách sử dụng các bảng biểu quy định chất lượng sản phẩm và kĩ năng quản lý thời gian để luôn đảm bảo tiến độ đơn đặt hàng".

 

 

Nhìn lại chặng đường vừa trải qua, anh tin tưởng: "Tuy những thành công này chưa phải là lớn so với các doanh nghiệp may khác nhưng điều quan trọng là tôi thấy tự tin hơn".

 

 



Doanh nhân Trực Chí An – học viên chương trình Cử nhân trực tuyến TOPICA, Viện Đại học Mở Hà Nội.

 

 

Kết quả khảo sát với hơn 300 học viên tốt nghiệp chương trình Cử nhân trực tuyến TOPICA, Viện Đại học Mở Hà Nội tháng 5 vừa qua cho thấy 19.6% học viên có mức tăng lương trên 40%, chỉ số tăng lương trung bình của  các học viên tốt nghiệp là 23.8%, gần gấp đôi mức tăng lương trung bình tại Việt Nam năm 2012 – theo nghiên cứu của công ty Towers Watson. Khi được phỏng vấn, các học viên đều gắn liền thành công này của họ với việc áp dụng các bài học thực tiễn từ các giảng viên doanh nhân vào quá trình công tác của họ. Nhiều trường đại học khác cũng đang cùng với TOPICA triển khai nhân rộng mô hình đào tạo này.

 

 

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-600649/thoat-hiem-suy-thoai-nho-hoc-truc-tuyen.htm

Chuẩn bị chu đáo nhưng không chủ quan

Posted: 29 May 2012 04:43 AM PDT

(GDTĐ) – Ngày 29/5, đoàn công tác của Bộ GDĐT do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND thành phố Cần Thơ để kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 tại cụm thi Cần Thơ.

Thành phố Cần Thơ có 22 hội đồng thi tốt nghiệp THPT ở đều khắp 8 quận, huyện, trong đó có 9 hội đồng thi ghép giữa hai hệ phổ thông và giáo dục thường xuyên. Hội đồng thi xa trung tâm nhất ở huyện Vĩnh Thạnh cách trung tâm 100km.

Cần Thơ có 9183 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, với 391 phòng thi, trong đó có 1772 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên.

Đặc biệt năm nay, Cần Thơ không có thí sinh thi môn thay thế ở cả hai hệ. Sở GD ĐT đã huy động gần 1500 giáo viên phục vụ công tác coi thi, chấm thi, bảo vệ phục vụ… Hội đồng in sao đề thi đặt tại Sở GDĐT trong khu vực cách ly đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Sở cũng có phương án giao đề thi từ 7 giờ 30 ngày 01/6/2012 trên 4 chuyến xe giao đề đến hội đồng thi có công an, thanh tra Sở và các vị lãnh đạo Sở cùng đi. Mỗi hội đồng thi đều có phòng thi dự phòng để tránh trường hợp thời tiết xấu. Mọi công tác chuẩn bị chu đáo sẵn sàng cho ngày thi đạt kết quả tốt nhất.

Về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 ở cụm thi Cần Thơ sẽ diễn ra 3 đợt thi: Đợt 1 vào các ngày 3, 4, 5/7/2012 thi ĐH khối A và A1. Đợt 2 vào các ngày 8, 9, 10/7/2012 thi ĐH khối B, C, D, T. Đợt 3 thi CĐ tất cả các khối vò ngày 14, 15, 16/7/2012.

Cả cụm thi Cần Thơ năm nay có 100.087 thí sinh dự thi, giảm 8.887 thí sinh so với năm trước. Ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ cho biết, số lượng giảm  do hai nguyên nhân: số lượng học sinh tốt nghiệp THPT giảm và sự phân luồng học sinh tốt hơn. Hai đợt thi ĐH có số lượng thí sinh tập trung đông, đợt 1 có 46641 thí sinh, đợt 2 có 53.446 thi sinh. Cụm thi Cần Thơ có 54 địa điểm thi trong đó có 16 điểm nằm trong khuôn viên ĐH Cần Thơ. Các điểm còn lại được bố trí ở các quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy. Một điểm bố trí tại ĐH Võ Trường Toản tỉnh Hậu Giang.

Đoàn Thanh niên CSHCM trường ĐHCT kết hợp với các Quận Đoàn và đoàn viên trong lực lượng Công an huy động 300 đoàn viên tiếp sức mùa thi. Tổ chức 16 điểm tư vấn bố trí tại các tuyến đường chính, bến xe, bến tàu tư vấn chỗ trọ, chỗ ăn. Đoàn cũng vận động thêm chỗ trọ miễn phí, những suất ăn miễn phí cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Ký túc xá ĐHCT cũng dành 3.500 chỗ trọ trong mỗi đợt thi cho thí sinh. Trong đó có 2000 chỗ trọ do báo Lao Động tài trợ kinh phí. Riêng ĐH Võ Trường Toản cũng cung cấp 1.000 chỗ trọ miễn phí. Cụm thi Cần Thơ năm nay đường sá được nâng cấp tốt hơn, thí sinh giảm nên vấn đề giao thông trong mùa thi sẽ tốt hơn các năm trước.

Sở Y Tế đã thành lập 2 đoàn công tác hỗ trợ mùa thi bằng cách tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, phân công trách nhiệm cấp cứu và điều trị cho từng bệnh viện phụ trách hội đồng thi cụ thể. Tại 22 hội đồng thi THPT đều có y, bác sĩ trực. Điện lực Cần Thơ có phương án cấp điện ưu tiên cho hội đồng thi, chuẩn bị máy phát điện dự phòng nếu xảy ra sự cố.


Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc

Sau khi lắng nghe các báo cáo liên quan tới công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, các thành viên đoàn công tác của Bộ GD-ĐT lưu ý TP Cần Thơ về việc tổ chức chấm thi sao cho giám khảo không được chấm bài của học trò mình. Chấm thi kỹ, báo cáo đúng định kỳ. Chú ý thời tiết thất thường nên có những phương án dự phòng. Đặc biệt đề cao công tác tuyên truyền, chú ý những tin đồn thất thiệt.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa hoan nghênh công tác chuẩn bị chu đáo hai kỳ thi của thành phố Cần Thơ. Đặc biệt là các ngành, các cấp của thành phố cùng phối hợp rất tốt. Đáng trân trọng là hoạt động tiếp sức mùa thi của Đoàn Thanh niên.

Tuy nhiên Thứ trưởng nhấn mạnh, chuẩn bị chu đáo nhưng không thể chủ quan. Khâu coi thi rất quan trọng cần tập huấn cán bộ thật kỹ, phải đảm bảo an ninh, an toàn  trước, trong và sau kỳ thi. Đặc biệt chú ý công tác dự phòng tình huống thời tiết xấu. Mỗi hội đồng thi nên có máy phát điện dự phòng.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT mà tính tự chủ địa phương rất cao. Cần Thơ sẽ tổ chức chu đáo minh bạch, không chạy theo thành tích. Tổ chức kỳ thi ĐH, CĐ là trách nhiệm của TP Cần Thơ.

Ông Sơn cũng đề nghị, để thống nhất thông tin mỗi hội đồng thi cần cử người phát ngôn, Bộ cũng cử người phát ngôn, như thế mới tránh được những thông tin sai lệch.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa tặng bằng khen của Bộ GD-ĐT cho 28 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong kỳ thi tuyển sinh trước.

Nguyễn Ngọc 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201205/Chuan-bi-chu-dao-nhung-khong-chu-quan-1961522/

Tự tin chuẩn bị thi tốt nghiệp

Posted: 29 May 2012 04:42 AM PDT

Cuối tuần này, học sinh (HS) lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Những tư vấn sau đây của các giáo viên nhiều kinh nghiệm sẽ giúp HS yên tâm hơn khi bước vào phòng thi.

Giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh dò bài môn địa lý cho học sinh lớp 12 trong những
ngày ôn tập cuối – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Môn văn: Nắm vững cấu trúc đề thi, kỹ năng làm bài nghị luận

Để trả lời tốt câu 1, thí sinh cần nắm vững nội dung tác phẩm, chú ý các chi tiết nghệ thuật đặc sắc và tư tưởng chủ đề tác phẩm. Khi trả lời cần hướng tới tư tưởng chủ đề tác phẩm. Trình bày từng ý ngắn gọn dưới dạng gạch đầu dòng, không nên viết thành đoạn hoặc bài văn hoàn chỉnh.

Ở câu 2, thí sinh cần tiến hành 3 bước (2 bước đầu làm trong giấy nháp): Bước 1: Tìm hiểu đề và xác định dạng đề. Thông thường có 2 dạng: nghị luận về một tư tưởng, đạo lý hoặc nghị luận về một hiện tượng đời sống. Tiếp đến xác định yêu cầu của đề về nội dung, thao tác nghị luận và phạm vi tư liệu. Bước 2: Lập dàn ý. Bước 3: Viết thành bài văn hoàn chỉnh. Độ dài của bài nghị luận xã hội khoảng 1,5 đến 2 mặt giấy là vừa.

 

 

LƯU Ý KHI LÀM BÀI THI

Ở môn toán, các em tránh ghi sai đề thi. Đây là lỗi cực kỳ nguy hiểm vì lời giải sẽ không được giám khảo chấp nhận. Ngoài ra thí sinh cũng thường phạm các lỗi như tính toán không cẩn thận, rút gọn tùy tiện… Những lỗi này thường dễ bị mất điểm.

Với các môn xã hội, thí sinh nên gạch dưới những yêu cầu của đề thi và hình dung ngay câu hỏi đó ở bài nào trong chương trình đã học. Việc này sẽ giúp các em tránh những nhầm lẫn, lạc đề hoặc hiểu sai đề dẫn đến việc không trả lời đúng trọng tâm câu hỏi. Sau đó các em lập dàn ý bằng cách gạch đầu dòng hoặc làm sơ đồ kiến thức trên giấy nháp từng nội dung cần trình bày.

 

Ở câu cuối cùng (chọn 1 trong 2 đề), thí sinh phải đọc kỹ, cân nhắc xem khả năng làm đề nào sẽ tốt hơn. Để làm tốt câu hỏi này, thí sinh cần nắm vững kỹ năng làm bài văn nghị luận. Đề thi tốt nghiệp THPT thường gặp các dạng: nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ; nghị luận về một tác phẩm văn xuôi, nhân vật. Mỗi luận điểm trong phần thân bài phải viết thành một đoạn văn riêng và chú ý sự liên kết giữa các đoạn. Bài văn nhất thiết phải có dẫn chứng trực tiếp hoặc gián tiếp. Phải nêu luận đề – vấn đề chính – trong mở bài, kết bài.

Trần Thị Mai HồngTổ trưởng tổ văn Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM)

Môn tiếng Anh: Đánh dấu hết các câu trả lời

Vì đề thi có 50 câu nên kiến thức sẽ trải đều chương trình. Năm nay, theo quy định, cấu trúc đề thi có thay đổi một chút: ngữ pháp – từ vựng (22 câu) và câu có chức năng giao tiếp (3 câu). Khi làm bài, thí sinh nên làm lần lượt từ trên xuống, không dừng lại quá lâu ở những câu khó để tránh tốn thời gian và gây mệt mỏi cho trí óc. Sau khi làm xong các câu vừa sức, quay trở lại làm các câu chưa trả lời. Phần kỹ năng đọc nên làm sau vì phải hiểu cả đoạn văn mới làm tốt được. Khoảng 7 phút cuối của giờ thi, thí sinh nhớ đánh dấu hết các câu trả lời, kể cả những câu không chắc chắn.

Trần Thị Huyền ThanhTổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM)

Môn địa lý: Xác định đúng biểu đồ

Để làm bài môn địa lý, mỗi thí sinh nên đọc kỹ đề ít nhất 3 lần và nên gạch chân ý chính, nếu không dễ bị lạc đề hoặc thiếu ý. Sau đó các em lập dàn bài tổng quát để bài làm đầy đủ ý; nhớ làm bài theo đúng trình tự cũng như nên xuống dòng sau mỗi ý. Việc này giúp thí sinh nhìn ra chỗ nào còn thiếu và giúp giám khảo chấm bài dễ dàng hơn.

Đọc lại bài trước khi nộp, nếu thấy sai chỉ cần gạch chéo một nét, tránh tô, xóa. Nếu thấy thiếu ý thì đừng viết chen vào. Tốt nhất làm bổ sung ở bên dưới, nhớ ghi câu số mấy và ghi thêm chữ tiếp theo.

Riêng biểu đồ, nếu vẽ lại lần thứ 3 mới hoàn chỉnh thì nên bỏ tờ vẽ sai đi, viết lại bài mới. Tuy có mất thời gian nhưng bài làm sạch dễ được trọn điểm hơn (tất nhiên là phải xem có đủ giờ viết lại không). Để đạt điểm tối đa ở câu vẽ biểu đồ, thí sinh cần xác định đúng biểu đồ yêu cầu.

Trần Văn QuangTổ trưởng tổ địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM)

Môn lịch sử: Chú ý câu hỏi mang tính vận dụng

Phân tích đề là một trong những kỹ năng học trò còn rất yếu. Các em luôn cho rằng môn lịch sử đơn thuần là học thuộc lòng nên rất lúng túng khi gặp những câu hỏi mang tính vận dụng. Nếu gặp những câu hỏi này, các em nên bình tĩnh xem đề yêu cầu gì, thuộc giai đoạn lịch sử nào? Nếu các em thấy mình không có khả năng phân tích và đánh giá thì tốt nhất cứ nêu tất cả nội dung sự kiện trong giai đoạn có liên quan đến nội dung đề cần giải quyết. Như vậy các em có thể đạt số điểm cần thiết.

Ngoài ra, khi trình bày bài thi, thí sinh phải viết cẩn thận, hạn chế mắc lỗi chính tả, không được viết tắt, tuyệt đối không dùng bút xóa, nếu sai thì gạch ngang phần sai và bỏ phần đó.

Đỗ Thị Thanh ThủyTổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM)

LẤY ĐIỂM CAO CÁC MÔN TỰ NHIÊN

Môn toán: Đọc kỹ đề, phân tích các giả thiết

Khi giải bài, các em cần tính toán cẩn thận, kiểm tra kỹ từng bước, không nên hấp tấp vội vàng. Nên tự mình tính toán trước, sau đó kiểm tra lại kết quả bằng máy tính. Khi gặp các bài toán đòi hỏi phải vận dụng nhiều kiến thức, thí sinh cần bình tĩnh. Đọc kỹ đề, phân tích các giả thiết, các kiến thức liên quan đến giả thiết và kết luận để tìm ra mối liên hệ giữa giả thiết và kết luận, từ đó tìm ra các hướng giải cho bài toán. Thực hiện các hướng giải đã đưa ra và chọn lời giải tốt nhất. Thí sinh ưu tiên giải trước các câu hỏi quen thuộc và dễ thực hiện, các câu hỏi khó sẽ giải quyết sau. Khi giải câu nào các em cần ghi rõ câu số mấy, phần nào. Làm xong câu nào cần xem lại cho kỹ xem có viết sai gì không và đánh dấu các câu đã làm rồi, tránh trường hợp làm sót câu hỏi.

Thạc sĩ Nguyễn Duy HiếuTổ trưởng tổ toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM)

Môn hóa học: Nắm vững hóa tính và lý tính các chất

Trước ngày thi, thí sinh nên đọc kỹ lại phần lý thuyết. Lúc này các em phải tóm tắt và nắm vững so sánh các chất đồng phân của nhau. Ngoài ra, vì đây là môn thi trắc nghiệm nên các em không chỉ nắm vững hóa tính mà còn phải nắm vững lý tính của từng chất. Riêng phần bài tập, chỉ cần thí sinh chú ý và làm quen thật nhuyễn các dạng bài tập tìm công thức, toán về hiệu suất phản ứng, lượng tạp chất và phải nắm thật kỹ các hệ số cân bằng phương trình chính xác để vào phòng thi áp dụng.

Trong quá trình làm bài thi, thí sinh phải đọc kỹ đề vì có những câu "gài bẫy", nên các em dễ chọn sai đáp án. Để bài thi hoàn chỉnh, thí sinh nên chia thời gian làm bài cụ thể như sau: 5 phút đầu tiên dành cho việc đọc kỹ đề, 45 phút tiếp theo dành để làm bài và 10 phút cuối cùng dành cho việc kiểm tra lại toàn bộ 40 câu hỏi và các đáp án.

Việc làm ra giấy nháp rất quan trọng vì nếu có sai sót có thể chỉnh sửa kịp mà bài thi vẫn giữ được sạch sẽ.

Giáo viên Trần Thị Thu Thủy - Tổ trưởng tổ hóa học Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM)

 

 

 

Bích Thanh
(tổng hợp)

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120529/Tu-tin-chuan-bi-thi-tot-nghiep.aspx

Ở ẩn trong mắt tri âm

Posted: 29 May 2012 04:41 AM PDT

Người xưa từng nói "Đại ẩn tại triều, trung ẩn tại thị, tiểu ẩn tại lâm tuyền", ý nói: người ở ẩn giỏi là người ẩn giữa chốn quan trường; kế đến là người sống giữa phố xá mà lòng vẫn giữ được thanh sạch, bình thản; người ở ẩn kém nhất chính là người tìm chốn non xanh nước biếc để trốn đời.

Thời nay, cái sự đi tìm bình yên còn khó hơn. Làm "tiểu ẩn" cũng không xong, vì thói quen đòi hỏi tiện nghi, hoặc thấy người khác có tiện nghi mà thèm… đã thấm vào máu mỗi người.

Tôi không phải là kẻ ham ở ẩn. Trong mắt những người quen biết, tôi là kẻ ưa xung sát, tranh đấu, tự đày ải mình bởi những trách nhiệm đôi khi không chắc nhất định phải gánh lấy.

Rồi một ngày, tôi bỗng nhận ra những năng nổ, những tả xung hữu đột… chỉ mang lại mỗi ngày nhiều thêm những muộn phiền, những điều bất như ý. Tôi tự hỏi mình: thực ra tôi là ai? Tôi muốn gì?

Hoá ra điều tôi muốn giản dị vô cùng: một tri âm tri kỷ. Chỉ cần người tri âm hiểu mình, là mọi cơn bão lòng, mọi cay đắng hờn tủi đều lắng hết. Thậm chí cả lúc trắng tay, cả lúc tai tiếng đến không muốn gặp ai nữa, chỉ cần một ánh mắt đầy tin tưởng của người tri âm, là tôi lại mỉm cười, lại thấy đời đáng sống.

Nhưng ai là tri kỷ của mình?

Tôi thường nghĩ nếu có ai đó tìm được người tri âm tri kỷ, thì đó phải là kẻ được trời ban phước. Nhưng ngẫm lại, nếu mình không mở lòng để người khác hiểu mình, thì làm sao giữa biển người mênh mông kia thấy được một ánh mắt tri kỷ? Vậy là trước hết ta lại phải tin cậy cuộc đời đã. Phải mở lòng cảm thông, chia sẻ với nhân quần. Và trong muôn vàn cái "cho đi", thế nào cũng có ít nhất một trái ngọt để "nhận về".

Tôi tạo dựng góc bình yên cho mình trong ánh mắt tri âm ấy. Và kỳ diệu thay, tôi có không chỉ một người tri âm. Góc bình yên của tôi là ở đó, với nguyên tắc bất di bất dịch: ai đó ngoài kia có thể hiểu sai một hành vi của tôi, còn những người tri âm thì không bao giờ nghi hoặc về tấm lòng cũng như sự chân thành mà tôi dành cho cuộc đời này, và cho chính họ.

Đã chớm bước vào dốc bên kia cuộc đời, trong tôi vẫn ngập tràn năng lượng sống, chính nhờ cái bình yên mà tôi đang thụ hưởng.

  • Trịnh Thanh Nhã (biên kịch)
  • Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/73965/o-an-trong-mat-tri-am.html

Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Posted: 29 May 2012 04:40 AM PDT

Hạn chế tổ chức các hội nghị trong những ngày thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT để tập trung chỉ đạo các kỳ thi.

Đà Nẵng: Dừng xe ben lưu thông vào giờ cao điểm trong các ngày thi tốt nghiệp THPT  

UBND TP Đà Nẵng vừa họp Ban Chỉ đạo – Kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2012. Theo đó, yêu cầu tạm dừng xe ben lưu thông vào giờ cao điểm trong các ngày diễn ra các kỳ thi.

Cụ thể, từ 6 – 7h sáng và từ 12 – 13h chiều các ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm học 2012 – 2013, tạm dừng xe ben lưu thông trong các tuyến nội thành, tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, ĐT 602 ( đoạn từ đường Nguyễn Lương Bằng đến trường THPT Phạm Phú Thứ), Quốc lộ 14B (đoạn từ cầu Tuyên Sơn đến Trường THPT Ông Ích Khiêm).

Tại các Hội đồng thi, yêu cầu bố trí khu vực riêng để tư trang của thí sinh không được phép mang vào phòng thi; không để thí sinh để tư trang ngay các lối đi, hành lang trong khu vực thi. Bên ngoài cổng trường thi, các lực lượng chức năng giữ trật tự, yêu cầu phụ huynh đưa đón con em đi thi đứng cách xa cổng trường thi từ 100m. Đồng thời, chỉ đạo Công an địa phương tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở photocopy cam kết không in sao tài liệu cho thí sinh; nghiêm cấm việc phát tán tài liệu, tờ rơi quảng cáo, tiếp thị.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-599608/san-sang-cho-ky-thi-tot-nghiep-thpt.htm

16 tuổi giải ‘bài toán 350 năm’ của Newton

Posted: 29 May 2012 04:40 AM PDT

Cậu học trò 16 tuổi Shouryya Ray đã làm cả thế giới sửng sốt khi công bố tìm ra lời giải cho bài toán 'huyền thoại' của Issac Newton từng khiến các nhà khoa học bó tay suốt 350 năm qua.

Sau khi công bố đáp án, Ray đã được báo chí tung hô và ca ngợi là một 'thiên tài'. Cậu học sinh đến từ Dresden, nước Đức, đã giải quyết 2 lý thuyết cơ bản về động lực học phân tử mà các nhà vật lý và toán học trước đây chỉ có thể tính toán bằng việc sử dụng máy tính hiện đại.

Lời giải được đưa ra bởi Ray đồng nghĩa với việc giờ đây các nhà khoa học có thể tính được đường bay của một quả bóng ném và dự đoán việc nó sẽ đập vào tường và bật trở lại theo cách như thế nào.

Cậu học trò 16 tuổi Shouryya Ray đã được tung hô là 'thiên tài' sau khi giải quyết lý thuyết được đưa ra bởi Issac Newton

Shouryya Ray lao vào giải toán sau chuyến đi tới trường Đại học Dresden, nơi các giáo sư quả quyết rằng những lý thuyết trên không thể được giải quyết.

Ray giải thích: 'Tôi chỉ tự hỏi bản thân mình: Tại sao lại không thể làm điều đó. Tôi nghĩ rằng đó không phải là một vấn đề quá khó khăn và không tin rằng không có lời giải thích đáng'.

Bài toán mà Newton đưa ra đã gây tranh cãi trong giới khoa học hơn 350 năm

Ray bắt đầu giải các phương trình phức tạp ngay từ khi mới lên 6, nhưng không hề thừa nhận mình là 'thần đồng'. Lý do mà cậu đưa ra là: 'Tôi cũng có nhiều điểm yếu. Có nhiều thứ khác ở trường mà tôi ước mình có thể làm tốt, chẳng hạn như bóng đá'.

Trong suốt nhiều năm, Ray miệt mài và đam mê tìm tòi cái mà cậu gọi là 'vẻ đẹp nội tại' của toán học.

Khi còn nhỏ, bố của cậu, một kỹ sư, đã bắt đầu kiểm tra trí não của Roy bằng việc đặt ra cho cậu những vấn đề số học.

Sau khi chuyển đến từ Calcutta, Ấn Độ 4 năm trước khi không biết chút gì về tiếng Đức, giờ đây Ray đã có thể sử dụng trôi chảy ngôn ngữ này.

Trí thông minh của cậu học trò đã nhanh chóng được ghi nhận tại lớp học và cậu được đặc cách 'nhảy cóc' 2 năm. Ray sắp sửa trải qua kỳ thi tốt nghiệp trung học dù mới chỉ 16 tuổi.

Theo Thúy Hạnh (VTC News)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/73968/16-tuoi-giai--bai-toan-350-nam--cua-newton.html

Ứng dụng điện toán đám mây trong giáo dục – xu thế tất yếu

Posted: 29 May 2012 04:40 AM PDT

(GDTĐ) – Điện toán đám mây (CLOUD COMPUTING) chưa hẳn là một công nghệ mới, nhưng nó là một cuộc cách mạng đang làm thay đổi  bản chất của công nghệ thông tin và tác động mạnh đến mọi lĩnh vực trong đó có giáo dục. Bài viết sẽ khái quát điện toán đám mây và phác thảo xu thế tất yếu của điện toán đám mây trong giáo dục.  

1. Tổng quan điện toán đám mây 

1.1 Bối cảnh ra đời

Trong gần hết kỷ nguyên máy tính cá nhân (PC), những nội dung mà con người cần để làm việc được lưu giữ trong ổ cứng (hard disk) của PC hay trong các ổ cứng gắn ngoài và USB. Trước khi có internet,  các thông tin, dữ liệu trong mỗi chiếc máy tính PC sử dụng độc lập, không liên kết nhau. Mạng internet ra đời đã gắn kết các hệ thống máy tính với nhau, các thông tin được dùng chung một cách có hiệu quả hơn, tuy nhiên chi phí hoạt động còn rất cao. Nhờ sự phát triển của các mạng di động, mạng viễn thông, đặc biệt là mạng thông tin băng rộng và sự xuất hiện của "các phần mềm mô phỏng" đã  tập trung được năng lực tính toán và năng lực lưu trữ  của các máy tính lại với nhau thành một thể thống nhất và đưa vào "mạng”. Khi cần khai thác sử dụng thì lại thông qua "mạng” mà lấy ra, từ đó đã thúc đẩy sự ra đời của điện toán đám mây. Công nghệ điện toán đám mây là một thành tựu khoa học tương đương thành tựu của các công nghệ tính toán nhưng nó khác ở chỗ : công nghệ đám mây còn là mô hình dịch vụ mới. Điện toán đám mây cung cấp phương tiện để chia sẻ phần cứng, phần mềm cơ sở hạ tầng lưu trữ, theo một gói phần mềm tiện dụng và phổ biến. Chúng ta có thể truy cập và sử dụng đến các dịch vụ CNTT tồn tại trong “đám mây". Cấu trúc bên trong các "đám mây" là những cơ sở hạ tầng như phần cứng, phần mềm, mạng, phương thức lưu trữ, bảo trì, backup, v..v.. ,  được duy trì để cung cấp các dịch vụ  đảm bảo khả năng sẵn sàng cao. Đó là các "trang trại server" (server farm) lớn do Amazon, Google và các công ty khác quản lý, nơi một lượng dữ liệu cực lớn được tồn trữ để người dùng có thể lấy về tại bất cứ nơi nào trên thế giới.

1.2. Những ưu việt chính của điện toán đám mây: giá thành các "Server đám mây" và thiết bị đầu cuối của người sử dụng giảm.  

Điện toán đám mây đã tạo cơ sở hình thành phần mềm như là dịch vụ SaaS (Software-as-a-Service) và các server theo định chế "đám mây". Nhờ các server đám mây, những trung tâm dữ liệu truyền thống có thể được thu nhỏ trong một valy, nên giá thành trung tâm dữ liệu giờ đây giảm xuống đáng kể.

Nhờ điện toán đám mây, các doanh nghiệp (công ty) lớn giờ đây không cần phải mua máy chủ riêng, không cần duy trì hàng trăm máy tính  để chứa các dữ liệu của công ty, không cần đội ngũ cán bộ quản trị mạng, không cần mua bản quyền các phần mềm, v..v …  Thay vào đó, công ty chỉ cần sử dụng dịch vụ cài đặt tại một trung tâm điện toán nào đó, đánh giá dịch vụ đó có đáp ứng nhu cầu của công ty mình hay không, và trả tiền dịch vụ đó. Lúc đó công ty sẽ "toàn tâm" tập trung sản xuất còn các nhà cung cấp dịch vụ sẽ lo cơ sở hạ tầng và công nghệ thay  thế để duy trì hoạt động mạng của công ty .

Đối với cá nhân người sử dụng không cần biết bằng công nghệ, bằng hình thức nào, và bằng phương thức quản lý như thế nào  để tạo ra và duy trì các dịch vụ đó, mà chỉ quan tâm làm sao có thể truy cập sử dụng dịch vụ với mức độ an toàn, tin cậy của dịch vụ được cung cấp có đáp ứng được như cầu của mình hay không.

Tóm lại, điện toán đám mây được nói gọn thành "4 không" : không cần máy chủ, không cần bảo trì, không sợ rủi ro, không có  bản quyền, người sử dụng chỉ cần máy tính nối mạng là có thể sở hữu nguồn tài nguyên vô tận trên internet.

1.3.  Giới thiệu một số công ty làm dịch vụ (cung cấp) điện toán đám mây 

Các công ty tiên phong như Amazon đã xây dựng "hệ sinh thái dựa vào đám mây" (cloud-based ecosystem) để làm cho các nội dung như sách điện tử có sẵn với mọi người. Các công ty khác cũng phát triển "hệ sinh thái" riêng của mình. Mới đây Google đã mua Motorola Mobility (công ty chuyên sản xuất máy tính bảng, smartphone và các công cụ khác) với giá 12,5 tỉ USD mà mục tiêu là cho ra một loạt các công cụ di động mới tốt nhất sử dụng các dịch vụ đám mây. Apple cũng có dịch vụ "iCloud", trong đó cho phép người dùng tồn trữ dến 5GB nội dung không tính phí và nhiều hơn nếu đồng ý trả phí. iPhone 4S vừa trình làng có một số cải tiến trên dịch vụ tồn trữ và đồng bộ (storage-and-sync) iCloud của Apple. iCloud cải tiến (sẽ được đưa vào các sản phẩm Apple mới chạy trên hệ điều hành iOS 5) được xem là đối thủ của Amazon.

Các công ty phần mềm nhỏ cũng tận dụng lợi ích của điện toán đám mây như  Dropbox cho phép người dùng upload hình ảnh, văn kiện và các nội dung khác lên trang web có giao diện đơn giản của nó rồi load lại chúng từ các công cụ khác thông qua tài khoản đăng ký. Đa số công ty đều cung cấp miễn phí phần cơ bản của dịch vụ và chỉ tính phí ở phần nâng cao. Dropbox miễn phí 2GB nội dung upload. Các công cụ di động có khả năng đặc biệt và điện toán đám mây là hai trong ba cột trụ cơ bản tạo ra cuộc cách mạng điện toán cá nhân. Nhưng cột trụ thứ ba – sự phổ biến của internet dải rộng – đã tăng tốc độ cho nó.

2. Ứng dụng điện toán đám mây trong giáo dục

2.1 Lợi thế của điện toán đám mây trong giáo dục

Trong ngành giáo dục thường xuyên phải sử dụng nhiều đến các cơ sở dữ liệu cùng với các phép tính toán với chi phí không nhỏ. Điện toán đám mây có thể cung cấp cho các cơ sở giáo dục một phương pháp  nhằm giúp người học một công cụ tính toán đầy tiềm năng. Thông qua điện toán đám mây, các cơ sở giáo dục  giải quyết được bài toán về xây dựng cơ sở hạ tầng, phần mềm, và lưu trữ dữ liệu. Nhờ điện toán đám mây có thể xây dựng dịch vụ sử dụng một lần và sau đó sử dụng nhiều lần bởi đông đảo người dùng theo nhu cầu của họ. Điện toán đám mây  là một lựa chọn tốt cho các cơ sở  giáo dục sử dụng hiệu quả. Nó sẽ không chỉ làm lợi cho người học còn giúp các trường xây dựng cơ sở hạ tầng đa năng tính toán thường xuyên. Dịch vụ điện toán đám mây thực hiện theo các mô hình dịch vụ khác nhau như nền tảng như một dịch vụ (PaaS), lưu trữ như một dịch vụ hoặc phần mềm như một dịch vụ (SaaS), cơ sở hạ tầng như một dịch vụ (IaaS). SaaS được sử dụng trong các đám mây riêng để cung cấp  các phần mềm hỗ trợ cho người học khai thác các phần mềm đắt giá khó tìm trên mạng. Điều này không chỉ cung cấp cho họ những phần mềm chất lượng mà còn giải phóng người học khỏi gánh nặng chi phí các phần mềm bản quyền. IaaS và PaaS được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu cơ sở hạ tầng của sinh viên, giảng viên, học giả nghiên cứu với một số cấu hình phần cứng cụ thể cho các nhiệm vụ cụ thể.

Trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, khai phá dữ liệu .. . . rất cần lưu  trữ khối lượng tài nguyên lớn và yêu cầu  tốc độ tính toán nhanh. Để thực hiện cả 2 chức năng lưu trữ và tốc độ tính toán cần phải xây dựng và triển khai các dự án lớn. Nhưng khi hoàn thành, các kết quả và sản phẩm của dự án này không được sử dụng tiếp cho các dự án tương tự, đây là sự lãng phí lớn. Triển khai điện toán đám mây riêng, các cơ sở giáo dục không phải xây dựng cơ sở hạ tầng khác nhau cho các dự án khác nhau bởi vì mọi kết quả nghiên cứu phát triển  của các dự án đều được quản lý để tái sử dụng cho dự án sau.

Sử dụng hệ thống đăng nhập đơn giản, sinh viên, các học giả nghiên cứu, giáo viên dễ dàng đưa ra yêu cầu và có thể sử dụng cơ sở hạ tầng hầu như không giới hạn. Vì thế mạnh nhất của điện toán đám mây là  mô hình dịch vụ lưu trữ quy mô lớn thông tin. Dữ liệu có liên quan với công việc nghiên cứu khác nhau, dự án hoặc thông tin có thể tái sử dụng,  có thể được giao cho các đám mây lưu trữ quản lý và có thể được truy cập theo yêu cầu. Các cơ sở giáo dục hợp tác  với nhau để xây dựng một kho lưu trữ thông tin theo mô hình lưu trữ tập trung ảo. Đây là cơ chế hoạt động có hiệu quả nhằm giảm chi phí lưu trữ để duy trì kho dữ liệu giáo dục theo điện toám đám mây.

2.2. Điện toán đám mây làm thay đổi bản chất quá trình biến thông tin thành tri thức 

Hiện nay, khối lượng thông tin trong "biển" internet là vô cùng tận, tuy nhiên các thông tin này phân bố hỗn độn do nhiều nhà cung cấp. Do vậy để biến thông tin đó thành tri thức là bài toán  hoàn toàn không đơn giản. Quá trình biến thông tin thành tri thức là một quá trình xử lý thông tin phức tạp có điều khiển. Cốt lõi của điện toán đám mây  là làm cho toàn bộ môi trường tính toán và tri thức ngày càng rẻ hơn. Tri thức có thể được tập trung xử lý và trong quá trình tập trung xử lý đem các dữ liệu biến đổi thành thông tin. Quá trình này đã làm cho việc phổ cập tri thức và năng suất lao động được nâng cao rõ rệt.

2.3. Tình hình ứng dụng dịch vụ  điện toán đám mây trong giáo dục 

Một số nước  trên toàn thế giới đã có sáng kiến sử dụng  điện toán đám mây để phục vụ cho giảng viên, sinh viên và các nhà nghiên cứu. Tiêu biểu là  sáng kiến của  Malaysia trong việc đẩy mạnh hợp tác giữa các ngành công nghiệp, các cơ sở giáo dục,  các tổ chức chính phủ, tổ chức tài chính . . .  để nghiên cứu  :  điện toán đám mây quy mô Internet cho giáo dục. Malaysia đã phát triển một nền tảng điện toán đám mây quốc gia để triển khai dịch vụ trên toàn quốc  nhằm kích hoạt và thử nghiệm dịch vụ thông qua các phần mềm,  điện thoại di động tương tác, các công cụ và phương pháp điện toán đám mây mới. North Carolina State University (NCSU) đã  sử dụng điện toán đám mây trước khi thuật ngữ này được đưa vào sử dụng phổ biến từ năm 2003 và bắt đầu cung cấp dịch vụ đám mây trong năm 2004. NCSU  đã thực hiện một giao diện web mà học sinh có thể sử dụng để truy cập bằng hình ảnh. Những hình ảnh này là các gói phần mềm phục vụ phương pháp truy cập. Họ đã xây dựng một phòng thí nghiệm ảo để các sinh viên, giảng viên từ bên ngoài khuôn viên trường có thể truy cập được. Phòng thí nghiệm ảo này đã bắt đầu cung cấp dịch vụ theo yêu cầu tính toán như : cơ sở hạ tầng như một dịch vụ, nền tảng như một dịch vụ, phần mềm  như một dịch vụ và dịch vụ điện toán hiệu năng cao cho các cơ sở giáo dục. Từ năm 2009, phòng thí nghiệm ảo này đã được phục vụ hơn 30.000 giảng viên, sinh viên và đội ngũ nhân viên truy cập thông qua một giao diện web.

Ở Việt Nam, trường đại học kinh tế Công Nghiệp Long An đã ứng dụng điện toán đám mây Google for education vào việc quản lý hệ thống CNTT nhằm đẩy mạnh chất lượng dạy học, nhanh chóng thoát khỏi tình trạng lạc hậu và đã thu được kết quả đáng khích lệ

3. Mô hình kiến trúc điện toán đám mây trong giáo dục

Thiết lập kiến trúc đám mây riêng cho một cơ sở giáo dục nào tuỳ thuộc vào  mục đích sử dụng và các nguồn tài nguyên hiện có của cơ sở giáo dục đó. Nguồn tài nguyên hiện có trong cơ sở giáo dục có thể được ảo hóa để cung cấp một cách linh hoạt các dịch vụ trừu tượng như IaaS, PaaS. Hình 1 cho thấy kiến trúc của đám mây giáo dục. Cơ sở giáo dục có thể xây dựng các đám mây riêng trên hạ tầng tài nguyên hiện có. Sau đó các trường học hợp tác để xây dựng một đám mây lai nhằm kết hợp tài nguyên với nhau (hình 2). Vì thế các nguồn tài nguyên được kết hợp ngày càng gia tăng,  phong phú, dễ dàng linh hoạt xây dựng và hỗ trợ điện toán đám mây cho các ứng dụng trong giáo dục. Trong trường hợp thứ nhất (hình 1) sử dụng mạng cục bộ (LAN) để truy cập vào dịch vụ đám mây,  trường hợp hai (hình 2) thường sử dụng mạng công cộng (internet) để truy cập vào dịch vụ đám mây. Trong đám mây giáo dục, các nguồn tài nguyên  cần thiết cho hỗ trợ điện toán đám mây cũng có thể được phân phối thông qua các trường  hoặc các tổ chức khác nhau.

Mỗi đám mây riêng được xây dựng sẽ giúp cơ sở giáo dục xác định các dịch vụ do mình được cung cấp – "thỏa thuận mức dịch vụ" . Vì vậy, "thỏa thuận mức dịch vụ" là một trong những sở cứ  đảm bảo người sử dụng điện toán đám mây giáo dục gắn kết  với các dịch vụ được cung cấp từ các đám mây và chuẩn hóa các dịch vụ này ngay ở giai đoạn ban đầu. "Thỏa thuận mức dịch vụ" giúp xác định nhu cầu của người sử dụng, đơn giản hoá vấn đề phức tạp, mở đường giải quyết các tranh chấp  của người sử dụng dịch vụ đám mây.

Các nguồn tài nguyên, dữ liệu của các cơ sở giáo dục có thể ảo hóa  để  giải quyết bài toán sử dụng tài nguyên sẵn có sao cho hiệu quả hơn. Nhờ ảo hóa,  một máy chủ   có thể   tạo ra nhiều máy ảo được sử dụng như máy chuẩn. Thực hiện nguồn mở không chỉ cung cấp  cho người dùng sự linh hoạt để thử nghiệm với các công nghệ cao cấp hiện có, mà còn cung cấp cơ hội để điều chỉnh các nhu cầu cụ thể của người sử dụng

4. Kết luận và kiến nghị

Điện toán đám mây có khả năng cách mạng hóa dễ dàng các cơ sở tính toán  nhằm giúp sinh viên của họ học  hiệu quả nhưng chi phí thấp so với không dùng đám mây.  Ngày nay hầu hết các cơ sở giáo dục đều được kết nối mạng internet tốc độ cao với nhau. Vì vậy, nếu tập trung các cơ sở hạ tầng điện toán đám mây sẽ có thể đáp ứng tất cả các cơ sở hạ tầng liên quan đến nhu cầu của những viện nghiên cứu. Nó sẽ tạo ra một nền tảng chung được chia sẻ giữa các khoa, các sinh viên thuộc các tổ chức khác nhau để tái sử dụng. Điện toán đám mây sẽ giúp sinh viên trên toàn cầu thu được các kỹ năng thế kỷ 21 mà họ cần để cạnh tranh và thành công trong xã hội thông tin toàn cầu.

Trên đây là vài nét chấm phá về điện toán đám mây cho giáo dục. Qua bài viết này, chúng tôi kiến nghị với Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam cần nhanh chóng vào cuộc nghiên cứu, đứng ra chịu trách nhiệm trước Chính phủ để đầu tư nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm điện toán đám mây cho cả nước để mọi cơ sở giáo dục trong nước có thể cùng  truy cập. Nhờ đó sẽ  xây dựng được  tính thống nhất giữa các tổ chức trong phạm vi nhà nước về ứng dụng điện toán đám mây trong giáo dục.Giải pháp xây dựng các đám mây quản lý giáo dục là một giải pháp mang lại nhiều lợi ích to lớn, phù hợp với xu hướng quản lý giáo dục  và là cầu nối,  là cơ hội cho nền Giáo dục Việt Nam vươn lên trong thời kỳ hội nhập với thế giới. Đây cũng là hình thức tốt nhất nhằm giảm thiểu chi phí trong quá trình phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin cho ngành giáo dục Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

[1] http://infreemation.net/cloud-computing-linear-utility-or-complex-ecosystem/

[2] http://labs.yahoo.com/Cloud_Computing

[3] Lê Đình Tuấn. "Áp dụng điện toán đám mây trong việc quản lý hệ thống CNTT tại trường đại học kinh tế Công Nghiệp Long An" 


 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3064/201205/ung-dung-dien-toan-dam-may-trong-giao-duc-–-xu-the-tat-yeu-1961491/

Học “nước rút” trước ngày thi

Posted: 29 May 2012 04:39 AM PDT

Học "nước rút" trước ngày thi

TT – Dù đã ôn tập từ đầu năm nhưng đến những ngày cận kề kỳ thi tốt nghiệp THPT, không khí ở các trường vẫn đầy âu lo, căng thẳng.

Tiết ôn tập môn địa lý cho học sinh lớp 12A3 Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Tại một cơ sở của Trường tư thục Nguyễn Khuyến, Q.Tân Bình, TP.HCM, lịch học những ngày cận kề kỳ thi vẫn dày đặc. Buổi sáng bắt đầu từ 6g15, 7g15 học sinh (HS) ăn sáng, học tiếp đến trưa, nghỉ trưa, học buổi chiều, nghỉ ngơi cuối ca chiều và ca tối kéo dài 19g-23g.

Nuôi như nuôi… trứng

Giáo viên và quản nhiệm thay nhau quan sát, dò bài, kèm cặp từng HS cả ngày lẫn đêm. Hằng ngày HS được làm các bài thi và chấm ngay tại chỗ, hoặc trả ngay trong ngày để giáo viên bộ môn phát hiện em nào còn yếu điểm nào.

Trong khi đó, giáo viên Trường tư thục D tại Tân Phú tỏ ra căng thẳng: "Năm nay lực học của HS yếu hơn năm ngoái nên nhà trường rất lo. Tuần cuối cùng, giáo viên bộ môn sẽ có chiến thuật riêng để ôn luyện cho các em, kể cả việc loại trừ các dạng đề đã ra và đoán đề. Thời gian không còn nhiều nên không thể ôn tập dàn trải được nữa. Đặc biệt các phần nào có thể kiếm điểm từ việc học thuộc thì thầy cô phải tranh thủ gạo bài cho HS bất kể lúc nào".

Hầu hết trường tư thục đều "sáng đèn" đến 22g, 23g mỗi ngày với không khí học tập hết sức nghiêm túc. Một số ban giám hiệu cho biết không dám cho các em về nhà hoặc ra khỏi trường, vì sợ mất nhịp học tập cũng như tránh nguy cơ những tai nạn không đáng có. "Nói chung cứ mùa này là cả giáo viên và quản nhiệm đều nuôi HS như nuôi… trứng, dồn hết công sức cho ngày gặt hái thành quả sắp đến" – bà Lý Thục Trang, hiệu trưởng Trường tư thục Thành Nhân, Q.Tân Phú, cho biết.

Tranh thủ "nạp" thêm

Trong khi đó, có nhiều học sinh, chủ yếu là học sinh trường công lập, tự nguyện đến trường để ôn luyện thêm. Tại Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM, dù đã có lịch nghỉ song vẫn có hơn chục HS mang sách vở lên trường và tự học nhóm trong các phòng học. Một HS cho biết: "Đây là thời gian cuối cùng nên các bạn giúp nhau dò bài để ôn tập phần lý thuyết và các bài thuộc lòng".

Tương tự, tại Trường THPT Hàn Thuyên, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, sau lễ tổng kết, giáo viên chủ nhiệm các lớp khối 12 đã có buổi họp căn dặn HS về các quy định, kinh nghiệm trước kỳ thi lớn sắp tới. Cầm trên tay tấm thẻ dự thi vừa được phát và một xấp tài liệu dày, HS tên Minh cho biết: "Đây là đề cương rút ngắn môn sử do bạn lớp trưởng làm và photo cho cả lớp. Ngoài ra các thầy cô bộ môn cũng in ra một số dạng bài tập toán, hóa thường gặp để bọn em về tự luyện ở nhà. Không còn nhiều thời gian nên cách tốt nhất là cứ mang theo các cuốn đề cương để đọc liên tục".

Tại một lớp ôn tập toán của HS Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, HS cho biết sẽ học hết ngày 29-5. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng nhà trường, trường đã cho HS nghỉ sau đợt ôn tập, thi thử căng thẳng nhưng vẫn có nhiều HS tiếp tục học thêm vì quá lo lắng.

Bạn Nguyễn Thu Hồng, HS Trường THPT Thăng Long, Hà Nội, cho biết: "Em vẫn học đến sát ngày thi, vừa ôn tập để thi tốt nghiệp, vừa ôn để thi đại học". Em sẽ dành hai ngày cuối cùng cho môn lịch sử. Những môn khác phải ôn tập trong quá trình dài để hiểu kiến thức, nhưng môn sử chỉ học thuộc lòng nên rất lo sẽ quên hết khi vào phòng thi".

Cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên dạy văn ở Hà Nội, cho biết: "Bây giờ không phải là lúc học lan man nữa. Chúng tôi chỉ đề nghị những em còn hổng kiến thức phải ôn tập thêm các phần còn yếu. Với các em trung bình trở lên nên nghỉ ngơi, chuẩn bị tâm lý thoải mái, chuẩn bị dụng cụ cần thiết và được phép để mang vào phòng thi. Đặc biệt là xem lại những lưu ý về kỹ năng làm bài".

LƯU TRANG – VĨNH HÀ

Lai Châu: cử giáo viên đến tận nơi

Theo ông Hoàng Đức Minh – giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu, năm nay Lai Châu không tổ chức tập trung học sinh các trường để ôn tập đại trà, mà cử giáo viên đến tận nơi các em đang học tập để tổ chức ôn luyện, tùy trình độ của học sinh. Việc này sẽ giảm khó khăn cho học sinh khi phải đi lại tới nơi học tập trung. Việc ôn thi theo lớp, nhóm nhỏ cũng hiệu quả hơn, giáo viên có điều kiện nắm được điểm yếu của mỗi học sinh để có biện pháp kèm cặp, phụ đạo.

Nam Định: chia "lộ trình" ôn tập văn, sử, địa

Nam Định là tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp cao các năm trước. Năm nay, nhiều trường đã có phương án "bổ túc cấp tốc" những môn không phải sở trường cho học sinh học lệch.

Ông Vũ Xuân Thạo, hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo – Nam Định, cho biết: Các thầy cô phải có kế hoạch ôn tập cho học sinh khối A các môn văn, sử, địa trong hai tháng qua, kể từ khi công bố môn thi. Vì trước đó, học sinh khối A chỉ tập trung học các môn thi đại học (toán, lý, hóa) và môn ngoại ngữ. Tương tự, học sinh khối D vừa phải bổ sung lỗ hổng môn hóa, vừa phải tăng tốc học môn sử.

Tại Trường Nam Trực – Nam Định, các thầy cô chia từng chặng ôn tập các môn văn, sử, địa cho học sinh thi khối A. Trong đó, môn văn được đầu tư nhiều hơn, sử là môn "chốt" lại đợt ôn tập.

V.HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Tuyensinh/Redirect.aspx?ArticleID=493792&ChannelID=142

Comments