Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Thay đổi cơ chế đãi ngộ để nâng chất giáo viên

Posted: 22 May 2012 10:56 PM PDT

Thay đổi cơ chế đãi ngộ để nâng chất giáo viên

TT – "Cả nước hiện có khoảng 1,2 triệu giáo viên, trong đó có trên 1,1 triệu giáo viên bậc mầm non, phổ thông.

Đội ngũ giáo viên không thiếu về số lượng. Nhưng điều đáng phải lo lắng là chất lượng đội ngũ giáo viên hiện tại không đủ mạnh để tạo ra sự đột phá cho mục tiêu đổi mới nền GD-ĐT, một trong những điểm yếu là phương pháp dạy học chưa hiệu quả, nặng về đọc chép" – đó là nhận định của Bộ GD-ĐT tại hội thảo về việc xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu GD-ĐT trong giai đoạn tới diễn ra ngày 22-5.

Tại hội thảo này, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước, cho rằng: "Việc đổi mới đào tạo ở các trường sư phạm phải đi trước một bước so với đổi mới giáo dục phổ thông" và phải coi vấn đề giáo viên là khâu trọng tâm của quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng cùng với việc nâng chất lượng đào tạo giáo viên mới tương ứng với những đổi mới mục tiêu giáo dục giai đoạn tới đây, cần phải rà soát và cải tiến mạnh mẽ hơn chính sách đối với nhà giáo để thu hút người có năng lực và để những nhà giáo yên tâm cống hiến.

VĨNH HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/493031/Thay-doi-co-che-dai-ngo-de-nang-chat-giao-vien.html

Vừa học vừa chán môn văn: Cần một chương trình mở

Posted: 22 May 2012 10:55 PM PDT

Trao đổi với Thanh Niên xung quanh việc dạy và học văn trong nhà trường phổ thông hiện nay, GS Nguyễn Minh Thuyết (ảnh) – Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa (SGK) ngữ văn THPT có cách nhìn nhận đa chiều.

Vừa học vừa chán môn văn: Cần một chương trình mở

Đa số học sinh (HS) vẫn không thích học môn ngữ văn, việc học vẫn nặng theo hướng để ứng phó với các kỳ thi. GS lý giải như thế nào về thực tế này?

Việc HS trung học, nhất là THPT, không thích học ngữ văn có lý do khách quan của nó. HS đầu tư cho môn khoa học tự nhiên nhiều hơn vì “đầu ra” cho những HS giỏi các môn này rộng rãi hơn: số trường ĐH, CĐ về kinh tế, kỹ thuật nhiều hơn, ra trường dễ tìm việc làm hơn, thu nhập và cơ hội thăng tiến cao hơn. Bên cạnh đó, phương tiện nghe nhìn ngày càng phát triển cũng hình thành thói quen mới là thích nghe, thích xem hơn là đọc tác phẩm văn học, nhất là những tác phẩm văn học ở thời đại quá xa với các em. Vì những lý do này, môn ngữ văn và các môn khoa học xã hội khó hấp dẫn HS  hơn so với trước kia.

Tuy nhiên, theo tôi, nguyên nhân chính vẫn là hạn chế của chương trình. Thiết kế chương trình của chúng ta cứng quá. Tôi chỉ lấy phần văn học làm ví dụ. Với tham vọng phản ánh đầy đủ các thành tựu tiêu biểu trong lịch sử văn học dân tộc và một số nền văn hóa phát triển trên thế giới, chương trình không còn thời gian dành cho văn học đương đại. Những tác phẩm HS thích, những tác phẩm vừa ra đời, đang được dư luận quan tâm thì các em không được học. Phần lớn tác phẩm nổi tiếng trong quá khứ, kể cả một số tác phẩm đỉnh cao, rất có thể không phù hợp với tâm lý, sở thích của thanh niên bây giờ, không được các em hào hứng đón nhận.

Trong khi đó, càng lên cấp học cao thì sức ì của giáo viên trong đổi mới phương pháp dạy học càng lớn. Đến những năm cuối cấp THPT, giáo viên bị áp lực chuẩn bị cho HS tham dự các kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp, tuyển sinh, việc dạy học theo kiểu cung cấp sẵn, áp đặt kiến thức càng phổ biến.

Theo GS, cần phải có phương pháp dạy chung hiệu quả cho môn học này hay không?

 

Những tác phẩm HS thích, những tác phẩm vừa ra đời, đang được dư luận quan tâm thì các em không được học

Dạy văn rất khó. Mỗi tác phẩm văn học là một thực thể duy nhất, một sáng tạo không lặp lại. Vậy làm thế nào để tìm được phương pháp dạy học vừa phù hợp với tác phẩm cụ thể, lại vừa tạo ra được năng lực cảm thụ tác phẩm văn học nói chung cho HS? Cá nhân từng thầy cô có thể thành công nhiều hoặc ít nhưng khái quát thành một phương pháp chung, triển khai thành công vào thực tế thì còn nhiều khó khăn lắm.

Ai cũng biết nếu thầy cô có cảm thụ văn học tốt, đem cảm thụ tinh tế của mình mà giảng cho HS thì HS rất thích nhưng phương pháp này không khơi gợi được tính tích cực, do đó không phát triển được năng lực cảm thụ của HS. Nhưng nếu áp dụng phương pháp thiên về kỹ thuật để bày cho HS cách phân tích, cảm thụ thì nhiều khi lại "băm nát" tác phẩm ra, làm cho tác phẩm không còn cái hồn của nó nữa. Cho nên, nói rằng chưa có những phương pháp dạy văn hiệu quả thì không đúng nhưng giữa nhận thức chung về các phương pháp ấy với việc triển khai chúng trong thực tế vẫn có khoảng cách lớn; khoảng cách được thu hẹp đến đâu phụ thuộc vào sự vận dụng của thầy cô và học trò.

Sách văn mẫu tràn ngập thị trường sách tham khảo, HS lướt web để làm văn, GS nghĩ gì về điều này?

Thời đi học, tôi cũng thích đọc những bài văn mẫu, đó là những bài văn của HS đoạt giải trong các kỳ thi lớn, những bài văn được chọn lọc của học trò. Nhưng đọc chỉ để tham khảo, để rút kinh nghiệm cho mình. Sao phỏng những bài văn ấy, thầy cô cho điểm kém ngay. Bây giờ sách văn mẫu in ra rất nhiều. Văn mẫu còn được cung cấp trên internet nữa. Các bài văn ấy không phải để tham khảo mà để HS sao chép, lấy điểm cao. Điều này thật tệ hại vì nó làm lười óc suy nghĩ, sáng tạo của HS và đánh lừa tất cả chúng ta về kết quả giáo dục.

Theo GS, khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới sau 2015, điều gì cần phải thay đổi trước tiên về nội dung môn học này?

Chương trình mới cần phát huy những ưu điểm của chương trình hiện hành đồng thời, cần một chương trình mở. Theo tôi, chương trình chỉ nên xác định những kiến thức, kỹ năng, mức độ cần đạt, chứ không buộc phải học những tác phẩm, trích đoạn cụ thể nào. Ví dụ, chương trình chỉ nêu yêu cầu nắm được khái niệm nhân vật văn học, cách xây dựng nhân vật của một thể loại, một trường phái, một phong cách nào đó; việc lựa chọn tác phẩm cụ thể để dạy về nhân vật văn học một phần do tác giả SGK, một phần do thầy và trò quyết định. Chương trình nên tạo cơ hội cho HS giới thiệu và thảo luận với các bạn cùng lớp những tác phẩm mình mới đọc. Tính mở của chương trình còn phải thể hiện ở sự phân phối hợp lý giữa thời gian học tập trên lớp với thời gian hoạt động cá nhân mà chương trình hiện hành vẫn xếp vào loại hoạt động ngoại khóa như đi thư viện, bảo tàng.

Vừa học vừa chán môn văn: Cần một chương trình mở
Sách tham khảo văn mẫu bày bán tràn lan – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Đến lúc phải thay đổi cách thi cử

Dưới áp lực của xã hội, cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu ra đề bám sát chương trình – SGK phổ thông. Cách ra đề như vậy có mặt tích cực của nó. Ít nhất là từ khi ra đề sát chương trình – SGK, nhiều HS nông thôn không hề biết đến các lò luyện thi cũng đỗ với điểm rất cao.

Nhưng vì đề thi như vậy, chấm thi thì “đếm ý cho điểm” nên giáo viên các lớp cuối cấp không dám mạo hiểm đổi mới phương pháp, phát huy tính tích cực của HS vì phải tập trung dạy cho đủ bài. Thậm chí, những môn học, học phần hoặc vấn đề không có trong nội dung thi còn được tự động cắt bớt. Chấm thi theo kiểu đếm ý thì kỹ năng diễn đạt cũng không quan trọng.

Để đề thi bám sát chương trình – SGK, người ra đề chỉ có thể hỏi về các tác phẩm có trong SGK THPT; thậm chí không được ra đề vào những tác phẩm đã được giảm tải. Sách chỉ có bằng ấy tác phẩm, sau dăm sáu kỳ thi thì mọi khía cạnh đều đã được phân tích nát ra rồi nên không còn hỏi được cái mới nữa.

Thi như vậy thì không thể tránh được việc học tủ, học thuộc lòng phần văn. Cách thi cử này đã đến lúc phải thay đổi, nhưng rất cần sự ủng hộ của xã hội.

 

Tuệ Nguyễn (thực hiện)

Vừa học vừa chán môn văn – Kỳ 2: Cắt xén tác phẩm văn học
Vừa học vừa chán môn văn

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120522/Vua-hoc-vua-chan-mon-van-Can-mot-chuong-trinh-mo.aspx

Nữ sinh viên trồng cây chuối hằng ngày để làm từ thiện

Posted: 22 May 2012 10:54 PM PDT

Julie Dumont – một sinh viên chuyên ngành Khoa học thần kinh tuyên bố sẽ trồng cây chuối mỗi ngày trong vòng 1 năm để quyên góp tiền xây sân chơi cho trẻ em ở Uganda. Và vì năm nay là năm nhuận nên cô gái 26 tuổi này sẽ phải trồng cây chuối 366 lần.

Julie đang trồng cây chuối tại Cardiff Castle.

Julie tới từ Canada nhưng hiện đang học ở ĐH Cardiff, Anh. Cô quyết định thực hiện thử thách này sau khi tham gia một nhóm Facebook có tên là "Tháng 2 – tháng trồng cây chuối". "Tôi đã tham gia vào một nhóm trồng cây chuối được khởi xướng bởi một cặp đôi người Úc. Ở đây, mọi người phải đăng những bức ảnh mình đang trồng cây chuối ở các địa điểm khác nhau".

Julie đang trồng cây chuối cùng một vũ công múa cột ở Spin City, Bristol

Trong khi thử thách này chỉ được thực hiện trong tháng 2 thì bạn bè tôi lại nói rằng tôi nên làm điều đó trong cả năm. Phản ứng của tôi là: "Bạn điên à?" Tuy nhiên, khi tháng đó kết thúc, tôi tự hỏi: "Bây giờ thì làm gì đây?". Và tôi quyết định chỉ tiếp tục thực hiện thách thức này trong 1 năm nếu như điều đó giúp tôi quyên góp tiền cho một quỹ từ thiện.

Julie đang trồng cây chuối cùng một người bạn

Julie đã phát hiện ra quỹ từ thiện "Sân chơi Đông Phi" trên mạng và thấy nó phù hợp với mục đích của mình. "Tôi tin rằng mọi trẻ em đều xứng đáng có một không gian vui chơi an toàn và vui vẻ, vì thế tôi đã tìm kiếm trên google về việc "xây dựng sân chơi cho trẻ em nghèo", và tìm thấy quỹ từ thiện này".

Julie đang trồng cây chuối ở Stanley Park, Vancouver, Canada

"Sân chơi Đông Phi" là một quỹ từ thiện được thành lập bởi 2 cựu sinh viên ĐH Leeds. Qũy này có chức năng cung cấp những không gian vui chơi an toàn, chất lượng cao ở khu vực Đông Phi. Thành lập năm 2009, quỹ này đã xây dựng được 12 sân chơi cho 6.000 trẻ em.

Đồng sáng lập Tom Gill của quỹ này chia sẻ: "Thử thách trồng cây chuối của Julie là một ví dụ tuyệt vời về việc một người đang cố gắng giúp chúng tôi thay đổi cuộc sống của trẻ em ở Đông Phi. Chúng tôi hi vọng rằng tất cả mọi người trên khắp nước Anh sẽ ủng hộ Julie và giúp cô ấy quyên góp đủ tiền để xây ít nhất một sân chơi mới ở Uganda".

Julie đang trồng cây chuối ở một sân chơi thuộc Cardiff

Julie hi vọng sẽ hoàn thành thử thách này vào tháng 1 năm 2003 – cũng là thời điểm cô nhận được bằng Tiến sĩ. "Về mặt thể chất, trồng cây chuối không có gì là mệt mỏi. Nhưng có thể căng thẳng một chút nếu bạn đang không được khỏe hoặc quá bận rộn" – Julie chia sẻ.


Julie đang trồng cây chuối trên cánh một chiếc máy bay ở Canada.

  • Nguyễn Thảo (Theo Telegraph)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/73281/nu-sinh-vien-trong-cay-chuoi-hang-ngay-de-lam-tu-thien.html

Nhiều ngành học không có thí sinh đăng ký dự thi

Posted: 22 May 2012 10:52 PM PDT

Theo thống kê hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) năm 2012 của ĐH Huế, ngành Kinh tế, khoa Du lịch có 60 chỉ tiêu nhưng chỉ nhận được 19 bộ hồ sơ, tỷ lệ "chọi" là 0,32; ngành Sư phạm tiếng Pháp: chỉ tiêu 30, hồ sơ nhận được 17, tỷ lệ "chọi" 0,57; ngành Sư phạm tiếng Trung Quốc: chỉ tiêu 35, hồ sơ nhận được 10, tỷ lệ "chọi" 0,29; ngành Ngôn ngữ Nga: chỉ tiêu 25, hồ sơ nhận được 9, tỷ lệ "chọi" 0,36; ngành Ngôn ngữ Pháp: chỉ tiêu 40, hồ sơ nhận được 39, tỷ lệ "chọi" 0,98…

Thậm chí đến ngành cơ hội việc làm cao nhưng tỷ lệ "chọi" cũng bằng 0 như ngành Quốc tế học, chỉ tiêu là 50, nhưng chỉ nhận được 34 hồ sơ, tỷ lệ "chọi" là 0,68. Hay như ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp, chỉ tiêu 50 nhưng chỉ nhận được 29 hồ sơ, tỷ lệ "chọi" là 0,58; Sư phạm Kỹ thuật Nông nghiệp: chỉ tiêu 50, hồ sơ thu được có 37, tỷ lệ "chọi" 0,74; ngành Tâm lý học giáo dục: chỉ tiêu 50, hồ sơ nhận được có 45, tỷ lệ "chọi" 0,90.

Đặc biệt, có 5 ngành như Hán – Nôm; Đông Phương học, Triết học, Lịch sử, Ngôn ngữ, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi so với chỉ tiêu quá thấp, tỷ lệ chọi cũng dưới 1.

Cũng rơi vào “thảm cảnh” trên, nhiều ngành của trường ĐH Đà Nẵng tỷ lệ "chọi" nhiều ngành cũng bằng 0 như ngành Sư phạm tiếng Trung Quốc, Ngôn ngữ Nga, Ngôn ngữ Thái Lan. Thậm chí các ngành như Công nghệ Vật liệu; Hệ thống thông tin quản lý, Thống kê, Văn học, Văn hóa học, Vật lý học… tỷ lệ chọi dưới 1. Đặc biệt, 2 ngành Công nghệ sinh học (chỉ tiêu 783) và Công tác xã hội (126 chỉ tiêu) nhưng không nhận được hồ sơ nào.

ĐH Cần Thơ, ngành Lâm sinh, chỉ tiêu là 60, số lượng hồ sơ ĐKDT là 6, tỷ lệ "chọi" bằng 0.

Trường ĐH Sư phạm TPHCM nhận được số hồ sơ thấp như: Giáo dục quốc phòng – an ninh chỉ nhận được 12 hồ sơ trong tổng số 120 chỉ tiêu (tỷ lệ chọi 1/0,1); ngành Sư phạm Nga tỷ lệ chọi 1/0,9 (36/40); Sư phạm Pháp: 1/0,6 (36/60); Ngôn ngữ Nga: 1/0,5 (28/60); Ngôn ngữ Pháp: 1/0,7 (41/60); Ngôn ngữ Trung Quốc: 1/0,9 (108/120); Văn học: 1/0,6 (71/120); Quốc tế học: 1/0,8 (87/110)…

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng hồ sơ ĐKDT năm nay giảm nhiều. Nếu như năm 2011, tổng số hồ sơ ĐKDT là hơn 2 triệu thì năm nay giảm xuống chỉ còn 1,8 triệu. Số lượng hồ sơ ĐKDT vào khối A năm nay giảm nhiệt, nếu năm 2011, khối A đạt 53,3% hồ sơ Đ KDT thì năm nay giảm xuống còn 47,2%.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-598614/nhieu-nganh-hoc-khong-co-thi-sinh-dang-ky-du-thi.htm

Tháng 5 và lớp 12 ngày ấy

Posted: 22 May 2012 10:52 PM PDT

Tháng 5, tháng hoa phượng nở, tháng chia tay thầy cô, mái trường. Không hẹn mà gặp, bất giác sinh viên chúng tôi, đứa nào cũng nhớ về quãng thời gian cuối cấp năm nào…

Ngày này năm ấy, chúng tôi vẫn đang miệt mài ôn tập, chuẩn bị "chạy nước rút" để thi tốt nghiệp. Đứa nào cũng xanh xao, bơ phờ, thiếu ngủ. 6 môn thi dồn dập vắt kiệt sức lũ học trò. Áp lực từ thầy cô, từ gia đình, sự thi đua, cạnh trang ngầm với bạn bè, những mơ ước, những hi vọng… luôn bao quanh khiến chúng tôi ngộp thở. Điều chúng tôi lo không phải là 6 môn thi, điều chúng tôi lo là tương lai phía trước, quan điểm "phải vào đại học mới thay đổi được cuộc sống" ngấm sâu vào tư tưởng của mỗi người.

Dù áp lực đè nặng là thế, dù học nhiều là thế, nhưng chúng tôi vẫn có thời gian để vui đùa cùng nhau. Nhớ lắm những giờ la hét trong lớp, những lần trêu chọc nhau vào 5 phút chuyển tiết giữa giờ, trò chơi "hôm nay hộc bàn có gì" (chúng tôi hay giấu đồ của bạn A để rồi bỏ vào hộc bàn bạn B vào hôm sau). 5 giờ chiều, buổi học kết thúc nhưng cơn mưa quá lớn khiến cả đám chúng tôi không đủ can đảm đạp xe về nhà trong chiếc áo mưa mỏng manh. Và thế là túm tụm lại trong lớp để giỡn, để kể đủ thứ chuyện trên đời, tâm sự…, trong khi bên ngoài sấm chớp ầm ầm. Từ những ngày cuối cùng ấy, chúng tôi níu giữ được kỉ niệm, kí ức và những mộng mơ…

Thời gian trôi nhanh, chúng tôi đã là sinh viên. Việc học trở nên thoải mái hơn. Giờ đây, cuộc sống rộng mở, nhiều thứ đáng lo hơn là điểm số, thứ hạng trong lớp. Chúng tôi cũng không ngây thơ, hồn nhiên như trước mà tất bật lo lắng cho cuộc sống hiện tại và tương lai sau này. Hè, đứa thì tranh thủ đăng kí thêm tín chỉ để sớm tốt nghiệp, đứa lại đi làm thêm để trang trải, phụ giúp gia đình, một vài đứa gia đình khá giả thì tranh thủ đi du lịch, hoặc đăng kí các lớp học năng khiếu để "giết thời gian"…

Bận rộn hơn, nhưng chúng tôi không có nhiều bạn hơn. Cuộc sống thu hẹp trong phạm vi nhỏ, chỉ với vài bạn bè. Có vẻ như càng lớn thì chúng ta càng xã giao nhiều và kết thân ít. Chúng ta hướng nội và xem gia đình là chỗ dựa vững chắc. Thời gian eo hẹp khiến quá khứ lùi vào quên lãng. Để rồi khi cơn mưa đến, mọi thứ lại xuất hiện như vừa mới hôm nào…

Lên mạng, thấy cô bạn để avatar là hình nàng mặc áo dài cách đây hai năm trước. Nàng nói: "Ngồi buồn, lục lại album cũ thì tìm ra được tấm ấy. Thấy nhớ quá". Lạ thay, tôi cũng cùng chung cảm xúc này. Và tôi chủ động hỏi những người bạn khác. Chúng tôi có chung cảm xúc. Đã lâu lắm rồi chúng tôi không trò chuyện. Hôm nay, cơn mưa buổi chiều cuối tuần khiến lòng mỗi đứa đều dâng lên cảm xúc khó tả. Ngày này 2 năm trước, mình đang làm gì?

Nghĩ về thời ngây ngô đó, chúng tôi luôn bật cười. Những trò nghịch tinh quái, những buổi kiểm tra "thót tim", sự căng thẳng đến đáng sợ khi học trúng tiết Toán, những rung động chưa thể gọi tên, những lần bắt gặp ánh mắt ai đó đang thấp thoáng nhìn… làm sao có thể quên được.

Chiều nay, cơn mưa lại rơi. Và tôi tưởng tượng mình đang ngồi học ở lớp 12 năm nào. Có những giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời, mà chỉ đến khi rời xa nó, ta mới kịp nhận ra…

Theo Mực Tím

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-598576/thang-5-va-lop-12-ngay-ay.htm

Các trường bắt đầu công bố tỷ lệ chọi

Posted: 22 May 2012 10:52 PM PDT

(GDTĐ)-Nhiều trường ĐH, CĐ đã công bố lượng hồ sơ ĐKDT thu được trong kỳ tuyển sinh năm nay. Do số lượng hồ sơ giảm so với năm trước nên tỷ lệ “chọi” nhiều trường năm nay cũng giảm nhẹ.

 

Thí sinh
Nhiều ngành học năm nay không có thí sinh ĐKDT. Ảnh: gdtd.vn

ĐH Đà Nẵng công bố tỉ lệ “chọi” năm 2012

Theo công bố của ĐH Cần Thơ, kỳ thi tuyển sinh 2012, trường thu được tổng cộng 73.495 hồ sơ, giảm gần 9.000 bộ so với năm 2011). Trong số này có 10.442 thí sinh đăng ký thi tại Trường ĐH Cần Thơ lấy điểm xét NV1 vào trường khác.

Thống kê số hồ sơ theo từng ngành học, tỷ lệ chọi của các ngành dao động từ 1 đến 30. Tỷ lệ chọi cao nhất thuộc về ngành kinh doanh thương mại (khối A, D1) với tỉ lệ chọi 1/30. Các ngành quản trị du lịch và lữ hành (khối A, D1), công nghệ thực phẩm (khối A) có tỉ lệ chọi 1/26. Nhiều ngành chỉ có tỷ lệ chọi 1/1 như sư phạm tiếng Pháp, ngôn ngữ Pháp, khoa học máy tính, hệ thống thông tin, kỹ thuật máy tính, ngôn ngữ Anh, công nghệ thông tin, phát triển nông thôn. Xem chi tiết tỉ lệ chọi của trường tại đây.

ĐH Huế
đã công bố tỷ lệ chọi 98 ngành của 7 trường đại học thành viên, 3 khoa trực thuộc và 1 phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị năm 2012. Kỳ tuyển sinh năm nay, trường nhận được hơn 60.000 hồ sơ, trong đó nhiều nhất là khối B hơn 24.000, khối A hơn 16.000, khối D1 gần 7.200, khối C khoảng 6.500, khối A1 gần 3.000… Tỉ lệ chọi các trường, khoa trực thuộc giao động từ 0,58 đến 7,61. Tỷ lệ chọi cao nhất thuộc về Trường ĐH Y dược (1/7,61) và thấp nhất là phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị (1/0,58). Xem chi tiết tỉ lệ chọi của trường tại đây.

ĐH Bách khoa
(ĐHQG TP.HCM) công bố tổng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường năm nay tăng khoảng 2.000 bộ so với năm trước nên tỷ chọi vào từng ngành cũng tăng nhẹ. Theo tính toán của trường, tỷ lệ chọi cao nhất là ngành kiến trúc DDCN với tỉ lệ 1/18,43; thấp nhất là ngành Trắc địa – Địa chính với tỷ lệ chọi 1/1,22. Xem chi tiết tỉ lệ chọi của trường tại đây.

Theo công bố của Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), tỷ lệ chọi cao nhất là 1/6,2 thuộc về ngành Công nghệ sinh học (ngành đào tạo đại học do ĐHQT cấp bằng). Nhiều ngành đào tạo liên kết trong trường có tỷ lệ chọi rất thấp như: Công nghệ thông tin (Chương trình liên kết cấp bằng của Trường ĐH West England (UK)): 0,03; Kỹ thuật điện tử, truyền thông (điện tử – viễn thông) (Chương trình liên kết cấp bằng của The University of Auckland (AoU) (New Zealand): 0,03… Thậm chí có ngành không có hồ sơ nào như ngành Kỹ thuật máy tính (Chương trình liên kết cấp bằng của The University of Auckland (AoU) (New Zealand); – Kỹ thuật điện tử, truyền thông (điện tử – viễn thông) (Chương trình liên kết cấp bằng của Trường ĐH West England (UK)); Kỹ thuật cơ – điện tử (Chương trình liên kết cấp bằng của Học viện Công nghệ Châu Á (AIT). Xem chi tiết tỉ lệ chọi của trường tại đây.

Tỷ lệ chọi các ngành của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay giao động từ 0,1 đến 26. Ngành giáo dục tiểu học có tỷ lệ chọi cao nhất là 1/26. Tỷ lệ chọi thấp nhất là ngành GD Quốc phòng – An ninh: 1/0,1. Xem chi tiết tỉ lệ chọi của trường tại đây.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201205/Cac-truong-bat-dau-cong-bo-ty-le-choi-1961378/

Sinh viên cần chú trọng kỹ năng mềm

Posted: 22 May 2012 10:52 PM PDT

 

 
Ngày hội tư vấn và tuyển dụng việc làm tại TP Hồ Chí Minh

Sinh viên lúng túng…

 

Tại ngày hội, nhiều bạn sinh viên thiếu tự tin với những kiến thức mình đang nắm, vì vậy các bạn hay tỏ ra hồi hộp và run sợ khi trực tiếp gặp mặt người phỏng vấn có những bạn thậm chí còn không biết phải làm thế nào nên hầu như không thể "chứng minh" được khả năng của mình.

 

Quang Lực, một sinh viên mới ra trường, cho biết: "Dù có chuẩn bị kỹ về hồ sơ và cũng có chuẩn bị trước về tâm lý nhưng Lực vẫn thấy lo lắng rằng bản thân không có đủ khả năng và kiến thức đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, không cảm thấy tự tin về năng lực của bản thân khi tham gia ứng tuyển".

 

Nhận xét về các bạn sinh viên tham gia ngày hội, chị Phạm Thị Thu Cúc, Công ty Viễn thông Niềm Tin Việt cho biết "Các bạn thể hiện rất tự tin đối với các câu hỏi của nhà tuyển dụng. Có sự chuẩn bị chu đáo về trang phục cũng như tinh thần. Tuy nhiên, cũng như phần đa các bạn sinh viên Việt, rất thụ động trong quá trình phỏng vấn". Điều này có nghĩa là những kĩ năng mềm cần có chưa được các bạn nắm rõ và phát huy.

 

Mặt khác, như chị Cúc cũng đã trình bày, đa phần sinh viên Việt Nam tỏ ra thụ động nên không biết cách khai thác thông tin từ phía nhà tuyển dụng. Do đó, các bạn có thể cảm thấy bản thân thiếu năng lực nên không tạo được niềm tin ở người phỏng vấn.

 

Một số bạn còn không cảm thấy công việc mình đang phỏng vấn có thích hợp hay không, cũng như công ty mình đang dự tuyển như thế nào. "Đây là lần đầu tiên tham dự ngày hội việc làm. Đến ngày hội với mong muốn tìm được công việc phù hợp với nghề. Tuy nhiên, khi được hỏi công việc mà bạn mong muốn thế nào? Trang vẫn chưa có định hướng. Chọn công việc, ví trí ứng tuyển dựa theo tên thông báo, không quan tâm đến bất kỳ yếu tố nào khác", T.Trang, sinh viên Kế toán ĐH Nông lâm chia sẻ.

 

Đây là một sai lầm rất nghiêm trọng khi mới bắt đầu xin việc. Vì bạn là người quyết định cho chính mình cũng như công việc của mình. Nếu không hiểu rõ công ty mà bạn đang dự tuyển, bạn sẽ không thể có đủ tự tin giải quyết các vấn đề của họ khi tham gia vòng phỏng vấn.

 

Kiến thức nghề nghiệp chỉ là một nửa vấn đề

 

Trong môi trường cạnh tranh việc làm khốc liệt ngày nay, đặc biệt là trong hoàn cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, để có được một vị trí tốt ở công ty mà bạn mong muốn không phải là điều dễ dàng. Kiến thức nghề nghiệp thật vững vàng là điều mấu chốt. Tuy nhiên đó chỉ là một nửa của vấn đề. Sẽ không ai tin vào tài năng của bạn nếu bạn không biết cách thể hiện chúng. Vì vậy, để có thể đạt được thành công và vượt qua được vòng thi phỏng vấn trực tiếp, bạn phải đảm bảo mình đã trang bị đầy đủ những kĩ năng mềm cần thiết. 

 

"Kỹ năng mềm là 1 trong những yếu tố đóng vai trò quyết định mà ứng viên cần phải thể hiện để gây ấn tượng với các phỏng vấn viên, chứng minh mình là một ứng viên xuất sắc, tiềm năng cho công việc", bà Hàng Kim Tường Thuỵ,Giám đốc Marketing của Dell Việt Nam nhận xét

 

Vậy kĩ năng mềm là gì? Tại sao chúng lại quan trọng đến thế?

 

Về mặt cơ bản, kĩ năng mềm không phải là một thứ bạn có thể học được qua sách vở. Chúng là khả năng ứng xử, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, lãnh đạo, làm việc nhóm… được góp nhặt từ cuộc sống của riêng mỗi người. Vì vậy, để có thể nắm vững chúng bạn phải thật sự tự tin vào chính mình và không ngừng học hỏi, luyện tập để tạo ra khả năng phản xạ tức thời trong mọi tình huống.

 

Chú ý đề cập đến những điều bạn cần biết từ phía người tuyển dụng không chỉ giúp bạn hiểu hơn về công ty mà bạn dự tuyển, mà còn chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy sự quan tâm hứng thú vào công việc mới của bạn. Đó chính là bước đầu tiên gây dựng niềm tin ở họ! "Chúng tôi rất quan tâm đến khả năng giao tiếp. Ứng viên có sự tự tin và sẵn sàng học hỏi là tiêu chí để chọn nhân viên của công ty chúng tôi".

 

Chị Trần Ngọc Thu Trinh từ Công ty Kiếm Việc cũng khuyên, "Trong quá trình tham gia công việc tuyển dụng, chị rất ấn tượng với những bạn biết tương tác hai chiều với nhà tuyển dụng. Không những các bạn trả lời tốt những câu hỏi đưa ra mà phải còn biết chủ động dẫn dắt cuộc trò chuyện, làm sao có thể chủ động thể hiện khả năng của bản thân, thu hút và gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng".

 

Có thể nói, nắm vững kĩ năng mềm sẽ là chìa khóa cho sự thành công của bạn. Với một kiến thức nền tảng vững vàng, và một khả năng ứng xử, giải quyết vấn đề nhanh chóng, bạn sẽ trở thành một ứng viên tiềm năng với nhà tuyển dụng.Vì thế, rất cần có những cơ hội chia sẻ kinh nghiệm cho sinh viên để họ tự tin hơn và phản xạ tốt hơn.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-598133/sinh-vien-can-chu-trong-ky-nang-mem.htm

Nhiều nét mới trong giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2012

Posted: 22 May 2012 10:51 PM PDT

Một giải thưởng với nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao

Đến tham dự lễ phát động giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2012 (NTĐV 2012) tại TPHCM có đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị và ban tổ chức: ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ Giáo dục Đào tạo tại TPHCM; Bà Trương Thị Mỹ Hạnh, Phó trưởng Cơ quan đại diện Bộ Y tế tại TPHCM; GS-VS Nguyễn Văn Hiệu, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải thưởng NTĐV; nhà báo Phạm Huy Hoàn, Ủy viên Thường trực BCH TW Hội Khuyến học Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Dân trí, Trưởng Ban tổ chức Giải  thưởng NTĐV; ông Bùi Quốc Việt,  GĐ Trung tâm thông tin và quan hệ công chúng Tập đoàn VNPT; ông Võ Quốc Trường, Tổng biên tập VnMedia; TS Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng NTĐV; TS Nguyễn Đức Nghĩa, PGĐ Đại học Quốc gia TPHCM; PGS-TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa TPHCM …

Về phía nhà tài trợ có ông Lương Tất Thắng, Phó trưởng ban Kinh doanh VNPT; ông Nguyễn Công Cảnh, Phó TGĐ Ngân hàng An Bình; ông Huỳnh Việt Khoa, Phó TGĐ Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện; ông Nguyễn Hồng Minh, GĐ Trung tâm điện toán truyền số liệu Khu Vực 2…

Trong bài phát biểu phát động giải thưởng, nhà báo Phạm Huy Hoàn cho biết: "Giải thưởng NTĐV do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng từ năm 2005, đến hôm nay đã bước vào năm thứ 8. Lĩnh vực xét giải ngày càng được mở rộng, từ lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), đến khoa học tự nhiên, nay là khoa học ứng dụng và y dược…".

Sau bài phát biểu phát động giải thưởng ngắn gọn, gần 500 sinh viên các trường ĐH và nhà báo tại TPHCM đã tham gia đặt câu hỏi giao lưu cùng ban tổ chức và nhà tài trợ để hiểu rõ hơn về giải thưởng danh giá này.

Điều mà báo giới đặc biệt quan tâm là tính ứng dụng thực tế của các sản phẩm đạt giải. Theo TS Nguyễn Long, bất cứ sản phẩm CNTT nào đạt giải NTĐV cũng đều có tính ứng dụng cao. Có những sản phẩm nếu phát triển thành công có thể trị giá hàng triệu đến hàng chục triệu USD. Ông cho rằng: "Chúng tôi tin rằng những giải thưởng CNTT, đặc biệt là giải thưởng tiềm năng sẽ là đem lại thành công trong tương lai cho chủ nhân của nó. Đây là nơi chắp cánh ước mơ cho những nhà khoa học trẻ…".

TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng ĐH BK cũng đánh giá rất cao giải thưởng này. Ông cho biết: "Các bạn sinh viên đạt giải trong giải thưởng này chắc chắn sẽ được các doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận. Đối với nhà trường, đó là những sinh viên ưu tú và sẽ được nhà trường bồi dưỡng, giữ lại cho trường nếu có thể".

Còn ông Bùi Quốc Việt, đại diện VNPT cho rằng: "Rất nhiều sản phẩm CNTT đạt giải NTĐV hiện đang được ứng dụng và phát triển tại VNPT. Nếu sản phẩm phù hợp, chúng tôi sẵn sàng ứng dụng tại VNPT, nếu không sẽ giới thiệu cho các doanh nghiệp khác ứng dụng và phát triển. Chúng tôi hy vọng giải thưởng NTĐV tiếp tục sẽ là nơi phát hiện nhân tài và bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực CNTT cho đất nước".

Ưu tiên giải quyết các vấn đề xã hội và khuyến khích giới trẻ

Giải thưởng NTĐV tiền thân là một giải thưởng CNTT, sau đó mở rộng san lĩnh vực y tế và khoa học ứng dụng. Do đó, có thể nói nhóm sản phẩm CNTT là "lão làng" trong giải thưởng này với nhiều đợt bình chọn nhất. Trong giải thưởng NTĐV 2012, các giải thuộc nhóm sản phẩm này cũng được cải tiến nhiều nhất.

Nhà báo Phạm Huy Hoàn cho biết: "Lần đầu tiên ban tổ chức sẽ dành ra 2 giải thưởng đặc biệt cho các nhóm đăng ký dự thi Giải thưởng CNTT góp phần giải quyết các vấn đề xã hội đang được quan tâm (giáo dục, y tế, giao thông…) và Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo (dành cho các nhóm tác giả có độ tuổi dưới 20, sinh từ  năm 1992 trở lên). 2 giải thưởng này nhằm khuyến khích các nhà nghiên cứu hướng nhiều hơn về các giải pháp giải quyết các vấn đề xã hội và cổ vũ giới trẻ tham gia nghiên cứu khoa học".

Trong các kỳ trao giải trước, nhóm sản phẩm CNTT được chia thành 2 nhóm nhỏ là Sản phẩm đã hoàn thiện có tiềm năng ứng dụng và Sản phẩm đã ứng dụng rộng rãi trong thực tế. Tuy nhiên, ban tổ chức nhận thấy hai nhóm trên có sự khác biệt không nhiều nên năm nay sẽ góp 2 nhóm trên thành nhóm Sản phẩm CNTT triển vọng; đồng thời lập thêm nhóm giải thưởng mới dành cho các Sản phẩm CNTT thành công.

Theo TS Nguyễn Long, nhóm Sản phẩm CNTT thành công là các sản phẩm đã được doanh nghiệp đưa vào sử dụng thành công trong thực tế. Ban tổ chức kêu gọi các doanh nghiệp có chương trình công nghệ đang ứng dụng thành công tham gia giải thưởng để tuyên truyền rộng rãi, góp phần cổ vũ sự phát triển khoa học công nghệ của nước nhà.

Ban tổ chức cũng cam đoan bảo mật cho sản phẩm của doanh nghiệp, doanh nghiệp không phải cung cấp mã nguồn của sản phẩm mà chỉ cần mô tả sản phẩm, hiệu quả hoạt động của sản phẩm sẽ do ban giám khảo đánh giá.

Giải thưởng uy tín trong ngành y và khoa học ứng dụng

Năm 2008, giải thưởng NTĐV mở rộng sang lĩnh vực y tế với sự bảo trợ của Bộ Y tế. Đến năm 2009 thì mở rộng thêm lĩnh vực khoa học tự nhiên. Sang năm 2010 mở rộng sang lĩnh vực khoa học giáo dục…

Nhà báo Phạm Huy Hoàn, Trưởng ban tổ chức cho biết: "Riêng 2 lĩnh vực y tế và khoa học ứng dụng không phải là cuộc thi như lĩnh vực CNTT mà là giải thưởng vinh danh các nhà khoa học tài năng có nhiều đóng góp xuất sắc trong từng lĩnh vực được Hội đồng khoa học của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam và Hội đồng khoa học thuộc Bộ Y tế xét chọn hàng năm, đề nghị và chúng tôi trao giải tôn vinh".

Dù sinh sau đẻ muộn nhưng giải thưởng NTĐV đã kịp thời tôn vinh nhiều nhà khoa học, nhiều tập thể khoa học thầm lặng, tài ba trong 2 lĩnh vực này; họ đã có rất nhiều đóng góp cho xã hội và nền khoa học nước nhà. Và đến nay, NTĐV thực sự đã trở thành một giải thưởng uy tín trong ngành y và khoa học ứng dụng.

Trong năm 2012, ban tổ chức giải thưởng NTĐV tiếp tục kêu gọi các nhà khoa học, các tập thể khoa học có các đề tài giá trị trong lĩnh vực y tế và các ngành khoa học ứng dụng như vực toán học, cơ học, vật lý học, hóa học, sinh học, các khoa học về trái đất và môi trường (đã ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đạt hiệu quả kinh tế – xã hội cao) tham gia chương trình.


Các nhà khoa học, tập thể khoa học muốn tham gia giải thưởng lĩnh vực khoa học ứng dụng có thể gửi hồ sơ đăng ký gửi đến: Ban Thư ký Giải thưởng Nhân tài đất Việt trong Khoa học ứng dụng, Phòng 14, nhà A1, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 18 đường Hoàng Quốc Việt, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Các nhà khoa học, tập thể khoa học muốn tham gia giải thưởng lĩnh vực y tế có thể gửi hồ sơ đăng ký gửi đến: Vụ Pháp chế, Bộ Y tế; Địa chỉ:138A đường Giảng Võ, Quận Ba Đình, TP Hà Nội.

Các nhà khoa học, tập thể khoa học muốn tham gia giải thưởng lĩnh vực CNTT có thể gửi hồ sơ đăng ký gửi đến: báo điện tử VnMedia; địa chỉ: phòng 509, tầng 5, tòa nhà 142 Lê Duẩn, Đống Đa, TP Hà Nội.

Bài: Tùng Nguyên

Ảnh: Lý Minh Nhựt

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-598282/nhieu-net-moi-trong-giai-thuong-nhan-tai-dat-viet-2012.htm

Chuyên ngành mới: Chính sách Công

Posted: 22 May 2012 10:50 PM PDT

Nếu bạn được thôi thúc bởi ước muốn cải thiện chính sách của chính phủ để xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh và nâng cao đời sống cho người dân Việt Nam thì Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (Trường Fulbright hay FETP) chính là nơi bạn cần.

FETP là tổ chức đào tạo và nghiên cứu chính sách công tiên phong ở Việt Nam mà một trong những mục tiêu của trường là hỗ trợ các nhà lãnh đạo tương lai của đất nước chuẩn bị cho những thách thức trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.

Vì sao nghiên cứu chính sách công

Chuyên ngành mới: Chính sách Công 1

Chính sách công là chuyên ngành mới ở Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển khác. Là một lĩnh vực khoa học xã hội, chính sách công dựa trên những nguyên tắc kinh tế học, xã hội học, luật và những chuyên ngành hàn lâm đã được hình thành từ lâu.

Tuy nhiên, khác với những môn học này, hoạt động nghiên cứu chính sách công định hướng đề ra những giải pháp cụ thể cho các vấn đề thực tế. Chúng ta không nghiên cứu chính sách công chỉ để trăn trở với những vấn đề lý thuyết mơ hồ, mà nhằm vận dụng lý thuyết và bằng chứng thực tiễn để thiết kế, triển khai và đánh giá chính sách, từ đó cải thiện điều kiện sống của người dân trong nước và trên thế giới.

Lĩnh vực chính sách công đã phát triển nhanh ở Bắc Mỹ và châu Âu, phần lớn để đáp ứng nhu cầu của học viên. Các nhà chuyên môn trẻ dấn thân vào sự nghiệp công chức nhận thấy rằng tấm bằng thạc sỹ chính sách công sẽ giúp họ có kiến thức cần thiết để thực hiện tốt công việc của mình. Những sinh viên khác cũng bị hấp dẫn bởi chính sách công, kể cả chuyên gia trong các tổ chức quốc tế, các nhóm xã hội dân sự, phóng viên và giảng viên. Ngay cả những người làm kinh doanh cũng dành thời gian tìm hiểu về chính sách công. Sự hiểu biết về kinh tế và tài chính của khu vực công có thể rất hữu ích đối với những doanh nghiệp có quan hệ đối tác với nhà nước, ví dụ trong phát triển hạ tầng, phát triển hệ thống tài chính và các ngành có tính xã hội như giáo dục và y tế.

Chuyên ngành mới: Chính sách Công 2

Chương trình Thạc sĩ Chính sách công (MPP) của FETP là kết quả hợp tác giữa Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy và Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và là chương trình chính sách công đầu tiên ở Việt Nam. Sau bốn năm, chương trình MPP đã trở thành một chương trình hàn lâm đẳng cấp thế giới, kết hợp giữa sự chặt chẽ của lý thuyết với sự hiểu biết sâu sắc về điều kiện đặc thù của Việt Nam. Khi đất nước thay đổi thì chương trình MPP của FETP cũng đổi thay để đáp ứng những thách thức chính sách mới.

Cơ hội nâng cao năng lực cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý

Trường Fulbright đang tuyển sinh đào tạo Thạc sĩ Chính sách Công, Khóa 5, niên khóa 2012-2014. Đây là cơ hội nâng cao năng lực cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý trong khu vực công. Nội dung đào tạo được thiết kế dành cho các cán bộ quản lý nhà nước, giảng viên đại học, chuyên gia nghiên cứu và các nhà quản lý thuộc khu vực tư nhân mà công việc đòi hỏi sự tương tác giữa doanh nghiệp và nhà nước.

Chương trình học kéo dài hai năm, trong đó năm thứ nhất học tập trung tại TP. HCM, năm thứ 2 làm nghiên cứu và thực hiện luận văn tốt nghiệp. Ứng viên trúng tuyển sẽ được nhận học bổng trang trải toàn bộ học phí trong hai năm và trợ cấp sinh hoạt trong năm thứ nhất. Điều kiện dự tuyển là ứng viên phải có bằng tốt nghiệp đại học và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm công tác toàn thời gian. Người làm việc trong khu vực công, phụ nữ và ở các địa phương ngoài TP.HCM được đặc biệt khuyến khích tham dự.

THÔNG TIN DỊCH VỤ

ĐH Đà Nẵng: Mở thêm 12 ngành mới
Các trường công bố ngành mới và chỉ tiêu tuyển sinh
Ba ngành học mới

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120521/Chuyen-nganh-moi-Chinh-sach-Cong.aspx

Comments