Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Ghép thí sinh các trường trong quận để thi tốt nghiệp

Posted: 26 May 2012 04:06 PM PDT

Ngày 25.5, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức họp lãnh đạo các hội đồng thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Theo đó, TP có 66.317 thí sinh dự thi ở 2.789 phòng thi tại 109 hội đồng.

Trong đó có 30 hội đồng ghép bao gồm thí sinh hệ GDTX và hệ phổ thông. Ông Hồ Phú Bạc – Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD của Sở – cho biết: "Để đảm bảo công bằng và khách quan, Sở tổ chức kỳ thi theo hình thức ghép thí sinh ở các trường THPT trên cùng một quận thi chung với nhau.

Dự kiến 10 ngày sau khi kết thúc kỳ thi, Sở sẽ công bố kết quả. Thí sinh nào có nhu cầu phúc khảo bài thi của mình nộp đơn đến hết ngày 21.6 và Sở sẽ không thu lệ phí phúc khảo bài thi".

B.Thanh


Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120525/Ghep-thi-sinh-cac-truong-trong-quan-de-thi-tot-nghiep.aspx

Bài học lớn qua những bài toán nhỏ

Posted: 26 May 2012 04:05 PM PDT

Nhà giáo dục – nhà văn nổi tiếng người Hy Lạp Nikos Kazantzakis từng nói: "Người thầy xây nên những chiếc cầu để mời gọi các em đi qua, song người thầy cũng sẽ phá vỡ chiếc cầu ấy để các em có thể tạo nên chiếc cầu của riêng mình".

Chiếc cầu ấy chứa đựng những giá trị mà các em xây dựng nên để đến với bến bờ tri thức cũng như cái đích làm người. Thầy cô không phải là người dẫn các em đi từng bước mà cùng các em tìm ra con đường đi, truyền cho các em cảm hứng và lòng tự tin. Thầy cô không chỉ cho các em cách giải một bài toán mà cho các em thấy hình ảnh của cuộc đời trong lòng bài toán.

Một lần, một giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Ngôi Nhà Thông Thái (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) hỏi: "Trong các em, ai muốn mai sau trở thành bác sĩ?". Nhiều cánh tay giơ lên cùng với những âm thanh ríu rít. "Các em có biết 37 và 39 số nào lớn hơn?". Bài toán nhỏ này là một cách phát hiện ra triệu chứng sốt ở bệnh nhân qua chiếc cặp nhiệt. Bài toán tình người trong cuộc đời sẽ phức tạp hơn nhưng luôn bắt nguồn từ những bài toán nhỏ hôm nay thầy cô mang đến cho các em.

"Trong lớp chúng ta bạn nào bé nhất?", bài toán này không phải chỉ để luyện tập dùng thước đo hay làm quen với các đơn vị đo lường mà hơn thế tập cho các em biết đánh giá chính mình. Không chỉ về số đo mà còn là những điểm mạnh điểm yếu của mình và đo lòng nhân ái trong mỗi con người. "Bạn Nga bé nhất lớp, vậy khi xếp hàng bạn Nga được đứng trước, khi xem diễn văn nghệ, bạn ấy phải được nhường đứng trước, đúng không nào?". Cô giáo lớp 2 trường tiểu học ấy đã truyền cho những học trò nhỏ của mình lòng nhân ái đơn sơ như thế đó.

Nhường nhau không phải là thiệt thòi mà là để được nhiều hơn trong cuộc sống. Không có loại sữa nào trên đời này có thể tăng được thông minh cảm xúc đó của các em. Chỉ có những bài học tình người lắng sâu trong từng hành động mỗi ngày, trong lớp học, giữa sân chơi, bên bàn ăn, mới làm các em thành nhân chi mỹ sau này.

Bác sĩ – Tiến sĩ  Lưu Trọng Tuấn

Nhường + Nhẫn = Nhanh
Điều chỉnh, thích nghi thời cuộc

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120526/Bai-hoc-lon-qua-nhung-bai-toan-nho.aspx

Bi hài sinh viên kể chuyện ‘đi thầy’ cuối năm

Posted: 26 May 2012 03:41 PM PDT

– Hè về cũng là thời gian sinh viên thi cuối kỳ, bảo vệ tốt nghiệp. Xung quanh
chuyện “đi thầy” qua lăng kính giới sinh viên cũng lắm bi hài.

Méo mặt

Gương mặt méo xẹo Minh – SV năm 3 một trường đại học thuộc khối kỹ thuật ở Hà
Nội tâm sự: "Cuối năm bao khoản tiền phải đóng góp nhưng tiền đi thầy cô
nhiều nhất".

 

Tốt nghiệp nên tặng quà hay phong bì cho thầy cô? (Ảnh minh họa, Nguồn:
Yume/Internet).

Minh kể: "Vừa rồi lớp em thi học kỳ môn đầu. Vì "có ý thức" nên nhóm 4 người
bọn em mỗi người đi thầy 100.000 đồng /bạn. Hiệu quả đến tức thì. Hôm thi thực
hành một cậu không đi thầy, luống cuống đánh rơi cờ-lê xuống sàn. Thầy chỉ chờ
vậy liền tới với gương mặt cau có, quát nạt "anh làm như vậy mai sau ra trường
thì sẽ thế nào?" và bạn bị xơi điểm 0. Nhóm em mấy đứa thực hành thậm chí còn tệ
hơn mà vẫn qua".

Ở một môn khác nhóm của Minh lại rơi vào tình cảnh tương tự khi "chậm chân"
hơn các bạn đi thầy từ trước. "Những bài vẽ kỹ thuật thầy chuẩn bị sẵn, đưa cho
các bạn và nói "cứ yên tâm mà vào phòng thi". Biết tin, mấy hôm nay em đang chạy
vạy khắp các bạn lấy tiền đi gặp thầy để không phải thi lại.

Phương một nam sinh viên năm cuối của một trường ĐH thuộc khu vực quận Cầu
Giấy (Hà Nội) chia sẻ câu chuyện ở trường mình: "Nhóm bạn em làm đồ án tốt
nghiệp. Ngoài chuyện "không nhắc tự phải biết" là đi thầy thì còn nhiều việc
khác mà thầy khiến sinh viên khóc không nổi.

Hôm ấy cả nhóm đang ở trường thì thầy gọi, nói đang bận, có cậu con trai
chuẩn bị tan trường em tới đón giúp. Nhận "lệnh" nhóm lập tức phân công người
tức tốc tới đón "quý tử" giúp thầy.

Chưa hết. Thầy gọi tiếp: "Mai có bà của cháu ở quê xuống chơi, mời các em
tới dự bữa cơm coi như thầy cảm ơn". Vậy là hôm sau mọi người lại "biết ý" gom
góp tiền "thôi thầy để chúng em mời. Tất nhiên là tất cả sẽ ra nhà hàng chứ
không thể ở nhà ăn….”

Phải chi đậm

Tôi có cô bạn ở một tỉnh miền núi xuống Hà Nội vừa tốt nghiệp kế toán tại một
trường CĐ kĩ thuật thuộc huyện Từ Liêm. Ở quê bố cô là giám đốc một công ty lớn
về khai thác khoáng sản. Hiển nhiên tốt nghiệp cô sẽ về nhà làm cho công ty của
bố.

4 học kỳ đầu mải làm thêm "vì không muốn dựa vào gia đình" nên việc học của cô
bê trễ. Rồi cô ý thức được rằng dù về làm ở công ty gia đình nhưng bằng cấp
không thể thế nào cũng được…Xác định phải đạt điểm loại giỏi kỳ cuối mới mong
có bằng khá nên cô tính "đi lẻ và phải đi đậm" nếu không “tiền mất tật mang”.

Phương cho biết: "Có cậu bạn vì điểm kém muốn qua môn, sợ phải học lại một
năm nên đã phải chi đậm đến hơn 20 triệu để thầy tiếp sức".

Cười ra nước mắt

Câu chuyện có thật được sinh viên ở một trường ĐH thiên về kỹ thuật ở quận
Cầu Giấy truyền tai nhau mấy năm nay.

Gần cuối học kỳ, chuẩn bị thi các chàng bèn thuê hẳn xe ta-xi về tận nhà thầy ở
TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) "thăm hỏi". Mới bước ra khỏi xe, đứng trước cổng nhà
thầy thì thầy nhìn thấy. Nhóm vào trong và thưa chuyện. Thầy nhẹ nhàng tiếp và
nhận tiền.

Hôm sau thầy mang phong bì lên trường phản ánh lại câu chuyện. May mắn khi
các chàng sinh viên chỉ bị kỷ luật nhưng chưa đến mức phải đuổi học. Một bài học
nhớ đời cho không chỉ các sinh viên này mà tất cả sinh viên trong trường rằng
"đi ai nhớ phải tránh đi thầy".

Tiến, cựu sinh viên một trường CĐ ở khu vực quận Hai Bà Trưng hiện đang tiếp
tục học liên thông một trường khác cùng lĩnh vực ở Cầu Giấy bổ sung: "Mình nhớ
mãi năm ấy gần như cả lớp đi thầy bộ môn, còn lại 2-3 đứa trong đó có mình vì
khờ dại hay sợ tốn tiền, chấp nhận "tiếng xấu dở hơi, chơi trội" mà chẳng đi. Ai
dè toàn bộ số kia trượt, mấy thằng thi lại qua".

Minh Minh
************
Bạn có gặp những câu chuyện tương tự hãy chia sẻ cho chúng tôi theo địa
chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn. Cảm
ơn bạn.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/73675/bi-hai-sinh-vien-ke-chuyen--di-thay--cuoi-nam.html

Cần chuẩn bị gì trước khi trẻ vào lớp 1?

Posted: 26 May 2012 03:41 PM PDT

Rành chữ vẫn hoảng loạn khi đi học

Đến bây giờ, chị N.M.Giang, có con đang theo tại một trường tiểu học ở Q. Gò Vấp (TPHCM) vẫn day dứt vì quyết định cho con nghỉ học lớp lá để đầu tư luyện chữ mà theo chị đó là bước đệm để vào lớp 1.

Được học tại một trung tâm luyện chữ có tiếng trong thời gian dài nên người mẹ này vô cùng tự hào khi con đã đọc và viết chữ vanh vách khi các trẻ khác mới bắt đầu "a, o, b, c…". Chị dồn hết thời gian cho con luyện chữ, làm toán của với lời động viên: "Con mẹ biết hết thế này, đảm bảo khi đi học nhất lớp".

Nhưng điều đó đã không xảy ra vì chỉ vài tuần vào lớp 1, chưa kịp thể hiện "tài nghệ" về chữ viết, ở cháu đã xuất hiện tình trạng sợ trường lớp, sợ bạn bè… nhất quyết không chịu đến trường. Vào lớp cháu liên tục nôn ói, tè dầm… Sau đó, gia đình mới phát hiện ra cháu sợ một cậu bạn cao to nhất trong lớp thường hay bắt nạt bạn bè cũng như không biết xử lý khi đi vệ sinh ở trường nên lâu nay vẫn nhịn.

Lúc này chị Giang mới nhận ra con mình chỉ chữ mà thiếu đi các kỹ năng như giao tiếp với bạn bè, tự chăm sóc bản thân cũng chia sẻ với bố mẹ về trường lớp. Được kỳ vọng nhưng sau việc học không như mong  muốn, cháu càng bị hoảng loạn, chị buộc phải đưa con đến bác sĩ tâm lý.

Ngược lại, chị N.T.M.N., có con đang học tại Trường tiểu học Cao Bá Quát (Phú Nhuận, TPHCM) cho hay, con mình không hề học chữ trước khi vào lớp 1. Mới đầu cháu có chậm hơn bạn bè, thậm chí cô giáo cũng nhắc cháu phải luyện chữ thêm nhưng chị vẫn không tạo cho con áp lực, về nhà kèm thêm cho con rất nhẹ nhàng.

"Năm đầu tiên cháu kém hơn các bạn, nói thật mình cũng lo nhưng cố gạt đi, miễn sao con thích đi học, không gặp những khó khăn khi ở trường. Bây giờ cháu học lớp 3, đã phát triển bình thường như bao bạn bè. Vợ chồng tôi luôn cố gắng không đặt nặng điểm số của con vì thế cháu cũng không đi học thêm mà không phải lo ngại cô giáo này nọ", chị N. nói.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.3, TPHCM cho hay, thực tế nhiều phụ huynh (PH) cho con nghỉ lớp lá đi luyện chữ để vào lớp 1. Họ coi nhẹ việc hình thành các phẩm chất về sức khỏe, trí tuệ, ngôn ngữ, tình cảm và quan hệ xã hội ở mẫu giáo mà không biết rằng đó chính là tiền đề quan trọng nhất cho trẻ vào lớp 1. GV hai bậc học này không thể làm thay công việc cho nhau.

Về điều này, GV lớp 1 tại trường tiểu học ở Q. Gò Vấp bày tỏ, về kiến thức, GV là người có trách nhiệm giúp HS học đảm bảo chương trình nhưng về việc chuẩn bị tâm lý, các kỹ năng chăm sóc bản thân như đi vệ sinh, ăn uống… nằm ngoài khả năng của họ.

"Các em biết chữ nhưng các em không thích nghi được với đồ ăn ở trường, không biết thay quần áo, không tự đi vệ sinh… Chuyện tưởng rất nhỏ nhưng nhiều em sợ đi học, không có hứng thú với việc học là vì những lý do đó chứ không phải vì không biết chữ. Điều này các em phải được chuẩn bị từ gia đình và trường mầm non", GV này nhấn mạnh.

Quan trọng nhất là hứng thú đến trường

Với kinh nghiệm nhiều năm dạy lớp 1, cô Nguyễn Thị Thu Vân, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TPHCM) cho hay, không ít trẻ biết chữ trước khi đến trường nhưng không thích nghi được với trường lớp, thậm chí tâm lý các em bị khủng hoảng.

"Điều quan trọng nhất khi trẻ vào lớp 1 là các em được chuẩn bị về tâm lý, làm quen với môi trường học tập mới để các em có sự hứng thú với việc học không phải là sự chuẩn bị về chữ viết", cô Vân khẳng định.

Cô Vân cho biết, tại các trường tiểu học, các em sẽ có thời gian làm quen trước khi vào học chính thức. Trong một lớp có trẻ biết chữ trước và trẻ chưa biết chữ, GV sẽ dạy theo phương pháp cá thể hóa để làm sao cho trẻ đã biết chữ không bị nhàm chán, còn trẻ chưa biết chữ không có tâm lý sợ hãi. Vì thế PH đừng nặng nề chuyện con mình phải biết chữ trước mà bỏ qua các khâu chuẩn bị cần thiết về sức khỏe, tâm lý cho các em.

Ở góc độ nhà tâm lý, chuyên gia Võ Thị Minh Huệ (Công ty Tâm lý Trẻ) cho hay, trẻ không cần phải học chữ trước khi khi vào lớp 1 vì kiến thức các nhà khoa học đã sắp xếp phù hợp với độ tuổi. Trẻ học trước nhưng vẫn thua kém bạn bè cũng là điều dễ hiểu vì các em lo "nhồi nhét" học chữ, bỏ qua chuẩn bị sức khỏe, tâm lý sẵn sàng cho việc học.

Ngày đầu đến trường trẻ phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong quan hệ bạn bè, thầy cô, giờ giấc, tự chăm sóc bản thân, ăn uống… Tất cả mọi thứ trẻ cần được chuẩn bị trước. Nhưng nhiều PH chỉ chăm chăm sao cho con mình bằng bạn bằng bè, thậm chí phải hơn con người khác nên ép trẻ "chín non" dù biết rằng tâm lý của sẽ chưa sẵn sàng. Trong khi chỉ cần có sức khỏe đảm bảo, tâm lý vững vàng thì những kiến thức ở lớp 1 không hề nặng nề với đứa trẻ 6 tuổi.

"Bị ép học trước tuổi sẽ sẽ rất dễ bị stress, dẫn đến sợ hãi. Mà tâm lý con người, khi sợ điều gì người ta sẽ né tránh", bà Huệ cho hay.

Theo bà Huệ, PH nên hiểu rằng, thật ra kiến thức trẻ được học ngay từ nhỏ qua những bài hát, những câu chuyện, hiện tượng xung quanh… những hình thức tiếp nhận phù hợp với độ tuổi chứ không chỉ duy nhất bộ sách giáo khoa mới là công cụ để con học kiến thức.

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-598508/can-chuan-bi-gi-truoc-khi-tre-vao-lop-1.htm

Comments