Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Nóng cuộc đua vào lớp 10

Posted: 26 May 2012 05:49 AM PDT

- Gần 1 tháng nữa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ diễn ra, nhưng không khí
luyện thi đã vô cùng nóng. Không chỉ học sinh mà cả phụ huynh đều đang gồng mình
chạy đua đang vào giai đoạn nước rút. Với những học sinh thi vào lớp Chuyên thì việc ôn thi còn áp
lực và căng thẳng hơn nhiều.

Học ôn khép kín

Có mặt ở trường THPT ngày 24/5, mặc dù trường đã tổ chức bế giảng kết thúc
năm học sớm nhưng không khí vẫn sôi động như những ngày học chính khóa. Các em
học sinh ôn thi ở phía trong, phụ huynh chờ đợi ở bên ngoài đã cho thấy đây là
một cuộc đua gay gắt không chỉ của học sinh mà cả ở phía của những phụ huynh.

Phụ huynh học sinh bàn chuyện thi vào 10 khi chờ con tan học.

Đứng đợi con trước cổng trường, chị Hằng – một phụ huynh ở quận Cầu Giấy, Hà
Nội cho biết "Mấy tuần nay cháu đi học suốt, lịch học kín cả rồi, đợi cháu tan
ca học này tôi còn phải đưa cháu đến trung tâm luyện thi học thêm tiếng Anh
nữa". Chị còn cho biết thêm "cháu nó đăng kí thi chuyên nên phải gắng học nhiều
để củng cố kiến thức mới có cơ hội đỗ được". Được biết, cả tháng nay chị Hằng
sao nhãng công việc buôn bán quần áo của mình cũng vì "đưa con chạy sô tới các
lớp luyện thi".

Chính tâm lí "bắt ép" con học, tạo áp lực phải đỗ của các vị phụ huynh đã vô
tình gây ra sự căng thẳng, mệt mỏi cho các em. Nhiều em bày tỏ việc có quá nhiều
áp lực từ nhà trường, bạn bè, cha mẹ, người thân…đã khiến việc "chạy đua", "chạy
sô" là một lẽ tất dĩ ngẫu.

Lưu Hải Yến, lớp 9A3, Trường THCS Nguyễn Siêu, Cầu Giấy Hà Nội đang mua hồ sơ
thi vào lớp 10 mới phần nào cảm nhận được sự quyết tâm cũng như áp lực học ôn
của em "khổ luyện" đến mức nào.

Chia sẻ về lịch học Yến cho biết: "Cả tuần em đi học rồi, sáng học 2 ca toán,
chiều học Anh, Văn và tối luyện thi cấp tốc ở trung tâm, tối về em tự học ở
nhà". Với lịch học kín như vậy, Yến hầu như đã quên đi những sở thích trước đây:
chơi thể thao, nghe nhạc, hát …vì đơn giản "em không còn thời gian để làm việc
gì khác ngoài học". Được biết, bố mẹ Yến rất ủng hộ và luôn thường xuyên nhắc
nhở học bài "con thi trường Chuyên chứ không phải trường thường đâu phải cố gắng
gấp đôi so với bạn khác"- mẹ Yến nhắc nhở vào mỗi buổi tối khi tan lớp về. Yến
than thở "nhiều lúc đi học về mệt bở hơi tai, chưa kịp nghỉ ngơi đã phải ngồi
vào bàn học tiếp".

Còn Nguyễn Hoàng Anh, lớp 9A1, Trường THPT Nguyễn Tất Thành thẳng thắn chia
sẻ "xác định thi vào trường Ams là em đã chuẩn bị trước tinh thần chịu áp lực
rồi". Được biết, hiện nay lịch học của Hoàng Anh đã kín hết tuần bao gồm học học
Toán, Văn, Anh, Địa và môn điều kiên, mỗi môn học 2 buổi/tuần, riêng buổi tối
"bố mẹ em thuê gia sư dạy riêng để kèm học". Chia sẻ về cô con gái của mình, mẹ
Hoàng Anh cho biết "buổi tối chưa ăn cơm xong cháu đã lao lên phòng đóng cửa học
bài, trong thời gian học, cháu chăm chỉ và tập trung lắm". Lịch học thì kín
nhưng Hoàng Anh cho rằng "mong muốn được thi đỗ vào trường Chuyên đã vượt qua
tất cả dù có áp lực em cũng chịu được". Chính vì vậy, một ngày Hoàng Anh phải
chạy sô tới 5 ca học.

Lò luyện kín lịch

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số trường THPT, THCS và Trung tâm luyện
thi các lớp học ôn thi vào lớp 10 đã kín, thời gian biểu đã rõ ràng sáng-chiều
đi học ở trường còn tối học trung tâm. Tại trung tâm dạy học Đức Phú, Số 2 dãy
H1 Trung tâm ĐH Sư Phạm HN có lớp học ôn luyện thi trên cả tuần, dạy thêm 3 môn:
Văn, Anh, Toán. Được biết, các lớp học ôn này đang bước vào giai đoạn nước rút
nhằm tăng cường, bổ sung nhiều kiến thức nhất cho các em.

Ngoài việc cho con em ôn luyện tại trường và các trung tâm, nhiều vị phụ
huynh còn lo lắng "còn có chưa đầy tháng nữa cháu đã thi rồi nên thời gian này
tôi có mời thầy về dạy riêng cho cháu, tuy chi phí đắt hơn nhưng bù lại cháu
hiểu bài và được quan tâm hơn".

Việc thuê thầy về tận nhà dạy kèm được coi là chiến lược đầu tư cấp tốc cho
con cái của các phụ huynh. Theo một phụ huynh cho biết, giá của mỗi buổi thuê
thầy và nếu là thầy giỏi có thể lên đến 3 triệu đồng. Vì vậy, cách đầu tư cho
con này chỉ có thể ở những gia đình khá giả mới chống đỡ được mức tiền thù lao
"khủng" như vậy.

Cuộc chạy đua vào lớp 10 đã không còn là của riêng các em học sinh mà ngay cả
phụ huynh cũng đang đồng hành cùng các em "gấp rút" nạp kiến thức trong giai
đoạn "thử thách" này.

Học hiệu quả không ngại đường xa

Theo Hải Yến "lớp ôn thi cấp tốc đông kinh khủng lên được, mọi người chen
nhau ngồi thậm đến muộn là không có chỗ". Mong muốn thi vào các lớp Chuyên, đạt
điểm cao mà đông đảo học sinh đã lao đầu "chạy sô" đi học mà hiệu quả "chưa biết
tới đâu".

Nhiều phụ huynh bất chấp đường sá xa xôi, vùng ngoại thành thậm chí từ các
tỉnh lẻ như Hưng Yên, Vĩnh Phúc cũng đưa con xuống trung tâm ôn luyện với mong
muốn "con đỗ vào trường chuyên". Hi vọng là thế nhưng các phụ huynh cũng "chỉ
biết bắt con học và chở con đi thôi chứ có biết học thế nào cho hiệu quả đâu".

Theo cô Lê Thị Bích Hà, giáo viên dạy môn Hóa của trường Yên Hòa, Cầu Giấy
cho biết "quan trọng là học hiệu quả chứ không phải là chạy sô cho kín ca kíp là
đỗ được cấp 3. Cái chính là năng lực của học sinh đến đâu để chọn trường thi phù
hợp". Cô Hà cũng chia sẻ thêm "các phụ huynh không nên ép buộc hoặc tạo áp lực
phải đỗ, điều đó gây ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả tiếp thu bài cũng như gây
tâm lí căng thẳng".

Cô Hà khuyên các em học sinh nên tham gia các hoạt động giải trí, vui chơi,
xem phim, tập thể thao…sau mỗi giờ học mệt mỏi và mỗi học sinh cần lên kế hoạch
học tập một cách khoa học, học có phương pháp. Cô cho rằng "học nhiều, chạy sô
lắm chưa hẳn đã tốt quan trọng là hiệu quả chứ không phải là ngồi đếm thời
gian".

  • Huệ Bạch

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/73734/nong-cuoc-dua-vao-lop-10.html

Phân công lại nhiệm vụ Bộ trưởng, Thứ trưởng ngành Giáo dục

Posted: 26 May 2012 05:48 AM PDT

Theo đó, nguyên tắc phân công và thực hiện công tác của Bộ trưởng và các Thứ trưởng như sau: Bộ trưởng chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng theo Nghị định số 178/2007/NĐ-CP và Nghị định số 32/2008/NĐ-CP. Thứ trưởng giúp Bộ trưởng chỉ đạo, thực hiện từng lĩnh vực công tác và theo dõi một số cơ quan, đơn vị, địa bàn được Bộ trưởng phân công; được sử dụng quyền hạn của Bộ trưởng để giải quyết các công việc, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng về các quyết định của mình. Đối với nhữngvấn đề đặc biệt quan trọng, phức tạp hoặc nhạy cảm, cần xin ý kiến Bộ trưởng trước khi quyết định.

Theo kế hoạch phân công công tác cụ thể, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phụ trách lĩnh vực công tác: Chiến lược và kế hoạch phát triển giáo dục; Tổ chức cán bộ; Kế hoạch – Tài chính ngành; Cơ sở vật chất và thiết bị trường học; Thanh tra. Tham gia giải quyết các công việc thuộc trách nhiệm của các Thứ trưởng khi thấy cần thiếtPhụ trách địa bàn: Các thành phố Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phụ trách lĩnh vực công  tác Giáo dục Tiểu học; Giáo dục Trung học; Giáo dục thường xuyên; Phát triển ngành sư phạm; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Công tác tổ chức cán bộ theo sự phân công của Bộ trưởng; Công tác Đảng và Đoàn thanh niên; Công tác thanh tra trong các lĩnh vực phụ trách theo phân công của Bộ trưởng… Phụ trách địa bàn các tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phụ trách lĩnh vực công tác giáo dục Mầm non; Giáo dục trẻ khuyết tật và hoà nhập; Giáo dục dân tộc; Phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm; Báo chí; Xuất bản; Cổ phần hóa doanh nghiệp; Công tác dân số, gia đình và trẻ em; Công tác nữ của ngành; Công tác thanh tra trong các lĩnh vực phụ trách theo phân công của Bộ trưởng… Phụ trách địa bàn các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ.

Thứ trưởng Trần Quang Quý phụ trách lĩnh vực công tác: Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Hợp tác quốc tế; Công tác học sinh, sinh viên; Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và phổ biến pháp luật; Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành; Quan hệ với Quốc hội và các bộ, ngành; Cải cách hành chính; Văn bằng chứng chỉ; Thi đua khen thưởng của ngành; Đảm bảo cơ sở vật chất và hoạt động của Cơ quan Bộ; Phòng chống lụt bão, thiên tai và biến đổi khí hậu; Dân quân tự vệ của cơ quan Bộ; Công tác công đoàn cơ quan Bộ; Công tác thanh tra trong các lĩnh vực phụ trách theo phân công của Bộ trưởng… Phụ trách địa bàn các tỉnh thuộc Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga, lĩnh vực công tác: Giáo dục Đại học; Giáo dục chuyên nghiệp; Giáo dục quốc phòng; Đào tạo với nước ngoài; Đào tạo theo nhu cầu xã hội; Công tác thanh tra trong các lĩnh vực phụ trách theo phân công của Bộ trưởng… Phụ trách địa bàn các tỉnh thuộc Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-599832/phan-cong-lai-nhiem-vu-bo-truong-thu-truong-nganh-giao-duc.htm

Mọi công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT đã sẵn sàng

Posted: 26 May 2012 05:48 AM PDT

(GDTĐ) – Chỉ còn 10 hôm nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT toàn quốc 2012 sẽ chính thức diễn ra. Cho đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị của các Sở GD-ĐT đã hoàn tất. Sau đây là ghi nhận tại một số địa phương về công tác chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này.

Lai Châu: Sở tăng cường GV bộ môn đến tận trường

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu, ông Hoàng Đức Minh cho biết năm nay tổng số thí sinh của Lai Châu  dự thi tốt nghiệp THPT là 2.319 em (nữ sinh có 998 em, 1.772 HS người dân tộc thiểu số), trong đó, GDTX có 802 thí sinh. Với số thí sinh dự thi như vậy nên Sở GD-ĐT Lai Châu đã bố trí tổng số 101 phòng thi, chia thành 7 cụm thi. 100% các Hội đồng thi đều có thanh tra coi thi cắm chốt.

 

Điều đặc biệt là năm nay Lai Châu không tổ chức bố trí cho HS ăn ở tại trường để ôn thi tốt nghiệp mà tổ chức bồi dưỡng HS tại trường. Sở tăng cường bố trí GV các bộ môn đến tận nơi ôn tập cho HS. Bởi rút kinh nghiệm năm ngoái, việc tập trung HS đông như vậy sẽ khiến cho công tác quản lý vất vả hơn. Song, nếu như năm ngoái Lai Châu chỉ có thêm 1 trường THPT mới thì năm nay có mới tới 3 trường, với hơn 100 HS dự thi. Cụ thể Trường THPT Dào San, giáp biên giới Trung Quốc, THPT Nậm Tăm- thuộc khu vực Sìn Hồ (có gần 50 HS), thứ 3 là THPT Mường Kim, diện khó khăn vùng 3, thuộc Than Uyên.

Chỉ đạo của Sở GD-ĐT Lai Châu là năm nay Sở chỉ tổ chức duy nhất một lần thi thử tốt nghiệp THPT cho HS. Ngoài ra các trường cũng tổ chức cho HS thi thử, tùy theo điều kiện từng trường. Ngoài HS các thành phố lớn có điều kiện học ngoại ngữ tốt hơn thì các em thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ, còn lại, HS vùng khó được thi thay thế. Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Minh nhấn mạnh: Lộ trình đến năm 2014, Lai Châu sẽ không cho thi thay thế môn ngoại ngữ mà 100% HS thi ngoại ngữ tốt nghiệp. Cách làm này sẽ giúp HS không ỉ lại mà lười học ngoại ngữ. Vả lại, trong bối cảnh hiện nay, nếu giỏi ngoại ngữ sẽ giúp các em có cơ hội hội nhập tốt hơn.

Cần Thơ: Hơn 9.000 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT

Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, tính cả thí sinh 2 hệ THPT và GDTX toàn thành phố có hơn 9.000 thí sinh đăng ký dự. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, sở đã bố trí 391 phòng thi và trên 1.600 cán bộ phục vụ kỳ thi. Đến thời điểm này, thành phố đã hoàn tất các công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ngành GD đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong thành phố để phục vụ kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng qui chế. Thành phố tổ chức thi ở 14 cụm trường, với 22 hội đồng coi thi. Năm nay Cần Thơ vẫn duy trì tổ chức thi theo cụm trường nhưng không tổ chức chấm bài chéo giữa các tỉnh, thành lân cận. Thí sinh hệ THPT và GDTX thi cùng một hội đồng thi nhưng đề thi, phòng thi riêng.

Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, từ ngày 4 -18/6, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức chấm thi. Trước ngày 24-6, các đơn vị cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh. Sở cũng yêu cầu, trước ngày 23-6, các đơn vị nộp danh sách thí sinh xin phúc khảo bài thi về Sở GD-ĐT TP. Tổ chức chấm phúc khảo bài thi chậm nhất ngày 28-6.

Kon Tum: Tăng 575 thí sinh so với năm ngoái

Ông Nguyễn Sỹ Thư, Giám đốc Sở GD-ĐT Kon Tum cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 toàn tỉnh có tổng số thí sinh dự thi là 4.391 (tăng 575 thí sinh so với năm 2011), bố trí ở 189 phòng thi. Trong đó, 3.652 thí sinh hệ THPT (864 thí sinh DTTS, tăng 244 thí sinh so với năm học 2011) và 739 thí sinh hệ GDTX (509 thí sinh DTTS, tăng 274 thí sinh so với năm 2011). Có 1.373 thí sinh là người dân tộc thiểu số. Số nữ sinh toàn tỉnh dự thi là 2.529 em. Cả tỉnh có 739 thí sinh thi môn thay thế. Có 1.579 thí sinh thi ngoại ngữ hệ 3 năm, còn hệ 7 năm có 2.073 thí sinh đăng ký dự thi. Tổng số cán bộ, GV làm nhiệm vụ ở các hội đồng coi thi là 680 người.

Nhằm tạo điều kiện về đi lại, ăn, ở, kinh phí và tâm lý cho thí sinh dự thi, Sở GD-ĐT đã thành lập 12 Hội đồng coi thi. Riêng hai đơn vị do số lượng thí sinh ít là trường PTDTNT Tu Mơ Rông có 70 HS, PTDTNT Kon Plông có 32 thí sinh nên phải tập trung dự thi tại HĐCT trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Đăk Tô) và THCS thị trấn Đăk Rve (Kon Rẫy).

Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường PTDTTN bố trí chỗ ăn, ở cho thí sinh là người DTTS trong thời gian thi. Tính đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã và đang được Ban chỉ đạo gấp rút triển khai và cơ bản hoàn thành theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Việt Hoa

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201205/Lam-tot-cong-tac-chuan-bi-thi-tot-nghiep-THPT-1961431/

Thi tốt nghiệp THPT: “Châm chước” cho thí sinh đến trễ hoặc nhầm nơi thi

Posted: 26 May 2012 05:47 AM PDT

(TNO) Trong cuộc họp ban lãnh đạo hội đồng coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) sáng nay 25.5, ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP.HCM cho biết: thí sinh đi trễ không quá 15 phút kể từ giờ làm bài, thí sinh đi nhầm hội đồng thi, có thể vẫn được dự thi.

Theo ông Bạc, trường hợp thí sinh đến trễ không quá 15 phút kể từ giờ làm bài sẽ bị lập biên bản nhưng vẫn được phép dự thi (tính từ cổng trường thi). Những năm trước, sau khi có hiệu lệnh bắt đầu giờ làm bài thi, thí sinh đến trễ không được dự thi.

Trường hợp thí sinh đi nhầm phòng thi, cùng hệ giáo dục thường xuyên hoặc giáo dục phổ thông, nếu không kịp thời gian để đến đúng hội đồng thi, thí sinh vẫn được bố trí để dự thi tại hội đồng "nhầm".

Trường hợp thí sinh đi nhầm phòng thi, khác hệ giáo dục, nếu không kịp thời gian để đến đúng hội đồng thi, thí sinh sẽ được tạo điều kiện đến hội đồng thi cùng hệ giáo dục gần nhất để dự thi.

Hai trường hợp nhầm hội đồng thi đều bị lập biên bản và được yêu cầu đi đúng hội đồng thi vào những buổi thi sau.

Ông Bạc cũng lưu ý những thí sinh thuộc diện chính sách ưu tiên hoặc có bằng nghề để cộng điểm ưu tiên phải nộp hồ sơ sớm, trước ngày thi để được xem xét. Sẽ không giải quyết cộng điểm ưu tiên nếu nộp hồ sơ sau kỳ thi.

Đối với thí sinh ở huyện Cần Giờ, hiện nay UBND huyện và Phòng Giáo dục huyện đã bố trí nhà công vụ, ký túc xá tại Trường THPT Cần Thạnh để học sinh ở xa, hoặc sống trên đảo, nội trú trong những ngày thi và có xe đưa đón đi thi. Học sinh 3 trường THPT Bình Khánh, Cần Thạnh, An Nghĩa sẽ dự thi tại Hội đồng thi THPT An Nghĩa.

Hoàng Quyên

Xác định địa bàn ưu tiên trong thi tốt nghiệp
Lưu ý khi ôn thi tốt nghiệp THPT
Thi tốt nghiệp THPT: Không giới hạn nội dung ôn tập
Thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012
Tự học, cậu bé 10 tuổi đỗ kỳ thi THPT

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120525/Cham-chuoc-cho-thi-sinh-den-tre-hoac-nham-noi-thi.aspx

Ứng viên đề án 322 hụt du học được bảo lưu kết quả

Posted: 26 May 2012 05:47 AM PDT

Theo ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang trình xin phép Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh việc thực hiện Đề án 322 (356) với sự nối tiếp chuyển sang Đề án 911 là Đề án đã được Chính phủ phê duyệt và đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục còn lại để được duyệt cấp kinh phí triển khai thực hiện tuyển sinh, cử ứng viên đi học tiến sĩ từ năm 2012 nhằm bổ sung kịp thời đội ngũ giảng viên các trường đại học và cao đẳng Việt Nam.

Đồng thời với việc chuyển tiếp đào tạo cán bộ bằng ngân sách Nhà nước (NSNN) sang một giai đoạn mới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục thực hiện Đề án 322 (356) quản lý, cấp phát kinh phí cho số lưu học sinh đã được cử đi học ở nước ngoài cho đến khi kết thúc khóa học theo quyết định cử đi học của Bộ GD-ĐT. Để nối tiếp công tác đào tạo của Đề án 322 (356) cho những đối tượng ứng viên không thuộc phạm vi đào tạo của Đề án 911, Bộ GDĐT đang hoàn tất dự thảo Đề án mới để trình Chính phủ trong tháng 6/2012.

Ông Vang cho biết, triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ngày 23/5/2012 về việc xử lý cụ thể nhu cầu của ứng viên đã trúng tuyển học bổng NSNN và quyết định phê duyệt trúng tuyển còn thời hạn đối với việc đi học ở nước ngoài, Cục Đào tạo với nước ngoài thông báo để các ứng viên hiểu rõ thêm và phối hợp có hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ Cục đang triển khai như sau:

Để giúp đỡ cho việc giảm tải của Đề án 322 (356) và tiết kiệm kinh phí NSNN trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn và thực tế NSNN ta cấp cho ngành giáo dục đang phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ đào tạo khác nhau, ứng viên đã trúng tuyển học bổng NSNN nghiên cứu các chương trình học bổng do Bộ GD-ĐT đang chủ trì tuyển sinh hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức nước ngoài thực hiện tuyển sinh theo diện học bổng Hiệp định do Chính phủ Việt Nam và các nước đồng tài trợ kinh phí, các học bổng toàn phần do phía nước ngoài cấp năm 2012 và 2013, nếu có chương trình phù hợp hoặc chương trình mà ứng viên có thể chấp nhận chuyển sang đăng ký học bổng đi học thì ứng viên kịp thời liên hệ với Cục Đào tạo với nước ngoài (email: tuyensinh@vied.vn) để được hỗ trợ trong việc đề cử và đàm phán học bổng cho ứng viên đi học ngay trong năm 2012 hoặc 2013.

Ứng viên nào đã tự liên hệ với cơ sở đào tạo và tổ chức quốc tế có thể cấp học bổng cho ứng viên đi học và cần sự hỗ trợ, đề cử, đàm phán của Cục Đào tạo với nước ngoài để nhận được học bổng đi học thì ứng viên gửi thông báo ngay đến Cục Đào tạo với nước ngoài để Cục hỗ trợ kịp thời cho ứng viên.

Đối với ứng viên là giảng viên các trường đại học, cao đẳng hoặc người trúng tuyển với cam kết đi học tiến sĩ về làm giảng viên đại học, cao đẳng theo Đề án 322 (356) nhưng quyết định phê duyệt trúng tuyển đi học nước ngoài của Bộ GDĐT đã hết hạn, Bộ GD-ĐT tạo điều kiện cho phép ứng viên gửi liên hệ gửi email đến Cục Đào tạo với nước ngoài (email: tuyensinh@vied.vn) đăng ký nguyện vọng chuyển sang Đề án 911 để Cục Đào tạo với nước ngoài tổng hợp nhu cầu của ứng viên và báo cáo lãnh đạo Bộ cho xử lý thủ tục chuyển sang Đề án 911 ngay sau khi Đề án hoàn tất xong các thủ tục liên quan, được cấp kinh phí triển khai thực hiện trong năm 2012 và các năm tiếp theo.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-599775/ung-vien-de-an-322-hut-du-hoc-duoc-bao-luu-ket-qua.htm

Comments